26/08/2018
Chúa Nhật tuần 21 Thường Niên năm B
(phần II)
CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN B
Gs 24,1-2a.15-17.18b; Ep 5,21-32; Ga 6,54a.60-69
TIN LÀ CHỌN LỰA THEO CHÚA
“Chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những
lời ban sự sống đời đời” (Ga 6,68)
I.
CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài
đọc I: Gs 24,1-2a.15-17.18b
Kế thừa sứ mạng dẫn dắt Dân Chúa về miền Đất Hứa từ
ông Môsê, ông Giôsuê ngày càng nổi bật giữa đoàn Dân Israel từ Ai cập trở về.
Cũng như Môsê đã dẫn Dân vượt qua Biển Đỏ, ông Giôsuê cũng đã dẫn Dân vượt qua
sông Giođan, từng bước hướng dẫn họ chiếm các phần đất mà Đức Chúa là Thiên
Chúa đã hứa ban cho Abraham, Isaac và Giacóp, tổ phụ của họ. Sau khi đã phân
chia lãnh thổ cho từng chi tộc, Giôsuê tổ chức đại hội tại Sikhem như là dịp để
nhắc dân nhớ lại bao lần Đức Chúa đã ra tay can thiệp nhằm giúp cho họ có được
tất cả những gì như họ đang có. Có được niềm tin và hưởng phần gia nghiệp là ơn
huệ Thiên Chúa ban, nhưng để giữ vững niềm tin và có gia nghiệp đời đời lại là
ơn lớn lao, đòi hỏi Dân phải nỗ lực đáp trả bằng sự tín trung.
Lời tuyên xưng công khai của dân: “Không có
chuyện chúng tôi bỏ Chúa mà tôn thờ những thần ngoại, Chúa là Thiên Chúa chúng
tôi” đã trở nên như hình ảnh và điềm báo về tất cả những lần trong
tương lai khi dân Israel sẽ được mời gọi tuyên xưng niềm tin của mình một cách
trang trọng. Đồng thời đó cũng là tiền ảnh lời tuyên xưng đức tin mà Hội Thánh
mời gọi các tín hữu nói lên trong buổi canh thức Vượt qua.
2. Bài
đọc II: Ep 5,21-32
Hôn nhân là hình ảnh đẹp, tình yêu vợ chồng luôn cao
quý, vì nó phản ảnh tình yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh: Đức Kitô là đầu Hội
Thánh… Người đã yêu thương và phó mình vì Hội Thánh để thánh hóa Hội Thánh….
Thánh Phaolô đã dùng hỉnh ảnh này để chỉ ra những nguyên tắc giúp cho các cặp vợ
chồng có thể trung tín với chọn lựa của mình và tin tưởng lẫn nhau: “Người vợ
hãy phục tùng chồng mình, như đối với Chúa: vì chồng là đầu người vợ”. Khái niệm
“tùng phục trong mọi sự” này của người vợ chỉ có thể hiểu được khi khái niệm
liên quan tới người chồng được thỏa mãn: “Người chồng hãy yêu thương vợ mình
như Đức Kitô yêu thương Hội Thánh, và phó mình vì Hội Thánh”.
“Vợ phục tùng chồng” và “chồng yêu thương vợ” chính
là bí quyết giúp cho vợ chồng nên một với nhau như chính sự nên một trong tình
yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Đó là điều mà các gia đình, nhất là các gia
đình trẻ và các đôi bạn chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân cần phải học hỏi và
lưu tâm trong năm mục vụ này.
3. Bài
Tin Mừng: Ga 6,54a.60-69
Mạc khải của Đức Giêsu về “Thịt Ta là của ăn và Máu
Ta là của uống” đã bị nhiều người hiểu sai và không muốn đón nhận. Chính vì thế,
mạc khải này đã gây cớ vấp phạm cho “nhiều môn đệ” và họ đã quyết định rời bỏ
Chúa Giêsu vì không thể chấp nhận điều mà trí khôn họ không thể lĩnh hội hết được.
Trong bối cảnh ấy, quay lại với Nhóm Mười Hai Chúa
Giêsu muốn mời gọi các ông thực hiện một cuộc chọn lựa, cho dù Người cũng biết
rằng các ông có lẽ cũng không hiểu hoặc chưa hiểu rõ về điều mà Chúa vừa mạc khải.
Yêu là một chọn lựa, và yêu đến nỗi hy sinh mạng sống, hy sinh bản thân tới mức
chết cho người mình yêu là chọn lựa cao quý nhất.
Câu trả lời của Phêrô đại diện cho Nhóm Mười Hai “bỏ
Thầy chúng con biết theo ai” làm nổi bật điều này: hiểu hay không dường như là
không còn quan trọng. Điều quan trọng là các ông tin vào Người nên đã quyết định
ở lại với Chúa Giêsu, qua lời xác tín mạnh mẽ rằng: Người chính là Đấng Kitô
Con Thiên Chúa và chỉ nơi Người “mới có lời ban sự sống đời đời”.
II. GỢI
Ý MỤC VỤ
1. Sau khi đã được
Ông Giôsuê phân chia đất đai theo từng chi tộc, và khi cuộc sống của dân Israel
đã dần đi vào ổn định thì dường như là niềm tin của họ vào Thiên Chúa lại trở
nên yếu kém, lung lay. Đại hội Sikhem là dịp để mỗi người Israel xác tín lại sự
quan phòng yêu thương, cánh tay dìu dắt, bảo vệ và bênh đỡ của Thiên Chúa trên
chính cuộc đời của mỗi người cũng như trên dân tộc. Điều đó đã giúp họ một lần
nữa chọn lựa lại Chúa mãi là Thiên Chúa của họ. Nhìn lại quá khứ để củng cố niềm
tin nhằm đi đến việc chọn lựa Thiên Chúa vẫn luôn là một hành trình cho mỗi người
Kitô hữu hôm nay trên con đường theo Chúa. Tôi tin vào Chúa lúc khó khăn và ngặt
nghèo hay cả lúc thành công giàu có?
2. Chọn lựa Thiên
Chúa đã là một điều khó, nhưng để trung tín với chọn lựa đó còn khó hơn nhiều.
Đối với thánh Phaolô, nếu mỗi người tín hữu thành Êphêsô biết nỗ lực trung tín
với chọn lựa sống đời lứa đôi của mình, đó chính là cơ hội giúp họ diễn tả sự
trung tín với niềm tin của mình vào Chúa. Trong năm canh tân đời sống gia đình
này, vợ chồng biết phục tùng và yêu thương nhau mỗi ngày qua từng biến cố của
cuộc sống, chính là dấu hiệu chứng minh sự chọn lựa sống giá trị Kitô giáo:
“Người vợ hãy phục tùng chồng mình, như đối với Chúa: vì chồng là đầu người vợ”
và “Người chồng hãy yêu thương vợ mình như Đức Kitô yêu thương Hội Thánh, và
phó mình vì Hội Thánh”. Có phải đó là kim chỉ nam để các bạn xây gia đình thành
tổ ấm?
3. Trong khi nhiều
môn đệ không hiểu lời Đức Giêsu giảng dạy nên đã thoái lui, còn Nhóm Mười Hai
thì vẫn quyết chọn lựa theo Thầy, vì các ông nhận ra nơi Thầy hình ảnh của Con
Thiên Chúa, Nguồn mạch phát sinh sự sống đời đời. Theo một con người, theo Thầy
là chọn lựa căn bản nhất, còn mọi sự khác sẽ kéo theo sau đó với thời gian.
Không hiểu, hoặc chưa hiểu nhưng vẫn muốn chọn lựa, đó chính là thái độ của đức
tin. Kinh nghiệm sống đức tin đó cũng hết sức gần gũi với mỗi Kitô hữu khi phải
đối diện với những điều không hiểu hoặc chưa hiểu, vì chúng ta chưa thể giải mã
hết được mọi ý nghĩa của nó trong cuộc sống. Bạn có tin rằng Chúa sẽ dẫn dắt cuộc
đời chúng ta nếu chúng ta chọn Người?
III.
LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ
tế: Anh chị em
thân mến! Tin vào Thiên Chúa hằng sống và đón nhận Đấng mà Người sai đến là điều
kiện để con người được sống đời đời. Cộng đoàn chúng ta hãy cảm tạ Chúa và tin
tưởng dâng lời cầu xin.
1. Thánh Phêrô tuyên xưng: “Thầy là Ðấng Kitô Con
Thiên Chúa.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các vị chủ chăn và mọi thành phần
trong Hội Thánh luôn can đảm tuyên xưng và trung thành bảo vệ đức tin tinh tuyền
được thừa hưởng từ các Tông đồ.
2. “Chính thần trí mới làm cho sống, chứ xác thịt
nào có ích gì?” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các dân tộc và quốc gia trên thế
giới, biết cảnh giác trước xu hướng hưởng thụ vật chất của con người thời đại,
và luôn quan tâm cổ vũ những giá trị thiêng liêng.
3. “Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời.”
Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi kitô hữu luôn xác tín với chọn lựa căn bản rằng
chỉ có Đức Kitô là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống, để luôn trung thành bước
theo Người trong mọi hoàn cảnh.
4. “Anh em hãy phục tùng nhau trong sự kính sợ Ðức
Kitô.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết diễn
tả niềm tin và sự trung tín với Chúa Kitô qua đời sống yêu thương, phục vụ và
chia sẻ với những người chung quanh.
Chủ
tế: Lạy Thiên Chúa
là Cha toàn năng, xin chúc lành cho những điều chúng con ước nguyện, và giúp
chúng con luôn trung thành bước theo Con Một Chúa, hầu xứng đáng được hưởng sự
sống và hạnh phúc muôn đời Chúa hứa ban. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa
chúng con. Amen.
Sợi Chỉ Đỏ Chúa Nhật 21 Thường Niên Năm B
Chủ Đề: Chọn Lựa Đi Theo Chúa
“Bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai,
vì Thầy mới có lời ban sự sống”
(Ga 6,68)
vì Thầy mới có lời ban sự sống”
(Ga 6,68)
Sợi
chỉ đỏ :
– Bài
đọc I (Gs 24,1-2a.15-17.18b) : Ông Giôsuê bảo dân do thái phải chọn hoặc
thờ Chúa hay thờ các thần khác.
– Tin
Mừng (Ga 6,54a.60-69) : Sau khi nhiều người bỏ Đức Giêsu, Phêrô thay mặt
Nhóm 12 tuyên bố trung thành đi theo Đức Giêsu.
I. DẪN VÀO THÁNH LỄ
Anh
chị em thân mến
Ở đời
có nhiều cuộc tan rồi hợp và hợp rồi tan : đến với nhau, sống với nhau, rồi
bỏ nhau. Nhiều tín hữu cũng đối xử với Chúa như thế : theo Ngài rồi bỏ
Ngài. Có lẽ chúng ta đây cũng nhiều lần bị cám dỗ bỏ Chúa.
Hôm
nay chúng ta hãy suy nghĩ lại cuộc hành trình đi theo Chúa, và chúng ta tha thiết
xin Chúa đừng để chúng ta bỏ Chúa bao giờ, bởi vì, như lời Thánh Phêrô tuyên
xưng : “Bỏ Thầy con biết theo ai, vì Thầy có Lời ban sự sống”
II. GỢI Ý SÁM HỐI
– Nhiều
lần chúng con đã bỏ Chúa để chạy theo lạc thú thế gian.
– Nhiều
lần chúng con đã bỏ Chúa vì không muốn vác Thánh giá Chúa trao.
– Nhiều
lần chúng con có ý muốn bỏ Chúa để tự do sống theo ý riêng của chúng con.
III. LỜI CHÚA
- Bài đọc I(Gs
24,1-2a.15-17.18b)
Khi
Môsê qua đời, Giôsuê tiếp tục sứ mạng dẫn dân Do thái về Đất Hứa. Sau khi đã
hoàn toàn chinh phục Đất Hứa và chia phần cho các chi tộc, Giôsuê triệu tập tất
cả 12 chi tộc tại Sikhem. Ông nhắc lại tất cả những điều mà Thiên Chúa đã làm
cho họ, và kêu gọi họ hãy chọn lựa dứt khoát : Từ nay nếu họ chọn Chúa thì
phải hoàn toàn trung thành với Ngài, từ bỏ mọi tà thần khác.
2.
Đáp
ca(Tv 33)
Những
lời ca tụng lòng nhân lành Chúa rất hợp với tâm tình của dân Israel sau khi họ
đã được Thiên Chúa giải thoát khỏi bao nỗi gian nguy để cuối cùng được sống
trong Đất Hứa.
3.
Tin
Mừng(Ga 6,54a.60-69)
Kết
quả của bài giảng về Thánh Thể :
– Nhiều
người cho là chói tai, bỏ đi, trong số đó có cả các môn đệ : “Từ hôm đó,
có nhiều môn đệ rút lui không theo Ngài nữa”.
– Đức
Giêsu hỏi Nhóm 12. Phêrô thay mặt nhóm tuyên xưng “Lạy Thầy, chúng con sẽ đi
theo ai. Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời”
4.
Bài
đọc II(Êp 5,21-32) (Chủ đề phụ)
Giáo
huấn của Thánh Phaolô về đạo vợ chồng : (1) Vợ phải phục tùng chồng như Hội
Thánh tùng phục Đức Kitô ; (2) Chồng phải yêu thương vợ như Đức Kitô yêu
thương Hội Thánh và như người ta yêu thương thân xác mình.
IV. GỢI Ý GIẢNG
*
1. Sống là chọn lựa
Trong
bài Tin mừng hôm nay, có một câu nói của Thánh Phêrô đã trở thành bất hủ. Phêrô
đã thưa với Đức Giêsu : “Thưa Thầy, Bỏ Thầy thì con biết theo ai, vì Thầy
có Lời ban sự sống”. Phêrô đã nói lên câu đó trong một tình thế dằn co : khi
ấy người ta đi theo Đức Giêsu rất đông vì Chúa đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều
cho họ ăn no nê, họ đi theo Chúa để mong lại được cho ăn no như thế mãi. Nhưng
rồi Đức Giêsu đột ngột chuyển hướng : Ngài hứa ban cho họ một thứ bánh
khác, đó là Thịt và Máu Ngài. Làm cho dân chúng như bị hổng chân : họ đang
mong được ăn bánh phần xác, thì Đức Giêsu lại hứa cho họ thứ bánh tinh thần.
Thành ra nhiều người chán, bỏ Chúa mà đi, họ đã ra đi gần hết. Bấy giờ Chúa mới
hỏi nhóm môn đệ thân cận của mình “Còn các con, các con có muốn bỏ Thầy mà đi nữa
không ?” Lập tức, Phêrô đã nói lên câu nói bất hủ trên. Ông nhất quyết
không bỏ Thầy, ông hứa sẽ mãi mãi theo Thầy. Nghĩa là Phêrô đã làm một sự lựa
chọn.
Cuộc
đời là một chuỗi những sự lựa chọn. Có lẽ chỉ trừ việc sinh ra và cái chết là
người ta không lựa chọn được (không ai tự do lựa chọn xem có muốn được sinh ra
hay không ; cũng không ai được tự do lựa chọn xem có muốn chết hay không,
và chết kiểu nào, lúc nào), còn tất cả mọi việc khác thì người ta phải lựa chọn.
Và chính những sự lựa chọn này sẽ định hướng và đánh giá cuộc đời của mình.
Nghĩa là nếu chọn đúng, chọn khéo thì đời mình sẽ tốt, sẽ hạnh phúc ; còn
nếu chọn ẩu, chọn sai thì cuộc đời sẽ xấu, sẽ bất hạnh.
Đời sống
là như thế, sống là phải lựa chọn luôn. Chúa cũng muốn chúng ta luôn lựa chọn.
Các bài đọc khác trong Thánh Lễ hôm nay cũng nói đến vấn đề lựa chọn : Bài
trích sách Giôsuê thuật chuyện ông Giôsuê bảo dân phải lựa chọn một là thờ Chúa
hai là thờ các thần tượng khác, chứ không được làm tôi hai chủ, không được bắt
cá hai tay. Còn trong thư gởi tín hữu Êphêsô, Thánh Phaolô khuyên các đôi vợ chồng
một khi đã chọn nhau làm bạn đời thì phải suốt đời trung thành với sự lựa chọn
đó, nghĩa là phải thuỷ chung, phải tùng phục nhau, và phải hoà thuận với nhau.
Còn nếu
nói theo từ ngữ phật giáo, thì chúng ta cũng phải luôn luôn lựa chọn một bên là
tham sân si, và một bên là lý tưởng đạo đức của mình. Mỗi ngày chúng ta phải đứng
trước biết bao sự lựa chọn như thế :
. Một
người đến đề nghị cho chúng ta một kiểu làm ăn gian lận, tiền sẽ có nhiều nhưng
lại trái đức công bình : ta phải chọn hoặc là lòng thâm hay là đức công
bình.
. Rồi
một người hàng xóm làm một điều gì đó không vừa ý ta, ta phải lựa chọn hoặc là
buông theo tính nóng của mình để chửi rủa người ta (Phật giáo gọi là cái Sân),
hay là nhịn nhục tha thứ.
. Và
rất nhiều khi ta đứng trước những cơn cám dỗ, buông mình theo nó là buông theo
cái Si, hay là phải biết tự chủ kềm chế mình.
Ai chọn
lựa tham sân si là chọn sai, cuộc đời sẽ trở thành xấu. Còn ai chọn công bình,
bác ái, tự chủ tức là chọn lấy cái tốt, chọn con đường Chúa đã vạch ra.
Nếu
ta chọn Chúa thì sẽ ra sao ? và nếu ta bỏ Chúa thì sẽ ra sao ? Linh mục
nhạc sĩ Thành tâm đã suy diễn câu nói bất hủ của Thánh Phêrô thành một bài
thánh ca rất ý nghĩa như sau : “Bỏ Ngài con biết theo ai ?
. Bỏ
Ngài thì đời con sẽ như một cánh chim bơ vơ trong khung trời lộng gió
“Bỏ
Ngài con biết theo ai, đời lộng gió cánh chim ngàn khơi”.
. Bỏ
Ngài thì đời con sẽ như một con thuyền lao đao trên biển cả mênh mông.
“Bỏ
Ngài con biết theo ai thuyền buông lái biết trôi về đâu ?”
. Bỏ
Ngài thì đời con sẽ mờ mịt trước tương lai mơ hồ.
“Bỏ
Ngài con biết theo ai, trên đời kia tương lai khuất mờ.
. Và
bỏ Ngài thì đời con sẽ như một cuộc hành trình cô đơn, buồn bã.
“Bước
đi không Ngài, đời con buồn tênh”.
Còn nếu
chọn Ngài, thì cuộc đời của chúng ta tuy cũng vẫn là một cuộc hành trình, cũng
vẫn như cánh chim bay trong khung trời lộng gió, cũng như m con thuyền giữa biển
cả mênh mông, nhưng trong cuộc hành trình ấy, đã có Chúa đồng hành, cánh chim
đã biết hướng mà bay, con thuyền đã có người lèo lái và như thế sẽ bảo đảm đi tới
bến đò bình an.
Trên
đây là một vài gợi ý về những sự lựa chọn trong cuộc đời.
Nhưng
điều quan trọng là chính chúng ta phải biết lựa chọn như thế nào trước những
hoàn cảnh riêng của cuộc đời mình. Cầu mong cho mỗi người chúng ta biết lựa chọn
đúng và lựa chọn tốt.
Trong
cuốn Eucharistic Miracles của Carroll Cruz có viết một tích truyện về Bí tích
Thánh Thể như sau :
Năm
700, tại tu viện Thánh Lougino ở Lanciano bên Italia, có một linh mục tên là
Basilio hoài nghi về mầu nhiệm Chúa hiện diện trong hình bánh rượu. Chúa đã làm
phép lạ cả thể còn được lưu niệm cho đến ngày nay, như một minh chứng vĩ đại về
Phép Thánh Thể, được gọi là phép lạ Lanciano.
Vừa
khi linh mục ấy truyền phép, bánh đã trở nên thịt và rượu đã trở nên máu. Thịt
Máu Chúa đó còn được cô đọng đến ngày nay. Năm 1713 bửu Huyết Chúa đã được lưu
giữ trong Hào Quang quí giá gọi là Hào Quang phép lạ Thánh Thể Lanciano. Năm
1971, cuộc khảo cứu khoa học đã cho biết Thịt đó là một thớ thịt từ trái tim,
và Máu đỏ là máu của con người, thuộc nhóm máu AB (vết máu trên chiếc khăn liệm
Turin cũng thuộc nhóm máu AB).
Ngày
nay, Thịt và Máu Chúa hiện đang được lưu giữ trong nhà thờ thánh Phanxicô, là
trung tâm hành hương nổi tiếng của cả thế giới.
Tin mừng
hôm nay cho chúng ta thấy các môn đệ cũng rơi vào kinh nghiệm khủng hoảng đức
tin ấy. Khi Đức Giêsu tuyên bố, Người sẽ hiến chính thịt máu mình cho họ ăn,
thì lập tức nhiều môn đệ đã phản ứng lại : “Lời này chói tai quá,
ai mà nghe được” (Ga.6,60). Thánh Gioan còn ghi lại : “Từ
bấy giờ có nhiều môn đệ rút lui, không còn theo Người nữa” (Ga.6,66).
Họ đã theo Người một thời gian, đã tin và đã trở thành môn đệ. Nhưng họ không
thể đi tới cùng.
Tận
hiến cho Đức Kitô không phải là sự lựa chọn một lần, đó là thách thức từng
ngày. Trở nên một tín hữu Kitô không là bảo đảm sẽ trung tín đến cùng. Bước
theo Đức Giêsu là bước vào một cuộc mạo hiểm : mạo hiểm của tình yêu, mạo
hiểm của lòng tin. Đã có những môn đệ không tin và bỏ đi. Ngay trong nhóm ở lại,
cũng có kẻ không theo được tới cùng.
Tạo
sao nhóm thứ nhất bỏ đi, còn nhóm thứ hai lại trung kiên đến cùng ? Tại
sao nhóm thứ nhất thất bại, còn nhóm thứ hai lại thành công ? Có thể
nói “để khỏi bỏ cuộc, người ta cần phải bỏ mình”. Để theo Đức
Giêsu, cần phải chú tâm đến Người hơn là bận tâm về chính mình. Thánh Phêrô đã
làm được điều đó khi Ngài nói : “Bỏ Thầy chúng con biết theo
ai ?”. (Ga.6,68)
Đứng
trước lời tuyên bố của Đức Giêsu xem ra có vẻ “chói tai” thì
Phêrô đại diện Nhóm Mười Hai vẫn không tỏ ra nao núng, vì ngài chỉ nhìn thẳng
vào Đức Giêsu.
Đứng
trước cuộc thử thách, ngài vẫn một niềm tin tưởng, vì ngài chỉ chú tâm vào
Chúa : “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa” (Ga.6,69).
Trái
lại, nhóm thứ nhất sở dĩ bỏ cuộc, vì họ chỉ loay hoay bận tâm với những ý nghĩ
của mình : “Sao ông này lại có thể lấy thịt mình cho chúng ta
ăn ?”(Ga.6,52).
Hôm
nay vẫn có những câu Lời Chúa bất ngờ làm ta choáng váng, vẫn có những giây
phút thử thách làm ta chao đảo, vẫn có những cơn cám dỗ làm ta bỏ cuộc. Hãy đưa
mắt nhìn vào Chúa, hãy xác tín lại niềm tin vào Người như Thánh Phêrô đã
làm :
*
Lạy
Chúa, Chúa có lời ban sự sống đời đời. Chúng con tin… Người là Đấng Thánh của
Thiên Chúa. Amen. (Thiên
Phúc, “Như Thầy đã yêu”)
*
3. Đức tin “nghĩa địa”
Một
món đồ còn mới thì được gọi là đồ “gin”, còn một món đồ đã có người xài trước rồi
bán lại thì được gọi là đồ nghĩa địa (tiếng anh gọi là second-hand). Có một người
kia một hôm bị rơi vào một tâm trạng vô cùng chán chường vì chợt nhận ra rằng đức
tin của anh chỉ là một đức tin “nghĩa địa”.
Anh vừa
sinh ra thì đã được rửa tội. Lớn lên một chút anh đến nhà thờ học giáo lý và lần
lượt được Rước lễ, Thêm sức và các bí tích khác. Hàng tuần anh đến nhà thờ tham
dự Thánh lễ và nghe giảng. Ở nhà anh được cha mẹ và ông bà dạy dỗ cặn kẽ về
cách sống đạo. Từ trước tới nay anh vẫn an tâm trong đức tin êm đềm như thế.
Nhưng hôm đó anh chợt nhận ra rằng tất cả nội dung đức tin ấy đều là của
người khác. Anh nghĩ rằng đức tin của anh giống như chiếc áo cũ mà người
anh mặc chật nên chuyển lại cho người em. Một thứ đồ second-hand.
Anh
nghĩ rằng bây giờ mình đã trưởng thành, mình phải suy nghĩ về đức tin để có những
xác tín của riêng mình ; mình cần có những cơ hội thử thách để có những chọn
lựa của riêng mình.
Cơn
khủng hoảng đức tin của người thanh niên trên hẳn là ray rứt lắm, nhưng thực rất
cần thiết. Sinh ra trong đức tin thì chưa đủ, cần phải sinh lại trong đức tin nữa.
Có một đức tin “nghĩa địa” cũng chưa đủ, mà cần có đức tin do chính mình xác
tín. Chỉ có một đức tin do chính mình xác tín mới có thể giúp ta chọn cho mình
một lập trường khi đứng trước những tình thế phải chọn lựa. Như thánh Phêrô
trong bài Tin Mừng hôm nay đã mạnh dạn chọn Đức Giêsu đang khi nhiều người khác
bỏ Chúa mà đi : “Lạy Thầy, bỏ thầy thì con biết theo ai, vì chỉ có Thầy mới
có những lời hằng sống” (Viết theo Flor McCarthy)
*
4. Chúng con cũng bỏ Thầy mà đi chăng ?
Cách
đây không lâu vào ngày 6 tháng 3, 1997, một vụ ly dị ở thành phố Bửu Tân
(Brockton), bang Mã Sơn Xét (Massachusettes) của Hoa Kỳ gây nên một cảnh tượng
hết sức đau lòng. Hai vợ chồng ông Đặng Danh Mừng (Dana Raymond) và bà Giang thị
Dương (Jeanne Ardizoni) đưa nhau ra toà để ly dị, mà cả hai đều không chịu nuôi
hai con của họ, khiến cuối cùng toà phải xử cho hai đứa con vào viện mồ
côi ! Khi toà phán quyết, người ta nghe tiếng khóc nức nở của hai đứa bé tội
nghiệp. Thế mà hai bố mẹ vẫn dửng dưng ! Cảnh sát được lệnh toà “bắt” hai
đứa bé lên xe chở tới viện mồ côi. Chúng vùng vẫy kêu “Cha”, kêu “Mẹ”, nhưng
cha và mẹ đều không buồn ngó ngàng tới hai đứa con của mình !
Bài
Tin Mừng hôm nay cũng để lộ ra một cảnh thương tâm theo bề sâu, mặc dầu bề
ngoài xem ra chỉ là chuyện trò bỏ thầy vì giáo thuyết thầy dạy không lọt được
vào tai trò.
Rabbi
Giêsu đâu phải như các bậc thầy khác trong đạo Do Thái. Tác giả Tin Mừng thứ bốn,
kể như người môn đệ thân thiết nhất của Đức Giêsu, trong lời tựa đã giới thiệu
Người là Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa “và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1)
Nhờ Ngôi Lời mà vạn vật được tạo thành và “không có Người, thì chẳng có gì được
tạo thành” (c.3). Và “Ngôi Lời ấy đã trở thành người phàm và cư ngụ giữa chúng
ta.” (c.14).
Khi
Người xuất hiện ở sông Giođan thì chính ông Gioan Tẩy Giả làm chứng về Người rằng
“Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. Nhưng
chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi : “Ngươi thấy thần
khí xuống ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần.”
(cc.32-33).
Người
đã đến nhà mình mà người nhà chẳng chịu đón nhận !
Chính
ông Gioan Tẩy Giả là người giới thiệu hai trong số môn đệ của ông đến nhận Đức
Giêsu làm thầy (c.37). Nhưng với Đức Giêsu, ai đó trở nên môn đệ của Người phải
được chính Người gọi (xem Mc 1,16-20). Giữa đám đông môn đệ, Người đã chọn và
thiết lập nên Nhóm Mười Hai, để họ ở lại với Người và để Người sai họ đi rao giảng
Tin Mừng Nước Thiên Chúa (xem Mc 3,13-15). Nhưng họ vẫn luôn có tự do nhận hoặc
khước từ Đức Giêsu. Điều đó được nói lên ngay ở lời tựa của Tin Mừng Gioan :
“Người ở giữa thế gian và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết
Người. Người đã đến nhà mình nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. Còn những ai
đón nhận, tức là những ai tin vào Danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên
con Thiên Chúa.” (Ga 1,10-12).
Niềm
tin nơi các môn đệ cũng giống như sức khoẻ, cần được bồi dưỡng và triển nở. Tại
tiệc cưới Cana, khi Đức Giêsu hoá nước lã thành rượu ngon, các môn đệ đã tin
vào Người (2,11). Nhưng tại Giêrusalem, khi nghe Đức Giêsu tuyên bố với người
Do Thái : “Các ông cứ phá hủy đền thờ này đi ; nội trong ba ngày, tôi
sẽ xây dựng lại”, các môn đệ không hiểu lời đó. Khi Đức Giêsu từ cõi chết sống
lại, các ông mới nhớ lại lời đó và mới tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giêsu đã
nói (20-32). Cả lời tuyên bố của Đức Giêsu với ông Nicôđêmô rằng “Như ông Môsê
đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như
vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (3,14-15), lời tuyên bố ấy vẫn
còn là điều bí nhiệm đối với các môn đệ.
Riêng
với Tin Mừng Máccô, các môn đệ khi được loan báo về cuộc thương khó và phục
sinh lần thứ hai, các ông không những không hiểu lời đó mà còn sợ không dám hỏi
lại Người (xem Mc 9,30-32). Hơn nữa, các ông còn hành xử một cách hoàn toàn
không xứng hợp chút nào với cuộc thương khó vừa được loan báo là dọc đường các
ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả ! (Mc 9,34).
Đức
Giêsu vẫn muốn các môn đệ được tự do nói lên chọn lựa của mình
Xuyên
qua Tin Mừng Gioan chương 6, ta liên tiếp thấy diễn ra cảnh thương tâm là Ngôi
Lời làm người ở giữa thế gian và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không
nhận biết Người !
Vậy
trước hết ta có đông đảo dân chúng một bên và các môn đệ một bên. Dân chúng mặc
dầu được ăn bánh no nê nhờ phép lạ hoá bánh ra nhiều, đã từ khước việc nhìn nhận
Đức Giêsu làm mục tử nhân hậu đến chăm sóc họ. Người biết họ sắp đến bắt Người
đem đi và tôn lên làm vua, nên Người lánh mặt đi lên núi một mình (c.15). Còn
các môn đệ ở lại trên thuyền như Nhóm Mười Hai được Người thiết lập, thì Người
đã đi trên mặt nước mà đến với các ông : ngay lúc ấy Người còn cho thuyền
các ông lập tức cập bến Caphácnaum, nơi các ông định đến (c.21).
Kế
đến, vào ngày hôm sau, đám đông dân chúng lại tìm đến với Đức Giêsu tại
Caphácnaum. Đức Giêsu bỏ qua sự cố ngày hôm trước là họ đã muốn bắt Người để
tôn làm vua, Người khơi dậy nơi họ ý muốn làm công việc Thiên Chúa muốn họ làm,
là tin vào Đấng Thiên Chúa sai đến (c.29), tức là đón nhận Người mang đến cho họ
bánh của Đức Khôn Ngoan là Lời Chúa. Vậy Người nói với họ : “Chính tôi là
bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói ; ai tin vào tôi, chẳng
khát bao giờ” (c.35). Đó là lúc người Do Thái xầm xì phản đối vì họ không chấp
nhận Người là bánh từ trời xuống, mà chỉ kể Người là ông Giêsu, con ông Giuse
mà thôi (cc.41-42).
Căng
thẳng lên tới tột đỉnh với lời Đức Giêsu tuyên bố “Bánh tôi sẽ ban tặng chính
là thịt tôi đây để cho thế gian được sống” (c.51). Thịt nói đây là “sarx” trong
Hy ngữ, cũng được dùng trong câu “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa
chúng ta” (Ga 1,14). Tức là trọn con người cụ thể của Đức Giêsu được ban cho thế
gian để thế gian được sống. Nhưng khi giảng dạy trong hội đường, Caphácnaum, Đức
Giêsu lại còn nói : “Nếu các ông không ăn thịt Con Người các ông không có
sự sống nơi mình. Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và
tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn và
máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi và
tôi ở lại trong người ấy” (cc.53-56)
Chưa
nói gì đến dân chúng, ngay giữa các môn đệ của Đức Giêsu đã xảy ra một phân rẽ
giữa kẻ không tin và người tin. Một bên nhiều môn đệ phản ứng : “Lời này
chướng tai quá ! Ai mà nghe nổi ?” (c.60). Nhưng Đức Giêsu vẫn kiên
nhẫn khơi dậy nơi họ niềm tin mà họ cần đặt nơi Người là Đấng từ Thiên Chúa mà
đến : “Thế thì anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao ?
Thần Khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh
em là Thần Khí và là sự sống” (cc.62-63). Đáp lại là cả một bi kịch. Nhiều môn
đệ đã rút lui, không còn đi với Người nữa.
Còn
bên kia là Nhóm Mười Hai, tức Nhóm chính Đức Giêsu đã thiết lập để họ ở lại với
Người. Với họ nữa, Đức Giêsu vẫn muốn họ được tự do nói lên chọn lựa của mình.
Cho nên Người đã nêu thẳng vấn đề là : “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ
đi hay sao ?” Ông Simon Phêrô liền đáp : “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì
chúng con biết đến với ai ? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.
Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của
Thiên Chúa” (cc.67-69). Nhưng cả giữa nhóm thân cận nhất này của Đức Giêsu, vẫn
không vắng bóng kẻ nộp Chúa, để nhắc nhở loài người phải biết luôn thức tỉnh,
“vì ma quỉ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé.”
(1P 5,8) (Lm Augustine sj, Vietcatholic 2001)
V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
Chủ tế : Anh chị em thân mến, sau khi Đức Giêsu
mặc khải Người là Bánh ban sự sống muôn đời, Người đòi hỏi mỗi người phải có
thái độ dứt khoát, tin hay không tin. Chúng ta cùng càu xin với lòng tin tưởng :
- Hội thánh hôm nay gặp
nhiều khó khăn và thách đố / Xin Chúa cho mọi thành phần trong Hội
thánh luôn tin tưởng và nghe theo Chúa Thánh Thần hướng dẫn.
- Thế giới hôm nay
đang phải chọn lựa giữa chiến tranh và hòa bình, giữa vật chất và tinh thần,
giữa hận thù và yêu thương / xin Chúa cho mọi nhà cầm quyền biết chọn
lựa đường lối nào đem lại tự do và hạnh phúc thật cho mọi người.
- Nhiều người đã dứt
khoát từ bỏ Chúa / nhiều người còn dửng dưng không cần quan tâm đến
Chúa / Xin Chúa cho họ được ánh sáng dẫn đường đẻ tìm về với Chúa là
lẽ sống của mọi người.
- Nhiều anh chị em
trong họ đạo chúng ta đã biết Chúa mà còn thờ tiền bạc và ham mê đời sống
vật chất đời này. / Xin Chúa cho họ được thức tỉnh và trở về với Chúa
là Đấng ban sự sống hạnh phúc muôn đời.
Chủ tế : Lạy Đức Giêsu, bỏ Chúa thì chúng con biết
theo ai bây giờ, vì chỉ một mình Chúa có lời ban phúc trường sinh ; xin
cho chúng con luôn vững tin nơi Chúa để giúp mọi người khác cũng tin theo Chúa.
Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.
VI. TRONG THÁNH LỄ
– Trước
lúc rước lễ : Đức Giêsu đã dạy “Ai ăn thịt Ta và uống Máu Ta thì sẽ được sống
muôn đời”. Chúng ta hãy dọn mình cho xứng đáng để rước lấy Mình Thánh Chúa.
VII. GIẢI TÁN
Sau
khi đã được nuôi dưỡng bằng chính Mình Thánh Chúa và Lời hằng sống của Ngài,
chúng ta hãy trung thành theo Chúa suốt đời.
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI
Lectio
Divina: Chúa Nhật XXI Thường Niên (B)
Chủ
Nhật 26 Tháng Tám, 2018
Lòng các môn đệ bị thử thách bởi Lời
của Chúa
Sự
thách thức: Giữ vững đức tin trong Chúa Cha và Chúa Con hay là thiên
về phía tội lỗi.
Ga
6:60-69
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy
Chúa, Lời Chúa thật là ngọt ngào, giống như tảng mật ong, nó không quá cứng mà
cũng chẳng đắng. Nó có thể cháy nóng như lửa, nó có thể giống như
cái búa làm vỡ tan những tảng đá, nó có thể mài nhọn lưỡi gươm đâm thấu và tách
lìa linh hồn… thế nhưng, lạy Chúa, Lời Chúa thật ngọt
ngào! Xin ban cho con biết lắng nghe Lời Người để nó trở thành khúc
nhạc êm ái, một bản tình ca và dư âm đối với tai con, trí nhớ và tri thức
con. Con xin dâng cả hồn xác con lên Chúa và xin Chúa ban cho con biết
lắng nghe một cách trung tín, chân thành, mạnh mẽ. Lạy Chúa, xin ban
cho con có thể giữ cho đôi tai và con tim mình được tập trung vào đôi môi và tiếng
nói của Chúa, để không một lời nào trở nên vô ích. Xin Chúa hãy đổ đầy
ơn Chúa Thánh Thần như dòng nước hằng sống trên vùng đất của con đế nó trổ sinh
hoa trái, được ba mươi, sáu mươi, và hằng trăm lần hơn. Lạy Chúa,
xin hãy lôi cuốn con, xin cho con có thể đến với Chúa, bởi vì, Chúa đã biết …
2. Bài Đọc
a)
Đặt đoạn Tin Mừng trong bối cảnh của nó:
Đây
là những câu kết trong chương sáu tuyệt vời của Tin Mừng Gioan, nơi mà Thánh Sử
trình bày “Thánh Thể học” của ông. Những câu kết luận là tột điểm của
chương này, bởi vì Ngôi Lời dẫn đưa chúng ta vào sâu hơn và hướng về tâm điểm của
mọi việc; từ đám đông dân chúng ở đầu chương, đến những người Do Thái thảo luận
với Chúa Giêsu trong hội đường Caphánaum, đến các môn đệ, rồi Nhóm Mười Hai,
ngay cả Phêrô, người duy nhất, một mình, đại diện cho mỗi người chúng ta, mặt đối
mặt với Chúa Giêsu. Ở đây, chúng ta nghe thấy câu đối đáp lời giảng
dạy của Chúa Giêsu, đến Lời được gieo dồi dào trong tâm khảm của những người
nghe. Nơi đây chúng ta kiểm điểm xem miền đất tâm can đã sản xuất được
gai góc và cỏ dại hay là các chồi non và rồi cuối cùng nở sinh hoa trái.
b)
Phần phụ lục giúp cho bài đọc của Tin Mừng:
Câu
60: Một vài
môn đệ chỉ trích Lời của Chúa và vì thế Đức Giêsu cũng chính là Lời của Thiên
Chúa. Thiên Chúa không được coi như là một Chúa Cha nhân từ đối với
con cái mình, mà như là một ông chủ hà khắc (Mt 25:24), Đấng mà không thể có cuộc
đối thoại.
Các
câu 61-65: Chúa
Giêsu tiết lộ sự hoài nghi cứng lòng của các môn đệ và mặc khải những mầu nhiệm
ơn cứu độ của Người: việc Chúa về trời, ân sủng của Chúa Thánh Thần
và sự tham gia của chúng ta vào trong đời sống thiêng liêng. Nhưng
những mầu nhiệm này chỉ có thể được hiểu và chấp nhận bởi sự khôn ngoan của
trái tim ngoan ngoãn, có khả năng lắng nghe, và không phải bởi các phương tiện
của trí thông minh thể xác.
Câu
66: Câu này
mặc khải sự phản bội vĩ đại đầu tiên của nhiều môn đệ, những người đã không hiểu
được giáo huấn thực sự của Chúa Giêsu. Thay vì chuyển hướng nhìn của
họ về Thầy của họ, thì họ quay lưng lại và do đó làm gián đoạn sự hiệp thông và
không còn đồng hành cùng với Người.
Các
câu 67-69: Chúa
Giêsu giờ đây nói với nhóm Mười Hai, những người bạn thân thiết nhất của Người,
và đặt trước họ một sự chọn lựa tối hậu và tuyệt đối, hoặc là các ông ở lại với
Người hoặc là bỏ đi. Ông Phêrô, đại diện cho tất cả, đã thưa lại và
tuyên xưng đức tin của Giáo Hội vào Đức Giêsu là Con Một Thiên Chúa và vào Lời
của Người, đích thực là nguồn ban sự sống.
c) Phúc
Âm:
60 Khi ấy, có nhiều môn đệ của Chúa
Giêsu nói rằng: “Lời này chói tai quá! Ai nghe được!” 61Tự
biết rằng các môn đệ đang lẩm bẩm về chuyện ấy, Chúa Giêsu nói với họ: “Điều đó
làm các con khó chịu ư? 62 Vậy nếu các con thấy Con
Người lên nơi đã ở trước thì sao? 63 Chính thần trí mới
làm cho sống, chứ xác thịt nào có ích gì? Nhưng lời Ta nói với các con là thần
trí và là sự sống. 64 Nhưng trong các con có một số
không tin”. Vì từ đầu Chúa Giêsu đã biết ai là những kẻ không tin, và kẻ nào sẽ
nộp Người. 65 Và Người nói: “Bởi đó, Ta bảo các con rằng:
Không ai có thể đến với Ta, nếu không được Cha Ta ban cho”. 66 Từ
bấy giờ có nhiều môn đệ rút lui, không còn theo Người nữa. 67 Chúa
Giêsu liền nói với Nhóm Mười Hai rằng: “Cả các con, các con có muốn bỏ đi
không?” 68 Simon Phêrô thưa Người: “Lạy Thầy, chúng
con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. 69Phần
chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là Đấng Kitô Con Thiên
Chúa”.
3. Giây phút thinh lặng cầu nguyện:
Tôi
đã nhận được Món Quà Tặng, ân sủng của Chúa, tôi đã lắng nghe Lời Chúa, giờ đây
tôi không muốn lẩm bẩm ta thán (câu 61), tôi không muốn cảm thấy chướng tai khó
chịu (câu 61), tôi cũng không muốn bị bối rối bởi sự ngờ vực (câu
64). Tôi không muốn phản bội lại Thầy mình (câu 64), tôi không muốn
rút lui, không còn theo Chúa nữa (câu 66)… Tôi ước ao được ở lại
cùng Chúa mãi mãi! Trong sự tĩnh lặng của tâm hồn, tôi không ngừng
thưa với Người: “Lạy Chúa, bỏ Chúa thì con sẽ đi theo
ai??!” Này đây, lạy Chúa, con xin đến…
4. Một vài câu hỏi gợi ý
Để mở
rộng tâm trí tôi và cày xới mảnh đất nội tâm của tôi với cái cày có khả năng
làm bật nhổ những gốc rễ của sự cứng lòng và nghi ngờ.
a) Tôi là loại người môn đệ như thế
nào? Tôi có sẵn sàng để học hỏi nơi trường học của Chúa Giêsu mỗi
ngày không, để nhận lãnh giáo huấn của Người, những điều mà không phải học thuyết
của phàm nhân mà là sự khôn ngoan của Chúa Thánh Thần không?
b) “Lời này chói tai quá, ai mà nghe
được?” Có chính thật là Lời của Chúa khó nghe quá hay là lòng tôi chỉ
muốn khép kín lại và không còn lắng nghe nữa?
c) “Chúa Giêsu tự biết rằng…
“ Người biết lòng tôi và biết rõ trong đó mỗi người có những gì (Ga
1:48; 2:25; 4:29; 10:15). Tôi phản ứng như thế nào về ánh mắt nhìn của
Người, về tiếng Người gọi tên tôi, về việc Người đến với cuộc đời tôi, về việc
gõ cửa liên tục của Người (Kh 3:20)? Tôi đã có những chọn lựa nào?
d) “Đó là Thần Khí Chúa ban sự sống”. Tuy
nhiên, tôi đã có để cho mình được dẫn dắt như Đức Maria (Lc 1:38) và ông Simêon
(Lc 2:27) xưa kia, tôi có sẽ để cho Chúa đưa tôi đi đến nơi như ý của Người
không, nơi Người đang chờ đợi tôi, hay là tôi luôn luôn muốn mình tự quyết định
cho hướng đi của cuộc đời tôi?
e) Tôi có đáp lại lời mời gọi của Đức
Giêsu riêng cho tôi “Hãy đi đến với Ta! Hãy đến và đi theo Ta!” mỗi
ngày, mỗi phút giây, trong những tình huống khác nhau nhất trong cuộc đời tôi
không, trong những hoàn cảnh khác nhau, trong sự hiện diện của những người khác
không? Tôi sẽ đi theo ai? Tôi đi về đâu? Tôi đang đi theo
bước chân ai đây?
5. Chìa khóa dẫn đến bài đọc
Tôi cầu
xin Kinh Thánh là kim chỉ nam của tôi, soi sáng mỗi bước đi, mỗi cử chỉ, bởi vì
tôi muốn đến cùng Đức Giêsu. Tôi xin những động từ Người dùng, những
lời nói Người lặp lại, sự im lặng của những lời không nói ra, để mặc khải cho
tôi con đường… để tìm thấy Người mà không một người nào khác.
- Lời của Chúa và mối
quan hệ tình yêu với Lời Chúa
Trong
đoạn Tin Mừng này, Gioan trình bày với tôi Lời của Chúa như một tụ điểm, địa điểm
thánh cho cuộc hẹn với Người. Tôi nhận ra rằng đây là nơi quyết định
của tôi, về sự chia cách sâu xa hơn bao giờ hết trong lòng tôi và trong lương
tâm tôi. Tôi cũng nhận ra rằng Đức Giêsu là Ngôi Lời, chính Người là
Thiên Chúa, hiện diện trước mặt tôi, trao ban cho tôi, mở ra cho
tôi. Toàn bộ Kinh Thánh, từng trang một, là một lời mời gọi, êm ái
nhưng đồng thời cũng mạnh mẽ, để đến gặp Ngôi Lời, đến để tìm hiểu Đấng Được Hứa
Ban, Tân Nương chính là Lời Chúa đến từ nụ hôn của tình yêu, từ miệng Thiên
Chúa. Cuộc gặp gỡ hòa hợp không hời hợt, trống rỗng, cũng không phải
là thoáng qua hay không thường xuyên, mà nồng nhiệt, đầy đủ, liên tục, không
gián đoạn, bởi vì nó giống như cuộc gặp gỡ giữa tân lang và tân
nương. Như vậy, Chúa có yêu tôi và ban tặng chính Người cho tôi
không. Vì thế, thật là quan trọng lắng nghe cẩn thận và đầy yêu thương để
không một lời nào bị phí phạm (1Sam 3:19); điều quan trọng là lắng nghe với
trái tim, với linh hồn (Tv 94:8; Br 2:31); quan trọng là phải vâng phục trong
việc thực hành suốt cuộc đời (Mt 7:24-27; Ga 1:22-25); thật là quan trọng để
làm một quyết định thật sự và cuối cùng là sẽ chọn Lời Chúa ngay cả khi quyết định
này khiến cho em gái tôi (Pr 7:1-4) hay nương tử của tôi bị đem ra khỏi nhà (Kn
8:2).
- Lời lẩm bẩm kêu
ca thì khép lại trái tim người ta
Chủ đề
của lời lẩm bẩm kêu ca, của sự chống đối, làm chấn động tôi và tạo ra khủng hoảng
trong tôi; khi tôi đọc Kinh Thánh, ngay cả khi tôi chỉ nhớ lại nó, tôi nhận thức
được rằng lời lẩm bẩm kêu ca chống lại Chúa và các hoạt động của Người trong đời
sống chúng ta là điều khủng khiếp và tàn phá nhất mà có thể tồn tại trong trái
tim tôi, bởi vì nó khiến tôi xa lìa Người, nó ngăn cách tôi mạnh mẽ và khiến tội
mù lòa, điếc và vô cảm. Nó khiến tôi nói rằng Chúa không hiện hữu
trong khi Người rất gần gũi tất cả mọi lúc; rằng Chúa ghét bỏ tôi trong khi Người
yêu thương tôi với một tình yêu vĩnh cửu và trung thành (Đnl
1:27)! Đó là sự ngu ngốc hết sức và lớn nhất! Trong các
sách Xuất Hành, Dân Số và Thánh Vịnh, tôi đã thấy dân riêng Thiên Chúa khóc
lóc, than phiền, giận dữ, kêu ca, tách biệt, nổi loạn, qua lưng (Es 16:7; Ds
14:2, 7, 20; Tv 105:25); một dân tộc vô vọng, không có sinh khí. Tôi
hiểu được rằng loại tình cảnh này xảy ra khi không còn có sự đối thoại với
Chúa, khi sự liên kết với Ngài bị phá vỡ, lúc ấy, thay vì lắng nghe lời Người
và đặt các câu hỏi về Người, thì chỉ có lời kêu ca lẩm bẩm, một loại ăn không
ngồi rồi lãng phí trong linh hồn, trong tâm trí, nó khiến tôi thốt
lên: “Liệu Thiên Chúa có thể dọn gì cho ta ăn trong sa mạc?” (Tv
77:19). Nếu tôi kêu ca lại Chúa Cha của tôi, nếu tôi ngừng tin vào
Tình Yêu của Người dành cho tôi, trong sự dịu dàng của Người, rằng Người đổ xuống
cho tôi mọi sự tốt lành, thì tôi không có sự sống, tôi không có của ăn cho cuộc
hành trình mỗi ngày. Hoặc nếu tôi tức giận, nếu tôi ganh tị bởi vì
Người tốt lành và ban Tình Yêu của Người cho tất cả mọi người, không trừ ai, và
tôi hành động giống như những người Biệt Phái (Lc 15:2; 19:7), thì tôi hoàn
toàn trở nên cô độc và ngoài ra không còn là con cái của Người nữa, ngay cả tôi
cũng chẳng là anh chị em của bất cứ ai. Thật ra, có một mối quan hệ mật
thiết giữa việc lẩm bẩm kêu ca chống lại Thiên Chúa và việc lẩm bẩm kêu ca chống
lại anh chị em (Pl 2:14; 1Pr 4:9). Tôi hiểu được những điều này khi
tôi lần theo dấu vết của Lời này…
- Ân sủng của Con Một
Thiên Chúa: Chúa Thánh Thần
Dường
như tôi thấy một con đường đầy ánh sáng, bắt nguồn từ Chúa Giêsu và gần như ẩn
dấu những câu này rất ngắn gọn và tràn đầy sự phong phú thiêng
liêng. Điểm khởi đầu nằm trong việc lắng nghe thật sự và sâu xa Lời
Chúa và trong việc đón chào Lời ấy. Từ đây chúng ta tiến qua việc
thanh tẩy tâm hồn, từ một trái tim sỏi đá, khô cằn và khép kín, bằng sự dịu
dàng của Chúa Cha, trở thành một trái tim bằng xương thịt, mềm mại, một trái
tim mà Người có thể làm đau, nhào nặn, cầm trong bàn tay của Người và giữ chặt
nó, như một món quà. Vâng, tất cả những điều này được hoàn thành bởi
Ngôi Lời, đôi mắt không dừng lại ở những thứ bề ngoài, trên độ cứng của cái vỏ,
mà đôi mắt thấu hiểu, mỗi ngày nhiều hơn một chút, đi xa hơn và nhìn lên
cao. “Vậy nếu các con thấy Con Người lên nơi đã ở trước thì sao?”
(câu 62). Đây là việc chào mừng Chúa Thánh Thần, món quà tặng của Đấng
Phục Sinh, ân sủng của Đấng đã lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha, tặng phẩm từ
trời, tặng phẩm hoàn hảo (Ga 1:17). Người đã phán: “Phần
Ta, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta”
(Ga 12:32) và Người kéo tôi gần lại với Chúa Thánh Thần, Người khiến tôi là của
riêng Người với Chúa Thánh Thần, Người sai tôi đi trong Chúa Thánh Thần (Ga
20:21), Người tăng sức mạnh cho tôi nhờ Chúa Thánh Thần (Cv 1:8). Nếu
tôi đọc kỹ lại những trang Tin Mừng, tôi có thể thấy bằng cách nào mà Thánh Thần
Chúa là sức mạnh ngự trị trong mỗi người, mỗi thực tại, bởi vì Người là tình
yêu muôn đời của Chúa Cha, sự sống của Thiên Chúa trong chúng
ta. Tôi chú ý và dừng lại ở các đông từ và các lời diễn tả được
dùng, về những lời theo sau đó và soi sáng lẫn nhau, làm phong phú cho
nhau. Tôi cảm thấy rằng tôi thực sự đắm mình trong Nước hằng sống
phun ra tuôn chảy, tôi cảm thấy tôi nhận lãnh một phép thanh tẩy mới và tôi cảm
tạ Chúa với cả tấm lòng tôi. “Người sẽ làm phép rửa cho các anh
trong Thánh Thần và lửa” (Mt 3:11), Gioan Tẩy Giả đã nói như thế, và khi tôi đọc,
Lời này trở thành sự thật trong tôi, bên trong tôi, trong cả toàn thân
tôi. Tôi cảm thấy Thần Khí Chúa đang nói trong tôi (Mt 10:20); Đấng
mà với quyền năng của Người đã xua trừ quỷ khỏi người tôi (Mt 12:28); Đấng tràn
đầy trên tôi, như Người đã làm với Đức Giêsu (Lc 4:1), Gioan Tẩy Giả (Lc 1:15),
Đức Trinh Nữ Maria (Lc 1:28, 35), bà Êlisabéth (Lc 1:41), Giacaria (Lc1:67),
Simêon (Lc 2:26), các môn đệ (Cv 2:4), Phêrô (Cv 4:8) và rất nhiều người
khác. Tôi cảm nhận và gặp gỡ Thần Khí Chúa, Đấng đã dạy tôi phải nói
những gì (Lc 12:10), Đấng dạy tôi tất cả mọi điều và nhắc nhở tôi tất cả về những
gì Chúa Giêsu đã nói (Ga 14:26); Đấng hướng dẫn tôi tiến về chân lý (Ga 16:23);
Đấng đã ban cho tôi sức mạnh để làm chứng cho Chúa Giêsu (Cv 1:8), về tình yêu
của Người dành cho tôi và cho hết thảy mọi người.
- Cuộc đấu tranh của
đức tin: tin vào Chúa Cha hay vào sự dữ?
Đoạn
Tin Mừng này của Gioan thách thức chúng ta một cuộc đấu tranh tuyệt vời, một cuộc
cận chiến giữa tinh thần và thể xác, giữa sự khôn ngoan của Thiên Chúa và lý lẽ
loài người, giữa Chúa Giêsu và thế gian. Tôi có thể thấy ông Gióp đã
có lý khi nói rằng cuộc sống con người nơi dương thế là thời gian cám dỗ và khổ
dịch (G 7:1). Bởi vì tôi cũng trải nghiệm được sự dữ đã cố gắng ngăn cản tôi bằng
cách tạo ra những nghi ngại về các lời hứa của Thiên Chúa và thúc giục tôi quay
lưng lại với Chúa Giêsu. Ma quỷ muốn xua đuổi tôi, cố gắng bằng mọi
cách làm trái tim tôi ra chai đá, vây bủa tôi, phá vỡ đức tin của tôi, tình yêu
của tôi. Tôi nghe thấy nó, như sư tử gầm thét, rảo xung quanh tìm mồi
cắn xé (1Pr 5:8), giống như một kẻ cám dỗ, tác giả của các sự chia rẽ, kẻ tố
cáo, giống như một kẻ nhạo báng chế giễu và lặp lại mọi lúc
câu: “Đâu rồi lời Người hứa sẽ quang lâm?” (2Pr 3:3). Tôi
biết rằng chỉ với những khiên mộc của đức tin là tôi có thể thắng được (Êp
6:10-20; 2Cr 10:3-5), chỉ trong sức mạnh đến với tôi từ Lời của Chúa Cha; vì thế
tôi chọn chúng, yêu thương chúng, tìm hiểu, xem xét, học hỏi chúng bằng trái
tim, lặp lại những lời ấy và nói: “Dù cả một đạo quân vây bủa tôi,
tôi sẽ chẳng sợ chi; dù quân thù có vây đánh tôi, tôi vẫn cứ cậy tin vào
Chúa!” (Tv 26:3).
- Tuyên xưng đức
tin vào Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa
Sự xuất
hiện của Simon Phêrô ở phần cuối của đoạn Tin Mừng này giống như viên ngọc được
gắn trên một món nữ trang quý giá, bởi vì chính ông là người công bố sự thật, sự
sáng và ơn cứu độ qua lời tuyên xưng đức tin của ông. Tôi thu nhặt
các đoạn Tin Mừng khác từ các sách Phúc Âm, những lời tuyên xưng đức tin khác
giúp đỡ cho lòng ngờ vực của tôi, bởi vì tôi cũng muốn tin và biết, tôi cũng ước
ao tin tưởng và xác tín (Is 7:9; Mt 16:16; Mc 8:29; Lc 9:20; Ga 11:27).
6. Giây phút cầu nguyện yên lặng: Thánh Vịnh
18
Một
bài thánh vịnh chúc tụng Lời Chúa,
Đấng
ban sự khôn ngoan và vui mừng cho tâm hồn
Luật
pháp CHÚA quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn.
Thánh ý CHÚA thật là vững chắc, cho người dại nên khôn.
Huấn lệnh CHÚA hoàn toàn ngay thẳng, làm hoan hỷ cõi lòng.
Mệnh lệnh CHÚA xiết bao minh bạch, cho đôi mắt rạng ngời.
Thánh ý CHÚA thật là vững chắc, cho người dại nên khôn.
Huấn lệnh CHÚA hoàn toàn ngay thẳng, làm hoan hỷ cõi lòng.
Mệnh lệnh CHÚA xiết bao minh bạch, cho đôi mắt rạng ngời.
Đáp
ca: Lạy Chúa, Chúa có lời ban sự sống đời đời!
Lòng
kính sợ CHÚA luôn trong trắng, tồn tại đến muôn đời.
Quyết định CHÚA phù hợp chân lý, hết thảy đều công minh,
thật quý báu hơn vàng, hơn vàng y muôn lượng,
ngọt ngào hơn mật ong, hơn mật ong nguyên chất.
Nên tôi tớ Ngài đây xin ra công học hỏi;
ai giữ những điều này sẽ được nhiều lợi ích.
Quyết định CHÚA phù hợp chân lý, hết thảy đều công minh,
thật quý báu hơn vàng, hơn vàng y muôn lượng,
ngọt ngào hơn mật ong, hơn mật ong nguyên chất.
Nên tôi tớ Ngài đây xin ra công học hỏi;
ai giữ những điều này sẽ được nhiều lợi ích.
Đáp
ca: Lạy Chúa, Chúa có lời ban sự sống đời đời!
Nhưng
nào ai thấy rõ các lầm lỗi của mình?
Xin Ngài tha các tội con phạm mà chẳng hay.
Xin cũng giữ cho tôi tớ Ngài khỏi kiêu ngạo,
đừng để tính xấu này thống trị con.
Như thế con sẽ nên vẹn toàn
không còn vương trọng tội.
Lạy CHÚA là núi đá cho con trú ẩn,
là Đấng cứu chuộc con, cúi xin Ngài vui nhận
bấy nhiêu lời miệng lưỡi thân thưa,
và bao tiếng lòng con thầm thĩ
mong được thấu đến Ngài.
Xin Ngài tha các tội con phạm mà chẳng hay.
Xin cũng giữ cho tôi tớ Ngài khỏi kiêu ngạo,
đừng để tính xấu này thống trị con.
Như thế con sẽ nên vẹn toàn
không còn vương trọng tội.
Lạy CHÚA là núi đá cho con trú ẩn,
là Đấng cứu chuộc con, cúi xin Ngài vui nhận
bấy nhiêu lời miệng lưỡi thân thưa,
và bao tiếng lòng con thầm thĩ
mong được thấu đến Ngài.
Đáp
ca: Lạy Chúa, Chúa có lời ban sự sống đời đời!
7. Lời Nguyện Kết
Lạy
Chúa, con xin cảm tạ Chúa về những Lời của Chúa đã đánh thức linh hồn và cuộc sống
con, xin cảm tạ Chúa vì Chúa phán và sự tạo dựng xảy ra, Ngài làm con choáng ngợp,
Chúa in dấu đậm sâu hình ảnh Ngài trong con, thánh nhan duy nhất. Con
cảm tạ Chúa vì Chúa đã chờ đợi con trong kiên nhẫn và yêu thương những khi con
ta thán, khi con để cho mình cảm thấy khó chịu, khi con rơi vào sự ngờ vực hoặc
khi con quay lưng lại với Chúa. Lạy Chúa, xin tha thứ cho con, vì tất
cả những lỗi lầm vấp phạm này và xin tiếp tục chữa lành con, xin ban cho con mạnh
mẽ và hạnh phúc đi theo Chúa, chỉ có Chúa mà thôi! Lạy Chúa, Ngài đã
lên nơi đã ở trước, nhưng Chúa vẫn còn ở với chúng con và không ngừng lôi cuốn
mỗi người chúng con về phía Chúa. Lạy Chúa, xin hãy lôi cuốn con và
con sẽ chạy đến, bởi vì con đã thật sự tin tưởng và biết rằng Chúa là Đấng
Thánh của Thiên Chúa! Nhưng, lạy Chúa, khi con chạy đến với Chúa xin
đừng để con đến một mình, xin hãy để cho con luôn luôn sẵn sàng đồng hành với
các anh chị em con; và cùng với họ, con sẽ tìm thấy Chúa và sẽ là môn đệ Chúa
trong mọi ngày suốt đời con. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét