Trang

Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2012

13-05-2012 : CHÚA NHẬT VI MÙA PHỤC SINH


CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH - Năm B
Cv 10,25-26.34-35.44-48 ; Tv 97 ; 1 Ga 4,7-10 ; Ga 15,9-17.

Bài đọc 1                                 Cv 10,25-26.34-35.44-48

25 Khi ông Phê-rô bước vào nhà ông Co-nê-li-ô, thì ông liền ra đón và phủ phục dưới chân ông mà bái lạy. 26 Nhưng ông Phê-rô đỡ ông ấy lên và nói : "Xin ông đứng dậy, vì bản thân tôi đây cũng chỉ là người phàm."
34 Bấy giờ ông Phê-rô lên tiếng nói : "Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào. 35 Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận.
44 Ông Phê-rô còn đang nói những điều đó, thì Thánh Thần đã ngự xuống trên tất cả những người đang nghe lời Thiên Chúa. 45 Những tín hữu thuộc giới cắt bì cùng đến đó với ông Phê-rô đều kinh ngạc vì thấy Thiên Chúa cũng ban Thánh Thần xuống trên cả các dân ngoại nữa, 46 bởi họ nghe những người này nói các thứ tiếng và tán dương Thiên Chúa. Bấy giờ ông Phê-rô nói rằng : 47 "Những người này đã nhận được Thánh Thần cũng như chúng ta, thì ai có thể ngăn cản chúng ta lấy nước làm phép rửa cho họ ?" 48 Rồi ông truyền làm phép rửa cho họ nhân danh Đức Giê-su Ki-tô. Sau đó họ xin ông ở lại ít ngày.




Đáp ca                                     Tv 97,1.2-3ab.3cd-4 (Đ. x. c. 2)

Đáp :    Chúa đã mặc khải ơn Người cứu độ trước mặt chư dân.

Hoặc:
Đáp :    Ha-lê-lui-a.

1          Hát lên mừng Chúa một bài ca mới,
            vì Người đã thực hiện bao kỳ công.
            Người chiến thắng nhờ bàn tay hùng mạnh,
            nhờ cánh tay chí thánh của Người.                                         Đ.

2          Chúa đã biểu dương ơn Người cứu độ,
            mặc khải đức công chính của Người trước mặt chư dân ;
3ab      Người đã nhớ lại ân tình và tín nghĩa dành cho nhà Ít-ra-en. Đ.

3cd      Toàn cõi đất này đã xem thấy
            ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.
4          Tung hô Chúa, hỡi toàn thể địa cầu,
            mừng vui lên, reo hò đàn hát                                                 Đ.




Bài đọc 2                                 1 Ga 4,7-10

7          Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau,
            vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa.
            Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra,
            và người ấy biết Thiên Chúa.
8          Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa,
            vì Thiên Chúa là tình yêu.
9          Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta
            được biểu lộ như thế này :
            Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian
            để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống.
10        Tình yêu cốt ở điều này :
            không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa,
            nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta,
            và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta.



Tung hô Tin Mừng                 x. Ga 14,23

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : "Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy." Ha-lê-lui-a.




Tin Mừng                                Ga 15,9-17

9 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : "Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. 10 Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. 11 Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.
12 Đây là điều răn của Thầy : anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 13 Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. 14 Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. 15 Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.
16 Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. 17 Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau."
(bản văn theo UB.Kinh Thánh/HĐGMVN)



Một Hội Thánh Sống Lòng Mến Chúa Yêu Người
(Cv 10,25-26.34-35.44-48; 1Yn 4,7-10; Yn 15,9-17)
Suy Niệm:
Chúa Nhật 6 Phục Sinh Năm B
Cv 10,25-26.34-35.44-48; 1Yn 4,7-10; Yn 15,9-17
Chúng ta có thể nghĩ những bài Kinh Thánh hôm nay không dạy chúng ta điều nào mới mẻ hơn các Chúa nhật trước. Vẫn những giáo lý phải lưu lại trong lòng mến Chúa và yêu thương anh em. Nhưng đó là những điều luôn luôn phải được đào sâu thêm. Và khi đó chúng sẽ mở ra những chân trời luôn luôn mới.
Quả vậy, Hội Thánh là đề tài suy nghĩ của Phụng vụ trong suốt mùa Phục sinh. Hôm nay các bài Kinh Thánh cũng nói về đề tài đó, nhưng dưới ánh sáng mới và theo quan điểm mới, khiến những giáo lý về lòng mến Chúa yêu người là luật sống của Hội Thánh, cũng được khai triển phong phú hơn.
Chúng ta hãy bắt đầu bằng sách Công vụ các Tông đồ để hân hoan trước một hiện tượng mới.

1. Một Hội Thánh Ðang Phát Triển
Phêrô bước vào nhà ông Cornêliô. Ðó là một sự mới mẻ chưa bao giờ thấy xảy ra... Phêrô là một người Dothái, trước kia làm nghề chài lưới và bây giờ là thủ lãnh của một đạo mới thành hình. Mặc dù mới và bị đạo cũ đàn áp, thứ tôn giáo này vẫn giữ nề nếp của Dothái giáo. Phêrô và cấp lãnh đạo vẫn đinh ninh và hãnh diện tiếp nối sự nghiệp của Israel cũ. Tin Mừng cứu độ mà họ vừa lãnh nhận để đem đi rao giảng khắp nơi, theo họ nghĩ, đã được hứa ban cho con cái Israel mà thôi. Thế nên họ không hề có ý tưởng tiếp xúc với dân ngoại. Họ còn sợ việc đó nữa, vì nó sẽ làm họ ra ô uế theo quan niệm sạch và dơ của Dothái giáo.
Còn phía bên ông Cornêliô, thành kiến cũng nhiều và nặng lắm. Ông là quan ở "mẫu quốc" sang đây cai trị, vì khi ấy Dothái là đất bảo hộ của đế quốc Rôma. Làm sao ông có thể có ý tưởng sai người đi mời một anh ngư phủ người Dothái đến để dạy khôn cho mình?
Tuy nhiên Phêrô và Cornêliô, hai con người của hai thế giới và của hai nền văn minh rất khác nhau, và kình địch nhau nữa, lại có chung một mẫu số. Họ đều "kính giới Thiên Chúa và làm lành, nên đều được Thiên Chúa chiếu cố" (c.36). Người cho Phêrô thấy một thị kiến và bảo phải nuốt cả những vật mà Phêrô vẫn bảo là dơ. Và Người sai một thần sứ đến nói với Cornêliô phải cử người đi mời Phêrô đang ở nhà một người thợ thuộc da đến, để cả nhà được cứu độ. Cả Phêrô lẫn Cornêliô đều đã vâng lời. Và chúng ta thấy có cuộc gặp gỡ hôm nay như lời sách Công vụ kể.
Mỗi người chúng ta về nhà hãy tìm đọc lại câu chuyện từ đầu chí cuối. Nó rất dễ hiểu và hứng thú. Phụng vụ ở đây chỉ trích một vài đoạn cần thiết để làm nổi bật một hai ý tưởng.
Trước hết như chúng ta vừa xem, bài sách muốn nhấn mạnh đến tình thương của Chúa đối với mọi con người có lòng đạo đức và có thiện ý. Người không tây vị và kỳ thị ai, dù cho họ thuộc dân tộc và nền văn hoá nào. Ơn cứu độ của Người, tuy đi qua người Dothái, nhưng vẫn muốn đến với hết mọi dân tộc. Và Israel đích thực là Nước Trời mở rộng cho mọi người có niềm tin chứ không phải là quê hương của nguyên những người có dấu cắt bì trong xác thịt.
Ðiều này đối với chúng ta ngày nay là chân lý hiển nhiên. Nhưng ở thời Phêrô và Cornêliô, đó là điều không thể tưởng tượng được. Bức tường đã được dựng lên giữa Dothái và dân ngoại, dài, rộng và chắc hơn Vạn Lý Trường Thành nhiều. Hôm nay trong bài sách Công vụ này, nó đã bị chọc thủng, chứ chưa bình địa đâu. Phêrô đã đi qua để đưa ơn cứu độ từ Dothái sang dân ngoại. Nhưng phải đợi Phaolô, và nhiều tông đồ khác làm việc mạnh mẽ thì lối đi kia mới dần dần rộng ra, khiến bức tường phân rẽ giữa hai bên sẽ có ngày bình địa hoàn toàn. Sách Công vụ sau này sẽ cho thấy có nhiều lực lượng muốn bịt lại cái lối đi mà Phêrô đã mở ra hôm nay. Nhiều tín hữu gốc Dothái vẫn muốn phản đối việc thâu nhận dân ngoại vào sản nghiệp của các lời hứa, nếu không chịu Dothái hóa, tức là giữ một số tập tục của Dothái. Nhưng sức loài người nào cưỡng lại được lòng thương của Chúa?
Là vì không phải Cornêliô hay Phêrô đã có sáng kiến và can đảm chọc thủng được bức tường chia rẽ vạn niên kia. Bài sách Công vụ hôm nay thuật lại: đó là việc Thiên Chúa làm. Chính Người dùng Phêrô và Cornêliô để đưa Hội Thánh mở sang tất cả thế giới. Chính Người sáng tạo con đường Tin Mừng cứu độ đi vào lòng các dân tộc.
Thế nên, phụng vụ hôm nay chỉ trích lại câu đầu tiên trong bài giảng của Phêrô: "Thiên Chúa không hề tây vị, nhưng bất cứ nơi dân tộc nào, ai kính sợ Người và làm lành đều được Người vui lòng chiếu nhận". Ông đã nói lên lòng thương yêu rộng lớn của Thiên Chúa muốn ôm ấp hết mọi dân tộc. Thiện chí của người ta chỉ như mảnh đất sẵn sàng để hạt giống Tin Mừng gieo xuống mà thôi. Nó buộc đóng vai trò chủ động, nhưng chỉ là chuẩn bị và đón nhận. Chính Thiên Chúa chủ trì và lãnh đạo lịch sử. Chính Thiên Chúa muốn và đưa các dân tộc vào tình yêu cứu độ.
Rồi phụng vụ bỏ qua tất cả bài giảng của Phêrô, để kết thúc bằng việc mô tả ơn Thánh Thần đã xuống trên các người nghe, khiến Phêrô phải sửng sốt nói rằng: "Ai có thể ngăn cấm những người này chịu thanh tẩy, những kẻ đã chịu lấy Thánh Thần một thể như chúng ta?". Nghĩa là một lần nữa, chúng ta lại thấy ý Chúa muốn cứu độ dân ngoại, điều mà Hội Thánh cho tới lúc bấy giờ chưa nhận ra một cách cụ thể và chắc chắn.
Như vậy bài sách Công vụ hôm nay không đem đến cho dân Chúa một giáo lý mới sao? Rõ ràng Hội Thánh của Chúa từ nay phải mở rộng, mở xa; phải nhìn xem ơn Chúa đang làm việc nơi các dân tộc; phải nồng nhiệt đón nhận những người trước đây xa lạ vào gia đình của Chúa; phải hết tự tôn vì dân ngoại cũng đã chịu lấy Thánh Thần như thể chúng ta.
Một bài học như thế vô cùng phong phú và chưa mất giá trị tức thời đâu. Cho đến nay, chúng ta và giáo xứ chúng ta không có nếp sống bưng bít với lương dân và xã hội hay sao? Ý Chúa trong bài sách Công vụ hôm nay dạy bảo chúng ta không được như vậy nữa. Và thái độ mới này không phải chỉ có hệ tới tương quan của chúng ta với những con người và tập thể chưa Kitô giáo, mà còn chi phối cả nếp sống nội bộ và nội tâm của cộng đoàn dân Chúa nữa. Ðiều này chúng ta sẽ nhờ hai bài Thánh thư và Tin Mừng để tìm hiểu.


2. Một Hội Thánh Sống Lòng Mến Chúa Yêu Người
Vì hai bài đọc này của cùng một bút pháp lấy tên là Yoan và cùng nói về một đề tài, nên chúng ta sẽ học chung, không phân biệt bài Thánh thư và bài Tin Mừng. Cả hai đều nói về lòng mến Chúa yêu người. Cả hai đều nhấn mạnh việc yêu người, nhưng dạy rằng nó phát xuất từ lòng mến Chúa.
Ðấy là luận lý của Yoan dùng miệng lưỡi Ðức Yêsu mà nói: Như Cha đã yêu mến Ta, Ta đã yêu mến các ngươi... Các ngươi là bạn hữu của Ta, nếu các ngươi làm điều Ta truyền dạy các ngươi là hãy yêu mến nhau. Nêu lên như vậy, nhưng Yoan đã không chứng minh các vế của hai câu luận lý trên một cách đồng đều. Có thể nói, người không cần làm chứng về tình yêu mà Chúa Cha đã dành cho Ðức Yêsu. Người nói nhiều hơn về tình yêu của Ðức Yêsu và của Thiên Chúa dành cho môn đệ để thúc giục họ yêu mến nhau như người đã yêu mến họ.
Ðối với chúng ta, sẽ thật là cổ điển nếu còn làm chứng lại về tình yêu của Ðức Yêsu và của Thiên Chúa dành cho loài người. Nhưng hôm nay chúng ta cũng không bỏ qua một vài tư tưởng sâu sắc của Yoan. Người nói: tình của Ðức Yêsu mến chúng ta giống như tình của Chúa Cha yêu mến Ngài. Nó là chính tình yêu mến đó. Cả hai chỉ là một. Vì Chúa Cha yêu thương Chúa Con thế nào, thì Chúa Con cũng yêu thương chúng ta như vậy. Chúng ta cứ nhìn vào tình yêu sau để hiểu tình yêu trước, vì tình yêu sau đã tỏ hiện nơi chúng ta.
Thật vậy, rõ ràng Chúa đã yêu chúng ta trước, khi chúng ta còn ở trong tội lỗi, Người đã sinh ra và hy sinh vì chúng ta. Người đã đi bước trước. Tình yêu khởi sự từ Người. Nó khác hẳn tình yêu nơi chúng ta. Nó là bác ái, vì nó yêu khi chúng ta chưa có gì đáng yêu. Vì chính nó sẽ làm ra những gì đáng yêu nơi chúng ta. Nó thật là huệ ái theo nghĩa là ân huệ nhưng không Chúa ban cho chúng ta. Ðừng bảo nó là lòng thương hại. Không, Chúa không gọi chúng ta là tôi tớ nữa, nhưng là bạn hữu của Người. Kẻ tôi tớ được thương. Nó được hưởng nhiều ơn của chủ, nhưng không được đi sâu vào tâm sự của chủ và biết việc chủ làm. Nhất là nó vẫn đứng ngoài, không hiểu hết được lòng chủ... Ðàng này, Chúa Yêsu thương chúng ta như bạn hữu đưa chúng ta vào sống sự thân mật của Người tỏ cho ta mọi điều Người nghe được nơi Chúa Cha. Chúng ta hãy cân nhắc những lời này. Việc Người tỏ cho ta mọi điều Người nghe được nơi Chúa Cha không nói lên sự tín cẩn, thắm thiết của Người dành cho chúng ta là bạn hữu của Người sao?
Cuối cùng mối tình của Người cụ thể phong phú vô lường. Người đã thí mạng mình vì bạn hữu; Người đặt bạn hữu ra để họ đi sinh trái và trái trăng của họ còn mãi. Ai có thể dùng những lời nào hơn để diễn tả sự chân thật, thắm thiết, phong phú của tình Chúa thương ta? Yoan chẳng thể kết luận thế nào khác hơn điều này: là chúng ta hãy lưu lại trong lòng mến của Chúa.
Nhưng khi viết câu này, Yoan đã ý thức sâu xa về sự khác biệt giữa tình yêu ở nơi Chúa và ở nơi chúng ta. Nơi Người, nó luôn luôn trung tín. Không những Chúa Con không bao giờ ngơi lưu lại ở trong lòng mến của Chúa Cha; mà chính lòng mếm của Thiên Chúa đối với chúng ta không bao giờ ngắt quãng. Nếu có phút nào Người không yêu chúng ta nữa, thì chúng ta chẳng còn. Kinh nghiệm lịch sử Israel cho thấy rõ. Có khi Chúa "bỏ rơi" dân này trong tay các cường quốc vì tội lỗi bất trung của nó. Người vẫn không ngớt duy trì tình yêu cứu độ để rồi vung cánh tay quyền lực cho nó thấy tình yêu của Người thật trung kiên bền vững. Khốn thay, lòng mến của chúng ta lại không như vậy. Giống như Israel, nó luôn luôn tráo trở. Vì thế trong Cựu Ước Chúa luôn kêu gọi Israel trở lại thế nào thì trước khi từ giã môn đệ, trong bài Tin Mừng hôm nay, Ðức Yêsu cũng luôn kêu gọi chúng ta lưu lại ở trong tình yêu của Người.
Và cho được như thế hãy giữ lệnh truyền của Người, cũng như Người hằng giữ các lệnh truyền của Chúa Cha. Chúng ta có thể tự hỏi Chúa Cha đã ra những lệnh truyền nào cho Ðức Yêsu? Sách Thánh trả lời là Chúa Cha muốn Ðức Yêsu học biết được gì nơi Chúa Cha thì thông ban lại cho loài người. Nhưng hỏi có gì cần biết nơi Chúa Cha nếu không phải là chính tình yêu cứu độ của Người? Thiên Chúa là tình yêu. Hiểu biết Thiên Chúa là hiểu biết tình yêu của Người. Người không giống những quan niệm siêu hình về Thượng đế ở nơi các triết gia. Người là Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta biết về Người đều quy vào kế hoạch cứu độ tình thương mà Người đã tự ý sáng tạo khi chưa có tạo dựng. Chúa Cha muốn Chúa Con mang tình yêu lớn lao ấy xuống thế, để khi Ðức Yêsu chết trên thập giá, người ta biết Thiên Chúa yêu thương con người đến mức nào. Thế nên, Ðức Yêsu đã giữ lệnh truyền của Chúa Cha, khi làm công việc cứu thế. Và bây giờ Người bảo chúng ta cũng hãy bắt chước Người mà giữ lệnh truyền của Người.
Lệnh truyền này cũng nằm trong chiều hướng với lệnh truyền của Chúa Cha, là: như Cha đã yêu Ta và Ta đã yêu các ngươi, thì các ngươi hãy yêu mến nhau. Phàm ai yêu mến thì đã sinh bởi Thiên Chúa và biết Thiên Chúa. Còn ai không yêu mến thì đã không biết Người. Những lời này đối với chúng ta bây giờ dễ hiểu; vì chúng ta đã biết lòng yêu mến đích thực bởi Thiên Chúa mà đến vì Người là tình yêu. Chỉ ai sinh bởi Thiên Chúa mới có lòng yêu mến ấy; và khi có lòng yêu mến này, người ta biết Thiên Chúa và biết Người là đấng yêu mến và Người muốn chúng ta yêu mến. Còn ai không yêu mến sẽ không biết Người, sẽ không biết Người đã yêu thương chunng ta trước và thí mạng sống vì chúng ta để đến lượt chúng ta thí mạng sống mình vì anh em. Vì thế lòng yêu mến anh em sẽ trắc nghiệm lòng chúng ta mến Chúa. Lòng Hội Thánh yêu thương các linh hồn chứng tỏ lòng mến Chúa ở trong Hội Thánh, bởi vì khi nhập thể Chúa đã gọi hết mọi người là anh em của Chúa, thì khi dạy chúng ta phải yêu thương anh em, Người muốn chúng ta phải làm cho mọi tạo vật trở nên môn đệ của Người.
Bài học cuối cùng của hai đoạn Thánh thư và Tin Mừng hôm nay lại đưa chúng ta về ý nghĩa của bài sách Công vụ. Lòng mến Chúa yêu người mà Hội Thánh phải duy trì và phát triển ở trong lòng mình sẽ đẩy Hội Thánh đến với lương dân và đi vào xã hội, để tỏ hiện sức mạnh tình yêu thiên nhiên và bền vững của Thiên Chúa.
Giờ đây khi cử hành thánh lễ, chúng ta lại được dịp chứng nghiệm tình yêu thắm thiết của Thiên Chúa cứu độ. Rõ ràng Người là tình yêu. Người yêu chúng ta trước. Người yêu chúng ta đến nỗi thí mạng mình vì chúng ta để tình yêu của Người đến với chúng ta, lưu lại nơi chúng ta và thúc đẩy chúng ta yêu mến anh em và truyền giáo cho anh em, tức là làm cho mọi người biết tình yêu khôn tả của Thiên Chúa. Chúng ta hãy tham dự thánh lễ này sốt sắng. Nhưng nhất là chúng ta phải thi hành tinh thần của thánh lễ cũng như những bài học của Lời Chúa hôm nay trong đời sống hàng ngày.


(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

Yêu như Chúa yêu – ĐTGM Ngô Quang Kiệt.
Yêu là một từ ngữ được sử dụng nhiều nhất, nhưng lại là một từ ngữ dễ gây hiểu lầm nhất. Vì người ta hiểu từ ngữ này theo những cách khác nhau. Có người hiểu yêu là những quan hệ thân xác. Có người hiểu yêu là quản lý chặt chẽ. Có người hiểu yêu thuộc lĩnh vực cảm tính. Để tránh những hiểu lầm, khi truyền cho ta yêu thương, Đức Giêsu đã đưa ra một khuôn mẫu cho tình yêu. Khuôn mẫu đó là: yêu như Chúa yêu.
“Anh em hãy yêu thương nhau như Thày đã yêu thương anh em”. Không còn nhầm lẫn nào nữa. Muốn làm môn đệ Chúa, không phải yêu bằng bất cứ tình yêu nào, nhưng phải yêu như Chúa. Tình yêu của Đức Giêsu không phải tự Người nghĩ ra, nhưng phát xuất từ Chúa Cha: “Như Cha đã yêu mến Thày thế nào, Thày cũng yêu mến anh em như thế”. Thế là đã rõ. Tất cả bắt nguồn từ cùng một tình yêu. Đức Chúa Cha là nguồn cội. Từ nguồn mạch ấy, tình yêu tràn ra, lan toả đến mọi người. Mọi tình yêu, muốn chân thực, phải quy chiếu về trái tim Chúa Cha.
Tình yêu của Chúa Cha như thế nào? Đọc trong Tin Mừng, ta thấy Đức Giêsu đã nói nhiều về tình yêu Chúa Cha.
Trước hết tình yêu của Chúa Cha là một tình yêu phổ quát. Khác với tình yêu bình thường của con người chỉ yêu những người yêu mình, thù ghét những người ghét mình, chỉ yêu những người nào dễ yêu, ghét những người dễ ghét, chỉ giới hạn tình yêu vào một số người thân quen. Tình yêu của Chúa Cha là một tình yêu phổ quát. Tình yêu ấy lan tới tất cả mọi người không phân biệt tốt xấu. Tình yêu ấy không loại trừ một ai dù lành dù dữ. Thế nên “Người cho mặt trời mọc lên soi kẻ lành cũng như người dữ. Và cho mưa rơi xuống trên cả người công chính lẫn kẻ gian ác” (Mt 5,45). Tình yêu ấy lan toả tới súc vật cỏ cây: “Hãy xem chim trời, chúng không gieo không gặt, thế mà Cha trên trời vẫn nuôi chúng. Hãy xem bông huệ ngoài đồng. Chúng không dệt không may, thế mà Cha trên trời mặc cho chúng bộ áo đẹp hơn cả áo vua Salomon” (Lc 12,24-27).
Tình yêu Chúa Cha là một tình yêu hy sinh. Vì yêu thương, Đức Chúa Cha đã dựng nên con người. Vì yêu thương, Người đã nhận con người làm con, cho hưởng hạnh phúc với Người. Nhưng loài người vô tình không những không yêu mến mà còn muốn chống lại Thiên Chúa. vì thế, loài người đã bị phạt. Nhưng Đức Chúa Cha vẫn yêu thương loài người, nên đã có kế hoạch cứu độ loài người. Chính ở điểm này ta nhận biết tình yêu vô cùng tha thiết của Đức Chúa Cha. Không những Ngài không giận ghét loài người, không tự ái vì bị loài người xúc phạm, mà còn bày tỏ một tình yêu thương mãnh liệt không ai dám ngờ tới. Tình yêu thương mãnh liệt ấy đã thúc đẩy Ngài hy sinh Con Một yêu dấu để chuộc tội cho loài người. Vì yêu thương Chúa Cha đã hy sinh tất cả những gì có thể để cứu chuộc loài người.

Tình yêu Chúa Cha là một tình yêu tha thứ. Tha thứ là dấu hiệu của tình yêu. Khi yêu, người ta sẵn sàng tha thứ. Trong Tin Mừng, Đức Giêsu nói nhiều về tình yêu tha thứ của Đức Chúa Cha. Cảm động nhất là dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu. Tóm tắt như sau: Người Cha có hai con trai. Đứa út xin Cha chia gia tài cho nó. Được rồi, nó cầm tiền, bỏ nhà ra đi, ăn chơi phung phí. Khi nó tiêu hết tiền thì vùng ấy xảy ra nạn đói. Đói bụng nó phải đi chăn lợn. Nó muốn ăn cám lợn mà chủ không cho. Bấy giờ nó hối hận và nghĩ: ở nhà cha mình các đầy tớ còn được ăn no, còn mình ở đây phải chết đói. Thế rồi, nó chỗi dậy, trở về nhà. Cha nó ngày nào cũng ra đầu ngõ chờ mong con trở về. Khi thấy nó về, ông chạy lại ôm lấy nó mà hôn lấy hôn để, rồi ông gọi gia nhân mang áo đẹp, nhẫn, giầy ra cho cậu và ra lệnh mở tiệc ăn mừng (cf Lc 15). Người cha ấy là hình ảnh Đức Chúa Cha. Thật là kỳ diệu tình yêu Người. Người quên hết những lỗi lầm của ta. Người yêu yêu ta trước khi ta yêu Người. Người tha thứ cho ta trước khi ta xin lỗi Người.
Đức Giêsu muốn chúng ta hãy noi theo tình yêu của Chúa Cha. Biết đối xử với nhau như Chúa Cha đối xử với chúng ta. Hãy yêu thương hết mọi người không loại trừ một ai. Nhất là hãy yêu thương những người bé nhỏ, cùng khổ, bất hạnh. Hãy biết tha thứ những lỗi lầm của người khác. Tha thứ không phải chỉ một lần mà tha thứ rất nhiều lần. Và hãy dám hy sinh, chấp nhận chịu thiệt thòi vì tình yêu. Yêu như Chúa yêu. Đó mới là tình yêu đích thực. Chỉ có tình yêu bắt nguồn từ Chúa mới bền vững và đem lại hạnh phúc cho nhân loại.
Lạy Cha, xin cho con hiểu được tình yêu của Cha. Xin cho con trở nên giống Cha, biết yêu thương bằng tình yêu của Cha. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1- Từ trước tới nay, bạn hiểu tình yêu thế nào?
2- Mỗi khi nghĩ đến Đức Chúa Cha, bạn nghĩ đến đặc tính nào của Người: yêu thương, quyền năng, thưởng phạt công minh…?
3- Đối với bạn, yêu thương người khác dễ hay khó?
4- Hãy kể ra những đặc tính của tình yêu của Chúa Cha.

13/05/12 CHÚA NHẬT TUẦN 6 PS – B
Ga 15,9-17

TÌNH YÊU MẠNH HƠN SỰ CHẾT

“Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15,13)

Suy niệm: Theo lẽ tự nhiên, đã làm người ai cũng muốn sống, sống sung túc, sống lâu, sống đẹp; khi sự sống bị đe doạ, người ta làm tất cả những gì có thể để giành giật lại sự sống. Ngay cả những người chán ngán muốn từ bỏ cuộc sống này, tự thâm tâm, họ cũng muốn tìm kiếm một cuộc sống khác tốt đẹp hơn. Nhưng vấn đề ở chỗ sự sống họ tìm kiếm là sự sống nào, và cách tìm kiếm của họ có đưa đến sự sống đích thực hay không. Với Chúa Giêsu sống tức là yêu thương, và con đường dẫn đến sự sống chính là băng qua sự chết. Ngài yêu nhân loại nên Ngài bằng lòng chịu chết để con người được sống và sống dồi dào. Trong Bí Tích Thánh Thể, Chúa trao ban mỗi ngày: Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì anh em. Chỉ có “tình yêu mạnh hơn sự chết” của Chúa đến mức đó mới làm cho con người được sống và sống hạnh phúc.

Mời Bạn: Cuộc sống của bạn còn nhiều khổ đau và bế tắc vì thiếu yêu thương. Mời bạn xét lại tình yêu của mình trong tương quan với Chúa và đối với tha nhân: vợ chồng, con cái, bạn bè lối xóm, người nghèo khổ bất hạnh chung quanh…. Bạn có dám hy sinh vì yêu thương họ như Chúa yêu ta không?

Sống Lời Chúa: Làm một việc hy sinh nho nhỏ để phục vụ những người mà bạn thường tiếp xúc hằng ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã yêu con bằng cách chết trên thánh giá để ban cho con sự sống đời đời. Xin cho con cảm nghiệm được sức mạnh của tình yêu Chúa, một “tình yêu mạnh hơn sự chết”, để con biết yêu thương những người mà con vẫn gặp gỡ hằng ngày như Chúa yêu thương con. Amen.


 Lời Chúa Mỗi Ngày
Chủ Nhật VI Phục Sinh, Năm B
Bài đọc: Acts 10:25-26, 34-35, 44-48; I Jn 4:7-10; Jn 15:9-17.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa là tình yêu.
             Thiên Chúa, chúng ta chưa thấy bao giờ, nói về tình yêu của Đấng chúng ta chưa thấy bao giờ còn khó khăn và trừu tượng hơn nữa; nhưng may mắn cho con người, Thiên Chúa chọn để bày tỏ tình yêu cho con người qua việc tạo dựng, quan phòng, cứu chuộc, và thánh hóa con người.
              Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh các công việc Thiên Chúa dùng để bày tỏ tình yêu của Ngài. Trong Bài Đọc I, Thiên Chúa bày tỏ tình yêu của Ngài cho Cornelius, viên sĩ quan Dân Ngoại, qua việc cho ông cơ hội để gia nhập đạo thánh Chúa. Trong Bài Đọc II, thánh Gioan sau khi định nghĩa "Thiên Chúa là tình yêu" đã dẫn chứng tình yêu này qua việc Thiên Chúa ban cho chúng ta Người Con Một của Ngài. Trong Phúc Âm, tình yêu Thiên Chúa được lan tràn qua Chúa Giêsu và đổ xuống trên các môn đệ của Chúa. Trước khi các môn đệ có thể yêu thương tha nhân, họ phải ở lại và được thấm nhuần tình yêu này. 
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC: 
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa thi ân giáng phúc trước khi con người biết đáp trả hồng ân của Ngài.
            1.1/ Thiên Chúa không thiên vị, nhưng yêu thương mọi người: Cornelius là sĩ quan Roma, thuộc về Dân Ngoại, nhưng biết kính sợ Thiên Chúa, cầu nguyện thường xuyên, và cư xử tốt lành với mọi người (Acts 10:2). Vì những điều tốt lành này, ông được một thị kiến thấy sứ thần của Thiên Chúa truyền lệnh cho ông đi mời Simon Phêrô đến nhà mình.
            Sự kiện Phêrô, một người Do-thái, vào nhà ông Cornelius, một người Dân Ngoại, là một điều không bình thường; nhưng vì Thánh Thần truyền lệnh, cho nên ông phải đi (Acts 10:20). Khi ông Phêrô nhận ra sự sắp đặt của Thiên Chúa cho viên sĩ quan Dân Ngoại, ông lên tiếng nói: "Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào. Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận." Lý do là vì Chúa dựng nên tất cả và ban ơn xuống mọi người. Ai nhận ra hồng ân Ngài ban và sống ngay lành, Ngài sẽ tiếp tục ban ơn, và nhất là cho hiểu biết đạo thánh của Ngài.
            1.2/ Thiên Chúa gởi Thánh Thần xuống trên những người trong nhà Cornelius: Khi "ông Phêrô còn đang nói những điều đó, thì Thánh Thần đã ngự xuống trên tất cả những người đang nghe lời Thiên Chúa. Những tín hữu thuộc giới cắt bì cùng đến đó với ông Phêrô đều kinh ngạc vì thấy Thiên Chúa cũng ban Thánh Thần xuống trên cả các dân ngoại nữa, bởi họ nghe những người này nói các thứ tiếng và tán dương Thiên Chúa." Họ kinh ngạc vì họ tưởng chỉ có những người đã chịu Phép Rửa mới nhận được Thánh Thần. Nhưng Thiên Chúa không lệ thuộc vào truyền thống hay vào những gì con người tin tưởng, Ngài ban Thánh Thần cho những ai biết kính sợ và sống theo đường lối của Ngài.
            Ông Phêrô nhớ lại biến cố trong Ngày Lễ Ngũ Tuần, khi các Tông-đồ được Chúa Thánh Thần hiện xuống như lưỡi lửa đậu xuống trên đầu các ông (Acts 2:3-10), bấy giờ ông Phêrô nói rằng: "Những người này đã nhận được Thánh Thần cũng như chúng ta, thì ai có thể ngăn cản chúng ta lấy nước làm phép rửa cho họ?" Rồi ông truyền làm phép rửa cho họ nhân danh Đức Giêsu Kitô.
2/ Bài đọc II: Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước khi chúng ta đáp trả tình yêu của Ngài.
            2.1/ Thiên Chúa là tình yêu: Thánh Gioan định nghĩa tình yêu cách ngắn gọn và đơn giản: "Thiên Chúa là tình yêu." Vì yêu thương, Thiên Chúa làm mọi sự: tạo dựng, quan phòng, cứu chuộc, thánh hóa, và chuẩn bị tương lai cho con người.
            Yêu thương làm con người nên giống Thiên Chúa, vì Thiên Chúa dựng nên con người theo hình ảnh Ngài (Gen 1:26). Thánh Gioan diễn tả như sau: "Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa." Biết Thiên Chúa là biết yêu thương tha nhân và được sinh ra bởi Thiên Chúa.
            Ngược lại, "Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu." Nếu Thiên Chúa là tình yêu, con cái của Ngài phải biết yêu thương. Ai từ chối không yêu thương, kẻ ấy không thể là con cái Thiên Chúa. Chúng ta có thể hiểu lý do tại sao Thiên Chúa dùng giới răn yêu thương để phán xét con người trong Ngày Tận Thế (Mt 25).
            2.2/ Thiên Chúa biểu lộ tình yêu: Cách định nghĩa tình yêu của Gioan tuyệt vời, nhưng vẫn chỉ thuần tri thức; nhưng cách biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa cho con người thật cụ thể và đánh động tâm lòng của mọi người, ngay cả những con tim chai đá nhất: "Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống." Mỗi khi nhìn lên Thập Giá, con người cảm nhận được tình Thiên Chúa yêu thương họ, dù chưa một lần được nhìn thấy Ngài.
            Thiên Chúa yêu thương con người trước: "Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta." Thiên Chúa yêu thương con người khi họ vẫn còn là những tội nhân; Ngài không đợi cho con người trở nên tốt lành, đáng yêu rồi mới yêu thương họ. Nếu Ngài chờ đợi như thế, con người sẽ không có cơ hội, vì làm sao con người có thể gột rửa tội lỗi mình để trở nên đáng yêu? Con người chỉ có thể cảm nhận sau khi Thiên Chúa tỏ tình yêu của Ngài, và đáp trả lại tình yêu Thiên Chúa bằng cách loan truyền tình yêu Thiên Chúa cho tha nhân, và yêu thương mọi người.
3/ Phúc Âm: Thiên Chúa chọn và sai chúng ta đi làm việc cho Ngài.
            3.1/ Giới luật yêu thương
            (1) Nguồn cội của tình yêu: Tình yêu phát xuất từ Chúa Cha, lan truyền qua Chúa Con, và được trao tặng cho các Tông đồ, như Chúa Giêsu mặc khải: "Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy." Điều quan trọng là các môn đệ phải ở lại trong tình thương này, trước khi có thể làm cho tình thương này lan rộng tới tha nhân. Sau khi đã ở lại trong tình yêu này, Chúa Giêsu mới tiếp tục truyền như trong câu 12: "Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em." Điều này cũng có nghĩa: Nếu không ở lại trong tình thương Thiên Chúa, chúng ta không thể yêu nhau bằng tình yêu Thiên Chúa; và không thể đạt được mức độ trọn lành như Thiên Chúa đòi hỏi như yêu kẻ thù, yêu đến chết, và sẵn sàng tha thứ tất cả lỗi lầm của tha nhân.
            (2) Giữ các điều răn là ở lại trong tình thương Thiên Chúa: "Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người." Chúa Giêsu không chỉ dạy dỗ, nhưng còn làm gương sáng. Ngài không đòi hỏi các ông điều gì Ngài không làm; ví dụ: yêu đến nỗi hy sinh tính mạng, tha thứ cho kẻ thù, vâng lời Thiên Chúa trong mọi sự đến nỗi phải chết. Ngài khuyến khích các ông để các ông có can đảm theo chân Ngài: Nếu Ngài đã làm được, các ông cũng sẽ làm được.
            Giữ các giới răn và ở lại trong tình yêu Thiên Chúa không phải là một sự ép buộc như giữ những luật lệ của con người; nhưng là bí quyết để tìm được niềm vui trọn vẹn: "Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn."
            3.2/ Chúa Giêsu gọi và chọn các môn đệ: Như trong hai bài đọc trên, Chúa Giêsu luôn luôn là người bắt đầu. Ngài gọi và chọn 12 Tông-đồ, chứ không có ai là người tình nguyện theo Ngài cả. Trong cuộc đời rao giảng của Chúa, nhiều người cũng tình nguyện theo Chúa, nhưng Ngài không cho theo. Cũng thế, trong ơn gọi làm linh mục và tu sĩ: con người không tự mình làm linh mục hay tu sĩ, nhưng qua lời mời gọi và sự lựa chọn của những người đại diện Thiên Chúa.
            (1) Ngài gọi các môn đệ để trở thành bạn hữu: Tình yêu đòi hỏi sự tự do và ngang hàng giữa hai chủ thể (nói theo kiểu VN, phải môn đăng hộ đối). Con người có tự do nhưng không thể ngang hàng với Thiên Chúa, vì con người chỉ xứng đáng làm đầy tớ của Ngài; nhưng có một sự trao đổi kỳ lạ ở đây. Thiên Chúa, qua Con Ngài là Chúa Giêsu đã khiêm nhường hạ mình cho bằng con người, để mặc lấy thân phận con người, để yêu thương con người, và để nâng con người lên hàng bạn hữu: "Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết." Thiên Chúa đã hoàn thành điều này qua Mầu Nhiệm Nhập Thể.
            Không những chỉ chọn con người là bạn hữu, nhưng còn là bạn nghĩa thiết tâm giao. Thông thường, con người chỉ dám hy sinh tính mạng cho người bạn nghĩa thiết. Chúa Giêsu là bạn nghĩa thiết của con người vì Ngài dám hy sinh tính mạng để cho con người không phải chết, như chính Ngài đã tuyên bố: "Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình." Khác với con người chỉ có một hay vài bạn tâm giao, Chúa Giêsu muốn có rất nhiều bạn nghĩa thiết, nên Ngài mở rộng đến mọi người: "Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy." Hy sinh tất cả cho tha nhân là cách trở nên bạn hữu của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã hoàn thành điều này qua Mầu Nhiệm Cứu Độ.
            (2) Ngài chọn các ông để được sai đi: Tình yêu Thiên Chúa không giữ lại trong một số người hay một dân tộc, nhưng luôn mở rộng và cho đi đến mọi người. Chúa Giêsu chọn 12 Tông-đồ và một số môn đệ để yêu thương, dạy dỗ, và sai đi: "Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em." Tiếp tục sứ vụ của Chúa Giêsu, các Tông-đồ cũng chọn các môn đệ để yêu thương, dạy dỗ, và sai đi để yêu thương, dạy dỗ, và sai đi rao giảng Tin Mừng. Sứ vụ này vẫn tiếp tục cho đến thời đại chúng ta đang sống, và sẽ còn kéo dài cho tới Ngày Tận Thế.
 ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG: 
            - Thiên Chúa luôn là Người bắt đầu trong mọi sự việc, chúng ta chỉ là người nhận ra và đáp trả lại tình yêu của Ngài.
            - Nguồn căn bản nhất trong các hoạt động của Thiên Chúa và của chúng ta là tình yêu. Tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa, lan rộng qua Đức Kitô, và đổ xuống trên con người. Chúng ta phải ở lại trong tình yêu này trước khi có thể yêu thương tha nhân bằng tình yêu Thiên Chúa.
            - Để nhận ra tình yêu Thiên Chúa, chúng ta phải giữ các giới răn Chúa Giêsu truyền dạy và phải sẵn sàng hy sinh ngay cả tính mạng cho tha nhân, như Chúa Giêsu đã vâng lời Chúa Cha và sẵn sàng hy sinh tính mạng cho con người.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
*****************************************


NGÀY 13-5
CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH;
Cv 10, 25-26. 34-35. 44-48; 1Ga 4, 7-10; Ga: 15, 9-17.
LỜI SUY NIỆM:
          Khi ấy, Đức Giêsu nói với môn đệ rằng: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy.” (Ga 15,9)
          Chúa Giêsu nhận lấy trọn vẹn tình yêu của Chúa Cha. Chúa Cha ở trong Ngài và Ngài ở trong Chúa Cha. Sự sung mãn tình yêu này. Chúa Giêsu cũng vì yêu thương chúng ta, Ngài mời gọi chúng ta hãy tin, yêu mến Ngài để được ở lại trong tình yêu của Ngài.
Chúng ta thật sự muốn ở lại trong tình yêu của Ngài thì điều cần thiết nhất đó là nghe, giữ và sống những lời Ngài truyền dạy, chu toàn điều răn của Ngài. Điều răn mà Ngài muốn mọi con người khi còn sống với nhau là phải yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương chúng ta. Điều này làm đẹp lòng Ngài; nhờ đó chúng ta được ở trong tình thương của Ngài, trong đó có cả người anh em của chúng ta, như thế chúng ta cùng ở trong nhau. Khi được sống trong tình thương của Ngài, chúng ta sẽ nhận được dòng chảy yêu thương luân chuyển từ Thiên Chúa Cha, qua Chúa Giêsu đến với chúng ta và chúng ta cùng chia sẻ tình yêu thương ấy cho nhau, rồi chúng ta cùng yêu kính Thiên Chúa.
Làm môn đệ của Chúa Giêsu phải là chứng nhân tình yêu.
Mạnh Phương
*****************************************

13 Tháng Năm 
Ngày Của Mẹ
Ngày Chúa Nhật thứ hai trong tháng năm, tại nhiều nước trên thế giới, được gọi là ngày của Mẹ, ngày dành riêng để tỏ lòng báo hiếu đối với Mẹ...
Sáng kiến dành ngày Chúa Nhật thứ hai của tháng năm làm ngày của mẹ được gán cho một thiếu nữ người Hoa Kỳ tên là Anna M.Jarvis qua đời khoảng năm 1948. Mẹ của cô qua đời tháng năm năm 1905. Trong những năm kế tiếp, cô thường tổ chức giỗ mẹ một cách trọng thể như mời bạn bè đến cầu nguyện tại gia đình. Cô viết thư gửi tới các nhân vật quan trọng trong nước Mỹ để xin lập một ngày tưởng nhớ các bà Mẹ. Tiểu bang nơi cô đang sống đã chấp nhận đề nghị năm 1913. Và ngày 10 tháng 5 ấy, quốc hội Hoa Kỳ cũng thông qua đề nghị nhận ngày Chúa Nhật thứ hai trong tháng 5 như một ngày để ghi ơn các bà mẹ. Tổng thống Wilson của Hoa Kỳ đã công bố quyết định này ngày 09/5/1914. Tục lệ này đã lan rộng sang nhiều quốc gia trên thế giới... Trong ngày nhớ mẹ, người con thường cài trên áo một bông hoa cẩm chướng màu trắng nếu mẹ đã quá cố và màu hồng dành cho những ai còn mẹ.
Trong các tước hiệu Giáo Hội dùng để gọi Ðức Maria, có lẽ xứng hợp với tâm tình con người hơn cả vẫn là tước hiệu Mẹ. Chúng ta có thể gọi Ðức Maria là Mẹ với tất cả tâm tình trìu mến như khi chúng ta gọi người mẹ của chúng ta. Do lời trăn trối của chính Chúa Giêsu con Mẹ, Mẹ đã trở thành Mẹ của Giáo Hội. Qua muôn thế hệ, Mẹ không ngừng cưu mang, sinh ra và dưỡng dục các tín hữu trong Ðức tin.
Niềm hạnh phúc của bất cứ người mẹ nào vẫn là thấy con mình được nên người. Mẹ Maria chăm chú theo dõi và lo lắng cho từng người chúng ta. Niềm vui của Mẹ chính là thấy mỗi người chúng ta được lớn lên theo hình ảnh của Chúa Giêsu con Mẹ...
Chúng ta mang đến cho Mẹ những bó hoa trong suốt tháng 5, tháng 10 và trong từng lời Kinh dâng lên Mẹ. Nhưng có lẽ Mẹ sẽ sung sướng hơn mỗi lần nhìn thấy sự trưởng thành nơi chúng ta. Mỗi lần chúng ta lớn lên trong ân phúc, trong bác ái yêu thương, trong hy vọng tin yêu: đó là những bó hoa tốt đẹp nhất mà chúng ta dâng lên Mẹ...
(Lẽ Sống)
*****************************************
Ngày 13
CHÚA NHẬT VI MÙA PHỤC SINH 
Đức Mẹ Fatima 

Giới răn yêu thương
"Ngươi phải yêu thương Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi... Ngươi hãy yêu thương đồng loại..." Đức Giêsu cũng lặp lại: "Điều Thầy dạy anh em là phải yêu thương nhau..." Một thời gian dài, người ta thường cho tình yêu như một tình cảm mạnh mẽ và tự do hướng đến những người mà mình yêu thương. Tại sao lại có việc nhấn mạnh một khía cạnh về tình yêu? Đức Giêsu cho thấy bí mật đó. Tình yêu có nguồn gốc từ nơi Thiên Chúa. "Như Cha đã yêu thương Thầy..." Các quyển Thánh Kinh đều gợi lên tình thương Thiên Chúa tỏ qua công trình sáng tạo của Người, thường được Thánh Kinh sử dụng thuật ngữ hesed. Thuật ngữ này vừa gợi lên sự chính trực vừa nói lên sự trung tín. Thiên Chúa, Đấng ban Danh Thánh của Người, yêu thương dân, luôn minh chứng sự chính trực của Người, lòng nhân từ vô biên, sự trung tín vững bền của Người.


Thiên Chúa không thay đổi. Con người có thể tin tưởng vào Người, vì Người luôn chính trực. Đó là đá tảng, nơi trú ẩn vững bền. Đức Giêsu đã sống tình yêu của Cha. Người dấn thân phục vụ anh em của mình cho đến chết. Yêu thương như Thiên Chúa Cha, như Đức Giêsu, có nghĩa là làm việc cho một thế giới công bằng không sa đọa mà người ta có thể tin tưởng và sự tin tưởng trở thành qui luật, một thế giới luôn được sự trung tín và lòng nhân từ hướng dẫn.
Linh mục Marc Sevin



Đức Mẹ Fatima

Đức Mẹ Fatima là một trong số nhiều tước hiệu mà người Công giáo dành cho Đức Trinh nữ Maria. Tước hiệu này phát xuất từ việc Đức Mẹ hiện ra 6 lần với 3 em bé chăn cừu làng Fatima (Bồ Đào Nha) là Lúcia dos Santos, Francisco Marto  Jacinta Marto từ ngày 13.5 tới ngày 13.10.1917.

Tước hiệu Đức Bà Mân Côi cũng được dùng để ám chỉ người phụ nữ đã hiện ra này. Các trẻ kể rằng người phụ nữ này đã đích thân xưng mình là "Đức Mẹ Mân Côi". Ngoài ra cũng thường thấy một tước hiệu gọp lại từ hai tước hiệu trên: "Đức Mẹ Mân Côi Fatima" (tiếng Bồ Đào Nha: Nossa Senhora do Rosário de Fátima).

Bối cảnh lịch sử

Từ tháng 8 năm 1914, châu Âu xẩy ra trận thế chiến thứ nhất, giết chết khoảng 6 triệu binh sĩ. Bồ Đào Nha theo phe Hiệp ước tham gia trận chiến từ tháng 5/1916. Bồ Đào Nha có khoảng 50.000 binh sĩ đồn trú ở Pháp[1].
Vị trí thành phố Fatima trên bản đồ Bồ Đào Nha

Năm 1917, Fatima là 1 giáo xứ nông thôn gồm khoảng 2.500 người cư ngụ rải rác trong khoảng 40 thôn xóm. Mọi người đều lao động trên các đồng ruộng. Các trẻ em cũng phải giúp đỡ cha mẹ những việc nhẹ như chăn dắt bò, dê, cừu vv...Phần lớn dân cư đều mù chữ, chỉ có khoảng 10% phụ nữ biết đọc, biết viết[2].
Các gia đình Dos Santos  Marto cư ngụ trong thôn Aljustrel. Gia đình Dos Santos có 1 bé gái, sinh ngày 22.3.1907. Gia đình người em họ Marto có 1 con trai là Francisco Marto, sinh ngày 11.6.1908 và 1 con gái là Jacinta Marto, sinh 11.3.1910. Ba em bé này thường chăn dắt đàn cừu tại bãi gọi là «Cova de iria», cách thôn chừng 2 km.
Trong năm 1915, Lúcia, Francisco và Jacinta đã gặp thiên thần hiện ra với chúng ở bãi này. Khi về nhà thuật lại với cha mẹ, chúng bị cha mẹ mắng, cho là đặt chuyện nói láo. Mùa xuân và mùa hè năm 1916, thiên thần lại hiện ra với chúng và dạy chúng cầu nguyện như sau :
« Lạy Chúa !
Con tin, con thờ lạy
Con trông cậy và con yêu mến Chúa.
Con xin Chúa tha thứ
cho những ai không tin,
không thờ lạy,
không trông cậy,
và không yêu mến Chúa. »
Lúcia dos Santos (ở giữa) với Jacinta và Francisco Marto, 1917

Đức Mẹ hiện ra lần đầu

Ngày 13.5.1917, vào lúc trưa, 1 bà mặc áo trắng toát hiện ra với 3 em bé chăn cừu, nói với các em là hãy lần chuỗi đọc kinh Mân Côi hàng ngày để cầu nguyện cho thế giói chấm dứt chiến tranh, được hòa bình. Trước khi biến đi, Bà bảo 3 em hãy trở lại nơi đây đúng giờ trưa ngày 13 tháng sau.
Jacinta - quên giữ kín - về nhà thuật lại sự việc cho cha mẹ nghe. Tin này loan truyền nhanh khắp làng. Mọi người tỏ ra không tin. Vị linh mục chính xứ hỏi Lúcia, nhưng cũng không tin. Trong báo cáo gửi lên giám mục cai quản giáo phận Leiria, vị linh mục viết : «cần phải xa lánh chuyện này».

Đức Mẹ hiện ra lần thứ hai

Ngày 13 tháng 6, đúng giờ trưa, 3 em lại tới nơi hẹn, theo sau có khoảng vài chục người tò mò đến xem sự thể ra sao. Mọi người lần chuỗi đọc kinh. Đức Mẹ lại hiện ra với 3 em, nhắc Lúcia về tầm quan trọng của việc đọc kinh Mân Côi câu nguyện dân kính «trái tim vô nhiễm Maria», đồng thời báo trước cái chết của 2 anh em Francisco và Jacinta Marto : «Ta sẽ sớm đưa Francisco và Jacinta về trời, còn con, con sẽ ở lại thế gian một thời gian. Chúa Giêsu muốn dùng con để loan truyền cho mọi người biết ta và yêu mến ta». Đức Mẹ cũng yêu cầu Lúcia học chữ để dễ loan báo lời Đức Mẹ cho các người khác.
Các người đi theo không nhìn và nghe thấy gì. Họ chỉ nhìn thấy cành cây nhỏ (mà Đức Mẹ đứng) trĩu xuống dưới 1 sức nặng, rồi đột nhiên bật lên (khi Đức Mẹ biến đi)

Đức Mẹ hiện ra lần thứ ba

Ngày thứ Sáu 13.7.1917, «bà mặc áo trắng» lại hiện ra với 3 em - có khoảng 4.000 người theo sau. Đức Mẹ vẫn nhắc Lúcia việc đọc kinh Mân Côi mọi ngày, để chiến tranh chóng chấm dứt. Lần này Đức Mẹ tiết lộ cho 3 em "bí mật" gọi là "bí mật Fatima". (Năm 1942, 2 bí mật đầu đã được công bố, còn bí mật thứ 3 thì mãi tới năm 2000, Giáo hội Công giáo Rômamới công bố).

Đức Mẹ hiện ra lần thứ tư

Ngày 10.8.1917, viên chánh tổng - 1 người chống đối hàng giáo sĩ - đòi 3 em Lúcia, Francisco và Jacinta tới để tra hỏi, nhưng không có kết quả. Ngày 13.8, ông ta nhốt 3 em vì làm rối loạn trật tự công cộng và tiếp tục tra hỏi, nhưng hoài công. Rốt cuộc, ngày 15.8, ông ta phải thả 3 em ra.
Tuy nhiên, ngày 13.8, có khoảng 18.000 người tới bãi chờ xem sự lạ, nhưng 3 em vắng mặt vì còn bị nhốt. Chúa nhật 19.8, khi 3 em dẫn đàn cừu tới thả ở bãi Cova de iria, Đức Mẹ lại hiện ra với 3 em, yêu cầu các em nói với mọi người cầu nguyện cho các người tội lỗi mau thống hối và hứa sẽ làm 1 phép lạ cho mọi người tin.

Đức Mẹ hiện ra lần thứ năm

Ngày 13.9, có khoảng 30.000 người tụ họp tại bãi Cova de iria, cầu nguyện cùng với 3 em. Đức Mẹ lại hiện ra với 3 em và cho biết tháng sau, sẽ có Chúa, Đức Mẹ núi Carmêlô, thánh Giuse và Chúa Hài đồng Giêsu sẽ cùng tới.

Đức Mẹ hiện ra lần thứ sáu

Ngày 13.10.1917, mưa như trút nước trên bãi Cova da Iria. Một đám đông khoảng 70.000[3] người - kể cả nhiều phóng viên chụp hình và các ký giả - tụ tập tại đây lần chuỗi, đọc kinh cầu nguyện. Lúc giữa trưa, Đức Mẹ hiện ra với 3 em và yêu cầu cho xây 1 nguyện đường tại đây để vinh danh Đức Mẹ. Đức Mẹ cũng loan báo thế chiến thứ nhất sẽ sớm chấm dứt và yêu cầu những kẻ có tội hãy mau sám hối.

Khi Đức Mẹ biến về trời thì mưa ngưng rơi, mặt trời xuất hiện trên bầu trời xanh biếc. Đám đông đã có thể nhìn thẳng vào mặt trời và thấy mặt trời nhảy múa, tung ra các chùm tia sáng nhiều màu. Mặt trời dường như xuống thấp gần trái đất, khiến đám đông sợ hãi. Việc lạ xẩy ra trong 10 phút, sau đó mọi sự trở lại bình thường. Hiện tượng này được hầu hết đám đông chứng kiến, và một số người ở cách đó mấy dặm cũng nhìn thấy.[4]
Trong thời gian này, các nhà khoa học trên thế giới không hề ghi nhận 1 hiện tượng khác thường nào của mặt trời.
Trong khi đó, riêng 3 em nhìn thấy Thánh Gia, rồi Đức Mẹ Sầu Bi, Chúa Hài Đồng Giêsu và sau chót là Đức Mẹ núi Carmêlô lần lượt xuất hiện như đã hứa trước với 3 em.
Bản sao chụp 1 trang của báo Ilustração Portugueza ngày 29.10.1917 cho thấy đám đông dân chúng đang ngẩng nhìn Phép lạ Mặt trời, khi Đức Mẹ hiện ra ở Fatima

Số phận 3 em chăn cừu

Francisco và Jacinta Marto bị chết sớm trong đợt dịch cúm Tây ban nha, Francisco chết năm 1919, Jacinta chết năm 1920. Cả 2 em đã được giáo hoàng Gioan Phaolô IInâng lên hàng đáng tôn kính (venerable) ngày 13.5.1989 và được phong chân phướcngày 13.5.2000. Mộ của 2 em hiện nằm trong lòng Vương cung thánh đường Fatima.
Còn Lúcia Dos Santos vào tu viện dòng Dorothea ở Pontevedra (Galicia, Tây ban nha) ngày 24.10.1925, sau đó khấn lần đầu ở Tuy (Tây ban nha) năm 1928. Năm 1925 và 1929, Lúcia lại được Đức Mẹ hiện ra với mình. Tháng 10/1934, Lúcia khấn vĩnh viễn và lấy tu danh là nữ tu Đức Mẹ Maria Sầu Bi.
Sau nhiều năm điều tra, giám mục da Silva, cai quản giáo phận Leiria, trong thư mục vụ ngày 13.10.1930 đã công nhận sự kiện Đức Mẹ hiện ra với 3 em nói trên ở Fatima và chính thức cho phép việc tôn sùng Đức Mẹ Fatima. Theo lệnh hàng giáo phẩm, Lúcia đã viết các hồi ký về sự kiện trên gồm 4 bản (versions) : 1 bản năm 1935, 1 năm 1937, 1 năm 1941 và 1 đầu năm 1942.
Năm 1946, nhân kỷ niệm 300 năm ngày dâng nước Bồ Đào Nha cho Đức Trinh Nữ Maria, vị sứ thần tòa thánh Vatican  hồng yMasella đã đội (vương miện) triều thiên lên tượng Đức Mẹ Fatima, với sự tham gia chứng kiến của khoảng 600.000 tín hữu hành hương. Vương miện này do các phụ nữ Bồ Đào Nha cung hiến để cảm tạ Đức Mẹ đã gìn giữ Bồ Đào Nha trong cuộc thế chiến thứ nhất.
Từ năm 1948, Lúcia vào tu trong đan viện dòng kín Carmêlô ở Coimbra (Bồ Đào Nha), dưới tên nữ tu Lúcia Trái Tim Vô nhiễm nguyên tội.
Lúcia từ trần ngày 14.2.2005 ở tuổi 97.
(theo Wikipedia)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét