Trang

Thứ Ba, 6 tháng 10, 2015

07-10-2015 : THỨ TƯ TUẦN XXVII MÙA THƯỜNG NIÊN - ĐỨC MẸ MÂN CÔI - Lễ Kính

07/10/2015
Thứ Tư tuần 27 thường niên
Đức Mẹ Mân Côi.
Lễ kính.

* Ngày 7 tháng 10 năm 1571, Tây Phương thoát khỏi sự đe dọa của quân Thổ Nhĩ Kỳ nhờ chiến thắng ở vịnh Lê-pan-tô. Người ta cho rằng chiến thắng đó là kết quả của Kinh Mân Côi. Ngày nay, mừng lễ này không có nghĩa là mừng biến cố xa xưa đó, nhưng là nhắc nhở việc suy niệm các mầu nhiệm nhập thể, thương khó và phục sinh vinh hiển của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa cũng như khám phá ra vị trí của Đức Trinh Nữ Maria trong mầu nhiệm cứu độ.

Bài Ðọc I: St 3, 9-15. 20
"Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa miêu duệ mi và miêu duệ người phụ nữ".
Trích sách Sáng Thế.
Thiên Chúa đã gọi Ađam và phán bảo ông rằng: "Ngươi đang ở đâu?" Ông đã thưa: "Con đã nghe thấy tiếng Ngài trong vườn địa đàng, nhưng con sợ hãi, vì con trần truồng và con đang ẩn núp".
Chúa phán bảo ông rằng: "Ai đã chỉ cho ngươi biết rằng ngươi trần truồng, há chẳng phải tại ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi không được ăn ư?" Ađam thưa lại:"Người phụ nữ Chúa đã cho làm bạn với con, chính nàng đã cho con trái cây và con đã ăn". Và Thiên Chúa phán bảo người phụ nữ rằng: "Tại sao ngươi đã làm điều đó?" Người phụ nữ thưa:"Con rắn đã lừa dối con và con đã ăn".
Thiên Chúa phán bảo con rắn rằng: "Bởi vì mi đã làm điều đó, mi sẽ vô phúc ở giữa mọi sinh vật và mọi muông thú địa cầu; mi sẽ bò đi bằng bụng, và mi sẽ ăn bùn đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó, người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi, còn mi thì sẽ rình cắn gót chân người".
Và Ađam đã gọi tên vợ mình là Evà: vì lẽ bà là mẹ của chúng sinh.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: 1 Sm 2, 1. 4-5. 6-7. 8
Ðáp: Tâm hồn tôi nhảy mừng trong Chúa, Ðấng Cứu độ tôi (c. 1a).
Xướng: 1) Tâm hồn tôi nhảy mừng trong Chúa, và sức mạnh tôi được gia tăng trong Thiên Chúa tôi; miệng tôi mở rộng ra trước quân thù, vì tôi reo mừng việc Chúa cứu độ tôi. - Ðáp.
2) Chiếc cung những người chiến sĩ đã bị bẻ gãy, và người yếu đuối được mạnh khoẻ thêm. Những kẻ no nê phải làm thuê độ nhật, và những người đói khát khỏi phải làm thuê; người son sẻ thì sinh năm đẻ bảy, còn kẻ đông con nay phải héo tàn. - Ðáp.
3) Chúa làm cho chết và Chúa làm cho sống, Chúa đày xuống Âm phủ và Chúa dẫn ra. Chúa làm cho nghèo và làm cho giàu có, Chúa hạ xuống thấp và Chúa nâng lên cao. - Ðáp.
4) Từ nơi cát bụi, Chúa nâng người yếu đuối; từ chỗ phân nhơ, Chúa nhắc kẻ khó nghèo, để cho họ ngồi chung với các vương giả, và cho họ dự phần ngôi báu vinh quang. - Ðáp.

Bài Ðọc II: Rm 5, 12. 17-19
"Nơi nào tội lỗi đầy tràn, thì Người ban ơn thánh dư dật".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, cũng như do một người mà tội lỗi đã nhập vào thế gian, và do tội lỗi mà có sự chết, và thế là sự chết đã truyền đến mọi người, vì lẽ rằng mọi người đã phạm tội. Vì nếu bởi tội của một người mà sự chết đã thống trị do một người đó, thì những người lãnh được ân sủng và ơn huệ dồi dào bởi đức công chính, càng được thống trị hơn nữa trong sự sống do một người là Ðức Giêsu Kitô. Do đó, tội của một người truyền đến mọi người đưa tới án phạt như thế nào, thì đức công chính của một người truyền sang mọi người đưa tới bậc công chính ban sự sống cũng như thế. Vì như bởi tội không vâng lời của một người mà muôn người trở thành những tội nhân thế nào, thì do đức vâng lời của một người mà muôn người trở thành kẻ công chính cũng như thế.
Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 1, 28
Alleluia, alleluia! - Kính chào Maria đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ; Trinh Nữ được chúc phúc giữa các người phụ nữ. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 1, 26-38
"Này Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một Con trai".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Thiên Thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: "Kính chào Trinh Nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ". Nghe lời đó, Trinh Nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: "Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này Trinh Nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận.
Nhưng Maria thưa với thiên thần: "Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?"
Thiên thần thưa: "Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế, Ðấng trinh nữ sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được".
Maria liền thưa: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền". Và thiên thần cáo biệt trinh nữ.
Ðó là lời Chúa.


Suy niệm : Mẹ Ðầy Ơn Phước
Thời gian viên mãn đã đến, người trinh nữ, dấu chỉ của lời hứa được loan báo trước kia giỡ đây được chỉ định rõ ràng cho chúng ta biết và chúng ta biết rõ đó là Ðức Maria, Ðấng làm cho tâm hồn ta tràn đầy tin tưởng và niềm vui khi nghe đến tên Ngài. Cùng với thiên thần Gabriel, chúng ta cất lên lời chào: "Kính mừng Maria, hãy vui lên, Maria". Qua lời chào của thiên thần, Thiên Chúa mời gọi Maria hãy vui lên vì thời giờ thực hiện lời hứa đã đến và làm sao Mẹ Maria không vui lên được, khi biết chính mình đã được chọn để thực hiện lời hứa, để làm dấu chỉ loan báo hoàng tử hòa bình sắp đến. Mỗi lần chúng ta chào chúa Mẹ Maria qua kinh Kính Mừng "Kính Mừng Maria đầy ơn phước" chúng ta tham dự vào niềm vui và niềm tri ân của Mẹ đối với Thiên Chúa.
Mẹ là Ðấng đầy ơn phước, Ðấng được Thiên Chúa chúc phúc. Mẹ thuộc hoàn toàn về người tôi tớ của Ðức Giavê như được loan báo nơi sách tiên tri Isaia chương 42 câu 1: "Ðây là tôi tớ Ta, Ðấng Ta chọn và đẹp lòng Ta mọi đàng. Mẹ được đầy ơn phước vì Ðấng sắp đến ngự nơi Mẹ là Con yêu dấu của Thiên Chúa". Mẹ Maria được đầy tràn niềm vui. Mẹ là người đầu tiên được Thiên Chúa cho nếm trước niềm vui vì Thiên Chúa nhập thể. Nhờ Thiên Chúa mạc khải, Mẹ Maria hiểu được sứ mệnh của Mẹ như là dấu chỉ niềm hy vọng, dấu chỉ Thiên Chúa chu toàn lời hứa của Ngài cho Israel, và suốt đời Mẹ sẽ là bài ca chúc tụng lòng trung thành của Thiên Chúa, như Mẹ đã thốt lên nơi nhà ông Dacaria:
"Linh hồn tôi ngợi khen Chúa,
Ngài là Ðấng trung tín như lời đã hứa
Abraham và con cháu ông".
"Thiên Chúa ở cùng Bà", Mẹ Maria đã từng suy niệm lời tiên tri loan báo trước về biến cố cứu rỗi sắp đến, nên giờ đây từng lời thiên thần nói ra cho Mẹ đều mang một ý nghĩa sâu xa. "Thiên Chúa ở cùng Bà", giây phút quan trọng nhất của lịch sử đã đến, đó là lúc trinh nữ Maria hay tin và hiểu rõ thực tại Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Emmanuel, một cách thật độc nhất vô nhị. Mẹ vui mừng gọi Thiên Chúa là Emmanuel, là Ðấng ở cùng chúng ta. Mẹ vui mừng trước sự hiện diện của Thiên Chúa và chúng ta hiệp với Mẹ trong niềm vui và hết lòng cảm tạ Thiên Chúa.
"Hỡi Maria, đừng sợ", kinh nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa nơi chính mình, không khỏi làm cho con người run sợ. Không phải Mẹ Maria cảm nghiệm Thiên Chúa hiện diện, nhưng Mẹ còn được mạc khải cho biết giờ đây, đến lúc lời hứa thành sự thật nơi Mẹ. Không bao giờ Mẹ Maria đã nghĩ đến việc cả thể này, Thiên Chúa mạc khải chính Ngài và ý định của Ngài cho Mẹ. Mẹ vui mừng lên như một niềm vui mừng đi kèm với sự run sợ, một sự run sợ thánh. Kinh nghiệm sống đời Kitô, chúng ta cũng thấy hai tâm tình này như Mẹ Maria, vừa vui và vừa sợ. Mẹ Maria nhờ ơn Chúa giúp đã thắng vượt cái sợ và phó thác tin tưởng hoàn toàn vào Chúa.
Xin Mẹ Maria giúp chúng ta được tham dự vào niềm vui của Mẹ, được trở thành dấu chỉ để Thiên Chúa thực hiện ơn cứu rỗi của Ngài nơi anh chị em chung quanh. Ðặc biệt, trong ngày lễ của Mẹ hôm nay, chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa Cha:
"Lạy Cha là Chúa tể trời đất,
Chúng con chúc tụng Cha
Vì Cha đã không mạc khải cho những kẻ khôn ngoan kiêu ngạo
Nhưng cho những kẻ bé nhỏ khiêm tốn
Cha đã chọn Mẹ Mari để thực hiện lời hứa cứu rỗi chúng con,
Nhờ lời cầu khẩn của Mẹ Maria
Ðặc biệt trong ngày lễ của Mẹ hôm nay
Và nhân danh Chúa Giêsu Kitô,
Ðấng Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng con".
Xin cho chúng con nhận ra sự hiện diện của Người và vui mừng tiếp rước Người đến ở với chúng con. Và lạy Mẹ Maria, chúng con kính mừng Mẹ, Ðấng đầy ơn phước. Mẹ đã lãnh nhận mọi phúc lành của Thiên Chúa để giúp chúng con. Thiên Chúa ở cùng Mẹ; Ngài cũng đến ở với chúng con. Chúng con cũng sẽ cảm nghiệm được điều này như Mẹ, nếu chúng con biết sống trung thành với ơn gọi như Mẹ. Xin Mẹ cầu bầu cho chúng con được luôn sống trong niềm vui vì được Chúa hiện diện bên cạnh, và đặc biệt trong chính chúng con.
Veritas Asia


LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Lễ Đức Mẹ Mân Côi
Bài đọc: Zec 2:14-17; Lk 1:26-38

CHỦ ĐỀ: Con Thiên Chúa xuống thế để ở với con người. 

            Tháng mười, được gọi là tháng Mân Côi, tháng kỷ niệm cuộc đời của Chúa Cứu Thế và Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ người. Cuộc đời của hai con người quan trọng nhất trong lịch sử cứu độ của Thiên Chúa được dệt bằng những biến cố quan trọng, nhưng các bài đọc hôm nay tập trung trong biến cố Nhập Thể của Chúa Giêsu.
            Trong bài đọc I, ngôn sứ Zechariah nói trước về biến cố này, được lồng trong khung cảnh lưu đày của dân tộc Do Thái. Thiên Chúa luôn quan tâm và săn sóc con người; nhất là khi con người phải buồn sầu khổ cực trong chốn lưu đày. Ngài đã có một kế hoạch để giải thoát con người khỏi quyền lực của tội lỗi bằng cách cho người con một của Người xuống để ở với con người, để dạy dỗ, chữa lành và cứu chuộc con người. Ngôn sứ Zechariah đã được Thiên Chúa cho nhìn thấy trước ngày này, nên ông đã kêu gọi dân Do Thái hãy vui mừng lên vì ngày đó đã gần đến. Trong Phúc Âm, những gì ngôn sứ Zechariah loan báo đã trở thành hiện thực trong biến cố Truyền Tin, được ghi lại bởi thánh sử Lucas. Chính nhờ sự vâng phục của Đức Trinh Nữ Maria mà con Thiên Chúa đã nhập thể trong cung lòng của Mẹ, để bắt đầu sứ vụ cứu chuộc của ngài cho trần gian.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC

1/ Bài đọc I: "Hỡi con gái Xi-on, hãy vui sướng reo hò, vì này Ta đang đến để ở lại giữa ngươi.”
            Có ba sự kiện chính chúng ta ghi nhận trong đoạn văn của ngôn sứ Zechariah:

1.1/ Thiên Chúa đang đến và ở lại với dân Người: Sự kiện này được lặp lại hai lần trong hai câu đầu tiên, 14 và 15. Không những Thiên Chúa đến để viếng thăm, nhưng còn ở lại với dân Người. Khi Chúa Giêsu đến, ngài không chỉ viếng thăm; nhưng hoá thành nhục thể để ở với con người trong suốt ba mươi ba năm; và lập bí tích Thánh Thể để ở với con người suốt mọi ngày cho đến tận thế. Đây là một sự kiện đặc biệt mà con người phải vui mừng, phải reo hò và hân hoan vì khi có Thiên Chúa ở với, con người sẽ không còn cô đơn và sợ hãi những quyền lực của thế gian và ma quỉ.
            Thiên Chúa phải trừng phạt dân tộc Do Thái một thời gian vì họ quá cứng lòng, không chịu nghe những lời Ngài dạy bảo qua các ngôn sứ; nhưng khi họ biết nhận ra những lỗi lầm của họ và quay trở về với Thiên Chúa, Ngài sẽ phục hồi tất cả mọi quyền lợi và địa vị cho họ, như lời ngôn sứ Zechariah loan báo, “Đức Chúa sẽ lấy Giu-đa làm cơ nghiệp, đó là sở hữu của Người trên Đất Thánh và Người sẽ lại tuyển chọn Giê-ru-sa-lem.”

1.2/ Các dân tộc sẽ được nhập đoàn với dân Chúa: “Ngày ấy, nhiều dân tộc sẽ gắn bó cùng Đức Chúa: Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ ở giữa ngươi.” Trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, Ngài bắt đầu với dân tộc Do Thái như một dân riêng; sau đó, Ngài sẽ cho tất cả các dân tộc được nhập đoàn qua niềm tin của họ vào Đức Kitô. Khi sự kiện này bắt đầu xảy ra, người Do Thái sẽ nhận ra kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa và phải tin rằng Đức Kitô được Chúa Cha sai đến.

1.3/ Thái độ của con người phải có trước mầu nhiệm Nhập Thể: “Hỡi mọi xác phàm, hãy lặng thinh trước nhan Đức Chúa, bởi vì Người tỉnh giấc và ra khỏi Nơi Thánh của Người.” Đứng trước tình yêu vô biên của Thiên Chúa, được biểu tỏ qua việc con Thiên Chúa bỏ Nơi Thánh của người trên thiên quốc để xuống gian trần cứu độ con người, con người không biết làm gì hơn là thinh lặng để suy niệm và cảm nghiệm tình yêu sâu xa và vô biên này.

2/ Phúc Âm: Sứ vụ của Đức Trinh Nữ Maria

2.1/ Cuộc gặp gỡ giữa trời và đất: Tuyệt đỉnh của Mầu Nhiệm Cứu Độ là Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra; và bắt đầu cuộc đời của Đấng Cứu Thế trên dương gian là biến cố Truyền Tin hôm nay. Không ai có thể ngờ một Thiên Chúa, Đấng dựng nên và có quyền trên muôn loài, lại đến với một tạo vật của mình; để xin cho Người Con được vào cung lòng của Trinh Nữ và sinh ra làm người. Thánh-sử Luca tường thuật biến cố Truyền Tin như sau: “ Khi Bà Elizabeth có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gabriel đến một thành miền Galilee, gọi là Nazareth, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đavit. Trinh nữ ấy tên là Maria. Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà." Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Sứ thần liền nói: "Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa.”

2.2/ Mầu Nhiệm Cứu Độ được mặc khải: Sứ-thần Gabriel nói về con trẻ sẽ được sinh ra như sau: “Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavit, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Jacob đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận." Đây chính là lời hứa thứ ba mà Tiên-tri Nathan đã loan báo cho Vua Đavit trong Sách Samuen II. Chỉ có một điều kỳ lạ không ai ngờ tới về đứa trẻ sinh ra, tuy là Con của Đấng Tối Cao nhưng lại thuộc giòng dõi Đavit qua người cha nuôi, Thánh Giuse.

2.3/ Phản ứng của Đức Trinh Nữ Maria: Vì đã khấn giữ mình đồng trinh, Maria thưa với sứ thần: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!" Điều Maria muốn giữ mình đồng trinh là điều đẹp lòng Thiên Chúa, vì Ngài muốn con của Ngài nhập thể trong một cung lòng thanh sạch và tinh tuyền như thế. Hơn nữa, lời tiên tri của Isaiah cũng đã báo trước về người trinh-nữ này (parthenos, Isa 7:14).
            Đức Trinh Nữ, cũng giống như nhiều người chúng ta, thắc mắc theo sự hiểu biết của con người: Làm sao thụ thai và sinh con mà còn đồng trinh? Chúng ta quên đi cách của Thiên Chúa: có thể giữ mình đồng trinh mà vẫn sinh con. Sứ thần cắt nghĩa cách của Thiên Chúa: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.” Sứ thần đưa một bằng chứng cụ thể: “Kìa bà Elizabeth, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được." Sau khi đã lắng nghe lời cắt nghĩa của Sứ-thần, Đức Trinh Nữ Maria nói: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói." Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG

            - Trong tháng Mân Côi, chúng ta hãy dành nhiều thời giờ để lần hạt và suy ngắm về tình yêu vô biên của Thiên Chúa dành cho chúng ta qua mầu nhiệm Nhập Thể của con Ngài.
            - Noi gương Mẹ Maria, chúng ta hãy vâng lời và cộng tác với Thiên Chúa để mang ơn cứu độ của Ngài cho chúng ta và cho mọi dân tộc. 
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.

Đức Mẹ Mân Côi
Lc 1, 26 - 38
1.Ghi Nhớ: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc1,28).
2.Suy Niệm: Mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi hôm nay, Hội Thánh cho thấy Đức Mẹ có một vai trò rất quan trọng trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Qua lời sứ thần truyền tin, Mẹ đã đáp lại tiếng “Xin Vâng” để rồi từ đó tâm hồn và thân xác Mẹ trở thành cung thánh cho Con Thiên Chúa ngự. Hội Thánh đồng thời cũng cho thấy giá trị của kinh Mân Côi trong đời sống tín hữu. Qua kinh Mân Côi, chúng ta cùng với Đức Mẹ sống những mầu nhiệm trong cuộc đời của Đấng Cứu Thế. Kinh Mân Côi là bản Tin mừng rút gọn, là phương thế để cải thiện đời sống, có sức mạnh cứu rỗi cho con cái Mẹ.
3.Sống Lời Chúa: Cùng với Đức Mẹ, chúng ta thưa với Thiên Chúa: “Vâng tôi đây là nữ tỳ của Chúa”.
4.Cầu Nguyện: Lạy Mẹ Maria, xin dạy con biết lần chuỗi Mân Côi mỗi ngày, để nên giống Mẹ. Amen.

Đức Chúa ở cùng bà
Tin là dám buông đời mình trong tay Chúa và để Ngài dẫn đi trong đêm tối của lòng tin. Mọi tín hữu đều được mời sống hành trình đức tin như Mẹ, để được cùng Mẹ chung hưởng hạnh phúc. 


Suy nim:
Con người hôm nay mệt mỏi, lo âu, căng thẳng, vội vã.
Chuỗi Mân Côi làm lòng ta lắng xuống, thanh thản bình an
để chiêm ngắm cuộc đời Chúa Giêsu và ca ngợi Mẹ.
Kính Mừng Maria đầy ơn phúc.
Ðây là lời sứ thần chào Mẹ lúc truyền tin,
lời mời Mẹ vui lên vì ơn cứu độ nay đã đến.
Mẹ đầy ơn phúc vì được Thiên Chúa đặc biệt yêu thương.
Tình thương Chúa chở che Mẹ ngay từ lúc chưa chào đời,
và tình thương ấy còn bao bọc Mẹ mãi mãi.
Mẹ được tuyển chọn làm Mẹ Ðấng Cứu Thế,
nên Mẹ được giữ gìn khỏi vết nhơ nguyên tội.
Chúng ta được dự phần vào niềm vui và ân phúc của Mẹ
vì chúng ta cũng được Thiên Chúa tuyển chọn, yêu thương
được tẩy xóa nguyên tội để trở nên thụ tạo mới.
Ðức Chúa Trời ở cùng Bà.
Trong Cựu Ước, có bao người được Thiên Chúa ở cùng,
để rồi được Ngài sai đi phục vụ Dân Chúa.
Nhưng Thiên Chúa ở cùng Mẹ một cách độc nhất vô nhị.
Khi được đầy tràn Thánh Thần và cưu mang Ngôi Lời,
Mẹ trở nên như Hòm Bia, như Ðền Thánh,
nơi vinh quang Thiên Chúa hiện diện giữa con người.
Nhiều lần trong mỗi Thánh Lễ,
vị linh mục chúc chúng ta: Chúa ở cùng anh chị em.
Kitô hữu là người có Ðức Kitô ở cùng
và được mời gọi đem Ngài đến cho thế giới.
Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ.
Ðó là lời bà Êlisabét ca ngợi Mẹ (Lc 1, 42)
vì chỉ mình Mẹ được diễm phúc sinh hạ Ðấng Mêsia.
Mẹ đã cưu mang Người và cho Người bú mớm (Lc 11, 27).
Nhưng sau đó bà Êlisabét còn ca ngợi Mẹ có phúc
vì đã tin Chúa sẽ thực hiện điều Ngài nói với Mẹ (Lc 1, 45).
Tin là dám buông đời mình trong tay Chúa
và để Ngài dẫn đi trong đêm tối của lòng tin.
Mọi tín hữu đều được mời sống hành trình đức tin như Mẹ,
để được cùng Mẹ chung hưởng hạnh phúc:
“Phúc cho ai không thấy mà tin” (Ga 20, 29).
Thánh Maria, Ðức Mẹ Chúa Trời.
Chỉ Thiên Chúa là Ðấng Thánh và là nguồn mọi sự thánh thiện.
Mẹ được chia sẻ sự thánh thiện ấy cách tuyệt vời,
vì Mẹ được chọn làm Mẹ Ðức Giêsu, Mẹ Thiên Chúa,
và vì chẳng ai thực thi ý Chúa trọn vẹn như Mẹ.
Chúng ta chẳng được diễm phúc sinh ra Ðức Giêsu,
nhưng chính Ngài lại mời gọi ta làm mẹ của Ngài:
“Mẹ tôi và anh em tôi là những ai
nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8,21).
Khi thực thi Lời Chúa trong cuộc sống,
chúng ta sinh Ðức Giêsu cho nhân loại hôm nay.
Ngài vẫn cần những người mẹ để có mặt đến tận thế.
Chẳng có gì Ðức Maria được hưởng cách viên mãn,
mà Hội Thánh và từng người lại không được dự phần.
Xin Mẹ cầu cho ta khi này và trong giờ lâm tử.
Cầu nguyn:

Lạy Mẹ Maria,
khi đọc Phúc Âm,
lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.
Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Đức Giêsu.
Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ.
Mẹ tìm con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana.
Mẹ đi thăm Đức Giêsu khi Ngài đang rao giảng.
Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.

Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi
âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong,
từ con người hay từ Thiên Chúa.
Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu
trong mọi bước đường của cuộc sống.
Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa.
Có những con đường đầy máu và nước mắt.

Xin Mẹ dạy chúng con
đừng sợ lên đường mỗi ngày,
đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa
dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.

Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường-Giêsu
để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ
đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 10
7 THÁNG MƯỜI
Kiên Vững Trong Niềm Tin Của Chúng Ta
Tất cả chúng ta phải xác tín rằng trong hiện tình của đời sống Giáo Hội, chúng ta phải tin tưởng vào Thiên Chúa và không thối chí nản lòng trước bao khó khăn mà mình phải đương đầu. Rất dễ có nguy cơ chúng ta đâm bối rối, ngay cả tuyệt vọng và cay đắng. Chúa vẫn luôn dẫn dắt Giáo Hội của Người. Người dùng Giáo Hội để hoàn tất các mục đích của Người, nhưng Người không hề chước miễn cho Giáo Hội khỏi những khó khăn, nghịch cảnh và lo âu trong cuộc đời này.
Để đương đầu với những thách đố ấy, chúng ta cần phải gặp gỡ, thảo luận và lập chương trình cho tương lai. Chúng ta phải nghĩ ra những ý tưởng mới và tìm kiếm những phương thế mới, hầu có thể củng cố Giáo Hội và đẩy mạnh việc thánh hóa các linh hồn, không ngừng rao giảng cho mọi người Tin Mừng của Đức Kitô. Tiềm ẩn bên trong các khó khăn của chúng ta là sứ điệp đầy năng lực đổi mới của Đức Kitô.
Đám đông dân chúng hỏi Đức Giêsu: "Chúng tôi phải làm gì để thực hiện việc Thiên Chúa muốn?” Đức Giêsu trả lời: "Việc Thiên Chúa muốn các ông làm, đó là tin vào Đấng Người sai đến" (Ga 6,28-29). Đây là mệnh lệnh nền tảng cho chúng ta, một mệnh lệnh vẫn còn hiệu lực cho mọi người mọi nơi mọi lúc.
Những lời tâm huyết mà Thánh Phaolô viết cho môn đệ Timôthê của Ngài cũng thật ý nghĩa cho chúng ta: “Hãy công bố Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện ; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ” (2 Tm 4,2).
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 07-10
Đức Mẹ Mân Côi
Cv 1, 12-14; Lc 1, 26-38.

LỜI SUY NIỆM: “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”
Lời giải thích của sứ thần Thiên Chúa với Đức Maria, cũng là lời giải thích cho mỗi người trong chúng ta, khi đứng trước những nghịch cảnh trong đời sống của mình, giúp chúng ta vững tin trong mọi lúc cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Thiên Chúa sẽ làm tốt mọi sự cho chúng ta theo sự quan phòng của Ngài, để chúng ta được vui sống trong an lành của Ngài.
Lạy Chúa Giêsu, khi đứng trước những nghịch cảnh, tưởng chừng không thể khác hơn. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con vững tin trong cầu nguyện cùng Chúa.
Mạnh Phương


Gương Thánh Nhân
Ngày 07-10
THÁNH MẪU MÂN CÔI

Chuỗi Mân Côi là quà tặng quí báu, Thiên Chúa và Đức Mẹ trao cho chúng ta. Người ta gọi chuỗi Mân Côi là kinh nguyện của người bình dân. Thực vậy, cho tới thế kỷ XII, Hội Thánh chỉ dùng 150 thánh vịnh làm kinh nguyện chính thức. Tới khi bà thánh Birgitta được ơn Chúa soi sáng mới đặt ra chuỗi 150 Kinh Kính Mừng để thay thế cho 150 Thánh vịnh.
Các mầu nhiệm Mân Côi còn được gọi là cuốn sách Phúc âm rút gọn của người bình dân, bởi vì sau này người ta thêm 15 mầu nhiệm vào kinh Mân côi. Cứ 10 kinh Kính mừng lại suy gẫm vê một mầu nhiệm mùa Vui, Thương hoặc Mừng.
Chuỗi Mân Côi rất cao quí vì chính nội dung của nó như chúng ta vừa đề cập tới. Người biết xử dụng sẽ gặp được hiệu quả phi thường. Ngay trong sự tích việc thành lập lòng sùng kính này đã đã ghi dấu bằng một phép lạ đặc biệt. Ngày kia trên đường đi Tây Ban Nha, hai thánh Đôminicô và Bernađo chẳng may bị sa vào tay quân cướp. Sau khi bóc lột tất cả, chúng bắt các Ngài phải làm nô lệ chèo thuyền. Một lần con thuyền bị bão đánh giữa khơi. Trong cơn nguy nan, thánh Đôminicô đã cầu xin Đức Mẹ và được Ngài hiện ra dạy phải lần chuỗi Mân Côi. Mọi người trong thuyền đều hứa sẽ thực hiện theo lời chỉ dạy của Mẹ. Bão tố liền tan biến.
Cũng chính thánh Đôminico, trong cuộc tranh đấu chống lại bè rối Albigeois năm126, một lần nữa được Đức Mẹ dạy cho biết phải dùng chuỗi Mân Côi làm khí giới. Thánh nhân đã dốc toàn lực phổ biến thực hành đạo đức này và được gặt hái được thành quả mĩ mãn. Bè rối Albigeois hoàn toàn bị tiêu diệt.
Năm 1571, lịch sử được chứng kiến một thành quả vĩ đại của Kinh Mân Côi mang lại. Chính biến cố lịch sử này là nguồn gốc lễ kính Thánh Mẫu Mân Côi, Khi ấy quân Hồi Xâm lăng Au Châu, tàn phá những nơi họ đi qua, tiêu diệt dân công giáo. Cùng với việc triệu tập đạo quân thánh giá từ hai nước Ý và Tây Ban Nha, Đức Giáo hoàng Piô V kêu gọi mọi người chạy đến với Kinh Mân côi. Cuộc chiến quá chênh lệch đã diễn ra tại vịnh Lepante, nhưng với quân số ít ỏi và khí giới tồi tàn, người công giáo đã thắng trận vẻ vang trước đoàn quân Hồi giáo đông đảo và trang bị hùng hậu, từ Roma, Đức Giáo hoàng đã thấy được cuộc chiến thắng này và nói với các vị trong giáo triều hãy tạ ơn Chúa. Hôm đó là ngày 07 tháng 10. Đức giáo hoàng đã thiết lập một lễ để ghi nhớ chiến thắng này.
Lịch sử còn ghi lại nhiều thành quả kỳ diệu khác nữa của Kinh Mân côi. Chẳng hạn Kinh Mân côi đã mang lại chiến thắng tại Vienna ngày 12 tháng 9 năm1683, hay đã chấm dứt bệnh dịch tại Milan... Chuỗi Mân côi vẫn còn là một phương thế cứu rỗi hữu hiệu của mỗi tín hữu. Khi hiện ra tại Lộ Đức hay tại Fatima, Đức Mẹ đều kêu gọi chúng ta hãy siêng năng lần chuỗi Mân côi.
Vậy khi mừng lễ Thánh mẫu Mân Côi, Giáo hội muốn chắc lại sức mạnh cứu rỗi vô song của Kinh mân côi và kêu gọi mọi người hãy năng lần chuỗi Mân Côi như phương thế hữu hiệu để cải thiện đời sống và xây dựng Nước trời.
(daminhvn.net)

07 Tháng Mười
Chờ Ðợi

Theo tâm lý thông thường, ai cũng sợ phải chờ đợi, ai cũng sợ phải xếp hàng cả ngày. Ít hay nhiều, sự chờ đợi nào cũng là một cực hình. Nhưng mâu thuẫn thay, chúng ta lại thường biến cuộc đời thành một thứ đợi chờ, thành những phòng đợi triền miên...
Cả tuần lễ, ai cũng mong được đến ngày thứ Bảy, Chúa Nhật để được nghỉ ngơi. Chúa Nhật này đến, chúng ta lại chờ đợi Chúa Nhật khác đến. Tháng này đến, chúng ta lại chờ tháng sau. Năm này đến, chúng ta lại chờ năm sau...
Lên xe, chúng ta mong đến đích điểm. Khi đến nơi, chúng ta lại thấp thỏm mong ra về. Vào rạp chiếu bóng, nhiều người thường vội vàng đứng dậy trước khi cuốn phim chấm dứt: họ làm như thể vào rạp chiếu bóng là chỉ để mau đến giây phút ra về. Ði dự thánh lễ, dù lễ chưa xong, đã có kẻ muốn vội vàng đứng lên ra về: họ làm như thể chỉ đến nhà thờ để mong cho đến giây phút tan lễ. Vừa ra khỏi nhà, đã chờ mong để quay trở lại, nhưng khi vào nhà thì lại đợi đến lúc đi ra.
Với sự nóng lòng chờ đợi giây phút sẽ tới này, chúng ta sống như thể cuộc đời không có sự liên hệ với những giây phút hiện tại. Chúng ta biến cuộc đời thành một thứ phòng đợi, đợi hết cái này đến điều kia, đợi cả những điều sẽ không bao giờ xảy đến.
Tháng Mười là tháng dành riêng để tôn kính Mẹ Maria với tràng chuỗi Mân Côi và cùng với Mẹ, sống mầu nhiệm cứu rỗi trong từng phút giây của cuộc sống.
Ơn cứu rỗi không là một biến cố của quá khứ hoặc là một biến cố sẽ đến mà là một sự kiện đang diễn ra trong từng phút giây của cuộc sống. Mẹ Maria quả thực là mẫu gương cho chúng ta trong thái độ tiếp nhận ơn cứu rỗi. Thời gian đối với Mẹ không là những tháng ngày chờ đợi, mà là những tích tắc của từng khoảnh khắc đang đến với Mẹ. Với hai tiếng "Thưa, xin vâng!", Mẹ đón nhận giây phút hiện tại như một món quà cao quý nhất Thiên Chúa trao ban.
Cùng với Mẹ sống lại mầu nhiệm của ơn cứu rỗi, chúng ta hãy đón nhận Ðấng đang đến, Ðấng hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một. Chúng ta hãy đón Ngài trong phút giây hiện tại này đây với tất cả tin tưởng phó thác.Chúa trao ban với chúng ta nhiệm vụ để thi hành trong phút giây này đây. Chúng ta hãy hoàn tất với tất cả cố gắng của chúng ta. Chúa trao ban cho chúng ta niềm vui của phút giây này đây, hãy tận hưởng như thể sẽ không còn một niềm vui nào khác.

Lẽ Sống


 Chuỗi Mân Côi
Ngày kia có một vị linh mục nói chuyện với đám tù nhân vừa mới được trả tự do. Sau khi đã thăm hỏi họ về chuỗi ngày cực khổ, thì một người trong đám họ đã nói: Chính những cực nhọc của kiếp sống đoạ đày đã đem lại nhiều lợi ích cho chúng con. Vì nhờ đó chúng con mới hiểu được giá trị và yêu thích sự cầu nguyện. Rồi anh ta giơ ra cho vị linh mục xem một khúc tràng hạt, chỉ gồm có 10 hạt mà thôi. Vị linh mục ngỏ ý muốn tặng anh một chuỗi khác, nhưng anh đã cám ơn, đã từ chối và nói: Thưa cha đây là một kỷ niệm sâu xa nhất trong cuộc đời của con, con sẽ cẩn thận gìn giữ nó, vì nó gợi cho con nhớ đến chuỗi ngày bi thảm. Chúng con cả thảy gồm 3 người, bị thương nặng trên trận địa và nằm chờ chết. Bấy giờ trong thinh lặng giữa lúc màn đêm buông xuống, con khẽ lần hạt, và rồi hai người bạn kia lên tiếng xin một mẩu tràng hạt để cùng lần, thì ra họ cũng là người công giáo. Con bèn dứt chuỗi tràng hạt thành ba khúc, mỗi người một khúc, và chúng con cùng nhau lần hạt một cách sốt sắng như thể là lần cuối cùng trong cuộc sống.
Nghe xong câu chuyện này, có thể một số người trong chúng ta sẽ nói: Tôi sẽ không chờ cho đến những giây phút bi thảm và đen tối như vậy mới cầu nguyện. Tốt lắm. Phải cầu nguyện liên tục, nhất là những lúc gặp phải gian nguy thử thách. Thế nhưng nhiều người trong chúng ta lại thờ ơ với chuỗi Mân côi, vì nó tẻ nhạt, vì nó buồn chán. Thật là đáng tiếc.
Cách đây 1000 năm, đạo quân Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa trầm trọng thế giới công giáo. Tình hình càng thêm bi thảm hơn nữa vào thế kỷ XVI. Họ tiến vào châu Âu và quyết tâm dứt điểm bằng một cuộc hải chiến tại vịnh Lépante. Trong khi đạo quân Công giáo với một lực lượng yếu kém hơn nhiều xông ra chiến trận, thì tại Rôma, Đức Giáo Hoàng đã tổ chức những hiệp hội Mân Côi, liên tục lần chuỗi, dâng lên Mẹ những lời kinh thắm thiết để xin Mẹ nâng đỡ phù trợ. Và sau cùng đạo quân công giáo đã chiến thắng. Để tạ ơn Đức Mẹ và để ghi nhớ cuộc chiến thắng này, Đức Thánh Cha Piô V đã thiết lập lễ Mẹ Mân Côi mà chúng ta mừng kính ngày hôm nay.
Còn với chúng ta thì sao? Đôi khi chúng ta cảm thấy mệt mỏi, ngán ngẩm khi phải lần chuỗi. Sở dĩ như vậy là vì chúng ta chưa lần chuỗi cho đúng cách. Tại một giáo xứ nọ, thầy giúp xứ hướng dẫn một số em vào nhà thờ để lần hạt chung với nhau. Tại mỗi ngắn, thầy bèn trao cho các em xem một bức hình liên hệ. Chẳng hạn năm sự Mừng thứ nhất thì ngắm, Đức Chúa Giêsu sống lại. Các em sẽ nhìn thấy bức hình lộng lẫy: Chúa Giêsu phục sinh, khải hoàn ra khỏi mồ, còn những tên lính canh thì hoảng sợ vứt bỏ khí giới trước luồng ánh sáng chói loà.
Dĩ nhiên chúng ta không thể làm như vậy mỗi khi lần hạt, nhưng chúng ta có thể nghĩ tưởng trong đầu óc, nhờ đó mà chúng ta như được tham dự vào chính những biến cố mà mỗi ngắm, mỗi mầu nhiệm của kinh Mân Côi gợi lên. Trong tháng 10 cũng như trong suốt cả cuộc đời, chúng ta hãy dâng lên cho Mẹ những lời kinh Mân Côi sốt sắng, là như những bông hồng tươi xinh, để xin Mẹ nâng đỡ và phù trợ cho chúng ta luôn mãi.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét