Trang

Thứ Tư, 18 tháng 2, 2015

18-02-2015 : (Phần II) THỨ TƯ LỄ TRO

18/02/2015
Thứ Tư Lễ Tro
(phần II)


Sợi chỉ đỏ Thứ Tư Lễ Tro

CHỦ ĐỀ : SÁM HỐI
Sợi chỉ đỏ :
- Bài đọc 1 : Ngôn sứ Gio-en kêu gọi dân do thái sám hối.
- Đáp ca : bày tỏ tâm tình của người tội lỗi sám hối.
- Tin Mừng : Đức Giêsu cảnh giác các môn đệ về mối nguy của thói hình thức ngay khi họ thực hành những việc đạo đức như ăn chay, cầu nguyện và bố thí
- Bài đọc II : sám hối là "làm hòa lại với Thiên Chúa"
I. DẪN VÀO THÁNH LỄ
Với ngày Lễ Tro hôm nay, Giáo Hội bắt đầu Mùa Chay. Có lẽ hai tiếng "Mùa Chay" làm chúng ta sợ hãi vì nó khiến ta nghĩ đến một thời gian khắc khổ, buồn rầu. Đành rằng Mùa Chay là thời gian ăn năn sám hối, hy sinh hãm mình. Nhưng tất cả những việc đó đều cần thiết để có được niềm vui tái sinh với Chúa trong Lễ Phục sinh. Cũng như người nông dân phải cực nhọc gieo vãi cấy cày thì mới có được mùa thu hoạch dồi dào.
Vì vậy ngay từ đầu mùa Chay này, chúng ta hãy đáp lại lời mời gọi của Giáo Hội, Mẹ nhân lành của chúng ta, mà bước vào thời gian này với tất cả tâm hồn quảng đại và chân thành.
II. GỢI Ý SÁM HỐI
- Thân xác chúng ta chỉ là tro bụi và sẽ trở về với bụi tro, thế mà chúng ta lại quá chìu chuộng nó đến nỗi nhiều lần phạm tội hại đến linh hồn mình.
- Biết bao lần chúng ta giả điếc làm ngơ trước những tiếng cảnh cáo của lương tâm, để buông mình theo tội lỗi.
- Ngay cả những khi làm các việc đạo đức, chúng ta cũng làm theo hình thức bề ngoài chứ không vì lòng mến Chúa yêu người thực sự.
III. LỜI CHÚA
1. Bài đọc 1 : Ge 2,12-18
Nhân dịp nạn châu chấu hoành hành gây nên nạn thất mua đói khát (Ge 2,3-9), ngôn sứ Gio-en lên tiếng kêu gọi dân do thái sám hối :
- Sám hối là quay trở về với Chúa.
- Sám hối phải xuất phát tự cõi lòng chân thực chứ không phải chỉ có những việc làm bề ngoài ("Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng")
- Vì Thiên Chúa là Đấng rất từ bị, chắc chắn Ngài sẽ tha thứ cho kẻ thực lòng sám hối.
2. Đáp ca : Tv 50
Tv này bày tỏ tâm tình của người tội lỗi sám hối :
- Một mặt, tội nhân ý thức rõ về những tội lỗi của mình.
- Mặt khác, tội nhân cũng quyết tâm trở về với Chúa.
- Và tội nhân tin chắc mình sẽ được Thiên Chúa thứ tha.
3. Tin Mừng : Mt 6,1-18
Đức Giêsu cảnh giác các môn đệ về mối nguy của thói hình thức ngay khi họ thực hành những việc đạo đức như ăn chay, cầu nguyện và bố thí :
- Những việc đạo đức ấy vừa tốt vừa cần thiết.
- Nhưng điều quan trọng nhất là tâm tình khi làm những việc đó : chỉ nên làm vì lòng mến Chúa yêu người.
- Nếu chỉ làm vì mong được tiếng khen của người đời thì tất cả sẽ trở nên vô ích.
4. Thánh Thư : 2 Cr 5,20—6,2
Thánh Phaolô hiểu sám hối là "làm hòa lại với Thiên Chúa" : tội lỗi đã phá huỷ những liên hệ hài hòa giữa con người với Thiên Chúa. Sám hối là tái lập những liên hệ ấy. Thời gian sám hối chính là "thời Thiên Chúa thi ân, thời Thiên Chúa cứu độ".
IV. GỢI Ý GIẢNG
1. Sám hối là quay về
Các bài đọc hôm nay đều quy vào một chủ đề là quay về. Mỗi bài đọc triển khai một phương diện của sự quay về :
- Bài đọc 1 : từ bề ngoài quay về bề trong : "Hãy xé lòng chứ đừng xé áo".
- Bài đọc 2 : quay về với Thiên Chúa : "Hãy làm hòa với Thiên Chúa"
- Bài Tin Mừng : từ cách làm những việc đạo đức cốt cho người ta thấy quay về với cách làm chỉ cốt cho Thiên Chúa thấy.
2. Cầu nguyện, ăn chay, bố thí
Tại sao trong bài Tin Mừng mở đầu Mùa Chay, Chúa Giêsu nói về cầu nguyện, ăn chay và bố thí ? Thưa vì 3 việc này, nếu được làm một cách đạo đức thật sự – nghĩa là làm không phải để được tiếng khen của người đời mà làm vì lòng mến Chúa yêu người chân thành – sẽ giúp chúng ta quay về chứ không còn lạc lối nữa (nghĩa chính xác của "sám hối" chính là "quay về").
- Chúng ta thường quá chìu theo ý mình, đến nỗi không biết đến ý Chúa. Cầu nguyện chân thành sẽ giúp chúng ta khám phá và làm theo ý Chúa.
- Chúng ta thường quá lo cho những nhu cầu vật chất, đến nỗi không để ý đến những nhu cầu tinh thần. Ăn chay sẽ giải thoát chúng ta khỏi quá bận tâm đến các nhu cầu vật chất, tự nhiên và sẽ thoả mãn những nhu cầu tinh thần, siêu nhiên.
- Chúng ta thường quá quan tâm đến bản thân mình đến nỗi quên để ý tới người khác. Bố thí là một cách giúp ta hy sinh bản hân để biết chia sẻ với người khác.
3. Hãy làm hòa lại với Thiên Chúa
Mọi người chúng ta đều có kinh nghiệm về sự đổ vỡ, bất hòa… Hai người bạn trở thành lạnh nhạt, hai người tình trở thành xa lạ, hai vợ chồng trở thành người dưng…
Đổ vỡ và bất hòa sinh ra đau khổ, tiếc nuối cho các đương sự, và còn ảnh hưởng tới một số người khác như con cái, anh em, bạn bè…
Thánh Kinh đã không ngại dùng hình ảnh loài người để mô tả Thiên Chúa : Thiên Chúa là một người tình, một người chồng hết mực yêu thương loài người. Nhưng mối tình này mang tính đơn phương nhiều hơn là song phương, và đã bao lần đổ vỡ.
Khi đổ vỡ, phía nào yêu tha thiết hơn sẽ tích cực tìm cách làm hòa hơn. Thiên Chúa chính là phía này. Ngài đã làm rất nhiều cách. Và cách cuối cùng vượt quá sức tưởng tượng của loài người : Ngài đã cho Con Một thân yêu của mình hạ mình đến với loài người, ngỏ lời yêu thương với loài người, sống chung với loài người, tha thứ hết mọi tội lỗi của loài người và chết thay cho loài người.
Thiên Chúa đã đi bước trước và Ngài đã làm tất cả những gì có thể làm. Chỉ còn chờ chúng ta. Chúng ta sẽ làm gì để làm hòa lại với Ngài ?
4. Chuyện minh họa
a/ Bố thí
Có một con chuột sống trong một ngôi nhà thờ cũ kỹ ở miền quê. Một hôm nó đi lang thang dạo mát bỗng gặp một con chuột khác cũng đang đi chơi. Nó liền được dịp tâm sự :
- Tôi sống chui rúc dưới gầm một tòa giải tội. Nhưng chẳng được yên thân vì hầu như lúc nào cũng có người xưng tội, phá giấc ngủ của tôi.
Nghe thế, con chuột kia nói :
- Vậy bạn hãy dọn đến chỗ ở của tôi. Chỗ ấy ấm áp sạch sẽ mà chẳng mấy khi có người quấy rầy, yên tĩnh lắm.
- Ô thế bạn ở đâu vậy ?
- Tôi ở trong thùng tiền cứu giúp người nghèo. (Trích "Món quà giáng sinh")
b/ Cầu nguyện
Một tài xế và một linh mục chết cùng lúc. Bác tài thì được vào thiên đàng ngay, còn vị linh mục phải chờ ở luyện ngục. Ngài than phiền : "Việc ông tài vào thiên đàng tôi chẳng nói làm gì. Nhưng tôi là linh mục, tại sao tôi lại phải chờ đợi như thế này ?" Từ trời cao có tiếng đáp : "Cha ơi, khi cha giảng, mọi người ngủ gục. Còn khi bác tài lái xe, mọi người lo cầu nguyện".
c/ Ăn chay hãm mình
Hai thợ săn lên núi bắt chim. Họ cẩn thận đặt bẫy trước khi rời đi. Khi trở lại, lưới đầy chim. Họ thích thú vì được nhiều chim, nhưng không hài lòng lắm về những con chim bắt được, một anh nói : "Ai mà mua những con chim gầy nhom thế này".
 Anh bạn gật đầu : "Chỉ cần đầu tư một số lúa và trong ít ngày chúng ta sẽ được những con chim xinh đẹp và bụ bẫm".
Hàng ngày, hai người cho chim ăn uống và chúng ăn ngấu nghiến. Chúng lớn dần mỗi ngày. Chỉ duy một con không chịu ăn. Khi những con khác béo mập, con chim ngoan cố này trở nên gầy nhom, nhưng vẫn vùng vẫy tìm lối thoát.
Đến ngày bầy chim được mang ra chợ bán, con chim không chịu ăn cố vùng vẫy, xoay sở lọt qua lưới và bay đi. Một mình nó được tự do.
V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
CT : Anh chị em thân mến
Với tâm tình sám hối chân thành, chúng ta cùng dâng lên Chúa những lời nguyện sau đây :
1- Hội Thánh là một người mẹ hiền không bao giờ ghét bỏ những đứa con tội lỗi lầm lạc / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho những hoạt động mục vụ của các mục tử trong Mùa Chay này / dẫn đưa được nhiều con chiên lạc về đoàn chiên của Chúa.
2- Thế giới ngày này đang đầy dẫy bạo lực, chiến tranh, vô luân, tội lỗi / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các nhà lãnh đạo các nước / biết đề ra những biện pháp hữu hiệu / để giảm bớt những sự xấu trong xã hội.
3- Chúng ta đặc biệt hiệp lời cầu xin / cho những người nguội lạnh bỏ mùa phục sinh / những cặp vợ chồng rối rắm / những kẻ trụy lạc bê tha / biết ăn năn tội lỗi / và quay về với tình thương của Chúa.
4- Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta / một mặt canh tân đời sống / mặt khác nhiệt tình làm việc tông đồ / để hoán cải những anh chị em nguội lạnh trong xứ đạo.
CT : Lạy Chúa, Chúa không muốn kẻ tội lỗi phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối để được tha thứ và được sống. Tất cả chúng con đều là những người tội lỗi. Chúng con thành tâm sám hối muốn quay về với Chúa. Xin Chúa tha thứ cho chúng con và giúp chúng con sống sốt sắng trong Mùa Chay thánh này. Chúng con cầu xin nhờ công nghiệp Đức Giêsu Kitô là Chúa chúng con. Amen.

Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI


TẾT TRONG MÙA CHAY

Thứ Tư Lễ Tro năm nay lại rơi vào 30 Tết. Đôi khi có sự trùng hợp này. Điều này làm ai cũng băn khoăn. Nhưng HĐGMVN, đã định liệu cho ta ngày 30/10/2014 rồi, để mọi người có thể ăn Tết vui vẻ, thoải mái, không phải lo nghĩ, rồi sau đó mồng 9 Tết mới ăn chay. Ăn Tết và Ăn chay có chung chữ “ăn”, nhưng lại trái ngược nhau hoàn toàn. Mỗi cái ăn có ý nghĩa và nét đẹp riêng. Ăn Tết mang đến niềm vui cuộc sống hôm nay, còn ăn chay hướng đến Thiên đàng hạnh phúc mai sau. Nhưng mùa xuân hạnh phúc mai sau cũng phải được dệt bằng mùa xuân yêu thương hôm nay. Dù sao sự trùng hợp này cũng cho ta nhiều điều đáng suy gẫm. Phải chăng ngày Tết mang hương vị của Mùa chay?

1. Tết trong Mùa Chay: ăn tết – ăn chay

- Ăn tết: Tết là ngày lễ lớn nhất trong năm của người Việt. Ít nhất cũng được vui chơi ba ngày (nên thường gọi là ba ngày Tết). Trong ba ngày Tết, mọi công việc đều tạm ngưng để tất cả ai dù giàu hay nghèo, cũng có thời giờ vui chơi, thăm viếng nhau. Vì thế, trong tháng chạp, mọi người đã chuẩn bị thức ăn cho ngày Tết, không chỉ riêng cho gia đình mà phải nhiều hơn để tiếp đãi khách. Ngày Tết, đi đến nhà nào cũng được chủ mời ăn, do đó chúng ta luôn nói là “ăn Tết”. Có những món ăn mà chỉ ngày Tết mới dùng tới như là bánh chưng, bánh tét, mứt, thịt đông, củ kiệu, v.v. Và vì thế, khi gặp nhau người ta hay hỏi: Năm này ăn Tết lớn không?

- Ăn chay: Ăn nhưng không ăn. Ăn nhưng lại nhịn ăn hay kiêng ăn, nên còn gọi là nhịn chay. Đối với người Công giáo, chay tịnh là một trong ba hành vi được khuyên làm nhiều nhất (cùng với việc cầu nguyện và bố thí), tín hữu giữ chay để biểu lộ lòng ăn năn, sám hối. Việc chay tịnh bao gồm nhịn ăn và kiêng ăn mà chúng ta quen gọi là "ăn chay" và "kiêng thịt".

Ăn chay trong ngày chay chỉ được ăn một bữa no (chọn bữa nào cũng được), còn những bữa khác chỉ được ăn chút ít để bụng còn đói. Trong ngày chay không được ăn vặt.

Qua việc chay tịnh, con người nhìn nhận mình lệ thuộc Thiên Chúa, vì lúc không sử dụng lương thực Thiên Chúa ban, con người cảm nghiệm được tính cách bấp bênh của sức lực mình: chay tịnh để tự hạ trước Thiên Chúa (x. Tv 34,13; 68,11; Đnl 8,3).

Ngoài việc nhịn ăn và kiêng ăn nói trên, người thực hành việc chay tịnh còn phải tránh xa tội lỗi và dục vọng, như gương của Chúa Giêsu “giữ chay ròng rã bốn mươi đêm ngày” (Mt 4, 2) và thánh Luca nói rõ hơn “Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả” (Lc 4, 2).

Ý nghĩa đầu tiên và cụ thể nhất của giữ chay là chế ngự: không ăn hoặc ăn ít hơn bình thường. Giữ chay không chỉ là một sự chế ngự có tính cách bên ngoài, nhưng còn phải xuất phát tự trong lòng. Nó phải được kèm theo một sự thay đổi lớn lao trong đời sống (x. Giữ chay và Ăn chay, Lm. Huỳnh Trụ).

2. Tết trong Mùa Chay: chữ tết liền với chữ chết một vần.

Mùa chay mời gọi ta nhìn lại thân phận hữu hạn của con người. Nhắc đến cái chết là nói lên sự hữu hạn đó. Thật tế nhị khi nói đến chuyện chết trong ngày Tết. Chết là chuyện đau buồn, ai lại nói chuyện buồn trong ngày Tết, bởi nhà nhà ăn Tết, người người vui Tết, có mấy ai nghĩ đến chuyện chết chóc trong mấy ngày Tết bao giờ. Nhưng xét cho cùng, đó lại là chuyện rất ư bình thường. Ta đừng quên rằng: chữ “tết” liền với chữ “chết” một vần. Tiềm ẩn trong cái Tết là sự chết. Một lần vui Tết ta xích lại gần cái chết. Mỗi lần Tết đến là sự sống ta bị rút ngắn lại, như lời một bài hát sau: “Mỗi mùa xuân sang mẹ tôi già thêm một tuổi” (Mừng Tuổi Mẹ, Trần Long Ẩn). Nghĩa là ta già hơn, mà già hơn thì cận kề với cái chết hơn. Đó là lẽ thường tình: lá vàng rụng trước. Nói vậy không có nghĩa là không có điều ngược lại: “Lá vàng đeo đẳng trên cây. Lá xanh rung xuống trời hay chăng trời”.

Thật buồn cười! Đón Tết cũng là đón cái chết đang tiềm ẩn. Vui Tết cũng là vui với cái chết đang ẩn khuất. Ăn mừng Tết cũng là ăn mừng cái chết đang nấp bóng. Bằng chứng là cũng có nhiều người chết trong dịp Tết. Và cụ thể hơn là ở nước ta, dịp Tết thường chết tai nạn giao thông nhiều hơn so với trong năm. Chẳng hạn: 9 ngày nghỉ Tết Giáp Ngọ, cả nước xảy ra 338 vụ tai nạn, làm chết 286 người và bị thương 324 người. Phần lớn là tai nạn xe máy ở nông thôn. Đừng quên rằng: sự chết rất bất lịch sự: không loại trừ ai, không vị nể ai, và “kết bạn” với ta trong mọi nơi, mọi lúc và trong mọi hoàn cảnh, kể cả dịp Tết. Nói thế không có ý để hù dọa nhau đâu, nhưng đó là sự thật. Thôi Tết thì cứ Tết, ăn Tết thì cứ ăn Tết, vui Tết thì cứ vui Tết. Không phải mấy ngày Tết khi ta nghĩ đến sự chết, nói đến chuyện chết là ta lại không dám ăn Tết. Ăn Tết thì cứ ăn tết vô tư, thoải mái, khi nào chết đến thì đón nhận trong tinh thần tĩnh thức và sẵn sàng. Tiềm ẩn trong Tết là sự chết, nhưng niềm tin vào Đấng Phục Sinh giúp ta tin rằng: tiềm ẩn trong sự chết là sự sống bất diệt. Thiên Chuá luôn mời gọi ta, đặt tất cả niềm tin tưởng và phó thác vào Ngài.

Năm nào cũng đón Tết. Năm nào cũng vui Tết. Tết đến rồi Tết lại đi. Chẳng bao giờ Tết ở lại và tồn tại. Người ta cũng chẳng sống mãi để ăn Tết. Đó là quy luật. Người ta đón Tết chứ chẳng ai đón cái chết bao giờ. Nhưng sự thật sao oái ăm! Cái ta đón thì chưa tới, nhưng cái ta không đón thì lại tới. Phải chăng Mùa chay giúp ta nhìn lại thân phận con người, nhưng xét cho cùng, Tết cũng là thời gian giúp ta gẫm suy đến kiếp người mong manh. Liệu ta còn đón được bao nhiêu cái Tết?

"Ngàn năm Chúa kể là gì,
tựa hôm qua đã qua đi mất rồi,
khác nào một trống canh thôi!
Ngài cuốn đi, chúng chỉ là giấc mộng,
như cỏ đồng trổi mọc ban mai,
nở hoa vươn mạnh sớm ngày,
chiều về ủ rũ tàn phai chẳng còn.

Đời chúng con tàn tạ,
kiếp sống thoảng qua, một tiếng thở dài.
Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục,
mạnh giỏi chăng là được tám mươi,
mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khó,
cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi. 
Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống,
ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan.  (Tv 90)

3. Tết trong Mùa Chay: hướng về cái tết ông bà tổ tiên

Tết nhắc nhở ta, không chỉ vui Tết với nhau, nhưng còn tưởng nhớ đến những người đã khuất bóng mà vui Tết với họ. Không ai bảo ai, dịp Tết là lúc ta nhớ về cội nguồn: uống nước nhớ nguồn. Nhớ về ông bà tổ tiên đó là cách thức biểu lộ tình cảm đơn thuần, nhưng trên hết, nỗi thương nhớ ấy còn khơi dậy nơi tâm hồn ta một niềm tin tưởng: tổ tiên đang vui hưởng cái Tết vĩnh cửu trên quê trời.

Tết cũng là dịp hướng về tổ tiên, nhà nào cũng trang hoàng bàn thờ tổ tiên thật đẹp, và nghĩa trang cũng dọn dẹp chu đáo: nào hoa, nào nến, nào nhang, sao cho tổ tiên được ấm cúng mà vui Tết với con cháu, đồng thời cũng chứng minh cho ông bà tổ tiên biết rằng, con cháu vẫn luôn nhớ về công ơn các ngài. Với người Công giáo mồng hai Tết là ngày đặc biệt kính nhớ đến tổ tiên, nên nghĩa trang nào cũng vui như Tết.

Em dâu của cụ Lý Như qua đời 30 Tết, cụ đã viết lá thư để nhờ người em chuyển giúp xuống cho vợ thân yêu của mình, sau bao năm cách xa, bức thư có nội dung sau: “Miền lạc thổ thân thị gặp gỡ, có thiêng xin ngỏ chút tình này: cõi trần gian con cháu bình an không quên còn nhớ ơn nghĩa cũ.”

Vui Tết tổ tiên cũng là lời nhắc nhỡ ta một ngày nào đó chúng ta cũng sẽ quy tiên để vui Tết với ông bà. Vui hưởng cái Tết trên dương gian trong yêu thương, an bình, chia sẻ, tha thứ, quãng đại, hiếu thảo cũng là để chuẩn bị cho mình một cái Tết hạnh phúc bất diệt trên quê trời.

4. Tết trong Mùa Chay: làm phúc, bố thí

Tết thì có nhiều thứ để ăn. Thế mới gọi là ăn Tết! Nhưng Tết trong Mùa Chay nhắc nhở ta nhiều hơn về việc làm phúc và bố thí. Ăn chay không phải để đỡ bớt chi tiêu rồi cất tiền vào tủ, nhưng phải biết dùng của ăn chay mà làm phúc bố thí cho người nghèo. Bởi người nghèo ở đâu cũng có.

Mùa Xuân là mùa của niềm vui và tình thương yêu. Vào ngày Tết con người thường biểu lộ tình yêu thương cách chân thành và rõ nét: thăm viếng nhau, chúc tết cho nhau, tặng quà cho nhau và nhất là biết chia sẻ cho người nghèo khổ. Nhưng Tết cũng là cơ hội cho nhiều người phô trương sự giàu có sang trọng của mình qua việc tiêu Tết, ăn Tết, mua sắm và xài Tết. Riêng người nghèo mỗi dịp tết về lại càng thêm lo lắng. Đừng quên rằng: Giáo hội ta là Giáo hội của người nghèo. Yêu thương người nghèo không bao giờ là chuyện dư thừa. Và đây cũng chính là phần phúc Thiên đàng của ta mai sau. Bởi có ai sống mãi để ăn Tết bao giờ!

Làm phúc bố thí mà lâu nay ta vẫn hiểu thông thường là cho đi, là chia sẻ cho kẻ thiếu thốn, nhưng nếu hiểu sát nghĩa, và chính xác hơn theo cái nhìn đạo đức Kitô giáo, thì làm phúc, bố thí là ta trả lại cho người nghèo quyền cơ bản mà họ được hưởng đó là: cái ăn, cái mặc và nơi ở xứng đáng. Thế giới hôm nay còn quá nhiều người đói nghèo. Bao lâu còn có người nghèo đói là ta còn mắc nợ họ. Mà nợ thì phải trả! Làm phúc và bố thì là cách thức trả nợ.

5. Lời kết

Việc ăn chay, bố thì không nên đóng khung trong Mùa chay, nhưng đó chỉ là một điểm nhấn, một khoảng lặng và một thời gian dừng bước để Giáo Hội giúp ta ý thức hơn tinh thần sống đạo của người Kitô hữu. Nếu hiểu được như vậy thì cho dù Mùa chay có hòa lẫn trong mùa xuân và nhất là trong dip Tết cũng chẳng làm ta băn khoăn và nghĩ ngợi.

Trong thư “Tâm Tình Mục Tử” gửi Dân Chúa tháng 2/2015, Đức cha Giuse viết: “Thực ra, sự trùng hợp giữa lễ Tro và ngày 30 Tết, có thể đem đến cho tín hữu hương vị tích cực là xem Mùa Chay như là Mùa Xuân tâm hồn, để tập chú vào việc canh tân đời sống thiêng liêng, mong đón nhận dồi dào ơn thánh mà tiến bước trên đường thánh đức.”

Phước An, ngày 9/10/2015
Lm. Châu Linh

Lectio Divina: Thứ Tư Lễ Tro
Thứ Tư, 18 Tháng 2, 2015
Ý nghĩa của cầu nguyện, bố thí và ăn chay
Cách để dùng thời giờ của Mùa Chay cho xứng đáng
Mt 6:1-6, 16-18 


1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.   Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.

Xin hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự việc và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để chúng con cũng giống như hai môn đệ từ Emmau, nguyện xin cho chúng con cảm nghiệm được sức mạnh phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.

2.  Bài Đọc
a)  Chìa khóa dẫn đến bài Phúc Âm:

 Bài Phúc Âm của Thứ Tư Lễ Tro được trích ra từ Bài Giảng Trên Núi và giúp cho chúng ta hiểu được sự thực hành ba việc của lòng thương xót: cầu nguyện, bố thí và ăn chay, và cách để dùng thời gian Mùa Chay cho xứng đáng.  Cách thức thực hành ba công việc này đã thay đổi qua nhiều thế kỷ, theo văn hóa và phong tục của dân chúng và sức khỏe của họ.  Những người già cả ngày nay vẫn còn nhớ khi xưa đã có luật ăn chay bắt buộc và nghiêm ngặt của bốn mươi ngày trong suốt Mùa Chay.  Mặc dù có những thay đổi trong cách thực hiện những việc phúc đức, vẫn còn có những điều buộc cho loài người và người Kitô hữu:  (i) chia sẻ của cải với người nghèo khó (bố thí); (ii) sống trong sự liên hệ với Đấng Tạo Hóa (cầu nguyện); và (iii) có thể kiềm chế được những thúc giục và lòng ham muốn của chúng ta (ăn chay).  Lời của Chúa Giêsu mà chúng ta suy gẫm có thể cho chúng ta óc sáng tạo cần thiết để tìm thấy những cách thức mới trong việc sống với ba điều thực hành rất quan trọng này trong đời sống người Kitô hữu.
   
b)  Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:

Mt 6:1:  Một chìa khóa chung cho sự hiểu biết về điều giảng dạy sau đây
Mt 6:2:  Cách không nên khi bố thí
Mt 6:3-4:  Cách bố thí
Mt 6:5:  Cách không nên khi cầu nguyện
Mt 6:6:  Cách cầu nguyện
Mt 6:16:  Cách không nên khi ăn chay
Mt 6:17-18:  Cách ăn chay

c)  Phúc Âm:

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng:  “Các ngươi hãy cẩn thận, đừng phô trương công đức trước mặt người ta để thiên hạ trông thấy, bằng không các ngươi mất công phúc nơi Cha các ngươi là Đấng ở trên trời.  Vậy khi các ngươi bố thí, thì đừng thổi loa báo trước, như bọn giả hình làm ở nơi hội đường và phố xá, để cho người ta ca tụng họ.  Quả thật, Ta bảo các ngươi, họ đã được thưởng công rồi.  Các ngươi có bố thí, thì làm sao đừng để tay trái biết việc tay phải làm, để việc ngươi bố thí được giữ kín và Cha ngươi Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho ngươi.  
Rồi khi các ngươi cầu nguyện, thì cũng chớ làm như những kẻ giả hình:  họ ưa đứng cầu nguyện giữa hội đường và các ngả đàng, để thiên hạ trông thấy.  Quả thật, Ta bảo các ngươi rằng:  họ đã được thưởng công rồi.  Còn ngươi khi cầu nguyện, thì hãy vào phòng đóng cửa lại mà cầu xin với Cha ngươi, Đấng ngự nơi bí ẩn, và Cha ngươi, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho ngươi.
Khi các ngươi ăn chay, thì đừng làm như bọn giả hình thiểu não:  họ làm cho mặt mũi ủ dột, để có vẻ ăn chay trước mặt người ta.  Quả thật, Ta bảo các ngươi, họ đã được thưởng công rồi.  Còn ngươi khi ăn chay, hãy xức dầu thơm trên đầu và rửa mặt, để thiên hạ không biết ngươi ăn chay, nhưng chỉ tỏ ra cho Cha ngươi Đấng ngự nơi bí ẩn và Cha ngươi thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho ngươi.”

3.  Giây phút cầu nguyện trong thinh lặng

Để Lời của Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý

Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân.

a)  Điều nào trong bài Tin Mừng này đánh động bạn hoặc bạn thích nhất?     
b)  Lời cảnh báo đầu tiên của Đức Giêsu mang ý nghĩa gì?    
c)  Chúa Giêsu chỉ trích điều gì và giảng dạy về bố thí như thế nào?  Hãy làm một bản tóm lược cho riêng bạn.
d)  Chúa Giêsu chỉ trích gì và giảng dạy về cầu nguyện như thế nào?  Hãy làm một bản tóm lược cho riêng bạn.
e)  Chúa Giêsu chỉ trích điều gì và giảng dạy về ăn chay như thế nào?  Hãy làm một bản tóm lược cho riêng bạn.

5.  Dành cho những ai muốn đào sâu vào chủ đề

a)  Bối cảnh bài Phúc Âm:

Chúa Giêsu nói về ba điều:  bố thí (Mt 6:1-6), cầu nguyện (Mt 6:5-15) và ăn chay (Mt 6:16-18).  Đây là ba công việc về lòng thương xót của người Do Thái.  Chúa Giêsu chỉ trích rằng trong thực tế họ thực hành những công việc này là chỉ được để phô trương với những người khác (Mt 6:1).  Chúa không cho phép việc thực hành công lý và lòng thương xót được dùng như một phương tiện để tiến thân trong vòng cộng đoàn (Mt 6:2, 5, 16).  Trong những Lời của Chúa Giêsu, một phong cách liên hệ mới với Thiên Chúa đã được mặc khải cho chúng ta.  Người nói:  “Cha ngươi Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho ngươi” (Mt 6:4), “Cha ngươi biết rõ ngươi cần gì trước khi ngươi cầu xin (M 6:8), “nếu ngươi tha lỗi cho người khác thì Cha ngươi trên trời cũng sẽ tha thứ cho ngươi” (Mt 6:14).  Chúa Giêsu trình bày cho chúng ta một phương pháp mới để tiến tới trái tim của Thiên Chúa.  Một sự suy gẫm về lời của Người liên quan đến việc làm phúc đức có thể giúp chúng ta khám phá ra cách thức mới này.

b)  Lời bình giải về đoạn Phúc Âm:

Mt 6:1:  Một chìa khóa chung cho sự hiểu biết về điều giảng dạy theo sau
Chúa Giêsu nói:  Hãy cẩn thận, đừng phô trương sự công chính của các con nơi công cộng để tạo sự chú ý; nếu không các con sẽ mất tất cả phần thưởng từ Cha các con trên trời.  Sự công bằng được đề cập bởi Chúa Giêsu là điều mà Thiên Chúa muốn chúng ta có.  Phương cách được tìm thấy trong Lề Luật của Chúa. Chúa Giêsu báo cho biết rằng chỉ tuân giữ lề luật thôi để được người ta tán dương thì chưa đủ.  Trước đó Người đã nói:  “Vì Ta bảo các con, nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và Biệt Phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu” (Mt 5:26).  Khi đọc những lời này, chúng ta không phải chỉ nghĩ đến những người Biệt Phái thời Chúa Giêsu, nhưng trước hết là nghĩ về những người Biệt Phái đang ngủ yên trong mỗi người chúng ta.  Nếu thánh Giuse, bạn đời của Đức Maria, thực thi theo luật của những người Biệt Phái, ông đã có thể từ bỏ Đức Maria.  Nhưng ông là “người công chính” (Mt 1:19), và đã có được sự công chính mới được công bố bởi Đức Giêsu.  Đó là lý do tại sao ông đã không làm theo lề luật cổ xưa và cứu sống Đức Maria và Thai Nhi Giêsu.  Nền công lý mới được công bố bởi Chúa Giêsu dựa trên một nền tảng khác, phát sinh từ một nguồn gốc khác.  Chúng ta phải xây dựng sự bình an của chúng ta từ bên trong nội tâm, không phải trong những việc gì chúng ta làm cho Chúa, nhưng trong những việc gì Chúa làm cho chúng ta.  Đây là chìa khóa chung cho một sự hiểu biết về giáo huấn của Chúa Giêsu về những việc làm phúc đức.  Trong những câu kế tiếp, thánh Mátthêu áp dụng nguyên tắc chung này trong việc thực hành đức bác ái, cầu nguyện và ăn chay.  Theo phong cách sư phạm, đầu tiên ông nói về những gì không nên làm và ngay sau đó dạy về những gì nên phải làm.

Mt 6:2:  Cách không nên khi bố thí
Cách sai lầm khi bố thí, bấy giờ và bây giờ, là làm phô trương ở nơi công cộng để được người khác biết đến và hoan nghênh.  Chúng ta thường thấy trên các băng ghế trong nhà thờ có những hàng chữ:  “Quà tặng từ gia đình nọ gia đình kia”. Trên truyền hình, các chính trị gia thích xuất hiện như là một mạnh thường quân thương người vào các dịp lễ khánh thành các công việc xã hội của cộng đoàn. Chúa Giêsu nói:  Những người làm như vậy họ đã được thưởng công rồi.

Mt 6:3-4:  Cách bố thí
Cách đúng khi làm việc bố thí là:  “Các con làm sao đừng để tay trái biết việc tay phải làm!”  Nói cách khác, chúng ta phải bố thí theo cách mà thậm chí ngay chính bản thân chúng ta cảm thấy rằng việc thiện tôi đang làm không xứng đáng được Chúa thưởng công và lời khen ngợi từ người ta.  Bố thí là một nghĩa vụ.  Đó là việc chia sẻ những gì tôi có với những người không có gì.  Trong một gia đình, tất cả đều là của chung.  Chúa Giêsu khen ngợi việc làm của người đàn bà góa nghèo, bà đã cho đi tất cả những gì bà có để nuôi sống mình (Mc 12:44).

Mt 6:5:  Cách không nên khi cầu nguyện
Nói về cách cầu nguyện sai, Chúa Giêsu đề cập đến một số phong tục và tập quán lạ trong thời của Người.  Khi tiếng kèn loa thổi vang vào giờ cầu nguyện buổi sáng, buổi trưa và chiều tối, có những người tìm cách để ra được giữa đường cầu nguyện một cách long trọng với hai tay dang rộng ra để cho mọi người trông thấy và do đó được coi là người sùng đạo.  Những người khác thì đã phô trương một cách quá mức trong hội đường để tạo sự chú ý của cộng đoàn.

Mt 6:6:  Cách cầu nguyện
Vì vậy, để không có nghi ngờ, Chúa Giêsu hết sức nhấn mạnh cách thức cầu nguyện.  Người nói rằng chúng ta phải cầu nguyện nơi chỗ riêng tư, chỉ hiện diện trước mặt Chúa Cha.  Không một ai sẽ nhìn thấy bạn.  Có thể trước mặt những người khác, thậm chí bạn có thể có vẻ như là một người không hề cầu nguyện. Điều này không thành vấn đề!  Ngay cả với Chúa Giêsu, người ta đã bàn tán:  “Ông ấy không phải là Thiên Chúa!”  Đó là bởi vì Chúa Giêsu thường cầu nguyện vào ban đêm và không quan tâm đến những gì người ta đã nghĩ về Người.  Điều đáng nói là người cầu nguyện phải có một tâm hồn bình an và biết rằng Thiên Chúa là Cha đã chào đón tôi, không phải vì những gì tôi đã làm cho Chúa hay vì lòng tự mãn mà trong thực tế, điều tôi tìm kiếm là những người khác đánh giá tôi là một người đạo đức và sốt sắng cầu nguyện.

Mt 6:16:  Cách không nên khi ăn chay
Chúa Giêsu chỉ trích những cách ăn chay sai trái.  Có những người làm ra vẻ thiểu não ủ dột, mặt mũi lem luốc, mặc quần áo tả tơi, tóc tai rối bù, để tất cả mọi người có thể trông thấy họ đang ăn chay một cách hoàn hảo.

Mt 6:17-18:  Cách ăn chay
Chúa Giêsu thì đề nghị ngược lại:  Khi các con ăn chay, hãy xức dầu thơm lên đầu, rửa mặt, để thiên hạ không biết các con ăn chay, chỉ tỏ ra cho Cha các con là Đấng ngự trên trời.
Như chúng ta đã đề cập trước đó, đó là phương cách mới để tìm đến trái tim của Thiên Chúa đang mở rộng trước mắt của chúng ta.  Vì sự bình an trong tâm hồn chúng ta, Chúa Giêsu không đòi hỏi chúng ta làm những gì cho Thiên Chúa, nhưng những gì Chúa làm cho chúng ta.  Bố thí, cầu nguyện và ăn chay không phải là những phương tiện dùng để mua chuộc ân huệ của Chúa, nhưng chúng là sự đáp trả của chúng ta về lòng biết ơn đối với tình yêu đã được nhận lãnh và cảm nghiệm.   

c)  Phần phụ chú:

i)  Bối cảnh rộng lớn hơn Tin Mừng của thánh Mátthêu
Phúc Âm của Mátthêu được viết cho một cộng đoàn Do Thái cải đạo là những người đang sống trong một cuộc khủng hoảng sâu xa về lai lịch trong quan hệ với quá khứ của họ.  Sau khi họ cải đạo thành những Kitô hữu, họ đã tiếp tục sống theo những truyền thống cũ và thường xuyên đi đến các hội đường cùng với thân nhân và bạn bè của họ, y như trước đây.  Nhưng họ phải chịu đựng những áp lực mạnh mẽ từ những người bạn Do Thái của họ là những người đã không chấp nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế.  Sự căng thẳng này ngày càng mãnh liệt vào năm 70 sau Công Nguyên.  Vào năm 66, khi cuộc nổi dậy của người Do Thái chống lại đế quốc La-Mã bùng nổ, hai nhóm người từ chối tham gia, những người Biệt Phái và người Kitô hữu gốc Do Thái.  Cả hai nhóm đều cho rằng chống lại đế quốc La-Mã không có gì liên quan đến sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế, như một số người đã nghĩ.  Sau khi thành thánh Giêrusalem bị tàn phá bởi người La-Mã vào năm 70, tất cả các nhóm người Do Thái khác biến mất.  Chỉ còn lại nhóm người Biệt Phái và Kitô hữu Do Thái.  Cả hai nhóm đều tuyên bố họ là những người thừa kế lời hứa của các tiên tri, và vì thế, sự căng thẳng tăng thêm giữa những người anh em, chỉ vì vấn đề thừa kế.  Nhóm Biệt Phái tái tổ chức những người còn lại và có một thái độ mạnh mẽ hơn bao giờ hết đối người Kitô hữu là những người cuối cùng đã bị tuyệt thông khỏi các hội đường Do Thái.  Sự tuyệt thông này đã nhen nhúm lại toàn bộ vấn đề về lai lịch.  Bấy giờ những người Kitô hữu đã hoàn toàn chính thức bị tách lìa khỏi dân tộc và lời hứa.  Họ không còn có thể đến thăm viếng các hội đường và các giáo sĩ Do Thái của họ nữa.  Và họ tự hỏi:  Ai thực sự chính là dân riêng của Chúa?  Họ hay chúng tôi?  Chúa đang đứng về phe nào đây?  Chúa Giêsu có thật là Đấng Cứu Thế không?
 thế, thánh Mátthêu viết sách Tin Mừng của ông với mục đích:  (1) cho nhóm người Kitô hữu này, như là một Tin Mừng của sự ủi an cho những người đã bị tuyệt thông và đàn áp bởi người Do Thái; giúp họ vượt qua những vết thương lòng vì chia lìa; (2) như là một Tin Mừng của sự mặc khải, cho thấy rằng Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế đích thực, ông Môisen mới, Đấng làm viên mãn những lời hứa; (3) như là một Tin Mừng của việc thực hành mới, chỉ cho thấy họ phải đạt được sự công chính đích thực, cao cả hơn sự công chính của người Biệt Phái.

ii)  Chìa khóa về Bài Giảng Trên Núi
Bài Giảng Trên Núi là bài đầu tiên trong số năm bài giảng trong sách Tin Mừng theo Mátthêu.  Nó mô tả các điều kiện để cho một người được phép vào Nước Chúa:  cách vào, cách đọc mới về lề luật, cách nhìn mới và sự thực hành về việc làm phúc đức; cách sống mới trong cộng đoàn.  Nói tóm lại, trong Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giêsu thông tri lối nhìn mới về những công việc của cuộc sống và Nước Trời.  Sau đây là phần phân đoạn để dùng như chìa khóa cho bài đọc:
Mt 5:1-16:   Lối vào
Mt 5: 1-11:  Tám Mối Phúc Thật giúp chúng ta thấy Nước Trời đã hiện hữu ở đâu (thánh Mátthêu sống giữa những người nghèo khổ và bị bách hại) và sắp hiện hữu ở đâu (thánh Mátthêu sống ở giữa sáu nhóm người kia).
Mt 5: 12-16:  Chúa Giêsu nói những lời an ủi đến các môn đệ và báo trước:  bất cứ ai sống theo Tám Mối Phúc Thật sẽ bị bách hại (Mt: 5:11-12), nhưng cuộc sống của người ấy sẽ có ý nghĩa bởi vì họ sẽ là muối cho đời (Mt 5:13) và ánh sáng cho thế gian (Mt 5:14-16).
Mt 5:17 đến 6:18:  Mối quan hệ mới với Thiên Chúa:  Nền Công Chính mới
Mt 5:17-48:  Sự công chính mới phải cao cả hơn sự công chính của người Biệt Phái
Chúa Giêsu căn bản hóa lề luật, có nghĩa là, Người mang nó trở lại cội rễ của nó, với mục đích chính và tối hậu là phục vụ cuộc sống, công lý, tình yêu, và chân lý. Những giới răn của lề luật chỉ ra một cách sống mới, mà người Biệt Phái đã né tránh (Mt 5:17-20).
Chúa Giêsu lập tức trình bày những ví dụ khác nhau về cách phải hiểu những giới răn của Lề Luật Thiên Chúa đã được ban cho ông Môisen như thế nào:  Các con đã nghe người xưa dạy rằng, còn Ta, Ta bảo các con (Mt 5:21-48).
Mt 6:1-18:  Sự công chính mới không phải là để tìm kiếm sự ban thưởng hay trả công (Đầy là phần Tin Mừng của Thứ Tư Lễ Tro này).
Mt 6:19-34:  Mối quan hệ mới với của cải thế gian:  một cái nhìn mới về sự sáng tạo
Chúa Giêsu đến để nắm bắt những nhu cầu chính của đời sống:  thức ăn, áo mặc, nhà cửa, và sức khỏe.  Đây là một phần của cuộc sống mà là nguyên nhân gây lo lắng nhất cho người ta.  Chúa Giêsu dạy về sự liên quan với của cải vật chất và sự giàu có ở thế gian: đừng tích trữ kho tàng ở dưới đất (Mt 6:19-21), đừng nhìn thế gian với đôi mắt u buồn (Mt 6:22-23), đừng vừa làm tôi Thiên Chúa và vừa làm tôi tiền của cùng một lúc (Mt 6:24), đừng lo lắng về thức ăn và đồ uống (Mt 6:23-24).
Mt 7:1-29:  Mối quan hệ mới với mọi người:  một đời sống mới trong cộng đoàn
Đừng tìm kiếm cái rác trong mắt của người anh em (Mt 7:1-5); chớ liệng ngọc trai cho heo (Mt 7:6); đừng ngần ngại cầu xin Thiên Chúa điều gì (Mt 7:7-11); tuân giữ khuôn vàng thước ngọc (Mt 7:12); hãy tìm con đường hẹp và khó khăn (Mt 7:13-14); hãy coi chừng các tiên tri giả (Mt 7:15-20); đừng chỉ nói suông mà hãy làm (Mt 7:21-23); cộng đoàn được xây dựng trên những nguyên tắc này sẽ đứng vững dù cho gió bão có lùa vào (Mt 7:24-27).  Kết quả của những lời này là một nhận thức mới về chân dung của các vị kinh sư và luật sĩ (Mt 7:28-29).     

6.  Cầu Nguyện bằng Thánh Vịnh:  Thánh Vịnh 40 (39) 


Công bố sự công chính tuyệt vời của Thiên Chúa
Tôi đã hết lòng trông đợi CHÚA,
Người nghiêng mình xuống và nghe tiếng tôi kêu.
Người kéo tôi ra khỏi hố diệt vong,
khỏi vũng lầy nhơ nhớp,
đặt chân tôi đứng trên tảng đá,
làm cho tôi bước đi vững vàng.
Chúa cho miệng tôi hát bài ca mới,
bài ca tụng Thiên Chúa chúng ta.
Thấy thế, nhiều người sẽ kính sợ
và tin tưởng vào CHÚA.

Phúc thay người đặt tin tưởng nơi CHÚA,
chẳng vào hùa với bọn kiêu căng
và những kẻ theo đường gian ác.
Lạy CHÚA là Thiên Chúa con thờ,
những kỳ công Ngài đã thực hiện
và những điều Ngài dự định cho chúng con:
thật là nhiều vô kể!
Không một ai sánh được như Ngài.
Dầu con muốn loan đi kể lại,
nhưng quá nhiều, đếm nổi làm sao!

Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật,
nhưng đã mở tai con;
lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa không đòi,
con liền thưa: "Này con xin đến!
Trong sách có lời chép về con
rằng: con thích làm theo thánh ý,
và ấp ủ luật Chúa trong lòng, lạy Thiên Chúa của con."

Đức công chính của Ngài,
con loan truyền giữa lòng đại hội;
lạy CHÚA, Ngài từng biết: con đâu có ngậm miệng làm thinh.
Đức công chính của Ngài,
con chẳng giữ riêng lòng mình biết;
nhưng con đã nói lên đức trung tín và ơn cứu độ của Ngài,
chẳng giấu diếm chi cùng đại hội
rằng Ngài thành tín và yêu thương.

Phần Ngài, muôn lạy CHÚA,
xin chớ ngừng âu yếm cảm thương con.
Lòng thành tín và yêu thương của Ngài sẽ giữ gìn con mãi.
Tai họa bủa vây con hằng hà sa số,
tội ác con đổ xuống trên mình, làm tối tăm mặt mũi,
thật nhiều hơn cả tóc trên đầu, khiến rụng rời tâm trí.
Lạy CHÚA, xin thương tình cứu con,
Muôn lạy CHÚA, xin mau phù trợ!
Ước gì những kẻ tìm cướp mạng sống con,
đều phải nhơ nhuốc thẹn thùng!
Ước gì bọn đắc chí vì con mắc họa
phải tháo lui nhục nhã!
Những đứa cười ha hả nhạo con
phải thẹn thùng chết điếng!
Ước chi mọi kẻ tìm kiếm Chúa,
đều mừng vui hoan hỷ trong Ngài!
Và những ai cảm mến ơn Ngài tế độ
luôn nói rằng: "ĐỨC CHÚA vĩ đại thay! "
Thân phận con khốn khổ nghèo hèn,
nhưng Chúa hằng nghĩ tới.
Ngài là Đấng phù trợ, là Đấng giải thoát con,
lạy Thiên Chúa con thờ, xin đừng trì hoãn!

7.  Lời nguyện kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa vì những Lời của Chúa đã trao ban để giúp chúng con có thể hiểu cặn kẽ hơn Thánh ý của Chúa Cha.  Nguyện xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho những việc chúng con đang làm và ban cho chúng con sức mạnh để chúng con có thể thực thi những Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Chúng con nguyện xin được giống như Đức Maria, mẹ Người, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa.  Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét