Trang

Thứ Ba, 28 tháng 4, 2020

29-04-2020 : THỨ TƯ - TUẦN III PHỤC SINH - THÁNH CATARINA SIÊNA, TRINH NỮ, TIẾN SĨ HỘI THÁNH - Lễ Nhớ


29/04/2020
 Thứ Tư tuần 3 Phục Sinh.
 Thánh Catarina Siêna, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh.
Lễ nhớ.


Thánh nữ sinh năm 1347 tại Xiêna. Ngay từ thuở niên thiếu, chị đã khao khát sống cuộc đời hoàn thiện, khát khao chiêm ngưỡng Chúa Kitô chịu đóng đinh, và phục vụ Hội Thánh bấy giờ đang bị xâu xé. Vì thế, chị đã gia nhập Dòng Ba Đaminh.
Thấm nhuần tinh thần của thánh Đaminh, chị yêu mến Thiên Chúa và tha nhân một cách nồng nàn, cổ võ bình an thuận hòa giữa các thành của nước Italia, can đảm bênh vực quyền lợi và sự tự do của Đức Giáo Hoàng và canh tân đời sống đạo đức. Chị là tác giả của nhiều tác phẩm đạo lý và tu đức. Chị qua đời năm 1380. Ngày 18 tháng 06 năm 1939, Đức Giáo Hoàng Piô XII tuyên phong chị làm bổn mạng nước Italia. Và ngày 04 tháng 10, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI tuyên phong cho chị là tiến sĩ Hội Thánh.

BÀI ĐỌC I: Cv 8, 1-8
“Đến đâu, họ cũng rao giảng lời Thiên Chúa”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Ngày ấy, Hội Thánh ở Giêrusalem bị bách hại dữ tợn. Ngoài các tông đồ, mọi người đều phân tán đi các miền Giuđêa và Samaria. Còn những người đạo đức lo chôn cất Têphanô; họ than khóc ông rất nhiều. Lúc đó Saolô tàn phá Hội Thánh; ông vào nhà này sang nhà nọ, bắt đàn ông lẫn đàn bà và tống ngục họ.
Những người bị phân tán, đã đi khắp nơi rao giảng lời Thiên Chúa. Phần Philipphê thì đi xuống một thành thuộc xứ Samaria rao giảng Đức Kitô cho họ. Dân chúng chú ý đến những lời Philipphê rao giảng, vì họ cùng nghe biết và xem thấy các phép lạ ngài làm, quỷ ô uế đã ám nhiều người trong họ, lúc đó kêu lớn tiếng và xuất ra. Nhiều người bất toại và què quặt được chữa lành. Bởi đó, cả thành được vui mừng khôn tả. Đó là lời Chúa. 

ĐÁP CA: Tv 65, 1-3a. 4-5. 6-7a
Đáp: Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa (c. 1).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa, hãy ca ngợi vinh quang danh Ngài, hãy kính dâng Ngài lời khen ngợi hiển vinh. Hãy thưa cùng Thiên Chúa: kinh ngạc thay sự nghiệp Chúa. -Đáp.
2) Toàn thể đất nước thờ lạy và ca khen Ngài, ca khen danh thánh của Ngài. Hãy tới và nhìn coi sự nghiệp của Thiên Chúa, Ngài thi thố những chuyện kinh ngạc giữa con cái người ta! – Đáp.
3) Người biến bể khơi thành nơi khô cạn, người ta đã đi bộ tiến qua sông, bởi đó ta hãy hân hoan trong Chúa. Với quyền năng, Ngài thống trị tới muôn đời. – Đáp.

ALLELUIA: Ga 10, 27
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta”. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Ga 6, 35-40
“Ý muốn của Cha Ta là: hễ ai thấy Con thì có sự sống đời đời”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán với đám đông rằng: “Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ. Nhưng Ta đã bảo các ngươi rằng: Các ngươi đã thấy Ta, nhưng các ngươi không chịu tin. Những ai Cha đã ban cho Ta sẽ đến với Ta. Và ai đến với Ta, Ta sẽ không xua đuổi ra ngoài. Bởi vì Ta từ trời xuống không phải để làm theo ý Ta, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai Ta. Vậy ý của Cha, Đấng đã sai Ta, là hễ sự gì Người đã ban cho Ta, Ta chẳng để mất, nhưng ngày sau hết, Ta sẽ cho nó sống lại. Quả vậy, ý của Cha Ta là hễ ai thấy Con và tin vào Người thì có sự sống đời đời”. Đó là lời Chúa.


SUY NIỆM : Sống là chính Đức Kitô
Một mục sư nọ kể câu chuyện sau:
Hai người bộ đội vào một giáo đường để trốn các cuộc truy lùng. Khi bước vào giáo đường, họ đe dọa: Ai không bỏ đạo sẽ bị bắn ngay tại chỗ, ai bỏ đạo đứng sang bên phải. Có một số người đứng sang bên phải và được thả về nhà ngay, những người còn lại vẫn hiên ngang chờ đợi cái chết. Khi những kẻ nhát đảm ra khỏi nhà thờ, hai người lính mới hạ súng xuống và ôn tồn nói: “Chúng tôi cũng là Kitô hữu, sở dĩ chúng tôi làm thế, vì chúng tôi muốn biết ai là người thực sự sẵn sàng chết cho đức tin của mình, chỉ những người đó mới đáng tin cậy”.
Sống đức tin có nghĩa là sống cho Đức Kitô và vì Đức Kitô. Đó là đức tin mà Giáo Hội mời gọi chúng ta củng cố khi cho chúng ta lắng nghe đoạn Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu đã khẳng định: “Chính Ta là Bánh ban sự sống. Ai đến với Ta sẽ không hề đói, ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ”. Duy chỉ mình Ngài mới cho chúng ta sự sống đích thực.
Những người Do Thái đã thấy Chúa Giêsu nhưng họ không tin, thật ra họ đã không thấy gì. Cái nhìn của họ dừng lại nơi những cái chóng qua, họ tìm kiếm Thiên Chúa không phải vì đã tin nhận Ngài, mà chỉ vì chờ đợi được Ngài cho ăn no nê bằng của ăn hư nát. Muốn được thấy Chúa Giêsu, muốn tin nhận Ngài, trước tiên con người cần ra khỏi cái vỏ ích kỷ tham lam của mình. Có sẵn sàng ra khỏi thế giới hẹp hòi của mình, con người mới có thể thấy được Đức Kitô và đi vào thế giới của Ngài. Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Phúc cho những ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa”. Quả thật, chỉ những tâm hồn trong sạch, nghĩa là biết quên đi cái thế giới ích kỷ, phàm trần mới nhìn thấy Thiên Chúa.
Ước gì chúng ta luôn sống kết hiệp với Ngài và nhận ra Ngài trong mọi biến cố cuộc sống, và khi cuộc lữ hành trần gian chấm dứt “Ngài thế nào, chúng ta sẽ được thấy như vậy”.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Lễ kính thánh nữ Catarina Sienna, OP. (29 tháng 4)
Đồng Trinh và Tiến Sĩ Hội Thánh
Bài đọc: Rev 1:5-8 or Col 1:24-29; Psa 103 (1-4, 8-9, 13); Jn 7:14-18, 37-39

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Yêu thương Giáo Hội bằng việc rao giảng Tin Mừng
          Giáo Hội là hiền thê của Đức Kitô. Theo thánh Gioan, chính Đức Kitô đã dựng nên Hội Thánh khi Ngài chịu để cho một tên lính cầm ngọn giáo đâm thủng cạnh sườn Ngài: lập tức nước và máu chảy ra. Nước tượng trưng cho bí-tích Rửa Tội, được dùng để thanh tẩy tội lỗi con người. Máu tượng trưng cho bí-tích Thánh Thể, được dùng để nuôi dưỡng con người trên đường lữ hành dương thế.
          Thánh Phaolô với nền thần học về thân thể đã đẩy hình ảnh này xa hơn. Ngài cắt nghĩa: Đức Kitô là Đầu và thân thể của Đức Kitô là Hội Thánh. Tất cả chúng ta là những chi thể của một thân thể là Hội Thánh. Nếu một chi thể đau, toàn thân sẽ đau. Để toàn thân của Đức Kitô được vẹn toàn đòi hỏi tất cả các chi thể phải lành mạnh.
          Để những chi thể được tăng trưởng và lành mạnh, Hội Thánh cần phải rao giảng Tin Mừng khắp hoàn cầu như lệnh truyền của Đức Kitô trước khi Ngài lên trời. Để Hội Thánh được tinh tuyền, Hội Thánh cần phải được thường xuyên nuôi dưỡng bằng sự thật và các bí tích.
          Hai bài đọc trong ngày kính lễ thánh Catarina hôm nay cho chúng ta thấy nhu cầu của Lời Chúa trong việc phát triển và bảo vệ Hội Thánh. Trong bài đọc I, thánh Phaolô ao ước được hoàn thành sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho Dân Ngoại, được trao bởi chính Đức Kitô Phục Sinh cho ngài. Ngài biết gian nan và đau khổ sẽ đến trong khi rao giảng, nhưng ngài ao ước được chịu chúng cho lợi ích của Hội Thánh, thân thể của Đức Kitô. Trong Phúc Âm thánh Gioan, Chúa Giêsu mặc khải và cắt nghĩa cho người Do-thái thiên tính của Ngài qua việc xác nhận tất cả những gì Ngài giảng dạy không phải của riêng Ngài, nhưng đến từ Chúa Cha. Tất cả những gì Ngài đã thấy và đã nghe, Ngài giảng dạy cho các môn đệ và cho dân chúng.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em, những chi thể của Hội Thánh.
1.1/ Liên hệ giữa Đức Kitô là Đầu và thân thể là Hội Thánh:
          Thánh Phaolô mặc khải cho mọi người biết Mầu Nhiệm Cứu Độ của Thiên Chúa. Mầu nhiệm này đã được giữ kín từ bao thời đại, nhưng nay đã được tỏ ra cho dân thánh của Thiên Chúa. Theo kế hoạch này có hai giai đoạn, trong giai đoạn I, Thiên Chúa đã chọn người Do-thái để chuẩn bị cho Đấng Thiên Sai là Đức Kitô đến. Trong giai đoạn II, khi Đức Kitô đến, Mầu Nhiệm Cứu Độ được mở rộng ra cho tất cả các Dân Ngoại trên khắp hoàn cầu.
          Thánh Phaolô tiếp tục diễn tả: “Người đã muốn cho họ được biết mầu nhiệm này phong phú và hiển hách biết bao giữa các dân ngoại: đó là chính Đức Ki-tô đang ở giữa anh em, Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng đạt tới vinh quang.”
          Theo kế hoạch này, sứ vụ của Đức Kitô đến là để chu toàn ý định của Thiên Chúa qua việc rao giảng Tin Mừng, chịu chết trên Thánh Giá để tha mọi tội và mang ơn cứu độ cho muôn người. Bên cạnh sứ vụ đó, Ngài cũng chọn các tông đồ và môn đệ để huấn luyện họ và sai họ đi rao giảng Tin Mừng sau khi Ngài đã hoàn tất sứ vụ trên thế gian. Các tông đồ và môn đệ có sứ vụ tiếp tục rao giảng Tin Mừng và làm cho ơn cứu độ của Đức Kitô lan tràn khắp mọi nơi cho đến Ngày Cánh Chung.
1.2/ Giống như Đức Kitô, người rao giảng Tin Mừng sẽ phải chịu đau khổ:
          Chúa Giêsu tiên đóan vận mạng đau khổ của các môn đệ khi rao giảng Tin Mừng và lý do tại sao đau khổ xảy ra, “18 Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước.19 Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em.20 Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em.21 Nhưng họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy, bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy” (Jn 15:18-21).
          Thánh Phaolô cũng thấu hiểu tại sao có đau khổ nên ngài chia sẻ với các tín hữu Colossê, “Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Col 1:24).
          Thánh Catarina cũng thấu hiểu ý nghĩa của đau khổ nên chị viết, “Ao ước được chịu đau khổ với lòng mến có sức tha thứ mọi tội lỗi và làm vơi đi các hình phạt cho mìmh và cho tha nhân.” Vì lòng yêu mến Đức Kitô và tha nhân là các chi thể của Hội Thánh, một người sẵn sàng lên đường rao giảng Tin Mừng và chịu mọi gian khổ vì biết rằng hai yếu tố này sẽ mang lại cho Thiên Chúa những người con và đền bù các hình phạt cho mình và cho tha nhân.
2/ Phúc Âm: “Tôi nói những điều đã thấy nơi Cha tôi” (Jn 8:38).
2.1/ “Đạo lý tôi dạy không phải là của tôi, nhưng là của Đấng đã sai tôi.”
          (1) Người Do-thái dùng kinh nghiệm của họ có để nói với Chúa Giêsu: “Ông này không học hành gì, mà sao lại thông thạo chữ nghĩa thế!” Chỗ khác, họ khinh thường ngài sinh ra từ gia đình của bác thợ mộc Giuse, “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế?55 Ông không phải là con bác thợ sao? Mẹ của ông không phải là bà Ma-ri-a; anh em của ông không phải là các ông Gia-cô-bê, Giô-xếp, Si-môn và Giu-đa sao?” (Mt 13:54b-55).
          Chúa Giêsu trả lời và cho mặc khải cho họ biết nguồn gốc thiên tính của Ngài, “Đạo lý tôi dạy không phải là của tôi, nhưng là của Đấng đã sai tôi” (Jn 7:16).
          (2) Chúa Giêsu tiếp tục cho họ điều kiện để nhận ra sự thật đến từ Thiên Chúa là làm theo thánh ý của Ngài: “Ai muốn làm theo ý của Người, thì sẽ biết rằng đạo lý ấy là bởi Thiên Chúa hay do tôi tự mình giảng dạy.18 Ai tự mình giảng dạy, thì tìm vinh quang cho chính mình. Còn ai tìm vinh quang cho Đấng đã sai mình, thì là người chân thật, và nơi người ấy không có gì là bất chính” (Jn 7:17-18). Theo Gioan, Chúa Giêsu đến để chỉ thi hành thánh ý của Chúa Cha là sẵn sàng hy sinh chịu chết để hoàn tất kế hoạch và làm vinh quang Chúa Cha. Trong khi những kinh sư và luật sĩ, tuy xưng mình là dân Thiên Chúa, nhưng lại không làm theo ý và tôn vinh Thiên Chúa; nhưng chỉ làm theo lợi ích của họ mà thôi.
2.2/ Thánh Thần là Thiên Chúa của sự thật: Đoạn văn được chuyển hướng đến đoạn văn kế tiếp, nhưng vẫn giữ được sự liên quan đến sự thật khi nói tới vai trò của Chúa Thánh Thần là thần của sự thật và sẽ kế vị Đức Kitô sau khi Ngài về trời cho đến Ngày Cánh Chung.
          (1) Chúa Giêsu mặc khải về Thánh Thần, Đấng kế vị Ngài trong Kế Hoạch Cứu Độ: Đức Giê-su đứng trong Đền Thờ và lớn tiếng nói rằng: “Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống! Như Kinh Thánh đã nói: Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống” (Jn 7:37-38). Ai là đối tượng của sự khát…từ lòng Người sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống ở đây? Chúa Giêsu có lẽ dùng Isa 55:1 để dẫn chứng ở đây. Toàn chương 55 nói về sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Sự khôn ngoan này cao trọng hơn tất cả sự thật của con người và bảo đảm hiệu quả cho ai biết và sống theo khôn ngoan này.
          (2) Thánh Thần là nguồn mạch khôn ngoan: Câu kế tiếp chú giải ý muốn của Chúa Giêsu khi Gioan giải thích: “Đức Giê-su muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận. Thật thế, bấy giờ họ chưa nhận được Thần Khí, vì Đức Giê-su chưa được tôn vinh.”
          Theo Gioan, Chúa Giêsu được tôn vinh khi Ngài được giương cao trên Thập Giá và khi Ngài trút hơi thở cuối cùng là lúc Ngài trao Thần Khí của Ngài – Chúa Thánh Thần cho những ai tin vào Ngài. Trong bài diễn văn từ biệt các môn đệ (ch. 14-17), Chúa Giêsu đã mặc khải cho các môn đệ nhiều điều liên quan đến vai trò của Chúa Thánh Thần: “Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Jn 14:26). “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến.” (Jn 16:13).
          Theo thánh Catarina, người môn đệ của Đức Kitô phải học biết tất cả sự thật này trước khi có thể rao giảng Tin Mừng cho người khác. Chính chị đã ao ước được chỉ dạy bới chính Đức Kitô trong những lúc xuất thần đối thoại, và đã dùng những kiến thức này để giúp Đức Giáo Hoàng Gregôriô XI dời ngai giáo hoàng trở lại Rôma. Rất nhiều môn đệ đã gọi thánh Catarina bằng tước hiệu “mẹ” vì đã giúp họ giải quyết những vấn đề nan giải trong cuộc đời bằng kiến thức sự thật chị đã học hỏi nơi Đức Kitô.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG
          – Mỗi người chúng ta là những chi thể trong một thân thể là Hội Thánh, với Đức Kitô là Đầu. Chúng ta có bổn phận phải làm cho Hội Thánh được tăng trưởng và lành mạnh vì chúng ta cũng được hưởng những phúc lợi từ đó.
          – Hai điều chúng ta phải làm để giúp Giáo Hội là cố gắng loan truyền Tin Mừng đến tận cùng trái đất và vui mừng chịu đựng đau khổ cho sự thanh luyện Hội Thánh và giảm bớt hình phạt do tội của chúng ta và của các thành phần trong Hội Thánh.
          – Để rao giảng Tin Mừng theo thánh ý của Thiên Chúa, chúng ta cần chuyên chăm đọc Kinh Thánh và theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Ngài sẽ làm cho chúng ta hiểu những lời dạy dỗ của Đức Kitô và giúp giải quyết những vấn đề quan trọng trong cuộc sống hàng ngày.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


29/04/2020 – THỨ TƯ TUẦN 3 PS
Th. Ca-ta-ri-na Xi-ê-na, trinh nữ, tiến sĩ HT
Ga 6,35-40


CÓ THỨ BÁNH TRƯỜNG SINH
“Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ.” (Ga 6,35)

Suy niệm: Thế giới quảng cáo ngày nay không ngại dùng những ngôn từ cường điệu nhất để đề cao chất lượng sản phẩm của mình. Song chẳng có hãng bánh nào dám quảng cáo bánh của mình là bánh mà ai ăn vào sẽ sống mãi. Ở đây, Đức Giê-su tuyên bố rõ rằng Người là bánh trường sinh! Điều mà không ai dám mơ, lại hoàn toàn có thật! Đám đông dân chúng lặn lội vượt Biển Hồ, tuốn đến với Đức Giê-su, không phải vì tìm Người cho bằng tìm… bánh! Mới ngày hôm qua Chúa đã cho trên 5.000 người ăn bánh no nê, còn dư 12 thúng đầy. Thế nhưng hôm nay, Ngài không hóa bánh ra nhiều cho họ nữa; thay vào đó, Người tiết lộ rằng chính Người là Bánh trường sinh. Như một trò chơi lớn đi tìm mật thư, họ được dẫn đi từ thứ bánh thông thường (nhu cầu mà họ cảm nghiệm rất rõ, rất quen thuộc) đến thứ bánh có một không hai: bánh trường sinh (là nhu cầu thâm sâu nhất nơi mỗi người, song cũng rất thường bị thờ ơ).
Mời Bạn: Trong khi cố gắng đáp ứng những nhu cầu vật chất trong cuộc sống thường ngày, chúng ta đừng lãng quên tìm kiếm sự sống tâm linh, sự sống vĩnh cửu, đó mới là nhu cầu quan trọng số một.
Chia sẻ: Chúa Giê-su là bánh trường sinh, theo bạn, đâu là thái độ hưởng ứng thích đáng nhất đối với sứ điệp này ?
Sống Lời Chúa: Hôm nay, trước mỗi bữa ăn, bạn xin Chúa cho mình biết đói khát bánh trường sinh của Chúa.
Cầu nguyện: Hát “Ta là Bánh hằng sống”.
(5 Phút Lời Chúa)


SUY NIỆM : Đến với tôi, tin vào tôi
Suy niệm :
Cuộc sống làm người ở đời chẳng mấy dễ dàng.
Con người lúc nào cũng phải đối diện với những vấn đề của cuộc sống.
Môi trường sống bị ô nhiễm do bụi, khí thải, tiếng ồn.
Thiên tai, bão lũ, hạn hán ngày thêm trầm trọng bởi sự biến đổi khí hậu.
Dịch bệnh đủ loại thỉnh thoảng lại bất ngờ bùng phát ở một nơi nào đó
và có nguy cơ lan rộng toàn thế giới.
Khủng hoảng kinh tế lại càng xô đẩy nhiều người đến chỗ đói nghèo.
Chiến tranh vẫn kéo dài giữa một số quốc gia, bộ tộc.
Căng thẳng trong mối quan hệ giữa người với người, ngay trong gia đình.
Có những vấn đề riêng tư mà tự mỗi người không sao giải quyết nổi.
Con người lúc nào cũng phải vất vả trăn trở trước cuộc sống.
Kinh Lạy Nữ Vương gọi trần gian là thung lũng đầy nước mắt.
Chúng ta thuộc Giáo Hội chiến đấu trước khi thuộc Giáo Hội khải hoàn.
Để sống ở cuộc đời chóng qua này một cách tận tụy, nghiêm túc,
để sống như một người con xứng đáng của Trời và Đất,
người Kitô hữu cần nhận được sự đỡ nâng của ơn trên.
Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã chia sẻ phận làm người ở đời như ta.
với đủ mọi cay đắng ngọt bùi của phận người và cái chết trên thập giá.
Ngài mong trở nên bạn được đồng hành của chúng ta
trên đường đời nhiều thách đố, gai chông và cạm bẫy.
Ngài thỏa mãn những khát vọng thâm sâu và thầm kín nhất của ta.
“Ai đến với tôi, sẽ không hề đói.
Ai tin vào tôi sẽ chẳng hề khát bao giờ” (c. 35).
Thiên Chúa Cha muốn gửi gắm chúng ta cho Chúa Giêsu lo liệu.
“Tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai,
nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (c. 39).
Hãy đến với Chúa Giêsu để nhận được sự bảo vệ của Thiên Chúa.
Hãy tin vào Ngài và cùng với Ngài đi trên con đường gập ghềnh,
bạn sẽ đến được quê hương vĩnh cửu đang chờ đợi bạn.
Sự sống vĩnh cửu thực ra đã bắt đầu ngay từ đời này rồi,
khi chúng ta đến với Giêsu với niềm tin tưởng :
“Ai tin vào Người Con, thì được sống muôn đời” (c. 40).
Hãy trở thành món quà của Chúa Cha cho Con của Ngài là Đức Giêsu.
Hãy trở thành món quà của Đức Giêsu cho thế giới.

Cầu nguyện :
Lạy Chúa,
xin ban cho con đức tin lớn hơn hạt cải,
để con làm bật rễ khỏi lòng con
những ích kỷ và khép kín.
Xin cho con đức tin can đảm
để con chẳng sợ thiệt thòi khi trao hiến,
chẳng sợ từ bỏ những gì con cậy dựa xưa nay.
Xin cho con đức tin sáng suốt
để con thấy được thế giới
mà mắt phàm không thấy,
thấy được Đấng Vô hình,
nhưng rất gần gũi thân thương,
thấy được Đức Kitô nơi những người nghèo khổ.
Xin cho con đức tin liều lĩnh,
dám mất tất cả chỉ vì yêu Chúa và tha nhân,
dám tiến bước trong bóng đêm
chỉ vì mang trong tim một đốm lửa của Chúa,
dám lội ngược dòng với thế gian
và khước từ những mời mọc quyến rũ của nó.
Xin cho con đức tin vui tươi,
hạnh phúc vì biết những gì
đang chờ mình ở cuối đường,
sung sướng vì biết mình được yêu
ngay giữa những sa mù của cuộc sống.
Cuối cùng, xin cho con đức tin cứng cáp
qua những cọ xát đau thuong của phận người,
để dù bao thăng trầm dâu bể,
con cũng không để tàn lụi niềm tin
vào Thiên Chúa và vào con người.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
29 THÁNG TƯ
Mối Quan Tâm Từ Phụ Của Thiên Chúa
Người Mục Tử Tốt Lành là hình ảnh diễn tả độc đáo nhất về sự quan phòng cứu độ của Thiên Chúa, về mối quan tâm từ phụ của Ngài đối với con người. Do lòng từ bi của Ngài, Chúa Cha quyết định rằng Chúa Con phải đến để dẫn dắt đàn chiên của Ngài đến sự sống sung mãn – một sự sống phong nhiêu như dòng suối mát hay đồng cỏ xanh. Ngôi Lời đã hủy mình ra không và đã cứu độ chúng ta, làm cho chúng ta nên giống như Ngài đến nỗi mọi Kitôhữu đều có thể nói như Thánh Phao-lô: “Giờ đây không còn phải là tôi sống nữa, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
Tuy nhiên, chúng ta đừng quên rằng sự hiện diện đầy khích lệ của Đấng Cứu Chuộc không hề miễn cho chúng ta khỏi gánh vác thập giá. Sự hiện diện ấy là một ơn an ủi giúp ta kết hiệp với Thiên Chúa, giúp ta sống và chịu đau khổ theo thánh ý Thiên Chúa và vì ích lợi của anh chị em chúng ta.
Như vậy, chúng ta thấy rằng Đức Kitô đã triển khai một sứ mạng có tính quan phòng để phục vụ cho những người mà Chúa Cha đã trao cho Người. Người là Mục Tử Tốt Lành.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 29/4
Thánh Catarina đệ Siêna, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh
Cv 8, 1-8; Ga 6, 35-40.
Lời Suy Niệm: “Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài.”
       Đối với người Kitô hữu, đây là một trong những lời khẳng định của Chúa Giêsu nói đến sự gắn kết, gìn giữ và hướng dẫn của Người đối với mọi Kitô hữu; giúp cho họ đi đúng con đường thờ phượng Thiên Chúa, hầu ngày sau được hưởng vinh quang và hạnh phúc trong Nước Trời.     Lạy Chúa Giêsu. Chúng con là những con người thật hạnh phúc khi đang được ở trong vòng tay yêu thương của Chúa; Chúng con xin tạ ơn Chúa.
Mạnh Phương


Gương Thánh Nhân
Ngày 29-04
Thánh CATARINA THÀNH SIENA
Đồng Trinh, Tiến Sĩ Hội Thánh (1347 – 1380)
Cartarina sinh 1347 tại Siêna, là con út của một gia đình dông đảo, cha Ngài, ông Giacômô là một thợ nhuộm giàu có, Mẹ Ngài Mônna Lapa là một người quản trị có nhiều khả năng và giàu nghị lực của gia đình sống động này.
Cartarina đã trải qua tuổi nhỏ thơ ấu bình thường với tính vui đặc biệt khác hẳn với các anh chị. Nhưng với tuổi thanh xuân, Ngài đã say mê cầu nguyện trong cô tịch. Bà Lapa rất bực mình và có thời bà coi Cartarina như một đứa con khó trị, vì cô đã cưỡng lại sự hướng dẫn của mẹ trong những công việc như ăn mặc và giải trí, chống đối cả những đề nghị thành hôn và luôn cương quyết trong ý tưởng trở nên một nữ tu.
Ngay hồi 7 tuổi, Cartarina đã khấn với Đức Trinh nữ rằng : Chúa Giêsu là vị hôn phu duy nhất của mình. Lên 12 tuổi, cha mẹ muốn gả chồng cho Cartarina. Nhưng rồi cha mẹ Ngài đã hiểu rằng: không thể thay đổi ý định của Ngài được. Đàng khác, sau nhiều thử thách, cha mẹ Ngài phải cảm kích khi thấy Ngài vẫn dịu dàng tuân phục trong những việc nặng nề và từ đó họ không chống lại tiếng gọi thần linh nữa.
Năm 16 tuổi, Cartarina được mặc áo dòng ba Đaminh. Luật lệ dòng cho phép Ngài mặc áo đen trắng của dòng mà vẫn ở nhà với cha mẹ. Từ đó, trong 3 năm trời thánh nhân chỉ rời phòng riêng khi đi lễ và xưng tội. Ngài chỉ nói chuyện với cha giải tội của Ngài thôi. Sau này vị linh mục tốt lành này thú nhận rằng mình thường cảm thấy thiếu khả năng để hứơng dẫn Cartarina.
Cũng trong thời gian này có khi thánh nhân chỉ ăn một muỗng cháo và ngủ vài giờ mỗi ngày. Những khó nhọc khổ chế thể xác ấy còn quá nhẹ so với cơn thử thách mà quỷ gây ra trong tâm hồn. Khi hết các thử thách, Chúa Giêsu hiện đến dưới hình dạng bê bết máu trên thánh giá. Thánh nhân trách: – Lạy Chúa, Chúa ở đâu khi con một mình chiến đấu với những dày vò kia ?
Chúa trả lời : – Cha vẫn phải với con.
– Sao, Chúa ở giữa những tư tưởng kinh tởm làm nhơ nhớp linh hồn con sao ?
– Nhưng những thử thách ấy đâu có làm cho con phiền muộn quá mức ?
– Ôi, con kinh sợ và đau buồn quá mức ?
– Đó, các tư tưởng ấy đã không thể làm nhơ uế hồn con vì con tởm gớm chúng. Chính cha ngự trong lòng con và đã cho con ơn biết đau buồn vì chúng.
Chúa Giêsu đã thưởng công cho lòng dũng cảm và trung tín của Cartarina bằng cuộc viếng thăm này. Thánh nhân xin cho được kết hợp mật thiết với Chúa hơn. Trong một thị kiến, Đức trinh Nữ đã cầm tay thánh nữ và Con Ngài đã xỏ vào tay thánh nữ một chiếc nhẫn vàng và chỉ một mình thánh nữ trông thấy. Đây là Lễ Cưới nhiệm mầu.
Sau biến cố đặc biệt này, thánh nữ bắt đầu chia sẻ mọi việc trong nhà, nuôi dưỡng bệnh nhân và giúp đỡ những người nghèo. Người ta còn nhắc đến việc Ngài săn sóc cho một người cùi và một người bị ung thư; để vượt qua sự ngại ngùng, Ngài dám hôn vết thương tanh hôi của họ. Anh hùng săn sóc cho thể xác, chắc chắn Ngài cũng nhiệt tình lo lắng cho linh hồn con người . Một phạm nhân cứng lòng đã hối cải sau lời khuyên của thánh nữ, và lãnh nhận cái chết đạo đức trong tay thánh nữ.
Được ơn thấu suốt các tâm hồn, thánh nhân đã trở nên nơi tập họp của một lớp người đông đảo cầu thuộc đủ mọi thành phần. Họ bị lôi kéo bởi sự vui tươi lẫn đời sống khổ hạnh của Ngài, bởi tính khí bình dân lẫn sự hiểu biết sâu sắc về đường thiêng liêng, bởi nét đẹp bình dị của Ngài. Người ta gọi nhóm người qui tụ bên Ngài là “Trường phái thần bí”.
Với ảnh hưởng lớn lao ấy, thánh Cartarina được mệnh danh là “Thiên thần hòa giải” bởi những mối thù hận giữa gia đình không thể chống lại được ảnh hưởng của Ngài. Ngài nói : – Ghen ghét người lân cận là chống đối lại Thiên Chúa, là hủy diệt đối với người nuôi dưỡng nó, bởi vì ai sống trong ghen ghét, họ tự ghét bỏ mình còn hơn là ghét bỏ thù nghịch nữa.
Trước uy tín dặc biệt này của thánh nhân Bề trên đã đặt Ngài mang lời Chúa đến cho dân chúng. Ngài dạy ở Siêng Pisa, Rôma. Mọi người đều ngạc nhiên khi thấy một người con gái bình thường lại có thể diễn đạt tư tưởng như một nhà thần học và một nhà triết học.
Trở về phòng riêng, thánh nữ tiếp tục cuộc rao giảng Tin Mừng, khích lệ và nâng đỡ các tâm hồn. Ngài viết thư cho các vua chúa và cho cả Đức giáo hoàng, các tu sĩ vâng phục Ngài, các hiệp sĩ bày tỏ nỗi lòng với Ngài. Những việc hệ trọng nhất được giao phó cho Ngài, một trật Ngài có thể đọc cho hai hay ba thơ ký viết về những đề tài khác nhau. Bởi đó, Ngài đã giữ một vai trò lớn lao trong lịch sử, mang lại an bình cho Giáo hội, ngăn chận cuộc nổi loạn ở Pisa và Tôscane. Ngài là Thiên thần của Siêna trong cuộc nội chiến và dịch hạch. Nhiều thành phố nổi dậy chống lại Đức giáo hoàng Gregoriô XI là Đấng rời tòa sang Pháp.
Tháng 5 năm 1376, Ngài sang Avignon nài nỉ Đức giáo hoàng trở về Rôma. Các thư từ của Ngài thổi vào sự can đảm cần thiết cho cuộc trở về này. Khi cuộc nổi loạn ở Florence bùng nổ, người ta bỗng thấy thánh Cartarina xuất hiện, quỳ dưới chân thủ lãnh những người nổi loạn và nói: – Ông muốn tìm Cartarina phải không ? Nó đây, nhưng xin đừng hại những người này.
Cảm kích vì lòng gan dạ của thiếu nữ, người đứng đầu chấm dứt âm mưu nổi dậy.
Đức giáo hoàng Grêgoriô XI bỏ Avignon ngày 13 tháng 9 năm 1376. Khi đức giáo hoàng Gregoriô qua đời, Cartarina trở về Siena và đọc cho thơ ký viết cuốn: “Đối thoại về Chúa quan phòng”. Nhưng có sự chia rẽ, Ngài đứng về phía Urbanô VI. Trong những bức thư đầy sinh lực, Ngài kêu gọi các vua Au châu vâng phục Đức giáo hòang. Bốn trăm bức thư và cuốn sách thánh nhân để lại là một kho tàng lớn lao trong các tác phẩm thiêng liêng.
Giữa các hoạt động rực rỡ trên, thánh Cartarina đã phải chịu những đau đớn vô danh. Chúng ta biết rằng: từ Chúa nhật thứ IV mùa chay năm 1375, Ngài đã được in năm dấu thánh. Dấu chỉ lộ rõ sau khi Ngài qua đời.
Một chiều tháng giêng năm1380, thánh nhân đã ngã bệnh trong khi đọc một lá thơ viết cho đức giáo hoàng Urbanô. Phục hồi một phần, nhưng Ngài vẫn sống trong một cơn hấp hối nhiệm màu, một chuộc chiến đấu với ma quỉ. Và Ngài ngã bệnh hôn mê lần thứ hai khi đang cầu nguyện tại đền thờ thánh Phêrô và qua đời ba tuần sau vào ngày 29 tháng 4 năm 1380.
Ngài được mai táng dưới chân bàn thờ dòng Đaminh Santa Maria Sopra Minerva, nhưng đầu Ngài sau này được dời về Siena. Tám mươi mốt năm sau Ngài được phong thánh.
Ngày 04 tháng 10 năm 1970, đức Phaolô VI đã tôn phong Ngài vào hàng tiến sĩ Hội Thánh.
(daminhvn.net)


29 Tháng Tư
Chúc Lành Của Người Cha
Ðức Hồng Y Cardjin, vị sáng lập của phong trào Thanh Lao Công, đã tự thuật như sau: “Tôi là con của giai cấp công nhân. Nếu tôi đã có thể trở thành linh mục, là cũng nhờ cha tôi”. Cha tôi là một công nhân nghèo. người đã phải hy sinh để nuôi dưỡng những đứa con mà hẳn người đã hãnh diện. Tôi còn nhớ, khi lên 13 tuổi, một buổi tối nọ, khi các anh chị của tôi đã lên giường đi ngủ, tôi rón rén bước xuống nhà bếp. Tôi đến gần cha tôi. Người đang ngồi trầm ngâm với chiếc ống điếu. Còn mẹ tôi thì đang khâu giày cho chúng tôi. Tôi rụt rè thưa với cha tôi: “Thưa ba, con có thể tiếp tục học không?”. Cha tôi trả lời: “Con ơi, ở tuổi con ba đã phải đi làm rồi. Nay thì ba đã già và sức ba cũng đã mòn”.
Tôi lấy hết can đảm để thuyết phục cha tôi: “Ba ơi, con nghĩ là Chúa đã gọi con, con muốn tở thành linh mục”.
Bình thường cha tôi là một người ít biểu lộ tình cảm. Nhưng tối hôm đó, khi vừa nghe tôi cho biết ý định làm linh mục, nước mắt người bỗng từ từ lăn trên gò má… Và đôi tay của mẹ tôi cũng run lên vì xúc động.
Cuối cùng, khi làm chủ được cơn xúc động, cha tôi mới thốt lên với tất cả cương quyết: “Ba má đã hy sinh quá nhiều… Nhưng để cho một người con làm linh mục, ba má nguyện sẽ tiếp tục hy sinh”.
Mà quảthực, cha mẹ tôi đã tiếp tục làm việc nhiều hơn nữa để tôi có thể tiếp tục học. Vừa mãn trung học, 8 ngày trước khi lãnh thưởng cuối năm, tôi nhận được điện tín nhắn tin cha tôi đau nặng.
Trên giường hấp hối, cha tôi nhìn tôi mỉm cười: đó là chúc lành cuối cùng mà người dành cho tôi. Người cha đáng thương, hy sinh cho đến chết để người con được trở thành linh mục.
Sau khi vuốt mắt người, tôi đã thề hứa sẽ hy sinh để trở thành linh mục, nhất là linh mục cho giới công nhân.
Thiên Chúa muốn gọi ai tùy Ngài muốn. Nhưng tiếng gọi ấy luôn được ngỏ với con người trong một khung cảnh sống cụ thể. Khung cảnh ấy có thể là gia đình, là chợ búa, là trường học, là chỗ làm việc… Có những khung cảnh thuận tiện, mà cũng có những khung cảnh không thuận tiện. Có những nơi hạt giống ơn gọi được nảy mầm, vun xới. Có những nơi hạt giống ấy bị bóp nghẹt…
Thiên Chúa muốn gọi ai tùy Ngài muốn, nhưng kẻ được gọi luôn là người đang sống cùng và sống với những người khác. Do đó, nếu không có sự nâng đỡ của những người xung quanh, hạt giống ơn gọi cũng sẽ mai một dễ dàng…
Chúng ta hãy cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ. Ý thức đầu tiên của chúng ta trong ngày hôm nay phải là: ơn gọi là vấn đề của mọi người Kitô. Từ gia đình, đến trường học, công sở… mọi người chúng ta đều có trách nhiệm nâng đỡ và bảo vệ hạt giống ơn gọi mà Chúa muốn gieo vào lòng những người anh chị em của chúng ta.
Thánh Gioan Bosco đã nói: phần thưởng quan trọng nhất mà Chúa có thể dành cho mọi gia đình Kitô, đó là kêu gọi một người con làm linh mục. Phần thưởng trọng đại ấy, Chúa dành cho các gia đình có con cái tận hiến cho Chúa, nhưng Ngài cũng dành cho tất cả những ai cách này hay cách khác biết cổ vũ, nâng đỡ và giúp phát triển ơn kêu gọi…
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét