05/10/2015
Thứ Hai sau Chúa Nhật
27 Quanh Năm
Bài
Ðọc I: (Năm I) Gn 1, 1 - 2, 1. 11
"Ông
Giona chỗi dậy lánh xa mặt Chúa".
Khởi
đầu sách Tiên tri Giona.
Có
lời phán cùng Giona, con trai ông Amathi, rằng: "Ngươi hãy chỗi dậy đi
sang Ninivê, một thành rộng lớn, và giảng tại đó, vì tội ác của nó thấu đến
Ta".
Giona
liền chỗi dậy để trốn sang Tharsê lánh xa mặt Chúa; ông đi xuống Gioppê, gặp
tàu đi sang Tharsê, ông liền mua vé, xuống tàu đi với hành khách sang Tharsê,
lánh xa mặt Chúa.
Nhưng
Chúa khiến trận cuồng phong thổi trên biển và cơn bão táp dữ dội nổi lên, khiến
tàu lâm nguy sắp chìm. Các thuỷ thủ lo sợ, hành khách cầu khẩn cùng thần minh của
mình. Người ta vứt đồ vật trên tàu xuống biển cho nhẹ bớt, lúc đó ông Giona xuống
lòng tàu nằm ngủ mê mệt. Thuyền trưởng đến gần ông và hỏi rằng: "Sao ông
ngủ mê mệt như vậy? Hãy chỗi dậy cầu khẩn cùng Thiên Chúa của ông, may ra Thiên
Chúa đoái đến chúng ta và chúng ta khỏi chết".
Ai
nấy đều bảo đồng bạn mình rằng: "Các anh hãy lại đây, chúng ta bắt thăm
coi biết tại sao chúng ta gặp phải tai hoạ này". Rồi họ bắt thăm, thì
trúng phải ông Giona. Họ bảo ông rằng: "Xin ông cho chúng tôi biết vì cớ
nào chúng ta gặp phải tai hoạ này: Ông làm nghề gì? Ở nơi nào? Ði đâu? Hoặc thuộc
dân nào?" Ông trả lời họ rằng: "Tôi là người Do-thái, tôi kính sợ
Thiên Chúa là Chúa Trời, Ðấng tạo thành biển khơi và lục địa".
Họ
khiếp sợ quá sức và hỏi ông rằng: "Sao ông hành động thế này? (Vì theo lời
ông thố lộ, các hành khách biết ông trốn lánh mặt Chúa). Họ liền hỏi ông rằng:
"Chúng tôi phải đối xử với ông làm sao đây, để biển yên lặng? vì biển càng
động mạnh thêm". Ông bảo họ rằng: "Các ông hãy bắt tôi vứt xuống biển,
thì biển sẽ yên lặng, vì tôi biết tại tôi mà các ông gặp phải trận bão lớn lao
này".
Các
thuỷ thủ cố chèo thuyền vào đất liền, nhưng không sao được, vì biển càng động dữ
dội hơn. Họ kêu cầu cùng Chúa rằng: "Lạy Chúa, chúng tôi xin Chúa vì mạng
sống người này cho chúng tôi khỏi chết. Xin chớ đổ máu vô tội trên chúng tôi,
vì, lạy Chúa, Chúa hành động theo như Chúa muốn". Rồi họ bắt vứt ông Giona
xuống biển, và biển liền hết nổi sóng. Mọi người rất kính sợ Chúa, họ tế lễ
dâng lên Chúa và làm lời khấn hứa.
Chúa
chuẩn bị sẵn một con cá lớn để nuốt ông Giona, và ông Giona ở trong bụng cá ba
ngày ba đêm. Sau đó, Chúa truyền lệnh cho cá nhả ông Giona vào bờ.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Gn 2, 2. 3. 4. 5. 8
Ðáp: Lạy Chúa là
Thiên Chúa của con, từ vực sâu thẳm, Chúa đã cứu sống mạng con (c. 7c).
Xướng:
1) Nằm trong bụng cá, ông Giona thưa cùng Chúa là Thiên Chúa của mình rằng: -
Ðáp.
2)
Trong cảnh gian truân, con đã kêu cầu tới Chúa, và Ngài đã nhậm lời con; tự
lòng vực sâu âm phủ, con đã kêu lên, và Ngài đã nghe rõ tiếng con. - Ðáp.
3)
Ngài đã ném con xuống vực sâu, trong lòng biển, các dòng nước đã lôi cuốn thân
con, bao sóng cả ba đào đều lướt chảy trên mình con. - Ðáp.
4)
Bấy giờ con tự nhủ: Con đã bị loại xa khỏi thiên nhan Chúa, nhưng con sẽ còn được
xem thấy thánh điện Ngài. - Ðáp.
5)
Khi mà trong người con, linh hồn tuyệt vọng, bấy giờ con đã nhớ (tới) Chúa. Lời
cầu nguyện của con đã thấu đến tai Ngài, trong nơi thánh điện của Ngài. - Ðáp.
Alleluia:
1 Sm 3, 9; Ga 6, 69
Alleluia,
alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có
lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.
Phúc
Âm: Lc 10, 25-37
"Ai
là anh em của tôi?"
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi
ấy, có một người thông luật đúng dậy hỏi thử Chúa Giêsu rằng: "Thưa Thầy,
tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?" Người nói với ông: "Trong Lề
luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?" Ông trả lời:
"Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức
và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình". Chúa
Giêsu nói: "Ông trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống".
Nhưng người đó muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Nhưng
ai là anh em của tôi?"
Chúa
Giêsu nói tiếp: "Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay
bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa
chết. Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi
qua. Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua.
Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng
thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn
nhân lên lừa của mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền,
ông trao cho ông chủ quán mà bảo rằng: "Ông hãy săn sóc người ấy, và ngoài
ra còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về tôi sẽ trả lại ông".
"Theo
ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?"
Người thông luật trả lời: "Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy". Và
Chúa Giêsu bảo ông: "Ông cũng hãy đi và làm như vậy".
Ðó
là lời Chúa.
Suy
Niệm:
Người
Samaritanô Nhân Hậu
Một
phóng viên nọ muốn biết cách đối xử với con người thế nào, ông đã giả vờ làm
người bị thương nằm bên vệ đường cùng với chiếc xe bị hư của ông. Nhiều người
đã đi qua..., cuối cùng có một người dừng xe lại xem xét và đến trạm gọi điện
thoại cho cảnh sát. Người phóng viên đã cẩn thận ghi các số xe đã chạy qua, sau
đó, ông đến tận nhà họ để phỏng vấn. Mỗi người đều nói lên lý do của mình,
nhưng không ai nghĩ mình một ngày kia có thể rơi vào hoàn cảnh như thế: bàn tay
của mình đưa ra để mong tìm được sự nâng đỡ của người khác mà không gặp được.
Người
Samaritanô nhân hậu được nhắc đến trong Tin Mừng hôm nay là chính Chúa Giêsu.
Dĩ nhiên, các tư tế, lêvi có lý do của họ: họ đã sống đúng luật, tuy nhiên luật
đã giết chết lòng yêu thương của con người vì trọng mặt chữ mà thôi. Chúa Giêsu
đã vượt qua luật lệ và hướng dẫn tâm hồn con người lên cao, đi vào chiều sâu của
bác ái. Ngài đã đến với từng con người, Ngài không đứng xa nhìn con người đương
đầu với những khó khăn thử thách trong cuộc sống. Như người Samaritanô nhân hậu,
Ngài đến gần bên con người, Ngài nhìn họ với ánh mắt đầy trắc ẩn, cảm thông,
Ngài cúi xuống băng bó các vết thương của họ và còn tình nguyện trả nợ cho họ bằng
giá máu của Ngài khi chấp nhận chết trên Thập giá để cứu sống và đưa họ về quê
trời.
Lời
Chúa hôm nay mời gọi chúng ta noi theo gương mẫu của người Samaritanô nhân hậu
là hình ảnh của chính Chúa. Chung quanh chúng ta còn biết bao nạn nhân, dưới
nhiều hình thức, đang chờ bàn tay nâng đỡ của chúng ta. Nhưng thử hỏi chúng ta
đã làm được gì? Có thể chúng ta không có tiền bạc, nhưng một lời nói, một nụ cười,
một cử chỉ, một việc làm tốt cũng có sức xoa dịu và cảm thông với những nỗi khổ
đau của đồng loại.
Nguyện
xin Chúa kiện cường lòng bác ái của chúng ta, một lòng bác ái biết tìm đến, dừng
lại và xoa dịu những nỗi khổ đau của người khác; một lòng bác ái vị tha, không
bị lấm bẩn bởi bản tính ích kỷ trục lợi.
Veritas Asia
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ
Hai Tuần 27 TN1.
Bài
đọc:
Jon 1:1-2:2, 11; Lk 10:25-37.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy
thực hành những gì Thiên Chúa dạy.
Đạo
là đường, là cách thế chỉ dạy cho con người biết sống làm sao để được bình an
và hạnh phúc. Đạo không chỉ là những lý thuyết thuần tri thức; nhưng còn những
bổn phận con người phải thi hành để sống đúng mối liên hệ với Thiên Chúa và với
tha nhân. Có những tín hữu biết rất nhiều về Chúa và đạo lý Ngài dạy; nhưng lại
không thực hành những gì Ngài truyền dạy. Hậu quả là kiến thức suông sẽ thành lời
tố cáo họ. Trong khi đó, có những người tuy không biết, hay biết rất ít về
Thiên Chúa, lại tận tâm thi hành những gì Ngài mong muốn. Thiên Chúa ưa thích
những ai thi hành điều Ngài dạy hơn là chỉ tin tưởng Ngài bằng môi miệng.
Các
Bài Đọc hôm nay muốn gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh các tiên-tri, các tư-tế,
và tất cả các tín hữu của Thiên Chúa: Đừng chỉ tin Thiên Chúa bằng môi miệng;
nhưng biết kính sợ Thiên Chúa và yêu thương tha nhân bằng cách thực hành những
gì Ngài dạy. Trong Bài Đọc I, Jonah đã được Thiên Chúa tuyển chọn và sai đi rao
giảng tại Nineveh để kêu gọi họ ăn năn thống hối trở về với đường ngay nẻo
chính; Jonah từ chối và trốn qua một thành khác để khỏi làm điều Ngài truyền dạy.
Ông muốn Thiên Chúa tiêu hủy Nineveh, vì họ là kẻ thù không đội trời chung với
người Do-thái. Trong Phúc Âm, khi nhóm Pharisees hỏi Chúa Giêsu phải làm gì để
đạt được cuộc sống đời đời, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến lòng yêu mến Thiên Chúa và
lòng thương xót dành cho tha nhân. Chúa dẫn chứng một ví dụ cho họ biết trong
khi các tư-tế và Lêvi tìm kiếm lý do để khỏi tỏ lòng thương xót, một người Dân
Ngoại Samaria đã thi hành những gì Thiên Chúa dạy cách tận tâm.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I:
"Ôi, lạy Đức Chúa, ước gì chúng con không phải chết vì mạng sống người
này.''
1.1/
Jonah không vâng lời Thiên Chúa: Đức Chúa phán với ông Jonah, con ông Amittai, rằng:
"Hãy đứng dậy, đi đến Nineveh, thành phố lớn, và hô cho dân thành biết rằng
sự gian ác của chúng đã lên thấu tới Ta." Ông Jonah đứng dậy nhưng là để
trốn đi Tarsish, tránh nhan Đức Chúa. Ông xuống Joppah và tìm được một chiếc
tàu sắp đi Tarsish. Ông trả tiền, xuống tàu để cùng đi Tarsish với họ, tránh
nhan Đức Chúa.
Làm
sao Jonah có thể trốn chạy Thiên Chúa? Ngài tung ra một cơn gió to trên biển và
liền có một trận bão lớn ngoài khơi, khiến tàu tưởng chừng như sắp vỡ tan. Thuỷ
thủ sợ hãi; họ kêu cứu, mỗi người kêu lên thần của mình và ném hàng hoá trên
tàu xuống biển cho nhẹ bớt. Còn ông Jonah thì đã xuống hầm tàu, nằm đó và ngủ
say. Viên thuyền trưởng lại gần và nói với ông: "Sao lại ngủ thế này? Dậy!
Kêu cầu thần của ông đi! May ra vị thần ấy sẽ nghĩ đến chúng ta và chúng ta khỏi
mất mạng." Rồi họ bảo nhau: "Nào, chúng ta hãy bắt thăm cho biết tại
ai mà chúng ta gặp tai hoạ này." Họ gieo quẻ và quẻ rơi trúng ông Jonah.
Sau
khi họ điều tra và nghe Jonah thú nhận: "Tôi là người Do-thái, Đấng tôi
kính sợ là Đức Chúa, Thiên Chúa các tầng trời, Đấng đã làm ra biển khơi và đất
liền." Jonah biết rõ Thiên Chúa là ai và kính sợ Ngài rất mực; nhưng lại
không vâng lời và tìm cách trốn tránh Ngài! Ngược lại, các thủy thủ tuy chưa biết
Thiên Chúa; nhưng chỉ nghe Jonah nói, họ đã sợ hãi Thiên Chúa.
1.2/
Jonah không thương dân thành Nineveh: Hai phản ứng trái ngược nhau chúng ta nhận ra trong
trình thuật hôm nay.
(1)
Phản ứng của Jonah: Lý do Jonah không đi Nineveh rao giảng thống hối vì ông tin
họ sẽ trở lại và Thiên Chúa sẽ không đánh phạt họ nữa. Ông muốn Thiên Chúa tiêu
diệt họ.
(2)
Phản ứng của các thủy thủ trên tàu: Sau khi thuyền trưởng và các thủy thủ biết
rõ Jonah là nguyên nhân của cơn bão đang đe dọa họ, và được Jonah cho phép ném
ông xuống biển để tránh nguy hiểm cho bao sinh mạng trên tàu; họ vẫn ngần ngại
vì không dám động đến sinh mạng người của Thiên Chúa. Trước khi bất đắc dĩ phải
ném Jonah xuống biển, họ đã kêu cầu Đức Chúa và thưa: "Ôi, lạy Đức Chúa, ước
gì chúng con không phải chết vì mạng sống người này, và xin đừng đổ máu vô tội
trên đầu chúng con; vì lạy Đức Chúa, chính Ngài đã hành động tuỳ theo sở
thích."
2/
Phúc Âm:
"Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy."
2.1/
Phải làm gì để được sự sống đời đời? Đây là câu hỏi rất quan trọng và thực tiễn của cuộc
đời, nhưng người hỏi là thầy thông luật: tuy ông đã biết câu trả lời nhưng vẫn
hỏi để thử Chúa Giêsu. Thay vì cho ông câu trả lời, Chúa Giêsu hỏi lại ông:
"Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?" Ông ấy thưa: "Ngươi phải
yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và
hết trí khôn ngươi (Dt 6:5), và yêu mến người thân cận như chính mình (Lev
19:18)." Đức Giê-su bảo ông ta: "Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy
là sẽ được sống."
2.2/
Ai là người thân cận của tôi? Tuy Jericho cách Jerusalem khỏang 20 dặm nhưng độ cao khác biệt
là 3,600 ft. Đây là đọan đường rất nguy hiểm vì lối đi hẹp và có rất nhiều hang
động, chỗ ẩn của trộm cướp. Rất ít ai dám đi một mình trên quãng đường này. Người
bị đánh trọng thương rất có thể là người Do-Thái vì đi từ Jerusalem xuống. Chúa
Giêsu liệt kê ra 3 lọai người và phản ứng của họ khi nhìn thấy người bị thương:
(1)
Thầy tư tế: là người Do-Thái. Lý do tại sao ông tránh có thể vì sợ sẽ bị không
sạch trong 7 ngày (Num 19:11) nếu động tay vào xác chết, và sẽ không được phục
vụ trong Đền Thờ. Ông đặt việc tế tự trên lòng thương xót khi ông tránh qua bên
kia mà đi.
(2)
Thầy Lêvi: cũng là người Do-Thái. Nhiệm vụ của các Lêvi là phục vụ cung điện
nơi Hòm Bia của Thiên Chúa ngự. Giống như các tư tế, ông có lẽ cũng sợ bị không
sạch, nên tuy cũng thấy người bị trọng thương, nhưng rồi cũng tránh qua bên kia
mà đi.
(3)
Người Samaria xem người Do-Thái như thù địch và không muốn chung chạ gì với họ.
Nhưng khi thấy người bị trọng thương, người Samaria không để ý đến nạn nhân là
người Do-Thái hay không, ông chạnh lòng thương nạn nhân đau khổ: một niềm
thương xót giữa người với người. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết
thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình,
đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ
quán và nói: "Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu,
thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác."
2.3/
Chúa Giêsu hỏi thầy thông luật: “Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra
là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp? " Người thông luật
trả lời: "Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy."
Đức Giêsu bảo ông ta: "Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chúng ta đừng chỉ mang danh người Kitô hữu, nhưng hãy biết thực hành những gì Đức
Kitô dạy bảo: Hãy kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu thương tha nhân
như chính mình.
-
Người không biết Thiên Chúa có thể vào Nước Trời trước chúng ta; nếu họ sống tốt
lành, yêu thương tha nhân, và không có cơ hội để học hỏi về Thiên Chúa. Chúng
ta có thể không đạt được cuộc sống đời đời, nếu chúng ta từ chối không vâng lời
Chúa và giúp đỡ tha nhân.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
Lc 10, 25-37
1. Ghi nhớ: “ Nhưng ai là người thân cận của tôi ” (Lc 10,
29)
2. Suy Niệm: Người thông luật không phải không biết điều răn quan trọng mang
lại sự sống đời đời vì khi Chúa Giêsu hỏi lại, anh trả lời một cách lưu loát.
Nhưng ở đây anh muốn đi tìm một định nghĩa vì người thân cận nên mới đặt cho
Chúa Giêsu câu hỏi gay go này, vì chưng người Do Thái giới hạn người thân cận
chỉ là những người trong gia tộc (Xh 20, 16-17; Xh 21, 17-25). Nên Chúa Giêsu
không đưa ra câu trả lời mà kể một dụ ngôn của người Samaria . Bởi vì người Do
Thái hay khinh miệt và xem người Samaria như kẻ thù. Chúa Giêsu muốn dùng hình
ảnh người mà dân Do Thái xem là kẻ thù để mạc khải lòng nhân từ của Thiên Chúa
và bảo cho người thông luật biết người thân cận anh ta là mọi người. Chúa Giêsu
nhắc người thông luật đừng đi tìm định nghĩa về người thân cận mà hãy tỏ ra là
người thân cận với mọi người. Chúng ta cũng thế, thay vì hỏi: ai là người thân
cận của tôi? Thì hãy tỏ ra mình là người thân cận của người đang cần mình
3. Sống Lời Chúa: Hãy nhân từ như Thiên Chúa Cha.
4. Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết đem những lời Chúa dạy để thực
hành trong cuộc sống bằng cử chỉ bác aí yêu thương anh em xung quanh. Amen.
Hãy đi và làm như vậy
Trước khi giúp một người, tôi không nên tự hỏi
người này có thân cận với tôi không. Chúng ta không chỉ giúp những người thân cận
và loại trừ người khác. Chúng ta giúp một người chỉ vì người đó đang...
Suy niệm:
Trong Tin Mừng Mátthêu và
Máccô (Mt 22, 36; Mc 12, 28)
vị luật sĩ đặt câu hỏi về
điều răn nào là điều răn lớn nhất.
Còn theo Tin Mừng Luca, vị
này lại hỏi Đức Giêsu
về việc phải làm gì
để được sự sống đời đời làm gia nghiệp (c. 25).
Đức Giêsu nghĩ rằng câu trả
lời đã có trong sách Luật, nên Ngài hỏi lại ông.
Ông này đã trích sách Đệ Nhị
Luật 6,5 và sách Lêvi 19,18 để trả lời.
Động từ yêu mến diễn
tả thái độ đối với Thiên Chúa và người thân cận:
“Hãy yêu mến Thiên
Chúa với tất cả trái tim con, với tất cả linh hồn con,
với tất cả sức lực con và
với tất cả trí khôn con,
và người thân cận như chính
mình” (c. 27).
Đức Giêsu khen ông trả lời
đúng và khích lệ ông (c. 28).
Như thế giữa Ngài và vị thầy
Do thái giáo đã có sự nhất trí nào đó.
Tình yêu không phải là một
đòi hỏi mới của Kitô giáo,
nhưng tình yêu đã là điều
cốt yếu của Do thái giáo từ xưa.
Vấn đề là phải yêu Thiên
Chúa với tất cả trái tim, linh hồn, sức lực và trí khôn.
Từ tất cả được
lặp lại bốn lần để nói lên một đòi hỏi tận căn, trọn vẹn.
Nhưng Đức Giêsu còn phải trả lời câu hỏi: “Ai là người thân cận của tôi ?”
Ngài đã trả lời bằng một dụ
ngôn nổi tiếng,
qua đó ngài mở rộng quan
niệm truyền thống về người thân cận.
Một người từ Giêrusalem
xuống Giêrikhô.
Anh phải vượt qua đoạn đường
dài gần 25 cây số.
Đoạn đường này thời bấy giờ
có nhiều trộm cướp.
Anh đã bị bọn cướp trấn lột,
đánh nhừ tử và đặt nằm đó nửa sống nửa chết.
Nhìn vào tình cảnh bi đát
của anh, có ai muốn thương giúp anh không?
Có ba người đi qua chỗ anh
nằm, một là thầy tư tế, hai là thầy Lêvi.
Cả hai đều phản ứng như
nhau: thấy và tránh qua bên kia mà đi (cc. 31-32).
Chúng ta không rõ tại sao họ
làm thế.
Có thể vị tư tế sợ mình bị ô
nhơ qua việc đụng chạm đến xác chết,
vì sách Lêvi (21, 1-3) cấm
không được làm thế, trừ phi là xác bà con gần.
Một người Samari là nhân vật thứ ba đi ngang qua nạn nhân.
Hầu chắc nạn nhân này là một
người Do Thái,
vì không có chi tiết nào cho
thấy anh ta là dân ngoại cả.
Giữa dân Do Thái và dân
Samari vốn có mối hiềm thù từ lâu.
Người Samari này cũng thấy
nạn nhân như hai người trước,
nhưng đó không phải là cái
nhìn lạnh lùng, vô cảm.
Anh thấy bằng trái tim mình,
vì thế anh chạnh lòng thương (c. 33).
điều mà hai người trước
không có.
Chính sự thúc đẩy của trái
tim đã khiến anh làm một loạt hành động cụ thể:
lấy dầu và rượu đổ lên vết
thương, băng bó, đặt nạn nhân trên lưng lừa,
đưa về quán trọ săn sóc, ở
lại quán trọ nguyên ngày hôm ấy,
trả tiền cho chủ quán và hứa
sẽ trở lại trả thêm nếu cần (cc. 34-35).
Lòng thương xót thật sự
khiến anh chấp nhận mất công, mất của, mất giờ,
và có thể mất mạng nữa, vì
có thể tên cướp vẫn còn núp đâu đây.
Khi giúp cho kẻ lâm nạn, dù biết đó là một người Do Thái kẻ thù của mình,
người Samari đã làm một phép
lạ lớn.
Đó là biến mình trở thành
người thân cận với anh ấy,
và biến anh ấy, kẻ thù của
mình, trở thành người thân cận với mình.
Đây là phép lạ của tình
thương phá vỡ và vượt qua mọi biên giới
của chủng tộc, tôn giáo và
nhất là vượt qua những thù oán lâu đời.
Để trả lời câu hỏi của vị
luật sĩ: ai là người thân cận của tôi ?
Đức Giêsu đặt câu hỏi ngược
lại cho vị này: “Theo ông,
trong ba người, ai đã trở
nên người thân cận với kẻ bị nạn ?” (c. 36).
Câu hỏi quá dễ, nhưng hàm
chứa một điều mới mẻ sâu xa.
Trước khi giúp một người,
tôi không nên tự hỏi người
này có thân cận với tôi không.
Chúng ta không chỉ giúp
những người thân cận và loại trừ người khác.
Chúng ta giúp một người chỉ
vì người đó đang cần chúng ta.
Giúp đỡ cụ thể là cách tạo
ra người thân cận
Càng giúp nhiều, ta càng có
nhiều người bạn thân.
Vị luật sĩ đã hỏi Đức Giêsu
phải làm gì (c. 25).
Kể xong dụ ngôn, Đức Giêsu
trả lời: Hãy đi và hãy làm như vậy (c. 37).
Đất nước chúng ta đã giàu lên đáng kể, nhưng vẫn không thiếu người nghèo,
nghèo sức khỏe, nghèo tri
thức, nghèo vật chất tối thiểu, nghèo nhân phẩm…
Chúng ta cũng bị cám dỗ
“tránh sang bên kia đường”,
thấy mà làm như không thấy
những Ladarô nằm trước cửa.
Yêu những người nghèo như
chính mình, yêu cả những ai đã làm khổ mình.
Đó là cách chúng ta rao
giảng Tin Mừng cho quê hương Việt Nam hôm nay.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
lúc đầu
chúng con chỉ muốn cầm tay nhau
để làm
thành một vòng tròn khép kín.
Sau đó
chúng con hiểu rằng
cần
phải buông tay nhau
để nhận
những người bạn mới,
để vòng
tròn được mở rộng đến vô cùng
và trái
tim được lớn lên mãi.
Lạy Chúa, chúng con biết rằng
cần
phải nối vòng tay lớn
xuyên
qua các đại dương và lục địa.
vòng
tay người nối với người,
vòng
tay con người nối với Tạo Hóa.
Chúng con thích Chúa
đứng
chung một vòng tròn
với tất
cả loài người chúng con,
nắm lấy
tay chúng con
và đưa
chúng con lên cao.
Ước gì việc Chúa giang tay trên thập giá
giúp
chúng con biết cầm lấy tay nhau
và nhận
nhau là anh em.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
Tháng 10
5
THÁNG MƯỜI
Tính
Nhân Bản Của Thánh Kinh
Từ
khi Thiên Chúa tự biểu lộ chính Ngài cho Abraham – nghĩa là tái lập cuộc đối
thoại giữa con người với Đấng Sáng Tạo vốn đã bị gãy đổ do tội Adam – tính nhân
bản đích thực theo Thánh Kinh không ngừng khẳng định phẩm giá độc đáo nơi mỗi
con người. Mỗi người đều được Thiên Chúa tạo dựng giống hình ảnh Ngài. Mỗi người
đều được Chúa Kitô cứu chuộc và mời gọi đi vào trong mối hiệp thông với Ngài.
Đó
là địa vị của con người trong thế giới này và trong bậc thang giá trị. Đành rằng
văn chương và nghệ thuật thường đề cập đến tính yếu đuối, mỏng dòn, thú nhục dục,
thói đạo đức giả và tính thô bạo của con người. Nhưng chúng ta cũng biết rằng,
trên hết, con người thật kỳ diệu với lối suy nghĩ sáng sủa, với những khám phá
khoa học, với những cảm hứng trữ tình trong thi ca, với những sáng tạo nghệ thuật
trác tuyệt, với tính cách đạo đức anh hùng, và quan trọng nhất là với những chứng
tá thánh thiện trong Đức Kitô.
-
suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm.
Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
05-10
Gn
1,1 -2,1.11; Lc 10, 25-37.
LỜI
SUY NIỆM: “Nhưng ai là người
thân cận của tôi?”(Lc
10,29)
Trong cuộc sống của chúng ta thường hay giới hạn những người được gọi là thân cận
với mình để rồi có cách cư xử cho phải phép. Nhưng qua dụ ngôn “Người Sa-ma-ri
tốt lành” Chúa Giêsu cho chúng ta biết: “người thân cận” là bất cứ ai, không những
chỉ là những người có liên hệ đến máu huyết, quê hương, dân tộc, miền vùng hay
là tôn giáo. Bởi mọi con người đều là hình ảnh của Thiên Chúa và được chính
Thiên Chúa tạo dựng và yêu thương. Trong họ có Ngài. Đặc biệt đối với người
nghèo. Chính Chúa Giêsu, Ngài đã đồng hóa Ngài với những người nghèo, những người
đang túng thiếu, những người bệnh tật, kể cả những người tội nhân đang ở trong
tù. Ngài đòi hỏi mỗi chúng ta phải tỏ lòng yêu thương, chăm sóc và viếng thăm
những con người này như chính là Ngài.
Mạnh
Phương
05
Tháng Mười
Sứ Ðiệp Của Một Người
Tàn Tật
Hằng
năm tổ chức có tên là "Tự nguyện chịu đau khổ" hành hương đến Lộ Ðức
để chia sẻ kinh nghiệm của họ khi đối đầu với đau khổ. Năm 1982, khách hành
hương đã chú ý đến lời chia sẻ của Jacques Lebreton, một phó tế vĩnh viễn không
tay, mù mắt. Chúng ta hãy lắng nghe chứng từ của ông:
Sau
trận đánh ở El Alamem, tôi và các bạn của tôi đang lo gỡ mìn. Một anh bạn tôi cầm
một quả lựu đạn và vô tình mở chốt. Trong cơn hốt hoảng, anh trao cho tôi. Tôi
cứ tự nhiên cầm lấy quả lựu đạn. Nó đã nổ tung trong tay tôi. Tôi tối tăm mặt
mũi, không nói được nữa. Tôi cảm thấy mình đang chết. Tôi chỉ còn là một người
không tay, không mắt... Tôi toan tự tử.
Trên
giường bệnh ở nhà thương, tôi, một người đã không giữ đạo từ lâu, tôi bắt đầu cầu
nguyện. Tôi xin được rước lễ. Tôi đã hiểu nguyên do sự đau khổ của tôi là tội lỗi
nhân loại: đó là thù oán, kiêu căng, chiến tranh... Và tôi đã tìm lại được sự
an vui và trông cậy.
Tôi
cảm thấy một cái gì tương tự như Chúa Giêsu trong vườn Giêtsêmani. Ngài cũng
không muốn chịu đau khổ. Ngài đã van xin: "Lạy Cha, nếu có thể được, xin
cho con khỏi uống chén này", nhưng liền sau đó, Ngài lại thưa: "Lạy
Cha, xin vâng theo ý Cha". Sau thảm kịch Golgotha, Ngài đã sống lại. Chính
nhờ mầu nhiệm chết và sống lại mà Chúa Kitô muốn cho chúng ta cùng sống. Tôi đã
đạt đến mức độ không phải là chịu đựng mà là chấp nhận. Chịu đựng là một thất bại.
Chấp nhận là một chiến thắng. Trên giường bệnh, tôi đã khóc, khóc vì sung sướng
với ý nghĩ ấy. Ðiều mà tự nhiên tôi cũng không thể chịu được, nay nhờ ơn Chúa
tôi đã chịu được.
Như
lời văn hào Mauriac nói: "Chúa Giêsu không đến để xóa bỏ đau khổ, nhưng để
cùng hiện diện với những người đau khổ". Tôi đã cảm nghiệm được lời Chúa
phán: "Phúc cho những kẻ khóc lóc, phúc cho những kẻ đau khổ".
Tại
Evreux, tôi được gặp một người đàn bà hoàn toàn bất toại, đến nỗi không thể nói
được. Nhưng nhờ ngón chân cái của bà, bà có thể máy động bàn chữ cái trên một
miếng ván và bà đã tặng cho tôi một bài thơ có tựa đề "Nụ cười".
Tôi
liên tưởng đến một người đàn ông khác, bị điếc lúc 14 tuổi, mù từ lúc lên 16 tuổi.
Trên giường bệnh, lúc hấp hối, người đàn ông 87 tuổi này đã thốt lên như sau:
"Tôi đã trải qua một cuộc đời tốt đẹp".
Ông
Jacques Lebreton kết luận như sau: "Tôi, một người không tay, không mắt,
tôi cũng thấy đời tươi đẹp. Cuối cùng, sự tàn tật lớn lao nhất là bị chia lìa với
Thiên Chúa. Tôi không thể nói như vậy, nếu tôi lành lặn với đôi mắt và đôi tay.
Nhưng tôi có thể nói như vậy vì tôi biết thế nào là sống xa Chúa. Và hôm nay,
sau một chặng đường dài, tôi lớn tiếng kêu lên với tất cả các người anh em của
tôi rằng: Thiên Chúa hằng sống. Ðức Kitô đã sống lại".
Ðã
có khoảng 6,000 vụ lành bệnh lạ lùng được ghi nhận tại Lộ Ðức, trong số này chỉ
có 64 vụ được Giáo Hội công nhận là phép lạ. Nhưng phép lạ cả thể nhất của Lộ Ðức
cũng như của những trung tâm Thánh Mẫu khác: chính là phép lạ của lòng tin. Và
trong những phép lạ của lòng tin ấy, kỳ diệu hơn cả vẫn là niềm tin, sự chấp nhận,
tinh thần lạc quan của chính những người đau khổ. Trong niềm đau tột cùng trong
thân xác cũng như tâm hồn, những con người ấy vẫn còn thấy được ý nghĩa của cuộc
sống, tình yêu cao cả của Chúa. Ðó chính là phép lạ mà Chúa vẫn tiếp tục thực
hiện qua những người có lòng tin. Và đó cũng là phép lạ mà chúng ta không ngừng
kêu cầu Chúa thực hiện.
Nhìn
lên thập giá Chúa, trong niềm hiệp thông với Mẹ Ngài, chúng ta hãy cầu xin Chúa
ban cho chúng ta được tiếp tục tin yêu, được tiếp tục nhìn thấy ánh sáng phục
sinh giữa những đêm tối của khổ đau, thử thách. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện
cho không biết bao nhiêu người đang quằn quại trong đau đớn của thể xác, trong
cô đơn của tâm hồn. Xin cho họ được nâng đỡ, ủi an và tìm được niềm tin.
Lẽ Sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét