Trang

Thứ Năm, 28 tháng 7, 2016

Tổng lược nghị trình của Đức Giáo Hoàng tại Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới

Tổng lược nghị trình của Đức Giáo Hoàng tại Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới
Vũ Văn An7/27/2016

Thế là Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2016 đã chính thức khai mạc. Hàng ngàn khách hành hương không những đang tràn ngập đường phố Krakow (một thành phố chỉ có khoảng 750,000 cư dân) mà còn tràn qua nhiều nơi chung quanh đó, trong đó có Wadowice, thị trấn quê hương gần đó của Thánh Gioan Phaolô II.

Ngày 27 tháng Bẩy, sự phấn khích lại càng lên cao khi Đức Giáo Hoàng tới. Trong tuần này, hàng trăm nhà thờ ở Krakow và cả nhiều vận động trường nữa sẽ tổ chức các buổi giáo lý do một số các vị trong 844 giám mục và 47 Hồng Y làm giáo lý viên. Cũng sẽ có những đại nhạc hội, trình diễn âm nhạc, thi đấu bóng tròn và vô số các sinh hoạt khác.

Từ lúc đặt chân xuống cho tới lúc rời khỏi Ba Lan, Đức Giáo Hoàng sẽ đọc 9 bài diễn văn và 3 bài giảng lễ. Ngoài ra, ngài sẽ khánh thành một nhà dành cho người cao niên do Caritas điều hành, viếng Vận Động Trường Tauron, địa điểm giáo lý lớn nhất của Đại Hội dành cho người nói tiếng Anh, do Hội Hiệp Sĩ Columbus và các Nữ Tu Đức Bà Thương Xót điều hành, và nói chuyện với các bệnh nhân của một bệnh viện nhi đồng địa phương.

Sau đây là tổng lược các biến cố chính

Thứ Tư 

Đức Phanxicô sẽ tới phi trường Krakow vào buổi chiều, nhưng không có nghi lễ nào tại đây. Sau đó, ngài sẽ tới thăm Tổng Thống Ba Lan và đọc diễn văn ở dinh tổng thống. Đây sẽ là dịp để ngài khởi động âm sắc chính trị của chuyến đi. Ai cũng biết Đức Phanxicô có chủ trương phò di dân nhiều hơn chính phủ hiện tại của Tổng Thống Andrzej Duda và hàng giáo phẩm Công Giáo, bất kể tuyên bố báo chí mới đây của hội đồng giám mục Ba Lan tố cáo một số chính khách “tạo ra niềm sợ hãi người Hồi Giáo một cách giả tạo”.

Các vị giáo hoàng thường tránh né việc gây bối rối cho các vị chủ nhà trong các chuyến tông du của các ngài, nhưng các ký giả địa phương nói rằng bất cứ Đức Phanxicô xa gần nhắc tới vấn đề di dân cũng sẽ được coi và được tường thuật là một tấn công vào chính phủ Ba Lan.

Nói cho cùng, các chính phủ Ba Lan đã quá quen thuộc với lời phê phán của các vị giáo hoàng rồi. Ngay năm 1991, khi trở lại Ba Lan, người con yêu qúy của đất nước này, Đức Gioan Phaolô II, đã không ngại chỉ trích sự trở cờ của Ba Lan, tự biến mình thành một xã hội buông lỏng và qúa ư duy tiêu thụ. Đức Phanxicô, tuy không phải là Đức Gioan Phaolô II, nhưng khi tới lúc phải nói tâm tư của mình về những vấn đề thiết thân, thì ngài cũng không kém quở trách như vị tiền nhiệm người Ba Lan của mình.

Thứ Năm 

Ngày thứ hai của Đức Giáo Hoàng sẽ nổi bật với cuộc viếng thăm đan viện nổi tiếng Jasna Gora ở Częstochowa, nơi khả năng nối kết với nhân dân Ba Lan của ngài sẽ được nhiều người “soi mói”: đây là địa điểm hành hương quan trọng nhất của cả nước, hàng năm, hàng triệu người tới đây kính viếng.

Đan viện này tọa lạc cách Krakow khoảng 90 dặm và đại đa số những người tới đây lúc Đức Giáo Hoàng viếng thăm là người Ba Lan chứ không hẳn là khách hành hương của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, thành thử, đây là cơ hội hàng đầu để Đức Phanxicô khẳng định ý thức quốc gia sâu sắc của Ba Lan, bắt nguồn từ lòng sùng kính Đức Mẹ.

Người ta cũng biết rằng kế hoạch khởi thủy của Đức Giáo Hoàng là bay tới và bay về, chỉ ở đó ít phút đủ để kính viếng Đức Bà Đen nổi tiếng ở Częstochowa mà thôi. Nhưng sau đó, ngài được thuyết phục cử hành Thánh Lễ ở địa điểm này nhằm nâng cao tinh thần chính trị và văn hóa cho cả các nhà lãnh đạo lẫn dân chúng Ba Lan.

Thế là tại đây, ngài sẽ cử hành Thánh Lễ để tưởng niệm 1,050 năm lễ rửa tội cho nhà Vua Ba Lan cũng là lễ rửa tội cho Ba Lan, đánh dấu nền độc lập quốc gia.

Sau đó, vào buổi chiều, ngài sẽ chính thức bắt đầu việc tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới của ngài, khi hàng trăm ngàn người trẻ khắp thế giới sẽ nghinh đón ngài tại Công Viên Blonia. Cũng nên biết, người ta thường nói giới trẻ họp nhau để gặp Đức Giáo Hoàng trong các biến cố này. Nhưng Thánh Gioan Phaolô II, vị sáng lập ra Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, quen nói rằng thực ra chính người trẻ mời Đức Giáo Hoàng. Thành thử, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhận được thiệp mời chính thức tham dự ngày này từ giới trẻ.

Thứ Sáu 

Hai biến cố chủ yếu của ngày Thứ Sáu sẽ là cuộc thăm viếng lần đầu tiên của Đức Phanxicô tới các trại tập trung khét tiếng tại Auschwitz và Birkenau vào buổi sáng, trong khi vào buổi chiều, ngài sẽ hướng dẫn giới trẻ đi Đàng Thánh Giá. Dù không đọc diễn văn tại Auschwitz, Đức Phanxicô sẽ gặp một nhóm 10 người sống thoát cuộc Diệt Chủng và sau đó, thăm hỏi 25 “Người Chính Trực Giữa Các Quốc Gia” khắp thế giới. Tước hiệu này là do Nhà Nức Israel ban cấp cho những người không phải là người Do Thái từng liều mạng cứu người Do Thái thời Quốc Xã diệt chủng.

Đức Phanxicô sẽ cuốc bộ tiến qua cửa vòm ở lối vào chính, nơi có hàng chữ Arbeit macht frei, có nghĩa: “Việc làm sẽ giải phóng các bạn”. Rồi ngài sẽ được xe chở tới Khối 11, nơi ngài gặp Thủ Tướng Ba Lan Beata Szydlo, cũng như 10 người sống thoát Diệt Chủng.

Theo phát ngôn viên Tòa Thánh, một trong các người sống sót trên, thọ 101 tuổi, đang hướng dẫn một nhóm hành hương tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới.

Tại buổi tưởng niệm Đàng Thánh Giá, căn cứ vào cả bản chất của biến cố lẫn trải nghiệm của ngài vào buổi sáng, người ta tin Đức Phanxicô sẽ đọc bài diễn văn nghiêm chỉnh nhất trong chuyến đi của ngài nhằm trình bầy một loạt các thách thức luân lý.

Thứ Bẩy 

Thứ Bẩy là ngày kín mít của Đức Giáo Hoàng, trong đó, có cuộc viếng thăm Đền Thờ Lòng Chúa Thương Xót nơi ngài sẽ cử hành Thánh Lễ cho các linh mục, chủng sinh và tu sĩ Ba Lan, ngồi tòa giải tội, và ăn trưa với một nhóm bạn trẻ. Sau đó, trọng điểm trong ngày sẽ là buổi canh thức cầu nguyện với các tham dự viên Đại Hội.

Chủ đề thương xót, chủ đề chính của Đại Hội chắc chắn sẽ được nhấn mạnh hàng đầu, khiến nó trở thành một dịp bằng vàng để nối kết Thánh Faustina, Thánh Gioan Phaolô II và quan tâm của triều giáo hoàng hiện nay với lòng thương xót vô điều kiện của Thiên Chúa đối với đau khổ và tội lỗi.

Buổi canh thức cầu nguyện sẽ diễn ra một cách rất thích hợp tại nơi hiện được gọi là Campus Misericordiae, Cánh Đồng Thương Xót. Khoảng 2 triệu khách hành hương sẽ đi bộ từ Krakow và các thị xã lân cận tới cánh đồng mênh mông, mà sau này sẽ trở thành quần thể kỹ nghệ của thành phố.

Theo điều nay đã thành truyền thống của Đại Hội, phần lớn các người hành hương sẽ đi bộ từ 8 tới 9 dặm và khi tới nơi, họ sẽ trải túi ngủ để ngủ qua đêm.

Trong suốt 24 giờ, Campus Misericordiae sẽ giống như một chiến trường kiểu xưa, với cờ của nhiều phong trào, giáo phận và cộng đoàn sẽ tung bay khắp hướng, cắm xuống đất giữa các nhóm tuổi trẻ nằm trên chiếu nhựa.

Trong Đại Hội mới đây ở Rio de Janeiro, Ba Tây, năm 2013, gần 3 triệu người đã kéo nhau tới bãi biển Copacabana, nơi Đức Phanxicô khuyến khích họ chiếm đường phố để xây dựng “một xã hội công bình và huynh đệ hơn”.

Dịp đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô khích lệ người trẻ coi mình như “các người chủ đạo của thay đổi” sẵn sàng đưa ra “một giải pháp Kitô Giáo cho các quan tâm xã hội và chính trị hiện có tại đất nước họ”.

Dịp này, chắc chắn ngài sẽ đưa ra một số thách thức khẩn cấp của thời cuộc: bạo lực duy Hồi Giáo, người tị nạn, cả các căng thẳng do cuộc rút khỏi Liên Hiệp Âu Châu của Anh gây ra, và tái lên khuôn chúng dưới ánh sáng lòng thương xót của Thiên Chúa.

Chúa Nhật 

Vào ngày cuối cùng, ngài sẽ cử hành điều vẫn được gọi là “Thánh Lễ Sai Đi”. Ngoài chính ý nghĩa hiển nhiên của Thánh Lễ ra, ở đây, Đức Giáo Hoàng cũng sẽ đưa ra lời mời tham dự Đại Hội Giới Trẻ lần tới, có lẽ sẽ xẩy ra trong hai hoặc ba năm sắp đến.

Có nhiều nguồn tin cho biết Panama có lẽ là địa điểm sắp tới. Người ta cho rằng Tổng Thống nước này, Juan Carlos Varela, một tín hữu Công Giáo ngoan đạo, người sẽ đến Krakow tham dự Đại Hội, từng cố gắng rất nhiều trong việc thuyết phục các vị giám mục đăng cai Đại Hội sắp tới.

Nếu đúng như thế, thì cuối Thánh Lễ hôm nay, người ta sẽ được nghe lời mời vang vọng của ngài: hasta Panamá (Hẹn gặp Panama)!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét