Bài Giảng của Đức
Thánh Cha trong buổi hát kinh chiều tạ ơn Te Deum Giao Thừa
J.B. Đặng Minh An dịch 31/Dec/2024
Vào lúc 5h chiều Chúa Nhật 31 tháng 12, Đức Thánh Cha
Phanxicô đã chủ sự buổi hát kinh chiều tạ ơn Te Deum bên trong Đền Thờ Thánh
Phêrô cùng với tất cả các vị trong giáo triều Rôma trong đó có 36 Hồng Y, đặc
biệt là Đức Hồng Y Baldassare Reina, Giám Quản Roma, 7 Giám Mục Phụ Tá và 40
Giám Mục khác, 150 linh mục và khoảng 8 ngàn tín hữu. Hiện diện trong buổi lễ
cũng có đông đảo các vị trong Ngoại Giao Đoàn cạnh Tòa Thánh.
Đây là một truyền thống đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 giải thích như
sau: “Giáo Hội gợi ý rằng chúng ta không nên kết thúc năm cũ mà không bày tỏ lời
cám tạ Chúa, vì những ơn lành Ngài ban cho chúng ta”.
Phụng Vụ ngày hôm nay nhắc nhớ chúng ta những lời của Thánh Gioan Tông đồ: “Hỡi
các con, giờ đã tận” (1 Ga 2:18), và lời của Thánh Phaolô về “sự viên mãn của
thời gian” (Gl 4: 4). Và tất cả điều này khiến chúng ta suy tư về sự kết thúc của
cuộc hành trình dương thế, sự kết thúc cuộc lữ hành của chúng ta. Đã có bắt đầu
tất sẽ có hồi kết thúc, “một thời để được sinh ra và một thời để chết” (Quoleth
3: 2). Sự thật này rất đơn giản và cơ bản nhưng lại thường bị lờ đi và lãng
quên, Mẹ Thánh Giáo Hội dạy chúng ta kết thúc một năm và mỗi ngày trong đời
chúng ta với một sự tự vấn lương tâm, trong đó chúng ta nhìn lại những gì đã xảy
ra: chúng ta cảm ơn Chúa vì mọi điều thiện hảo chúng ta đã nhận được hay đã có
thể làm được, đồng thời chúng ta cũng suy nghĩ về những thất bại và tội lỗi của
chúng ta - để biết ơn Chúa và cầu xin sự tha thứ của Ngài.
Đó cũng là những gì chúng ta làm hôm nay vào ngày cuối năm này. Chúng ta ca ngợi
Chúa với Thánh Thi Te Deum và đồng thời chúng ta cầu xin Ngài tha thứ. Thái độ
tạ ơn của chúng ta dẫn chúng ta đến tấm lòng khiêm cung, để nhận biết và đón nhận
ân sủng của Thiên Chúa.
Trong bài giảng Đức Thánh Cha nói:
Đây là giờ tạ ơn, và chúng ta có niềm vui sống giờ này bằng
cách tôn vinh Thánh Mẫu Thiên Chúa. Đức Mẹ, người giữ mầu nhiệm Chúa Giêsu
trong lòng, cũng dạy chúng ta đọc các dấu chỉ của thời đại dưới ánh sáng của mầu
nhiệm này.
Năm đang kết thúc này là một năm đầy thử thách đối với thành phố Rôma. Người
dân, khách hành hương, khách du lịch và tất cả những ai đi qua đều đã trải qua
giai đoạn điển hình trước Năm Thánh, với sự gia tăng các công trường xây dựng lớn
và nhỏ. Buổi tối hôm nay là thời điểm để suy tư theo lối khôn ngoan, để xem xét
rằng tất cả công trình này, ngoài giá trị tự thân của chúng, đã có một ý nghĩa
tương ứng với ơn gọi của Rôma, ơn gọi phổ quát của thành phố. Dưới ánh sáng của
Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe, ơn gọi này có thể được diễn tả như sau: Rôma được
kêu gọi chào đón mọi người để mọi người có thể nhận ra mình là con cái của
Thiên Chúa và là anh em với nhau.
Vì vậy, vào lúc này, chúng ta muốn dâng lời tạ ơn Chúa vì Người đã cho phép
chúng ta làm việc, làm việc chăm chỉ, và trên hết là vì Người đã cho chúng ta
làm việc với ý thức lớn lao này, với tầm nhìn rộng lớn này, đó là hy vọng của
tình anh em.
Khẩu hiệu của Năm Thánh, “Những người hành hương của Hy vọng”, có nhiều ý
nghĩa, tùy thuộc vào các góc nhìn khác nhau có thể có, giống như rất nhiều “con
đường” của cuộc hành hương. Và một trong những con đường hy vọng lớn lao này để
bước đi là tình huynh đệ: đó là con đường mà tôi đã đề xuất trong Thông điệp
Fratelli tutti. Vâng, hy vọng của thế giới nằm ở tình huynh đệ! Và thật tuyệt
khi nghĩ rằng Thành phố của chúng ta trong những tháng gần đây đã trở thành một
công trường xây dựng cho mục đích này, với ý nghĩa chung này: đó là chuẩn bị
chào đón những người nam và nữ từ khắp nơi trên thế giới, những người Công Giáo
và Kitô hữu thuộc các tín ngưỡng khác, những người tin theo mọi tôn giáo, những
người tìm kiếm sự thật, tự do, công lý và hòa bình, tất cả những người hành
hương của hy vọng và tình huynh đệ.
Nhưng chúng ta phải tự hỏi: liệu quan điểm này có cơ sở không? Liệu hy vọng về
một nhân loại huynh đệ phải chăng chỉ là một khẩu hiệu tu từ hay nó có một nền
tảng “vững chãi” để xây dựng một cái gì đó ổn định và lâu dài?
Đức Mẹ Thiên Chúa ban cho chúng ta câu trả lời bằng cách chỉ cho chúng ta thấy
Chúa Giêsu. Niềm hy vọng của một thế giới huynh đệ không phải là một ý thức hệ,
không phải là một hệ thống kinh tế, không phải là tiến bộ công nghệ. Niềm hy vọng
của một thế giới huynh đệ là Người, Người Con nhập thể, được Chúa Cha sai đến để
tất cả chúng ta có thể trở thành những gì chúng ta là, tức là con cái của Chúa
Cha trên trời, và do đó là anh chị em với nhau.
Và vì vậy, trong khi chúng ta ngưỡng mộ với lòng biết ơn những kết quả của công
việc đã được thực hiện trong thành phố - chúng ta cảm ơn công việc của rất nhiều
người, rất nhiều nam nữ đã làm, và chúng ta cảm ơn Thị trưởng vì công việc đưa
thành phố tiến lên này -, chúng ta hãy nhận thức được công trường xây dựng mang
tính quyết định là gì, công trường xây dựng liên quan đến mỗi người chúng ta:
công trường xây dựng này là nơi mà mỗi ngày, tôi sẽ để Chúa thay đổi trong tôi
những gì không xứng đáng làm con - thay đổi những gì không phải là con người,
và những nơi mà tôi sẽ cam kết sống mỗi ngày như anh chị em với người lân cận của
mình.
Xin Mẹ Thánh của chúng ta giúp chúng ta cùng nhau bước đi, như những người hành
hương của hy vọng, trên con đường của tình huynh đệ. Xin Chúa ban phước cho tất
cả chúng ta; xin Người tha thứ tội lỗi cho chúng ta và ban cho chúng ta sức mạnh
để tiếp tục cuộc hành hương của chúng ta trong năm tới. Cảm ơn.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice
VaticanaOMELIA
DEL SANTO PADRE FRANCESCO Basilica di San Pietro Martedì, 31 dicembre 2024
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét