Trang

Thứ Bảy, 14 tháng 2, 2015

15-02-2015 : (phần I) CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN năm B

15/02/2015
Chúa Nhật 6 Quanh Năm Năm B
(phần I)


Bài Ðọc I: Lv 13, 1-2. 44-46
"Người phong cùi phải ở riêng ngoài trại".
Trích sách Lêvi.
Chúa phán cùng Môsê và Aaron rằng: "Nếu người nào thấy da thịt mình xuất hiện màu sắc khác thường, hoặc mụn nhọt hay những vết bóng láng, đó là dấu bệnh phong cùi, phải đem họ đến tư tế Aaron, hoặc đến một vị nào trong các con trai của ông.
"Vậy ai mắc bệnh phong cùi, và tư tế ra lệnh phải ở riêng, thì phải mặc áo rách, để đầu trần, lấy áo che miệng và la to rằng mình mắc bệnh truyền nhiễm và ô uế. Bao lâu người đó còn mắc bệnh phong cùi và ô uế, họ phải ở riêng một mình ngoài trại".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 31, 1-2. 5. 11
Ðáp: Chúa là chỗ dung thân, Chúa giữ con khỏi điều nguy khổ (c. 7).
Xướng: 1) Phúc thay người được tha thứ lỗi lầm, và tội phạm của người được ơn che đậy! Phúc thay người mà Chúa không trách cứ lỗi lầm, và trong lòng người đó chẳng có mưu gian! - Ðáp.
2) Tôi xưng ra cùng Chúa tội phạm của tôi, và lỗi lầm của tôi, tôi đã không che giấu. Tôi nói: "Con thú thực cùng Chúa điều gian ác của con, và Chúa đã tha thứ tội lỗi cho con". - Ðáp.
3) Chư vị hiền nhân, hãy vui mừng hân hoan trong Chúa, và mọi người lòng ngay hãy hớn hở reo mừng. - Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Cr 10, 31 - 11, 1
"Anh em hãy noi gương tôi, như tôi đã noi gương Ðức Kitô".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, dầu anh em ăn, dầu anh em uống, dầu anh em làm việc gì khác, anh em hãy làm mọi sự cho sáng danh Chúa. Anh em đừng nên cớ cho người Do-thái, dân ngoại hay Hội thánh của Thiên Chúa phải vấp phạm. Như tôi đây, tôi cố làm hài lòng mọi người trong mọi sự, không tìm điều gì lợi ích cho tôi, nhưng tìm điều lợi ích cho nhiều người, để họ được cứu rỗi. Anh em hãy noi gương tôi, như tôi đã noi gương Ðức Kitô.
Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 5
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy". - Alleluia

Phúc Âm: Mc 1, 40-45
"Bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, có một người bệnh cùi đến van xin Chúa Giêsu và quỳ xuống thưa Người rằng: "Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch". Ðộng lòng thương, Chúa Giêsu giơ tay đặt trên người ấy và nói: "Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh". Tức thì bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch. Nhưng Người nghiêm nghị bảo anh đi ngay và dặn rằng: "Anh hãy ý tứ đừng nói cho ai biết, một hãy đi trình diện cùng trưởng tế và dâng của lễ theo luật Môsê để minh chứng mình đã được khỏi bệnh". Nhưng đi khỏi, người ấy liền cao rao và loan truyền tin đó, nên Chúa Giêsu không thể công khai vào thành nào được. Người dừng lại ở ngoài thành, trong những nơi vắng vẻ, và người ta từ khắp nơi tuôn đến cùng Người.
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Trở nên sạch nhờ mầu nhiệm thánh giá Chúa Kitô

Ngày nay, nhờ lòng bác ái và khoa học tiến bộ, bệnh phung hủi không còn ghê rợn như ngày xưa. Tuy nhiên nó vẫn còn là một bệnh cần được nhiều lòng thương xót. Thành ra, sau khi nghe những bài Kinh Thánh hôm nay, tiên vàn chúng ta phải nhớ tới trại cùi nằm trong ranh giới của giáo phận chúng ta. Và chúng ta phải biết nhắc nhở nhau chia sẻ lòng thương xót với những anh chị em đang bị thứ bệnh ghê gớm đó.
Nhưng dù rất hợp lý và khẩn thiết, quyết tâm cụ thể đó vẫn không phải là mục đích huấn giáo của các bài đọc Kinh Thánh hôm nay. Cao điểm của lời giáo huấn này nằm trong bài Tin Mừng, mà lại trích sách Lêvi chỉ ra như những lời dẫn nhập và bài trích thư Phaolô như chỉ muốn đưa ra một áp dụng thực hành. Vậy trước hết chúng ta hãy trở lại bài sách Lêvi để dễ hiểu hơn bài Tin Mừng.

1. Phung Hủi Là Thứ Bệnh Nan Trị
Sách Lêvi là tác phẩm thứ ba trong Bộ Cựu Ước, đi sau quyển Khởi nguyên và sách Xuất hành. Nó muốn tiếp nối quyển sách thứ hai này. Thật vậy, sách Xuất hành thuật lại cho chúng ta biết việc Chúa cứu dân xuất khỏi Aicập và hành trình khoảng 40 năm nơi sa mạc để biến Israel làm dân của Chúa vì Chúa là Thiên Chúa của dân. Chúa lập giao ước với dân và nhận đến ngự nơi lều giao ước để làm chứng Người muốn mật thiết ở giữa dân. Sách Lêvi muốn viết tiếp vào đó và nói cho dân biết những điều phải giữ để lều giao ước thật sự trở nên nơi gặp gỡ giữa Chúa và dân, giữa Thiên Chúa và loài người. Muốn được như vậy, lều giao ước phải trở thành một thứ đền thờ. Dân phải đến đây dâng lễ. Và ở đó phải có hàng tư tế hẳn hoi. Rồi hết mọi người phải cẩn thận tuân thủ những điều cấm kỵ liên quan tới vấn đề sạch và dơ, thiêng và tục, để dân được thánh thiện như Chúa là Ðấng Thánh. Ðó là những chủ đề của sách Lêvi; tất cả đều có hệ và đều tùy thuộc ở hàng tư tế. Thế nên, người ta đã lấy tên Lêvi, tên của tộc tư tế trong dân Chúa, đặt cho quyển sách này.
Ðoạn văn đọc trong thánh lễ hôm nay nằm ở phần nói về sạch và dơ, thiêng và tục.
Tại sao vậy?
Ðối với tâm lý người xưa nói chung và người Dothái nói riêng, bệnh tật nếu không phải là hình phạt do tội lỗi thì cũng là trò ma chước quỷ bày ra. Xét theo diện nào bệnh tật cũng đều đáng sợ. Và bệnh càng nặng, càng ghê người ta lại càng phải thận trọng, đề phòng.
Ở đất Dothái thời bấy giờ có lẽ không bệnh nào nan trị bằng bệnh phung hủi. Nó vừa ghê rợn và dễ lây. Xã hội lập tức đã phải có biện pháp đối với thứ bệnh này. Và vì Dothái là xã hội thần quyền, nên luật pháp đã mặc hình thức tôn giáo như chúng ta thấy trong bài sách Lêvi hôm nay.
Các thầy tư tế phải thẩm định ai là người đã mắc bệnh phung hủi. Lập tức nó phải mặc áo rách rưới, không được chải đầu, không được cạo râu và phải tru trếu than khóc, làm chứng nó đã bị Chúa phạt và ma quỷ đang hoành hành trên thân xác nó. Rồi nó phải đi khỏi nhà, đến ở những nơi hoang vu hẻo lánh, không được tiếp xúc với ai và cũng không được để cho ai đến gần. Nhỡ có người nào không biết mà tiến lại thì nó phải hô lên: "dơ, dơ", để cho họ biết mà lánh đi kẻo bị ô nhiễm. Bất hạnh cho ai bị lây bẩn như vậy, vì sẽ bị tuyệt thông, không được tham dự các nghi lễ nữa, trước khi làm lễ thanh tẩy.
Còn chính kẻ phung hủi còn có hy vọng nào không? Dĩ nhiên y cố gắng chạy chữa. Cũng có trường hợp chữa được. Nói đúng hơn, việc chẩn bệnh ngày xưa không khá. Có nhiều trường hợp khỏi, chỉ vì thật sự đó không phải là bệnh phung. Khi thấy thân xác lành lại, người ta sẽ đến trình diện các tư tế và xin khám nghiệm. Nếu đúng đã hết bệnh, họ sẽ dâng lễ đền tội và thanh tẩy trước khi được cấp cho một giấy chứng nhận, phục hồi quyền hiệp thông với xã hội.
Sách Lêvi nói tỉ mỉ những điều này, vì hàng tư tế có trách nhiệm đặc biệt trông coi vấn đề sạch và dơ, thiêng và tục, thánh và tội. Thế mà không thứ bệnh nào dơ như phung hủi. Kẻ mắc thứ bệnh này trở thành kẻ bất hạnh nhất trên đời. Isaia khi nói về người tôi tớ đau khổ cũng không biết mô tả thế nào hơn là hình dung người giống như kẻ bị phung hủi. Nhưng có điều khác lạ và mầu nhiệm, là chính các vết thương của Người sẽ chữa lành chúng ta hết thảy. Chắc chắn Isaia đã không thể tự mình viết ra như vậy.
Thánh Thần đã dùng ông để nói tiên tri về cuộc tử nạn cứu thế của Ðức Kitô. Nhưng chẳng ai đã hiểu được mầu nhiệm ấy. Phải đợi chính Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể mạc khải từ từ. Và ngày hôm nay, trong bài Tin Mừng Marcô, Người bắt đầu làm công việc ấy. Chúng ta nhớ những lời sách Lêvi để hiểu bài Tin Mừng.

2. Ðức Yêsu Chữa Người Phung Hủi
Thánh Marcô đã kể chuyện một cách đột ngột. Người thấy một kẻ phung hủi đến gần Ðức Yêsu, khẩn khoản quỳ xuống xin Người chữa mình sạch. Thánh Marcô không nói rõ việc này xảy ra khi nào và ở đâu? Theo văn mạch, chúng ta đoán đã xảy ra ở Galilêa khi Ðức Yêsu đi giảng đạo trong vùng đó. Nhưng điều đáng lấy làm lạ là tại sao lại có thể xảy ra một truyện như thế? Kẻ mắc bệnh phung kia ở đâu đến, vì chắc chắn y không được ở gần những chỗ đi lại? Hay là hôm ấy Ðức Yêsu đã đi đến một nơi hẻo lánh để cầu nguyện và anh ta đã dám lại gần? Dù sao anh cũng đã vi phạm pháp luật. Nói đúng hơn, những hiểu biết của anh về Ðức Yêsu đã khiến anh tin Người; và vì tin, anh không sợ luật pháp. Anh tin nếu Người muốn, Người sẽ làm cho anh sạch. Có lẽ đối với anh, sạch hay khỏi bệnh cũng là một. Nhưng Marcô đã muốn dùng chữ sạch để gợi lên ý nghĩa tôn giáo nhiều hơn. Và như vậy để làm nổi bật ý nghĩa mới lạ trong thái độ của Ðức Yêsu.
Người không ghê rợn theo bản năng tự nhiên khi nhìn thấy kẻ phung hủi. Người càng không bỏ chạy theo luật "dơ và sạch" thời bấy giờ. Người thương kẻ ấy, giơ tay đụng vào anh và bảo: "Ta muốn, hãy được sạch". Người chỉ làm có vậy thôi, nhưng hành động này thật lớn lao. Nó làm tan biến ngay một thứ bệnh nan trị; nhưng nhất là nó đã làm cho cả một hệ thống tôn giáo xã hội chặt chẽ và tỉ mỉ trở nên như mây khói.
Sách Lêvi và hàng tư tế Dothái vất vả bảo vệ luật "dơ và sạch", thiêng và tục. Và nỗ lực đó đã kiên cố qua nhiều thời đại. Thế mà trong chốc lát, chỉ bằng một cái nhìn, một cử chỉ, một lời nói, Yêsu thành Nadarét, đã hủy bỏ mau lẹ và dễ dàng. Không phải Người đã bực tức không giữ luật, vì kẻ bất mãn nào cũng làm được như thế. Nhưng việc mà không ai làm được thì Người đã làm. Người hủy bỏ luật bằng cách làm cho nó hết đối tượng. Người làm cho "dơ" trở nên "sạch" khiến luật "sạch và dơ" từ nay không còn đối tượng và lý do tồn tại nữa. Và khi làm như vậy, Người đã ban quyền sống cho kẻ bị vạ, kết nạp lại con người tuyệt thông, cứu vớt kẻ bị hư mất.
Câu chuyện chữa kẻ bị phung hủi này có nhiều ý nghĩa sâu xa. Nó không kém gì việc làm cho kẻ chết sống lại. Nó diễn tả sức mạnh cứu thế của Ðức Kitô. Thế nên, làm phép lạ này xong, Ðức Yêsu như giựt mình nhớ rằng chưa đến lúc Người ở trên thập giá, tức là chưa đến lúc Người thanh tẩy và rửa sạch nhân loại tội lỗi trong máu thánh... thế nên Người nghiêm khắc răn bảo kẻ vừa được chữa sạch: không được đem chuyện này nói với ai, nhưng phải đi trình diện với các tư tế và dâng lễ thanh tẩy như Luật dạy, để làm chứng cho họ thấy việc Người làm.
Một đàng, Người dạy không được đem sự việc nói cho ai biết, bởi vì đây là hành vi có ý nghĩa cứu thế mà người ta chỉ hiểu được khi Ðức Kitô đã ở trên thánh giá. Nói ra bây giờ, người ta không hiểu và chỉ sẽ coi đây là một phép lạ, khiến họ sẽ lầm tưởng Ðức Yêsu là con người cao tay làm được nhiều phù phép. Nhưng đàng khác kẻ được chữa khỏi kia phải đi vào xã hội và như vậy cần phải có giấy chứng nhận theo luật. Anh ta phải làm công việc này, thì Người nhờ luôn anh ta đến "làm chứng" cho Người ở trước mặt hàng tư tế, hầu họ thấy rằng Nước Trời đã đến rồi vì đã có người làm được những việc như vậy.
Nhưng có thể nói Ðức Yêsu đã không thành công trong việc dặn bảo này. Kẻ được khỏi đã đi phao tin mọi nơi đến nỗi khắp nơi người ta tuốn đến tìm Người, cả khi Người lánh đi ẩn thân nơi vắng vẻ. Còn các tư tế, nghe báo cáo về sự việc, họ không nhận ra Nước Trời đã đến mà chỉ thấy uy quyền của họ bị lung lay. Họ còn "ngồi" đấy để làm gì khi chức năng phân biệt "sạch và dơ" không còn đối tượng nữa? Thành ra họ phải tìm cách chấm dứt những việc chữa sạch như vậy.
Chúng ta có thể cười họ và tưởng rằng sau khi Ðức Yêsu đã chịu chết trên thập giá thì người ta đã hiểu rõ giá trị của phép lạ chữa kẻ phung hủi kia. Sự thật không đơn giản như vậy. Bài thư Phaolô làm một bằng chứng.

3. Chúng Ta Hãy Bắt Chước Ðức Yêsu
Thánh Tông đồ viết cho người Côrintô. Họ đã tin đạo và chịu phép rửa; tức là họ đã nên sạch nhờ mầu nhiệm thánh giá Chúa Kitô. Thế mà họ vẫn còn cái tâm lý "sạch và dơ", làm như thế máu Ðức Kitô chưa rửa sạch được tất cả, và vẫn còn có những sự bên ngoài làm dơ nhớp tâm hồn đã được ơn thanh tẩy.
Ðặc biệt họ bảo thịt cúng sẽ làm bẩn linh hồn, khiến giáo đoàn Côrintô xôn xao. Người sợ thì giữ; người khác không sợ thì cứ ăn, nhưng lại không biết giải thích thái độ của mình và hơn nữa còn tỏ ra khinh thị và chọc tức người ta. Thánh Phaolô phải gửi thư can thiệp, giúp đỡ đàn chiên. Ngài khẳng định ngẫu tượng là giả trá, nên thịt cúng cũng chẳng khác gì thịt thường. Có ăn cũng chẳng sao. Tuy nhiên chính cách ăn có thể là không tốt vì để lộ ra những cảm nghĩ không sạch của tâm hồn mình. Như lời Ðức Yêsu đã nói: không phải của ăn của uống bên ngoài có thể làm dơ bẩn con người; nhưng ngược lại chính tâm tư bẩn thỉu của tâm hồn làm dơ bẩn hành động của người ta.
Vậy nguyên tắc chung là khi ăn, khi uống hay khi làm bất cứ việc gì, chúng ta hãy làm mọi việc cho vinh danh Thiên Chúa. Chúng ta đừng nên cớ cho ai sa ngã phạm tội, một trong mọi sự vào đối với mọi người chúng ta phải có lòng bác ái, không tìm tư lợi nhưng phải giúp người ta được rỗi. Rồi thánh tông đồ kết luận: "Anh em hãy bắt chước tôi như tôi bắt chước Ðức Kitô".
Thế là để giải quyết vấn đề sạch và dơ, thiêng và tục cho thời đại của người, thánh Phaolô đã bảo mọi người noi gương Chúa Yêsu. Bài Tin Mừng hôm nay vừa cho chúng ta thấy Chúa đã giải quyết vấn đề bằng tình thương. Vì thương người bị bệnh phung, Người đã chữa anh ta. Vì thương những người khác, Người bảo anh đừng đi phao tin cho ai. Vì thương hàng tư tế thời bấy giờ, Người bảo anh đến làm chứng về Người ở trước mặt họ. Tình thương của Người là tình thương cứu thế, muốn thanh tẩy người ta tận cội rễ, tức là rửa sạch tâm hồn và ban cho người ta một sự sống mới, qua mầu nhiệm thánh giá. Chỉ có hy sinh với đấng chết trên thánh giá mới rửa sạch được con người và làm cho họ nên trong sạch và thánh thiện thật. Do đó vấn đề sạch và dơ, thiêng và tục chỉ được giải quyết nhờ mầu nhiệm thánh giá.
Vấn đề này chưa hoàn toàn biến mất ở thời đại ta. Người theo khuynh hướng này, kẻ theo khuynh hướng khác. Người cho đây là đạo và kia là tục; kẻ lại bảo kia mới sạch, còn đây thì dơ. Mỗi người biện minh cho thái độ của mình. Thánh Phaolô bảo chúng ta hãy bắt chước Ðức Kitô, hãy hy sinh tư lợi để giúp người ta nên thánh, hãy làm tất cả cho vinh danh Thiên Chúa. Tất cả những lời khuyên này, giờ đây ở trước mắt chúng ta. Chúa Yêsu sẽ hiện diện để chúng ta bắt chước Người. Người không làm gì khác chính việc hy sinh mạng sống để cứu độ chúng ta và làm vinh danh Thiên Chúa. Hành vi đó rửa sạch hơn hết, và đem lại ơn thánh thiện hơn cả. Chúng ta muốn làm cho tâm hồn sạch, muốn làm cho xã hội sạch, chúng ta hãy bắt chước Chúa Yêsu, hy sinh mình cho sự rỗi của mọi người và vinh quang của Thiên Chúa.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)



Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật 6 Thường NiênNăm B
Bài đọc: Lev 13:1-2, 45-46; I Cor 10:31-11:1; Mk 1:40-45.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Nguy hiểm của bệnh phong cùi và tội lỗi
Bệnh phong cùi là chứng bệnh ghê tởm và nguy hiểm nhất trong các chứng bệnh của con người. Sức tàn phá của nó không những lấy đi tất cả các vẻ đẹp của thân thể, mà còn làm thiệt hại đến tòan bộ phẩm giá con người. Người cùi không những chịu bệnh thể lý, các chi thể từ từ rụng dần cho đến ngày chết; mà còn phải đương đầu với các chứng bệnh tâm lý. Họ sống cô đơn vì phải sống cách biệt với thế giới con người. Họ cảm thấy tủi nhục vì bị khinh thường và coi như là nguyên nhân làm mọi người ra ô uế. Họ sống trong tuyệt vọng, vì sống như không có ngày mai.
Một chứng bịnh nan y như thế, nhưng vẫn không thể so sánh với một chứng bệnh kinh khủng hơn, không những chỉ tàn phá thân xác, mà còn giết chết linh hồn con người: đó là tội lỗi. Có những tội lỗi xem bề ngòai rất tầm thường, không đáng để ý; nhưng sức phá của nó còn kinh khủng và nguy hiểm hơn bệnh phong cùi. Trong Sách Các Vua, quyển II, có thuật lại bệnh tham tiền của Gehazi, đầy tớ của Tiên-tri Elisha: Khi thấy thầy mình từ chối không chịu nhận bất cứ lễ vật gì do Tướng Naaman, người Syria dâng tặng, ông vội bí mật lấy ngựa chạy theo và mạo danh nghĩa thầy mình để xin một số của cải. Hành động của ông không thóat khỏi mắt của thầy, và kết quả là ông không những mắc bệnh phong cùi của Naaman, mà còn truyền lại cho con cháu (2 Kgs 5:20-27).
Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta thấy những đau khổ của các chứng bệnh nguy hiểm này, và sự đặc biệt quan tâm của Thiên Chúa cho các bệnh nhân. Trong Bài Đọc I, tác-giả Sách Levi liệt kê những gì người phong cùi phải chịu. Trong Bài Đọc II, Thánh Phaolô khuyên các tín hữu Corintô bắt chước thánh nhân như ngài đã bắt chước Đức Kitô: đó là phải cố gắng làm mọi sự cho mọi người, sao cho tất cả đạt tới ơn Cứu Độ. Trong Phúc Âm, người phong cùi đến quì trước Chúa Giêsu và xin: "Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch." Chúa Giêsu động lòng thương và đưa tay chạm đến anh, lập tức chứng phong cùi biến mất và anh được lành bệnh.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Những bổn phận của bệnh nhân phong cùi
Sách Levi dành 2 chương dài để nói tới bệnh phong cùi. Trình thuật hôm nay chỉ nhắc tới 2 câu đầu và 2 câu cuối trong Chương 13. Người mắc bệnh phong cùi có bổn phận:
(1) Phải trình diện các tư tế: Đức Chúa phán với ông Moses và ông Aaron: "Khi trên da thịt người nào phát ra nhọt, lác hoặc đốm, và cái đó trở thành vết thương phong hủi, thì người ta sẽ đưa người ấy đến với tư tế Aaron hoặc với một trong các tư tế, con của Aaron.” Ngày xưa, không có bác sĩ chuyên môn như chúng ta hiện giờ, và bệnh phong cùi được xếp lọai những con người không thanh sạch để dâng của lễ cho Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao bệnh nhân phải đến với các tư tế để được khám bệnh, theo dõi, và chứng nhận nếu được sạch.
(2) Phải loan tin cho mọi người biết mình có bệnh: Cho đến thế kỷ 20, bệnh phong cùi vẫn được xem là bệnh hay lây; vì thế, phải ngăn ngừa mọi tiếp xúc giữa bệnh nhân và những người lành mạnh. Hơn nữa, Luật Do-Thái coi người phong cùi không những bệnh về phần xác, mà còn không thanh sạch phần linh hồn. Bất cứ ai vô tình chạm vào họ, cũng trở nên không sạch, và bị coi không xứng đáng dâng của lễ. Đó là lý do tại sao họ phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu, và kêu lên Ô-uế! Ô-uế! để mọi người tránh qua đường mà đi. Chúng ta thử tưởng tượng nỗi đau đớn của một con người phải thi hành những lề luật này!
(3) Phải sống cách biệt với những người khác: “Bao lâu còn mắc bệnh, thì nó ô uế; nó ô uế: nó phải ở riêng ra, chỗ ở của nó là một nơi bên ngoài trại.” Ngày xưa, họ không có tổ chức y-tế như chúng ta ngày nay; vì thế Luật đòi những bệnh nhân phong cùi phải sống ngòai trại, cách biệt với tất cả những người khác. Họ không được vào trại bao lâu còn mắc bệnh.
2/ Bài đọc II: Anh em hãy làm tất cả mọi sự để tôn vinh Thiên Chúa.
Bài đọc ngắn ngủi của Thánh Phaolô có thể qui về 3 điểm chính:
(1) Làm vinh danh Thiên Chúa: Thánh Phaolô khuyên: “Vậy, dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa.” Vinh danh Thiên Chúa là làm cho mọi người nhận ra sự tốt lành của Thiên Chúa và tin vào Ngài.
Tại sao chúng ta phải làm vinh danh Thiên Chúa? Trước hết, qua BT Rửa Tội, chúng ta chính thức trở thành con cái của Thiên Chúa. Đã là con phải có bổn phận làm vinh danh Cha. Chúng ta phải ăn ở làm sao cho mọi người nhận biết Cha chúng ta trên trời là Đấng Tốt Lành và yêu thương, để họ cũng tin vào Ngài. Thứ đến, chúng ta cũng là con cái trong Giáo Hội. Hiến chế Ánh Sáng Muôn Dân của Công-đồng Vativan II định nghĩa: Giáo Hội là Bí Tích của ơn Cứu Độ; và bổn phận của những người trong Giáo Hội là làm tất cả những gì cho mọi người đạt tới ơn Cứu Độ.
(2) Bổn phận phải làm gương tốt và tránh gương xấu: Thánh Phaolô khuyên: “Anh em đừng làm gương xấu cho bất cứ ai, dù là cho người Do-Thái hay Dân Ngoại, hoặc cho Hội Thánh của Thiên Chúa; cũng như tôi đây, trong mọi hoàn cảnh, tôi cố gắng làm đẹp lòng mọi người, không tìm ích lợi cho riêng tôi, nhưng cho nhiều người, để họ được cứu độ.” Một cách làm gương sáng cho mọi người là sống cuộc đời hòan thiện như Chúa Giêsu khuyên các môn-đệ: “Anh em hãy trở nên hòan thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hòan thiện; để mọi người nhìn thấy việc anh em làm và ngợi khen Thiên Chúa.”
(3) Noi gương người đi trước: “Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Kitô.” Người tín hữu có một gương mẫu tòan hảo là Đức Kitô. Chúng ta không cần tìm một mẫu người lý tưởng khác; chỉ cần làm những gì Chúa Giêsu đã làm và dạy chúng ta làm theo. Ví dụ, về bài học yêu thương, Chúa dạy: “Như Cha đã yêu Thầy, Thầy cũng yêu anh em ... Như Thầy yêu anh em thể nào, anh em cũng phải yêu nhau như vậy.” Lời khuyên của Thánh Phaolô không vô ích, chúng ta thường được đánh động bởi gương sáng của những người sống chung quanh chúng ta.
3/ Phúc Âm: "Tôi muốn, anh được sạch!"
3.1/ Người phong hủi tôn kính thánh ý Thiên Chúa:  Chịu đựng hòan cảnh cay nghiệt của cuộc đời như thế, anh vẫn xin vâng theo thánh ý Thiên Chúa, khi cầu xin với Chúa Giêsu “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Anh biết Thiên Chúa tạo dựng mọi sự chỉ vì ý Ngài muốn như thế (Sách STK). Người phong cùi không hồ nghi quyền năng Thiên Chúa. Anh biết nếu Thiên Chúa muốn, Ngài sẽ làm anh được sạch. Thiên Chúa biết những gì tốt cho con người; con người không biết những gì tốt cho mình. Vì thế, con người cần xin được theo ý Thiên Chúa, chứ không xin theo ý của mình.
3.2/ Lòng thương xót của Chúa Giêsu: Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: "Tôi muốn, anh sạch đi!" Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch. Đụng đến người cùi là trở thành ô uế giống như họ. Chúa Giêsu đã để mình trở thành ô uế giống như anh phong cùi. Theo Sách Levi, Chúa không được vào Đền Thờ hay các hội-đường để làm các việc phụng vụ.
Sách Tiên Tri Isaiah nói cho chúng ta biết trước về tình thương của Đức Kitô, Người Tôi Trung của Thiên Chúa: “Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật. Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới. 4 Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề. 5 Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành.” (Isa 53:3-5).
3.3/ Phong cùi phần xác và tội lỗi phần linh hồn: Một sự so sánh giữa 2 cơn bệnh này cho chúng ta thấy sự nguy hiểm của chúng:
- Điểm giống nhau: Cả hai đều lan truyền mau lẹ và gây thiệt hại nhanh chóng. Cả hai đều là những chứng bệnh nan y và nguy hiểm đến tính mạng con người. Cả hai đều phải sống cách biệt với những người lành mạnh: người phong cùi phải sống ngòai thành phố, tội phạm được giam giữ trong tù.
- Điểm khác nhau: Phong cùi phần xác không nguy hiểm bằng phong cùi phần linh hồn: đó là các tội lỗi của con người.
(1) Con người dễ nhận ra bệnh phong cùi, nhưng không dễ nhận ra tội lỗi của mình.
(2) Phong cùi chỉ làm thiệt hại thân xác; nhưng tội lỗi giết chết linh hồn và có thể gây thiệt hại cho thân xác của mình và người khác (giết người, ngọai tình).
(3) Bệnh kiêu ngạo: coi trọng mình và khinh thường người khác, xem ra rất tầm thường, nhưng chúng ta hãy xem hậu quả của chứng bệnh này:
- Xa cách Thiên Chúa: Thiên Chúa yêu mến kẻ khiêm nhường và đóai thương người phận nhỏ. Người kiêu ngạo tự tách mình ra khỏi tình thương Thiên Chúa. Nếu họ nghĩ họ đã hòan thiện, họ đâu cần đến sự giúp đỡ của Thiên Chúa. Câu truyện của tướng Naaman, người Syria, khiêm nhường xuống sông Jordan tắm 7 lần và được Thiên Chúa chữa khỏi bệnh cùi là bài học khiêm nhường cho những người kiêu ngạo. Nếu ông không nghe lời khuyên của một nữ tỳ Do-Thái đến gặp TT Elisha và làm những gì TT đòi, làm sao có thể được khỏi bệnh? (2 Kgs 5:1-27).
- Xa cách con người: những người trong gia đình và trong cộng đòan. Vẫn biết có những người yếu kém hơn mình, họ cần được nâng đỡ, chứ không phải để chịu xỉ nhục, khinh thường. Hơn nữa, còn biết bao nhiêu người hơn mình, biết bao điều mới lạ cần được học hỏi. Người kiêu ngạo sẽ không mở lòng để tiếp thu, và sẽ bị mọi người dần dần xa lánh.
- Xa cách chính mình: cô đơn vì bị mọi người xa lánh. Có thể đưa đến buồn sầu đến mất ăn mất ngủ, và trở nên bực tức khó chịu.
3.4/ Những điều cần làm sau khi được lành bệnh: Giống như Luật đòi người phong cùi phải trình diện tư tế để được tuyên bố sạch bệnh, Chúa Giêsu cũng đòi các tội nhân đến với linh mục để được tuyên bố sạch tội qua Bí-tích Hòa Giải. Ngòai ra, người phong cùi được sạch phải dâng của lễ theo Luật truyền, các tội nhân được tha tội cũng phải làm những việc đền tội, nhất là những tội liên quan đến nhân đức công bằng.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Qua hình ảnh bệnh phong cùi, chúng ta hiểu được những nguy hiểm của tội lỗi. Nếu chúng ta sợ mắc bệnh phong cùi thế nào, chúng ta cũng phải sợ tội lỗi như thế.
- Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến độ trao ban cho chúng ta Chúa Giêsu, Người Con Một của Ngài. Chính Người Con này đã mặc lấy tất cả bệnh họan tội lỗi của chúng ta để cứu chữa chúng ta.
- Noi gương Đức Kitô, Đấng đã chết cho chúng ta, chúng ta cũng phải hy sinh chết cho nhau, để tất cả đều đạt tới ơn Cứu Độ mà Thiên Chúa đã dọn sẵn cho con người.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

15/02/15 CHÚA NHẬT TUẦN 6 TN – B 
Mc 1,40-45

Suy niệm: Bệnh tật là nỗi khổ luôn đeo bám con người, bao lâu chúng ta còn sống trong kiếp nhân sinh. Thật vậy, ai mà không có lần khổ sở vì bệnh tật hành hạ, phải đôn đáo tìm thầy chạy thuốc? Và ai đã thấm thía thế nào là nỗi khổ do bệnh tật mà lại không khao khát được khỏi bệnh? Chúa Giê-su thấu hiểu được nỗi đau đó của bệnh nhân và Ngài còn mong muốn hơn họ nữa để chữa lành họ, để họ được vui sống trong cuộc đời hiện tại. Hơn nữa, Ngài còn muốn chữa lành căn bệnh tâm linh, đó là giải thoát con người khỏi xích xiềng của tội lỗi, là căn nguyên của sự ác dưới mọi hình thức. Vì thế, khi người phung van xin: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa tôi lành sạch”, anhđã nói đúng ý Chúa, vì quả thật, Chúa muốn như thế, và anh đã được Ngài chữa lành.
Mời Bạn: Trái tim Chúa Giê-su đầy lòng thương xót, Ngài luôn mong muốn chữa lành những ai đau khổ vì bệnh hoạn tật nguyền và nhất là những người đang vướng trong vòng tội lỗi. Để trở nên giống Chúa Ki-tô, chúng ta cũng phải mặc lấy tâm tình của Ngài: biết chạnh lòng thương xót đối với những anh chị em gặp phải đau khổ dưới bất kỳ hình thức nào. Mang trong tim mình lòng thương xót của Chúa, chúng ta sẽ có sự nhạy bén để biết phải làm gì và sẽ có tấm lòng quảng đại sẵn sàng dấn thân hoạt động để làm vơi nhẹ đi những đau khổ cho anh chị em mình.
Sống Lời Chúa: Đi thăm viếng một bệnh nhân, và cầu nguyện cho một người đang sống xa Chúa trước khi lựa lời khuyên bảo người ấy.
Cầu nguyện: Đọc kinh “Kính Mến”.


Bệnh cùi là một chứng bệnh hay lây, và theo quan niệm của người Do Thái, dưới cái nhìn tôn giáo, thì bệnh cùi là do tác động của một thứ thần ô uế. Người mắc bệnh cùi bị liệt vào hàng những kẻ dưới quyền lực của ma quỷ và lẽ đương nhiên họ không được quyền chung đụng với người trong sạch. Theo lề luật Do Thái, có cả những khoản quy định tình trạng xã hội của những kẻ mắc phải chứng bệnh hiểm nghèo này. Họ bị tách biệt khỏi cộng đồng loài người, cả về phương diện xã hội lẫn tôn giáo.
Đoạn Tin Mừng tuy ngắn ngủi nhưng đầy chi tiết giúp chúng ta hiểu được tầm mức và ý nghĩa hành động của Chúa Giêsu. Thực vậy chính người mắc bệnh phong cùi đã đi bước trước. Anh đến với Chúa và van xin Ngài cho anh được lành sạch. Lời van xin bao gồm nhiều ý nghĩa. Anh muốn Chúa Giêsu cho anh được lành và qua đó, cho anh trở thành người sạch và được gia nhập cộng đồng xã hội.
Hành động của người mắc bệnh quả là táo bạo. Anh đã liều lĩnh vượt ra khỏi những điều luật lệ quy định là phái xa tránh người khác, thậm chí còn phải la to để người khác biết mà tránh. Anh đến với Chúa Giêsu, để trình bày tình trạng của mình, cũng như ý muốn được chữa lành. Hành động liều lĩnh này hẳn phải xuất phát từ lòng tin tưởng không những ở quyền năng của Chúa Giêsu có thể chữa lành bệnh, mà nhất là ở lòng nhân từ thương yêu của Ngài, muốn giải thoát người ta khỏi bệnh tật. Chắc là anh đã từng được nghe thiên hạ nói về Ngài. Diễn tiến của sự việc cho thấy anh đã không tin tưởng hão huyền. Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương trước thái độ và lòng tin của anh. Và Ngài đã làm phép lạ để cứu chữa anh.
Nhìn vào hành động của Chúa Giêsu, chúng ta thấy Ngài cũng đã không ngần ngại vi phạm điều lề luật quy định vì Ngài đã giơ tay đặt trên người bệnh. Dĩ nhiên, không thể coi đoạn Tin Mừng này như là một sự khuyến khích cho việc vi phạm lề luật, nhưng cách xử sự của Chúa Giêsu cho chúng ta thấy còn có những cái quan trọng hơn cả việc tuân giữ lề luật, hay nói cách khác, lề luật vì con người chứ không phải con người vì lề luật. Bằng chứng là tiếp đó chúng ta lại thấy Chúa Giêsu căn dặn người được lành hãy đi trình diện cùng trưởng tế, dâng của lễ theo luật Maisen. Một nghi thức mà tất cả những người được khỏi bệnh cùi, vì lý do nào đều phải làm để được công khai và chính thức tuyên bố là mình được khỏi, được sạch và do đó được quyền vào lại trong cộng đồng xã hội.
Người mắc bệnh phong cùi là hình ảnh tượng trưng cho tâm hồn tội lỗi, vì tội lỗi cũng chính là thứ phong cùi thiêng liêng, làm cho tâm hồn chúng ta trở nên hôi thối và chết dần chết mòn. Bời đó, với một lòng tin tưởng, chúng ta hãy chạy đến với Chúa Giêsu, để được chữa lành, để được tha thứ, nhờ đó, chúng ta được liên kết với Thiên Chúa và với anh em, sợi dây liên kết này vốn đã đứt đoạn do tội lỗi của chúng ta.




Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
15 THÁNG HAI
Trẻ Và Già Cùng Chung Sức Làm Việc
Khi nêu chứng tá đức tin của mình cho người trẻ, người già đang thể hiện một tinh thần phong phú mà sự suy sụp về thể lý do tuổi già không thể làm phai nhạt đi: “Già cỗi rồi vẫn sinh hoa kết quả, tràn đầy nhựa sống, cành lá xanh rờn – để loan truyền rằng Chúa thật là ngay thẳng” (Tv 92, 15 – 16). Người trẻ có bổn phận học tập nơi gương mẫu của người già, nhất là phải biết lắng nghe các ngài: “Đừng bỏ qua chuyện các vị cao niên kể lại” (Hc 8, 9). “Hãy hỏi cha ngươi và người sẽ nói cho ngươi biết, hãy hỏi các bậc lão thành và các vị sẽ chỉ bảo nguơi” (Đnl 32, 7). Người trẻ cũng có bổn phận phải giúp đỡ người già: “Con ơi, hãy săn sóc cha con khi người đến tuổi già; bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dễ người” (Hc 3, 12 – 13).
Giáo huấn của Tân Ước cũng phong phú không kém. Thánh Phao-lô đề ra lý tưởng cho cuộc sống trưởng thành bằng những lời khuyên hết sức cụ thể về sự tiết độ, đàng hoàng, chừng mực, vững mạnh trong đức tin, đức mến và đức nhẫn nại (Tt 2, 2). Một mẫu gương tuyệt vời có thể được nhìn thấy nơi ông già Si-mê-on, người đã sống trong niềm ngưỡng vọng được nhìn thấy Đấng Mê-si-a. Ông cụ Si-mê-on đã rao giảng về Đức Kitô như là sự sống sung mãn và là niềm hy vọng cho tương lai của chính ông cũng như cho mọi người.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II

Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 15-02
Chúa Nhật VI Thường Niên
Lv 13,1-2.44-46; 1Cr 10,31-11,1; Mc 1,40-45.

LỜI SUY NIỆM: Có một người mang bệnh phong đến gặp Người, anh ta quỳ xuống van xin rằng: Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch. Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: Tôi muốn, anh sạch đi! Lập tức, bệnh phong biến khỏi anh, và anh được sạch.”
Trong câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành người mắc bệnh phong, cho chúng ta thấy cung cách cầu xin của người mắc bệnh phong khi cầu xin cùng Chúa, trước tiên chúng ta phải có tâm tình tôn kính tôn thờ Chúa “anh ta quỳ xuống” kêu cầu một cách khẩn thiết “van xin” và đặt ý muốn của Chúa lên trên và lên trước ý muốn của mình “Nếu Ngài muốn” và đặt trọn vào niềm tin vào quyền năng yêu thương của Chúa. Với tình thương của Chúa “Chúa chạnh lòng thương”. Chúa sẽ thực hiện điều khẩn thiết của chúng ta cầu xin.
Lạy Chúa Giêsu, trong mọi lời cầu xin cùng Chúa. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con mỗi khi cầu nguyện, luôn có tâm tình của người con, đang xin với Cha của mình, và đặt trọn ý muốn của Chúa trên mọi lời cầu xin.
Mạnh Phương


15 Tháng Hai
Bài Ca Vạn Vật
Một tác giả nọ đã tưởng tượng ra một cuộc gặp gỡ giữa một nhà tí thức bi quan với Thánh Phanxico thành Assisi. Như thường lệ, mỗi lần gặp bất cứ ai, vị sứ giả của Hòa Bình thường cất lên bài ca vạn vật: "Chúc tụng Ðấng Tối cao, Thiên Chúa toàn năng vì anh mặt trời, vì chị mặt đất, vì anh lửa, anh gió, vì chị chết". Nhà trí thức bi quan lắng nghe hết bài ca vạn vật của vị sứ giả Hòa Bình. Nước mắt lăn dài trên gò má của ông. Nhưng đây không phải là những giọt nước mắt của cảm động, mà là của căm tức thì đúng hơn. Không còn kềm hãm được cơn giận của mình nữa, nhà trí thức bi quan trút bỏ trên Thánh Phanxico tất cả những sôi sục của ông mà ông cũng cho là của không biết bao nhiêu kẻ vô tội khác trên trần gian. Ông nói với Thánh nhân như sau: "Hỡi người anh em kỳ diệu với cái nhìn đầy ánh sáng. Người anh em ca tụng mặt trời. Người anh em có bao giờ thấy người ta chết vì bị mặt trời thiêu đốt chưa? Người anh em có bao giờ thấy cả một sa mạc nắng cháy khô cằn chưa? Người anh em có thấy người ta chết vì hạn hán không?
Người anh em ca tụng nước. Người anh em có bao giờ chững kiến cảnh lụt lội, màn trời chiếu đất chưa? Người anh em ca tụng Mẹ Ðất. Hẳn người anh em đã biết run sợ khi chứng kiến cảnh động đất: nhà cửa đổ nát, người người bị chôn vùi. Người anh em ca tụng lửa. Người anh em có bao giờ chứng kiến cảnh núi lửa thiêu rụi níu rừng cây cỏ và con người không?
Người anh em ca tụng anh gió. Người anh em có lẽ chưa bao giờ ra giữa khơi để chứng kiến cảnh chới với của những người đi biển khi gặp cuồng phong? Hằng năm có biết bao nhiêu người chết vì gió bão? Hằng năm có biết bao nhiêu người chết vì thiên tai?
Nghe tất cả những lời tả oán ấy của người trí thức bi quan, vị sứ giả của Hòa Bình chỉ biết mỉm cười. Ngài gật đầu trả lời: Phải, hỡi người anh em, ta nghe và biết tất cả những gì người anh em mới kể ra. Ta biết rằng tất cả những điều thiện hảo đều có thể trở thành xấu do sự sử dụng không đúng của con người. Ðó là chân lý mà ai trong chúng ta cũng đều có thể cảm nghiệm được trong cuộc sống mỗi ngày.
Nhưng điều Ta muốn nói: đó là ngay từ những điều xấu, Thiên Chúa có thể biến thành khởi nguồn của những điều tốt đẹp hơn. Trong bài ca của Ta, Ta đã nhắc đến Sự Chết và Tội Lỗi là hai điều xấu xa nhất. Cái chết có thể trở thành nguồn ơn cứu thoát. Tội lỗi cũng có thể trở thành khởi điểm của hồng ân. Thánh Phaolô há đã chẳng nói: "Nơi nào tội lỗi càng nhiều, nơi đó Thiên Chúa càng ban ơn dồi dào hơn". Thiên Chúa không bao giờ thất vọng và đầu hàng trong việc thi ân cả. Tất cả những gì Ta muốn nói lên trong bài ca vạn vật của Ta: đó là mời gọi anh em hãy cố gằng nhìn thấy sự thiện trong mọi sự.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét