Trang

Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2014

26-01-2014 : (phần II) CHÚA NHẬT III MÙA THƯỜNG NIÊN năm A

26/01/2014
Chúa Nhật 3 Quanh Năm Năm A
(phần II)

GIÁO LÝ PHÚC ÂM CHÚA NHẬT III QUANH NĂM A 
Sách Ngôn Sứ Isaia 8. 23b-9.3;
Thư Thứ I của Thánh Phaolô gửi tín hữu Corintô 1.10-13.17
và Phúc Âm Thánh Gioan 4:12-23

I.                   Giáo Huấn Phúc Âm:
Chúa Giêsu đúng là Đấng Cứu Thế muôn dân trông đợi. Ngài thực hiện đúng y chang những gì đã tiên báo về Đấng Cứu Thế:

Rao Giảng tin mừng sám hối - Chọn gọi các Tông Đồ và Chữa lành bệnh tật.

II.        Vấn nạn Phúc Âm:
Để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia nói: Nầy đất Giêbulun và Naptali….Tại sao Chúa Giêsu phải làm đúng y chang những gì các Tiên Tri đã loan báo về Đấng cứu Thế?

Phúc Âm Matthêô ra đời khoảng năm 70 và được gọi là Phúc Âm viết cho Kitô hữu gốc Do Thái ở thế kỷ đầu (Jewish Christian Gospel). Biểu tượng của Phúc Âm Matthêô là hình người. Vì Ngài bắt đầu bằng gia phả của Chúa Giêsu Abraham sinh Isaác; Isaác sinh Giacóp… và kết thúc là từ Giêssê xuất sinh Giuse. Do quyền phép Chúa Thánh Thần, Bà Maria người đã đính hôn với Giuse, thuộc dòng Davit, đã mang thai Con Thiên Chúa. Nên Chúa Giêsu thuộc dòng tộc Đavit như lời tiên tri loan báo trước.

Kinh Thánh Cựu Ước là quyển sách duy nhất làm thành văn hoá Do Thái. Người Do Thái phải học Thánh Kinh Cựu Ước. Người Do Thái phải đến Hội Đường vào mỗi ngày Thứ Bảy để lắng nghe Lời Chúa và nghe các Rabbi dẫn giải Lời Chúa từ trong Thánh Kinh. Họ đã mong đợi Đấng Cứu Thế nhiều ngàn năm. Họ đã học biết về Đấng Messiah như thế nào từ trong Sách Cựu Ước, nhất là sách các tiên tri. Một thanh niên như Chúa Giêsu xuất hiện trước công chúng, làm sao để nói cho dân chúng biết mình là Đấng Cứu Thế? Chỉ có một cách duy nhất là làm y chang những gì đã được loan báo về Đấng Cứu Thế trong sách các tiên tri. Dân chúng thấy một người đến làm đúng những gì họ học biết. Họ sẽ tự kết luận: Đích thị đây là Đấng Cứu Thế!

            Tuy nhiên trong thực tế và trong lịch sử, người Do Thái đã không nhìn nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, vì làm sao Đấng Cứu Thế lại là con bác thợ mộc Giuse và bà Maria tầm thường trong khu xóm Nadarét nghèo nàn? Nên Thánh Matthêô đã phài luôn luôn chứng minh Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, Ngài đến làm ứng nghiệm những gì các tiên tri đã tiên báo về Ngài. Mục đích nầy được tìm thấy dễ dàng khi so sánh bài Phúc Âm hôm nay và Bài Đọc thứ nhất trích từ sách Tiên Tri Isaia.

Những từ ngữ như “Lập tức hai Ông bỏ chài lưới mà đi theo người!” khi Chúa gọi Simon và Anrê. Rồi khi Chúa gọi hai anh em khác Giacôbê và Gioan, con Ông Giêbêđê thì cũng “lập tức các Ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo người”? Có thật vậy không?

Không thật vậy chút nào. Cứ thử đặt trường hợp chúng ta thì sẽ thấy: Thí dụ, chúng ta đang làm ăn sinh sống như mua bán đồ đạc hay bán nhà hàng, rồi có một thanh niên 30 tuổi xuất hiện. Thanh niên đó bảo: Hãy theo ta! Chúng ta có lập tức bỏ cha mẹ, vợ con và công việc làm ăn đi theo Thanh Niên đó không? Chuyện đó không sao có được trong thực tế. Vì chúng ta thấy câu Chúa nói “các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành kẻ lưới người như lưới cá” sẽ được nói sau nầy trên thuyền của Simon sau mẻ cá đầy, chứ không phải nói trên bờ như hôm nay. Hơn thế nữa, Matthêô, gốc thu thuế làm việc cho đế quốc La Mã, không có mặt trong những ngày đầu cuộc đời công khai của Chúa thì làm sao mà biết là “lập tức!” hay không lập tức.

            Nhưng tại sao Phúc Âm Thánh Matthêô lại bảo là “lập tức” Simon và Anrê cũng Như Giacônê và Gioan bỏ nghề nghiệp, thuyền ghe và cả cha già mà đi theo Chúa? Hoá ra Matthêô đặt điều, bịa chuyện nói láo à?  Như có lần đã nói: Phúc Âm không là bài tường thuật sống động sự việc đang xảy ra theo kiểu phóng sự chiến trường hay kiểu truyền thông tận mắt, đưa tin nóng và giật gân, nhưng là sách dạy giáo lý. Như Thánh Gioan đã nói: Tất cả được viết ra để anh chị em tin và ai tin thì được cứu độ.

            Nên Matthêô đã nói “lập tức” để ám chỉ rằng: Chúa đang xuất hiện đúng như các tiên tri loan báo và người ta tuôn đến nghe Chúa giảng. Hể Chúa kêu gọi ai thì người ta bỏ mọi sự mà theo Ngài ngay. Hơn thế nữa, Matthêô cũng nói đến khía cạnh đứt khoát trong việc đáp ứng ơn gọi. Có thể không lập tức theo cách thể lý nhưng phải lập tức từ bỏ mọi sự và nghề nghiệp để theo Chúa dứt khoát và phải thay đỗi hoàn toàn: không còn kiếm ăn sinh sống nuôi thân, nhưng làm việc cho nước Chúa. Không còn Cha Mẹ vợ con hay thân nhân, nhưng tất cả mọi người là Cha Mẹ, vợ con và anh chị em của người theo Chúa.

Chúa đi đó đây rao giảng tin mừng sám hối – Chúa chọn gọi các tông đồ - Chúa chữa lành bệnh tật và trừ quỉ… Chính Chúa thiết lập Giáo Hội để tiếp tục công việc Chúa đã làm, nhưng xem chừng Giáo Hội làm khác: Chuyên lo thành lập địa phận – thiết lập giáo xứ - xây nhà thờ, cất nhà xứ, mở trường dạy học…. Giáo Hội của Chúa nhưng xem chừng làm không giống chúa? Chú trong nhiều đến cơ cấu hệ thống, luật lệ nhưng coi nhẹ: truyền giáo – đào tạo các tông đồ và chữa lành bệnh tật.

            Giáo Hội phát triển không ngừng về mọi mặt:

Từ nhóm 12 tông đồ ban đầu hiện tại đã đạt tời con số 5000 Giám Mục, gần nửa triệu linh mục, 2500 địa phận; 270,125 nhà thờ năm 2005 và 1 tỷ 300 triệu Công Giáo.

Thời Trung Cỗ và thời đại văn minh ánh sáng có thể nói được là thời cực thịnh của Giáo Hội. Giáo Hội Công Giáo nắm cả thần quyền và thế quyền. Giáo Hội rất chú trọng đến phát triển cơ sở, nhà thờ và cung điện của Giáo Hoàng và Giám Mục. Nạn mại thánh phát xuất từ thời nầy. Chính Luther năm 1517 đã phản đối việc dâng cúng để được ân xá hay toàn xá. Thời đó người ta áp dụng từ Monseigneur có nghĩa là “Lạy Chúa tôi!” Hay “My Lord” với các Giám Mục, nguyên là các lãnh Chúa trong các phần đất được phân chia cho Giáo Hội mà nguyên gốc gọi là địa phận. Tinh thần khó nghèo hay khiêm nhường, trong sạch rất khó kiếm trong Giáo Hội thời bấy giớ.

Đây cũng là nguyên nhân sinh ra các giáo phái gọi chung là Protestant, hay thệ phản: thề chống lại Vatican. Chúng ta có thể nói: Giáo Hội thời đó rất khác với Giáo Hội Chúa thiết lập lúc ban đầu. Vì Chúa chọn các tông đồ và sai các ông đi “các con hãy đi rao giảng tin mừng cho muôn dân và làm phép rửa cho họ nhân danh cha và Con và Thánh Thần!” Tuy nhiên ngày nay Giáo Hội đã thay đồi tốt hơn nhiều: Vừa thể hiện lệnh truyền rao giảng tin mừng, nhưng cũng vừa phát triển cơ cấu theo tổ chức trần thế. Chúa Giêsu không xây nhà thờ. Chúa Giêsu không cất trung tâm mục vụ. Chúa Giêsu ra chỉ có một luật: Mến Chúa yêu người… Tuy nhiên Xã hội mỗi ngày một văn minh và mỗi ngày thêm phức tạp. Chúng ta không thể tiếp tục đi bộ cho giống Chúa trong một thế giới mà khoảng cách quá xa xôi, cần phương tiện di chuyển nhanh như xe hơi hay máy bay.

Không cần phải làm y chang như Chúa làm, nhưng cần thích nghi với nếp sống văn minh thời đại mà vẫn duy trì căn tính của Giáo Hội: truyền giáo, là làm cho người khác biết Chúa và cho người ta nhận được ơn cứu độ. 

III.      Thực hành Phúc Âm:

                        Khi đọc và soạn Giáo Lý Phúc Âm Chúa Nhật III Quanh năm. Tôi liên kết giữa Chúa chọn gọi các tông đồ đầu tiên và họ lập tức theo Chúa với ơn gọi làm linh mục của mình mà tôi sẽ mừng kỷ niệm 21 năm vào ngày 22.1.2014 nầy. Xin chia sẻ tâm tình coi như cống hiến một chút giải trí tâm linh.

Đẹp thay, bàn tay linh mục!
Mở mắt chào đời, cần đôi tay linh mục
Khép mắt lìa đời, vẫn cần đôi tay ấy.
Siết chặt tay, thật ấm tình tri kỷ!
Bất hạnh cuộc đời, chỉ mong thấy bàn tay.

Chiêm ngưỡng đôi tay ấy dâng lễ tế
Bàn tay vương đế trên bệ cao.
Không tay nào sánh được bàn tay ấy
Cao cả, linh thiêng đứng một mình. 

Đời lạc bước sa chước cám dỗ
Lối đi xấu hỗ và tội tình
Đôi tay linh mục ban bình an tha thứ
Không chỉ một lần nhưng mãi về sau,

Bước vào đời hôn ước vợ chồng
Những bàn tay khác lo bày tiệc vui
Chỉ bàn tay linh mục chúc lành và kết hợp
Đẹp thay, đôi tay vị linh mục!

Tay thánh hiến
được giữ gìn cho việc thánh
Sờ chạm Mình Thánh Chúa mỗi ngày.
Tội nhân có thể làm gì cho nên tốt
 Hơn là nhờ linh mục chỉ dẫn và chúc lành?

Khi giờ chết đến cận kề
Bàn tay linh mục giơ lên nguyện cầu
Gia tăng sức mạnh ơn lành.
Bàn tay linh mục, trên đời, đẹp thay!

Phỏng dịch:
Lm. Phêrô Trần thế Tuyên



Suy Niệm: Sống đức tin
Vị linh mục tuyên úy hỏi người thủy thủ trẻ tuổi: “Ai đã dẫn đưa bạn tới Chúa Giêsu Kitô?” Anh ta chần chừ suy nghĩ, vì nghĩ rằng phải sử dụng tên tuổi của những nhà giảng thuyết trứ danh, bèn hỏi lại vị tuyên úy: “Thưa cha, chắc không cần phải là người giảng thuyết chứ?” Rồi anh nói tiếp: “Đó là sự thực hành của mẹ con”. Hầu hết chúng ta đã đón nhận đức tin từ cha mẹ. Khi lớn lên không bao giờ thắc mắc rằng chúng ta đã không phải là Kitô hữu. Chúng ta giữ đức tin trong khi được dạy cách làm dấu, đọc kinh Lạy Cha, đi nhà thờ dự lễ… học cách thức chào hỏi, lễ phép bởi cha mẹ, thầy cô nơi trường học. Do đấy, tất cả mọi người trong gia đình, cộng đoàn hay xã hội đều được mời gọi đóng góp vào sứ mạng “ngư phủ bắt người”. Bạn có tin được không, ngay cả con chó cũng có thể dẫn đưa một người về với Đức Kitô.
Một ông lão không bao giờ để ý gì tới Thiên Chúa, hay đời sống tinh thần, nhưng vợ ông lại là một Kitô hữu rất đạo đức. Bà đã cầu nguyện cho chồng nhiều năm, nhưng dường như lời cầu xin của bà chưa được đáp trả vì ông không bao giờ chịu đến nhà thờ chung với bà. Người đàn bà đạo hạnh đáng thương này đi lễ hằng tuần với một con chó già. Nó đi theo bà vào nhà thờ, rồi phủ phục nằm im dưới gầm ghế ngồi. Khi người đàn bà chết, con chó có vẻ buồn bã lắm. Một vài lần, lão già chú ý thấy con chó rời nhà vào một giờ nhất định, rồi trở về đúng giờ. Một buổi sáng Chúa nhật, ông lão đi theo con chó xem nó đã đi đến đâu. Con chó dường như có vẻ hứng khởi và vui vẻ khi có người cùng đi với nó dọc theo lối bộ hành cho đến cửa nhà thờ. Ông lão ngừng lại khi thấy nó nhanh nhẹn nhẩy lên những bậc thềm rồi đứng chờ ông ở cửa nhà thờ. Sau khi đứng lại nghỉ ngơi giây lát, chưa quyết định phải làm gì, ông lão tự nhủ: “Vào nhà thờ theo con chó cũng được. Đâu có hại gì!” Ông đã vào nhà thờ, đi theo con chó đến ngay chỗ vợ ông vẫn thường ngồi. Nhớ đến vợ, ông ngồi xuống và lắng nghe. Chúa nhật kế tiếp, ông lão lại đi đến nhà thờ với con chó trung thành của ông. Dần dần, người ta đã thấy ông ở trong nhà thờ ngay chỗ vợ ông vẫn thường ngồi với con chó nằm thinh lặng dưới gầm ghế. Sau cùng ông đã tham gia cộng đoàn và cho phép Tin Mừng thấm nhập vào cuộc đời ông.
Phúc âm hóa là công trình biến đổi con người trở nên giống hình ảnh của Chúa Kitô. Đó là công việc giải thoát con người khỏi tội lỗi. Sách Giáo lý Công giáo số 900 mời gọi chúng ta trong vai trò “ngư phủ bắt người” này như sau: “Cũng như tất cả các tín hữu đều được Thiên Chúa ủy nhiệm cho việc tông đồ, vì đã lãnh nhận phép rửa tội và phép thêm sức, các giáo dân có nghĩa vụ và có quyền lợi làm việc, từng cá nhân hoặc từng nhóm lại thành các hiệp hội, để sứ điệp cứu độ của Thiên Chúa được mọi người trên trái đất biết tới và đón nhận”.

Lectio Divina: Chúa Nhật III Thường Niên (A)
Chúa Nhật, 26 Tháng 1, 2014
Khởi đầu việc công bố Tin Mừng
và kêu gọi những môn đệ đầu tiên 
Mt 4:12-23 


1.  Lời nguyện mở đầu

Trong bóng tối của một đêm không trăng sao,
một đêm không ý nghĩa
Chúa, Ngôi Lời Hằng Sống,
như một lằn sét trong cơn bão của sự lãng quên,
bước vào bên trong phạm vi nghi ngờ
dưới sự che chở của các giới hạn mong manh
để ẩn náu ánh sáng.
Ngôi Lời làm bằng sự thinh lặng và điều thông thường,
Ngôi Lời nhập thế của Chúa, sứ giả những bí mật của Đấng Tối Cao:
giống như những cái neo thảy vào vùng biển chết
để đi tìm nhân loại một lần nữa, đang đắm mình trong những âu lo điên rồ của mình,
và chuộc lại họ, đã bị tước đoạt,
nhờ vào ánh sáng đẹp ngời của sự tha thứ.
Lạy Chúa, Đại Dương của Hòa Bình và bóng mát của sự Vinh Quang vĩnh cửu,
con xin dâng lời cảm tạ:
Vùng biển yên bình phía bên bờ của con đang chờ đợi làn sóng, con muốn đi tìm Chúa!
Và nguyện xin tình bằng hữu anh em bảo vệ con
khi màn đêm buông xuống trên nỗi ước vọng của con dành cho Chúa.  Amen.

2.  Bài Đọc

a)  Phúc Âm: 

12  Khi ấy, nghe tin Gioan bị nộp, Chúa Giêsu lui về Galilê.  13 Người rời bỏ thành Nagiarét, đến ở miền duyên hải thành Capharnaum, ráp ranh đất Giabulon và Náp-ta-li.  14 Để ứng nghiệm lời đã phán bởi miệng tiên tri Isaia rằng: 15 Hỡi đất Giabulon và đất Náp-ta-li, đường dọc theo biển, bên kia sông Giođan, Galilêa của ngoại bang!  16 Dân ngồi trong tối tăm, đã thấy ánh sáng huy hoàng, ánh sáng đã xuất hiện cho người ngồi trong bóng tối sự chết.  17 Từ bấy giờ, Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng và nói:  “Hãy hối cải, vì nước Trời đã gần đến!”  18 Nhân lúc Chúa Giêsu đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy hai anh em là Simon, cũng gọi là Phêrô, và Anrê, em ông; cả hai đang thả lưới dưới biển, vì hai ông là ngư phủ.  19 Người bảo hai ông rằng:  “Các ngươi hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những ngư phủ lưới người ta”.  20 Lập tức hai ông bỏ lưới đó mà theo Người.  21 Đi xa hơn một đỗi, Người lại thấy hai anh em khác là Giacôbê con ông Giêbêđê, và Gioan em ông đang vá lưới trong thuyền với cha là Giêbêđê.  Người cũng gọi hai ông.  22 Lập tức hai ông bỏ lưới và cha mình mà đi theo Người.  23 Và Chúa Giêsu đi rảo quanh khắp xứ Galilêa, dạy dỗ trong các hội đường của họ, rao giảng tin mừng nước trời, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân.   
  
b)  Giây phút thinh lặng:

Chúng ta hãy để cho Lời Chúa vang vọng trong chúng ta.

3.  Suy gẫm

a)  Một vài câu hỏi để suy gẫm:

-  Chúa Giêsu định cư nơi miền duyên hải:  Con Thiên Chúa định cư bên cạnh loài người.  Biển, thế giới bí ẩn và vô biên này, nó bao la nơi chân trời giống như các tầng trời; cái nọ phản chiếu trong cái kia, giáp sát nhau, khác biệt, một sự phản ảnh tương lân của yên tĩnh và hòa bình.  Đức Giêsu, đất của Thiên Chúa, đến sống nơi miền duyên hải và trở thành đất của nhân loại.  Chúng ta có sẽ đi và sống bên cạnh Thiên Chúa như Ngôi Lời đã làm trước khi Người đến với chúng ta không?  Hay là đời sống mong manh của chúng ta trong xác thịt là đã đủ cho chúng ta rồi?

-  Dân sống trong tối tăm đã thấy ánh sáng huy hoàng:  đắm chìm trong tăm tối, nhân loại đã sống đời mình trong đau thương cam chịu và không hy vọng có bất cứ điều gì thay đổi cho họ.  Một thế giới nơi mà đức tin bị chối từ là một thế giới chìm đắm trong tối tăm cho đến khi ánh sáng đến đó.  Đức Kitô, ánh sáng cho muôn dân, đã đến thế gian và đã xua tan tối tăm để ánh sáng có thể chiếu soi.  Sự tối tăm trong chúng ta đã bị xua tan chưa?

-  Họ lập tức bỏ lưới và đi theo Người.  Lập tức. Rời bỏ.  Đi theo.  Những từ ngữ khó khăn cho đời sống của chúng ta.  Để đáp lời Thiên Chúa:  xin vâng, một cách bình thản.  Lìa bỏ tất cả mọi việc chúng ta đang làm để đi theo Chúa:  xin vâng, nhưng trước thết chúng ta phải suy nghĩ cho chín chắn.  Mọi chuyện sẽ ra sao nếu chúng ta làm như các thánh Tông Đồ đã làm:  lập tức, bỏ lại mọi thứ, đi theo Người?

b)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:

Thiên Chúa của càn khôn là Đấng đã tạo dựng ra trời và đất với chỉ bằng Lời phán ra của Người, rời bỏ nơi Người cư ngụ và xuống thế sống nơi miền duyên hải trong một miền đất lạ, nói ngôn ngữ của trần thế để cho nước trời có thể được biết đến.  Con Thiên Chúa, cũng thế, lớn lên ở thành Nagiarét, rời bỏ quê nhà thời thơ ấu của Người để đến đất Galilêa của các dân tộc bên kia sông Giođan.  Bóng tối của vô minh thấp thoáng qua hằng thế kỷ bị đâm thủng bởi ánh sáng huy hoàng.  Bóng tối của sự chết nghe thấy những lời mở ra cho con đường mới và cuộc sống mới:  “Hãy hối cải, vì nước trời đã gần đến”.  Để thay đổi cuộc hành trình, để đến gần với ánh sáng không phải là điều gì mới lạ đối với những ai đã quen thuộc với sự hiện diện của Đấng Tối Cao. Bởi vì con mắt đã quen với sự hiện diện và trái tim loài người dễ dàng quên đi những bóng tối trong quá khứ khi nó đang vui hưởng sự huy hoàng.  Hối cải.  Bằng cách nào?  Mối tương quan loài người trở thành con đường mới dọc theo bờ biển.  Có những anh em dọc theo bờ biển, các cặp anh em:  Simon và Anrê, Giacôbê và Gioan.  Thiên Chúa không đến để phá vỡ những mối quan hệ này, nhưng cất nhắc họ lên để các ông làm ngư phủ trong một cuộc sống mới sáng ngời hơn, trong đời sống của Chúa và biển của Người.

Nhân lúc khi Người đang đi… đường đi là một bí mật lớn lao của đời sống tinh thần.  Chúng ta không được gọi để đứng yên tại chỗ, mà vì chúng ta cũng phải đi bằng đường biển, biển thế gian nơi mà con người là cá, bị đắm chìm trong nước cay đắng, mặn chát và vô nhân đạo.  Các ngư phủ lưới người.  Người ta không thể đánh cá mà không có cái lưới yêu thương, không có một người cha để bảo vệ con thuyền, không có một con thuyền để ra vùng nước sâu.  Cái lưới của mối quan hệ nhân loại là vũ khí duy nhất cho những người đi truyền bá Phúc Âm, bởi vì với tình yêu chúng ta có thể đi làm một chuyến đánh cá viễn chinh vĩ đại, và tình yêu không phải chỉ được công bố mà còn phải được mang tới.  Để được gọi đi từng đôi một có nghĩa chính xác là điều này mang đến một tình yêu cụ thể và trông thấy được; tình yêu của anh em có cùng cha mẹ, tình yêu mà trong huyết quản có cùng một dòng máu, cùng một sự sống.

Hãy theo Ta… để kêu gọi những người khác bước đi, lưới cá và làm chứng tá.  Cái lưới cá có thể bị rách, nhưng mỗi ngư phủ thì có khả năng vá lại cái lưới rách.  Tình yêu không phải là một món đồ lặt vặt bị hư hỏng vì việc xử dụng!  Nghệ thuật của sự hòa giải có thể khiến cho mọi mối quan hệ giữa người ta trở nên quý giá.  Điều đáng nói là tin tưởng vào cái tên mới, luôn luôn và vẫn còn được gọi là SỰ SỐNG.

Những người được gọi, và đi theo Chúa Giêsu.  Nhưng Chúa Giêsu đi đâu?  Người đi quanh khắp xứ Galilêa, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng tin mừng nước trời, chữa lành mọi bệnh hoạn và tật nguyền của dân chúng.  Mỗi người ngư phủ, tông đồ của Nước Trời, sẽ hành động như Chúa Giêsu:  sẽ đi trên những con đường của thế giới và dừng lại nơi phố chợ đông người, sẽ nói về Tin Mừng của Thiên Chúa và sẽ chăm sóc kẻ bệnh hoạn và tật nguyền, sẽ làm cho sự quan tâm của Chúa Cha dành cho các con cái Người được hiển thị.             


4.  Cầu nguyện (Is 43:1-21)

Đừng sợ, vì Ta đã chuộc ngươi về,
đã gọi ngươi bằng chính tên ngươi: ngươi là của riêng Ta!
Ngươi có băng qua nước, Ta sẽ ở cùng ngươi,
ngươi có vượt qua sông, cũng không bị nước cuốn;
ngươi có đi trong lửa, cũng chẳng hề hấn gì,
ngọn lửa không thiêu rụi ngươi đâu.
Vì chính Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa ngươi thờ,
là Đức Thánh của Israel, Đấng cứu độ ngươi.

Vì trước mắt Ta, ngươi thật quý giá,
vốn được Ta trân trọng và mến thương,
nên Ta đã thí bao người đổi lấy ngươi,
nộp bao dân nước thế mạng ngươi.
Đừng sợ, có Ta ở với ngươi!
Chính các ngươi là nhân chứng của Ta
- sấm ngôn của ĐỨC CHÚA -, là bề tôi Ta đã tuyển chọn,
để các ngươi nhận biết và tin Ta, và hiểu rõ Ta vẫn là Ta.
Chính Ta, chính Ta đây là ĐỨC CHÚA,
ngoài Ta ra, chẳng có ai cứu độ.

Đây là lời ĐỨC CHÚA,
Đấng đã vạch một con đường giữa đại dương,
một lối đi giữa sóng nước oai hùng,
"Các ngươi đừng nhớ lại những chuyện ngày xưa,
chớ quan tâm về những việc thuở trước.
Này, Ta sắp làm một việc mới,
việc đó manh nha rồi, các ngươi không nhận thấy hay sao?
Phải, Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc,
khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn.
Ta đã gầy dựng cho Ta dân này, chúng sẽ lên tiếng ngợi khen Ta.
5.  Chiêm Niệm

Các vùng nước biển bao phủ trái đất, lạy Chúa, xin hãy nói với con về những dòng chảy của đời sống Người.  Khi bầu trời và biển cả trộn lẫn ở chân trời, có vẻ như là con đang nhìn thấy tất cả những gì Chúa đang được chất nạp lại vào trong con người chúng con.  Một dòng chảy là một làn sóng nhẹ nhàng của sự hiện hữu và một câu chuyện tình yêu không thể kể xiết, tạo thành bởi các tên, các sự kiện, tuổi tác, bí mật, những cảm xúc êm đềm và các khó khăn không lường trước, một câu chuyện được tạo ra từ những thời gian rực rỡ và cũng như lúc u ám, từ những nhiệt tình và sự bình tĩnh uể oải.  Biển loài người này đã được xâm chiếm bởi sự hòa bình của Chúa, chứa đựng những lời không bao giờ dứt, những lời của Ngôi Lời Chúa, Đấng thật lòng muốn gánh vác chiếc áo cát của thời gian.  Bao nhiêu lời trên bờ và dưới lòng biển đã âm thầm thu nhặt, nếu chỉ có con được lắng nghe, những lời của Chúa đã làm thành những con sóng của sự sống dạt vào bờ và là những hải đồ cho các nhà hàng hải, những lời từ cổ chí kim, những lời không bao giờ bị quên lãng và những lời được gói ghém trong bí ẩn.  Lạy Chúa, nguyện xin cho những con sóng của nhân thế sẽ không cuốn hút con đi, nhưng xin hãy cho chúng trở thành những con đường hiệp thông với con thuyền mong manh của cuộc hành trình đời con.  Nguyện xin cho con có thể học hỏi được từ Chúa để biết nhổ neo con thuyền đi vào trong vùng biển sâu để đi lưới cá trong những đêm tối của câu chuyện loài người, khi mà những con cá có thể được lưới dễ dàng hơn.  Vâng theo Lời Người, lạy Chúa của con, con sẽ thả lưới, và khi con đem thuyền trở về bờ, con sẽ tiếp tục đi theo những bước chân của Chúa đã để lại trên bờ lịch sử, khi Chúa đã chọn để mặc cho mình với những quần áo lấm đầy bùn nhơ của chúng con.

Ngày 26-1-2014: CHƯƠNG TRÌNH HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỨC GIÊSU (Mt 4,12-23 – CN III TN - A)
Thiên Chúa vẫn đang tìm cách hiển trị trong đời sống chúng ta một cách rõ nét hơn; Người có thể áp đảo chúng ta, nhưng Người không muốn, vì Người tôn trọng tự do của chúng ta.

Lm FX Vũ Phan Long, ofm


1.- Ngữ cảnh
Nói tổng quát, bốn chương đầu của Mt là Mở đầu cho toàn Tin Mừng I 
Về ngữ cảnh của đoạn văn chúng ta đọc hôm nay, chúng ta có thể xác định như sau: Trong ch. 1–2, sau khi đã dùng một thứ Diễn văn ngôn sứ rút ra từ Cựu Ước mà cho thấy làm thế nào Lời Chúa đưa lại ý nghĩa cho “xuất xứ của Đức Giêsu Kitô, con cháu vua Đavít, con cháu tổ phụ Abraham” (1,1-17) và thực hiện chương trình của Người xuyên qua lịch sử loài người (1,18-25), sang ch. 3–4, Mt cho chúng ta thấy rằng, khi đến tuổi trưởng thành, Đức Giêsu đã đảm nhận trách nhiệm về sứ mạng của Người trước nhan Thiên Chúa Cha, Đấng đã sai phái Người. Những gì Kinh Thánh đã nói về Người, Người sẽ hoàn tất cách ý thức và tự do. Được đầy Thánh Thần, Người sắp được Chúa Cha bổ nhiệm làm Đấng Mêsia chân chính đi đáp ứng nỗi niềm chờ mong của dân chúng.

2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành bốn phần:
1) Galilê, địa bàn hoạt động của Đức Giêsu (4,12-16);
2) Đối tượng chính của lời Đức Giêsu rao giảng (4,17);
3) Những người đầu tiên được nhận lời rao giảng (4,18-22);
4) Các hình thái chính của hoạt động của Đức Giêsu (4,23).

3.- Vài điểm chú giải
- Khi Đức Giêsu nghe tin ông Gioan đã bị nộp (12): Trong các đoạn Mt 10,4; 17,22; 20,18-19; 26,2, tác giả cũng nói rằng Con Người “bị nộp” (paredothê); như thế, Gioan Tẩy Giả và Đức Giêsu có chung một số phận. Dạng bị động hàm ý biến cố thuộc về ý muốn của Thiên Chúa: chương trình của Thiên Chúa đã được hoàn tất trong cuộc đời Gioan, cũng như sau này, sẽ được hoàn tất trong cuộc đời Đức Giêsu. Hơn nữa, hai sứ vụ được liên kết với nhau trong chương trình của Thiên Chúa: Đức Giêsu bắt đầu hoạt động công khai vào lúc Thiên Chúa cho chấm dứt sứ vụ của Gioan.  

- Người lánh qua
 (anachôreô, “lui về”) (12): Miền Giuđê là pháo đài của Do Thái giáo chính thức, với hai nhóm bảo vệ là Pharisêu và Xađốc. Đã bắt được Gioan, hẳn là họ sẽ tìm cách loại trừ cả Đức Giêsu. Vì thế, Người quyết định khởi đầu sứ vụ tại miền Galilê, nơi mà ảnh hưởng của Thượng Hội Đồng và của nhóm Pharisêu không mạnh bao nhiêu. Khi sử dụng động từ anachôreô ở đây như ở 2,12 (x. 9,24; 12,15; 15,21;…), rất có thể Mt cho hiểu rằng chính thái độ cứng tin của miền Giuđê (dưới ảnh hưởng của phái Pharisêu, tỏ ra bằng việc loại trừ Gioan) đã khiến Đức Giêsu phải ngỏ lời với “Galilê, miền đất của dân ngoại”.

- bỏ Nadarét
 (13): Không phải là Người bỏ rơi, nhưng là không chọn Nadarét làm khởi điểm cho sứ vụ. Đức Giêsu chọn Caphácnaum: Mt chuẩn bị đưa vào sấm ngôn Is 8,23–9,1. Caphácnaum chính là miền đất xưa kia hai chi tộc Dơvulun và Náptali đã cư ngụ (x. Gs19,10-16.32-39). Mt trích sấm ngôn Isaia này là để trả lời vấn nạn vì sao Đức Giêsu chọn miền Galilê làm nơi sân khấu chính để khởi đầu hoạt động của Người: điều đó nằm trong chương trình của Thiên Chúa (như sấm ngôn Is đã loan báo).

- Dơvulun … Náptali
 (15-16): Hai chi tộc này chiếm phần lớn miền Galilê, đã bị đế quốc Átsua thôn tính vào năm 734, và sau đó bị hy-hóa vào thời các triều vua dòng họ Sêlêukhô. Từ đó họ đã bị Dân Ngoại tràn ngập. Ngôn sứ Isaia (ch. 8 và 9) đã loan báo ngày giải phóng. Mt thấy chính Đức Giêsu sẽ giải phóng họ, không phải về phương diện chính trị quân sự, mà là về tôn giáo.

- Galilê, đất của dân ngoại
 (15): Đối lại với Giuđê tinh tuyền về giống nòi, Galilê trở thành biểu tượng của cuộc quy tụ phổ quát: đây là Đất Hứa đang mở ra với Đức Giêsu, là Israel chân chính, sau khi Người đã ở trong hoang địa và vượt qua sông Giođan. Chúng ta gặp một đề tài quen thuộc của Mt: Đức Giêsu ngỏ lời trước tiên với các chiên lạc nhà Israel (x. 10,6; 15,24).

- một ánh sáng huy hoàng 
(16): Ánh sáng này sẽ xuất hiện ra với các môn đệ vào cuộc Hiển Dung (x. 17,2) và còn xuất hiện huy hoàng rực rỡ hơn nữa vào Ngày Phục Sinh.

- Anh em hãy hối cải, vì Nước Trời đã đến gần 
(17): Công thức này tương tự với công thức ở 3,2 (Gioan Tẩy Giả) và 10,7 (các môn đệ). Bằng cách đó, tác giả Mt khẳng định sự tiếp nối của các sứ mạng: việc rao giảng của Gioan chuẩn bị cho việc rao giảng của Đức Giêsu, và việc rao giảng của các môn đệ nối dài sứ điệp của Đức Giêsu.

- Nước Trời
 (17): Đây là cách Mt nói quanh để tránh gọi tên Thiên Chúa, nên “Nước Trời” chính là “Nước Thiên Chúa” (nhưng cũng có bốn lần ông dùng cụm từ “Nước Thiên Chúa”: 12,28; 19,24; 21,31.43). Basileia có thể dịch ra là “triều đại, vương quyền, vương quốc”. Còn “trời” (tôn ouranôn) không có nghĩa là “Nước” này thuộc về thiên giới, nhưng có nghĩa là Đấng đang ở trên trời (5,48; 6,9; 7,21) thì đang trị vì trên thế giới. Do trung thành với truyền thống Cựu Ước, Mt biết rằng vương quyền luôn luôn thuộc về Thiên Chúa (x. Tv22,29; 103,19; 145,11-13). Đây là sứ điệp chính của Đức Giêsu: Người loan báo “Nước” (Triều Đại) này đang/đã đến và chính Người thực hiện trong tư cách là Con Người (x. 26,64; Đn 7,13-14 [LXX]: Mt 28,18). Trong Mc và Lc, có những chỗ Đức Giêsu đã công bố Nước Thiên Chúa như là một thực tại thuộc về tương lai (x. Mc 14,25; Lc 11,2; …), và có những chỗ Người lại bảo đó là một thực tại đang có trong hiện tại nơi sứ vụ và nơi bản thân Người (x. Lc 7,18-23; 10,23t…). Do dựa trên loạt bản văn thứ nhất hoặc thứ hai mà có hai lý thuyết ở hai đối cực: “thời cánh chung đã đến” và “thời cánh chung đang đến”.

- đã đến gần
  (eggiken, 17): Eggiken là thì hoàn thành của động từ eggizô, “đến gần”. Đây là một từ vẫn đang gây nhiều tranh luận. Các bản dịch khá khác nhau: “est tout proche” (BJ), “s’est approché” (TOB), “is at hand” (King James 1611; NAB 1988), “is fast approaching” (để nêu bật tính cấp bách: x. Albright trong Anchor Bible), “is near, is at hand” (Zerwick). C.H. Dodd cho rằng eggiken được dịch từ một động từ a-ram có nghĩa là “đạt tới; đến”. Vì thế, ông dịch là “Nước Trời đã đến”. Nhưng eggizô (do tính từ eggys, “gần”) có nghĩa là “đến sau; tiến lại gần”; do đó, đa số các nhà chú giải chọn cách dịch là “Nước Trời đã gần (đến)”.

- Cc. 16-22:
 Truyện Đức Giêsu kêu gọi các môn đệ đầu tiên được kể theo mẫu các ơn gọi ngôn sứ trong Cựu Ước (x. Êlisa: 1 V 19,19). Bài này không nói đến chiều kích tâm lý, nhằm làm nổi bật lời kêu gọi của Đức Giêsu và lời đáp gắn bó bằng đức tin hơn. Lược đồ này diễn tả tương quan tiêu biểu giữa Đức Giêsu và người môn đệ lý tưởng: Thầy vừa lên tiếng gọi, môn đệ bỏ mọi sự mà đi theo ngay, không lưỡng lự, không thắc mắc. Đức Giêsu chỉ yêu cầu các ông đi theo Người và sống với Người, và chỉ sai phái các ông đi loan báo Tin Mừng sau Phục Sinh (khác với Mc 6,12-13 và Lc 9,6). Khi viết như thế, có lẽ Mt muốn ưu tiên nêu thật rõ dung mạo có một không hai của Thầy.

- những kẻ lưới người như lưới cá 
(19): Phải chăng đây là một ám chỉ đến sách Êdêkien(47,10)? Bản dịch TOB bảo hiểu Mt 4,19 và Lc 5,10 theo Mc 1,17 (chú thích c): hình ảnh tiêu cực và như đe dọa (x. Kb 1,15.17; Gr 16,16) để diễn tả rằng các tông đồ sẽ đi rao giảng Tin Mừng hầu quy tụ người ta lại mà chịu phán xét và được vào Nước Thiên Chúa (x.Mt 13,47-50). Nhưng nếu hiểu theo Lc 5,10, thì ý nghĩa tích cực hơn nhiều: động từ zôgreô(do zôos, “sống”, và agreô, “bắt”) có nghĩa là “bắt (mà cứu sống)” (Zerwick). Có lẽ cũng nên hiểu Mt 13,47-50 theo hướng này.

Dù sao, có thể nói rằng Nước Trời như đã được thiết lập khi Đức Giêsu kêu gọi các môn đệ, bởi vì Nước Trời chủ yếu là một cộng đoàn gồm những con người quy tụ quanh Đức Giêsu trong sự hiệp thông với Chúa Cha.

- khắp miền Galilê
 (23): Đức Giêsu đến nhắm ngỏ lời với toàn thể dân Người trong khắp xứ(chứ không như các kinh sư Do Thái). 

- giảng dạy … chữa
 … (23): “Đức Giêsu đi khắp miền Galilê / các thành thị, làng mạc /giảng dạy (didaskôn, participle) trong các hội đường của họ, rao giảng (kêryssôn, part.) Tin Mừng Nước Trời, và chữa (therapeuôn, part.) hết các bệnh hoạn tật nguyền của dân” (4,23 và 9,35). Câu này đóng khung khối từ ch. 5 đến ch. 9. Năm chương này làm thành một đơn vị về văn chương và đề tài. Nội dung của đơn vị này sẽ nhắc lại và triển khai ba phân-từ (participle) chứa trong câu tổng hợp này. Giáo huấn của Bài Giảng trên núi (ch. 5–7) và những cuộc chữa bệnh (ch. 8–9: 10 phép lạ) là hai hình thái của Tin Mừng về Nước Trời. Đức Giêsu công bố Nước Trời bằng lời nói (ch. 5–7) và bằng hành động (ch. 8–9). Bài Giảng trên núi minh họa đặc biệt những điều kiện để gia nhập và phát triển trong Nước Trời. Có thể nói Bài Giảng này nối dài câu “Anh em hãy sám hối (hoán cải)”, Bài Giảng này như là lời đáp của con người khi Nước Trời đến (x. 4,23).

- chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân
 (23): Nền văn chương khải huyền thời Đức Giêsu (x. Các Thánh vịnh Salômôn) đầy những ý tưởng về Thiên Chúa là Đấng che chở người công chính và tránh cho họ khỏi bệnh hoạn và những nghịch cảnh. Hoạt động chữa bệnh của Đức Giêsu đáp ứng một niềm chờ mong nơi dân chúng, nhất là thực hiện lời sấm Is về Người Tôi Trung của Đức Chúa mang lấy bệnh tật của dân (x. Is 53,4), mà ông đã áp dụng cho Đức Giêsu (x. Mt 8,17).

Còn toàn bộ Tin Mừng cho thấy rằng Đức Giêsu không chọn nguyên tắc là chữa tất cả các bệnh nhân, y như thể Người muốn cho người ta hưởng nhờ tối đa khả năng làm phép lạ của Người. Người chỉ thực hiện một số phép lạ chữa bệnh có ý nghĩa liên hệ đến Nước Trời và quyền bính của riêng Người.

4.- Ý nghĩa của bản văn
* Galilê, địa bàn hoạt động của Đức Giêsu (12-16)

Đức Giêsu đã đến sông Giođan để được Gioan ban phép rửa cho; Người đã dừng lại ở phía nam Thánh Địa (x. 3,13–4,11). Thế rồi tại sao Người lại trở về để hoạt động tại miền Galilê, là miền không được coi là quê hương của Đấng Mêsia (x. Ga 7,41.42.52)? Tại sao Người không ở lại miền Giuđê và Giêrusalem, là trung tâm của dân Thiên Chúa? Mt cho biết là Đức Giêsu rút lui (lánh đi), Người cảm thấy bị đe dọa và nhường bước cho áp lực của những hoàn cảnh bên ngoài. Sự đe dọa đã khiến cha nuôi Người phải đổi chỗ ở vào đầu đời Người (2,13.14.22) và sẽ còn bó buộc Người liên tục rút lui cả trong thời gian hoạt động công khai (12,15; 14,13). Với các môn đệ sau này, Người dạy họ trốn sang thành khác, khi bị bách hại (10,23). Cũng như Người, họ phải bố trí đời sống dựa theo những hoàn cảnh bên ngoài. Nơi số phận của Gioan, đã bị vua Hêrôđê cho bắt và sẽ cho giết chết theo ngẫu hứng (x. 14,3-12), kết cục cuộc đời Đức Giêsu đã được loan báo: Người cũng sẽ bị giao nộp vào tay loài người (17,22), cho sự gian tà và độc ác của họ. Như thế, ngay trên bước khởi đầu hoạt động của Đức Giêsu, bóng tối của kết cục bi thảm đã được trương ra. Hoạt động của Người được triển khai dưới dầu chỉ là cuộc Khổ Nạn của Người. Tuy nhiên, tất cả những điểm này đều thuộc về chương trình của Thiên Chúa: chính Thiên Chúa đã để cho Gioan và sẽ để cho Đức Giêsu “bị nộp”; sự kiện Gioan bị nộp là như tín hiệu Thiên Chúa dùng để báo cho Đức Giêsu biết đã đến lúc Người hoạt động.

Cũng như Người đã đến cư ngụ tại Nadarét (2,22t), nay Đức Giêsu đến hoạt động tại Galilê và Caphácnaum, do bị bó buộc bởi các biến cố bên ngoài. Trong cả hai trường hợp, tác giả ghi nhận là như thế, ý muốn của Thiên Chúa do các ngôn sứ loan báo được thể hiện. Cho dù nhiều lần phải điều chỉ do các bó buộc bên ngoài, hành trình của Đức Giêsu vẫn hoàn toàn ở dưới sự hướng dẫn của Thiên Chúa. Người đi về vùng ngoại biên Israel, vào “Galilê, đất của dân ngoại”, tại đó cũng có người ngoại cư ngụ và chung quanh là các miền đất Dân ngoại. Hoạt động của Người nhắm đến dân Israel (15,24), nhưng tại đây cũng lan tỏa ra các Dân ngoại và được họ nhận biết (x. 4,24t). Điều đã được loan báo bởi cuộc viếng thăm của các hiền sĩ (2,1-12) và điều sẽ được công bố trong sứ mạng cuối cùng của các môn đệ trong liên hệ với muôn dân (28,19), nay cũng được tỏ hiện tại các nơi chính mà Người hoạt động: Người cũng là ánh sáng cho Dân ngoại nữa. Tại nơi đã chỉ có bóng tối của tử thần, đã bừng lên một ánh sáng. Đối với loài người chúng ta, mặc dù chúng ta biết nhiều, kết cục và ý nghĩa của đời sống hoàn toàn vô phương dò thấu và mờ mịt. Bằng sứ điệp của Người về Thiên Chúa, Đức Giêsu mang ánh sáng và khai mở sự sống viên mãn.

* Đối tượng chính của lời Đức Giêsu rao giảng (17)

Các lời “Anh em hãy hối cải, vì Nước Trời đã đến gần” tóm tắt toàn thể sứ điệp của Đức Giêsu. Tiếng gọi đi trước, nhưng hoàn toàn lệ thuộc lời loan báo, vì dựa trên lời này (“vì”). Thuật ngữ “Nước Trời” chỉ có trong Mt, tương ứng với “Nước Thiên Chúa” trong phần còn lại của Tân Ước. Theo cách dùng của người Do Thái, họ tránh từ “Thiên Chúa” và thay thế bằng “trời” (x. 21,25; Lc 15,18). “Nước Trời” chính là triều đại hoặc quyền chủ tể của Thiên Chúa như là vua. Tất cả hoạt động của Đức Giêsu quy chiếu về Triều Đại. Triều Đại không có nghĩa là một điều gì khác và tách biệt với Thiên Chúa, nhưng là chính Thiên Chúa trong tư cách Chúa Tể và Vua của dân Người, cùng với các hậu quả của quyền chủ tể trên dân. Dân thì luôn luôn thuộc về nhà vua; quyền chủ tể vương giả có nghĩa là dấn thân với lòng tốt và sự quan tâm mà lo lắng cho đời sống của dân, như một mục tử lo lắng cho đời sống của đàn chiên (x. Tv 23,1).

Triều Đại này đã đến gần, chứ chưa hoàn toàn hiện diện. Đức Giêsu sẽ dạy họ cầu nguyện “xin triều đại Cha ngự đến” (6,10). Tuy nhiên, Triều Đại này đã đến gần vĩnh viễn. Thiên Chúa đã quyết định giương cao Vương quyền này trước mặt tất cả các thế lực khác và thực hiện Vương quyền này cách công khai và hết sức hữu hiệu. Không còn có thể quay lui, mà chỉ có thể bước tới cho đến khi Triều Đại này được tỏ hiện trọn vẹn. Thiên Chúa sẽ không trì hoãn và cứ ẩn mình mãi. Người sẽ không bỏ rơi loài người cho các thế lực của thiên nhiên và lịch sử, cũng như cho hoàn cảnh trong đó họ phải quy phục lẫn nhau. Người sẽ chấm dứt tất cả các thế lực này và chính Người sẽ trực tiếp là Vua và Chúa. Đức Giêsu sẽ làm sáng tỏ bản chất của Triều Đại này đặc biệt trong sứ điệp của Người về Thiên Chúa như là Cha và trong hoạt động bác ái của Người để chữa lành và giúp đỡ.

Trước lời công bố là lời mời gọi: “Hãy hối cải!”. Đức Giêsu mời các thính giả quay về với Thiên Chúa. Họ phải quay mặt về Người, chăm chú lắng nghe, với lòng tin tưởng và hy vọng. Con người chỉ có thể hoán cải nếu Thiên Chúa quay về cách nhưng-không với con người. Tuy nhiên, lời kêu gọi hoán cải được đặt ở đầu, bởi vì lời đáp của chúng ta với Thiên Chúa là điều tuyệt đối cần thiết, và có thể thất bại nếu không được nói ra. Hành động của Thiên Chúa thì đã chắc chắn; vì thế, Đức Giêsu đã nhấn mạnh nhiều trên sự cần thiết phải hoán cải.

* Những người đầu tiên được nhận lời rao giảng (18-22)

Một trong những điều kiện căn bản đề Đức Giêsu có thể hoạt động là Người có quanh mình một số người để họ đi đường với Người thường xuyên, thiết lập với Người một sự hiệp thông đời sống và có thể trải nghiệm trọn vẹn hoạt động của Người. Đức Giêsu không hoạt động tùy hứng hay theo ngẫu nhiên, cũng không bắt hoạt động của Người lệ thuộc những cuộc gặp gỡ tình cờ và chóng qua. Người có một cộng đoàn môn đệ bao quanh. Lời kêu gọi “Hãy hối cải!” được nhắc lại và được làm sáng tỏ bởi tiếng gọi “Hãy đi theo tôi!”. Đức Giêsu đã gọi bốn môn đệ đầu tiên là Simôn và Anrê, Giacôbê và Gioan đi theo Người. Ta sống sự hoán cải trong  khi đi theo Đức Giêsu. Ai theo Người thì tin tưởng vào Người, bởi vì Người biết kết cuộc và biết con đường phải theo. Ai đi theo Người thì gắn bó với Người và chấp nhận được Người hướng dẫn. Khi đi theo Người, các môn đệ được đưa vào trong sứ điệp về Nước Trời và vào trong việc hoán cải như là câu trả lời đúng đắn với sứ điệp này.

Những ai đi theo Đức Giêsu thì phải ra khỏi hoàn cảnh sống trước đó và gắn bó với Người. Tuy nhiên, dây liên kết này không tách họ khỏi những người khác, trái lại phải chuẩn bị họ cho một nhiệm vụ mới nơi loài người. Đức Giêsu gọi đi theo Người, đồng thời cho biết ý định của Người: “Tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (4,19). Xuyên qua cuộc cộng đồng sinh tử với Người, Đức Giêsu chuẩn bị họ tiếp nối sứ mạng của Người, trong tư cách là những sứ giả của Người (x. 9,36–10,42; 28,16-20).

* Các hình thái chính của hoạt động của Đức Giêsu (23)

Hoạt động của Đức Giêsu được triển khai khắp miền Galilê và được thực hiện qua giáo huấn, lời giảng và các phép lạ chữa bệnh (4,23). Lời dạy về sự hoán cải đúng đắn, lời loan báo và giải thích Tin Mừng về Nước Trời, và sự xác nhận các điều đó nhờ các cuộc chữa bệnh là những điểm chìa khóa của hoạt động của Đức Giêsu.

+ Kết luận

Là vị Tiền Hô của Đấng Mêsia, Gioan đã dừng chân tại hoang địa và ở tại sông Giođan mà làm phép rửa cho những ai đến với ông. Còn Đức Giêsu, Đấng Mêsia, đã sống đời “du thuyết”; Người rảo khắp miền Galilê mà công bố rằng Nước Trời đang đến. Ngay từ đầu, Người đã tỏ ra là vị Mục Tử tốt lành đi tìm “các chiên lạc của nhà Israel”. Và vì quan tâm bảo đảm cho hoạt động của Người được hữu hiệu lâu dài, Người đã quy tụ các “ngư phủ lưới người” đầu tiên, để họ sống với Người và với nhau. Sau này, các ông sẽ nối tiếp Người, đi loan báo Nước Trời khắp nơi, không phải chỉ cho dân Israel, mà cho mọi người thuộc mọi thời đại.

5.- Gợi ý suy niệm
1. Vào ngày hôm nay, Đức Giêsu vẫn còn công bố sứ điệp về Nước Trời giữa lòng cộng đoàn cử hành Phụng vụ. Lời Người vẫn cấp bách như thuở nào: “Hãy hối cải, vì Nước Trời đã gần đến”. Thiên Chúa vẫn đang tìm cách hiển trị trong đời sống chúng ta một cách rõ nét hơn; Người có thể áp đảo chúng ta, nhưng Người không muốn, vì Người tôn trọng tự do của chúng ta. Do đó, chúng ta được mời gọi xét lại tâm hồn mình, bỏ đi những trở ngại khiến trái tim chúng ta không mở rộng ra được với các viễn tượng phổ quát của Thiên Chúa. Nếu chúng ta không loại bỏ được những trở ngại đó, là chúng ta như đang bị bệnh tật. Khi đó, chúng ta có thể xin với Đức  Giêsu và Người sẽ chữa chúng ta lành.

2. Các hoàn cảnh bên ngoài không phải chỉ là những bó buộc, nhưng thường cũng là những chỉ dẫn Thiên Chúa ban để chúng ta đi đúng đường lối của Người. Đức Giêsu đã chứng tỏ như thế. Các thánh cũng đã hiểu như thế, qua các cuộc mò mẫm tìm kiếm ý Chúa. Hôm nay, chúng ta được mời gọi lưu ý đến các hình thái này mà Thiên Chúa đang dùng để hướng dẫn chúng ta.

3. “Hãy hối cải!”. Loài người không được quay lưng lại với Thiên Chúa, rời xa Người và tìm hạnh phúc và ơn cứu độ ở chỗ khác. Hành động Thiên Chúa đến với loài người đòi buộc họ đáp trả bằng cách di chuyển về phía Thiên Chúa. Họ không thể được Người đến gặp và nhận được các phúc lành của Triều Đại Người, nếu họ quay về với những người khác. Ngay từ đầu, lời rao giảng của Đức Giêsu đã nêu bật hai đề tài chính này: Người nói rõ là chúng ta có thể chờ đợi gì nơi Nước Thiên Chúa và đồng thời, Người trình bày cho thấy đâu là các hình thái của sự hối cải chân thật. Cả hai yếu tố này được trình bày rõ ràng trong các Mối Phúc (5,3-12).

4. Đức Giêsu xuất hiện là đưa lại ánh sáng và niềm vui. Hôm nay, chúng ta có nhận ra Người vẫn đang hiện diện trong thế giới, giữa lòng cuộc sống chúng ta, để chúng ta tiếp tục đón nhận được niềm vui và ánh sáng? Đàng khác, chúng ta đã được chọn để nối tiếp sứ mạng của Người. Chúng ta đang chu toàn sứ mạng đó thế nào?  Đức Kitô vẫn đang đến gặp chúng ta ngay giữa những sinh hoạt, những niềm vui và những nỗi phiền sầu của chúng ta, để mời gọi chúng ta đi theo Người. Có lẽ Người không lôi kéo chúng ta theo Người về mặt thể lý cho bằng về mặt thiêng liêng: chúng ta được thúc bách rời bỏ chính mình, bỏ tính ích kỷ, bỏ đi sự cứng cỏi, để sống với Người mỗi ngày trong sự từ bỏ và trong tình yêu.


5. “Hãy theo tôi”. Tiếng gọi của Đức Giêsu nhằm mời gọi các môn đệ đầu tiên cũng là mộtlời mời hoán cải liên tục. Chúng ta được mời gọi lấy một quyết định cương quyết đầu tiên, đôi khi là một đoạn tuyệt đau đớn nào đó, rồi ngày qua ngày, kiên trì bước theo giáo huấn của Người, chúng ta sẽ thực hiện những bước hối cải mới để càng trở nên môn đệ hơn.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét