Trang

Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2014

19-01-2014 : (phần II) CHÚA NHẬT II MÙA THƯỜNG NIÊN năm A

19/01/2014
Chúa Nhật 2 Quanh Năm Năm A
(phần II)



GIÁO LÝ PHÚC ÂM CHÚA NHẬT II QUANH NĂM A

Sách Ngôn Sứ Isaia 49.3,5-6; Thư Thứ I của Thánh Phaolô gửi tín hữu Corintô 1.1-3
 và Phúc Âm Thánh Gioan 1.29-34

I.                   Giáo Huấn Phúc Âm.:   

Câu giới thiệu của Gioan Tẩy Giả về Chúa Giêsu “Đây là Chiên Thiên chúa, đây Đấng xoá tội trần gian!” nhằm xác nhận rằng:
Thế gian có tội. Chúa Giêsu là Đấng cứu Thế, Đấng cứu con người khỏi tội. 
Chúa Giêsu cứu nhân loại khỏi tội lỗi bằng việc sát tế chính mình như con chiên để làm của lễ giao hoà giữa Trời và Đất, mang con người lên trời hưởng hạnh phúc bất diệt.

II.               Vấn nạn Phúc Âm.    

Tại sao Gioan Tẩy Giả lại giới thiệu Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa mà không là một con vật khác như bò, hay bồ câu…?”

            Hình ảnh con chiên bị sát tế đã có lâu đời trong Kinh Thánh Cựu Ước cũng như trong sinh hoạt tôn giáo của người Do Thái:

            Trong sách Xuất hành chương 12, Dân Do Thái đã được lệnh giết chiên đực một tuổi vô tì vết để lầy thịt ăn và lấy máu bôi trên cửa làm dấu cứu sống con đầu lòng khỏi bị sứ thần Thiên chúa vào nhà giết chết đêm họ rời Ai Cập.

            Sách Lêvi chương 4:32-34 và 5:6 được coi như sách luật về phụng vụ tế tự trong đạo Do Thái đã buộc Dân Do Thái dùng chiên sát tế để chuộc tội mình.

            Nhiều chương trong sách Tiên Tri Isaia như Isaia 41:8-9; Isaia 44:1-2, Isaia 44:22; Isaia 45:4;Isaia 48:20; Isaia 49:3 diễn tả máu chiên có giá trị chuộc tội. Hơn thế nữa Isaia từ chương 53 được coi như là bài tình ca của người tôi tớ Chúa. Nhân vật nầy trung thành với sứ mạng cứu thế của mình, sẵn sàng hy sinh mạng sống cho người khác và ngoan ngoãn như chiên vô tội bị giết chết và không một lời than vãn.

            Trong Kinh Thánh Tân Ước, Thư Thứ I của Thánh Phaolô gửi Corintô 5:7; Phúc Âm Gioan 1:29; Thư Thứ Nhất của Thánh Phêrô 1:19 cũng như sách Tông Đồ Công Vụ 8:32. Tất cả đều dùng hình ảnh Chúa Giêsu như lễ chiên toàn thiêu, mang ơn tha tội cho dân.

            Chúa Giêsu chết đúng vào lúc mà trong đền thờ người ta sát tế chiên để mừng lễ Vượt Qua. Chúa Giêsu thể hiện đúng hình ảnh chiên vô tội và người đầy tớ trung thành của Thiên Chúa: chết không một lời than vãn.

            Gioan Tẩy Giả được sinh ra trong chương trình làm tiền hô cho Đấng Cứu Thế. Ngài cũng là tiên tri cuối cùng trong Cựu Ước. Ngài đã được linh ứng để nhìn nhận Chúa Giêsu là “Đấng đến sau tôi nhưng có trước tôi và cao trọng hơn tôi” cũng như Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa Đấng xoá tội trần gian mà hàng ngàn năm trước đã được tiên báo qua miệng các ngôn sứ. Không có hình ảnh con vật nào khác diễn tả trọn vẹn và chính xác Chúa Giêsu là con Thiên chúa, là chiên sát tế cho bằng hình ảnh con chiên làm hy lễ chuộc tội cho dân mà dân Do Thái đã học biết, đã thấy và đã tin từ lâu đời.

Để dễ hiểu, chúng ta có thể lấy những hình ảnh so sánh trong văn hoá, phong tục Việt nam. Thí dụ người ta dùng cây trúc để nói lên hình ảnh của người quân tử, hình ảnh cây tùng cây bách thân to rợm bóng để diễn tả người chồng, hình ảnh cây liễu yếu mềm có chút lã lơi để diễn tả người phụ nữ, hình ảnh hoa sen trong đầm lầy để nói lên lòng thuỷ chung hay thanh liêm của con người…Chúng ta không thể đi ngược lại với những hình ảnh đã in sâu đậm trong tập tục và văn hoá Việt Nam nầy.

Sách Công Vụ Tông Đồ là gì?

Công vụ Tông Đồ (Acts of the Apostles): công việc truyền đạo của các Tông Đồ. Trong tiếng La-tinh Công Vụ gọi là Acta, có nghĩa công việc đang tiến hành hay một ghi nhận những biến cố đang xảy ra (proceedings or record of happenings)

Công Vụ Tông Đồ là quyển sách ghi lại công việc truyền đạo của các Tông Đồ sau khi Chúa lên trời, khởi đầu từ Giêrusalem. Đây cũng là quyển sách mô tả đời sống Giáo Hội sơ khai: bị bách hại, nhưng người tin Chúa mỗi ngày thêm đông. Truyền thống cho rằng Luca, môn đệ của Thánh Phaolô là tác giả của Sách Công Vụ Tông Đồ được viết khảng năm 63 khi Thánh Phaolô bị cầm tù ở Rôma.
Những ngày đầu Chúa xuất hiện công khai rao giảng tin mừng thì đâu đã kịp chọn gọi các tông đồ. Phúc Âm Thánh Gioan Tông đồ phổ biến trễ tới 70 năm sau ngày Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa Giêsu “Đây là Chiên thiên Chúa…” Làm sao có thể tin đây chính là những lời phát xuất từ miệng Gioan Tẩy Giả?
            Như có lần đã nói: Phúc Âm không là bài tường thuật sống động sự việc đang xảy ra theo kiểu phóng sự chiến trường hay kiểu truyền thông tận mắt, đưa tin nóng và giật gân, nhưng là sách dạy giáo lý. Như Thánh Gioan đã nói: Tất cả được viết ra để anh chị em tin và ai tin thì được cứu độ.  Không ai buộc chúng ta tin lời giới thiệu Chúa Giêsu “Đây Chiên thiên chúa…” là trăm phần trăm phát xuất từ miệng Gioan Tẩy Giả. Có thể Gioan Tẩy Giả đã nói. Có thể ông đã nói đại khái như vậy. Cũng có thể Ông đã không nói gì. Nhưng Chúa Thánh Thần đã linh ứng cho Thánh Gioan Tông Đồ đặt vào miệng Gioan Tiền Hô những lời giới thiệu về Chúa Giêsu thật chính xác trên. Chính xác vì diễn tả đúng y chang con người của Chúa Giêsu là Chiên Thiên chúa, Đấng đến để làm lễ tế chuộc tội muôn dân. Chính xác, vì đó là nhiệm vụ của Gioan Tẩy Giả: Hài nhi con ơi, con sẽ được gọi là tiên tri của Đấng tối cao. Không ai khác có thể nói những lời trên ngoài Gioan Tẩy Giả.

            Như vậy, nếu Gioan Tẩy Giả không nói hay nói không đúng như vậy thì hoá ra Thánh Gioan Tông Đồ đặt chuyện sao?  Thưa không là đặt chuyện mà là “thực hiện trọn vẹn” chương trình của Thiên Chúa đã được tiên báo qua các tiên tri: Gioan tẩy Giả là người được chọn để dọn đường cho Đấng Cứu Thế.  Ông được xếp đặt để nói và hành động như đã được tiên báo về Ông. Nên Thánh Gioan Tông Đồ đã dùng những gì tiên báo về Đấng cứu Thế và về Gioan Tiền Hô mà làm thành bài Phúc Âm dạy về ơn cứu độ và Đấng Cứu độ nói trên.
            III.      Thực hành Phúc Âm
            Hy sinh: Đức Cha Bùi Tuần định nghĩa: hy sinh là chọn sự thua thiệt cho mình. Không ai muốn thua thiệt. Nên người ta ngại hy sinh. Tuy nhiên Chúa đã hy sinh mạng sống để chúng ta được sống. Cha Mẹ hy sinh làm việc vất vả để xây dựng tương lai cho con cái mình. Anh chị em phải hy sinh cho nhau để mưu cầu lợi ích cho nhau. Có những người chị đã không đi lấy chồng để nuôi đàn em mồ côi Mẹ.

Hàng ngày trong xã hội, nhiều nhà khoa học đã hy sinh giờ nầy sang giờ khác để nghiên cứu, tìm tòi những khám phá mới phục vụ con người. Các linh mục hy sinh học hỏi để tìm những hướng dẫn cụ thể và ích lợi cho giáo dân. Giáo dân hy sinh để đóng góp xây dựng giáo xứ. Đời người sống nhờ hy sinh. Hy sinh làm đời sống phong phú và có giá trị. Không ai có thể tránh né hy sinh. Chúa Giêsu đã hy sinh mạng sống làm chiên hy tế mang ơn cứu độ muôn người.

            Hàng ngày hãy tìm một hy sinh nhỏ để làm cho đời mình có giá trị cứu độ hay mang ơn ích cho người khác. Những bạn trẻ sống trong gia đình có thể giúp Cha Mẹ mình để quét dọn nhà cửa hay sống trật tự ngăn nắp. Nếp sống trong xã hội hiện tại dễ sinh ra ích kỷ: Mỗi người một giang sơn trong căn nhà chung. Mỗi người có công việc riêng và những quan hệ riêng mà người khác phải tôn trọng. Mỗi người lo thủ cho tương lai của mình. Nên hy sinh giúp đỡ nhau, cho dù một lời hỏi thăm “có khoẻ không? Có cần tôi giúp gì không?” cũng khó kiếm trong đời thường.

            Gương hy sinh qua trận chiến Trân Châu Cảng:

            Có đôi lần tôi viếng thăm Trân Châu cảng ở Hạ Uy Di. Thường tôi đứng lặng nhìn chiếc tàu chìm dưới đài tưởng niệm và đếm tên của hơn 1200 lỉnh Hải Quân Hoa Kỳ bị giết chết do máy bay của Nhật tấn công ngày 7.12.1941. Cả hai bên đều chết. Cả hai bên đều nghĩ mình hy sinh cho hoà bình thế giới và cho những thế hệ mai sau.

            Không ai còn bình luận hay xét đoán sai trái trong trận chiến kinh hoàng nầy. Tôi cũng vậy, tôi khâm phục lòng hy sinh thành thật của tất cả hai bên. Không ai ước mong có những trận Trân Châu Cảng tương tự trong tương lai, nhưng ai cũng cầu mong luôn có những hy sinh chân thành phục vụ.
Lm.Phê-rô TRẦN THẾ TUYÊN 


Đây Là Chiên Thiên Chúa
Chủ đề của Chúa Nhật hôm nay, Chúa Nhật thứ II Mùa Thường Niên, có thể nói là: "Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi thánh ý Cha". Đó là chủ đề về việc làm chứng cho Chúa.
Trong bài đọc thứ nhất, tiên tri Isaia làm chứng cho Người Tôi Tớ Thiên Chúa là Chúa Kitô, Đấng sẽ đến sau đó khi tới thời gian đã định trong lịch sử cứu rỗi.
Trong bài đọc thứ II, thánh Phaolô đã giới thiệu mình như là người tông đồ của Chúa Kitô, người làm chứng cho Chúa trước mặt mọi người.
Một cách đặc biệt trong bài Phúc âm thánh Gioan (x. Ga 1,29-34), nhắc lại cho chúng ta lời chứng của Gioan Tiền Hô về Chúa Giêsu: "Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian". Thiết tưởng chúng ta nên dành một vài phút để suy niệm về dung mạo của người làm chứng cho Chúa Kitô phải như thế nào? Qua mẫu gương của thánh Gioan Tiền Hô, một mẫu gương đã được diễn tả một cách ngắn ngủi nhưng thật đầy đủ những yếu tố căn bản sau đây:
Trước hết, sở dĩ thánh Gioan làm chứng cho Chúa Kitô là vì Ngài đã nhận được Lời chứng từ Thiên Chúa Cha: "Phần tôi, tôi đã không biết Ngài, nhưng Đấng đã sai tôi làm phép rửa trong nước phán bảo tôi: ngươi thấy Thánh Thần ngự xuống trên ai thì đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần, và tôi đã thấy và tôi làm chứng, chính Ngài là Con Thiên Chúa".
Người làm chứng là kẻ vâng lời và vâng theo ơn soi sáng của Thiên Chúa. Không có Thiên Chúa sai đi trước, không có Thiên Chúa chỉ dạy cho ta trước thì chúng ta không thể làm chứng cho Chúa Kitô. Làm chứng cho Chúa Kitô là một hồng ân nhưng không từ Thiên Chúa Cha và đồng thời cũng là một bổn phận đáp lại lời chứng của Thiên Chúa Cha. Chúng ta có biết sống trong thái độ lắng nghe lời chứng của Thiên Chúa Cha về Chúa Giêsu Kitô hay không?
Từ đó sang điểm thứ hai, lời chứng của thánh Gioan: "Tôi đã thấy và tôi làm chứng, chính Ngài là Con Thiên Chúa". Lời chứng này phù hợp với lời chứng của Thiên Chúa Cha về Chúa Giêsu trong biến cố phép rửa, trong biến cố Chúa Giêsu lãnh nhận phép rửa trước đó có tiếng từ trời phán: "Này là Con Ta yêu dấu", mà Chúa Nhật vừa qua khi cử hành Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, chúng ta đã đọc lại đoạn Phúc Âm này.
Từ đó một kết luận cho chúng ta là, lời chứng của người làm chứng cho Chúa Kitô phải phù hợp với lời chứng của Thiên Chúa Cha về Chúa Kitô. Chỉ có một sự thật về Chúa, sự thật mà Thiên Chúa đã mạc khải, và người làm chứng cho Chúa Kitô nếu muốn thật sự lời chứng của mình có giá trị thì phải nói lên sự thật đó, không làm méo mó nó bằng những ý kiến riêng tư của mình. Chúng ta cần phải trình bày giáo lý tinh tuyền của Giáo Hội căn cứ trên lời chứng của Thiên Chúa Cha, chứ không phải là giáo lý do sáng kiến riêng của chúng ta chế ra. Thánh Gioan vâng lời Thiên Chúa Cha và trung thành với lời chứng của Thiên Chúa Cha, dù phải chấp nhận hy sinh trở nên bé nhỏ đi để Chúa Kitô lớn lên trong tâm hồn kẻ khác.
Điểm thứ ba, thái độ của người làm chứng đối với Chúa Kitô: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây là Đấng cứu rỗi thế gian, hãy theo Người, còn tôi, tôi không phải là Đấng phải đến". Người làm chứng không cho mình chiếm chỗ của Chúa Kitô, không che khuất Chúa Kitô, nhưng mà chỉ cho mọi người nhìn thấy Chúa Kitô: "Ngài đến sau tôi nhưng đã có trước tôi và cao trọng hơn tôi". Thánh Gioan nhìn nhận sự thấp hèn của mình trước Chúa Kitô và đó cũng là thái độ nêu gương cho những ai muốn làm chứng cho Chúa Kitô.
Thánh Gioan làm chứng cho Chúa Kitô và muốn cho mọi người đến với Chúa: "Tôi đến làm phép rửa để mạc khải Người cho dân Israel". Sứ mạng của người làm chứng có mục đích hướng dẫn người ta đến gặp Chúa, và khi người nghe đã gặp được Chúa rồi thì người làm chứng phải rút đi, vai trò của mình đã xong, hãy để cho Chúa Kitô trực tiếp hướng dẫn các linh hồn trên con đường mà Ngài muốn. Người làm chứng biết là Chúa Kitô trọng tự do lương tâm của người nghe. Hai người môn đệ của Gioan đã theo Chúa và ở lại với Chúa, họ đã quên đi Gioan để rồi đến phiên họ, họ cũng làm chứng cho Chúa: "Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian".
Gặp gỡ với Chúa Kitô luôn luôn mời gọi mọi người chúng ta làm chứng cho Ngài, và cuối cùng vai trò của Chúa Thánh Thần là Đấng hiệp nhất người làm chứng với Chúa Kitô, Chúa Thánh Thần soi sáng hướng dẫn cho người làm chứng được mỗi ngày một trở nên giống như Chúa Kitô hơn.
Xin Chúa giúp cho mỗi người chúng ta được lòng nhiệt tâm, sốt sắng trong dịp cử hành Thánh Lễ này và từ đây trong suốt cuộc sống của mình luôn luôn là người làm chứng cho Chúa. Xin Chúa giúp cho mỗi người chúng ta được mỗi ngày trở nên giống Chúa Kitô hơn để chúng ta trở nên xứng đáng là người làm chứng cho Chúa, người làm chứng biết lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa Cha, lắng nghe lời mạc khải của Thiên Chúa Cha và sống vâng phục ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, người làm chứng biết nhường chỗ cho Chúa Kitô trong tâm hồn anh chị em mình. Xin Chúa giúp chúng ta được trưởng thành trong đức tin. Amen.
R. Veritas
(Trích từ ‘Sống Tin Mừng’)

Lectio Divina: Chúa Nhật II Thường Niên (A)
Chúa Nhật, 19 Tháng 1, 2014
Ông Gioan Tẩy Giả loan báo Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa
Ga 1:29-34


1.  Lời nguyện mở đầu

Trong bài đọc cầu nguyện này của Tin Mừng theo thánh Gioan, chúng ta nhớ lại những lời của thánh John Henry Newman cùng đồng hành và tác động chúng ta, những lời mà ông muốn dùng trong lời cầu nguyện với Chúa:  Xin Chúa hãy ở lại với con, và con sẽ bắt đầu tỏa sáng như Chúa đã tỏa sáng; tỏa sáng để là ánh sáng cho những người khác.  Lạy Chúa Giêsu, tất cả ánh sáng sẽ đến từ Chúa:  con không có công trạng gì.  Chính Chúa sẽ tỏa sáng vào những người khác thông qua con.  Xin Chúa ban cho con có thể ngợi khen Chúa được như vậy, theo cách mà Chúa hài lòng nhất, tỏa sáng trên tất cả những người xung quanh con.  Xin hãy ban cho họ và cho con ánh sáng của Chúa; xin hãy sáng soi họ cùng chung với con, qua con.  Xin hãy dạy cho con biết trải rộng lời chúc tụng Chúa, chân lý của Chúa, thánh ý của Chúa.  Xin ban cho con có thể làm cho Chúa được biết đến không phải qua những lời nói suông mà bằng gương mẫu, có ảnh hưởng đến sự đoàn kết từ những việc con làm, hiển nhiên như các thánh của Chúa, và một cách rõ ràng đầy đủ của tình yêu Chúa triển nở trong trái tim con”  (trích Suy gẫm và Sùng Kính)
  
2.  Tin Mừng

29 Khi ấy, ông Gioan thấy Chúa Giêsu tiến về phía mình liền nói:  “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian. 30 Này tôi đã nói về Ngài:  “Một người đến sau tôi, nhưng đã có trước tôi, vì Ngài cao trọng hơn tôi.”  31 Và tôi, tôi đã không biết Ngài, nhưng để Ngài được tỏ mình ra với Israel, nên tôi đã đến làm phép rửa trong nước”.  32 Và Gioan làm chứng rằng:  “Tôi đã thấy Thánh Thần như chim bồ câu từ trời đáp xuống và ngự trên Ngài.  33 Về phần tôi, tôi đã không biết Ngài.  Nhưng đấng sai tôi làm phép rửa trong nước phán bảo tôi:  “Ngươi thấy Thánh Thần ngự xuống trên ai, thì đó chính là Đấng làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần”. 34 Tôi đã thấy và tôi làm chứng:  chính Ngài là con Thiên Chúa”.

3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện

Lời Chúa đòi hỏi chúng ta phải ao ước và đón nhận lấy qua việc im lặng suy gẫm.  Các bạn hãy lắng đọng, hãy để cho chính mình chào đón sự hiện diện của Thiên Chúa trong Lời của Người, một sự im lặng dọn chỗ trong tâm hồn bạn để Thiên Chúa có thể đến và nói chuyện với bạn.

4.  Bài đọc tượng trưng

Đoạn Tin Mừng này nói về hai con vật có giá trị tinh thần tuyệt vời trong Kinh Thánh:  con chiên và chim bồ câu.  Con vật đầu tiên đề cập đến các văn bản quan trọng trong Kinh Thánh:  bữa ăn lễ vượt qua của thời gian lưu đày (cc 12-13); sự vinh quang của Chúa Kitô – con Chiên trong sách Khải Huyền.

a)  Biểu tượng con chiên:

Chúng ta hãy hướng sự chú ý của chúng ta đến sự tượng trưng của “Chiên Thiên Chúa” (amnos) và ý nghĩa của nó.

-  Ám chỉ Kinh Thánh đầu tiên cho việc hiểu biết ý nghĩa của những chữ này được xử dụng bởi ông Gioan Tẩy Giả để chỉ về con người của Chúa Giêsu, là nhân vật của Con Chiên chiến thắng trong sách Khải Huyền, trong chương 7:17 Con Chiên là mục tử của các quốc gia; trong chương 17:14 Con Chiên chiến thắng quyền lực sự dữ trên trái đất.  Trong thời Chúa Giêsu, người ta đã tưởng tượng rằng vào thời tận thế một con chiên chiến thắng hay một con nào đó sẽ xuất hiện để phá hủy các quyền lực tội lỗi, bất công và sự dữ.  Ý tưởng này phù hợp với lời rao giảng về ngày cánh chung của Gioan Tẩy Giả, người đã cảnh báo rằng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đã sắp xảy ra (Lc 3:7), rằng cái rìu đã để sẵn dưới gốc cây, và Thiên Chúa đã sẵn sàng để chặt đi và bỏ vào lửa tất cả những cây nào không sinh trái tốt (Lc 3:9, Mt 3:12 và Lc 3:17).

Một câu nói mạnh mẽ khác mà Gioan Tẩy Giả giới thiệu về Chúa Giêsu trong Tin Mừng Mátthêu chương 3:12:  “Ngài cầm nia trong tay mà sẩy sân lúa của Ngài; rồi thu lúa vào kho, còn rơm thì đốt đi trong lửa không hề tắt”.  Không có gì sai lầm khi nghĩ rằng Gioan Tẩy Giả có thể mô tả Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa là Đấng phá bỏ tội lỗi của thế gian.  Thực thế, trong thư thứ nhất của thánh Gioan, chương 3:5 đã viết:  “Bây giờ anh em biết Đức Giêsu đã xuất hiện để xóa bỏ tội lỗi”; và trong chương 3:8:  “Sở dĩ Con Thiên Chúa xuất hiện là để phá hủy công việc của ma quỷ đã làm”.  Có thể là Gioan Tẩy Giả đã chào đón Chúa Giêsu như Con Chiên chiến thắng, Đấng do lệnh của Thiên Chúa, đến để phá bỏ sự dữ trên thế gian.
-  Ám chỉ Kinh Thánh thứ hai là Con Chiên như là người tôi trung.  Hình ảnh của người tôi trung này hay của Đấng Giavê là chủ đề của bốn bài thánh ca trong sách của tiên tri Isaia: 42:1-4, 7, 9; 49:1-6, 9, 13; 50:4-9, 11; 52:13; 53:12.  Chúng ta cần tự hỏi có phải là việc dùng chữ “Chiên Thiên Chúa” trong Tin Mừng Gioan 1:29 không được tô đậm bằng chữ “con chiên” để ám chỉ người Tôi Trung của Thiên Chúa trong sách Isaia chương 53.  Thánh sử Gioan có đã thực sự xem con chiên Giêsu như là Người Tôi Trung không?

Không có bằng chứng rõ ràng rằng ông Gioan Tẩy Giả đã thực hiện một sự nối kết như thế, cũng không có bằng chứng nào loại trừ khả năng như thế.  Thật vậy, trong sách Isaia chương 53:7 viết là Người Tôi Trung “chẳng bao giờ mở miệng kêu ca; như cừu câm nín khi bị xén lông, Người chẳng hề mở miệng”. Lời mô tả này được áp dụng cho Chúa Giêsu như trong sách Tông Đồ Công Vụ chương 8:32, và vì thế sự tương tự giữa người Tôi Trung và Đức Giêsu đã được thực hiện bởi các Kitô hữu tiên khởi (xem Mt 8:17 và Is 53:4; Dt 9:28 và Is 53:12).

Ngoài ra, trong lời mô tả của ông Gioan Tẩy Giả về Chúa Giêsu trong Tin Mừng Gioan chương 1:32-34, có hai khía cạnh gợi nhớ lại hình ảnh của người Tôi trung:  trong câu 32, Gioan Tẩy Giả nói rằng ông đã thấy Chúa Thánh Thần như chim bồ câu từ trời đáp xuống và ngự trên Ngài; trong câu 34 ông xác định chính Đức Giêsu là Con Thiên Chúa.  Cũng như thế, trong sách Isaia 42:1 (một đoạn tóm tắt cũng liên kết với việc Chúa Giêsu chịu phép rửa), chúng ta đọc thấy:  “Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người ta tuyển chọn và quý mến hết lòng. Ta cho Thần Khí ta ngự trên nó” (xem Mc 1:11).  Lần nữa, trong sách Isaia chương 61:1:  “Thần Khí của Đức Chúa ngự trên tôi”.  Những ám chỉ này trong Kinh Thánh tăng cường khả năng tác giả Phúc Âm đã nối kết giữa người Tôi Trung của sách Isaia chương 42, 53 và Chiên Thiên Chúa.

Trong các phần khác của Tin Mừng Gioan, chúng ta cũng tìm thấy Chúa Giêsu được mô tả với những đặc điểm của người Tôi Trung (Ga 12:38 và Is 53:1).

Một khía cạnh thú vị được nhận thấy là Chiên Thiên Chúa được cho là Đấng xóa tội của trần gian.  Sách Isaia chương 53:4-12, nói rằng người Tôi Trung đã gánh hoặc chuộc những tội lỗi của nhiều người. Bằng cái chết của Người, Chúa Giêsu đã xóa tội hoặc đã gánh tội cho thế gian.

Như vậy theo cách giải thích thứ hai, Chiên Thiên Chúa như người Tôi Trung, là Đức Kitô đã tự nộp mình để xóa bỏ tội lỗi thế gian và khôi phục các anh chị em của Ngài lại bằng xương bằng thịt trở về với Thiên Chúa.

Chúng ta tìm thấy một sự xác nhận hiện đại của câu giải thích này về Chúa Giêsu là “Chiên Thiên Chúa” trong một tài liệu của các Giám Mục tại Ý:  “Sách Khải Huyền của Gioan thậm chí sẽ đi đến tận cùng chiều sâu của mầu nhiệm về Đấng được sai đi bởi Chúa Cha, công nhận Người là Con Chiên, là Đấng chịu hy sinh ‘từ thuở tạo dựng thế gian’ (Kh 13:8), Đấng mà những vết thương của Người đã chữa lành chúng ta (1Pr 2:25; Is 53:5)”  (Truyền thông Tin Mừng trong một thế giới thay đổi, số 15).

-  Ám chỉ Kinh Thánh thứ ba là Con Chiên như con chiên của lễ vượt qua.  Tin Mừng của Gioan thì đầy các biểu tượng về sự Phục Sinh đặc biệt là liên quan đến cái chết của Chúa Giêsu.  Đối với cộng đoàn Kitô hữu mà thánh Gioan đã viết Tin Mừng cho họ, Con Chiên đã xóa tội trần gian bởi cái chết của Người.  Thật thế, trong Tin Mừng Gioan chương 19:14 được viết rằng Chúa Giêsu bị kết án tử hình vào trưa ngày trước hôm lễ Vượt Qua, đó là lúc các thày thượng tế bắt đầu làm thịt con chiên trong Đền Thờ để mừng lễ Vượt Qua.  Một sự kết nối khác của biểu tượng lễ vượt qua với cái chết của Chúa Giêsu là trong khi Chúa Giêsu bị treo trên thập giá, một miếng bọt biển thấm đầy giấm được buộc vào một cây que rồi đưa lên miệng Người (Ga 19:29), và cây que hoặc nhành hương thảo đã được nhúng trong máu của con chiên sát tế cho lễ vượt qua đã được bôi lên khung cửa của dân Do-Thái (Xh 12:22).  Sau đó, trong Tin Mừng Gioan chương 19:36 việc ứng nghiệm của Kinh Thánh rằng không một chiếc xương nào của Chúa Giêsu bị đánh dập, rõ ràng là một ám chỉ đến bản văn trong sách Xuất Hành chương 12:46 trong đó viết rằng không được làm gãy một chiếc xương nào của con chiên bị sát tế trong lễ vượt qua. Lời mô tả Chúa Giêsu như Con Chiên được tìm thấy trong một tác phẩm khác của Gioan, được gọi là sách Khải Huyền:  chương 5:6 đề cập đến con chiên hy sinh; các chương 7:17 và 22:1, từ Con Chiên chảy ra một dòng nước trường sinh và khía cạnh này cũng là một ám chỉ tới việc ông Môisen làm cho nước chảy ra từ đá; cuối cùng, chương 5:9 nhắc đến máu cứu chuộc của Con Chiên, một chủ đề vượt qua khác gợi nhớ lại việc cứu thoát dân tộc Do Thái khỏi sự nguy hiểm của cái chết.

Có một sự tương đồng giữa máu của con chiên bôi lên khung cửa như một dấu hiệu của việc giải thoát và máu của con chiên được dâng lên trong hy lễ cho sự giải thoát.  Chẳng bao lâu các Kitô hữu đã bắt đầu so sánh Đức Giêsu với con chiên của lễ vượt qua, khi làm như thế, họ đã không ngần ngại xử dụng ngôn từ hiến tế:  “Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta” (1Cr 5:7), bao gồm cả nhiệm vụ của Chúa Giêsu xóa đi tội lỗi của trần gian.

b)  Biểu tượng chim bồ câu:

Sự tượng trưng thứ hai này cũng có một vài khía cạnh của nó.  Trước hết, những chữ “như chim bồ câu” đã thường được dùng để diễn tả sự nối kết tình cảm với cái tổ.  Trong bối cảnh của chúng ta, có thể nói rằng Chúa Thánh Thần đã tìm thấy tổ của mình, môi trường sống tự nhiên của tình yêu Chúa Thánh Linh ở trong Chúa Giêsu.  Hơn thế nữa, chim bồ câu tượng trưng cho tình yêu của Chúa Cha đặt trên Chúa Giêsu như một nơi ở vĩnh viễn (xem Mt 3:16; Mc 1:10; Lc 3:22).

Sau đó, những chữ “như chim bồ câu” được xử dụng trong việc liên kết với động từ đáp xuống để nói rằng đó không phải là một thắc mắc về mặt vật chất của chim bồ câu nhưng là cách Chúa Thánh Thần ngự xuống (như sự đáp xuống của chim bồ câu), trong ý nghĩa rằng đó không phải là một sự tấn công mà là sự truyền đạt của lòng tin tưởng.  Trong Thánh Kinh, biểu tượng về chim bồ câu như thế không có một biểu tượng tương ứng nào khác; tuy nhiên, một chú giải Thánh Kinh cũ của các trường phái đạo Do-Thái so sánh sự bay lượn lơ lửng của Chúa Thánh Thần trên các vùng biển thời nguyên thủy với việc chim bồ câu vỗ cánh bay lượn trên tổ của mình.  Không phải là không thể xử dụng biểu tượng này, Gioan đã muốn nói rằng việc ngự xuống của Chúa Thánh Thần trong hình dạng của một chim bồ câu là một nhắc nhở rõ ràng cho sự khởi đầu của việc tạo dựng vũ trụ:  kế hoạch của Thiên Chúa nhập thể làm người trong Đức Giêsu là điểm tột đỉnh và mục đích của công việc sáng tạo của Thiên Chúa.

Tình yêu của Thiên Chúa dành cho Đức Giêsu (tương ứng với việc chim bồ câu bay trở về tổ) thúc đẩy Người phải chuyển tải sự sung mãn thiên tính của Người (Chúa Thánh Thần là tình yêu và lòng trung thành).

5.  Sứ Điệp


a)  Đức Kitô là Đấng Cứu Độ của chúng ta:  Ông Gioan Tẩy Giả đã có nhiệm vụ chỉ ra Chúa Giêsu là “Chiên Thiên Chúa Đấng xóa tội trần gian”.  Việc công bố Tin Mừng, Lời của Chúa Giêsu Kitô, thật là cần thiết và không thể thiếu được cho hôm nay cũng như trong quá khứ.  Chúng ta không bao giờ ngừng có nhu cầu về sự giải thoát và ơn cứu rỗi.  Công bố Tin Mừng không có nghĩa là chỉ truyền đạt sự thật trên lý thuyết, cũng không phải là một bộ sưu tập các bài dạy về đạo đức.  Thay vào đó, nó có nghĩa là cho phép mọi người được trải nghiệm với Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã xuống thế gian – theo sự làm chứng của Gioan – để cứu nhân loại khỏi tội lỗi, sự dữ và cái chết.  Vì vậy, chúng ta không thể nào loan truyền Tin Mừng và cùng lúc không chú ý đến các nhu cầu hằng ngày và sự mong đợi của người dân.  Để nói về niềm tin vào Đức Giêsu, Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, có nghĩa là nói với những người dân trong thời đại của chúng ta, việc đầu tiên chúng ta nên tự hỏi họ đang kiếm tìm những gì trong sâu thẳm của trái tim họ.

“Nếu chúng ta muốn giữ lấy một tiêu chuẩn thích hợp…, chúng sẽ cần phải nuôi dưỡng hai điểm trọng yếu bổ sung nhau… Chúa Giêsu Kitô là chứng tá cho cả hai.  Điều đầu tiên bao gồm nỗ lực của chúng talắng nghe nền văn hóa của thế giới chúng ta để phân biệt các hạt giống Lời Chúa đã hiện diện ở đó, thậm chí vượt khỏi các biên giới hữu hình của Giáo Hội.  Để lắng nghe những sự mong đợi thân mật nhất của những người đương thời với chúng ta, hãy cân nhắc một cách nghiêm túc những mong ước và khát vọng của họ, hãy tìm cách hiểu những điều gì đang nung nấu tâm can họ và những điều gì khiến họ sợ hãi và kém tự tin”.  Bên cạnh đó, hãy chú ý đến các nhu cầu và sự mong đợi của dân chúng “không có nghĩa là từ bỏ những gì khác biệt trong Kitô giáo, hoặc sự siêu việt của Tin Mừng… sứ điệp Kitô hữu nhắm vào một cách sống hoàn toàn nhân bản nhưng không tự giới hạn chỉ trình bày chủ nghĩa nhân bản đơn thuần.   Đức Giêsu Kitô đã đến để chúng ta có thể được dự phần vào đời sống thiêng liêng, đời sống đã được gọi là “nhân loại của Thiên Chúa”.  (Truyền thông Tin Mừng trong một thế giới thay đổi, số 34).

b)  Chúa Thánh Thần không chỉ đến ngự xuống trên Chúa Giêsu, nhưng cũng để chiếm hữu Người một cách vĩnh viễn để Người có thể tự chia xẻ với những người khác trong phép rửa.  Sau cùng, con Chiên tha thứ tội lỗi và “chim bồ câu của Giáo Hội, gặp gỡ trong Đức Kitô”.  Đây là một lời trích từ thánh Bernard nơi ông tập hợp hai biểu tượng với nhau:  “Con chiên là một trong những động vật mà chim bồ câu là con vật thuộc giống chim muông:  ngây thơ, dịu dàng và mộc mạc”.

c)  Một vài gợi ý thiết thực:

-  Đổi mới lòng sẵn sàng của chúng ta để cộng tác với sứ vụ của Chúa Kitô trong sự hiệp thông với Giáo Hội bằng cách giúp đỡ cho người ta được thoát khỏi sự dữ và tội lỗi.
-  Hỗ trợ những người trên cuộc hành trình của họ để họ có thể sống trong hy vọng vào Chúa Giêsu làĐấng giải thoát và cứu chuộc.
-  Làm chứng cho sự vui mừng của người ta trong kinh nghiệm nhận được hiệu quả của Lời Chúa Giêsu trong đời sống của người ấy.
-  Sống truyền thông đức tin bằng cách làm chứng tá cho Đức Giêsu, Đấng cứu độ của mọi người.

6.  Thánh Vịnh 40

Bài Thánh Vịnh này nói về tình cảnh của một người được giải thoát khỏi sự áp bức, thấy không có thái độ nào chân thật hơn trong việc đáp lời Thiên Chúa là sự tồn tại và hoàn toàn sẵn sàng cho Lời Người.

Tôi đã hết lòng trông đợi CHÚA,
Người nghiêng mình xuống và nghe tiếng tôi kêu.
Chúa cho miệng tôi hát bài ca mới,
bài ca tụng Thiên Chúa chúng ta.

Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật,
nhưng đã mở tai con;
lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa không đòi,
con liền thưa: "Này con xin đến!
Trong sách có lời chép về con
rằng: con thích làm theo thánh ý,
và ấp ủ luật Chúa trong lòng, lạy Thiên Chúa của con."

Đức công chính của Ngài,
con loan truyền giữa lòng đại hội;
lạy CHÚA, Ngài từng biết: con đâu có ngậm miệng làm thinh.


7.  Lời nguyện kết

Lạy Cha, Đấng vào trong ngày của Chúa
đã tụ tập dân Cha để cử hành
Đấng Trước Hết và Sau Hết,
Đấng Hằng Sống đã chiến thắng sự chết,
xin Cha hãy ban cho chúng con sức mạnh của Chúa Thánh Thần để
phá vỡ xiềng xích của sự dữ,
nguyện xin cho chúng con có thể quy phục Cha hoàn toàn
trong sự vâng lời và tình yêu của chúng con,
để chúng con có thể ngự trị với Chúa Kitô trong vinh quang.
Bởi vì Người là Thiên Chúa, Đấng hằng sống và ngự trị với Chúa Cha,
trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần, đến muôn thuở muôn đời.
(Trích kinh Phụng Vụ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét