Trang

Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2012

12-05-2012 : THỨ BẢY TUẦN V MÙA PHỤC SINH


Thứ Bảy sau Chúa nhật V Phục Sinh
Cv 16,1-10 ; Tv 99 ; Ga 15,18-21.
Dân Lydia nghe rao giảng Tin Mừng
Bài đọc                                    Cv 16,1-10

1 Hồi ấy, ông Phao-lô đến Đéc-bê, rồi đến Lýt-ra. Ở đó có một môn đệ tên là Ti-mô-thê, mẹ là người Do-thái đã tin Chúa, còn cha là người Hy-lạp. 2 Ông được các anh em ở Lýt-ra và I-cô-ni-ô chứng nhận là tốt. 3 Ông Phao-lô muốn ông ấy cùng lên đường với mình, nên đã đem ông đi làm phép cắt bì, vì nể các người Do-thái ở những nơi ấy ; thật vậy, ai cũng biết cha ông là người Hy-lạp.
4 Khi đi qua các thành, các ông truyền lại cho các anh em những chỉ thị đã được các Tông Đồ và kỳ mục ở Giê-ru-sa-lem ban bố, để họ tuân giữ.
5 Vậy các Hội Thánh được vững mạnh trong đức tin và mỗi ngày thêm đông số.
6 Các ông đi qua miền Phy-ghi-a và Ga-lát, vì Thánh Thần ngăn cản không cho các ông rao giảng lời Chúa ở A-xi-a. 7 Khi tới sát ranh giới My-xi-a, các ông thử vào miền Bi-thy-ni-a, nhưng Thần Khí Đức Giê-su không cho phép. 8 Các ông bèn đi qua miền My-xi-a mà xuống Trô-a.
9 Ban đêm, ông Phao-lô thấy một thị kiến : một người miền Ma-kê-đô-ni-a đứng đó, mời ông rằng : "Xin ông sang Ma-kê-đô-ni-a giúp chúng tôi !" 10 Sau khi ông thấy thị kiến đó, lập tức chúng tôi tìm cách đi Ma-kê-đô-ni-a, vì hiểu ra rằng Thiên Chúa kêu gọi chúng tôi loan báo Tin Mừng cho họ.



Đáp ca                                     Tv 99,1-2.3.5 (Đ. c. 1)

Đáp  Hãy tung hô Chúa, hỡi toàn thể địa cầu.

Hoặc:
Đáp :    Ha-lê-lui-a.

1          Hãy tung hô Chúa, hỡi toàn thể địa cầu,
2          phụng thờ Chúa với niềm hoan hỷ,
            vào trước thánh nhan Người giữa tiếng hò reo.          Đ.

3          Hãy nhìn nhận Chúa là Thượng Đế,
            chính Người dựng nên ta, ta thuộc về Người,
            ta là dân Người, là đoàn chiên Người dẫn dắt.            Đ.

5          Bởi vì Chúa nhân hậu,
            muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương,
            qua bao thế hệ, vẫn một niềm thành tín.                     Đ.



Tung hô Tin Mừng                 Cl 3,1

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Ha-lê-lui-a.




Tin Mừng                                Ga 15,18-21

18 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : "Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. 19 Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em. 20 Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em : tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em. 21 Nhưng họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy, bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy."
(bản văn theoUB.Kinh Thánh/HĐGMVN)

Suy Niệm:
Ðức Giêsu đã bị ngược đãi và bị bắt bớ vì Ngài không thuộc về thế gian. Người môn đệ của Chúa không còn thuộc về thế gian nữa. Vì thế, họ cũng sẽ bị thế gian ghét bỏ và ngược đãi như Chúa.
Chúng ta tin và đi theo Chúa, chúng ta cũng sẽ gặp nhiều gian nan, thử thách và đau khổ. Nhưng Ðức Giêsu đã chiến thắng tội lỗi và Ngài cũng cho chúng ta sức mạnh để chiến thắng. Quan trọng là chúng ta có tin vào Ngài và can đảm chấp nhận bị ngược đãi, bị thua thiệt, bị mất mát vì Ngài hay không?

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn vững tin vào Chúa, hy vọng nơi Chúa và trung thành yêu mến Chúa. Dù cuộc đời chúng con có túng nghèo, đau khổ hay bị ngược đãi... chúng con không bao giờ nao núng, nhưng luôn tin tưởng vào Chúa. Hạnh phúc và vinh quang đích thực của chúng con là chính Chúa. Xin cho chúng con dám xác tín như Thánh Phaolô: Dù sự sống hay sự chết, dù thiên thần, thiên phủ... không có gì tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa, trong Ðức Giêsu. Amen.
(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)

Thế Gian Ghét Bỏ

Trong chiếc tàu chuyên di chuyển thương binh trong thời kỳ thế chiến II, một bác sĩ quân y đã tận tình săn sóc các thương binh người Nhật chẳng kém gì các thương binh quân đội Ðồng Minh. Viên sĩ quan Mỹ trên tầu đã lên tiếng phản đối: "Họ chỉ là tù binh, ông hãy đối xử với họ như quân đội họ đã đối xử với chúng ta".
Vị bác sĩ vẫn điềm nhiên tiếp tục công việc. Chẳng giằng được bất bình, viên sĩ quan lên tiếng lần nữa. Lần này bác sĩ đã trả lời: "Họ có cách đối xử của họ. Chúng ta có cách đối xử của chúng ta. Nếu việc làm của tôi khiến ông bực mình, xin ông dời sang nơi khác, tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để lấy tình yêu thay cho hận thù đang chiếm ngự trong trái tim họ. Ðây cũng là phương cách duy nhất mà chúng ta cần tuân theo để kiến tạo hòa bình trên thế giới".
Anh chị em thân mến!
Vị bác sĩ quân y đã lên tiếng phản đối vì ông hành động không theo cách cư xử thường tình của người đời" "Mắt đền mắt, răng đền răng". Sự phản đối này phần nào tương tự vơí những điều mà thế gian dành để cho môn đệ Chúa Giêsu.
Thật thế, đoạn Tin Mừng hôm nay đã mở ra cách riêng cho người môn đệ và chung cho cộng đoàn của những người theo Chúa Giêsu một viễn ảnh chẳng mấy tốt đẹp: "Vì danh Thầy, họ sẽ bị thế gian bắt bớ và ghét bỏ". Trong ngôn ngữ của thánh Gioan, thế gian không có nghĩa là toàn thế giới, vì vũ trụ là công trình tác tạo do tình yêu của Thiên Chúa. Thế gian ở đây là thế lực của sự dữ, của tất cả những gì đối nghịch cùng Thiên Chúa. Mà khi bước theo tiếng gọi của Chúa Giêsu, mặc nhiên người môn đệ đã chấp nhận dấn thân vào một đối đầu không khoan nhượng. Trong đó, họ sẽ lãnh lấy phần thua thiệt để phải hy sinh cả mạng sống. Ðiều này không chỉ xảy ra trong Giáo Hội thời sơ khai, nhưng mãi mãi cho đến hôm nay vẫn luôn còn bị bách hại.
Hơn nữa, mỗi giai đoạn lịch sử có những cách thế bách hại riêng. Không có những cuộc đổ máu công khai ảnh hưởng đến trào lưu văn hóa, văn minh thế giới, thì có những cuộc đổ máu âm thầm, bị khỏa lấp bởi những ngụy tạo nhân danh công lý. Thế giới càng văn minh thì hình thức bách hại càng tinh vi, tinh vi đến độ người bị bách hại chẳng nhớ ra rằng: mình đang khốn khổ, hứng chịu bắt bớ mà tưởng rằng đưa tay ra đón nhận ân huệ. Người ta đẩy mình đến chỗ tiêu diệt mà tưởng họ đang giúp mình xây dựng.
Bất cứ thời nào cũng có những bắt bớ và ghét bỏ. Thế nhưng, có phải vì viễn ảnh đen tối ấy mà các môn đệ của Chúa Giêsu thất vọng chùn chân: "Chính Thầy đã chọn các con khỏi thế gian, nên thế gian ghét các con". Lời khẳng định của Chúa Giêsu sẽ soi sáng và nâng đỡ cho những ai đang đối mặt với thử thách: "Tôi tớ không trọng hơn chủ. Nếu họ đã bắt bớ Thầy thì họ cũng sẽ bắt bớ các con".
Bắt bớ bây giờ không còn là một đe dọa, nhưng là dấu chỉ hy vọng, dấu chỉ thuộc về Ðức Kitô. Và cũng thật ý nghĩa trong câu nói của Tertulianô: "Máu tử đạo là những hạt giống nảy sinh ra các Kitô hữu". Tại vì danh Thầy mà họ sẽ làm cho các con những điều đó bởi vì họ không biết Ðấng đã sai Thầy, không biết nên đã làm. Vậy nếu biết chắc chắn họ đã không làm.
Thái độ trung thành anh dũng và vui mừng khi chịu thử thách của các vị tử đạo là lời giới thiệu hùng hồn đậm nét về Thiên Chúa. Trong cái chết tủi nhục của Chúa Giêsu trên Thập Giá, viên lãnh binh đã tuyên xưng: "Ông này thật là Con Thiên Chúa".
Khi giọt máu của vị tử đạo vừa chảy xuống đất cũng có biết bao nhiêu tâm hồn quay về Thiên Chúa. Tuy nhiên, không chỉ tử đạo mới có thể giới thiệu về Thiên Chúa. Nhưng Kitô hữu còn có thể giới thiệu Ngài bằng phương thế khác, không kém phần hữu hiệu là biết sống yêu thương.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn nhớ rằng, họ đã làm cho các con điều ấy, vì họ không biết Ðấng đã sai Thầy. Ðể rồi bằng mọi cách, nhất là bằng chính cuộc sống yêu thương không oán thù, nhưng yêu thương đáp trả cho bắt bớ hận thù. Qua đó, chúng con có thể giới thiệu Chúa cho những người chưa biết để xóa tan các ngộ nhận phát sinh từ những lần thiếu cảm thông nhận biết này. Amen.

(Veritas Asia)

Suy nim:
Khi Đức Giêsu còn sống bên các môn đệ,
chưa xảy ra chuyện các môn đệ bị thù ghét một cách nghiêm trọng.
Nhưng khi Tin Mừng Gioan được viết gần xong, thì chuyện đó đã xảy ra rồi.
Các Kitô hữu gốc Do thái đã bị trục xuất ra khỏi hội đường,
và người Rôma đã bách hại các Kitô hữu không nương tay.
Bài Tin Mừng hôm nay là một lời tiên báo của Đức Giêsu
về số phận của các Kitô hữu, trong mọi thời đại.
Đức Giêsu đã nói đến việc mình tự nguyện hy sinh mạng sống,
vì Ngài là Mục tử nhân lành muốn bảo vệ đàn chiên (Ga 10, 11. 17-18).
Ngài sẽ phải chiến đấu gay gắt để chống lại sói dữ hay kẻ trộm.
Đức Giêsu cũng nói đến việc Ngài sẽ hy sinh mạng sống 
cho bạn hữu của mình là các môn đệ (Ga 15, 12-13).
Ngài sẽ xung đột với tên Thủ lãnh thế gian (Ga 14, 30).
Thế gian là một thế lực thù ghét và âm mưu chống lại Ngài.
Một số nhà lãnh đạo Do thái giáo đã đứng hẳn về phía thế gian ấy.
Cái chết của Đức Giêsu trên thập giá là đỉnh điểm của sự thù ghét.
Thủ lãnh thế gian đã có được một chiến thắng tạm thời.
Nhưng chính sự thua cuộc của Đức Giêsu lại vén mở tình yêu Thiên Chúa,
và là khởi đầu cho một chiến thắng vẻ vang hơn, chiến thắng chính Tử thần.
Những môn đệ Đức Giêsu cũng phải chia sẻ số phận của Thầy.
Không phải các môn đệ luôn luôn được thế gian đón nhận.
“Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em.” (c. 20).
“Nếu thế gian ghét anh em, 
hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước khi nó ghét anh em” (c. 18).
Bị ghét bỏ, bị bắt bớ, bị giết hại: đó là thân phận của Thầy Giêsu,
và của những học trò đi theo Thầy, mãi đến tận thế.
Nếu thế gian có thái độ thù nghịch với các Kitô hữu, 
lý do là vì họ không thuộc về thế gian, và đã được tách khỏi thế gian (c. 19).
Tuy nhiên, họ vẫn không bị cất khỏi thế gian (Ga 17, 15),
mà còn được sai vào trong thế gian để biến đổi thế gian đó (Ga 17, 18).
Chính cái thế giằng co thuộc về bản chất của người Kitô hữu:
vừa ở trong thế gian, lại vừa không thuộc về nó,
vừa được chọn ra khỏi thế gian, lại vừa được sai vào trong nó,
đã đưa người môn đệ vào những thách đố khôn lường.
Theo một nghiên cứu năm 2002 của nhà báo người Ý, ông Antonio Socci, 
có khoảng 70 triệu người Kitô hữu chết vì đức tin trong 20 thế kỷ qua.
Nhưng chỉ riêng trong thế kỷ 20, đã có hơn 45 triệu người bị chết.
Chúng ta không kiểm chứng được nghiên cứu của ông này,
nhưng chúng ta biết cuộc bách hại các Kitô hữu vẫn xảy ra ở nhiều nơi.
Xin được ơn thuộc trọn về Giêsu dù phải lội ngược dòng với thế gian.
Cầu nguyn:
Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận,
xin dạy con biết phục vụ âm thầm.
Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,
xin dạy con biết yêu thương tự hiến.
Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,
xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.
Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,
xin dạy con biết coi mọi người như anh em.
Lạy Chúa Ba Ngôi,
Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,
xin cho các kitô hữu chúng con
trở thành tình yêu
cho trái tim khô cằn của thế giới.
Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,
biết sống nhờ và sống cho tha nhân,
biết quảng đại cho đi
và khiêm nhường nhận lãnh.
Lạy Ba Ngôi chí thánh,
xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa
ở sâu thẳm lòng chúng con,
và trong lòng từng con người bé nhỏ.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Nhưng họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy (Ga 15,21)
Suy niệm:
Tác giả Tacitus của Đế quốc Rôma vào thế kỷ thứ nhất, trong tập sử ký của ông có ghi lại cuộc bách hại đầu tiên mà Giáo hội phải trải qua như sau: "Rôma năm 64, Hoàng đế Néron, để đẹp bỏ tiếng đồn tố cáo ông là người đã nổi lửa đốt thành Rôma, đã ra lệnh lùng bắt những người mà dân chúng gọi là Kitô hữu. Một đám đông vô kể bị bắt giữ vì bị tố cáo không những đã gây ra cuộc hỏa hoạn, mà lại còn thù nghịch với các thần minh và nhân loại. Tất cả đã bị đem ra chế diễu và bị hành hạ cho đến chết: một số bị gói trong những mảnh da thú và quăng cho chó cắn xé; một số khác bị thiêu sống, như thế khi màn đêm vừa buông xuống, người ta dùng họ cho những bó đuốc để soi sáng ban đêm; nhiều người khác bị đóng đinh cách dã man. Cảnh tượng ấy diễn ra tại Hí trường, nó dã man đến nỗi đã làm cho dân chúng xúc động và thêm bất mãn.
Trên đây là trang sử đầu tiên trong lịch sử các cuộc bách hại Giáo hội đã trải qua. Ở đâu có Giáo hội, ở đó có bách hại. Thánh Gioan khi ghi lại đoạn Tin mừng hôm nay cũng nhìn thấy trước mắt cảnh tàn sát dã man mà các tín hữu tiên khởi đã trải qua dưới thời Néron. Cũng như các tín hữu tiên khởi, chúng ta được Giáo hội cho lắng nghe chính những lời loan báo của Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu đã bị bách hại cho đến chết. Do đó tất cả những ai làm môn đệ Ngài cũng không thể không đi con đường ấy. Đó là một tất yếu: dù sống trong hoàn cảnh hay xã hội nào, bị thế gian thù ghét là phận số của người Kitô hữu. Điều đó không làm cho người Kitô hữu phải ngạc nhiên, bởi vì cuộc sống của họ là một cuộc sống đi ngược dòng. Bị thế gian thù ghét không phải là điều bất thường đối với thân phận làm Kitô hữu; cái bất thường trong thân phận Kitô hữu chính là cuộc sống dễ dãi, thỏa hiệp, chạy theo dòng thác của thế tục.

Một sử gia khác của Đế quốc Rôma vào thế kỷ I là Plinus cũng phải ngạc nhiên không hiểu tại sao các Kitô hữu phải bị ghen ghét và bách hại. Trong một lá thư thỉnh ý lên Hoàng đế Trajanus, với tư cách là toàn quyền Bithina, ông đã viết: "Tâu bệ hạ, thần thấy có nhiệm vụ phải thỉnh ý bệ hạ, bởi vì vấn đề của các người Kitô hữu đang lan rộng, thần phải xử trí thế nào. Cho đến nay thần tưởng đã làm đúng khi tha bổng những người đã chối bỏ mình là Kitô hữu, nếu sau khi được xét xử, họ cầu khẩn với các thần minh, dâng hương và rượu trước ảnh của bệ hạ mà thần cho đặt vào giữa các thần minh, và nhất là phỉ báng ông Kitô. Không thể cưỡng bách những người Kitô hữu đích thực làm một điều như thế. Qua những cuộc tra hỏi, sai lầm duy nhất của các Kitô hữu là tụ họp lại trong một ngày nào đó khi mặt trời vừa lên để ca hát chúc tụng ông Kitô như một Thiên Chúa. Trong những cuộc tụ họp như thế dường như họ thề quyết không làm điều ác, mà trái lại trở thành những công dân tốt, thanh liêm và đáng trọng nể".
Quả là "cây muốn lặng mà gió chẳng đứng". Chứng từ trên đây của Plinus cho thấy cho dẫu có quyết tâm sống như những công dân tốt, các kitô hữu vẫn bị nghi ngờ và bị bách hại. Tình trạng này dường như xảy ra trong bất cứ thời đại và xã hội nào. Lý do duy nhất để các Kitô hữu hiểu được tại sao họ bị bách hại chính là lời của Chúa Giêsu: "Nếu thế gian ghét các con, các con hãy biết rằng nó đã ghét Ta trước". Đó là chìa khóa để chúng ta hiểu được vị thế của Giáo hội trong thế gian, một thế gian được Thiên Chúa yêu thương đễn nỗi đã ban Con Một Ngài, nhưng cũng là một thế gian đang bị sức mạnh của tối tăm lôi kéo. Sứ mệnh của Giáo hội và của mỗi Kitô hữu chống lại sức mạnh tăm tối ấy và do đó bị ghen ghét, bách hại là điều không thể tránh khỏi.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta ý thức sâu sắc về danh hiệu kitô của chúng ta. Mang danh hiệu kitô là tham dự vào mầu nhiệm Tử nạn và Thập giá của Chúa Kitô, nhưng chúng ta tin chắc rằng nhờ tham dự vào mầu nhiệm khổ nạn và Thập giá ấy mà chúng ta góp phần vào việc cứu rỗi và canh tân thế giới. Khổ đau mà các kitô hữu đang phải gánh chịu vì Danh Chúa Giêsu là hạt giống trổ sinh những hoa trái của niềm tin.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, sự phục sinh của Chúa đã mang lại cho các tông đồ sức sống mới, đã biến đổi các tông đồ từ nhút nhát thành can đảm. Từ hoảng sợ thành kiên cường. Từ thiếu hiểu biết thành người rao giảng Lời Chúa đầy thuyết phục. Xin Chúa ban ơn trợ giúp để chúng con can trường đứng vững trước những thử thách gian nguy. Xin cho chúng con ơn bình an trước những sóng gió nguy nan của dòng đời, trước những gian nguy, thử thách và khốn khó. Xin cho chúng con mãi trung thành với Chúa dù bị người đời khinh chê, dù bị thế gian kết án, dù bị thua thiệt khi trên mình chúng con mang danh Chúa.

12/05/12 THỨ BẢY TUẦN 5 PS
Th. Păngraxiô, tử đạo
Ga 15,18-21

ĐỂ THUỘC VỀ CHÚA KITÔ

“Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó.” (Ga 15,19)

Suy niệm: “Yêu nhau yêu cả đường đi; ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng.” Chuyện thế thái nhân tình vốn là thế! Nếu Chúa Kitô đã bị “thế gian” ghét, thì việc các môn đệ của Ngài có bị “thế gian” ghét lây cũng chẳng lạ gì, bởi vì họ thuộc về Chúa Kitô chứ không thuộc về “thế gian.” Người môn đệ phải dám chung chia số phận, đồng cam cộng khổ với thầy mình. Thế nhưng trong cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, các môn đệ đều bỏ Thầy mà trốn hết. May thay, Chúa Phục sinh đã nhóm lên trong họ niềm hy vọng mới. Từ nay, các môn đệ của Ngài không cho việc mình bị thù ghét vì thuộc về Chúa Kitô là điều xui xẻo, bất hạnh, mà trái lại đó là niềm hạnh phúc và hãnh diện: “Các tông đồ hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu” (Cv 5,41).

Mời Bạn: Nếu bạn bị người đời ghét bỏ vì bạn sống ích kỷ, kiêu căng, gian dối,… thì có gì đáng hãnh diện? Bạn còn đáng ghét nữa là khác! Hay ngược lại, nếu như vì “cầu hai chữ bình an” mà bạn không dám sống cách triệt để những giá trị của Tin Mừng, thì bạn cũng không phải là môn đệ đích thực của Chúa Kitô. Ở giữa hai thái cực đó, người môn đệ đích thực của Chúa Kitô, không sống vì sự yêu ghét của người đời nhưng chọn Ngài làm lẽ sống và tìm thấy hạnh phúc khi được thuộc trọn về Ngài.

Chia sẻ: Trong cung cách sống của bạn, có điều gì, vô tình hay hữu ý, gây phản cảm, hiểu lầm về Tin Mừng Chúa Kitô?

Sống Lời Chúa: Làm một việc bác ái, một cử chỉ thân ái cho một người bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin chọn con làm khí cụ bình an của Chúa. (Kinh Hoà Bình của thánh Phanxicô Assisi)


Thánh Thần giúp con người biết khôn ngoan giải quyết vấn đề
Bài đọc: Acts 16:1-10; Jn 15:18-21
Trong cuộc sống của các Kitô hữu: Có những lúc cần phải bảo vệ sự thật cho đến chỗ phải hy sinh mạng sống; nhưng cũng có những lúc cần khôn ngoan thích ứng trong những trường hợp và hoàn cảnh khác nhau. Làm sao các tín hữu nhận ra khi nào phải sống chết cho sự thật, và khi nào có thể khôn ngoan thích ứng tùy hoàn cảnh? Xin thưa các tín hữu cần sống theo sự hướng dẫn của Thánh Thần. Chắc chắn Ngài không hiện ra để nói trực tiếp với chúng ta, nhưng Ngài sẽ nói với chúng ta tùy hoàn cảnh; ví dụ: nơi nào Ngài muốn chúng ta tới, Ngài sẽ tạo cơ hội và những hoàn cảnh thuận tiện; nơi nào Ngài không muốn chúng ta tới, Ngài sẽ không cho cơ hội và gây ra những trở ngại khó khăn.
Các Bài Đọc hôm nay giúp chúng ta nhận ra sự hướng dẫn của Thánh Thần. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô trở lại các giáo đoàn cũ để thăm viếng, củng cố, và loan tin từ Giáo Hội Trung Ương, trước khi bắt đầu cuộc hành trình truyền giáo thứ hai. Chúng ta nhận ra sự hướng dẫn của Thánh Thần: khi Phaolô cắt bì cho Timothy, một người Hy-lạp, khi Thánh Thần ngăn cản không cho rao giảng tại Asia Minor và Bithynia, nhưng cho cơ hội vào Macedonia qua thị kiến mời gọi của một người địa phương. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tiên báo các môn đệ của Ngài sẽ bị thế gian bắt bớ như họ đã bắt bớ Ngài. Lý do đơn giản là Ngài không thuộc về thế gian cũng như các môn đệ không thuộc về thế gian.
I. KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Phaolô bắt đầu cuộc hành trình rao giảng Tin Mừng lần thứ hai.
1.1/ Trở lại thăm các giáo đoàn cũ: Khi có cơ hội, Phaolô luôn trở lại để viếng thăm và cũng cố những giáo đòan ông đã thành lập. Ông đến Derbe, rồi đến Lystra.
(1) Tuyển thêm môn đệ: Để có thêm người rao giảng Tin Mừng và để nâng đỡ nhau trong sứ vụ, khi Phaolô đến Lystra, ở đó có một môn đệ tên là Timothy, mẹ là người Do-thái đã tin Chúa, còn cha là người Hy-lạp. Ông được các anh em ở Lystra và Iconium chứng nhận là tốt.
Tại sao Phaolô cắt bì cho Timothy đang khi ông đưa sứ điệp của Giáo Hội Jerusalem? Xin thưa: Một khi Phaolô đã nhận được chỉ thị của Giáo Hội Mẹ cho biết việc cắt bì không liên quan gì tới việc cứu độ, thì có cắt bì hay không cũng chẳng có gì quan trọng cả. Tuy nhiên, có những cái không quan trọng với mình, nhưng lại quan trọng với người khác. Lý do Phaolô muốn cắt bì cho Timothy là vì "Phaolô muốn ông ấy cùng lên đường với mình, nên đã đem ông đi làm phép cắt bì, vì nể các người Do-thái ở những nơi ấy."
(2) Trao sứ điệp của Giáo Hội Jerusalem: "Khi đi qua các thành, các ông truyền lại cho các anh em những chỉ thị đã được các Tông Đồ và kỳ mục ở Jerusalem ban bố, để họ tuân giữ.
Vậy các Hội Thánh được vững mạnh trong đức tin và mỗi ngày thêm đông số."
1.2/ Sống theo sự hướng dẫn của Thánh Thần:
(1) Không muốn cho rao giảng Tin Mừng: "Các ông đi qua miền Phrygia và Galatia, vì Thánh Thần ngăn cản không cho các ông rao giảng lời Chúa ở Asia. Khi tới sát ranh giới Mysia, các ông thử vào miền Bithynia, nhưng Thần Khí Đức Giêsu không cho phép. Các ông bèn đi qua miền Mysia mà xuống Troa." Trong trình thuật này, hai lần Sách CVTĐ nói tới việc "Thánh Thần ngăn cản" và "Thần Khí Đức Giêsu không cho phép" vào những thành phố của Asia Minor. Tác giả không nói rõ cách thức Thánh Thần cho Phaolô biết ý của Ngài: có thể trong thị kiến, có thể bằng cách để Phaolô gặp những trở ngại từ phía địa phương.
(2) Muốn cho rao giảng Tin Mừng ở Macedonia: "Ban đêm, ông Phaolô thấy một thị kiến: một người miền Macedonia đứng đó, mời ông rằng: "Xin ông sang Macedonia giúp chúng tôi!"
Sau khi ông thấy thị kiến đó, lập tức chúng tôi tìm cách đi Macedonia, vì hiểu ra rằng Thiên Chúa kêu gọi chúng tôi loan báo Tin Mừng cho họ." Thánh Thần muốn mở rộng biên giới trong hành trình rao giảng Tin Mừng thứ hai của Phaolô, không còn giới hạn trong vùng Asia Minor; nhưng bành trướng vào Âu Châu, bắt đầu với các thành phố Hy-lạp.
2/ Phúc Âm: Anh em sẽ bị thế gian bắt bớ.
2.1/ Xung đột giữa Thiên Chúa và thế gian: Có nhiều ý nghĩa khác nhau về chữ "thế gian" trong Tin Mừng Gioan; nhưng ở đây "thế gian" được hiểu là những quyền lực chống lại Thiên Chúa, như ma quỉ và các tay sai của nó. Giữa Thiên Chúa và thế gian có rất nhiều xung đột về giá trị: ánh sáng và bóng tối, sự thật và sự sai trá, điều thiện hảo và điều gian ác, yêu thương và giận ghét, đoàn kết và chia rẽ, công bằng và bất công. Người Kitô hữu được kêu gọi để sống và làm chứng cho những giá trị của Thiên Chúa, và những giá trị này luôn đối nghịch với những giá trị của thế gian; hậu quả là thế gian sẽ ghét các Kitô hữu như Chúa Giêsu nói: "Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em."
2.2/ Nếu thế gian đã bắt bớ Chúa Giêsu, họ cũng sẽ bắt bớ các môn đệ của Ngài: Chúa Giêsu nhắc nhở các môn đệ: "Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em." Cả cuộc đời của Chúa Giêsu là cuộc đời dạy dỗ những điều tốt lành, chữa khỏi mọi bệnh hoạn tật nguyền, và khai trừ ma quỉ; thế mà thế gian còn truy tố, luận phạt, đánh đòn, và đóng đinh vào Thập Giá; các môn đệ là ai mà có thể tránh khỏi các cực hình này? Chỉ cần đọc Sách CVTĐ và Lịch Sử Giáo Hội, chúng ta đã nghe bao cuộc bách hại của thế gian nhắm vào các môn đệ của Chúa.
Nói tóm, thế gian chống các Kitô hữu họ mang danh Chúa Kitô. Khi chọn mang danh Kitô hữu là chọn để thế gian bắt bớ. Thế gian ghét những kẻ mang danh Kitô, vì không thuộc về họ, và không theo những tiêu chuẩn và đường lối của họ.
II. ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta cần mở rộng tâm hồn để sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Một trong những dấu chỉ để nhận ra là dựa vào cơ hội và hoàn cảnh. Nếu Thánh Thần muốn, Ngài sẽ tạo cơ hội và hoàn cảnh thuận tiện; nếu không, Ngài sẽ gởi những khó khăn tới.
- Có lúc chúng ta cần bảo vệ và làm chứng cho sự thật, có lúc chúng ta cần khôn ngoan thích ứng để đạt được những lợi ích mong muốn, tùy theo sự hướng dẫn bên trong của Ngài.
- Trở thành môn đệ của Chúa là phải chịu bắt bớ trong việc rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng. Lý do đơn giản là thế gian không biết Chúa Giêsu; vì thế, không chấp nhận những tiêu chuẩn của Tin Mừng.
Anthony Đinh Minh Tiên, OP.

Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 12-5
Thánh Nêrêô và Thánh Achilêô tử đạo. Thánh Pancratiô, tử đạo;
Cv 16, 1-10; Ga: 15, 18-21.
LỜI SUY NIỆM:
          “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gi là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em.” (Ga 15,18-19).
          Chúa Giêsu đã nói rất thật, rất rõ ràng với những con người muốn đi theo Ngài, Ngài không giấu diếm bất cứ một điều nào với ai cả. Đi theo Ngài sẽ bị thế gian này ghét bỏ, thế gian sẽ từ chối sự có mặt và sự sống của người môn đệ Chúa Giêsu, thế gian sẽ không chấp nhận họ. Mỗi con người trước khi đi theo Ngài, phải biết điều này, để chọn lựa, và chọn lựa dứt khoát, không thể lưng chừng hay trung lập, hoặc thỏa hiệp.
          Một người hoặc thuộc về thế gian, hoặc thuộc về Thiên Chúa. Chứ không có vị trí ở giữa hai vị trí ấy.
          Thế gian luôn ghét người K-tô hữu đích thực, bởi vì trong người Ki-tô hữu luôn có sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống của họ, họ sống đúng với những điều răn của Ngài, vâng nghe những điều Chúa Giêsu đã dạy. Chính vì đời sống như vậy đã trở nên ánh sáng soi rõ những điều xấu xa và gian ác của thế gian không có Chúa. Thế gian biết điều này, nên họ ghét Chúa Giêsu và không chấp nhận Ngài nên họ cũng ghét tất cả những người Ki-tô hữu.
Mạnh Phương
*****************************************
12 Tháng Năm
Danh Dự Cho Ai
Văn sĩ Pháp Alexandre Piron qua đời năm 1773, thường có thói quen đi dạo trong khu rừng Boulogne giữa thủ đô Paris. Một ngày nọ, ông ngồi nghỉ trên một ghế đá tựa vào một bức tường.
Chỉ một lát sau, ông ngạc nhiên vô cùng, vì trong đám đông những người đang đi dạo trong khu rừng, một vài người đến gần ông, ngả nón chào. Cũng có một vài người bái cả gối nữa. Nhà văn mỉm cười đáp lễ cảm tình mà khách qua lại dành cho ông. Ông không ngờ rằng ông được nhiều người mến mộ đến như thế. Ông mong sao một số bạn bè trong văn giới chứng kiến được cảnh tượng này để thấy được vinh quang mà ông đã đạt được...
Nhà văn đang say với bã vinh hoa thì chợt trong đám người đang bái chào ông, một lão bà để lộ một thái độ khác thường. Cũng giống như mọi người khác, bà lão cúi chào, rồi tiến đến gần ghế đá. Bà thì thầm nói trong miệng mà nhà văn không hiểu được, rồi ngước mắt nhìn lên cao. Ngạc nhiên trước cử chỉ khác thường của bà lão, nhà văn cũng đưa mắt nhìn lên cao phía trên tường. Lúc bấy giờ ông mới khám phá ra rằng trên đầu ông có một tượng thánh giá... Thì ra, những người đi dạo trong khu rừng Boulogne này dừng lại không phải để tỏ lòng mộ mến đối với ông, mà chính là tỏ lòng cung kính đối với Chúa Giêsu trên thập giá.
Hổ thẹn vì sự khám phá ấy, Alexandre Piron đứng dậy bỏ đi nơi khác.
Sở dĩ Chúa Giêsu đã có thái độ gay gắt đối với những người biệt phái giả hình, là bởi vì họ muốn chiếm đoạt chính Vinh dự của Thiên Chúa. Họ cũng giống như văn sĩ Alexandre Piron trong câu chuyện trên đây: người ta đến bái chào Chúa Giêsu trên thập giá, nhưng ông lại muốn dành cho mình vinh dự ấy. Những người biệt phái giả hình cũng giống như con lừa mà Chúa Giêsu dùng để cưỡi vào thành Giêrusalem. Giữa những tiếng reo hò dân chúng dành cho Chúa Giêsu, con lừa cứ nghĩ rằng nó là một anh hùng oai phong lẫm liệt...
Khao khát danh vọng, quyền bính là đam mê chung của mọi người. Ai cũng thích xuất hiện trước công chúng, ai cũng thích được người đời ca tụng, ai cũng thích được phục vụ. Một cách nào đó, người tham vọng không những dùng người khác như bàn đạp, mà còn tước đoạt chính Vinh quang của Chúa...
Chúa Giêsu là con người đã sống trọn vẹn cho tha nhân và do đó cũng quy mọi vinh dự về cho Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã nói với chúng ta rằng: là Thiên Chúa, Ngài đã không đòi cho được đồng hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hủy bỏ mình đi để mặc lấy thân phận con người và vâng phục cho đến chết.
Chúa Giêsu đã vạch cho chúng ta con đường được sống trọn vẹn ơn gọi làm người: đó là sống cho Thiên Chúa. Chỉ khi nào con người sống cho Thiên Chúa, thuộc về Thiên Chúa trong tất cả mọi sự, con người mới đạt được chính cùng đích của mình. Sống cho Thiên Chúa là luôn tìm thấy Thánh ý của Ngài, là hoạt động cho vinh quang của Ngài, là trở thành khí cụ trong bàn tay của Ngài...
(Lẽ Sống)
*****************************************
"Các con không thuộc về thế gian, vì chính Thầy đã chọn các con khỏi thế gian".(Ga 15,19)
Chấp nhận lội ngược dòng
Với cuộc thăm viếng các nước Hy Lạp, Siri và Malta (từ ngày 4 đến 5/05/2001), Ðức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã muốn đi lại cuộc hành trình của thánh Phaolô tông đồ. Ðặc biệt tại Siri, Ðức Thánh Cha đã sống lại một trong những cảnh sống động nhất trong lịch sử Giáo Hội là cuộc trở lại của thánh Phaolô. Sách Tông Ðồ Công Vụ thuật lại rằng: "Lúc ấy, Saolô vẫn còn hằm hằm giết các môn đệ của Chúa, nên đã tới gặp thượng tế xin thư giới thiệu đến các hội đường ở Damasco để, nếu thấy những người theo đạo, bất luận đàn ông hay đàn bà, thì bắt trói giải về Giêrusalem. Vậy, đang khi ông đi đường đến gần Damasco, thì bỗng nhiên có một luồng sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông. Ông ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với ông: "Saolô, Saolô, tại sao ngươi bách hại ta?" Ông hỏi: "Thưa Ngài, Ngài là ai?" Người đáp: "Ta là Giêsu mà ngươi đang bách hại". Kinh nghiệm này cho thánh Phaolô xác tín lại chính vì Chúa Kitô mà các tín hữu Kitô bị bách hại. "Nếu thế gian có ghét các con, thì hãy biết ra họ đã ghét Thầy trước". Nếu Chúa Giêsu là đối tượng của những chống đối, loại trừ, và cuối cùng là thập giá, thì bị bách hại là phần số tất yếu của các tín hữu Kitô. Những hình thức và cường độ bách hại có khác nhau qua những thời đại và xã hội, nhưng lý do bị bách hại vẫn không thay đổi. Chính vì Chúa Kitô mà các tín hữu bị bách hại. Nơi họ, mầu nhiệm bách hại của Chúa Kitô vẫn tiếp tục tái diễn. Nếu các thủ lãnh Do Thái Giáo nhân danh đạo giáo và cấu kết quyền lực của đế quốc để loại trừ Chúa Giêsu, thì qua các thời đại và ở bất cứ nơi đâu Giáo Hội có mặt, bản án dành cho Giáo Hội vẫn luôn mang tính tôn giáo. Hoàng đế Nêron của đế quốc Lamã đã ra lệnh tàn sát các tín hữu Kitô bởi vì niềm tin của họ là một đối đầu và thách thức cho thứ tôn giáo đang được áp đặt trên toàn đế quốc.
Nếu giáo huấn và cuộc sống của Chúa Giêsu là một đe dọa cho trật tự mà Do Thái Giáo đã thiết lập, thì niềm tin của các tín hữu tiên khởi cũng là một đe dọa không kém cho quốc giáo của đế quốc Lamã. Nhìn vào lịch sử của Giáo Hội tại Việt Nam, người ta thấy rằng lý do của những cuộc bách hại cũng tương tự. Những vua chúa Việt Nam cũng ban hành các dấu chỉ cấm đạo và bách hại các tín hữu Kitô, là bởi vì họ xem Kitô giáo như một tà đạo, nguy hại cho đạo giáo vốn đang được thực hành trên đất nước.
Tựu trung, nếu các tín hữu Kitô có bị bách hại là bởi vì niềm tin Kitô luôn là thách đố và tra vấn cho lương tâm con người. Nhìn lại các cuộc bách hại đã và đang diễn ra trong các chế độ toàn trị, người ta cũng thấy rằng chính vì chủ trương duy vật vô thần mà các chế độ độc tài bách hại Giáo Hội. Chính vì đến để làm chứng và nói lên sự thật mà Chúa Giêsu đã bị chống đối, khước từ và loại trừ. Ngày nay, bất cứ ai sống cho sứ mạng ấy, dù đang sống trong xã hội nào cũng đều bị bách hại cách này hay cách khác. Năm 1968, khi Ðức Phaolô VI công bố thông điệp Sự Sống Con Người, trong đó ngài lên án não trạng chống lại sự sống của con ngườ thời đại, người ta đã có lý để gọi ngài là một người dám chống lại cả thế giới.
Sống cho sự thật, làm chứng cho sự thật, dám nói lên sự thật là chấp nhận bị tẩy chay, bị loại trừ, bị bách hại. Một số phận như thế lại càng rõ nét hơn trong một chế độ xây dựng trên dối trá, lừa bịp. Trong một chế độ như thế, những ai trung thành với Chúa Giêsu, Ðấng đã bị bách hại vì sự thật, chắc chắn không thể không bị bách hại.
Xét cho cùng, sống đạo, dù trong xã hội và hoàn cảnh nào cũng đều chấp nhận lội ngược dòng. Và lội ngược dòng có nghĩa là sẵn sàng mất tất cả, ngay cả mạng sống của mình để không đánh mất chính bản thân.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Ngày 12
Thánh Nêrô và thánh Achilêô, 
tử đạo Thánh Pancratiô, tử đạo 


Thiên Chúa vượt trổi hơn tất cả các bà mẹ và phép lạ của tình yêu mẫu tử, ngay cả trong Đức Maria, vẫn còn là tiếng vang của tình mẫu tử thần linh đầu tiên. Vì thế, qua tình này, chính tình mẫu từ thẩn linh mời gọi chúng ta, đó chính là Thiên Chúa, ngang qua tình này mà chúng ta gọi "Mẹ ơi". Tình này bảo đảm tiếng gọi và vang lên đến tận Thiên Chúa.
Maurice Zundel


“Kính mừng Maria đầy ơn phúc”
Thiên Chúa ở cùng Mẹ. Như Đức Maria, tôi nghe những lời của thiên sứ như nói với tôi và tôi đón nhận tình yêu nhưng không này (đó là ý nghĩa của thuật ngữ "ân sủng") khi tôi tạ ơn.

"Xin đừng sợ, Bà được đầy ơn phúc trước mặt Chúa..." Nhiều lần Đức Giêsu ca tụng đức tin của Mẹ mình. Mẹ về mặt thân xác, Mẹ còn là Mẹ theo Thần Khí. Đó là việc Mẹ đón nhận Lời trong Mẹ, và Mẹ đã ban thân xác cho Thiên Chúa. Dân chúng nói 'Phúc cho người đã cho Thầy bú" Đức Giêsu đáp lại: "Càng phúc hơn người lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành." Và còn nói: "Ai thực hiện ý của Thiên Chúa, người ấy ỉà mẹ tôi" (Mt 12,50).

Nơi vị trí nhỏ bé của tôi, tôi có thể làm cho Thiên Chúa đến trần gian, mang xác phàm trong tôi giữa thế giới này.
Xavier Nicolas
Thứ Bẩy 12-5

Thánh Nereus và Thánh Achilleus

(thế kỷ I)

N
hững gì chúng ta biết về hai vị tử đạo của thế kỷ thứ nhất là từ các lời chứng của Thánh Giáo Hoàng Damasus trong thế kỷ thứ tư, và được ghi khắc trên tấm bia để tưởng nhớ hai ngài. Nhưng điều dẫn giải này chỉ xảy ra sau cái chết của các ngài đến 300 năm.
Ðức Damasus kể rằng Nereus và Achilleus là binh lính của đạo quân Rôma và nhiệm vụ của họ là bách hại người Kitô Giáo. Có lẽ hai ngài chẳng có gì chống đối đạo và cũng không muốn đổ máu người vô tội, nhưng họ tuân lệnh chỉ vì sợ chết. Nói cho cùng, đó là nhiệm vụ của một người lính.
Chúng ta không rõ hai ngài đã trở lại đạo như thế nào, chỉ biết đó là một "phép lạ đức tin." Sau phép lạ này, hai ngài quăng vũ khí và trốn ra khỏi trại, vứt bỏ áo giáp và gươm đao để mặc lấy đời sống mới trong Ðức Kitô. Vì đã từng là những kẻ bách hại, có lẽ các ngài biết rõ hơn ai hết về sự đau khổ đang chờ đợi người Kitô. Tuy nhiên, đức tin đã chiến thắng sự sợ hãi cái chết, và sự chiến thắng của đức tin là sự ngọt ngào nhất mà các ngài chưa bao giờ được cảm nghiệm.
Chúng ta biết là các ngài đã tử đạo, nhưng Ðức Damasus không cho biết chi tiết như thế nào. Sau này, truyền thuyết nói rằng các ngài phục vụ dưới quyền bà Flavia Domitilla, là cháu gái của Hoàng Ðế Domitian, và đã bị lưu đầy và bị hành quyết cùng với bà khi chính bà này trở lại đạo. Truyền thuyết này có lẽ phát xuất từ sự kiện là hai ngài đã được chôn cất trong một hầm mộ được gọi là nghĩa trang Domitilla.

Lời Bàn

Như trong trường hợp của các vị tử đạo tiên khởi, Giáo Hội chỉ biết bám víu vào chút ký ức sơ sài giữa những dữ kiện mù mờ của lịch sử. Nhưng đó là một khích lệ lớn lao cho tất cả Kitô Hữu khi biết rằng chúng ta có một di sản quý báu. Những anh chị của chúng ta trong Ðức Kitô cũng đã sống ở một thế giới giống như chúng ta -- chủ nghĩa quân phiệt, chủ nghĩa vật chất, hung bạo và hoài nghi - tuy nhiên các ngài đã biến đổi tâm hồn nhờ sự hiện diện của Ðấng Hằng Sống. Sự can đảm của chúng ta cũng được phấn khích bởi các anh hùng liệt nữ, là những người đã ra đi trước chúng ta và đã được ghi dấu đức tin nhờ mang lấy thương tích của Ðức Kitô.

Thánh Pancratius
(c. 304)

T
hánh Pancratius là vị tử đạo thời tiên khởi mà chúng ta biết rất ít về ngài. Truyền thuyết nói rằng ngài sinh vào cuối thế kỷ thứ ba và được người chú ở Rôma nuôi dưỡng sau khi cha mẹ mất sớm. Sau đó, hai chú cháu theo Kitô Giáo. Trong thời gian cấm đạo của Hoàng Ðế Diocletian, Pancratius bị chặt đầu năm 304, lúc ấy ngài mới 14 tuổi.
Ngài được chôn trong một nghĩa địa mà sau này mang tên của ngài. Thánh Pancratius được nước Anh đặc biệt sùng kính vì Thánh Augustine ở Canterbury đã dâng hiến một nhà thờ ở đây cho Thánh Pancratius, và thánh tích của ngài được tặng cho vua xứ Northumberland.
Lời Trích
"Chúng sẽ bắt bớ và ngược đãi anh em, nộp anh em cho các hội đường và nhà tù, và chúng sẽ điệu anh em đến trước mặt vua quan vì danh Thầy. Ðó là cơ hội để anh em làm chứng. Hãy nhớ rằng, đừng lo nghĩ cách bào chữa, vì chính Thầy sẽ cho anh em tài ăn nói khôn ngoan khiến tất cả các địch thủ không tài nào chống đối hay bắt bẻ được" (Luca 21:12-15).

Copyright © 2001 by Nguoi Tin Huu. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét