Trang

Thứ Hai, 5 tháng 10, 2015

06-10-2015 : THỨ BA TUẦN XXVII MÙA THƯỜNG NIÊN

06/10/2015
Thứ Ba sau Chúa Nhật 27 Quanh Năm

Bài Ðọc I: (Năm I) Gn 3, 1-10
"Dân thành Ninivê đã bỏ đàng tội lỗi".
Trích sách Tiên tri Giona.
Lời Chúa phán cùng Giona rằng: "Hãy chỗi dậy và đi đến Ninivê, một thành phố lớn, và rao giảng cho nó điều Ta sẽ nói cho ngươi". Giona chỗi dậy và đi đến Ninivê theo lời Chúa dạy. Ninivê là một thành phố lớn, rộng bằng ba ngày đàng. Giona tiến vào thành phố, đi một ngày đàng, rồi rao giảng rằng: "Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá huỷ". Dân thành tin tưởng nơi Chúa; họ công bố việc ăn chay và mặc áo nhặm, từ người lớn đến trẻ nhỏ.
Vua thành Ninivê nghe điều đó, liền bỏ ngai vàng, cởi áo cẩm bào, mặc áo nhặm và ngồi trên đống tro. Trong thành Ninivê, người ta rao sắc lệnh sau đây của nhà vua và các vương hầu: "Người, vật, bò, chiên, không được nếm, không được ăn uống gì hết; người và vật phải mặc áo nhặm, phải kêu to lên cùng Chúa và phải cải thiện đời sống, phải bỏ đàng tội lỗi và những điều bất chính đã phạm. Biết đâu Chúa sẽ đổi ý thứ tha, nguôi giận và chúng ta khỏi chết?" Chúa thấy việc họ làm, vì họ bỏ đời sống xấu xa, Chúa đổi ý định phạt họ, và Người không thực hiện điều đó.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 129, 1-2. 3-4ab. 7-8
Ðáp: Nếu Chúa nhớ hoài sự lỗi, lạy Chúa, nào ai chịu nổi được ư? (c. 3)
Xướng: 1) Từ vực sâu, lạy Chúa, con kêu lên Chúa. Lạy Chúa, xin nghe tiếng con cầu! Dám xin Chúa hãy lắng tai, hầu nghe thấu tiếng van nài của con. - Ðáp.
2) Nếu Chúa nhớ hoài sự lỗi, lạy Chúa, nào ai chịu nổi được ư? Nhưng Chúa thường rộng lượng thứ tha, để cho thiên hạ tôn thờ kính yêu. - Ðáp.
3) Israel đang mong đợi Chúa: bởi vì Chúa rộng lượng từ bi và Chúa rất giầu ơn cứu độ. Và chính Ngài sẽ giải thoát Israel cho khỏi mọi điều gian ác. - Ðáp.

Alleluia: Tv 144, 14cd
Alleluia, alleluia! - Chúa trung thành trong mọi lời Chúa phán, và thánh thiện trong mọi việc Chúa làm. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 10, 38-42
"Martha rước Người vào nhà mình. Maria đã chọn phần tốt nhất".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy Chúa Giêsu vào một làng kia, và có một phụ nữ tên là Martha rước Người vào nhà mình. Bà có người em gái tên là Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người. Martha bận rộn với việc thết đãi khách. Bà đứng lại thưa Người rằng: "Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với".
Nhưng Chúa đáp: "Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện (quá). Chỉ có một sự cần mà thôi, Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Lắng Nghe và Chiêm Niệm

Ngày nay, những tiện nghi do tiến bộ kỹ thuật mang lại đang tạo ra một nền văn hóa mới đặt tính hiệu năng và khả năng tiêu thụ lên hàng đầu bậc thang giá trị: người được đánh giá cao là người tài giỏi, giầu có, làm ra tiền và có khả năng tiêu thụ cao. Trong một nền văn minh như thế, dĩ nhiên những giá trị luân lý, tôn giáo hoặc bị đưa xuống thành thứ yếu, hoặc bị quên lãng và ngay cả bị chà đạp. Ðây là một thách đố lớn lao đối với Giáo Hội. Giáo Hội qua các Kitô hữu hiện diện như một dấu chỉ của cuộc sống mai hậu và những giá trị siêu việt, nhưng liệu các Kitô hữu có còn đủ thức tỉnh và can đảm làm chứng cho những giá trị siêu việt ấy không hay chính họ cũng chiều theo cám dỗ chạy theo dòng đời, thỏa hiệp với những sức mạnh tăm tối đang xói mòn những giá trị luân lý đạo đức và loại bỏ chiều kích thiêng liêng ra khỏi cuộc sống con người?
Tin Mừng hôm nay có thể được lắng nghe và suy niệm với nỗi thao thức ấy. Chúa Giêsu hẳn không làm một cuộc so sánh về hai thái độ: một của Marta tất bật với việc tiếp đãi khách, và một của Maria ngồi bên chân khách để trò chuyện. Trong thực tế, cả hai thái độ này đều cần thiết: tinh thần hiếu khách được biểu lộ cụ thể và tích cực qua việc chuẩn bị bữa ăn, nhưng cũng được thể hiện không kém qua sự hàn huyên ân cần. Chúa Giêsu đề cao thái độ của Maria, nhưng không hề giảm thái độ của Marta. Ngài chỉ muốn mượn hình ảnh của Maria đang ngồi dưới chân Ngài để nói lên thái độ cơ bản mà con người phải có đối với Thiên Chúa, đó là thái độ lắng nghe và chiêm niệm.
Hơn bao giờ hết, sự hiện diện của những người hiến dâng cho việc cầu nguyện và chiêm niệm là một trong những kho tàng quí giá nhất của thời đại chúng ta, để nhắc nhở cho thế giới rằng cuộc sống con người không chỉ giản lược vào điều mà thánh Phaolô gọi là chuyện ăn, chuyện uống, tôn thờ cái bụng, và rằng cuộc sống chỉ có giá trị và đứng vững vì chính chiều kích siêu việt, thiêng liêng của nó.
Trong một bài nói chuyện với các nữ tu của một Dòng Kín tại Mêhicô năm 1979, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã đề cao sự hy sinh của họ như sau:
"Cuộc sống của chị em quan trọng hơn bao giờ hết; sự hiến thân trọn vẹn của chị em đầy tính thời sự. Trong một thế giới đang đánh mất dần ý thức về thần linh, trong một thế giới đề cao quá mức những thực tại vật chất, hỡi các nữ tu thân mến, các chị lại dấn thân vào các tu viện Kín để làm chứng cho những giá trị mà các chị sống cho. Các chị là những chứng nhân của Chúa cho thế giới ngày nay; với lời cầu nguyện, các chị đang thổi một luồng sinh khí mới vào trong Giáo Hội và con người ngày nay".
Những lời của Ðức Gioan Phaolô II không chỉ đề cao chứng từ của các Tu sĩ chiêm niệm, mà còn nhắc nhở cho các Kitô hữu về chính chứng từ của sự cầu nguyện của họ. Có những người hiến thân trọn vẹn cho sự cầu nguyện, nhưng cầu nguyện không phải là độc quyền của một số người, mà phải là hơi thở cho tất cả những ai có niềm tin. Có những giây phút dành cho việc cầu nguyện đã đành, nhưng người Kitô hữu phải sống thế nào để biến cả cuộc sống của họ thành lời cầu nguyện. Chiêm niệm không chỉ là hoạt động dành riêng cho một số người hay một số giờ hoặc một số nơi nhất định. Chiêm niệm chính là thái độ tìm kiếm, lắng nghe và suy niệm bao trùm mọi sinh hoạt của người Kitô hữu.
Nguyện xin Chúa nung nấu sự khát khao trong tâm hồn chúng ta, để chúng ta luôn hướng về Ngài, tìm kiếm Ngài và kết hiệp với Ngài trong mọi sự. Nguyện xin Mẹ Maria là Ðấng luôn cất giữ và suy niệm mọi sự trong lòng, hướng dẫn chúng ta trong thái độ cầu nguyện và chiêm niệm của Mẹ.
Veritas Asia


LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Ba Tuần 27 TN1
Bài đọc: Jon 3:1-10; Lk 10:38-42.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy biết lợi dụng cơ hội Thiên Chúa ban để thi hành thánh ý của Ngài.

Con người thường có khuynh hướng làm theo những gì mình suy nghĩ hay thích thú. Thiên Chúa muốn con người hãy lo sao cho mình và mọi người được hưởng ơn cứu độ. Phải làm theo ý nào đây? Để biết đâu là ý định khôn ngoan, con người cần biết nhìn vào hậu quả. Vì phần nhiều ý con người dựa trên tính ích kỷ, ghen tương, hận thù; nên hậu quả mang lại là sự chia rẽ, bất an, chiến tranh, và chết chóc. Thánh ý Thiên Chúa dựa trên tình yêu thương, tha thứ, và lợi ích chung; nên hậu quả mang lại cho con người bình an, hạnh phúc, và sự sống.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc con người phải biết lợi dụng cơ hội Thiên Chúa ban cho để mang ơn cứu độ đến cho mình và cho mọi người. Trong Bài Đọc I, tiên-tri Jonah phải bỏ ý định ích kỷ của mình để sang thành của quân thù, Nineveh, kêu gọi họ ăn năn trở lại. Hậu quả là mọi người, từ vua quan đến dân chúng đều ăn năn trở lại, và Thiên Chúa đã không trừng phạt tội lỗi của họ nữa. Trong Phúc Âm, cô Maria biết lợi dụng cơ hội Chúa Giêsu đến thăm để học hỏi nhiều điều nơi Ngài; trong khi chị Martha vất vả lo cơm nước. Khi chị Martha than phiền Maria, Chúa Giêsu nói rõ ý muốn của Ngài: "Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Em Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi."

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Mỗi người phải trở lại, bỏ đường gian ác và những hành vi bạo lực của mình.

1.1/ Jonah vâng lời Thiên Chúa đi rao giảng cho thành Nineveh: Có lời Đức Chúa phán với ông Jonah lần thứ hai rằng: "Hãy đứng dậy, đi đến Nineveh, thành phố lớn, và hô cho dân thành biết lời tuyên cáo Ta sẽ truyền cho ngươi."
Lần thứ nhất, Jonah không chịu thi hành thánh ý Thiên Chúa. Ông đã lên đường mua vé tàu để trốn Thiên Chúa sang thành khác; vì ông không muốn rao giảng cho kẻ thù không đội trời chung với con cái Israel là Nineveh. Hậu quả tai hại là ông bị thủy thủ ném xuống biển và bị cá nuốt trong bụng. Nhưng vẫn còn may mắn cho ông, nhờ tình thương Thiên Chúa, cá đưa ông vào bờ và mửa ông ra. Lần này, ông biết không thể trốn tránh và cãi lời Chúa; nên ông Jonah đứng dậy và đi Nineveh như lời Đức Chúa phán. Nineveh là một thành phố cực kỳ rộng lớn, đi ngang qua phải mất ba ngày đường. Ông Jonah bắt đầu vào thành, đi một ngày đường và công bố: "Còn bốn mươi ngày nữa, Nineveh sẽ bị phá đổ."

1.2/ Dân thành Nineveh tin Thiên Chúa và thay đổi cuộc sống: Khác với sự cứng lòng của Jonah; dân thành Nineveh khi chỉ bắt đầu nghe Jonah rao giảng, họ đã thành tâm ăn năn thống hối và kết quả được ghi nhận như sau:
+ Từ người lớn đến trẻ nhỏ: ''Dân Nineveh tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ.''
+ Từ vua chúa đến dân chúng: ''Tin báo đến cho vua Nineveh; vua rời khỏi ngai, cởi áo choàng, khoác áo vải thô, và ngồi trên tro.''
+ Từ con người đến súc vật: Vua cho rao tại Nineveh: "Do sắc chỉ của đức vua và các quan đại thần, người và súc vật, bò bê và chiên dê không được nếm bất cứ cái gì, không được ăn cỏ, không được uống nước. Người và súc vật phải khoác áo vải thô và hết sức kêu cầu Thiên Chúa. Mỗi người phải trở lại, bỏ đường gian ác và những hành vi bạo lực của mình. Biết đâu Thiên Chúa chẳng nghĩ lại, chẳng bỏ ý định giáng phạt, và nguôi cơn thịnh nộ, khiến chúng ta khỏi phải chết."
Hậu quả khi Jonah và tất cả dân thành Nineveh bỏ tính ích kỷ, ghen tương, gian ác, và các tội lỗi của họ; Thiên Chúa đình chỉ tai hoạ Người đã tuyên bố sẽ giáng trên họ, Người đã không trừng phạt họ nữa. Nếu Jonah và dân thành Nineveh cứ cứng lòng không chịu vâng lời Thiên Chúa, tất cả đều phải chết.

2/ Phúc Âm: Martha! Martha ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá!

Làng Bethany là quê hương của 3 chị em Martha, Maria, và Lazarô. Vì làng này nằm trên Núi Cây Dầu, rất gần Đền Thờ Jerusalem, nên Chúa Giêsu và các môn đệ thường xuyên thăm viếng khi Ngài lên Jerusalem. Lần này là chuyến lên Jerusalem cuối cùng của Chúa trước khi chịu chết, Ngài cũng ghé vào để thăm 3 chị em.

2.1/ Tính chủ quan của Martha: Được tiếp đón Chúa vào nhà là một điều hãnh diện cho 3 chị em, nên chị Martha đã nhiệt thành sửa dọn nhà cửa và nấu ăn để tiếp khách. Công việc thì nhiều mà chỉ có một đứa em gái Maria, mà cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy, nên chị đến thưa với Chúa: "Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!"
Khách quí đến nhà đâu phải chỉ để ăn mà còn là dịp để tâm sự chuyện vãn với gia đình. Nếu chủ nhà xem việc tiếp khách là quan trọng, chủ nhà có thể chuẩn bị trước để có thời giờ chuyện vãn khi khách tới. Chị Martha có lẽ chỉ coi công việc nấu nướng cho khách ăn là quan trọng nên đã quên đi điều lịch sự tối thiểu này. Hơn nữa, chị có thể kín đáo gọi em Maria ra để nhờ, nhưng chị đã không làm thế mà còn trách luôn cả Chúa Giêsu vì đã vô tình không chú ý đến việc của chị đang làm.

2.2/ Thiên Chúa muốn con người chọn phần tốt nhất và tồn tại lâu dài.
(1) Sự khôn ngoan của Maria: Cô nhìn ra sự quan trọng của việc tiếp khách quí mà chị cô đã không nhìn ra. Hơn nữa, Maria chắc đã từng được nghe Chúa Giêsu giảng giải và nhận ra sự quan trọng của những lời dạy dỗ của Ngài. Vì thế, thay vì bận rộn để làm việc như chị, cô chọn phần tiếp khách và lắng nghe Lời Chúa. Một cách khách quan nhận xét: sự thể quá đẹp nếu chị Martha đừng than phiền, chị lo việc ăn uống trong khi em lo việc tiếp khách.
(2) Lời khuyên của Chúa Giêsu: Đáp lời than phiền của chị Martha, Chúa nói: "Martha! Martha ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi." Chúa Giêsu không cho việc nấu nướng của chị Martha là không quan trọng, nhưng cho đó là chuyện không cần thiết cho bằng chuyện lắng nghe Lời Chúa. Nếu các việc khác ngăn cản việc lắng nghe Lời Chúa thì phải chọn phần tốt hơn là lắng nghe Lời Chúa như em Maria đã chọn. Đối với Chúa, nếu có phải nhịn đói hay ăn bánh mì đơn giản một ngày để lắng nghe Lời Chúa, vẫn là điều tốt hơn cần phải làm.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Vì Thiên Chúa yêu thương và mong muốn mọi điều tốt lành cho con người, Ngài sẽ cho chúng ta nhiều cơ hội để nhận ra và làm theo thánh ý của Ngài. Chúng ta hãy biết khiêm nhường lắng nghe và thực hiện thánh ý Ngài để mưu cầu ích lợi cho chúng ta và cho tha nhân.
- Khi phải chọn kết quả, chúng ta đừng nhắm những kết quả nhanh chóng, dễ dàng, và tạm thời; nhưng hãy biết chọn những kết quả lâu bền tuy phải mất nhiều thời gian, đòi hỏi nhiều cố gắng và hy sinh hơn. Chọn để lắng nghe Lời Chúa là cách chọn khôn ngoan, vì không ai có thể lấy đi khỏi chúng ta được.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.


Lc 10, 38-42
1. Ghi nhớ: “ Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi, Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất ”. (Lc 10, 42)
2. Suy Niệm: Theo truyền thống của các giáo phụ, Matta và Maria trong Tin Mừng hôm nay là đại biểu của hai lối sống về người môn đệ Chúa Kitô. Matta đại diện cho những người thích lối sống hoạt động. Còn Maria đại diện cho lối sống chiêm niệm và cầu nguyện. Lời trách móc của Matta như gián tiếp cho rằng việc của mình làm là đúng, là tốt hơn người khác. Nhân cơ hội này Chúa Giêsu chỉ cho Matta và cho chúng ta một bài học về sự lượng giá một công việc. Chúa bảo “ chỉ có một chuyện cần mà thôi ” đó chính là ngồi nghe lời Chúa dạy. Chúa không phủ nhận những việc bác aí, phục vụ cộng đoàn. Nhưng tất cả những hoạt động phục vụ sẽ trở thành vô ích nếu không khởi đi từ tinh thần Tin Mừng. Việc bác aí, tông đồ chỉ thật sự mang lại ơn ích cho người khác khi nó xuất phát từ một tâm hồn cầu nguyện, thích nghe Lời Chúa.
3. Sống Lời Chúa: Đừng xem thường việc đọc kinh, cầu nguyện.
4. Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho con hiểu được gía trị của việc lắng nghe Lời Chúa một cách đúng đắn để con ham thích đến với Chúa nhiều hơn. Amen.

Chọn phần tốt hơn
Chúng ta cũng dễ say mê làm việc của Chúa, đến nỗi quên cả việc gặp Chúa. Có khi chúng ta coi trọng hiệu quả của công việc ta làm cho Chúa mà quên dành giờ cho Chúa. 

Suy nim:
Nếu ở Việt Nam mỗi năm có khoảng mười hai ngàn người chết vì tai nạn giao thông,
thì ở Nhật có ba mươi ngàn người tự sát trong năm qua.
Tai nạn giao thông lắm khi do vội vã, không làm chủ được tốc độ.
Tự sát do áp lực của công việc quá lớn, do căng thẳng, do sợ bị khiển trách.
Xem ra cuộc sống hối hả đã dẫn đến nhiều cái chết thương tâm.
Nhiều người chết bất ngờ vì bệnh tim mạch.
Con người hôm nay có nhiều tiện nghi hơn, nhiều thú vui hơn ngày xưa,
nhưng lại thiếu sự thanh thản, bình an, trầm lắng.

Trong bài diễn văn ngày 20-08-2006 tại Castel Gandolfo,
Đức Thánh Cha đã cảnh báo về nguy hiểm khi làm quá nhiều công việc.
Ngài trích lời thánh Bênêđictô: bị quá tải thường dẫn đến sự chai đá của con tim,
tinh thần bị thương tổn, trí khôn bị mất và ơn Chúa bị phân tán.
Ngài khẳng định lời nhắc nhở này cũng áp dụng cả cho ngài và cho mọi người.
Không được đánh mất mình trong công việc :
đó là tâm niệm của người lãnh đạo trên một tỉ người Công Giáo khắp thế giới.

Bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy một giây phút thư giãn của Đức Giêsu.
Trên con đường nay đây mai đó của một người rao giảng,
Đức Giêsu cũng có lúc dừng chân.
Một ngôi làng quen thuộc, một mái nhà ấm cúng, một bữa ăn ngon,
tất cả như một ốc đảo xanh tươi đem lại cho Thầy trò hạnh phúc
sau những vất vả, nhọc mệt, hiểm nguy và thiếu thốn.
Hầu chắc ngôi làng này ở Bêtania, gần Giêrusalem.
Hai chị em Mácta và Maria đã được nhắc đến trong Tin Mừng Gioan.
Mácta là người đón khách và nấu nướng (Ga 11, 20; 12, 2),
còn Maria thì hay phủ phục dưới chân Đức Giêsu (Ga 11, 32; 12, 3).
Những nét này ta lại thấy trong bài Tin Mừng hôm nay theo Luca.
Mácta vẫn là người ra đón Chúa, Maria vẫn là người ngồi duới chân Chúa.
Một người thiên về hoạt động, một người có vẻ trầm hơn.
Nhưng cả hai đều được Đức Giêsu quý mến (Ga 11, 5).

Chúng ta cần chiêm ngắm cuộc chia sẻ của Đức Giêsu với chị Maria.
Chị ngồi bên chân Chúa và lắng nghe lời Người (c.39).
Đức Giêsu là người nói và chị Maria là người nghe.
Ngài có thể đã chia sẻ với chị về đời sống nội tâm và việc tông đồ của ngài.
Được chia sẻ và có người nghe mình chia sẻ là một hạnh phúc.
Còn chị Maria thì sung sướng được ngồi nghe trong tư thế của một môn đệ.
Người ta có cảm tưởng chị có thái độ thụ động khi nghe.
Thật ra để lắng nghe cần tích cực mở tai và mở lòng.
Lắng nghe Lời Chúa là cần trước khi đem ra thực hành.
Mácta đón Chúa vào nhà,
còn Maria đón Lời Chúa vào tâm hồn mình.
Có thể định nghĩa cầu nguyện là ngồi và lắng nghe Chúa nói.
Một số người tưởng cầu nguyện là phải nói thật nhiều cho Chúa nghe.
Thật ra Chúa muốn bày tỏ cho ta những ước mơ của ngài về ta,
nên ta cũng cần dành khoảng lặng cho ngài.
Nghệ thuật đối thoại cũng là nghệ thuật thinh lặng lắng nghe.

Trong khi Maria ngồi nghe Chúa nói,thì Mácta tất bật dưới bếp.
Mácta bối rối về nhiều chuyện phục vụ (peri pollên diakonian, c. 40).
Chị sợ bữa ăn không được chuẩn bị chu đáo và kịp thời.
“Em con để con phục vụ một mình”: chị thấy cô đơn trong công việc.
“mà Thầy không quan tâm sao?”: chị nghĩ lẽ ra Thầy nên để ý chuyện ấy.
“Xin Thầy bảo em giúp con một tay”: chị muốn Maria xuống bếp giúp chị.
Mácta thật là người tốt, chị muốn tiếp đãi Đức Giêsu đàng hoàng.
Nhưng có lẽ chị quên rằng Maria cũng đang tiếp đãi Đức Giêsu,
và ngài rất vui với cách tiếp đãi đó.
Nếu đưa Maria xuống bếp phụ cho chị, thì Thầy Giêsu nói chuyện với ai?
Chúng ta cũng dễ say mê làm việc của Chúa, đến nỗi quên cả việc gặp Chúa.
Có khi chúng ta coi trọng hiệu quả của công việc ta làm cho Chúa
mà quên dành giờ cho Chúa.
Cầu nguyện là ở với Chúa, nghỉ ngơi bên Chúa,
sống tình bạn với Chúa như hai người ngồi bên nhau.
Đức hồng y Nguyễn Văn Thuận nhắc ta đặt Chúa lên trên việc-của-Chúa.

Đức Giêsu thông cảm với nỗi căng thẳng, âu lo của Mácta
thể hiện trên khuôn mặt và giọng nói của chị.
Ngài nhẹ nhàng gọi tên chị hai lần : “Mácta, Mácta ơi !”
“Chị băn khoăn lo lắng về nhiều chuyện quá!” (peri polla, c.41).
Câu này ngài cũng muốn nói với từng người chúng ta.
Chúng ta cũng lo nhiều chuyện, gánh nhiều trách nhiệm.
“Chỉ có một chuyện cần mà thôi”: ngài mời ta tập trung vào một chuyện cần.
Lo nhiều chuyện làm ta bị phân tán.
“Maria đã chọn phần tốt nhất” :
ngồi dưới chân Chúa là một chọn lựa nghiêm chỉnh giữa những công việc bề bộn.
Đặt Chúa lên trên và lên trước mọi việc khác là một chọn lựa không dễ dàng.

Dù sao Mácta là một thánh nữ, được Giáo Hội kính nhớ trong Phụng vụ.
Chúng ta phải làm Mácta, tận tụy với việc của Chúa, không phải việc của mình,
như thế ta sẽ bình an hơn khi thất bại, khiêm tốn hơn khi thành công.
Chúng ta phải làm Mácta, nhưng không được lo lắng, bôn chôn.
Chúng ta làm mọi việc trong an tĩnh, thư thái, vui tuơi, hài hước,
bởi lẽ Chúa chẳng đòi ta làm quá sức mình.
Chúng ta phải làm Mácta, đảm đang lo nhiều việc, nhưng không được tự hào,
coi thường những người thiếu khả năng, bệnh tật,
hay đánh giá người khác dựa trên hiệu quả công việc.
Chúng ta phải làm Mácta, nhưng không cần ai để ý (c.40).
không coi việc mình làm là quan trọng hơn việc người khác,
vì biết rằng Chúa ban cho mỗi người mỗi việc để phục vụ cho toàn thân.

Cuộc sống hôm nay khiến ta khó làm Maria.
Nhưng phải cố dành giờ để làm Maria mỗi ngày.
Phải thu xếp để được làm Maria, để có người thay mình làm Mácta.
Nghe lời Chúa sẽ dẫn tới hành động: đó là xây nhà trên đá.
Cuối cùng đời sống chúng ta là kết hợp của Mácta và Maria :
vừa đón Chúa như Mácta, vừa tiếp Chúa như Maria,
vừa làm việc của Chúa, vừa gặp gỡ chính Chúa,
vừa hoạt động, vừa chiêm niệm,
nhưng lúc nào cũng hướng về Chúa.
Cầu nguyn:

Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào,
xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng.

Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc,
xin cho con quý chuộng những lúc
được an nghỉ trước nhan Chúa.

Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo,
xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa
để nghe lời Người.

Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng,
xin cho con thoát được lên cao
nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện.

Lạy Chúa,
ước gì tinh thần cầu nguyện
thấm nhuần vào cả đời con.
Nhờ cầu nguyện,
xin cho con gặp được con người thật của con
và khuôn mặt thật của Chúa.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
6 THÁNG MƯỜI
Bánh Nuôi Nhiệm Thể Đức Kitô
Thánh Thể là bí tích của sự hiệp thông sự sống với Chúa Kitô. Đó cũng là bí tích xây dựng cộng đoàn. Cây nho và những cành nho là hình ảnh của cộng đoàn này, bao gồm tất cả những ai được liên kết trong Đức Kitô nhờ ân sủng và sự thật. Hình ảnh cây nho và các cành nho nhắc chúng ta về nhu cầu phải sống thực tại Giáo Hội trong mối hiệp thông sâu xa với Đức Kitô và với anh chị em mình. Giáo Hội là Nhiệm Thể của những nguời tin – trong đó Chúa Kitô là Đầu và tất cả các tín hữu là những chi thể.
Sự sống của thân thể này đến từ mạch nhựa sống siêu nhiên là ân sủng và thân thể này lớn lên nhờ ánh sáng của Chúa Thánh Thần. “i” (2 Tm 3,5) của đức tin chúng ta nằm trong chính thân thể này; cũng chính trong thân thể này chứa đựng các mô liên kết giúp đem lại ý nghĩa và mối hiệp nhất cho các cộng đoàn Kitô hữu trên khắp cùng thế giới.
Chân lý này được minh họa bằng một hình ảnh rút ra từ một kỹ thuật nông nghiệp, gọi là “ghép”. Nhờ Phép Rửa, chúng ta được ghép vào với Đức Kitô (Rm 1,17). Chúng ta trở nên những cành nho, được nuôi sống bởi cây nho. Vì thế chúng ta đuợc mời gọi sống hiệp nhất với Đức Kitô và với anh chị em mình. Như vậy, chúng ta là cộng đoàn của những người đã được nhận Phép Rửa và được cứu chuộc. Chúng ta vẫn còn thuộc về cộng đoàn này bao lâu chúng ta còn ở lại trong mối hiệp thông với Đức Kitô và với anh chị em mình. Đức Giêsu vạch cho chúng ta thấy rõ điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta tự tách mình ra khỏi Ngài và anh chị em. Hình ảnh minh họa của Thánh Kinh giải thích điều này hết sức rõ: Nếu cành nho không ở lại trong mối liên kết với thân nho thì nó sẽ khô héo đi. Nó bị chặt đi và bị quăng vào lửa.
Nhưng Thánh Thể không chỉ hàm chứa mối tương quan mật thiết giữa Đức Kitô và mỗi người tín hữu. Thánh Thể còn được thiết lập để hiệp nhất mọi Kitôhữu trong tư cách là thân thể của Chúa. Thánh Thể tạo lập trong chúng ta một ý thức sâu xa về mối dây hiệp nhất, về tình huynh đệ, về sự liên đới trong Đức Kitô. Thánh Thể tác động trong chúng ta một cảm thức sâu xa mối gắn bó thiêng liêng, bởi lẽ chúng ta là những người được nuôi dưỡng bởi cùng một bánh để làm nên một thân thể duy nhứt trong Đức Kitô.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II

Lời Chúa Trong Gia Đình

Thứ Ba 06-10
Gn 3,1-10; Lc 10, 38-42

LỜI SUY NIỆM: “Trong khi Thầy trò đi đường, Đức Giêsu vào làng kia, có một người phụ nữ tên là Mác-ta đón Người vào nhà. Cô có người em gái tên là Maria. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy” (Lc 10,38-39)
          Trong những ngày liên tiếp chúng ta đều được chiêm ngắm về “lắng nghe” lời của Chúa. Trong Truyền Tin Đức Mẹ đã lắng nghe rồi Mẹ đã quyết định và sống với những gì Mẹ đã nghe. Với đặc ân của các môn đệ: “Nhiều ngôn sứ và nhiều vua chúa đã muốn nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe”. Trong dụ ngôn người Sa-ma-ri tốt lành, Chúa Giêsu cũng đã nói với người thông luật: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy”. Khi cô Maria Bêtania ngồi bên chân Chúa Giêsu để nghe lời Người. Cho chúng ta thấy cô đã chọn Chúa là thầy của mình. Trong đời sống của mỗi chúng ta, khi nghe lời Chúa với sự tin phục sẽ giúp chúng ta nhận biết những gì là cao quý, chưa bao giờ chúng ta nghĩ tới, và cho chúng ta khám phá nơi bản thân mình một cái gì đó kỳ diệu, tuyệt đẹp, đơn giản hết sức.
Mạnh Phương

06 Tháng Mười
Bưu Ðiện Lớn Nhất Thế Giới

Có lẽ bưu điện lớn nhất thế giới phải là bưu điện trước cổng Thiên đàng... Mỗi ngày có không biết bao nhiêu thư viết bằng không biết bao nhiêu ngôn ngữ được gửi đến... Tất cả đều là những lời cầu xin. Theo sự phân loại của các thiên thần, thì ba vị nhận được nhiều thư nhất đó là Ðức Maria, rồi đến thánh Antôn và thánh nữ Rita.
Một ngày kia, không còn cầm được tính tò mò, các thiên thần không những đã mở thư gửi cho các thánh, mà ngay cả các lá thư gửi đến cho Ðức Mẹ, các vị cũng không tha. Nhưng các vị thiên thần đã thất vọng bởi vì nội dung và cách viết thư đều giống nhau. Ðại khái thì cũng chỉ là: Lạy Mẹ, xin chữa cho con chóng lành bệnh... Xin cho con của con được khỏe mạnh... Xin cho con tìm được việc làm... Xin giúp con thi đỗ... Xin cho con tìm lại được chồng con...
Cả một loạt kinh cầu mà các vị thiên sứ cũng đành phải nhàm chán, đến độ các vị phải thốt lên: dường như Thiên Chúa chỉ tạo dựng con người có một cái miệng, một cái bụng. Họ không có linh hồn, bởi vì tất cả những lời cầu xin của họ đều qui về hai bộ phận ấy.
Ðức Maria ngày nào cũng như ngày nào đều phải đọc lại những lá thư có cùng nội dung và một công thức. Tình cờ, có một là thư làm Mẹ chú ý. Lá thư đó viết như sau: "Lạy Trinh Nữ rất thánh, con chỉ xin Mẹ một điều mà thôi, xin Mẹ cho con mỗi ngày được nên giống Chúa Giêsu hơn".
Ðọc xong lá thư, Ðức Maria bật khóc vì cảm động. Ngài nói với các thiên sứ phục vụ tại bưu điện: "đây là lá thư mà Mẹ mong đợi từng ngày".
Theo sự thăm dò của nhiều tờ báo lớn trên thế giới, thì tước hiệu "Người đàn bà của năm 1987" đã được dành cho thủ tướng nước Anh là bà Margueret Thatcher, người đã đắc cử vào chức vụ này liên tiếp trong ba nhiệm kỳ.
Ðứng hàng thứ hai trong danh sách những người đàn bà trong năm là nữ tổng thống Aquinô của Phi Luật Tân, người đang đương đầu với không biết bao nhiêu xáo trộn trong nước.
Người thứ ba trong danh sách là Mẹ Têrêsa thành Calcutta (người đã được lãnh giải thưởng Nobel về hòa bình năm 1979). Kế đó là nữ hoàng Elizabeth II của nước Anh, bà Simone Veil, chủ tịch quốc hội Âu Châu v.v...
Ðối với chúng ta, những người Kitô, thì người đàn bà trong năm và nhứt là trong tháng mười này phải là Mẹ Maria, người Mẹ không phải của một gia đình, một dân tộc. Vị nữ hoàng không phải của một dân tộc, nhưng là của tất cả nhân loại... Mẹ đang lắng nghe chúng ta trong suốt tháng 10 này. Chúng ta hãy thưa với Mẹ tất cả những gì chúng ta đang cần.
Nhưng điều mà Mẹ luôn chờ đợi để trợ giúp chúng ta: đó là mỗi ngày chúng ta nên giống Chúa Giêsu con Mẹ. Bởi vì, trong tất cả mọi ơn cần cho chúng ta, đó là ơn cao trọng nhứt. Càng nên giống Chúa Giêsu, chúng ta càng nên giống Mẹ và được đến gần Mẹ.
Lẽ Sống


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét