Trang

Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2018

18-03-2018 : (phần I) CHÚA NHẬT V MÙA CHAY năm B


18/03/2018
Chúa Nhật tuần 5 Mùa Chay năm B.
(phần I)


Bài Ðọc I: Gr 31, 31-34
"Ta sẽ ký kết giao ước mới và Ta sẽ không còn nhớ tội lỗi nữa".
Trích sách Tiên tri Giêrêmia.
Chúa phán: "Ðây tới ngày Ta ký kết giao ước mới với nhà Israel và nhà Giuđa, giao ước này không giống như giao ước Ta đã ký kết với tổ phụ của chúng trong ngày Ta cầm tay chúng dắt ra khỏi đất Ai-cập; giao ước ấy chính chúng đã phản bội, mặc dầu Ta thống trị chúng". Chúa phán: "Ðây là giao ước Ta sẽ ký kết với nhà Israel sau những ngày đó. Ta sẽ đặt lề luật của Ta trong đáy lòng chúng, và sẽ ghi trong tâm hồn chúng; Ta sẽ là Chúa của chúng, và chúng sẽ là dân của Ta". Chúa phán: "Người này sẽ không còn phải dạy người nọ, anh sẽ không còn phải dạy em rằng: "Ngươi hãy nhìn biết Chúa", vì mọi người từ nhỏ chí lớn đều nhìn biết Ta, vì Ta sẽ tha tội ác của chúng, và sẽ không còn nhớ đến tội lỗi của chúng".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 50, 3-4. 12-13. 14-15
Ðáp: Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch (c. 12a).
Xướng: 1) Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa, xoá tội con theo lượng cả đức từ bi. Xin rửa con tuyệt gốc lỗi lầm, và tẩy con sạch lâng tội ác. - Ðáp.
2) Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch, và canh tân tinh thần cương nghị trong người con. Xin đừng loại con khỏi thiên nhan Chúa, chớ thu hồi Thánh Thần Chúa ra khỏi con. - Ðáp.
3) Xin ban lại cho con niềm vui ơn cứu độ, với tinh thần quảng đại, Chúa đỡ nâng con. Con sẽ dạy kẻ bất nhân đường nẻo Chúa, và người tội lỗi sẽ trở về với Ngài. - Ðáp.

Bài Ðọc II: Dt 5, 7-9
"Người đã học vâng phục và đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời".
Trích thư gởi tín hữu Do-thái.
Khi còn sống ở đời này, Chúa Kitô đã lớn tiếng và rơi lệ dâng lời cầu xin khẩn nguyện lên Ðấng có thể cứu Người khỏi chết, và vì lòng thành tín, Người đã được nhậm lời. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Người.
Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Ga 12, 26
Chúa phán: "Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó".

Phúc Âm: Ga 12, 20-33
"Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, trong số những người lên dự lễ, có mấy người Hy-lạp. Họ đến gặp Philipphê quê ở Bêtania, xứ Galilêa, và nói với ông rằng: "Thưa ngài, chúng tôi muốn gặp Ðức Giêsu". Philip-phê đi nói với Anrê, rồi Anrê và Philipphê đến thưa Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đáp: "Ðã đến giờ Con Người được tôn vinh. Quả thật, quả thật, Ta nói với các con: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời. Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó. Bây giờ linh hồn Ta xao xuyến, và biết nói gì? Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ này. Nhưng chính vì thế mà Con đã đến trong giờ này. Lạy Cha, xin hãy làm vinh danh Cha". Lúc đó có tiếng từ trời phán: "Ta đã làm vinh danh Ta và Ta còn làm vinh danh Ta nữa". Ðám đông đứng đó nghe thấy và nói đó là tiếng sấm. Kẻ khác lại rằng: "Một thiên thần nói với Ngài". Chúa Giêsu đáp: "Tiếng đó phán ra không phải vì Ta, nhưng vì các ngươi. Chính bây giờ là lúc thế gian bị xét xử, bây giờ là lúc thủ lãnh thế gian bị khai trừ và khi nào Ta chịu đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta". Người nói thế để chỉ Người phải chết cách nào.
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Giờ Của Chúa Giêsu
Con đường sám hối và giao hòa mà Phụng vụ thứ Tư lễ Tro năm nay vạch ra, đã gợi cho chúng ta cùng sống lại những giai đoạn của giao ước giữa Thiên Chúa và dân Người: nào là giao ước với Noe, diễn tả ý định Thiên Chúa hứa bảo tồn sinh mạng cho loài người; giao ước với Abraham mở ra một chân trời mới cho tình bạn và ơn cứu độ; giao ước Sinai quy tụ đám người hỗn tạp vừa thoát cảnh nô lệ Aicập thành một dân riêng; trong cuộc lưu đày tại Babylon, tuy không thấy Thiên Chúa tái lập giao ước, nhưng vẫn ngầm chứa một sức mạnh đặc biệt thanh luyện niềm tin của toàn dân hướng về ngày giải thoát.
Có thể nói, quá trình lịch sử Dân Thiên Chúa như quy hướng về giây phút cứu độ, giây phút mà giao ước giữa Thiên Chúa với loài người đạt tới cao điểm của nó, giây phút mà thánh sử Yoan gọi là "Giờ của Chúa Yêsu". Từ ngữ "Giờ của Chúa Yêsu" trong Phúc Âm thứ 4 quá khó hiểu và đượm nhiều sắc thái bí ẩn!
Trong ba bài đọc Thánh Kinh của Phụng vụ Chúa nhật hôm nay, Giáo hội như mời gọi ta suy niệm lại giờ cứu độ đó, để có thể chuẩn bị tâm hồn đón nhận giao ước mới, giao ước muôn đời mà Thiên Chúa đã ký kết với loài người qua cái chết của Ðức Yêsu.

1. Giờ Của Chúa Yêsu Trong Chương Trình Cứu Ðộ
Lịch sử cứu độ đã vẽ lại cho chúng ta chương trình của Thiên Chúa ngay từ lúc nguyên tổ thất trung. Lời Người hứa với Abraham được lưu truyền và có sức mạnh quy hướng toàn dân ngóng trông giờ cứu độ.
Giờ đó được thực hiện bởi một người mang tên Yêsu mà đức tin Kitô giáo tuyên xưng là Ðấng Cứu thế. Nhìn lại cuộc đời của Ðức Yêsu, chúng ta sẽ bỡ ngỡ và ngạc nhiên khi thấy nhiều lần trong thời gian hoạt động công khai Người đã tuyên bố: "Giờ tôi chưa đến" (Yn 2,4; 7,30; 8,20). Qua cách trình bày của các thánh sử, đặc biệt của tác giả Phúc Âm thứ Tư, chúng ta khám phá ra phần nào bí ẩn của giờ Ðức Yêsu . Giờ của Người không phải là những lúc thành công trong bước đường rao giảng Tin Mừng, không phải hệ tại những phép lạ thực hiện, cũng không phải những lúc dân chúng ngưỡng mộ, định tôn phong Người làm vua..., nhưng là giờ thực thi giao ước mới, giờ chu toàn sứ mạng cứu chuộc nhân trần.
Bởi thế, câu nói: "Giờ tôi chưa đến" hoặc "chưa đến giờ của Người" không những đã làm cho thân thế và hoạt động của Ðức Yêsu thêm bí ẩn khó hiểu mà còn gây nên những tò mò, thắc mắc: giờ đó là gì? Khi nào sẽ đến? Giờ đó liên quan thế nào với đời sống con người?
Trong sách Tin Mừng thánh Yoan đã ghi rõ cho chúng ta biết khung cảnh và khoảng thời gian khi Ðức Yêsu tuyên bố giờ của Người đã đến. Câu nói xảy ra vào tuần lễ cuối cùng trong cuộc đời dương thế của Người, sau khi khải hoàn tiến vào Yêrusalem, giữa những tiếng hoan hô, kính phục của đám dân Dothái vào dịp lễ Vượt qua năm 30. Lẽ ra, Người phải xem đây là khung cảnh thuận lợi để tuyên bố giờ của Người đã đến, do đó giải tỏa được bao thắc mắc, tò mò của những kẻ chung quanh! Nhưng không, thánh Yoan đã ghi lại bối cảnh Ðức Yêsu vào thành Yêrusalem bằng một giọng văn mỉa mai, diễn tả tâm trạng chua xót của Người trước những tiếng hoan hô, những khuôn mặt hớn hở của đám dân hiếu thắng, không chút hiểu biết về sứ mạng của Người.
Thế nhưng, khi có vài người lương dân Hylạp, ngỏ ý muốn "nhìn thấy Ðức Yêsu" (Yn 12,21), thì thay vì trả lời trực tiếp hoặc có thái độ đón nhận. Người đã công nhiên tuyên bố: "Ðã đến giờ Con Người được tôn vinh!". Những người Hylạp này không phải là công dân Dothái sống ở hải ngoại (diaspora) (Yn 7,35) nhưng họ quả thật là lương dân, thuộc hạng người mà Thánh Kinh gọi là "Những kẻ biết kính sợ Thiên Chúa" (Cv 10,2.22.35; 13,16.26). Họ không đến Yêrusalem như người ngoạn cảnh, nhưng lên đền thờ để hành hương vào dịp đại lễ Vượt qua.
Phân tích nguyện vọng của họ trong câu nói: "Chúng tôi muốn nhìn thấy Ðức Yêsu", hầu như chúng ta bắt gặp được chủ ý thần học của thánh sử Yoan. Nếu họ chỉ muốn nhìn thấy Ðức Yêsu như một nhân vật nào khác, có lẽ họ đã không cần tới Philipphê làm trung gian. Nhưng đặt câu nói vào văn mạch của Yoan, "muốn nhìn thấy" Ðức Yêsu có nghĩa là muốn nói chuyện với Người, muốn trao đổi với Người, muốn có tương quan với Người, muốn biết Người. Vả lại, trong ngôn ngữ thần học của Yoan, ta thường gặp thánh nhân đôi khi sử dụng động từ "nhìn thấy" để diễn tả một thực trạng nội tâm sâu xa hơn, đó là "tin" vào Ðức Yêsu. Như vậy, ta có thể thay thế câu: "Chúng tôi muốn nhìn thấy Ðức Yêsu" bằng câu: "Chúng tôi muốn đặt niềm tin vào Người" (Cf Yn 1,14.18.51; 3,11.32; 8,56; 14,9.19). Vì theo Yoan, mẫu người tín hữu đích thực, chính là người môn đệ yêu quý của Ðức Yêsu, khi bước vào mồ Chúa trong ngày Phục sinh: ông "đã thấy và đã tin" (Yn 20,8).
Những người Hylạp muốn gặp Ðức Yêsu, nhưng phải qua trung gian. Phải chăng điều đó ngụ ý rằng: lương dân sau này cũng phải đón nhận Tin Mừng cứu độ qua trung gian lời rao giảng của các tông đồ: họ như đã nhìn thấy Ðức Yêsu qua sứ điệp Tin Mừng... Nhưng giữa việc lương dân muốn nhìn thấy Ðức Yêsu và các việc tông đồ rao giảng Tin Mừng cứu độ còn có một biến cố quan trọng nữa: đó là cuộc Thương khó và Phục sinh của Ðức Yêsu, đó là lúc Người thể hiện giờ của mình theo lệnh Chúa Cha: "Giờ đã đến để Con Người được tôn vinh" (Yn 12,32). Giờ Khổ nạn và Phục sinh đánh dấu cao điểm của lịch sử cứu độ, giờ mà hồng phúc cứu độ không còn là di sản riêng của dân Dothái, giờ mà mọi phân cách giữa dân Dothái và Hylạp, đại diện cho lương dân, không còn nữa.
Thật vậy, Yoan đã loan báo cho chúng ta Tin Mừng cứu độ: khi lương dân biểu lộ niềm tin vào Ðức Yêsu, thì đó chính là lúc vinh quang của Người được phát hiện. Và từ lúc ấy, Người đã mạc khải cách cụ thể con đường cứu độ qua dụ ngôn hạt lúc mì. Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất không thối nát và tan biến đi, thì sẽ không thể sinh hoa kết quả nuôi dưỡng con người được. Ðó là giờ khai mở con đường thập giá và khổ nạn để Ðức Yêsu thực hiện sứ mệnh cứu chuộc nhân trần (Yn 12,27; Cf Mc 14,41).

2. Giờ Của Chúa Yêsu Trong Cuộc Sống Nhân Loại
Theo thánh Yoan, giờ khổ nạn của Ðức Yêsu đã bắt đầu khi dân ngoại tìm đến xem Người. Còn theo thánh Marcô thì giờ ấy đã bắt đầu khi Người giáp mặt với kẻ "tội lỗi" trong vườn Giếtsêmani. Và từ đây con đường thập giá của Người như mang trọn vẹn ý nghĩa: qua Ðức Yêsu thụ nạn, ta thấy được niềm tủi hận, nỗi khổ đau và cảnh chết chóc của loài người: tiếng kêu la, nước mắt của Ðức Kitô (Hr 5,7) nhưng vọng lại âm hưởng và báo trước mọi trạng huống bi đát của nhân loại. Mọi người, không phân biệt Dothái hay lương dân, đều được mời gọi chứng kiến và tham dự giờ của Người. Lời cầu nguyện khẩn xin và thái độ vâng phục của Ðức Yêsu diễn tả thật đầy đủ vai trò trung gian (Pontifex) và địa vị trưởng tử mọi loài thọ sinh (Primogenitus) của Người. Nhờ thế cái chết và sự phục sinh của Người mang lại ý nghĩa cho cuộc sống nhân loại.
Nhưng tại sao giờ của Ðức Yêsu lại là giờ của Thập giá và Phục sinh.

3. Giờ Của Chúa Yêsu Ðể Thực Hiện Giao Ước Mới
Lịch sử cứu độ qua các mối tương quan giao ước giữa Thiên Chúa và loài người như trả lời cho chúng ta câu hỏi ấy. Từ giao ước với Adam (Kn 3,15), với Noe (Kn 9,1-17), với Abraham (Kn 17,1-17), với dân được tuyển chọn ở Sinai (Xh 19,24), với Ðavít (2S 7), đến lời hứa giao ước mới mà Thiên Chúa dùng tiên tri Yêrêmia loan báo (Yr 31,31-34): tất cả những lời giao ước đó đều thấy thực hiện viên mãn trong giờ của Ðức Yêsu.
Lời loan báo: "Này đây sẽ đến những ngày Ta ký giao ước của Ta..." trong Yêrêmia gặp được tiếng vọng đáp trả trong câu: "Và bây giờ..." của Phúc Âm thứ tư (Yn 12,27-31). Nay là lúc lời hứa ban giao ước mới cho con người được thực hiện. Quả vậy, nội dung của giao ước mới hệ tại việc Thiên Chúa ghi luật pháp của Người trên trái tim và ban Thánh Linh trong tâm hồn loài người, để họ có thể nhận biết Thiên Chúa (Ez 36,26-27). Từ đó, Giao ước mới quả đã thực hiện lời Thiên Chúa hứa với nguyên tổ (Kn 3,15), đem lại chiến thắng cho con người, và tái lập tương quan mật thiết giữa Thiên Chúa với họ.
Bởi thế, khi dân ngoại ngỏ ý với các môn đệ, là đại diện dân Dothái, được nhìn xem, hiểu biết Ðức Yêsu, thì ta có thể nói đó là toàn thể nhân loại như đang quy hướng và tiến về giờ của Ðức Yêsu, để biến lịch sử thế giới thành lịch sử cứu độ. Như vậy, cuộc hành trình của nhân loại, dầu lắm khi mang đầy thương tích khổ đau, thất bại, tuyệt vọng, cũng sẽ tìm được ý nghĩa tròn đầy trong giờ của Ðức Yêsu, giờ cứu độ bằng con đường Khổ giá và Phục sinh.

Giảng Lễ
Các tuần lễ mùa Chay - có thể nói - đến hôm nay là hết. Chúa nhật sau đã là Lễ Lá và đi vào Tuần Khổ nạn, Thương khó rồi. Các bài đọc Kinh Thánh hôm nay vì thế không còn nói đến việc chuẩn bị đi vào Mầu nhiệm Cứu độ nữa. Giờ của Ðức Kitô đã đến, như lời Phúc Âm nói. Và như trong câu đầu của bài đọc I, nay đã đến ngày Thiên Chúa ký kết một giao ước mới với Dân Người. Chúng ta hết thảy được mời gọi chứng kiến và tham dự chính mầu nhiệm cứu thế sắp diễn ra trong phụng vụ. Thế nên, không còn phải là lúc nhìn vào mình hay nhìn đi đâu, nhưng là nhìn vào chính Thiên Chúa, chính Ðức Kitô đang sắp sửa thực hiện cho Dân Chúa kế hoạch cứu vớt ngàn đời. Bổn phận của chúng ta, trong ngày hôm nay và trong suốt tuần này, là phải chăm chú hướng lòng, hướng mắt về Chúa để chiêm ngưỡng và đón nhận mọi hành vi mà Ngài sắp làm cho ta. Các bài Kinh Thánh hôm nay có sức giúp ta làm công việc ấy, vì tất cả đều nói đến giờ của Chúa và của Ðức Kitô.
Trước hết, bài đọc thứ nhất cho ta thấy đã đến ngày Thiên Chúa muốn ký kết với Dân Người một giao ước mới, khác hẳn mọi giao ước trước đây. Chúng ta nhớ trong các Chúa nhật trước, phụng vụ đã lần lượt nhắc đến các giao ước thời Noe, thời Abraham, thời Môsê, thời lưu đày. Càng đi, các bản giao ước ấy càng trở nên phong phú, sâu xa và thiêng liêng, hoàn hảo hơn. Nhưng chưa bao giờ ta nghe nói đến một giao ước tốt lành như hôm nay. Hình ảnh về giao ước Noe là một chiếc cầu vồng ở trên trời, vừa xa chúng ta, vừa dễ tan biến.
Với Abraham dấu hiệu của giao ước là lễ nghi cắt bì; nhưng thật sự chỉ hạn chế trong dòng dõi Dothái về phương diện máu thịt. Sang đến thời Môsê, đó là luật pháp và máu chiên bò rảy xuống trên dân. Giao ước vẫn còn hình thức xã hội và bề ngoài. Song đến thời lưu đày, thật ra không có giao ước mới nào: nhưng việc Chúa đưa dân lưu lạc trở về cũng là dấu chỉ Ngài giữ lời giao ước. Nhất là trong lúc lưu đày, Chúa hướng lòng dân chờ đợi một giao ước mới, một giao ước vĩnh cửu, cũng như bài đọc thứ I hôm nay cho chúng ta thấy. Khác với mọi giao ước trước đây, giao ước mới này sẽ được ghi trong tâm khảm mỗi người, để mọi người thấy Chúa ở ngay trong tâm hồn mình, khiến ai ai cũng tự mình có kinh nghiệm về Thiên Chúa, không cần phải hỏi thăm hay học hỏi với ai về sự hiểu biết này nữa. Giao ước mới này - như vậy - vượt xa mọi giao ước trước. Liên hệ giữa Chúa và chúng ta trở thành sâu xa, nội tại ngay trong tâm hồn. Chúa sẽ xóa bỏ mọi tội lỗi cho dân Người, không còn nhớ nữa. Người chỉ còn tỏ rõ bộ mặt thương yêu, hiều dịu với ta, để ta cảm thấy thật sự tình Người mật thiết.
Nhưng lòng con người đã sẵn sàng để Chúa ghi giao ước tốt đẹp đó vào chưa? Ðó là cả vấn đề. Kinh thánh thường phàn nàn: lòng dân Dothái thật chai đá. Và lòng ai ai không ít nhiều như vậy? Thế mà giao ước của Chúa chỉ có thể viết trên những trái tim bằng thịt, nồng nàn yêu mến Chúa, chia sẻ những tâm tình của Chúa. Cho nên những người đạo đức hồi xưa luôn cầu khẩn: Lạy Chúa xin tạo dựng cho con một trái tim trong sạch, như chúng ta vừa đọc trong bài đáp ca. Thành ra, bao giờ Chúa cũng sẵn sàng ký kết giao ước tình yêu, Ngài chỉ còn chờ thời gian thuận lợi về phía ta. Hôm nay, Ngài tuyên bố ngày giờ đó đã đến rồi. Căn cứ vào đâu, nếu chẳng phải vào chính lời Ðức Kitô tuyên bố trong bài Phúc Âm: Giờ Con Người đã đến?
Quả vậy, Ðức Yêsu là Con Người, là người Con Một yêu quý của Thiên Chúa Cha. Ngài đã sinh ra làm người, trở thành Adong mới, mang tất cả thân phận nhân loại ở nơi mình. Ngài gánh hết tội lỗi loài người. Và giờ đây, Ngài sắp để tội lỗi bị đóng đinh vào thập giá, thế nên nhân loại tội lỗi sắp được ơn tha thứ. Loài người sắp có khả năng đón nhận giao ước mới. Trái tim Ðức Kitô sắp bị lưỡi đòng thâu qua, để chết cho tội lỗi. Trái tim máu thịt sắp chết, trái tim chai đá tội lỗi của loài người sắp được thay thế bằng trái tim đầy lửa Thánh Thần yêu mến. Nếu Thiên Chúa phải chờ khi loài người trở lại, từ bỏ tội lỗi để ký kết giao ước mới nơi tâm khảm mọi người, thì giờ của Thiên Chúa, giờ Thiên Chúa ký kết giao ước tình yêu phải chờ giờ của Ðức Kitô, giờ Ngài cứu chuộc mọi người trong mầu nhiệm thánh giá. Thế mà trong Phúc Âm hôm nay, Ðức Kitô tuyên bố: Giờ Ngài đã đến.
Chúng ta hãy vui mừng đón nhận tin này. Bao thế hệ loài người chờ đợi ngày hôm nay. Chính Ðức Mẹ cũng đã phải chờ đợi. Hôm ở tiệc cưới Cana, Người đến thưa với Chúa: nhà đám đã hết rượu rồi. Tin ấy gợi lên trong tâm hồn Chúa Yêsu bao nhiêu hình ảnh Kinh Thánh thường ví cảnh lầm than của dân Chúa tội lỗi với cảnh thiếu rượu, thiếu nước. Ðức Mẹ nói đến một sự kiện vật chất; nhưng Chúa Yêsu lại nghĩ ngay đến bình diện thiêng liêng. Lời xin của Ðức Mẹ trở thành lời cầu ơn tha thứ cứu độ. Nhưng chưa đến giờ ấy, Chúa Yêsu đã trả lời: chưa đến giờ của Người.
Hôm nay, ngược lại, Người tuyên bố rõ: giờ Người đã đến rồi. Người tuyên bố như thế, khi thấy dân ngoại ngỏ ý muốn gặp Người. Làm sao Người có thể không đáp ứng được lòng khát vọng của muôn dân? Không phải chỉ dân Dothái cần ơn cứu độ. Mọi dân tộc đang đặt hy vọng vào Người, Người là Ðấng yêu thương nhân loại, làm sao có thể từ chối lời cầu xin tha thiết của thế giới lầm than vì tội lỗi? Lời xin ấy trở thành như tiếng nói của Chúa Cha, ngỏ ý chờ đợi ngày giờ để thi hành kế hoạch tình yêu, tha tội lỗi cho loài người, đã ký kết giao ước mới cho họ.
Như thế ta mới dễ hiểu vì sao Ðức Kitô lại gọi giờ của Người là giờ vinh quang. Người trở thành vinh hiển thật sự trong giờ phút chấp nhận ra đi cứu thế. Và ta cũng dễ hiểu, vì sao sau khi Ðức Kitô tuyên bố giờ Người đã đến, có tiếng Chúa Cha phán với Người, như để tỏ dấu thông cảm, thỏa mãn...
Thế nên tâm tình thứ nhất của chúng ta hôm nay sau khi đọc các bài Kinh Thánh này, là cảm mến lòng nhân ái bao la của Chúa Cha và Chúa Con. Chính Chúa Cha đã dự liệu ngày giờ ban ơn tha thứ và ký kết giao ước mới cho ta. Chính Chúa Con đã bằng lòng đi đến ngày giờ ấy để kế hoạch tình yêu được thực hiện hầu ta nhận được tân ước vĩnh cửu trong Máu Thánh Người. Ðồng thời chúng ta cũng biết qua Kinh Thánh: giao ước đòi ta đáp ứng mới có thể trở thành phong phú. Nên Chúa Yêsu muốn kéo tất cả chúng ta lên với Ngài trên thánh giá, để đóng đinh xác thịt tội lỗi ta vào đó, để trái tim chai đá của ta bị đâm thâu hầu trái tim ta trở nên mềm mại cho ơn Thánh Thần yêu mến nhào nặn.
Như vậy, chúng ta cần chăm chú nhìn vào Chúa Yêsu, như bài Thánh Thư hôm nay mô tả để ta bắt chước trong đời sống cụ thể. Người khóc lóc, nhưng tin tưởng, xin Chúa Cha tha tội cho loài người. Người cũng không làm gì khác hơn ở trong thánh lễ này, vì giờ đây mầu nhiệm thập giá cũng được thực hiện lại để kéo lòng chúng ta lên với Chúa, chia sẻ tâm tình cứu thế của Ngài. Nếu chúng ta thành thật kết hợp mật thiết với Ngài trong thánh lễ này, thì chắc chắn trong cả tuần, chúng ta phải thao thức ghét tội và tha thiết cầu xin cho dân tộc, thế giới được sạch tội, để đời sống của chúng ta thực sự là đời sống trong Tân Ước vĩnh cửu, mà Ðức Kitô khai mạc khi giờ Người đã đến.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)



Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật V Mùa Chay, Năm B
Bài đọcJer 31:31-34; Heb 5:7-9; Jn 12:20-33.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sự vâng phục và đau khổ mang lại ơn Cứu Độ cho con người.
Chúng ta đang sống trong thời đại mà nhiều người khinh thường sự vâng phục và chạy trốn đau khổ. Nhiều người thời đại cho vâng lời là yếu đuối và giới hạn tự do của họ. Vì thích hưởng thụ, nên họ cũng trốn tránh mọi gian khổ và từ chối phải hy sinh cho người khác. Nhưng họ phải hiểu: Nếu một trẻ nhỏ chưa đủ trí khôn suy xét, em phải vâng lời cha mẹ để tránh được những hậu quả xấu sẽ xảy ra; tương tự như vậy cho mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa: vì con người không thể hiểu những bí nhiệm trong trời đất, vâng lời Thiên Chúa là chuyện tự nhiên phải làm, nếu họ không muốn gánh chịu các hậu quả không hay xảy đến. Hơn nữa, nếu cha mẹ hay những người đi trước cũng sống ích kỷ và trốn tránh đau khổ, làm sao họ có mặt trong cuộc đời, và được hưởng những tiện nghi và địa vị như họ có bây giờ.
Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta nhìn thấy những lợi ích do vâng lời và chịu đựng đau khổ mang lại. Trong Bài Đọc I, dân tộc Israel đã hủy bỏ giao ước mà Thiên Chúa đã ký kết với họ trên núi Sinai, khi họ không vâng phục Lề Luật của Thiên Chúa. Nhưng vì yêu thương nên Ngài sẽ ký kết họ một giao ước mới để giúp họ dễ nhớ và dễ làm hơn, bằng cách khắc ghi Lề Luật trong tâm trí của họ. Trong Bài Đọc II, tác giả Thư Do-thái xác quyết: Vì Chúa Giêsu vâng lời làm theo ý Chúa Cha và chịu đựng đau khổ, Ngài đã đem lại ơn cứu độ cho những ai vâng lời Người. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cũng đưa ra ích lợi của việc vâng lời và chịu đau khổ qua hình ảnh của hạt giống: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Sự khác biệt giữa giao ước mới và cũ
1.1/ Lý do tại sao giao ước cũ ra vô hiệu: Giao ước là những cam kết giữa hai bên về những bổn phận và quyền lợi của mỗi bên. Nếu một bên không chu tòan bổn phận, giao ước sẽ trở nên vô hiệu và vị hủy bỏ. Trong giao ước Thiên Chúa ký kết với dân trên núi Sinai, Chúa hứa sẽ săn sóc và bảo vệ Israel nếu họ tuân giữ Lề Luật Ngài ban cho dân qua Moses. Dân đã hủy bỏ giao ước này vì họ đã không tuân giữ Lề Luật của Thiên Chúa. Tiên-tri Jeremiah nhìn thấy trước ngày Chúa sẽ thiết lập một giao ước mới với dân khi ông tuyên bố: “Này sẽ đến những ngày - sấm ngôn của Đức Chúa - Ta sẽ lập với nhà Israel và nhà Judah một giao ước mới, không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng, ngày Ta cầm tay dẫn họ ra khỏi đất Ai-cập; chính chúng đã huỷ bỏ giao ước của Ta, mặc dầu Ta là Chúa Tể của chúng - sấm ngôn của Đức Chúa.”
1.2/ Sự khác biệt giữa giao ước mới và cũ: Có một sự khác biệt nhỏ giữa Bản Bảy Mươi và Bản Do-thái: Bản Bảy Mươi nói rõ “ghi trong trí não;” trong khi Bản Do-thái dùng chữ tổng quát “bên trong, kêreb.” Vì thế, điều khác biệt giữa hai giao ước là: Trong giao ước mới, Lề Luật được khắc trong trí và trong tim con người; trong giao ước cũ, Lề Luật được khắc trên bia đá, ở ngòai con người. Nếu Lề Luật được khắc ghi vào tận trí và tim con người, tất cả đều biết Thiên Chúa, và không cần phải dạy bảo nhau hay nói "Hãy học cho biết Đức Chúa."
Con người của giao ước cũ phải học cho biết Lề Luật, và sau khi đã biết Lề Luật, họ vẫn vi phạm, vì không có sức mạnh từ bên trong để thi hành. Con người của giao ước mới không cần phải học mới biết vì Lề Luật đã được ghi khắc vào tâm trí, và họ có sức mạnh từ bên trong để thi hành Lề Luật. Đa số các học giả Kinh Thánh và thần học đều cho Lề Luật đề cập ở đây là Giới Luật Yêu Thương của Tân Ước, cách cụ thể là hai giới luật “Mến Chúa yêu người.” Một khi con người có tình yêu, họ có sức mạnh từ bên trong để chu tòan mọi Lề Luật. Thánh Thomas Aquinô giải thích: Luật yêu thương không những giữ tay con người đừng phạm tội, mà còn kềm chế cả trí óc con người, để đừng ham muốn hay làm thiệt hại tha nhân.
2/ Bài đọc II: Sự vâng phục của Đức Kitô mang lại ơn Cứu Độ cho con người.
2.1/ Chúa Giêsu vâng lời Thiên Chúa Cha: Cả 3 Tin Mừng Nhất Lãm đều tường thuật cuộc chiến đấu của Chúa Giêsu trong Vườn Cây Dầu, khi Ngài kêu xin lên Thiên Chúa Cha: "Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha" (Mt 26:39, Mk 14:36, Lk 22:42). Tác giả Thư Do-thái cũng tường thuật cuộc chiến đấu và sự vâng lời của Chúa Giêsu: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính.” Sự kiện này cho ta thấy ngay cả Chúa Giêsu, trong thân phận con người, cũng không dễ để từ bỏ ý riêng mình, vâng lời và làm theo thánh ý Chúa Cha. Chỉ có một điều giúp Chúa Giêsu vượt qua cuộc chiến đấu là tình yêu Ngài dành cho Chúa Cha, và sự xác tín của Ngài vào Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa.
Nếu từ bỏ ý mình đã khó, ôm lấy đau khổ còn khó hơn. Tác giả Thư Do Thái cho thấy sự liên quan giữa vâng lời và đau khổ: “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục.” Từ bỏ ý mình là đã phải chịu đau khổ rồi; từ bỏ ý mình và chấp nhận chịu đau khổ, còn đau khổ hơn nữa. Một cuộc đời vâng lời chịu đựng đau khổ như thế giúp con người hòan tòan tin tưởng nơi Thiên Chúa và sinh ích cho mọi người.
2.2/ Những ai vâng lời Chúa Giêsu sẽ được hưởng ơn Cứu Độ:
- Sự vâng lời của Đức Kitô mang lại ơn cứu độ cho con người: Nếu Chúa Giêsu không chấp nhận con đường Thập Giá, Ngài sẽ không thể mang lại ơn cứu độ cho con người.
- Để được hưởng ơn cứu độ, con người phải vâng phục Đức Kitô: Nếu con người không tin Ngài là Đấng Thiên Chúa sai đến để đổ máu cứu chuộc con người, con người sẽ không được hưởng ơn Cứu Độ.
3/ Phúc Âm: Khi Chúa Giêsu chịu giương cao trên Thập Giá, Ngài sẽ kéo con người lên theo.
3.1/ Vinh quang đạt được qua vâng lời và chịu đau khổ: Trình thuật mở đầu với sự mong muốn của mấy người Hy-lạp được gặp Chúa Giêsu. Đặc tính của người Hy-lạp là tìm kiếm sự khôn ngoan, họ lang thang bất cứ đâu họ nghĩ có sự khôn ngoan để học. Họ chắc chắn đã được nghe về Chúa Giêsu và hôm nay tìm đến để học sự khôn ngoan của Ngài. Họ không thất vọng, vì Chúa Giêsu dạy cho họ 3 điều khôn ngoan họ sẽ không tìm thấy ở bất cứ nơi nào:
(1) Phải chết đi mới đem lại sự sống: Con người ham sống và sợ chết; nhưng theo Luật Thiên Chúa, phải chết đi trước mới có thể sống và mang lại sự sống. Chúa Giêsu dạy: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.” Nếu một người sợ chết, họ sẽ không bao giờ biết sống; nhưng nếu một người không sợ chết, họ sẽ sống và sống dồi dào. Họ sẽ không sợ bất cứ một quyền lực nào cả.
(2) Phải hy sinh cho đi mới mong được nhận lại: Tục ngữ Việt-nam dạy “Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại.” Nếu người khác đã hy sinh lo cho mình, mình phải hy sinh đền trả lại cho hợp lẽ công bằng. Hơn nữa, Chúa Giêsu còn dạy các môn đệ phải bắt đầu trước bằng cách hy sinh cho người khác, và không cần trả ơn để Thiên Chúa, Đấng ngự trên trời sẽ trả ơn. Những người ích kỷ chỉ biết vun quét cho mình, sẽ dần dần bị người khác nhận ra và khai trừ, và họ sẽ mất cuộc sống đời sau như lời Chúa nói: “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.”
(3) Phải phục vụ mới mong được quý trọng: Con người thích được phục vụ và được người khác quý trọng, nhưng Chúa Giêsu dạy: “Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy.” Họ không thể thích cả hai; nếu muốn được quý trọng, họ phải hy sinh để phục vụ mọi người. Người hy sinh phục vụ mọi người sẽ được Thiên Chúa và mọi người quý trọng và thương yêu.
3.2/ Cuộc chiến đấu để từ bỏ ý mình của Chúa Giêsu:
(1) Vâng theo thánh ý để Thiên Chúa được vinh quang: Thánh-sử Gioan không tường thuật cuộc chiến đấu của Chúa Giêsu trong Vườn Cây Dầu, những gì Ngài tường thuật hôm nay thay thế cho biến cố đó. Chúa Giêsu bị đặt trước hai con đường: hoặc theo ý mình bằng cách xin Chúa Cha cứu cho thóat khỏi Cuộc Thương Khó tàn bạo sắp xảy ra, hoặc chấp nhận tiến tới để danh Cha được vinh quang. Ngài tâm sự với các mô đệ: "Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha."
Bấy giờ có tiếng từ trời vọng xuống: "Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa!" Chúa Cha luôn làm chứng cho Chúa Con trước mặt mọi người, trong những biến cố quan trọng như khi Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, khi Chúa Giêsu Biến Hình, và trước Cuộc Thương Khó của Ngài. Dân chúng lẫn lộn khi nghe tiếng Chúa Cha làm chứng, có người nói: "Đó là tiếng sấm!" Người khác lại bảo: "Tiếng một thiên thần nói với ông ta đấy!" Đức Giêsu đáp: "Tiếng ấy đã vọng xuống không phải vì tôi, mà vì các người.” Khi Cuộc Thương Khó xảy đến, họ biết đó là ý định của Thiên Chúa, chứ không do sức mạnh và quyền lực của thế gian.
(2) Chịu đựng đau khổ để con người được cứu độ: Ngòai việc vâng lời để làm vinh quang Thiên Chúa, Chúa Giêsu còn muốn chịu đau khổ để con người được cứu độ. Vì tội không vâng phục của con người, Adam cũng như tất cả mọi người, con người sống dưới quyền lực của ma quỉ và ách nô lệ của tội lỗi và sự chết. Bằng việc chấp nhận Cuộc Thương Khó, Chúa Giêsu gánh tội cho con người, kéo họ ra khỏi quyền lực của Satan, tên thủ lãnh thế gian, và đưa mọi người về cho Thiên Chúa. Chúa Giêsu tuyên bố: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi." Khi Chúa Giêsu chịu giương cao trên Thập Tự, đó là lúc Thiên Chúa đánh bại quyền lực của quỉ thần để giải thóat con người.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Khi có sự xung đột ý kiến, chúng ta phải từ bỏ ý mình và làm theo ý Chúa, vì chúng ta biết ý Thiên Chúa luôn là ý khôn ngoan hơn ý chúng ta và chắc chắn dẫn đến điều tốt lành.
- Như Chúa Cha và Chúa Con đã vì yêu thương, hy sinh chịu gian khổ để mang lại ơn cứu độ cho con người, chúng ta cũng phải yêu thương và chịu đựng gian khổ để mọi người nhận biết Danh Chúa và làm cho Nước Chúa mau trị đến.
- Bất tuân Thiên Chúa và sống ích kỷ là hai cách nhanh nhất đưa con người tới chỗ diệt vong.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


18/03/2018 - CHÚA NHẬT TUẦN 5 MC – B
Ga 12,20-33

ĐỂ SINH NHIỀU HOA TRÁI
“Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.” (Ga 12,24)
Suy niệm: Hình ảnh hạt lúa rất gần gũi với chúng ta. Hôm nay, Đức Giê-su mượn hình ảnh này diễn tả một lối sống hoàn hảo trong Ki-tô giáo. Hạt lúa phải thối đi, hư nát đi, bấy giờ nó mới có thể nẩy mầm và sinh nhiều bông hạt, vì trong nó có mầm của sự sống. Cũng thế, Ki-tô hữu phải chấp nhận thánh giá hằng ngày, chấp nhận mọi sự miễn sao Đức Ki-tô được rao giảng, bấy giờ Tin Mừng mới được vang xa và có cơ hội nẩy mầm trong lòng người. Thế nhưng, ta đang sống trong một thế giới hưởng thụ, dễ có mấy ai dám hy sinh chấp nhận để sống như hạt lúa! Lời Chúa ta đọc, thập giá Chúa hằng ngày ta tuyên xưng luôn nhắc ta đón nhận thánh giá và sống cho Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta. Đó là chân lý sống và là một đòi hỏi không ngừng.
Mời Bạn: Nếu thế gian đang tìm kiếm danh, quyền, tiền và hưởng thụ khoái lạc, thì Chúa đang mời ta tìm sự sống hoàn mỹ của Đức Giê-su bằng lối sống đơn sơ, khiêm hạ, khó nghèo và hy sinh.
Chia sẻ: Kể cho nhau những kết quả tốt đẹp trổ sinh từ những hy sinh của người Ki-tô hữu.
Sống Lời Chúa: Dành thì giờ suy ngắm thập giá Chúa Ki-tô và chọn lối sống gắn bó với Thánh Giá để nên một với Chúa trong mầu nhiệm chết và phục sinh của Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su là Đấng hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, xin uốn lòng con nên giống trái tim Chúa. Xin cho con biết sống đẹp lòng Chúa, cho dù con bị thua thiệt đến nghiệt ngã. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)


HT LÚA TRƠ TRI (18.3.2018 – Chúa nht 5 Mùa Chay, Năm B
Sau nhiu ln dám liu mt tt c đ ri ng ngàng thy mình được li quá nhiu, tôi s d dàng chn cái mt trước mt như con đường dn đến cái được vĩnh hng.


Suy nim:
“Nếu hạt lúa rơi vào lòng đất, mà không chết đi
thì nó vẫn trơ trọi một mình.
Còn nếu nó chết đi thì mới sinh nhiều bông hạt”
Chẳng ai trong chúng ta ngạc nhiên khi nghe câu trên.
Ðó là luật tự nhiên chi phối cây cỏ,
nhưng lắm khi tôi thấy khó áp dụng cho mình.
Tại sao tôi phải chết để người khác được sống?
Chết để sinh nhiều bông hạt ư?
Nhưng nhiều bông hạt có ích gì, khi chính tôi bị tan vỡ?
Chính vì thế tôi không muốn chết như hạt lúa.
Tôi chấp nhận trơ trọi một mình.
Tôi cô đơn với tôi, để được yên ổn.
Tôi sợ mất mát, vì mất mát đem lại đớn đau,
nên tôi tìm đủ cách để giữ lại những gì tôi có, những gì tôi là.
Tiếc thay, lúc giữ được tất cả
tôi lại thấy mình mất tất cả,
vì mất ý nghĩa của cuộc sống.
Tôi như con thú chỉ biết chăm lo cho bộ lông của mình.
Dần dần qua những kinh nghiệm đau thương,
tôi mới nhận ra rằng: chỉ có một cách giữ chặt,
đó là buông ra và trao hiến.
Tôi bắt đầu được khi chấp nhận mất.
Sự sống đời đời đã bắt đầu, hạnh phúc đã hé nụ
ngay lúc này, ngay ở đây, cho tôi.
Như con ốc sên, chỉ bò được khi chui ra khỏi vỏ,
tôi chỉ giàu có và triển nở mọi mặt
khi quảng đại ra khỏi lớp vỏ của mình,
ra khỏi những bận tâm, tính toán, xây đắp cho mình,
để sống cho tha nhân và cho Thiên Chúa.
Lời kinh Hòa Bình lại vang vọng trong tôi:
“Vì chính khi hiến thân, là khi được nhận lãnh,
chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân...”
Nhưng hiến thân, quên mình, hy sinh, từ bỏ,
đón lấy cái chết như hạt lúa vùi sâu,
những điều đó đã làm chính Ðức Giêsu dao động.
“Bây giờ tâm hồn Thầy xao xuyến
Thầy biết nói gì đây?
Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này chăng?
Nhưng chính vì giờ này mà con đã đến.” (c. 27)
Ðã có những giây phút giằng co, ngần ngại,
đã có những cuộc chiến Vườn Dầu ở trong tôi.
Nếu tôi kiên trì tỉnh thức và cầu nguyện,
tôi sẽ thắng được nỗi sợ bị thua thiệt, mất mát.
Sau nhiều lần dám liều mất tất cả
để rồi ngỡ ngàng thấy mình được lại quá nhiều,
tôi sẽ dễ dàng chọn cái mất trước mắt
như con đường dẫn đến cái được vĩnh hằng.
Xin Ðức Giêsu bị đóng đinh kéo tôi lên với Ngài,
kéo tôi lên khỏi đất, kéo tôi ra khỏi tôi.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
khi nhìn thấy đồng lúa chín vàng
chúng con ít khi nghĩ đến những hạt giống
đã âm thầm chịu nát tan
để trao cho đời cây lúa trĩu hạt.

Có bao điều tốt đẹp
chúng con được hưởng hôm nay
là do sự hy sinh quên mình của người đi trước,
của các nhà nghiên cứu, các người rao giảng,
của ông bà, cha mẹ, thầy cô,
của những người đã nằm xuống
cho quê hương dân tộc.
Đã có những con người sống như hạt lúa,
để từ cái chết của họ
vọt lên sự sống cho tha nhân.

Nhờ công ơn bao người,
chúng con được làm hạt lúa.
Xin cho chúng con
đừng tự khép mình trong lớp vỏ
để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của mình,
nhưng dám đi ra
để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ.

Chúng con phải chọn lựa nhiều lần trong ngày.
Để chọn tha nhân và Thiên Chúa,
chúng con phải chết cho chính mình.
Ước gì chúng con dám sống mầu nhiệm vượt qua
đi từ cõi chết đến nguồn sống,
đi từ cái tôi hẹp hòi đến cái tôi rộng mở
trước Đấng Tuyệt Đối và tha nhân. Amen.

Lm Antôn Nguyn Cao Siêu, SJ



Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
18 THÁNG BA
Hệ Tại Ở Tấm Lòng
Giáo Hội kêu gọi chúng ta hòa giải với Thiên Chúa. Tin Mừng nhắc chúng ta rằng việc hòa giải hệ tại ở tấm lòng. Cốt lõi của đời sống đức tin chính là một thái độ đúng đắn đối với chính mình và đối với Thiên Chúa. Nếu chúng ta là những môn đệ đích thực và những chứng nhân của Đức Kitô, chúng ta không thể sống mà không tìm kiếm sự hòa giải bên trong tâm hồn mình đối với Thiên Chúa. Chúng ta không thể ở lại trong tội lỗi, cũng không thể tiến bước trên đường về nhà Cha bằng … nửa tấm lòng – trong khi Cha đang nóng ruột quay quắt chờ mong trông thấy bóng ta trở về!
Qua dụ ngôn Người Con Đi Hoang, Chúa Giê-su đã cho chúng ta thấy sức mạnh và cái đẹp của sự giao hòa bằng cách đánh động không chỉ trí năng của ta mà cả óc tưởng tượng, trái tim và lương tâm ta nữa. Biết bao con người trong các thời đại đã qua, và biết bao con người thời nay đã gặp đi gặp lại nơi dụ ngôn này câu chuyện riêng tư của chính mình!
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II



Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 18/3
CHÚA NHẬT V MÙA CHAY
Gr 31, 3-34; Dt 5, 7-9; Ga 12, 20-33.

LỜI SUY NIỆM: “Trong số những người lên Giêrusalem thờ phượng Thiên Chúa, có mấy người Hy-lạp. Họ đến gặp ông Philípphê, người Bếtxaiđa miền Galilê, và xin rằng: “Thưa ông,  chúng tôi uốn gặp ông Giêsu.” Ông Philípphê đi nói với ông Anrê, ông Anrê cùng với ông Philípphê đến thưa với Đức Giêsu. Đức Giêsu trả lời: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh!”
Đối với người Hy-lạp, họ bị thúc đẩy bởi đam mê muốn tìm cái hay, cái lạ, cái mới mẻ. Cho nên chúng ta không ngạc nhiên khi thấy mấy người Hy-lạp tại Giêrusalem và họ muốn gặp Chúa Giêsu, để tìm chân lý nơi Người. Mạc dầu không được Chúa Giêsu cho gặp, nhưng qua lời của Người: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh!” Chúa Giêsu dùng chữ “Con Người” với ý nghĩa trong sách Đanien: “Này, có một người giống như Con Người đến với những đám mây trên trời; người đến Đấng Lão Thành và được dẫn đến trước mặt Ngài. Người được ban quyền thế, vinh hiển và các nước, hầu cho hết thảy các dân, các nước, các thứ tiếng đều phụng sự Người.” (Đn 7,13).
Lạy Chúa Giêsu. Những người Hy-lạp lên Gêrusalem muốn được gặp Chúa, cho chúng con thấy được nơi họ mở đầu cho người người Hy-lạp sau này đi theo và thờ phượng Chúa. Xin cho chúng con cũng biết cám ơn tiên nhân của chúng con, nhờ các ngài mà ngày hôm nay chúng con nhận biết và tôn thờ Chúa.
Mạnh Phương



Gương Thánh Nhân
Ngày 18-03: Thánh CYRILÔ Thành GIÊRUSALEM
Giám mục Tiến sĩ (315 - 387)

Xi-ri-lô nhiệt thành học kinh thánh tại Giêrusalem. Khoảng 30 tuổi, Ngài được thụ phong linh mục và sau nhiều thăng trầm Ngài trở thành giám mục Giêrusalem.
Một phép lạ ghi dấu khởi đầu đời giám mục của Ngài. Chính Ngài đã kể lại phép lạ ấy trong một lá thư gửi cho các vua Constansce. Ngày 7 tháng 5 năm 351, vào buổi sáng, trên nền trời thành phố hiện ra một cây thánh giá sáng chói. Thánh giá trải dài từ đỉnh Canvê tới cây dầu. Cảm kích tột độ, đàn ông đàn bà và trẻ em bỏ nhà chạy đến nhà thờ, lớn tiếng ca ngợi Chúa Giêsu là Thiên Chúa. Các khách hành hương đến viếng đất thánh loan đi khắp nơi.
Nhiều lương dân và người Do thái trở lại, Xi-ri-lô viết thư cho hoàng đế Constance biết hiện tượng lạ thường này như lời kêu gọi nhà vua trở về với đức tin công giáo.
Mục đích đầu tiên của Xi-ri-lô là nỗ lực xây dựng sự hiệp nhất giữa các tâm hồn vì không có sự phân rẽ nào có thể tổn tại được trong lòng Giáo hội, lòng bác ái của Ngài bao trùm hết những người đau khổ, đến nỗi Ngài bị trách cứ là đã bán đồ thánh và nhất là những đồ trang hoàng đại đế Contastinô đã hiến dâng cho nhà thờ.
Các giáo huấn của Ngài còn giữ lại được, đã chúng tỏ rằng: trong những thế kỷ đầu, người ta đã tôn kính dấu thánh giá thế nào, Ngài khuyên : - "Hãy in dấu thánh giá Chúa Giêsu Kitô trên trán các con. Thấy dấu này quỉ ma sẽ chạy trốn. Hãy làm dấu thánh giá khi ăn uống, khi thức dậy cũng như khi ngủ. Hãy làm dấu thánh giá trong mọi hành động".
Là mục tử gương mẫu, thánh Xi-ri-lô kiên quyết bảo vệ chân lý đức tin chống lại những kẻ lạc giáo. Ba lần Ngài bệ đày khỏi Giêrusalem và ba lần Ngài được tái lập tại tòa giám mục. Dưới thời Julianô bội giáo, khi trở lại địa phận, Ngài sẽ là chứng nhân của một sự lạ nữa không thể quên được.
Nhà vua muốn đưa ra một sự phủ nhận đối với lời tuyên bố của Chúa Giêsu về việc tàn phá đền thờ Giêrusalem, Chúa Giêsu đã loan báo rằng: đền thờ sẽ bị phá huỷ và không còn hòn đá nào trên hòn đá nào. Nhà vua muốn phủ nhận lời tiên báo, định xây lại nhà thờ tái lập lại việc thờ phượng của Do thái giáo. Các công nhân đổ về Giêrusalem. Để tái thiết đền thờ người ta đã dâng hiến mọi của cải cần thiết. Dân Do thái khắp nơi tụ tập lại. Hãnh diện vì sự bao bọc của nhà vua, họ khinh miệt và đe dọa các Kitô hữu. Đức giám mục bị tấn công cả từ phía các lương dân lẫn các tín hữu quá yếu kém lòng tin.
iữa những nhục mạ của một số người và nước mắt của một số người khác, Ngài quả quyết rằng sự thách thức bất lương sẽ đổi thành cơn bấn loạn cho lương dân và cho người Do thái. Trong khi đó, đêm ngày triệt hạ cái nền móng cũ một cách vô tình, người Do thái đã nỗ lực hoàn thành lời tiên báo không còn hòn đá nào trên hòn đá nào. Khi họ bắt đầu thực hiện việc xây cất thì có những cơn giông thổi lửa xuống đất, thiêu đốt các công nhân, làm cho họ không ai tới nơi để thực hiện công trình được. Julianô đã nghĩ tới truyện trả thù Xi-ri-lô vì sự thất bại khủng khiếp của ông. Nhưng cái chết đã ngăn cản không cho ông thực hiện ý định.
Đang khi lo lắng cho địa phận mình, Xi-ri-lô lại nhận được sắc lệnh lưu đày mới thời Valens. Ngài bị lưu đày mười một năm và đã trở lại vĩnh viễn tại Giêrusalem dưới thời vua Gratianô.
Ngài đã tham dự công đồng Constantinople. Các giám mục họp lại, viết thư cho Đức Giáo hoàng để ca tụng đức tin và thái độ anh hùng của Xi-ri-lô. Đây là chứng tích cuối cùng về con người vĩ đại đã bảo vệ đức tin Kitô giáo này.
(daminhvn.net)


18 Tháng Ba
Ðất Thánh
Một giáo xứ miền quê nọ đã được thành lập từ lâu, nhưng chưa có được một ngôi nhà thờ xây cất hẳn hoi. Giáo dân lại nằm rải rác trong hai ngôi làng sát cạnh nhau. Khát vọng duy nhất của giáo dân là được có nơi thờ phượng đàng hoàng... Với sự hăng say bộc phát của những người nông dân, mọi người đã quảng đại đáp lại lời kêu gọi của các chức sắc trong giáo xứ: kẻ góp tiền, người cho vật dụng... Thế nhưng vấn đề cơ bản vẫn là: đâu là địa điểm xứng hợp nhất để xây cất nhà thờ. Người trong làng này thì muốn ngôi nhà thờ tọa lạc trong làng của mình. Người bên làng kia thì lại muốn ngôi nhà thờ được xây cất gần bên chỗ mình ở. Thế là hai bên cứ tranh luận, không bên nào muốn nhường bên nào. Tiền đã có sẵn, vật dụng cũng đã đầy đủ, nhưng không biết phải đặt viên đá đầu tiên bên làng nào.
Giữa lúc vấn đề địa điểm chưa ngã ngũ, thì một vấn đề lớn lại xảy ra: một nạn hạn hán trầm trọng đe dọa dân chúng trong cả hai làng. Thế là người ta chỉ còn nghĩ đến việc chống hạn hán hơn là xây cất nhà thờ. Nhưng sức người có hạn, việc dẫn thủy nhập điền không đạt được chỉ tiêu. Năm đó, toàn dân trong hai làng đều phải chịu cảnh đói khát.
Sống bên cạnh nhau, cho nên mặc dù ngăn cách về hành chính, dân hai làng vẫn coi nhau như bà con ruột thịt... Có hai gia đình nông dân nọ rất mực thương nhau và tương trợ nhau. Một người bên làng này luôn nghĩ đến cảnh đói khổ mà người bạn bên làng kia đang phải chịu. Thế là một đêm nọ, anh đã phân chia phần lúa thóc thu hoạch được trong vụ mùa vừa qua và lặng lẽ vác lên vai để mang qua cứu trợ người bạn của làng bên cạnh... Trong khi đó thì người bạn bên làng bên cạnh cũng có một ý nghĩ tương tự. Anh cũng hành động y như người bạn của mình. Cũng chính đêm hôm đó, anh đã sớt bớt phần lúa của mình để mang qua biếu người bạn ở làng kế bên... Giữa đêm tối, không hẹn hò, hai người bạn đã gặp nhau trong cùng một ý nghĩ và hành động. Không cần một lời giải thích, không cần một lời chào hỏi, hai người đã hiểu nhau: Họ bỏ bao lúa xuống đất và ôm trầm lấy nhau... Ðiểm gặp gỡ của tình bạn, của tình tương thân tương ái, của tình liên đới, của chia sẻ ấy đã được giáo dân của hai ngôi làng gọi là đất Thánh và không cần phải mất nhiều thủ tục để giải quyết, họ đã đồng thanh chọn địa điểm ấy làm nơi xây cất nhà thờ.
Nhà thờ là nơi hẹn hò: hẹn hò với Thiên Chúa, hẹn hò với con người. Không ai đến nhà thờ mà không tìm gặp được sức mạnh từ chính Chúa, sự an ủi đỡ nâng từ những người anh em của mình... Do đó, nhà thờ phải là điểm đến của mọi nẻo đường, nhà thờ phải là nơi hội tụ của mọi xây dựng, nhà thờ phải là giải đáp của mọi tranh luận... Người ta không thể xây dựng những ngôi nhà thờ nguy nga tráng lệ mà lại làm ngơ trước những người đang dẫy chết bên cạnh. Người ta không thể nhắm mắt đi đến nhà thờ trong khi bên lề đường có bao nhiêu kẻ lê lết trong đói khổ... Phải chăng, nhà thờ chỉ có thể xây dựng ngay chính trên đất Thánh của chia sẻ, của san sớt, của tình liên đới mà thôi? Phải chăng, việc đi đến nhà thờ cũng chỉ có ý nghĩa khi nó là điểm đến, là biểu trưng của chính những viên gạch bác ái mà người ta không ngừng xây dựng trong cuộc sống hằng ngày?
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét