Trang

Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

05-05-2012 : THỨ BẢY TUẦN IV MÙA PHỤC SINH


Thứ Bảy sau Chúa nhật IV Phục Sinh
Cv 13,44-52 ; Tv 97 ; Ga 14,7-14.

Bài đọc                                    Cv 13,44-52

44 Vào một ngày sa-bát, gần như cả thành An-ti-ô-khi-a tụ họp nghe lời Thiên Chúa. 45 Thấy những đám đông như vậy, người Do-thái sinh lòng ghen tức, họ phản đối những lời ông Phao-lô nói và nhục mạ ông. 46 Bấy giờ ông Phao-lô và ông Ba-na-ba mạnh dạn lên tiếng : "Anh em phải là những người đầu tiên được nghe công bố lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ lời ấy, và tự coi mình không xứng đáng hưởng sự sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía dân ngoại. 47 Vì Chúa truyền cho chúng tôi thế này : Ta sẽ đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ đến tận cùng cõi đất."
48 Nghe thế, dân ngoại vui mừng tôn vinh lời Chúa, và tất cả những người đã được Thiên Chúa định cho hưởng sự sống đời đời, đều tin theo. 49 Lời Chúa lan tràn khắp miền ấy.
50 Nhưng người Do-thái sách động nhóm phụ nữ hượng lưu đã theo đạo Do-thái, và những thân hào trong thành, xúi giục họ ngược đãi ông Phao-lô và ông Ba-na-ba, và trục xuất hai ông ra khỏi lãnh thổ của họ. 51 Hai ông liền giũ bụi chân phản đối họ và đi tới I-cô-ni-ô. 52 Còn các môn đệ được tràn đầy hoan lạc và Thánh Thần.



Đáp ca                                     Tv 97,1.2-3ab.3cd-4 (Đ. c. 3cd)

Đáp :    Toàn cõi đất này đã xem thấy
            ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.


Hoặc:
Đáp :    Ha-lê-lui-a.

1          Hát lên mừng Chúa một bài ca mới,
            vì Người đã thực hiện bao kỳ công.
            Người chiến thắng nhờ bàn tay hùng mạnh,
            nhờ cánh tay chí thánh của Người.                             Đ.

2          Chúa đã biểu dương ơn Người cứu độ,
            mặc khải đức công chính của Người trước mặt chư dân ;
3ab      Người đã nhớ lại ân tình và tín nghĩa
dành cho nhà Ít-ra-en.                                                             Đ.

3cd      Toàn cõi đất này đã xem thấy
            ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.
4          Tung hô Chúa, hỡi toàn thể địa cầu,
            mừng vui lên, reo hò đàn hát.                                      Đ.



Tung hô Tin Mừng                 x. Ga 8,31b-32

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : " Nếu anh em ở lại trong lời Thầy, thì anh em thật là môn đệ Thầy, và anh em sẽ biết sự thật." Ha-lê-lui-a.




Tin Mừng                                Ga 14,7-14

7 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : "Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người."
8 Ông Phi-líp-phê nói : "Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện." 9 Đức Giê-su trả lời : "Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư ? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói : ' Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha ' ? 10 Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao ? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. 11 Anh em hãy tin Thầy : Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy ; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm. 12 Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha. 13 Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con. 14 Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó.
(bản văn theo UB.Kinh Thánh/HĐGMVN)


Suy Niệm:
Ðức Giêsu mạc khải cho các môn đệ về Chúa Cha. Tất cả đời sống của Ðức Giêsu: lời nói, suy tư, việc làm... đều quy về Chúa Cha và cũng trong Ðức Giêsu. Mầu nhiệm cao siêu của Chúa Cha được bày tỏ cách hoàn hảo nhất. Trong Cha có Con và trong Con có Cha. Vì thế, tin vào Ðức Giêsu là tin vào Chúa Cha. Và xin gì với Chúa Cha nhân danh Ðức Giêsu thì được chính Ðức Giêsu thực hiện.

Cầu Nguyện:
Lạy Cha, qua mạc khải của Ðức Giêsu Con Cha, chúng con cảm nghiệm được tình yêu sâu thẳm của Ba Ngôi: Cha cho Con tất cả; Con yêu Cha hết tình. Nhân loại chúng con dù nhỏ bé, hèn mọn nhưng được hạnh phúc tham dự vào huyền nhiệm tình yêu của Thiên Chúa. Trong Ðức Giêsu, chúng con được đáp ứng tất cả mọi nhu cầu. Trong Ðức Giêsu, chúng con xin tạ ơn Cha hiệp cùng Ðức Giêsu Con Cha, Chúa chúng con. Amen.
(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)

Hứa Chỗ Cho Môn Ðệ

Có một vị vua nọ, thông minh tài giỏi, nhưng cũng chẳng kém phần ngạo ngược. Ngày kia, vua bỗng nảy ra một ý nghĩ táo bạo gần như thách thức. Vua cho mời một nhà lãnh đão tôn giáo đến và ra lệnh trong vòng một tuần lễ ông phải làm thế nào cho vua thấy được Thiên Chúa. Nếu không, ông sẽ bị chém đầu.
Thật là một đòi hỏi nan giải và hóc búa. Làm sao có thể thỏa mãn được ước muốn càn dở của vua đây? Không thiếu phép lạ, nhưng phép lạ không phải để đáp lại những ý nghĩ điên rồ và thách thức như thế. Biết được nỗi lo âu của nhà lãnh đạo tôn giáo, một kẻ chăn chiên đến xin ông cho phép anh được chỉ cho nhà vua thấy Thiên Chúa. Nhà lãnh đạo tôn giáo không mấy tin, nhưng chẳng biết thế nào hơn.
Vào một buổi sáng đã hẹn, kẻ chăn chiên dẫn nhà vua đến đồng cỏ nơi anh thường thả đàn súc vật. Họ đi bộ không dùng xe ngựa. Lúc họ tới nơi thì mặt trời đã gần trên đỉnh đầu. Người chăn chiên đưa tay chỉ mặt trời và bảo nhà vua nhìn. Vua nổi giận bảo anh muốn làm mù đôi mắt của vua hay sao mà bắt vua nhìn. Bấy giờ người chăn chiên mới quì xuống trước mặt vua và thưa: "Tâu bệ hạ, chỉ một vật do bàn tay Thiên Chúa tạo ra mà ánh quang của nó rực rỡ đến nỗi bệ hạ chẳng dám nhìn, thì làm sao bệ hạ có thể nhìn thấy Thiên Chúa được?" Chính lúc ấy nhà vua đã thấy Thiên Chúa không phải bằng đôi mắt nhưng bằng niềm tin.
Anh chị em thân mến!
Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Philipphê, một trong nhóm mười hai đã nói lên ước muốn: "Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Cha và như thế là đủ cho chúng con". Chúa Giêsu đã phản ứng thế nào? Và trả lời làm sao? Ðó là những vấn đề mà chúng ta sẽ đề cập trong bài Tin Mừng hôm nay.
Anh chị em thân mến!
Chắc hẳn khi lên tiếng xin Thầy chỉ cho xem thấy Thiên Chúa Cha, thánh Philipphê đã lên tưởng tới hình ảnh một Thiên Chúa oai phong, đầy quyền năng như Ngài đã tỏ vinh quang trên núi Sinai. Một Thiên Chúa mà khi tiếp cận, Môisê chỉ được chiêm ngắm phía sau Ngài chứ chẳng được thấy dung nhan Ngài.
Tâm trạng của Philipphê cũng là tâm trạng của vị vua trên hay của bất cứ ai trong chúng ta, một niềm tin đòi hỏi sự lạ. Bởi thế mà không ít người sẵn sàng hao tốn tiền bạc, thời giờ để tìm đến nơi xảy ra dấu lạ cho bằng được. Một dịp hành hương có ý nghĩa và quan trọng hơn Tam Nhật Thánh của ngày lễ Phục Sinh.
Tuy nhiên, đáp lại yêu cầu của Philipphê, Chúa Giêsu đã dùng một lời khẳng định và một câu hỏi khẳng định đặt trước và một câu hỏi nằm sau. Nếu theo đúng phương pháp sư phạm, câu hỏi phải được đặt trước, vì đặt câu hỏi là giúp khai mở dần của việc đối diện để hướng về sự thật sắp được giãi bày. Chẳng phải Chúa Giêsu không biết đến phương pháp này, nhưng Ngài đã trả lời cách khác, vì Ngài muốn nêu lên một chân lý: "Ai thấy Thầy là thấy Cha, Thầy với Cha là một". Ðó là một thực tại quá hiển nhiên không còn phải bàn cải.
Câu hỏi tiếp theo có công dụng như một lời nhắc nhở cho Philipphê hãy quay nhìn trở lại cuộc sống thân tình giữa Thầy và các môn đệ. Những lời Thầy nói, những việc Thầy làm không phải là của Thầy, nhưng đều là của Thiên Chúa Cha ở trong Thầy. Sự thân tình quen thuộc đã khiến cho các môn đệ chẳng nhận ra Ngài là Thiên Chúa.
Lời nhắc nhở của Chúa Giêsu đối với tông đồ Philipphê cũng là lời Ngài muốn nhắc nhở chúng ta hôm nay. Ðừng cho các quen thuộc bên ngoài che mất thực tại bên trong. Tìm kiếm Thiên Chúa là một điều tốt, nhưng thật đáng trách khi đứng trước Ngài mà chẳng nhận ra Ngài. Chúng ta nôn nao tìm kiếm dấu lạ, nhưng rồi dấu lạ xảy ra trước mắt mà lại chẳng nhìn thấy. Hằng ngày qua lời truyền phép của linh mục, Chúa Giêsu hiện diện thực sự trên bàn thờ mà đã mấy lúc chúng ta tỏ ra thái độ cung kính tin nhận Ngài. Và rồi trong cuộc sống, biết bao lời cầu khẩn, xin ơn được dâng lên Thiên Chúa, nhưng đã có lần nào chúng ta biết dừng lại để khám phá ra ơn lành của Ngài đã bị mất giữa chuỗi dài những quen thuộc thường xảy ra.
Qua bài Tin Mừng hôm nay ước mong rằng mỗi người trong chúng ta luôn biết giữ thái độ tìm kiếm. Một sự tìm kiếm không ở đâu xa nhưng chính trong cuộc sống quen thuộc tầm thường, hằng ngày, đập vỡ chiếc vỏ quen thuộc bằng cách biết ngạc nhiên, biết đặt câu hỏi, chắc chắn chúng ta sẽ thấy khuôn mặt của Thiên Chúa cũng như tình yêu của Ngài. Amen.

(Veritas Asia)
SUY NIỆM
Sau khi ông Tôma hỏi Thầy Giêsu về đường (Ga 14, 5),
thì ông Philípphê lại xin Thầy cho các môn đệ thấy Chúa Cha (c. 8).
Không rõ Philípphê muốn thấy Thiên Chúa theo kiểu nào,
bởi lẽ theo niềm tin chung của người Do-thái
không ai thấy Thiên Chúa chí thánh mà sau đó còn sống được (x. Xh 33, 20).
Dù sao khát vọng được thấy Thiên Chúa là ước mơ chính đáng.
Thiên Chúa đã thỏa mãn ước mơ mà Ngài đã đặt vào lòng con người.
Nơi Đức Giêsu, là Ngôi Lời nhập thể và là Con Thiên Chúa,
chúng ta có thể thấy được Thiên Chúa bằng mắt phàm.
“Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (c. 9).
Nhìn ngắm khuôn mặt Thiên Chúa nơi Đức Giêsu
chúng ta chẳng những không phải chết, nhưng được sống.
Theo quan niệm của người Do-thái, 
sứ giả là đại diện trọn vẹn cho người sai mình.
Đức Giêsu đã là sứ giả cho Cha một cách tuyệt vời.
Ngài là một với Thiên Chúa, Đấng sai Ngài :
“Thầy ở trong Chúa Cha, và Chúa Cha ở trong Thầy” (c. 11).
Các lời Ngài nói, Ngài không tự mình nói.
Các việc Ngài làm, Ngài không tự mình làm.
“Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy,
chính Người làm những việc của mình” (c. 10).
Nhìn những việc Đức Giêsu làm, chúng ta nhận ra đó là việc của Cha.
Cha làm việc của Cha qua Con của mình là Đức Giêsu.
“Ai tin vào Thầy, người đó sẽ làm được những việc Thầy làm.
Người đó còn làm được những việc lớn lao hơn nữa, 
bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha” (c. 12).
Chúng ta vẫn ở trong mùa Phục sinh, mùa của sự sống chiến thắng.
Đức Giêsu đã về với Chúa Cha và được vào trong vinh quang.
Khi tin vào Ngài, khi gắn bó với một Đấng phục sinh quyền năng như thế,
chúng ta có thể làm được những điều như Ngài đã làm :
trừ quỷ, chữa bệnh, hoàn sinh kẻ chết (Mc, 16, 17-18; Cv 9, 34.40).
Và như Đức Giêsu, điều vĩ đại mà chúng ta có thể làm cho thế giới hôm nay 
 yêu thương, yêu như Thầy đã yêu, yêu đến hiến mạng.
Hãy mạnh dạn nhân danh Đức Giêsu mà xin,
vì biết thế nào Ngài cũng làm cho người gắn bó với Ngài.
Tất cả để Cha được tôn vinh nơi Con (c. 14).
LỜI NGUYỆN 
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con biết con,
xin cho con biết Chúa.
Xin cho con chỉ khao khát một mình Chúa,
quên đi chính bản thân,
yêu mến Chúa và làm mọi sự vì Chúa.
Xin cho con biết tự hạ,
biết tán dương Chúa và chỉ nghĩ đến Chúa.
Ước gì con biết hãm mình và sống trong Chúa.
Ước gì con biết nhận từ Chúa
tất cả những gì xảy đến cho con
và biết chọn theo chân Chúa luôn.
Xin đừng để điều gì quyến rũ con, ngoài Chúa.
Xin Chúa hãy nhìn con, để con yêu mến Chúa.
Xin Chúa hãy gọi con, để con được thấy Chúa.
Và để con hưởng nhan Chúa đời đời. Amen.
Thánh Âu Tinh
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha (Ga 14,9)
Suy niệm: 
Được biết Thiên Chúa và được thấy Ngài, đó là ước muốn rất chính đáng và rất sâu xa của mọi tín hữu. Chúa Giêsu đáp ứng ước vọng đó: “Ai thấy Thầy là xem thấy Cha Thầy”. Nhìn Chúa Giêsu ta có thể biết Chúa Cha như thế nào: Nhân từ, hiền hậu, gần gũi với những người đau khổ, khoan dung với những kẻ tội lỗi…Thiên Chúa mà chúng ta thờ là như thế đó.
“Ai tin vào Thầy người ấy sẽ làm được những việc Thầy làm. Người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn, vì Thầy về với Cha”. Chúa Giêsu nói đến sức mạnh và năng lực kì diệu Ngài sẽ ban cho kẻ tin vào Ngài. Các vị Thánh đã tin và đã làm được những phép lạ như Chúa Giêsu. Tôi có tin không? “Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra như Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình” (Ga 14, 10)
Sự hiệp nhất giữa Chúa Giêsu và Thiên Chúa Cha trở thành mẫu gương, trở thành lý tưởng cần phải đạt đến cho những đồ đệ của Chúa Giêsu được Ngài sai đi để tiếp tục sứ mạng Tông đồ của Ngài trên trần gian này “Như Cha đã sai Thầy thì Thầy cũng sai các con” (Ga 17, 18)
Người đồ đệ của Chúa Giêsu hiệp nhất với Chúa và được thể hiện trong việc làm bằng việc làm chứng cho Chúa giữa anh chị em, giống như Chúa Giêsu luôn thể hiện sự hiệp nhất với Cha Ngài khi Ngài chu toàn sứ mệnh từ Thiên Chúa Cha ở trần gian này. Và một khi được kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu Kitô là Thầy mình, là Đấng sai mình đi để mang nhiều hoa trái “Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng Thầy đã chọn các con để các con ra đi mà sinh nhiều hoa trái” (Ga 15, 16), người đồ đệ lãnh nhận sức mạnh Thần Linh và trở thành hiện hữu hơn trong lời cầu nguyện: “Tất cả những gì các con xin nhân danh Thầy trong sự mật thiết với Thầy, giống như Thầy kết hiệp và sống với Thiên Chúa Cha, và tất cả những gì các con xin nhân danh Thầy thì Thầy sẽ ban cho chúng con” (Ga 16, 23-24)
Trong tin mừng hôm nay, Philip, một trong nhóm mười hai đã xin Chúa Giêsu tỏ cho thấy Thiên Chúa Cha. Chắc hẳn khi nói điều đó Philip đã liên tưởng đến hình ảnh một Thiên Chúa quyền năng đã tỏ vinh quang Ngài trên núi Sinai, một Thiên Chúa mà Môsê chỉ được thấy phía sau lưng Ngài. Tâm trạng của Philip cũng là tâm trạng của rất nhiều người trong chúng ta, đó là một niềm tin đòi hỏi sự lạ. Bởi thế, không ít người sẵn sàng hao tốn tiền bạc và thời giờ để để tìm đến những nơi xảy ra sự lạ, đối với họ, một lần hành hương có ý nghĩa và giá trị cho cả cuộc đời.
Đáp lại yêu cầu Philip, Chúa Giêsu đã đưa ra một khẳng định và một câu hỏi: trước hết Ngài nêu lên một chân lý : "Ai thấy Thầy là thấy Cha Thầy", đó là một thực tại đã quá hiển nhiên. Câu hỏi tiếp sau đó như một nhắc nhở cho Philip: Hãy nhìn lại cuộc sống thân tình giữa Thầy và các môn đệ. Những lời Thầy nói, những việc Thầy làm, không phải là của Thầy, mà là của Thiên Chúa Cha ở trong Thầy. Sự thân tình quen thuộc đã khiến cho các môn đệ không nhận ra Ngài là Thiên Chúa. Lời nhắc nhở của Chúa Giêsu đối với Philip cũng là lời nhắc nhở chúng ta : đừng để những nét quen thuộc bên ngoài che mất thực tại bên trong. Tìm kiếm Thiên Chúa là điều tốt, nhưng thật đáng trách khi đứng trước mặt Ngài mà chẳng nhận ra Ngài. Chúng ta nôn nao tìm dấu lạ, nhưng dấu lạ xảy ra trước mắt mà chẳng nhìn thấy: hàng ngày qua lời truyền phép, Chúa Giêsu hiện diện trên bàn thờ nhưng đã mấy khi chúng ta tỏ thái độ cung kính tin nhận Ngài ? Trong cuộc sống biết bao lời cầu xin được dâng lên Thiên Chúa nhưng đã mấy lần chúng ta phản tỉnh để nhận ra ơn lành Ngài ban.
Ước gì chúng ta giữ mãi thái độ tìm kiếm, một sự tìm kiếm không ở đâu xa, nhưng trong chính cuộc sống quen thuộc hàng ngày. Đập vỡ chiếc vỏ quen thuộc bằng cách ngạc nhiên đặt câu hỏi, chắc chắn chúng ta sẽ nhận ra khuôn mặt của Thiên Chúa.

Cầu nguyện: 
Lạy Chúa, xin cho con được sống niềm tin vững mạnh vào Chúa. Xin cho con được sống với Chúa và trở thành những chứng nhân trung kiên của Chúa trong mọi hoàn cảnh. Ước gì cuộc sống của con luôn phản chiếu tình yêu thương và lòng nhân hậu của Chúa. Amen


05/05/12 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 4 PS
Ga 14,7-14

MUỐN THẤY VÀ BIẾT CHÚA CHA

Ông Philípphê nói: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.” Đức Giê-su trả lời: “…Ai thấy Thầy, là thấy Chúa Cha.” (Ga 14,8-9)

Suy niệm: Cũng trong khung cảnh bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ: Ngài là mặc khải của Chúa Cha. Ông Philípphê liền cầu xin: “Xin Thầy tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, và như thế là đủ.” Chúa Giê-su đáp: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha.” Câu hỏi của Phi-líp-phê có táo bạo không nhỉ? Ông muốn được biết và thấy Thiên Chúa! Phải chăng cũng là câu hỏi của mỗi người, những người thực tâm muốn đi tìm Thiên Chúa?

Mời Bạn: Bạn có nghĩ rằng đó là một ước mong chính đáng: được biết và được thấy Thiên Chúa. Đấng thiêng liêng làm sao ta thấy đươc ? Câu trả lời của Chúa Giê-su thật đơn giản : Ai thấy Thầy là thấy được Chúa Cha! Nơi Chúa Giê-su, Đấng vô hình trở nên hữu hình, để đáp ứng nguyện vọng cần thiết của con người: muốn được “thấy và biết Thiên Chúa” hầu nhận ra và đáp trả Tình Yêu vô biên của Ngài.

Chia sẻ: Làm thế nào chỉ cần “thấy Thầy” là có thể “thấy Chúa Cha” được? Phần bạn, xin bạn chia sẻ kinh nghiệm “thấy Chúa” của bạn.

Sống Lời Chúa: Cư xử tôn trọng với mọi người chung quanh để có thể thấy Chúa hiện diện nơi họ.

Cầu nguyện: Giêsu, Chúa ơi! xin cho Lời của Chúa đụng chạm đến con, khi con đọc thì Lời đó cũng đụng chạm đến trí khôn và tim con, để con khám phá ra Chúa Cha nhân ái như Giêsu, hiền hậu gần gũi như Giêsu, khiêm hạ như Giêsu, yêu thương vô điều kiện như Giêsu, con chí ái của Ngài. Lạy Cha, con yêu mến Cha! Amen.



Hãy dùng cơ hội Thiên Chúa cho để mang ơn cứu độ đến mọi người
Bài đọc: Acts 13:44-52; Jn 14:7-14.
Trong hành trình rao giảng Tin Mừng của Phaolô và Barnabas, các ông đã gặp rất nhiều trở ngại và chống đối từ phía người Do-thái. Lý do: họ không muốn bị mất ảnh hưởng trên đám đông và không muốn tất cả Dân Ngoại được làm con Thiên Chúa. Lẽ ra họ phải dùng đặc quyền Thiên Chúa ban để mang nhiều người về với Ngài; nhưng họ lại để tính ích kỷ và ghen tị ngăn cản người khác, và ngay cả họ, đến với Ngài.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh việc làm sao cho Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa được hoàn thành. Trong Bài Đọc I, Phaolô dùng lời tiên-tri Isaiah để chứng minh Ơn Cứu Độ không chỉ giới hạn cho người Do-thái, mà cho tất cả mọi người. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tuyên bố với các môn đệ: Họ sẽ làm các việc lớn hơn Ngài làm là mang Ơn Cứu Độ của Ngài cho đến tận cùng trái đất.
I. KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Kế Hoạch Cứu Độ là cho tất cả mọi người: Do-thái cũng như Dân Ngoại.
1.1/ Dân Ngoại cũng được hưởng Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa: Sách Tiên Tri Isaiah, được viết khoảng 750 BC, đã viết về Kế Hoạch Cứu Độ như sau: Thiên Chúa phán: "Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta để tái lập các chi tộc Jacob, để dẫn đưa các người Israel sống sót trở về, thì vẫn còn quá ít. Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất" (Isa 49:6). Người Tôi Trung đây là chính Đức Kitô, Ngài đến để cứu dân tộc Israel trước hết; nhưng không phải chỉ có họ mà thôi, mà còn muôn dân tộc, cho đến khi Ơn Cứu Độ được lan tràn đến tận cùng cõi đất.
Vì thế, chúng ta không lạ gì khi Thiên Chúa thúc đẩy "gần như cả thành Antioch, Pisidia tụ họp nghe lời Thiên Chúa." Bấy giờ ông Phaolô và ông Barnabas mạnh dạn lên tiếng: "Anh em phải là những người đầu tiên được nghe công bố lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ lời ấy, và tự coi mình không xứng đáng hưởng sự sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía Dân Ngoại." Phaolô cũng dùng lời tiên-tri Isaiah trên để áp dụng vào chính ông và vào các nhà rao giảng Tin Mừng, vì chính họ cũng làm cho lời tiên báo này được thành tựu.
Nghe Phaolô cắt nghĩa Kinh Thánh và Kế Hoạch Cứu Độ, Dân Ngoại vui mừng tôn vinh lời Chúa, và tất cả những người đã được Thiên Chúa định cho hưởng sự sống đời đời, đều tin theo. Lời Chúa lan tràn khắp miền ấy.
1.2/ Người Do-thái ghen tức và ngược đãi Phaolô và Barnabas: Thấy những đám đông như vậy nghe Phaolô rao giảng, người Do-thái sinh lòng ghen tức. Họ phản đối những lời ông Phaolô nói và nhục mạ ông. Điều này đã xảy ra cho Chúa Giêsu vì hai lý do:
(1) Họ không muốn đối phương của họ có ảnh hưởng trên đám đông; vì nếu đám đông theo đối phương, họ sẽ không còn ảnh hưởng trên đám đông.
(2) Họ không muốn ai được phép bằng họ, và họ ghen tị khi thấy người khác bằng mình. Truyền thống Do-thái quan niệm chỉ có họ mới là con Thiên Chúa. Nếu Dân Ngoại cũng là con Thiên Chúa, họ đâu còn chi đặc biệt nữa!
Vì thế, người Do-thái sách động nhóm phụ nữ hượng lưu đã theo đạo Do-thái, và những thân hào trong thành, xúi giục họ ngược đãi ông Phaolô và ông Barnabas, và trục xuất hai ông ra khỏi lãnh thổ của họ. Hai ông liền giũ bụi chân phản đối họ và đi tới Iconium.
2/ Phúc Âm: Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha.
2.1/ Chúa Cha và Chúa Giêsu là một: Con người chưa bao giờ thấy Thiên Chúa; nhưng khi con người thấy Chúa Giêsu, con người thấy Chúa Cha, vì như thánh Phaolô nói: "Ngài là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình." Trong mẩu đối thoại giữa Chúa Giêsu và Philip, Chúa Giêsu xác tín điều này.
- Ông Philíp yêu cầu: "Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện."
- Đức Giêsu trả lời: "Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philíp, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: "Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha?""
Chúa Giêsu muốn chứng minh cho Philip 2 điều:
(1) Chúa Giêsu là Lời của Chúa Cha: "Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình."
(2) Những việc Chúa Giêsu làm là theo ý của Chúa Cha: "Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm." Không ai có thể làm những việc Chúa Giêsu đã làm, nếu Thiên Chúa không ở với người ấy.
2.2/ Các Tông-đồ có thể làm những việc Chúa Giêsu làm và những việc lớn hơn nữa: Chúa Giêsu tuyên bố: "Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha."
- Những việc Chúa Giêsu làm: rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh tật, khử trừ ma quỉ, cho kẻ chết sống lại, đào tạo môn đệ ... Các Tông đồ làm được tất cả những điều này nhân danh Đức Kitô, chứ không nhân danh sức riêng của mình; vì các ông biết rõ sức con người không thể làm những chuyện đó. Lời bảo trợ của Chúa Giêsu bảo đảm sức mạnh này: "Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con. Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó."
- Những việc lớn hơn đây là làm sao cho tất cả mọi người tin vào Đức Kitô để được cứu độ. Để thực hiện điều này, Chúa Giêsu cần sự cộng tác của con người.
II. ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải làm mọi cách để làm sao Tin Mừng Cứu Độ được lan truyền khắp nơi theo ý của Đức Kitô mong muốn.
- Chúng ta phải loại bỏ tính ích kỷ và ghen tị trong khi loan báo Tin Mừng, thì Lời Chúa mới có thể lan rộng và sinh hoa kết trái đến tận cùng trái đất được.
- Chúng ta đừng để bất cứ một trở ngại nào ngăn cản chúng ta trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng, vì Đức Kitô đã hứa với chúng ta: "Bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm."
Anthony Đinh Minh Tiên, OP.


Lời Chúa Trong Gia Đình
Cv 13, 44-52; Ga: 14, 7-14.
LỜI SUY NIỆM: “Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm.” (Ga 14,10-11).
          Không có nơi nào sự mạc khải về Thiên Chúa rõ ràng, cho bằng đoạn Kinh Thánh này. Chúa Giêsu đã phơi bày Thiên Chúa qua cuộc sống và việc làm của Ngài.
          Thiên Chúa đã đến trong trần gian vì yêu thương con người trong hình hài Chúa Giêsu, để thánh hóa việc con người được sinh ra, Ngài thánh hóa những căn nhà tầm thường con người đang ở, Ngài thánh hóa đời sống gia đình nuôi sống và giáo dục. Ngài thánh hóa toàn thể tuổi thơ ấu, tuổi đời của con người. Ngài thánh hóa mọi công việc lao động của con người đúng với phẩm giá của họ. Thiên Chúa cảm thông với con người trước những cám dỗ, những thử thách và đau khổ của thân xác lẫn tinh thần.
          Đặc biệt trong Chúa Giêsu chúng ta thấy Thiên Chúa trên Thập Giá. Ngài đã chọn Thập Giá để tỏ tình yêu của Ngài đối với chúng ta, để Cứu Độ chúng ta.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
05 Tháng Năm
Nhà Thờ Cho Người Da Màu

Trong quyển tự thuật, Mahatma Gandhi, cha đẻ của chủ trương tranh đấu bất bạo động và là người đã giải phóng Ấn Ðộ khỏi ách thống trị của người Anh, đã kể lại rằng: Trong những ngày còn làm sinh viên, ông đã đi lại khá nhiều tại Nam Phi. Ông đã say mê đọc kinh thánh và vô cùng cảm kích về bài giảng trên núi của Chúa Giêsu. Chính Tám Mối Phúc Thực đã gợi hứng cho chủ trương tranh đấu bất bạo động của ông.
Mahatta Gandhi xác tín rằng Kitô giáo là giải pháp cho mối ung nhọt phân chia giai cấp đang đục khoét xã hội Ấn từ bao thế kỷ qua. Ông đã nghĩ đến chuyện gia nhập vào Giáo Hội. Thế nhưng, ngày nọ, khi đến nhà thờ để dự lễ và đón nhận một vài lời chỉ dẫn, ông đã thất vọng: Ông vừa vào đến cửa nhà thờ thì những người da trắng chận ông lại và nói với ông rằng nếu ông muốn tham dự thánh lễ thì hãy tìm đến một nhà thờ dành riêng cho người da màu.
Mahatma Gandhi đã ra khỏi nhà thờ và ông đã không bao giờ trở lại bất cứ nhà thờ nào nữa.
Câu chuyện trên đây của Mahatma Gandhi đáng cho chúng ta suy nghĩ: vô tình hay hữu ý, ai trong chúng ta cũng có thể là một chướng ngại vật ngăn cản nhiều người muốn tìm đến với Giáo Hội. Một lời nói, một cử chỉ, một cách sống, nếu đi ngược lại với tinh thần của Tin Mừng, đều có thể là một cách xua đuổi người khác ra khỏi nhà thờ.
Không ai là một hòn đảo. Chân lý này đúng cho những tương quan giữa người với người mà còn có giá trị hơn nữa trong tương quan của niềm tin. Không có một hành động nào của người Kitô hữu mà không ảnh hưởng đến người khác. Trong mầu nhiệm của sự thông hiệp, chúng ta biết rằng tất cả mọi chi thể của Ðức Kitô đều liên kết khăng khít với nhau đến độ sức mạnh của người này là nơi nương tựa cho người khác, sự yếu đuối và tội lỗi của người này có thể làm tổn thương đến người khác... Trong Thân Thể Mầu Nhiệm của Ðức Kitô, tất cả mọi chi thể đều liên đới với nhau, tất cả mọi người đều có trách nhiệm đối với nhau...
Không ai là một hòn đảo. Chân lý này cũng đúng cho tương quan của người tín hữu đối với người ngoài Giáo Hội. Mỗi người tín hữu đều phải là trung gian nhờ đó con người tìm đến với giáo Hội. Nói cho cùng, người tín hữu không sống cho mình mà sống cho tha nhân. Thật thế, có lẽ không ai trong chúng ta có thể vào Thiên Ðàng nếu chúng ta chưa giúp cho một người nào đó cũng vào Thiên Ðàng với chúng ta. Ðó chính là luận lý của Tin Mừng: Khi mất đi bản thân vì tha nhân, chúng ta mới tìm gặp lại chính mình.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++

Cảm nghiệm lời chứng
Phi-líp dám liều như Mô-sê và Ê-li-a đã xin thấy mặt Thiên Chúa. Các ông đã nhận được tiếng Chúa nói từ trong bụi gai bốc lửa và trong tiếng gió nhè nhẹ, đó là sự cảm nghiệm huyền nhiệm. Nhưng họ chỉ được đáp lời thật sự lúc Thiên Chúa hiện hình trong Đức Giêsu. Đó là lúc biến hình mà Chúa Cha đã cho thấy Con Ngài vinh quang sáng láng và bao phủ bằng tình yêu dấu của Chúa Cha trước mặt các tông đồ làm cho các ông ngất đi trong ánh sáng.
Ánh sáng này được Đức Giêsu tỏ ra cho những người đồng bàn trong bữa tiệc ly, khi nói về Chúa Cha vô hình, đó là ánh sáng của tình yêu hy sinh tận tình. Chính Đức Giêsu đã đón nhận tình yêu Chúa Cha trong Người, và tình yêu này sẽ đốt cháy Người đến lúc chết.
Thực sự, điều chúng ta thiếu, đó là thiếu nhận biết về Đức Giêsu bằng cảm nghiệm thân mật. Nhờ vốn kiến thức, nhờ nghiên cứu những bản văn thánh, chúng ta chỉ mới nhận được một Đức Giêsu bên ngoài chúng ta, bằng định nghĩa và bản tóm. Đó chỉ là bước đầu: cần thiết nội tâm hóa tất cả những hiểu biết đó trở nên cảm nghiệm sống động làm nguồn suối đặt nền móng cho chính mình, cam kết gắn bó riêng tư với Ngài. Nhưng nhiều lần sự cam kết gắn bó ấy vọt chảy ra một tình cảm luyến ái từ tâm can, một ước muốn cảm mến xúc động như được đụng chạm một niềm vui sướng chóng qua.
Cần thiết phải đào sâu và đi xa hơn nữa, đến tận căn tính trong bản vị tinh thần của chúng ta, mới thực sự là sự hiệp nhất dưới tác động của Thánh Thần. Chỉ có sức mạnh Thánh Thần mới làm cho chúng ta sống sâu sắc mầu nhiệm cứu độ của Đức Kitô. “Tái sinh bởi Thánh Thần” như Đức Giêsu đã nói với ông Ni-cô-đê-mô, là làm cho con người chúng ta từ tâm trí, tình yêu và linh hồn được hiệp thông với Chúa Cha trong Đức Kitô.
Đức Giêsu đã làm chứng cho ta thấy Chúa Cha và Người đã trở nên chứng nhân cho tình yêu của Ngài và cho mọi người bằng việc Ngài làm. Vậy chúng ta làm chứng cho tình yêu nào? Tình yêu đó có được làm chứng bằng việc làm của chúng ta không? Bằng chứng có thể hiện được tài năng nhân tính và sức sống tinh thần của chúng ta không? Những chứng nhân của lòng yêu thương đôi khi trở thành tử đạo như Đức Kitô.
L.P
Ngày 05

Thứ bảy đầu tháng


Lạy Chúa Giêsu, qua 20 thế kỷ và qua tất cả những khoảng cách tách biệt chúng con ra khỏi Chúa, nhờ sức mạnh ký ức của Chúa trong chúng con, xin luôn là mạc khải cho chúng con, xin luôn hiện diện tích cực làm cho cuộc sống của chúng con nên nhân bản hơn, xin luôn là con đường đế chúng con đến với nhau và đến vói Thiên Chúa.

Marcel Légaut


Đức Maria xem ra như vắng mặt trong phụng vụ tháng Năm: không có những kinh tiền tụng, các lời nguyện, không có những lời cầu bầu giúp nhớ đến Mẹ. Lạ thật? Trong thực tế Giáo hội nhìn Đức Maria như một điểm tựa, một sự hiện diện và một lời cầu nguyện, như ở Cana, khi Mẹ nói: "Họ hết rượu rồi" hay "Hãy làm tất cả những gì Người nói với anh em." Trong phụng vụ cũng như trong Phúc Âm, Đức Maria hiện diện cách âm thầm nhưng cụ thể. Bà là "một phụ nữ người ta ít nói đến"... hay nói rất ít.
Trong phụng vụ, Mùa Vọng là tháng đích thực của Đức Maria. Cũng thế, Đức Maria hiện diện trong tuần chuẩn bị lễ Hiện Xuống. Đức Maria có chờ đợi Thánh Thần đến trong căn phòng trên cao cùng với các môn đệ hay không? Dưới chân thánh giá, Đức Maria thinh lặng; người ta không nói gì về Mẹ vào lúc Chúa phục sinh. Ngược lại với truyền thống, Đức Maria hiện diện trong cuộc sống của Giáo hội một cách thầm lặng.

Vô danh
Thứ Bảy 5-5

Chân Phước Ceferino Jiménez Malla

(1861 -- 1936)

C
hân Phước Ceferino Jimenez Malla, thường được gọi là "El Pele" sinh trong một gia đình thuộc dân du mục Gípsi (*) ở Tây Ban Nha năm 1861. Ông lập gia đình nhưng không có con nên đã nhận một đứa cháu vợ làm con nuôi. Mặc dù ít học, nhưng bản tính thông minh đã giúp ông thành công trong việc mua bán ngựa và có được một địa vị đáng kể trong xã hội để giúp đỡ người nghèo. Trái với thói quen của dân Gípsi, ông sống rất thành thật và siêng năng tham dự Thánh Lễ, rước lễ cũng như lần chuỗi Mai Khôi. Dân làng thường hay tìm đến ông để nhờ giải quyết các tranh chấp thường bùng nổ trong cuộc sống hàng ngày.
Tiếng tăm về lòng bác ái và đạo đức của ông ngày càng lan rộng, và dù ít học, dân chúng thuộc đủ mọi thành phần đều kính trọng ông vì sự khôn ngoan và thành thật của ông.
Lúc khởi đầu cuộc Nội Chiến Tây Ban Nha, vào tháng Bảy 1936, ông bị bắt về tội bảo vệ một linh mục đang bị kéo lê trên đường phố ở Barbastro, và vì ông đeo chuỗi Mai Khôi trên cổ. Ông được hứa trả tự do nếu ngừng lần chuỗi. Nhưng ông sẵn sàng chịu cảnh tù đầy và tử đạo. Vào tảng sáng ngày 8 tháng Tám 1936, ông bị hành quyết ở nghĩa trang Barbastro. Trước khi chết, tay ông cầm chuỗi Mai Khôi giơ cao và miệng hô to: "Vạn tuế Vua Kitô!"
Ông được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong chân phước ngày 4 tháng Năm 1997.

Lời Bàn

Chân Phước Ceferino cho chúng ta thấy tình yêu của Ðức Kitô không bị giới hạn bởi dòng giống hay văn hóa. Việc sống đạo hàng ngày của Chân Phước Ceferino đã giúp ngài chuẩn bị cho sự hy sinh sau cùng. Bất kể hậu quả như thế nào, những quyết định mà chúng ta thể hiện hôm nay sẽ giúp chuẩn bị cho các quyết định tương lai.

Lời Trích

Trong buổi lễ tuyên phong chân phước cho ông Ceferino, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: "Cuộc đời của ông cho thấy Ðức Kitô luôn hiện diện trong các dân tộc và các dòng giống khác nhau, và mọi người đều được mời gọi đến sự thánh thiện qua việc trung thành tuân giữ các giới răn của Người và luôn ở trong tình yêu của Người" (Trích báo L'Observatore Romano 1997, Tập 1, Số 6).
* Gypsy: là một giống dân du mục, nguyên thủy xuất phát từ Ấn Ðộ, sau đó lan tràn đến Âu Châu vào thế kỷ 14 hoặc 15. Hiện thời họ có mặt ở khắp các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Hung Gia Lợi, Tây Ban Nha, Anh Quốc, v.v., và sống bằng những nghề không được lành mạnh như ăn trộm, coi bói, nài ngựa, thợ hàn thiếc, v.v.

Copyright © 2001 by Nguoi Tin Huu. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét