Trang

Thứ Năm, 6 tháng 12, 2012

07-12-2012 : THỨ SÁU TUẦN I MÙA VỌNG


Thứ Sáu Tuần I Mùa Vọng

Bài Ðọc I: Is 29, 17-24
"Ngày đó mắt người mù sẽ được xem thấy".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Ðây Chúa là Thiên Chúa phán: Không còn bao lâu nữa, Liban sẽ trở nên lùm cây, và lùm cây sẽ trở nên cánh rừng. Ngày đó, người điếc sẽ được nghe lời Sách Thánh, và từ bóng tối, mắt người mù sẽ được xem thấy. Những người hiền lành sẽ càng thêm vui mừng trong Chúa, và những kẻ nghèo khó sẽ nhảy mừng trong Ðấng Thánh của Israel. Vì chưng, người ỷ thế sẽ thất bại, kẻ khinh người sẽ bị hổ ngươi, người mưu toan gian ác sẽ bị tiêu diệt. Ðó là kẻ dùng lời nói để cáo gian người khác, kẻ ra cửa thành mà đánh lừa người xử kiện, kẻ lấy sự nhỏ nhoi mà hiếp đáp người công chính. Vì thế, Chúa, Ðấng cứu chuộc Abraham, phán cùng nhà Giacóp lời này: Từ đây Giacóp sẽ chẳng còn phải hổ ngươi và đỏ mặt; nhưng khi xem thấy con cháu mình là công trình của tay Ta, đang ca ngợi danh thánh Ta giữa nhà Giacóp, thì chúng sẽ ngợi khen Ðấng Thánh của Giacóp và tuyên xưng Thiên Chúa Israel. Và tâm trí lầm lạc sẽ được hiểu biết; người lẩm bẩm sẽ học biết lề luật.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 26, 1. 4. 13-14
Ðáp: Chúa là sự sáng và là Ðấng cứu độ tôi (c. 1a).
Xướng: 1) Chúa là sự sáng, là Ðấng cứu độ, tôi sợ chi ai? Chúa là Ðấng phù trợ đời tôi, tôi sợ gì ai? - Ðáp.
2) Có một điều tôi xin Chúa, một điều tôi kiếm tìm, đó là tôi được cư ngụ trong nhà Chúa suốt đời tôi, hầu vui hưởng sự êm đềm của Chúa, và chiêm ngưỡng thánh điện của Ngài. - Ðáp.
3) Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy chờ đợi Chúa, hãy sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và chờ đợi Chúa. - Ðáp.
ALLELUIA: Is 45, 8
Alleluia, alleluia! - Hỡi các tầng trời, hãy đổ sương mai; hỡi ngàn mây, hãy mưa Ðấng Công Chính, đất hãy mở ra và trổ sinh Ðấng Cứu Chuộc. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 9, 27-31
"Tin vào Chúa Giêsu, hai người mù được chữa lành".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu đi ngang qua, có hai người mù chạy theo Chúa và kêu lớn tiếng rằng: "Hỡi Con vua Ðavít, xin thương chúng tôi". Khi Chúa tới nhà, những người mù tiến lại gần Chúa. Chúa Giêsu phán bảo họ: "Các ngươi có tin rằng Ta có thể làm việc ấy không?" Họ thưa: "Lạy Thầy, có". Bấy giờ Chúa sờ vào mắt họ và phán: "Các ngươi tin thế nào, thì hãy được như vậy". Mắt họ liền mở ra, nhưng Chúa Giêsu truyền cho họ rằng: "Coi chừng, đừng cho ai biết". Nhưng vừa ra đi, họ liền đồn tiếng Người trong khắp miền ấy.
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm:
Nhờ hai con mắt, con người hòa nhịp được với thế giới, thưởng thức được muôn hình vạn trạng của vũ trụ bao la xinh đẹp này. Hai con mắt khép lại là kể như đi dần trong cô đơn. Cảm nghiệm được nỗi bất hạnh của mình, hai người mù vừa lẽo đẽo theo Ðức Giêsu vừa van xin Ngài: "Lạy Con Vua Ðavít, xin thương xót chúng con".
Ý thức được nỗi khốn cùng của mình là bước khởi đầu nền tảng để đáng được Thiên Chúa xót thương. Càng thấy mình bất lực, càng cậy dựa vào Thiên Chúa. Ðiều quan trọng là chúng ta biết bám chặt vào Chúa và xin Chúa chữa lành tâm hồn chúng ta.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, ánh sáng niềm tin của chúng con còn rất yếu mà có lúc hầu như lịm hẳn. Quanh chúng con chỉ thấy toàn bóng đêm, trong khi giữa cuộc đời đầy sự đe dọa của ác thần. Lạy Chúa, xin thắp lên cho chúng con một niềm tin. Xin ánh lửa tình yêu của Chúa sưởi ấm tâm hồn chúng con. Xin cho thế giới của chúng con hôm nay tìm ra được lý tưởng sống. Ðể nhờ đó con người tìm ra được ý nghĩa cuộc đời và được sống trong bình an hoan lạc. Amen.
(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)

Lòng Tin Khiến Họ Ðược Chữa Lành

Roberto Newman là một người mù từ lúc mới sinh, và mãi đến năm 50 tuổi, một cuộc giải phẫu mới cho phép ông được thấy ánh sáng đầu tiên trong cuộc đời. Với ánh sáng, toàn thể thế giới như thay đổi hẳn viễn tượng trong tâm trí ông với những điều bấy lâu ông hằng tưởng tượng.
Khi được phỏng vấn, ông đã trả lời tờ báo Chicago như  sau: "Ðược nhìn thấy mọi vật quả là một diễm phúc trên đời. Tôi không ngờ rằng một giáo thuyết đã dạy tôi sẽ nhìn thấy mọi vật quanh tôi và đêm về tôi có thể nhìn ngắm các vì sao, những vật thể li ti của dãy ngân hà trên thiên không diệu vời. Bạn sẽ chẳng bao giờ thấy chúng tuyệt vời đến thế nào đối với tôi".
Nhận xét của Roberto thật xác đáng. Những ai đã một lần mất đi ánh sáng trong cuộc đời để rồi đánh giá trị của khả năng nhìn ngắm. Hôm nay thánh sử Matthêu cũng thuật lại cho chúng ta câu chuyện hai người đang cần ánh sáng và cuộc tìm kiếm của họ.
Thật vậy, ánh nắng chói chang của vùng sa mạc cùng với những cơn lốc thổi cát bụi mịt mù và cách sống không mấy vệ sinh về đôi mắt đã khiến cho bệnh mù dễ dàng phát sinh tại vùng Palestina. Chúng ta cũng phần nào thấy được điều này qua con số bị mắc bệnh thường tìm đến với Chúa Giêsu. Tuy nhiên, dù có phải đông người mắc chứng bệnh mù lòa thì không phải vì thế mà người mù lại an phận với kiếp mù lòa của họ, nhưng cuộc sống của họ luôn luôn là một thao thức tìm kiếm ánh sáng, gặp được cơ may có thể tìm thấy ánh sáng thì họ chẳng bao giờ bỏ lỡ cơ hội.
Người mù Thành Giêricô đang ngồi ăn xin bên vệ đường, nhưng vừa nghe biết Chúa Giêsu đi ngang qua, anh liền vội vàng lớn tiếng kêu xin: "Lạy Ngài xin cứu chữa tôi". Những người chung quanh cản ngăn thì anh lại càng la to hơn để rồi một khi đã nghe tiếng Chúa gọi, anh ta vứt bỏ tất cả để kịp đến với Ngài.
Hai người mù trong trình thuật Tin Mừng hôm nay tuy không có những cử chỉ như người mù Thành Giêricô, nhưng thái độ bền bỉ của họ cũng nói lên được tâm trạng khát vọng sự sáng. Chúa Giêsu đã gặp họ dọc đường, họ lớn tiếng kêu xin Người nhưng Ngài không chữa họ tại nơi đó, Ngài tiếp tục hành trình. Dù chưa được Chúa đáp lời chữa ngay nhưng họ không thất vọng bỏ cuộc và vẫn tiếp tục theo Ngài. Về đến nhà, họ tiến lại gặp Ngài để một lần nữa xin Ngài chữa lành. Câu hỏi Chúa Giêsu đã đặt ra cho hai người mù là để gián tiếp diễn tả một câu hỏi khác: "Các ngươi có tin Ta là Ðấng Cứu Thế không?" Vì theo các tiên tri khi thời Ðấng Cứu Thế đến thì mọi bệnh tật sẽ được chữa lành như: người câm nói được, người điếc được nghe, kẻ què được lành và người mù được thấy... Họ đáp: "Có" và lòng tin đã khiến cho họ được chữa lành. Trước và sau khi được chữa lành, người mù đều lớn tiếng. Lúc trước họ lớn tiếng vì lòng khát khao tìm thấy ánh sáng, và lần sau họ cũng lớn tiếng với nỗi vui mừng đã được thấy ánh sáng. Khi tìm được nỗi vui mừng thì dù Chúa Giêsu có ngăn cấm, họ vẫn cao rao danh Ngài.
Thế giới hôm nay cũng đang có những luồng ánh sáng và cơn lốc tối mù lý trí và lương tâm con người, bệnh mù này còn nguy hiểm hơn bệnh mù thể xác. Vì lắm lúc con người đang mù mà vẫn cứ tưởng là mình sáng, hoặc có quá nhiều người mù nên con người lại lấy số đông để khỏa lấp cơn bệnh. Phần nào như tâm trạng của Tú Xương: "Thiên hạ có khi đang ngủ cả, viêc gì mà thức một mình ta".
Ðể chữa trị bệnh mù này cũng không dễ dàng gì, nó đòi hỏi con người phải có một thái độ bền bỉ và vững tin vào Chúa Giêsu như hai người mù ở trên. Bước theo Ngài nhưng nhiều lúc như bị Ngài bỏ quên không nhìn tới. Tha thiết tìm đến Ngài thế mà chẳng được đoái hoài. Thất vọng để rồi buông xuôi bỏ cuộc thì con người sẽ mãi mãi ở trong bóng tối, nhưng vững bước theo Ngài để rồi tuyên xưng Ngài là Ðức Kitô thì con người sẽ tìm thấy ánh sáng, sẽ được nhìn ngắm những điều tuyệt vời mà trước đấy họ chưa từng thấy và cũng chẳng ai có ngoài một mình Thiên Chúa.
Ước mong rằng trong Mùa Vọng này, mỗi người trong chúng ta sẽ hiểu được giá trị sự sáng Chúa đã đem đến cho trần gian, cũng như biết rõ tình trạng mù lòa của mình để rồi chúng ta sẽ tìm đến với Ngài, bất chấp mọi khó khăn trở ngại và nhờ vào lòng tin, chúng ta sẽ được chữa lành.
 (Veritas Asia)

Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu, Tuần I MV
Bài đọc: Isa 29:17-24; Mt 9:27-31.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Phải kiên nhẫn trước khi đạt được điều hy vọng.

Mùa Vọng là mùa mong đợi Chúa đến. Giáo Hội muốn các tín hữu mong đợi không chỉ môt ngày hay chỉ ít giờ trước Thánh Lễ Nửa Đêm; nhưng là cả 4 tuần lễ. Tại sao cần một thời gian dài chuẩn bị như thế? Lý do là để con người có dịp đọc lại lịch sử ơn cứu độ qua Lời Chúa, hồi tâm và suy xét cuộc đời mình để nhìn ra sự khác biệt giữa một người có Chúa và một người không có Chúa; những gì được hưởng và những gì bị thua thiệt. Một khi nhìn ra những điều đó, con người sẽ nhận thấy sự cần thiết của Thiên Chúa trong cuộc đời; và sẽ nhiệt thành chuẩn bị để có được Chúa trong cuộc đời. Các Bài đọc hôm nay giúp con người nhận ra sự cần thiết đó. Trong Bài đọc I, Tiên Tri Isaiah cho dân thấy những lợi ích con người sẽ được hưởng khi Đức Chúa can thiệp vào đời sống của dân Ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu không phải chỉ chữa lành người mù, nhưng giúp các ông nhận ra lợi ích của việc đặt trọn vẹn niềm tin và hy vọng nơi Ngài.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Thị kiến về Ngày Đấng Thiên Sai sẽ đến.
1.1/ Những lợi ích Đấng Thiên Sai sẽ mang đến cho dân Ngài:
(1) Con người thu thập mùa màng hoa trái: “Chỉ còn chút nữa, chút ít nữa thôi, núi Liban sẽ lại thành vườn cây ăn trái, và vườn cây ăn trái sẽ sum sê như một cánh rừng.”
(2) Mọi bệnh nhân sẽ được chữa lành: “Ngày ấy, kẻ điếc sẽ được nghe những lời trong sách, mắt người mù sẽ thoát cảnh mù mịt tối tăm và sẽ được nhìn thấy.”
(3) Kẻ nghèo hèn sẽ được sống: “Nhờ Đức Chúa, những kẻ hèn mọn sẽ ngày thêm phấn khởi, và vì Đức Thánh của Israel, những người nghèo túng sẽ nhảy múa tưng bừng.”
(4) Ác nhân sẽ bị tiêu diệt: “Thật vậy, loài bạo chúa đã không còn nữa, quân ngạo mạn sẽ phải tiêu vong, và mọi kẻ rắp tâm làm điều ác ắt sẽ bị diệt trừ: đó là những kẻ dùng lời nói làm cho người ta bị kết tội, và cho người xử án tại cửa công phải mắc bẫy; chúng dùng những lời lẽ vô căn cứ mà làm cho người công chính bị gạt ra ngoài.”
1.2/ Nhà Israel sẽ nhận ra quyền năng Thiên Chúa và biết kính sợ Ngài: Sở dĩ Thiên Chúa để quân ngọai bang giầy xéo Israel là vì họ đã không còn kính sợ và nghe theo Lời Chúa; nhưng nếu họ biết ăn năn trở lại, họ sẽ nhìn thấy quyền năng Thiên Chúa được tỏ hiện trên quân thù. Tiên Tri xác quyết một khi đã được Thiên Chúa chăm sóc, họ sẽ không còn bị nhục nhã xấu hổ với quân thù: “Từ nay Jacob sẽ không còn phải xấu hổ, từ nay nó sẽ không còn bẽ mặt thẹn thùng, vì khi Jacob nhìn thấy nơi nó những công trình tay Ta đã làm, nó sẽ tuyên xưng danh Ta là thánh, sẽ tuyên xưng Đấng Thánh của Jacob là thánh, và sẽ kính uý Thiên Chúa của Israel. Những người tâm trí lầm lạc sẽ có được sự hiểu biết, và những kẻ ương ngạnh sẽ chấp nhận lời răn dạy.”

2/ Phúc Âm: Các anh tin thế nào thì được như vậy.
2.1/ Chúa thử 2 người mù: Trình thuật kể: “Đang khi Đức Giêsu ra khỏi nơi đó, thì có hai người mù đi theo kêu lên rằng: "Lạy Con Vua David, xin thương xót chúng tôi!" Khi Đức Giêsu về tới nhà, thì hai người mù ấy tiến lại gần.” Tại sao Chúa Giêsu không chữa 2 người mù ngay khi còn trên đường, mà bắt họ chờ cho tới khi về đến nhà? Thời gian chờ đợi làm cho con người biết đánh giá đúng những gì mình cần; vì điều gì nhận được quá nhanh chóng và quá dễ dàng thường sẽ không giúp con người đánh giá đúng điều mình nhận được, và dễ dàng coi rẻ hay hoang phí quà tặng. Chẳng hạn, số tiền góp nhặt được do mồ hôi nước mắt làm ra sẽ làm con người cẩn thận trong việc tiêu xài hơn là số tiền được thừa hưởng.

2.2/ Tuyên xưng đức tin: Trước khi ban ơn như họ xin, Chúa Giêsu nói với họ: "Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không?" Họ đáp: "Thưa Ngài, chúng tôi tin." Bấy giờ Người sờ vào mắt họ và nói: "Các anh tin thế nào thì được như vậy." Mắt họ liền mở ra. Chúa Giêsu đến không chỉ để làm phép lạ, nhưng để khơi dậy niềm tin của con người vào Ngài. Rất nhiều người đến với Chúa chỉ vì để được phép lạ, mà quên đi Đấng có uy quyền làm phép lạ. Họ quên đi phép lạ họ được hưởng chỉ xảy ra một lần, nhưng cuộc đời họ còn cần biết bao những phép lạ khác nữa. Hơn nữa, họ đã không nhìn ra được tình yêu và bao nhiêu ơn lành của Thiên Chúa đã dành sẵn cho họ.
Tin Mừng Gioan chú trọng nhiều hơn đến những gì xảy ra sau phép lạ, nhất là những phản ứng khác nhau của con người.

2.3/ Bí mật của Đấng Thiên Sai: Trong Tin Mừng Marco, rất nhiều lần Chúa Giêsu muốn những người được chữa lành phải giữ “bí mật của Đấng Thiên Sai.” Trường hợp hôm nay là một ví dụ điển hình, Chúa Giêsu nghiêm giọng bảo họ: "Coi chừng, đừng cho ai biết!" Nhưng vừa ra khỏi đó, họ đã nói về Người trong khắp cả vùng. Thông thường, những người nổi tiếng có thói quen muốn nhiều người biết đến mình; tại sao Chúa Giêsu muốn họ giữ bí mật phép lạ? Hơn nữa, ca tụng sự tốt lành của Thiên Chúa là điều cần nói ra để mọi người được biết, tại sao Chúa lại ngăn cản? Có ít nhất 2 lý do tại sao Chúa làm như thế:
(1) Lý do chính là vì Chúa không muốn con người quen thuộc với hình ảnh một Đấng Thiên Sai uy quyền, có sức mạnh làm được mọi sự, và sẽ giải phóng dân chúng, như truyền thống Do-Thái tin về Đấng Thiên Sai. Vì chẳng bao lâu nữa, Chúa sẽ phải chịu mọi cực hình trong Cuộc Thương Khó, và ngay cả chịu chết trên Thập Giá để chuộc tội cho con người. Khi nhìn thấy một Đấng Thiên Sai chịu mọi cực hình như thế, liệu họ còn tin nơi Ngài nữa không? Họ cần học để biết Mầu Nhiệm Cứu Độ của Thiên Chúa qua con đường đau khổ.
(2) Một lý do nữa là Chúa không muốn con người đến với Chúa chỉ vì được ơn bởi phép lạ, nhưng muốn họ đến với người vì thành thật tin yêu. Tình yêu đặt căn bản trên lợi nhuận không phải là tình yêu thành thật. Ví dụ, không ai trong con người muốn người khác yêu mình vì có nhiều tiền, có quyền lực để ban ơn …, nhưng muốn họ yêu như mình là và trung thành đến cùng cho dù mình bị mất tất cả.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Hy vọng phải có thời gian chờ đợi để giúp con người nhận ra sự quan trọng của điều mình mong muốn. Nếu mọi sự được ban quá dễ dàng và nhanh chóng, chúng ta sẽ không đánh giá đúng được món quà nhận được và sẽ dễ dàng hoang phí nó.
- Món quà nhiều khi chỉ mang những giá trị bên ngòai, nhưng tình yêu của người cho còn có giá trị hơn bội phần. Rất nhiều lần trong cuộc đời, chúng ta đã không nhận ra tình yêu của Thiên Chúa, cha mẹ, và tha nhân; mà chỉ để ý đến quà tặng.
- Thiên Chúa không muốn chúng ta đến với Ngài chỉ để xin ơn; một khi đã đạt được điều mong muốn là không nhớ gì đến Ngài nữa, và chạy theo đủ mọi thứ bụt thần chóng qua. Ngài muốn chúng ta đến với Ngài bằng một tình yêu chân thật, học hỏi để có khôn ngoan của Thiên Chúa, và biết sống thế nào để được hưởng hạnh phúc chân thật và bình an đời đời.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP

Thứ Sáu tuần 1 Mùa Vọng
Sứ điệp: Sứ mạng của Chúa Giêsu là cho người mù được thấy. Hai người mù được thấy vì đã tin vào Chúa. Người mù tối trong tâm hồn nếu tin vào Chúa cũng sẽ được nhìn thấy bằng ánh sáng của Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con cám ơn Chúa vì đôi mắt thân xác con còn sáng. Nhưng không phải là đôi mắt ấy có thể nhìn thấy tất cả. Con muốn khám phá thế giới và nhân loại, nhưng đôi mắt con quá nhỏ bé, chỉ nhìn thấy cái vỏ bên ngoài của sự vật, của con người, của các biến cố. Con muốn nhìn thấy Chúa đang hiện diện và hoạt động trong cuộc sống của con, của anh chị em con và khắp nơi trên thế giới, nhưng con chỉ là kẻ mù lòa chẳng nhìn thấy Chúa đâu.
Lạy Chúa là Ánh Sáng trần gian, xin Chúa mở mắt tâm hồn con để con nhận ra Chúa, xin ban cho con đôi mắt đức tin là đôi mắt của Chúa, để con nhìn mọi sự như Chúa nhìn. Xin mở mắt con, để qua cảnh rực rỡ của thiên nhiên, con thấy được vài tia sáng phản chiếu ánh sáng rực rỡ vô biên của Chúa. Xin mở mắt con, để qua những mối tình cảm thương yêu của con người, con nhận thấy được tình thương yêu nhân từ của Chúa. Xin mở mắt con để con nhận thấy anh chị em con là những người con của Cha trên Trời, họ đang được Cha yêu thương, đang lớn lên trong tình yêu của Cha. Xin mở mắt con, để con nhìn thấy Chúa đang đau khổ quằn quại trong thân xác của những người khổ đau. Xin mở mắt con, để con nhìn thấy Chúa đã sống lại và đang đồng hành với con trên mọi nẻo đường, đặc biệt đang hiện diện nơi Bàn Tiệc Thánh mỗi ngày.
Xin Chúa soi chiếu đời con bằng ánh sáng của Chúa và giúp con đi trọn hành trình còn xa thăm thẳm. Amen.
Ghi nhớ: "Tin vào Chúa Giêsu, hai người mù được chữa lành".
www.phatdiem.org

07/12/12 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 1 MV
Th. Ambrôsiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh     
Mt 9,27-31
LẠY CHÚA, CHÚNG CON TIN
"Chúa Giê-su nói với hai người mù :'Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không?' Họ đáp :'Thưa Ngài, chúng tôi tin.' Bấy giờ Người sờ vào mắt họ và nói :'Các anh tin thế nào thì đượv như vậy' ".(Mt 9,28-29)
Suy niệm: Tháng 9/2012, cô Christine Hà, người Mỹ gốc Việt, đoạt chức vô địch giải đầu bếp danh giá toàn nước Mỹ mặc dù cô là người khiếm thị. Mất thị lực từ năm 16 tuổi do một chứng bệnh quái ác, cô đã dùng các giác quan khác để “thấy” và thể hiện niềm đam mê nấu ăn của mình khiến vị giám khảo khó tính Gordon Ramsay phải thốt lên: “Cô có đánh lừa chúng tôi rằng cô mù không đấy?” Bằng đam mê và nghị lực, cô Christine Hà đã “thấy” được. Thế nhưng để có thể thấy thực sự bằng đôi mắt đã mù của mình, và nhất là “thấy” được Thiên Chúa bằng đôi mắt tự nhiên của mình thì phải có đức tin. Chúa hỏi hai người mù có tin vào Ngài không, và ngay khi họ bày tỏ lòng tin, Chúa đã chữa lành cho họ: “Các anh tin thế nào thì được như vậy.”

Mời Bạn: Trong cuộc sống xô bồ nhiều lo toan này, lắm khi cái bóng của tiền bạc, thú vui, danh vọng quyền lực làm cho cặp mắt ta hoá mù không thấy được Chúa hiện diện nơi tha nhân nữa. Tôi có thao thức, khao khát được chữa lành bệnh mù này không? Năm Đức Tin này nhắc nhở chúng ta rằng chính Đức Tin là phương thế để ơn Chúa có thể chữa lành tật bệnh linh hồn cho tôi.

Sống Lời Chúa: Kiểm điểm đời sống mỗi ngày để biết được tật xấu lớn nhất của mình, và quyết tâm thực hiện một việc cụ thể để sửa bỏ khuyết điểm đó trong trong ngày hôm sau.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con tin vào quyền năng Chúa.  Xin Chúa chữa lành tâm hồn con.

www.5phutloichua.net
Mắt họ liền mở ra
Giáng Sinh là lễ của Ánh sáng, Ánh sáng ngay giữa đêm đen. Ơn của Mùa Vọng là ơn thoát ra khỏi cảnh tăm tối mù lòa.
Suy nim:
Ở Việt Nam hiện nay có khoảng 500 ngàn người bị mù hai mắt,
và 900 ngàn người mù một mắt.
Tỉ lệ người mù như thế là cao so với nhiều nước khác.
Bao cố gắng được đưa ra để giảm số người bị mù,
trong đó có việc mổ cho 350 ngàn người mắc bệnh đục thủy tinh thể.
Người ta hy vọng nhờ đóng góp của các ân nhân,
sẽ có 100 ngàn người nghèo được mổ trong năm 2010.
Hạnh phúc biết bao cho ai lần đầu tiên thấy khuôn mặt người thân,
thấy được màu xanh của lá và phân biệt được sáng với chiều.
Hạnh phúc cho ai lần đầu tiên đi đứng mạnh dạn một mình
mà không cần bàn tay dắt hay cây gậy khua phía trước.
Ở nước Palestin thời xưa cũng có nhiều người mù.
Mù thường bị coi như một hình phạt của Thiên Chúa (Đnl 28, 28-29).
Người mù hẳn là người bị đứng ngoài lề xã hội.
Vào thời y khoa còn kém, người mù phải chịu cảnh tăm tối suốt đời.
Nỗi đau của người mù cũng ảnh hưởng trên cả đất nước.
Chính vì thế khi nói đến thời đại hạnh phúc của Đấng Mêsia,
Isaia nhiều lần nhắc đến chuyện người mù được sáng mắt (Is 35, 5; 42, 7).
Trong bài đọc 1 ta vừa nghe (Is 29, 18), ngôn sứ Isaia viết:
“Mắt người mù sẽ thoát cảnh mù mịt tối tăm, và sẽ được nhìn thấy.”
Được nhìn thấy bằng đôi mắt nghĩa là được mở ra với thế giới bên ngoài.
Tiếp xúc bằng mắt vẫn có cái gì vượt trội hơn tiếp xúc bằng tay hay tai.
Khi chữa lành những người mù và những tật bệnh khác,
Đức Giêsu khai mở thời đại thiên sai (x. Mt 11, 2-6).
Ngài cho thấy Nước Thiên Chúa nay đã đến.
Khi hai anh mù gọi Đức Giêsu là Con vua Đavít (c. 27),
họ nhìn nhận Ngài là Đấng Mêsia, Đấng Thiên Sai.
Bởi thế họ hy vọng Ngài sẽ cho họ quà tặng của thời thiên sai.
“Xin thương xót chúng tôi” là xin đưa chúng tôi ra khỏi cảnh mù lòa.
Đức Giêsu đã muốn chữa hai anh một cách kín đáo, tại nhà của Phêrô.
Ngài không chữa cho họ ngay lập tức, nhưng lại hỏi họ một câu rất lạ:
“Các anh có tin là tôi có thể làm được điều ấy không?” (c. 28).
Chỉ khi họ tuyên xưng niềm tin vào quyền năng của Ngài,
Đức Giêsu mới mở mắt cho họ bằng một lời và một chạm nhẹ (c. 29).
Niềm vui quá lớn khiến họ không giữ được lặng thinh (c. 31).
Giáng Sinh là lễ của Ánh sáng, Ánh sáng ngay giữa đêm đen.
Ơn của Mùa Vọng là ơn thoát ra khỏi cảnh tăm tối mù lòa.
Mù lòa đâu phải chỉ là chuyện của 37 triệu người mù trên thế giới.
Mù lòa về chính mình, mù lòa vì không thấy những Ladarô trước cửa,
mù lòa về chính những người trong gia đình, trong giáo xứ,
mù lòa vì không thấy Chúa vẫn đang hiện diện gần bên,
những mù lòa ấy cũng nguy hiểm không kém và cần được chữa lành.
Xin Giêsu đụng vào mắt tôi để tôi được sáng,
và để tôi giúp người khác cũng được thấy ánh sáng Giêsu.

Cầu nguyn:
Như người mù ngồi bên vệ đường
xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy.

Xin cho con được thấy bản thân
với những yếu đuối và khuyết điểm,
những giả hình và che đậy.

Cho con được thấy Chúa hiện diện bên con
cả những khi con không cảm nghiệm được.

Xin cho con thực sự muốn thấy,
thực sự muốn để cho ánh sáng Chúa
chiếu dãi vào bóng tối của con.

Như người mù ngồi bên vệ đường
xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
"Tin vào Chúa Giêsu, hai người mù được chữa lành".
Người mù được sáng
Không riêng gì thế giới siêu hình, ngay cả thế giới hữu hình của chúng ta cũng đầy dẫy những huyền nhiệm, hay đúng hơn nhưng thực tại mà con người vẫn chưa hiểu được bản chất. Chúng ta chỉ cần nghĩ đến ánh sáng.
Có lẽ ánh sáng vẫn tiếp tục là một huyền nhiệm mà khoa học chưa đưa ra một giải thích thoả đáng hoàn toàn: người thì cho rằng ánh sáng được cấu tạo bằng những tinh thể cực nhỏ, kẻ lại cho rằng ánh sáng được cấu tạo bằng những âm ba…
Tính cách huyền nhiệm của ánh sáng và của biết bao thực tại khác trong thế giới là một mời gọi để con người không ngừng vươn lên chiều kích siêu việt của cuộc sống.
Con người không thể tự mình tìm ra được giải đáp cho mọi vấn đề của cuộc sống. Chỉ Thiên Chúa là Đấng duy nhất có thể đem lại cho con người chân lý về cuộc sống, về con người, về chính Ngài. Chỉ Thiên Chúa mới có thể vén mở cho con người biết được chân lý và sự vén mở ấy được thực hiện trong Chúa Giêsu Kitô.
Nói như thánh Gioan: Chúa Giêsu chính là Ánh sáng thế gian, ai đi theo Ngài sẽ được ánh sáng ban sự sống. Tin mừng hôm nay khi thuật lại việc Chúa chữa hai người mù cũng muốn nêu bật chân lý ấy. Chúa Giêsu chính là ánh sáng. Chỉ trong Ngài, chúng ta mới thực sự là người được sáng mắt; chỉ trong Ngài, chúng ta mới biết được chúng ta là ai? Sẽ đi về đâu? Và đâu là ý nghĩa của cuộc sống? Nhưng dĩ nhiên, để có thể tiếp nhận ánh sáng của Chúa Kitô, điều kiện tiên quyết là chúng ta phải ý thức được sự mù loà của mình và quyết tâm ra khỏi sự mù loà ấy.
Mù quáng vẫn là cơm cám dỗ khủng khiếp nhất của con người. Mù quáng chính là không còn nhận thức và chấp nhận sự mù loà của mình. Trong Tin mừng, Chúa Giêsu đã lên án thái độ mù quáng của Biệt phái, họ cuộn mình trong nấm mồ tăm tối của những thành kiến và mớ kiến thức hạn hẹp của con người để khước từ ánh sáng của Thiên Chúa.
Với tâm tình của hai người mù hôm nay, chúng ta hãy xin Chúa chữa trị tật mù loà của thiển cận, tham lam, ích kỷ, tự phụ để chúng ta được bước đi trong ánh sáng của Chúa.
Trong ánh sáng của Ngài, chúng ta tin rằng mọi biến cố cuộc sống đều có ý nghĩa. Trong ánh sáng của Ngài, thất bại, khổ đau sẽ là khởi đầu của nguồn ơn dồi dào hơn. Trong ánh sáng của Ngài, tha nhân dù có thấp hèn đến đâu cũng đều phản chiếu vẻ đẹp của Thiên Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Chiến thắng thuộc về chúng ta
Khi Đức Giêsu về tới nhà, thì hai người mù ấy tiến lại gần. Người nói với họ: “Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không?” Họ đáp: “Thưa Ngài, chúng tôi tin.”Bấy giờ Người sờ vào mắt họ và nói: “Các anh tin thế nào thì được như vậy.” (Mt. 9, 28-29)
Nhiều khi chúng ta chán nản trước một vài thất bại, một vài khó khăn cản trở đời sống riêng tư cũng như chung của xã hội. Chúng ta phiền muộn phải chứng kiến những thế lực tăm tối vẫn hoành hành tàn phá; kẻ mạnh bóc lột kẻ yếu, bạo lực công khai hay che đậy, những kẻ ích kỷ lợi dụng, những kẻ cường quyền kiêu ngạo. Một vài lúc chúng ta có khuynh hướng tiêu cực, thụt lùi trước những sức nặng ngăn chặn bước tiến của chúng ta.
Hôm nay một lời đầy hy vọng vang tới tai chúng ta, thúc giục ta can đảm lên, đừng để nỗi chán nản đè bẹp chúng ta: “Nước Thiên Chúa là đây. Ngài ở với chúng ta, Ngài là hoàng tử ánh sáng đến đánh tan bóng tối”. Vâng, những kẻ mù tin Ngài và đang reo vui nhảy múa vì Ngài đã mở mắt cho họ được sáng. Chúng ta chắc chắn chiến thắng sau cùng vì Thánh Thần của Đấng Phục sinh đang sống giữa lòng thế giới: “Kẻ bạo chúa sẽ không còn nữa, và kẻ hỗn xược sẽ mất dạng”.
Nhưng niềm cậy trông này xây nhà trong thế giới hư ảo cho ta trú ẩn. Những xung đột vẫn còn đó, những cuộc chiến vẫn tiếp nối. Môn đệ không hơn Thầy. Thầy đã hy sinh mạng sống, trò cũng phải vác thập giá mình để tham gia xây dựng nước trời lớn lên. Nếu sống biết cậy trông, thì phải lo cố gắng, tin rằng mỗi bước đi trong tình yêu chân thật là đạt tới nước trời đời đời. Môn đệ không được miễn trừ khỏi chiến đấu, nhưng với đức tin, họ sẽ có một cái nhìn sâu sắc rằng những cuộc chiến của họ không vô ích vì chúng đưa họ tới giờ chiến thắng cuối cùng.
Nếu đôi khi chúng ta có cảm tưởng kéo lê đời mình trong tầm thường, nếu chúng ta thất vọng về những mù quáng của thế giới, thì tại sao chúng ta không nghiền ngẫm, nuôi dưỡng thái độ cậy trông của những anh mù trong Tin mừng hôm nay và kêu lên rằng: “Lạy con vua Đa-vít, xin thương xót chúng con”.
Là môn đệ của Đức Kitô, chúng ta không được phép thất vọng vì Người đến với chúng ta trong quyền năng mạnh mẽ của lòng thương xót và trong tình yêu chiến thắng tất cả mọi tử thần.
C.G
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 12
7 THÁNG MƯỜI HAI
Được Chọn Để Nên
Thánh Thiện Và Tinh Tuyền
Trong Tin Mừng theo Thánh Luca, Đức Maria lắng nghe những lời này: "Kính chào người được sủng ái!" (Lc 1,28). Hay như ta thường nói: "Kính chào Bà đầy ân phúc!" Lời chào này đến với Mẹ – như Thư Êphêsô cho thấy – từ chính Thiên Chúa. Đó là một sự diễn tả của tình yêu vĩnh cửu, một diễn tả về việc Thiên Chúa tuyển chọn Mẹ "trên các tầng trời trong Đức Kitô". Thiên Chúa "đã chọn chúng ta trong Người, trước khi tạo thành vũ trụ, để trở nên thánh thiện và tinh tuyền trước nhan Ngài" (Ep 1,4).
Đức Nữ Trinh ở Na-da-rét nghe lời chào này: “Kính chào Bà đầy ơn phúc!” Lời chào ấy nói về sự kiện Mẹ được ưu tuyển trong Đức Kitô.
Lạy Nữ Tử It-ra-en,
Trong Chúa Kitô, Thiên Chúa đã chọn Mẹ –
để trở nên thánh thiện và tinh tuyền.
Người đã chọn Mẹ trước cả khi vũ trụ bắt đầu.
Người đã chọn Mẹ để trở nên thánh thiện vô tì vết
ngay từ giây phút đầu tiên
Mẹ đầu thai trong lòng thân mẫu.
Người đã chọn Mẹ do tình yêu đối với Con của Người.
Vì trong mầu nhiệm Nhập Thể,
Con Thiên Chúa đã có được người mẹ
do Thiên Chúa tuyển chọn
trong tất cả sự viên mãn của Mẹ:
người Mẹ đầy ân sủng thần linh.
Vì thế, sứ thần chào Mẹ ‘Bà đầy ơn phước!’
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Thánh Ambrôsiô, giám mục tiến sĩ hội Thánh;
Is 29, 17-24; Mt 9, 27-31.

LỜI SUY NIỆM: “Khi Đức Giêsu về tới nhà thì hai người mù ấy tiến lại gần. Người nói với họ: Các anh có tin tôi làm được điều ấy không? Họ đáp: Thưa Ngài, chúng tôi tin. Bấy giờ Người sờ vào mắt họ và nói: Các anh tin thế nào thì được như vậy” (Mt 9,28-29)
          Khi Chúa Giêsu để cho hai người mù đi theo Ngài về đến nhà. Chúa muốn hai con người này có thật lòng tin vào quyền năng của Ngài, quyền năng của Đấng Mêsia hay không. Khi đã được thử thách họ đã vững tin. Chúa Giêsu đã ban cho họ, điều họ xin, và họ đã được sáng mắt. Trong đời sống hôm nay. Chúa Giêsu cũng đang muốn chúng ta tiến bước về nhà của Chúa.  Đó chính là Giáo Hội. nơi đây, là nơi mọi con người sẽ được lãnh nhận muôn vàng ân sủng của Ngài sẽ ban cho. Chính là các Bí Tích.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 07-12:
Thánh AMBRÔSIÔ
Giám mục và tiến sĩ Hội Thánh
(339 - 397)

Thánh Ambrôsiô chào đời khoảng năm 339 tại Augusta Trevororum. Cha Ngài, ông Aurlio Ambrôsiô làm tổng trấn xứ Gauules và là nghị sĩ viện quí tộc. Nhưng ông chết sớm, mẹ Ngài trở về Roma với 3 người con: Ambrosiô. Marcellina và Satyra, cả 3 đều nên thánh.
Ambrôsiô chưa lãnh phép rửa tội như thói quen thời ấy hay chần chừ, sợ mất ơn phép rửa tội, nhưng Ngài đã sống tuổi thơ ấu đạo đức. Lớn lên, Ngài tỏ ra thông minh đặc biệt, nổi tiếng về thơ văn, tài hùng biện và luật pháp. Thuộc dòng quí tộc, Ambrôsiô được đặt làm lãnh sự tỉnh Emilia và Liguria với thị trấn là Milan. Probus, vị tổng trấn theo Kitô giáo đã khuyên Ngài: - "Hãy đi và hành động như một giám mục hơn là quan án".
Và người ta thán phục nhà quí tộc Kitô giáo vì sự khôn ngoan tỉnh thức và hiền hậu của Ngài. Giám mục Milan qua đời, một cộng đoàn tập hợp trong nhà thờ, người ta gây ồn ào xáo trộn tại đó vì chiahai phe: phe công giáo và phe theo Ariô. Ambrôsiô với tư cách là nhà cầm quyền đã đến dàn xếp. Ngài diễn thuyết kêu gọi hoà bình và khuyên dân chúng khôn ngoan chọn lựa, Ngài nói một cách đáng phục đến nỗi mọi tín hữu đều một tiếng kêu lớn: "Ambrôsiô làm giám mục".
Hết còn phân ly, người ta ôm nhau khóc vì vui mừng. Hoàng đế Valentinô đã chuẩn nhận việc tuyển chọn bất ngờ này.
Lúc ấy, Ambrôsiô còn là một dự tòng, nên cảm thấy mình bất xứng để làm cha linh hồn của cả đoàn dân Ngài. Ngài đã có lần trốn thoát đến nỗi còn muốn gây cớ xúc phạm để tỏ ra bất xứng, nhưng vẫn không đánh lừa nổi ai. Ngài còn viết thư cho các giám mục và hoàng để xin cáo lui, nhưng hoàng đế còn bày tỏ lòng thán phục: - "Không có một tinh thần nào ngay chính hơn, đây là một tay lái không thể uốn cong được".
Ambrôsiô dành nhiều miễn cưỡng chấp nhận. Ngày 24 tháng 11 Ngài chịu phép Rửa tội. Ngày 07 tháng 12 năm 374 Ngài đã thụ phong linh mục và được thánh hiến giám mục. Ngài nói: - "Tôi bắt đầu dạy dỗ điều mà tôi không được học".
Ambrôsiô không coi mình như người thuộc thế gian nữa, Ngài phân phát của cải cho người nghèo và dâng đất đai cho Giáo hội. Một phần đêm khuya dành để cầu nguyện và học hỏi. Ngài học các tác phẩm Kitô giáo, nhất bằng tiếng Hy Lạp và đào sâu thần học. Buổi rạng đông, dâng lễ rồi vào bàn làm việc. Ngài rao giảng để tái hồi giáo phận bị xáo trộn bởi phái Ariô. Ngài mở rộng cửa tiếp đón mọi người cần đến mình. Thánh Augustinô mà Ngài góp phần cải hóa đã gọi Ngài là thầy. Khi dạy dỗ, Ngài tỏ ra hiền hậu mà người ta gọi là "sự ngọt ngào của Ambrôsiô".
Khi ngồi tòa, Ngài đã khóc như chính mình là tội nhân. Không có giờ ăn, Ngài như chay tịnh liên tiếp. Việc mục vụ nặng nề không ngăn cản Ngài tỏ ra là một thủ lãnh quyết bảo vệ đức tin công giáo. Ở Roma, tại cung điện nữ hoàng Justina theo Ariô, muốn chiếm nhà thờ Milan, giám mục chống lại và quyết bảo vệ thánh đường. Từ Chúa nhật lễ lá tới thứ năm tuần thánh, một đoàn người công hãm thánh đường. Ambrôsiô dùng việc giảng dạy và thánh ca để giữ tín hữu. Những người yêu mến Ngài làm thành một hàng rào bao quanh Ngài. Cuối cùng, chiến thắng về tay Ambrôsiô. Ngài vẫn luôn tỏ thái độ cương quyết như thế.
Đế quốc rơi vào tay Theodosiô. Vị Tân hoàng đế rất quí chuộng và kính trọng giám mục. Đức giám mục cũng yêu mến ông bằng tình phụ tử, nhưng không vì thế mà thành ra yếu đuối bất công. Theodosiô trên đài vinh quang, để trừng phạt cuộc nổi loạn ở Thesalonica, đã ra lệnh tàn sát dã man. Thánh Ambrôsiô viết thư quở trách, bắt ông hối cải và cấm vào thánh đường. Ít lâu sau, Theodosiô chiến thắng trở về Milan với binh sĩ muốn vào thánh đường, đức giám mục đứng ở cưả ngăn ông lại và trách cứ ông. Hoàng đế lui về hoàng cung thống hối trong tám tháng. Ngày lễ Giáng sinh, ông khóc lóc xin tha tội. Ông cởi áo bào, phục dưới thềm nhà thờ và xếp hàng giữa đám tội nhân công khai. Không bao giờ ông còn chiếm chỗ danh dự nơi cung thánh nữa. Dân Milan rất thán phục vị vua đã đền tội cách quảng đại như vậy.
Về sau, ông lại đi dẹp một cuộc nổi loạn mới. Thánh Ambrôsiô lại viết cho ông: - "Chiến thắng của vua sẽ bất toàn nếu vua không tha cho các kẻ nổi loạn".
Vua đã tha. Trở về, Ambrôsiô ôm ông và khóc vì vui mừng. Vua đã qua đời trong tay vị giám mục. Với hoàng tử kế vị. Thánh Ambrôsiô nói: -"Ông không phải làm vua để phục vụ lợi ích gia đình mình thôi, nhưng là để cai quản mọi người".
Và đối với vị vua băng hà, thánh Ambrôsiô nói: - "Tôi yêu mến con người này, vì đã ưa người quở trách mình hơn bọn nịnh thần. Hoàng đế đã không mắc cỡ khi hoàn tất việc thống hối công khai và không ngày nào mà không khóc lỗi lầm mình".
Thánh Ambrôsiô còn sống thêm hai năm sau cái chết của vua Theodosiô. Nghe loan báo về cơn bệnh của Ngài, một viên chức của nhà vua tuyên bố: - "Con người này mà chết đi thì Italia sẽ bị đe dọa tàn phá đến nơi".
Danh tiếng của Ngài vang dội đến nỗi rợ dân đã không dám chống lại Ngài. Có những thủ lãnh tin rằng: Ngài có thể ngưng mặt trời lại. Ngài đã hạnh phúc dùng thư tín mà cải hoá được nữ hoàng Marcômans. Trước khi qua đời ngày 4 tháng 4 năm 379 Ngài đã tổ chức các tòa giám mục miền bắc Italia. Theo một tường thuật, Ngài đã nằm, tay chéo lại như hình Thánh giá và người ta có thể thấy như môi Ngài vẫn cầu nguyện không ngừng.
Gần mộ Ngài sẽ đặt phần mộ Marcellina, người em mà Ngài yêu qúi hơn cả. Con người và sự sống của thánh nữ chính nhờ sự dẫn dắt của Ngài đã hiến mình cho Thiên Chúa. Thánh Ambrôsiô đã để lại một công trình đáng kể.
(Daminhvn.net)
++++++++++++++++++
07 Tháng Mười Hai
Chiếc Áo Hạnh Phúc

Một vị vua kia có tấc cả mọi sự để được hạnh phúc... Nhưng lúc nào nhà vua cũng cảm thấy đau khổ, bứt rứt lo lắng. Các vị lương y khắp nước được triệu tập, nhưng tất cả đều bó tay. Sau cùng có một vị lương y xin yết kiến. Sau khi đã xem xét bệnh tình, vị lương y tâu rằng: "Ðức vua sẽ hoàn toàn hạnh phúc, nếu đức vua mặc được chiếc áo lót của người sung sướng nhất trần gian".
Thế là nhà vua ra lệnh cho tìm xem ai là người hạnh phúc nhất trên trần đời... Binh sĩ đã đi rảo khắp cả nước, nhưng không tìm được con người hạnh phúc đó. Trên đường quay về chịu tội, họ đã gặp được một bác chăn chiên đang ca hát véo von, không một chút lo âu. Ðám binh sĩ đã sấn lại tóm cổ người chăn chiên và lột áo. Nhưng vừa lột áo người chăn chiên, họ vô cùng sửng sốt vì ông ta không có nổi một chiếc áo lót!
Người đời thường nói: "Có tiền vua tiên cũng được". Nhưng chắc chắn người ta không thể dùng tiền bạc để mua hạnh phúc, an vui cho tâm hồn mình. Phúc thay những ai có tâm hồn nghèo khó. Chỉ khi nào tâm hồn chúng ta trống rỗng của cải, Thiên Chúa mới có thể lấp đầy.
(Lẽ Sống)

Thứ Sáu 7-12

Thánh Ambrôsiô

(340?-397)

Một trong các người viết tiểu sử về Thánh Ambrôsiô nói rằng: vào ngày Phán Xét Chung sẽ vẫn còn sự tách biệt giữa những người thích thánh nhân và những người cực kỳ ghét bỏ ngài. Thánh Ambrôsiô nổi tiếng là một người có những quyết định táo bạo ảnh hưởng đến đời sống của những người cùng thời. 
Vào năm 33 tuổi, Thánh Ambrôsiô đã có tất cả mọi sự -- một sự nghiệp đầy hứa hẹn là luật sư, một vị thế quan trọng trong chính trường là tổng trấn Milan, ngoài ra ngài còn là người bạn và đồng chí với hoàng đế, cùng với một gia tài kếch sù.
Và rồi vị giám mục của Milan từ trần. Vào lúc ấy, khoảng năm 374, nhiều tà giáo muốn tiêu diệt Giáo Hội. Vị cố giám mục Milan từng hậu thuẫn cho lạc giáo Arian chống lại giáo huấn về thiên tính của Ðức Kitô. Vậy ai sẽ là người kế vị -- người Công Giáo hay người của phe Arian? Cả hai phe đụng độ nhau ở vương cung thánh đường và một cuộc bạo động xảy ra.
Duy trì trật tự công cộng là trách nhiệm của quan tổng trấn Ambrôsiô, nên ngài vội vã chạy đến nhà thờ và hùng hồn lên tiếng, không ủng hộ phe phái nào cả, nhưng ủng hộ sự hoà bình. Ngài xin dân chúng hãy bình tĩnh, kềm chế sự nóng nẩy và chọn lựa giám mục mà không cần phải xô xát.
Trong khi ngài đang nói, bỗng dưng có người hô to, "Bầu Ambrôsiô làm giám mục!" Thế là tất cả mọi người đều đồng thanh, "Ambrôsiô là giám mục!"
Các vị giám mục khác của tỉnh thì quá vui mừng khi được phủi tay trước vấn đề khó khăn này. Nhưng Ambrôsiô không dễ hy sinh một sự nghiệp đầy hứa hẹn để chấp nhận công việc của một giám mục đầy nguy hiểm -- một công việc ảnh hưởng đến tính mạng trong thời lạc giáo. Bởi thế Ambrôsiô bỏ trốn. Khi ngài cầu viện đến hoàng đế để thay đổi quyết định nói trên với lý do là ngài chưa rửa tội, vị hoàng đế lại tuyên bố rằng ông rất vui mừng khi chọn được quan tổng trấn thích hợp với chức giám mục. Ambrôsiô trốn tránh trong nhà của một nghị sĩ, nhưng ông này đã đem nộp Ambrôsiô khi ông biết quyết định của hoàng đế.
Không còn biết trốn vào đâu nữa, Ambrôsiô ra đầu hàng. Vì ngài bị ép buộc phải chấp nhận chức giám mục, nên sẽ không ai ngạc nhiên nếu ngài vẫn tiếp tục lối sống cũ, như trước khi được tấn phong. Tuy nhiên, ngay sau đó Ambrôsiô đã phân phát tài sản cho người nghèo và tự đặt mình dưới sự chỉ dẫn của Thánh Simplician để học thần học và Kinh Thánh.
Phe Arian tưởng rằng Ambrôsiô sẽ là giám mục "của họ" vì ngài từng là một viên chức của triều đình, và nhiều người trong chính quyền đều thuộc phe Arian. Nhưng Ambrôsiô đã dùng sở trường của một luật sư và tài hùng biện để chống lại phe Arian bất cứ nơi nào, dù ở nhà thờ, triều đình, thượng viện, hay ngay cả trong hoàng tộc. Tính ngoan cố của ngài khi không chấp nhận chức giám mục lúc đầu, nay lại trở thành vũ khí trong cuộc chiến chống lại lạc giáo và giúp ngài quyết tâm theo đuổi sự thánh thiện.
Khi người Goth xâm chiếm đế quốc và bắt nhiều người làm con tin, Ðức Giám Mục Ambrôsiô đã phải dùng chính tài sản của mình để chuộc. Ngài nói sự bác ái có giá trị nhất là chuộc kẻ tù đầy. Ngay cả các bình vàng của Giáo Hội, ngài cũng đem bán để lấy tiền chuộc. Ngài nói, "Cứu vớt các linh hồn cho Chúa thì tốt hơn là duy trì tài sản. Ðức Kitô đã sai các tông đồ đi rao giảng mà không có vàng bạc, và cũng không cần vàng bạc để thành lập Giáo Hội của Người. Giáo Hội làm chủ vàng bạc, không phải để tích trữ, nhưng để phân phối và giúp đỡ những người kém may mắn."
"Chắc chắn Chúa sẽ hỏi chúng ta: 'Tại sao con lại để quá nhiều người nghèo đói? Vì con có vàng bạc, con phải cấp dưỡng cho họ'& Có thể nào chúng ta trả lời rằng: 'Vì con không muốn để đền thờ của Chúa không được trang hoàng.' Nhưng những gì không mua được bởi vàng bạc thì cũng không có giá trị bởi vàng bạc. Phương cách tốt nhất để sử dụng vàng bạc của Ðấng Cứu Thế và hãy cứu vớt những người lâm cảnh hoạn nạn."
Ðức Giám Mục Ambrôsiô luôn luôn lưu tâm đến người nghèo hơn là quyền lực. Ngài thường khiển trách người giầu khi lãng quên người nghèo: "Thiên Chúa tạo nên vũ trụ trong một phương cách để tất cả những gì là của chung sẽ đem lại no ấm cho con người, và trái đất là sở hữu chung của tất cả mọi người. Tại sao bạn lại từ chối một người cũng có quyền đối với thiên nhiên như bạn? Của cải bạn cho người ăn xin không phải của chính bạn, nhưng đó là phần của người ấy mà bạn phải hoàn trả cho họ. Trái đất thuộc về tất cả mọi người. Bởi thế, bạn đang trả nợ mà lại nghĩ đang ban bố một ơn huệ."
Khi hoàng đế từ trần, Hoàng Hậu Justina, một người phe Arian, trở thành nhiếp chính cho đứa con trai bốn tuổi. Maximus, một cựu sĩ quan Rôma, biết rằng cái chết của hoàng đế sẽ làm suy yếu đế quốc nên dự định tấn công. Justina xin Ambrôsiô thương lượng với tên này. Mặc dù Justina là một kẻ thù, Ambrôsiô đã lên đường thi hành nhiệm vụ và đã thuyết phục được Maxima ngừng xâm lăng.
Thay vì biết ơn Ambrôsiô, Hoàng Hậu Justina lại yêu cầu Ðức Giám Mục Ambrôsiô trao lại vương cung thánh đường cho phe Arian. Thánh nhân trả lời rằng ngài không bao giờ nhường đền thờ của Thiên Chúa.
Dân chúng đứng về phe Ðức Giám Mục Ambrôsiô. Ngài thừa khả năng để thực hiện cuộc đảo chánh lật đổ Justina. Nhưng ngài thận trọng không dùng bất cứ lời nói hay hành động nào để khích động dân chúng.
Khi một số người Công Giáo bắt giữ một linh mục phe Arian và kết án tử hình, Ðức Giám Mục Ambrôsiô đã nhân danh hòa bình xin tha cho vị linh mục này và nói rằng: Thiên Chúa sẽ phải đau khổ khi thấy cảnh máu chảy thịt rơi. Ðức Ambrôsiô gửi các linh mục và phó tế của ngài đến giải thoát cho vị linh mục Arian này.
Sau đó Hoàng Hậu Justina thuyết phục con mình ban bố luật lệ để hợp pháp hóa lạc giáo Arian và cấm người Công Giáo không được chống đối người Arian. Không ai có thể đệ trình một thỉnh cầu chống với một tổ chức tôn giáo đang có thế lực.
Vào Chúa Nhật Lễ Lá, trong bài giảng, Ðức Giám Mục Ambrôsiô tuyên bố không nhường lại các nhà thờ. Cả giáo đoàn, vì lo sợ cho tính mạng, đã phòng thủ trong nhà thờ với vị chủ chăn là Ðức Giám Mục Ambrôsiô. Quân triều đình bao vây chung quanh ngăn chặn mọi đường tiếp tế, để dân chúng vì đói mà phải ra đầu hàng. Cho đến ngày Chúa Nhật Phục Sinh, tất cả mọi người vẫn kiên trì phòng thủ.
Khi chạm trán với lực lượng bao vây, Ðức Giám Mục Ambrôsiô nói, "Vũ khí của tôi chỉ là nước mắt. Tôi không muốn từ bỏ nơi đây, nhưng tôi không chống cự bằng võ lực."
Ðể trấn an dân chúng đang khiếp sợ, Ðức Giám Mục Ambrôsiô dạy họ hát thánh vịnh do chính ngài sáng tác. Ngài chia cộng đoàn làm hai bên để đối đáp. Ðây là lần đầu tiên việc hát đáp ca được ghi nhận trong lịch sử Giáo Hội.
Tiếng nhạc và lời kinh vượt ra ngoài bốn bức tường của thánh đường và làm rúng động tâm hồn các binh lính. Không bao lâu, chính họ cũng cất tiếng phụ họa. Sự vây hãm chấm dứt.
Vì biết quân triều đình đang tập trung vào việc chống đối người Công Giáo, Maximus một lần nữa lại quyết định tấn công Rôma. Justina và hoàng tộc thật kinh hãi. Không biết trông vào ai, sau cùng họ lại quay về với người mà họ từng tấn công và đe dọa. Họ xin Ðức Giám Mục Ambrôsiô đến gặp Maximus và ngăn chặn sự tấn công.
Trong một hành động tha thứ có thể nói lạ lùng, Ðức Giám Mục Ambrôsiô lại thi hành nhiệm vụ cho kẻ thù. Khi Maximus từ chối thoả hiệp, ngài vội vã trở về để chuẩn bị. Justina và hoàng tộc trốn sang Hy Lạp, trong khi Ðức Giám Mục Ambrôsiô ở lại chống đỡ. May mắn thay, vị hoàng đế đông phương là Theodosius đã can thiệp và đánh bại Maximus. Tuy nhiên, sau đó Theodosius đã chiếm quyền kiểm soát toàn thể đế quốc Rôma. Theodosius là người Công Giáo và sau này trở thành người bạn chí thiết của Ðức Giám Mục Ambrôsiô.
Ðức Giám Mục Ambrôsiô từ trần năm 397, khoảng 57 tuổi. Lễ kính được đặt vào ngày 7 tháng Mười Hai, là ngày ngài "bị" tấn phong giám mục.
www.nguoitinhuu.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét