Trang

Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2014

10-02-2014 : THỨ HAI TUẦN V MÙA THƯỜNG NIÊN năm chẵn

10/02/2014
Thứ Hai sau Chúa Nhật 5 Quanh Năm


Bài Ðọc I: (Năm II) 1 V 8, 1-7. 9-13
"Họ mang hòm bia Thiên Chúa vào nơi Cực Thánh, và mây bao phủ nhà Chúa".
Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.
Trong những ngày ấy, các kỳ lão Israel, cùng những thủ lãnh các chi họ và những trưởng gia tộc con cái Israel đều tề tựu trước mặt vua tại Giêrusalem, để cung nghinh hòm bia Thiên Chúa từ thành Ðavít, tức là thành Sion. Trong ngày đại lễ, nhằm tháng Ethanim, tức tháng bảy, toàn dân Israel tụ họp quanh vua Salomon. Khi các kỳ lão Israel đến, các tư tế liền khiêng hòm bia, và mang hòm bia Chúa đi, mang cả nhà tạm giao ước và tất cả những đồ thánh trong nhà tạm; các tư tế và các thầy Lêvi phụ trách khiêng đi.
Vua Salomon và toàn dân Israel tề tựu quanh ngài, tiến đi với ngài trước hòm bia, và tế lễ vô số chiên bò không kể xiết. Các tư tế khiêng hòm bia Thiên Chúa đặt vào nơi đã chỉ định tại đền thờ, nơi cực thánh, dưới cánh các tượng vệ binh thần. Các tượng này giang cánh trên nơi để hòm bia, và che phủ hòm bia và các đòn khiêng. Trong hòm bia không có gì khác ngoài hai bia đá mà Môsê đã đặt vào hòm ở núi Horeb, lúc Chúa lập giao ước với con cái Israel khi họ ra khỏi đất Ai-cập. Khi các tư tế lui ra khỏi cung thánh, thì có mây bao phủ nhà Chúa. Vì mây mù, nên các tư tế không thể đứng đó mà thi hành chức vụ: vì vinh quang của Chúa tràn đầy nhà Chúa. Bấy giờ Salomon nói rằng: "Chúa đã từng phán sẽ ngự trong đám mây. Vậy tôi đã xây cất ngôi nhà làm nơi ở cho Chúa, một nơi vững chắc Chúa ngự đến muôi đời".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 131, 6-7. 8-10
Ðáp: Lạy Chúa, xin lên đường đi tới nơi an nghỉ (c. 8a).
Xướng: 1) Ðây là điều chúng tôi đã nghe nói tại Ephrata, chúng tôi đã gặp thấy nơi đồng ruộng Gia-ar. Chúng ta hãy tiến vào nhà Chúa, hãy sụp lạy trước bệ dưới chân Ngài. - Ðáp.
2) Lạy Chúa, xin lên đường đi tới nơi an nghỉ, Chúa và Hòm Bia oai quyền của Chúa cùng đi! Các tư tế của Ngài hãy mặc lấy lòng đạo đức, và các tín đồ của Ngài hãy mừng rỡ hân hoan. Xin vì Ðavít là tôi tớ Chúa, Chúa đừng hắt hủi người được Chúa xức dầu. - Ðáp.
  
Alleluia: Ga 14, 5
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy". - Alleluia.

Phúc Âm: Mc 6, 53-56
"Tất cả những ai chạm tới Người, đều được khỏi bệnh".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ qua biển rồi, các ngài tới miền Giênêsarét và ghé bến. Các ngài lên khỏi thuyền, tức thì người ta nhận ra Người, họ liền rảo chạy khắp miền, và nghe tin Người ở đâu thì khiêng những người đau yếu nằm trên chõng đến đó. Bất cứ Người vào làng trại hay đô thị nào, người ta cũng đặt các bệnh nhân ở các nơi công cộng và xin Người cho họ ít là được chạm tới gấu áo Người, và tất cả những ai chạm tới Người, đều được khỏi bệnh.
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Chấp nhận bị quấy rầy

Tin Mừng hôm nay là một bản khái quát những hoạt động của Chúa Giêsu làm cho con người, những hoạt động này vừa nhiều vừa đa dạng, đến mức làm cho người ta có cảm tưởng Chúa Giêsu là một lương y đa khoa.
Nhìn vào cách thức hành động của Chúa Giêsu, con người thời nay có thể cho rằng Ngài làm việc thiếu khoa học. Dường như Chúa Giêsu không lên kế hoạch làm việc cho từng ngày, ngày nào của Ngài cũng chỉ theo một chương trình duy nhất, là rao giảng Tin Mừng và làm cho Nước Trời hiện diện cụ thể trong đời sống con người. Ðối tượng phục vụ của Ngài là người nghèo đủ loại, và nhu cầu của người nghèo lại cấp bách đến độ không thể dời lui dời tới hoặc giới hạn vào một số giờ nhất định. Sống với người nghèo và cho người nghèo là chấp nhận bị quấy rầy: quấy rầy vì những vấn đề của họ thật cấp thiết nhưng lại không dễ giải quyết, quấy rầy vì họ luôn ở cạnh chúng ta mà chúng ta không được phép quên đi.
Giáo Hội hôm nay muốn chọn người nghèo làm đối tượng ưu tiên để phục vụ như Chúa Giêsu ngày xưa đã làm, thì Giáo Hội cũng không thể quên sự quấy rầy của người nghèo và các vấn đề liên quan đến người nghèo. Nếu Giáo Hội có phải phân nhiệm cho ủy ban này, ủy ban khi lo từng vấn đề, nếu Giáo Hội có phải lên thời khóa biểu hằng ngày, thì tất cả chỉ vì muốn phục vụ người nghèo cho có kết quả hơn, chứ không phải để giảm bớt hoặc thoái thác công việc.
Chúa đã không phục vụ con người theo kiểu trưởng giả, gián tiếp, nhưng đã dấn thân phục vụ tất cả mọi người bất cứ giờ phút nào. Xin cho Giáo Hội và mỗi người chúng ta đừng phục vụ người nghèo trên môi miệng, trên giấy tờ hoặc trong tư duy, nhưng là phục vụ trong hành động cụ thể và mau mắn.
(Veritas Asia)


LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Hai Tuần V TN2
Bài đọc: I Kgs 8:1-7, 9-13; Mk 6:53-56.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Con người phải biết ơn tác giả của sự sống.

Trong thế giới con người, chúng ta thường thấy có 2 hạng người tiêu biểu: một hạng người chịu để tâm nghiên cứu để tìm ra sự thật, nguồn gốc, và căn nguyên mọi loài như: “Tôi đã tìm thấy Thiên Chúa trong vũ trụ.” Hay “Tôi đã tìm thấy Thiên Chúa nơi phòng thí nghiệm.” Ngược lại, có những người lười biếng, không chịu học hỏi lịch sử, và truy tầm nguồn gốc và căn nguyên của mọi loài; lại còn có thái độ tự tôn, kiêu ngạo, và nghĩ mình có thể làm mọi sự; chẳng hạn lời tuyên bố của triết gia hiện sinh F. Nietzsche “Tôi đã giết chết Thiên Chúa!” hay lời phê phán của K. Marx, ông tổ cộng sản, về niềm tin vào Thiên Chúa: “Tôn giáo là thuốc phiện mê ngủ con người.”
Nếu con người chịu khó học hỏi lịch sử và tìm về nguồn cội, con người sẽ khám phá ra trái đất con người đang sống chỉ là một hành tinh nhỏ và mỏng giòn của vũ trụ, chứ không phải là trung tâm điểm hay cái rốn của vũ trụ như nhiều người lầm tưởng. Trái đất tự nó không thể sống một mình, nhưng tùy thuộc vào các hành tinh chung quanh; nhất là 2 hành tinh lớn mặt trời và mặt trăng. Nhận ra thân phận yếu đuối của mình sẽ giúp con người khiêm nhường hơn, biết ơn, và trông cậy vào sự khôn ngoan, uy quyền, và sức mạnh của Đấng Sáng Tạo.
Hai Bài Đọc hôm nay nói lên sự tương phản giữa Đấng Sáng Tạo uy quyền và con người yếu đuối bệnh tật. Trong Bài Đọc I, năm chẵn, vua Solomon khánh thành Đền Thờ và cho rước Hòm Bia Thiên Chúa vào nơi Cực Thánh trong Đền Thờ. Thiên Chúa cho vua và dân chúng biết sự hiện diện của Ngài với dân bằng đám mây dày đặc.
Trong Phúc Âm, Thiên Chúa, tác giả của sự sống, cũng là người chữa lành mọi tật bệnh cho con người. Điều kiện để được chữa bệnh: con người phải nhận ra tình trạng bệnh tật của mình và đến với Thiên Chúa để được chữa lành.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
  
1/ Bài đọc I (năm chẵn): Khi các tư tế ra khỏi Cung Thánh, thì có đám mây toả đầy Đền Thờ Đức Chúa.

1.1/ Ngày khánh thành Đền Thờ của Thiên Chúa: Ước ao có được một Đền Thờ để Hòm Bia Thiên Chúa được đặt vào có từ thời vua David; nhưng Thiên Chúa không muốn David xây dựng Đền Thờ cho Ngài, vì tay David đã vấy máu Uriah, người vô tội. Ngài dành đặc quyền này cho vua Solomon, con của David. Tuy không được xây dựng Đền Thờ của Thiên Chúa, David cũng chuẩn bị nhiều thứ vật liệu để Solomon có thể hoàn thành dự án đó.
Hôm nay là ngày khánh thành Đền Thờ, vua Solomon triệu tập bên mình, tại Jerusalem, các kỳ mục Israel, gồm tất cả các người đứng đầu các chi tộc cùng các trưởng tộc con cái Israel, để đưa Hòm Bia Giao Ước của Đức Chúa lên, từ Thành vua David tức là Sion. Tất cả các kỳ mục Israel đều tới; các tư tế thì khiêng Hòm Bia, và đưa Hòm Bia của Đức Chúa cũng như Lều Hội Ngộ và tất cả các vật dụng thánh trong Lều lên. Các tư tế đưa Hòm Bia Giao Ước của Đức Chúa vào nơi đã dành sẵn trong cung điện bên trong của Đền Thờ, tức là Nơi Cực Thánh, dưới cánh các Cherubim. Trong Hòm Bia không có gì ngoài hai Bia đá ông Moses đã đặt vào đó, trên núi Horeb, khi Đức Chúa lập Giao Ước với con cái Israel vào thời họ ra khỏi đất Ai-cập.

1.2/ Thiên Chúa hiện diện trong Đền Thờ: Mục đích của việc xây dựng Đền Thờ không phải cho Thiên Chúa, nhưng là cho lợi ích của con người. Thiên Chúa hiện diện khắp nơi trong vũ trụ, vì tất cả là của Ngài. Con người cần có một nơi để họ biết chắc chắn Thiên Chúa đang ở giữa họ, để họ có thể đến cầu nguyện và cảm thấy được Thiên Chúa bảo vệ.
Trình thuật hôm nay xác nhận sự kiện Thiên Chúa ở giữa dân, vì "khi các tư tế ra khỏi Cung Thánh, thì có đám mây toả đầy Đền Thờ Đức Chúa." Cột mây là dấu chứng sự hiện diện của Thiên Chúa với con cái Israel kể từ khi họ xuất hành ra khỏi Ai-cập và lang thang suốt 40 năm trong sa mạc. Kể từ nay, vua Solomon và dân chúng có thể lui tới Đền Thờ để gặp gỡ Thiên Chúa và làm các việc thờ phượng.

2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu chữa lành con người.

2.1/ Bệnh tật đe dọa sự sống con người: Tuy Thiên Chúa dựng nên mọi sự đều tốt lành; nhưng những điều dữ luôn đe dọa con người, một trong những điều dữ này là các bệnh tật. Bệnh tật có nhiều nguyên do, một trong những nguyên do chính là sự ô nhiễm môi trường và tính vô trách nhiệm của con người.

2.2/ Con người nhận ra tác giả của sự sống: Trình thuật kể: “Thầy trò vừa ra khỏi thuyền, thì lập tức người ta nhận ra Đức Giêsu. Họ rảo khắp vùng ấy và nghe tin Người ở đâu, thì bắt đầu cáng bệnh nhân đến đó. Người đi tới đâu, vào làng mạc, thành thị hay thôn xóm nào, người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ, và xin Người cho họ ít là được chạm đến tua áo choàng của Người; và bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi.” Hai điều kiện để được chữa lành bệnh: (1) Nhận ra mình mắc bệnh, và (2) Chạy đến với Chúa Giêsu, tác giả của sự sống, để được chữa lành.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Mọi vật hiện hữu là do Thiên Chúa tạo dựng. Tuy trình thuật của Sách Sáng Thế Ký không mô tả chi tiết và lý do, nhưng đó là sự thật về nguồn gốc và căn nguyên của sự vật.
- Thiên Chúa là tác giả của sự sống. Ngài tạo dựng mọi sự: nước, đất, ánh sáng, hạt giống … để bảo vệ sự sống của muôn loài. Không phải ngẫu nhiên có sự sống như nhiều người lầm tưởng.
- Thiên Chúa không chỉ tạo dựng, rồi để mặc cho các tạo vật muốn ra sao thì ra như một số người lầm tưởng; nhưng Ngài luôn quan phòng điều khiển mọi sự sao cho hòa hợp và phát triển. Ngài luôn hiện diện giữa con người để dạy dỗ, chữa lành, và bảo vệ.
- Quan sát thiên nhiên và đọc trình thuật tạo dựng giúp con người đặt niềm tin nơi Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo muôn loài muôn vật.

Lm.Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.


HẠT GIỐNG NẢY MẦM
Mc 6,53-56

A. Hạt giống...
Trong 4 câu rất gọn, thánh Marcô mô tả sức thu hút mãnh liệt của Chúa Giêsu đối với dân chúng :
- "Họ rão qua khắp vùng ấy, và nghe tin Ngài ở đâu thì bắt đầu cáng bệnh nhân tới đó"
- "Ngài đi tới đâu... người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường, ngoài chợ, và xin Ngài cho họ ít là được chạm đến tua áo choàng của Ngài. Và bất cứ ai chạm đến đều được khỏi."

B.... nẩy mầm.
1. Có thể tìm được 2 lý do giải thích sự thu hút này :
- dân chúng có những nhu cầu
- Chúa Giêsu có khả năng đáp ứng những nhu cầu đó.
Diễn viên điện ảnh Lê Công Tuấn Anh có tất cả những thứ mà bất cứ người trẻ nào cũng mơ ước. Nhưng anh cũng có những nhu cầu và những đau khổ thâm sâu mà không ai giúp anh được. Anh chết vì không tìm được Đấng giúp anh.
2. "Bất cứ ai chạm đến Ngài thì đều được khỏi" : Nếu tôi thực sự "chạm" đến Chúa, chắc chắn tôi cũng được khỏi những bệnh tật linh hồn tôi.
3. Lúc bệnh tật và đau khổ là lúc người ta dễ hướng về Chúa nhất.
4. Người hấp hối than thở với cha sở rằng chẳng cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa. Cha sở lấy một chiếc ghế đặt bên cạnh, rồi bảo ông hãy nghĩ rằng Chúa Kitô đang ngồi đó, hãy đặt tay mình trên tay Ngài trên thành ghế. Người đó làm theo và cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa. Mấy hôm sau, được tin ông qua đời, cha sở đến thăm và thấy tay ông vẫn còn đặt trên bàn tay vô hình ở thành ghế (Góp nhặt)
5. "Nghe tin Người ở đâu, họ bắt đầu cáng bệnh nhân đến đó… và bất cứ  ai chạm đến Người thì đều được khỏi" (Mc 6,55-56)
Một cảnh tượng tuyệt đẹp và đầy xúc động, đẹp ở sự chủ động của đám đông, xúc động bởi lòng tin vững vàng của họ. Họ đã không đòi hỏi gì hơn là được chạm đến tua áo Người, mong được chữa khỏi.
Sự kiện đó khiến tôi liên tưởng ngay đến câu chuyện về họa sĩ Holman Hunt. Ông đã vẽ một bức tranh trong đó Chúa Giêsu đang đứng gõ cửa một ngôi nhà. Nhưng điểm khác thường ở đây là cánh của đó không có tay cầm và cũng không có ổ khóa, và vì thế cánh cửa đó chỉ có thể mở từ bên trong.
Đám đông dân chúng nay đã tự mở cánh cửa lòng mình cho Đấng chữa lành ; và vì thế họ đã được khỏi bệnh.
Lạy Chúa, lòng con đầy dẫy những ích kỷ, tự kiêu, đam mê… hay có khi lại mặc cảm, chống đối và than van. Xin cho con biết mở lòng để có thể chạm đến Chúa. (Epphata)
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp. Cần Thơ

10/02/14 THỨ HAI TUẦN 5 TN
Th. Côláttica, trinh nữ
Mc 6,53-56

CHÍNH LÚC QUÊN MÌNH LÀ LÚC GẶP LẠI BẢN THÂN
Thầy trò vừa ra khỏi thuyền, thì lập tức người ta nhận ra Đức Giêsu. Họ rảo khắp vùng ấy và nghe tin Người ở đâu, thì bắt đầu cáng bệnh nhân đến đó.
(Mc 6,54.55)
Suy niệm: Nhìn vào những công việc bề bộn của Đức Giêsu, khó có ai nhận ra chương trình sống từng ngày cua Ngài. Đức Giêsu không lên kế hoạch cho một ngày này hay ngày khác. Ở nơi Ngài chỉ có một chương trình duy nhất cho mọi ngày, là rao giảng Tin Mừng và làm cho lời ấy sinh hoa trái nơi tâm hồn người nghe. Như một tác giả đã viết, đề tài Nước Thiên Chúa đâu phải để bàn bạc trong một số giờ nhất định, nhưng đó là một thực tại phải diễn ra trong đời sống hằng ngày từng giây từng phút. Vì thế, Đức Giêsu không chỉ sống mầu nhiệm Nước Trời ở một chỗ hay một ngày nhất định. Vả lại, đối tượng rao giảng của Ngài là người nghèo; Ngài sống nghèo với người nghèo, chấp nhận bị họ quấy rầy, vì Ngài biết, những nhu cầu của họ đều mang tính cấp thiết.
Mời Bạn: Cách phục vụ của Đức Giêsu nên mẫu gương cho các thành phần trong Hội Thánh, một tinh thần phục vụ xả thân cho người khát khao. Nếu bạn có lên kế hoạch phục vụ hằng ngày, thì cũng cốt để cho việc phục vụ hiệu quả hơn.
Sống Lời Chúa: Trong chương trình sống thường ngày, bạn nhớ dành chỗ quan tâm đến những người nghèo và những ai khao khát đi tìm chân lý.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con tận dụng thời giờ cách trầm tĩnh, thanh thản. Xin cho con đổ đầy thời gian đó tới miệng bình để tiến dâng Chúa. Xin Chúa biến đổi thứ nước vô vị đó thành rượu quý như Chúa đã làm tại Cana.

Chạm đến thì được khỏi 
Truyền giáo là giúp người ta thực hiện ước mơ chính đáng: chạm đến Thiên Chúa. Nhà truyền giáo phải là người đã có kinh nghiệm chạm đến Thiên Chúa. 

Suy nim:
Tiếng Việt có nhiều động từ nói về xúc giác:
sờ, mó, đụng, chạm, rờ…
Xúc giác là một trong năm ngũ quan.
Nhìn thấy, nghe thấy, ngửi thấy, có khi vẫn chưa đủ.
Người ta còn muốn sờ thấy, xem đằng mặt, bắt đằng tay.
Sờ là một cách kiểm chứng đôi khi được coi là đáng tin hơn thấy.
Đức Giêsu phục sinh đã nói với các môn đệ:
“Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà!
Cứ rờ xem, ma đâu có xương thịt như anh em thấy Thầy có đây?” (Lc 24, 39).
Thánh Tôma xem ra thích kiểm chứng bằng đụng chạm:
“…nếu tôi không đặt ngón tay tôi vào lỗ đinh,
không đặt bàn tay tôi vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20, 25).
Đức Giêsu phục sinh đã chiều Tôma (Ga 20, 27).
Thiên Chúa đã chiều nhân loại, khi cho Con Ngài làm người như ta,
nhờ đó chúng ta có thể đụng chạm đến Thiên Chúa theo nghĩa đen.
Thánh Gioan đã reo lên khi loan báo Tin Mừng này:
“Điều vẫn có ngay từ lúc đầu, điều chúng tôi đã nghe,
Điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng,
và bàn tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống” (1 Ga 1, 1).
Bài Tin Mừng hôm nay là một bản tóm lược dài về quyền năng của Đức Giêsu.
Quyền năng này được thi thố qua việc chữa bệnh.
“Người ở đâu thì người ta cáng bệnh nhân đến đó.
Người đi tới đâu…người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở chỗ công cộng” (cc. 55-56).
Dân chúng tin vào sức mạnh xuất phát từ chính con người Đức Giêsu.
Ở đây không phải là chuyện Ngài đụng chạm vào các bệnh nhân để chữa họ,
mà là các bệnh nhân xin “ít là được chạm đến tua áo choàng của Người;
và “bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi” (c. 56).
Cái chạm của bệnh nhân là cái chạm của lòng tin vào Đức Giêsu.
Nó giống với cái chạm của người phụ nữ bị băng huyết (Mc 5, 28).
Không phải chỉ là chạm bằng tay, mà bằng cả con người.
Nơi đáy lòng con người vẫn có khát khao được đụng chạm đến Thiên Chúa,
cả nơi những người không tin có Ngài hay bướng bỉnh như Tôma.
Truyền giáo là giúp người ta thực hiện ước mơ chính đáng: chạm đến Thiên Chúa.
Nhà truyền giáo phải là người đã có kinh nghiệm chạm đến Thiên Chúa.
Mong mỗi Kitô hữu trở nên một nhà truyền giáo
nhờ đụng chạm đến Lời Chúa và các Bí Tích mỗi ngày.
Cầu nguyn:

Con đã yêu Chúa quá muộn màng!
Ôi lạy Chúa là vẻ đẹp vừa cổ kính,
vừa luôn mới mẻ,
con đã yêu Chúa quá muộn màng!
Bấy giờ Chúa ở trong con
mà con thì ở ngoài,
con cứ chạy đi tìm Chúa ở ngoài.

Con thật hư hỏng,
khi chạy theo các thụ tạo xinh đẹp.
Bởi thế, bấy giờ Chúa ở với con
mà con lại không ở với Chúa.
Các thụ tạo xinh đẹp kia cứ giữ con ở xa Chúa,
trong khi chúng hiện hữu được là nhờ Chúa.

Chúa đã gọi con, đã gọi to
và phá tan sự điếc lác của con.
Chúa đã soi sáng
và xua đi sự mù lòa của con.
Chúa đã tỏa hương thơm ngát
để con được thưởng thức,
và giờ đây hối hả quay về với Chúa.
Con đã nếm thử Chúa
và giờ đây con đói khát Người.
Chúa đã chạm đến con,
nên giờ đây con nóng lòng
chạy đi tìm an bình nơi Chúa.
(Thánh Âu-Tinh)

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ


* Suy niệm:
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Marco tường thuật lại quyền năng của Đức Giêsu thể hiện qua việc chữa bệnh cho dân chúng. Hay tin Đức Giêsu đi đến đâu, dân chúng đưa các bệnh nhân đến với Người để được Người chữa khỏi. Họ tin vào sức mạnh phát xuất từ con người Đức Giêsu, nên xin Người, ít là cho họ được chạm đến tua áo Người. Đây là cái chạm của lòng tin.

Hôm nay, vì chẳng còn khao khát hoặc ít khao khát được đụng chạm đến Thiên Chúa, nên người ta dễ dàng bỏ lễ, không cầu nguyện và hờ hững với việc lãnh nhận các bí tích.

Mong sao, từ sâu thẳm lòng mình, tôi vẫn khát khao được đụng chạm đến Thiên Chúa.
Mong sao, nhờ chạm đến Lời Chúa và Mình Chúa mỗi ngày, mà đời tôi trở nên trong sạch.

Vị thánh trong ngày (10/02)
Thánh SCHOLASTICA 

(480-542?)
Lược sử:
Anh em sinh đôi thường giống nhau về tính nết và tư tưởng cũng như nhiệt huyết. Do đó, người ta không ngạc nhiên khi Thánh Scholastica và người anh sinh đôi là Thánh Biển Đức (Benedict), đều sáng lập các tu hội chỉ cách nhau có vài dặm. 
Sinh trong một gia đình giầu có, Scholastica và Benedict cùng lớn lên cho đến khi Benedict xa nhà đi học ở Rôma. Chúng ta không biết nhiều về thời niên thiếu của Thánh Scholastica. Sau này, ngài sáng lập dòng nữ tu ở Ý gần rặng Cassino, thuộc Plombariola, cách tu viện của anh ngài chỉ có năm dặm.
Mỗi năm hai anh em chỉ gặp nhau có một lần, trong một nông trại, vì Scholastica không được phép vào tu viện. Cả hai dành thời giờ để thảo luận về các vấn đề tinh thần.
Theo cuốn Đối Thoại của Thánh Grêgôriô Cả, trong lần sau cùng hai anh em gặp nhau để cầu nguyện và chuyện trò, Thánh Scholastica cảm thấy cái chết của mình gần kề nên nài xin anh Benedict ở với ngài cho đến ngày hôm sau.
Thánh Benedict từ chối lời yêu cầu ấy vì ngài không muốn ở đêm bên ngoài tu viện, vì như thế chính ngài sẽ phá vỡ quy luật do ngài đặt ra. Thánh Scholastica xin Thiên Chúa cho phép anh mình ở lại, và một trận mưa lớn đổ xuống như thác khiến Benedict và các tu sĩ đi theo ngài không thể trở về tu viện.
Thánh Benedict kêu lên, "Xin Chúa tha tội cho em. Em làm cái gì vậy?" Thánh Scholastica trả lời, "Em xin anh một ơn huệ và anh từ chối. Em xin Chúa, và Chúa nhận lời."
Ba ngày sau, khi Thánh Benedict cầu nguyện trong tu viện thì ngài nhìn thấy linh hồn của em mình bay lên trời trong dạng chim bồ câu trắng. Thánh Benedict sai các tu sĩ đem xác của em mình về dòng và chôn trong ngôi mộ mà ngài đã chuẩn bị cho mình.
Thánh Scholastica từ trần vào khoảng năm 543, và sau đó không lâu Thánh Benedict cũng lìa trần.

Lời Bàn
Thánh Scholastica và Benedict đã hiến mình trọn vẹn cho Thiên Chúa, và coi trọng việc kết giao bằng hữu với Chúa qua sự cầu nguyện. Các ngài đã hy sinh một số cơ hội sẵn có để cùng nhau thực hiện ơn gọi tu trì. Tuy nhiên, khi càng gần gũi với Ðức Kitô bao nhiêu, họ càng cảm thấy gần nhau hơn. Khi gia nhập cộng đồng tu sĩ, họ đã không quên và cũng không bỏrơi gia đình mà trái lại họ có thêm các anh chị em mới.
Lời Trích
"Mọi tu sĩ đều có bổn phận, tùy theo ơn gọi thích hợp, để cộng tác cách nhiệt thành và siêng năng trong việc xây dựng và gia tăng Nhiệm ThểÐức Kitô, và vì lợi ích tốt lành riêng của các cộng đồng… Họ có nhiệm vụấp ủ các mục tiêu này một cách chính yếu qua sự cầu nguyện, việc đền tội và sống gương mẫu" (Sắc Lệnh về các Giám Mục, 33).
__________

Suy niệm hạnh thánh (của Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)

Suy niệm 1: Giống nhau
            Anh em sinh đôi thường giống nhau về tính nết và tư tưởng cũng như nhiệt huyết. Do đó, người ta không ngạc nhiên khi Thánh Scholastica và người anh sinh đôi là Thánh Biển Đức (Benedict), đều sáng lập các tu hội chỉ cách nhau có vài dặm.
            Điểm giống nhau nổi bật cần phải được nêu lên ở hai anh em sinh đôi này, đó là lòng yêu mến Thiên Chúa, nguồn của mọi điều thiện hảo, khiến giúp họ gần nhau và cùng sáng lập các tu hội.
            Không như hai anh em sinh đôi Exau và Giacóp, ngay từ trong lòng mẹ đã chống đối nhau, để rồi lớn lên thì đành phải lìa xa nhau để tránh họa sát thân (St 25,22-23; 27,41-44).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đào sâu lòng mến Chúa, như là mối giây liên kết tình huynh đệ giữa chúng con với nhau, vì có cùng Cha chung trên trời
Suy niệm 2: Gặp gỡ
            Mỗi năm hai anh em chỉ gặp nhau có một lần, trong một nông trại, vì Scholastica không được phép vào tu viện. Cả hai dành thời giờ để thảo luận về các vấn đề tinh thần.   
            Mục tiêu gặp gỡ có thể nhiều, nhưng đâu là mục tiêu cao cả nhất. Hai anh em sinh đôi Benedict và Scholastica đã chọn phần trọn hảo là thảo luận về các vấn đề tinh thần, hầu giúp tu hội cách hữu hiệu hơn.
            Nicôđêmô cũng từng xin gặp gỡ Đức Giêsu ban đêm để thảo luận về vấn đề tinh thần, cụ thể vấn đề tái sinh để được vào Nước Trời (Ga 3,3). Nhờ tiếp thu, Nicôđêmô đã can đảm bênh vực Đức Giêsu (Ga 7,50-51) và nhất là lo việc táng xác Đức Giêsu (Ga 19,39).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con can đảm tránh những cuộc gặp gỡ vô bổ và tai hại, để chỉ chọn những cuộc gặp gỡ hướng thượng.  
Suy niệm 3: Cầu nguyện
            Theo cuốn Đối Thoại của Thánh Grêgôriô Cả, trong lần sau cùng hai anh em gặp nhau để cầu nguyện và truyện trò, Thánh Scholastica cảm thấy cái chết của mình gần kề nên nài xin anh Benedict ở với ngài.
            Thánh Scholastica và Benedict đã hiến mình trọn vẹn cho Thiên Chúa, và coi trọng việc kết giao bằng hữu với Chúa qua sự cầu nguyện. Các ngài đã hy sinh một số cơ hội sẵn có để cùng nhau thực hiện ơn gọi tu trì. Tuy nhiên, khi càng gần gũi với Đức Kitô bao nhiêu, họ càng cảm thấy gần nhau hơn. Khi gia nhập cộng đồng tu sĩ, họ đã không quên và cũng không bỏ rơi gia đình mà trái lại họ có thêm các anh chị em mới.
"Mọi tu sĩ đều có bổn phận, tùy theo ơn gọi thích hợp, để cộng tác cách nhiệt thành và siêng năng trong việc xây dựng và gia tăng Nhiệm Thể Đức Kitô, và vì lợi ích tốt lành riêng của các cộng đồng… Họ có nhiệm vụ ấp ủ các mục tiêu này một cách chính yếu qua sự cầu nguyện, việc đền tội và sống gương mẫu" (Sắc Lệnh về các Giám Mục, 33).  
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con tha thiết với việc cầu nguyện, để nhờ đó được gần gũi với Đức Kitô và với mọi người. 
Suy niệm 4: Quy luật
            Thánh Benedict không muốn ở đêm bên ngoài tu viện, vì như thế chính ngài sẽ phá vỡ quy luật do ngài đặt ra. 
            Đặt ra luật là một nỗ lực lớn nhưng giữ được luật mới là kỳ công, nhất là phải giữ luật như một tấm gương soi sáng người khác. Thà phế bỏ luật mình đặt ra còn hơn là vi phạm luật đã đặt.
            Ý thức được thế nên Thánh Benedict nén lòng hy sinh tình anh em ruột thịt, để phục vụ tình huynh đệ thiêng liêng trong cộng đoàn tu hội. 
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con có giải thích luật, thì luôn giải thích rộng cho người, và thật khắt khe cho chính mình.  
Suy niệm 5: Chúa và người
            Thánh Benedict kêu lên, "Xin Chúa tha tội cho em. Em làm cái gì vậy?" Thánh Scholastica trả lời, "Em xin anh một ơn huệ và anh từ chối. Em xin Chúa, và Chúa nhận lời".
            Tư tưởng Thiên Chúa vốn khác tư tưởng con người (Is 55,8), vì tâm khảm con người đã khôn dò, suy tưởng con người đã khôn thấu, nhưng Thiên Chúa lại càng siêu việt không lường (Gđt 8,14), rộng hơn đại dương, sâu hơn vực thẳm (Hc 24,29). Trời cao hơn đất chừng nào thì tư tưởng của Thiên Chúa cũng cao hơn tư tưởng con người chừng ấy (Is 55,9).
            Tư tưởng đã khác, lối hành xử càng quảng đại và dễ dãi bao la. Người tha bảy lần, còn Chúa tha không tính lần (Mt 18,21-22). Thánh Scholastica xin anh chỉ một ơn huệ thì không được, nhưng Chúa lại nhận lời.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con tập sống khó cho mình, còn luôn dễ với người. 
Suy niệm 6: Bồ câu
            Ba ngày sau, khi Thánh Benedict cầu nguyện trong tu viện thì ngài nhìn thấy linh hồn của em mình bay lên trời trong dạng chim bồ câu trắng.
            Bồ câu biểu hiện sự hòa bình, ngoài ra còn biểu hiện sự trong trắng nữa. Chính vì ý nghĩa này mà chim bồ câu thường được dùng làm lễ vật toàn thiêu (Lv 1,14), lễ vật đền tội (Lv 5,7), lễ vật tạ tội (Lv 12,6), lễ vật xá tội (Lv 12,8), để mang lại sự thanh sạch cho đương sự. 
            Vẻ đẹp bên ngoài làm sao sánh được với nét đẹp tinh thần như người đời thường đánh giá “Cái nết đánh chết cái đẹp”. Một cái nết tuyệt đẹp bên trong thường được biểu hiện bằng lòng trong trắng, nên bồ câu cũng được nhân cách hóa thành một nữ tình nhân tuyệt mỹ (Dc 4,1; 5,2; 6,9).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn quý trọng sự trong sạch tâm hồn, đến mức dầu phải chết cũng quyết bảo vệ, như các thánh trinh nữ tử đạo Anê và Agatha. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét