Trang

Thứ Bảy, 6 tháng 12, 2014

07-12-2014 : (phần II) CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG năm B


07/12/2014
Chúa Nhật II Mùa Vọng Năm B
(phần II)


GLPÂ CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG, NĂM B

GLPÂ CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG, NĂM B
Sách Ngôn Sứ Isaia 40.1-5.9-11; Thư Thứ II Thánh Phêrô Tông Đồ 3.8-14
và Phúc Âm Thánh Matcô 1.1-8

I.    Giáo Huấn P.Â.:   
Gioan Tầy Giả thực thi sứ mệnh làm tiền hô, dọn đường cho Đấng Cứu Thế bằng cách kêu gọi mọi người: “Hãy dọn đường Chúa đến! Hãy san phẳng lối người đi!”

Dọn đường Chúa đến bằngcách chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội.

Gioan Tẩy giả sống trọn vẹn sứ mạng của mình bằng lối sống kham khổ: mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng, đồng thời rao giảng về “Đấng đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép Người!”

II.   Vấn nạn P.Â.    
Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn.
           
Gioan Tẩy Giả, tiên tri cuối cùng trong Cựu Ước. Ông được Chúa kêu gọi để chuẩn bị cho Đấng Cứu Thề, mở màn cho Tân Ước. Cả hai, Cựu Ước và Tân Ước đều phục vụ cho việc thực hiện giao ước giữa Thiên chúa và con người: Thiên Chúa yêu thương và cứu chuộc con người, nhưng con người phải đáp trả bằng tình yêu thương và lòng trung thành thờ phượng một mình Thiên Chúa. Để thực hiện tương quan tình yêu giữa Trời và Đất nầy. Các Tiên tri thường được kêu gọi để sống và làm những việc rất gây “ấn tượng” để nói lên sứ mệnh của mình.
            
Thí dụ Tiên Tri Giêrêmia nhận lệnh Chúa truyền để làm một cái ách đeo vào cổ.
      
Sứ điệp: Dân Do Thái mất niềm tin vào Chúa, đi liên kết và dựa vào sức mạnh của ngoại bang để rồi bị chính đồng minh bỏ rơi và bị làm nô lệ ngoại bang. Điều nầy được diễn tả trong Giêrêmia chương 27
           
“Vào đầu triều Xít-ki-gia-hu, con vua Giô-si-gia-hu, làm vua Giu-đa, có lời ĐỨC CHÚA phán với ông Giê-rê-mi-a như sau:ĐỨC CHÚA phán với tôi rằng : Ngươi hãy bện dây thừng và làm một cái gông rồi đeo vào cổ. Sau đó, ngươi hãy gửi một sứ điệp cho vua Ê-đôm, vua Mô-áp, vua dân Am-mon, vua Tia, vua Xi-đôn, qua trung gian các sứ giả chúng gửi đến Giê-ru-sa-lem để gặp Xít-ki-gia-hu, vua Giu-đa. Ngươi hãy truyền lệnh cho chúng phải thưa với chủ mình rằng : "ĐỨC CHÚA các đạo binh, Thiên Chúa Ít-ra-en, phán thế này : Các ông hãy thưa với chủ của các ông như sau : Chính Ta đã làm nên cõi đất, con người và súc vật trên mặt đất, nhờ sức mạnh lớn lao và cánh tay uy quyền của Ta ; Ta ban cõi đất này cho ai vừa mắt Ta. Vậy giờ đây, chính Ta trao tất cả các xứ này vào tay Na-bu-cô-đô-nô-xo, vua Ba-by-lon, là tôi tớ của Ta ; ngay cả giống vật ngoài đồng, Ta cũng trao cho nó sử dụng. Mọi dân tộc sẽ phải làm tôi nó cũng như con cháu nó, cho tới khi đến thời của xứ sở nó, đến lượt nó phải làm tôi các dân tộc mạnh mẽ và các vua chúa hùng cường. Vậy, dân tộc nào hoặc vương quốc nào không làm tôi nó, tức là Na-bu-cô-đô-nô-xo, vua Ba-by-lon, và không chịu quàng ách của vua Ba-by-lon vào cổ mình, thì Ta sẽ dùng gươm đao, đói kém và ôn dịch mà viếng thăm dân tộc ấy - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA - cho đến khi Ta dùng tay nó mà làm cho dân tộc ấy biến mất hoàn toàn

            Ngôn sứ Hôsêa nhận lệnh Chúa truyền đi lấy một cô nô lệ làm vợ để giải thoát cô. Nhưng sau đó chính cô vợ nấy lại đi phản bội người chồng đã cứu mình.

            Sứ điệp : Dân Do Thái được Chúa thương yêu giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập, nhưng sau đó lại sống bất trung, phản bội Chúa đi thờ tà thần.  ĐỨC CHÚA phán với tôi : "Một lần nữa, ngươi cứ đi yêu người đàn bà đang có tình nhân và đang ngoại tình, cũng như ĐỨC CHÚA yêu thương con cái Ít-ra-en, trong khi chúng lại quay lưng đi theo các thần khác và thích bánh nho." Thế là tôi đã bỏ ra mười lăm đồng bạc, ba mươi thùng lúa mạch, để mua nàng về. Tôi bảo nàng : "Trong một thời gian dài, mình cứ ở yên cho tôi, không được đi khách, không được theo người đàn ông nào cả ; phần tôi, tôi cũng xử với mình như thế. Vì quả thật, trong một thời gian dài, con cái Ít-ra-en sẽ không có vua, không thủ lãnh, không hy lễ cũng chẳng có trụ thần, chẳng có ê-phốt và tơ-ra-phim.  Sau đó, con cái Ít-ra-en sẽ trở lại tìm kiếm ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của chúng, và tìm Đa-vít, vua của chúng. Ngày lại ngày chúng sẽ đem lòng kính sợ mà hướng về ĐỨC CHÚA và chờ mong ân huệ của Người »

            Thiên Chúa đã chọn gọi Gioan Tẩy Giả để dọn đường, dọn lòng cho dân Do Thái đón nhận Ðấng Mêsia. Gioan là nhịp cầu giữa Cựu Ứơc và Tân Ứơc. Ông thuộc về Cựu Ước như trong Phúc Âm Luca 16,16, nhưng tay ông đã đụng đến Ðấng lập ra Tân Ước. Ông biết mình được sinh ra vào một thời điểm quan trọng trong lịch sử cứu độ, và được sinh ra cho một sứ mạng quan trọng. Gioan thực hiện sứ mệnh mình bằng việc sống trong hoang địa và  nêu gương hãm mình khắc khổ, mặc áo long lạc đả, ăn châu chấu và mật ong, thức ăn của người nghèo, của người từ bỏ thế tục. Nếp sống khổ hạnh của nhà ngôn sứ, từ bỏ mọi tiện nghi để trở thành người của Thiên Chúa để xứng đáng đón nhận Nước Trời đang gần đến. Con người phải từ bỏ chính mình, phải xa rời những tham vọng trần thế thì mới có chỗ cho Đấng Cứu Thế và đáng lãnh nhhyận ơn cứ độ.

Ông rao giảng rằng: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người.”

            Qua câu nói nầy, Gioan xác nhận rõ vai trò làm sứ giả, chuẩn bị dọn đường cho Đấng Cứu Thế của mình. Gioan muốn nói với mọi người rằng: Tôi không là Đấng Cứu Thế, nhưng chỉ là tiếng kêu trong hoang địa để mọi người dọn đường đón Đấng Cứu Thế. Đấng Cứu Thế cao trọng hơn tôi và là Đấng mà muôn dân trông đợi. Đây cũng là lý do tại sao Phúc Âm Matcô bắt đầu bằng chuyện Gioan Tiền Hô chứ không bằng gia phả Chúa Cứu Thế hay chuyện Chúa Giáng Sinh như trong Phúc Âm Matthêô và Luca.  Tin Mừng Maccô được viết cho người Rôma như chúng ta đã nói trong Chúa Nhật thứ I Mùa Vọng khi nói về Thánh Sử Matcô. Theo cách thức của Rôma, khi vua Chúa hay quan lớn của triều đình đi đến đâu thì cũng đều sai quân lính hay sứ giả đi thông báo để dân chúng chuẩn bị đón tiếp cho phải đạo quân thần và Chúa tôi.

            Nên khi viết Phúc Âm cho đọc giả Rôma, Marcô đề cập đến Gioan Tiền Hô, như một sứ giả đi trước để dọn đường Chúa đến. Người đi dọn đường chắc chắn không quan trọng cho bằng người được dọn đường. Nên ông Gioan Tẩy Giả đã phải xác nhận là “Đấng đến sau tôi thì cao trọng hơn tôi!”  Để nói lên vai trò làm sứ giả cho Đấng Cứu Thế, Gioan Tiền Hô đã trích lời tiên tri Malakia và Isia tiên báo nhiều trăm năm trước: “Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta” (Ml. 3,1), “Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Is. 40,3).

III.      Thực hành P.Â:

Nếp sống đơn giản.

            Đức Giám Mục địa phận tôi thỉnh thoảng nhắc nhở anh em linh mục chúng tôi là “just live a simple life!” Hãy sống một đời sống đơn giản!   Nếp sống đơn giản làm cho chúng ta tự do và thoải mái, vì nếu không đơn giản hay duy trì một nếp sống cầu kỳ phức tạp sẽ làm chúng ta bận bịu và mất giờ về quần áo mặc hay về nơi ăn chốn ở hay về những tiện nghi vận dụng mình xài.          

            Có một tân linh mục đã mơ ước một chiếc xe “mới cáo và đắt tiền!” Nên Cha đã phải tiêu pha nhiều tiền và nhiều ngày giờ để dò tìm, để dò giá cả. Sau cùng, Cha mua được chiếc xe mới cáo như lòng mong ước, nhưng Cha phải lái xe rất cẩn thật, sợ cọ quẹt trầy tróc, sợ dơ thảm xe và phải đậu xe chỗ thật an toàn. Nếp sống không đơn giản cho thấy chúng ta chưa dám “mặc áo lông lạc đà, chưa dám ăn châu chấu và mật ong rừng” cũng như chưa dám trình bày về một Chúa Kitô, Đấng sống đơn giản và đơn sơ đến độ “Con Người không có chỗ gối đầu!”

            Một trong những yếu tố mà Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô quang Kiệt được mọi người quí mến là tính đơn giản trong cách ăn mặc và đơn sơ chân thành trong lời ăn tiếng nói.

            Tôi không sao quên được hình ảnh một linh mục người Mỹ tên Hank Slevin ở trại tỵ nạn Mã Lai ngày xưa. Ngài chỉ có hai bộ đồ: quần jean xanh và áo sơ mi tay ngắn có sọc. Sau một ngày làm việc cực nhọc, lã mồ hôi, tối về, giặc đồ cũ đang mặc và xử dụng bộ đồ y chang” như vậy cho ngày mai. Nhờ nếp sống đơn sơ, không bận vướng mà Cha đã có giờ lo cho người tỵ nạn khổ sở và cần đến Cha.

Chúng ta được kêu gọi dọn đường cho Chúa đến

            Tôi rất thích coi duyệt binh ngày lễ quốc khánh: Người ta chuẩn bị thật chu đáo tiếp đón  những chính khách và quốc khách: lễ phục đẹp và oai phong, đi đứng đều đặn, nhịp nhàng và hùng dũng và tiếp đón thật trịnh trọng và theo lễ nghi. Những chính khách và quốc khách lần lượt đến khi bắt đầu giờ khai mạc. Người đến trước nhất là người có địa vị thấp nhất và sau cùng là tổng thống, nhân vật số một cùa quốc gia. Sau quốc nghi là quốc kỳ và quốc ca. Tiếp đến, những đoàn thể và những binh chủng duyệt binh qua lễ đài danh dự có tồng thống và quốc khách đang tham dự. Thường người ta phải mất hàng mầy tháng để làm việc chuẩn bị nầy. Tất cả phải hy sinh cho ngày độc lập của quốc gia. Tất phải chuẩn bị cho ngày quốc khách, cho thề giới biết quốc gia của mình. Quốc gia trên hết!

            Tôi được rửa tội. Tôi được học học giáo lý. Tôi thành giáo dân. Tôi thành linh mục. Tôi lãnh nhiệm vụ trong Hội đồng giáo xứ, tôi làm cha sở hay Cha xứ… Tất cả chỉ để dọn đường cho Nước Chúa hiển trị, cho danh Cha cả sáng và để cho Chúa lớn lên, còn tôi phải nhỏ bé đi. Ít ai muốn mình phải nhỏ bé đi và cho Chúa lớn lên. Nhiều người trong các cộng đoàn Công Giáo đang đòi quyền ăn nói, đang đòi chỗ đứng và đang đòi… lớn lên. Xin hãy trở lại vai trò chuẩn bị cho Chúa đến. Xin hãy noi gương Thánh Gioan Tiền Hô, làm cho Chúa lớn lên và nước Chúa thống trị trong mọi tâm hồn. Trước khi làm việc gì, xin hãy tự hỏi: Việc nầy thực hiện xong thành công, người ta sẽ biết Chúa hay người ta sẽ biết tôi là người tài ba, khéo léo tổ chức?

            Bài hát “Con đường Chúa đã đi!” của Văn Chi diễn tả đường khổ hình thập giá. Đường Chúa đi và đường chúng ta theo Chúa. Tôi còn thấy một con đường Chúa đi khác mà chúng ta phải chuẩn bị là đường thẳng ngay, bằng phẳng tức tâm hồn chính trực. Người mua bán làm ăn hay mánh mung sẽ cười khi nghe tôi nói về đường chính trực, bằng phảng. Làm ăn mà có sao nói vậy, ngay thẳng không mánh mung lừa đảo thì lấy gì mà ăn? Từ chỗ đó, thường người đi tu lâu năm mà phải ra đời thì làm ăn không sao khá nổi. Vì hiền quá! ngay thẳng quá! Dễ chạnh lòng quá! Thật khó tìm một tâm hồn chính trực hay thành thật trong xã hội bon chen ngày nay.

            Lối sống gian xảo, lọc lừa hay bất chính của xã hội đã len lỏi vào cả trong giới nhà tu, linh mục, tu sĩ ngày nay. Người ta biện bạch bằng từ “khéo!” Có linh mục được mời ăn cơm khách, sau khi ăn xong con xin đồ ăn mang về vì ngon quá! Nhưng kỳ thực, cha không bao giờ đụng tới những thức ăn đó. Xin là vì “khéo!” lấy lòng gia chủ thôi! Một bà đã gần 80 tuổi mà mỗi lần gặp Cha xứ là bà cười híp mắt vì Cha bảo “trông bà chỉ chừng 40 là cùng!” Cha thật khéo! Nhưng Cha đã không có tâm hồn và lối sống bằng phảng và chân thật.

            Không dễ gì, nhưng noi gương Gioan Tẩy giả vẫn hay hơn: sống thanh đạm, đơn giản, mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng; không “nổ” làm gì! Cũng chả cần “khéo!” làm chi! Chỉ cần làm cho mình thàng đường bằng phẳng, ngay thẳng và chân thật. Đó là đường Chúa sẽ đi đến với chúng ta.

Lm Phêrô Trần Thế Tuyên


Giấc mơ hay hiện thực
Một người kia kể lại giấc mơ khủng khiếp như sau: Tôi thấy mình đứng trước một biệt thự nguy nga. Bước vào trong, tôi thấy hai hành lang với hai hàng chữ: Bên phải dành cho người Công giáo, bên trái dành cho kẻ ngoại đạo. Theo bảng chỉ dẫn, tôi đi theo hành lang bên phải dành cho người Công giáo.
Đi được một lúc, tôi thấy mình đứng trước một ngã rẽ khác. Lần này tôi đọc thấy bảng chỉ dẫn như sau: Bên phải dành cho kẻ có đức tin vững mạnh, bên trái dành cho kẻ có đức tin yếu kém. Và tôi lại đi bên phải.
Đến một ngã rẽ khác, tôi lại thấy một bảng chỉ dẫn: Bên phải dành cho những người có lòng bác ái, bên trái dành cho những người ích kỷ. Tôi lại chạy qua bên phải mà đi.
Cuối cùng tôi gặp một bảng chỉ dẫn: Bên phải dành cho những ai có đời sống thánh thiện, bên trái dành cho những kẻ tội lỗi. Một lần nữa tôi cứ chọn bên phải mà đi. Nhưng tôi đang hân hoan rảo bước, thì bỗng một cảnh tượng hãi hùng khủng khiếp hiện ra ở cuối hành lang ấy: cảnh hỏa ngục với muôn vàn hình khổ không lời nào tả xiết. Tôi hoảng hốt kêu rú lên và giật mình thức giấc.
Sau một phút tôi hoàn hồn và tự hỏi: “Phải chăng đời sống đạo của tôi cũng chỉ là một giấc mơ hãi hùng?”.
Câu hỏi trên đây có lẽ cũng có thể được nêu lên cho mỗi người chúng ta trước tiếng hô của Gioan Tẩy Giả: “Có tiếng hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”. Thường thì chúng ta cứ chọn bên phải mà đi, chứ mấy ai lại thích đi bên trái. Cái ảo tưởng về sự tốt lành của mình luôn luôn bám sát chúng ta như hình với bóng. Lòng tự cao tự đại thường mê hoặc chúng ta, làm cho chúng ta như chìm sâu mãi vào một giấc mơ hãi hùng.
“Anh em hãy tỉnh cơn mê, đêm đã tàn, ngày đang đến”. Lời ấy của thánh Phaolô muốn thôi thúc chúng ta thành khẩn nhìn lại giá trị đích thực của đời mình. Tôi có thực sự xứng đáng đứng bên phải trong ngày phán xét cuối cùng không? Hay đó chỉ là một giấc mơ hãi hùng?
Gioan Tẩy Giả kêu gọi chúng ta hãy dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Dọn đường cho Ngài đến thực hiện một cuộc giải phóng mới, không phải giải phóng khỏi ách nô lệ Ai Cập hay khỏi nơi lưu đầy Babylon, mà là khỏi tội lỗi, trở về với Thiên Chúa. Vì vậy, Gioan Tẩy Giả kêu gọi mọi người hãy sám hối. Ông đã dùng phép rửa như một dấu hiệu của lòng sám hối, từ bỏ tội lỗi để đón nhận Chúa Kitô, đồng thời như một dấu hiệu tiên báo một phép rửa hoàn hảo hơn -Phép rửa của Chúa Giêsu: “Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, còn Ngài, Ngài sẽ làm Phép Rửa cho anh em bằng Thánh Thần”.
Gioan không chỉ rao giảng sám hối mà còn sống tinh thần sám hối, không chỉ thức tỉnh dân chúng trước biến cố đang xảy đến mà còn lay tỉnh chính mình trước công việc mầu nhiệm của Thiên Chúa: cách ăn mặc của Gioan nói lên tâm tư và phong cách sám hối. Thực vậy, lối sống đơn giản và khổ chế của Gioan – mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng – chứng tỏ ông đã thoát khỏi những ràng buộc phiền toái của xã hội Do Thái và những bận tâm quá đáng về vật chất để quy hướng cuộc sống vào việc chào đón và rao giảng về Đấng Cứu Thế. Ông đã làm chứng về Đấng Cứu Thế và chờ đợi Ngài đến bằng một đời sống khổ hạnh và tỉnh thức.
Đời người là một Mùa Vọng dài hướng về ngày Chúa đến lại. Mỗi tín hữu là một Gioan Tẩy Giả, và toàn thể Giáo Hội có sứ mạng tiền hô. Người tín hữu hôm nay, khi nhắc đến mầu nhiệm Chúa đến, phải có tâm tư và thái độ sống thế nào để dọn đường cho những anh chị em chung quanh biết đón chờ Chúa? Chúng ta đã gia tăng cầu nguyện, hoán cải đời sống để dọn đường Chúa đến, để chuẩn bị cho Chúa tỏ mình ra chưa?
Lòng sám hối đích thực không nằm ở nơi những tình cảm tốt đẹp, những sáo ngữ hấp dẫn, những nghi thức rầm rộ bên ngoài, nhưng nơi những công việc và hành vi cụ thể: sửa lại cho thẳng những lối đi quanh co tăm tối của con tim, bạt xuống cho bằng các đồi núi kiêu căng của tâm trí, lấp đầy hố thẳm nghèo đói Lời Chúa của tâm hồn.
Thánh Phêrô trong thư của ngài đã cho thấy lòng sám hối không phải là một thái độ nhất thời, mà là thái độ thường xuyên của người Kitô hữu trong suốt giai đoạn chờ Ngày của Chúa. Ngài nhắn nhủ: “Anh em thân mến, trong khi chờ đợi ngày đó, anh em phải cố gắng nên tinh tuyền, không chi đáng trách, để được bình an trước mặt Chúa” (2Pr 3,14). Lời nhắn nhủ đó là những lời kêu gọi các tín hữu sám hối để tạo nên cho mình một thái độ tương xứng cần thiết.
Hiển nhiên là lời kêu gọi sám hối trong Phụng Vụ Chúa Nhật 2 Mùa Vọng này không thể chỉ được giới hạn trong việc xét mình ăn năn và xưng tội để có được một tâm hồn trong sạch xứng đáng cho Chúa ngự, vào thánh lễ đêm Giáng Sinh. Sám hối là một thái độ sống của người Kitô hữu. Sám hối là một sự đổi mới, một sự đổi mới toàn diện: trong tư tưởng, trong sự chọn lựa, trong hành động. Sự đổi mới này không chỉ diễn ra một lần là đủ, mà là một đổi mới liên tục. Người Kitô hữu được kêu gọi từ bỏ con người cũ, lối sống theo lòng ích kỷ, tham lam, tàn bạo, không đếm xỉa đến quyền lợi của người khác, để sống theo con người mới với lòng yêu thương, với tình liên đới với người chung quanh, ở trong gia đình, trong trường lớp, trong cơ quan, xí nghiệp… Người Kitô hữu vẫn tin rằng ơn cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện không chỉ nơi thâm sâu thầm kín của từng con người mà còn ngang qua lịch sử trong xã hội con người.
Tiếng hô của Gioan Tẩy Giả trong hoang địa là một tiếng gọi mang đầy hy vọng và niềm vui: “Hãy dọn đường cho Đấng Cứu Thế, vì Người sắp đến rồi!”. Hãy thay đổi bộ mặt trái đất này cho loài người được sống ấm no hạnh phúc, để cho Trời Mới Đất Mới xuất hiện, trong đó công lý và hòa bình sẽ ngự trị và mọi người sẽ được thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.
(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Lectio: Chúa Nhật II Mùa Vọng (B)
Chúa Nhật, 7 Tháng 12, 2014
Lời công bố của Gioan Tẩy Giả trong sa mạc
Mc 1:1-8


1.  Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy ban Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.  Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của mình.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự việc của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con, để cũng giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã gửi Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.

 2.  Bài Đọc 

a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Tính thuần nhất văn chương của đoạn Phúc Âm Máccô 1:1-13 mà trong đó có bài Tin Mừng của chúng ta (Mc 1:1-8) là một lời giới thiệu ngắn để công bố Tin Mừng của Thiên Chúa.  Có ba điểm chính:  (i)  Tin Mừng được chuẩn bị bởi các sự kiện của Gioan Tẩy Giả (Mc 1:2-8);  (ii) Nó được công bố nhân dịp Đức Giêsu chịu phép rửa (Mc 1:9-11);  (iii) Nó bị thử thách tại thời điểm Chúa Giêsu bị cám dỗ trong sa mạc (Mc 1:12-13).

Vào những năm thuộc thập niên 70, thời gian khi thánh Máccô đang viết quyển Tin Mừng của ông, các cộng đoàn đang trải qua những thời điểm khó khăn.  Họ đang bị bách hại từ bên ngoài bởi đế chế La Mã.  Từ bên trong, họ đã sống với những nghi ngờ và căng thẳng.  Có nhóm cho rằng Gioan Tẩy Giả thì ngang hàng với Đức Giêsu (Cv 18:26; 19:3).  Những người khác muốn biết làm cách nào để rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu.  Trong một ít câu này, thánh Máccô bắt đầu trả lời bằng cách nói với họ về Tin Mừng của Chúa mà Đức Giêsu đã công bố được bắt đầu như thế nào, và Gioan Tẩy Giả giữ địa vị nào trong chương trình của Thiên Chúa. Khi đọc, chúng ta hãy cố gắng để ý tới Tin Mừng thấm nhập vào trong cuộc sống của người ta bằng cách nào.  

b)  Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:
Mc 1:1:  Lời tựa và câu mở đầu của Tin Mừng Máccô
Mt 1:2-3:  Trích lời của các tiên tri Malakhi và Isaia
Mt 1:4-5:  Nội dung lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả và tiếng vang vọng của lời ấy
Mt 1:6-8:  Ý nghĩa lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả

c)  Phúc Âm:  
1 Khởi đầu Phúc Âm của Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa.  2 Như có lời tiên tri Isaia chép rằng:  Đây, Ta sai thiên thần của Ta đến trước mặt ngươi để dọn đường cho ngươi.  3 Có tiếng kêu trong hoang địa rằng:  “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng.”  4 Gioan Tẩy Giả xuất hiện trong hoang địa, rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội.  5 Dân các miền Giuđêa và Giêrusalem tuôn đến với người, thú tội và chịu phép rửa trong sông Giođan.  6 Lúc đó Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, ăn châu chấu và uống mật ong rừng.  7Người rao giảng rằng:  “Đấng đến sau tôi, quyền năng hơn tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi dây giày Người.  8 Phần tôi, tôi lấy nước mà rửa các ngươi, còn Ngài, Ngài sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần.”     

3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện

Để Lời Chúa được thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý

Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân.

a)  Phần nào của bài Tin Mừng này bạn thích nhất và phần nào đánh động bạn nhất? 
b)  Đoạn Tin Mừng nói gì về sứ vụ của Gioan Tẩy Giả?            
c)  Tại sao Phúc Âm trích dẫn lời của hai tiên tri trong Cựu Ước?
d)  Đoạn Tin Mừng cho chúng ta biết gì về con người của Đức Giêsu và sứ vụ của Người?
e)  Giáo lý ấy dạy cho chúng ta điều gì ngày nay?

5.  Dành cho những ai muốn đào sâu hơn vào trong chủ đề 

a)  Bối cảnh thời ấy và ngày nay:

Tin Mừng theo Máccô bắt đầu như thế này:  Khởi đầu Phúc Âm của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa! (Mc 1:1).  Tất cả mọi việc đều có một khởi đầu, ngay cả Tin Mừng của Thiên Chúa mà Đức Giêsu truyền đạt lại cho chúng ta.  Đoạn Tin Mừng được đề nghị cho việc suy gẫm cho chúng ta thấy thánh Máccô đã có lời mở đầu như thế nào.  Ông đã trích dẫn lời của các tiên tri Isaia và Malakhi và đề cập đến Gioan Tẩy Giả, người đã dọn đường cho sự xuất hiện của Đức Giêsu.  Vì thế Máccô cho chúng ta biết rằng Tin Mừng của Thiên Chúa, được mạc khải bởi Đức Giêsu, không phải bất ngờ từ trên trời rơi xuống, nhưng đã đến từ lâu lắm rồi, qua lịch sử.  Và nó có người dọn đường, một ai đó đã chuẩn bị cho sự xuất hiện của Chúa Giêsu.   

Đối với chúng ta cũng vậy, Tin Mừng xuất hiện qua dân chúng và các sự kiện quy hướng về Đức Giêsu.  Đó là lý do tại sao trong khi suy gẫm Tin Mừng viết bởi Máccô, tốt hơn là chúng ta không nên quên câu hỏi này:  “Trong câu chuyện cuộc đời của tôi, ai đã chỉ cho tôi con đường đến với Chúa Giêsu?”  Lần nữa thêm một câu hỏi khác:  “Tôi đã có giúp ai khám phá ra Tin Mừng của Thiên Chúa trong đời của họ chưa?  Tôi có đã là kẻ dọn đường cho người nào đó chưa?”       

b)  Lời bình giải về đoạn Tin Mừng: 

Mc 1:1:  Khởi đầu Phúc Âm của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa

Trong câu đầu của sách Tin Mừng, Máccô viết rằng:  Khởi đầu Phúc Âm của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa! (Mc 1:1).  Tại phần cuối của sách Phúc Âm, khi Chúa Giêsu đang sinh thì, một người lính đã kêu lên:  Quả thật người này là Con Thiên Chúa (Mc 15:39).  Tại lúc khởi đầu và kết thúc, chúng ta đều bắt gặp danh xưng này, Con Thiên Chúa.  Giữa đoạn đầu và đoạn kết, qua các trang của Phúc Âm, thánh Máccô đã giải thích về chân lý chủ yếu này của đức tin chúng ta, rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, phải được thấu hiểu và được công bố.    

Mc 1:2-3:  Hạt giống Tin Mừng được ẩn dấu trong niềm hy vọng của dân chúng 
Hướng về điểm bắt đầu sách Tin Mừng, Máccô trích dẫn lời các tiên tri Malakhi và Isaia.  Trong lời của hai tiên tri này, chúng ta thấy niềm hy vọng chất chứa trong lòng người ta vào thời Chúa Giêsu.  Người ta hy vọng rằng vị sứ giả, được công bố bởi tiên tri Malakhi, sẽ đến để chuẩn bị dọn đường cho Thiên Chúa (Ml 3:1), như đã được công bố bởi tiên tri Isaia:  Có tiếng kêu rằng:  ‘Hãy dọn đường cho Đức Chúa trong hoang địa.  Hãy sửa đường ngay thẳng cho Thiên Chúa chúng ta’ (Is 40:3). Đối với Máccô, hạt giống Tin Mừng là niềm hy vọng được nuôi dưỡng trong dân chúng bởi những lời hứa tuyệt vời mà Chúa Giêsu đã nói trong quá khứ qua hai ngôn sứ.  Cho đến ngày nay, niềm hy vọng của người ta là cái móc mà Tin Mừng của Chúa treo lên.  Để biết cách bắt đầu công bố Tin Mừng, điều quan trọng là khám phá ra niềm hy vọng mà người ta có trong lòng của họ.  Hy vọng là điều tồn tại đến phút cuối!

Mc 1:4-5:  Phong trào đại chúng được khởi đầu bởi Gioan Tẩy Giả làm tăng niềm hy vọng của người ta
Thánh Máccô làm những gì mà chúng ta vẫn còn làm ngày nay.  Ông xử dụng Kinh Thánh để làm sáng tỏ các sự kiện của đời sống.  Gioan Tẩy Giả đã bắt đầu một phong trào rất đại chúng.  Tất cả dân miền Giuđêa và dân thành Giêrusalem tuôn đến với Gioan!  Máccô đã dùng lời trong sách của tiên tri Malakhi và Isaia để làm sáng tỏ về phong trào đại chúng này được phát động bởi Gioan Tẩy Giả.  Ông cho thấy rằng với sự xuất hiện của Gioan Tẩy Giả, niềm hy vọng của dân chúng bắt đầu đi tìm câu trả lời, được thực hiện.  Hạt giống của Tin Mừng bắt đầu nẩy mầm và phát triển.    

Mc 1:6-8:  Gioan Tẩy Giả là ngôn sứ Êlia được người ta mong đợi
Người ta nói về ngôn sứ Êlia rằng ông sẽ đến để dọn đường cho Đấng Mêssia: “Ông sẽ đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu và tâm hồn con cháu trở lại với cha ông” (Ml 3:24; Lc 1:17), nói cách khác, họ đã hy vọng rằng ngôn sứ Êlia sẽ đến để xây dựng lại đời sống cộng đoàn.  Ngôn sứ Êlia đã được biết đến như “người mặc áo choàng lông… và thắt lưng da thú” (2V 1:8).  Máccô nói rằng Gioan đã mặcáo lông lạc đà.  Ông đang nói một cách rõ ràng rằng Gioan Tẩy Giả đã đến để thi hành sứ vụ của Ngôn Sứ Êlia (Mc 9:11-13).
Trong những năm của thập niên 70, thời gian lúc thánh Máccô đang viết quyển Tin Mừng, nhiều người đã nghĩ rằng Gioan Tẩy Giả là Đấng Mêssia (xem Cv 19:1-3). Để cho họ nhận thức, Máccô viết lại chính những lời của Gioan Tẩy Giả:  Đấng đến sau tôi, quyền năng hơn tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi dây giày Người.  Phần tôi, tôi lấy nước mà rửa các ngươi; còn Người, Người sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần.  Máccô nói rằng Gioan chỉ ra con đường để đến với Đức Giêsu.  Ông nói với cộng đoàn rằng Gioan Tẩy Giả không phải là Đấng Thiên Sai, mà là người dọn đường cho Đấng ấy.

c)  Tài liệu phụ:

*  Bối cảnh rộng lớn hơn về phần mở đầu Phúc Âm theo Máccô (Mc 1:1-13)

Lời công bố trang trọng về Tin Mừng (Mc 1:9-11).
Người ta đã nghĩ rằng phép rửa của Gioan là do Thiên Chúa! (Mc 11:32).  Giống như mọi người, Đức Giêsu cũng thấy rằng Thiên Chúa đã tự thể hiện trong lời rao truyền của Gioan.  Đó là lý do tại sao Người đã rời Nagiarét, đến bờ sông Giođan và xếp hàng để được lãnh phép rửa.  Đang khi Người sắp được lãnh phép rửa, Chúa Giêsu đã có một trải nghiệm sâu xa về Thiên Chúa.  Người đã thấy tầng trời mở ra và Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Người, và có tiếng Chúa Cha nói rằng: Con là Con Yêu Dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.  Những lời ngắn ngủi này bao gồm ba điểm rất quan trọng sau đây:
i)  Đức Giêsu có trải nghiệm Thiên Chúa là Cha và Người là Con.  Ở đây có một tính chất tuyệt vời mà Đức Giêsu thông tri với chúng ta:  Thiên Chúa là Cha.  Thiên Chúa là Đấng cao vời như Chúa Tể Tối Cao, tiến đến gần chúng ta như Chúa Cha, thật gần gũi như Abba, nghĩa là Cha.  Đây là tâm điểm của Tin Mừng mà Chúa Giêsu mang đến cho chúng ta.
ii)  Có một câu nói mà Đức Giêsu đã nghe từ Chúa Cha và từ ngôn sứ Isaia:  Đấng Thiên Sai được loan báo như Người Tôi Trung của Thiên Chúa và của muôn dân (Is 42:1).  Chúa Cha tuyên bố với Đức Giêsu về sứ vụ của Người như là Đấng Thiên Sai Tôi Tớ, và không phải như là một vị Vua vinh hiển.  Đức Giêsu nhận lãnh sứ vụ phục vụ này và đã trung thành cho đến chết, và chết trên thập giá  (xem Pl 2:7-8). Người đã nói:  “Ta đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ!” (Mc 10:45).
iii)  Đức Giêsu đã nhìn thấy các tầng trời mở ra và Chúa Thánh Thần, như chim bồ câu, ngự xuống trên Người.  Đây chính là lúc Đức Giêsu khám phá ra sứ vụ của Ngài là Đấng Mêssia Cứu Thế mà Người nhận lãnh Chúa Thánh Thần để có thể trợ lực cho Người hoàn thành sứ vụ.  Ân sủng của Chúa Thánh Thần đã được hứa bởi các ngôn sứ (Is 11:1-9; 61:1-3; Ge 3:1).  Lời giao ước bắt đầu xảy ra một cách long trọng khi Chúa Cha tuyên bố Đức Giêsu là Con Yêu Dấu của Người    

Tin Mừng bị thử thách và được xác nhận trong hoang địa (Mc 1:12-13).
Sau khi chịu phép rửa, Thần Khí Thiên Chúa liền đẩy Đức Giêsu vào hoang địa, nơi đó Người chuẩn bị cho sứ vụ của mình (Mc 1:12 và các câu kế tiếp).  Máccô nói rằng Chúa Giêsu ở trong hoang địa bốn mươi ngày và đã chịu ma quỷ, Satan, cám dỗ.  Mátthêu 4:1-11 nói về những cám dỗ một cách rõ ràng:  Cám dỗ tấn công người ta trong hoang địa sau khi dân Do Thái rời khỏi đất Ai Cập: cám dỗ của cơm bánh, cám dỗ của vinh hoa lợi lộc, cám dỗ của quyền lực (Đnl 8:3; 6:16; 6:13). Cám dỗ là bất cứ điều gì tấn công người nào đó trên con đường đi đến với Thiên Chúa.  Bằng cách để cho Lời Chúa hướng dẫn Người, Chúa Giêsu đối diện với những cám dỗ và sẽ không cho phép mình bị cám dỗ lấn áp (Mt 4:4, 7, 10).  Trong tất cả mọi việc, Người đều giống chúng ta, ngay cả trong vấn đề cám dỗ, ngoại trừ tội lỗi (Dt 4:15).  Sống giữa những người nghèo khó và nên một với Chúa Cha qua lời cầu nguyện, Người đã quyết tâm và theo con đường của Đấng-Mêssia-Tôi-Tớ, con đường của việc phục vụ Thiên Chúa và muôn người (Mt 20:28).

*  Khởi đầu Tin Mừng của Chúa Giêsu, ngày hôm nay!  Hạt giống Phúc Âm ở giữa chúng ta.

Thánh Máccô bắt đầu quyển Phúc Âm của mình bằng cách mô tả sự khởi đầu của việc công bố Tin Mừng Thiên Chúa.  Chúng ta có thể mong chờ một ngày chính xác.  Nhưng những gì chúng ta có trong tay thì dường như là một câu trả lời mơ hồ. Máccô trích dẫn lời các ngôn sứ Isaia và Malakhi (Mc 1:2-3), nói về Gioan Tẩy Giả (Mc 1:4-5), ám chỉ đến tiên tri Êlia (Mc 1:4), đề cập đến lời tiên tri liên quan đến Người Tôi Tớ của Đức Chúa (Mc 1:11) và kêu gọi sự chú ý của chúng ta về những cám dỗ của dân Do Thái trong sa mạc sau khi rời khỏi đất Ai Cập (Mc 1:13).  Và chúng ta thắc mắc:  “Nhưng mà thánh Máccô, khi nào là thời điểm chính xác của sự khởi đầu:  tại lúc rời bỏ đất Ai Cập, hay là lúc với các ông Môisen, Isaia, Malakhi, Gioan Tẩy Giả?  Khi nào?”  Lúc khởi đầu, hạt giống, có thể là tất cả những điều này cùng một lúc.  Điều mà thánh Máccô muốn đề nghị là chúng ta phải học cách đọc lịch sử của chúng ta từ một góc cạnh khác.  Lúc khởi đầu, hạt giống Tin Mừng của Chúa được ẩn dấu trong đời sống chúng ta, trong quá khứ của chúng ta, trong quá trình mà chúng ta sống.  Những người của Kinh Thánh đã tin chắc rằng Thiên Chúa hiện diện trong đời sống chúng ta và trong lịch sử chúng ta.  Đó là lý do tại sao họ vẫn tiếp tục nhắc lại các dữ kiện và nhân vật trong quá khứ.  Bất cứ ai quên mất đi căn tính của mình, thì không biết mình xuất xứ từ đâu hoặc mình sẽ đi về đâu. Những người của Kinh Thánh đọc về lịch sử của quá khứ để tìm hiểu cách thức đọc lịch sử của hiện tại và khám phá ra ở đó các dấu hiệu về sự hiện diện của Thiên Chúa.  Đây là những gì Máccô đã ứng dụng vào lúc khởi đầu quyển Phúc Âm của ông.  Ông cố gắng khám phá ra các dữ kiện và tập trung vào chủ đề hy vọng đến từ cuộc xuất hành của dân Do Thái, từ ông Môisen, qua các ngôn sứ Êlia, Isaia và Malakhi, đến thời ông Gioan Tẩy Giả là kẻ trông thấy trong con người Đức Giêsu là Đấng hoàn thành niềm hy vọng của muôn dân.

Thấp hèn như chúng ta, chủ đề hy vọng còn hiện hữu hôm nay trong lịch sử của chúng ta để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn và công bằng hơn là gì?  Sau đây là một số những gợi ý:  (1) sức đề kháng và sự nhận thức chung trong thế giới của các dân tộc bị áp bức đi tìm cuộc sống và phẩm giá cho tất cả mọi người;  (2) một ý thức mới mẻ như thế trong nhiều người cho thấy những khía cạnh mới trong đời sống đã không được nhận thức trước đây;  (3) một tri giác sinh thái mới được triển nở khắp nơi, hơn hết cả là trong giới trẻ và thiếu niên;  (4) một nhận thức ngày càng tăng về quyền công dân tìm kiếm các hình thức mới về dân chủ;  (5) cuộc bàn cãi và tranh luận về các vấn đề xã hội tạo nên sự mong muốn tham dự vào việc cải đổi đến một điều gì đẹp đẽ hơn ngay cả trong số những người đang bận rộn với công việc và chuyện học hành mà vẫn còn dành được thì giờ tình nguyện phục vụ người khác;  (6) sự tìm kiếm cho những mối quan hệ êm ái và sự tôn trọng giữa người ta và các dân tộc ngày càng gia tăng;  (7) sự phẫn nộ ngày càng gia tăng đối với sự thối nát và quá khích.  Nói tóm lại, có một cái gì đó mới mẻ đang phát triển và không cho phép sự thờ ơ trước các lạm dụng về chính trị, xã hội, văn hóa, giai cấp và giới tính.  Có một niềm hy vọng mới, một niềm mơ ước mới, một ước muốn cho sự thay đổi!  Việc loan báo Phúc Âm sẽ thật sự là Tin Mừng nếu nó mang đến sự mới mẻ đang bắt đầu phát triển trong người dân.  Trợ giúp người ta mở mắt để thấy sự mới mẻ này, ủy thác cộng đoàn đức tin để tìm kiếm sự lý tưởng ấy, có nghĩa là công nhận sự hiện diện giải thoát và hoán cải của Thiên Chúa đang tác động trong các việc hằng ngày của đời sống chúng ta.           
          
6.  Thánh Vịnh 72 (71)                                                                                              
Niềm hy vọng vào Đấng Thiên Sai ở trong tim mọi người
Tâu Thượng Đế, xin ban quyền bính Ngài cho vị Tân Vương,
trao công lý Ngài vào tay Thái Tử,
để Tân Vương xét xử dân Ngài theo công lý,
và bênh vực quyền lợi kẻ nghèo hèn.

Núi đem lại cảnh hoà bình trăm họ,
đồi rước về nền công lý vạn dân.
Người sẽ bảo toàn quyền lợi dân cùng khổ,
ra tay cứu độ kẻ khó nghèo,
đập tan lũ cường hào ác bá.
Nguyện chúc Người tuổi thọ sánh vầng ô,
như bóng nguyệt đến muôn đời muôn kiếp!

Mong Người xuống tựa mưa sa nội cỏ,
ơn vũ lộ thấm nhuần cả đất đai.
Triều đại Người, đua nở hoa công lý
và thái bình thịnh trị tới ngày nao tuế nguyệt chẳng còn.
Người làm bá chủ từ biển này qua biển nọ,
từ Sông Cả đến tận cùng cõi đất.

Dân vùng sa mạc khúm núm quy hàng,
tất cả đối phương nhục nhằn cắn cỏ.
Từ Tác-sít và hải đảo xa xăm,
hàng vương giả sẽ về triều cống.
Cả những vua Ả-rập, Saba,
cũng đều tới tiến dâng lễ vật.
Mọi quân vương phủ phục trước bệ rồng,
muôn dân nước thảy đều phụng sự.

Người giải thoát bần dân kêu khổ
và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương,
chạnh lòng thương ai bé nhỏ khó nghèo.
Mạng sống dân nghèo, Người ra tay tế độ,
giải thoát cho khỏi áp bức bạo tàn,
từng giọt máu họ, Người đều coi là quý.

Tân Vương vạn vạn tuế!
Thiên hạ sẽ đem vàng Ả-rập tiến dâng lên,
và cầu xin cho Người luôn mãi,
ngày lại ngày chúc phúc cho Người.
Mong cho xứ sở đầy dư gạo thóc,
đỉnh non cao sóng lúa rì rào,
trổ bông vàng đẹp tựa núi Li-băng,
thâu lượm được nhiều như cỏ dại.

Danh thơm Người sẽ trường tồn vạn kỷ,
nức tiếng gần xa dưới ánh mặt trời.
Ước gì mọi sắc tộc trần gian, nhờ Người được chúc lành,
và muôn dân thiên hạ ngợi khen Người có phúc.
Chúc tụng ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa Israel,
chỉ có Ngài làm nên những công trình kỳ diệu.
Muôn muôn đời xin chúc tụng danh Chúa hiển vinh,
ước gì vinh quang Chúa chiếu toả khắp hoàn cầu!
Amen. Amen.
7.  Lời Nguyện Kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha.  Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực hành Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét