21/04/2020
Thứ Ba tuần 2 Phục
Sinh
BÀI ĐỌC I: Cv 4, 32-37
“Họ một lòng một ý với nhau”.
Trích sách Tông đồ
Công vụ.
Bấy giờ tất cả đoàn tín hữu đông đảo đều đồng tâm nhất trí. Chẳng ai kể của
gì mình có là của riêng, song để mọi sự làm của chung. Các tông đồ dùng quyền
năng cao cả mà làm chứng việc Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta sống lại. Hết thảy
đều được mến chuộng. Vì thế, trong các tín hữu, không có ai phải túng thiếu. Vì
những người có ruộng nương nhà cửa đều bán đi và bán được bao nhiêu tiền thì
đem đặt dưới chân các tông đồ. Và người ta phân phát cho mỗi người tuỳ theo nhu
cầu của họ. Ông Giuse, người mà các tông đồ đặt tên là Barnabê (nghĩa là con sự
an ủi), một thầy tư tế, quê ở Cyprô, có một thửa ruộng, ông bán đi và đem tiền
đặt dưới chân các tông đồ. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 92, 1ab.
1c-2. 5
Đáp: Chúa làm vua,
Ngài đã mặc thiên oai (c. 1a).
Xướng: 1) Chúa làm vua, Ngài đã mặc thiên oai. Chúa đã vận uy quyền, Ngài
đã thắt long đai. – Đáp.
2) Và Ngài giữ vững địa cầu, nó sẽ không còn lung lay. Ngai báu của Ngài
thiết lập từ muôn thuở, tự đời đời vẫn có Chúa. – Đáp.
3) Lời chứng bảo của Ngài rất đáng tin, lạy Chúa, sự thánh thiện là của
riêng nhà Ngài, cho tới muôn muôn ngàn thuở. – Đáp.
ALLELUIA: Ga 14, 18
Alleluia, alleluia!
– Chúa phán: “Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi: Thầy sẽ đến với các con và lòng
các con sẽ vui mừng”. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Ga 3, 7-15
“Không ai lên trời được, ngoài
người đã từ trời xuống, tức là Con Người vốn ở trên trời”.
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: “Thật, Tôi bảo cho ông biết:
Ông đừng ngạc nhiên vì nghe Tôi nói rằng: Các ngươi phải tái sinh bởi trời. Gió
muốn thổi đâu thì thổi, ông nghe tiếng gió, nhưng chẳng biết gió từ đâu đến và
đi đâu: mọi kẻ sinh bởi Thần Linh cũng vậy”.
Nicôđêmô hỏi lại rằng: “Việc ấy xảy ra thế nào được?” Chúa Giêsu đáp:
“Ông là bậc thầy trong dân Israel mà ông không biết điều ấy sao? Thật, tôi bảo
thật cho ông biết: Điều chúng tôi biết thì chúng tôi nói; điều chúng tôi thấy
thì chúng tôi minh chứng. Nhưng các ông lại không nhận lời chứng của chúng tôi.
Nếu khi Tôi nói về những sự dưới đất mà các ông không tin, khi Tôi nói những sự
trên trời, các ông tin thế nào được? Không ai lên trời được, ngoài người đã từ
trời xuống, tức là Con Người vốn ở trên trời. Cũng như Môsê treo con rắn nơi
hoang địa thế nào, thì Con Người cũng phải bị treo lên như vậy, để những ai tin
vào Người, thì không bị tiêu diệt muôn đời”. Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Ðược Sống
Muôn Ðời
Chúng ta chiêm ngắm hai vị thầy gặp nhau trong đêm thanh vắng để trao đổi
điều quan trọng mà không bị phiền phức. Ông Nicôđêmô là vị thầy của người Do
Thái, một nhà thông thái muốn biết nhiều hơn nữa về Chúa Giêsu và ông đã nhìn
nhận như Người đến từ Thiên Chúa, và nhất là có Thiên Chúa ở cùng, vì những dấu
lạ được thực hiện, những dấu lạ chưa có ai làm được như vậy.
Ông Nicôđêmô là vị thầy trên trần gian này, còn Chúa Giêsu là vị Thầy từ
trên cao xuống, từ cung lòng Thiên Chúa Cha mà đến: "Không ai đã lên trời
ngoại trừ Con Người, Ðấng từ trời xuống". Hơn nữa, Chúa Giêsu còn xác nhận
cho ông Nicôđêmô rằng: "Thật, tôi bảo thật ông. Chúng tôi nói những điều
chúng tôi đã thấy", đó là uy tín của Chúa Giêsu Kitô, vị Thầy đến từ Thiên
Chúa Cha. Lời quả quyết của Chúa với ông Nicôđêmô làm cho chúng ta nhớ lại lời
quả quyết nơi đầu sách Phúc Âm theo thánh Gioan như sau: "Không ai đã thấy
Thiên Chúa bao giờ. Nhưng Con Một là Thiên Chúa và là Ðấng hằng ở nơi cung lòng
Thiên Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết" (Ga 1,18).
Ông Nicôđêmô đến với Chúa Giêsu với khả năng trí khôn của ông, muốn hiểu
biết sự thật. Nhưng Chúa Giêsu lại mời gọi ông làm một điều khác. Ðừng ỷ lại
vào khả năng trí khôn của mình nữa mà hãy nhờ đến sức mạnh từ trên cao của Chúa
Thánh Thần. Ông phải sinh ra lại và sinh ra từ ơn trên và tin vào Thiên Chúa:
"Không ai đã lên trời ngoại trừ Con Người, Ðấng từ trời xuống. Như con rắn
của Môisen, Con Người cũng sẽ phải được giương cao để ai tin vào Người thì được
sống muôn đời."
Ðược sống muôn đời, đó là điều quan trọng nhất, đó là mục tiêu cuối cùng
của con người, đó là một hồng ân cần được con người khiêm tốn đón nhận, chứ
không phải là đối tượng để hiểu biết suông mà thôi. Trong cuộc đối thoại, chúng
ta thấy Chúa Giêsu không ngừng mời gọi nơi ông Nicôđêmô nâng tâm hồn mình lên,
hãy để cho Thánh Thần thanh tẩy để có thể nhìn thấy và bước vào trong Nước
Thiên Chúa. Hơn nữa, cũng trong cuộc đối thoại này, chúng ta có thể ghi nhận một
mạc khải quan trọng khác nữa, đó là Chúa Thánh Thần chỉ được ban xuống cho con
người nhờ qua và sau cuộc vượt qua của Chúa Giêsu, qua và sau cái chết, sự Phục
Sinh của Chúa. Cùng với ông Nicôđêmô, chúng ta hãy đến với Chúa Giêsu để cho
Ngài dạy chúng ta biết về Thiên Chúa Cha và đồng thời sẵn sàng lãnh nhận Chúa
Thánh Thần.
Lạy Chúa, xin hãy dạy cho con biết những việc trên trời. Xin hãy nói cho
con biết tình thương của Thiên Chúa Cha đối với con người. Xin hãy tái sinh con
trong Thánh Thần cho con được trở nên Thánh, để giống Chúa mỗi ngày một hơn.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần II PS
Bài đọc: Acts
4:32-37; Jn 3:7-15.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Thánh Thần hoạt động trong mỗi cá nhân và trong cộng đoàn.
Khi con người cùng
theo một lý tưởng, một đường hướng, họ dễ hiệp nhất và tương trợ lẫn nhau như:
Hội ái hữu các binh chủng không quân, hải quân; các trường trung học Trưng
Vương, Gia Long; các làng xã Thức Hóa, Bùi Chu, Phát Diệm… Các Kitô hữu chẳng
những có chung một lý tưởng, một đường hướng, mà còn có chung một Thánh Thần.
Ngài vừa họat động trong mỗi cá nhân vừa họat động trong cộng đoàn; để hòa hợp
tất cả mọi người và thúc đẩy tất cả hoạt động cho lý tưởng mà mọi người đang
theo đuổi.
Các Bài Đọc hôm nay nhấn
mạnh đến vai trò quan trọng của Thánh Thần, Đấng mà Chúa Giêsu đã hứa xin Chúa
Cha gởi đến cho các môn đệ của Ngài, sau khi Ngài sống lại. Trong Bài Đọc I, nhờ
sự hoạt động và hướng dẫn của Thánh Thần, các tông đồ đã can đảm làm chứng cho
Đức Kitô, cộng đoàn các tín hữu sơ khởi đã biết dẹp bỏ toan tính cá nhân để bỏ
mọi sự làm của chung theo sự hướng dẫn và sự phân phát của các tông đồ. Trong
Phúc Âm, Chúa Giêsu tuyên bố với ông Nicodemus: Chúa Thánh Thần hoạt động giống
như gió, không ai có thể biết trước sức mạnh, đường hướng, và các hoạt động của
Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Sự hiệp nhất trong cộng đòan: mọi người đều đồng một
lòng một ý.
1.1/ Sự hiệp nhất biểu
lộ qua tất cả đều một lòng một ý: Tục ngữ Việt-nam nhấn mạnh đến sức mạnh của
tình đoàn kết: “Hợp quần gây sức mạnh; đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết.”
Các phần tử của cộng đòan phải đồng một lòng một ý, thì cộng đoàn mới phát triển
mạnh được; nếu không các phần tử trong cộng đòan sẽ phân tán mỗi người một ngả,
không thể làm những chuyện lớn, và khó đạt đích mà tất cả đang nhắm tới.
Các cộng đòan sơ khai
phải có đặc tính này mới có thể vượt qua được những sợ hãi, kỳ thị, và bạo lực;
và có sức mạnh để rao giảng Tin Mừng đến các dân tộc. Sách CVTĐ mô tả sự đoàn kết
của các cộng đoàn sơ khai như sau: “Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ
có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối
với họ, mọi sự đều là của chung.”
Làm được những điều
này không do sức con người, vì tác giả Sách CVTĐ nói rõ: “Nhờ quyền năng mạnh mẽ
Thiên Chúa ban, các Tông Đồ làm chứng Chúa Giêsu đã sống lại. Và Thiên Chúa ban
cho tất cả các ông dồi dào ân sủng.”
1.2/ Sự hiệp nhất biểu
lộ qua việc đặt “mọi sự làm của chung:” Đây là một mô hình lý tưởng mà biết bao
những chủ thuyết: Hồi-giáo, Cộng sản, nền thần học Giải Phóng đang nhắm tới.
Tác giả Sách CVTĐ mô tả cách tổng quát và cho một ví dụ cá nhân như sau: “Trong
cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa,
đều bán đi, lấy tiền, đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho
mỗi người, tuỳ theo nhu cầu. Ông Joseph, người được các Tông Đồ đặt tên là
Barnaba, nghĩa là người có tài yên ủi, có một thửa đất. Ông là một thầy Lêvi
quê quán ở đảo Cyprius. Ông bán đất đi, lấy tiền đem đặt dưới chân các Tông Đồ.”
Để có thể đạt được kiểu
mẫu lý tưởng này, mọi người trong cộng đoàn cần phải:
(1) Theo sự hướng dẫn
và hoạt động của Thánh Thần: Mỗi người một cá tính khác nhau, nhưng chỉ có một
Thánh Thần Đấng hoạt động trong mọi sự và trong mọi người.
(2) Theo sự chỉ dẫn của
các nhà lãnh đạo khôn ngoan và tốt lành: Các chủ thuyết khác thất bại vì đã quá
tin nơi các nhà lãnh đạo. Không phải nhà lãnh đạo nào cũng khôn ngoan và “chí
công vô tư.” Nếu mọi tài sản của cộng đòan rơi vào tay những nhà lãnh đạo chỉ
biết lo cho mình, cộng đoàn sẽ chết đói!
(3) Cần tránh những
thái độ quá khích và thái độ “mạnh ai người ấy làm:” Thái độ quá khích và quá
lý tưởng sẽ gây bất mãn và chia rẽ trong cộng đoàn, vì không phải ai cũng có khả
năng làm như thế. Thái độ “mạnh ai người ấy làm” sẽ đưa cộng đoàn đến chỗ mỗi
người đi một ngả.
2/ Phúc Âm: Phải được tái sinh bởi Thánh Thần để hiểu các mầu nhiệm
Nước Trời.
2.1/ Phải được tái
sinh bởi Thánh Thần:
(1) Không ai có thể
tiên đoán các công việc của Thánh Thần: Chúa Giêsu nói: “Ông đừng ngạc nhiên vì
tôi đã nói: các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên. Gió muốn thổi
đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi
đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy.”
Gió có thể đem sự thoải
mái cho con người, tạo năng lực thay điện; nhưng gió có thể tàn phá nặng nề nhà
cửa và gây thiệt hại tính mạng cho con người. Không ai có thể đoán chắc gió từ
đâu tới và sẽ đi đâu, vì gió có thể chuyển hướng và tăng tốc độ bất cứ lúc nào.
Tương tự như thế trong cách hoạt động của Thánh Thần nơi con người: Ngài có thể
thay đổi và dẫn một cá nhân hay một cộng đoàn tới một nơi hay một công việc mà
họ không bao giờ dám nghĩ tới.
(2) Ông Nicodemus hỏi
Người: “Làm sao những chuyện ấy có thể xảy ra được?” Đức Giêsu đáp: “Ông là bậc
thầy trong dân Israel, mà lại không biết những chuyện ấy! Thật, tôi bảo thật
ông: chúng tôi nói những điều chúng tôi biết, chúng tôi làm chứng về những điều
chúng tôi đã thấy, nhưng các ông không nhận lời chứng của chúng tôi. Nếu tôi
nói với các ông về những chuyện dưới đất mà các ông còn không tin, thì giả như
tôi nói với các ông về những chuyện trên trời, làm sao các ông tin được?”
2.2/ Cần Thánh Thần hướng
dẫn để hiểu những Mầu Nhiệm Nước Trời: Con người chỉ có thể hiểu và tin những
gì nằm trong giới hạn con người. Để có thể tin vào Thiên Chúa và những mầu nhiệm
thuộc về Ngài, con người cần được sự trợ giúp của Thiên Chúa qua việc ban Thánh
Thần cho con người. Chúa Giêsu liệt kê hai mầu nhiệm điển hình cho Nicodemus:
(1) Mầu nhiệm Nhập Thể:
“Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống.” Để tin Chúa
Giêsu vừa là Chúa vừa là người cần có sự soi sáng của Thánh Thần.
(2) Mầu nhiệm Cứu Chuộc
qua Cuộc Thương Khó và Tử Nạn của Chúa Giêsu: “Như ông Moses đã giương cao con
rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào
Người thì được sống muôn đời.” Con người không thể hiểu nổi tại sao một Thiên
Chúa uy quyền lại muốn con mình đi qua con đường Thập Giá để cứu chuộc con người!
Thánh Thần có thể làm cho con người hiểu mầu nhiệm này.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC
SỐNG:
– Khi chịu Bí tích Rửa
Tội là chúng ta đã được đóng ấn Chúa Thánh Thần. Chúng ta cần sống theo sự hướng
dẫn của Ngài. Ngài sẽ làm cho chúng ta hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời và hướng
dẫn chúng ta tới sự thật toàn vẹn.
– Những quà tặng Chúa
Thánh Thần ban cho mỗi cá nhân là cho sự phát triển của cộng đoàn; mỗi cá nhân
cần sự soi sáng của Chúa Thánh Thần để đóng góp vào việc xây dựng và phát triển
cộng đoàn và mở mang Nước Chúa.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
21/04/2020 – THỨ BA TUẦN 2 PS
Th. An-xen-mô, giám mục, tiến sĩ HT
Ga 3,7b-15
SINH LẠI BỞI ƠN TRÊN
“Các ông cần phải được
sinh ra một lần nữa bởi ơn trên.” (Ga 3,7b)
Suy niệm: Trong mùa Phục Sinh, ta thường nghe các bài đọc nói
về nước, được rảy nước thánh lúc đầu thánh lễ Chúa Nhật. Ở đâu có nước, ở đó được
sạch và có sự sống. Trong bí tích Rửa Tội nước là dấu chỉ con người được tái
sinh và sống đời sống mới trong Đấng Phục Sinh. Khi tuyên bố: “Không ai có thể
vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” (Ga 3,5), Chúa
Giê-su cho thấy sự cần thiết của nước trong phép Rửa. Khi lãnh nhận phép Rửa Tội,
con người được ơn tái sinh nhờ nước, qua tác động của Thánh Thần: “Cha rửa con
nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.” Tại sông Gio-đan, khi Chúa Giê-su chịu
phép rửa, Chúa Thánh Thần hiện diện để làm cho nước có sức ban ơn tha tội và
thánh hoá nhờ sự chết và phục sinh của Đức Giê-su, Đấng “đẹp lòng Chúa Cha mọi
đàng.”
Mời Bạn: Mỗi người Ki-tô hữu đều đã nhận lãnh phép Rửa nhân
danh Cha, Con và Thánh Thần; nhờ đó ta được gọi Thiên Chúa là “Cha” cách thân
tình, cũng như trở thành môn đệ Chúa Ki-tô. Ngoài ra, ta còn phải nhờ Chúa
Thánh Thần soi sáng, hướng dẫn ngõ hầu ta có thể sống mối quan hệ Cha-con này với
lòng hiếu thảo, theo mẫu gương thảo hiếu của Chúa Giê-su với Cha.
Sống Lời Chúa: Để đạt được điều này, bạn luôn phải xác tín thân
cách Kitô hữu của mình. Đó là được mời gọi sống chứng tá cho đức tin giữa đời
thường, trong chính môi trường sống của bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã ban cho ơn ơn tái sinh qua
bí tích Thánh tẩy. Nhờ đó, con được gia nhập vào gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi.
Xin tiếp tục ban Thần Khí Chúa để hướng dẫn con đi trong đường lối của Người.
(5 Phút Lời Chúa)
SUY NIỆM : Ai tin được
sống muôn đời
Suy niệm:
Con người hôm nay vừa bị hấp dẫn bởi cái chết,
vừa bị lôi kéo bởi cuộc sống đời này.
Cuộc sống hôm nay cho chúng ta nhiều tiện nghi thoải mái.
Nó mời chúng ta hưởng thụ, mua sắm, tiêu dùng.
Luôn luôn xuất hiện những mẫu mã mới hơn, tốt hơn, đẹp hơn.
Con người vất vả làm việc để có thể mua được món hàng do mình chế tạo.
Cuộc sống vừa dễ chịu hơn, vừa mệt mỏi hơn bởi vô số những nhu cầu.
Con người hôm nay có hạnh phúc hơn xưa không?
Những thức ăn trần thế có đủ làm con người mãn nguyện không?
Người Kitô hữu quý chuộng cuộc sống ở trần thế này,
nhưng họ hiểu tính chất mau qua và tương đối của nó.
Như Đức Giêsu, họ cũng phải đi qua cuộc sống đời này,
nếm đủ mọi mùi vị của phận người, chịu đựng mọi khó khăn thách đố,
trước khi về với điểm đến chung cục là cuộc sống đời sau.
Thiên đàng, Nước Thiên Chúa hay sự sống vĩnh cửu
là những từ diễn tả hạnh phúc đang chờ đợi người Kitô hữu sau cái chết.
Họ biết mình từ đâu đến và biết mình sẽ đi đâu.
Họ biết phân biệt những ga xép với đích đến cuối cùng.
Trong bài Tin Mừng hôm qua, Đức Giêsu khẳng định
chẳng ai được vào Nước Thiên Chúa nếu không được sinh ra bởi Thần Khí.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Ngài lại khẳng định:
“Ai tin vào Con Người thì có sự sống vĩnh cửu” (c.15).
Vào Nước Thiên Chúa đồng nghĩa với có sự sống vĩnh cửu.
Như Môsê giương cao con rắn trong sa mạc để ai nhìn lên thì được khỏi,
Con Người cũng phải được giương cao để ai tin thì được sự sống vĩnh cửu.
Sự sống vĩnh cửu là hoa quả của mầu nhiệm được giương cao.
Đức Giêsu được giương cao khi bị treo trên thập giá,
được giương cao khi được Cha phục sinh,
và được giương cao khi được Cha đưa về trời.
Chính vì Đức Giêsu bị đóng đinh, được phục sinh và về trời
nên chúng ta được sinh lại từ trên nhờ Thần Khí,
được vào Nước Thiên Chúa và có sự sống vĩnh cửu.
Kitô hữu là người đang trên đường về quê hương đích thật.
Đấng từ trời xuống nay đã lên trời (c. 13),
và lôi kéo chúng ta lên với Ngài (Ga 12, 32).
Làm thế nào chúng ta thoát khỏi sức kéo xuống của vật chất?
Làm thế nào chúng ta sống nhẹ nhàng hơn để kéo thế giới quanh ta bay lên?
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu phục sinh
Chúa đã sống đến cùng cuộc Vượt qua của Chúa,
xin cho con biết sống
cuộc Vượt qua mỗi ngày của con,
Vượt qua sự nhỏ mọn và ích kỷ.
Vượt qua những đam mê đang kéo ghì con xuống.
Vượt qua nỗi sợ khổ đau và nhục nhã.
Vượt qua đêm tăm tối cô đơn của Vườn Dầu.
Vượt qua những khắc khoải của niềm tin.
Vượt qua những thành kiến con có về người khác...
Chính vì Chúa đã phục sinh
nên con vui sướng và can đảm vượt qua,
dù phải chịu mất mát và thua thiệt.
Ước gì con biết noi gương Chúa phục sinh
gieo rắc khắp nơi bình an và hy vọng,
tin tưởng và niềm vui.
Ước gì ai gặp con
cũng gặp thấy sự sống mãnh liệt của Chúa.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
21 THÁNG TƯ
Thiên Chúa Của Những
Kẻ Sống
“Đây là ngày Chúa đã
làm ra” (Tv 118,24). Ngày này luôn luôn xác nhận với chúng ta một sự thật đặc
biệt rằng: Thiên Chúa không chịu thua trước sự chết của con người.
Đức Kitô đã đến thế
gian để bày tỏ cho chúng ta sự thật quan trọng này, một sự thật mở ra cho thấy
tình yêu của Chúa Cha. Đức Kitô đã chết trên Thập Giá và đã được mai táng trong
ngôi mộ đá để làm chứng cho sự thật đầy khích lệ rằng: Thiên Chúa không chịu thua
trước sự chết của con người.
Thực vậy, “Ngài không
phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của người sống” (Mt 22,32).
Nơi Đức Kitô, sự chết đã bị thách đố. Đức Kitô đã vượt thắng sự chết bằng chính
cái chết của Người.
Đây là ngày Chúa đã lập
ra. Đây là ngày hiển thắng của Thiên Chúa – hiển thắng trên tội lỗi và sự chết
của con người. Con người đành chịu thua số phận của mình ư? Con người đành khuất
phục trước sự chết ư?
Hay con người sẵn lòng
dự phần trong cuộc hiển thắng này?
Con người đành thua sự
chết khi họ chỉ hướng đến những gì thuộc hạ giới. Vì không có mầm bất tử nơi hạ
giới này.
Vâng, đáng buồn biết
bao, người ta vẫn chứng tỏ mình đành thua sự chết. Người ta không chỉ chấp nhận
chết mà còn bức tử kẻ khác nữa. Người ta thường bức tử những kẻ không hiểu biết,
những kẻ ngây thơ, thậm chí những đồng loại chưa được sinh ra của mình.
Người ta không chỉ
đành thua sự chết. Người ta còn đặt cuộc hiện sinh của mình trong chính cấu
trúc của sự chết. Đây há không phải là cách mà chúng ta áp đặt cái chết cho đồng
loại chúng ta đó sao: bạo lực, tranh giành quyền lực một cách khát máu, thu tóm
của cải một cách ích kỷ, đấu tranh chống lại sự cùng khổ bằng cách nuôi dưỡng
lòng đố kỵ và quyết liệt báo thù, đe dọa và lăng nhục, tra tấn và khủng bố? Có điều,
dù đành chịu thua sự chết, con người vẫn khiếp sợ nó.
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 21/4
Cv 4, 32-37; Ga 3,
7b-15.
Lời Suy Niệm: “Không ai đã
lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời mà xuống.”
Chúa Giêsu đã nói với Nicôđêmô: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng
từ trời mà xuống.” Lời này Chúa cũng đang nói với mỗi người trong chúng ta.
“Nhân loại với sức tự nhiên của mình, không thể vào dược “Nhà Cha”, không thể đạt
tới sự sống và sự vinh phúc của Thiên Chúa. Chỉ có Đức Kitô mới có thể mở lối
cho con người tiến vào… (GL 661)
Lạy Chúa Giêsu, Chúa nói với ông Nicôđêmô: “Như Môsê đã giương cao con rắn
trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải giương cao như vậy, để ai tin vào Người
thì được sống muôn đời.” Xin cho chúng con tin vào Chúa luôn mãi.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày
21-04: Thánh ANSELMÔ
Giám mục, Tiến Sĩ (1033 – 1109)
Giám mục, Tiến Sĩ (1033 – 1109)
Thánh Anselmô chào đời
năm 1033 tại Aosta, trong một gia đình quí phái. Mẹ Ngài, một người rất đạo đức
lãnh trách nhiệm huấn luyện Ngài theo đàng nhân đức. Từ nhỏ, Ngài đã được theo
học những bậc thầy danh tiếng. Bởi thế, Ngài đã mau mắn tiến triển cả về học vấn
lẫn đức hạnh. Vào tuổi 15, thánh nhân đã biết chán ghét danh vọng giả trá thế
trần và quyết theo đuổi đời sống tu trì, nhưng cha Ngài chống lại ý muốn này,
thánh nhân buồn rầu ngã bệnh. Nhiệt tình theo đuổi đời sống tu trì không kéo
dài bao lâu, nhất là bà mẹ đạo đức qua đời.
Anselmô rơi vào tình
trạng nguội lạnh, nhiệt tình tuổi trẻ bị lôi cuốn vào những hấp dẫn thế trần.
Cho đến lúc này, Anselmô vẫn còn thần tượng của cha Ngài, nhưng Thiên Chúa đã
tha phép cho tình âu yếm của ông biến thành cay cú, đòi hỏi và cứng cỏi, đến nỗi
Anselmô đã phải bỏ nhà trốn đi. Ngài từ giã không phải khỏi nhà cha mẹ mà thôi,
nhưng còn bỏ luôn quê hương xứ sở cho tới tận miền Bourgogne. Tại đây, Ngài lấy
lại nhiệt tình ban đầu. Ba năm sau, Ngài đến thụ huấn với tu viện trưởng
Lanfrane ở Bec.
Một ngày kia, Anselmô
xét thấy mình đã khổ cực để nên thông thái nhiều hơn là để nên đạo đức. Ngài đến
quì dưới chân thày và nói : – Con có ba đường để theo : hoặc là trở thành tu sĩ
phải Bec, hoặc sống ẩn tu, hoặc ở giữa thế gian để phân phát cho người nghèo
gia sản của cha con để lại.
Đức Tổng giám mục giáo
phận Rouen khuyên Ngài theo đuổi đời sống tu trì. Thế là Anselmôgia nhập tu viện
Bec. Lúc ấy Ngài được 27 tuổi, Ngài đã dồn nỗ lực để nghiên cứu thần học và đời
sống khiêm tốn vâng phục. Năm 1072, Đức Đan viện phụ Lanfrane được đặt làm tổng
giám mục Canterbury. Anselmô được cử lên thay thế làm tu viện trưởng rồi làm
Đan viện phu.
Sự đơn sơ và nhân hậu
của Ngài đã đánh tan mọi ghen tương nghi kỵ. Hơn nữa sự thánh thiện và trí
thông minh của thánh nhân đã khiến cho Ngài trở thành danh tiếng không những đối
với các vị vua Chúa và các đức giám mục mà cả với thánh giáo hoàng Grêgôriô nữa.
Tu viện Đức Bà ở Bec trở thành nơi trung tâm của phong trào trí thức thế kỷ XI
năm 1087. Vua Willian I nước Anh từ trần. William Rufus lên kế vị. Nhà độc tài
này không muốn có những chủ chăn mới và sang đoạt được nhiều tài sản của Giáo hội,
nên khi Đức tổng giám mục Lanfrane qua đời, tòa giám mục Canterbury bị trống
ngôi, năm 1093 khi thánh Anselmô viếng thăm Anh quốc, Rufus trong cơn trọng bệnh
đã xin thánh nhân lãnh nhiệm vụ cai quản giáo phận Canterbury. Thánh nhân đã từ
chối, nhưng rồi cũng phải lãnh nhận vì sự nài nỉ của các giám mục và nhất là vì
sự chỉ định của đức Giáo hoàng Urbanô II.
Nhưng rồi khi nhà vua
bình phục, ông hối tiếc vì việc sám hối của mình. Khi bị Đức Anselmô buộc phải
chấp nhận quyền của Đức Urbanô, ông đã gây áp lực để truất phế đức tổng giám mục.
Đức Giáo hoàng không nhận những giáo dân có thế giá cho biết sẽ không tha thứ
cho việc truất phế thánh nhân, nhưng rồi năm 1097, sau nhiều cuộc cãi vã liên tục
và vô hiệu, thánh Anselmô tự ý xin đi lưu đày, Rufus ưng thuận.
Thánh Anselmô trở về
Roma và được khen ngợi vì sự can đảm của Ngài sau khi tham dự cộng đồng Bari và
Roma. Thánh nhân tìm về đời sống tu viện tại dãy núi Apennins. Nơi đây Ngài
hoàn thành tác phẩm: tại sao Thiên Chúa làm người. Ngài tuân thủ từng chi tiết
của lề luật như một tập sinh. Ngài nói : – Cuối cùng tôi gặp được chốn nghỉ
ngơi.
Năm 1100, Rufus qua đời
trong một cuộc đi săn. Henri em vua lên kế vị, nhà vua mới triệu vời vị tổng
giám mục trở về giáo phận. Năm 1106 Ngài trở về điều khiển Giáo hội tại Anh quốc.
Trải qua biết bao
thăng trầm thánh nhân vẫn giữ được tâm hồn bình lặng. Ngài không bỏ qua công cuộc
tìm kiếm thần học. Bởi đó, Ngài đã thành chiến sĩ đầu tiên của Giáo hội sau những
thế kỷ đen tối. Luận chứng của Ngài nhằm chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa
nay vẫn còn được biết đến. Thần học của Ngài là một phần linh đạo đặt trên sự cảm
thông với những đau khổ của Chúa Kitô.
Với tư cách Tổng giám
mục Canterbury Ngài đã chấm dứt việc bôi nhọ các thánh quê mùa của nước Anh quốc
và góp phần khơi dậy cảm tình những gì truyền thống nước Anh từ xưa để lại. Đây
là việc làm có giá trị lâu bền vì sửa lại được tình cảm phân rẽ và cuộc chinh
phục của William gây nên.
Năm 1109, thánh
Anselmô qua đời. Một con người đã luôn biết tìm kiếm Chúa. “Tôi không tìm hiểu
để tin nhưng tin để mà hiểu biết”, cuối cùng Ngài đã tìm về được ánh sáng vĩnh
cửu.
(daminhvn.net)
21 Tháng Tư
Món Quà Sinh Nhật
Một bác nông phu
tên là Donningos sinh sống bên Brazil bằng nghề trồng bắp. Một buổi sáng nọ,
trên con đường đi ra đồng làm việc, ông được đứa con trai mừng sinh nhật thứ 10
chạy theo căn dặn: “Ðừng quên mang về hai con chim nhỏ làm quà sinh nhật cho
con cha nhé!”. Người cha vốn rất vui tính và thương con nở nụ cười tươi, gật gù
dưới chiếc nón rộng vành cho con yên dạ.
Sau một ngày lao động
mệt nhọc trên cánh đồng, thấy mặt trời chưa lặn hẳn, bác Donningos vội đi qua
cánh rừng gần đấy gom một mớ củi. Ðang lúc bó củi, bỗng bác nhớ lại lời hứa
mang đôi chim về làm quà sinh nhật thứ 10 cho con. Bác bỏ vội bó củi bên đường,
tiến sâu vào rừng, trèo nhanh lên gành đá của một ngọn đồi, nơi chim thường làm
tổ. Tìm được một tổ chim có tiếng chim con kêu, bác cẩn thận luồn tay vào,
nhưng vừa đụng những chim con, bác vội rụt tay về, vì nghe đau nhói như bị kim
đâm. Nhìn kỹ đó là vết thương hai lỗ có máu rỉ ra. Chưa định thần thì một con rắn
đầu có hình chữ thập trườn ra ngoài, vươn đôi mắt ngê rợn chực tiếp tục tấn
công. Ðó là con rắn nổi tiếng được dân địa phương gọi là “uturu des sétao”. Nổi
tiếng vì nọc nó vô phương cứu chữa.
Bác nông phu vội
rút chiếc dao cán dài ra khỏi thắt lưng, nhắm đầu rắn chặt nhanh. May cho bác,
nhát dao giết chết được con rắn, nhưng bàn tay bị rắn cắn bỗng vụt sưng lên.
Không chần chừ, bác kê tay lên gốc cây và mạnh tay chặt luôn hai nhát, cắt lìa
bàn tay. Buộc xong vết thương bằng chiếc áo và dùng răng phụ chiếc tay còn lại
xiết chặt, bác dùng sức tàn chạy nhanh về nhà, nhưng vẫn không quên cầm hai chú
chim làm qua sinh nhật cho con.
Bạn có tin câu chuyện
có thực này không? Nếu bạn không tin thì làm sao bạn tin được một sự thật khác
còn to lớn hơn: Thiên Chúa chúng ta, không những cho chúng ta bàn tay của người,
nhưng đã trao ban cho chúng ta trọn Con Một yêu dấu của Người.
(Lẽ Sống)
Lectio Divina: Gioan 3:7b-15
Tuesday 21 April, 2020
Lectio Divina
Thứ Ba Tuần II Mùa
Phục Sinh
1. Lời nguyện mở
đầu
Chúa Cha của Đức Giêsu
Kitô, Chúa chúng con.
Tất cả mọi lời chúc tụng
ngợi khen và cảm tạ ơn Cha,
Cha đã ban cho chúng
con Chúa Con Phục Sinh
Sống động trong cộng
đoàn chúng con.
Xin hãy ban cho chúng
con được trông thấy Người với con mắt đức tin,
Để Người có thể kết hợp
với chúng con, qua trái tim và tâm hồn.
Nguyện xin cho sự năng
động của Người hiện diện trong chúng con
Thúc đẩy chúng con trở
nên một với Người,
Là bánh sự sống của
nhau,
Để không ai trong
chúng con phải bị đói
Vì thức ăn hoặc thiếu
thốn sự giúp đỡ khi cần đến.
Chúng con cầu xin nhờ
danh Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
2. Bài Đọc Tin Mừng
– Gioan 3:7b-15
Khi ấy, Chúa Giêsu nói
với Đicôđêmô rằng: “Thật, Tôi bảo cho ông biết: Ông đừng ngạc nhiên vì
nghe Tôi nói rằng: Các ngươi phải tái sinh bởi trời. Gió muốn thổi đâu
thì thổi, ông nghe tiếng gió, nhưng chẳng biết gió từ đâu đến và đi đâu:
mọi kẻ sinh bởi Thần Linh cũng vậy.”
Nicôđêmô hỏi lại rằng:
“Việc ấy xảy ra thế nào được?” Chúa Giêsu đáp: “Ông là bậc thầy
trong dân Israel mà ông không biết điều ấy sao? Thật, tôi bảo thật cho
ông biết: Điều chúng tôi biết thì chúng tôi nói; điều chúng tôi thấy thì
chúng tôi minh chứng. Nhưng các ông lại không nhận lời chứng của chúng
tôi. Nếu khi Tôi nói về những sự dưới đất mà các ông không tin, khi Tôi
nói những sự trên trời, các ông tin thế nào được? Không ai lên trời được,
ngoài người đã từ trời xuống, tức là Con Người vốn ở trên trời. Cũng như
Môisen treo con rắn nơi hoang địa thế nào, thì Con Người cũng phải bị treo lên
như vậy, để những ai tin vào Người, thì không bị tiêu diệt muôn đời.”
3. Suy Niệm
– Bài Tin Mừng hôm này nói về cuộc đối thoại
giữa Chúa Giêsu và ông Nicôđêmô. Nicôđêmô đã nghe người ta nói về những việc
Chúa Giêsu đã làm, và ông ta đã ngỡ ngàng, ngạc nhiên. Ông muốn nói chuyện
với Chúa Giêsu để hiểu cho rõ hơn. Ông nghĩ rằng mình biết tất cả mọi điều
về Thiên Chúa. Ông đã sống với sự hiểu biết tập sách quá khứ ở trong tay
để thử xem nó có phù hợp với điều mới mẻ được Chúa Giêsu công bố không.
Trong cuộc trò chuyện, Chúa Giêsu nói rằng cách duy nhất mà ông Nicôđêmô có thể
hiểu được những điều về Thiên Chúa là được tái sinh! Đôi khi chúng ta
cũng giống như Nicôđêmô: chúng ta chỉ chấp nhận điều gì mới mẻ nếu nó phù
hợp với ý tưởng cũ của chúng ta. Những lần khác, chúng ta để cho chính
mình bị ngạc nhiên trước sự thật và chúng ta không ngại ngùng mà nói rằng:
“Tôi đã được tái sinh!”
– Khi các Phúc Âm Thánh Sử viết lại những lời cuối của
Chúa Giêsu, họ đã nghĩ đến những vấn đề của các cộng đoàn mà họ viết đến.
Câu hỏi của ông Nicôđêmô đạt ra với Chúa Giêsu là sự phản ảnh các thắc mắc của
cộng đoàn Tiểu Á và cuối thế kỷ thứ nhất. Vì lý do này, câu trả lời của
Chúa Giêsu cho ông Nicôđêmô đồng thời cũng là câu trả lời cho các thắc mắc của
các cộng đoàn đó. Vào thời ấy, các Kitô hữu đã tuân theo giáo lý theo
cách này. Rất có thể, câu chuyện về cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với ông
Nicôđêmô được cấu tạo thành một phần của giáo lý thanh tẩy, bởi vì Chúa nói rằng
người ta phải được tái sinh trong nước và Thần Khí (Ga 3:6).
– Ga 3:7b-8: Được tái sinh một lần
nữa bởi trời và bởi Thần Khí. Trong tiếng Hy Lạp, cùng một chữ có nghĩa với
là lần nữa, và tái sinh từ trên trời. Chúa Giêsu đã nói rằng: “Không
ai co thể vào được Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra bởi nước và Thần
Khí” (Ga 3:5). Và Người nói thêm: “Cái bởi xác thịt sinh ra là xác
thịt; cái bởi Thần Khi sinh ra là Thần Khí” (Ga 3:6). Ở đây, “xác thịt”
có nghĩa là những gì được sinh ra chỉ từ ý tưởng của chúng ta. Những gì
sinh ra từ chúng ta có dấu ấn riêng, ni tấc riêng của chúng ta. Để được
sinh ra trong Thần Khí là một điều khác! Và Chúa Giêsu lại tái khẳng định
những gì Người đã nói trước đây: Người ta phải được sinh ra một lần nữa bởi
ơn trên (tái sinh).” Có nghĩa là, người ấy phải được tái sinh bởi Thần
Khí là Đấng đến từ trời. Và Người giải thích rằng Thần Khí giống như
gió. Cả trong ngôn ngữ Do Thái và Hy Lạp, cùng một chữ được dùng để nói về
thần khí và gió. Chúa Giêsu nói rằng: “Gió muốn thổi đâu thì thổi;
ông nghe tiếng gió, nhưng chẳng biết gió từ đâu đến và đi đâu: mọi kẻ
sinh bởi Thần Linh cũng vậy.” Gió tự trong nó có phương hướng.
Chúng ta nhận thức được hướng gió, lấy ví dụ, gió bấc và gió nồm nhưng chúng ta
không biết cũng không kiểm soát được nguyên nhân tại sao gió di chuyển theo hướng
này hay hướng khác. . Thần khí thì giống như thế: “Chẳng ai làm chủ
được Thần Khí” (Gv 8:8). Sự tự do chính là đặc điểm tốt nhất của gió, Thần
Khí. Nó tác động trên người khác, và không ai có thể tác đông trên
nó. Nguồn gốc của nó là một bí ẩn; nơi đến của nó cũng là sự bí ẩn.
Người ngư phủ, ngay từ đầu, đã khám phá ra hướng gió. Sau đó, anh ta
dương những cánh buồm theo hướng đó. Đây là những gì mà ông Nicôđêmô nên
làm và tất cả chúng ta cũng nên làm.
– Ga 3:9: Câu hỏi của ông Nicôđêmô: “Việc ấy xảy ra thế
nào được?” Chúa Giêsu không làm gì khác hơn là tóm tắt những gì Cựu Ước
đã dạy liên quan đến hành động của Thần Khí, của thánh khí, trong đời sống của
Dân Chúa mà ông Nicôđêmô, một Luật Sĩ và Kinh Sư, nên biết. Và tương tự
nh7 thế, ông Nicôđêmô đã khiếp sợ khi nghe câu trả lời của Chúa Giêsu và hành động
như thể ông ta không biết gì: “Làm sao có thể xảy ra như vậy được?”
– Ga 3:10-15: Chúa Giêsu trả lời rằng: Đức tin đến từ sự
làm chứng chứ không phải đến từ phép lạ. Chúa Giêsu hỏi ngược lại:
“Ông là bậc thầy trong dân Israel mà ông không biết điều ấy sao?” Đối với
Chúa Giêsu, nếu người ta chỉ tin khi mà những điều thuận theo lý lẽ và ý tưởng
riêng của họ, thì đức tin đó không hoàn hảo. Đức tin hoàn hảo khi nó là đức
tin của một người tin vào lời chứng. Người ấy gạt bỏ những lý lẽ của
riêng mình và hàng phục, bởi vì anh ta tin vào người làm chứng.
4. Một vài câu hỏi
cá nhân
– Bạn đã bao giờ có kinh nghiệm mà trong đó bạn có ấn
tượng mình được tai sinh chưa? Nó bao gồm những gì?
– Chúa Giêsu so sánh tác động của Chúa Thánh Thần với
gió. Sự so sánh này về việc làm của Chúa Thánh Thần mặc khải điều gì
trong cuộc sống chúng ta? Bạn có đã sẵn sàng căng những cánh buồm của đời
mình đồng điệu với cơn gió của Chúa Thánh Linh chưa?
– Hành động của
Chúa Thánh Thần, giống như gió, thường không giống như cơn bão, mà là giống như
lời thì thầm (1V 19:11) – lời thì thầm của gió. Tôi có chú tâm đủ để nghe
khi Chúa Thánh Thần nói với tôi những lời rất nhẹ nhàng không?
– Trong cộng
đoàn của bạn và trong gia đình bạn, bạn có là một cánh cửa không? Bạn có
là một cánh cửa để mở ra hướng dẫn cho người khác bước vào, bạn có phải là cánh
cửa để tìm cách bảo vệ những ai bên trong, hay bạn có là cánh cửa để ngăn giữ
những người khác bên ngoài không vào được không?
5. Lời nguyện kết
CHÚA gần gũi những tấm
lòng tan vỡ,
Cứu những tâm thần thất
vọng ê chề.
Người công chính gặp
nhiều nỗi gian truân,
Nhưng CHÚA giúp họ
luôn thoát khỏi.
(Tv 34:19-20)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét