Trang

Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2020

12-04-2020 : (phần II) CHÚA NHẬT PHỤC SINH năm A


12/04/2020
 Chúa Nhật PHỤC SINH năm A
(phần II)


Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật Phục Sinh năm A

CHÚA NHẬT PHỤC SINH
(Cv 10,34a.37-43; Cl 3,1-4; Ga 20,1-9)

NIỀM TIN PHỤC SINH

“Ông đã thấy và ông đã tin” (Ga 20,8b)

I. CÁC BÀI ĐỌC

Phục sinh là tâm điểm của kinh nghiệm đức tin mà những kitô hữu đầu tiên trải qua, nhưng đây là một kinh nghiệm thật khó diễn đạt bằng lời, bởi đó không phải là kinh nghiệm của các giác quan, cũng không phải là kinh nghiệm được rút ra từ sự suy gẫm. Phục sinh là một điều gì đó đến từ Thiên Chúa và được Người thực hiện, và chúng ta chỉ có thể nhìn nhận mầu nhiệm này trong đức tin và bởi đức tin. Mặc dầu phục sinh là một sự kiện không phụ thuộc vào chính chúng ta, nhưng cả cuộc đời chúng ta lại là một sự khao khát không ngừng cho biến cố này, đó là một niềm hy vọng về một sự sống viên mãn vượt trên những giới hạn và khiếm khuyết của con người. Vì thế, sự phục sinh mà thánh lễ hôm nay loan báo là một mầu nhiệm làm sáng tỏ cả cuộc đời của Đức Giêsu và cùng lúc đó soi rọi vào trong chính cuộc sống của chúng ta. Các bài đọc trong thánh lễ hôm nay giúp chúng ta khám phá ra ý nghĩa của sự kiện quan trọng này cũng như những hoa trái mà biến cố Phục sinh mang lại trong cuộc đời chúng ta.

1. Bài đọc 1

Ngay từ buổi đầu tiên của sự kiện phục sinh, Giáo hội đã bắt đầu sứ mạng kerigma – rao giảng của mình, qua chứng từ của Phêrô từ sách Công vụ Tông đồ mà ta nghe trong bài đọc 1. Tại nhà của viên đại đội trưởng Conêliô, Phêrô đã rao giảng về kế hoạch cứu độ con người của Thiên Chúa. Tiếp theo sau người môn đệ được yêu quý, giờ đây Phêrô cũng đã tin vào sự kiện phục sinh. Và trong sứ mạng rao giảng của mình, Phêrô đã giải thích mầu nhiệm này như là kết quả từ hành động của Thiên Chúa, Đấng đã đồng hành trong suốt hành trình của Đức Giêsu, chính Người đã cho Đức Giêsu trải nghiệm cái chết và được sống lại, không những thế, Người còn cho Đức Giêsu làm quan án xét xử kẻ sống và kẻ chết. Vì thế, tin vào sự phục sinh của Đức Giêsu có nghĩa là nhận ra đó là sự kiện toàn việc Thiên Chúa hiện diện trong cuộc đời của Chúa Giêsu, và cũng là sự kiện toàn trong kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa cho con người. Ai tin vào Chúa Giêsu sẽ được ơn tha tội, được hòa giải với Thiên Chúa và được cứu rỗi.

2. Bài đọc 2

Ở bài đọc 2 trong thư gởi tín hữu Côlôxê, thánh Phaolô giúp chúng ta đào sâu ý nghĩa niềm tin vào sự phục sinh: Kitô hữu chịu phép rửa là người bước vào trong mầu nhiệm cái chết và phục sinh của Chúa Kitô. Vì thế, ý nghĩa thật sự của đời kitô hữu chỉ được khám phá qua kế hoạch của Thiên Chúa, từ “những sự trên trời”, và không để cho những bản năng trần thế chi phối. Tuy nhiên, tiến trình phục sinh nội tại này có tính tiệm tiến, không xảy ra chỉ trong một lần, và phải được mỗi người ao ước và chọn lựa cách tự do. Theo cách thức tiệm tiến này, sự phục sinh của Đức Giêsu nơi mỗi người chúng ta qua bí tích rửa tội giúp chúng ta được tự do và không còn theo cách thức lượng giá mọi điều chỉ với chiều ngang trần thế, và còn giúp chúng ta sống ngay bây giờ niềm mong đợi về cuộc gặp gỡ tối hậu với Thiên Chúa.

3. Bài Tin Mừng

Trong bài Tin mừng, ký ức của các tông đồ vào những năm cuối của thế kỷ thứ nhất đã được dựng lại trong một trình thuật của niềm tin về kinh nghiệm phục sinh đầu tiên. Maria một mình chạy ra mộ Chúa, là dấu chỉ có thể nhìn thấy được lần cuối cùng về sự hiện diện của vị thầy, để khóc thương cho cái chết của Người, và bà đã ngạc nhiên về những gì xảy ra: ngôi mộ được đóng kín vào hôm chiều thứ sáu nay đã mở ra. Bà chạy về và báo lại cho các môn đệ với lời giải thích là ai đó đã đánh cắp xác Chúa Giêsu. Và các môn đệ bắt đầu kiểm chứng lời của Maria. Phêrô đến và bước vào trong, ông thấy những dây băng và tấm khăn liệm và ông loại trừ khả năng đánh cắp. Cuối cùng, người môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến cũng bước vào, ông đã thấy và ông đã tin rằng Đức Giêsu đã sống lại từ cõi chết. Chỉ đến giây phút này, tác giả Tin Mừng mới nói với chúng ta về ý niệm phục sinh, một ý niệm mà chính Kinh Thánh đã loan báo trước, nhưng đã không bao giờ tồn tại trước đây trong suy nghĩa của các môn đệ. Trước ngôi mộ trống, người môn đệ được yêu mến đã tiên phong hành trình đức tin của mình, ông đã thấy và ông đã tin.

II. GỢI Ý SUY NIỆM

1. “Ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội”. Là người đang sống trong nô lệ của tội lỗi và sự chết, tôi có cảm nghiệm được niềm vui khôn tả và lòng biết ơn sâu xa khi đón nhận hồng ân phục sinh của Chúa Kitô, một biến cố mà những ai tin sẽ được sự bình an trong tâm hồn, được chữa lành, được hòa giải với Thiên Chúa và được cứu rỗi không?

2. Với kinh nghiệm phục sinh được nếm trải qua biến cố hoán cải đời mình, Thánh Phaolô đã dạy chúng ta hãy hướng lòng về thượng giới và tìm kiếm những gì thuộc thượng giới. Là kitô hữu hôm nay, đang mang trong mình niềm tin là Đức Kitô Phục sinh, tôi đang dùng những giá trị của trần thế hay những giá trị của Nước Trời để xây đắp và làm nền tảng cho cuộc sống của tôi?

3. “Ông đã thấy và ông đã tin”. Cũng như các môn đệ năm xưa, tôi cũng tuyên xưng niềm tin của mình mỗi ngày. Nhưng liệu lời tuyên xưng ấy của tôi có giá trị và hệ quả của một niềm tin đích thật vốn không phụ thuộc nhiều vào những giác quan môi miệng hay suy gẫm của lý trí, nhưng là một ơn ban được đón nhận với hoa trái đi kèm là sự canh tân, biến đổi đời sống, và được cụ thể hóa bằng một đời sống chứng tá sống động về Đức Kitô phục sinh cho những người chung quanh không?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa Cha đã cho Đức Giêsu Kitô sống lại hiển vinh bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần; nơi Đấng Phục Sinh, chúng ta được đón nhận sức sống mới và bảo chứng cho sự sống đời đời. Trong niềm hân hoan của ngày đại lễ hôm nay, chúng ta cùng dâng lời chúc tụng và cầu xin.

1. Đức Giêsu Kitô Phục Sinh là tâm điểm của niềm tin Kitô giáo. Chúng ta hiệp ý cầu xin cho mọi thành phần Hội Thánh luôn vững tin vào mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, và hăng say loan báo niềm hy vọng phục sinh cho con người hôm nay bằng lời rao giảng cùng với chứng tá sống động trong đời sống hằng ngày.

2. “Tất cả những ai tin vào Người, thì nhờ danh Người mà được tha tội.” Chúng ta hiệp ý cầu xin cho mọi dân tộc và mọi quốc gia trên thế giới biết mở lòng đón nhận Tin Mừng Phục Sinh và tin nhận Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ trần gian, hầu được cùng Người vui hưởng phúc trường sinh.

3. Đức Kitô phục sinh đã chiến thắng đau khổ, tội lỗi và sự chết. Chúng ta hiệp ý cầu xin cho những người đang đau khổ hồn xác, các gia đình đang gặp khó khăn mọi mặt được tham dự vào niềm vui phục sinh hôm nay, để thêm can đảm đón nhận và vác thập giá hàng ngày mà bước theo Chúa.

4. “Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa.” Chúng ta hiệp ý cầu xin cho mọi người tham dự phụng vụ hôm nay được lãnh nhận dồi dào ân sủng của Chúa Phục Sinh, luôn hướng về trời cao bằng một đời sống đạo nhiệt thành, trở nên men muối và ánh sáng cho người chung quanh.

Chủ tế: Lạy Thiên Chúa hằng sống, Con Một Chúa đã chịu chết và sống lại để cứu độ chúng con. Xin nhậm lời chúng con tha thiết cầu xin, và cho niềm vui phục sinh hôm nay biến đổi chúng con trở nên những con người mới, hăng say loan báo niềm vui ấy cho mọi người. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Chủ đề :
Chúa đã sống lại rồi


Chúa đã sống lại rồi

Sợi chỉ đỏ :
Những lời chứng về việc Chúa Giêsu sống lại :
- Bài đọc I (Cv 10,34a.37-43) : Lời chứng của Thánh Phêrô
- Tin Mừng (Ga 20,1-9) : Lời chứng của Thánh Gioan tông đồ
- Bài đọc II (Cl 3,1-4 ; hoặc 1 Cr 5,6-8) : Lời chứng của Thánh Phaolô
I. Dẫn vào Thánh lễ
Anh chị em thân mến
Lễ Phục sinh là lễ lớn nhất của năm Phụng vụ. Chúa Giêsu đã chiến thắng sự chết, không phải chỉ cho Ngài mà còn cho tất cả chúng ta. Tất cả chúng ta hãy mở rộng cõi lòng để đón nhận niềm vui to lớn này.
II. Gợi ý sám hối
- Chúa sống lại có nghĩa là sự thiện chắc chắn chiến thắng sự ác. Chúng con xin Chúa tha thứ vì đã không tin điều ấy.
- Chúa sống có nghĩa là ân sủng chắc chắn chiến thắng tội lỗi. Chúng con xin Chúa tha thứ vì đã không tin điều ấy.
- Chúa sống có nghĩa là tình thương chắc chắn chiến thắng hận thù. Chúng con xin Chúa tha thứ vì đã không tin điều ấy.
III. Lời Chúa
1. Bài đọc I (Cv 10,34.37-43)
Tại nhà ông Cornêliô ở Xêdarê, Thánh Phêrô đã tóm lược sứ vụ của Chúa Giêsu. Cao điểm của sứ vụ này là việc Ngài chịu chết và sống lại. Nhưng như thế chưa phải là hết : việc Chúa sống lại có ảnh hưởng đến mọi người : "Ai tin vào Ngài thì sẽ nhờ danh Ngài mà được ơn tha tội". Vì thế các tông đồ phải làm chứng và loan truyền Tin Mừng ấy.
2. Đáp ca (Tv 117)
Ca tụng Thiên Chúa vì tình thương mà làm những việc diệu kỳ, nhất là đã làm cho Chúa Giêsu, "tảng đá thợ xây nhà loại bỏ, lại trở nên đá tảng góc tường"
3. Tin Mừng (Ga 20,1-9)
Bằng cách viết rất súc tích với những ý tưởng sâu sắc chứa đựng trong những chi tiết được chọn lựa rất kỹ, Thánh Gioan muốn mô tả hành trình đức tin của 3 nhân vật trong bài tường thuật này : Maria Mađalêna, Phêrô và "người môn đệ kia" (tức tông đồ Gioan).
- Khi ấy là "sáng sớm khi trời còn tối" : họ vẫn còn ở trong đêm tối chưa hiểu được mầu nhiệm Chúa Giêsu, nhưng đã là lúc sáng sớm rồi, bình minh sắp tỏa sáng.
- "Chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu" : "địa chỉ" của Chúa Giêsu là một điều được Tin Mừng Ga lưu ý nhiều lần. Ngay từ đầu quyển Tin Mừng, hai môn đệ đầu tiên đã hỏi "Thưa Thầy, Thầy ở đâu ?" (1,38). Đến phần cuối quyển Tin Mừng, câu hỏi "Thầy ở đâu ?" lại được lặp lại. Các môn đệ Chúa Giêsu luôn muốn biết "địa chỉ" của Ngài.
- Cả 3 nhân vật trong chuyện này đều "chạy" : Mađalêna chạy tìm Simon-Phêrô, ông này cùng với Gioan "cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn". Họ "chạy" để làm chi ? Để tìm đến "địa chỉ" Chúa Giêsu. Đây là cuộc hành trình của đức tin.
- Thiên Chúa đã đặt sẵn những dấu chỉ giúp họ tìm, đó là ngôi mộ trống, những khăn vải liệm còn đó được xếp gọn gàng và những lời tiên báo của Thánh Kinh. Nhưng chỉ một mình "môn đệ kia" đã đọc được ý nghĩa của những dấu chỉ ấy nên "đã thấy và đã tin". Gioan đã tìm được "địa chỉ" của Chúa Giêsu. Thực ra, nhiều lần Chúa Giêsu đã ám chỉ đến "địa chỉ" này ("Thầy về cùng Cha Thầy" : xem Ga 7,33-34 8,21 13,33) nhưng các môn đệ vẫn chưa hiểu. Hôm nay Gioan đã hiểu : Chúa Giêsu đã sống lại và về cùng Thiên Chúa.
4. Bài đọc II (Cl 3,1-4 ; hoặc 1 Cr 5,6-8)
Vì được thông phần vào sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô, kitô hữu phải sống một đời sống mới.
IV. Gợi ý giảng
1. "Tôi tin kính Chúa Giêsu Kitô"
Đức tin của chúng ta thường có tính cách "quy thần", nghĩa là tin có Thiên Chúa, Đấng tạo dựng trời đất muôn vật ; và Thiên Chúa ấy chúng ta chỉ biết được khi linh hồn chúng ta rời khỏi thân xác này. Một đức tin như thế thì vừa lý thuyết vừa tĩnh.
Dưới ánh sáng phục sinh, chúng ta phải làm cho đức tin trở thành sống và động ; đồng thời chúng ta phải làm chứng về đức tin sống động ấy cho những người chỉ có một đức tin vừa lý thuyết vừa tĩnh như đã nói trên. Nhưng làm thế nào ?
Thưa chúng ta phải tập tin vào Chúa Giêsu Kitô :
- Tin vào Chúa Giêsu Kitô là tin vào Đấng đã chịu nạn chịu chết và sống lại, như Thánh Gioan tông đồ (bài Tin Mừng). Thánh Gioan đã nhìn thấy ngôi mồ trống và đã tin. Khi đó đức tin của Gioan mang một chiều kích mới hẳn : Thiên Chúa của Thánh Kinh không còn là một Thiên Chúa của quá khứ nữa mà đã trở thành "Đức Chúa", "Thiên Chúa của sự sống", luôn hiện diện trong lịch sử. Một Thiên Chúa như thế luôn có ý nghĩa với cuộc đời con người : cho dù Ngài đã chịu nạn chịu chết nhưng Ngài đã sống lại. Ngài đã chiến thắng đau khổ và sự chết. Từ nay đau khổ và chết chóc không phải là những chuyện phi lý nữa. Từ nay chúng ta cứ bước theo Ngài thì sẽ đi qua được mọi khổ đau chết chóc để đến sự sống.
- Tin vào Chúa Giêsu Kitô cũng là tin vào mầu nhiệm cuộc sống của chính chúng ta : nhờ bí tích Rửa tội, chúng ta có một sự sống mới, "và sự sống mới ấy hiện đang tiềm tàng với Chúa Giêsu Kitô nơi Thiên Chúa" (Bài đọc II), vì thế chúng ta "hãy hướng lòng về những gì thuộc thượng giới".
2. Đi thăm mộ
Sáng Chúa nhật Phục sinh, các phụ nữ đi đến ngôi mồ đã chôn xác Chúa Giêsu. Họ đến đấy để ướp xác Ngài. Nhưng đó không phải là lý do duy nhất. Họ còn muốn được ở gần Đấng đã từng làm cho đời họ tràn đầy ý nghĩa, nhưng bây giờ cái chết của Ngài lại khiến lòng họ tràn ngập nỗi u sầu không gì an ủi được.
- Chúng ta cũng thường làm như các bà ấy. Khi một người thân yêu của chúng ta chết, chúng ta khó chấp nhận rằng người ấy đã vĩnh viễn xa cách chúng ta. Vì thế chúng ta thấy cần phải duy trì một sự liên kết nào đó với người đã chết. Và một trong những cách chúng ta có thể làm, đó là đi thăm mộ. Tuy nhiên việc này chẳng những không làm dịu đi nỗi đau bị mất mát, mà còn khiến mình càng thấy mất mát hơn, bởi vì không nơi nào khiến ta ý thức về cái chết của người thân cho bằng nơi chôn cất người thân ấy.
Sáng hôm ấy, nếu mọi sự diễn ra đúng như các bà dự kiến thì các bà đã ướp xác Chúa Giêsu, xong rồi lắp của mồ lại, rồi trở về nhà với cõi lòng nặng trĩu u sầu vì các bà càng ý thức rằng những chuyện khủng khiếp xảy ra hôm Thứ Sáu không phải chỉ là một giấc mơ mà là một sự thật : Thầy của họ đã chết thật rồi !
Tuy nhiên mọi sự không xảy ra như dự kiến. Khi đến mộ, các bà đã gặp hai thiên thần. Các vị ấy bảo "Sao các bà lại tìm người sống nơi cõi chết ? Ngài không còn ở đây, Ngài đã sống lại". Nghĩa là các bà đừng mất thời giờ để tìm Chúa Giêsu ở ngôi mộ nữa.
- Tất cả chúng ta thường cảm thấy tuyệt vọng khi đứng trước những nấm mồ, vì ở đó mọi sự đều nói lên chết chóc. Tuy nhiên chính ở một ngôi mộ như thế mà lần đầu tiên tin mừng sống lại được loan báo. Chúa đã chọn một nơi thật thích hợp, nơi mà xem ra sự chết thống trị, để loan báo Tin Mừng phục sinh.
Phụng vụ hôm nay cũng gởi đến chúng ta một sứ điệp tương tự : Đừng tìm kiếm những kẻ thân yêu của mình nơi những nấm mồ, vì họ chẳng có ở đó đâu. Chúa Giêsu đã chiến thắng sự chết, không chỉ cho bản thân Ngài mà cho tất cả mọi người chúng ta. Ngài là Đấng đầu tiên sống lại, và chúng ta cũng sẽ sống lại như Ngài. Như thế, đối với Kitô hữu thì sự chết không phải là tiếng nói cuối cùng. Người thân quá cố của chúng ta không chết, mà vẫn còn sống. Cuộc sống của họ còn thực và đẹp hơn cả cuộc sống hiện tại của chúng ta nữa. Hơn nữa họ không hề xa cách chúng ta. Những ai đã chết trong ân sủng thì khoảng cách giữa họ với chúng ta không xa hơn khoảng cách giữa Thiên Chúa với chúng ta. Mà Thiên Chúa thì rất gần với chúng ta. (FM)
3. Kỷ nguyên cứu rỗi
Một bề trên tu viện Công giáo đến tìm một ẩn sĩ ấn giáo tại chân núi Hy Mã Lạp Sơn. Ông lo âu trình bày về tình trạng bi đát của tu viện.
Trước kia tu viện này là một trung tâm thu hút nhiều khách hành hương. Nhà thờ lúc nào cũng vang tiếng hát của giáo dân khắp nơi tuôn đến. Nhà dòng không còn chỗ nhận thêm người xin gia nhập. Thế mà bây giờ tu viện chẳng khác nào một ngôi chùa hoang phế. Nhà thờ vắng lặng, tu sĩ thì leo teo mấy người. Cuộc sống thật là buồn tẻ...
Vị bề trên hỏi tu sĩ ấn giáo cho biết nguyên nhân nào hay lỗi lầm nào đã dưa tu viện tới tình trạng trên đây. Tu sĩ ấn giáo ôn tồn bảo :
- Tội của cộng đoàn đó là tội vô tình.
Và ông giải thích :
- Đấng Cứu Thế đã cải trang thành một người trong quí vị, nhưng quí vị không nhận ra Người.
Từ đó, mọi người đối xử với nhau như với Đấng Cứu Thế. Chẳng bao lâu bầu khí yêu thương huynh đệ thấm thiết, sức sống mới nảy sinh, và niềm vui tràn ngập tu viện. Khắp nơi người ta lại tìm đến tu viện tĩnh tâm cầu nguyện. Nhiều bạn trẻ lại đến xin gia nhập cộng đoàn.
*
"Sao các bà lại tìm người sống giữa kẻ chết ? Người không còn đây nữa, nhưng đã chỗi dậy rồi"(Lc 23,5-6). Buổi sáng Phục Sinh đầu tiên, Chúa Giêsu đã vinh thắng ra khỏi mộ tối, để mở đầu cho một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên cứu rỗi. Người đã hiện ra với Mađalêna, với Phêrô, với hai môn đệ trên đường Emmau, với các môn đệ "đang "tập họp trong nhà cửa đóng kín," - trên bờ biển Tibêria. Và Người" vẫn còn hiện diện giữa chúng ta, những kẻ "tin vào" Người," ở mọi nơi, trong mọi thời đại. Đó là một Tin vui không chỉ cho thành Giêrusalem mà còn cho toàn thế giới.
Tin vui chính là Chúa Giêsu Phục Sinh, ánh sáng rạng ngời, đã xoá tan bóng tối của tử thần và tội lỗi, để dẫn đưa con người bước vào miền ánh sáng sự sống.
Tin vui chính là Chúa Giêsu Phục sinh luôn hiện diện giữa những kẻ tin Người sống lại để mang lại cho họ niềm vui và an bình trong cuộc sống mới.
Nếu ngôi mộ tối đã không thể giam giữ Chúa Giêsu Phục sinh, và xiềng xích của sự chết đã bị Người bẻ gãy, thì không còn gì có thể tiêu diệt chúng ta được. Thánh Phaolô viết : "Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô ? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ gươm giáo ?" (Rm 8,35).
Vì thế,
Sống niềm vui Phục Sinh chính là chết đi cho tội lỗi để sống lại với Chúa trong đời sống mới, đời sống Phục Sinh.
Sống niềm vui Phục Sinh chính là tin rằng Chúa đã sống lại và đã cứu thoát chúng ta khỏi vòng tội lỗi, nên chúng ta hãy đặt niềm tin và hy vọng nơi Người.
Sống niềm vui Phục Sinh chính là sống vui tươi, an bình và yêu thương trong sự hiện diện của Chúa Giêsu Phục Sinh.
Cộng đoàn tu viện trong câu chuyện kể trên chỉ tìm được bầu không khí yêu thương và niềm vui huynh đệ khi mà mọi người nhận ra Đấng Cứu Thế đang ở giữa họ, trong người anh em.
*
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã vượt qua khổ nạn và cái chết để Phục Sinh về với Chúa Cha. Xin cho chúng con biết : Vượt qua ích kỷ nhỏ nhen để quảng đại yêu thương. Vượt qua tự ái, tự kiêu để tha thứ bao dung. Vượt qua đau khổ, cực nhọc để dấn thân hy sinh.
Ước gì cuộc sống chúng con luôn mãi tràn đầy niềm vui và bình an của Chúa Phục Sinh. Amen.(TP)
4. Mầu nhiệm Vượt qua
Cao điểm của năm Phụng vụ là Tuần Thánh vì có rất nhiều lễ nghi, giáo dân tham dự đông đảo và sốt sắng. Hôm nay thì Tuần thánh đã qua đi rồi. Nhưng chúng ta hãy nhìn lại một trong những lễ nghi phong phú ý nghĩa của Tuần Thánh, đó là ngọn nến phục sinh.
Trong đêm thứ Bảy Tuần Thánh, lúc mới bắt đầu nghi lễ thì mọi đèn nến trong sân nhà thờ đều tắt hết, bóng tối bao trùm tất cả. Thế rồi Chủ Tế lấy lửa từ một bếp than châm vào ngọn nến phục sinh. Một tia sáng nhỏ loé lên trong đêm tối. Tiếp đó ánh sáng từ ngọn nến Phục sinh lại được châm vào những ngọn nến của các tín hữu. Ánh sáng tỏa lan dần, và cuối cùng mọi đèn nến đều sáng rực. Ánh sáng đã hoàn toàn đẩy lui bóng tối.
Hình ảnh này rất đẹp, và nhất là chứa đựng một ý nghĩa sâu sắc :
- Bóng tối không thể nào thắng được ánh sáng.
- Ma quỷ không thể nào thắng được Thiên Chúa.
- Sự ác không thể nào thắng được sự thiện.
Đó chính là một chân lý mà các lễ nghi Tuần Thánh muốn soi sáng cho chúng ta. Khi Chúa Giêsu chết thì tưởng như bóng tối, quyền lực ma quỷ và sự ác đã hoàn toàn chiến thắng. Thế nhưng không phải như vậy, Chúa Giêsu đã sống lại. Nghĩa là ánh sáng đã chiến thắng tối tăm, Thiên Chúa đã chiến thắng Satan, và sự thiện đã chiến thắng sự ác.
Sự thật này không phải chỉ đúng cho một mình Chúa Giêsu mà còn đúng cho tất cả mọi người chúng ta nữa. Bởi vì Chúa Giêsu đi vào cuộc chịu nạn, chịu chết và sống lại là trong tư cách Ngài là đại diện của loài người, Ngài là trưởng tử của tất cả mọi người, là hoa trái đầu mùa. Ngài chiến thắng nghĩa là dọn đường cho tất cả chúng ta chiến thắng. Bởi thế, tất cả chúng ta đều có thể cùng với Chúa Giêsu mà lạc quan tin tưởng rằng sau cùng rồi mọi sự ác sự dữ đều sẽ bị đánh bại.
Chính vì thế mà trong khi các tín hữu Rôma đang phải lao đao khốn đốn vì những cuộc bách hại, thánh Phêrô đã gởi thư cho họ nói rằng "Anh em hãy vui mừng mặc dù còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách. Thực ra những thử thách đó chỉ nhằm tinh luyện đức tin của anh em, cũng như lửa thử vàng vậy" (1Pr.1,3-9).
Còn thánh Phaolô, đang lúc phải ngồi tù mà đã viết thư cho giáo đoàn Philip rằng : "Anh em hãy vui lên. Tôi không ngừng nhắc đi nhắc lại rằng anh em hãy vui mừng luôn trong Chúa" (Pl.3,1).
Trong đêm thứ Bảy Tuần Thánh vừa qua, chúng ta đã thấy rất đông người lãnh nhận Bí tích Rửa tội và Thêm sức. Trong số những người đó, có nhiều người hồi trước hầu như bỏ đạo ; vì nghèo quá, khổ quá, gặp thử thách nặng quá nên họ đã chán nản. Nhưng vì trong lòng họ còn một chút ánh sáng đức tin, họ đã không buông trôi. Thế rồi dần dần những khó khăn của họ được tháo gỡ, họ đã quay trở lại với Chúa, và trong đêm đó họ đã vui mừng đứng trong vùng ánh sáng chan hòa của Chúa. Bóng tối không thể nào thắng được ánh sáng.
Trong cuộc đời của chúng ta, có nhiều lúc chúng ta thấy mình quá yếu đuối tội lỗi nên chúng ta ngã lòng muốn buông trôi luôn, có nhiều lúc chúng ta thấy mình bị ác tâm và tội lỗi của kẻ xấu tấn công mạnh quá nên bị nhận chìm trong tăm tối mênh mông… những lúc đó chúng ta chán nản vô cùng. Nhưng mầu nhiệm Chúa Giêsu phục sinh dạy cho chúng ta rằng đừng nên ngã lòng bởi vì cuối cùng thì ánh sáng sẽ luôn chiến thắng, sự thiện sẽ luôn chiến thắng sự ác.
Bởi đó từ đêm lễ phục sinh, Giáo hội hân hoan cất tiếng hát Alleluia, hãy tạ ơn Thiên Chúa. Tiếng hát Alleluia ấy vẫn tiếp tục cất lên trong suốt năm Phụng vụ để nhắc mọi người tín hữu hãy luôn sống lạc quan.
Xin cho chúng ta đừng bao giờ ngã lòng thất vọng.
Xin cho chúng ta luôn luôn tin tưởng vào mầu nhiệm phục sinh.
Xin cho cuộc đời chúng ta lúc nào cũng đầy tràn tiếng hát Alleluia.
5. Lăn tảng đá ra khỏi mộ
Khi các phụ nữ đang trên đường đến mộ Chúa Giêsu, họ băn khoăn tự hỏi "Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi mộ Chúa đây ?"
Sau một trận cãi vả với cha mình, một người kia không thèm nói chuyện với cha nữa. Nhà của hai cha con chỉ cách nhau một quãng ngắn ngủi, nhưng họ không đến thăm nhau và chẳng hề nói với nhau tiếng nào trong nhiều năm dài. Người mẹ thì đã bỏ nhà ra đi từ lâu. Do đó người cha phải sống một mình trong cô độc lẻ loi. Thế giới của ông ngày càng thu hẹp lại, bầu trời của ông ngày càng u ám hơn. Tuy ông chưa chết, nhưng có thể nói ông đang bị chôn trong mồ rồi.
Chúng ta ngạc nhiên vì quyền phép Chúa Giêsu đã làm cho kẻ chết sống lại. Nhưng chúng ta có biết rằng chính chúng ta cũng có thể làm được như thế không ? Có thể lắm chứ. Như người con trong câu chuyện trên. Anh có thể lăn tảng đá ra khỏi nấm mộ của cha anh bằng cách đến thăm ông, nói chuyện với ông. Làm như thế tức là lại mở rộng thế giới của ông và lại làm cho bầu trời cuộc sống của ông trở nên tươi sáng. (FM)
6. Lễ Phục sinh và vấn đề đau khổ
Mừng lễ Phục sinh nhưng chúng ta vẫn còn cảm nhận những đau khổ, đau khổ của bản thân và đau khổ của tha nhân.
Tuy nhiên một yếu tố mới đã phát sinh. Nó không làm đau khổ biến mất, nhưng mang lại cho đau khổ một ý nghĩa và chiếu lên đau khổ một ánh sáng hy vọng.
Mọi sự đã đổi khác rồi, vì Chúa Giêsu vẫn còn sống và nói cho chúng ta nghe những lời bình an.
Ngài đã bẻ gảy quyền lực của sự chết và ban cho chúng ta hy vọng sự sống muôn đời.
Bởi thế, dù vẫn sống giữa những khổ đau, trong lòng chúng ta đã có một niềm vui âm thầm và một cảm giác bình an sâu lắng.
Lạy Chúa, xin ân sủng Chúa bảo vệ niềm hy vọng này, và làm cho niềm hy vọng ấy được thực hiện trọn vẹn trong Nước Chúa trên trời.
7. Bài giảng của Thánh Gioan Kim Khẩu (+ 407)
Tôi sẽ giải thích cho các bạn thế nào về những sự kín nhiệm ? Tôi sẽ công bố thế nào về điều vượt quá mọi ngôn ngữ và mọi trí hiểu ? Tôi phải làm thế nào cho các bạn biết về mầu nhiệm Chúa sống lại ? Thập giá của Ngài là một mầu nhiệm, và việc Ngài chết 3 ngày cùng với những điều xảy đến cho Ngài đều là mầu nhiệm.
Thật vậy, Ngài đã được sinh ra từ cung lòng vẹn sạch của Đức Trinh Nữ như thế nào, thì Ngài cũng được sống lại từ ngôi mồ đóng kín như thể ấy. Con Một Thiên Chúa đã trở thành con đầu lòng sinh bởi một người mẹ thế nào, thì Chúa Giêsu phục sinh cũng trở thành kẻ sống lại đầu tiên của loài người như thể ấy. Hơn nữa, cũng như việc Ngài sinh ra không làm mất đi sự đồng trinh của Đức Mẹ thế nào, thì việc Ngài sống lại cũng chẳng phá vỡ những dấu ấn của ngôi mồ thế ấy. Tôi không biết dùng lời lẽ nào để nói về sự sinh ra của Ngài, tôi cũng chẳng biết nói sao về việc Ngài ra khỏi nấm mồ.
"Hãy đến xem nơi Chúa đã nghỉ" (Mt 28,6), nghĩa là "Hãy đến xem nơi soạn thảo sắc chỉ bảo đảm sự sống lại của bạn. Đó là nơi sự chết bị chôn. Đó là nơi mà một thân xác, một hạt giống không được gieo xuống bởi con người, đã trổ sinh nhiều bông lúa bất tử.
"Hãy đi loan báo cho các anh em Ta là họ phải đến Galilê và gặp Ta ở đấy" (Mt 28,10), nghĩa là "Hãy đi báo cho các môn đệ của Ta về những điều các người đã được chiêm ngưỡng".
Trên đây là những lời Chúa phán với các phụ nữ. Và ngay bây giờ nữa, bên bờ giếng rửa tội, Chúa vẫn hiện diện vô hình cạnh các tín hữu. Ngài ôm ấp những người mới được rửa tội như ôm ấp những bạn hữu và anh em. Ngài đổ đầy niềm vui và hoan lạc trong tâm hồn họ. Ngài rửa sạch mọi vết nhơ của họ trong dòng nước ân sủng. Ngài xức dầu Thánh Thần cho những người được tái sinh. Chúa trở thành lương thực và người nuôi dưỡng họ. Ngài nói với mọi tín hữu rằng "Hãy ăn bánh bởi trời, hãy uống nước chảy ra từ cạnh sườn của Ta. Các con đang đói, hãy ăn no nê ; các con đang khát, hãy uống thỏa lòng"
Ôi lạy Đức Kitô, Thiên Chúa chúng con. Chỉ mình Ngài là Đức Chúa duy nhất, đầy lòng nhân từ yêu thương con người. Cùng với Chúa Cha hoàn toàn vẹn sạch và Chúa Thánh Thần Đấng ban sự sống, chúng con xin dâng lên vinh quang và quyền lực, bây giờ và mãi mãi đến muôn thuở muôn đời. Amen.
V. Lời nguyện cho mọi người
Chủ tế : Anh chị em thân mến, Thiên Chúa Cha đã cho Đức Kitô Phục sinh để trở nên nguồn sống mới và chính Người sẽ dùng quyền năng của mình mà làm cho chúng ta sống lại trong ngày sau hết. Vì thế, với tâm tình cảm tạ tri ân, chúng ta cùng dâng lời cầu xin :
1. Khi sống lại từ cõi chết / Chúa Giêsu đã báo Tin mừng cho mấy phụ nữ  và các tông đồ / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi thành phần Dân Chúa / trở nên những chứng nhân trung thành của Đấng Phục sinh.
2. Khi sống lại từ cõi chết / Chúa Giêsu đã chiến thắng tội lỗi và tử thần / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các tín hữu / biết cởi bỏ con người cũ / và mặc lấy con người mới theo hình ảnh Đức Kitô Phục sinh.
3. Khi sống lại từ cõi chết / Chúa Giêsu đã hiện ra nhiều lần với các tông đồ / và ban Thánh thần cho các ngài / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa cũng ban Thánh thần / để Người tái tạo chúng ta.
4. Khi sống lại từ cõi chết / Chúa Giêsu đem đến cho những ai tin Người bình an và vui mừng / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi thành viên trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta / trở nên những sứ giả mang bình an / và niềm vui đến cho hết thảy mọi người.
Chủ tế : Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chết đau thương và sống lại vinh hiển để cứu chuộc chúng con. Xin cho chúng con biết luôn cố gắng sống xứng đáng với tình thương hải hà của Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.
VI. Trong Thánh Lễ
Trước Kinh Lạy Cha : Chúa Thánh Thần là Đấng cho chúng ta được tham dự vào sự sống và sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô. Vậy chúng ta hãy kết hợp với Chúa Thánh Thần mà dâng lên Chúa Cha những lời cầu nguyện do chính Chúa Giêsu dạy.
Sau Kinh Lạy Cha : "…. Xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an,sự bình an mà Chúa Giêsu phục sinh luôn chúc cho các môn đệ…"
VII. Giải tán
Chúa Giêsu đã sống lại. Ngài đang hiện diện trong cuộc sống chúng ta và trong thế giới. Chúng ta hãy làm chứng cho Ngài, làm chứng về niềm vui và sự bình an của Ngài. Alleluia, alleluia.

Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI


Lectio Divina: Chúa Nhật Phục Sinh (A)
Chúa Nhật, 16 Tháng 4, 2017


Sự phục sinh của Chúa Giêsu 
Người đang sống giữa chúng ta 
Ga 20:1-9

1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.   Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của mình.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.

Xin hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự việc của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ hưởng được sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn gốc của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.

2.  Bài Đọc:

a)  Chìa khóa hướng dẫn bài đọc:

Chúng ta hãy đọc bài Tin Mừng, trong đó Thánh Sử tìm cách cho người đọc biết được ý nghĩa của niềm tin vào sự phục sinh.  Ông làm điều này bằng chuyến đi thăm ngôi mộ trống của hai môn đệ và việc hiện ra của Chúa Giêsu với bà Maria Mađalêna.  Trong khi đọc, chúng ta hãy chú ý đến các chi tiết của câu chuyện như được kể trong Tin Mừng của Gioan đã trình bày theo một khía cạnh biểu tượng rất sâu đậm.
  
b)  Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho việc đọc kỹ càng:

Ga 20:1-3:  Sự bối rối trước ngôi mộ trống
Ga 20:4-10:  Phêrô và người môn đệ Chúa yêu chạy đến mộ:  người môn đệ Chúa yêu đã thấy và đã tin
Ga 20:11-18:  Chúa Giêsu hiện ra đầu tiên với bà Maria Mađalêna và truyền cho bà một mệnh lệnh

c)  Phúc Âm:

1-3:  Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối.  Bà thấy tảng đá được lăn ra khỏi mồ và liền chạy về tìm Simon Phêrô và người môn đệ khác được Chúa Giêsu yêu mến.  Bà nói với các ông rằng:  “Người ta đã lấy xác Thầy ra khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu.”  Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ.   
4-10:  Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước.  Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong.  Vậy Simon Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó và khăn liệm che đầu Người trước đây; khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ.  Bấy giờ môn đệ kia mới vào dù ông đã tới mồ trước.  Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết.  Sau đó các môn đệ lại trở về nhà.
11-18:  Khi ấy, bà Maria Mađalêna còn đứng gần mồ Chúa mà than khóc.  Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mồ, thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giêsu, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân.  Thiên thần hỏi bà:  “Này bà, sao bà khóc?”  Bà thưa:  “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!”  Nói xong, bà quay lại và thấy Chúa Giêsu đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giêsu.  Chúa Giêsu nói với bà:  “Này bà, sao bà khóc?  Bà tìm ai?”  Bà Maria tưởng là người làm vườn, liền nói:  “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.”  Chúa Giêsu gọi bà:  “Maria!”  Bà quay lại và nói bằng tiến Hípri:  “Rápbuni,” nghĩa là “Lạy Thầy.”  Chúa Giêsu bảo bà:  “Đừng động đến Ta, vì Ta chưa về cùng Cha Ta.  Nhưng hãy đi báo tin cho các anh em Ta hay và bảo họ rằng:  Ta về cùng Cha Ta, cũng là Cha các con; về cùng Thiên Chúa Ta, cũng là Thiên Chúa của các con.”  Maria Mađalêna đi báo tin cho các môn đệ rằng:  “Tôi đã trông thấy Chúa và Chúa đã phán với tôi những điều ấy.”
 
3.  Giây phút cầu nguyện trong thinh lặng

Để Lời của Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý

Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân.

a)  Điều gì đã làm bạn cảm động trong đoạn Tin Mừng mô tả kinh nghiệm đầu tiên của việc sống lại?
b)  Người môn đệ được Chúa yêu bước vào, đã trông thấy và tin.  Ông đã thấy gì và điều gì đã khiến ông tin?  Tại sao bài Tin Mừng chỉ cho chúng ta biết phản ứng của người môn đệ Chúa yêu mà không nói về phản ứng của Phêrô?   
c)  Những thay đổi gì đã xảy ra với bà Maria Mađalêna trong lúc đối thoại?   Sự thay đổi này xảy ra như thế nào? 
d)  Chúa Giêsu đã trao cho bà Maria Mađalêna sứ vụ hay mệnh lệnh nào? 
e)  Bà Maria Mađalêna đang tìm kiếm Chúa Giêsu trong một hướng và gặp lại Người trong một hướng khác.  Điều này xảy ra trong đời sống của chúng ta như thế nào?
f)   Thấy và tin.  Người môn đệ Chúa yêu đã thấy và đã tin.  Điều gì đã khiến tôi tin rằng Chúa Giêsu đã sống lại, Người đang hiện diện ở giữa chúng ta, đang ban đời sống mới cho người nghèo khó?
g)  Bạn đã có bao giờ trải qua một kinh nghiệm về mất mát hoặc chết chóc chưa?  Điều gì đã cho bạn cuộc sống mới, hay một hy vọng mới và niềm vui của đời sống?  Điều gì đã khiến tôi nói khi tôi khẳng định:  “Tôi tin vào việc sống lại”?
                                                                                                                                                                                
5.  Chìa khóa dẫn đến bài đọc

Dành cho những ai muốn đào sâu hơn vào bài Tin Mừng

a)    Trong Tin Mừng của thánh Gioan, đức tin vào sự phục sinh được đọ sức trong sự diễn tả cuộc thương khó và cái chết của Chúa Giêsu:

*  Khi mô tả cuộc thương khó và cái chết của Chúa Giêsu, Tin Mừng của Gioan không chỉ muốn vạch ra bản án đã được thông qua vì lý do mưu đồ chính trị, mà là thời điểm Con Thiên Chúa được vinh hiển.  Trong toàn bộ quá trình đưa Chúa Giêsu đến cái chết của Người, Chúa chủ động những gì xảy ra cho Người và cho những đối thủ của Người.  Đối với Thánh Sử Gioan, thập giá được đồng nghĩa với “nâng lên”, giương lên cao, ở cùng với Chúa Cha (Ga 3:14; 8:28; 12:32-34).  Nó là sự khởi đầu của sự phục sinh đã được mặc khải đầy đủ vào ngày đầu tuần (Ga 20:1).  Đó là lý do tại sao trong Tin Mừng của Gioan không hề có sự chống trả tại vườn Cây Dầu (Ga 18:1-2).  Khi Chúa Giêsu đang bị giam, các binh sĩ đã khiếp sợ khi nghe Chúa Giêsu phán:  “Chính Ta đây!” (Ga 18:6).  Khi Chúa Giêsu sinh thì, Người đã không kêu lên lớn tiếng như theo các sách Tin Mừng khác.  Một cách bình thản, Người trăn trối lại với thân mẫu và môn đệ Người, và sau đó thì gục đầu trút hơi thở cuối cùng (Ga 19:28-30).

*  Câu chuyện cuộc thương khó là một thí dụ cụ thể hơn về việc Gioan đã không đơn giản liên đới các dữ kiện lịch sử, mà lại đặt chúng qua một máy chiếu quang tuyến X.  Ông cố gắng cho thấy rằng có những sự thật ẩn dấu.  Khi Philatô, Anna, những người có thẩm quyền Do Thái và La Mã cố gắng kết thúc mạng sống của Chúa Giêsu, thì thật ra họ đang tạo cơ hội cho Chúa Giêsu được nâng lên hướng về Thiên Chúa.  Từ nhà giam, Chúa Giêsu đã điều hướng các sự việc và dâng hiến mạng sống của Người.  “Chính Ta tự ý hy sinh mạng sống Ta, và như Ta có quyền hy sinh thì Ta cũng có quyền lấy lại mạng sống ấy.  Không ai lấy đi được, nhưng chính Ta tự ý hy sinh mạng sống mình” (Ga 10:17-18).  Tất cả mọi người có thể yên tâm và tràn đầy hy vọng bởi vì Chúa Giêsu đã vượt thắng và đã được tôn vinh bên Chúa Cha (Ga 17:5).

b)    Phêrô và người môn đệ Chúa yêu đi đến ngôi mồ trống (các câu 1-10)

*  Kinh nghiệm về sự phục sinh của cộng đoàn tín hữu trong thời sơ khai là một quá trình lâu dài, một kinh nghiệm được tăng trưởng chậm chạp như sự tăng trưởng của một cái cây chắc chắn.  Thoạt đầu, nhiều người đã không tin vào lời chứng của những người đã có kinh nghiệm về sự hiện diện sống động của Chúa Giêsu (Mt 28:17; Mc 16:11, 13, 14; Lc 24:11, 36, 41; Ga: 20:25).  Nhưng kinh nghiệm của sự phục sinh được thể hiện dưới dạng của những lần hiện ra quá mạnh mẽ, quá sâu xa và có sức thuyết phục đến nỗi mà nó đã thành công trong việc khắc phục được lòng tin của con người khi phải đối mặt với khả năng chiến thắng của sự sống trên cái chết.

*  Phụ nữ thường trung thành hơn nam giới.  Họ là những người đầu tiên tin vào Tin Mừng của sự phục sinh (Mt 28:9-10; Lc 24:4-11; Ga 20:11-18).  Khi được bà Maria Mađalêna cho biết về tin vì bà đã thấy ngôi mồ trống, Phêrô và người môn đệ Chúa yêu cùng chạy ra mồ.  Tin Mừng thuật lại một chi tiết kỳ lạ, theo đó “người môn đệ kia” chạy nhanh hơn Phêrô và đến mồ trước, nhưng ông không vào trong.  Ông nhìn vào và thấy những dây băng trên mặt đất.  Và sau khi ông bước vào ông cũng thấy khăn liệm che đầu được gấp lại để sang một bên.  Tin Mừng sau đó cho biết tiếp:  “Ông đã thấy và ông tin!”  Nhưng không có chi tiết nào nói về phản ứng của Phêrô dù rằng ông là người đầu tiên bước vào ngôi mồ trống.  Cuối cùng, Tin Mừng cho biết thêm:  “Cho đến lúc này, các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì con Người phải sống lại từ cõi chết” (Ga 20:9).  Điều này có nghĩa rằng chỉ riêng phần Cựu Ước thì không truyền đạt được sự hiểu biết đầy đủ về những gì nó chứa đựng.  Ánh sáng cho sự hiểu biết ý nghĩa thật sự của Cựu Ước hiện ra ngay tại thời điểm khi người môn đệ Chúa yêu “đã thấy và tin”.  Kinh nghiệm của ông về sự phục sinh giống như làn ánh sáng đập vào mắt các môn đệ và mặc khải cho họ ý nghĩa đầy đủ và trọn vẹn của Cựu Ước.  Chính sự soi sáng này dẫn đến cái nhìn sẽ giải thoát những lời của Cựu Ước.

*  Một so sánh cụ thể để hiểu được sự thay đổi.  Trong vòng bạn bè, có người đã cho xem một bức ảnh một người có khuôn mặt khắc khổ, với ngón tay dơ lên, gần như đang tấn công người ta.  Mọi người đều nghĩ rằng ông ta là một người khó khăn, khắc nghiệt, kẻ sống xa cách với những người chung quanh.  Vào lúc đó, một cậu bé chạy đến và nói:  “Đây là cha tôi!”  Những người khác nhìn ông ta và nói:  “Thật là người cha cay nghiệt!”  Đứa bé trả lời:  “Không, không phải đâu!  Cha tôi rất yêu thương tôi.  Cha tôi là một luật sư.  Bức ảnh đó được chụp trong tòa khi ông đang lên án tội ác của một người giàu có khi người ấy muốn chiếm giật mảnh đất của một gia đình nghèo mà họ đã làm chủ từ lâu!  Cha tôi đã thắng vụ kiện đó.  Gia đình nghèo khó kia đã không bị tước đoạt mất đất đai của họ!”  Tất cả mọi người cùng xem lại tấm ảnh và nói:  “Thật là một bức ảnh đẹp!”  Gần như là nhờ phép lạ, một tia sáng đã rọi chiếu trên bức ảnh và nó được khoác lên một cái nhìn mới.  Khuôn mặt khắc nghiệt ấy đã trở nên khuôn mặt tràn đầy từ ái!  Chỉ lời nói của cậu con trai đã thay đổi tất cả, trong khi không có gì thay đổi!  Những lời nói và hành động của Chúa Giêsu, phát sinh từ kinh nghiệm của Người như một người con, được nhận lãnh và nuôi dưỡng bởi Chúa Cha, không hề sửa đổi một dấu chấm hay một dấu phẩy, đã thay đổi toàn bộ ý nghĩa của Cựu Ước (Mt 5:17-18).  Cùng một Thiên Chúa, Đấng có vẻ như xa cách và nghiêm khắc, đã mang những nét của Chúa Cha nhân từ, đầy trìu mến!   

c)    Chúa Giêsu hiện ra với bà Maria Mađalêna:

*   Maria Mađalêna là một trong số ít người có đủ can đảm ở lại với Chúa Giêsu cho đến giờ phút cuối cùng của Người trên thập giá.  Bà trở lại ngôi mồ lần chót, nơi mà bà đã đến đó với người môn đệ Chúa yêu.  Bà đi tìm Chúa Giêsu, Người mà bà đã đi theo trong ba năm qua.  Các môn đệ từ E-mau sẽ thấy Đức Giêsu, nhưng sẽ không nhận ra Người (Lc 24:15-16).  Điều tương tự xảy ra với Maria Mađalêna.  Bà nhìn thấy Chúa Giêsu, nhưng không nhận ra Người.  Bà nghĩ đó là người làm vườn.  Nhưng bà đang tìm kiếm Chúa Giêsu của quá khứ, Đức Giêsu của ba ngày trước đây.  Hình ảnh của Chúa Giêsu như Người đã ngăn cản bà không nhận ra Chúa Giêsu hằng sống, hiện diện trước mặt bà.      

*   Chúa Giêsu gọi:  “Maria!”  Đây là dấu hiệu để cho bà nhận ra Chúa:  cùng một giọng nói, cùng một cách gọi tên.  Bà đáp lại:  “Lạy Thầy!”  Chúa Giêsu đã trở lại, và cũng là Chúa Giêsu đã chết trên thập giá.  Ấn tượng đầu tiên của bà là cái chết ấy chỉ là một biến cố đau thương trên đường đời, và bây giờ tất cả đã trở lại như trước.  Maria ôm chầm lấy Chúa Giêsu.  Đó chính là Đức Giêsu bà đã biết.

*  Thật ra, đó cùng là một Đức Giêsu, nhưng phong cách đối xử với bà không giống như xưa.  Chúa Giêsu nói với bà:  “Đừng động đến Ta, vì Ta chưa về cùng Cha Ta!”  Người sẽ đi về cùng Chúa Cha.  Maria Mađalêna phải rời khỏi Chúa Giêsu và thi hành sứ mạng của mình:  đi báo tin cho các anh em hay Chúa Giêsu đã về cùng Chúa Cha.  Đức Giêsu đã mở đường cho chúng ta và đã mang Thiên Chúa tới gần chúng ta lần nữa. 

*  Cách Chúa Giêsu hiện ra với Maria Mađalêna được mô tả làm cho chúng ta nhận ra các giai đoạn của cuộc hành trình bà đã phải trải qua, từ việc tìm kiếm đầy thương đau đến việc gặp lại Chúa Phục Sinh.  Đây cũng là những giai đoạn tất cả chúng ta đều phải đi qua trong cuộc sống của mình, việc tìm kiếm Thiên Chúa bằng cách sống theo Phúc Âm. 

6.  Thánh Vịnh 27 (26):

Thiên Chúa là sự vinh quang của con

CHÚA là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi,
tôi còn sợ chi ai?
CHÚA là thành luỹ bảo vệ đời tôi,
tôi còn sợ gì ai?
Khi ác nhân xông vào, định nuốt sống thân tôi,
ai ngờ chính đối phương, chính những thù địch ấy,
lại lảo đảo té nhào.
Dù cả một đạo quân vây đánh, lòng tôi chẳng sợ gì.
Dù có phải lâm vào chiến trận, tôi vẫn cứ cậy tin.
Một điều tôi kiếm tôi xin,
là luôn được ở trong đền CHÚA tôi
mọi ngày trong suốt cuộc đời,
để chiêm ngưỡng CHÚA tuyệt vời cao sang,
ngắm xem thánh điện huy hoàng.
Ngày tôi gặp tai ương hoạn nạn,
Người che chở tôi trong lều thánh,
đem giấu tôi thật kín trong nhà,
đặt an toàn trên tảng đá cao.
Nên giờ đây tôi ngẩng đầu đắc ý,
nhìn quân thù vây bủa chung quanh.
Tôi sẽ dâng lễ tế trong thánh điện,
lễ tạ ơn, nhã nhạc vang lừng,
tôi sẽ đàn ca mừng kính CHÚA.
Lạy CHÚA, cúi xin Ngài nghe tiếng con kêu,
xin thương tình đáp lại.
Nghĩ về Ngài, lòng con tự nhủ: hãy tìm kiếm Thánh Nhan.
Lạy CHÚA, con tìm thánh nhan Ngài,
Xin Ngài đừng ẩn mặt.
Tôi tớ Ngài đây, xin đừng giận mà ruồng rẫy,
chính Ngài là Đấng phù trợ con.
Xin chớ bỏ rơi, xin đừng xua đuổi,
lạy Thiên Chúa, Đấng cứu độ con.
Dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa,
thì hãy còn có CHÚA đón nhận con.
Xin dạy con đường nẻo Ngài, lạy CHÚA,
dẫn con đi trên lối phẳng phiu,
vì có những người đang rình rập.
Xin đừng phó mặc con cho kẻ thù hung hãn,
vì lũ chứng gian đứng dậy tố con,
giương bộ mặt hằm hằm sát khí.
Tôi vững vàng tin tưởng
sẽ được thấy ân lộc CHÚA ban trong cõi đất dành cho kẻ sống.
Hãy cậy trông vào CHÚA, mạnh bạo lên, can đảm lên nào!
Hãy cậy trông vào CHÚA.

7.  Lời nguyện kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa vì những Lời của Chúa đã trao ban để giúp chúng con có thể hiểu cặn kẽ hơn Thánh ý của Chúa Cha.  Nguyện xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho những việc chúng con đang làm và ban cho chúng con sức mạnh để chúng con có thể thực thi Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Chúng con nguyện xin được giống như Đức Maria, mẹ Người, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa.  Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét