Trang

Thứ Năm, 30 tháng 1, 2014

02-02-2014 (Mồng Ba Tết ) : Thánh hóa Công Ăn Việc Làm

02-02-2014 (Mồng Ba Tết ) : Thánh hóa Công Ăn Việc Làm


Mồng Ba Tết - Thánh hóa Công Ăn Việc Làm
Bài Ðọc I: St 1,26 - 2,3
"Hãy sinh sôi nẩy nở cho nhiều đầy mặt đất và thống trị nó".
Bài trích sách Sáng Thế.
Thiên Chúa phán: "Chúng ta hãy dựng nên con người theo hình ảnh giống như Ta, để chúng làm chủ cá biển, chim trời, dã thú khắp mặt đất và tất cả loài bò sát di chuyển trên mặt đất".
Vậy Thiên Chúa đã tạo thành con người giống hình ảnh Chúa, Người tạo thành con người giống hình ảnh Thiên Chúa. Người tạo thành họ có nam có nữ.
Thiên Chúa chúc phúc cho họ và phán rằng: "Hãy sinh sôi nẩy nở cho nhiều, đầy mặt đất, và thống trị nó; hãy bá chủ cá biển, chim trời và toàn thể sinh vật di chuyển trên mặt đất". Thiên Chúa phán: "Ðây Ta ban cho các ngươi làm thức ăn mọi thứ cây cỏ mang hạt giống trên mặt đất và toàn thể thảo mộc sinh trái có hạt tuỳ theo giống. Ta ban mọi thứ cây cỏ xanh tươi làm thức ăn cho mọi loài dã thú trên mặt đất, chim trời và toàn thể sinh vật di chuyển trên mặt đất". Và đã xảy ra như vậy. Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm rất tốt đẹp. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ sáu.
Thế là trời đất và mọi trang điểm của chúng đã hoàn thành. Ngày thứ bảy Thiên Chúa đã hoàn tất công việc Người đã làm. Và sau khi hoàn tất công việc Người đã làm, thì ngày thứ bảy Người nghỉ ngơi. Người chúc phúc và thánh hóa ngày thứ bảy, vì trong đó Người nghỉ việc tạo thành.
Ðó là lời Chúa.
- - - - - - - - - - - -
Hoặc: St 2, 4b-9. 15
"Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn địa đàng, để họ trồng tỉa".
Bài trích sách Sáng Thế.
Trong ngày Thiên Chúa tạo dựng trời đất, thì chưa có bụi cây nào mọc ngoài đồng, không có một cây rau cỏ nào nẩy mầm ngoài đồng ruộng, vì Chúa là Thiên Chúa chưa cho mưa rơi xuống đất, và chưa có người để trồng trọt, nhưng lúc đó mạch nước từ đất vọt lên, tưới khắp mặt đất.
Vậy Thiên Chúa lấy bùn đất nắn thành con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi và con người trở thành một vật sống. Thiên Chúa lập một vườn tại E-đen về phía đông và đặt vào đó con người mà Ngài đã dựng nên. Thiên Chúa cho từ đất mọc lên mọi thứ cây trông đẹp, ăn ngon, với cây sự sống ở giữa vườn, và cây biết lành biết dữ. Vậy Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn địa đàng, để họ trồng tỉa và coi sóc vườn.
Ðó là lời Chúa.
- - - - - - - - - - - - -
Hoặc: 2Cor 9, 8-11
"Thiên Chúa đã cung cấp bánh để nuôi họ".
Bài trích thơ thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, Thiên Chúa có quyền cho anh em được dư tràn mọi ân phúc: để anh em vừa luôn sung túc mọi mặt, vừa được dư dật dể làm các thứ việc phúc đức, như đã chép rằng: "Người đã rộng tay bố thí cho kẻ nghèo khó, đức công chính của Người sẽ tồn tại muôn đời".
Ðấng đã cung cấp hạt giống cho kẻ gieo, và bánh để nuôi mình, thì cũng sẽ cung cấp cho anh em hạt giống dư đầy, và sẽ làm phát triển hoa quả sự công chính của anh em. Như thế, anh em được giàu có mọi bề, để thi hành mọi việc bác ái; qua tay chúng tôi, phúc đức đó sẽ làm phát sinh lời cảm tạ Thiên Chúa.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp ca: Tv 103, 1-2a, 14-15, 24, 27-28
Ðáp: Lạy Chúa, địa cầu đầy dẫy loài thụ tạo của Ngài. (24c)
Xướng 1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, lạy Chúa là Thiên Chúa của tôi, Ngài rất ư vĩ đại! Ngài mặc lấy oai nghiêm huy hoàng, ánh sáng choàng thân như mang áo khoác. - Ðáp.
2) Ngài khiến cỏ xanh mọc ra cho súc vật, và cây cối để con người xử dụng, để từ trong đất con người tạo ra cơm bánh, và rượu làm hoan hỉ lòng người; khiến cho mặt người lấp lánh dầu thơm, và bánh cơm tâm can người được bỗ dưỡng. - Ðáp.
3) Lạy Chúa, thực nhiều thay công cuộc của Ngài! Ngài đã tạo thành vạn vật cách khôn ngoan, địa cầu đầy dẫy loài thụ tạo của Ngài. - Ðáp.
4) Hết thảy mọi vật đều mong chờ ở Chúa, để Ngài ban lương thực cho chúng đúng thời giờ. Khi Ngài ban cho thì chúng lãnh, Ngài mở tay ra thì chúng no đầy thiện hảo. - Ðáp.

Alleluia và Câu Xướng Trước Phúc Âm: Tv 67, 20
(Mùa Chay: bỏ Alleluia)
Alleluia, alleluia! - Chúc tụng Chúa ngày nọ qua ngày kia; Thiên Chúa là Ðấng cứu độ, Người vác đỡ gánh nặng chúng tôi. - Alleluia.
Hoặc: Mt 11, 28
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: Hỡi tất cả những ai khó nhọc và gánh nặng, "hãy đến cùng Ta, Ta sẽ bổ sức cho". - Alleluia.

Phúc Âm: Ga 5, 16-20
"Chúa Cha yêu Chúa Con, và bày tỏ cho Chúa Con biết mọi việc mình làm".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, các người Do thái gây sự với Chúa Giêsu, vì Người đã chữa bệnh trong ngày sabbat. Chúa Giêsu trả lời họ rằng: "Cha Ta làm việc liên lỉ, Ta cũng làm việc như vậy". Bởi thế, các người Do thái càng tìm cách giết Người, vì không những Người đã phạm luật nghỉ ngày sabbat, lại còn gọi Thiên Chúa là Cha mình, coi mình ngang hàng với Thiên Chúa.
Vì thế, Chúa Giêsu trả lời họ rằng: "Thật, Ta bảo thật cho các ngươi biết: Chúa Con không thể tự mình làm gì, nếu không thấy Chúa Cha làm. Ðiều gì Chúa Cha làm, thì Chúa Con cũng làm y như vậy. Vì chưng, Chúa Cha yêu thương Chúa Con, và bày tỏ cho Chúa Con biết mọi việc mình làm, và sẽ còn bày tỏ những việc lớn lao hơn thế nữa, đến nỗi các ngươi sẽ phải thán thục".
Ðó là lời Chúa.
Hoặc: Mt 6, 31-34
"Các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con chớ áy náy lo lắng mà nói rằng: "Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì, hoặc sẽ lấy gì mà mặc?" Vì chưng, dân ngoại tìm kiếm những điều đó. Nhưng cha các con biết rõ các con cần đến những điều đó. Tiên vàn các con hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều đó Người sẽ ban thêm cho các con. Vậy các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai, vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy".
Ðó là lời Chúa.
Hoặc: Mc 4,26-29
"Người kia đã gieo hạt xuống đất, rồi đi ngủ, hạt giống mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: "Nước Thiên Chúa giống như người kia đã gieo hạt xuống đất, người đó ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống cứ đâm mầm và mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết nữa. Ðất tự nó làm cây lúa mọc lên: trước hết thành cây, rồi đâm bông, rồi kết hạt. Và khi lúa chín, người ấy liền gặt vì đã đến mùa".
Ðó là lời Chúa.

Suy niệm :

            Cuộc sống luôn đòi chúng ta chọn lựa. Chọn lựa để vươn lên. Chọn lựa để vượt ra khỏi những gì bình thường mà chọn cách sống khác hơn. Có chọn lựa nên có đổi thay. Chính những cái đổi thay khiến người ta ngại chọn lựa bởi phải sống khác hơn. Người ta vẫn cứ “an phận thủ thường” là chắc ăn.

            Chuyện kể rằng: có hai con vật lừa và ngựa sống với nhau. Một ngày kia, có một tay cao bồi xuất hiện và hỏi hai con vật:

Trong hai ngươi, ai là kẻ muốn theo ta đi thám hiểm thế giới. Ta không hứa hẹn một cuộc sống no đủ như ở cái chuồng bé tẹo này. Nhưng ta hứa hẹn một cuộc sống đầy thú vị vì được làm chủ chính mình. Và nếu cố gắng đủ, thì có thể sẽ có được một cuộc sống dư giả gấp nhiều lần cuộc sống này.

            Con lừa – một trong hai con vật – liền kêu lên:

Ôi, tôi không đi đâu. Dại gì mà đánh đổi cuộc sống an toàn và ổn định này, để lấy một tương lai không biết trước chứ. Hay là ông muốn dụ tôi đi để có người cho ông cưỡi, có người để chết chung với ông? Tôi không có ngu đâu nhé.

            Con ngựa – con vật còn lại – thì rất háo hức trả lời:

“Tôi! Tôi! Tôi muốn đi và muốn khám phá. Tôi chán cuộc sống gò bó và tẻ nhạt này lắm rồi.
Nói xong, nó theo người cao bồi bước ra khỏi cái chuồng nhỏ và đi mãi, đi mãi về phái chân trời.

            Một ngày nọ, khi đã già, con lừa gặp lại con ngựa khi nó quay trở về cái chuồng nhỏ. Mừng rỡ, con lừa reo lên:

            - A, anh ngựa, anh đã về đấy ư. Lâu quá rồi nhỉ, chúng ta đã già cả rồi.

            - Đúng vậy, chúng ta già hết cả rồi. Tôi cũng đã mệt mỏi nên không muốn phiêu lưu nữa nên quyết định về thăm anh. Cuộc sống anh thế nào rồi? – Ngựa hỏi

            - Cũng vẫn vậy thôi. Làm việc chăm chỉ và được no đủ. Nhưng tôi đã già rồi, nên cũng không còn làm được nhiều nữa. Cũng may ông chủ thương tình nên vẫn cho tôi ăn. 

Lừa nói
 – Vậy còn những chuyến phiêu lưu của anh thì sao?

            - Ồ, nó thật thú vị. Tôi đã được đi đến những miền đất lạ, nơi nắng cháy và khô cằn. Tôi đã băng qua những vùng chiến sự và những miền thiên tai hoành hành, có lúc tưởng chết đi được. Nhưng sau những cố gắng, tôi cũng được nếm trải sự hạnh phúc khi được tự do chạy trên cánh đồng đầy cỏ ngọt và được học hỏi những điều kì lạ. Ngựa kể với một niềm tự hào.

            Thực ra, con ngựa và con lừa đều phải đi. Con ngựa thì đi quanh thế giới. Con lừa thì chỉ quanh quẩn cái cối xay. Con ngựa thì tự do và có trách nhiệm về bản thân mình. Con lừa thì bị cột chặt vào cối xay và cũng chẳng có trách nhiệm gì về mình vì thiếu tự do. Con lừa an phận nên sống vật vờ, sống nhờ lương thực người khác ban cho. Con ngựa luôn sống cho chính mình để được hưởng thành quả do chính mình làm nên.

            Cha ông ta vẫn nói “Có làm thì mới có ăn – Không dưng ai dễ mang phần cho ta”. Con lừa vì không dám thay đổi, không cầu tiến, an phận nên chỉ sống nhờ lòng thương xót hay bố thí của người khác. Còn con ngựa biết vươn lên, biết sống có trách nhiệm với chính mình nên nó được hưởng niềm vui do chính công sức lao động của nó làm ra.

            Cuộc đời con người cũng chỉ có của ăn của để khi biết vượt ra khỏi sự lười biếng để dấn thân vào cuộc sống kiếm tìm miếng cơm manh áo. Không có cuộc kiếm tìm nào mà không đòi phải hy sinh, phải nỗ lực. Một cuộc kiếm tìm càng khó, càng đòi nhiều công sức thì thành quả càng to lớn và giá trị. Và giá trị của một con người cũng hệ tại ở việc mình đã làm, đã cống hiến gì cho gia đình, cho xã hội. Con người càng cống hiến nhiều càng có giá trị trong gia đình và xã hội.

            Bên cạnh sự nỗ lực bản thân, niềm tin ky-tô giáo còn mời gọi chúng ta tin vào sự quan phòng của Chúa. Thiên Chúa luôn hoạch định cho cuộc đời chúng ta, nhưng liệu chúng ta có dám mạo hiểm bước theo Chúa hay không? Sự thành công của chúng ta còn tùy thuộc vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Cha ông ta cũng bảo “Mưu sự tại nhân – Thành sự tại thiên”. Lời Chúa cũng từng nhắc nhở chúng ta: “Nếu Chúa chẳng xây nhà , thợ nề vất vả cũng bằng uổng công”.

            Thế nên, ngày đầu năm mới chúng ta hướng về Đấng tạo thành để tạ ơn về một năm “mưa trời ân phúc” đã ban xuống cho trần gian. Chúng ta cũng phó dâng một năm mới cho lòng thương xót của Chúa. Xin Chúa là Đấng đầy quyền năng và đầy lòng thương xót chúc lành cho một năm mới với bao dự định, công việc được toàn vẹn như ý. Xin Chúa Xuân ở lại nơi từng gia đình để niềm vui được kéo dài vô tận trong suốt ngày sống. Amen

 Lm.Jos. TẠ DUY TUYỀN



Suy niệm :
Quí vị và các bạn thân mến. Hàng ngàn năm qua, nước Việt Nam của chúng ta, trên căn bản, là một nước nông nghiệp. Các tục lệ giỗ tết, hội hè, đình đám, truyền thống, tổ chức xã hội, sinh hoạt hằng ngày của dân chúng, đều lấy văn hóa nhà nông làm cột trụ, để đứng vững và mở rộng. Ðẳng cấp xã hội ngày xưa được phân chia theo thứ tự: Sĩ Nông Công Thương. Vì nước ta là một nước văn hiến, nên bao giờ cũng tôn trọng theo gương kẻ sĩ. Người khoa bảng xuất thân từ dân giã thôn quê vẫn được mọi người ứu ái, tôn trọng và noi theo. Chỉ cách đây gần 100 năm, thôn ấp Việt Nam chiếm trên 90 phần trăm diện tích đất đai. Vì ở quần cư, cho nên lệ làng bao giờ cũng có ảnh hưởng rất lớn với người dân. Và cái đình là nơi cúng thần, nơi hội họp để các chức quyền quyết định mọi công việc lớn nhỏ, và cũng là nơi giải trí cho dân làng. Người dân Việt Nam coi việc đón năm mới âm lịch quan trọng nhất, vì lúc này công việc đồng áng tạm ổn định. Có hai vụ cấy là vụ chiêm vào cuối năm và vụ mùa chính vào quý ba. Giữa hai vụ mùa và vụ chiêm, thường trồng các loại cây lương thực, hoa quả khác như ngô, đậu, khoai, dưa. Vụ mùa có tết Trung Thu cho trẻ em, và vụ chiêm có tết Nguyên Ðán cho cả dân tộc. Mỗi năm, cứ vào dịp tết Nguyên Ðán, vì theo văn minh nông nghiệp, cho nên trên bàn thờ gia đình Việt Nam đều có chưng bày mâm ngủ quả với màu sắc rực rỡ, hình dáng độc đáo, cùng những ý nghĩa sâu xa. Mâm ngủ quả làm cho ngày tết sinh động hơn, thiêng liêng hơn. Mỗi loại quả đều mang một ý nghĩa riêng. Nải chuối phật thủ như bàn tay che chở; bưởi, dưa hấu, trăng tròn mát lành, hứa hẹn một năm mới đầy ngọt ngào, may mắn; hồng, quýt rực lên màu sắc mạnh mẽ, tượng trưng cho sự thành đạt. Nhưng ngoài ý nghĩa tượng trưng của mỗi một loài trái cây, mâm ngủ quả còn là của lễ đầu mùa nói lên tấm lòng của người Việt Nam đối với đất trời. Hoa quả của ruộng đất, và công lao của con người. Phải chăng đó không phải là ý nghĩa đích thực của mâm ngủ quả, mà gia đình dân Việt Nam nào cũng muốn thể hiện trong ngày đầu xuân.
*
* *
Quí vị và các bạn thân mến. Hôm nay, mồng 3 tết, ngày thánh hóa công ăn việc làm. Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam mời gọi chúng ta dành ngày hôm nay để suy nghĩ về ý nghĩa của lao động và cầu nguyện xin Chúa thánh hóa công ăn việc làm của chúng ta. Ngoài cái nhìn sâu xa của dân tộc, ánh sáng mạc khải còn soi rọi vào công ăn việc làm một ý nghĩa linh thiêng. Lao động không phải là một trừng phạt vì tội lỗi, mà là một vinh dự. Con người được vinh dự trở thành cộng sự viên của Thiên Chúa trong công cuộc sáng tạo. Ðó là ý nghĩa của 30 năm cuộc sống ẩn dật của Chúa Giêsu tại Nazaréth. Con Thiên Chúa cũng đã đổ mồ hôi xót con mắt vì chén cơm manh áo. Ngài đã mặc cho từng lao tác của con người một ý nghĩa và giá trị cao cả. Chính trong ý nghĩa này mà trong những ngày đầu năm, các tín hữu kitô chúng ta cần nhìn vào công ăn việc làm của chúng ta qua các bổn phận hằng ngày được chúng ta chu toàn với tất cả trách nhiệm. Chúng ta biết rằng mình đang tham dự vào công cuộc sáng tạo và cứu rỗi của Chúa.
Lạy Chúa, với tất cả tin yêu và phó thác, chúng con xin dâng lên Chúa trọn cuộc sống với những vất vả lao nhọc, vui buồn của chúng con. Xin cho chúng con luôn ý thức rằng chính qua những bổn phận hằng ngày mà chúng con làm vinh danh Chúa và cộng tác vào công cuộc cứu rỗi của Con Một Chúa.

(Mai Hương - Radio Veritas Asia)


Cầu xin Bình An của Chúa trong Năm Mới!

Chúa Giêsu ban sự bình an cho những ai theo Ngài.
Khi giáng sinh trong hang đá Bêlem, Ngài đã sai thiên thần từ trời xuống, loan báo bình an cho nhân loại, cho những ai có lòng ngay, cho những ai yêu mến Thiên Chúa và được Thiên Chúa mến yêu.
Khi bắt đầu rao giảng Tin Mừng Nước Trời, Ngài tuyên bố Tám Mối Phúc Thật, tám điều đem lại bình an thật cho con người.
Khi sai các tông đồ đi truyền giáo, Ngài căn dặn họ trước khi bước vào nhà nào, hãy mở lời bằng câu chúc bình an: “Bình an cho nhà này!”.
Khi sắp bước chân vào vòng tử nạn, Ngài nhấn mạnh vào hai chữ bình an chân chính mà Ngài muốn trối lại cho những ai muốn theo ngài: “Thầy ban sự bình an của Thầy cho các con”.
Khi sống lại, Ngài chúc bình an ngay cho các tông đồ: “Thầy chúc Bình an cho các con!”.
Trước hết, chúng ta phải có sự bình an của Chúa trong tâm hồn mình.
Lòng chúng ta hay lo, đôi khi lại quá lo. Vô số cái lo tấn công chúng ta hằng ngày: lo cơm, lo áo, lo chồng, lo vợ, lo con, lo nhà, lo cửa, lo sức khoẻ, lo ốm đau, lo già, lo chết. Không trừ một ai, mọi người đều lo: người lớn lo, trẻ nhỏ lo, đàn ông lo, đàn bà lo, người nghèo lo, người giàu lo, người có quyền lo, người không có chức quyền cũng lo. Và không khi nào mà không lo: lo ngày không đủ, đêm ngủ còn lo.
Vì lo, nên chúng ta sợ: lo sợ. Vì lo, nên chúng ta buồn: lo buồn. Vì lo, nên chúng ta ray rức: lo lắng.
Các nỗi lo sợ, lo buồn, lo lắng làm khô héo đời chúng ta, cướp mất sự bình an trong lòng chúng ta. Và để diệt các nỗi lo, có kẻ đi giải trí, có kẻ đi tâm sự với người khác, có kẻ đi xem bói toán, có kẻ chui vào sòng bạc, có kẻ tìm đến quán rượu hoặc mua rượu về uống say. Nhưng dù đầy đủ danh vọng chức quyền, kẻ kiêu căng vẫn không bao giờ được bình an. Dù đầy đủ tiền bạc của cải, kẻ ham hố vẫn không bao giờ được bình an. Dù đầy đủ sung sướng khoái lạc, kẻ tội lỗi vẫn không bao giờ được bình an. Thánh Augustinô đã quả quyết: tâm hồn con người không được bình an bao lâu chưa gặp được Chúa. Khi chưa gặp được Chúa, khi chưa thật tình theo Chúa, tâm hồn chúng ta không thể nào được bình an: chúng ta rối rắm trong tư tưởng, rộn ràng trong tưởng tượng, lộn xộn trong ao ước, mê hoặc trong tình cảm,  lẫn lộn trong hoạt động, vì thế, chúng ta không bao giờ được an lòng.
Trái lại, khi chúng ta thật tình kiếm Chúa, thật tình theo Chúa, thật tình yêu Chúa, chúng ta được bình an thật Chúa ban. Chúng ta như những con chim đại bàng bay lướt trên mây cao, vượt lên trên mọi náo động của mưa gió trần gian; chúng ta giống như những em bé bú no sữa mẹ, ngủ yên bình an trong tay Chúa; chúng ta giống như những đàn cá nhẹ nhàng tung tăng dưới lòng biển sâu thanh tịnh, trong khi trên mặt biển, sóng to gió lớn tàn phá dữ dội.
Bên ngoài, dù bị muôn vàn khốn khổ thử thách vây quanh tấn công, người theo Chúa vẫn bình an vui vẻ. Họ cắm neo trong đức tin. Họ dính chặt trong ý Chúa. Họ hoàn toàn phó mình trong tay Chúa. Tâm hồn họ là một mùa xuân bình an hạnh phúc, như lời thánh Vianê nói: “Đối với tâm hồn kết hiệp với Chúa, lòng họ luôn luôn là một mùa xuân”.
Tiếp đến, chúng ta phải có sự bình an của Chúa trong gia đình mình.
Gia đình chúng ta phải bình an vì là nơi đầy tình: tình vợ chồng, tình cha con, tình mẹ con, tình anh chị em. Gia đình chúng ta phải bình an vì là nơi đầy đạo: đạo vợ chồng, đạo hiếu thảo. Gia đình chúng ta phải bình an vì là nơi êm ái trên thuận dưới hoà, trong ấm ngoài êm.
Nhưng than ôi, có những gia đình không bình an vì chỉ biết trục lợi: có tiền, vợ vợ chồng chồng; không tiền, hết nghĩa, chồng đông, vợ đoài; có những gia đình không bình an vì sống ích kỷ: chồng bỏ vợ con để chạy theo người khác, vợ bỏ chồng con để chạy theo người khác. Có những gia đình không bình an vì xích mích bất hòa: chồng ghê mà vợ cũng gớm, chồng không chịu hòa, vợ cũng không chịu thuận, chồng nói gà thì vợ nói vịt, khắc khẩu, cãi nhau om sòm; có những gia đình không bình an vì vô trách nhiệm: cha mẹ bỏ bê con cái, ngày đêm rượu trà, cờ bạc, hút xách, trác táng, biếng nhác, mặc cho con cái nheo nhóc cực khổ; có những gia đình không bình an vì bất hiếu: công ơn cha mẹ như trời bể bao la, nhưng con cái vẫn vô ơn, cứng cổ, hỗn xược, biếng nhác, ham chơi, gây tan nát cho gia đình.
Khi có Chúa trong lòng, chúng ta mới được bình an. Gia đình cũng vậy: Gia đình nào biết thờ Chúa, gia đình đó mới được bình an. Vì thế, vợ chồng, cha mẹ, con cái trong gia đình hãy cầu nguyện chung với nhau trong gia đình, hãy thúc giục nhau sống đạo đức, hãy lo giữ ngày của Chúa, hãy luôn cầu nguyện cho nhau sống đẹp lòng Chúa. Một vị thánh nhận xét: gia đình nào hòa thuận, đó là thiên đàng; gia đình nào bất hòa, đó là hỏa ngục.
Sau cùng, ta phải có sự bình an của Chúa trong giáo xứ mình sống.
Giáo xứ là một gia đình tuyệt diệu, có Chúa là Cha, có Đức Mẹ là mẹ, mọi người trong giáo xứ đều là con của Chúa, con của Mẹ, anh chị em với nhau trong Chúa.
Trong gia đình giáo xứ, mọi người đều sống hiệp nhất với nhau: những người đang sống thì liên kết với nhau, gặp gỡ nhau trong tình làng nghĩa xóm, gặp gỡ nhau tại Nhà Chúa, nhất là trong Ngày Chúa nhật. Những người đang sống cũng liên kết với những người đã chết, họ không bao giờ quên cầu nguyện cho những người đã ra đi trước họ. Những người đã chết cũng liên kết với nhau tại Đất Thánh, cùng nhau đợi chờ ngày sống lại. Và còn tuyệt diệu biết bao khi mọi người trong giáo xứ, dẫu khi một mình hay khi bên cạnh nhau, đều hân hoan cầu nguyện cho nhau: “Lạy Cha chúng con ở trên trời!” - “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử. Amen!
Giáo xứ nào sống sốt sắng, đạo đức, thánh thiện, giáo xứ đó mới hưởng được sự bình an của Chúa ban.
+++
Trên đời này, không gì quý hơn sự bình an: có bình an, có tất cả; thiếu bình an, thiếu mọi sự. Nhưng phải là thứ bình an Chúa ban, bình an mà thế gian không thể ban được.
Chúng ta là những người con của Chúa, của Mẹ.
Với đức tin mạnh mẽ vào Chúa, chúng ta hãy hô to lên cho mọi người khắp nơi biết rằng: chúng ta là những người đang được đầy tràn bình an hạnh phúc của Chúa.
Với đức tin mạnh mẽ vào Chúa, gia đình chúng ta hãy hô to lên cho mọi gia đình khắp nơi biết rằng: gia đình chúng ta là những gia đình đang được đầy tràn bình an hạnh phúc của Chúa!
Với đức tin mạnh mẽ vào Chúa, giáo xứ chúng ta hãy hô to lên cho khắp nơi biết rằng: giáo xú chúng ta là những giáo xứ đang được đầy tràn bình an hạnh phúc của Chúa!
Lm Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang

02/02/14 CHÚA NHẬT TUẦN 4 TN – A 
Mồng Ba Tết, thánh hoá công ăn việc làm
Mt 25,14-30

ĐỪNG KHÔN HƠN CHỦ
“Người kia sắp đi xa, gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ. Ông đưa cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tùy khả năng riêng mỗi người.” (Mt 25,14-15)
Suy niệm: Khi giao tài sản cho đầy tớ, ông chủ không hề nghĩ đến tiền bạc vật chất, mà chỉ nhắm đến con người các đầy tớ của ông. Ông muốn họ trở thành người hữu dụng. Có thể gởi tiền ở ngân hàng để sinh lời, nhưng ông không muốn làm vậy, mà muốn tạo cơ hội cho các đầy tớ phát triển khả năng. Thất bại của người lãnh một yến là không tin tưởng ông chủ, trong khi ông chủ vẫn tin tưởng anh. Chủ giao phó tài sản cho anh, còn anh “đổ thừa” tại ông chủ khắc nghiệt “gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi.” Lý lẽ biện minh của anh không đủ sức thuyết phục; anh đã tự loại mình, và chịu số phận của những “đầy tớ xấu xa và biếng nhác”.
Mời Bạn: Khi dựng nên con người, Thiên Chúa không muốn họ ăn không ngồi rồi, mà đặt vào vườn Địa Đàng “để cày cấy và canh giữ đất đai” (St 2,15). Như thế, lao động thuộc về bản tính con người, vì đã được Thiên Chúa ấn định ngay từ khi tạo dựng. Nhờ lao động, con người được phát triển, và cũng nhờ lao động mà con người trở nên giống Thiên Chúa: “Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5,17).
Sống Lời Chúa: Tôi không thất vọng về những gì hiện có, nhưng tận dụng tất cả khả năng Chúa ban để phát triển chúng qua việc phục vụ Chúa và tha nhân.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, tổ tông loài người bị loại khỏi vườn Địa Đàng, vì không trung tín như tôi tớ, mà muốn làm chu. Xin cho chúng con biết việc phải làm, và làm việc nhưtôi tớ khôn ngoan và trung tín. Amen.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét