13/04/2020
Thứ hai tuần BÁT NHẬT
PHỤC SINH
Bài Ðọc I: Cv 2, 14. 22-32
"Thiên Chúa đã cho Ðức Kitô
phục sinh, và tất cả chúng tôi làm chứng về Người".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong ngày lễ Ngũ Tuần, Phêrô
cùng với mười một Tông đồ đứng ra, lên tiếng nói rằng: "Hỡi các người
Do-thái và tất cả những ai ở Giêrusalem, xin hãy biết điều này và lắng nghe lời
tôi! Hỡi những người Israel, xin hãy nghe những lời này:
"Ðức Giêsu Nadarét là người
đã được Thiên Chúa chứng nhận giữa anh em bằng những việc vĩ đại, những điều kỳ
diệu và những phép lạ, mà Thiên Chúa đã dùng Người để thực hiện giữa anh em,
như chính anh em đã biết. Theo như Thiên Chúa đã định và biết trước, Người đã bị
nộp, và anh em đã dùng tay kẻ độc ác mà hành hạ rồi giết đi. Nhưng Thiên Chúa
đã giải thoát Người khỏi những đau khổ của cõi chết mà cho Người phục sinh, vì
không thể nào để cho Người bị cầm giữ trong đó. Vì chưng, Ðavít đã nói về Người
rằng:
'Tôi hằng chiêm ngưỡng Chúa trước
mặt tôi, vì Người ở bên hữu tôi, để tôi không nao núng. Vì thế, lòng tôi hân
hoan, miệng lưỡi tôi hát mừng, và xác tôi yên nghỉ trong niềm cậy trông; vì
Chúa không để linh hồn tôi trong cõi chết, và không để Ðấng Thánh của Chúa thấy
sự hư nát. Chúa đã cho tôi biết con đường sự sống và cho tôi tràn đầy hân hoan
tận hưởng nhan thánh Chúa'.
"Hỡi anh em, xin cho phép
tôi được bạo dạn nói với anh em về tổ phụ Ðavít rằng: ngài đã băng hà, đã được
an táng và lăng tẩm của ngài còn nằm giữa chúng ta cho đến ngày nay. Nhưng vì
ngài là tiên tri, và biết Thiên Chúa đã thề hứa với ngài sẽ cho một người trong
dòng dõi ngài ngồi trên ngai vàng của ngài, nên thấy trước, ngài đã nói về việc
Chúa Kitô phục sinh, vì Người không phải bị bỏ rơi trong cõi chết, và xác Người
không bị huỷ diệt. Ðức Giêsu đó, Thiên Chúa đã cho sống lại; chúng tôi hết thảy
xin làm chứng về điều ấy".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 15, 1-2a và 5. 7-8. 9-10.
11
Ðáp: Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa (c.
1).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Xin bảo toàn con, lạy
Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa; con thưa cùng Chúa: "Ngài là chúa tể con.
Chúa là phần gia nghiệp và phần chén của con, chính Ngài nắm giữ vận mạng của
con". - Ðáp.
2) Con chúc tụng Chúa vì đã ban
cho con lời khuyên bảo, đó là điều lòng con tự nhủ, cả những lúc đêm khuya. Con
luôn luôn đặt Chúa ở trước mặt con, vì Chúa ngự bên hữu con, con sẽ không nao
núng. - Ðáp.
3) Bởi thế lòng con vui mừng và
linh hồn con hoan hỉ: ngay cả đến xác thịt của con cũng nằm nghỉ an toàn, vì
Chúa chẳng bỏ rơi linh hồn con trong Âm phủ, cũng không để thánh nhân của Ngài
thấy sự hư nát. - Ðáp.
4) Chúa sẽ chỉ cho con biết đường
lối trường sinh, sự no đầy hoan hỉ ở trước thiên nhan, sự khoái lạc bên tay hữu
Chúa tới muôn muôn đời! - Ðáp.
Alleluia: Tv 117, 24
Alleluia, alleluia! - Ðây là
ngày Chúa đã thực hiện, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó. - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 28, 8-15
"Hãy đi nói với anh em đến
Galilêa mà gặp Ta ở đó".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Matthêu.
Khi ấy, các bà vội ra khỏi mồ vừa
sợ lại vừa hớn hở vui mừng, chạy báo tin cho các môn đệ Chúa. Và này Chúa Giêsu
đón gặp các bà, Người nói: "Chào các bà". Các bà liền lại gần ôm chân
Người và phục lạy. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo: "Các bà đừng sợ. Hãy đi báo tin
cho các anh em Ta phải trở về Galilêa, rồi ở đó họ sẽ gặp Ta".
Ðang khi các bà lên đường, thì mấy
người lính canh vào thành báo tin cho các thượng tế biết tất cả những gì đã xảy
ra. Các thượng tế liền họp với các kỳ lão, và sau khi đã bàn định, họ cho lính
một số tiền lớn và bảo rằng: "Các anh hãy nói rằng: Ban đêm khi chúng tôi
đang ngủ, thì môn đệ ông đến lấy trộm xác ông. Nếu việc này đến tai tổng trấn,
chúng tôi sẽ thương lượng với ông, không để các anh phải phiền hà đâu". Bọn
lính canh nhận tiền và đã làm y như họ căn dặn chúng. Bởi thế, lời đó được phao
truyền nơi người Do-thái cho đến ngày nay.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Hãy Về Báo Tin Cho Các Anh
Em Ta
Cách đây hai thế kỷ, giả sử như
có một lon bia hay có một lon thực phẩm tươi, chắc chắn người ta vẫn không dám
yên tâm thưởng thức những món ăn uống tiện dụng này. Ngày nay, chúng ta yên tâm
thưởng thức là nhờ công trình nghiên cứu của ông Louis Paster, nhà ký sinh
trùng học người Pháp sống vào thế kỷ XIX. Ông đã nghiên cứu các vi sinh để rồi
dùng chúng hoặc tiêu diệt chúng. Dùng vi sinh trong việc tiêm các thuốc chủng
ngừa, chữa bệnh chó dại, hoặc tiêu diệt chúng trong các quá trình lên men trong
đồ ăn, thức uống. Ðây là những đóng góp lớn lao cho toàn thể gia đình nhân loại.
Tuy nhiên, ông còn có các đóng
góp khác ít được ai nhắc đến, đó là những đóng góp cho niềm tin. Trong lúc các
bạn đồng nghiệp nhìn vào kính hiển vi chỉ thấy có một số tế bào liên kết với
nhau, chẳng có gì hơn nữa, thì trái lại, khi nhìn vào chiếc kính hiển vi, Louis
Paster lại reo lên: "Thật kỳ diệu! Còn một điều gì ẩn nấp ở đàng sau nữa:
đó là Thượng Ðế".
Anh chị em thân mến!
Qua những khám phá nhà bác học
thời danh Louis Paster đóng góp cho nhân loại, chúng ta có thể rút ra được nhiều
điều, đặc biệt là cách nhìn các diễn biến và thái độ phải có trước các diễn biến
ấy. Cùng một sự kiện, nhưng mỗi nhà bác học lại có một cái nhìn khác nhau. Cùng
một tìm tòi khám phá, những mỗi người lại đạt được kết quả riêng biệt.
Bài Tin Mừng hôm nay cũng đề cập
đến hai thái độ khác nhau trước biến cố Chúa Kitô Phục Sinh. Một bên là các phụ
nữ và một bên là nhóm lính canh. Ðối diện với họ đều là ngôi một trống. Với
nhóm phụ nữ, ngôi một trống là dấu chỉ Tin Mừng Phục Sinh và là khởi điểm cho
niềm hy vọng. Tuy lo âu, nhưng họ vội vã đi báo tin vui cho các môn đệ. Nhóm
lính canh, họ cũng được nhìn thấy ngôi mộ trống và điều đó không lạ gì đối với
họ. Vì thế, ngôi mộ trống không là khởi điểm và tin tưởng của niềm tin, mà còn
khiến cho họ càng rời xa niềm tin, càng muốn khỏa lấp niềm tin. Lời đồn đãi ấy
vẫn còn vang dội đối với người Do Thái cho đến ngày nay.
Với sự kiện Chúa sống lại, lời
nói của nhóm lính canh là những chứng từ có thể đáng tin cậy, vì họ là những
người canh giữ mồ đêm hôm ấy. Nếu không vì sợ hãi quyền lực của hội đường Do
Thái hoặc không vì chút lợi lộc, tiền của thì chắc chắn họ sẽ là sứ giả loan
Tin Mừng Phục Sinh.
Trước Tin Mừng Phục Sinh ai cũng
vội vã: các bà thì loan tin cho các môn đệ, còn nhóm lính canh thì vội vã báo
tin cho hội đường Do Thái. Ai cũng vội vã, nhưng tùy thái độ mỗi bên mà Tin Mừng
Phục Sinh được công bố hay bị dập tắt. Người Kitô hữu cũng là những người được
đối diện với Tin Mừng Phục Sinh. Họ được trao cho nhiệm vụ loan báo lại cho người
khác biết tin vui này. Chắc chắn lời nói của họ là những chứng từ giá trị, vì họ
đã được đón nhận sức sống Phục Sinh của Ðức Kitô.
Tuy nhiên, như nhóm lính canh, có
thể vì sợ hãi trước những áp lực trần thế, hoặc vì sức quyến rũ của chức tước,
lợi lộc... họ đành tâm phản bội Tin Mừng. Vì thế cho đến hôm nay, họ còn hiểu
biết lệch lạc về Chúa Kitô, về Giáo Hội.
Nguyện xin Chúa Kitô Phục Sinh,
Ðấng đã chiến thắng quyền lực của tội lỗi, ban cho mỗi người chúng ta lòng tin
yêu và can đảm. Tin yêu để chúng ta nhận biết được sự hiện diện của Ngài qua
các biến cố cuộc sống, dù cho có vẻ trống vắng, u buồn như ngôi mồ trống của Ðức
Kitô. Và khi nhận ra được Ngài, chúng ta sẽ can đảm loan truyền Ðức Kitô cho tất
cả mọi người, bất chấp mọi gian lao thử thách.
Lạy Chúa, xin cho chúng con được
bắt chước các tông đồ cũng như các phụ nữ nhiệt thành tìm kiếm Chúa trong yêu mến
và hăm hở ra đi rao truyền tin vui Phục Sinh của Chúa Kitô. Amen.
Veritas
Asia
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Hai Tuần I BNPS
Bài đọc: Acts 2:14, 22-32; Mt 28:8-15.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy rao giảng Tin Mừng “Chúa đã sống lại” khắp thế gian.
Để tin một điều là sự thật,
chúng ta có nhiều cách: hoặc chính chúng ta chứng kiến, hoặc qua các chứng
nhân, hoặc qua hậu quả mà nó để lại. Không ai nhìn thấy Chúa sống lại từ mộ đi
ra, nhưng các chứng nhân nhìn thấy Chúa sau khi Ngài sống lại. Chúng ta nhờ những
chứng nhân này, hậu quả của sự kiện Chúa sống lại trên con người họ, và những lời
Kinh Thánh để tin “Chúa đã sống lại thật.”
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh
biến cố Chúa Giêsu sống lại. Trong Bài Đọc I, thánh Phêrô và các Tông đồ làm chứng
Chúa sống lại qua những dữ kiện thực tế và lời tiên tri của Vua David trong
Thánh Vịnh 16. Trong Phúc Âm, sứ thần của Chúa làm chứng Chúa Giêsu sống lại,
và chính Chúa Giêsu xuất hiện với các phụ nữ và truyền họ mang tin Ngài sống lại
cho các Tông đồ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa đã phác họa Kế hoạch Cứu Độ qua cái chết và sự sống lại
của Đức Kitô.
1.1/ Đức Kitô là Đấng Thiên Sai: Vấn đề cốt yếu mà Phêrô phải minh chứng cho người Do-thái là Đấng
Thiên Sai phải ngang qua con đường đau khổ, cái chết, và sống lại vinh quang;
vì người Do-thái mong muốn một Đấng Thiên Sai uy quyền, họ không thể chấp nhận
một Đấng Thiên Sai chịu đau khổ. Phêrô chứng minh điều này đầu tiên bằng những
sự kiện thực tế đã xảy ra, sau đó ông chứng minh bằng lời Kinh Thánh.
Về những sự kiện thực tế, ông nhắc
lại những gì Đức Kitô đã làm giữa họ: “Đức Giêsu Nazareth, là người đã được
Thiên Chúa phái đến với anh em. Và để chứng thực sứ mệnh của Người, Thiên Chúa
đã cho Người làm những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ giữa anh em. Chính anh
em biết điều đó.”
Thiên Chúa đã tiền định cái chết
và sống lại của Đức Kitô: “Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Đức
Giêsu ấy đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập
giá mà giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi
những đau khổ của cái chết. Vì lẽ cái chết không tài nào khống chế được Người
mãi.”
1.2/ Vua David đã nói tiên tri về sự
chết và sự sống lại của Đức Kitô: Việc Chúa Giêsu sống lại làm trọn
lời tiên báo của Vua David.
(1) Thánh Vịnh 16:8-11: Tác giả
TĐCV trích dẫn lời TV 16 như sau: “Tôi luôn nhìn thấy Đức Chúa trước mặt tôi,
vì Người ở bên hữu, để tôi chẳng nao lòng. Bởi thế tâm hồn con mừng rỡ, và miệng
lưỡi hân hoan, cả thân xác con cũng nghỉ ngơi trong niềm hy vọng. Vì
Chúa chẳng đành bỏ mặc linh hồn con trong cõi âm ty, cũng không để Vị Thánh của
Ngài phải hư nát. Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống, và cho con được
vui sướng tràn trề khi ở trước Thánh Nhan.”
Câu quan trọng là câu 10 của TV
16, các học giả tranh luận: Lời này áp dụng cho Vua David hay Đức Kitô? Giải
thóat cho khỏi cái chết bất tử và phục hồi sự liên hệ thần linh hay giải thóat
cho khỏi sự hư nát sau khi chết? Vì chữ “hư nát, shahat” có thể dịch
là sự hủy họai như bản LXX hay dịch đơn giản là vực thẳm.
(2) Phêrô cắt nghĩa lời Thánh Vịnh:
Vua David là nhân vật có thật: “Thưa anh em, xin được phép mạnh dạn nói với anh
em về tổ phụ David rằng: người đã chết và được mai táng, và mộ của người còn ở
giữa chúng ta cho đến ngày nay.” Đức Kitô là giòng dõi Vua David: “Nhưng vì là
ngôn sứ và biết rằng Thiên Chúa đã thề với người là sẽ đặt một người trong dòng
dõi trên ngai vàng của người.” Đức Kitô hòan thành lời tiên tri của Vua David
khi Ngài sống lại từ cõi chết sống lại: “Người đã không bị bỏ mặc trong cõi
âm ty và thân xác Người không phải hư nát.”
“Chính Đức Giêsu đó, Thiên Chúa
đã làm cho sống lại; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng.”
2/ Phúc Âm: Chúa đã thực sự sống lại.
2.1/ Chúa Giêsu truyền các bà loan
Tin Mừng cho các Tông-đồ.
(1) Sứ thần loan báo Tin Mừng Phục
Sinh: Những bà đồng hành với Chúa trong Cuộc Thương Khó của Ngài ra mộ từ sáng
sớm để niệm xác Chúa. Vừa tới nơi, họ thấy một sự thể ngòai sức tưởng tượng: Tảng
đá mà các thượng tế đã niêm phong đã được mở ra dưới con mắt ngạc nhiên và run
rẩy của các lính canh gác, một sứ thần của Thiên Chúa trắng như tuyết đang ngồi
trên tảng đá và nói với các bà: “Đừng sợ! Tôi biết các bà đang tìm gì, Chúa
Giêsu đã bị đóng đinh. Ngài không còn ở đây; vì Ngài đã sống lại như lời Ngài
đã nói. Hãy đến và nhìn nơi Ngài đã nằm. Hãy đi ngay và nói cho các môn đệ biết:
Ngài đã sống lại từ cõi chết. Và Ngài đi trước các ông tới Galilee; tại đó họ sẽ
gặp Ngài” (Mt 28:1-7). Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi
vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giêsu hay.
(2) Chúa Giêsu hiện ra với các
bà: Trên đường đi, bỗng Chúa Giêsu đón gặp các bà và nói: "Chào chị
em!" Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người. Bấy giờ, Đức
Giêsu nói với các bà: "Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến
Galilee. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó."
Thương yêu Chúa không phải giữ
Chúa ở với mình, nhưng phải loan Tin Mừng của Chúa để mọi người cùng tin vào
Chúa. Chúng ta sẽ thấy điều quan trọng này được nhắc đi nhắc lại trong những
ngày tới. Mọi người cần được nghe Tin Mừng Phục Sinh: cuộc sống không chỉ chấm
dứt với cái chết ở đời này, nhưng mở rộng đến cuộc sống muôn đời mai sau với
Thiên Chúa.
2.2/ Kế hoạch bưng bít sự thật:
(1) Trước khi Chúa sống lại: Người
Do-thái đến gặp quan Philatô và yêu cầu ông sai lính canh giữ mộ Chúa Giêsu cẩn
thận, vì khi còn sống Chúa đã tuyên bố Ngài sẽ sống lại sau ba ngày. Họ sợ các
môn đệ của Chúa sẽ đến đánh cắp xác rồi phao tin là Chúa đã sống lại; lúc đó họ
sợ sự sai trá sẽ nguy hại hơn trước. Philatô nói với họ: “Các ông có lính của Đền
Thờ, hãy sai họ đi và canh chừng cẩn mật như các ông có thể làm.” Họ đi và niêm
phong tảng đá vào cửa, và đặt lính canh giữ mộ (x/c Mt 27:62-66).
(2) Sau khi Chúa sống lại: Trong
khi các bà đi báo cho các môn đệ biết tin mừng Chúa sống lại; có mấy người
trong đội lính canh mồ vào thành báo cho các thượng tế biết mọi việc đã xảy ra.
Các thượng tế liền họp với các kỳ mục; sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền
lớn, và bảo quân lính: "Các anh hãy nói như thế này: Ban đêm đang lúc
chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác. Nếu sự việc này đến tai
quan Tổng Trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với quan và lo cho các anh được vô sự."
Lính đã nhận tiền và làm theo lời họ dạy. Câu chuyện này được phổ biến giữa người
Do-thái cho đến ngày nay.
Khi con người đã làm điều sai
trái, họ sẽ tiếp tục làm điều sai trái, sự sai trái này sẽ kéo theo sự sai trái
khác. Người Do-thái tìm lý do gian trá “Chúa phạm thượng” để bắt Chúa, rồi lại
tìm một cớ gian khác “Ông này xưng mình là Vua” để xin Philatô buộc Chúa chống
lại Caesar, giờ lại dùng tiền để bịt miệng lính canh giữ mồ Chúa. Không phải họ
không biết sự thật, nhưng họ cố tình ở trong sự gian trá, vì ghen ghét và vì những
lợi lộc họ đang được hưởng.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- “Chúa đã thực sự sống lại.”
Chúng ta phải tin điều này và loan báo cho mọi người biết Tin Mừng Phục Sinh; đồng
thời phải sống và làm chứng cho mọi người biết: có cuộc sống đời sau.
- Như mưu mô của các thượng tế
trong trình thuật hôm nay, ma quỉ và thế gian vẫn đang tìm các để bưng bít sự
thật này bằng tiền của và hưởng thụ vật chất.
Lm. Anthony
ĐINH MINH TIÊN, OP.
13/04/20 THỨ HAI TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH
Mt 28,1-15
CÙNG SỐNG, CÙNG CHẾT VỚI
CHÚA
Thiên thần nói với
các phụ nữ: “Này các bà, các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Đức Giê-su, Đấng bị
đóng đinh. Người không có ở đây, vì Người đã chỗi dậy như Người đã nói.” (Mt 28,5-6)
Suy niệm: Người Việt Nam ta nói rằng:
“Sống cái nhà, thác cái mồ”. Cái nhà dành cho người sống; cái mồ dành
cho kẻ chết. Vì thế, ngôi mộ trống là một bằng chứng thật ấn
tượng rằng Chúa Ki-tô đã phục sinh: Ngài không ở trong mồ nữa; cái mồ không còn
hợp với Đấng đã sống lại như Ngài. Ngôi mộ chỉ là điểm dừng chân, nơi chuyển tiếp,
trạm “transit” chưa đến 72 giờ của Đấng Thiên-Chúa-làm-người. Thế còn chúng ta
thì sao? Ngôi mộ phải chăng là nơi chôn vùi vĩnh viễn kiếp người? Đức Giêsu dạy
rằng ai cùng sống cùng chết với Ngài sẽ được Ngài cho sống lại, được chia sẻ sự
sống vĩnh cửu của Ngài.
Mời Bạn: Ngôi mộ của bạn cũng chỉ
là điểm dừng chân, nơi chuyển tiếp để rồi bạn sẽ đạt đến đích điểm cuối cùng: hạnh
phúc Nước Trời với Chúa. Bạn có tin như thế không? Để được vậy, bạn có chấp nhận
cùng sống cùng chết với Chúa trong cuộc sống mỗi ngày không?
Chia sẻ: Niềm tin vào sự sống lại có ảnh hưởng thế nào trên toàn bộ
cuộc sống tôi?
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ luôn dành cho Chúa
địa vị ưu tiên số một trong mọi sự: trong cách chọn lựa, dùng thời giờ, sắp xếp
công việc…
Cầu nguyện: Lạy
Chúa, Chúa đã chết và sống lại, xin dạy chúng con biết chiến đấu trong cuộc chiến
mỗi ngày. Xin biến mọi đau khổ chúng con phải gánh chịu thành cơ hội giúp chúng
con thăng tiến và trở nên giống Chúa hơn. Ước chi từ nay, không có gì làm chúng
con khổ đau và khóc lóc chỉ vì quên đi niềm vui ngày Chúa phục sinh.
Amen.
(Mẹ Têrêxa)
(5 phút Lời Chúa)
SUY NIỆM : “Chào chị
em!”
Suy niệm:
Trong bốn sách Tin Mừng,
các phụ nữ luôn được kể là người ra viếng mộ trước tiên.
Trong Tin Mừng
Mátthêu, đó là hai bà có cùng tên Maria.
Sau khi được thiên thần
giao nhiệm vụ loan báo gấp cho các môn đệ
về sự phục sinh và cuộc
hẹn gặp của Thầy ở Galilê (28, 7),
các bà đã mau mắn lên
đường, vội vã rời bỏ ngôi mộ trống.
Ngôi mộ này là nơi các
bà đặt tình cảm thân thương,
vì đây là nơi đặt xác
của người Thầy yêu dấu
Bây giờ ngôi mộ không
còn xác Thầy nữa, Thầy đã được trỗi dậy rồi,
nên ngôi mộ chẳng phải
là nơi các bà dừng lại mà khóc lóc than van.
Nó trở nên một bằng chứng
về sự sống lại của Thầỵ
Ngôi mộ trống thực sự
đã đem lại một niềm vui vô bờ bến.
Chính những mất mát lại
là dấu hiệu cho một sự hiện diện viên mãn hơn.
Vì thế vừa sợ hãi lại
vừa hết sức vui mừng,
các bà chạy đi loan
báo cho các môn đệ điều mình vừa nghe nói.
Trên con đường hối hả
đi gặp các môn đệ,
các bà không ngờ mình
lại là người đầu tiên được gặp Chúa phục sinh.
Điều mới nghe thiên thần
nói, bây giờ được thấy tận mắt.
Thánh Mátthêu chỉ nói
một cách đơn sơ: “Đức Giêsu gặp các bà” (c. 9).
Không thấy mô tả Đức
Giêsu oai phong rực rỡ như thế nào.
Có vẻ Ngài gặp các bà
lần này như Ngài đã từng gặp bao lần trong quá khứ.
Các bà nhận ra ngay vị
Thầy được sống lại
cũng là vị Thầy chịu
đóng đinh mà mình đã đi theo từ Galilê.
Chính Đức Giêsu ngỏ lời
chào trước: “Chị em hãy vui lên.”
Lời chào này cũng là lời
chào bình thường hằng ngày vào thời đó.
Vì thế các bà đã bạo dạn
tiến lại gần, ôm chân và bái lạy Thầỵ
Như vậy các bà có thể
thấy được và đụng chạm được Đấng phục sinh.
Các bà còn có thể nghe
được lời dặn dò của Ngài.
Lời này giống lời
thiên thần, chỉ có điều Ngài gọi các môn đệ là anh em:
“Hãy đi và báo cho anh
em của Thầy...” (c. 10).
Các môn đệ vẫn được gọi
là anh em ngay cả khi họ đã bỏ rơi Ngài.
Khi gọi họ là anh em,
Đức Giêsu đã muốn tha thứ mọi vấp ngã của họ.
Đức Giêsu phục sinh đã
hiện ra cho các phụ nữ trước tiên.
Nhìn thấy ngôi mộ trống
chưa đủ, còn cần gặp chính Đấng phục sinh.
Khi trở về gặp các môn
đệ, các bà sẽ là những người làm chứng tuyệt vời.
Không chỉ là ngôi mộ
trống với lời chứng của thiên thần,
mà còn là lời chứng của
chính họ, của người đã chứng kiến tận mắt và đụng chạm.
Đức Giêsu phục sinh
dám nhờ các phụ nữ làm chứng,
dám nhờ các phụ nữ đi
loan Tin Mừng cho các môn đệ của mình,
dù thời của Ngài người
ta không tin lời chứng của phụ nữ.
Chúng ta không quên những
đóng góp của các phụ nữ cho Giáo Hội từ thời đầu.
Mong vai trò ấy vẫn được
đề cao và tôn trọng.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu phục
sinh
lúc chúng con tìm kiếm
Ngài trong nước mắt,
xin hãy gọi tên chúng
con
như Chúa đã gọi tên
chị Maria đứng khóc
lóc bên mộ.
Lúc chúng con chán nản
và bỏ cuộc,
xin hãy đi với chúng
con trên dặm đường dài
như Chúa đã đi với hai
môn đệ Emmau.
Lúc chúng con đóng cửa
vì sợ hãi,
xin hãy đến và đứng giữa
chúng con
như Chúa đã đến đem
bình an cho các môn đệ.
Lúc chúng con cố chấp
và xa cách anh em,
xin hãy kiên nhẫn và
khoan dung với chúng con
như Chúa đã không bỏ
rơi ông Tôma cứng cỏi.
Lúc chúng con vất vả
suốt đêm
mà không được gì,
xin hãy dọn bữa sáng
cho chúng con ăn,
như Chúa đã nướng bánh
và cá cho bảy môn đệ.
Lạy Chúa Giêsu phục
sinh,
xin tỏ mình ra
cho chúng con thấy
Ngài mỗi ngày,
để chúng con tin là
Ngài đang sống, đang đến,
và đang ở thật gần bên
chúng con. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
13 THÁNG TƯ
Sự Sống Của Thiên
Chúa Được Đổ Tràn Vào Thế Giới
Mùa Phục Sinh, chúng
ta đi vào trong một cảm nghiệm tâm linh sâu sắc có sức làm cho chúng ta nếm cảm
đức tin của mình vào Đức Kitô Phục Sinh, “Chiên Vượt Qua của chúng ta” (1Cr
5,7). Người đã chịu hiến tế vì chúng ta, song sự chết đã không chế ngự được Người.
Sứ mạng của Người đã không chấm dứt khi Người bị treo trên Thập Giá, sứ mạng ấy
đã không chấm dứt khi Người kêu lên: “Mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19,30). Thật vậy,
đó chính là lúc mà sự hoàn thành chương trình cứu độ của Thiên Chúa đã mở ra một
kỷ nguyên mới trong lịch sử loài người.
Chính Đức Kitô đã
thánh hiến kỷ nguyên này qua cuộc Phục Sinh của Người từ cõi chết. Người đã
hoàn thành trọn vẹn chương trình cứu độ của Thiên Chúa đối với chúng ta. Đức
Kitô đã được phục sinh – như lời Người đã hứa. Sự chết không còn làm chủ được
Người nữa, bởi vì Người là sự sống vĩnh cửu mà Thiên Chúa trao ban cho chúng
ta.
Đức Giêsu nói về chính
mình: “Ta là … sự sống” (Ga 14,6). Và, vào một dịp khác, Người tuyên bố: “Ta là
sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,25). Như vậy, nơi Người, nguồn cội của chính
sự sống đã đi vào thế giới chúng ta.
Xuyên qua hiến tế của
Đức Giêsu, sự sống thần linh đã được đổ chan hòa trên mọi dân tộc, và – một
cách nào đó – trên toàn khắp vũ trụ. Một sức sống hoạt và tươi trẻ nào đó đã nạp
vào toàn thể tạo vật kể từ khoảnh khắc chiến thắng của Người trên Thập Giá. Chính
chúng ta bây giờ không còn là nô lệ của “nỗi sợ chết nữa” (Dt 2,15). Đức Kitô
đã giải phóng chúng ta vĩnh viễn!
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 13-4
THỨ HAI TRONG TUẦN
BÁT NHẬT PHỤC SINH
Cv 2, 14.22-33; Mt
28, 8-15.
LỜI SUY NIỆM: “Các thượng tế liền họp với các kỳ mục; sau khi bàn bạc,
họ cho lính một số tiền lớn.”
Các Thượng tế và các Kỳ
mục người Do-Thái, sau khi nghe các lính canh mồ Chúa Giêsu loan báo Chúa
đã “Sống Lại”. Họ đã mua chuộc linh canh với một số tiền lớn, và hứa bảo đảm an
toàn trước chính quyền Rôma, để chối bỏ một sự thật, mà còn vu cáo, bôi nhọ một
cách láo lường với luận điệu khó tin. “Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn
đệ của hắn đã đến lấy trộm xác!” và phi lý “Canh giữ mà ngủ”
Lạy Chúa Giêsu. Xin
cho mọi thành viên trong gia đình chúng con được ơn cam đảm đứng về phía sự thật.làm
chứng cho sự thật với một trách nhiệm cao. Xin đừng để chúng con bị tiền tài, địa
vị và việc làm mua chuộc mà làm chứng dối, phản nghịch đức tin; phản lại anh
em.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày 13-04
Thánh MARTINO I
Giáo Hoàng Tử Đạo (+656)
Thánh Martinô I sinh tại Tôđi,
miền Umbria.
Đức Giáo hoàng đặt Ngài làm đại
diện ở Constantinophe. Tại đây, Ngài đã nhiệt thành chống lại Nhất ý thuyết. Lạc
giáo này dạy rằng: nơi Chúa Giêsu chỉ có một ý chí, ý chí thần linh. Như vậy là
họ chối bỏ ý chí riêng của nhân tính Ngài.
Năm 649, khi Đức Thêdôre qua đời,
thánh Martinô được cử lên ngôi kế vị thánh Phêrô. Ngay tháng 10 năm này, Ngài
đã triệu tập công đồng Lêtêranô để kết án lạc thuyết. Làm như vậy Ngài đã liều
chuốc lấy phản ứng độc hại của Contance II, một hoàng đế trẻ theo lạc giáo, và
muốn bắt Giáo hội phải chấp nhận sắc lệnh "Type" về giáo lý của ông.
Ngày 17 tháng 6 năm 653, quan thái thú đại diện hoàng đế là Calliopas ở
Ravennna Italia đã bắt Đức giáo hoàng trong nhà thờ chính tòa. Ngài bị tố cáo đồng
lõa trong cuộc phản loạn của quan thái thú tiền nhiệm là Olymius.
Sau đó Ngài bi đưa về
Constantinople bằng tàu. Sẵn đau khổ vì bệnh đau khớp xương, cuộc hành trìnnh
còn khổ cực thêm vì bị mất thực phẩm tối thiểu, bị cấm không được tắm rửa. Ngày
17 tháng 9, Ngài tới Constantinople và bị gian trong một nhà tù cho tới ngày 20
tháng 12. Tại một tòa án giả tạo với sư hiện diện của hoàng đế, Ngài bị truất
ngôi và bị kết án tử hình.
Bi bỏ rơi trong ngục thất, thánh
Martinô vô cùng cực khổ vì lạnh. Một phụ nữ lén cho Ngài một chiếc giường và một
chiếc nệm. Khi ấy, Thượng phụ giáo chủ Constantinople hấp hối, ông ta sợ bị
đoán phạt trước tòa Chúa nên xin Hoàng đế đừng xử tử tù nhân. Nhưng thánh
Martinô lại bị lưu đày tới Cherson ở Crimea.
Tại đây, Ngài qua đời vì thiếu
thốn, có lẽ vào ngày 03 tháng 4 năm 656.
(daminhvn.net)
13 Tháng Tư
Emmaus
Nói đến những người không nhà
không cửa, người ta thường nhắc đến cha Henri Groués quen được gọi tắt là cha
Pierre, người đã sáng lập cộng đồng Emmaus nhằm giúp những người bần cùng tự
tay xây dựng cuộc sống của họ.
Phong trào cộng đồng Emmaus khởi
sự bằng một căn nhà đổ nát ở vòng đai của thành phố Paris vào hồi đệ nhị thế
chiến. Những người khách đầu tiên của tổ ấm này là các thanh thiếu niên bụi đời,
những người không nhà không cửa, hoặc các tù nhân vừa được phóng thích.
Câu nói đầu tiên của cha Pierre
với những người mới đặt chân đến cộng đồng là : "Bạn không được may mắn,
nhưng tôi cần bạn để giúp đỡ những người khác...". Dù khổ sở đến đâu, ai
cũng muốn người khác nhìn nhận giá trị của mình, ai cũng muốn trở thành hữu ích
cho người khác. Ðó là niềm tin mà cha Pierre luôn khơi dậy nơi những người đã mất
tất cả hy vọng.
Cha Pierre đặt tên Emmaus cho cộng
đồng của Ngài là để nhớ lại câu chuyện của hai người môn đệ Chúa Giêsu trong buổi
chiều Phục Sinh. Cũng như hai người môn đệ này, giữa lúc họ tưởng như mất tất cả,
Chúa Giêsu đã hiện đến mang lại niềm tin cho họ. Cũng thế, cha Pierre và những
người bạn đầu tiên của Ngài đã tìm gặp được hứng khởi, niềm tin yêu giữa những
mất mát ê chề của cuộc sống.
Tạo lại niềm hy vọng vào cuộc sống
đó là khẩu lệnh của cha Pierre, và xây dựng lại niềm hy vọng đó từ những đổ
nát, mất mát. Chính vì thế mà cộng đồng Emmaus chủ trương đi thu nhặt lại các đồ
phế thải, các vật dụng cũ kỹ để chế biến và bán lại, như một sản phẩm cho chính
tay mình làm nên.
Hiện nay phong trào đã có mặt tại
50 quốc gia trên thế giới với khoảng 290 cộng đồng. Tất cả mọi người trong cộng
đồng đều sống với niềm hy vọng từ những đổ nát và mất mát trong cuộc sống.
Tin Mừng của Thánh Luca thuật lại
rằng, buổi chiều hôm đó, có hai người môn đệ của Chúa Giêsu lên đường đi
Emmaus, trở về làng cũ của họ.
Cái chết của Chúa Giêsu là một
chấm hết đối với họ: hết mộng công hầu khanh tướng, hết giấc mơ của một nước
Israel thịnh vượng, hết mọi hy vọng. Trở về làng cũ tức là trở về với thất vọng
ê chề. Nhưng cũng chính lúc đó, Chúa Giêsu đã hiện ra với họ, cái chết mang một
ý nghĩa mới, mất mát đã trở thành khởi đầu của lợi lộc, thất bại trở thành khởi
điểm của thành công, buồn phiền đã biến thành vui mừng hân hoan... Ánh sáng Phục
Sinh của Chúa Giêsu đã mặc cho mọi biến cố của cuộc sống một ý nghĩa mới. Tin
tưởng lạc quan đã trở thành nhân đức cơ bản của đời Kitô.
Ở bất cứ nơi đâu và ở bất cứ thời
đại nào, sau một lần đổ nát, người ta thường hát lên điệp khúc: Hãy xây dựng lại
từ đổ nát!
Ðó là niềm tin mà hơn bất cứ lúc
nào chúng ta cần phải bám lấy... Bạn đang sầu khổ vì những mất mát ê chề trong
cuộc sống ư? Bạn đang quằn quại trong đau khổ của thể xác và tinh thần ư? Bạn
đang cảm thấy mình ở dưới vực thẳm của tội lỗi ư?
Chúa Giêsu của thành Emmaus đang
nói với bạn: đừng thất vọng, Ngài đang đồng hành với bạn, và với Ngài, bạn có
thể xây dựng được một cuộc sống tốt đẹp hơn.
(Lẽ Sống)
Lectio Divina: Mátthêu 28:8-15
Monday 13 April, 2020
Lectio Divina
Thứ Hai trong Tuần Bát
Nhật Phục Sinh
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Thiên Chúa hằng sống
của chúng con,
Tâm hồn chúng con vui
mừng và hân hoan
Và chúng con cảm thấy
an bình trong đức tin của mình
Rằng chúng con có một
Đấng hằng sống để mà tin tưởng vào, là Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã sống lại từ cõi
chết.
Xin hãy để Người chỉ
cho chúng con con đường của sự sống,
Xin cho chúng con sống
trong niềm hân hoan vì sự hiện diện của Người
Và ban cho chúng con
ân sủng được làm chứng nhân,
Để cho chúng con có thể
công bố với cả cuộc đời chúng con
Rằng Chúa Giêsu là
Thiên Chúa đã sống lại, Chúa hằng sống của chúng con
Bây giờ và muôn đời.
2. Bài Đọc Tin Mừng
– Mátthêu 28:8-15
Khi ấy, các bà vội ra
khỏi mồ vừa sợ hãi vừa hớn hở vui mừng, chạy báo tin cho các nhóm môn đệ
Chúa. Và này Chúa Giêsu đón gặp các bà, Người nói: “Chào các
bà”. Các bà liền lại gần ôm chân Người và phục lạy. Bấy giờ Chúa
Giêsu bảo: “Các bà đừng sợ. Hãy đi báo tin cho các anh em Ta phải
trở về Galilêa, rồi ở đó họ sẽ gặp Ta.”
Đang khi các bà lên đường,
thì mấy người lính canh vào thành báo tin cho các thượng tế biết tất cả những
gì đã xảy ra. Các thượng tế liền họp với các kỳ lão, và sau khi đã bàn định,
họ cho lính một số tiền lớn và bảo rằng: “Các anh hãy nói rằng: Ban
đêm khi chúng tôi đang ngủ, thì môn đệ ông đến lấy trộm xác ông. Nếu việc
này đến tai tổng trấn, chúng tôi sẽ thương lượng với ông, không để các anh phải
phiền hà đâu”. Bọn lính canh nhận tiền và đã làm y như họ căn dặn
chúng. Bởi thế, lời đó được phao truyền nơi người Do Thái cho đến ngày
nay.
3. Suy Niệm
– Chúa Phục Sinh! Bài Tin Mừng hôm nay mô tả
kinh nghiệm về Sự Phục Sinh mà các môn đệ của Chúa Giêsu đã trải qua.
Trong phần mở đầu sách Tin Mừng của mình, trong lời giới thiệu về Chúa Giêsu,
thánh Mátthêu đã nói rằng Chúa Giêsu là Đấng Êmmanuel, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta
(Mt 1:23). Giờ đây, tại phần kết, tác giả thông tri và làm gia tăng điều
chắc chắn này về đức tin, vì ông tuyên xưng rằng Đức Giêsu đã sống lại (Mt
28:6) và Người sẽ ở với chúng ta luôn mãi, cho đến ngày tận thế! (Mt
28:20). Trong các mâu thuẫn của đời sống, sự thật này đã bị nghi ngờ,
tranh cãi rất nhiều. Phe đối lập không phải là thiếu. Những kẻ thù,
các thượng tế Do Thái, tự bào chữa cho mình chống lại Tin Mừng Phục Sinh và
đánh tiếng rằng thi thể Chúa đã bị các môn đệ đánh cắp (Mt 28:11-13). Điều
này cũng đang xảy ra ngày nay. Một mặt, nỗ lực của nhiều người sống và
làm chứng cho sự sống lại. Mặt khác, có rất nhiều kẻ ác nhân chống phá sự
sống lại và chống lại sự sống.
– Trong sách Tin Mừng Mátthêu, sự thật về việc Phục
Sinh của Chúa Giêsu được kể lại qua ngôn ngữ tượng trưng, trong đó mặc khải ý
nghĩa tiềm ẩn của sự kiện. Thánh sử Mátthêu nói về mặt đất rung chuyển, về
tia chớp lóe ra và các thiên sứ công bố việc chiến thắng cái chết của Chúa
Giêsu (Mt 24). Đó là ngôn ngữ khải huyền, rất phổ biến vào thời ấy, để
loan báo rằng thế gian cuối cùng đã được biến đổi bởi quyền năng của Thiên
Chúa! Niềm hy vọng của người nghèo khổ, những người được tái khẳng định đức
tin của họ, đã được ứng nghiệm: “Chúa đang sống giữa chúng ta!”
– Mt 28:8: Niềm vui mừng Chúa Phục
Sinh đã lấn át nỗi sợ hãi. Vào sáng sớm Chúa Nhật, ngày thứ nhất
trong tuần, hai người phụ nữ đã đi viếng mộ, bà Maria Mađalêna và Maria mẹ ông
Giacôbê, cũng được gọi là bà Maria kia. Đột nhiên mặt đất rung chuyển dữ
dội và một thiên thần hiện ra như lằn chớp. Các lính canh là những người
đang gác mộ cũng đã run lên vì sợ hãi đến nỗi chết ngất đi. Các người phụ
nữ đã hốt hoảng nhưng thiên thần đã trấn an các bà, loan báo sự chiến thắng cái
chết của Chúa Giêsu và sai họ đi gặp các môn đệ Chúa Giêsu tại Galilêa.
Và tại Galilêa, họ sẽ có thể được thấy Người lần nữa. Mọi việc bắt đầu từ
đó; họ đã nhận được sự mặc khải lớn lao về Chúa Phục Sinh. Niềm hân hoan
của sự Sống Lại đã bắt đầu lấn át nỗi sợ hãi. Vì thế, lời loan báo sự sống
và sự sống lại bắt đầu theo cách này.
– Mt 28:9-10: Chúa Giêsu hiện ra với
các phụ nữ. Các bà ra đi ngay lập tức. Trong lòng các bà, sự sợ
hãi trộn lẫn với hân hoan. Đây là những tình cảm điển hình của những người
đã có một kinh nghiệm sâu sắc về Mầu Nhiệm Thiên Chúa. Đột nhiên, Chúa
Giêsu đã đón gặp các bà và nói với họ: “Hãy vui mừng lên!” Và các
bà liền ôm lấy chân Người và phục lạy Người. Đó là thái độ của người tin
tưởng và chấp nhận sự hiện diện của Thiên Chúa, ngay cả khi ngạc nhiên và điều
vượt quá khả năng hiểu biết của loài người. Bây giờ, Chúa Giêsu ra lệnh
cho các bà đi báo với các anh em tại Galilêa: “Các bà đừng sợ. Hãy
đi báo tin cho các anh em Ta phải trở về Galilêa, rồi ở đó họ sẽ gặp Ta.”
– Mt 28:11-15: Óc tinh ranh hoặc lừa đảo
của những kẻ thù của Tin Mừng. Phe chống đối mà Chúa Giêsu đã phải đối
mặt trong cuộc sống của Người, bây giờ lại dấy lên một lần nữa sau khi Chúa Phục
Sinh. Các thượng tế gặp và cho tiền các lính canh. Họ phải loan tin
rằng các môn đệ đã lấy trộm xác của Chúa Giêsu, và điều này để làm vô hiệu tất
cả mọi lời nói về sự sống lại. Các thượng tế không chấp nhận Tin Mừng Phục
Sinh. Họ ưa tin rằng đó là sự bịa đặt từ phía các môn đệ – nam cũng như nữ
– của Chúa Giêsu.
– Sự quan trọng của lời chứng của các bà. Sự
hiện diện của những người phụ nữ tại lúc chết, lúc mai táng và tại lúc sống lại
của Chúa Giêsu thì quan trọng. Họ là những nhân chứng về cái chết của
Chúa Giêsu (Mt 27:54-56). Tại lúc mai táng, các bà vẫn còn ngồi trước mộ
và vì thế, các bà có thể làm chứng về địa điểm mà Chúa đã được mai táng (Mt
27:61). Giờ đây, vào sáng Chúa Nhật, các bà lại có mặt ở đó lần nữa.
Các bà biết rằng ngôi mộ trống thực sự là ngôi mộ của Chúa Giêsu! Kinh
nghiệm sâu sắc về cái chết và sự sống lại mà các bà có, đã biến đổi đời sống
các bà. Chính các bà đã trở thành những nhân chứng có đủ tư cách về sự Phục
Sinh trong các Cộng Đoàn Kitô hữu. Đây là lý do tại sao họ nhận được lệnh
phải đi thông báo: “Chúa Giêsu đang sống! Người đã sống lại từ cõi chết!”
4. Một vài câu hỏi
gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân
– Kinh nghiệm về sự sống lại mà tôi có trong đời tôi
là gì? Ở trong tôi đã có một lực nào mà cố gắng chống lại kinh nghiệm về
sự sống lại không? Tôi đã phản ứng ra sao?
– Ngày nay, sứ vụ của cộng đoàn chúng ta, của chúng
ta, các môn đệ của Chúa Giêsu là gì? Chúng ta có thể rút ra được sức lực,
sức mạnh và lòng can đảm từ nơi nào để hoàn thành sứ vụ của mình?
5. Lời nguyện kết
Con chúc tụng CHÚA hằng
thương chỉ dạy,
Ngay cả đêm trường,
lòng dạ nhắn nhủ con.
Con luôn nhớ có Ngài
trước mặt,
Được Ngài ở bên, chẳng
nao núng bao giờ.
(Tv 16:7-8)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét