18/04/2020
Thứ bảy tuần BÁT NHẬT PHỤC SINH
BÀI ĐỌC I: Cv 4, 13-21
“Chúng tôi không thể nào không
nói lên những điều mắt thấy tai nghe”.
Trích sách Tông đồ
Công vụ.
Trong những ngày ấy, các thủ lãnh, kỳ lão và luật sĩ nhận thấy Phêrô và
Gioan kiên quyết, và biết hai ngài là những kẻ thất học và dốt nát, nên lấy làm
lạ; và còn biết rằng hai ngài đã ở cùng Đức Giêsu; họ thấy kẻ được chữa lành đứng
ở đó với hai ngài, nên họ không thể nói gì nghịch lại được. Họ mới truyền lệnh
cho hai ngài ra khỏi hội nghị, rồi thảo luận với nhau rằng: “Chúng ta phải làm
gì đối với những người này? Vì toàn dân cư ngụ ở Giêrusalem đều hay biết, phép
lạ hai ông đã làm rõ ràng quá chúng ta không thể chối được. Nhưng để sự việc
không còn loan truyền trong dân nữa, chúng ta hãy đe doạ, cấm hai ông không được
lấy danh ấy mà giảng cho ai nữa”. Họ liền gọi hai ngài vào và cấm nhặt không được
nhân danh Đức Giêsu mà nói và giảng dạy nữa. Nhưng Phêrô và Gioan trả lời họ rằng:
“Trước mặt Chúa, các ngài hãy xét coi: nghe các ngài hơn nghe Chúa, có phải lẽ
không? Vì chúng tôi không thể nào không nói lên những điều mắt thấy tai nghe”.
Nhưng họ lại đe doạ hai ngài, rồi thả về, vì không tìm được cách nào trừng phạt
hai ngài, họ lại còn sợ dân chúng, vì mọi người đều ca tụng Thiên Chúa về việc
đã xảy ra. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 117, 1 và
14-15. 16ab-18. 19-21
Đáp: Tôi cảm tạ
Chúa vì Chúa đã nhậm lời tôi (c. 21a).
Hoặc đọc:
Alleluia.
Xướng: 1) Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn
thuở. Chúa là sức mạnh, là dũng lực của tôi, và Người trở nên Đấng cứu độ tôi.
Tiếng reo mừng và chiến thắng vang lên trong cư xá những kẻ hiền nhân:Tay hữu
Chúa đã hành động mãnh liệt.- Đáp.
2) Tay hữu Chúa đã cất nhắc tôi lên, tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt.
Tôi không chết, nhưng tôi sẽ sống, và tôi sẽ loan truyền công cuộc của Chúa.
Chúa sửa trị, Chúa sửa trị tôi, nhưng Người đã không nạp tôi cho tử thần. –
Đáp.
3) Xin mở cho tôi các cửa công minh, để tôi vào và cảm tạ ơn Chúa. Đây là
ngọ môn của Chúa, những người hiền đức qua đó tiến vào. Tôi cảm tạ Chúa vì Chúa
đã nhậm lời tôi, và đã trở nên Đấng cứu độ tôi. – Đáp.
ALLELUIA: Tv 117, 24
Alleluia, alleluia!
– Đây là ngày Chúa đã thực hiện, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó. –
Alleluia.
PHÚC ÂM: Mc 16, 9-15
“Các con hãy đi khắp thế gian
rao giảng Tin Mừng”.
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Marcô.
Khi Chúa Giêsu sống lại, sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, thì trước hết
Người hiện ra với Maria Mađalêna, kẻ đã được Chúa đuổi bảy quỷ. Bà đi báo tin
cho những kẻ đã từng ở với Người và nay đang buồn thảm khóc lóc. Họ nghe bà nói
Chúa sống lại và bà đã thấy Người, nhưng họ không tin. Sau đó, Chúa lại hiện ra
dưới hình thức khác với hai môn đệ đang trên đường về miền quê. Hai ông trở về
báo tin cho anh em, nhưng họ cũng không tin các ông ấy. Sau hết, Chúa hiện ra với
mười một tông đồ lúc đang ngồi ăn. Chúa khiển trách các ông đã cứng lòng, vì
các ông không tin những kẻ đã thấy Người sống lại. Rồi Người phán: “Các con hãy
đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho muôn loài”. Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Những lần hiện
ra
Ðoạn Tin Mừng hôm nay là một tóm kết về những lần hiện ra của Chúa Giêsu
khi Ngài sống lại. Thánh Marcô nhấn mạnh đến sự cứng lòng tin của các môn đệ để
làm nổi bật chứng từ của Chúa Giêsu hiện ra và mệnh lệnh phải ra đi làm chứng
cho Ðấng Phục Sinh. Chúa Giêsu Phục Sinh vẫn mãi mãi là một, nhưng khi hiện ra,
Ngài luôn đến với hình dạng của một người xa lạ. Với bà Maria Madalena, Ngài hiện
ra như một người làm vườn; với hai môn đệ đi về làng Emmaus, Ngài đồng hành như
một lữ khách xa lạ; với các môn đệ chài lưới, Ngài xuất hiện như một người mà họ
cũng không nhận ra ngay tức khắc. Niềm tin vào Ðấng Phục Sinh luôn đòi hỏi các
môn đệ phải làm một bước nhảy vọt để từ một người xa lạ, nhận ra dung mạo của
Thầy mình. Từ hai ngàn năm qua, chứng từ về Ðấng Phục Sinh cũng luôn diễn ra
như thế, từ cuộc sống của cộng đồng tín hữu tiên khởi, qua cái chết của các vị
tông đồ đến cuộc tử đạo, của không biết bao nhiêu các tín hữu ở mọi thời đại,
cuộc sống tin cậy mến ở mọi nơi là một chứng từ sống động và liên lỉ về Ðấng Phục
Sinh.
Niềm tin vào Ðấng Phục Sinh và chứng từ về Ngài luôn được diễn tả bằng một
cách sống mới trong cộng đồng. Sách Tông Ðồ Công Vụ ghi lại một bức tranh vô
cùng sống động về cuộc sống mới trong Ðấng Phục Sinh ấy. Sự bình an được Ðấng
ban tặng đã tạo ra một cộng đồng hòa giải, nghĩa là một nhóm tín hữu sống trong
hài hòa hiệp nhất và chia sẻ của cải cho nhau. Nét nổi bật của cộng đồng này
không hẳn là nghèo khó, bởi vì trong đó, không ai phải thiếu thốn điều gì, mà
chính là tình yêu thương của mọi người. Của cải vật chất, thay vì là đối tượng
của sự chiếm hữu ích kỷ và do đó là nguyên nhân của tranh chấp chia rẽ, đã trở
thành bí tích của tình bạn và huynh đệ. Tựu trung, mối Phúc Thật mà Chúa Giêsu
tuyên bố khi hiện ra với thánh Tomas "Phúc cho những ai không thấy mà
tin" không loại trừ đòi hỏi phải được thấy một cách cụ thể chứng từ về Ðấng
Phục Sinh trong Giáo Hội, và chứng từ ấy thiết yếu là chứng từ về tình yêu
huynh đệ.
Tình yêu huynh đệ là cuộc sống bác ái trong và từ Giáo Hội, là dấu chỉ rõ
ràng và có tính thuyết phục nhất về dung mạo và sự hiện diện của Ðấng Phục
Sinh. Trong những lần hiện ra của Ngài, cử chỉ của Ngài đã thể hiện với hai người
môn đệ đi về làng Emmaus mang một ý nghĩa đặc biệt, Ngài chỉ được nhận diện khi
cầm lấy bánh bẻ ra và trao cho hai ông. Phải chăng nét nổi bật nhất trong dung
mạo của Chúa Giêsu không là cử chỉ cầm lấy bánh, bẻ ra và trao ban sao?
Giáo Hội là thân thể mầu nhiệm của Ðấng Phục Sinh, Ngài chỉ thực sự được
nhận diện trong thân thể ấy qua cử chỉ trao ban mà thôi. Chính vì thế mà trọng
tâm và cao điểm của Giáo Hội chính là cử hành Thánh Thể. Giáo Hội lập lại cử chỉ
trao ban của Chúa Giêsu, nhưng cử chỉ ấy sẽ không diễn tả trọn vẹn dung mạo của
Ðấng Phục Sinh, nếu nó không được nối dài và diễn tả cùng cuộc sống trao ban cụ
thể của Giáo Hội và của các tín hữu Kitô. Cuộc đời của người tín hữu Kitô phải
là một thánh lễ nối dài để mãi mãi mô tả dung mạo của Ðấng Phục Sinh.
Nguyện xin Chúa Kitô Phục Sinh mà chúng ta tiếp rước trong Thánh Lễ mỗi
ngày biến chúng ta thành những chứng nhân sống động của Ngài trước mặt mọi người.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần BNPS
Bài đọc: Acts 4:13-21; Mk 16:9-15.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Con người không thể trốn tránh sự thật mãi.
Có một người hay có tính “thêu dệt” và “thêm mắm thêm muối” mỗi khi nói
chuyện với người khác về quá khứ huy hoàng của mình. Các bạn anh muốn dạy anh một
bài học, nên mỗi lần anh nói, họ ghi chép cẩn thận những gì anh nói. Sau khi kể
một hồi, các bạn anh bắt đầu thắc mắc về thời gian và nơi chốn của những việc xảy
ra, và chỉ cho anh thấy sự không hợp lý của những gì anh kể. Từ đó, anh bắt đầu
nói năng cẩn thận hơn; vì chỉ có nói thật, anh mới có thể tránh được những mâu
thuẫn của các sự việc.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh việc con người không thể trốn tránh mãi sự
thật. Trong Bài Đọc I, những người trong Thượng Hội Đồng Do-thái nghĩ khi họ
đóng đinh Chúa Giêsu trên Thập Giá là từ nay dân chúng sẽ nghe theo họ; nhưng họ
lại phải đương đầu với các môn đệ của Ngài và hàng ngàn dân chúng đã tin vào
Chúa Giêsu. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đã hiện ra nhiều lần với các môn đệ sau
khi chết. Ngài khiển trách họ đã quá cứng lòng không chịu tin vào lời các nhân
chứng thuật lại trong trình thuật hôm nay.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Nghe lời các ông hay là nghe
lời Thiên Chúa?
1.1/ Phản ứng của những người trong Thượng Hội Đồng: Trước tiên, họ ngạc
nhiên khi thấy ông Phêrô và ông Gioan mạnh dạn. Họ nghĩ không có một hay hai cá
nhân nào dám đứng ra đương đầu với quyền lực của Thượng Hội Đồng; vì nếu làm
như vậy, chắc chắn sẽ lãnh thiệt hại vào thân. Thứ đến, họ khám phá ra hai ông
là những người không có chữ nghĩa, lại thuộc giới bình dân. Họ nhận xét đúng, cả
hai, Phêrô và Gioan, đều làm nghề đánh cá; làm sao có cơ hội để học hỏi và biết
chữ nghĩa và Lề Luật như họ được. Cả hai nhận xét của họ đều đúng, và câu hỏi họ
đặt ra cho hai ông hôm qua rất chí lý: “Nhờ quyền lực nào và nhân danh ai mà
các ông làm chuyện đó.”
Câu trả lời của Phêrô giúp họ tìm ra những gì họ muốn biết: chúng tôi chỉ
lấy sức mạnh và quyền lực của Đức Kitô, Đấng mà các ông đã đóng đinh vào Thập
Giá. Họ cũng nhận ra hai ông là những người đã từng theo Đức Giêsu; đồng thời họ
lại thấy người đã được chữa lành đứng đó với hai ông, nên họ không biết đối đáp
thế nào. Họ mới truyền cho hai ông ra khỏi Thượng Hội Đồng, để bàn tính với
nhau. Họ chỉ có hai con đường phải chọn:
(1) Phục thiện và tin vào Chúa Giêsu: Đứng trước một phép lạ quá rõ ràng,
đứng trước 3 nhân chứng, và đứng trước đông đảo dân chúng; họ phải tin vào Chúa
Giêsu là Người đến từ Thiên Chúa, đã chết và sống lại. Chính họ đã nói với nhau
về hai ông: “Họ đã làm một dấu lạ rành rành: điều đó hiển nhiên đối với mọi người
cư ngụ tại Jerusalem, và ta không thể chối được.”
(2) Dùng bạo lực để bưng bít sự thật: Có nhiều lý do để họ từ chối không
tin: sợ mất thế giá, sợ mất lợi lộc vật chất, sợ phải thay đổi niềm tin …
Sau khi bàn luận, họ quyết định bưng bít sự thật bằng bạo lực. Họ quyết định:
“Nhưng để cho việc đó khỏi lan rộng thêm trong dân, ta hãy ngăm đe, nghiêm cấm
họ từ nay không được nói đến danh ấy với ai nữa. Họ cho gọi hai ông vào và tuyệt
đối cấm hai ông không được lên tiếng hay giảng dạy về danh Đức Giêsu nữa.”
1.2/ Phản ứng của Phêrô và Gioan: Hai ông Phêrô và Gioan đáp lại: “Nghe lời
các ông hơn là nghe lời Thiên Chúa, xin hỏi: trước mặt Thiên Chúa, điều ấy có
phải lẽ không? Các ông thử xét xem! Phần chúng tôi, những gì tai đã nghe, mắt
đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra.”
Thượng Hội Đồng là những người có kiến thức và biết Lề Luật của Thiên
Chúa. Họ phải công nhận điều Phêrô nói là phải tuân hành những gì Thiên Chúa
nói hơn con người; nhưng vì quá ngoan cố trong việc tìm hiểu sự thật nên họ tiếp
tục ở trong bóng tối tội lỗi. Trình thuật kể thái độ cứng lòng của họ như sau:
“Sau khi ngăm đe lần nữa, họ thả hai ông về, vì không tìm được cách trừng trị
hai ông. Lý do là vì họ sợ dân: ai nấy đều tôn vinh Thiên Chúa vì việc đã xảy
ra.”
2/ Phúc Âm: Các lần hiện ra của Chúa
Giêsu theo thánh-sử Marcô
Không phải chỉ có những người trong Thượng Hội Đồng cứng lòng, các môn đệ
của Chúa Giêsu cũng mắc phải lỗi lầm đó. Hơn những người trong Thượng Hội Đồng,
các tông đồ đã từng được nghe Chúa Giêsu giảng dạy, biến hình, và báo trước cuộc
tử nạn và sống lại sẽ xảy ra. Chúa Giêsu không chỉ hiện ra một lần để có cớ cho
các tông đồ nói đó chỉ là ảo ảnh hay bóng ma; nhưng Ngài hiện ra nhiều lần với
các nhân chứng khác nhau. Chúa Giêsu phải trách thái độ cứng lòng của các ông
vì đã chối từ sự thật đến không phải từ hai như Lề Luật đòi, nhưng nhiều nhân
chứng khác nhau. Thánh Marcô liệt kê ba lần Chúa hiện ra:
(1) Với một mình Mary Magdala: “Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày
thứ nhất trong tuần, Đức Giêsu hiện ra trước tiên với bà Mary Magdala, là kẻ đã
được Người trừ cho khỏi bảy quỷ. Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng sống với
Người mà nay đang buồn bã khóc lóc. Nghe bà nói Người đang sống và bà đã thấy
Người, các ông vẫn không tin.”
(2) Với hai môn đệ trên đường về quê, Emmaus: “Sau đó, Người tỏ mình ra
dưới một hình dạng khác cho hai người trong nhóm các ông, khi họ đang trên đường
đi về quê. Họ trở về báo tin cho các ông khác, nhưng các ông ấy cũng không tin
hai người này.”
(3) Với Nhóm Mười Một: “Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một
đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi
lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy.
Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng
cho mọi loài thọ tạo.””
ÁP DỤNG TRONG CUỘC
SỐNG:
– Chúng ta phải luôn học để biết sự thật, vì chỉ có sự thật mới giải
thoát chúng ta khỏi mọi gian trá.
– Không chỉ học biết sự thật, chúng ta còn phải có can đảm để nói sự thật,
sống theo sự thật, và làm chứng cho sự thật.
– Khi có sự xung đột giữa điều Thiên Chúa nói và điều người phàm nói;
chúng ta phải luôn luôn vâng lời Thiên Chúa.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
18/04/2020 – THỨ BẢY TUẦN BÁT NHẬT PS
Mc 16,9-15
MỘT ĐỨC TIN CHƯA HOÀN HẢO
Sau cùng, Người tỏ
mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách
các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được
thấy Người sau khi Người trỗi dậy từ cõi chết. (Mc 16,14)
Suy niệm: Lời Chúa, theo Thánh
Kinh, không chỉ là lời nói, mà còn là một sự kiện, biến cố và thậm chí là một
con người; đồng thời Lời Chúa cũng còn được thể hiện qua lời rao giảng và làm
chứng của các chứng nhân. Mặt khác, tin là đón nhận Lời Thiên Chúa đúng như bản
tính của Lời. Vì thế Đức Ki-tô phục sinh “khiển trách” các tông đồ vì đã không
tin lời chứng của “những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy từ cõi chết”.
May thay, Lời Chúa còn đến với các môn đệ bằng xương bằng thịt của Giê-su, Đấng
đã chịu chết và phục sinh để làm cho đức tin chưa hoàn hảo của các ông trở nên
hoàn hảo và để các ông trở thành những chứng nhân có thế giá loan báo Tin Mừng
phục sinh.
Mời Bạn: Đức Ki-tô phục sinh muốn
các tông đồ phải là những chứng nhân có thế giá, những người “đã nghe, đã thấy,
đã chiêm ngưỡng, tay đã chạm đến” Đấng là Lời Hằng Sống (x. 1Ga 1,1-2), họ là
những người đã “đi theo Chúa Giê-su suốt thời gian Người sống giữa chúng ta”
(Cv 1,21). Bạn cũng thế, bạn được mời gọi trở nên chứng nhân có thế giá cho
Ngài bằng cách chuyên cần suy ngắm Lời Chúa mà các tông đồ rao giảng và kết hiệp
với Ngài trong bí tích Thánh Thể như Ngài đã truyền các tông đồ cử hành để “ở
cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).
Sống Lời Chúa: Siêng năng suy niệm Lời
Chúa mỗi ngày và lãnh nhận Thánh Thể mỗi khi có thể.
Cầu nguyện: Đọc kinh Tin.
(5 Phút Lời Chúa)
SUY NIỆM : Vẫn không
tin
Suy niệm:
Theo các nhà chú giải, sách Tin Mừng Máccô kết thúc ở chương 16, câu 8,
với việc các phụ nữ sợ hãi, chạy trốn, không dám nói gì với các môn đệ.
Sách này cũng không nói đến việc Đức Giêsu phục sinh hiện ra gặp các ông.
Kết thúc khác thường này của Máccô làm chúng ta ngày nay chưng hửng.
Cả các Kitô hữu thế kỷ thứ hai cũng bị ngỡ ngàng,
vì vào thời đó họ đã có trong tay các sách Tin Mừng khác.
Các sách này đều kể chuyện các phụ nữ đã đi gặp các môn đệ,
chuyện Đức Giêsu phục sinh hiện ra gặp các bà trước tiên;
rồi sau đó, Ngài đã hiện ra với các môn đệ
và sai các ông đi loan báo Tin Mừng (Mt 28,19-20; Lc 24, 46-48; Ga 20,
21).
Để giải quyết khó khăn do phần kết của sách Tin Mừng Máccô đặt ra,
một tác giả được ơn linh hứng đã viết thêm phần phụ lục (Mc 16, 9-20),
dựa trên các sách Tin Mừng khác và sách Công vụ Tông đồ.
Năm 1546, phần này đã được Công đồng Trentô nhìn nhận là Lời Chúa.
Bài Tin Mừng hôm nay nhấn mạnh đến thái độ không tin của các môn đệ.
Đức Giêsu phục sinh hiện ra trước tiên cho bà Maria Mácđala.
Bà đi báo tin Thầy sống lại cho những môn đệ đang buồn bã khóc lóc,
nhưng họ không tin (cc. 9-11).
Lần thứ hai, Đức Giêsu tỏ mình cho hai môn đệ khi họ trên đường về quê.
Khi hai ông này báo tin cho những môn đệ khác, thì họ cũng không tin (cc.
12-13).
Lần thứ ba, Đức Giêsu đích thân tỏ mình cho nhóm Mười Một.
Ngài khiển trách họ về tội không tin những kẻ đã thấy Ngài phục sinh (c.
14).
Xem ra tin Thầy Giêsu phục sinh không phải là chuyện dễ, ngay cả đối với
các môn đệ,
dù họ đã được nghe Thầy báo trước nhiều lần khi còn sống bên Thầy,
dù có những người trong nhóm làm chứng mình đã thấy Thầy sống lại.
Ở lại trong nỗi thất vọng, buồn phiền thì dễ hơn sống lạc quan vui tươi.
Các môn đệ không ra khỏi được nỗi đau do cái chết của Thầy.
Có những nỗi đau làm con người khép kín và khoanh tay bất động.
Nhưng Đức Giêsu phục sinh vẫn không bỏ rơi các học trò cứng cỏi của mình.
Ngài kiên trì chinh phục họ bằng cách đến với họ và dùng bữa.
Ngài đưa họ ra khỏi thế giới nhỏ bé của họ và giao cho họ một sứ mạng lớn
lao.
“Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”
(c. 15).
Tin Đức Giêsu phục sinh cũng không dễ đối với chúng ta hôm nay.
Nếu thực sự tin vào sự phục sinh ở đời sau, chắc chúng ta sẽ sống khác.
Thanh thoát hơn, nhẹ nhàng hơn, quảng đại hơn, vui tươi hơn...
Nhiều khi chúng ta vẫn loan báo Tin Mừng với vẻ mặt buồn bã,
vẫn nói về đời sau mà lòng còn quá nặng với vinh hoa đời này.
Chỉ mong chúng ta được thực sự phục sinh như Thầy Giêsu,
để làm tròn sứ mạng Thầy trao phó.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa phục sinh,
vì Chúa đã phục sinh
nên con thấy mình chẳng còn gì phải sợ.
Vì Chúa đã phục sinh
nên con được tự do bay cao,
không bị nỗi sợ hãi của phận người chi phối,
sợ thất bại, sợ khổ đau,
sợ nhục nhã và cái chết lúc tuổi đời dang dở.
Vì Chúa đã phục sinh
nên con hiểu cái liều của người kitô hữu
là cái liều chín chắn và có cơ sở.
Cái liều của những nữ tu phục vụ ở trại phong.
Cái liều của cha Kolbê chết thay cho người khác.
Cái liều của bậc cha ông đã hiến mình vì Đạo.
Sự Phục Sinh của Chúa là một lời mời gọi
mang một sức thu hút mãnh liệt
khiến con đổi cái nhìn về cuộc đời :
nhìn tất cả từ trên cao
để nhận ra giá trị thực sự của từng thụ tạo.
Sự Phục Sinh của Chúa
giúp con dám sống tận tình hơn
với Chúa và với mọi người.
Và con hiểu mình chẳng mất gì,
nhưng lại được tất cả. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
18 THÁNG TƯ
Đức Giêsu Có Thể
Xóa Tan Các Mối Nghi Ngờ Của Chúng Ta
Chúa Giê-su phán: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”. Và khi nói
những lời ấy, Người thổi hơi trên các môn đệ và phán: “Hãy nhận lấy Thánh Thần.
Anh em tha tội cho ai thì tội người ấy được tha; anh em cầm buộc ai thì người ấy
bị cầm buộc”. (Ga 20,21-23)
Từ ngày đầu tiên ấy, Giáo Hội sống trong hiệu lực của giao ước mới – giao
ước vĩnh cửu. Giáo Hội sống trong hiệu lực của cái chết và cuộc Phục Sinh cứu độ
của Con Thiên Chúa. Vì thế, Giáo Hội được Đức Kitô – là chính sự sống của Giáo
Hội – trực tiếp trao cho quyền năng trên sự dữ.
Một lần nữa, chúng ta được dẫn lên căn gác thượng. Đây là ngày thứ tám sau
Phục Sinh. Đức Giêsu hiện ra cho Tô-ma, một trong Nhóm Mười Hai. Tô-ma được mời
gọi – cùng với các đồng môn của mình – trở thành chứng nhân của Đấng Phục Sinh.
Ông không có mặt cùng với các bạn tám ngày trước đó, khi Chúa hiện ra với nhóm.
Ông phải đích thân trông thấy. Rồi, Chúa Giê-su hiện đến lần thứ hai. Người đến
để thuyết phục sự cứng cỏi của Tô-ma – và Người đã cho ông thấy chứng cứ hùng hồn
của cuộc Phục Sinh của Người.
Tô-ma bị thuyết phục về sự Phục Sinh khi ông tận mắt nhìn thấy Chúa
Giê-su và các vết thương của Người. Ông không nghi ngờ nữa – và đã thốt lên lời
tuyên xưng đức tin hết sức triệt để: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi!”
(Ga 20,28).
Vâng, Giáo Hội sống sự sống Phục Sinh của Đức Kitô ngay từ chính những
ngày đầu tiên của lịch sử mình. Giáo Hội sống trong mầu nhiệm Vượt Qua của Thầy
và phu quân của mình. Từ mầu nhiệm này, Giáo Hội nhận lãnh sức mạnh hai mặt: sức
mạnh của lời chứng và sức mạnh của ân sủng có năng lực cứu độ con người. Thời đại
của Giáo Hội chỉ bắt đầu sau Lễ Hiện Xuống. Tuy nhiên, Lễ Hiện Xuống lại khởi đầu
từ chính cuộc Phục Sinh. Thực vậy, ngay trong lần đầu tiên hiện ra với các Tông
Đồ “sau ngày sa-bát”, Chúa Phục Sinh đã nói với các ông: “Anh em hãy nhận lấy
Thánh Thần” (Ga 20,22).
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 18/4
Cv 4, 13-21; Mc 16,
9-15.
Lời Suy Niệm: “Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng
bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu
tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy.”
Mặc dầu sau khi sống lại; Chúa Giêsu
đã hiện ra với bà Maria Mác-đa-la. với lời căn dặn: “Hãy đi gặp anh em Thầy và
bảo họ: Thầy lên cùng Chúa Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên
Chúa của Thầy cũng là Thiên Chúa của anh em.” Cũng như sự nhận ra Chúa của hai
môn đệ trên đường Emau: “Khi đồng bàn với họ; Người cầm bánh, dâng lời chúc tụng,
và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người.” Nhưng Nhóm Mười Một
vẫn không tin. Với sự cứng lòng tin của Nhóm Mười Một; Chúa Giêsu đã hiện ra và
đã khiển trách.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho cuộc sống của
chúng con luôn hướng về Chúa, nhận ra Chúa với đức tin của mình, để khỏi bị
Chúa khiển trách.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày
18-05: Thánh GIOAN I
Giáo Hoàng Tử Đạo
(+526)
Thánh Gioan sinh tại Tuscia. Ngài được chọn làm giám mục Rôma ngày 13
tháng 8 năm 523. Người ta không biết gì về đời thơ ấu của thánh nhân, nhưng tư
ngày lên kế vị thánh Pherô Ngài đã nhiệt thành sống khẩu hiệu “tất cả vì danh
Chúa”. Ngài đã có công hoàn thành nhạc bình ca mà các vị tiền nhiệm của Ngài là
Đức Celestinô I, Leo Cả và Galesiô khởi xướng.
Năm 624, vua Justinô I bên Tiểu Á muốn hiệp nhất Giáo hội cũng như nhằm mục
đích chính trị đã đàn áp nhóm theo lạc giáo Ariô. Tại Roma vua Theodôricô là
người theo lạc giáo Ariô đã tức giận bắt đức giáo hoàng Gioan dẫn đầu phái đoàn
đi thương thuyết. Sau nhiều lần phản đối, Ngài đã chấp nhận lên đường. Đây là lần
đầu tiên có một vị giáo hoàng rời khỏi nước Ý. Vua Justinô và toàn dân
Constantinopole hân hoan vui mừng đón tiếp Đức Giáo hoàng. Ngài đã cử hành lễ
phục sinh tại thánh đường thánh nữ Sôphia và phong vương cho vua Justinô.
Trở lại Rôma, Ngài bị vua Thêđôricô cho là đã hành động phản nghịch với
mình. Tức giận, ông tính xử tử Ngài, nhưng lại sợ dân chúng nổi loạn, nên bắt
giam Ngài tại Ravenna. Tại đây đức giáo hoàng đã từ trần ngày 18 tháng 5 năm
526.
Ngày 27 tháng 5 năm 530 xác Ngài được dời về Roma. Niên lịch phụng vụ cử
kính nhớ Ngài vào ngày 18-5 hằng năm.
(daminhvn.net)
18 Tháng Tư
Ðôi Tay Cầu Nguyện
Albrecht Durer là một họa sĩ và điêu khắc gia nổi tiếng của nước Ðức vào
thế kỷ thứ 16. Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông đó là bức tranh
“Ðôi tay cầu nguyện”.
Sự tích của họa phẩm này như sau: Thuở hàn vi, Durer kết nghĩa với một
người bạn chí thân. Cả hai đã thề thốt là sẽ giúp nhau trở thành họa sĩ. Ðể thực
hiện ước nguyện đó, người bạn của Durer đã chấp nhận làm thuê làm mướn đủ cách
để kiếm tiền cho Durer ăn học thành tài. Theo thỏa thuận, sau khi đã thành
công, Durer cũng sẽ dùng tiền bạc của mình để giúp cho người bạn ăn học cho đến
khi thành đạt.
Thế nhưng khi Durer đã thành tài, danh tiếng của anh bắt đầu lên, thì đôi
tay của người bạn cũng đã ra chai cứng vì lam lũ vất vả, khiến anh không thể
nào cầm cọ để học vẽ nữa.
Một ngày nọ, tình cờ bắt gặp đôi tay của người bạn đang chắp lại trong tư
thế cầu nguyện, Durer nghĩ thầm: “Ta sẽ không bao giờ hồi phục lại được năng
khiếu cho đôi bàn tay này nữa, nhưng ít ra ta có thể chứng minh tình yêu và
lòng biết ơn của ta bằng cách họa lại đôi bàn tay đang cầu nguyện này. Ta muốn
ca tụng đôi bàn tay thanh cao và tấm lòng quảng đại vị tha của một người bạn”.
Thế là kể từ hôm đó, Durer đã để hết tâm trí vào việc thực hiện bức tranh
đó. Ðó không phải chỉ là một tác phẩm nghệ thuật, nhưng là tất cả tình yêu và
lòng biết ơn mà ông muốn nói lên với một người bạn. Bức tranh đã trở thành bất
hủ, nhưng càng bất hủ hơn nữa đó là tấm lòng vàng của người bạn và tâm tình tri
ân của nhà họa sĩ.
Phúc Âm kể lại cuộc gặp gỡ cảm động giữa Chúa Giêsu và một người đàn bà
mà mọi người đang nhìn bằng một con mắt khinh bỉ, bởi vì bà ta bị xếp vào loại
người tội lỗi… Bất chấp mọi dòm ngó và xì xào, người đàn bà đã tiến đến bên
Chúa Giêsu, đập vỡ một bình dầu thơm, đổ trên chân Chúa Giêsu và dùng tóc lau chân
Ngài.
Nhiều người xì xào, tỏ vẻ khó chịu. Chúa Giêsu đã lên tiếng biện minh cho
người đàn bà và Ngài đã tiên đoán: nơi nào tin Mừng được loan báo thì nơi đó cử
chỉ của người đàn bà được nhắc tới.
Qua lời tuyên bố trên đây, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng: tất cả
mọi nghĩa cử, dù là một hành vi nhỏ bé đến đâu và làm cho mọi người nhỏ mọn đến
đâu, cũng được ghi nhớ muôn đời.
Tiền của có thể qua đi, danh vọng có thể mai một, nhưng những việc làm
bác ái luôn có giá trị vĩnh cửu. Thánh Phaolô đã nói: trong ba nhân đức Tin, Cậy,
Mến, chỉ có Ðức Mến là tồn tại đến muôn đời.
Cuộc đời của mỗi người Kitô chúng ta cũng giống như một bức tranh cần được
hoàn thành. Mỗi một nghĩa cử chúng ta làm cho người khác là một đường nét chúng
ta thêm vào cho bức tranh. Khuôn mặt của chúng ta có thể khô cằn, hoặc rướm máu
vì những cày xéo của những thử thách, khó khăn, đôi tay của chúng ta có thể khô
cứng vì những quảng đại, quên mình. Tuy nhiên, những đường nét bác ái sẽ làm
cho khuôn mặt ấy trở thành bất tử…
(Lẽ Sống)
Lectio Divina: Máccô 16:9-15
Saturday 18 April, 2020
Lectio Divina
Thứ Bảy trong Tuần Bát
Nhật Phục Sinh
1. Lời nguyện mở
đầu
Lạy Chúa và là Cha của chúng con,
Chúa Giêsu, Con Chúa, đã sống giữa chúng con,
Xác thịt như xác thịt chúng con, máu như máu chúng con.
Người đã chết vì chúng con
Và Chúa đã cho Người sống lại.
Nguyện xin cho chúng con cảm nghiệm được tình yêu và sự hiện diện của Người
Đến mức mà chúng con không bao giờ có thể ngừng loan báo
Và mọi người có thể tôn vinh danh Chúa, Chúa chúng con.
Chúng con cầu xin nhờ Chúa Giêsu Kitô.
2. Bài Đọc Tin Mừng
– Máccô 16:9-15
Khi Chúa Giêsu sống lại, sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, thì trước hết
Người hiện ra với Maria Mađalêna, kẻ đã được Chúa đuổi bảy quỷ. Bà đi báo
tin cho những kẻ từng ở với Người và nay đang buồn thảm khóc lóc. Họ nghe
bà nói Chúa sống lại và bà đã thấy Người, nhưng họ không tin.
Sau đó, Chúa lại hiện ra dưới hình thức khác với hai môn đệ đang trên đường
về miền quê. Hai ông trở về báo tin cho anh em, nhưng họ cũng không tin
các ông ấy.
Sau hết, Chúa hiện ra với Mười Một tông đồ lúc đang ngồi ăn. Chúa
khiển trách các ông đã cứng lòng, vì các ông không tin những kẻ đã thấy Người sống
lại. Rồi Người phán: “Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng
cho muôn loài”.
3. Suy Niệm
– Bài Tin Mừng hôm nay là
một phần của đoạn văn rộng lớn hơn (Mc 16:9-20) đặt chúng ta trước một danh
sách hay một bản tóm tắt các cuộc hiện ra khác nhau của Chúa Giêsu: (a)
Chúa Giêsu hiện ra với bà Maria Mađalêna, nhưng các môn đệ đã không chấp nhận lời
chứng của bà (Mc 16:9-11); (b) Chúa Giêsu hiện ra với hai môn đệ, nhưng các người
khác không chấp nhận lời chứng của họ (Mc 16:12-13); (c) Chúa Giêsu hiện ra với
nhóm Mười Một, Chúa khiển trách việc cứng lòng của các ông và truyền cho các
ông đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân (Mc 16:14-18); (d) Chúa lên Trời và tiếp
tục cộng tác với các môn đệ (Mc 16:19-20).
– Bên cạnh danh sách các lần
hiện ra này trong Tin Mừng của Máccô, còn có các danh sách khác về những lần
Chúa hiện ra nhưng không phải lúc nào cũng luôn ăn khớp với nhau. Lấy ví
dụ, danh sách được lưu giữ bởi thánh Phaolô trong Thư gửi các tín hữu Côrintô
thì rất khác biệt (1Cr 15:3-8). Việc khác nhau này cho thấy rằng lúc đầu
các Kitô hữu tiên khởi đã không lo lắng chứng minh sự Phục Sinh của Chúa bằng
cách nói về các lần hiện ra. Đối với họ, niềm tin vào Chúa Phục Sinh đã
quá rõ ràng và sống động đến nỗi mà người ta không cần phải chứng minh điều
đó. Một người phơi nắng trên bờ biển thì không cần lo chứng minh rằng mặt
trời hiện hữu, bởi vì chính bản thân người ấy, bị rám nắng, đã là một bằng chứng
hiển nhiên về sự hiện hữu của mặt trời. Các cộng đoàn, hiện hữu trong một
đế quốc to lớn, là một bằng chứng sống của sự Phục Sinh. Danh sách các lần
hiện ra đã bắt đầu xuất hiện sau đó, trong thế hệ thứ hai để bác bỏ những lời
chỉ trích của kẻ thù.
– Mc 16:9-11: Chúa
Giêsu hiện ra với bà Maria Mađalêna, nhưng các môn đệ không tin lời bà.
Chúa Giêsu hiện ra lần đầu tiên với bà Maria Mađalêna. Bà đi báo tin này
với những người khác. Để đến thế gian, Thiên Chúa đã muốn dùng cung lòng
của một thiếu nữ độ 15 hay 16 tuổi, tên là Maria thành Nagiarét (Lc
1:38). Để được công nhận là còn sống ở giữa chúng ta, Người muốn dùng lời
loan báo của người phụ nữ đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, còn được gọi là
Maria thành Mađalêna! (Đây là lý do tại sao bà có tên là Maria
Mađalêna). Nhưng các môn đệ đã không tin bà. Thánh Máccô nói rằng
Chúa Giêsu đã hiện ra lần đầu tiên với bà Maria Mađalêna. Trong danh sách
các lần hiện ra, được lưu truyền trong thư gửi tín hữu Côrintô (1Cr 15:3-8),
các lần hiện ra của Chúa Giêsu với những người phụ nữ đã không được đề cập đến.
Các Kitô hữu tiên khởi đã gặp khó khăn lúng túng để tin vào lời chứng của người
phụ nữ. Đó là điều tội lỗi!
– Mc 16:12-13: Chúa
Giêsu hiện ra với hai môn đệ đang trên đường về miền quê, nhưng những môn đệ
khác cũng không tin họ. Không đi vào quá nhiều chi tiết, thánh Máccô
đề cập đến lần hiện ra của Chúa Giêsu với hai môn đệ, “đang trên đường về miền
quê”. Có lẽ đây là một lời tóm tắt về lần hiện ra của Chúa Giêsu với các
môn đệ trên đường đi Emmau, được thuật lại bởi thánh Luca (Lc 24:13-25).
Máccô nhấn mạnh khi nói rằng “những môn đệ khác cũng không tin các ông ấy”.
– Mc 16:14-15: Chúa
Giêsu khiển trách các ông đã cứng lòng và Người truyền cho các ông đi loan báo
Tin Mừng cho mọi tạo vật. Vì lý do này, Chúa Giêsu hiện ra với nhóm
Mười Một môn đệ và khiển trách các ông bởi vì họ đã không tin lời của những kẻ
đã thấy Người sống lại. Lần nữa, Máccô đề cập đến việc cứng lòng của các
môn đệ trong việc tin vào lời chứng của những kẻ đã có kinh qua với sự Phục
Sinh của Chúa Giêsu. Tại sao vậy? Có lẽ để giáo huấn ba điều.
Trước nhất, đức tin vào Chúa Giêsu thì đi qua lòng tin tưởng vào những người
làm chứng. Thứ hai, không ai phải nản lòng, khi mà có sự nghi ngại hoặc
không tin tưởng dấy lên trong lòng. Thứ ba, để bác bỏ lời chỉ trích của
những kẻ nói rằng người Kitô hữu thì ngây thơ và cả tin với bất kỳ điều gì, bởi
vì nhóm Mười Một môn đệ đã rất khó khăn để chấp nhận sự thật về Chúa Phục Sinh!
– Bài Tin Mừng hôm nay kết
thúc với lời sai đi: “Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho
muôn loài!” Chúa Giêsu trao cho các môn đệ sứ vụ đi loan báo Tin Mừng cho
mọi tạo vật.
4. Một vài câu hỏi
gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân
– Bà Maria Mađalêna, hai
môn đệ trên đường Emmau và nhóm Mười Một môn đệ: Ai là kẻ có khó khăn nhất
để tin vào sự Phục Sinh? Tại sao? Tôi nhận thấy mình giống như ai
trong các người ấy?
– Những dấu chỉ để có thể
thuyết phục người ta rằng có sự hiện diện của Chúa Giêsu ở giữa chúng ta là gì?
5. Lời nguyện kết
Nguyện Chúa Trời dủ thương và chúc phúc,
xin tỏa ánh tôn nhan rạng ngời trên chúng con,
cho cả hoàn cầu biết đường lối Chúa,
và muôn nước biết ơn cứu độ của Ngài
(Tv 67:1-2)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét