Trang

Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2020

26-04-2020 : (phần II) CHÚA NHẬT III PHỤC SINH năm A


26/04/2020
 Chúa Nhật tuần 3 PHỤC SINH năm A
(phần II)

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 Phục sinh năm A
Cv 2,14.22-33; 1 Pr 1,17-21; Lc 24,13-35
LOAN BÁO TIN MỪNG PHỤC SINH
“Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó…
thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh”

(Lc 24,33.35)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc 1:
Sự kiện các môn đệ được lãnh nhận Thánh Thần và “loan báo những kỳ công của Thiên Chúa” (Cv 2,11) gây ra một sự kinh ngạc nơi những người nghe. Nhân cơ hội đó, thánh Phêrô cùng với các tông đồ giải thích cho họ và mạnh dạn công bố Tin Mừng về Chúa Giêsu Phục Sinh.
Trước hết, cùng với Nhóm Mười Một, thánh Phêrô làm chứng rằng Đức Giêsu xuất thân từ Nadarét lại là Đấng được Thiên Chúa phái đến. Nhờ quyền năng Thiên Chúa ban, Người đã làm bao phép màu, điềm thiêng và dấu lạ để chứng thực cho sứ mạng thiên sai của Người. Người đã bị bắt, bị đóng đinh, và chịu chết trên thập giá nhưng đã được Thiên Chúa cho sống lại theo kế hoạch của Ngài. Như thế, Đức Giêsu nhập thể làm người, sống và thi hành sứ vụ giữa nhân loại, chịu chết và sống lại, đều nằm trong kế hoạch yêu thương nhiệm mầu của Thiên Chúa.
Sau nữa, cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu đã được dự liệu và tiên báo từ trước trong Cựu Ước qua lời ngôn sứ của vua Đavít. Quả vậy, lời Thánh vịnh 16 (được xem là của vua Đavít) rằng “Người đã không bị bỏ mặc trong cõi âm ty, và thân xác Người không phải hư nát” (Cv 2,30-31; x. Tv 16,8-11) được tác giả sách Công Vụ coi như lời tiên báo về sự phục sinh của Đức Giêsu. Như vậy, sự phục sinh của Đức Giêsu không phải là chuyện nhất thời thoáng qua nhưng đã nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa từ xưa, theo đúng như lời ngôn sứ của vua Đavít.
Tóm lại, những gì mà dân chúng đang thấy, đang nghe về những việc lạ lùng và lời chứng hùng hồn của các tông đồ về Đức Giêsu đều phát xuất từ Thiên Chúa. Chính Ngài ra tay uy quyền cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, trao cho Người chính Thánh Thần của Ngài, để đến lượt mình, Đức Giêsu Phục Sinh lại tuôn đổ Thánh Thần xuống trên các môn đệ, để các ông can đảm làm chứng rằng Người thật đã phục sinh.
2. Bài đọc 2:
Tác giả thư thứ nhất Phêrô đưa ra những mặc khải quan trọng về nguồn gốc, cuộc sống và sứ mạng của Đức Giêsu: Người là Đấng hằng hữu với Chúa Cha, đã nhập thể làm người và chết để cứu chuộc con người; và sự sống lại của Người là niềm hy vọng cho các tín hữu.
Trước hết, Đức Giêsu là Đấng tiền hữu. Người hiện hữu từ trước, khi vũ trụ chưa được tạo thành. Người là Đấng mà nhờ đó Thiên Chúa dựng nên muôn loài muôn vật (x. Hr 1,2; Ga 1,3). Nhưng vào thời cuối cùng này Người xuất hiện “vì anh em”. Như thế, tác giả thư thứ nhất Phêrô vừa cho thấy nguồn gốc thần linh của Đức Giêsu, vừa nhấn mạnh mầu nhiệm nhập thể rằng Đức Giêsu làm người vì con người.
Hơn nữa, Đức Giêsu là Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích nhưng lại chấp nhận cái chết, đổ máu ra để mang lại ơn cứu chuộc. Theo định chế Lêvi, của lễ tiến dâng cho Thiên Chúa để làm lễ hiến tế phải là các con vật khỏe mạnh, không tỳ vết (x. Đnl 17,1). Đức Giêsu là Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích (1 Pr 1,19) là Đấng không hề phạm tội (x. Hr 4,15). Cái chết của Người là của lễ vẹn toàn, và đẹp lòng Thiên Chúa; máu người đổ ra mang lại ơn cứu chuộc vĩnh cửu (x. Hr 5,9).
Sau cùng, tác giả thư thứ nhất Phêrô nhấn mạnh rằng, chính Đức Giêsu, Đấng đã đổ máu ra như Con Chiên vẹn toàn, lại được Thiên Chúa cho trỗi dậy từ cõi chết. Nhờ Người, các tín hữu đặt niềm tin và niềm hy vọng vào Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa đã cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, thì mai ngày Ngài cũng ban cho các tín hữu vinh phúc ấy. Đức Giêsu phục sinh chính là bảo đảm cho niềm tin và niềm hy vọng của các tín hữu vào Thiên Chúa rằng họ cũng sẽ được thông dự vào cuộc sống vinh hiển cùng với Đức Giêsu Phục Sinh.
3. Bài Tin Mừng:
Chúa Giêsu Phục Sinh âm thầm đồng hành với hai môn đệ đang buồn sầu và thất vọng, hâm nóng lòng họ bằng Kinh Thánh và giúp họ nhận ra Người qua việc bẻ bánh. Câu chuyện của hai môn đệ trên đường Emmau có thể được xem là mẫu số chung của hành trình đức tin của những ai tin vào Đức Giêsu Phục Sinh.
Trước hết, Chúa Giêsu Phục Sinh đồng hành với hai môn đệ đang trong tâm trạng buồn rầu và thất vọng. Đối với họ, Đức Giêsu Nadarét chỉ “là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân” (24,17), nên khi Người bị bắt và giết chết, thì mọi hy vọng của họ đều tan thành mây khói. Thông tin của mấy phụ nữ về ngôi mộ trống và lời loan báo của thiên thần rằng Người vẫn sống chỉ làm họ ngạc nhiên mà thôi. Tâm hồn trĩu nặng, chán chường, họ mất phương hướng; nỗi buồn sầu, chán nản, thất vọng che khuất mắt họ đến nỗi họ không thể nhận ra Chúa Giêsu khi Người đồng hành với họ. Dù vậy, sự đồng hành của Chúa Giêsu giúp họ cởi mở tâm tư và trút bỏ bớt nỗi thất vọng.
Hơn nữa, Chúa Giêsu Phục Sinh còn hâm nóng lòng hai môn đệ bằng việc cắt nghĩa Kinh Thánh cho họ. Thật vậy, việc Đức Giêsu chịu khổ hình, chịu chết và sống lại đã được Người loan báo từ trước (x. Lc 9,22; 17,25). Ngoài ra, sách Luật Môsê (ông Môsê) và sách Các Ngôn Sứ là phần cốt tủy của Kinh Thánh Do Thái (x. Lc 16,16.29-31) đều phải được ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu (x. Lc 24,44). Lời cắt nghĩa của Chúa Giêsu đã thật sự giúp các ông hiểu rõ về cuộc sống và sứ mạng của Người, làm cho lòng các ông “bừng cháy” và tinh thần được củng cố.
Sau cùng, Chúa Giêsu Phục Sinh giúp hai môn đệ nhận ra Người qua việc bẻ bánh. Chúa Giêsu nhận được cảm tình của hai môn đệ vì sự thân tình, cởi mở, cảm thông và hiểu biết Kinh Thánh, nên họ mới “nài ép” Người ở lại với họ, để tiếp tục câu chuyện đang dang dở. Chúa Giêsu Phục Sinh hoàn tất chặng đường đồng hành qua việc bẻ bánh. Khi mà lòng hai môn đệ đã bừng cháy (thay vì chán nản, thất vọng) vì hiểu lời Kinh Thánh, cử chỉ quen thuộc mà Chúa Giêsu vẫn làm mỗi khi thầy trò họp mặt (cầm bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra) đã mở mắt tâm hồn họ, giúp họ nhận ra Người.
Chúa Giêsu Phục Sinh đồng hành, giúp hiểu Kinh Thánh và lặp lại cử chỉ bẻ bánh quen thuộc để giúp hai môn đệ xác tín vào mầu nhiệm phục sinh. Sự xác tín này thôi thúc họ “ngay lúc ấy” hăng hái lên đường trở về Giêrusalem để loan báo Tin Mừng phục sinh.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1/ Sau khi lãnh nhận Thánh Thần, các tông đồ mạnh dạn làm chứng rằng Đức Kitô đã chết, nhưng đã được Thiên Chúa cho sống lại, đúng theo lời ngôn sứ mà Thiên Chúa đã nói qua miệng vua Đavít xưa kia. Thiên Chúa đã ban Thánh Thần để phục sinh Đức Giêsu thế nào, thì Thánh Thần phát xuất từ Chúa Giêsu Phục Sinh cũng tuôn đổ trên các tông đồ thế ấy để các ông can đảm loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Qua phép Thánh Tẩy, các Kitô hữu cũng nhận được Thánh Thần để trở nên những chứng nhân cho Đức Kitô Phục Sinh. Tôi có chu toàn bổn phận của một Kitô hữu là loan báo về Đức Kitô Phục Sinh ?
2/ Đức Giêsu vốn hằng hữu từ muôn đời, vào thời sau hết đã làm người giữa lòng nhân loại. Người là Đấng vô tội nhưng chấp nhận chịu chết và được Thiên Chúa cho sống lại để mang lại ơn cứu chuộc. Sự phục sinh của Đức Giêsu là bảo chứng về sự sống lại mai sau. Những ai đặt niềm tin và hy vọng nơi Thiên Chúa cũng sẽ được phục sinh với Đức Giêsu. Tôi có đặt niềm tin và hy vọng nơi Thiên Chúa, Đấng đã cho Đức Giêsu phục sinh thế nào thì cũng cho tôi sống lại như thế ?
3/ Chúa Giêsu Phục Sinh đồng hành với hai môn đệ trong lúc họ chán nản, mệt mỏi và lạc hướng; hâm nóng lòng họ nhờ lời Kinh Thánh; và mở mắt để họ nhận ra người qua cử chỉ bẻ bánh. Niềm xác tín vào Đức Giêsu Phục Sinh thôi thúc họ mau mắn và hăng hái lên đường để loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Biết đâu trong những lúc buồn bã, thất vọng, và muốn bỏ cuộc, Chúa Phục Sinh vẫn âm thầm đồng hành với tôi, hâm nóng cuộc sống tôi bằng Lời của Người, thầm lặng hiện diện và nuôi dưỡng tôi bằng Thánh Thể. Tôi có nhận ra sự hiện diện của Người trong đời tôi ? Và tôi có sẵn sàng trở thành chứng nhân cho Chúa Giêsu Phục Sinh giữa cuộc đời này ?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tếAnh chị em thân mến! Sự hiện diện và đồng hành của Đức Giêsu Phục Sinh đã đem đến cho con người sức mạnh và niềm vui cùng với nhiều thay đổi trong cuộc sống. Cộng đoàn chúng ta hãy cùng nhau cảm tạ Chúa và tha thiết cầu nguyện:
1. Chúa Giêsu tiến lại cùng đi và giải thích Kinh Thánh cho hai môn đệ. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh, luôn xác tín vào sự hiện diện nâng đỡ của Chúa Phục Sinh, để thêm can đảm và hăng hái loan báo niềm vui Tin Mừng cho thế giới hôm nay.
2. Các môn đệ nói: “Chúng tôi vẫn hy vọng Người sẽ cứu Israel”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho những người đang lo âu và đau khổ vì dịch bệnh ở khắp nơi, cảm nghiệm được sự đồng hành và ơn chữa lành của Chúa Phục Sinh, để luôn sống trong bình an và hy vọng.
3. “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều, và ngày sắp tàn”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các gia đình Công Giáo luôn chọn Chúa là trung tâm cuộc sống của mình, trong hoàn cảnh hiện tại biết dành thời gian để cùng nhau cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa.
4. Mắt hai môn đệ sáng ra và nhận ra Chúa khi Người bẻ bánh. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta khi đã nhận ra Chúa, cũng biết chia sẻ niềm vui với tha nhân và trở nên dấu chỉ sự hiện diện của Chúa qua việc dấn thân phục vụ.
Chủ tếLạy Chúa Giêsu Phục Sinh là Đấng luôn hiện diện và đồng hành với Hội Thánh cũng như mỗi người chúng con. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và gia tăng đức tin cùng sức mạnh, giúp chúng con can đảm loan báo Tin Mừng Phục Sinh của Chúa cho mọi người. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.


Sợi Chỉ Đỏ Chúa Nhật 3 Phục Sinh Năm A
CHỦ ĐỀ :
CUỘC SỐNG MỚI CỦA KẺ TIN
VÀO ĐỨC GIÊSU PHỤC SINH

Đức Giêsu hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau
(Lc 24,13-35)
Sợi chỉ đỏ :
– Bài đọc I : Phêrô làm chứng về việc Đức Giêsu phục sinh.
– Đáp ca : Lạy Chúa, Chúa sẽ dạy con đường về cõi sống.
– Bài đọc II : Tín hữu đã được giải thoát khỏi lối sống phù phiếm của cuộc đời tạm gởi này.
– Bài Tin Mừng : Trên đường Emmau. Đức Giêsu đồng hành với tín hữu ; tín hữu có thể cảm nghiệm được Ngài qua Lời Chúa và Thánh Thể.

I. DẪN VÀO THÁNH LỄ
Ngày xưa trên đường Emmau có hai môn đệ hoang mang đã tìm lại được đức tin và niềm vui cho cuộc sống. Phải chăng nhiều lúc chúng ta cũng hoang mang như thế. Hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta cùng hai môn đệ ấy dấn bước trên con đường Emmau để cũng tìm gặp những điều tốt lành như hai môn đệ ấy.
II. GỢI Ý SÁM HỐI
– Chúng ta nhiều lần được nghe Lời Chúa nhưng tâm hồn vẫn nguội lạnh thờ ơ chứ không bừng cháy lên như hai môn đệ Emmau.
– Chúng ta nhiều lần tham dự lễ bẻ bánh nhưng cặp mắt đức tin vẫn khép kín không nhận ra Đức Giêsu đang đồng hành với chúng ta.
– Chúng ta ít quan tâm tìm đến với Chúa qua việc đọc và cầu nguyện Thánh Kinh.
III. LỜI CHÚA
1.     Bài đọc I: Cv 2,14.22-28
Đoạn thư này của Thánh Phêrô gồm 2 ý chính :
– Ông nhắc lại cho dân do thái nhớ những nét chính về cuộc đời Đức Giêsu : Ngài là người được Thiên Chúa sai đến với họ ; Ngài đã làm “nhiều phép mầu, dấu lạ và những việc phi thường để chính minh sứ mạng của Ngài” ; Ngài đã bị giết chết. Tất cả những điều này người do thái đều biết, nay chỉ cần nhắc lại là họ nhớ.
– Thiên Chúa đã làm cho Đức Giêsu sống lại. Điều này làm ứng nghiệm Tv 15 và chứng minh Đức Giêsu chính là Đấng Messia.
2.                 Đáp ca: Tv 15
Tác giả hát lên niềm vui vì đã dám đặt cuộc tất cả vào Chúa, và đã thắng cuộc. Chúng ta có thể dùng những lời Thánh vịnh này để biểu lộ niềm vui mừng và tin tưởng của chúng ta vì có Đức Giêsu phục sinh đang ở bên chúng ta.
3.                 Bài đọc II: 1 Pr 1,17-21
Đây là một lời kêu gọi hãy tin cậy vào Thiên Chúa và Đức Giêsu phục sinh :
– Việc Đức Giêsu chết và sống lại ấy đã giải thoát tín hữu khỏi lối sống phù phiếm xưa nay.
– Vậy từ nay tín hữu hãy đặt trọn niềm tin cậy phó thác vào Thiên Chúa và Đức Giêsu phục sinh.
4.                 Bài Tin Mừng: Lc 24,13-35
Câu chuyện này diễn ra qua nhiều giai đoạn :
– Tâm trạng hoang mang chán chường của hai môn đệ trên đường Emmau.
– Đức Giêsu phục sinh đã ban lại cho họ đức tin và niềm vui, bằng hai cách : giúp cho họ hiểu Lời Chúa, cử hành lễ Bẻ bánh. Đây chính là 2 phương tiện giúp mọi tín hữu được gặp Đức Giêsu phục sinh.
– Sau cảm nghiệm được gặp Đức Giêsu, hai ông trở về Giêrusalem và loan báo Tin Mừng ấy cho các môn đệ khác.
IV GỢI Ý GIẢNG
1.     Làm thế nào để có được cảm nghiệm của hai môn đệ Emmau
Mong sao độc giả Tin Mừng hiểu được rằng câu chuyện này nhắm đến họ. Đến lượt mình, họ tự hỏi làm sao thấy được Đấng phục sinh. Câu trả lời là : mắt trần hoàn toàn vô dụng. Sự hiện diện của Đấng phục sinh khác hẳn sự hiện diện của Đức Giêsu Nadarét. Đây là một sự hiện diện mới mẻ, chỉ tỏ hiện với con mắt đức tin được nuôi bằng kinh thánh và việc chia sẻ bữa ăn với Đức Giêsu.
Nếu muốn thấy và sống sự hiện diện của Đấng phục sinh, các tín hữu phải trang bị cho mình hai điều kiện ấy vì họ luôn sẵn có trong tay Thánh Kinh và Thánh Lễ. (M. Sevin, trích dịch bởi Fiches dominicales, trang 135)
2.                 Để khỏi rơi vào sự đơn điệu của đời thường
Lễ Phục sinh đã trôi qua 15 ngày. Chúng ta dễ buông mình rơi lại vào sự đơn điệu của đời thường, trở về với những lỗi phạm quen thuộc.
Nhưng đức tin không phải chỉ để dự lễ, mà là để sống cả đời. Đức tin là một ơn gọi phải theo suốt đời.
Bởi thế, trong bài đọc 2 hôm nay, thánh Phêrô đưa ra rất nhiều chỉ dẫn để chúng ta luôn sống niềm tin vào Đức Giêsu phục sinh :
– Đừng tự ru ngủ bằng ý tưởng mình đã là con cái Thiên Chúa : “Thiên Chúa không vị nễ ai, nhưng cứ theo công việc mà xét xử”. Phải biết “sợ” Cha mình, một nỗi sợ hiếu thảo và đầy tình yêu mến.
– Hãy luôn vui mừng vì mình là những con người tự do, tự do vì “được giải phóng khỏi lối sống phù phiếm do cha ông để lại”, để hướng tới sự thánh thiện. Nếu không hướng tới sự thánh thiện, chúng ta sẽ rơi lại nếp sống nô lệ cũ.
– Ý thức mình đã được cứu chuộc bằng giá máu của Đức Giêsu. Ngài đã yêu thương ta đến thế, lẽ nào ta đành phụ bạc Ngài.
3.                 Một cách hiện diện mới
Cách viết của Luca chứa đựng một ngụ ý thần học sâu sắc : Khi hai môn đệ đang đi trên đường, mặc dù Đức Giêsu đang ở bên cạnh họ nhưng họ không nhận ra “vì mắt họ còn bị ngăn cản” (câu 16). Đến khi Đức Giêsu bẻ bánh thì “mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Ngài” (câu 31). “Nhưng Ngài lại biến mất” (câu 31).
Ngụ ý thần học của cách viết này là : Đức Giêsu phục sinh vẫn hiện diện ngay bên cạnh ta, nhưng theo một cách mới. Chúng ta không thể nhận ra cách hiện diện mới ấy vì cặp mắt thể xác của ta như “bị ngăn cản” bởi một bức màn. Chỉ khi nào Ngài muốn và cho những ai Ngài muốn thì Ngài mới cất bức màn ấy đi và khi đó mắt chúng ta mới “mở ra” và thấy được Ngài.
Vì thế, một mặt chúng ta hãy vững tin rằng Đức Giêsu phục sinh lúc nào cũng ở sát bên cạnh chúng ta ; mặt khác hãy xử dụng những phương tiện mà Ngài đã để lại hầu có thể nhận ra Ngài, đó là Lời Chúa và Thánh lễ.
4.                 Bức họa của Rembrandt
Trong các tác phẩm của danh họa Rembrandt, có một bức rất ấn tượng vẽ cảnh Đức Giêsu đang ngồi cùng bàn với hai môn đệ Emmau. Điều gây ấn tượng là vẻ mặt sung sướng vô ngần của hai môn đệ lúc họ nhận ra Chúa. Bức họa nổi tiếng này được đặt trong một nhà bảo tàng, và có một chuyên viên phụ trách giải thích ý nghĩa của nó cho các khách tham quan.
Lần kia một cặp vợ chồng vừa có đứa con duy nhất bị chết vì tai nạn. Họ buồn quá không biết làm gì nên cùng nhau đến nhà bảo tàng ấy để giải khuây. Họ cũng được người hướng dẫn ấy dẫn đến bức họa này. Ban đầu, hai vợ chồng chẳng buồn để ý tới những lời giải thích. Nhưng dần dần họ bị cuốn hút vào. Và cuối cùng, khi người hướng dẫn dứt lời thì họ tâm sự với người hướng dẫn : “Chúng tôi đã nghe nói về bức họa này nhiều lần, nhưng chưa lần nào chúng tôi được nghe người nào trình bày một cách hấp dẫn như ông. Chúng tôi thực sự xúc động.”
Người hướng dẫn đáp : “Thực ra, không phải lần nào tôi cũng trình bày một cách xác tín như vậy đâu. Có lần tôi đã nói một cách rất hời hợt qua loa.” Rồi ông ta kể : “Ba năm trước, vợ tôi bị ung thư, sức khoẻ cạn kiệt dần, rồi nàng chết một cách hết sức đau đớn. Tôi không thể nào chấp nhận nỗi các chết này, vì nàng là một người rất tốt, không đáng bị chết như thế. Tôi tưởng như cả thế giới sụp đổ. Tim tôi như vỡ tan. Nhưng vì bổn phận, tôi vẫn phải đến làm việc ở nhà bảo tàng này. Tôi giải thích ý nghĩa các bức họa một cách hết sức máy móc, vô hồn. Thế rồi một hôm, tôi chợt hiểu ra rằng bức họa này không chỉ liên can đến hai người môn đệ tuyệt vọng này, mà cả đến tôi nữa. Cũng như hai ông ấy, tôi đã tuyệt vọng và trở thành một người lữ hành cô đơn. Dù tôi là một người tín hữu, nhưng đối với tôi Đức Giêsu chỉ là một nhân vật mờ mịt trong những trang sách Tin Mừng. Tuy nhiên hôm đó tôi cảm thấy Ngài đang hiện diện thực sự bên cạnh tôi, Ngài ở bên tôi như một người bạn hiểu rất rõ mọi nỗi khổ đau của loài người. Từ lúc đó “mắt tôi mở ra, lòng tôi cháy bừng lên” như hai môn đệ ấy. Tôi đã tìm lại được hy vọng và lẽ sống cho đời mình. Bởi vậy từ đó trở đi, mỗi khi tôi kể câu chuyện Emmau là tôi kể về chính cảm nghiệm của mình.”
Cặp vợ chồng không cầm được nước mắt : “Chúng tôi cũng thế. Chúng tôi đã ‘mở mắt ra và thấy lòng mình cháy bừng lên’. Hôm nay chúng tôi cũng tìm lại được hy vọng và lẽ sống cho đời mình, vì biết rằng Đức Giêsu phục sinh đang thực sự ở bên cạnh chúng tôi”. (Flor McCarthy)
V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
CT : Anh chị em thân mến
Niềm tin của hai môn đệ đi làng Emmau được củng cố vững chắc, và niềm vui gặp Chúa tràn ngập tâm hồn hai ông. Trong niềm hân hoan mừng Chúa đã sống lại, chúng ta cùng dâng lời cầu xin.
1- Hội Thánh tôn kính Lời Chúa ngang với Mình Máu Thánh Chúa / và không ngừng kêu gọi con cái mình siêng năng học hỏi Lời Chúa / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho người kitô hữu / ý thức được tầm quan trọng của Lời Chúa trong đời sống đức tin thường ngày.
2- Kinh Thánh là quyển sách được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất / và được nhiều người đọc nhất trên thế giới / Chúng ta hiệp lời cầu xin / cho ngày càng có nhiều người mộ mến tìm đọc / và nhận ra được giá trị thực sự của quyển sách quý báu này.
3- Trong đời sống hằng ngày / có biết bao người chán nản và tuyệt vọng vì gặp quá nhiều đau khổ / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa / ban cho những anh chị em đang gặp thử thách gian nan / một niềm tin sắt đá / và một niềm cậy trông vững bền vào tình thương / và sự quan phòng của Người.
4- Rộng rãi giúp đỡ những người khốn khổ bất hạnh / là một trong những bổn phận căn bản của đời sống đức tin / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết thật tình chia sẻ cơm áo cho những ai thật sự đói nghèo.
CT : Lạy Chúa Kitô phục sinh, Chúa luôn đồng hành cùng chúng con trong cuộc sống. Xin cho tất cả chúng con biết nhận ra Chúa luôn hiện diện trong cuộc sống thường ngày của chúng con, để chúng con vẫn luôn vui sống giữa muôn phiền toái của cuộc đời. Chúa hằng sống và hiển trị…
VI. TRONG THÁNH LỄ
– Kinh tiền tụng : nên dùng Kinh tiền tụng phục sinh số 2, vì có nói tới cuộc sống mới.
– Trước kinh Lạy Cha : Làm con thì phải phó thác theo ý cha mình. Chúng ta hãy hợp ý với Đức Giêsu dâng lên Chúa Cha tâm tình phó thác của chúng ta.
VII. GIẢI TÁN
Sau khi gặp được Đức Giêsu phục sinh, hai môn đệ Emmau đã làm chứng cho những người khác tin Chúa. Anh chị em cũng thế, hãy đi làm chứng cho mọi người rằng Chúa đã sống lại.
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI


Lectio Divina: Chúa Nhật III Phục Sinh (A)
Chúa Nhật, 26 Tháng 4, 2020
Trên Đường Emmau
Đi tìm chìa khóa để hiểu được Kinh Thánh
Lc 24:13-35


1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường đi Emmau.  Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp họ khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong những biến cố đau thương về bản án và cái chết của Chúa.  Do đó, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi hy vọng đã trở nên nguồn mạch sự sống và sự phục sinh của họ.
Xin Chúa hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện và trong các người chung quanh, nhất là trong những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để giống như hai môn đệ trên đường Emmau, chúng con cũng có thể cảm nghiệm được sức mạnh sự sống lại của Chúa và làm chứng cho người khác rằng Chúa đang sống giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu, Con Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.

2.  Bài Đọc

a)  Chìa khóa hướng dẫn bài đọc:
Chúng ta hãy đọc văn bản mà thánh Luca giới thiệu Chúa Giêsu như là người giảng giải Kinh Thánh.  Khi đọc, chúng ta hãy tìm hiểu những bước khác nhau của Chúa Giêsu trong tiến trình diễn giải này, từ lúc Chúa hai môn đệ trên đường đi đến Emmau, cho đến khi các môn đệ gặp cộng đoàn tại Giêrusalem.  
b)  Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho đọc bài được chăm chú:
Lc 24:13-24:  Chúa Giêsu cố gắng tìm hiểu xem điều gì đã khiến cho hai môn đệ đau khổ
Lc 24:25-27:  Chúa Giêsu làm sáng tỏ lời Kinh Thánh về tình cảnh của hai môn đệ.
Lc 24:28-32:  Chúa Giêsu bẻ bánh và đọc lời chúc tụng với các môn đệ.
Lc 24:33-35:  Hai môn đệ đi đến Giêrusalem và chia sẻ kinh nghiệm về Chúa Phục Sinh của họ với cộng đoàn.

c)  Bài Tin Mừng: 

13-24:  Cùng ngày thứ nhất trong tuần, có hai môn đệ đi đến một làng tên là Emmau, cách Giêrusalem độ sáu mươi dặm.  Dọc đường, các ông nói với nhau về những việc vừa xảy ra.  Đang khi họ nói chuyện và trao đổi ý kiến với nhau, thì chính Chúa Giêsu tiến lại cùng đi với họ, nhưng mắt họ bị che phủ nên không nhận ra Người.  Người hỏi:  “Các ông có chuyện gì vừa đi vừa trao đổi với nhau mà buồn bã vậy?”  Một người tên là Clêophát trả lời:  “Có lẽ ông là khách hành hương duy nhất ở Giêrusalem mà không hay biết những sự việc vừa xảy ra trong thành mấy ngày nay.”  Chúa hỏi:  “Việc gì thế?”  Các ông thưa:  “Sự việc liên can đến ông Giêsu quê thành Nagiarét.  Người là một vị tiên tri có quyền lực trong hành động và ngôn ngữ, trước mặt Thiên Chúa và toàn thể dân chúng.  Thế mà các trưởng tế và thủ lãnh của chúng ta đã bắt nộp Người để xử tử và đóng đinh Người vào thập giá.  Phần chúng tôi, chúng tôi vẫn hy vọng Người sẽ cứu Israel.  Các việc ấy đã xảy ra nay đã đến ngày thứ ba rồi.  Nhưng mấy phụ nữ trong nhóm chúng tôi, quả thật, đã làm chúng tôi lo sợ.  Họ đến mồ từ tảng sáng.  Và không thấy xác Người, họ trở về nói đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng:  Người đang sống.  Vài người trong chúng tôi cũng ra thăm mồ và thấy mọi sự đều đúng như lời các phụ nữ đã nói; còn Người thì họ không gặp.”
25-27:  Bấy giờ Người bảo họ:  “Ôi kẻ khờ dại chậm tin các điều tiên tri đã nói.  Chớ thì Đấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang sao?”  Đoạn Người bắt đầu từ Môisen đến tất cả các tiên tri, giải thích cho hai ông tất cả các lời Kinh Thánh chỉ về Người. 
28-32:  Khi gần đến làng hai ông định tới, Người giả vờ muốn đi xa hơn nữa.  Nhưng hai môn đệ nài ép Người rằng:  “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều, và ngày sắp tàn.”  Người liền vào với các ông.  Đang khi cùng các ông ngồi bàn, Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông.  Mắt họ sáng ra và nhận ra Người.  Đoạn Người biến mất.  Họ bảo nhau:  “Phải chăng lòng chúng ta đã chẳng sốt sắng lên trong ta, khi Người đi đường đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó ư?” 
33-35:  Ngay lúc ấy họ trỗi dậy trở về Giêrusalem, và gặp mười một Tông Đồ và các bạn khác đang tụ họp.  Họ bảo hai ông:  “Thật Chúa đã sống lại, và đã hiện ra với Simon.”  Hai ông cũng thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.

3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện

Để cho Lời Chúa có thể thấm nhập vào lòng và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý:

Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân.

a)  Bạn thích phần nào nhất trong bài Tin Mừng này?  Tại sao?
b)  Chúa Giêsu đã dùng những bước nào trong việc giải thích Kinh Thánh từ lúc Người gặp hai người bạn trên đường cho đến khi các môn đệ đến gặp cộng đoàn tại Giêrusalem?
c)  Chúa Giêsu gặp gỡ hai môn đệ trong tình trạng như thế nào?
d)  Các điểm tương đồng và tương phản giữa tình trạng hiện tại của chúng ta và của hai môn đệ là gì?  Những yếu tố nào tạo nên một cuộc khủng hoảng đức tin vào thời của chúng ta và nguyên nhân của sự phiền não là gì?
e)  Ảnh hưởng của việc Chúa Giêsu đọc Kinh Thánh trên cuộc đời của hai môn đệ là gì?
f)  Những điểm nào trong lời giải thích của Chúa Giêsu là lời phê phán về cách chúng ta đọc Kinh Thánh, và điều nào là sự xác nhận đó?

5.  Chìa khóa dẫn đến bài đọc

Dành cho những ai muốn đào sâu hơn vào trong văn bản.

a) Bối cảnh mà thánh Luca đang viết sách Tin Mừng:
*  Luca viết sách Tin Mừng của ông vào khoảng năm 85 cho cộng đoàn Hy Lạp của miền Tiểu Á, những người đang sống trong những hoàn cảnh khó khăn, do các yếu tố ngoại vi lẫn nội tại.  Trong nội bộ, có những khuynh hướng khác nhau làm cho cuộc sống chung trở nên khó khăn:  Những người trước đây thuộc nhóm Biệt Phái đã muốn áp đặt lề luật của Môisen (Cv 15:1); những môn đệ của ông Gioan Tẩy Giả thì nhiều hơn và thậm chí có những người chưa hề nghe đến Chúa Thánh Thần (Cv 19:1-6); những người Do Thái đã nhân danh Chúa Giêsu mà trừ quỷ (Cv 19:13); và những môn đệ của ông Phêrô, những người khác thuộc về ông Phaolô, những người thuộc về Apôllô, và những người thuộc về Đức Kitô (1Cr 1:12).  Bên ngoài, sự khủng bố của Đế chế La-Mã đang tăng dần (Kh 11:9-10; 2:3,10,13; 6:9-10; 12:16) cộng thêm sự xâm nhập khôn lanh của hệ thống tư tưởng của Đế Chế và của chức sắc tôn giáo, cũng giống như cách chủ nghĩa cộng sản ngày nay xâm nhập vào mọi phương diện của đời sống chúng ta (Kh 2:14,20; 13:14-16).
* Thánh Luca đang viết cho các cộng đoàn này để ông có thể cho họ một phương hướng chắc chắn giữa những khó khăn và để họ có thể tìm thấy sức mạnh và ánh sáng trong việc sống đức tin nơi Chúa Giêsu.  Thánh Luca viết một tác phẩm gồm hai sách:  Sách Tin Mừng và Sách Tông Đồ Công Vụ, và ông có cùng một mục đích chung:  “học để biết rằng giáo huấn mà bạn đã học hỏi được thì vững chắc như thế nào” (Lc 1:4).  Một trong những mục đích cụ thể của ông là để cho thấy, qua câu chuyện đẹp của hai môn đệ từ làng Emmau, cộng đoàn nên đọc và giải thích Kinh Thánh như thế nào.  Trên thực tế, những người đi trên đường Emmau là các cộng đoàn (và là tất cả chúng ta).  Mỗi người trong chúng ta và tất cả mọi người đều là bạn hữu của ông Clêôphát (Lc 24:18). Với ông, chúng ta bước đi trên con đường của đời sống, đi tìm lời hỗ trợ và hướng dẫn trong Lời của Chúa.
*  Cách mà tác giả Luca thuật lại cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với các môn đệ từ Emmau, cho chúng ta biết các cộng đoàn vào thời của ông đã dùng Kinh Thánh như thế nào và đã thực hành điều mà chúng ta ngày nay gọi là Lectio Divina hay là Đọc Sách Thánh Trong Tinh Thần Cầu Nguyện.  Họ đã sử dụng ba khía cạnh hoặc ba bước trong việc giải thích Sách Thánh.

b)  Các giai đoạn hoặc khía cạnh được dùng trong tiến trình giải thích Sách Thánh:
Bước thứ nhất:  Bắt đầu từ sự thật (Lc 24:13-24):
Chúa Giêsu gặp hai người bạn đang trải qua cảm giác sợ hãi và hoảng loạn, thiếu lòng tin và mất tinh thần.  Các ông đang tháo chạy.  Sức mạnh của cái chết, của thập giá, đã làm lịm tắt mọi hy vọng trong họ.  Chúa Giêsu tiến đến gần các ông và đi với họ.  Chúa lắng nghe câu chuyện của họ và nói:  “Các ông có chuyện gì vừa đi vừa trao đổi với nhau mà buồn bã vậy?”  Ý tưởng đang có đã ngăn trở các ông để có được sự hiểu biết và óc phán đoán.  “Chúng tôi vẫn hy vọng Người sẽ cứu Israel, thế nhưng…” (Lc 24:21).  Ngày nay, những người đau khổ nói về điều gì?  Ngày nay, vấn đề nào đã đặt niềm tin của chúng ta vào trong tình trạng khủng hoảng?
Bước thứ nhất là thế này:  tiếp cận người ta, lắng nghe những sự thực, vấn đề; có thể hỏi những câu hỏi để giúp nhìn vào thực tế cách nghiêm túc hơn.

Bước thứ hai:  Sử dụng Kinh Thánh (Lc 24:25-27)
Chúa Giêsu sử dụng Kinh Thánh, không phải để đưa ra những bài học về Kinh Thánh, mà là để chiếu soi cho vấn đề đang khiến cho hai người bạn lo lắng, Chúa Giêsu dẫn hai môn đệ vào trong kế hoạch của Thiên Chúa và cho họ thấy rằng Thiên Chúa đã không để cho lịch sử đi trệch đường.  Chúa Giêsu không dùng Kinh Thánh như một chuyên gia biết hết mọi sự, mà như là một người bạn đồng hành muốn giúp cho bạn mình nhớ lại những điều mà họ đã quên, đó là, ông Môisen và các Tiên tri.  Chúa Giêsu không để cho các bạn của mình có cảm giác ngu muội, nhưng cố gắng tạo ra một bầu không khí để các ông có thể nhớ lại và do đó kích thích trí nhớ của họ.
Bước thứ hai là thế này:  với sự trợ giúp của Kinh Thánh, làm sáng tỏ tình trạng và sự biến đổi của cây thập giá, biểu tượng của sự chết, trở thành biểu tượng của sự sống và hy vọng.  Bằng cách này, điều ngăn cản chúng ta trông thấy, trở thành ánh sáng và sức mạnh trên đường đi của chúng ta.

Bước thứ ba:  Cử hành lời chúc tụng và chia sẻ trong cộng đoàn (Lc 24:28-32)
Kinh Thánh tự nó không mở được mắt các ông nhưng nó làm cho lòng của các ông bừng cháy! (Lc 24:32).  Điều mở mắt các người bạn và để cho các ông khám phá ra sự hiện diện của Chúa Giêsu là việc bẻ bánh, cử chỉ chia sẻ, việc cử hành.  Ngay khi các ông nhận ra Chúa Giêsu, Chúa biến mất.  Và sau đó các ông kinh qua sự phục sinh, các ông được tái sinh và tự mình bước đi.  Chúa Giêsu không gánh vác cuộc hành trình của những người bạn mình nữa.  Người không có phong cách gia trưởng.  Giờ đây các ông đã sống lại, các môn đệ có thể bước đi với chính đôi chân của mình.
Bước thứ ba là thế này:  Chúng ta phải biết cách tạo ra một bầu không khí huynh đệ và cầu nguyện nơi mà Chúa Thánh Linh được tự do hành động.  Chính Chúa Thánh Linh là Đấng để cho chúng ta khám phá và trải nghiệm Lời Chúa trong đời chúng ta và hướng dẫn chúng ta hiểu được ý nghĩa Lời của Chúa Giêsu (Ga 14:26; 16:13).  Đặc biệt vào lúc cử hành thì việc thực hành các cộng đoàn giáo hội căn bản, được duy trì bởi các dự trữ của thế gian, giúp chúng ta lại gặp gỡ một lần nữa và uống từ giếng xưa Truyền Thống.

Mục đích:  Trỗi dậy và trở về Giêrusalem (Lc 24:33-35)
Mọi thứ đã thay đổi trong người hai môn đệ.  Các ông chỗi dậy, lấy lại can đảm và trở về Giêrusalem, nơi mà thế lực của tử thần đã giết chết Chúa Giêsu vẫn còn đang hoạt động, nhưng nơi đó cũng có những sức mạnh của sự sống trong việc chia sẻ kinh nghiệm về sự sống lại. Can đảm thay vì sợ hãi.  Trở về thay vì trốn chạy.  Đức tin thay cho mất lòng tin.  Hy vọng thay cho tuyệt vọng.  Một lương tâm phê phán thay vì tin vào thuyết định mệnh trước quyền lực. Tự do thay cho áp bức.  Nói cách khác, sự sống thay cho cái chết!  Và thay vì cho tin về cái chết của Chúa Giêsu, thì là Tin Mừng Phục Sinh của Người!
Đây là mục tiêu của việc đọc Kinh Thánh:  để trải nghiệm sự hiện diện của Chúa Giêsu và Thần Khí của Người ở giữa chúng ta.  Chính Chúa Thánh Linh là Đấng mở mắt chúng ta ra với Kinh Thánh và với thực tế và lôi cuốn chúng ta để chia sẻ kinh nghiệm về Chúa Phục Sinh, điều này đúng ngay cả cho đến ngày nay, trong các cuộc họp mặt cộng đoàn.

c)  Cách thức mới của Chúa Giêsu:  Đọc Sách Thánh trong tinh thần cầu nguyện:
*  Thông thường, không thể nào biết được việc dùng Cựu Ước trong các sách Tin Mừng thì bởi từ Chúa Giêsu hay đó là lời giải thích của các Kitô hữu tiên khởi là những người muốn thể hiện đức tin của họ vào Chúa Giêsu theo cách này.  Tuy nhiên, điều không thể phủ nhận là việc Chúa Giêsu thường xuyên và liên tục sử dụng Kinh Thánh.  Một bài đọc đơn giản của Phúc Âm cho chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu tìm thấy những gian khổ của Người trong Kinh Thánh trong việc thực hiện sứ vụ của Người và trong việc hướng dẫn các môn đệ và đám đông dân chúng.
*  Nguồn gốc của việc đọc Kinh Thánh của Chúa Giêsu là kinh nghiệm của Người về Thiên Chúa là Cha.  Mối quan hệ mật thiết của Người với Chúa Cha đã cho Chúa Giêsu một tiêu chuẩn mới, đặt để Người tiếp xúc trực tiếp với tác giả Kinh Thánh.  Chúa Giêsu tìm kiếm ý nghĩa ở chính nguồn gốc đó.  Người không đi lần từ tác phẩm đến nguồn gốc của chúng, mà đi từ nguồn gốc đến tác phẩm.  Việc so sánh bức ảnh, như được mô tả trong bài Lectio Divina của ngày Chúa Nhật Phục Sinh, giúp cho chúng ta được sáng tỏ về chủ đề này.  Như một phép lạ, bức ảnh của khuôn mặt nghiêm khắc đã được thắp sáng lên và có được nét rất khoan dung nhân từ.  Những lời, được phát sinh từ kinh nghiệm sống của người con, biến đổi mọi thứ, mà không thay đổi bất cứ điều gì (xem bài Lectio Divina ngày Chúa Nhật Phục Sinh).
*  Do đó, nhìn thấu qua những bức ảnh của Cựu Ước, người dân vào thời Chúa Giêsu, đã có ý tưởng về một Thiên Chúa rất xa vời, nghiêm khắc, khó gần gũi, Đấng mà thậm chí tên cũng không được phép nói ra.  Nhưng những lời nói và hành động của Chúa Giêsu, phát sinh từ kinh nghiệm của Người là Chúa Con, mà không thay đổi một chữ nào (Mt 5:18-19), đã biến đổi toàn bộ ý nghĩa của Cựu Ước.  Thiên Chúa, Đấng dường như xa cách và nghiêm khắc đã có những đặc điểm của một Chúa Cha đầy nhân từ, luôn hiện diện, sẵn sàng chào đón và cởi mở!  Tin Mừng này về Thiên Chúa, được truyền dạy bởi Chúa Giêsu, là chìa khóa mới cho việc đọc lại toàn bộ Cựu Ước.  Tân Ước là việc đọc lại Cựu Ước theo ánh sáng của kinh nghiệm mới về Thiên Chúa, được mặc khải bởi Chúa Giêsu.  Cách làm sáng tỏ rất khác biệt này về đời sống trong ánh sáng Lời Chúa, tạo ra nhiều xung đột, vì nó làm cho sự nhỏ nhoi của thế giới này trở nên quan trọng, trong khi nó tạo ra nhiều khó chịu.
*  Khi diễn giải Kinh Thánh cho dân chúng, Chúa Giêsu đã mặc khải những nét đặc trưng của khuôn mặt Thiên Chúa, kinh nghiệm mà Người đã trải qua về Thiên Chúa là Cha.  Để mặc khải Thiên Chúa là Cha là nguồn và là mục tiêu của Tin Mừng của Chúa Giêsu.  Với thái độ của Người, Chúa Giêsu biểu lộ tình yêu Thiên Chúa cho các môn đệ.  Người mặc khải về Chúa Cha và nhập thể tình yêu của Người!  Chúa Giêsu đã nói rằng:  “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14:9).  Vì thế, Thần Khí của Chúa Cha cũng ngự trên Chúa Giêsu (Lc 4:18) và đi với Người ở khắp mọi nơi, từ lúc nhập thể (Lc 1:35) đến khi bắt đầu sứ vụ của Người (Lc 4:14), cho đến giây phút sau cùng, cái chết và sự phục sinh của Người (Cv 1:8).
*  Chúa Giêsu, nhà diễn giải, nhà sư phạm và bậc thầy, là một người có ý nghĩa trong cuộc đời các môn đệ.  Người đã ảnh hưởng đến cuộc đời của họ mãi mãi.  Giải thích Kinh Thánh không có nghĩa là chỉ giảng dạy về sự thật cho người khác sống theo.  Nội dung mà Chúa Giêsu muốn truyền đạt không chỉ giới hạn trong lời nói, mà còn bao gồm các hành động và cách thức Người liên hệ với người ta.  Nội dung thì không bao giờ tách biệt khỏi con người thông tri nó.  Lòng nhân lành và tình yêu phát xuất từ lời của Chúa là một phần của nội dung.  Chúng là bản chất của Chúa.  Nội dung tốt mà không có sự nhân lành thì thật hoài công.

6.  Giây phút cầu nguyện

Thánh Vịnh 23 (22)

CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.
Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành
và bổ sức cho tôi.
Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính
vì danh dự của Người.
Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u
con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.
Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.
Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù.
Đầu con, Chúa xứ đượm dầu thơm,
ly rượu con đầy tràn chan chứa.
Lòng nhân hậu và tình thương CHÚA
ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời,
và tôi được ở đền Người
những ngày tháng, những năm dài triền miên.

7.  Lời nguyện kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Lời Chúa đã giúp chúng con có thể hiểu một cách cặn kẽ hơn về thánh ý của Chúa Cha.  Nguyện xin Thần khí Chúa soi sáng chúng con trong các công việc chúng con làm và ban cho chúng con sức mạnh để thực hành Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Xin cho chúng con, giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa. Chúng con cầu xin vì Chúa là Đấng hằng sống, hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét