Trang

Thứ Năm, 30 tháng 1, 2014

01-02-2014 (Mồng Hai Tết) : KÍNH NHỚ TỔ TIÊN VÀ ÔNG BÀ CHA MẸ

01-02-2014 (Mồng Hai Tết) : KÍNH NHỚ TỔ TIÊN VÀ ÔNG BÀ CHA MẸ


Mồng Hai Tết - Kính nhớ Tổ Tiên và Ông Bà Cha Mẹ

Hc 44,1.10-15; Tv 127; Ep 6,1-4.18-23; Mt 15,1-6.

Bài đọc 1                                Hc 44,1.10-15

         Giờ đây, chúng ta hãy ca ngợi những vị danh nhân,
            cũng là cha ông của chúng ta qua các thế hệ.
10        Nhưng các vị sau đây là những người đạo hạnh,
            công đức của các ngài không chìm vào quên lãng.
11        Dòng dõi các ngài luôn được hưởng một gia tài quý báu
            đó là lũ cháu đàn con.
12        Dòng dõi các ngài giữ vững các điều giao ước ;
            nhờ các ngài, con cháu cũng một mực trung thành.
13        Dòng dõi các ngài sẽ muôn đời tồn tại,
            vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ.
14        Các ngài được mồ yên mả đẹp
            và danh thơm mãi lưu truyền hậu thế.
15        Dân dân sẽ kể lại đức khôn ngoan của các ngài
            và cộng đoàn vang tiếng ngợi khen.



Đáp ca                                    Tv 127,1-2.3.4-5a.5b-6 (Đ. c. 1)

Đáp :  Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa,
            ăn ở theo đường lối của Người.

1          Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa,
            ăn ở theo đường lối của Người.
         Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng,
            bạn quả là lắm phúc nhiều may.                                   Đ.

         Hiền thê bạn trong cửa trong nhà
            khác nào cây nho đầy hoa trái ;
            và bầy con tựa những cây ô-liu mơn mởn,
            xúm xít tại bàn ăn.                                                        Đ.

         Đó chính là phúc lộc
Chúa dành cho kẻ kính sợ Người.
5a        Xin Chúa từ Xi-on
xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc.                              Đ.

5b        Ước chi trong suốt cả cuộc đời
            bạn được thấy Giê-ru-sa-lem phồn thịnh,
         được sống lâu bên đàn con cháu.
            Nguyện chúc Ít-ra-en vui hưởng thái bình.                  Đ.



Bài đọc 2                                Ep 6,1-4.18-23

Thưa anh em, kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa : để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này. Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy.
18 Theo Thần Khí hướng dẫn, anh em hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi. Để được như vậy, anh em hãy chuyên cần tỉnh thức và cầu xin cho toàn thể dân thánh. 19 Anh em cũng hãy cầu xin cho tôi nữa, để khi tôi mở miệng nói, thì Thiên Chúa ban lời cho tôi, hầu tôi mạnh dạn loan báo mầu nhiệm của Tin Mừng ; 20 tôi là sứ giả của Tin Mừng này cả khi tôi đang bị xiềng xích. Anh em hãy cầu xin cho tôi để khi rao giảng Tin Mừng tôi nói năng mạnh dạn, như bổn phận tôi phải nói.
21 Anh Ty-khi-cô, người anh em yêu quý của tôi và là người trung thành phục vụ Chúa, sẽ cho anh em mọi tin tức, để cả anh em nữa cũng biết tôi ra sao, và tôi đang làm gì.22 Tôi phái anh đến với anh em vì mục đích ấy, để anh em được biết hiện tình của chúng tôi, và để anh khích lệ tâm hồn anh em.
23 Nguyện xin Thiên Chúa là Cha, và nguyện xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ơn bình an và lòng mến cùng với lòng tin.



Tung hô Tin Mừng                Tv 111,1-2

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. 
            Hạnh phúc thay, người kính sợ Chúa,
            những ưa cùng thích mệnh lệnh Chúa truyền ban.
            Trên mặt đất, con cháu của họ sẽ hùng cường,
            dòng dõi kẻ ngay lành được Chúa thương giáng phúc.
Ha-lê-lui-a.



Tin Mừng                                Mt 15,1-6

Bấy giờ có mấy người Pha-ri-sêu và mấy kinh sư từ Giê-ru-sa-lem đến gặp Đức Giê-su và nói rằng : 2 “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa ?” Người trả lời : “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa ? Quả thế, Thiên Chúa dạy : Ngươi hãy thờ cha kính mẹ ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo : ‘Ai nói với cha với mẹ rằng : những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa’. Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa.



            Chuyện xảy ra ở hành lang một bệnh viện. Cô con dâu nhăn mặt nói với chồng: “ở nhà đủ thứ phải lo, làm sao mà vô trong đây hầu ba được? Anh nói cô Năm hay cô Bảy ở không thì chia nhau vô chăm sóc ba “. Anh con trai chưa kịp trả lời thì có lẽ cô Năm hay cô Bảy gì đó đã cong môi phản đối: ” Tui cũng có đủ thứ chuyện để lo chứ bộ, quên tui đi”. Một cậu con trai khác cau cau lông mày: “Nói chung là ai cũng bận hết, với lại ba mắc bệnh lây nhiễm, vô hầu ba rồi lỡ bị lây thì làm sao ?”. Cô con dâu trưởng phán một câu: “Thôi khỏi bàn tán gì hết, mướn người nuôi là xong chuyện”.

            Tất nhiên sau đó, sự việc xảy ra đúng như hoạch định của họ. Một phụ nữ khỏe mạnh, có dáng vẻ nông dân đang nuôi một người bệnh nằm giường bên cạnh ông cụ đã chủ động đề nghị nuôi bệnh cho ông cụ luôn. Công việc tỉ mỉ, cần sự chu đáo, từ việc cho uống sữa, uống thuốc đến thay quần áo, lau người, nhưng chị vẫn làm với sự chăm chút, không để lộ bất cứ thái độ ghê tởm nào, lại còn có vẻ hiền hậu, dịu dàng như con đối với cha mẹ.

            Trong lúc ấy, có lẽ yên tâm vì cha đã có người chăm sóc, đám con trai, con gái, dâu, rể hơn một chục người của ông cụ thỉnh thoảng mới lượn qua như một luồng gió nhẹ. Tiếc thay, sự chăm chút của chị phụ nữ không kéo dài bao lâu, chỉ hơn một tuần sau là ông cụ đã qua đời. Con cái, cháu chắt ông kéo vào mới đông chứ. Họ khóc lóc khá ồn ào nhưng vẫn bình tĩnh chỉ huy việc khâm liệm ông cụ, và ở hành lang lại xảy ra một cuộc cãi vã xem người nào phải chi nhiều nhất cho đám tang ?… Anh con trai trưởng cầm một xấp tiền đến trả cho chị phụ nữ đã nuôi bệnh cha mình. Hai mắt đỏ hoe, chị trả lời: ” Tôi nuôi cụ ấy vì thấy xót xa cho cụ có lắm con nhiều cháu mà chẳng ai đoái hoài, chứ tôi có làm cái nghề này đâu mà lấy tiền ?”.

            Đám người đang khóc mếu, cãi nhau… đột nhiên im bặt. Rồi từng người một lẻn ra ngoài…

            Đúng là “một mẹ nuôi được 10 con nhưng 10 con lại không nuôi được một mẹ”. Cho dù câu ca dao xưa dạy rằng:

Đói lòng ăn hột chà là
Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng

            Thế nhưng, lời dạy ấy dường như chỉ dừng lại nơi môi miệng mà rất khó mang ra thực hành. Dẫu biết rằng đi khắp thế gian cũng không có tình nghĩa nào cao sâu cho bằng tình cha tình mẹ yêu con. Dẫu biết rằng không ở đâu có tình yêu chân thành cao cả như tình cha mẹ yêu con.

Con đi khắp vạn nẻo đường
Giờ con mới hiểu tình thương mẹ hiền
Người con yêu quý nhất trên đời
Chính là mẹ đó tuyệt vời tình sâu

            Ngày xuân con cái sum vầy bên cha mẹ không chỉ để nhận phong bao lì xì hay chỉ để kính biếu các ngài đồng quà tấm bánh mà quan yếu là để nhận sự chúc lành của các ngài, để nói lời cám ơn các ngài và tỏ tâm tình tri ân về tình yêu thẳm sâu mà các ngài dành cho con cháu. Ngày xuân là dịp để con cháu thổ lộ chữ hiếu dành cho các bậc sinh thành. Đây là dịp để nói lên tấm lòng chân tình tri ân dâng lên bậc sinh thành:

Tạ ơn cha đã cho con nhìn thấy
Núi rất cao và biển rất tuyệt vời
Tạ ơn mẹ, đã cho con hơi thở
Và trái tim nhân ái làm người

            Đây là dịp con cái biểu lộ chữ hiếu qua những hành vi không chỉ dâng hương kính bậc tổ tiên mà còn khiêm cung cúi mình kính lạy các bậc sinh thành.

Lạy thứ nhất con kính mừng tuổi mẹ
Phong sắc hồng hào tâm thể khang an
Những lo toan cơm áo chẳng dễ dàng
Nên quá ít thời gian hầu cận mẹ

Lạy thứ hai xin tạ lòng trời bể
Ơn sinh thành dưỡng dục kể sao khuây
Mỗi lần xuân con cháu tụ về đây
Mừng tuổi mẹ kính dâng thêm một tay

            Như thế, mùa xuân còn là mùa của đoàn tụ, của sum họp. Mùa xuân không chỉ có không gian rạng ngời mà lòng người cũng tràn ngập niềm vui vì có nghĩa tình đằm thắm của tình cha mẹ, ông bà, anh em một nhà sum vầy bên nhau. Ước chi mùa xuân mãi ở lại đây để tình nghĩa gia đình mãi hòa hợp  yêu thương, để con cháu mãi sum vầy bên cha mẹ và anh em hòa hợp bên nhau.

            Xin Chúa làm chủ thời gian xin ban cho nhân gian một mùa xuân hạnh phúc sum vầy bên nhau. Xin Chúa xuân chúc lành cho những ngày sum họp gia đình được đằm thắm yêu thương. Amen
Lm.Jos. TẠ DUY TUYỀN


EM ƠI MÙA XUÂN ĐẾN RỒI ĐÓ

Em ơi mùa xuân đến rồi đó, thắm đỏ ngàn hoa sắc mặt trời”. Nhạc sĩ Trần Chung viết ca khúc mùa xuân với giai điệu vui tươi như nhịp bước réo rắt. Lời ca ngân vang nghe rộn rã mùa xuân đến.

Những ngày giáp Tết, Thành phố Phan Thiết chộn rộn, đường phố tràn ngập những hoa là hoa, đủ màu đủ loại. Người dân đua nhau đi ngắm hoa. Chỉ cần tạt ngang những con phố ngập sắc hoa, chỉ cần chen cùng dòng người bước trong ánh đèn đêm giăng mắc là cảm thấy vui tươi, yêu người yêu đời. Sắc xuân bừng lên rực rỡ. Quất vàng, đào thắm, mai vàng cùng với muôn màu của lay ơn, thược dược, huệ, lan, cúc, vạn thọ… theo người, theo xe tạo thành dòng chảy sắc hương tỏa về khắp nẻo đường thôn quê phố thị.

Mùa Xuân của Đất của Trời, của vạn vật cỏ hoa khoe sắc thắm tươi. Mùa Xuân là mùa của hoa. Hoa đủ dáng vẻ, lắm sắc màu. Những bông hoa góp phần làm thành nét đẹp của ngày Tết. Hoa đua nhau khoe sắc, rộ nở như ganh đua với nắng vàng rực rỡ của mùa Xuân.

Mùa Xuân mới đang về. Xuân Giáp Ngọ, Xuân Gia Đình Giáo Hội Việt Nam 2014. Xuân đem hy vọng đến. Xuân đẩy lui mây xám cuộc đời. Những rủi ro, Xuân mang đi. Điều may mắn, Xuân chở về. Xuân tặng mỗi nhà một cành Mai may mắn, một cành Đào thủy chung. Bó hoa niềm vui, Xuân trao tất cả. Cành lá phúc lộc, Xuân gởi tặng không. Trái tim băng giá, Xuân hâm cho nóng lại. Ánh mắt hận thù, Xuân nhỏ giọt yêu thương. Xuân kết chặt bàn tay nhân loại, để truyền cho nhau hơi ấm tình người. Đôi môi con người, Xuân điểm hoa cười, để mọi người cùng sống niềm hy vọng một năm mới Giáp Ngọ hạnh phúc hơn, ấm no hơn, yêu thương nhau hơn.

Xuân về Tết đến. Mọi người có dịp để thể hiện tình yêu thương nhau. Gia đình sum họp, tưởng nhớ Ông Bà Tổ Tiên, thăm viếng bạn bè người thân làng xóm. Con người rộng rãi, phóng khoáng hơn ngày thường từ cách bài biện trong nhà cho đến giao tiếp ứng xứ với nhau. Nhẹ nhàng thanh lịch như tình xuân ấm áp.

Xuân về Tết đến là dịp để mọi người Việt Nam tưởng nhớ, tri tâm tổ tiên, nguồn cội; giao cảm nhân sinh trong quan hệ đạo lý “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” và tình làng nghĩa xóm.

Ông Táo hay thần bếp là người mục kích việc làm ăn của mọi nhà. Theo tập tục hàng năm, ông Táo phải thu xếp lên trời vào ngày 23 tháng chạp để tâu bày mọi việc dưới trần thế với Ngọc Hoàng. Bởi thế nên trong ngày này, thường thì gia đình người Việt làm mâm cơm đạm bạc tiễn đưa "ông Táo". Ngày ông Táo về chầu trời được xem như ngày đầu tiên của Tết Nguyên Đán. Sau khi tiễn đưa, người ta bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, lau chùi đồ cúng ông bà tổ tiên, treo tranh, câu đối, rồi cắm hoa ở những nơi trang trọng để chuẩn bị đón Tết.

Cùng với tranh, hoa quả là yếu tố tinh thần cao quý thanh khiết của người Việt Nam trong những ngày đầu xuân. Miền Bắc có hoa Đào, miền Nam có hoa Mai. Hoa Đào, hoa Mai tượng trưng cho phước lộc đầu xuân của mọi gia đình. Ngoài cành Đào, cành Mai, mấy ngày Tết người ta còn "chơi" thêm cây Quất chi chít trái vàng mọng, đặt ở phòng khách như biểu tượng cho sự sung mãn, may mắn, hạnh phúc...

Xuân về Tết đến, trên bàn thờ tổ tiên của mọi gia đình, ngoài các thứ bánh trái đều không thể thiếu mâm ngũ quả. Mân ngũ quả ở miền Bắc thường gồm có nải chuối xanh, quả bưởi, quả cam hoặc quít, hồng, quất. Ở miền Nam, mâm ngũ quả là dừa xiêm, mãng cầu, đu đủ, xoài xanh, nhành sung hoặc một loại trái cây khác. Ngũ quả là lộc của trời, tượng trưng cho ý niệm khát khao của con người vì sự đầy đủ, sung túc.

Xuân về Tết đến, dân tộc Việt nam có nhiều thuần phong mỹ tục như khai bút, khai canh, hái lộc, xông nhà, chúc tết, mừng tuổi, du xuân, mừng thọ. Ai cũng hy vọng một năm mới tài lộc dồi dào, làm ăn thịnh vượng, mạnh khoẻ, thành đạt hơn năm cũ.

Các Xứ Đạo tổ chức hái Lộc Thánh Đêm Giao Thừa hoặc Sáng Mồng Một Tết. Gia đình Phật Tử hay bên Lương đi hái lộc ở chốn đình chùa, nơi tôn nghiêm về nhà, tự xông nhà hay dặn trước người "nhẹ vía" mà mình thích đến xông nhà. Nhiều người không tin tục xông nhà nhưng cũng dè dặt, chưa dám đến nhà ai sớm, sợ trong năm mới gia đình người ta xảy ra chuyện gì không hay lại đổ tại mình "nặng vía".

Sau giao thừa có tục mừng tuổi chúc Tết. Trước hết con cháu mừng tuổi ông bà cha mẹ. Ông bà cũng chuẩn bị ít tiền để mừng tuổi con cháu trong nhà và con cháu hàng xóm láng giềng, bạn bè thân thích. Lời chúc tết thường là dồi dào Ơn Chúa, hạnh phúc, sức khoẻ, phát tài phát lộc. Những người năm cũ gặp rủi ro thì động viên nhau "tai qua nạn khỏi" hay "của đi thay người", nghĩa là trong cái hoạ cũng tìm thấy cái phúc, hướng về sự tốt lành. Nhưng nhìn chung trong những ngày đầu năm, người ta thường kiêng không nói tới điều rủi ro hoặc xấu xa.

Ngày Tết có biếu quà cho nhau để tỏ ân nghĩa tình cảm. Học trò tết thầy giáo, bệnh nhân tết thầy thuốc, con rể tết cha mẹ vợ... Quà biếu, quà tết không đánh giá theo giá thị trường mà là tấm lòng dành cho nhau.

Vào dịp đầu xuân, con cháu thường tổ chức mừng thọ lục tuần, thất tuần, bát tuần, cửu tuần cho Ông Bà Cha Mẹ. Ngày Tết ngày Xuân là dịp mọi người dành thời gian cho nhau, con cháu tụ tập đông vui bên gia đình dòng tộc.

Cũng vào dịp đầu Xuân, người có chức tước khai ấn, học trò, sĩ phu khai bút, nhà nông khai canh, người buôn bán mở hàng lấy ngày. Sĩ, Nông, Công, Thương "Tứ dân bách nghệ" của dân tộc vốn cần cù, ai cũng muốn năm mới vận hội hành thông, làm ăn suôn sẻ.

Người Kitô hữu quan niệm Xuân về Tết đến là Hồng Ân Chúa ban.

Hồng Ân vì đó là cơ hội cho con người sống tâm tình tri ân, cảm tạ. Ngày đầu năm mới, con người hướng về Thiên Chúa, Đấng là cội nguồn của vũ trụ, cùng đích của muôn loài, hướng về để tạ ơn, ngợi khen và chúc tụng. Tạ ơn vì một năm đi qua trong ân sủng, tình yêu và bình an. Tạ ơn vì tình yêu đó vẫn tuôn tràn trên đời sống con người. Tạ ơn bằng việc dâng lên Thiên Chúa tất cả những thành công và những thất bại của một năm qua, cũng như trao phó vào tay Ngài năm mới sắp tới. Lời tạ ơn đầu năm sẽ được tiếp nối và kéo dài suốt cả hành trình đời người.

Hồng Ân vì đó là cơ hội để con người có thể dừng lại, dù chỉ là những khoảnh khắc ngắn ngủi, nhưng thật hữu ích trên hành trình cuộc sống đầy những biến động, những bận tâm, những tính toán để mưu sinh. Dừng để nhìn lại một năm đã qua, cái gì tôi đã làm được cho bản thân, cho cộng đồng, cho xã hội, cái gì tôi cần phải khắc phục, biến đổi, cái gì cần phải phát triển, nhân lên…Dừng lại cũng là để chuẩn bị cho hành trình sắp tới, chuẩn bị để cho những dự tính trong tương lai được sáng sủa hơn, vững chắc hơn.

Hồng Ân vì đó là một cơ hội để con người trở về nguồn. Mỗi người đều có nguồn cội, tổ tiên, mỗi người đều có một truyền thống vốn được kết dệt từ cha ông tổ tiên. Suốt một năm dài, vì công việc, học hành, những lo toan khác do cuộc sống đưa đến, người ta ít có cơ hội để nhớ về cội nguồn và truyền thống. Ngày đầu năm mới, mọi người sắp xếp để trở về, gia đình sum họp đông đủ. Mọi người thắp nén hương cho tổ tiên, cho những người quá cố. Con cháu chúc tuổi ông bà, cha mẹ…Gia đình quây quần bên mâm cơm, cùng ôn lại truyền thống, cùng chia sẻ cho nhau những tình cảm, những suy nghĩ, thật ấm cúng, thật thân thương.

 Hồng Ân vì đó là một cơ hội để con người gặp gỡ, chia sẻ. Ngày đầu năm, người ta dành thời gian để đi thăm nhau, gặp gỡ nhau, trao cho nhau những lời chúc tốt đẹp, chân thành, những nụ cười thiện cảm. Đó là dịp để làm lớn mạnh tình người, làm đậm đà tình làng nghĩa xóm, và làm lớn lên cái nhạy bén với những nhu cầu của tha nhân.

Hồng Ân vì đó là cơ hội để con người cật vấn mình. Tết chính là cái “cột mốc” làm cho người ta nhận ra cuộc đời đang trôi đi, thời gian đang qua mau. Cứ mỗi khi thêm một cái Tết, người ta thấy mình già hơn, và thời gian phía trước như rút ngắn lại. Có người nói: “Tổng số quá khứ và tương lai của một đời người là một hằng số”, thêm vào quá khứ thì giảm bớt tương lai. Có lẽ vì vậy mà khi sống tâm tình những ngày Tết, người ta cũng giật mình về quãng đời đã qua, và nảy sinh nơi người ta cái thao thức về ý nghĩa cuộc đời, cật vấn về bản thân mình, về thái độ sống của mình, “vì thời gian đang qua mau, tôi đã tận dụng nó như thế nào hay tôi để nó trôi qua một cách uổng phí.” .(x.Sequela Christi Số 2).

Người Việt nam Công Giáo gìn giữ những nét đẹp văn hoá của ngày Tết cổ truyền và làm cho những nét đẹp ấy thành những trang Tin Mừng sống động. Khi sống tâm tình biết ơn trong ngày Xuân về Tết đến là chúng ta sống lòng tri ân sâu xa vì nhìn thấy ơn Chúa ban qua mọi ân huệ nhận được. Khi cho đi trong ngày Tết là chúng ta cho đi với tâm tình yêu mến, kính trọng thực sự. Khi đón tiếp khách thăm viếng là chúng ta như đón tiếp chính Chúa viếng thăm.

Sống tinh thần Tin Mừng trong những phong tục ngày Tết, người Kitô hữu góp phần xây dựng một mùa Xuân mới, một mùa Xuân dân tộc, một mùa Xuân tình thương. Mùa Xuân tươi đẹp sẽ dẫn đến Mùa Xuân Nước Trời.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An


Đừng lo, năm Giáp Ngọ

Những ngày trước Tết, qua trang Tin nhanh (VnExpress), người ta đọc được nỗi lắng lo của đủ mọi thành phần xã hội.

Nào là của công nhân phải xếp hàng rồng rắn lâu giờ đợi chờ mua vé tàu về quê ăn tết; nào là của địa phương như Phú Yên dẫu trúng mùa vẫn lo xa xin trung ương hỗ trợ lúa gạo. Xí nghiệp này phải lo tiền thưởng Tết; nhà vườn kia thấy trời rét lo hoa không nở làm sao kịp bán vụ mùa. Và cũng có nỗi lo của các vị lãnh đạo xã hội, mong sao cho mọi nhà có cái Tết bình yên, cả trong lãnh vực vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông lẫn lãnh vực an ninh xã hội. Tất cả đều là những nỗi lo chính đáng.

Nhưng hôm nay, mồng một Tết, Chúa Giêsu lại bảo "đừng lo", như thể cứ thoải mái ăn Tết đi, rồi tự nhiên sẽ có tất cả. Chắc chắn không phải thế. Vậy phải hiểu lời "đừng lo" của Chúa Giêsu ở đây thế nào? Có nhiều cấp độ:

1. Ở cấp độ thực tiễn

"Đừng lo" không phải là không lo gì, mà là đừng lo vu vơ, nhưng biết lo những gì đáng phải lo và biết lo liệu sao cho những điều đó có thể được thực hiện. Thật vậy, khác xa thái độ "vô ăn vô lo" của trẻ thơ và càng khác nữa thái độ của những kẻ chỉ biết một việc làm là "làm biếng", lời "đừng lo" của Chúa Giêsu gợi lên thái độ sống tích cực ngay từ việc nhận thức về trách nhiệm đến việc lượng giá tình hình điều kiện cũng như việc sắp xếp thực thi. Muốn có vụ thanh long bội thu không phải chỉ làm cọc, xuống gốc, tưới tắm là xong, rồi phó mặc cho thời tiết bất kể nắng mưa đêm ngày, mà nhà vườn còn phải nhọc công vun chăm, lên lịch thắp sáng đúng hạn cho cây trổ hoa và khi kết trái, còn phải diệt trừ sâu bệnh cũng như chăm chút cho trái tròn, tai vểnh, hai da, đẹp mầu. Đừng lo những gì vượt khỏi tầm tay, nhưng vẫn tiên liệu lo toan thực hiện những gì ở trong khả năng của mình. "Đừng lo" rốt cuộc lại là biết rõ phải lo điều gì, lo đến đâu, lo cách nào, để đạt được thành quả và để mình không bị quá tải hoặc bị nghiền nát bởi điều mình lo. Không nên lo âu phiền muộn hoặc lo lắng vu vơ, nhưng biết lo liệu tính toán và lo toan thực hiện, đó chẳng phải là một khía cạnh của khôn ngoan thực tiễn đó sao?

Như vậy trong lời dạy "đừng lo", dù được phát biểu dưới hình thức phủ định, Chúa Giêsu kín đáo đề nghị cách giải quyết nỗi lo mang lại hiệu quả. Nếu có điều gì đáng phủ nhận, thì đó chính là kiểu khôn ngoan thực dụng, chỉ nhắm lợi lộc cá nhân mà chẳng quan tâm đến ai cũng như chẳng đếm xỉa gì đến lẽ phải. Đừng lo quá mức, quá đáng; đừng lo linh tinh, lung tung, nhưng biết điều hướng nỗi lo về nẻo thăng hoa tinh thần.

2. Ở cấp độ tâm linh

"Đừng lo" cũng là lời gọi mở sang lòng trông cậy. Ngày xưa cha ông Việt Nam chỉ sống nhờ nông nghiệp, mỗi nhà tùy điều kiện đều có thể sở hữu một số đất cấy cày trồng tỉa lúa thóc hoa màu. Nguồn sống là đó và cuộc sống cũng tùy thuộc vào đó. Năm nào trúng mùa có "của để của ăn" thì xóm làng mọi người hạnh phúc, còn năm nào thời tiết thất thường khiến mùa màng thất bát phải lấy "của ruộng đắp bờ" thì đói ăn là điều khó tránh khỏi. Vì thế nỗi lo đeo đẳng len lỏi vào trong bữa ăn hằng ngày và giấc ngủ hằng đêm. Chả thế mà người xưa dù nỗ lực làm việc vẫn có đó một khoảng tâm linh dành cho lời kinh trông cậy: "Lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày, lấy đầy bát cơm, lấy rơm đun bếp" (ca dao). Khó có thể bảo đây là một thái độ tôn giáo theo nghĩa hiện đại, nghĩa là có giáo lý, có tín đồ và có lễ nghi; nhưng từ sâu thẳm của vô thức đã là một thái độ tâm linh, nhận biết đời sống gắn liền với nỗi lo chính đáng, biết giới hạn của những phương tiện giải quyết và thường khi không thể tự giải quyết được, mà phải cậy nhờ vào sự hỗ trợ trên cao, dẫu sự hỗ trợ trên cao này chỉ là của Trời vốn được hình dung như cao xanh không xác định ngôi vị. Một thái độ tâm linh như thế, dù chưa phải là tôn giáo, nhưng đã là tình trạng chuẩn bị để khi Tin Mừng được rao giảng thì sẵn sàng đón nhận.
Trước đây, tủ sách "học làm người" của nhà xuất bản Phạm văn Tươi, dù chủ đích là học làm người nhưng đã lấy châm ngôn "Nỗ lực và cậy trông" như định hướng vươn lên. Có lẽ ở cấp độ tâm linh, đây cũng là hướng đi của lời "đừng lo" trong bài Phúc Âm.

3. Ở cấp độ niềm tin công giáo

"Đừng lo" còn là lời cổ võ lòng tin tưởng phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa, Đấng luôn muốn sự tốt sự lành cho mọi người. Loài vô tri vô giác như chim trời, hoa đồng nội còn được chăm sóc huống chi "con người là loài chỉ thua kém thiên thần một chút" (x. TV 8), phải không? Cách đặt vấn đề của Chúa Giêsu rất sát sườn và hình ảnh Người đưa ra rất cụ thể khiến lời dạy "đừng lo" trở thành một bài học quý giá trong thái độ sống, nhất là vào những lúc phải đối mặt với nỗi lo nhiều mặt như vào dịp Tết chẳng hạn. Lo chuyện này chuyện kia là điều không thể tránh trong kiếp phận con người, nhưng lo đúng hướng lại là điều phải học biết, học tập và học hành suốt đời sống đức tin. Như vậy "đừng lo" là đừng lo lắng thái quá kẻo phải hao phí sức lực hoặc hao tốn sức của, nhưng biết phải lo sao cho phù hợp lẽ công bình và tình bác ái với mình và với tha nhân, nhất là với tình yêu của Thiên Chúa.

Nhưng vượt trên những điều đặt con người trước nỗi lo, có một điều tín hữu phải chủ động ưu tiên lo liệu xây dựng và tính toán thực thi, như Chúa Giêsu nói rõ trong bài Phúc Âm, đó là "lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người", nghĩa là chăm lo chu toàn phận vụ kẻ làm con Chúa, nghĩa vụ thành viên trong Giáo Hội phù hợp với bậc sống, chức vụ làm người giữa gia đình và xã hội. Nếu Nước Thiên Chúa không ở đâu xa, mà ở trong lòng của mỗi người, thì bằng tình mến cũng như niềm thao thức sống tốt, sống đẹp, sống lành, sống thánh hằng ngày, mỗi tín hữu đã biết đảm lĩnh nỗi lo chính yếu trong đời một cách đúng hướng, và điều còn lại là xin phó thác nơi bàn tay quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa, như lời Người đã hứa "còn mọi sự khác sẽ được ban cho sau".

Tóm lại, lời "đừng lo" có thể hiểu ở ba cấp độ. Ở cấp độ thực tiễn, xin cho tín hữu với nỗi lo "cơm áo gạo tiền" gặp được nâng đỡ cần thiết để diễn tả đức tin cách lạc quan hơn; ở cấp độ tâm linh, xin cho mỗi người khi nỗ lực khẳng định bản thân vượt lên những nỗi lo lớn nhỏ, luôn hiểu rằng đi đôi với "miệt mài" còn có "may mắn" của ơn thánh để thêm trông cậy; và ở cấp độ niềm tin, xin cho mọi kitô hữu đừng lo gì khác ngoài việc tìm kiếm Thiên Chúa là Đấng cho mình sự sống và ý nghĩa sống, còn kỳ dư là trọn niềm phó thác tin yêu.

Tết là dịp gia đình quây quần hạnh phúc, mừng chúc, hun đúc nghĩa sống Tin Mừng, nhất là trong năm "phúc âm hóa đời sống gia đình". Đừng biến thời gian này thành dịp dị đoan mê lạc, cờ bạc rượu chè, xì ke ma túy, lãng phí xa hoa. Thánh Vịnh 37,5 bảo: Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay. Riêng tôi năm nay, cùng với những lời chúc đẹp lành cho ơn thánh, sức khỏe, phúc lộc và bình an, xin gửi đến mọi nhà một vần điệu vui:

Năm Giáp Ngọ, chúc vận đỏ: Tiền nặng giỏ, bạc đầy kho.
Trời ban cho, thêm tuổi thọ: Ngày ăn no, tối ngủ khò.

ĐGM Giuse Vũ Duy Thống

01/02/14 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 3 TN
Mồng Hai Tết, kính nhớ tổ tiên
Mt 15,1-6

CON THẢO NGÀY ĐẦU NĂM MỚI
“Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ thì phải bị xử tử.”
(Mt 15,4)
Suy niệm: Trong những ngày xuân vui tươi, ta muốn mọi thành viên gia đình hiện diện sum họp, kể cả những người đã khuất: Ba mươi đón rước ông bà, sau ba ngày Tết tiễn ra tới đường. Những ngày đầu Năm Mới phải ưu tiên dành để gần gũi, quây quần bên cha mẹ: Mồng một thì ở nhà cha, mồng hai nhà mẹ, mồng ba nhà thầy. Với người Việt Nam, cha mẹ được đặt trên cả thầy, khác với quan niệm của nhà Nho. Tâm tình của người con hiếu thảo là kính trọng, chăm sóc, ghi nhơ và cầu nguyện cho ông bà cha mẹ khi còn sống hay đã qua đời: Mỗi đêm mỗi thắp đèn trời, cầu cho cha mẹ sống đời với con. Công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ không gì sánh được: Lên non mới biết non cao, nuôi con mới biết công lao mẫu từ.
Mời Bạn: Tổ tiên ông bà cha mẹ là những người đã góp phần với Chúa trong công cuộc tạo dựng nhân loại. Các ngài là những mắt xích trong công cuộc cao quý này. Trong ngày đầu xuân, mời bạn dành những gì tốt đẹp nhất mình có thể làm cho ông bà cha mẹ của mình, dù các ngài còn sống hay đã qua đời.
Sống Lời Chúa: Tôi tham dự thánh lễ cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà cha mẹ của mình, đi viếng mộ những người đã khuất, và thăm viếng những người còn sống. Năm mới tôi quyết tâm sẽ thảo hiếu, quan tâm đến các ngài nhiều hơn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con có được tổ tiên, ông bà cha mẹ sinh thành, dưỡng dục mình. Các ngài cũng là những mẫu gương sống động về niềm tin vào Chúa. Xin cho chúng con luôn biết hiếu thảo với các ngài. Amen.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét