Trang

Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2015

25-10-2015 : (phần II) CHÚA NHẬT XXX MÙA THƯỜNG NIÊN năm B

25/10/2015
Chúa Nhật 30 Quanh Năm Năm B
(phần II)

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật XXX Thường Niên - năm B
CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN B
(Gr 31,7-9; Dt 5,1-6; Mc 10,46-52)
NIỀM VUI CỦA CON NGƯỜI
ĐẾN TỪ TÌNH YÊU CỦA THIÊN CHÚA
“Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy” (Mc 10,51)
I. CÁC BÀI ĐỌC
Cả ba bài đọc nhấn mạnh đến Thiên Chúa được diễn tả qua ba hình ảnh khác nhau: người cha trong bài đọc I, vị tư tế trong bài đọc II và Con vua Đavít trong bài Phúc Âm. Điểm chung nhất của cả ba hình ảnh này chính là sự ra tay của Thiên Chúa để nâng đỡ và giải thoát con người đang lâm cảnh cùng khổ. Hôm nay, Thiên Chúa cũng vẫn đang ra tay bênh đỡ tất cả những ai chạy đến và tin vào Người.
1. Bài đọc I  Gr 31,7-9
Trong nỗi tuyệt vọng vì sự cơ cực của cảnh lưu đày, Giêrêmia đã khơi lên trong lòng người Do thái một niềm hy vọng: Đức Chúa sẽ xuất hiện để cứu dân Ngài. Số sót mà Đức Chúa sẽ ra tay cứu vớt bao gồm một đoàn người thật đông đảo: có cả những kẻ đui mù, què quặt, mang thai và sinh con. Đoàn người ấy được chính Đức Chúa dẫn đi không phải trên những con đường sỏi đá, gập ghềnh để hướng tới sự chết, mà là trên những nẻo đường bằng phẳng để hướng tới những suối nước mát trong tràn đầy sự sống. Và trong viễn cảnh đầy tích cực ấy, Đức Chúa muốn nhắc cho dân Do thái nhớ rằng: nguyên nhân dẫn tới việc họ được giải phóng không gì khác hơn là: Đức Chúa chính là Cha của họ.
2. Bài đọc II  Dt 5,1-6
Hình ảnh vị thượng tế mà thư Do thái nêu lên mang hai nhiệm vụ: là người thay cho dân để dâng lên Thiên Chúa những lễ phẩm cũng như những tế vật đền tội. Tuy nhiên, vì cũng mang thân phận con người với những yếu đuối tư bề, nên vị thượng tế cũng phải dâng lễ vật đền tội cho chính mình nữa. Chức tư tế ấy, được tác giả thư Do thái xác định rõ, chỉ dành cho những người được Thiên Chúa tuyển chọn. Nét độc đáo nơi Đức Kitô Thượng tế là: không những vì Ngài được Thiên Chúa tuyển chọn, nhưng trên hết: Ngài là Con Thiên Chúa, được Chúa Cha sinh ra để trở nên tư tế muôn đời theo phẩm hàm Melkisêđê.
3. Bài Phúc âm  Mc 10,46-52
Bartimê được thánh sử Marcô giới thiệu với ba nét chính: là một người mù - đang ngồi ăn xin - ở bên vệ đường. Như thế, đối với Bartimê, cuộc đời chỉ còn là một mảng đen tối dầy đặc. Điều đó đã làm cho anh tự mình không xoay sở được điều gì, chỉ còn biết ngồi đó để trông chờ vào một chút bố thí của kẻ khác. Chỗ của con người đó trong xã hội không thể khác hơn ngoài cái lề đường vốn đã trở nên quá quen thuộc với anh ta.
Một con người như Bartimê vốn bị liệt vào số những người đang sống ‘bên lề xã hội’, và dường như ‘vận đen’ như thế vẫn là chưa đủ cho anh ta, thánh Marcô kể tiếp: khi cất tiếng kêu cứu, anh còn bị mọi người quát mắng và bảo phải ‘im đi’. Mặc cho thân phận bên lề xã hội, và mặc cho đang bị mọi người cố tình gạt phăng ra khỏi xã hội, Bartimê vẫn cứ kêu gào, và những cố gắng kêu gào của anh cuối cùng đã được trả công xứng đáng. Anh gặp được Chúa. Tuy nhiên điều làm cho anh được sáng mắt lại chính là niềm tin mang tính tiệm tiến: Giêsu Nagiarét – Giêsu con vua Đavít – Con vua Đavít.
Đức Giêsu, trong tư cách là Con vua Đavít, đã cứu chữa Bartimê. Sự xuất hiện của Con vua Đavít đã làm cho thân phận của Bartimê thay đổi hoàn toàn: từ một kẻ mù lòa sống bên lề xã hội – bị xã hội ruồng bỏ - trở thành một kẻ sáng mắt và hơn thế anh đã quyết định ‘đi theo Người’ trong tư cách của một người môn đệ.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Hình ảnh cả một cộng đoàn đông đảo được tiên tri Giêrêmia mô tả: bao gồm những kẻ đui mù, què quặt, mang thai và sinh con sẽ được Thiên Chúa giải thoát, muốn khẳng định rằng: mọi người không một bất kỳ phân biệt đều nằm trong ‘tầm phủ sóng’ của chương trình tình thương cứu độ của Thiên Chúa. Như thế, khái niệm bị loại trừ, bị bỏ rơi, bị cô lập…, là điều không thể trong thái độ ‘đối xử đại lượng’ của Thiên Chúa. Do vậy, niềm hy vọng trước những khó khăn thử thách trong cuộc sống chính là cửa ngõ dẫn con người đi vào niềm tin trong tương quan với Thiên Chúa.
2. Nếu như tiếng ‘quát mắng bảo im’ của đám đông lớn đến độ đã làm cho Chúa Giêsu không thể nghe được tiếng kêu cứu S.O.S của Bartimê, thì số phận của anh ta sẽ ra sao? Do vậy, nhiều khi cộng đoàn lại vô tình trở thành vật cản nhiều người trên hành trình kiếm tìm Thiên Chúa. Thái độ sống phản chứng, nhiệt tình có thừa nhưng thiếu khôn ngoan và thận trọng sẽ luôn là những vật cản to lớn che lấp tầm nhìn của những ai đang khao khát hướng lòng về Thiên Chúa.
3. Sau khi mô tả thái độ tranh giành quyền lực, ganh tị lẫn nhau của các môn đệ trong bài Tin Mừng Chúa nhật XXIX thường niên năm B (tuần trước), hôm nay Chúa Giêsu muốn đưa ra một mẫu ‘môn đệ’ mới mẻ với những hành động dứt khoát: sau khi nghe biết Chúa Giêsu gọi mình, ‘người liệng bỏ áo choàng của mình đã nhảy cẫng lên, anh đến với Chúa Giêsu’ (dịch sát bản văn Hy lạp). Tất cả những hành động này được dùng ở thì aorist (diễn tả hành động chỉ xảy ra một lần và đã chấm dứt trong quá khứ). Như thế, mẫu người ‘môn đệ mới’, qua lăng kính của Bartimê, chính là: dứt khoát liệng bỏ quá khứ, nhảy cẫng về phía trước để đến với Chúa Giêsu.
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Đức Kitô là Ánh Sáng thế gian và là Ðấng cứu độ muôn dân. Người đến dẫn đưa con người ra khỏi bóng tối sự dữ và tội lỗi. Chúng ta hãy đặt hết lòng tin tưởng vào Chúa và thành tâm dâng lời cầu xin.
1. Hội Thánh được mời gọi tiếp bước Đức Kitô trở nên Ánh Sáng cho muôn người. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần trong Hội Thánh luôn ý thức chu toàn sứ mạng bằng lời rao giảng, đời sống cầu nguyện và gương sáng của mình.
2. Trên thế giới còn biết bao người đang sống trong tối tăm lầm lạc. Chúng ta cùng cầu nguyện cho những ai đang ngủ mê được ơn thức tỉnh để nhận biết Chúa Kitô là Ánh Sáng và là Ðường duy nhất dẫn đưa con người đến sự sống và hạnh phúc đích thực.
3. Chúa Giêsu nói với người mù: “Đức tin của con đã cứu chữa con.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho những người đang đau khổ phần hồn hay phần xác, được vững vàng trong đức tin, luôn trọn niềm phó thác và hy vọng vào tình thương của Thiên Chúa.
4. Người mù được nhìn thấy, và đi theo Chúa. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, biết nhận ra những ân huệ Chúa ban trong cuộc sống, nhất là sự cao quý của ơn cứu độ, để luôn vững tin và trung thành bước theo Chúa tới cùng.
Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu là Đấng cứu độ trần gian, là ánh sáng dẫn đưa con người đến tận nguồn chân lý. Xin Chúa nhận lời chúng con cầu nguyện và thương mở mắt tâm hồn để chúng con ngày càng thêm hiểu biết các mầu nhiệm đức tin. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.


Chủ đề :
Chúa cho người mù được thấy

"Thưa Thầy, xin cho tôi được thấy" (Mc 10,50)

Sợi chỉ đỏ :
- Bài đọc I (Gr 31,7-9) : "Kẻ mù, người què, Ta sẽ an ủi và dẫn đưa về"
- Tin Mừng (Mc 10,46-52) : Đức Giêsu làm cho anh mù Bartimê được thấy.
I. Dẫn vào Thánh  lễ
Anh chị em thân mến
Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện anh mù Bartimê kêu xin Đức Giêsu "Lạy Thầy, xin cho con được thấy". Và Đức Giêsu đã cứu chữa anh. Chúng ta cũng có thể dùng lời của Bartimê để cầu xin với Chúa, bởi vì chúng ta cũng mù loà về rất nhiều điều.
II. Gợi ý sám hối
- Chúng ta mù lòa không thấy những bằng chứng của tình thương Chúa rất nhiều chung quanh chúng ta và trong cuộc đời chúng ta.
- Chúng ta mù lòa không thấy những cảnh khổ của anh chị em chúng ta.
- Chúng ta mù lòa không thấy lỗi lầm khuyết điểm của chúng ta.
III. Lời Chúa
1. Bài đọc I (Gr 31,7-9)
Ngôn sứ Giêrêmia nói tiên tri về thời giải phóng. Khi đó Thiên Chúa sẽ đưa dân từ chốn lưu đày trở về quê hương ; tất cả những người đau khổ, mà đại biểu là những người mù, què, tàn tật sẽ được cứu chữa.
2. Đáp ca (Tv 125)
Bài ca mừng cuộc giải phóng khỏi kiếp lưu đày.
3. Tin Mừng (Mc 10,46-52)
Liền sau chuyện Giacôbê và Gioan xin địa vị ưu tiên trong "nước" Đức Giêsu sắp thành lập, Mc viết tiếp chuyện anh Bartimê như để "sửa lưng" các môn đệ. Bartimê là tấm gương cho tất cả những ai muốn "thấy" Đức Giêsu thực sự là ai và thực lòng muốn "đi theo" Ngài.
- Mặc dù mù, nhưng anh tha thiết "xin cho tôi được thấy", và cuối cùng anh đã thấy. Khi thấy rồi, anh còn "đi theo" Đức Giêsu lên Giêrusalem (ở đó Ngài sẽ chịu nạn chịu chết và sống lại).
- Trước đó, khi được Đức Giêsu gọi, anh đã từ bỏ ("liệng áo choàng"), thay đổi nếp sống (từ "ngồi ở vệ đường" đến "đứng dậy"), quy hướng về Đức Giêsu ("nhảy đến với Đức Giêsu").
4. Bài đọc II (Dt 5,1-6) (Chủ đề phụ)
Tác giả thư Do thái tiếp tục suy tư về vai trò của Vị Thượng Tế người phàm : (1) Vị đó được chọn từ giữa loài người, (2) để đại diện cho loài người trong các tương quan với Thiên Chúa. (3) Vì cũng mang thân phận loài người tội lỗi, nên chẳng những vị ấy dâng lễ đền tội cho dân, mà còn phải dâng lễ đền tội cho chính mình.
IV. Gợi ý giảng
Một nhóm sinh viên tổ chức tham quan mỏ than Scottish ở Anh Quốc. Mỗi sinh viên được phát một nón bảo hộ của thợ mỏ, đằng trước nón có gắn bóng đèn nổi với một bình điện đeo ở thắt lưng.
Người hướng dẫn đưa họ vào buồng thang máy xuống tận đáy hầm than. Tới nơi, ông đề nghị các sinh viên bật đèn trên nón bảo hộ vì con đường dẫn đến khu khai thác tối đen như mực. Mái vòm chỉ cao một mét hai, nên mọi người phải cúi rạp xuống khi di chuyển. Than được chở trên băng tải và đổ vào các toa trên đường ray.
Ngay trước khi nhóm sinh viên đến khu khai thác, người hướng dẫn nói : "Các bạn hãy tắt tất cả các đèn trên nón". Mọi người đều làm theo. Trong tăm tối, người thợ mỏ nói : "Hãy cố gắng nhìn kỹ vào ngón tay của bạn". Chẳng ai thấy gì cả. Một vài người bắt đầu sợ hãi. Rồi người thợ mỏ nói một câu mà các sinh viên không bao giờ quên được : "Đây là tình trạng của những người mù". Tất cả sinh viên đều hiểu ra. Bị mù thì không bao giờ thấy được ánh sáng hoặc bất cứ thứ gì khác. Họ cũng hiểu tại sao những người thợ mỏ lại thích bầu trời trong xanh và ánh nắng rực rỡ của mặt trời.
*
"Có đau mắt mới biết thương người mù". Các sinh viên trong câu chuyện trên đây đã cảm nghiệm trong giây lát nỗi khổ của người mù. Họ không chỉ khổ nơi thân xác mà còn khổ trong tâm hồn. Quả thật, người mù đã không được nhìn thấy ánh sáng mặt trời, không được nhìn ngắm người thân bạn bè, mà còn bị mặc cảm lệ thuộc kẻ khác, sống bên lề xã hội.
Hôm nay Đức Giêsu chữa người hành khất mù Báctimê. Anh mù loà, "ngồi bên vệ đường" ăn xin, nghe biết Đức Giêsu đi qua, anh thống thiết kêu van : "Hỡi ông Giêsu, con vua Đavít, xin thương xót con" (Mc.10,47). Người ta ngăn cấm anh, nhưng anh càng tin tưởng kêu to hơn : "Hỡi con vua Đavít, xin thương xót con". Người cho gọi anh, anh sung sướng, liệng áo choàng, đứng phắt dậy, đến cùng Người : "Lạy Thầy, xin cho con được sáng" ( Mc.10,51). Tức thì anh ta thấy được.
Và khuôn mặt đầu tiên anh nhìn thấy chính là Đức Giêsu, Đấng đã đến để thắp sáng đời anh. Người phán : "Đức tin của anh đã chữa anh" (Mc.10,52).
Đích thực, Báctimê đã mù đôi mắt thể xác, nhưng lại sáng đôi mắt Đức tin, vì anh đã thấy Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế khi gọi Người là "con vua Đavít".
Báctimê đã mù đôi mắt thể xác, nhưng lại sáng đôi mắt tâm hồn, vì anh đã thấy Đức Giêsu là người có quyền chữa anh khỏi bệnh mù loà.
Với đôi mắt đức tin, anh đã chẳng sợ người ta cấm cản. Càng đe dọa, anh càng lớn tiếng kêu xin thống thiết hơn.
Với đôi mắt đức tin, anh đã liệng bỏ áo choàng là phương tiện để nhận quà tặng, cởi bỏ đời sống ăn xin, từ bỏ thân phận mù loà, rũ bỏ đời sống tối tăm, đến miền ánh sáng tình yêu và sự sống.
"Lạy Thầy, xin cho con được thấy". Đó phải là lời cầu xin hằng ngày của mỗi người chúng ta. Vì sẽ có những lúc chúng ta không thấy, hoặc cố ý không muốn thấy. Có những lúc chúng ta thấy mặt này mà chẳng thấy mặt kia. Mù loà thể xác ai cũng biết, nhưng mù loà tâm hồn thì không dễ nhận ra. Nên chúng ta hãy xin Chúa xóa cảnh mù loà cho mình. Vì chỉ "trong ánh sáng của Chúa, chúng ta mới nhìn thấy ánh sáng".
*
Lạy Chúa,
Xin cho mắt tâm hồn chúng con được sáng, để chúng con thấy Chúa là tất cả, thấy anh em thật dễ mến dễ thương, và thấy mình càng nhỏ bé đi, trong bàn tay yêu thương của Chúa. Amen. (Thiên Phúc, "Như Thầy đã yêu")
* 2. Thị giác và thị lực
Cần phải phân biệt thị giác và thị lực. Thị giác là khả năng của đôi mắt có thể thấy. Thị lực là mức độ thấy của khả năng ấy : nhiều hay ít, xa hay gần, rõ hay mờ v.v. Người cận thị chỉ thấy được rất gần ; người viễn thị thì thấy xa hơn. Thí dụ này giúp ta hiểu rằng chỉ có thị giác thôi thì chưa đủ, mà còn phải có thị lực tốt.
Hiểu rộng hơn một chút, thị lực không phải chỉ là mức độ thấy của đôi mắt, mà còn là của trí óc và của con tim. Có người chỉ thấy được cái thế giới chật hẹp và ích kỷ của bản thân mình ; có người thấy được hoàn cảnh, tâm tư và nguyện vọng của người khác.
Đức Giêsu là người có thị lực rất tốt : Ngài thấy Natanael đang ngồi dưới gốc cây vả trước khi ông tìm đến với Ngài ; Ngài thấy tấm lòng của một bà goá dâng hai xu trong thùng tiền đền thờ ; Ngài thấy cõi lòng tan nát của người phụ nữ ngoại tình bị lôi đến sân đền thờ để chịu xét xử v.v.
Anh chàng Bartimê trong bài Tin Mừng hôm nay tuy mù nhưng cũng có thị lực tốt vì anh đã thấy được Đức Giêsu là Đấng Messia "Con Vua Đavít".
Không phải chúng ta có đôi mắt tốt thì đương nhiên chúng ta có thị lực tốt đâu. Vậy chúng ta hãy xin với Đức Giêsu : "Thưa Thầy xin cho con được thấy".
3. Đứng trước một người tàn tật
Đoạn Tin Mừng của Thánh Marcô kể chuyện CG cứu chữa một người mù có thể gợi lên vài suy nghĩ :
1. Ở đời chúng ta thấy có nhiều người tàn tật : có người thì mù, có người thì què, có người thì câm, có người thì rối loạn thần kinh... Trong số họ, có những kẻ bị tàn tật vì do một tai nạn, nhưng cũng có rất nhiều người bị tàn tật như thế ngay từ lúc mới sinh.
Đứng trước những người tàn tật ấy, người ta có thể có nhiều thái độ khác nhau : trẻ con thì vô tâm đến tàn nhẫn và chọc ghẹo những người đó "1,2,3 thằng cha bán kẹo què giò, còn một giò đi kéo xe lôi" ; những kẻ có lòng hơn thì không nở chọc ghẹo nhưng ngậm ngùi tội nghiệp thông cảm ; người thân của kẻ tàn tật thì đau khổ xót thương : năm 1962, tại thành phố Liège nước Bỉ có một bà mẹ sinh ra một đứa con hình dáng không ra con người mà là giống như một con vật. Bà đau đớn quá và giết chết đứa con ấy đi. Người ta đem bà ra toà vì tội giết con. Nhưng toà án tha bổng vì thông cảm với nỗi đau khổ của bà và nỗi đau khổ của đứa con ấy nếu nó sống và phải gánh chịu.
Nhưng ngoài những thái độ chọc ghẹo, tội nghiệp và thương xót đó, người tín hữu chúng ta còn có thể có suy nghĩ nào hơn nữa không ? Thưa có, đó là suy nghĩ về cuộc đời và những bất công của cuộc đời. Cuộc đời này quả thực có nhiều bất công : có người sinh ra thì mạnh khoẻ xinh đẹp, có người sinh ra thì tàn tật xấu xí. Có kẻ sinh ra đã nằm sẵn trong một gia đình giàu có, địa vị ; còn có kẻ sinh ra nhằm một gia đình cơ cực túng thiếu. Một người vừa mới sinh ra đã mạnh khoẻ, thông minh và thuộc một gia đình giàu có thì hầu như sẽ rất dễ thành công trong đời ; còn một người sinh ra mà tàn tật, ngu đần lại nghèo khổ nữa thì rất khó mà ngóc đầu lên được trong xã hội. Thử hỏi những kẻ xấu số đó bản thân của họ có làm gì nên tội mà phải gánh chịu những thiệt thòi như vậy ? Họ không có tội nhưng họ phải chịu thiệt thòi, đó là một sự bất công.
Mà bất công thì đòi hỏi phải sửa lại cho công bằng. Nhưng có những trường hợp không thể sửa lại cho công bằng được. Chẳng hạn trường hợp cái quái thai do bà mẹ người Bỉ kia sinh ra, người chẳng ra người, ngợm chẳng ra ngợm. Bà mẹ ấy đã giết nó chết đi, như thế có phải là công bằng không ? chắc chắn là không. Còn nếu không giết chết nó thì phải nuôi sống nó, nuôi thật chu đáo, đầy đủ, cưng chiều nó đủ thứ, nhưng như thế có phải là công bằng chưa ? Cũng chưa vì chăm sóc chiều chuộng bao nhiêu đi nữa cũng chỉ là xoa dịu phần nào những đau khổ của nó mà thôi, chứ không thể nào bù đắp được những thiệt thòi cho nó bằng một người bình thường không tàn tật. Bất công cũng vẫn còn là bất công thôi.
Nhưng chính những cái bất công ở đời này và sự bất lực không tạo được sự công bằng ở đời này đã giúp cho chúng ta tin rằng phải có một thế giới công bằng ở đời sau. Bởi vì nếu tất cả đều kết thúc ở đời này thì thật là chua xót quá đối với những kẻ xấu số tàn tật, thà họ không được sinh ra còn hơn. Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng nên họ không thể nào tàn nhẫn quá đến nỗi tạo ra họ chỉ là để cho họ chịu khổ đau. Vì thế mà chắc chắn phải có một cõi đời sau, khi đó mọi bất công sẽ không còn, những thiệt thòi sẽ được bù đắp xứng đáng, và công bình sẽ được thực hiện trọn vẹn.
Đó là ý nghĩa của những lời cầu nguyện đầy tin tưởng mà những kẻ xấu số đã kêu lên trong thánh vịnh 125 : "Lạy Chúa, xin hãy đổi số phận cho con, như những dòng suối ở miền Nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan". Mà cũng là ý nghĩa lời hứa hẹn ngầm của CG khi ra tay cứu chữa anh Bartimê khỏi bị mù trong bài Tin Mừng hôm nay, cũng là điều mà tiên tri Giêrêmia tiên báo trong bài thánh thư hôm nay "Ta sẽ lấy lòng từ bi mà dân dẫn dắt những kẻ đui mù què quặt..."
Tóm lại, những cảnh bất công ở đời vừa làm cho lòng ta thương cảm, mà cũng vừa giúp chúng ta tin chắc rằng phải có một cõi đời sau, công bằng hơn, hoàn hảo hơn và hạnh phúc hơn. Ở đời này có một số bất công mà con người không thể nào bù đắp cho công bằng được, như tàn tật chẳng hạn.
Nhưng chính các bất công không bù đắp được mấy khiến loài người mơ tối một cõi đời khác sẽ không còn bất công.
Và qua phép lạ cứu chữa một người mù, CG cho thấy rằng quyền năng TC có thể tạo ra một cõi đời như thế.
Như vậy phép lạ này là một bằng chứng về cõi đời sau. Đó là niềm tin của người Công giáo chúng ta.
* 4. Tâm sự của một người mù
Helen Keller bị mù và điếc từ lúc mới 19 tháng tuổi. Cô tâm sự như sau :
Một hôm, một người bạn của tôi vừa đi dạo trong rừng trở về. Tôi hỏi xem cô ấy đã thấy những gì. Cô bạn đáp : "Chẳng có gì đặc biệt cả".
Tôi rất ngạc nhiên và tự nhủ "Không thể nào như thế được". Bản thân tôi đây, vừa mù vừa điếc, thế mà chỉ với đôi tay sờ soạng, tôi vẫn cảm nhận được hàng trăm điều thích thú quanh tôi. Tôi cảm thấy được hình dáng dễ thương và sự mềm mại của chiếc lá. Chỉ cần đặt bàn tay lên cành cây nhỏ đang rung rinh là tôi cảm nhận được tiếng hót líu lo của con chim nhỏ đang đậu trên đó.
Bất hạnh lớn nhất không phải là bị mù, mà là có mắt nhưng không nhìn thấy.
V. Lời nguyện cho mọi người
Chủ tế : Anh chị em thân mến, người mù ăn xin đã cảm nghiệm tất cả mỗi khốn cùng của mình, nên khi gặp Đức Giêsu, anh đã van nài Chúa thương xót. Chúng ta hãy van nài xin Chúa thương xót chúng ta :
1. Xin cho mọi người trong Hội thánh luôn trở thành ánh sáng đem lại hy vọng / cho những người đang sống trong bóng tối của lầm lạc và thất vọng.
2. Xin cho các nhà cầm quyền trong xã hội / biết lo lắng cho những người mù lòa bệnh tật / để giúp họ được chữa lành / hoặc được sống trong niềm vui và hạnh phúc.
3. Xin cho những người bị đui mù cả phần xác lẫn phần hồn / được có dịp gặp gỡ Đức Giêsu / và được Đức Giêsu thương chữa lành.
4. Xin cho anh chị em giáo hữu trong xứ đạo chúng ta luôn ý thức rằng / bệnh đui mù phần hồn còn tai hại hơn đui mù phần xác / để luôn nài xin Chúa gìn giữ mình thoát khỏi căn bệnh tai hại ấy.
Chủ tế  : Lạy Chúa, đức tin của chúng con còn yếu kém và nhiều khi còn mù quáng, chúng con nài xin Chúa thương ban thêm đức tin, để chúng con trở nên đèn sáng dẫn đường cho mọi người đến với Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô...
VI. Trong Thánh lễ
- Trước kinh Lạy Cha : Hôm nay khi đọc kinh Lạy Cha, chúng ta hãy đặc biệt xin Chúa giúp chúng ta không còn mù lòa nữa, nhưng thấy được thánh ý Chúa Cha trong cuộc đời chúng ta.
VII. Giải tán
Sau khi được Đức Giêsu chữa khỏi mù, anh Bartimê đã nhìn thấy được và đi theo Đức Giêsu trên con đường Ngài đi. Chúng ta cũng được Chúa cho thấy con đường mà chúng ta phải đi để theo Chúa. Chúng ta hãy hăng hái tiến bước trên con đường ấy.
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI

Lectio Divina: Chúa Nhật XXX Thường Niên (B)
Chúa Nhật, 25 Tháng 10, 2015
Chúa Giêsu chữa lành Bartimê, người mù thành Giêricô 
Người mù được thấy! Hãy để cho những kẻ nhìn thấy không bị lừa gạt!
Mc 10:46-52


1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.   Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để, giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.

2.  Bài Đọc 

a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Bài Tin Mừng của Chúa Nhật tuần này kể về câu chuyện chữa lành của Bartimê, người đàn ông mù thành Giêricô (Mc 10:46-52).  Câu chuyện này bao gồm một bài giáo huấn dài của Chúa Giêsu cho các môn đệ (Mc 8:22-10:52).  Máccô đặt việc chữa lành người mù vô danh tại lúc khởi đầu của bài giáo huấn (Mc 8:22-26), sau đó, tại lúc kết thúc, ông kể cho chúng ta về việc chữa lành người mù thành Giêricô. Như chúng ta sẽ thấy, hai việc chữa lành là biểu tượng cho những gì xảy ra giữa Chúa Giêsu và các môn đệ.  Chúng chỉ cho ta thấy tiến trình và mục đích của việc học tập chậm chạp của các môn đệ.  Chúng mô tả điểm khởi đầu (người mù vô danh) và điểm kết thúc (Bartimê) của bài giáo huấn của Chúa Giêsu với các môn đệ và cho tất cả chúng ta. 
Khi đọc, chúng ta nên cố gắng nhìn vào thái độ của Chúa Giêsu, người mù Batimê và của dân chúng thành Giêricô, và tất cả những gì mỗi người nói và làm.  Khi đọc và suy gẫm bài đọc, hãy nghĩ rằng bạn đang nhìn vào một tấm gương.  Hình ảnh nào đang được phản chiếu về con người của bạn:  hình ảnh của Chúa Giêsu, của người mù Bartimê, hay của dân chúng?
b)  Phần phân đoạn văn bản để trợ giúp cho bài đọc:
Mc 10:46:   Mô tả bối cảnh của đoạn văn  
Mc 10:47:  Tiếng kêu cầu của người ăn xin  
Mc 10:48:  Phản ứng của dân chúng trước tiếng kêu của người ăn xin
Mc 10:49-50:  Phản ứng của Chúa Giêsu trước lời kêu cầu của người ăn xin
Mc 10:51-52:  Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người mù và việc chữa lành của anh ta

c) Tin Mừng:
46 Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi thành Giêricô cùng với các môn đệ và một đám đông, thì con ông Timê tên là Bartimê, một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường, 47 khi anh ta nghe biết đó là Chúa Giêsu Nagiarét, liền kêu lên rằng: "Hỡi ông Giêsu con vua Đavít, xin thương xót tôi". 48 Và nhiều người mắng anh bảo im đi, nhưng anh càng kêu to hơn: "Hỡi con vua Đavít, xin thương xót tôi".
49 Chúa Giêsu dừng lại và truyền gọi anh đến. Người ta gọi người mù và bảo anh: "Hãy vững tâm đứng dậy, Người gọi anh". 50 Anh ta liệng áo choàng, đứng dậy, đến cùng Chúa Giêsu. 51 Bấy giờ Chúa Giêsu bảo rằng: "Anh muốn Ta làm gì cho anh?" Người mù thưa: "Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy". 52 Chúa Giêsu đáp: "Được, đức tin của anh đã chữa anh". Tức thì anh ta thấy được và đi theo Người.
3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện

Để Lời Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý

Để giúp chúng ta trong phần suy gẫm cá nhân.

a)  Điểm nào trong bài Tin Mừng này bạn thích nhất?  Tại sao?
b)  Thái độ của Chúa Giêsu là gì:  Người đã nói gì và làm gì?           
c)  Thái độ của dân thành Giêricô ra sao:  họ nói gì và làm gì?
d)  Thái độ của người mù Bartimê phản ứng như thế nào:  anh ta nói gì và làm gì?
e)  Chúng ta có thể học được bài học gì từ việc chữa lành người mù Bartimê?

5.  Dành cho những ai muốn đào sâu vào trong chủ đề

a)  Bối cảnh về bài giáo huấn dài của Chúa Giêsu với các môn đệ:

Việc chữa lành người mù vô danh vào lúc khởi đầu của bài giáo huấn, xảy ra trong hai giai đoạn (Mc 8:22-26).  Trong giai đoạn đầu, người mù bắt đầu có linh cảm, nhưng chỉ là linh cảm.  Anh ta nhầm lẫn người ta với cây cối (Mc 8:24).  Trong giai đoạn hai, sau lần cố gắng thứ hai, anh ta bắt đầu hiểu rõ hơn.  Các môn đệ cũng giống như người mù vô danh:  Các ông chấp nhận Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai, nhưng không thể chấp nhận cây thập giá (Mc 8:31-33).  Họ là những người trông thấy người ta tưởng là cây cối.  Lòng tin của các ông vào Chúa Giêsu không mạnh mẽ lắm.  Các ông tiếp tục là người mù!  Khi Chúa Giêsu nhất quyết về việc phục vụ và thí mạng sống (Mc 8:31,34; 9:31; 10:33-34), các ông cứ khăng khăng tìm hiểu xem trong bọn họ ai là người quan trọng nhất (Mk 9:34), và các ông tiếp tục xin cho được những chỗ ngồi trên hết trong Nước Trời, một người ngồi bên hữu và người kia ngồi bên tả của ngai tòa (Mc 10:35-37).  Điều này cho thấy rằng tư tưởng chi phối của thời bấy giờ đã bén rễ sâu trong tâm lý của họ.  Sau khi sống chung với Chúa Giêsu một thời gian, các ông vẫn chưa đổi mới đủ để nhìn thấy người và việc.  Các ông nhìn Chúa Giêsu với con mắt của quá khứ.  Các ông muốn Người sẽ là người mà các ông mơ ước là:  một Đấng Cứu Thế vinh quang (Mc 8:32).  Nhưng mục đích lời giáo huấn của Chúa Giêsu là để cho các môn đệ có thể giống như anh mù Bartimê, người đã chấp nhận Đức Giêsu như chính con người Chúa, một đức tin mà ông Phêrô đã chưa có được.  Vì vậy người mù Bartimê là một khuôn mẫu cho các môn đệ thời Chúa Giêsu và cho cộng đoàn thời Máccô cũng như cho tất cả chúng ta.    

b)  Lời bình luận về văn bản

Mc 10:46-47:  Mô tả bối cảnh của đoạn Tin Mừng:  Tiếng kêu của người ăn xin
Cuối cùng, sau khi đi một quãng đường dài, Chúa Giêsu và các môn đệ đã đến thành Giêricô, nơi dừng chân cuối cùng trước khi đi lên Giêrusalem.  Người mù Bartimê đang ngồi bên vệ đường.  Anh ta không thể tham gia vào cuộc tiếp rước đi theo Chúa Giêsu.  Anh ta bị mù, anh không thể nhìn thấy gì.  Nhưng anh ta kêu lớn tiếng, cầu xin sự giúp đỡ:  "Hỡi ông Giêsu con vua Đavít, xin thương xót tôi!"  Khái niệm “Con vua Đavít” là danh hiệu phổ biến nhất mà mọi người gán cho Đấng Cứu Thế (Mt 21:9; Mc 11:10).  Nhưng Chúa Giêsu không thích danh hiệu này.  Người phê phán và đặt vấn đề về thái độ của các luật sĩ là những kẻ đã giảng dạy dân chúng rằng Đấng Cứu Thế là Con vua Đavít (Mc 12:35-37).

Mc 10:48:  Phản ứng của dân chúng về tiếng kêu cầu của người ăn xin
Tiếng kêu cầu của người ăn xin nghe cảm thấy khó chịu, không thoải mái.  Những kẻ đang đi theo đám rước Chúa Giêsu thì cố bảo anh Bartimê im tiếng.  Nhưng “anh càng kêu to hơn nữa!”  Ngày nay cũng vậy, tiếng kêu xin của người nghèo khổ làm cho người ta khó chịu.  Ngày nay có hàng triệu người đang kêu lớn tiếng: kẻ di dân, tù nhân, kẻ đói khát, bệnh nhân, những kẻ bị gạt ra bên lề xã hội và bị áp bức, những người thất nghiệp, không tiền, vô gia cư, không nhà, không đất, những kẻ không bao giờ cảm thấy được yêu thương!  Tiếng kêu van của họ đã bị bắt im tiếng, trong gia đình chúng ta, trong giáo hội, trong các tổ chức trên thế gian.  Chỉ có những kẻ mở mắt để thấy những gì đang xảy ra trong thế giới thì sẽ lắng tai nghe tiếng họ.  Nhưng nhiều người trong số ấy đã thôi không nghe nữa.  Họ đã quen với tình cảnh.  Còn những người khác thì cố gắng bịt miệng những người kêu xin, như họ đã cố làm với người mù thành Giêricô.  Nhưng họ không thể làm im hơi lặng tiếng được với lời kêu cứu của người nghèo khó.  Thiên Chúa lắng nghe họ (Xh 2:23-24; 3:7).  Thiên Chúa phán:  “Các ngươi không được ức hiếp mẹ góa con côi; nếu ngươi ức hiếp mà nó kêu cứu Ta, ắt Ta sẽ nghe tiếng nó kêu cứu!” (Xh 22:21).

Mc 10:49-50:  Phản ứng của Chúa Giêsu đối với tiếng kêu xin của người nghèo
Chúa Giêsu làm gì?  Làm thế nào mà Thiên Chúa nghe thấy tiếng kêu xin này? Chúa Giêsu dừng lại và truyền gọi người mù đến.  Những kẻ muốn bịt miệng anh ta, muốn làm im tiếng kêu khó chịu của người ăn xin, giờ đây, theo lệnh truyền của Chúa Giêsu, họ thấy mình bị bắt buộc phải đem người ăn xin đến với Chúa Giêsu như thế.  Người mù Bartimê đã bỏ lại tất cả và đi theo Chúa Giêsu.  Của cải của anh ta không có nhiều, chỉ có chiếc áo choàng.  Đó là tất cả những gì anh ta có để đắp và làm áo che thân (xem Xh 22:25-26).  Đó là sự yên ổn của anh ta, nơi nương tựa của anh ta!   


Mc 10:51-52:  Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người mù và việc chữa lành của anh
Chúa Giêsu hỏi rằng:  "Anh muốn Ta làm gì cho anh?"  Chỉ kêu lớn tiếng thì chưa đủ.  Người ta phải biết rằng mình kêu lớn tiếng vì điều gì!  Người mù thưa: "Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy!"  Người mù Bartimê đối đáp với Chúa Giêsu trong một cách không bình thường tí nào, dù rằng, như chúng ta thấy, với danh hiệu “Con vua Đavít” mà Chúa Giêsu đã không chuộng (Mc 12:35-37).  Nhưng người mù Bartimê có niềm tin vào Chúa Giêsu nhiều hơn là trong các ý tưởng và danh hiệu dành cho Chúa Giêsu.  Không như những người khác đang hiện diện ở đó.  Họ không thấy được điều gì là quan trọng, giống như Phêrô (Mc 8:32).  Bartimê biết cách cho đi đời sống mình bằng cách chấp nhận Đức Giêsu vô điều kiện.  Chúa Giêsu nói với anh ta:  "Được, đức tin của anh đã chữa anh!"  Tức thì anh ta thấy được.  Anh bỏ lại tất cả và đi theo Chúa Giêsu (Mc 10:52).  Việc chữa lành của người mù là kết quả niềm tin của anh ta vào Chúa Giêsu (Mc 10:46-52).  Bây giờ được trông thấy, Bartimê đi theo Chúa Giêsu và cùng với Người lên Giêrusalem và đồi Canvê!  Anh ta trở thành một môn đệ mẫu mực cho Phêrô và cho tất cả chúng ta: đặt đức tin của chúng ta nơi Đức Giêsu nhiều hơn là những ý tưởng của chúng ta về Người!

c)  Phần phụ chú:

Bối cảnh cuộc hành trình đi về Giêrusalem

Chúa Giêsu và các môn đệ đang trên đường đi đến Giêrusalem (Mc 10:32).  Chúa Giêsu đi trước các ông.  Người đi trong vội vã.  Người biết rằng người ta sẽ giết mình.  Ngôn sứ Isaia đã nói tiên tri về điều này (Is 50:4-6; 53:1-10).  Cái chết của Người không phải là một điều gì sẽ xảy đến qua số phận mù mờ hoặc một chương trình được an bài, mà là kết quả của một nhiệm vụ được gánh vác, của một sứ vụ nhận được từ Chúa Cha cùng với những kẻ bị loại trừ vào thời của Người.  Chúa Giêsu báo trước cho các môn đệ ba lần về những khổ hình và cái chết đang chờ đợi Người tại Giêrusalem (Mc 8:31; 9:31; 10:33).  Người môn đệ phải đi theo thầy của mình, thậm chí còn chịu chung sự đau khổ với thầy (Mc 8:34-35).  Các môn đệ sửng sốt và đi cùng với Người với đầy sợ hãi (Mc 9:32).  Các ông không hiểu được những gì đang xảy ra.  Đau khổ không là một phần trong ý tưởng các ông đã có về Đấng Mêssia (Mc 8:32-33; Mt 16:22).  Không chỉ có một số người trong bọn họ không hiểu, mà các ông vẫn còn tiếp tục ấp ủ những tham vọng cá nhân.  Giacôbê và Gioan xin cho được một chỗ danh dự trong Nước Trời, một người ngồi bên hữu và một người ngồi bên tả của Chúa Giêsu (Mc 10:35-37).  Các ông muốn vượt trên cả Phêrô!  Các ông không hiểu được dự tính của Chúa Giêsu.  Các ông chỉ quan tâm đến lợi ích riêng của mình.  Điều này phản ảnh những tranh chấp và căng thẳng hiện hữu trong các cộng đoàn vào thời Máccô và thậm chí còn hiện hữu trong các cộng đoàn chúng ta ngày nay.  Chúa Giêsu phản ứng một cách dứt khoát:  “Các con không biết các con đang xin những gì!” (Mc 10:38)  Người hỏi các ông có uống nổi chén Người sắp uống và chịu nổi phép rửa Người sắp chịu.  Chén sắp uống là chén cay đắng cực hình, và phép rửa là phép rửa bằng máu.  Chúa Giêsu muốn biết liệu vì một chỗ ngồi danh dự, các ông có sẽ sẵn sàng hy sinh mạng sống mình cho đến chết không.  Các ông đáp:  “Thưa được” (Mc 8:39).  Điều này dường như là một câu trả lời từ đầu môi chót lưỡi của họ vì chỉ một ít ngày sau đó các ông đã bỏ rơi Chúa Giêsu và để mặc Người một mình vào giờ khắc chịu đau khổ (Mc 14:50).  Các ông không có lấy một chút xíu lương tâm, các ông không trông thấy thực tại của bản thân Người.  Trong lời giáo huấn của Người cho các môn đệ, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến việc thực hiện quyền lực (xem Ma 9:33-35). Vào thời đó, những người nắm giữ quyền lực không quan tâm gì đến người dân. Họ hành động theo ý của họ (xem Mc 6:17-29).  Đế chế La Mã đã kiểm soát thế giới và nắm giữ sự phục tùng bằng vũ lực, và do đó, qua hình thức cống vật, thuế xâu, đã có thể tập trung của cải của người dân trong tay một ít người ở Rôma.  Xã hội được đặc trưng bởi việc thi hành sự áp chế và lạm dụng quyền lực.  Chúa Giêsu lại nghĩ khác.  Người nói:  “Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người!” (Mc 10:43).  Người bảo các ông phải tránh những đặc quyền và sự cạnh tranh.  Người đảo ngược thứ tự của hệ thống và nhấn mạnh đến sự phục vụ như một phương cách để khắc phục tham vọng cá nhân.  Cuối cùng, Người đã hiến mạng sống mình để minh chứng cho những gì người đã nói:  “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10:45).     

Đức tin là mãnh lực có thể biến đổi con người

Tin Mừng Nước Trời nói rằng Đức Giêsu giống như một loại phân bón.  Người làm hạt giống của sự sống phát triển ở người ta, một hạt giống ẩn náu giống như ngọn lửa ẩn mình dưới đống tro tàn của sự tuân thủ, không sinh khí.  Chúa Giêsu thổi hơi trên đống tro tàn và ngọn lửa dấy lên, Nước Trời được mặc khải và người ta vui mừng.  Điều kiện luôn luôn giống nhau:  niềm tin vào Đức Giêsu.

Khi sự sợ hãi xâm chiếm người ta, đức tin biến mất và hy vọng bị dập tắt.  Trong giờ khắc đau khổ của mình, Chúa Giêsu mắng các môn đệ vì việc thiếu lòng tin của họ (Mc 4:40).  Các ông không tin, bởi vì các ông sợ (Mc 4:41).  Chúa Giêsu không thể làm được phép lạ nào tại làng Nagiarét bởi vì người ta ở đó không tin (Mc 6:6). Họ không chịu tin bởi vì Chúa Giêsu đã không xứng hợp với những ý tưởng của họ có về Người (Mc 6:2-3).  Chính vì việc thiếu đức tin đã khiến cho các môn đệ không thể xua trừ được “quỷ câm” ám một em bé (Mc 9:17).  Chúa Giêsu phê phán các ông:  “Ôi thế hệ cứng lòng, không chịu tin!” (Mc 9:19).  Sau đó, Người chỉ cho các ông cách nào tái nhóm lại ngọn lửa đức tin:  “Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi” (Mc 9:29).

Chúa Giêsu thúc giục người ta phải có lòng tin vào Người và do đó tạo được niềm tin ở những người khác (Mc 5:34,36; 7:25-29; 9:23-29; 10:52; 12:34,41-44).  Suốt sách Tin Mừng Máccô, lòng tin vào Đức Giêsu và lời của Người giống như một mãnh lực thay đổi người ta.  Nó có thể khiến cho tội lỗi của họ được tha thứ (Mc 2:5), có thể khiến cho người ta vượt qua được đau khổ (Mc 4:40), có quyền năng để chữa lành và thanh tẩy chính mình (Mc 5:34).  Đức tin có thể chiến thắng được cái chết, như khi đứa con gái mười hai tuổi của ông Giairô làm bùng cháy lên trong lòng cha của cô niềm tin vào Đức Giêsu và vào lời của Người (Mc 5:36).  Đức tin khiến cho anh mù Bartimê nhảy lên vì vui mừng:  “Đức tin của anh đã chữa anh!” (Mc 10:52).  Nếu có ai nói với ngọn núi:  “Dời chỗ đi, nhào xuống biển!” mà lòng chẳng nghi nan, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra, thì sẽ được như ý (Mc 9:23-24).  “Vì mọi sự đều có thể đối với người tin!” (Mc 9:23).

“Hãy tin vào Thiên Chúa!” (Mc 11:22).  Nhờ Lời của Người và các hành động của Người, Chúa Giêsu dấy lên trong người ta một dũng lực ngủ yên mà người ta không nhận thức được sự sở hữu của mình.  Đây là những gì xảy ra cho ông Giairu (Mk 5:36), cho người đàn bà bị bệnh hoại huyết (Mk 5:34), cho người cha với đứa con bị động kinh (Mc 9:23-24), cho người mù Bartimê (Mc 10:52), và cho nhiều người khác nữa bởi vì lòng tin của họ vào Đức Giêsu họ đã để cho một đời sống mới phát triển trong họ và trong những người khác.

Việc chữa lành người mù Bartimê (Mc 10:46-52) làm sáng tỏ một khía cạnh rất quan trọng về bài giáo huấn dài của Chúa Giêsu cho các môn đệ.  Người mù Bartimê đã gọi Chúa Giêsu bằng danh hiệu thiên sai của Người “Con vua Đavít!” (Mc 10:47).  Chúa Giêsu không thích danh hiệu này (Mc 12:35-37).  Nhưng ngay cả khi anh ta gọi Chúa Giêsu bằng một danh hiệu không hoàn toàn chính xác, người mù Bartimê đã có lòng tin và được chữa lành!  Phêrô thì không như thế, ông không còn tin vào những ý tưởng về Chúa Giêsu.  Người mù Bartimê đã thay đổi ý tưởng của anh ta, đã hoán cải, bỏ lại mọi sự đằng sau và đi theo Chúa Giêsu trên cuộc hành trình lên đồi Canvê! (Mc 10:52).

Một sự hiểu biết cặn kẽ về việc đi theo Chúa Giêsu thì không thể có được qua việc giảng dạy lý thuyết, mà là qua một sự dấn thân thực tế, làm một cuộc hành trình với Người trên con đường phục vụ từ miền Galilêa đến Giêrusalem.  Bất cứ ai cố mà nắm giữ theo ý tưởng của Phêrô, đó là, về một Đấng Cứu Thế vinh quang không có thập giá, sẽ không hiểu được Chúa Giêsu và sẽ không bao giờ đích thực là môn đệ.  Bất cứ ai muốn tin vào Chúa Giêsu và sẵn lòng “hiến mạng sống mình” (Mc 8:35), chấp nhận “làm sau rốt” (Mc 9:35), “uống chén và vác thập giá” (Mc 10:387), giống như người mù Bartimê, ngay cả với những ý tưởng không hoàn toàn chính xác, sẽ có nghị lực “đi theo Chúa Giêsu” (Mc 10:52).  Điều chắc chắn về việc có thể bước đi cùng với Chúa Giêsu mà chúng ta thấy được là nguồn gốc của lòng can đảm và hạt giống sự chiến thắng của thập giá.  

6.  Cầu Nguyện với Thánh Vịnh 31 (30)

Lạy Chúa, con ẩn náu bên Ngài! 
Con ẩn náu bên Ngài, lạy CHÚA,
xin đừng để con phải tủi nhục bao giờ.
Bởi vì Ngài công chính, xin giải thoát con,
ghé tai nghe và mau mau cứu chữa.
Xin Ngài nên như núi đá cho con trú ẩn,
như thành trì để cứu độ con.

Núi đá và thành lũy bảo vệ con, chính là Chúa.
Vì danh dự Ngài, xin dẫn đường chỉ lối cho con.
Lưới kẻ thù giăng, xin gỡ con ra khỏi,
vì nơi con trú ẩn, chính là Ngài.
Trong tay Ngài, con xin phó thác hồn con,
Ngài đã cứu chuộc con, lạy CHÚA TRỜI thành tín.
Ngài ghét bọn thờ thần hư ảo,
phần con đây, lạy CHÚA, chỉ tin tưởng nơi Ngài.
Được Ngài thương, con vui mừng hớn hở,
vì Ngài đã đoái nhìn phận con cùng khốn.
Con lâm cảnh ngặt nghèo, Ngài lo lắng chăm nom,
chẳng trao nộp thân này vào tay thù địch,
nhưng cho con rộng bước thênh thang.

Xin xót thương, lạy CHÚA, bởi vì con lâm cảnh ngặt nghèo,
quá sầu đau, mắt đà mòn mỏi,
hồn ảo não và thân hình tiều tuỵ.
Đời tiêu hao trong nỗi u buồn
và tháng năm tàn lụi giữa tiếng thở than.
Con kiệt lực vì gặp bước khốn cùng, gân cốt con rời rã.

Con đã nên trò cười cho thù địch
và cho cả hàng xóm láng giềng.
Bạn bè thân thích đều kinh hãi,
thấy con ngoài đường, ai cũng tránh xa.
Bị lãng quên, như kẻ chết không người tưởng nhớ,
con hóa thành đồ hư vất bỏ.
Con nghe thấy những lời độc địa của bao người,
nhìn chung quanh: toàn những điều khủng khiếp.
Chúng toa rập chống con, và mưu toan lấy mạng.

Nhưng con đây vẫn tin tưởng nơi Ngài, lạy CHÚA,
dám thưa rằng: Ngài là Thượng Đế của con.
Số phận con ở trong tay ngài.
Xin giải thoát con khỏi tay địch thủ,
khỏi người bách hại con.
Xin toả ánh tôn nhan rạng ngời
trên tôi tớ Ngài đây, và lấy tình thương mà cứu độ.

Lạy CHÚA, xin đừng để con phải nhục nhã, vì đã kêu cầu Ngài,
Nhưng ước gì ác nhân phải nhục nhã
mà ngậm miệng sa xuống âm ty.
Cho phường điêu ngoa phải câm họng;
chúng kiêu ngạo khinh đời, buông những lời hỗn xược
chống lại người công chính.

Lạy Chúa, cao cả thay tấm lòng nhân hậu,
Chúa dành cho kẻ kính sợ Ngài,
và thi thố trước mặt phàm nhân
cho ai tìm đến Ngài nương náu.
Bên Thánh Nhan, Ngài giấu họ kỹ càng
khỏi người đời mưu hại.
Ngài che chở họ trong lều thánh, xa tầm lưỡi thị phi.

Chúc tụng CHÚA đã tỏ tình thương kỳ diệu đối với con
trong thành trì vững chắc.
Vậy mà con đã nói vì hốt hoảng:
"Con bị đuổi đi khuất mắt Chúa rồi! "
Thế nhưng Ngài đã nghe tiếng nài van
trong ngày con kêu cứu.

Hết mọi người hiếu trung với Chúa,
hãy yêu mến CHÚA đi!
CHÚA giữ gìn những ai thành tín
nhưng thẳng tay trừng trị người ăn ở kiêu căng.
Hỡi mọi người cậy trông vào CHÚA,
mạnh bạo lên, can đảm lên nào!

7.  Lời Nguyện Kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha.  Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực thi Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Nguyện xin cho chúng con, trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa.  Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét