Trang

Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2012

09-09-2012 : CHÚA NHẬT XXIII MÙA THƯỜNG NIÊN năm B


Chúa Nhật 23 Quanh Năm Năm B


Bài Ðọc I: Is 35, 4-7a
"Tai người điếc sẽ mở ra và người câm sẽ nói được".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Các ngươi hãy nói với những tâm hồn xao xuyến: Can đảm lên, đừng sợ! Này đây Thiên Chúa các ngươi đến để phục thù. Chính Người sẽ đến và cứu thoát các ngươi.
Bấy giờ mắt người mù sẽ sáng lên, và tai người điếc sẽ mở ra. Bấy giờ người què sẽ nhảy nhót như nai, và người câm sẽ nói được, vì nước sẽ chảy lên nơi hoang địa, và suối nước sẽ chảy nơi đồng vắng. Ðất khô cạn sẽ trở thành ao hồ, và hoang địa sẽ trở nên suối nước.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 145, 7. 8-9a. 9bc-10
Ðáp: Linh hồn tôi ơi, hãy ngợi khen Chúa! (c. 2a)
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Thiên Chúa trả lại quyền lợi cho người bị ức, và ban cho những người đói được cơm ăn. Thiên Chúa cứu gỡ những người tù tội. - Ðáp.
2) Thiên Chúa mở mắt những kẻ đui mù, Thiên Chúa giải thoát những kẻ bị khòm lưng khuất phục, Thiên Chúa yêu quý các bậc hiền nhân. Thiên Chúa che chở những khách kiều cư. - Ðáp.
3) Thiên Chúa nâng đỡ những người mồ côi quả phụ, và làm rối loạn đường nẻo đứa ác nhân. Thiên Chúa sẽ làm vua tới muôn đời, Sion hỡi, Thiên Chúa của ngươi sẽ làm vua tự đời này sang đời khác. - Ðáp.

Bài Ðọc II: Gc 2, 1-5
"Không phải Thiên Chúa đã chọn người nghèo để hưởng nước Người đó sao?"
Trích thư Thánh Giacôbê Tông đồ.
Anh em thân mến, anh em là những người tin vào Ðức Giêsu Kitô vinh hiển, Chúa chúng ta, anh em đừng thiên vị. Giả sử trong lúc anh em hội họp, có người đi vào, tay đeo nhẫn vàng, mình mặc áo sang trọng; lại cũng có người nghèo khó đi vào, áo xống dơ bẩn, nếu anh em chăm chú nhìn người mặc áo rực rỡ mà nói: "Xin mời ông ngồi chỗ danh dự này". Còn với người nghèo khó thì anh em lại nói rằng: "Còn anh, anh đứng đó", hoặc: "Anh hãy ngồi dưới bệ chân tôi". Ðó không phải là anh em xét xử thiên vị ở giữa anh em và trở nên những quan xét đầy tà tâm đó sao?
Anh em thân mến, xin hãy nghe: Không phải Thiên Chúa chọn người nghèo trước mắt thế gian, để nhờ đức tin, họ trở nên giàu có và được hưởng nước Người đã hứa cho những kẻ yêu mến Người đó sao?
Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 1, 14 và 12b
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe: Chúa có lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

Phúc Âm: Mc 7, 31-37
"Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu từ địa hạt Tyrô, qua Siđon, đến gần biển Galilêa giữa miền thập tỉnh. Người ta đem một kẻ câm điếc đến cùng Người và xin Người đặt tay trên kẻ ấy. Người đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh ta. Ðoạn ngước mặt lên trời, Người thở dài và bảo: "Effetha!" (nghĩa là "Hãy mở ra!"), tức thì tai anh ta mở ra, và lưỡi anh ta được tháo gỡ, và anh nói được rõ ràng. Chúa Giêsu liền cấm họ đừng nói điều đó với ai. Nhưng Người càng cấm, thì họ càng loan truyền mạnh hơn. Họ đầy lòng thán phục mà rằng: "Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được!"
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm:
Ngôn ngữ là phương tiện cần thiết để con người liên hệ với tha nhân và thế giới. Không thể nghe để hiểu, không thể nói để truyền thông tư tưởng, thì chẳng khác gì con người đã chết về mặt tâm lý, trước khi phải chết về mặt thể lý. Ðức Giêsu đã cứu anh câm điếc, và đưa anh trở lại với thế giới vui tươi sinh động này.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, chúng con cũng bị cắt đứt với thế giới yêu thương tươi mát này, khi chúng con sống ích kỷ, hẹp hòi; khi chúng con ghen tuông, đố kỵ... Xin Chúa giúp chúng con mở tai để lắng nghe tiếng Chúa, tiếng kêu cứu của tha nhân. Xin cho chúng con biết mở miệng ra để ca tụng Chúa, để an ủi, để trao niềm vui cho anh chị em chúng con. Nhờ đó, cuộc đời chúng con mới bước đi trong hạnh phúc. Amen.


(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)

Thi Hành Lời Hứa
(Ysaia 35,4-7a; Yacôbê 2,1-5; Marcô 7,31-37)
Suy Niệm:
Chúa Nhật XXIII Thường Niên Năm B
Ysaia 35,4-7a; Yacôbê 2,1-5; Marcô 7,31-37
Ba bài Kinh Thánh hôm nay diễn tả đúng giáo lý thông thường của Hội Thánh. Với bài sách tiên tri Ysaia, chúng ta được biết Thiên Chúa dùng Cựu Ước hứa ban ơn cứu độ. Người thực hiện mọi lời hứa nơi Ðức Yêsu Kitô là Con Một mà Người đã sai đến trần gian như các sách Tin Mừng cho chúng ta thấy. Nay muốn lãnh nhận ơn cứu độ mà Người đã ban, chúng ta phải thi hành lòng đạo đức theo giáo huấn của các tông đồ. Có thể nói Chúa nhật nào Lời Chúa cũng dạy dỗ ta như vậy. Nhưng mỗi lần, giáo huấn thông thường của Hội Thánh như muốn kéo sự chú ý của chúng ta vào một điểm, hoặc một mặt naò đó, để giúp chúng ta sống đạo một cách thực tế. Bài học cụ thể hôm nay có lẽ nằm trong bài thư Yacôbê; nhưng hai bài đọc kia cũng có những điểm giáo lý quan trọng và có thể đặt nền tảng cho thái độ đạo đức mà bài thư Yacôbê muốn chúng ta thi hành. Chúng ta hãy nhìn lại ba bài Thánh Kinh vừa nghe.

1. Cựu Ước Hứa Ơn Cứu Ðộ
Ðoạn sách Ysaia hôm nay nằm trong khâu các lời sấm nhằm an ủi Israel. Dân Chúa đang ở trong tình trạng bi đát. Quê hương bị ngoại bang chiếm đóng. Phần lớn dân chúng bị bắt đem đi phục dịch và nô dịch cho đế quốc xâm lược. Thời gian lưu đày dường như muốn kéo dài đến vô tận. Nhưng bỗng có tin binh động ở một vài nơi. Nhiều người hốt hoảng sợ mất luôn cả sự sống và các phương tiện nhỏ bé còn sót lại, bởi vì lửa chiến tranh đâu có tha gì mái tranh và thân xác hao mòn của người nghèo. Chính lúc ấy, Ysaia được Thiên Chúa sai đến với dân để nói lên những lời an ủi của Người.
Người sai ông đến với những kẻ lòng đang "hốt hoảng" và bảo họ: hãy phấn khởi lên, đừng sợ; này Chúa đang đến trả oán (kẻ cường bạo); nhưng với dân của Người thì đó là thời gian cứu độ. Mắt kẻ mù sẽ mở, tai kẻ điếc sẽ thông, lưỡi người câm sẽ nói; và nước sẽ phun trong sa mạc.
Những lời hứa hẹn ấy thực ra chỉ muốn gợi lên một kỷ nguyên mới đẹp đẽ lạ lùng khiến tất cả những người có bệnh tật như cũng được hồi sinh và cả những chỗ đất khô khan cũng trở nên tươi tốt. Chẳng ai nên hiểu theo nghĩa đen từng chữ. Ngược lại, chúng ta phải để ý đến những thực tại tâm linh mà những hình ảnh kia muốn gợi lên. Ơn cứu độ sẽ tái tạo và tái sinh con người cũng như vạn vật. Con người không còn các tật xấu, tức là nết xấu và tội lỗi nữa. Lòng họ chan chứa niềm vui cứu độ, khiến chính Tin Mừng của Chúa sẽ sửa chữa, cải tạo mọi cái hư trước đây ở nơi con người. Trong khi ấy vũ trụ vật chất cũng được chia sẻ và tham dự đổi mới. Chỗ hoang vu cằn cỗi nhất ở nơi sa mạc cũng sẽ có nước phun và suối khe chảy trong sạch.
Ysaia là thi nhân, hơn nữa ông còn là phát ngôn viên của Thiên Chúa toàn năng. Lời thơ của ông chỉ có khả năng gợi lên chứ chưa diễn tả hết được những công cuộc kỳ diệu mà Ðấng Toàn Năng hứa sẽ làm cho lịch sử loài người. Chúng ta đang chứng kiến những thay đổi lớn lao trong đời sống con người và trong vũ trụ này. Các thay đổi này còn đẹp hơn biết bao nếu quả thực trong lòng mọi người đều chứa chan niềm vui cứu độ. Những nét còn không hay nơi đời sống xã hội loài người hiện nay không phải do tội lỗi còn sót lại đó sao? Nếu tất cả loài người đều tốt, thì với trình độ và khả năng khoa học kỹ thuật hiện đại, thế giới này không phải là một địa đàng sao?
Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy viễn tượng tốt đẹp ấy để kêu mọi người hãy đón nhận ơn cứu độ vào lòng mình, hầu khi lòng đã chan chứa niềm vui cứu độ, đầu óc và tay chân chúng ta sẽ sáng tạo và xây dựng nên một đời sống mới và một kỷ nguyên mới, rất hạnh phúc và văn minh.
Tuy nhiên chúng ta đừng tưởng có thể vươn tới tương lai đẹp đẽ ấy mà không tựa vào Ðức Yêsu Kitô, Ðấng mà Thiên Chúa đã sai đến làm cứu thế cho loài người chúng ta. Chúng ta hãy nhìn xem Người trong bài Tin Mừng hôm nay để biết đi vào đường lối cứu độ của Thiên Chúa.

2. Tân Ước Thi Hành Lời Hứa
Sách Tin Mừng Marcô hôm nay kể bấy giờ Ðức Yêsu đang đi về phía biển hồ Galilêa, tức là đang ở giữa đất dân ngoại. Người là hình ảnh về Hội Thánh luôn sống giữa lương dân... Nhưng tại đây Người cũng chỉ thực hiện các lời hứa trong Cựu Ước. Chính đám dân đi theo Người, nghe Người giảng dạy và thấy các việc Người làm, cũng nhận ra Người là con người đến để thi hành các lời tiên tri.
Hôm nay Người chữa lành một người điếc và câm. Marcô tả cách thức Người làm không khác gì kiểu cách các lang y, hoặc pháp sư thời bấy giờ. Người đưa kẻ có tật ra một chỗ kín để gợi lên vẻ huyền bí. Người chọc ngón tay vào lỗ tai nó để chữa nó khỏi điếc. Rồi lại đụng tay vào lưỡi nó để nó khỏi câm. Nhất là khi giữa lại nguyên vẹn từ "Ephphata", là thổ âm mà Ðức Yêsu vẫn dùng, Marcô muốn làm tăng vẻ mầu nhiệm nơi độc giả của Người không còn nói thổ âm ấy nữa. Nhưng dù có ý diễn tả Ðức Yêsu chữa lành các tật nguyền theo cung cách của các lang y và pháp sư, Marcô vẫn muốn đề cao ý tưởng: đây là một phép lạ, một dấu hiệu làm chứng Ðức Yêsu là Ðấng đang thực hiện các lời tiên tri nói chung và sách Ysaia nói riêng. Vì thật ra lang y và pháp sư nào chữa được bệnh tật như vậy, và mau lẹ dễ dàng như thế? Dân chúng đã thấy rõ đây là điềm lạ ứng nghiệm các lời tiên tri, thì Marcô không cần phải nhấn mạnh đến khía cạnh kỳ diệu nữa. Ngược lại, nắm chắc được điều ấy rồi , ông còn cố gắng diễn tả Ðức Yêsu như một người thường, dùng kiểu cách của các lang y và pháp sư thường để làm những việc mà không ai làm được.
Như vậy tác giả muốn nói rằng: Ðức Yêsu bề ngoài là người như mọi người nhưng lại có khả năng mà không ai đạt được, để chúng ta tin Người là Thiên Chúa giáng sinh làm người. Và người ta phải tin như Người muốn; chứ đừng bắt chước người Dothái chỉ muốn Ðấng Thiên Sai cứu thế phải "khác thường". Thế nên Ðức Yêsu luôn muốn cấm họ nói đến các phép lạ Người làm, kẻo khi thấy Người trên thập giá họ sẽ không chấp nhận nổi ý tưởng ơn cứu độ có thể thoát ra từ mầu nhiệm tử nạn. Còn đối với tác giả Marcô thì không; người tin ơn cứu độ đến qua thập giá Ðức Yêsu Kitô; nên trong bài Tin Mừng hôm nay, người đã mô tả thần lực của Ðức Kitô đã thoát ra chữa lành các bệnh tật, tức là tội lỗi của loài người, qua cung cách của một con người thường là Ðức Yêsu thành Nadarét, để chúng ta ngày nay cũng tin ơn cứu độ đang đến với chúng ta qua Hội Thánh là một cơ quan cũng rất thường ở trước mặt thế gian.
Chính vì vậy mà chúng ta có thể đặt một liên hệ giữa tiếng "Ephphata" dùng trong phép lạ này với cũng một tiếng đó dùng trong lễ nghi rửa tội của Hội Thánh. Các bí tích mà Hội Thánh cử hành tiếp nối hành động của Ðức Yêsu cứu thế. Người đã dùng tiếng Ephphata cứu chữa người ta thì Hội Thánh cũng dùng tiếng đó để cứu vớt các linh hồn. Và Hội Thánh hàm ý rằng, người ta chỉ được cứu độ khi mở tai lắng nghe Lời Chúa và để cho Lời ấy cất tiếng lên ở trong tâm hồn và đời sống của người ta hầu ca tụng các quyền năng của Chúa.
Như vậy phép lạ chữa lành người điếc và câm hôm nay có ý nghĩa bí tích hơn là chỉ muốn thuật lại một hành vi của Chúa đã làm trong lịch sử. Người đã làm như thế để nói rằng Người mang ơn cứu độ đến qua đường khiêm cung khó nghèo. Và người ta chỉ đón nhận được khi biết mở tai đón nhận Lời Chúa để rồi phát biểu lại Lời ấy trong đời sống của mình. Do đó, Ðức Yêsu đã thực hiện lời Ysaia vì đã chữa lành người câm và điếc, nhưng khi hành động bề ngoài như vậy, Người đã muốn đem đến ơn cứu độ chữa lành các linh hồn để xây dựng một kỷ nguyên mới mà sách Ysaia đã mơ hồ cảm thấy. Tất cả chỉ còn tùy ở thái độ của loài người có chấp nhận và thi hành Lời Chúa hay không. Và điều này, nhiều khi cũng khó như chúng ta có thể thấy trong bài thư Yacôbê hôm nay.

3. Chúng Ta Ðón Nhận Lời Chúa
Tác giả không nói những điều đặc biệt... Sự kiện người kể rất hay xảy ra. Chúng ta vẫn quen trọng của khinh người. Gặp người ăn mặc sang trọng, chúng ta lễ phép vồn vã muốn được lòng, còn kẻ ăn mặc rách rưới, chúng ta không muốn để ý tới. Làm như vậy, thánh Yacôbê nói, không còn đạo đức nữa. Ðã có tinh thần thế gian và cư xử theo lề lối thế gian rồi. Người đạo đức thật và có tinh thần của Chúa, ngược lại phải nhớ Người đã chọn những kẻ nghèo và làm cho họ nên giàu sang về đức tin và ơn cứu độ. Chính chúng ta đã được như vậy, thì cớ sao nay lại ăn ở theo quan điểm của thế gian.
Lời thư Yacôbê quả thật rất cụ thể... Nó đòi chúng ta phải kiểm điểm lại đời sống... Quan điểm chúng ta hiện nay là gì? Chúng ta muốn bản thân được giàu có hay muốn cả xã hội được cứu độ? Chúng ta có cái nhìn của Ysaia muốn thấy một kỷ nguyên mới, trong đó người vật đều vui tươi hồi sinh; hay chúng ta chỉ nghĩ cho bản thân được dễ chịu? Và nếu chúng ta có cái nhìn của Ysaia, tức là cái nhìn cứu thế, thì lúc đó chúng ta sẽ thấy thái độ và hành động của Ðức Yêsu là cụ thể. Quả thật, Người đã sống như để muốn làm gương cho chúng ta. Không ai đòi cho chúng ta phải làm được những kỳ công kiệt tác; nhưng với cung cách bình thường và dùng các phương tiện vừa tầm tay, chúng ta phải có tinh thần mới để làm mọi việc. Ðó là tinh thần do Lời Chúa đã rót vào tai và bây giờ phát biểu ra miệng lưỡi và hành động của chúng ta để giúp người và cứu thế. Chính quan điểm đánh giá công việc chúng ta làm. Kẻ có quan điểm ích kỷ chỉ làm ra những việc bủn xỉn. Người có quan điểm xã hội sẽ góp phần xây dựng tương lai mới.
Ðể giúp chúng ta lướt thắng các cám dỗ của khuynh hướng ích kỷ, giờ đây phụng vụ đưa chúng ta vào cái nhìn của niềm tin công giáo và vào thánh lễ cứu độ. Chúng ta tuyên xưng niềm tin phổ quát và vĩnh cửu; chúng ta tham dự mầu nhiệm Ðức Kitô thiết lập giao ước mới, tức kỷ nguyên mới. Chúng ta phải có quan điểm mới và nếp sống mới, mới có lòng đạo đức thật.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)


Chúa Nhật tuần 23 thường niên, năm B
Suy niệm: Ngôn ngữ là phương tiện cần thiết để con người liên hệ với tha nhân và thế giới. Không thể nghe để hiểu, không thể nói để truyền thông tư tưởng, thì chẳng khác gì con người đã chết về mặt tâm lý, trước khi phải chết về mặt thể lý. Ðức Giêsu đã cứu anh câm điếc, và đưa anh trở lại với thế giới vui tươi sinh động này.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chúng con cũng bị cắt đứt với thế giới yêu thương tươi mát này, khi chúng con sống ích kỷ, hẹp hòi; khi chúng con ghen tuông, đố kỵ... Xin Chúa giúp chúng con mở tai để lắng nghe tiếng Chúa, tiếng kêu cứu của tha nhân. Xin cho chúng con biết mở miệng ra để ca tụng Chúa, để an ủi, để trao niềm vui cho anh chị em chúng con. Nhờ đó, cuộc đời chúng con mới bước đi trong hạnh phúc. Amen.
Ghi nhớ : "Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được".

09/09/12 CHÚA NHẬT TUẦN 23 TN – B
Mc 7,31-37

CÂY TỐT SINH QUẢ TỐT

“Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và người câm nói được.” (Mc 31,37)

Suy niệm: Cổ nhân có nói: “Nhân vô thập toàn,” không ai có thể làm việc gì cũng tốt đẹp. Với quan niệm đó, người đồng hương của Chúa Giêsu không thể hiểu khi thấy những việc tốt đẹp Ngài làm. Bởi vì họ nhìn Chúa Giêsu chỉ như một con người tầm thường chứ không tin Ngài là Đấng Thiên Chúa sai đến:“Ông không phải là con bác thợ sao? Mẹ của ông không phải là bà Maria?... Vậy bởi đâu ông ta được như thế?” (Mt 13,54-57). Còn những người dân ngoại trong vùng Thập Tỉnh thấy phép lạ Chúa làm thì kinh ngạc và thốt lên: “Mọi việc Ngài làm đều tốt đẹp.” Lời đó chẳng khác nào một lời tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng đang thực hiện một cuộc sáng tạo mới, khi nhắc nhớ tới lời Thánh Kinh nói về công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa: “Thiên Chúa thấy mọi sự Ngài làm ra quả là rất tốt đẹp” (St 1,31). Người mù từ mới sinh được Chúa chữa lành đã minh nhiên tuyên xưng như vậy: “Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì” (Ga 9,33).

Mời Bạn: Khi chúng ta làm một việc tốt lành, bạn đang cộng tác với Thiên Chúa trong chương trình sáng tạo và cứu độ của Ngài. Đồng thời chúng ta cũng biết trân trọng những ai đang làm điều thiện, bởi vì ai làm điều thiện người đó đang hướng về Thiên Chúa.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày chủ tâm làm ít nhất một việc thiện, cách riêng cho những người anh em “bé mọn nhất”.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã cho con được phúc gọi Chúa là Cha. Xin cho con biết làm chứng về vinh dự ấy, không chỉ xưng mình là Kitô hữu, mà còn bằng những việc thiện con làm.

Nói được rõ ràng
Có nhiều người bị câm điếc về mặt tinh thần. Bệnh này làm người ta thành những hòn đảo, chẳng có gì để cho, chẳng có gì để nhận, để rồi chết dần trong sự nghèo nàn của mình.

Suy nim:
Khi đến thăm những trẻ em khuyết tật,
ta thấy mình dễ tiếp xúc, gần gũi các em mù,
hơn các em bị câm điếc.
Thật khó làm cho các em câm điếc hiểu được chúng ta,
và chúng ta cũng không hiểu được điều các em diễn tả.
Ðôi bên cứ như ở hai thế giới, không gặp được nhau.
Trong bài Tin Mừng hôm nay,
Ðức Giêsu chữa một người vừa ngọng vừa điếc.
Người ngọng là người gặp khó khăn khi trình bày,
khi phải diễn đạt bằng lời nói cho người khác hiểu.
Ta có cảm tưởng lưỡi anh bị một sợi dây trói buộc.
Ðức Giêsu đã đụng đến lưỡi anh,
và sợi dây đó được tháo cởi.
Giờ đây anh có thể nói được tự nhiên và rõ ràng.
Nói sao để người khác hiểu được mình,
đó là ước mơ của nhiều người trong chúng ta.
Nhưng ta lại thấy có cái gì đó trói buộc mình
khiến mình ngần ngại, sợ hãi, né tránh...
Nhiều người đã trở nên ngọng hay câm
vì đã trải qua những kinh nghiệm đau đớn:
kinh nghiệm bị châm chọc, bị khinh miệt, bị khước từ...
Bao kinh nghiệm làm con người mất tự tin và khép lại.
Có những đe dọa ám ảnh làm con người câm nín.
Épphatha, xin hãy mở miệng con
để con có thể hồn nhiên vén mở thế giới của mình,
hầu gặp được sự cảm thông và nâng đỡ.
Nếu bệnh ngọng làm chẳng ai hiểu tôi,
thì bệnh điếc làm tôi chẳng hiểu ai.
Tôi như người đang xem một phim trên truyền hình
mà máy đột nhiên mất tiếng.
Tôi chỉ thấy hành động, nhưng không hiểu được ý nghĩa.
Chẳng ai muốn mình bị điếc hay lãng tai,
nhưng trong thực tế, ta vẫn có thể mắc bệnh này,
nghĩa là mất khả năng lắng nghe người khác.
Chúng ta thường chỉ nghe điều mình muốn nghe,
hay lắm khi nghe điều người khác nói
nhưng lại hiểu dưới cái nhìn chủ quan của mình.
như thế vẫn là chưa hiểu được điều người kia muốn nói.
Nghe bằng tai, không đủ.
Cần lắng nghe bằng cả trái tim.
Chỉ trái tim yêu thương mới giúp ta hiểu đúng, hiểu đủ,
hiểu ý nghĩa đàng sau lớp vỏ ngôn từ.
Épphatha, xin giúp con ra khỏi cái tôi cứng cỏi,
ra khỏi những thành kiến, những suy nghĩ cứng nhắc,
để nghe được cái tôi của anh em.
Thế giới hôm nay thiếu cảm thông và đối thoại,
vì có nhiều người bị câm điếc về mặt tinh thần.
Bệnh này làm người ta thành những hòn đảo,
chẳng có gì để cho, chẳng có gì để nhận,
để rồi chết dần trong sự nghèo nàn của mình.
Xin cho con đừng câm điếc trước Thiên Chúa và anh em,
đồng thời giúp người khác ra khỏi sự câm điếc của họ.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa, xin cứ dùng con theo ý Chúa,
làm chân tay cho những người què cụt,
làm đôi mắt cho ai phải đui mù,
làm lỗ tai cho những người bị điếc,
làm miệng lưỡi cho người không nói được,
làm tiếng kêu cho người chịu bất công.

Lạy Chúa, xin cứ gởi con ra đồng lúa,
để đem cơm cho người đói đang chờ,
và đem nước cho người họng đang khô,
đem thuốc thang cho người đang đau ốm,
đem áo quần cho người đang trần trụi,
đem mền đắp cho người rét đang run.
Lạy Chúa, xin cứ gởi con ra đường vắng,
thắp đèn soi cho ai bước trong đêm,
đốt lửa ấm cho những ai giá lạnh,
truyền cảm thông cho lữ khách đơn côi,
nâng phẩm giá cho kẻ đời chà đạp,
đem tự do cho những kiếp đọa đày.
Lạy Chúa, xin cứ gởi con vào thôn xóm,
đem an hòa cho những ai bất thuận,
đem thanh bình cho kẻ sống âu lo,
đem ủi an cho người đang sầu khổ,
đem niềm vui cho những ai bất hạnh,
đem vận may cho người gặp rủi ro.
Lạy Chúa, xin cứ đặt con như một sự tình cờ,
đem may mắn cho những ai gặp được,
giữa đường đời khi lỡ bước bơ vơ,
cứ cho con đừng bao giờ khiếp sợ :
giữa biển đời mang con tim núi lửa
với đôi tay êm ái của mẹ hiền.
Lạy Chúa, xin cứ dùng con làm tất cả
cho mọi người được hạnh phúc yên vui;
còn phần con xin gởi hết nơi Ngài
là Thiên Chúa, Tình Yêu và Lẽ Sống.
Ngài cho con tất cả niềm hy vọng
để tin yêu và vui sống trọn đời.
(NCĐ)

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

"Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được".
Thiên Chúa vẫn ở bên tôi
(Suy niệm của Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)
Có một câu chuyện vui kể về một tín đồ rất ngoan đạo, bị kẹt trong một cơn lũ lụt mà nước mỗi lúc một dâng cao. Anh ta từ chối việc di tản. Anh nhất quyết phải chứng minh rằng Thiên Chúa sẽ giải cứu anh.
Nước lụt mỗi lúc lại dâng cao hơn, và người ấy đến lúc đã bị kẹt trên mái nhà mình, đang cầu nguyện xin Chúa một phép lạ. Ba lần người ta dùng thuyền tới cứu, song anh không chịu lên thuyền, bảo họ hãy đi đi. Anh quyết bám vào mái nhà để chờ phép lạ của Chúa. Cuối cùng anh bị nước cuốn đi và bị chết chìm. Khi ra trình diện tại cửa thiên đàng, anh ta phẫn nộ thưa với Chúa:
- Lạy Chúa, vì sao Ngài không tôn trọng đức tin của con?
Chúa trả lời:
- Ta đã ba lần đưa thuyền đến cứu con, nhưng con đã không chịu bước vào!
Vâng, Thiên Chúa luôn cứu giúp chúng ta qua trung gian con người là hình ảnh của Chúa. Ngài vẫn luôn thể hiện tình thương của Ngài qua tha nhân, qua bạn bè. Ðó là lý do mà Ngài tao dựng con người theo hình ảnh của Ba Ngôi Thiên Chúa. Ba Ngôi vị liên kết với nhau thành một cộng đoàn tình yêu. Con người cũng được mời gọi liên kết với nhau trong một cộng đoàn của yêu thương và hiệp nhất. Sự liên đới, chia sẻ với nhau đó chính là dấu chỉ sự hiện diện của Chúa giữa thế gian.
Bài tin mừng hôm nay nói về một người câm điếc từ thuở mới sinh. Sinh ra trong tật nguyền là một thiệt thòi mà chẳng ai mong muốn điều đó xảy đến với mình. Cuộc đời câm điếc đã giới hạn mọi giao tế của anh. Anh không thể nghe người khác tâm sự, và anh cũng không thể thổ lộ hết nỗi lòng của mình cho tha nhân. Một con người sinh ra mà không thể hiểu và thông cảm với tha nhân là một đau khổ triền miên. Có lẽ anh đã sống trong đau khổ thầm lặng và cả những người thân của anh cũng khổ đau như anh.
Nét đẹp của bài phúc âm hôm nay quan yếu là ở tấm lòng những người thân và tình thương của Chúa. Anh sinh ra trong tật nguyền nhưng anh lại được mọi người thương mến, cảm thông với nỗi bất hạnh của anh. Cha mẹ và hàng xóm láng giềng đều mong muốn cho anh có ngày nói được, có ngày nghe được như bao người khác. Họ đã nghe về một Giêsu quê làng Nagiaret đầy tình thương và đầy quyền năng. Một vị cứu tinh của nhân trần có thể sẽ giải thoát và cứu chữa anh khỏi tật nguyền. Họ đã đem anh đến với Chúa. Sự nỗ lực của mọi người đã được Chúa Giêsu bù đắp bằng sự đáp ứng nguyện vọng của họ và chữa lành cho anh.
Thế giới hôm nay vẫn còn đó những con người bị câm điếc do bẩm sinh, do môi trường tác động. Câm điếc về thể xác đã khổ, câm điếc tâm hồn lại còn khổ hơn. Câm điếc tâm hồn khiến họ mất tương quan nghĩa thiết với Thiên Chúa và với tha nhân. Họ không còn nghe được tiếng Chúa và tiếng của tha nhân. Họ không nghe được sự thật và không nói được sự thật. Họ không nghe được tiếng nói của lương tri và không nói được tiếng nói của con tim. Họ đang chôn vùi cuộc đời trong đam mê lầm lạc. Họ là những người cần được khôi phục khả năng để hiểu, để cảm thông và để sống tình liên đới với Chúa và mọi người.
Biết bao người vì những đam mê, những dục vọng, những toan tính, những ích kỷ, những lười biếng trói buộc cuộc đời của họ trở thành kẻ tật nguyền đáng tội. Biết bao người đã trở thành câm điếc lương tri, vì ngay từ nhỏ đã không được cha mẹ khai trí mở lòng bằng những lời dạy bảo, những lời hay lẽ phải. Họ không được huấn luyện để nói những lời yêu thương, để lắng nghe tiếng nói của sự thật. Dần dà với thời gian môi miệng của họ không còn khả năng nói lời yêu thương, chân thành đối với tha nhân. Dần dà với thời gian con tim của họ không còn có khả năng để nghe và cảm thông nỗi đau khổ, bất hạnh của anh em. Thay vào đó là những lời độc ác, hận thù, gian dối, và với một trái tim chai cứng, thờ ơ, lãnh đạm với nỗi khổ của anh em. Sự câm điếc tâm hồn khiến họ không còn khả năng để yêu thương, để trao ban và chia sẻ với nỗi bất hạnh của người khác. Ðiều tệ hại nhất là họ không còn nghe được tiếng nói của lương tâm luôn nhắc nhở họ từ bỏ lối sống u mê, tội lỗi để sống theo lẽ phải, theo lề luật của Thiên Chúa. Họ thật đáng thương vì họ sống trong lầm lạc mà họ không biết. Họ thật bất hạnh vì họ thiếu đi những cảm giác vui tươi, an bình của tâm hồn.
Ðôi khi trong cuộc đời chúng ta cũng trở nên kẻ câm điếc giữa tha nhân. Có thể vì thói ích kỷ mà chúng ta làm ngơ trước nỗi khổ của anh em. Có thể vì đam mê và lười biếng chúng ta làm ngơ trước tiếng nói của lương tri.
Nguyện xin Chúa là Ðấng đã đến để phục hồi những gì đã bị hủy hoại bởi tội lỗi, xin Người giúp chúng ta biết lắng nghe tiếng nói của sự thật và biết sống yêu thương với mọi người. Xin Người ban cho chúng ta một tấm lòng quảng đại để chúng ta biết giúp đỡ anh chị em vượt qua những giới hạn và yếu đuối của bản thân để sống hoàn thiện con người mình mỗi ngày nên tốt hơn. Amen

Nghe những điều không đáng nghe cũng là bị điếc
Thức đêm mới biết đêm dài,
Ở lâu mới biết lòng người có nhân.
Nếu Chúa Giêsu không xuống trần gian, làm người, có lẽ sự hiểu biết về Thiên Chúa của con người sẽ rất mơ hồ; và tình cảm con người dành cho Thiên Chúa, cũng rất nhạt nhòa, xa cách. Chú ý lắng nghe những lời Ngài nói, và để tâm quan sát thái độ và cách sống của Ngài, hẳn người ta có thể hiểu được rất tường tận “cái bụng” của Thiên Chúa là thế nào. Câu chuyện Chúa chữa cho một người vừa câm vừa điếc hôm nay, cũng cho ta thấy được “cái bụng” của Chúa. Thiên Chúa luôn lo lắng cho hạnh phúc con người. Vì thế, Ngài luôn dành tình thương nhân ái, cho những người đau khổ, bệnh tật.
Có một người bị câm và điếc được đưa đến. Cử chỉ đầu tiên của Ngài là đặt tay trên anh ta. Đấy là một hành động đầy tính tâm lý. Người đau khổ, luôn cảm thấy cô đơn. Họ cần lắm, một bàn tay nồng ấm, và gặp gỡ. Với người câm điếc càng đúng hơn. Vì người câm, là người không thể thông giao với người khác; không thể chuyển tải cho người khác, tình cảm và những ý nghĩ của mình. Bên cạnh đó, tình cảm cũng như những ý tưởng của người khác, cũng không thể đến với họ được, vì họ bị điếc. Nói thế, là người bị câm và điếc, là kẻ cô đơn tột cùng, vì họ bị rơi vào trong một ốc đảo. Bàn tay Chúa chạm vào, một sự sống khác đến với người ấy, và người ấy cảm thấy được yên ủi, vì mình còn là một con người đang được yêu. Rồi Chúa dẫn riêng anh ra một nơi. Ngước mắt lên trời, thở dài và nói: Epheta. Hãy mở ra. Không hẳn, Ngài chỉ có ý truyền lệnh cho miệng anh ta mở ra, Ngài còn có ý nói: Cả trái tim và tâm trí anh ta cũng hãy mở ra. Hãy mở tất cả ra, để ca tụng Thiên Chúa. Không mở tâm trí và trái tim ra, thì làm sao có thể mở lớn môi miệng mà ca tụng Thiên Chúa được. Hãy mở ra, để biết nói yêu thương với người khác; để biết nói những lời chân lý, để biết nói những lời xây dựng.
Hãy mở ra; những lời ấy vừa được vang lên, thì không chỉ miệng anh nói được, mà cả hai tai anh cũng mở ra. Tai anh mở ra, để có thể nghe được những lời dạy của Thiên Chúa, để có thể nghe được những lời bảo ban của cha mẹ, cũng như nghe được những lời than thở thống thiết của những người khổ đau nghèo túng. Từ giờ phút này, anh đã là một người bình thường. Nghĩa là có thể nghe và nói được. Anh quay trở về cuộc sống, bước đi, nhưng vẫn không thể nào quên lời Chúa bảo anh: Hãy mở ra.
Câu hỏi:
1- Bạn đã sử dụng môi miệng của bạn, để nói những gì?
2- Tai của bạn, thường được để nghe điều gì nhiều? Lời Chúa, hay những lời vớ vẩn, tầm phào.
(Suy niệm của Lm Đaminh Đỗ Văn Thiêm - Trích trong ‘Tập San Tĩnh Tâm Giáo Phận Long Xuyên số 09/2012’)

Ngày 09
CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN
Thánh Phêrô Claver, linh mục


Khi một người bị thương, người đó đã khóa chặt mình trong đau khổ, anh ta không biết yêu hoặc không được yêu thương, Đức Kitô không chỉ nói bằng lời, Ngài đích thân gần gũi con người với tất cả sự trân trọng, Ngài cứu chữa anh. Với sự tế nhị yêu thương, Ngài thể hiện những nghĩa cử thật đơn giản, thân tình và mạnh mẽ.
Nếu Chúa Giêsu cũng tiếp nhận tôi, như vậy là Ngài đang hòa mình, để đưa tôi vào sự thân mật không kém sự đồng hóa mà Ngài đã chia sẻ với Chúa Cha. Khi Ngài nói với tôi: Hãy mở ra, Ngài mời gọi và chờ đợi tôi như chính Ngài trong sự cảm nhận tình yêu bao la của Thiên Chúa. Ngài cất khỏi lòng trí tôi mọi sợ hãi, mọi giới hạn đã ngăn chận tôi đón nhận sức mạnh tình yêu của Thiên Chúa. Ngài mời gọi tôi và làm cho tôi choáng ngợp bởi tình yêu Ngài. Một tình yêu mãnh liệt, nhưng không và thật bất ngờ.
Như vậy, trải nghiệm của tình yêu nảy sinh lời khen ngợi: Rất đỗi ngạc nhiên trước vẻ đẹp kỳ diệu của Thiên Chúa. Niềm vui được tỏa sáng dần dần trên hành trình cuộc đời, lưỡi tự mở ra. Đã hơn một lần có kinh nghiệm được chữa lành khi Chúa Kitô đến gặp gỡ tôi, "Ngài cảm thông nỗi đau của tôi , Ngài mang lại cho tôi cảm nghiệm sâu xa của sự cứu rỗi.

Denis Trinez 
9-9

Thánh Phêrô Claver

(1581-1654)
L
à người gốc Tây Ban Nha, Phêrô Claver -- một người trẻ thuộc dòng Tên -- đã từ bỏ quê nhà vĩnh viễn vào năm 1610 để trở nên nhà truyền giáo ở Tân Thế Giới. Ngài đi thuyền đến Cartagena (bây giờ thuộc Colombia), là một hải cảng sầm uất ở bờ biển Caribbean. Ngài thụ phong linh mục ở đây vào năm 1615.
Vào lúc đó, việc buôn bán nô lệ đã được thịnh hành ở Mỹ Châu khoảng 100 năm, và Cartagena là trung tâm. Hàng năm, có đến mười ngàn người nô lệ từ Tây Phi Châu đổ về hải cảng này sau khi vượt biển Atlantic trong những điều kiện tệ hại và bất nhân đến nỗi có đến một phần ba đã chết trong cuộc hành trình. Mặc dù việc buôn bán nô lệ bị Ðức Giáo Hoàng Phaolô III lên án và sau này Ðức Piô IX gọi là "hành động vô cùng ghê tởm", nhưng nó vẫn phát đạt.
Cha Alfonso de Sandoval, là một linh mục dòng Tên đã hy sinh cuộc đời để phục vụ người nô lệ ở đây trước khi Cha Phêrô Claver đến để tiếp tục công việc của ngài, và cha tự nhận mình là "người nô lệ muôn đời của người da đen."
Ngay sau khi thuyền chở người nô lệ cập bến, Cha Phêrô Claver đi xuống khoang thuyền hôi hám để giúp đỡ những người đau yếu và những hành khách khốn cùng. Sau khi người nô lệ bị lùa ra khỏi tầu và bị xích với nhau như đàn vật trong một khu đất có hàng rào để người ta chọn lựa, Cha Claver lại lẩn quẩn trong bọn họ để cung cấp thuốc men, thực phẩm, rượu, chanh và thuốc lá. Với sự giúp đỡ của thông dịch viên, ngài nói về giáo lý căn bản và đảm bảo các anh chị em của ngài về nhân phẩm và tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Trong 40 năm phục vụ, Cha Claver đã giảng dạy và rửa tội cho khoảng 300,000 người nô lệ.
Sứ vụ tông đồ của ngài không chỉ hạn hẹp trong việc săn sóc người nô lệ, ngài trở nên một người có uy quyền về luân lý, quả thật, ngài là tông đồ của Cartagena. Ngài rao giảng trong trung tâm thành phố, truyền giáo cho các thủy thủ và thương gia, và nếu có thể, ngài cố tránh né lòng quý mến của các nông gia và chủ nhân mà chỉ muốn sống trong các khu dành riêng cho người nô lệ.
Sau bốn năm bị bệnh khiến thánh nhân ngừng hoạt động và hầu như bị lãng quên, ngài chết ngày 8-9-1654. Ông toà của thành phố, trước đây rất khó chịu vì sự quan tâm của ngài đối với người da đen thấp hèn, đã ra lệnh chôn cất ngài với công quỹ và với nghi thức long trọng.
Ngài được phong thánh năm 1888, và Ðức Giáo Hoàng Leo XIII tuyên xưng ngài là quan thầy công việc truyền giáo cho người nô lệ da đen ở khắp nơi trên thế giới.

Lời Bàn

Quyền năng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần đã thể hiện trong hành động đáng khâm phục của Cha Phêrô Claver. Quyết định từ bỏ quê nhà không bao giờ trở lại cho thấy một ý chí phi thường thật khó cho người thời nay tưởng tượng nổi. Quyết tâm phục vụ những người bị bạc đãi, thấp hèn nhất trong xã hội là một hành động cực kỳ anh hùng của Thánh Phêrô Claver. Khi so sánh cuộc đời chúng ta với cuộc đời của một người như vậy, chúng ta mới thấy sự ích kỷ và sự hẹp hòi của chúng ta trước những nhu cầu của người khác, và chúng ta cần mở lòng ra cho sự tác động của quyền năng vô cùng của Thần Khí Ðức Giêsu.

Lời Trích

Thánh Phêrô Claver hiểu rằng việc phục vụ cụ thể như phân phát thuốc men, thực phẩm cho anh chị em da đen thì cũng hữu hiệu để loan truyền lời Chúa như rao giảng bằng lời nói. Như Thánh Phêrô Claver thường nói, "Chúng ta phải nói với họ bằng đôi tay trước khi nói với họ bằng miệng lưỡi của chúng ta."


Lectio: Chúa Nht XXIII Thường Niên (B)

Chúa Nht, 9 Tháng 9, 2012
Việc chữa lành người câm điếc
Chúa Giêsu ban trả lại cho người ta món quà ngôn luận
Mc 7:31-37

1.  Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.   Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn gốc của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo sự thinh lặng trong chúng con để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để, giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn gốc của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã gửi Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.

 2.  Bài Đọc

a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Phần phụng vụ của Chúa Nhật tuần này cho chúng ta thấy Chúa Giêsu chữa lành một người câm điếc trong miền đất Thập Tỉnh và được ca tụng bởi người dân ở đó:  “Người đã làm tất cả những việc tốt lành; thậm chí Người còn làm cho kẻ điếc được nghe và người câm được nói!”  Lời ca ngợi này được lấy cảm hứng từ một số đoạn trong sách tiên tri Isaia (Is 29:8-19; 35:5-6; 42:7) và cho thấy rằng người ta đã thấy trong Chúa Giêsu thời đại thiên sai đang đến.  Chính Chúa Giêsu đã dùng cùng một câu nói để trả lời cho các môn đệ của Gioan Tẩy Giả:  “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe:  người mù xem thấy, và … kẻ điếc được nghe” (Mt 11:4-5).
Các Kitô hữu tiên khởi đã dùng Kinh Thánh để làm sáng tỏ và giải thích những hành động và thái độ của Chúa Giêsu.  Họ đã làm điều này để bày tỏ đức tin của mình rằng Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai, Đấng đến để làm viên mãn lời hứa, và để có thể hiểu rõ hơn những gì Chúa Giêsu đã nói và làm trong một ít năm mà Người sống ở giữa họ tại miền đất Palestine.
b)  Phần phân đoạn văn bản để trợ giúp cho bài đọc:
Mc 7:31:  Lời mô tả địa lý:  Chúa Giêsu đang ở một nơi nào đó ngoài miền Giuđêa.
Mc 7:32:  Tình trạng của người đàn ông: câm và điếc.
Mc 7:33-34:   Cử chỉ của Chúa Giêsu trong việc chữa lành người câm và điếc.
Mc 7:35:  Kết quả của hành động chữa lành của Chúa Giêsu.
Mc 7:36:  Lời khuyên bảo phải giữ im lặng đã không được tuân theo.
Mc 7:37:  Lòng thán phục của dân chúng.
c) Tin Mừng:

31 Khi ấy, Chúa Giêsu từ địa hạt Tyrô, qua Siđôn, đến gần biển Galilêa giữa miền thập tỉnh. 32 Người ta đem một kẻ câm điếc đến cùng Người và xin Người đặt tay trên kẻ ấy. 33 Người đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh ta. 34 Đoạn ngước mặt lên trời, Người thở dài và bảo: "Effetha!" (nghĩa là "Hãy mở ra!"), 35 tức thì tai anh ta mở ra, và lưỡi anh ta được tháo gỡ, và anh nói được rõ ràng. 36 Chúa Giêsu liền cấm họ đừng nói điều đó với ai. Nhưng Người càng cấm, thì họ càng loan truyền mạnh hơn. 37 Họ đầy lòng thán phục mà rằng: "Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được!"
3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện:
Để Lời Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý:

Để giúp chúng ta trong phần suy gẫm cá nhân.

a)  Thái độ của Chúa Giêsu trước người bị câm điếc và đối với dân chúng ra sao?  Bạn hiểu như thế nào về các cử chỉ của Chúa Giêsu:  Người đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh ta, đoạn Người thở dài và bảo: “Ephphatha”?
b)  Làm thế nào chúng ta có thể hiểu được mối quan tâm của Chúa Giêsu khi đem người câm điếc khỏi đám đông?            
c)  Tại sao Chúa Giêsu cấm không cho loan truyền tin Chúa chữa lành?  Chúng ta hiểu việc người ta bất tuân lệnh cấm của Chúa Giêsu như thế nào?
d)  Những văn bản khác trong Tân Ước và Cựu Ước đã được bao hàm hay là tạo nên cơ sở cho đoạn Tin Mừng này?

5.  Dành cho những ai muốn đào sâu vào trong chủ đề

i)  Phần phụ chú về Tin Mừng Máccô

Mc 7:31:  Chúa Giêsu trong miền đất Thập Tỉnh.
Cảnh chữa lành người bị câm điếc ít được biết đến.  Máccô không ghi rõ rằng Chúa Giêsu đã ở đâu. Người ta chỉ hiểu rằng Người đang ở một nơi đâu đó bên ngoài Palestine, trong vùng đất dân ngoại, ngang một khu vực được gọi là Thập Tỉnh.  Thập Tỉnh theo nghĩa đen là Mười Thành Phố Thực ra, đây là khu vực của mười thành phố, vùng đông nam của xứ Galilêa, nơi dân chúng là dân ngoại và chịu ảnh hưởng của văn hóa Hy Lạp. 

Mc 7:32:  Người ta đem đến cùng Chúa một người đàn ông câm và điếc.
Mặc dù không ở ngay trên quê hương mình, Chúa Giêsu được biết đến như một người chữa lành các bệnh nhân.  Như vậy, người ta đem một kẻ câm điếc đến cùng Người.  Đây là kẻ không thể thông tri với những người khác được.  Anh là hình ảnh của nhiều người ngày nay sống như khối thể chất ở những đô thị lớn trong sự cô đơn hoàn toàn, không có bất kỳ khả năng thông tri nào. 

Mc 7:33-34:   Một loại chữa lành khác biệt.
Một cách chữa lành thật khác biệt.  Mọi người đã nghĩ rằng Chúa Giêsu sẽ chỉ cần đặt tay lên người bệnh.  Nhưng Chúa Giêsu đi vượt quá lời yêu cầu của họ và đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay của Người vào của anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh ta, đoạn ngước mắt lên trời, Người thở dài và bảo:  “Ephphatha” có nghĩa là “Hãy mở ra!”  Ngón tay để vào trong tai gợi nhớ lại lời thốt lên của các thày phù thủy ở đất Ai Cập:  “Đây là ngón tay Thiên Chúa!” (Xh 8:15) và cũng là lời của tác giả Thánh Vịnh: “Chúa… đã mở tai con!” (Tv 40:7).  Việc bôi nước miếng vào lưỡi đem lại khả năng nói chuyện.  Vào thời gian ấy, người ta nghĩ rằng nước bọt có công hiệu chữa bệnh.  Ngước mắt lên trời nói rằng việc chữa lành thì từ Thiên Chúa.  Tiếng thở dài là một thái độ của cầu khẩn.  

Mc 7:35:  Kết quả của việc chữa lành
Ngay lập tức, đôi tai của người điếc được mở ra, lưỡi anh ta được tháo gỡ và anh nói được rõ ràng. Chúa Giêsu mong muốn rằng mọi người hãy mở đôi tai và tháo lỏng lưỡi của họ!  Ngày nay cũng vậy! Tại nhiều nơi, bởi vì thái độ độc đoán dựa trên phần thần quyền, người ta đã bị im tiếng và không được nói.  Thật là rất quan trọng để cho mọi người khôi phục lại khả năng ngôn luận trong Giáo Hội để bày tỏ các trải nghiệm của họ với Thiên Chúa và do đó làm phong phú cho tất cả, kể cả bậc giáo sĩ.

Mc 7:36:  Chúa Giêsu không muốn cho thiên hạ biết
Chúa Giêsu cấm họ đừng kể lại với ai những gì xảy ra.  Tuy nhiên, có một sự quan trọng quá mức kèm theo trong Tin Mừng Máccô về việc cấm truyền bá tin tức việc chữa lành, làm như Chúa Giêsu có một bí mật cần phải dấu kín.  Thật ra, đôi khi Đức Giêsu bảo dân chúng đừng loan tin về việc chữa lành (Mc 1:44; 5:43; 7:36; 8:26).  Người yêu cầu sự im lặng, nhưng lại nhận được tác dụng ngược lại.  Người càng cấm thì Tin Mừng càng loan truyền (Mc 1:28,45; 3:7-8; 7:36-37).  Mặt khác, nhiều lần, trong hầu hết trường hợp, Chúa Giêsu đã không yêu cầu sự im lặng khi liên quan đế một phép lạ.  Có lần thậm chí Người còn bảo đi thuật lại cho mọi người biết (Mc 5:19).  

Mc 7:37:  Lòng thán phục của dân chúng.
Tất cả mọi người đều đầy sự thán phục và nói:  “Người đã làm mọi sự tốt đẹp!” (Mc 7:37).  Lời nói này nhắc nhớ lại việc tạo dựng trời đất:  “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!” (St 1:31).  Bất chấp sự ngăn cấm, những người đã chứng kiến việc chữa lành bắt đầu công bố những gì họ đã nhìn thấy, bày tỏ Tin Mừng trong hình thức ngắn gọn:  “Người đã làm mọi sự tốt đẹp!”  Thật là vô ích mà ngăn cấm họ nói.  Quyền năng bên trong của Tin Mừng là chính tự nó loan truyền lấy!  Ai đã trải nghiệm với Chúa Giêsu, phải nói cho những người khác nghe, cho dù họ có muốn hay không!

ii)  Tài liệu về những phân đoạn trong Tin Mừng Máccô:

Chìa khóa thứ nhất:  Tin Mừng Máccô được viết để được đọc lên và lắng nghe chung trong cộng đoàn.
Khi một quyển sách được đọc một mình, người ta luôn có thể lật trở lại, ghép nối điều này với điều kia. Nhưng trong khi cùng với cộng đoàn và một người đang đọc Phúc Âm trước sự hiện diện của mọi người, người ta không thể la lên:  “Khoan đã! Hãy đọc lại lần nữa! Tôi chưa hiểu rõ lắm!”  Đối một quyển sách được viết ra để được lắng nghe trong các dịp cử hành chung với cộng đoàn, thì nó phải được bố cục khác với những quyển sách được viết để cho người ta đọc một mình.
Chìa khóa thứ hai:  Tin Mừng của Máccô là một câu chuyện kể
Một câu chuyện kể thì giống như một dòng sông.  Đi xuôi dòng sông trong một chiếc ghe, người ta không nhận thức được các phân rẽ trong nước.  Dòng sông không có những phân rẽ!  Nó được tạo bởi một dòng nước chảy mà thôi, từ thượng nguồn cho tới hạ nguồn.  Trong dòng sông, những phân rẽ, được tạo nên bởi các bờ sông.  Ví dụ, người ta có thể nói rằng:  “Cảnh thật tuyệt đẹp của dòng sông là từ căn nhà đến khúc quanh nơi có cây dừa và sau đó thì rẽ làm ba khúc quanh khác nhau”.  Thế mà người ta không thể thấy được những phân rẽ trong nước.  Lời thuật chuyện của Máccô chảy như một dòng sông. Người nghe bắt gặp những nhánh rẽ của nó dọc theo bờ sông, đó là, ở những nơi mà Chúa Giêsu đi qua, trong những người mà Chúa gặp gỡ, trên đường phố mà Người rảo qua.  Những dấu chỉ bên lề giúp cho người nghe không bị lạc giữa những rất nhiều lời nói và các hoạt động của Chúa Giêsu và về Người.  Khuôn khổ địa lý giúp người đọc đồng hành với Chúa Giêsu, từng bước một, từ miền Galilêa đến thành Giêrusalem, từ biển hồ lên đến đồi Canvê.

Chìa khóa thứ ba:  Tin Mừng của Máccô được soạn để được đọc trong một lúc
Đây là những gì người Do Thái đã làm với những sách tóm lược Cựu Ước.  Lấy ví dụ, trong đêm Phục Sinh, họ đọc tất cả các sách Nhã Ca.  Một số học giả có ý kiến cho rằng Phúc Âm của Máccô được viết để được đọc toàn bộ trong đêm canh thức vọng Phục Sinh.  Giờ đây, để cho người nghe khỏi bị mệt mỏi, bài đọc phải được chia ra thành những đoạn, những chỗ tạm dừng.  Bởi vì, khi câu chuyện kể dài, như trường hợp của Tin Mừng Máccô, bài đọc phải được ngắt quãng khá thường xuyên.  Cần phải có những lúc tạm dừng.  Nếu không người nghe sẽ bị loãng.  Tác giả của câu chuyện kể đã chuẩn bị những lúc tạm dừng này.  Chúng được đánh dấu bởi những đoạn tóm tắt, giữa hai bài đọc dài.  Những đoạn tóm tắt này giống như những đoạn chuyển tiếp (bản lề) thu thập những gì đã được đọc trước và mở đường cho những gì sẽ tiếp theo sau đó.  Chúng cho phép người kể chuyện dừng lại và lại tiếp tục mà không làm gián đoạn trình tự của câu chuyện.  Chúng giúp cho người nghe tự đặt mình trong dòng sông của câu chuyện đang trôi.  Tin mừng của Máccô có một số đoạn tạm dừng này, cho phép chúng ta khám phá và lần theo chủ đề Tin Mừng của Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã mặc khải và Máccô kể cho chúng ta.  Tổng quát có bảy bài đọc dài, được xen kẽ với những bản tóm tắt ngắn hoặc bài chuyển tiếp, đó là nơi có thể làm tạm dừng.
Dựa trên ba chìa khóa này, bây giờ chúng ta giới thiệu một phân đoạn của Tin Mừng Máccô.  Người ta chia sách Tin Mừng này theo những cách khác nhau.  Mỗi cách có một sắc thái riêng và giá trị của nó. Giá trị của bất cứ một phân đoạn nào là nó mở ra một số phương cách để đi vào văn bản, để giúp chúng ta khám phá một cái gì đó về Tin Mừng của Thiên Chúa và để nhận thức được cách thức Chúa Giêsu mở ra một đường hướng cho chúng đến với Thiên Chúa và tha nhân.

Lời Giới Thiệu:  Mc 1:1-13:  Khởi đầu Tin Mừng
Chuẩn bị sự công bố
Bài tóm tắt:  Mc 1:14-15

Bài đọc thứ nhất:  Mc 1:16 – 3:16:  Sự tăng triển của Tin Mừng
Cuộc xung đột xuất hiện
Bài tóm tắt:  Mc 3:7-12

Bài đọc thứ hai:  Mc 3:13 – 6:6:  Cuộc xung đột tăng triển
Mầu nhiệm xuất hiện
Bài tóm tắt:  Mc 6:7-13

Bài đọc thứ ba:  Mc 6:14 – 8:21: Sự  tăng triển của mầu nhiệm
Sự hiểu lầm xuất hiện
Bài tóm tắt:  Mc 8:22-26                                            

Bài đọc thứ tư:  Mc 8:27 – 10:45:  Sự hiểu lầm tăng triển
Ánh sáng tối tăm của Thập Giá xuất hiện
Bài tóm tắt:  Mc 10:46-52
                                                                                   
Bài đọc thứ năm:  Mc 11:1 – 13:32:   Ánh sáng tối tăm của Thập Giá tăng triển
Sự òa vỡ và cái chết xuất hiện
Bài tóm tắt:  Mc 13:33-37
                                                                                   
Bài đọc thứ sáu:  Mc 14:1 – 15:39:  Sự òa vỡ và cái chết tăng triển
Chiến thắng sự chết xuất hiện
Bài tóm tắt:  Mc 15:40-41
                                                                                   
Phần kết:  Mc 15:42 – 16:20:  Chiến thắng sự chết tăng triển
Sự tái xuất hiện của Tin Mừng

Trong việc phân đoạn này, các tiêu đề thật là quan trọng. Chúng cho thấy đường lối của Chúa Thánh Thần, về sự linh ứng, trải qua toàn bộ Tin Mừng.  Khi một nhà nghệ sĩ có một nguồn cảm hứng, người ấy cố gắng thể hiện nó trong một tác phẩm nghệ thuật.  Một bài thơ hay một bức tranh được tác tạo gói trọn trong nguồn cảm hứng ấy.  Sự linh ứng giống như một dòng điện chạy qua dây điện một cách vô hình và thắp sáng bóng đèn trong nhà chúng ta.  Cũng cùng một cách tương tự nguồn cảm hứng chạy một cách vô hình qua những dòng chữ của bài thơ hoặc hình thể của bức tranh để tỏ lộ hoặc thắp sáng trong chúng ta một ánh sáng tương tự hoặc gần giống như vậy đã được chiếu giải trong tâm hồn người nghệ sĩ.  Đây là lý do tại sao các công trình nghệ thuật thu hút chúng ta đến như vậy.  Điều tương tự cũng xảy ra khi chúng ta đọc và suy niệm về Tin Mừng của Máccô.  Cùng một Chúa Thánh Thần hoặc Nguồn Linh Hứngđã thúc đẩy Máccô viết lên văn bản, tiếp tục hiện diện trong những dòng chữ Tin Mừng của ông.  Qua việc đọc chăm chú và cầu nguyện sách Tin Mừng, Chúa Thánh Thần tác động và bắt đầu hoạt động trong chúng ta.  Và như vậy, dần dần, chúng ta khám phá ra dung nhan của Thiên Chúa được mặc khải trong Đức Giêsu và Máccô chuyển đạt đến chúng ta trong sách của ông.

6.  Cầu nguyện với Thánh Vịnh 131
Cậy trông vào Chúa như trẻ thơ

Lòng con chẳng dám tự cao,
mắt con chẳng dám tự hào, CHÚA ơi!
Đường cao vọng, chẳng đời nào bước,
việc diệu kỳ vượt sức, chẳng cầu;
hồn con, con vẫn trước sau
giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình.
Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ,
trong con, hồn lặng lẽ an vui.
Cậy vào CHÚA, Israel ơi,
từ nay đến mãi muôn đời muôn năm.

7.  Lời Nguyện Kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha.  Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực hành Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Nguyện xin chúng con, trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa.  Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét