Trang

Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2015

04-10-2015 : (phần I) CHÚA NHẬT XXVII MÙA THƯỜNG NIÊN năm B - Kính trọng thể ĐỨC MẸ MÂN CÔI

CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN NĂM B
    04/10/2015
Kính trọng thể Đức Mẹ Mân côi
(phần I)

Bài Ðọc I: Cv 1,12-14

Trích sách Tông Đồ Công Vụ
Bấy giờ các Tông Đồ từ núi gọi là núi Ô-liu trở về Giê-ru-sa-lem. Núi này ở gần Giê-ru-sa-lem, cách đoạn đường được phép đi trong ngày sa-bát.  Trở về nhà, các ông lên lầu trên, là nơi các ông trú ngụ. Đó là các ông : Phê-rô, Gio-an, Gia-cô-bê, An-rê, Phi-líp-phê, Tô-ma, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và Giu-đa con ông Gia-cô-bê. Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Lc 1,46-47.48-49.50-51-52-53.54-55 (Đ. c. 49)


Đáp :    Lạy Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, Mẹ thật là diễm phúc, vì đã cưu mang Con Chúa Cha hằng hữu.


46        Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
47        thần trí tôi hớn hở vui mừng
            vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.                                  Đ.

48        Phận nữ tỳ hèn mọn,
            Người đoái thương nhìn tới;
            từ nay, hết mọi đời
            sẽ khen tôi diễm phúc.
49        Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
            biết bao điều cao cả,
            danh Người thật chí thánh chí tôn !                            

50        Đời nọ tới đời kia,
            Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
51        Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
            dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.                             Đ.

52        Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
            Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
53        Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
            người giàu có, lại đuổi về tay trắng.                          

54        Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
55        như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
            vì Người nhớ lại lòng thương xót
            dành cho tổ phụ Áp-ra-ham
            và cho con cháu đến muôn đời.                                

Bài đọc 2 – Gl 4, 4-7

"Thiên Chúa đã sai Con Ngài sinh hạ bởi người phụ nữ".

Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galata.
Anh em thân mến, khi đã tới lúc thời gian viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con Ngài sinh hạ bởi người phụ nữ, sinh dưới chế độ Luật, để cứu chuộc những người ở dưới chế độ Luật, hầu cho chúng ta được nhận làm dưỡng tử. Sở dĩ vì anh em được làm con, Thiên Chúa đã sai Thần Trí của Con Ngài vào tâm hồn chúng ta, kêu lên rằng: "Abba!", nghĩa là "Lạy Cha!" Thế nên, bạn không còn phải là tôi tớ, nhưng là con; mà nếu là con, tất bạn cũng là người thừa kế, nhờ ơn Thiên Chúa.
Đó là lời Chúa.

 Alleluia: Tv 102, 21

Alleluia, alleluia! - Kính chào Đức Ma-ria, Mẹ đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng Mẹ, Mẹ có phúc hơn mọi người phụ nữ. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 1, 26-38

"Này Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một Con trai".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Thiên Thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: "Kính chào Trinh Nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ". Nghe lời đó, Trinh Nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: "Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này Trinh Nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận.
Nhưng Maria thưa với thiên thần: "Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?"
Thiên thần thưa: "Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế, Ðấng trinh nữ sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được".
Maria liền thưa: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền". Và thiên thần cáo biệt trinh nữ.

Ðó là lời Chúa.


Suy niệm :
Trong các loài thụ tạo được Thiên Chúa dựng nên, không có một tạo vật nào được Giáo hội dành nhiều ưu ái cho bằng Mẹ Maria. Nói đến Đức Mẹ, Giáo hội luôn dành cho Mẹ muôn vàn tước hiệu, tước hiệu nào cũng cao quí, cũng đặc biệt. Hôm nay, chúng ta mừng kính Mẹ Maria với tước hiệu Mẹ Mân côi. Sở dĩ có ngày lễ hôm nay vì có liên hệ đến một biến cố trong lịch sử Giáo Hội. Ngày 7-10-1571, vua Hồi giáo mang đại quân hướng về La Mã và thề hứa sẽ biến đền thờ Thánh Phêrô thành một chuồng ngựa. Đạo binh Công giáo đã ra nghênh chiến trong khi ở hậu phương giáo dân lần chuỗi Mân Côi cầu xin với Đức Mẹ. Và đúng như lời "xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Đức Mẹ mà Đức Mẹ từ bỏ chẳng nhậm lời" đã ứng nghiệm, với quân số ít ỏi và khí giới tồi tàn, người Công giáo đã thắng trận vẻ vang trước đoàn quân Hồi giáo đông đảo và trang bị hùng hậu. Để ghi ơn Đức Mẹ, ĐGH Piô V đã thiết lập lễ kính Đức Mẹ Mân Côi. Tuy nhiên, ngày nay Giáo hội không kêu gọi chúng ta nhớ lại một biến cố xa xưa cho bằng mời gọi chúng ta khám phá ra vị trí của Đức Maria trong mầu nhiệm cứu rỗi và nhắc nhở về vai trò của Kinh Mân Côi trong đời sống của người Kitô hữu chúng ta.
Thật vậy, khi chương trình sáng tạo đầu tiên của Thiên Chúa bị tội lỗi con người làm cho đổ vỡ, thì nay Thiên Chúa thay thế bằng một chương trình mới, khởi đi từ một cuộc gặp gỡ và trao đổi giữa thần sứ Gabriel với cô thôn nữ Maria. Như bao cô gái nhà quê khác, Maria cũng từng ấp ủ những mộng ước, những dự phóng thật bình thường cho đời mình. Nhưng Thiên Chúa đã xen vào, đã khuấy động đời cô và đã làm thay đổi tất cả. Với lời thưa "Xin vâng" thật đơn sơ cô đã trở thành Mẹ của Đấng Cứu Thế, và trở nên người đầy ân phúc. Đầy ân phúc không chỉ vì Chúa đã chọn Mẹ, nhưng còn vì Mẹ đã luôn chọn đứng về phía Thiên Chúa, lấy Ý Chúa làm ý của mình, luôn cố gắng để cho chương trình của Ngài thành hiện thực. Mẹ đẹp lòng Chúa không vì những thành đạt vĩ đại, mà chỉ đơn giản là xin vâng với tất cả con người bé mọn của kiếp làm người mà Mẹ được Chúa ban. Nhờ đó, Mẹ trở nên như mẫu gương, như người hướng dẫn và như sự nối kết những tâm hồn thành tâm kiếm tìm, lắng nghe và thực thi Thánh Ý của Thiên Chúa.
Do đó, mừng lễ Mân Côi hôm nay, mỗi người chúng ta hướng nhìn lên Mẹ Maria, để noi theo Mẹ, chúng ta biết lắng nghe và tuân hành thánh ý Chúa, để như Mẹ, chúng ta vượt qua được những gian nan, thách đố, những lo âu, khắc khoải của dòng đời, để sống tốt lành thánh thiện, sống tươi vui và tử tế với nhau hơn. Muốn được như vậy, Giáo hội mời gọi chúng ta hãy đến với Mẹ, hãy siêng năng lần chuỗi Mân Côi như là phương thế hữu hiệu để cải thiện đời sống và xây dựng Nước trời. Vì lễ Mẹ Mân Côi không còn là mừng về một chiến thắng quân sự nào, mà chính là mừng về một chiến thắng lớn lao hơn. Đó là chiến thắng của ơn thánh trên tội lỗi, mà muốn có chiến thắng thì không thể xao lãng việc lần hạt Mân Côi; và nếu yêu mến lần hạt Mân Côi, sẽ có ngày bước vào chiến thắng. Cho nên, ai yếu đuối, Kinh Mân Côi đem cho sức mạnh; ai tội lỗi, Kinh Mân Côi dắt về ơn thánh; ai bất hạnh, Kinh Mân Côi giúp bình tĩnh tìm ra hướng lối vươn lên; ai khô khan, Kinh Mân Côi giúp khám phá ra những ánh lửa vẫn còn ẩn giấu trong những đám tro tưởng như nguội lạnh. Ước gì mỗi người chúng ta hãy thử một lần để nhận ra được giá trị của kinh Mân côi, để khi gặp những khúc quanh, gánh nặng, khổ đau, những lúc mây mù giăng kín cuộc đời, chúng ta biết chạy đến kêu xin Mẹ: "Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con khi nay và trong giờ lâm tử". Amen.

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật XXVII Thường Niên - năm B
CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN B
LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI
(Cv 1,12-14;  Gl 4,4-7; Lc 1,26-38)

Chủ đề:
ĐỨC MARIA
QUY TỤ NHỮNG NGƯỜI TIN
THÀNH CỘNG ĐOÀN SỐNG ĐẠO
Tất cả đều đồng tâm nhất trí,
chuyên cần cầu nguyện

(Cv 1,17)
I. CÁC BÀI ĐỌC:
Các bài đọc hôm nay làm nổi bật vai trò của Đức Maria trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa và là mẫu gương đời sống đức tin cho các Kitô hữu. Đức Maria không chỉ nói tiếng “xin vâng” trong niềm tín thác để Thánh ý Thiên Chúa được thực hiện, mà sau khi Đức Giêsu phục sinh và thăng thiên, Đức Maria còn quy tụ các môn đệ thành một cộng đoàn để nâng đỡ nhau thực hành đời sống đức tin.
1. Bài đọc I (Cv 1,12-14):
Bài đọc I thuật lại việc thực hành đời sống đức tin của cộng đoàn Kitô giáo tiên khởi sau biến cố Đức Giêsu lên Trời. Trong cộng đoàn đó có các môn đệ và các tín hữu cùng với Đức Maria, thân mẫu Đức Giêsu. Dù đã nhận được lệnh truyền đi Phúc Âm hóa cho mọi người mọi nơi (Cv 1,8) nhưng trước khi thi hành sứ vụ, các môn đệ đã quy tụ quanh Đức Maria để học cho biết “Phúc âm bản thân” rồi “Phúc âm hóacộng đoàn những người tin” của mình trước khi ra đi “Phúc âm hóa người khác”. Quy tụ quanh Đức Maria, các môn đệ đã thực hành những yếu tố nền tảng và trở thành mẫu mực cho lối sống Tin Mừng trong cộng đoàn Kitô giáo, đó là “quy tụ với nhau trong đức tin”, cùng “đồng tâm nhất trí” và “chuyên cần cầu nguyện” (Cv 1,14). Để tạo được nếp sống như thế trong cộng đoàn Kitô giáo tiên khởi, có thể nói Đức Maria đóng vai trò rất lớn.
- Trước hết, Đức Maria đóng vai trò kết nối quy tụ người tin về lại trong một gia đình duy nhất là Giáo Hội. Trong cuộc khổ nạn của Đức Giêsu, các môn đệ tán loạn, chỉ còn một mình môn đệ Gioan đứng với Đức Maria dưới chân thập giá. Sau cuộc khổ nạn, các môn đệ tản mác vì “sợ”. Tuy nhiên, lúc này tất cả đều quy tụ quanh Đức Maria.
- Kế đến, Đức Maria đóng vai trò thầy dạy về đời sống đức tin. Đức Maria đã hết lòng tín thác để nói tiếng “xin vâng” với Thiên Chúa. Kể từ đó, Đức Maria đã trở thành người môn đệ trung tín, theo Đức Giêsu trên hành trình đức tin. Từ tiếng “xin vâng” đầu tiên để “Con Thiên Chúa làm người” trong lòng mình, đến tiếng xin vâng ở núi Sọ để Người Con yêu dấu “chịu khổ nạn và chết”, Đức Maria đã trải qua một hành trình đức tin rất dài với bao lần “xin vâng” khác. Trên hành trình này, Đức Maria đã hết lòng tín thác để cho Thiên Chúa làm chủ đời mình, chấp nhận hy sinh những dự tính tốt đẹp cá nhân mà đón lấy chương trình của Thiên Chúa.
- Bên cạnh, Đức Maria còn đóng vai trò làm mẫu mực của đời sống cầu nguyện. Đức Maria luôn cầu nguyện để tìm kiếm Thánh ý Thiên Chúa và “suy niệm trong lòng”. Có thể đôi lúc Đức Maria chưa hiểu hết và hiểu ngay Thánh ý Thiên Chúa nhưng ngài chẳng gạt đi. Trái lại, ngài luôn “suy niệm trong lòng” vì tin rằng có ngày sẽ hiểu để tiến sâu hơn vào mầu nhiệm khôn dò của Thiên Chúa sẽ thực hiện trên bản thân mình và trên những người tin. Qua việc luôn “suy niệm trong lòng”, Đức Maria đã dạy các môn đệ và các tín hữu rằng cầu nguyện không phải là nói nhiều, nhưng đúng hơn là nghe nhiều, và sau đó sống điều mình đã nghe.
Do đó, có thể nói các môn đệ và mọi tín hữu đón nhận được nhiều bài học về đời sống đạo từ Đức Maria, để dần dần, họ quy tụ thành cộng đoàn thực hành đời sống đức tin Kitô giáo trọn vẹn như được thuật lại: “các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự Lễ Bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42). Đây là cách “Phúc âm hóa cộng đoàn” tụ họp nhân danh Chúa trước khi có thể đi thi hành sứ vụ “Phúc âm hóa người khác” đã được ủy thác.
2. Bài đọc II (Gl 4,4-7):
Cựu Ước và Tân Ước là hai giai đoạn trong lịch sử cứu độ. Hai giai đoạn này có sự tiếp nối, nhiều khi là tương đồng nhưng đôi lúc lại tương phản nhau. Bài đọc II trích thư Galát ngầm so sánh hai người “đàn bà” ở hai giai đoạn khác nhau này và thuộc về hai thái cực tương phản: một người thuộc thời Cựu Ước là căn nguyên của sự chết, đem “tin buồn” cho nhân loại; một người thuộc thời Tân Ước là Đấng sinh ra Đức Giêsu-Nguồn sự sống, đem “Tin Mừng” cho mọi người.
Nếu Eva làm cho nhân loại phải nô lệ tội lỗi và vì có tội nên có Lề Luật, do đó cũng làm cho nhân loại bị giam hãm trong Lề Luật (x. Gl 4,23), thì Đức Maria sinh ra Đấng làm cho nhân loại được tự do khỏi nô lệ của tội lỗi và khỏi sự giam hãm của Lề Luật. Nếu Eva làm cho nhân loại mất quyền làm con cái Thiên Chúa, thì Đức Maria sinh ra Đấng đem lại cho nhân loại phúc làm nghĩa tử của Thiên Chúa.
Quả thật, khi đến thời viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con Mình tới làm con của Đức Maria để làm người, hầu giải thoát loài người khỏi ách nô lệ của Lề Luật và tội lỗi; đồng thời, cho con người nhận lại ơn làm nghĩa tử của Thiên Chúa và được thừa kế gia nghiệp Nước Trời.
3. Bài Tin Mừng (Lc 1,26-38):
Bài Tin Mừng thuật lại biến cố truyền tin cho Đức Maria. Khi ấy, sứ thần Gábrien đã đến loan tin vui cho Đức Maria với lời chào: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng”. “Mừng vui lên” vì được Thiên Chúa viếng thăm. “Đấng đầy ân sủng” vì có Thiên Chúa ở cùng, qua việc được diễm phúc làm Mẹ Thiên Chúa. Đây cũng là ân sủng cao quý nhất và là nguồn gốc của mọi ân sủng khác mà Đức Maria nhận được. Thật vậy, vì được phúc làm Đức Mẹ Thiên Chúa nên Đức Maria được tiên liệu cho hưởng đặc ân vô nhiễm nguyên tội để chuẩn bị một cung lòng xứng đáng hầu cưu mang Con Thiên Chúa. Vì có diễm phúc làm Mẹ Thiên Chúa nên ngài được ơn trọn đời đồng trinh. Vì làm Mẹ Thiên Chúa nên ngài được hưởng trước hoa trái ơn cứu độ mà Con lòng Mẹ mang lại, đó là được hồn xác lên Trời trước mọi người chúng ta.
Trước ân sủng quá lớn lao của Thiên Chúa dành cho mình, Đức Maria đã lo sợ với tâm trạng “rất bối rối” và “tự hỏi” về điều mà Thiên Chúa sẽ thực hiện nơi mình là “làm Mẹ Đấng Cứu Thế”. Tuy nhiên, đó không phải là tâm trạng hoài nghi như trong trường hợp của ông Dacaria khi nghe sứ thần truyền tin (Lc 1,12.18) mà là biểu hiện của một đức tin trưởng thành. Sau khi đã nhận biết Thánh ý của Thiên Chúa trên cuộc đời mình, Đức Maria đã hoàn toàn tuân theo: “Vâng- Fiat, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói”. Như thế, Đức Maria là thầy dạy chúng ta về đời sống Kitô hữu qua ba thái độ cụ thể: tin tưởngvào Thiên Chúa, phó thác cho Thiên Chúa, và vâng theo kế hoạch của Người.
Biến cố truyền tin cho Đức Maria trong bài Tin Mừng hôm nay là mầu nhiệm thứ nhất trong năm sự vui của Chuỗi Mân Côi. Còn lời chào của sứ thần Gábrien trong biến cố này làm nên nội dung phần đầu của Lời Kinh Kính Mừng “Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà…”.  Đối với Kitô hữu, khi suy gẫm Kinh Mân Côi với bốn mầu nhiệm Vui-Thương-Mừng-Sáng, chúng ta đang cùng với Đức Maria tham dự vào mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa Ba Ngôi khi bước theo Đức Giêsu trên con đường sứ vụ, cộng tác vào chương trình của Thiên Chúa Cha và đón nhận sự tác động của Chúa Thánh Thần.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí và chuyên cần cầu nguyện…với Đức Maria.“Quy tụ”, “đồng tâm nhất trí” và “cầu nguyện” là các đặc tính căn bản của đời sống cộng đoàn Kitô giáo tiên khởi. Sau đó, cộng đoàn này sẽ thực hành đầy đủ các chiều kích căn bản của đời sống đạo như: “các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42). Đây cũng là tinh thần mà HĐGM Việt Nam muốn Dân Chúa sống trong năm 2015 này (x. Thư Mục vụ HĐGM VN 2015, các số 1-5). Các nhóm, hội đoàn, cộng đoàn giáo xứ, cộng đoàn tu trì của chúng ta có thực sự là môi trường để sống hiệp nhất và cầu nguyện hay không? Chúng ta có biết quy tụ bên Đức Maria và lấy ngài làm gương mẫu cho việc củng cố đức tin và tăng trưởng đời sống đạo hay không?
2. Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai con mình tới, sinh làm con của một người đàn bà, để cứu độ và làm cho mọi người trở thành con Thiên Chúa.Chương trình cứu độ của Thiên Chúa có được thực hiện hay không cũng tùy thuộc một phần vào thái độ cộng tác hay từ khước của con người. Nếu Eva cũ đã khước từ ân sủng của Thiên Chúa qua việc bất tuân lệnh truyền của Người, khiến loài người mất phúc làm con cái Thiên Chúa và phải chết, thì Đức Maria, Eva mới, nhờ thái độ vâng phục, đã sinh hạ Đấng Cứu thế đem lại cho loài người quyền làm nghĩa tử và được sống muôn đời. Trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, chúng ta là ai: đang là “Eva cũ” cản trở chương trình của Thiên Chúa hay là “Eva mới” cộng tác vào chương trình của Người?
3. Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”. Biến cố truyền tin cho Đức Maria được diễn tả trong mầu nhiệm thứ nhất thuộc năm sự vui của chuỗi Mân Côi. Còn lời chào của sứ thần Gábrien trong biến cố này là phần đầu của Kinh Kính Mừng. Do đó, Kinh Mân Côi diễn tả cách tuyệt vời mầu nhiệm Con Thiên Chúa nhập thể và vai trò cộng tác của Đức Maria trong mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa. Chúng ta có siêng năng lần chuỗi Mân Côi và xem đó như là một phương thế để nuôi dưỡng đời sống đạo hay không?  
4. Vâng, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói. Đức Maria là mẫu gương của chúng ta về đời sống Kitô hữu qua ba thái độ cụ thể: tin tưởng vào, phó tháccho, và vâng phục Thánh ý Thiên Chúa. Khi soi vào tấm gương Đức Maria, chúng ta thấy bản thân mình đã đáp lại Thiên Chúa như thế nào: có hết lòng tin tưởng vào Thiên Chúa, phó thác cho Thiên Chúa, tìm kiếm và vâng phục Thánh ý Người trên cuộc đời mình hay không?
5. Kinh Mân Côi diễn tả sứ điệp Tin Mừng và có sức “Phúc âm hóa các cộng đoàn giáo xứ” cũng như “các cộng đoàn sống đời thánh hiến”. Giáo Hội luôn cổ võ việc lần chuỗi vì thấy đây là phương thế hữu hiệu giúp các Kitô hữu “bước vào trường học của Đức Maria để Mẹ dạy chúng ta về Chúa Giêsu” (Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II), và nhìn nhận “Kinh Mân Côi là một trường học thật sự của đức tin và lòng đạo đức”; là phương thế để “Thiên Chúa ban mọi ơn cho chúng ta, và dấu hiệu lời kinh chung gia đình” (ÐGH Bênêđíctô XV). Riêng với ĐGH Phanxicô, ngay ngày đầu tiên, sau khi được bầu làm Giáo hoàng vào 14-3-2013, ngài đã tới Đền Thờ Đức Bà Cả để cầu nguyện trước tượng Ðức Mẹ. Sau đó, vào ngày 4-5-2013, ngài lại tới đây để lần Chuỗi Mân Côi và dâng triều đại giáo hoàng của ngài cho Đức Mẹ. Kế đến, trong bài giảng Lễ Đức Mẹ Lên Trời ở Castelgandolfo vào ngày 15-8-2013, ngài đã nói: “Cầu nguyện với Mẹ Maria, đặc biệt, lần chuỗi mân côi, cũng có một ý nghĩa ‘đấu tranh’, nghĩa là cầu nguyện ủng hộ trận chiến chống ác thần và chống những kẻ đồng lõa với nó”. Một thời gian sau, trong buổi cầu nguyện với Đức Mẹ Fatima vào ngày 12-10-2013 tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh 3 điều quan trọng về Đức Maria. Trước tiên, đức tin của Mẹ tháo gỡ cái nút thắt của tội lỗi, điều mà xưa bà Eva đã thắt lại bằng sự thiếu tin tưởng, thì nay Mẹ tháo gỡ bằng niềm tin của mình. Kế đến, Mẹ trao tặng xác thể cho Chúa Giêsu làm người ở với chúng ta. Cuối cùng, Mẹ đi trước chúng ta trong cuộc lữ hành đức tin qua việc bước theo Con của Mẹ, nên Mẹ sẽ tháp tùng và nâng đỡ đức tin của chúng ta. ĐGH rút ra các điều này nhờ việc suy niệm Kinh Mân Côi mà Mẹ Fatima đã nhắn nhủ chúng ta: “hãy siêng năng lần hạt Mân Côi”.
Quả thật, Chuỗi Mân Côi là lời kinh mang tính kết nối và phương thế để giúp nhau canh tân đời sống. Khi lần Chuỗi Mân Côi chung, chúng ta đang quy tụ quanh Đức Maria để đến với Chúa và liên kết mọi người trong gia đình, thôn xóm, trong cộng đoàn giáo xứ hoặc dòng tu lại với nhau. Đối với chúng ta, việc lần Chuỗi Mân Côi có vai trò nào trong cuộc “Tân Phúc âm hóa giáo xứ” và “cộng đoàn sống đời thánh hiến” trong năm này?
II. GỢI Ý MỤC VỤ
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Nhờ niềm tin tưởng phó thác và sự khiêm tốn vâng phục của Ðức Maria mà Thiên Chúa đã khởi sự công cuộc cứu chuộc loài người qua mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể. Trong ngày mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi hôm nay, chúng ta cùng chung lời ngợi khen Chúa và tha thiết cầu xin:
1. “Các Tông đồ luôn đồng tâm nhất trí và chuyên cần cầu nguyện cùng với Đức Maria.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh luôn hiệp nhất với nhau để lời rao giảng có thêm sức mạnh và việc phục vụ đem lại nhiều hoa trái.
2. “Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa.” Chúng ta cùng cầu xin cho những người đang gặp khó khăn hay đau khổ về tinh thần lẫn thể xác biết học gương nhân đức của Mẹ, luôn sẵn sàng đón nhận và mau mắn thực thi thánh ý Chúa trong cuộc đời.
3. “Hãy siêng năng lần chuỗi mân côi.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi tín hữu luôn ý thức giá trị của kinh mân côi, và siêng năng thực hành như một phương thế để tái khám phá đức tin và đào sâu các mầu nhiệm cuộc đời của Đấng cứu độ trần gian.
4. “Không có việc gì mà Chúa không làm được.” Xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, biết noi gương Đức Maria, vững lòng tin cậy nơi quyền năng của Thiên Chúa, luôn sống tín thác và trở nên khí cụ cho dự án yêu thương của Người trong xã hội hiện tại.
Chủ tế: Lạy Chúa, Chúa đã muốn Con Một Chúa mặc lấy xác phàm trong cung lòng Trinh Nữ Maria. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và giúp chúng con biết noi gương Mẹ luôn trung thành gắn bó với Đức Kitô, Con Chúa. Người hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

Lời Chúa Trong Gia Đình
Chúa Nhật XXVII Thường Niên,  
  Kính Trọng Thể Đức Mẹ Mân Côi;                                                     
 Cv 1, 12-14; Gl 4, 4-7, Lc 1, 26-38
LỜI SUY NIỆM: Bản văn Truyền Tin cho chúng ta chiêm  ngắm về mầu nhiệm của Đức Mẹ, Mẹ đã lắng nghe, Mẹ đã tự hỏi và Mẹ đã hỏi, cuối cùng Mẹ quyết định, và Mẹ thưa với sứ thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Mẹ đã cưu mang Chúa Cứu Thế trong lòng mình. Chính sự kiện truyền tin của Đức Mẹ. Hôm nay, mỗi người trong chúng ta cũng  được chính Chúa Giêsu mời gọi: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy” (Ga 6,56-57). Chúng ta cần luôn tỉnh thức để nhận ra trong mỗi chúng ta cũng như người anh em đều đang có Chúa ngự. Để tự biết tôn trọng phẩm giá của mình và của nhau.
Mạnh Phương


HOA QUẢ LÒNG LỜI KINH MÂN CÔI
            Ta dừng lại một chút để nhìn lại lịch sử, ý nghĩa của Kinh Mân Côi
             Ngày 7-10-1571, sau kỷ niệm ghi dấu cuộc chiến thắng quân Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ tại vịnh Lépante nhờ ơn lạ đặc biệt của Đức Mẹ Rất Thánh Mân Côi. Chính vì vậy, Đức Thánh Piô V dạy cộng đoàn dân Chúa rước kiệu Mẹ trọng thể. Không chỉ thế, Đức Thánh  Piô V thành lập lễ Mẹ Thắng Trận vào ngày mồng 7 tháng 10 để ghi ơn Đức Mẹ.
            Và rồi đến đời Đức Grêgôriô XIII, theo lời dòng Đaminh đệ trình xin đổi lại ngày lễ. Ngài ra sắc lệnh ngày 1-4-1573 đổi là lễ Mẹ Mân Côi được mừng vào Chúa nhật 1 tháng 10 tại các nhà thờ tôn kính Mẹ Mân Côi. 
          Năm 1671, lễ này cũng được Đức Clementê X ban phép mừng khắp Giáo hội Tây ban nha. Năm 1716, sau những chiến thắng quân Thổ Nhĩ Kỳ tại Temeswar và Corfu ở ven biển Hylạp, các giáo hữu gọi Mẹ là Mẹ chiến thắng và Đức Clêmentê XI truyền cho khắp Giáo hội đặc biệt mừng lễ Mẹ Mân Côi hàng năm. Ngày 11-9-1887, Đức Lêô XIII nâng lễ Mẹ Mân Côi lên bậc nhì với kinh lễ và kinh Phụng vụ theo phụng vụ dòng Đaminh.
            Sau cùng, Đức Thánh Piô X ấn định mừng lễ Mẹ Mân Côi vào ngày mồng 7 tháng 10.
            Kinh Mân Côi nguyên tiếng Latinh là Rosarium, tiếng Anh, tiếng Pháp là Rose là hoa hồng tượng trương kinh Kính Mừng kết thành vòng hoa thiêng dâng kính Đức Mẹ như cổ thời Hylạp, và một số nước hiện nay, người ta làm vòng hoa tươi treo vào cổ trao tặng nhau. Trước kia người ta đếm kinh bằng hạt sỏi, dần dần người ta kết những hạt khác thành chuỗi Mân côi gọi là Rosary.
          Thế kỷ XII, 150 Thánh vịnh David dài quá đối với nhiều người không thể đọc được, nên người ta đọc 150 kinh Lạy Cha thay thế. Dần dần người ta đọc 150 kinh Kính Mừng thay 150 kinh Lạy Cha. Do đó thánh Đaminh gọi là "Thánh vịnh Đức Mẹ." Sau này Đức Sixtô IV gọi tắt là "Thánh vịnh." Bắt đầu kinh Kính Mừng chỉ gồm có lời chào của thiên sứ Gabriel: "Kính mừng Maria đầy ơn phúc. Thiên Chúa ở cùng Bà" (Lc 1, 28), rồi được thêm lời chào của bà Thánh Elizabeth: "Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ. Và Con lòng Bà gồm phúc lạ" (Lc 1, 42). 
           Cũng trong thế kỷ XII, Đức Mẹ hiện ra trao truyền tràng hạt Mân côi cho Thánh Đaminh để cải hoá bè rối Albigensê đang tung hoành ở phía nam nước Pháp. Sang thế kỷ XIII, đời Đức Urbanô IV, Thánh Danh "Giêsu" được thêm vào.
            Lúc đó, người ta đọc 150 kinh Kính Mừng cùng với 150 kinh Lạy Cha, nghĩa là mỗi kinh Kính Mừng một kinh Lạy Cha. Đến thế kỷ XIV, thầy Henry Kalkar (1328-1408), dòng Carthusian do thánh Brunô sáng lập, chia 150 kinh Kính Mừng thành từng chục (10) mỗi chục một kinh Lạy Cha.
            Mãi đến thế kỷ XV, Cha Đaminh Prussia (1384-1460) cũng dòng Carthusian chia 150 Kinh Kính Mừng thành 3 chỗi 50.
            Cũng trong thế kỷ này, Chân phúc Alanô de la Roche hay là De Rupe thêm phần suy niệm các mầu nhiệm trong khi lần chuỗi. Từ nay tràng kinh Mân Côi gọi là "Vòng hoa hồng". Chân phúc Alanô nhiệt thành phổ biến kinh Mân Côi mà Đức Mẹ đã trao truyền cho Thánh Đaminh. Chân phúc Alanô thành lập Hội Mân Côi năm 1480 và được Đức Mẹ hứa ban 15 ơn cho những ai trung thành đọc kinh Mân Côi.
            Năm 1521, Cha Albertô da Castello, O.P., sửa lại mỗi kinh Lạy Cha với một mầu nhiệm. Năm 1569, Đức Thánh Piô V với bửu sắc "Consueverent Romani Pontifices" thêm phần thứ hai kinh Kính Mừng: "Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời..." với kinh Sáng Danh, và ấn định kinh Mân Côi như chúng ta đọc ngày nay.
            Dừng một chút để nhìn lại ý nghĩa, gốc tích của việc sùng kính Đức Mẹ, đặc biệt qua tràng chuỗi Mân Côi.
            Với tràng chuỗi Mân Côi, ta bắt gặp lời của sứ thần gửi đến Đức Mẹ trong ngày sứ thần truyền tin cho Đức Mẹ như trang Tin Mừng chúng ta vừa nghe. Và, hành động của Mẹ Maria như chúng ta thấy đó là tin. Mẹ diễn tả niềm tin đó hết sức giản đơn : xin vâng !
            Quả thật lời xin vâng của Mẹ quá tuyệt vời. Lời xin vâng của Mẹ như là đỉnh điểm cuộc đời, đỉnh điểm niềm tin vào Thiên Chúa.
            Và, ta cũng được thấy niềm tin đó nơi cuộc đời của Abraham qua bài đọc sách Sáng Thế. Sách Sáng Thế kể như thế này : Khi ấy, Chúa phán cùng Abram rằng: "Ngươi hãy từ bỏ quê hương, họ hàng và nhà cửa cha ngươi mà đi đến xứ Ta chỉ cho. Hôm nay ngươi đã chọn Chúa làm Thiên Chúa, thì hãy bước đi trong đường lối Người, tuân giữ các lề luật, giới răn và huấn lệnh của Người; hãy vâng lệnh Người. Hôm nay Chúa đã chọn ngươi làm dân riêng Chúa, như Người đã phán với ngươi, thì ngươi hãy tuân giữ mọi giới răn của Người. Người sẽ làm cho ngươi được vinh quang, thanh danh và huy hoàng hơn mọi dân tộc Người đã tạo dựng, để ngươi trở thành dân thánh của Chúa là Thiên Chúa ngươi, như Người đã phán".
            Nghe lời của Thiên Chúa, Abram đã ra đi như những gì Chúa đã truyền dạy. Trong chuyến đi đó, có cả ông Lót đi theo.
            Khi bỏ đất Haran, Abram được bảy mươi lăm tuổi. Ông đem Sarai vợ ông và Lót là cháu cùng với tất cả tài sản và gia nhân mà họ có ở Haran. Họ ra đi đến đất Canaan. Khi họ tới nơi, Abram rảo qua các xứ, cho đến Sikem, thung lũng thời danh. Bấy giờ người Canaan đang ở xứ này.
            Chúa đã hiện ra với Abram và phán rằng: "Ta sẽ ban đất này cho dòng dõi ngươi". Ông đã dựng ở đó một bàn thờ kính Thiên Chúa, Đấng đã hiện ra với ông.
            Quá tuyệt vời, chính vì tin nên Abaraham được Chúa công bố rằng ông là cha của những kẻ tin.
            Tin là như vậy, tin là như thế đó, tin là để cuộc đời mình hoàn toàn trống rỗng để cho Thiên Chúa lấp đầy.
            Nói thì dễ nhưng khi đáp trả niềm tin vào Chúa không phải là chuyện dễ dàng. Nhìn vào thực tại của cuộc sống ta cảm thấy niềm tin đó vẫn cứ mãi được thử thách, không chỉ mỗi ngày mà mỗi giây mỗi phút trong cuộc đời.
            Nhìn vào ngay như trong Giáo Hội, nhất là thời gian gần đây, ta lại thấy, lại chứng kiến, lại đau lòng để tiễn đưa những linh mục tuổi còn quá trẻ đi về lòng đất mẹ. Những con người ấy, những linh mục ấy đang phơi phới trong mình sức sống của tuổi trẻ, của năng lực thế nhưng rồi Chúa đã dừng lại cuộc đời của những vị đó lại. Qua những biến cố đó, niềm tin của chúng ta lại được mời gọi, được thử thách. Ta lại được mời gọi nếu đó là ta, ta sẽ phản ứng gì, ta phản ứng như thế nào ?
            Dĩ nhiên ta cũng sẽ cảm thấy sốc, cảm thấy khó chịu và có khi là cứng tin và mất lòng tin nữa. Nhưng, trong sâu thẳm những biến cố của cuộc đời, ta lại được mời gọi sống, diễn tả niềm tin như cụ già Abraham, Mẹ Maria.
            Lời Kinh Mân Côi mà ta được mời gọi siêng năng đọc, ít là những lần hiện ra mà Mẹ nhắc nhở củng chính là lời mời gọi của Mẹ xin thưa với Mẹ hai tiếng xin vâng với Chúa cuộc đời của ta.
            Kinh nghiệm về Kinh Mân Côi, ta bắt gặp nơi cảm nghiệm cũng như các Thánh :
            Thánh Gioan Kim Khẩu: Thiên Chúa cai trị thế gian, nhưng kinh nguyện điều khiển Thiên Chúa.
            Thánh Augustinô: Bất cứ lúc nào chúng ta sốt sắng đọc kinh Lạy Cha, tội mọn của chúng ta sẽ được thứ tha.
            Thánh Bênađô: Kinh Kính Mừng làm cho quỷ dữ trốn chạy, hỏa ngục run sợ.
            Thánh Đaminh: Sau thánh lễ và kinh Phụng vụ, không có sự tôn kính nào đẹp lòng Chúa Giêsu và Mẹ Thánh Người bằng sốt sắng đọc kinh Mân Côi.
            Thánh Bônaventura: Ai lơ là với Mẹ sẽ chết trong tội lỗi. Mẹ Maria chào chúc chúng ta với ơn lành, nếu chúng ta kính chào Mẹ bằng kinh Kính Mừng.
            Đức Mẹ phán với thánh Mechtildê: Mẹ muốn con biết rằng không ai có thể làm đẹp lòng Mẹ bằng đọc lời thiên sứ chào Mẹ mà Chúa Ba Ngôi chí thánh gửi xuống cho Mẹ và nâng Mẹ lên chức phẩm Mẹ Thiên Chúa.
            Thánh Giêtrudê xem thấy Chúa Giêsu đếm tiền vàng. Chúa nói: Cha đếm kinh Kính Mừng mà con đọc. Đó là tiền mà con có thể mua đường lên thiên đàng.
            Thánh Tôma Kempi: Bạn hãy ân cần kính chào Mẹ bằng lời thiên sứ đã chào Mẹ, Mẹ rất hoan hỉ khi nghe lời chào ấy.
            Chân phúc Alanô: Kinh Kính Mừng là một cầu vồng trên trời, là một dấu chỉ lòng thương xót và ân sủng Thiên Chúa ban cho thế giới. Mẹ muốn dân chúng có lòng sùng kính kinh Mân Côi được ơn thánh và phúc lành của Con Mẹ trong cuộc sống và trong giờ họ chết. 
            Mẹ muốn họ thoát khỏi mọi ràng buộc, để họ nên giống các vua đội triều thiên, cầm phủ việt và hưởng phúc vinh quang vĩnh cửu.
            Thánh Bôrômêô: Kinh Mân Côi là kinh linh thánh nhất sau thánh lễ hy tế. Các bạn hãy đọc kinh Mân Côi siêng năng bao nhiêu có thể.
            Thánh Montfort: Những người rối đạo, những người vô tín ngưỡng, những người kiêu căng chê ghét hay khinh thị kinh Kính Mừng và kinh Mân Côi, là những người có dấu bị trầm luân hỏa ngục. Không có gì có hiệu lực được lên nước Thiên Chúa bằng đọc kinh Mân Côi và suy ngắm 15 mầu nhiệm.
            Thánh Phanxicô Salêsiô: Đọc kinh Mân Côi là việc thích thú nhất và là niềm vui thứ nhất của lòng tôi.
            Thánh Anphongsô : Nhờ kinh Mân Côi, biết bao tội nhân bỏ đường tội lỗi, bao linh hồn đã tiến cao trong nẻo trọn lành. Biết bao người nhờ kinh Mân Côi đã được ơn chết lành và hưởng phúc trường sinh.
            Thánh Vianney: Tôi biết điều có mãnh lực hơn Thiên Chúa là người cầu nguyện làm cho Thiên Chúa nói "được", khi Người đã nói "không được".
            Và rồi, với tâm tình của các Thánh, niềm tin của chúng ta được mời gọi và lời đáp trả do mỗi người chúng ta.
Huệ Minh


Lễ Ðức Maria Trinh Nữ Mân Côi
Chuỗi Tràng Hạt Mân Côi

Cử hành lễ Ðức Maria Trinh Nữ Mân Côi hôm nay, Giáo hội Mẹ chúng ta muốn nhắc nhở con cái mình quý chuộng tràng hạt Mân Côi nhiều hơn và sốt sắng cầu nguyện với chuỗi hạt quý hóa này không những trong tháng Mân côi, nhưng suốt cả đời sống. Và cho được như vậy Giáo hội khuyên chúng ta hãy suy nghĩ về những bài học hôm nay để thấy rõ vai trò của Ðức Trinh Nữ Maria trong lịch sử cứu độ hầu thích kết hiệp với Người hơn trong đời sống đạo đức.

A. Chúa Dùng Ðức Maria Trong Mầu Nhiệm Cứu Thế
Mọi người đều biết bài sách Khởi nguyên, nhưng không ai nghĩ đã hiểu được hết các ý mầu nhiệm. Nguyên tổ loài người bấy giờ vừa phạm tội vì bị Satan lấy hình con rắn quỷ quyệt lừa gạt. Tác giả sách Thánh có nhiều dụng ý khi viết như vậy. Ðối với ông, Satan là kẻ dối trá phỉnh phờ. Ông nhìn thấy nó nơi hình thù các con rắn mà dân ngoại thời ông tôn thờ. Người ta thờ rắn vì tưởng nó tinh khôn hơn hết thảy, và nghĩ nó có sự sống rất phong phú. Người làm chính trị thờ nó; thường dân lại còn kính nó hơn nữa vì thời ấy người ta muốn được trường thọ và con đàn cháu đống. Tác giả Thánh Kinh ghét thứ ngẫu tượng ấy, ông phải dạy Dân Chúa tránh né hết sức quyến rũ của tà giáo đang thịnh hành nơi các lân quốc. Ông khẳng định nguồn gốc mọi sự dữ ở đời là do Satan, do tà giáo mà tượng trưng là thần rắn. Bản chất của nó là quỷ quyệt. Và ai mắc mưu nó sẽ thấy mình trơ trẽn (hay trần truồng) bởi vì trong tiếng Dothái quỷ quyệt và trần truồng cũng cùng một vần và một gốc. Cái này đẻ ra cái kia. Kẻ ăn phải cái quỷ quyệt của con rắn sẽ thấy mình trần truồng, tức là bẽ bàng vì bị lừa gạt và thấy rõ sức yếu đuối của mình.
Vậy nguyên tổ loài người đã ăn phải đũa của Satan, và thấy trớ trêu, không dám chường mặt ra nữa. Nhưng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi công trình do tay Người làm ra. Người đã đến gọi loài người sa ngã và quả quyết: Người sẽ đặt hiềm thù giữa con rắn, tức là tà thần và người nữ; giữa dòng dõi bà với dòng dõi nó. Dòng dõi bà sẽ nghiền nát đầu rắn; mà rắn thì chỉ cắn được đến gót chân dòng dõi người đàn bà.
Thật ra Lời Chúa phán trên chỉ báo trước sẽ ban Ðấng Cứu thế sinh ra bởi người trinh nữ. Chính Người sẽ nghiền nát đầu Satan và giải cứu chúng ta... Nhưng truyền thống đã dựa vào Lời hứa trên để chờ mong người Nữ diễm phúc nào sẽ sinh ra Ðấng Cứu thế. Và vì vậy Ðấng là Mẹ Chúa Cứu thế đã được Dân Chúa mường tượng ngay từ buổi đầu. Ðức Maria, Mẹ của Chúa Yêsu, đã hiện diện thật sự trong Lời hứa ban ơn cứu thế. Tất cả Lịch sử cứu độ từ nay diễn ra trên nền trời mang hình ảnh Mẹ và Con. Cho đến ngày mà sứ thần Gabriel được Chúa sai đến cùng người trinh nữ thành Nazarét, như chúng ta đọc thấy trong bài Tin Mừng. Từ nay, khỏi nói, vai trò của Ðức Maria trong mầu nhiệm cứu thế thật là quan trọng.
Chúng ta không cần phải nói thêm về vấn đề này; nhưng để chúng ta đừng quên địa vị chủ yếu của Ðức Mẹ trong lịch sử Giáo Hội hiện nay, Phụng vụ đã dùng bài đọc Công vụ các Tông đồ để gợi lên hình ảnh Ðức Mẹ ở giữa Hội Thánh.
Bỏ núi Cây Dầu mà trở về Yêrusalem, sau khi đã chứng kiến mầu nhiệm Chúa Yêsu lên trời, các Tông đồ khởi sự cuộc đời vắng sự hiện diện hữu hình của Chúa Cứu thế. Nhưng họ được an ủi tràn trề khi thấy Mẹ Chúa đang ở giữa mình. Và lập tức họ đã sinh hoạt vây quanh Người, với công việc đầu tiên là cầu nguyện chờ đợi Thánh Linh đến để cùng hoạt động với mình.
Bức họa trên rất tiêu biểu. Nó phác họa lại buổi đầu của Hội Thánh. Lịch sử sau này luôn luôn muốn trở về nguồn, đặc biệt sau Công Ðồng Vatican II vừa qua. Luôn luôn Hội Thánh nhìn thấy sự sống và sức mạnh của mình khi được ở chung quanh Ðức Mẹ để được thêm Thánh Thần đến sinh hoạt. Và đó là điều Hội Thánh khuyên nhủ con cái mình một cách đặc biệt trong tháng này với chuỗi hạt Mân Côi.

B. Nhưng, Tại Sao Dùng Chuỗi Hạt Này?
Chúng ta có thể để ý và thấy rằng anh em lương dân cũng có một chuỗi hạt tương tự. Chắc chắn có nhiều điểm khác nhau: nhưng yếu tố tương tự cũng không nên khinh thường.
Bất cứ tôn giáo nào cũng cần cầu nguyện, mà mục đích tiên khởi không phải là để xin ơn nọ ơn kia, nhất là những ơn phần xác; nhưng là để mon men tới gần Thượng đế để kết hiệp với Người và múc lấy sự sống tốt đẹp, thánh thiện, cao siêu, bình an và mạnh mẽ ở nơi Người. Cầu nguyện đích thực là gặp gỡ trao đổi với nguồn mạch sự sống chân thật, mà sự sống trần gian chỉ là một hình ảnh non yếu và mong manh. Người cầu nguyện cần có phương thế và cách thức để làm công việc tinh tế và khó khăn này. Nhờ điêu luyện, một số ít người và trong một số thời gian ngắn ngủi nào đó, có thể như không còn cần đến bất cứ một phương tiện hữu hình nào cũng có thể đi sâu vào thế giới mầu nhiệm của thần linh. Nhưng với đại đa số quần chúng và trong hầu hết mọi lúc khác cần phải có phương tiện giúp đỡ việc cầu nguyện của con người. Các kinh đọc và các cử chỉ quỳ gối, bái lạy... là những phương tiện như thế. Và chuỗi hạt Mân Côi cũng vậy; nhưng với những tác động rất đặc biệt.
Ðây là những hạt đều đặn y hệt như nhau; ngón tay chúng ta có thể trườn lên một cách dễ chịu và êm ái. Sau 10 hạt lại có một khúc rộng hơn để ý thức của chúng ta nhận thêm đà cho giòng kết hiệp đi sâu thêm vào biển mầu nhiệm mênh mông. Trong khi ấy, một kinh Lạy Cha được tiếp nối bằng 10 kinh Kính Mừng và một kinh Sáng Danh, là những kinh cũng trơn tru êm ái như những hạt mân côi. Ðọc những kinh ấy không đòi hỏi một cố gắng nào. Hơn nữa tiết điệu âm thanh còn làm phẳng lặng tâm hồn và duy trì sự sống tâm linh dào dạt trong mầu nhiệm. Ðàng khác đó lại là những kinh đẹp nhất trong Ðạo, phát xuất từ miệng Chúa hay từ Lời Chúa, bao hàm những chân lý sâu xa và êm đềm. Nếu biết đọc những kinh ấy cách khoan thai nhẹ nhàng, chắc chắn con người sẽ tìm thấy bình an để đi vào mầu nhiệm và kết hiệp với Ðấng Linh thiêng.
Nói như vậy đã là phủ nhận cách đọc cào cấu; đọc lấy được, lấy nhiều; đọc trong bối cảnh thiếu thư thái và bình an. Tốt hơn nữa có thể không nên dùng động từ "đọc" ở đây. Lần chuỗi Mân Côi là nghiền ngẫm, là suy niệm, là thả hồn vào mầu nhiệm kết hiệp với Thiên Chúa, Ðấng yêu thương và cứu độ trần gian. Các hạt, các kinh là những phương tiện tối thiểu cần cho con người tựa vào để lên với Ðấng Tạo Hóa và ở lại với Người. Vì bao lầu còn sống trong xác thịt, con người vẫn cần những phương thế hữu hình để kết hiệp với Ðấng Vô Hình.
Như vậy có thể nói các mầu nhiệm nhắc lên ở đầu mỗi chuỗi kinh còn cần thiết hơn. Và tràng hạt Mân côi rất quý hóa ở điểm này. 20 mầu nhiệm vui, sáng, thương, mừng bao quát một cách tốt đẹp tất cả Lịch sử cứu độ. Suy niệm những điều ấy là gieo mình vào giòng thác ân sủng đã phát xuất từ lòng Thiên Chúa tình yêu và đang trở về nguồn suối phong phú ấy. Con người tìm thấy mình ở giữa giòng lịch sử. Họ ý thức hơn về địa vị và vai trò của mình ở trong tất cả trời đất và thế giới loài người. Họ biết mình đang sống bám vào đâu và đang đi về phương hướng nào. Lần chuỗi Mân côi như vậy là đi vào lịch sử, lịch sử đang tiếp diễn, lịch sử có mình ở trong và phải đóng vai trò của mình. Ðó là lúc người ta sống chân thực mãnh liệt và là dịp để người ta dấn thân trọn vẹn và tốt đẹp hơn.
Hội Thánh khuyến khích chuỗi Mân côi vì những lý do đó. Các Ðức Giáo Hoàng kêu gọi tín hữu yêu chuộng chuỗi này vì các hiệu quả tốt lành đã được lịch sử làm chứng. Một phương thức thật đơn sơ nhưng lại thật phong phú! Ðó là hiện tượng thông thường ở trong tôn giáo, vì ở đây sự nhỏ bé, yếu đuối và tầm thường lại dễ để cho quyền năng của Chúa thi hành những việc kỳ diệu. Và như vậy tất cả chúng ta đều muốn quý chuộng tràng hạt và việc lần hạt Mân côi nhiều hơn:

C. Lần Hạt Thế Nào?
Dĩ nhiên như đã nói, không phải vấn đề đọc nhiều đọc to là đáng kể. Trái lại trước hết phải có bầu khí cầu nguyện và chiêm niệm. Phải ở trong một môi sinh thư thái, cần "nghỉ ngơi" bồi dưỡng như Lời Chúa nói. Vì thế không được coi việc lần chuỗi như là một việc phải làm cho xong và nếu không làm thì áy náy sợ tội.
Không! Chúng ta cầm lấy chuỗi hạt là như muốn diễn lại cho mình câu truyện của bài sách Công vụ hôm nay. Chúng ta cùng với Giáo Hội đến bên Ðức Mẹ để được thấy tỏa sang mình những mầu nhiệm của Chúa Cứu thế, là những mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa muốn cứu độ và giúp chúng ta hoàn thành tốt đẹp cuộc sống ở trần gian. Các Tông đồ ngày trước ngồi bên Ðức Mẹ để rồi lãnh nhận được Thánh Thần dồi dào mạnh mẽ như thế nào, thì khi lần hạt Mân côi với Ðức Mẹ và bên Ðức Mẹ, chúng ta cũng muốn được thêm thần lực và sự sống thần linh chảy sang như thế để đổi mới, bồi dưỡng cuộc sống trần gian của mình.
Thế nên trọng tâm của việc lần chuỗi không phải là đọc các kinh. Cũng không phải là việc suy tư các mầu nhiệm vui, sáng, thương, mừng. Các mầu nhiệm gợi lên ở đầu mỗi chục hạt không phải để chúng ta chúi mũi nhọn tư tưởng vào các biến cố của Lịch sử cứu độ. Làm như vậy sẽ là suy tư. Mà suy tư thì khác với suy niệm. Các mầu nhiệm tốt đẹp kia cũng chỉ là phương tiện giúp chúng ta nhảy vào việc yêu mến kết hiệp với Thiên Chúa, Ðấng đang muốn cứu độ chúng ta. Ðể cho tư tưởng dừng lại nơi các mầu nhiệm gợi lên hầu khám phá ra những chi tiết mới mà xưa nay chưa biết, sẽ là nghiên cứu và suy nghĩ về phương tiện chứ chưa phải là dùng phương tiện để bay lên với Chúa. Loài người chúng ta yếu đuối, không ý tứ và không có phương tiện nào giúp đỡ thì cầu nguyện sẽ dễ trở thành mơ mộng làm mệt sức. Trái lại được các mầu nhiệm nói lên và nhắc lại các hành vi cứu độ của Thiên Chúa, chúng ta như được khuyến khích và được đẩy đi để bay vào lòng Thiên Chúa đang yêu thương và muốn bồi dưỡng chúng ta. Chúng ta sẽ ra khỏi giờ suy niệm và lần chuỗi khoan khoái khỏe khoắn hơn để dấn thân tích cực và hân hoan hơn. Giống như các Tông đồ khi cầu nguyện vây quanh Ðức Mẹ đã nhận được Thánh Thần tràn trề để ra đi xây dựng thế giới mới.
Chúng ta có thể được bổ dưỡng như thế mỗi khi lần chuỗi Mân côi. Nhưng chắc chắn đó không phải là việc dễ. Chúng ta luôn luôn phải tập. Và cứ làm, cứ làm tốt hơn sẽ có công hiệu. Cũng như đối với thánh lễ. Ðó là cả một mầu nhiệm phong phú. Nhưng phải cố gắng tham dự và biết tham dự mới được ơn ích. Và chính mỗi lần cố gắng là một bước tiến và hứa hẹn dào dạt. Hôm nay chúng ta cố gắng tham dự thánh lễ. Chúng ta cũng sẽ cố gắng lần chuỗi Mân côi hôm nay, trong tháng này và trong suốt đời. Nếu có chán, nếu có thấy không đi đến đâu, chúng ta vẫn không nản nhưng vẫn tin tưởng, cầu xin và cố gắng làm đi làm lại cho tốt. Chúa và Ðức Mẹ sẽ không bỏ rơi những người con thiện chí như vậy. Tương lai của họ nhất định sẽ đẹp đẽ vì như trên đã nói, lần chuỗi Mân côi là tìm thấy chỗ đứng của mình trong Lịch sử cứu độ và tìm thấy sức mạnh mới để thi hành vai trò của mình ở trong lịch sử ấy. Hiểu như vậy thì lần chuỗi cũng là một thứ dâng lễ và dâng lễ tốt sẽ giúp lần chuỗi thành công.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI 2015
SỨ ĐIỆP CỦA MẸ
Lm. Giuse Trực
Trước và sau các chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô, Ngài đều đến đền thờ Đức Bà Cả ở Rôma và dâng một bó hoa trước tượng ảnh Đức Mẹ bồng Chúa Giêsu Hài Đồng. Chúng ta không biết Đức Giáo Hoàng nói gì, cầu nguyện gì, xin gì với Đức Mẹ, nhưng kết quả của tất cả các chuyến tông du thì ai cũng biết. Chúng ta không “phong thần, phong thánh” cho Đức Giáo Hoàng, nhưng thực tế đất nước Cuba đang bị hạn hán kéo dài, sau chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha, mưa đã đổ xuống trên hầu hết lãnh thổ, người dân Cuba gọi đây là những giọt nước thánh. Hay khi Ngài đến Hoa kỳ, bầu trời đã xuất hiện nhiều những hào quang đẹp mắt… Đó dù là những hiện tượng thiên nhiên bình thường, có chăng là sự trùng hợp với những chuyến tông du của Đức Thánh Cha, nhưng đối với người dân như là một phép lạ vì sự hiện diện của Đức Thánh Cha Phanxicô. Người ta chờ đợi, chào đón và hò hét vang dậy trên mỗi bước đường Ngài đi qua; những ai được gặp gỡ Ngài là một vinh dự và một kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời của họ. Thậm chí một đại biểu cấp cao trong Quốc Hội đã chờ để được lấy ly nước uống còn dư của Đức Thánh Cha sau khi Ngài phát biểu tại Quốc Hội Hoa Kỳ, và ông xem đây như là nước thánh. Hay ông chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ John Boehner đã từ chức một ngày sau khi gặp gỡ Đức Thánh Cha. Ông nói rằng, thành công lớn nhất trong sự nghiệp chính trị của ông không phải là 13 lần liên tiếp được cử tri tín nhiệm, mà là mời được Đức Giáo Hoàng đọc bản thông điệp trước lưỡng viện Quốc Hội. Người ta nói rằng ông từ chức vì sau khi gặp Giáo Hoàng, ông không còn muốn làm chính trị nữa… và nhiều những sự kiện khác cho thấy tầm ảnh hưởng của Đức Giáo Hoàng trong những chuyến tông du của Ngài.
Tất cả những điều đó giải thích cho việc tại sao trước và sau các chuyến đi Ngài đều đến viếng Đức Mẹ. Chúng ta tin chắc một điều, Đức Giáo Hoàng nhận được nơi Mẹ sự bầu cử thần thánh trên trời và chắc chắn Mẹ luôn đồng hành trên bước đường của Đức Thánh Cha.
Chúng ta không dừng lại ở sự kiện những chuyến tông du của Đức Thánh Cha, nhưng chúng ta mượn sự kiện đó để nói lên sức mạnh của việc gắn bó với Mẹ. Khi chúng ta biết chạy đến với Mẹ, chúng ta sẽ bước đi trong sự vâng phục thánh ý Chúa.
Ngay lịch sử của việc mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi cũng nói lên điều đó. Sau cuộc chiến thắng quân Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ tại vịnh Lépante ngày 7-10-1571, nhờ ơn lạ đặc biệt của Đức Mẹ Mân Côi, Đức Thánh Cha Piô V dạy rước kiệu Mẹ trọng thể và thành lập lễ Mẹ Thắng Trận vào ngày 7 tháng 10 để ghi ơn Đức Mẹ. Trải qua một số triều đại Giáo Hoàng, đến thời của Đức Giáo Hoàng Piô X, Ngài đã ấn định mừng lễ Mẹ Mân Côi vào ngày mồng 7 tháng 10 như hiện nay.
Như vậy, mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi là để chúng ta thấy sức mạnh lời bầu cử của Đức mẹ qua lời kinh Mân Côi. Những ai siêng năng lần chuỗi Mân Côi sẽ đón nhận được tình mẫu tử thiêng liêng của Đức Mẹ, sẽ được Đức Mẹ cải hóa cuộc sống để vững vàng hơn trên con đường vâng phục thánh ý Chúa.
I.                   LỜI MẸ NHẮN NHỦ
Khi đến với Đức Mẹ, chắc chắn chúng ta sẽ nghe được lời nhắn nhủ của Mẹ: “Hãy ăn năn đền bồi, hãy tôn sùng mẫu tâm, hãy năng lần hạt Mân Côi”.

1.   Hãy ăn năn đền tội
Việc ăn năn đền tội không phải là sứ điệp của Mẹ, nhưng là của của toàn bộ Tin Mừng và của con Mẹ, Đức Giêsu Kitô. Vì khởi đầu Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô là lời mời gọi của Gioan Tẩy giả, vị tiên tri của Đấng Tối Cao để dân chúng tỏ lòng sám hối ăn năn. Hay lời rao giảng đầu tiên của Chúa Giêsu khi bắt đầu sứ vụ công khai cũng là: “Thời kỳ đã mãn và triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.

Như vậy sứ điệp của Mẹ là để hướng nhân loại đến lòng Thương Xót bao la của Thiên Chúa hầu chúng ta đón nhận được ơn tha thứ của Ngài, vì chắc chắn không bao giờ Mẹ muốn con cái của Mẹ bị hủy diệt.

2.   Hãy tôn sùng Mẫu Tâm
Chính vì tình yêu “bao la như biển thái bình” đó, Mẹ muốn chúng ta hãy chạy đến với trái tim Mẹ để hiểu được nỗi đau của người mẹ đứng trước nguy cơ đứa con của mình bị sói dữ ăn thịt;  cảm được sức mạnh của người mẹ sẽ chiến đấu cho đến cùng với kẻ thù khi nó tấn công các con của mẹ… Nói cách khác, Mẹ muốn chúng ta đến với trái tim Mẹ vì Mẹ luôn gìn giữ sự sống vĩnh cửu cho chúng ta. Nhưng sâu xa hơn, khi đến với Mẹ là chúng ta đang thực hiện lời trăn trối của Chúa Giêsu: “Này là Mẹ con”.

3.   Hãy năng lần hạt Mân Côi
Kế đến Mẹ dạy chúng ta hãy siêng năng lần hạt Mân Côi vì chuỗi Mân Côi là quyển Tin Mừng rút gọn. Khi siêng năng lần hạt Mân Côi là chúng ta đang tiếp cận với Lời Chúa một cách dễ dàng nhất. Khi lần hạt Mân Côi, chúng ta không chỉ đọc kinh bằng môi miệng, lần hạt bằng tay, mà chúng ta còn đi vào con đường cứu độ của Đức Giêsu Kitô theo bước chân của Mẹ.

II.               CON VÂNG NGHE MẸ RỒI…
Hiểu được như vậy để mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi hôm nay, chúng ta hãy nghe lời Mẹ để ăn năn đền tội, tôn sùng Mẫu Tâm và siêng năng lần hạt Mân Côi để chúng ta được sống và sống đời đời.
1.      Ăn năn đền tội
Chúng ta phải ăn năn đền tội vì chúng ta đã đi ra ngoài con đường của Chúa, đã không sống theo thánh ý của Ngài, đã không vâng phục Ngài. Cốt lõi của biến cố truyền tin hôm nay là việc Ngôi Hai Thiên Chúa vâng phục thánh ý Chúa Cha, đi theo con đường mà Chúa Cha muốn để cứu lấy con nhân loại chúng ta. Và cũng chính nhờ tiếng Xin Vâng, chấp nhận bước vào đường lối Thiên Chúa của Mẹ mà Đấng Cứu Thế mới có thể nhập thể làm người.
Mọi tội lỗi là vì chúng ta đi ra ngoài con đường của Chúa được rào chắn, bảo vệ bởi những giới răn của Ngài. Hay nói cách khác, chúng ta không nghe lời Thiên Chúa mà nghe theo những xúi giục của ma quỷ.
Ăn năn sám hối là quay trở lại, đi trong đường lối của Thiên Chúa và vâng phục thánh ý của Ngài. Hình ảnh đứa con hoang đàng trong Tin Mừng Luca là hình ảnh của sự sám hối, ăn năn quay trở về nhà cha của mình để được sống trong tình yêu thương của người ta.
Việc ăn năn phải luôn kèm theo đền tội, vì sám hối là đau buồn về những sai trái của mình và quyết tâm đền bù những thiệt hại do những sai trái mình gây ra. Chúng ta làm thiệt hại cho người khác, chúng ta phải đền bù. Chúng ta làm thiệt hại cho chính bản thân mình, chúng ta phải đền bù. Chúng ta xúc phạm tình thương Thiên Chúa và người khác, chúng ta phải đền bù… Vì vậy một người có lòng sám hối thực sự sẽ chứng tỏ bằng một cuộc sống thánh thiện, đạo đức, yêu thương, vì họ thấy mình phải đền bù những thiệt hại do mình gây ra.
2.      Yêu mến Mẹ và siêng năng lần hạt Mân Côi
Chắc chắn một điều: những ai yêu mến Mẹ sẽ được Mẹ yêu thương, gìn giữ để luôn sống trong đường lối của Chúa. Thể hiện rõ ràng nhất của một người có lòng yêu mến Đức Mẹ là việc siêng năng lần chuỗi Mân Côi.
Giới Trẻ ngày hôm nay bị những niềm vui khác lôi kéo để họ không còn quan tâm đến những việc linh thánh, mà cụ thể nhất là rất ít bạn trẻ biết lần chuỗi và siêng năng lần chuỗi là chuyện khác. Chúng ta tự hào vì mình biết nhiều thứ trong cuộc sống hôm, có cả những thứ mình không cần biết, nhưng cách thức lần chuỗi thì lại không biết. Chúng ta sưu tầm, mua sắm, trang hoàng đủ thứ hàng hiệu trên người, nhưng mấy ai mua cho mình được một sâu chuỗi. Chúng ta cho rằng tràng chuỗi là quê mùa, việc lần chuỗi là của những người rãnh rỗi, đạo đức trong nhà thờ, hoặc của những người tu hành… Ma quỷ đã thắng được chúng ta trong cám dỗ đầu tiên đó. Thử hỏi việc lần chuỗi Mân Côi theo từng gia đình trong tháng 10 này có được mấy người trẻ (câu hỏi này cũng dành cho cả những người lớn). Chúng ta quan tâm đến nhiều thứ quá, mà phương thế đơn giản, hiệu quả nhất để được hạnh phúc đời đời, chúng ta lại không quan tâm đến.
Hãy nghe sứ điệp của Đức Mẹ, như một lời van xin chúng ta: “Hãy ăn năn đền bồi, hãy tôn sùng Mẫu Tâm, hãy năng lần hạt Mân Côi”. Khi chúng ta thực hiện những sứ điệp đó, chúng ta sẽ được sống trong đường lối của Chúa, cuộc sống của chúng ta sẽ bình an, hạnh phúc và có một sự hấp dẫn, lôi cuốn người khác đến với Chúa.
“Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử”. Amen.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét