Trang

Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2012

ĐỨC KI-TÔ MỜI GỌI :"HÃY ĐỨNG THẲNG VÀ NGẪNG ĐẦU LÊN"


Đức Kitô mời gọi: ''hãy đứng thẳng và ngẫng đầu lên''

Ngày 6.11.2009, hãng phim Sony Pictures, Mỹ Quốc, đã cho ra mắt bộ phim bom tấn với chi phí lên đến 200 triệu USD, mang tựa đề “Thảm họa 2012”, của đạo diễn nỗi tiếng về phim thảm họa, Roland Emmerich. Bộ phim mô tả hành tinh chúng ta đang sống bị một hành tinh lạ đâm sầm vào đúng vào ngày 21.12.2012, thời điểm kết thúc một vòng lịch theo cách tính của người Maya cổ đại. Tác giả kịch bản đã lấy ý tưởng từ bộ lịch của người Maya cổ, dự đoán sự kết thúc của nền văn minh loài người vào ngày 21.12.2012. Động đất làm cho thành phố Los Angeles chìm xuống biển, Vatican sụp đổ, sóng thần trùm lên Nhà Trắng. Một quả cầu lửa sẽ làm nước biển dâng lên và làm cho trái đất chìm ngập trong biển nước và lửa. Thế giới sẽ bị hủy diệt. 

Đó là chuyện phim và cũng là đề tài nhiều người bàn tán trên các trang mạng điện tử liên tục trong những năm gần đây. Tuy nhiên mới đây cơ quan NASA của Hoa Kỳ trả lời một số thắc mắc của độc giả đã khẳng định rằng không hề có những thảm họa cho địa cầu như những dự đoán đồn đại về ngày tận thế gần kề.


Tuy nhiên, có một nguồn tin rất đáng tin cậy và đáng lưu tâm hơn. Nhân sự kiện người ta trầm trồ về vẽ đẹp của đền thờ Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đã tiền báo về biến cố Giê-ru-sa-lem bị quân Rôma tàn phá bình địa vào năm 70 sau CN (Lc 21,5-6.20). Quan trọng trọng hơn, Đức Giê-su tiền báo một cách chắc chắn rằng ngày tận thế sẽ đến với những điềm báo trước: chiến tranh, loạn lạc, chia rẽ, động đất, đói kém, tiên tri giả xuất hiện (Lc 21,8-11). Tuy nhiên, Ngài lại không nói ngày nào tháng nào năm nào và nhân loại không thể nào biết được khi nào việc ấy xảy đến. Có lẽ đối với Thiên Chúa sẽ không có ngày tháng năm vì Ngài vượt ngoài không gian và thời gian?! Và chính vì thế, điều người ta quan tâm nhất đó là thời điểm nào sẽ đến ngày ấy. 

Đức Giê-su cho thấy điều đó không đáng quan tâm nếu chúng ta luôn luôn luôn luôn ở trong tư thế sẵn sàng. Ngày ấy không phải là một thảm họa để người ta phải hoảng sợ lo lắng nhưng là một ngày hồng phúc muôn dân hằng mong đời, ngày cứu độ. Thật vậy, Đức Giê-su đã báo trước: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.”(Lc 21,25-27). Ngài cũng mời gọi con dân của Ngài hãy tự hào vui sướng trong gờ phút này: “Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.” (Lc 21,28). Lẽ ra, con dân của Chúa phải rất mừng vui, sung sướng mong mỏi, chờ đón ngày đó. Vì ngày đó là ngày con được gặp Chúa Cha mặt đối mặt, ngày mà Thiên Chúa đón rước chúng ta về bên Chúa mãi mãi. Nếu chúng ta cảm thấy hoảng sợ thì giả thiết một điều là chúng ta không thích được gặp Thiên Chúa- Cha của mình hoặc giả chúng ta không sẵn sàng. 


Đức ki-tô mời gọi “hãy đứng thẳng và ngẫng đầu lên vì anh em sắp được cứu độ”. Động tác xem ra rất đơn giản trong ngày cánh chung. Tuy nhiên, để có thể làm hai động tác đơn giản ấy vào ngày cánh chung thì phải có một chọn lựa đúng đắn cách dứt khoát và một tiến trình hy sinh bước đi trên hành trình ấy. Cuộc thanh luyện và chuẩn bị bắt đầu từ tiếng khóc chào đời của mỗi người. Và điều quan trọng không phải tôi sống bao lâu, đi được bao nhiêu kilômét trên hành trình dương thế nhưng là tôi đi thế nào, sống như thế nào trên hành trình ấy. Điều đó quyết định tôi có thể đứng thẳng và ngẩng đầu lên trước Chúa hay không. Thực ra, ngày tận thế không phải là ngày xử án của Chúa và Thiên Chúa không phải là một quan án đáng sợ. Đó đơn thuần chỉ là một ngày đoàn tụ của những người con lưu lạc chốn gian trần với người Cha trên trời. 

Bình tâm suy gẫm lại một cách nghiêm túc: đích tôi đang hướng đến là gì? Phương tiện tôi đang có là gì? Và tôi đang bước đi thế nào? Tôi cần thay đổi gì nữa? Thiết nghĩ điều quan trọng nhất, đích đến hấp dẫn nhất của mỗi con người đó là làm người, tôi được gọi là người và tôi phải làm sao làm người cho được và Thiên Chúa chỉ mong có thế. Nếu một ngày nào đó tôi chưa thực sự là người đúng nghĩa ngày ấy chính là ngày tai họa. Đức Giê-su đã từng nói: “Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó” (Lc 12,34;Mt 6,21). Nếu đặt cùng đích, kho tàng của đời mình là vinh hoa phú quý, danh vọng địa vị trên thế gian này thì chắc chắn con người sẽ vun trồng và chăm chút cho những thứ ấy mà không để tâm chút nào đến việc xây xựng Nước Trời. “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6,24; Lc 16,13). Chọn lựa là một điều hết sức quan trọng vì chọn lựa đúng là bước đầu để dẫn đến đích, chọn lựa sai sẽ không bao giờ đến đích. Chúng ta không thể đi về Miền Nam khi khởi hành bằng chuyến xe về Miến Bắc và ngược lại. Khi đã chọn lựa đúng rồi còn phải luôn luôn trung thành với chọn lựa ấy nữa. đó là điều mà Đức Giê-su gọi là “tỉnh thức”: “Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn”(Lc 21,36). Sự tỉnh thức là một tiến trình kéo dài liên lỉ mỗi ngày chứ không phải chỉ một đêm, hai đêm hay một thời điểm nào đó. Đó là một lối sống chứ không phải là một thái độ đối phó qua loa vì chúng ta sẽ không biết ngày nào giờ nào Chúa đến với mỗi người. Tỉnh thức đòi hỏi “phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời” (Lc 21,34). Còn bận bịu với “sự đời” quá sức thì không thể toàn tâm toàn ý với việc xây dựng Nước Thiên Chúa. Xa lạ với Nước Thiên Chúa thì làm sao vào Nước Thiên Chúa được?

Thật ra, không phải Thiên Chúa định ngày nào giờ nào thế giới này bị tàn phá nhưng ngày ấy giờ ấy nằm ngay chính trong chọn lựa của mỗi cá nhân. Nếu lúc nào đó tôi suy nghĩ và hành động không như một con người, thì ngay lập tức tai họa đã ập đến cho chính tôi và còn liên lụy đến người khác. Người ki-tô hữu hay nói bống bẩy là chúng ta phải làm sao sống xứng đáng là con Chúa? Sống xứng đáng là Con Chúa là thế nào đây? Đơn giản đó là làm người, một con người đúng nghĩa và trọn vẹn như thuở ban đầu Chúa tạo dựng nên. Nhưng có phải chỉ khi nào tôi trở nên một con người hoàn thiện thì tôi mới được cứu độ? Da thưa không! Chỉ cần cả cuộc đời tôi đã làm tất cả, đã cố gắng hết sức để trung thành với sứ vụ làm người, làm con Chúa thì cho dù đến cuối cùng tôi vẫn chưa hoàn thiện, Chúa vui lòng và đón nhận những cố gắng ấy!


Nguyện xin Chúa Thánh Thần giúp mỗi người chúng ta hiểu ra điều quan trọng và cần thiết nhất cho cuộc đời mình là gì để mỗi người khỏi bị lạc đường. Xin Ngài giúp cho mỗi người chúng ta chọn lựa chính xác và can đảm dấn thân trên đường mình đã chọn. Amen!
Jos. Phạm Duy Thạch, SVD11/30/2012(vietcatholic.org)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét