ĐTC Phanxicô (23/4): Chúa Giêsu
luôn cầu nguyện cho chúng ta, hãy tạ ơn Chúa vì điều này
Chúa Giêsu cầu nguyện cho Thánh Phêrô, chính điều này đã biến
đổi Thánh Phêrô: từ một người chối Chúa trở thành người can đảm tuyên xưng đức
tin. Đối với chúng ta cũng vậy, Chúa Giêsu luôn cầu nguyện cho chúng ta. Vì thế
chúng ta phải biết tạ ơn Chúa vì điều này.
Ngọc Yến - Vatican
Sáng thứ Năm, tại Nhà nguyện Thánh Marta, vẫn như thường lệ
vào lúc 7 giờ sáng, Đức Thánh Cha dâng Thánh lễ với chủ đích cho những ai không
thể tham dự Thánh lễ trực tiếp có thể hiệp thông với Đức Thánh Cha. Tiếp tục hướng
đến những hậu quả do đại dịch, Đức Thánh Cha xin mọi người cầu nguyện cho các
gia đình nghèo, nạn nhân của nạn cho vay nặng lãi. Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta
biết một trong những ảnh hưởng của đại dịch này đó là các gia đình đang bị đói,
nhưng thật không may họ lại bị những người cho vay nặng lãi lợi dụng, nói là để
giúp đỡ nhưng thực ra đó là hình thức của nạn cho vay nặng lãi. Đây là một đại
dịch khác. Đại dịch xã hội. Chúng ta cầu nguyện cho các gia đình, cho phẩm giá
các gia đình và chúng ta cũng cầu nguyện cho những người cho vay nặng lãi. Xin
Chúa chạm đến con tim họ để họ được ơn hoán cải”.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha tập trung vào Thánh Phêrô được
Sách Công vụ Tông đồ thuật lại trong Bài đọc I. Theo Đức Thánh Cha, đứng trước
Thượng Hội Đồng, Phêrô của ngày hôm nay khác với Phêrô đã chối Chúa trước đây,
một người rất sợ hãi trước các thượng tế. Đức Thánh Cha đặt câu hỏi: “Vậy giờ
đây trước các thượng tế Thánh Phêrô đã làm gì?, Ông có can đảm và thẳng thắn
không?” Đức Thánh Cha đưa ra một số dự đoán mà Phêrô có thể làm: “Ông có thể đến
thỏa hiệp với các thượng tế và nói với họ: Các ông yên tâm, chúng tôi sẽ đi và
nói ít hơn về điều chúng tôi đã loan báo, chúng tôi sẽ không tố cáo các ông
nhưng hãy để cho chúng tôi yên. Trong lịch sử, Giáo hội đã phải làm điều này,
nhiều lần để cứu dân Chúa và nhiều lần để cứu chính mình, nhưng đây không phải
là Giáo hội Thánh thiện, các vị lãnh đạo đã đưa ra các thỏa hiệp; thỏa hiệp có
thể tốt và có thể xấu. Thánh Phêrô nói không với các thỏa hiệp và can đảm nói với
các thượng tế: Các ông là những người có tội”.
Đức Thánh Cha tiếp tục: “Làm thế nào Thánh Phêrô lại đạt được
điều này? Thưa vì ông là một người nhiệt thành, một người yêu thương mãnh liệt,
và cũng là một người mở lòng ra với Chúa đến độ Chúa đã mạc khải cho ông biết
Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Nhưng ngay sau đó, ông đã để cho mình rơi vào cám
dỗ, nói Chúa Giêsu đi con đường cứu độ không thập giá. Phêrô là người có thể quỳ
xuống trước Chúa Giêsu nhưng rồi tìm cách thoát khỏi ánh mắt của người khác để
không bị bắt vào tù và chối bỏ Chúa. Tóm lại, Phêrô là một người không kiên định”.
Đức Thánh Cha đưa ra câu trả lời cho những điều xem ra mâu
thuẫn và không kiên định nơi cách hành xử của Phêrô, bằng việc tiếp tục đặt câu
hỏi: “Nhưng bí quyết nào, sức mạnh nào đã làm cho Phêrô đạt đến điều này? Có một
câu Kinh Thánh sẽ giúp chúng ta hiểu điều này. Chúa nói với Phêrô: ‘Thầy cầu
nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm
cho anh em của anh nên vững mạnh’ (Lc 22,32). Đây là bí quyết của Phêrô, Chúa
Giêsu cầu nguyện cho ông. Chúa cầu nguyện cho ông để đức tin của Phêrô được vững
mạnh và để ông có thể làm cho người khác được kiên vững. Điều Chúa đã làm cho
Phêrô, Chúa cũng làm cho chúng ta, Chúa cầu nguyện cho chúng ta. Thánh Phêrô đã
có thể đi hết con đường này: từ nhát đảm đến can đảm, tất cả nhờ Chúa Giêsu cầu
nguyện cho ông”.
Tới đây, Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng với lời nhắn nhủ mọi
người: “Chúng ta hãy suy nghĩ một chút về điều này, chúng ta hãy hướng về Chúa
Giêsu, cám ơn Chúa vì Chúa luôn cầu nguyện cho chúng ta, cho mỗi người”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét