Trang

Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2020

20-04-2020 : THỨ HAI - TUẦN II PHỤC SINH


20/04/2020
 Thứ Hai tuần 2 Phục Sinh


BÀI ĐỌC I: Cv 4, 23-31
“Khi họ cầu nguyện xong, thì được đầy Thánh Thần và tin tưởng rao giảng lời Chúa”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, sau khi được phóng thích, Phêrô và Gioan trở về cùng các anh em, và thuật lại cho họ nghe tất cả những điều mà các thượng tế và kỳ lão đã nói. Vừa nghe thuật lại, họ đồng thanh cất tiếng nguyện cùng Thiên Chúa rằng: “Lạy Chúa, Chúa là Đấng tạo thành trời đất, biển cả và mọi vật trong đó. Nhờ Thánh Thần, Chúa đã dùng miệng tổ phụ chúng con là Đavít tôi tớ Chúa mà phán: ‘Tại sao chư dân chấn động, và các nước lại mưu đồ chuyện luống công? Các vua thiên hạ đều nổi dậy, các thủ lãnh toa rập với nhau chống lại Chúa và Đấng Kitô của Người’. Vì quả thật, tại thành Giêrusalem này, Hêrôđê và Phongxiô Philatô đã liên kết với các dân ngoại và dân Israel, mà chống lại tôi tớ thánh của Chúa là Đức Giêsu, Đấng Chúa đã xức dầu, để thực hiện những điều mà quyền năng và ý định Chúa đã dự liệu từ trước. Và lạy Chúa, giờ đây, hãy xem họ đang đe doạ, và xin ban cho các tôi tớ Chúa được đầy lòng tin tưởng rao giảng lời Chúa, cùng xin Chúa giơ tay chữa lành các bệnh nhân, làm những dấu lạ, và những việc phi thường nhân danh Thánh Tử của Chúa là Đức Giêsu”.
Khi họ cầu nguyện xong, thì nơi họ đang tập họp liền chuyển động, mọi người được tràn đầy Thánh Thần và tin tưởng rao giảng lời Thiên Chúa. Đó là lời Chúa. 

ĐÁP CA: Tv 2, 1-3. 4-6. 7-9
Đáp: Phúc cho tất cả những ai tin tưởng nơi Chúa (c. 13b).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Tại sao chư dân chấn động, và các nước mưu đồ chuyện luống công: các vua mặt đất cùng nổi dậy, và bậc quân vương nhất tề âm mưu phản nghịch Chúa và Đấng Kitô của Người. Họ nói: “Đập tan xiềng xích chúng ra, gông cùm chúng, hãy ném cho xa bọn mình”. – Đáp.
2) Đấng ngự trên thiên đình cười nhạo, Chúa mỉa mai cười chúng. Bấy giờ Người phán bảo chúng trong cơn thịnh nộ, và làm cho chúng rối loạn trong cơn lôi đình: “Nhưng Ta đã đặt vương nhi Ta trên núi Sion, núi thánh của Ta”. – Đáp.
3) Ta sẽ truyền rao thánh chỉ của Chúa: Chúa đã phán bảo cùng Ta: “Con là thái tử của Cha, hôm nay Cha đã sinh thành ra Con. Hãy xin Cha và Cha sẽ cho Con được chư dân làm phần sản nghiệp, và tận cùng cõi đất làm gia tài. Con sẽ cai trị chúng bằng cây gậy sắt, như bình thợ gốm, Con đem nghiền nát chúng ra”. – Đáp.

ALLELUIA: Mt 23, 19 và 20
Alleluia, alleluia! – Các con hãy đi giảng dạy muôn dân: Thầy sẽ ở với các con mọi ngày cho đến tận thế. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Ga 3, 1-8
“Nếu không tái sinh bởi trời, thì chẳng ai được thấy Nước Chúa”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, trong nhóm biệt phái, có người tên là Nicôđêmô, một đầu mục của người Do-thái. Ông đến thăm Chúa Giêsu ban đêm và thưa rằng: “Lạy Thầy, chúng tôi nhận biết Thầy là một vị tôn sư Thiên Chúa uỷ phái đến. Vì không ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người đó”. Chúa Giêsu đáp: “Thật, Tôi bảo thật cho ông biết, nếu không tái sinh bởi trời, thì chẳng ai được thấy Nước Chúa”. Nicôđêmô thưa Chúa rằng: “Một người đã già, làm sao có thể tái sinh? Không lẽ người ấy lại vào lòng mẹ mà sinh ra lần nữa sao?” Chúa Giêsu đáp: “Thật, Tôi bảo thật cho ông biết, nếu không tái sinh bởi nước và Thánh Thần, thì không ai được vào nước Thiên Chúa. Sự gì sinh bởi huyết nhục, thì là huyết nhục; và sự gì sinh bởi Thần Linh, thì là thần linh. Ông đừng ngạc nhiên vì nghe Tôi nói rằng: Các ngươi phải tái sinh bởi trời. Gió muốn thổi đâu thì thổi, ông nghe tiếng gió, nhưng chẳng biết gió từ đâu đến và đi đâu: mọi kẻ sinh bởi Thần Linh cũng vậy”. Đó là lời Chúa.


SUY NIỆM : Cửa ngõ vào Nước Thiên Chúa
Trong đoạn Phúc Âm hôm nay chúng ta hãy chú ý đến tinh thần và dung mạo của ông Nicôđêmô, một người thuộc nhóm Pharisiêu, tức biệt phái và là thủ lãnh của dân Israel. Hai chi tiết này cho chúng ta biết là dung mạo nhân bản và thiêng liêng của ông.
Nicôđêmô là một nhà trí thức thông biết Kinh Thánh Cựu Ước và đã thành danh, có địa vị trong dân Israel, có những đặc quyền và đặc ân trong xã hội và có những bổn phận phải chu toàn cũng như những lợi danh cần duy trì. Ðể duy trì danh thế này, ông Nicôđêmô không dám công khai đến với Chúa mà chỉ muốn đến với Chúa ban đêm để người ta đừng trông thấy, để khỏi bị phiền phức và để khỏi bị mất uy tín xã hội mà ông đang vui hưởng.
Nhìn từ bên ngoài và trên bình diện tự nhiên nhân bản, thì có thể nói một người như ông Nicôđêmô đã được thỏa mãn trọn đủ, công thành danh toại rồi, không còn phải nghĩ thêm gì nữa. Tuy nhiên, nếu xét thêm một chút nữa, chúng ta sẽ thấy được một khao khát sâu xa nơi tâm hồn của ông Nicôđêmô, khao khát về ý nghĩa cuối cùng của cuộc sống, khao khát một cuộc mạc khải trọn vẹn hơn về Thiên Chúa. Ông đã nghe biết giáo lý có uy tín của Chúa Giêsu nên đã dám gọi Chúa là một vị tôn sư và đã quan sát đúng việc lạ Chúa thực hiện và lý luận một cách tự nhiên là có Thiên Chúa hiện diện nơi con người mang danh Giêsu đây. Ông đã mở đầu cuộc đối thoại bằng một lời công nhận chân thành: "Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến. Quả thật, chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy". Với thái độ sống như vậy, ông Nicôđêmô không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu. Nhưng điều mà cái nhìn phàm trần cho là lợi điểm của ông Nicôđêmô, tức sự hiểu biết của trí khôn, lại trở thành một cản trở, vì nếu muốn hiểu mọi sự nên ông Nicôđêmô chưa được chuẩn bị để đón nhận mầu nhiệm. Ông đã thắc mắc về ý nghĩa của việc sinh ra lại "Làm sao một người lớn tuổi mà có thể chui vào bụng mẹ để được sinh ra lại?"
Chúa Giêsu phải chuẩn bị thêm cho ông Nicôđêmô và long trọng xác nhận với ông rằng để theo Chúa, con người không thể ỷ lại vào sự hiểu biết hay vào lý lẽ khôn ngoan của con người. Cần phải được biến đổi bởi nước và Thánh Thần. Cần phải khiêm tốn lãnh nhận ân sủng Chúa ban và vâng phục sự soi sáng của Chúa Thánh Thần: "Không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa nếu không được sinh lại bởi ơn trên, không ai có thể vào Nước Thiên Chúa nếu không sinh ra bởi nước và Thánh Thần." Bí tích rửa tội và ơn Chúa Thánh Thần là cửa ngõ mở vào Nước Thiên Chúa.
Lạy Cha, chúng con cảm tạ Cha vô cùng vì đã ban ơn Thánh Thần xuống để sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con, xin giải thoát chúng con khỏi mọi tội lỗi và làm cho chúng con được sinh ra lại trong Chúa Kitô Phục Sinh. Xin Cha thương cho Chúa Thánh Thần hoàn tất trong mỗi người chúng con điều mà ân sủng bí tích Rửa Tội đã bắt đầu. Xin cho chúng con có thái độ khiêm tốn để lãnh nhận những sự thật do Chúa mạc khải và can đảm làm chứng cho Chúa trong mọi hoàn cảnh.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)



Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần II PS
Bài đọcActs 4:23-31; Jn 3:1-8.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thánh Thần giúp các môn đệ làm chứng cho Đức Kitô.
Một bằng chứng hùng hồn của việc Chúa sống lại là chúng ta chỉ cần quan sát sự thay đổi nơi các tông đồ: Điều gì đã giúp cho các tông đồ, từ những người nhát đảm sợ sệt bỏ trốn Chúa trong Cuộc Thương Khó của Ngài, bây giờ trở thành những người can đảm làm chứng cho Chúa giữa những đe dọa và cực hình? Đó là sự hiện diện của Thánh Thần như Chúa Giêsu đã hứa với các ông trong đêm giã biệt: “Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Jn 14:26).
Các Bài Đọc hôm nay nói lên vai trò quan trọng của Thánh Thần trong đời sống của các tín hữu. Trong Bài Đọc I, khi các tông đồ cầu nguyện và xin ơn để có thể tiếp tục sứ vụ Chúa Giêsu đã trao phó, Thánh Thần hiện xuống trên các ông và quyền năng của Ngài bao trùm các ông, giúp các ông có can đảm và mạnh bạo làm chứng cho Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nói cho Nicodemus biết: không ai có thể đạt tới Nước Thiên Chúa nếu không được tái sinh bởi nước và Thánh Thần.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần và bắt đầu mạnh dạn nói lời Thiên Chúa.
1.1/ Con người chỉ làm theo kế họach Thiên Chúa đã hoạch định: Phêrô và Gioan được tha về sau khi đã làm chứng cho Chúa Giêsu trước mặt THĐ và dân chúng. Hai ông đến với các anh em và thuật lại mọi điều các thượng tế và kỳ mục đã nói với hai ông.
Nghe vậy, họ đồng tâm nhất trí cất tiếng lên cùng Thiên Chúa: “Lạy Chúa, Ngài là Đấng tạo thành trời đất với biển khơi cùng muôn loài trong đó; Ngài là Đấng đã nhờ Thánh Thần, dùng miệng tổ phụ chúng con là David, tôi trung của Ngài, mà phán: “Sao chư dân lại ồn ào náo động, sao vạn quốc dám bày kế viển vông? Vua chúa trần gian cùng nổi dậy, vương hầu khanh tướng rập mưu đồ, chống lại Đức Chúa, chống lại Đấng Người đã xức dầu phong vương.” (Psa 2).”
Các tông đồ hiểu lời Thánh Vịnh 2 này nói trước về Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu: “Đúng vậy, Herode, Pontius Pilate, cùng với chư dân và dân Israel đã toa rập trong thành này, chống lại tôi tớ thánh của Ngài là Đức Giêsu, Đấng Ngài đã xức dầu.” Như thế họ đã thực hiện tất cả những gì do ý muốn của Thiên Chúa đã hoạch định từ trước.
1.2/ Các tông đồ được ban Thánh Thần để làm chứng cho Đức Kitô: Các tông đồ xin những sức mạnh cần thiết để các ngài có thể tiếp tục sứ vụ rao giảng của Đức Kitô: ơn can đảm, ơn chữa lành, uy quyền làm phép lạ nhân danh Chúa Giêsu. Họ cầu nguyện: “Giờ đây, lạy Chúa, xin để ý đến những lời ngăm đe của họ, và cho các tôi tớ Ngài đây được nói lời Ngài với tất cả sự mạnh dạn. Xin giơ tay chữa lành, và thực hiện những dấu lạ điềm thiêng, nhân danh tôi tớ thánh của Ngài là Đức Giêsu.”
Thánh Thần hiện xuống trên các tông đồ và thúc đẩy các ông làm chứng cho Chúa Giêsu. “Khi họ cầu nguyện xong, thì nơi họ họp nhau rung chuyển; ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần và bắt đầu mạnh dạn nói lời Thiên Chúa.” Giờ đây, không chỉ có Phêrô và Gioan can đảm làm chứng cho Chúa Giêsu, mà tất cả các tông đồ. Sau khi đã lãnh nhận Thánh Thần, các ông có can đảm để đi vào các ngả đường làm chứng nhân cho Chúa Giêsu.
2/ Phúc Âm: Phải sinh ra một lần nữa bởi Nước và Thần Khí.
2.1/ Không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa từ trên.
(1) Tiểu sử Nicodemus: “Trong nhóm Pharisees, có một người tên là Nicodemus, một thủ lãnh của người Do-thái.” Ông là một thành viên của Thượng Hội Đồng, và đã lên tiếng bênh vực Chúa Giêsu cách gián tiếp khi THĐ âm mưu bắt Chúa Giêsu (Jn 7:50-51). Ông cũng là người đã cùng ông Joseph Arimathea tháo đanh và táng xác Chúa trong hang đá (Jn 19:38-39). Tại sao ông đến với Chúa Giêsu ban đêm? Có người cho rằng vì ông sợ người khác thấy. Kẻ khác cho tại vì truyền thống Do-thái có thói quen học Kinh Thánh ban đêm.
Ông để ý quan sát và nhận xét về Chúa Giêsu không giống như các người Pharisees khác: “Thưa Thầy, chúng tôi biết: Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến. Quả vậy, chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy.” Lời nhận xét của ông giống như lời nhận xét của người mù từ lúc mới sinh trong Jn 9: Nếu Chúa Giêsu không đến từ Thiên Chúa, Ngài không thể nào chữa lành bệnh tật cho anh. Ông phải là người thành tâm thiện ý đi tìm sự thật; nhưng chưa có Thánh Thần để giúp ông hiểu lời Chúa nói và can đảm tin vào Chúa. Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu thảo luận với ông về sự hiện diện cần thiết của Thánh Thần. Có lẽ ông đã tin vào Chúa sau khi táng xác Chúa.
(2) Điều kiện để vào Nước Thiên Chúa: Đức Giêsu nói với ông: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên.” Ông Nicodemus thưa: “Một người đã già rồi, làm sao có thể sinh ra được? Chẳng lẽ người đó có thể trở vào lòng mẹ lần thứ hai để sinh ra sao?”
Trong tiếng Hy-lạp, trạng từ “anothen“có thể mang một trong 3 nghĩa sau: (1) từ trên cao; (2) một lần nữa; (3) từ ban đầu (Lk 1.3). Nicodemus hiểu lời Chúa Giêsu nói theo nghĩa thứ hai.
Theo W. Barclay, Chúa Giêsu có thể ám chỉ cả 3 nghĩa: “Để có thể tái sinh hoàn toàn mới, một người cần phải trải qua một sự thay đổi lớn mà nó gần như là một sự sinh ra mới (nghĩa 2); đó là cần phải có những gì xảy ra cho linh hồn mà nó chỉ có thể mô tả là được sinh ra bắt đầu lại từ đầu (nghĩa 3); và tòan thể tiến trình này không phải do công lao con người, vì nó đến từ ơn thánh và uy quyền của Thiên Chúa (nghĩa 1).”
2.2/ Chúa Giêsu cắt nghĩa cho Nicodemus:
(1) Sinh ra bởi Nước và Thánh Thần: Đức Giêsu đáp: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí. Cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt; cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí. Ông đừng ngạc nhiên vì tôi đã nói: các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên.” Các tông đồ phân biệt 2 phép rửa: phép rửa bằng nước của Gioan để tha tội, phép rửa ban Thánh Thần của Chúa Giêsu.
(2) Việc làm của Thánh Thần: Chúa Giêsu so sánh Thánh Thần với gió: “Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy.”
Trong tiếng Hy-lạp và Do-thái, họ chỉ dùng cùng một tiếng để chỉ “gió” và “thần khí:” ruah trong tiếng Do-thái và pneuma trong tiếng Hy-lạp. Con người thấy hậu quả những việc làm của Thánh Thần, tuy không bao giờ thấy Ngài. Ví dụ, khi nhìn thấy các tông đồ mạnh dạn làm chứng cho Chúa Giêsu hay nói tiếng lạ, chúng ta phải đặt câu hỏi: Ai đã biến các ông từ chỗ nhút nhát sợ sệt đến chỗ can đảm làm chứng cho Chúa Giêsu?
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Khi lãnh nhận Bí-tích Rửa Tội và Thêm Sức, chúng ta đã có Thánh Thần trong linh hồn.
– Các tín hữu phải được tái sinh bởi Thánh Thần mới có thể hiểu Lời Chúa và can đảm làm chứng nhân cho Chúa Giêsu.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


20/04/2020 – THỨ HAI TUẦN 2 PS
Ga 3,1-8


ĐƯỢC TÁI SINH ĐỂ SỐNG THEO THẦN KHÍ
“Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi Nước và Thần Khí.” (Ga 3,5)
Suy niệm: Sống trong thời kinh tế thị trường, thời của những dịch vụ, chúng ta quá quen với chiếc vé: xem phim, xem đá banh phải mua vé; đi tàu đi xe phải mua vé; muốn thành hội viên của một nhóm, một câu lạc bộ… không có vé thì cũng phải có thẻ! Có phải vì thế mà nhiều người sánh ví bí tích rửa tội như tấm vé vào cửa Nước Trời chăng? Chúa đã chẳng nói: “Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa nếu không sinh lại bởi Nước và Thần Khí” đó sao? Phải chăng cầm chiếc vé “Rửa Tội” trong tay là coi như “xí” được một chỗ trên thiên đàng rồi? Điều đó chỉ đúng một phần. Bí tích Rửa tội không chỉ là một “ấn tích” không phai mờ mà còn khơi nguồn sống mới, tái sinh con người thành con cái của Thiên Chúa; khi lãnh nhận bí tích này, người ki-tô hữu đã bắt đầu sống cuộc sống vĩnh cửu ngay ở trần thế này. Tấm vé vào cửa thiên đàng chỉ có hiệu lực khi người ta bước vào cõi đời sau như một người con cái Thiên Chúa còn đang sống, chứ không phải một người mang danh hiệu ki-tô hữu mà đức tin kể như đã chết rồi.
Mời Bạn: Để sự sống của Thiên Chúa được sống động và lớn lên trong tâm hồn, hãy lắng nghe tiếng nói của Thần Khí, hãy sống dưới sự hướng dẫn của Thần Khí.
Sống Lời Chúa: Những giờ phút thinh lặng cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa và kiểm điểm đời sống là phương thế giúp ta sống theo Thần Khí trong từng giây phút của cuộc sống đời thường.
Cầu nguyện: Xin Cha ban Thánh Thần đến để Ngài sửa lại mọi sự trong ngoài của chúng con. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)


SUY NIỆM : Được sinh ra từ trên

Mùa Phục sinh là thời gian những người dự tòng lãnh bí tích Thanh Tẩy.
Tuy họ là những người đã lớn khôn trưởng thành,
nhưng bí tích Thanh Tẩy đưa họ vào một cuộc sống mới,
cuộc sống như trẻ thơ được sinh lại nhờ Thánh Thần.
Để bước vào cuộc đời này, cần có một người cha sinh ra mình.
Để vào Nước Thiên Chúa, con người cần được Cha trên trời sinh ra.
Con người có sự sống đời này khi Chúa còn ban hơi thở tự nhiên.
Con người có sự sống vĩnh cửu khi được Chúa ban Thần Khí.
Bài Tin Mừng hôm nay nói về sự sinh ra bởi Thần khí, sinh ra từ trên.
Trong đêm tối, ông Nicôđêmô, một vị chức sắc của Thượng Hội Đồng,
đến gặp Đức Giêsu, người mà ông kính trọng gọi là Rabbi.
Ông tin Thầy Giêsu đến từ Thiên Chúa,
và vì Thầy có Thiên Chúa ở cùng nên Thầy mới làm được nhiều dấu lạ.
Có vẻ ông định hỏi Thầy về việc làm sao vào được Nước Thiên Chúa.
Đức Giêsu cho biết phải được sinh ra từ trên (anôthen).
Trong tiếng Hy-lạp, anôthen còn có nghĩa là lại, lần nữa.
Có lẽ vì thế mà Nicôđêmô tưởng là Đức Giêsu nói đến việc sinh lại.
Chính vì thế ông nêu lên thắc mắc :
“Một người đã già rồi, làm sao người ấy có thể được sinh lại lần nữa.”
Dĩ nhiên chúng ta không cần phải vào lòng mẹ lần thứ hai.
Nhưng kitô hữu thực sự phải là người đã được sinh ra bởi Thần Khí.
Tương tự như gió ở chung quanh ta.
Chúng ta chỉ có thể thấy những hậu quả của gió, nhưng không thấy được gió.
Người được sinh bởi Thần Khí cũng vậy.
Chúng ta cũng không rõ cách thức Thần Khí hoạt động nơi người ấy,
nhưng chúng ta nhìn thấy sự biến đổi sâu xa nơi cuộc đời mỗi người.
Mùa Phục sinh là thời gian của sự sống.
Chúng ta đã được sinh lại từ khi lãnh nhận Phép Rửa.
Hãy để cho sự  sống đó được làm mới lại và được lớn lên từng ngày.
Hãy để Thần Khí của Đấng Phục sinh nâng chúng ta lên cao,
để chúng ta thực sự là những người được sinh ra từ trên.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu phục sinh
xin ban cho con sự sống của Chúa,
sự sống làm đời con mãi mãi xanh tươi.
Xin ban cho con bình an của Chúa,
bình an làm con vững tâm giữa sóng gió cuộc đời.
Xin ban cho con niềm vui của Chúa,
niềm vui làm khuôn mặt con luôn tươi tắn.
Xin ban cho con hy vọng của Chúa,
hy vọng làm con lại hăng hái lên đường.
Xin ban cho con Thánh Thần của Chúa,
Thánh Thần mỗi ngày làm mới lại đời con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
20 THÁNG TƯ
Sự Sống Tiềm Tàng Với Đức Kitô Trong Thiên Chúa
“Anh em hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới” (Cl 3,1). Chúng ta mừng cuộc Phục Sinh của Chúa. Người cất lên lời kêu gọi ấy là Tông Đồ Phao-lô. Một cách đặc biệt, thánh nhân đã kinh nghiệm được sức mạnh của Đấng Phục Sinh: “Nếu… anh em đã được sống lại cùng với Đức Kitô, thì anh em hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới… Hãy để lòng trí mình nơi những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới… Vì sự sống của anh em được tiềm tàng với Đức Kitô trong Thiên Chúa” (Cl 3,1-3).
Sứ điệp Phục Sinh là một lời chứng. Những người đưa ra lời chứng là những người đã gặp thấy ngôi mộ trống rỗng. Họ là những người đã kinh nghiệm sự hiện diện của Chúa Phục Sinh. “Điều mắt chúng tôi đã xem thấy, điều tay chúng tôi đã sờ thấy” (1Ga 1,1) – như đôi bàn tay của Tô-ma cứng lòng – “chúng tôi… công bố cho anh em” (1Ga 1,3). “Sự sống đã được tỏ bày; chúng tôi đã thấy và làm chứng” (1Ga 1,2). Sự sống được tỏ bày, khi mà tất cả mọi sự dường như đã chìm ngập trong bóng tối của sự chết.
Một tảng đá lớn đã được lăn tới lấp kín cửa mộ. Người ta đóng chặt và niêm kín. Nhưng sự sống lại tỏ hiện! Vâng, sứ điệp Phục Sinh là một lời chứng và là một thách đố. Đức Kitô đã đến trần gian vì chúng ta. Người đã bị đóng đanh thập giá. Nhưng qua cái chết của Người, Người trao ban cho chúng ta sự sống. Và như vậy có nghĩa rằng sự sống của chúng ta giờ đây được tiềm tàng với Đức Kitô trong Thiên Chúa. (Cl 3,3)
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 20/4
Cv 4, 23-31; Ga 3, 1-8.

Lời Suy Niệm: “Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí.”
       Chúa Giêsu đang nói với mỗi người trong chúng ta: “Phép Rửa trong nước và Thần Khí là sự tái sinh.”. Chính nhờ sự tái sinh này, sẽ xóa hết mọi tội lỗi của chúng ta, và được Thần Khí dẫn đưa chúng ta đi vào chính lộ mà Chúa Cha đã định sẵn, để bước vào hưởng hạnh phúc trong Nước của Ngài.
       Lạy Chúa Giêsu. Chúng con tạ ơn Chúa đã ban ơn tái sinh cho chúng con. Xin cho chúng con luôn sống với ơn thánh này.
Mạnh Phương


20 Tháng Tư
Hãy Thắp Lên Một Que Diêm
Một bữa nọ, ông John Keller, một diễn giả nổi tiếng được mời thuyết trình trước khoảng 100 ngàn người tại vận động trường Los Angeles bên Hoa Kỳ. Ðang diễn thuyết ông bỗng dừng lại và nói: “Bây giờ xin các bạn đừng sợ! Tôi sắp cho tắt tất cả đèn trong sân vận động này”.
Ðèn tắt, sân vận động chìm sâu trong bóng tối dày đặc, ông John Keller nói tiếp: “Bây giờ tôi đốt lên một que diêm. Những ai nhìn thấy ánh lửa của que diêm tôi đốt thì hãy kêu lớn lên: Ðã thấy!”. Một que diêm được bật lên, cả vận động trường vang lên những tiếng kêu: “Ðã thấy!”.
Sau khi đèn được bật sáng lên, ông John Keller giải thích: “Ánh sáng của một hành động nhân ái dù bé nhỏ như một que diêm sẽ chiếu sáng trong đêm tăm tối của nhân loại y như vậy”.
Một lần nữa, tất cả đèn trong sân vận động lại tắt. Một giọng nói vang lên ra lệnh: “Tất cả những ai ở đây có mang theo diêm quẹt, xin hãy đốt cháy lên!”. Bỗng chốc cả vận động trường rực sáng.
Ông John Keller kết luận: “Tất cả chúng ta hợp lực cùng nhau, cóthể chiến thắng bóng tối, sự dữ và oán thù bằng những đóm sáng nhỏ của tình thương và lòng tốt của chúng ta”.
Hòa bình không chỉ là môi trường sống vắng bóng chiến tranh. Hòa bình không chỉ là cuộc sống chung im tiếng súng. Vì trong sự giao tiếp giữa người với người, đôi khi con người giết hại nhau mà không cần súng đạn, đôi khi con người làm khổ nhau, đàn áp và bóc lột nhau mà không cần chiến tranh.
Ngoài ra, hòa bình không chỉ được xây dựng trong những văn phòng của các nhà lãnh đạo. Hòa bình không chỉ được xây dựng qua những cuộc họp, qua những buổi thảo luận, mặc cả của các nhà chính trị. Mọi người chúng ta phải trở thành những người thợ xây dựng hòa bình. Bởi lẽ nguồn gốc của hòa bình xuất phát từ phẩm chất của các mối liên lạc giữa người với người.
Người biết yêu mến là người thợ xây dựng hòa bình. Kẻ biết giúp đỡ là kẻ xây đắp hòa bình. Những ai biết tha thứ, những ai biết phục vụ tha nhân, những ai biết luôn khước từ hận thù, bạo lực là những người thợ xây dựng hòa bình. Những ai biết chia sớt của cải mình cho người túng thiếu hơn, những ai có lòng nhân từ, có lòng khoan dung và thông cảm đều là những kẻ giúp cho hòa bình nảy nở giữa loài người.
Tóm lại, cách thức tốt nhất để xây dựng hòa bình là tăng thêm cho thật nhiều những hành động yêu thương và hảo tâm đối với đồng loại. Những hành động yêu thương xuất phát từ lòng nhân hậu sẽ như những ánh sáng nho nhỏ của một que diêm. Nhưng nếu mọi người cùng đốt lên những ánh sáng bé nhỏ, những hành động yêu thương sẽ có đủ sức mạnh để xua đuổi bóng tối của những đau khổ và sự dữ.
(Lẽ Sống)

Lectio Divina: Gioan 3:1-8
Monday 20 April, 2020
Lectio Divina
Thứ Hai sau Chúa Nhật II Phục Sinh

1.  Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa là Thiên Chúa, là Cha của chúng con,
Chúa không xa rời khỏi bất cứ người nào trong chúng con,
vì trong Chúa, chúng con sống, đi lại và hiện hữu
và Chúa sống trong chúng con qua Chúa Thánh Thần.
Lạy Chúa, Chúa thật sự đang ở với chúng con,
xin Chúa sai Chúa Thánh Thần Chân Lý đến với chúng con
và nhờ Người giúp chúng con hiểu cặn kẽ hơn
về cuộc đời và sứ điệp của Con Chúa,
để chúng con có thể đón nhận đầy đủ sự thật
và sống với sự thật ấy trước sau như một.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.
2.  Phúc Âm – Gioan 3:1-8
Khi ấy, trong nhóm Biệt Phái, có người tên là Nicôđêmô, một đầu mục của người Do Thái.  Ông đến thăm Chúa Giêsu ban đêm và thưa rằng:  “Lạy Thầy, chúng tôi nhận biết Thầy là một vị Tôn Sư Thiên Chúa ủy phái đến. Vì không ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người đó.” 
Chúa Giêsu đáp:  “Thật, Tôi bảo thật cho ông biết, nếu không tái sinh bởi trời, thì chẳng ai được thấy Nước Chúa.”  Nicôđêmô thưa Chúa rằng:  “Một người đã già, làm sao có thể tái sinh?  Không lẽ người ấy lại vào lòng mẹ mà sinh ra lần nữa sao?” 
Chúa Giêsu đáp:   “Thật, Tôi bảo thật cho ông biết, nếu không tái sinh bởi nước và Thánh Thần, thì không ai được vào nước Thiên Chúa.  Sự gì sinh bởi huyết nhục, thì là huyết nhục; và sự gì sinh bởi Thần Linh, thì là Thần Linh.  Ông đừng ngạc nhiên vì nghe Tôi nói rằng:  Các ngươi phải tái sinh bởi Trời.  Gió muốn thổi đâu thì thổi, ông nghe tiếng gió, nhưng chẳng biết gió từ đâu đến và đi đâu:  mọi kẻ sinh bởi Thần Linh cũng vậy.”  
3.  Suy Niệm
  • Bài Tin Mừng hôm nay trình bày một phần cuộc trò chuyện của Chúa Giêsu với ông Nicôđêmô.  Ông Nicôđêmô xuất hiện vài lần trong sách Tin Mừng của Gioan (Ga 3:1-13; 7:50-52; 19:39).  Ông là người có địa vị trong xã hội.  Ông là một thủ lãnh trong số những người Do Thái và là thành viên của tòa án tối cao, được gọi là Tổng Công Nghị.  Trong sách Tin Mừng của Gioan, ông đại diện cho nhóm người Do Thái có đạo đức và chân thành, nhưng họ không hiểu được tất cả mọi điều Chúa Giêsu đã nói và làm.  Nicôđêmô nghe nói về những dấu lạ và những điều kỳ diệu mà Chúa Giêsu đã làm, và ông đã được đánh động, kinh ngạc.  Ông muốn đến nói chuyện với Chúa Giêsu để hiểu rõ hơn.  Ông là một người có văn hóa, người nghĩ rằng mình tin vào những việc thuộc về Thiên Chúa.  Ông mong đợi Đấng Mêssia với bộ Sách Lề Luật trong tay để xác minh xem sự mới lạ được Chúa Giêsu loan báo sẽ xuất hiện hay không.   Chúa Giêsu làm cho ông Nicôđêmô hiểu rằng cách duy nhất đển hiểu những điều thuộc về Thiên Chúa là phải được tái sinh!  Điều tương tự cũng xảy ra ngày nay.  Một số người giống như ông Nicôđêmô:  chỉ chấp nhận những điều gì gọi là mới lạ khi chúng hợp với ý tưởng của họ.  Điều gì không hợp với ý tưởng của họ thì bị chối từ và bị coi là trái với truyền thống.  Những kẻ khác thì để cho mình được ngạc nhiên với sự thật và không ngần ngại nói rằng:  “Tôi đã được tái sinh!”
  • Ga 3:1:  Một người tên là Nicôđêmô.  Ngay trước cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với ông Nicôđêmô, Thánh Sử nói đến đức tin thiếu sót của một số người chỉ quan tâm đến các phép lạ của Chúa Giêsu (Ga 2:23-25).  Ông Nicôđêmô ở trong số những người này.  Ông có thiện ý, nhưng đức tin của ông vẫn còn có khiếm khuyết.  Cuộc đối thoại với Chúa Giêsu đã giúp ông nhận thức được rằng ông phải tiến tới để có thể làm cho đức tin của mình vào Chúa Giêsu và vào Thiên Chúa được thêm sâu sắc hơn.
  • Ga 3:2:  Câu hỏi đầu tiên của ông Nicôđêmô:  sự căng thẳng giữa cũ và mới.  Ông Nicôđêmô là người Biệt Phái, một người danh giá trong số những người Do Thái và có lương tâm.  Ông đã đi gặp Chúa Giêsu vào ban đêm và thưa với Chúa rằng:  “Lạy Thầy, chúng tôi nhận biết Thầy là một vị Tôn Sư được Thiên Chúa ủy phái đến. Vì không ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người đó.”   Ông Nicôđêmô đưa ra một ý liến về Chúa Giêsu theo những lập luận mà chính ông, Nicôđêmô, có trong lòng.  Điều này rất quan trọng, nhưng chưa đủ để biết Chúa Giêsu.  Những dấu lạ về việc làm của Chúa Giêsu có thể khơi dậy người ta và thức tỉnh người đó.  Chúng có thể tạo sự tò mò, nhưng chúng không tạo ra được đức tin mạnh mẽ hơn.  Chúng không làm cho người ta thấy Nước Trời hiện diện trong Chúa Giêsu.  Vì lý do này, thật là cần thiết phải tiến tới, bước tới thêm một bước nữa.  Bước này là gì?
  • Ga 3:3:  Câu trả lời của Chúa Giêsu:  “Ông phải tái sinh!”  Để ông Nicôđêmô có thể nhận thức được Nước Trời hiện diện trong Chúa Giêsu, ông ta phải tái sinh bởi trời.  Bất cứ ai cố gắng tìm hiểu Chúa Giêsu chỉ từ những lập luận của Chúa mà thôi thì sẽ không hiểu được Người.  Chúa Giêsu thì cao trọng hơn nhiều.  Nếu ông Nicôđêmô vẫn còn nắm chặt trong tay với giáo lý của quá khứ mà thôi, thì ông sẽ không thể hiểu được Chúa Giêsu.  Ông phải mở tay ra hoàn toàn.  Ông phải gạt bỏ sang bên những điều chắc chắn và sự an toàn của mình và phải hoàn toàn từ bỏ chính mình.  Ông phải làm sự chọn lựa giữa sự bảo đảm an toàn từ tổ chức tôn giáo với những lề luật và truyền thống của nó, và mặt khác, tự mình tiến vào cuộc phiêu lưu của Chúa Thánh Thần mà Đức Giêsu đề nghị với ông.  
  • Ga 3:4:  Câu hỏi thứ hai của ông Nicôđêmô:   “Một người đã già, làm sao có thể tái sinh?”  Ông Nicôđêmô đã không chịu thua và trả lời cùng câu hỏi với một sự mỉa mai:  “Một người đã già, làm sao có thể tái sinh?  Không lẽ người ấy lại vào lòng mẹ mà sinh ra lần nữa sao?”  Ông Nicôđêmô hiểu lời của Chúa Giêsu theo nghĩa đen và, vì điều này, ông không hiểu gì cả.  Ông ấy nên nhận thức rằng Lời của Chúa Giêsu mang ý nghĩa tượng trưng.
  • Ga 3:5-8:  Câu trả lời của Chúa Giêsu:   Để được sinh ra bởi trời, là được sinh ra bởi Chúa Thánh Thần.  Chúa Giêsu giải thích điều đó có nghĩa là gì:  được sinh ra bởi trời hay được tái sinh.  Đó là “Được sinh ra bởi nước và Chúa Thánh Thần”.  Ở đây, chúng ta có một sự đề cập rõ ràng đến Bí Tích Rửa Tội.  Qua cuộc trò chuyện của Chúa Giêsu với ông Nicôđêmô, Thánh Sử mời gọi chúng ta xem xét lại Bí Tích Rửa Tội của chúng ta.  Ông đưa ra những lời sau đây:  “Sự gì sinh bởi huyết nhục, thì là huyết nhục; và sự gì sinh bởi Thần Linh, thì là Thần Linh.”  Những thứ được sinh bởi huyết nhục có nghĩa đó chỉ là ý tưởng của chúng ta.  Điều gì phát sinh từ chúng ta thì trong tầm tay với của chúng ta.  Được sinh ra bởi Chúa Thánh Thần là một điều khác!  Chúa Thánh Thần giống như gió:  “Gió muốn thổi đâu thì thổi, ông nghe tiếng gió, nhưng chẳng biết gió từ đâu đến và đi đâu:  mọi kẻ sinh bởi Thần Linh cũng vậy.”  Gió tự nó mà có, một hướng đi, một tuyến đường.  Chúng ta quan sát hướng gió, ví dụ, gió Bấc hay gió Nồm, nhưng chúng ta không biết, cũng không thể kiểm soát được nguyên nhân tại sao gió lại di chuyển theo hướng này hoặc hướng kia.  Đây là cách của Chúa Thánh Thần.  “Chẳng ai làm chủ được Thần Khí” (Gv 8:8).  Điều mà đặc trưng cho gió nhất, Thần Khí, là sự tự do.  Gió, Thần Khí, thì tự do.  Ngài không thể bị kiềm chế.  Ngài tác động trên người ta và không ai có thể tác động trên Ngài.  Xuất xứ của Ngài là điều bí ẩn.  Con thuyền trước hết phải tìm ra đường đi của gió.  Rồi nó phải đặt những cánh buồm theo con đường đó.  Đó là những gì mà ông Nicôđêmô nên làm và tất cả chúng ta cũng nên làm.
  • Chìa khóa để hiểu thấu đáo hơn lời của Chúa Giêsu về Chúa Thánh Linh.  Ngôn ngữ Do Thái dùng cùng một chữ để nói về gió và thần khí.  Như chúng tôi đã nói gió tự nó có tuyến đường, hướng đi:  gió Bấc, gió Nồm.  Thần Khí của Thiên Chúa có một con đường, một dự án, đã tự thể hiện trong sự sáng tạo.  Thần Khí đã hiện diện trong sự tác tạo dưới hình thức của một cánh chim bay lượn trên mặt nước (St 1:2).  Năm năm tháng tháng, Ngài đổi mới khuôn mặt địa cầu và sắp đặt thiên nhiên qua trình tự thời gian (Tv 104:30; 147:18).  Điều tương tự cũng hiện diện trong lịch sử.  Ngài khiến cho nước của Biển Đỏ rẽ ra (Xh 14:21) và Ngài ban cho người ta chim cút để ăn (Ds 11:31).  Ngài đi cùng với ông Môisen, và Ngài bắt đầu chọn các người thủ lãnh trong dân (Ds 11:24-25).  Ngài dẫn những thủ lãnh và bắt họ thực hiện các hoạt động giải thoát:  ong Óthnien (Tl 3:10), ông Ghiđêon (Tl 6:34), ông Géptát (Tl 11:29), ông Samson (Tl 13:25; 14:6,19; 15:14), ông Saolê (1Sm 11:6), và bà Đébbôrah, nữ ngôn sứ (Tl 4:4).  Ngài hiện diện trong nhóm các ngôn sứ và hoạt động trong họ với quyền năng lan truyền (1Sm 10:5-6,10), hoạt động của Ngài trong các ngôn sứ tạo ra sự ghen tị với những người khác.  Nhưng ông Môisen trả lời:  “Phải chi ĐỨC CHÚA ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ.  Vì ĐỨC CHÚA đã ban Thần Khí của Người trên họ!” (Ds 11:29).
  • Trong suốt hằng thế kỷ, niềm hy vọng đã tăng triển để Thần Khí Chúa có thể điều hướng Đấng Mêssia trong việc thực hiện dự án của Thiên Chúa (Is 11:1-9) và Thần Khí sẽ ngự xuống trên tất cả dân Chúa (Êd 36:27; 39:29; Is 32:15; 44:3).  Lời hứa hẹn tuyệt vời về Chúa Thánh Thần xuất hiện theo nhiều cách khác nhau trong các ngôn sứ thời kỳ lưu đầy:  thị kiến về những bộ xương khô, được sống lại bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần (Êd 37:1-14); Thần Khí Thiên Chúa đổ đầy tràn trên tất cả mọi người (Ge 3:1-5); thị kiến về Đấng Thiên-Sai-Tôi-Tớ, Đấng sẽ được xức dầu bởi Thần Khí Chúa để thiếp lập nền công lý trên thế gian và loan báo Tin Mừng cho người nghèo (Is 42:1; 44:1-3; 61:1-3).  Họ nhận thức được một tương lai, trong đó mọi người ngày càng được tái sinh nhờ sự tràn ngập của Thần Khí Chúa (Êd 36:26-27; Tv 51:12; xem Is 32:15-20).
  • Tin Mừng theo thánh Gioan dùng nhiều hình ảnh và biểu tượng để biểu thị hoạt động của Chúa Thánh Linh.  Tương tự như trong việc tạo dựng (St 1:1), trong cùng một cách Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Chúa Giêsu “như chim bồ câu, từ trời xuống” (Ga 1:32).  Đó là khởi đầu của sự sáng tạo mới!  Đức Giêsu công bố Lời của Thiên Chúa và truyền đạt Thần Khí của Ngài cho chúng ta (Ga 3:34).  Những lời của Chúa Giêsu nói là thần khí và là sự sống (Ga 6:63).  Khi Chúa Giêsu loan báo rằng Người sẽ về cùng Chúa Cha, Người nói rằng Người sẽ ban một Đấng An Ủi khác, Đấng Bảo Trợ khác, đế Người có thể ở với chúng ta luôn mãi.  Đấng ấy lá Chúa Thánh Linh (Ga 14:16-17).  Nhờ cuộc Thương Khó, cái chết và sự sống lại của Chúa, Đức Giêsu đạt được ân sủng của Chúa Thánh Thần cho chúng ta.  Qua bí tích Rửa Tội, tất cả chúng ta đều được nhận lãnh Thần Khí này của Chúa Giêsu (Ga 1:33).  Khi Người xuất hiện với các Tông Đồ, Người thổi hơi vào các ông và nói rằng:  “Hãy nhận lãnh Chúa Thánh Thần!” (Ga 20:22).  Chúa Thánh Thần giống như dòng nước tuôn chảy từ những người tin vào Chúa Giêsu (Ga 7:37-39; 4:14).  Ảnh hưởng đầu tiên từ tác đông của Chúa Thánh Thần trong chúng ta là bí tích hòa giải:  “Nếu anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; nếu anh em cầm giữ ai, thì tội người ấy bị cầm giữ” (Ga 20:23).  Chúa Thánh Thần được ban cho chúng ta để chúng ta có thể ghi nhớ và hiểu được đầy đủ ý nghĩa Lời của Chúa Giêsu (Ga 14:26; 16:12-13).  Được tác động bởi Thần Khí của Chúa Giêsu, chúng ta có thể thờ lạy Thiên Chúa ở bất cứ nơi nào (Ga 4:23-24).  Điều này nhận ra sự tự do của Thần Khi Chúa, Đấng mà thánh Phaolô nói rằng:  “Ở đâu có Thần Khí Chúa, thì ở đó có tự do” (2Cr 3:17).
4.  Một vài câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân
  • Bạn phản ứng trước những điều mới lạ tự xuất hiện như thế nào: giống như ông Nicôđêmô hay là bạn chấp nhận những ngạc nhiên của Thiên Chúa?   
  • Chúa Giêsu so sánh hoạt động của Chúa Thánh Thần với gió (Ga 3:8).  Sự so sánh này mặc khải cho tôi điều gì về hoạt động của Thần Khí trong đời sống của tôi?  Đã có bao giờ bạn có những kinh nghiệm cho bạn cảm giác mình được tái sinh chưa?    
5.  Lời nguyện kết
Tôi sẽ không ngừng chúc tụng CHÚA,
câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi.
Linh hồn tôi hãnh diện vì CHÚA
xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên
(Tv 34:1-2)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét