Sứ điệp Hòa Bình
2025: Ba lời kêu gọi cụ thể của Đức Thánh Cha
Theo truyền thống, Đức Thánh Cha đã ban sứ điệp cho ngày
Hòa bình Thế giới, năm nay trùng với thời điểm khai mạc Năm Thánh.
Sứ điệp hòa bình của Đức Thánh Cha cho năm 2025 (vào ngày 1
tháng 1) có ba lời kêu gọi cụ thể.
Ngày Hòa bình Thế giới năm nay đặc biệt có ý nghĩa trong
Giáo hội vì nó cũng là ngày khởi đầu của Năm Thánh. Mở đầu sứ điệp, Đức
Thánh Cha đề cập đến lịch sử và ý nghĩa của Năm Thánh, nhấn mạnh vai trò của sự
tha thứ và nhắc nhở chúng ta rằng tất cả chúng ta đều là những người mang nợ.
Thiên Chúa không mắc nợ ai điều gì, nhưng Ngài vẫn không ngừng
ban phát ân sủng và lòng thương xót cho tất cả mọi người. Như thánh Isaac thành
Ninivê, một Giáo phụ của Giáo hội Đông phương sống ở thế kỷ thứ VII đã diễn tả
trong một lời cầu nguyện:
“Lạy Chúa, tình yêu của Ngài lớn hơn những lỗi lầm của
con. Những cơn sóng biển chẳng là gì so với vô vàn tội lỗi của con,
nhưng khi đặt lên bàn cân và so sánh với tình yêu của Ngài,
chúng tan biến như hạt bụi.”
Đức Thánh Cha liên tục kêu gọi “loại bỏ vũ khí khỏi trái tim
chúng ta”, một cụm từ mà ngài đã sử dụng trong vài dịp khác, như trong buổi cầu
nguyện lần chuỗi Mân Côi cho hòa bình trong tháng Mười:“Hãy đánh thức chúng
ta khỏi sự thờ ơ làm u tối con đường của chúng ta và loại bỏ vũ khí bạo lực khỏi
trái tim chúng ta”
Trước đó, trong buổi cầu nguyện cho hòa bình ở Đất Thánh, ngài
đã nói:
“Không thể có hòa bình nếu chúng ta không để cho chính
Thiên Chúa tước bỏ vũ khí trong trái tim chúng ta trước, biến đổi thành những
trái tim hiếu khách, đầy lòng trắc ẩn và biết xót thương.”
Ba lời kêu gọi cụ thể trong Sứ điệp Hòa bình năm nay được
Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp nối tinh thần của các vị tiền nhiệm:
1/ Tha nợ
Trước hết, tôi nhắc lại lời kêu gọi mà Thánh Giáo hoàng
Gioan Phaolô II vào dịp Năm Thánh 2000 về việc “Xem xét giảm thiểu một cách
đáng kể, nếu không muốn nói là xóa bỏ hoàn toàn, món nợ quốc tế đang đe dọa
nghiêm trọng đến tương lai của nhiều quốc gia.”
Khi nhận thức về “món nợ sinh thái” của mình, các quốc gia
giàu có cần có trách nhiệm làm tất cả những gì có thể để xoá nợ cho các quốc
gia không có khả năng trả. Tất nhiên, để tránh điều này trở thành hành động từ
thiện đơn lẻ chỉ làm tái diễn vòng xoáy tài trợ và nợ nần, một khuôn khổ tài
chính mới phải được thiết lập, hướng đến việc hình thành một Hiến chương tài
chính toàn cầu dựa trên tình liên đới và hòa hợp giữa các dân tộc.
2/ Tôn trọng sự sống
Tôi cũng kêu gọi cam kết mạnh mẽ trong việc tôn trọng phẩm
giá của sự sống con người, từ khi tượng thai cho đến cái chết tự
nhiên, để mỗi người có thể trân trọng cuộc sống của chính mình và tất cả mọi
người có thể nhìn về tương lai với hy vọng về một cuộc sống thịnh vượng và hạnh
phúc cho bản thân và con cháu của mình. Không có hy vọng vào tương lai, thật
khó để thế hệ trẻ nghĩ đến việc mang lại sự sống mới cho thế giới.
Ở đây tôi muốn một lần nữa đề xuất một hành động cụ thể, có
thể thúc đẩy văn hóa sự sống, đó là việc xóa bỏ án tử hình ở tất cả các quốc
gia. Hình phạt này không chỉ xâm phạm tính bất khả xâm phạm của sự sống, mà còn
tước đi mọi hy vọng của con người về sự tha thứ và hoán cải.
3/ Hy vọng cho thế hệ trẻ
Thêm vào đó, tiếp bước Thánh Phaolô VI và
Bênêđictô XVI, tôi không ngần ngại đưa ra một lời kêu gọi nữa, vì lợi ích của
các thế hệ tương lai. Trong thời đại đầy rẫy chiến tranh này, hãy dành ít nhất
một phần trăm cố định trong ngân sách dành cho vũ khí để thành lập một Quỹ toàn
cầu nhằm xóa bỏ nạn đói và hỗ trợ cho các hoạt động giáo dục tại các quốc gia
nghèo hơn, nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững và chống lại biến đổi khí hậu.
Chúng ta cần nỗ lực loại bỏ mọi lý do khiến người trẻ coi
tương lai của họ như vô vọng hoặc bị chi phối bởi khao khát trả thù cho những
người thân yêu. Tương lai là một món quà, giúp chúng ta vượt qua những thất bại
trong quá khứ và mở ra những con đường mới cho hòa bình.
Đức Thánh Cha kết thúc thông điệp bằng một lời cầu nguyện.
Lạy Chúa, xin tha nợ cho chúng con,
như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng
con.
Trong vòng lặp của sự tha thứ này, xin ban cho chúng
con bình an của Chúa,
bình an mà chỉ mình Ngài mới có thể ban cho những ai mở
lòng loại bỏ vũ khí khỏi con tim mình,
những ai chọn tha thứ lỗi lầm cho anh chị em mình trong
hy vọng,
những ai không sợ hãi khi thú nhận tội lỗi với
Ngài,
và những ai không làm ngơ trước tiếng kêu của người
nghèo.
Nguồn: Aleteia
Tác giả: Kathleen N. Hattrup
Người dịch: Mai Ni | CTV JESCOM – Truyền Thông Dòng Tên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét