Trang

Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2014

26-01-2014 : (phần I) CHÚA NHẬT III MÙA THƯỜNG NIÊN năm A

26/01/2014
Chúa Nhật 3 Quanh Năm Năm A
(phần I)


Bài Ðọc I: Is 9, 1-4 (Hr 8, 23b - 9, 3)
"Tại Galilêa các dân tộc và dân chúng thấy một ánh sáng vĩ đại".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Lúc đầu, đất Giabulon và Nephthali rất hèn hạ, trong tương lai dần dần trở thành đường biển, bên kia sông Giođan trở thành Galilêa các dân tộc. Dân chúng đi trong tối tăm đã thấy một ánh sáng vĩ đại, và một ánh sáng đã chiếu soi trên dân ở vùng bóng sự chết. Người đã gia tăng dân số, đã ban một nguồn vui lớn; thiên hạ hân hoan trước mặt Người, như hân hoan khi được mùa, nhảy mừng như khi phân chia chiến lợi phẩm. Vì ách đã đè trên họ, đòn ngang nằm trên vai họ, và gậy của kẻ lạm thu họ, Người đã bẻ gẫy tất cả như trong ngày Mađian.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 26, 1. 4. 13-14
Ðáp: Chúa là sự sáng và là Ðấng cứu độ tôi (c. 1a).
Xướng: 1) Chúa là sự sáng, là Ðấng cứu độ; tôi sợ chi ai? Chúa là Ðấng phù trợ đời tôi, tôi sợ gì ai? - Ðáp.
2) Có một điều tôi xin Chúa, một điều tôi kiếm tìm, đó là tôi được cư ngụ trong nhà Chúa suốt đời tôi, hầu vui hưởng sự êm đềm của Chúa, và chiêm ngưỡng thánh điện của Người. - Ðáp.
3) Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy chờ đợi Chúa, hãy sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và chờ đợi Chúa. - Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Cr 1, 10-13. 17
"Tất cả anh em hãy đồng tâm hợp ý với nhau, và giữa anh em, đừng có chia rẽ".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, nhân danh Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tôi xin anh em tất cả hãy đồng tâm hiệp ý với nhau, giữa anh em đừng có chia rẽ; hãy đoàn kết chặt chẽ trong cùng một thần khí và cùng một tâm tình. Anh em thân mến, tôi đã được các người nhà Khloê cho hay rằng: giữa anh em đang có những sự bất đồng. Tôi có ý nói điều này, là mỗi người trong anh em nói: "Tôi, tôi thuộc về Phaolô; - "Tôi về phe Apollô"; - "Còn tôi, tôi về phe Kêpha"; - "Và tôi thuộc về phe Chúa Kitô". Chúa Kitô bị phân chia rồi sao? Có phải Phaolô đã chịu đóng đinh vì anh em đâu? Hay là nhân danh Phaolô mà anh em chịu phép rửa? Ðức Kitô không sai tôi đi rửa tội, mà là đi rao giảng Tin Mừng, không phải bằng lời nói khôn khéo, kẻo thập giá của Ðức Kitô ra hư không.
Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 4, 23
Alleluia, alleluia! - Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng nước Trời, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 4, 12-23 (bài dài)
"Người vào Capharnaum để ứng nghiệm lời tiên tri Isaia đã tiên báo".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, nghe tin Gioan bị nộp, Chúa Giêsu lui về Galilêa. Người rời bỏ thành Nadarét, đến ở miền duyên hải, thành Capharnaum, giáp ranh đất Giabulon và Nepthali, để ứng nghiệm lời đã phán bởi miệng tiên tri Isaia rằng: "Hỡi đất Giabulon và đất Nepthali, đường dọc theo biển, bên kia sông Giođan, Galilêa của ngoại bang! Dân ngồi trong tối tăm đã thấy ánh sáng huy hoàng; ánh sáng đã xuất hiện cho người ngồi trong bóng sự chết".
Từ bấy giờ, Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng và nói: "Hãy hối cải, vì nước trời đã gần đến!"
Nhân lúc Chúa Giêsu đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy hai anh em là Simon, cũng gọi là Phêrô, và Anrê, em ông, cả hai đang thả lưới dưới biển, vì hai ông là ngư phủ. Người bảo hai ông rằng: "Các ngươi hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những ngư phủ lưới người ta". Lập tức hai ông bỏ lưới đó mà theo Người. Ði xa hơn một đỗi, Người lại thấy hai anh em khác là Giacôbê con ông Giêbêđê, và Gioan em ông đang vá lưới trong thuyền với cha là Giêbêđê. Người cũng gọi hai ông. Lập tức hai ông bỏ lưới và cha mình mà đi theo Người.
Và Chúa Giêsu đi rảo quanh khắp xứ Galilêa, dạy dỗ trong các hội đường của họ, rao giảng tin mừng nước trời, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân.
Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc bài vắn này: Mt 4, 12-17
"Người vào Capharnaum để ứng nghiệm lời tiên tri Isaia đã tiên báo".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, nghe tin Gioan bị nộp, Chúa Giêsu lui về Galilêa. Người rời bỏ thành Nadarét, đến ở miền duyên hải thành Capharnaum, giáp ranh đất Giabulon và Nepthali, để ứng nghiệm lời đã phán bởi miệng tiên tri Isaia rằng: "Hỡi đất Giabulon và đất Nepthali, đường dọc theo biển, bên kia sông Giođan, Galilêa của ngoại bang! Dân ngồi trong tối tăm, đã thấy ánh sáng huy hoàng, ánh sáng đã xuất hiện cho người ngồi trong bóng sự chết". Từ bấy giờ, Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng và nói: "Hãy hối cải, vì nước trời đã gần đến".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Chúa Giêsu rao giảng tin mừng nước trời
Ðức Yêsu Kitô đã được Chúa Cha sai đến để thực hiện sứ mạng của Người Tôi Tớ, như Chúa nhật trước đã nói. Hôm nay ta thấy Người ra đi làm tròn sứ mạng ấy. Người kêu gọi các môn đệ; Người cứu độ mọi người; Người thực hiện các lời Isaia tiên báo. Nhưng chúng ta đã biết hưởng các ơn của Người mang đến chưa? Ðó là những suy nghĩ của chúng ta trong Chúa nhật hôm nay.

A. Sứ Mạng Tiên Báo
Bài Tiên tri Isaia mở đầu bằng một câu đầy phấn khởi, nối dài niềm hân hoan của mùa Giáng sinh. Tác giả viết: cũng như thời đầu làm suy đốn đất Zabulon và Neptali, thì thời sau sẽ làm rạng vinh. Tiên tri loan báo cho chúng ta biết: thời Ðấng Cứu Thế sẽ đổi mới hẳn mặt đất này; trước sự suy đồi, mọi nơi sẽ trở nên rạng vinh. Ông không nói đến những thay đổi vật chất. Ông trực tiếp đi vào cơ sở của hạnh phúc con người: Dân đi trong tối tăm sẽ nhìn thấy một ánh sáng lớn. Thiên hạ sẽ hân hoan như trong mùa gặt hái, như trong buổi thắng trận. Vì mọi ách nô lệ, mọi sức đàn áp sẽ bị đập tan.
Isaia chỉ biết gợi lên như thế. Ông chẳng hiểu rồi Ðấng Cứu Thế sẽ làm thế nào. Ông suy nghĩ: con người hiện nay đang lầm than khổ sở, như tối tăm mặt mũi. Hạnh phúc sẽ đến, khi có một ánh sáng lớn dọi xuống cho họ, để họ biết ngẩng đầu vươn lên khỏi những gì đang đè họ xuống. Ơn cứu độ vì thế là ơn giải thoát, giải thoát con người để họ được tự do, phấn khởi, sáng suốt xây dựng lại cuộc đời, khiến mặt đất trước kia suy đồi, sau này sẽ rạng vinh. Thế nên sứ mạng của Ðấng Cứu Thế trước tiên nhằm con người, đổi mới nội tâm họ, để chính họ sẽ cải tạo vạn vật.
Thánh Matthêô đã hiểu bài Isaia như vậy nên đã đưa lời tiên tri đó vào phần đầu của bài Tin Mừng hôm nay để giới thiệu công việc của Ðức Yêsu Kitô, khi Người xuất hiện ra đi hoạt động. Chúng ta hãy xem Người thực hiện sứ mạng như thế nào.

B. Sứ Mạng Thực Hiện
Thánh Matthêô viết: bấy giờ Chúa Yêsu bỏ thành Nagiarét, đến ở miền Neptali và Zabulon để làm trọn lời tiên tri Isaia. Nghĩa là Người sẽ làm cho mảnh đất suy đốn ấy trở nên rạng vinh.
Chúng ta biết, Thánh Kinh luôn luôn có cái nhìn đạo đức. Khi dùng chữ "suy đốn" nói đến một vùng đất, Thánh Kinh muốn hiểu về phương diện tôn giáo và nhân đức. Mà quả thực, con đường biển bên kia sông Yordan nổi tiếng là "Galilê các dân ngoại", tức là vùng đông dân ngoại và đời sống ở đó phô trương màu sắc dân ngoại hơn ở những nơi khác trong dân Chúa. Ðức Kitô đã đến đó, nơi tiêu biểu cho thế gian còn sống xa Thiên Chúa. Người phải biến nó nên rạng vinh. Mà ở trong Kinh Thánh, một nơi được rạng vinh, một người được rạng vinh, là khi chính ánh sáng của Chúa đến chiếu soi. Ðức Kitô là ánh sáng muôn dân đến đất suy đốn để chiếu soi bằng sự hiện diện của Người.
Nhưng không phải tự nhiên mà người ta có thể nhận ra ánh sáng của Chúa. Như trên đã nói, người ta còn đi trong tăm tối và đang còn tối tăm mặt mũi, Chúa có lên tiếng gọi, người ta mới biết ngẩng mặt lên. Vì thế, Người đã lên tiếng. Người đã kêu gọi: Hãy thống hối tội lỗi vì Nước Trời đã gần đến!
Người tiếp tục đi xa hơn nữa, không những gọi chung mọi người, mà còn gọi riêng một số người. Họ cũng đang cặm cụi với công việc thường ngày. Người muốn nâng họ lên, bỏ nghề chài lưới cá đi chài lưới người. Quả thật, những ai đi theo Người đều đã được thăng tiến, không phải vì đời sống vật chất đã được khá hơn; ngược lại đau khổ sẽ chờ họ; nhưng tâm hồn họ được nâng cao, đời sống họ mang thêm nhiều ý nghĩa; chính họ thấy được hạnh phúc và họ sẽ hiến thân đi chia sẻ Tin Mừng cho mọi người.
Họ theo Người đi khắp xứ Galilê, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, chữa lành một số bệnh nhân để làm chứng rồi đây không còn khổ đau trong Dân Chúa nữa, khi mà Tin Mừng cứu độ thật sự đã chiếm hữu toàn vẹn tâm hồn con người, đến nỗi khổ đau chỉ có mặt ở mặt ngoài và rất tạm thời. Mầm mống hạnh phúc đã được cắm sâu trong tâm trí. Với thời gian, đôi tay con người sẽ làm ra một thế giới mới...
Nhiều người có thể hoài nghi, 2,000 năm đã qua mà công cuộc của Chúa Cứu Thế chưa đi đến đâu. Không kể bộ mặt bề ngoài của trái đất nhưng kể cả bộ mặt tinh thần của xã hội loài người: tất cả dường như nói lên điều này, sứ mạng mà Ðức Kitô thực hiện chưa đem lại nhiều kết quả. Chúng ta có nên dốc hết niềm tin vào sứ mạng ấy không?

C. Sứ Mạng Tồn Tại
Gạt bỏ vấn nạn trên thật là vô lý; nhưng đầu hàng nó lại càng không phải. Biết đâu chúng ta chẳng quá bất công? 2,000 năm nay cũng đã thay đổi nhiều lắm chứ! Và nhịp tiến bộ mỗi ngày càng nhanh. Nói rằng sứ điệp của Ðức Kitô, sứ mạng của các môn đệ của Người không có công gì trong việc cải tiến xã hội, không biết có phải là bất công không? Và nhất là trong vấn đề cải tiến con người, ai có thể phủ nhận phần đóng góp của Kitô giáo.
Tuy nhiên chúng ta không nên bàn cãi những chuyện như vậy. Vấn nạn hoài nghi sứ mạng của Ðức Kitô phải chăng không phát xuất từ một não trạng "muốn ăn sẵn", muốn thấy sứ mạng đó đã thực hiện hết rồi, để chúng ta chỉ còn việc thừa hưởng?
Chẳng bao giờ có thể như vậy! Con người được sinh ra để làm chủ và làm chủ tập thể. Thiên Chúa luôn chỉ hứa hạnh phúc cho toàn dân, và hạnh phúc cho mỗi người như là một tham dự. Thế mà bài thư Phaolô hôm nay nói, những người theo Chúa vừa nhận được đức tin, đã mau chia rẽ trầm trọng. Họ không còn thấy tất cả phải ở trong một cơ thể của Ðức Kitô nữa và phải tham gia vào cùng sứ mạng với Người. Họ xé lẻ, đánh mảnh, đề cao ý tưởng này, gièm pha cố gắng kia. Họ đã chia rẽ trong đức tin, thì còn xung khắc nhau biết bao trong đời sống thực tế! Họ mất sự đoàn kết chặt chẽ trong cùng một Thần trí và cùng một tâm tình. Họ quên sứ mạng của Ðức Kitô và không còn nhất trí tiếp nối xây dựng sứ mạng ấy.
Thế thì tình trạng còn suy đốn hiện nay của mặt đất ta đang ở, lỗi tại chính những người con Chúa. Họ phải thống hối trở lại vì Nước Trời đã gần đến. Ðúng hơn, họ phải cải tạo để Nước Trời có thể đến được. Thay vì mỗi người xiêu bạt đi theo các dục vọng riêng của mình như các con chiên lạc, tất cả phải biết nghe tiếng Chúa Chiên, chạy lại với Người, chia sẻ của ăn Người ban phát cho, là sự sống và tình yêu của Người, để ăn vào rồi mọi người sẽ thao thức như Chúa, tiếp tục sứ mạng Người đã khởi sự: cải tạo tâm hồn, thay đổi đời sống, xây dựng cuộc đời tự do hạnh phúc chung cho mọi người.
Ðó chính là việc Người muốn làm mỗi khi hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể. Nơi đây Người kêu gọi chúng ta bỏ ý riêng, kết hợp với Người nên một thân thể và thân thể ấy sẽ đem thịt máu xả thân cho mọi người, để ai nấy được hạnh phúc cả hồn lẫn xác. Một viễn tượng như vậy cho ta thấy: sứ mạng đổi mới con người và đời sống, mặc dầu đã được loan báo từ ngàn xưa và đã được Ðức Kitô thực hiện, nhưng còn tồn tại để mọi người chúng ta tham gia. Và như thế cũng chỉ để nâng cao con người và đời sống của mỗi người tham dự.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật 3 Thường Niên, Năm A
Bài đọc: Isa 8:23-9:3; 1 Cor 1:1, 10-13, 17; Mt 4:12-23.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy để ánh sáng chân lý của Thiên Chúa chiếu soi cuộc đời.
Có một sự khác biệt to lớn giữa người biết và người không biết, người bước đi trong ánh sáng và người ngồi trong bóng tối. Người sống trong ánh sáng biết mình đi đâu, họ luôn vững tin, sống an vui và lạc quan hy vọng trong mọi trạng huống của cuộc đời. Người ngồi trong bóng tối không biết mình sống để làm gì, lúc nào họ cũng sợ hãi, lo âu, bi quan và chán nản cuộc đời.
Điều khác biệt không đơn giản chỉ liên quan tới ánh sáng và bóng tối, nhưng nó còn quyết liệt hơn, vì nó liên quan tới sự sống và sự chết đời đời. Để được giải thoát khỏi bóng tối, con người cần tiếp nhận ánh sáng chân lý của Thiên Chúa chiếu soi, họ cần tin tưởng vào Đức Kitô và thực hành những gì Ngài truyền dạy.
Các bài đọc hôm nay tập trung trong chủ đề Thiên Chúa đã làm mọi cách để đưa con người ra khỏi bóng tối tội lỗi bằng cách cho con người nguồn sáng đích thực là Đức Kitô. Ngài cũng chọn và huấn luyện con người để họ cũng được cộng tác với Ngài trong sứ vụ mang Đức Kitô đến cho mọi người.
Trong bài đọc I, ngôn sứ Isaiah đã nhìn thấy và loan báo trước ngày mà mọi người ở mọi nơi đều được ánh sáng chân lý của Thiên Chúa chiếu soi tới, điển hình là hai vùng đất của Dân Ngoại, Zebulun và Naphthali. Trong bài đọc II, thánh Phaolô nhắc nhở cho các tín hữu Corintô biết không phải khi họ đã trở thành tín hữu là họ hết tối tăm và luôn sống trong ánh sáng. Nếu các tín hữu vẫn còn luyến tiếc các lợi nhuận cá nhân để rồi sống theo óc bè đảng của thế gian, họ không sống theo ánh sáng của Thiên Chúa soi dẫn và họ đang tự hủy cuộc sống của chính họ và của cộng đoàn. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu chọn vùng tả ngạn của Hồ Galilee, tức là vùng đất Zebulun và Naphthali mà ngôn sứ Isaiah đã loan báo trong bài đọc I, để làm nơi bắt đầu sứ vụ rao giảng của Ngài. Chúa Giêsu cũng gọi 4 môn đệ đầu tiên và họ đã mau chóng đáp trả bằng cách bỏ mọi sự đi theo Chúa, để được Ngài huấn luyện và cho tham dự vào sứ vụ mang ánh sáng đến cho mọi người.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Sự khác biệt giữa ánh sáng và bóng tối
Zebulun và Naphthali là hai chi tộc của Do-thái nằm về phía tả ngạn của sông Jordan, và là biên giới giữa Syria và Do-thái. Chi tộc Dan không chịu nổi áp suất của vùng biên giới, nên sau này đã di chuyển về biên giới giữa hai miền Bắc và Nam của Do-thái. Nằm ở vùng biên giới luôn bị đe dọa bởi thảm họa chiến tranh và chết chóc. Vào thời của ngôn sứ Isaiah, vương quốc miền Bắc, dĩ nhiên bao gồm hai chi tộc Zebulun và Naphthali, rơi vào tay đế quốc Assyria, mau chóng tiếp nhận mọi bóng tối tội lỗi của họ, và trở thành miền đất của Dân Ngoại. Ngôn sứ Isaiah được Thiên Chúa cho nhìn thấy ngày mà hai chi tộc này sẽ được nhìn thấy ánh sáng của Đấng Thiên Sai chiếu soi. Trình thuật hôm nay muốn nhấn mạnh đến sự tương phản về hiệu quả của ánh sáng và bóng tối.
1.1/ Ánh sáng giải thoát con người: Khi ánh sáng của Thiên Chúa chiếu soi vào vùng đất tối tăm này, con người sẽ nhìn thấy tất cả bóng tối đang bao phủ quanh họ: “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.” Hiệu quả rõ rệt nhất của ánh sáng là niềm vui. Ánh sáng mang lại niềm vui cho tất cả những người được chiếu soi. Ngôn sứ Isaiah dùng hai hình ảnh mà không ai trong vùng đất này xa lạ với là mùa gặt và ngày thắng trận. “Chúa đã ban chứa chan niềm hoan hỷ, đã tăng thêm nỗi vui mừng. Họ mừng vui trước nhan Ngài như thiên hạ mừng vui trong mùa gặt,
như người ta hỷ hoan khi chia nhau chiến lợi phẩm.”
1.2/ Bóng tối giam giữ con người như những nô lệ: Dân chúng sống trong hai vùng của Dân Ngoại này chắc chắn phải chịu nhiều thiệt thòi. Về phương diện tôn giáo, họ sống rất xa Đền Thờ, nên dễ bị ảnh hưởng của các tôn giáo của người Assyria. Về phương diện chính trị, họ bị điều khiển bởi các đế quốc, bị bắt làm nô lệ, và luôn bị đe dọa bởi chiến tranh. Những trận chiến khốc liệt nhất của lịch sử Do-thái đều nằm trong vùng này.
Ngôn sứ Isaiah nhìn thấy trước ngày Thiên Chúa sẽ giải thoát dân chúng khỏi các thế lực chính trị: “Vì cái ách đè lên cổ dân, cây gậy đập xuống vai họ, và ngọn roi của kẻ hà hiếp, Ngài đều bẻ gãy như trong ngày chiến thắng quân Median.”
2/ Bài đọc II: Biết Đức Kitô là phải sống theo những gì Ngài dạy.
Corintô là một hải cảng phồn thịnh của người Hy-lạp. Đời sống của dân chúng tuy dễ chịu về phương diện kinh tế, nhưng bị đe dọa bởi nhiều thứ tội của các nơi mang tới. Dân chúng Corintô dễ mở lòng để đón tiếp những cái hay của tứ phương thiên hạ, nhưng ít khi chịu gạn lọc ra khỏi họ những thói xấu. Thánh Phaolô tuy thành công về phương diện mang ánh sáng của Đức Kitô tới cho họ, nhưng ngài gặp nhiều khó khăn trong việc điều khiển cộng đoàn. Chúng ta chỉ cần đọc hai thư Corintô là biết rõ các vấn đề ngài phải đương đầu với.
Thánh Phaolô nhắc nhở các tín hữu Corintô: Không phải cứ trở thành tín hữu là mọi sự đều tốt đẹp; nhưng người tín hữu phải đoạn tuyệt với tội lỗi, và làm mọi cách để thực thi những lời Đức Kitô dạy bảo. Trong trình thuật hôm nay, điều thánh Phaolô muốn nhấn mạnh là đời sống yêu thương và hiệp nhất trong cộng đoàn.
2.1/ Hiệp nhất là sống theo những lời dạy bảo của Đức Kitô: Sau phần chào hỏi đầu thư, Ngài đi thẳng vào vấn đề của dân thành: “Thưa anh em, nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tôi khuyên tất cả anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hoà thuận, một lòng một ý với nhau.”
Theo thánh Phaolô, căn bản của đời sống Kitô hữu là đức bác ái, và người tín hữu phải làm mọi cách để phát triển nhân đức này (1 Cor 13). Không thể có hiệp nhất nếu không có yêu thương. Chúa Giêsu cũng đã từng nhắn nhủ các môn đệ: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ của Thầy là chúng con yêu thương nhau.”
2.2/ Chia rẽ bè phái là vẫn còn ở trong bóng tối và làm nô lệ cho tội lỗi: Thánh Phaolô cho biết nguyên do của sự chia rẽ trong cộng đoàn: “Thật vậy, thưa anh em, người nhà của bà Chloe cho tôi hay tin có chuyện bè phái giữa anh em. Tôi muốn nói là trong anh em có những luận điệu như: "Tôi thuộc về ông Phaolô, tôi thuộc về ông Apollo, tôi thuộc về ông Kepha, tôi thuộc về Đức Kitô." Thế ra Đức Kitô đã bị chia năm xẻ bảy rồi ư? Có phải Phaolô đã chịu đóng đinh vào khổ giá vì anh em chăng? Hay anh em đã chịu phép rửa nhân danh Phaolô sao?”
Điều thánh Phaolô muốn nhấn mạnh là các tín hữu hãy chú ý đến tình yêu của Đức Kitô biểu lộ qua cái chết của Ngài trên Thập Giá, chứ đừng tìm uy quyền, danh vọng, hay lợi lộc cá nhân để rồi chia năm xẻ bảy thân thể của Đức Kitô.
Lợi lộc cá nhân thường là lý do chính nhưng ẩn sâu trong bóng tối, thúc đẩy con người kéo bè phái và chống lại chân lý, chống lại những người lãnh đạo muốn cho họ bắt chước Đức Kitô. Thánh Phaolô khuyên các tín hữu phải sửa sai kịp thời; nếu không, họ sẽ tự phân tán, và dần dần, họ sẽ từ bỏ luôn Đức Kitô, là nguyên do hạnh phúc cho cuộc đời của họ.
3/ Phúc Âm: Phải có thái độ dứt khoát đi theo nguồn sáng là Đức Kitô khi Ngài đến.
3.1/ Đức Kitô làm trọn lời ngôn sứ Isaiah: “Khi Đức Giêsu nghe tin ông Gioan đã bị nộp, Người lánh qua miền Galilee. Rồi Người bỏ Nazareth, đến ở Capernaum, một thành ven biển hồ Galilee, thuộc địa hạt Zebulun và Naphthali, để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaiah nói: Này đất Zebulun, và đất Naphthali, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Jordan, hỡi Galilee, miền đất của dân ngoại! Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.”
Có thể nói toàn bộ cuộc đời thơ ấu, các phép lạ và sứ vụ rao giảng đầu tiên của Chúa Giêsu tập trung trong hai vùng đất này: Nazareth, Cana, Capernaum... Hầu hết các tông đồ của Chúa Giêsu đều là người địa phương của hai vùng này, Bethsaida là quê hương của 4 môn đệ đầu tiên, rất gần với Capernaum.
3.2/ Chúa Giêsu mời gọi 4 môn đệ đầu tiên đi theo Ngài:
(1) Ngài mời gọi các ông hướng tới sứ vụ cao trọng hơn: mang ánh sáng chân lý của Thiên Chúa và ơn cứu độ đến cho con người. Thoạt nghe trình thuật của Matthew, chúng ta có thể thắc mắc: Làm sao 4 môn đệ đầu tiên này có thể đáp trả lời mời gọi của Chúa Giêsu cách dứt khoát và nhanh chóng như thế? Bốn ông đều chắc chắn đã có cơ hội nghe Chúa Giêsu rao giảng trong hội đường Capernaum và chung quanh vùng Biển Hồ Galilee, đã chứng kiến các phép lạ Ngài làm, đã nghe dân chúng bàn tán về Ngài... Tất cả những điều này làm các ông phải suy nghĩ nhiều đêm, để rồi hôm nay, khi Ngài chính thức mời gọi: "Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá;" các ông mới có thể bỏ mọi sự đi theo Ngài.
(2) Các môn đệ phải dứt khoát đáp trả: Tuy thế, phản ứng dứt khoát của các tông đồ cũng làm cho chúng ta phải kinh ngạc. Nghề nghiệp không dễ bỏ vì nó liên quan đến vần đề sinh sống. Các ông chắc cũng thắc mắc: “Bỏ nghề rồi làm gì ăn?” Bỏ cha già ở lại trên thuyền với lưới rách còn khó hơn. Ơn sinh thành phải đền trả. Giờ đã đến lúc người cha già yếu phải sống nương tựa vào sức mạnh của con, thế mà hai người con khỏe mạnh đành lòng để cha già ở lại để bước theo Đức Kitô! Hơn nữa, chắc họ cũng phải nhìn lại con người mình và tự hỏi: Làm sao một dân thuyền chài có thể mang ánh sáng chân lý tới cho con người? Chính họ cần được ánh sáng chân lý chiếu soi trước hết.
Các ông có can đảm bước đi theo tiếng gọi của Chúa Giêsu vì các ông được soi sáng để nhận ra đâu là điều quan trọng trong cuộc đời. Các ông đi theo Chúa Giêsu vì các ông nhận ra có những điều trong cuộc đời cao trọng hơn là nghề nghiệp và sự đáp trả công ơn sinh thành bằng việc giúp đỡ phần xác. Chúa Giêsu phải có những điều có thể lấp đầy những nỗi khao khát trong tâm hồn các ông. Các ông thấy dân chúng lũ lượt và nhiệt thành đến với Chúa Giêsu để nghe Ngài dạy dỗ và chữa lành. Các ông cảm thấy hãnh diện được trở thành môn đệ của Chúa Giêsu, và việc tham gia vào sứ vụ cứu độ của Chúa phải là điều đáng ao ước hơn cả.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Nếu không có ánh sáng của Thiên Chúa chiếu soi, chúng ta sẽ không thể nhận ra những tối tăm đang bao phủ cuộc đời chúng ta.
- Chúng ta không chỉ cần nhìn thấy ánh sáng thôi, mà còn phải sống theo ánh sáng chỉ dẫn. Hãy mở tung con người để ánh sáng của Thiên Chúa chiếu soi mọi tăm tối trong con người.
- Chúng ta đừng sợ sẽ bị mất những gì đang có; nhưng hãy mạnh dạn và dứt khoát theo Đức Kitô để Ngài đổi mới và dẫn đưa chúng ta đến những chân trời hy vọng mà chúng ta chưa bao giờ dám nghĩ tới.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

26/01/14 CHÚA NHẬT TUẦN 3 TN – A 
Mt 4,12-23

KIẾM TÌM – RAO GIẢNG – CHỮA LÀNH
Đức Giêsu đi khắp miền Galilê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân.
(Mt 4,23)
Suy niệm: Chủ điểm “Tân Phúc Âm Hóa để loan báo Tin Mừng” mà Giáo Hội Việt Nam đang phát động là cơ hội quí giá để các tín hữu suy ngắm lời giảng dạy và việc làm của Chúa Giêsu, để cộng tác với Ngài trong công trình cứu độ. Những phương diện mà “Tân Phúc Âm hoá” nhằm đạt đến là: - khơi dậy nhiệt tình truyền giáo: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (Cr 9,16); - làm mới lại cung cách rao giảng:“Người thời nay sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có nghe thầy dạy chỉ vì thầy dạy cũng là chứng nhân” (ĐGH Phaolô VI); - xoa dịu đau khổ, lấp đầy hố sâu ngăn cách giàu-nghèo trong xã hội, “đừng chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng” (Rm 13,14).
Mời Bạn:  Những giá trị cao quý của cuộc đời như tình thương, lòng đạo đức, thói quen luyện tập nhân đức... nay bị xao lãng, đánh mất, bạn có nỗ lực phục hồi lại không? Bạn có dám lên tiếng nói về Chúa và các huấn lệnh của Ngai cho người xung quanh không? Và bạn làm gì để xoa dịu những nỗi đau của người khác có khi do chính bạn hoặc do xã hội gây ra cho họ?
Sống Lời Chúa: Luôn tâm niệm lời Thánh Phaolô: “Hãy rao giảng Lời, hãy ứng phó lúc thuận lúc nghịch... hãy khuyên lơn, hết tình đại lượng và dụng tâm dạy dỗ” (2 Tm 4,2).
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con đi theo con đường Chúa đã đi, và soi sáng cho con biết phải làm thế nào để loan báo Tin Mừng Nước Chúa.

GALILÊ, VÙNG DÂN NGOẠI
 Hoán cải là để Ngài kéo vào một chuyển động, là quay lại, là bỏ con đường mình đã quen từ lâu, để đi cùng chiều với Chúa và ngược chiều với cái tôi ích kỷ. 


Suy nim:
Khi Gioan bị bắt, Ðức Giêsu đã lánh qua Galilê.
Galilê là vùng ven, ít nguy hiểm cho Ngài.
Dân cư ở đây phần đông là dân ngoại.
Người Do thái ở đây bị coi là những kẻ sống bên lề Dân Chúa.
Nhưng Galilê lại là nguyên quán của Ngôi Lời làm người,
và là nơi Ðức Giêsu chọn để bắt đầu thi hành sứ vụ.
Từ Galilê, Ngài sẽ sai môn đệ đi khắp thế gian (Mt 28,19).
Ðức Giêsu rời bỏ Nadarét, để đến cư ngụ tại Caphácnaum.
Caphácnaum là địa bàn hoạt động được Ngài ưa thích.
Có lúc nó được gọi là thành của Ngài (9,1), dù bất xứng (11,23).
Galilê, Nadarét, Caphácnaum chẳng có chút tiếng tăm (Ga 1,46),
nhưng Ðức Giêsu vẫn là một ngôn sứ xuất thân từ đó (Mt 21,11).
Hãy ngắm nhìn Ðức Giêsu trên những nẻo đường.
Ngài rút về Galilê, Ngài đến Caphácnaum, đi dọc theo bờ biển.
Khắp miền Galilê in dấu chân của Ngài (Mt 4,23),
Ngài không vào hoang địa như Gioan, rồi gọi người ta đến.
Ngài đích thân đến với con người ngay giữa đời thường.
Ngài cứ đi không nghỉ, không đóng đô ở một chỗ.
Nhu cầu quá lớn không cho phép Ngài dừng lại (Mc 1,38).
Ðức Giêsu chuyển động và kéo người ta chuyển động theo Ngài.
Những người đầu tiên là các ngư phủ mà Ngài quen biết.
Tuy là những người ít học, không giàu có hay địa vị,
nhưng đối với Ngài, họ có đủ tố chất cần thiết
để trở nên những người cộng sự của Ngài.
Sự kiên trì khi thả lưới giúp họ biết nhẫn nại chờ đợi.
Sự hòa đồng giúp họ chấp nhận nhau và làm việc chung.
Sự can đảm trước sóng gió giúp họ đối diện với nghịch cảnh.
Khả năng nhận ra khi nào và chỗ nào nên thả lưới
sẽ giúp họ khám phá những vùng truyền giáo màu mỡ.
“Các anh hãy theo Tôi”: một lời mời gọi lên đường.
Hãy gắn bó với Tôi và chia sẻ thao thức của Tôi.
Ðể lên đường cần bỏ lại cái êm ấm được phép,
êm ấm bên gia đình, bên vợ con như Phêrô,
êm ấm bên khoang thuyền, cạnh người cha đang vá lưới.
Theo Chúa là chấp nhận ra khơi
hay đúng hơn là chấp nhận lên bờ,
bóc mình ra khỏi khung cảnh sống quen thuộc.
Chấp nhận bấp bênh, không nhà cửa, không nghề nghiệp,
là để có thể đi đến mọi nhà, gặp mọi người,
và tận tụy cho sứ mệnh loan báo Nước Thiên Chúa.
Ðức Giêsu đã đi rao giảng Tin Mừng về Nước Trời gần bên.
Ðể đón lấy quà tặng đó, cần sám hối, hoán cải.
Hoán cải là để Ngài kéo vào một chuyển động,
là quay lại, là bỏ con đường mình đã quen từ lâu,
để đi cùng chiều với Chúa và ngược chiều với cái tôi ích kỷ.
Ðức Giêsu gieo rắc niềm vui khắp nơi.
Niềm vui cho người nghe, niềm vui cho người khỏi bệnh.
Bước chân không mỏi, lời nói thiết tha, trái tim gần gũi…
Hôm nay Hội Thánh vẫn sống giữa những Galilê dân ngoại.
Chúng ta có đủ niềm vui để làm Galilê bừng sáng không?
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
các sách Tin Mừng chẳng khi nào nói Chúa cười,
nhưng chúng con tin Chúa vẫn cười
khi thấy các trẻ em quấn quýt bên Chúa.
Chúa vẫn cười khi hồn nhiên ăn uống với các tội nhân.
Chúa đã cố giấu nụ cười trước hai môn đệ Emmau
khi Chúa giả vờ muốn đi xa hơn nữa.
Nụ cười của Chúa đi đôi với Tin Mừng Chúa giảng.
Nụ cười ấy hòa với niềm vui
của người được lành bệnh.

Lạy Chúa Giêsu,
có những niềm vui
Chúa muốn trao cho chúng con hôm nay,
có sự bình an sâu lắng Chúa muốn để lại.
Xin dạy chúng con biết tươi cười,
cả khi cuộc đời chẳng mỉm cười với chúng con.
Xin cho chúng con biết mến yêu cuộc sống,
dù không phải tất cả đều màu hồng.
Chúng con luôn có lý do để lo âu và chán nản,
nhưng xin đừng để nụ cười tắt trên môi chúng con.
Ước gì chúng con cảm thấy hạnh phúc,
vì biết mình được Thiên Chúa yêu thương
và được sai đi thông truyền tình thương ấy. Amen.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
26 THÁNG GIÊNG
Nạn Thất nghiệp – Một Tai Ương Xã Hội
Con người luôn luôn là yếu tố quan trọng nhất trong mọi quá trình lao động, từ khởi sự cho đến hoàn thành. Vì thế, trình độ văn minh của một dân tộc phản ảnh nơi chính thái độ của họ đối với những người yếu kém trong xã hội, những người gặp khó khăn trong vấn đề việc làm, những người phải đương đầu với tình trạng thiếu hay không có việc làm. Thật vậy, một trong những bi kịch của thời đại chúng ta là tình trạng có quá nhiều người thất nghiệp, nhất là những người trẻ. Chúng ta phải làm gì đây trước tình hình này?
Cần phải nhận ra rằng tình trạng ì do bắt buộc (nghĩa là muốn hoạt động nhưng không được hoạt động) là một sự dữ . Nó tạo ra một sự ngưng trệ có chiều hướng làm tê liệt chính niềm hy vọng của người ta. Những ước mơ và lý tưởng của người ta bị đe dọa, người ta trở thành quờ quạng, lóng ngóng. Người trẻ, trong trường hợp này, nhận thấy mình bị tước mất cơ hội xây dựng gia đình. Rồi, hậu quả xảy ra là những suy bại khôn lường về đạo đức và tâm lý. Quả là một tình trạng đòi chúng ta phải dành quan tâm một cách khẩn trương.
Tôi muốn nhắc đi nhắc lại rằng “tình trạng thất nghiệp – trong bất luận trường hợp nào – cũng đều là một sự dữ, và đến một mức nào đó, nó có thể trở thành một tai họa thực sự cho xã hội” (Laborem exercens 8). Thất nghiệp là một ‘nạn dịch”. Dịch bệnh này phát triển trong những cơ thể ốm yếu, suy nhược. Khi một xã hội cảm thấy mình đứng trước sự đe dọa của nạn dịch này, xã hội ấy cần phải nghiêm túc xem lại ‘sức khỏe’ của mình.
Chúng ta cần sử dụng mọi phương tiện để khảo sát và nghiên cứu vấn đề hệ trọng này – sao cho có thể tìm ra một giải pháp. Chẳng hạn, khoa xã hội học và kinh tế học chắc chắn có thể giúp ta hiểu rất nhiều về tình trạng thất nghiệp trong ánh sáng của những sự thay đổi lớn lao về công nghệ – là điều đang dẫn tới những thay đổi về điều kiện làm việc trong thời hiện đại của chúng ta.
Trong công cuộc tìm kiếm những giải pháp, chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng con người là yếu tố thứ nhất mà chúng ta phải quan tâm. Sự đóng góp của con người là – và mãi mãi vẫn là – yếu tố cốt lõi cho sự tiến bộ đích thực. Không có một máy móc nào – dù tinh vi tới đâu đi nữa – có thể thay thế cho trí tuệ của con người.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 26-01
CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN
Is 8, 23b-9,3; 1Cr 1, 10-13.17; Mt 4, 12-23.

LỜI SUY NIỆM: “Đức Giêsu bắt đầu rao giảng và nói rằng: Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”.
Trong môi trường sống của con người, ngày càng gần và quen dần với những cái xấu. Làm cho con người không nhận ra mình là kẻ đang mắc tội, tội với chính bản thân mình, gia đình mình, người thân và mọi người chung quanh, nhất là đối với Chúa và đối với Giáo Hội. Lời kêu gọi của Chúa Giêsu vẫn là tiếng mời gọi của hôm nay, giúp con người xét mình lại để cải thiện đời sống.
Lạy Chúa Giêsu. Xin Chúa giúp cho mọi người trong gia đình chúng con, luôn biết xét mình, để nhận ra những tội lỗi mình đang phạm, mà sám hối, ăn năng, dóc lòng chừa , để cải thiện đời sống tốt đẹp hơn.
Mạnh Phương


Gương Thánh Nhân
Ngày 26-01: Thánh TIMÔTÊÔ Và TITÔ GIÁM MỤC
Thánh TIMÔTÊÔ (thế kỷ I)

Là con của người cha Hilạp và người mẹ Do thái, thánh TIMÔTÊÔ đã được theo đạo vào năm 47 khi thánh Phaolô giảng đạo tại Lystra miền tiểu Á trong cuộc bách hại dữ dội khiến thánh Phaolô bị mém đá đến gần chết (Cv 14,6-19) Trong cuộc viếng thăm lần thứ hai vào năm 50 thánh Phaolô đã chọn Ngài như người bạn đồng hành thay thế cho Marcô (Cv 13,13.15,38) và cùng với Silas lo việc truyền giáo tại Trung Á (Cv 16,1).
Như thế, Timotêô đã chứng kiến việc rao giảng Tin Mừng đầu tiên cho Âu châu. Từ đó Ngài thường được sách Công vụ các sứ đồ và các thánh thư nhắc đến như một trong các "tông đồ" hay thừa phái thánh Phaolô giữ lại hoặc sai đi quan sát các cộng đoàn Kitô hữu đã được thiết lập. Khoảng năm 51 Ngài cũng ký tên với thánh Phaolô trong các thư gửi tín hữu Thessalonica và chính Ngài đã từ Côrintô mang thư đến cho cộng đoàn mới trở lại đạo.
Năm 57 Ngài trở lại để mang thư thứ hai gửi các tín hữu Côrintô và năm sau, Ngài lại cùng với thánh Phaolô gửi thư chào Giáo hội Rôma. Cuối cùng khi Phaolô bị điệu về Roma, Timoteo vẫn còn ở bên cạnh Ngài, ký tên vào các thư gửi đi vào khoảng năm 62 cho dân Philêmon, dân Côlosê và Philippe (Ph 2,20)
Năm 65 hình như Phaolô được thả và có dịp thi hành dự định rao giảng Tin Mừng ở thế giới tây phương. Vắng mặt ở miền Đông. Thánh Phaolô vãn liên kết với các cộng đoàn Kitô hữu, dầu không lên kết với một cộng đoàn nào với tư cách giám mục cả. Timotêô thì ước hẹn với Á Châu và đặt địa điểm ở Ephesô. Ở đây Ngài nhận được hai lá thư của Phaolô, một lá thư từ Macêdonia khoảng năm 65 và lá thứ khác khoảng hai nămsau gửi từ Roma, là nơi Phaolô bị giam lần thứ hai.
Chính nhờ những lá thư này mà chúng ta biết được nhiều về Timotêô. Chúng thường đề cập đến nguy hiểm mà các Giáo hội ở Á châu phải đương đầu, nhưng chúng cũng đưa ra ánh sáng tính khí mà con người Phaolô đã để lại chống đỡ với nguy hiểm. Rõ ràng là có tính nhút nhát, e dè, nhưng Ngài cũng đủ nhiệt tâm trong công việc, đến nỗi cần được nhắc nhở phải quan tâm tới sức khỏe của mình. Ngài cũng biết rõ những đau khổ phải chịu để bảo vệ đức tin (2Tm 3,12) và những lời khuyên thánh Phaolô lặp lại không được gợi lên, bởi rằng Timotêô yếu đuối, nhưng đúng hơn vì biết rằng ngày cùng của mình đã gần, và rồi những người trợ giúp mình sẽ phải kề vai vác lấy gánh nặng một mình. Cuối cùng Phaolô chỉ còn biết nhắc đến ước nguyện của mình là Timotêô hãy giữ "đạo lý", đức hạnh, dự định, lòng tin, đại lượng, mến yêu, kiên nhẫn" (Tm 3,10) như Ngài đã học được. Phaolô gọi Timotêô đến an ủi mình trong những giờ phút cuối cùng, lời gọi chứng tỏ hùng hồn rằng Timotêô là con rất thân yêu của thánh Phaolô.
Tân ước còn có một ghi chú nữa về Timotêô trong thư Philip.13,23 trong đó có ghi nhận rằng: Phaolô được thả ra khỏi cảnh tù tội lần 2 khoảng năm 67 và tác giả muốn có Timotêô tháp tùng về Giêrusalem.
Một truyền thống cho rằng thánh Timotêô đã ở lại Ephêsô cho tới hết đời. Sách "Công vụ thánh Timotêô" thế kỷ IV mô tả cái chết của Ngài như là bị ném đá và bị đánh đập cho đến chết, nhưng tài liệu quá ít nên không rõ được rằng điều đó có đúng nguồn hay không.
Constantinople cho rằng: mình giữ được các di tích của thánh nhân và lễ kinh nhớ Ngài được cử hành này 26 tháng giêng, tiếp liền ngày kính nhớ thầy mình.
Thánh TITÔ (thế kỷ I)

Sinh ra là lương dân, thánh Titô đã được thánh Phaolô cải hóa và được gọi là "người con chân thành của tôi trong sự thông hiệp với đức tin". Titô nhận được những sứ mệnh khó khăn. Ngài được thánh tông đồ gửi tới dân Côrintô để tổ chức giáo đoàn và thu tiền quyên cúng ủng hộ Giáo hội ở Gierusalem.
Thánh Phaolô trong một bức thư đã bộc lộ lòng yêu quý sâu xa đối với người bạn đời của mình: "Tâm trí tôi không thảnh thơi chút nào vì xa cách bạn Titô đi Côrintô một lần nữa để sửa chữa những bất hoà và thánh Titô đã mang lại cho Ngài những tin tức tốt đẹp hơn.
Thánh Titô lãnh trách nhiệm tổ chức giáo đoàn ở đảo Crêta. Ơ đó Ngài nhận thư mang danh mình, thánh tông đồ truyền: "Hãy nói với các vị cao niên phải tiết độ đàng hoàng điềm đạm, lành mạnh về đức tin, đức mến và kiên nhẫn... hạng thiếu niên cũng vậy, hãy truyền dạy họ phải biết ở điềm đạm. Trong mọi sự anh em hãy tỏ ra là gương mẫu về đức hạnh, tinh toàn và đoan trang trong giáo huấn (Tt 2,2-10).
Thánh Titô qua đời khoảng năm 105.
(daminhvn.net)


26 Tháng Giêng
Quốc Khánh Của Australia

Hôm nay 26 tháng 01 là ngày quốc khánh của người Australia.
Ngày 26/01/1788, lá cờ của nước Anh lần đầu tiên được cắm trên lãnh thổ của Australia, đánh dấu đợt định cư đầu tiên của 730 người. 730 cựu tù nhân này đã được coi như là thủy tổ của đa số người dân Australia này nay.
Ðối với chính phủ Anh thời bấy giờ, việc lưu đày các tù nhân qua một vùng đất xa lạ là một biện pháp giúp giải quyết vấn đề ứ đọng tại các nhà tù trong nước. Nhưng đối với 730 người lần đầu tiên của Australia này,  thì đây là cơ hội để làm lại cuộc đời. Dù muốn dù không, người dân Australia chính hiệu ngày nay không thể phủ nhận được sự kiện là quốc gia của họ đẫ được thai sinh do những con người mà xã hội muốn xua đuổi cho rảnh tay.
Ngày nay, Australia được xếp vào hạng những nước tiên tiến về mọi mặt. Nhưng có lẽ họ không thể quên được công ơn xây dựng của cha ông họ, dù tông tích của họ có là một quá khứ xấu xa đến đâu.
Câu chuyện lập quốc của nước Australiacó thể giúp chúng ta hiểu được phần nào hai chữ Quan Phòng trong Kitô giáo của chúng ta. Lời của thánh Phaolô là một xác quyết về sự quan phòng ấy: nơi nào có tội lỗi càng nhiều, nơi đó Thiên Chúa càng ban ơn dồi dào.
Lịch sử của dân Israel và lịch sử ơn cứu rỗi cũng cho chúng ta thấy một chuỗi những vấp ngã của con người và một chuỗi những can thiệp kỳ diệu của Thiên Chúa. Mỗi lần con người phạm tội là mỗi lần Thiên Chúa ban ơn như một khởi điểm cho một công trình mới tốt đẹp hơn.
Hôm nay Giáo Hội kính nhớ hai Thánh Timôtê và Titô, hai người con tinh thần và cộng sự viên gần gũi của thánh Phaolô mà chúng ta tưởng niệm biến cố trở lại ngày hôm qua.
Cũng giống như Thánh Phaolô, Timôtê mang hai dòng máu Hy Lạp và Do Thái. Do Thái xem Ngài như một đứa con ngoại hôn. Nhưng cái tư thế bị ruồng rẫy đó đã khiến cho Timôtê trở thành gạch nối giữa Tin Mừng và văn minh của những dân tộc ở ngoài Do Thái giáo. Trong 15 năm sát cánh bên cạnh Thánh Phaolô để phục vụ các cộng đoàn Ephêsô, Timôtê đã để lại một mẫu gương hy sinh, nhẫn nhục và bác ái cao độ.
Cũng giống như Phaolô và Timôtê, Titô cũng đến từ thế giới dân ngoại. Ngài cũng được Chúa sử dụng để loan báo Tình Thương của Ngài cho mọi tạo vật.
Ôn lại cuộc đời của ba vị Thánh thuộc thế giới dân ngoại này, chúng ta thấy động tác lạ lùng của ơn Chúa. Mọi người, dù thấp hèn đến đâu, cũng đều có một chỗ đứng trong chương trình cứu rỗi của Chúa. Mọi người đều có thể là trung gian nhờ đó ơn Chúa được thông ban cho người khác. Thế giới không được cứu rỗi nhờ những gì chúng ta làm, mà nhờ những gì Thiên Chúa thực hiện qua cuộc sống của chúng ta.
(Lẽ Sống)

26-1
Thánh Timôtê và Titô

T
hánh Timôtê (c. 97?): Qua Tân Ước, những gì chúng ta biết được về cuộc đời Thánh Timôtê thì giống như của một giám mục bận rộn ngày nay. Ngài được vinh dự tháp tùng Thánh Phaolô, và cả hai đều được ưu tiên rao giảng phúc âm và chịu đau khổ.
Thánh Timôtê có cha là người Hy Lạp và mẹ là người Do Thái tên là Eunice. Là kết quả của một hôn nhân "hỗn hợp", nên ngài bị người Do Thái coi là bất hợp pháp. Chính bà ngoại thánh nhân, bà Lois, là người đầu tiên trở lại Kitô Giáo. Sau đó, Timôtê được Thánh Phaolô rửa tội khoảng năm 47, và sau đó cùng tiếp tay với ngài trong công cuộc tông đồ. Chính ngài và Thánh Phalô cùng sáng lập Giáo Hội Côrintô. Trong 15 năm làm việc với Thánh Phaolô, Timôtê trở nên người bạn trung tín nhất của Phaolô. Ngài được Thánh Phaolô gửi đi truyền giáo -- thường phải đương đầu với những xáo trộn trong các giáo đoàn mà Thánh Phaolô thành lập.
Khi Timôtê đang ở với Phaolô thì bị bắt tại Rôma. Trong một thời gian, chính Timôtê cũng bị tù (Do Thái 13:23). Và Thánh Phaolô đã bổ nhiệm Timôtê làm đại diện cho ngài ở Êphêsô.
Timôtê quá trẻ so với trách nhiệm nặng nề phải đảm trách. ("Ðừng để ai coi thường anh vì sự trẻ trung," trong thư I Thánh Phaolô viết cho Timôtê 4:12a). Một vài đoạn khác cho chúng ta biết dường như Timôtê hay bẽn lẽn. Và một trong những câu của Thánh Phaolô thường được trích dẫn là câu viết cho Timôtê: "Ðừng chỉ uống nước lã, nhưng hãy dùng thêm chút rượu, vì anh đau dạ dày và ốm yếu luôn(1 Tim 5:23).
T
hánh Titô (c. 94?): Titô có nét đặc biệt là người bạn thân và là môn đệ của Thánh Phaolô cũng như tiếp tay trong công cuộc truyền giáo. Ngài là người Hy Lạp, hiển nhiên xuất thân từ Antiôkia. Mặc dù ngài là Dân Ngoại, Thánh Phaolô đã không để ngài phải chịu cắt bì ở Giêrusalem. Titô được coi như người hòa giải, người quản đốc, người bạn rất tốt. Trong lá thư thứ hai gửi giáo đoàn Côrintô, Thánh Phaolô cho chúng ta thấy tình bạn sâu đậm giữa ngài với Titô, và tình đồng đội giữa hai người khi rao giảng Tin Mừng: "Khi tôi đến Troas... Tinh thần tôi không được khuây khỏa vì không gặp được Titô, người anh em của tôi. Do đó tôi từ giã họ và tiếp tục đến Macedonia... Ngay cả khi đến Macedonia, thể xác chúng tôi cũng chưa được yên, mà phải chịu đau khổ đủ mọi cách -- xung đột bên ngoài, lo sợ bên trong. Nhưng Thiên Chúa, Ðấng an ủi những kẻ yếu hèn, đã an ủi chúng tôi bằng cách sai Ti-tô đến...(2 Côrintô 2:12a, 13; 7:5-6).
Trong Thư Gửi Titô, lúc ấy Titô được coi như quản đốc của cộng đồng Kitô Giáo trên đảo Crete, có trách nhiệm tổ chức, chấn chỉnh những lạm dụng và bổ nhiệm các giám mục phụ tá.
Lời Bàn
Qua đời sống của Thánh Titô, chúng ta có được chút hiểu biết về đời sống Giáo Hội thời tiên khởi: hăng say trong việc tông đồ, kết hợp mật thiết với Ðức Kitô, triển nở tình bạn. Tuy nhiên, luôn luôn có những vấn đề của bản tính con người và những chi tiết không hấp dẫn chút nào trong đời sống hàng ngày: cần phải sống bác ái và kiên nhẫn trong "sự cãi cọ với người khác, lo sợ trong tâm hồn". Qua tất cả những điều ấy, tình yêu của Ðức Kitô đã gìn giữ họ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét