Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha:
18-3-2018
VATICAN. Trong buổi đọc kinh truyền tin trưa chúa nhật
18-3-2018 với 20 ngàn tín hữu hành hương tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC mời
gọi các tín hữu chiêm ngắm thập giá Chúa Kitô để sinh ra nhiều hoa trái thiêng
liêng.
Bài huấn dụ
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC đã quảng
diễn bài Tin Mừng chúa nhật thứ 5 mùa chay, thuật lại lời Chúa báo trước về cuộc
khổ nạn Ngài sẽ phải chịu và mời gọi các tín hữu hãy biết nhìn thập giá của
Chúa. Ngài nói:
”Tin Mừng hôm nay (Gioan 12,20-33) kể lại một giai thoại
xảy ra trong những ngày cuối cùng trong cuộc đời của Chúa Giêsu. Cảnh tượng diễn
ra tại Jerusalem, nơi Chúa đến nhân dịp lễ Vượt Qua của người Do thái. Cũng có
một số người Hy Lạp đến đây dự lễ này; đó là những người được tâm tình tôn giáo
thúc đẩy, họ bị thu hút vì niềm tin của dân Do thái và, sau khi nghe nói về vị
đại ngôn sứ, họ đến gần Philiphê, một trong 12 tông đồ và họ nói với ông:
”Chúng tôi muốn thấy ngài Giêsu” (v.21). Thánh Gioan nêu bật câu này, qui trọng
tâm vào động từ ”thấy”, trong ngữ vựng của thánh sử, từ này có nghĩa đi xa hơn
những vẻ bề ngoài, để đón nhận mầu nhiệm của một người”. Động từ ”thấy” mà
thánh sử dùng đi đến tận con tim, đến thẳm sâu của con người”.
”Phản ứng của Chúa Giêsu thật là gây ngạc nhiên. Chúa
không trả lời ưng thuận hay từ chối, nhưng nói: ”Đã đến giờ Con Người được tôn
vinh” (v.23). Những lời này, thoạt nghe có vẻ như Chúa làm ngơ đối với câu hỏi
của những người Hy Lạp ấy, nhưng thực tế câu ấy trả lời thực sự cho họ, vì ai
muốn biết Chúa Giêsu thì phải nhìn thập giá, nơi biểu lộ vinh quang của Ngài.
Nhìn vào bên trong thập giá. Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta hãy hướng nhìn
thập giá, không phải là một đồ trang sức hoặc một đồ phụ tùng của y phục - nhiều
khi bị lạm dụng! - nhưng là một dấu hiệu tôn giáo để chiêm ngắm và hiểu. Trong
hình ảnh Chúa Giêsu chịu đóng đanh có biểu lộ mầu nhiệm cái chết của Con Thiên
Chúa như một cử chỉ yêu thương tột độ, là nguồn mạch sự sống và ơn cứu độ cho
nhân loại thuộc mọi thời đại”. ”Trong những vết thương của Chúa chúng ta được
chữa lành.
ĐTC nói tiếp: Ta có thể nghĩ: ”Tôi nhìn Thập giá như
thế nào? như một tác phẩm nghệ thuật để xem thập giá ấy có đẹp hay không, hoặc
tôi nhìn thấy mầu nhiệm, tìm bên trong, cho đến tận trái tim của Chúa?. Tôi
nhìn mầu nhiệm Thiên Chúa bị tiêu diệt đến độ chết như một người nô lệ, một kẻ
phạm pháp?”. Anh chị em đừng quên điều này: khi nhìn thập giá, hãy nhìn bên
trong. Có một cách sùng mộ rất đẹp là đọc Kinh Lạy Cha cho mỗi vết thương của
Chúa; khi chúng ta đọc kinh Lạy Cha, chúng ta tìm cách đi vào bên trong, qua
các vết thương của Chúa Giêsu, đi vào con tim của Chúa. Tại đó chúng ta sẽ học
được sự khôn ngoan về mầu nhiệm Chúa Kitô, sự khôn ngoan cao cả của thập giá”.
Và để giải thích ý nghĩa sự chết và sống lại của Ngài,
Chúa Giêsu dùng một hình ảnh và Ngài nói: ”Nếu hạt lúa rơi xuống đất mà không
chết đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; trái lại nếu nó chết đi, thì sẽ sinh nhiều
bông hạt” (v.24). Chúa muốn làm cho ta hiểu rằng biến cố tột cùng của ngài - chết
và sống lại - là một cử chỉ phong phú, mang lại hoa trái cho nhiều người. Những
vết thương của Chúa đã chữa lành chúng ta. Như thế Chúa ví mình với hạt lúa chết
đi trong lòng đất sinh ra sự sống mới. Với cuộc nhập thể, Chúa Giêsu đến trần
thế; nhưng điều ấy không đủ: Chúa còn phải chết, để cứu chuộc loài người khỏi sự
nô lệ tội lỗi và ban cho họ cuộc đời sống mới được hòa giải trong tình thương”.
Tôi đã nói là ”để cứu chuộc loài người”, nhưng, để cứu chuộc bạn, tôi, tất cả
chúng ta, Chúa đã trả giá ấy. Đó là mầu nhiệm Chúa Kitô. Bạn hãy đi tới các vết
thương của Chúa, đi vào, chiêm ngắm, nhìn thấy Chúa Giêsu, nhưng từ bên trong.
ĐTC nhận xét rằng: ”Năng động hạt lúa, được hoàn thành
trong Chúa Giêsu, cũng phải thể hiện nơi chúng ta là các môn đệ của Ngài: chúng
ta được kêu gọi chấp nhận luật vượt qua làm của mình: luật đánh mất sự sống để
nhận lại được sự sống ấy mới mẻ và vĩnh cửu. Mất sự sống có nghĩa là gì? trở
thành hạt lúa có nghĩa là gì? Thưa có nghĩa là bớt nghĩ đến mình, đến tư lợi,
và biết ”nhìn” và đáp ứng những nhu cầu của tha nhân, nhất là những người rốt
cùng. Vui mừng thực hiện những công việc bác ái đối với những người đang đau khổ
nơi thể xác và tinh thần chính là cách thức chân thực nhất để sống Tin Mừng, là
nền tảng cần thiết để các cộng đoàn chúng ta được tăng trưởng trong tình huynh
đệ và trong sự đón nhận nhau. Tôi muốn nhìn Chúa Giêsu, nhưng thấy ngài từ bên
trong. Đi vào những vết thương của Chúa, chiêm ngắm tình thương của trái tim
Chúa đối với bạn, với tôi, với tất cả mọi người”.
Và ĐTC kết luận rằng:
”Xin Đức Trinh Nữ Maria là người đã luôn nhìn trái tim
Con của Mẹ, từ hang đá máng ở Bethelem cho đến thập giá trên đồi Can vê, giúp
chúng gặp và nhận ra Chúa như Chúa muốn, để chúng ta có thể sống, được Chúa soi
sáng, và mang lại những hoa trái công lý và hòa bình cho thế giới.
Chào thăm
Sau khi ban phép lành, ĐTC đã chào thăm các tín hữu
hành hương, đặc biệt những người đến từ Cộng hòa Slovak, từ Madrid Tây Ban Nha,
các nhóm giáo dân đến từ một số nơi ở Italia, Hiệp hội dân ca Italia. ĐTC cũng
nhắc đến cuộc viếng thăm của ngài thực hiện hôm thứ bẩy vừa qua (17-3) tại làng
Pietrelcina và San Giovanni Rotondo, các nơi của Cha Thánh Piô, và nói: ”Tôi
chào thăm và cám ơn các cộng đoàn giáo phận Benevento và Manfredina, các GM Đức
Cha Accrocca và Castoro, các tu sĩ nam nữ, các tín hữu và chính quyền; Tôi cám
ơn sự tiếp đón nồng nhiệt và tôi mang tất cả trong tim, đặc biệt các bệnh nhân
tại Nhà Thoa Dịu đau khổ, những người già và người trẻ. Tôi cám ơn tất cả vì đã
chuẩn bị cuộc viếng thăm mà tôi sẽ không quên. Xin Cha Piô chúc lành cho tất cả
mọi người.
G. Trần Đức Anh OP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét