Trang

Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2012

CHÚA NHẬT 20-05-2012 : LỄ CHÚA THĂNG THIÊN (năm B)


Lễ CHÚA THĂNG THIÊN - Năm B

Cv 1,1-11 ; Tv 50 ; Ep 1,17-23 ; Mc 16,15-20.
Bài đọc 1                                 Cv  1,1-11

1 Thưa ngài Thê-ô-phi-lô, trong quyển thứ nhất, tôi đã tường thuật tất cả những việc Đức Giê-su làm và những điều Người dạy, kể từ đầu 2 cho tới ngày Người được rước lên trời. Trước ngày ấy, Người đã dạy bảo các Tông Đồ mà Người đã tuyển chọn nhờ Thánh Thần. 3 Người lại còn dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình : trong bốn mươi ngày, Người đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa. 4 Một hôm, đang khi dùng bữa với các Tông Đồ, Đức Giê-su truyền cho các ông không được rời khỏi Giê-ru-sa-lem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa, "điều mà anh em đã nghe Thầy nói tới, 5 đó là : ông Gio-an thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần."
6 Bấy giờ những người đang tụ họp ở đó hỏi Người rằng : "Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ít-ra-en không ?" 7 Người đáp : "Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, 8 nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất."
9 Nói xong, Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa. 10 Và đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh 11và nói : "Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn lên trời ? Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời."



Đáp ca                                     Tv 46,2-3.6-7.8-9 (Đ. c. 6)

Đáp    Thiên Chúa ngự lên, rn rã tiếng hò reo,
Chúa ngự lên, vang dội tiếng tù và.

Hoặc:
Đáp :    Ha-lê-lui-a.

2          Vỗ tay đi nào, muôn dân hỡi !
            Mừng Thiên Chúa, hãy cất tiếng hò reo !
3          Vì Đức Chúa là Đấng Tối Cao, Đấng khả uý,
            là Vua Cả thống trị khắp địa cầu.                                Đ.

6          Thiên Chúa ngự lên, rộn rã tiếng hò reo,
            Chúa ngự lên, vang dội tiếng tù và.
7          Hãy đàn ca, đàn ca lên mừng Thiên Chúa,
            đàn ca lên nào, đàn ca nữa kính Vua ta !                   Đ.

8          Thiên Chúa là Vua toàn cõi địa cầu,
            hãy dâng Người khúc đàn ca tuyệt mỹ.
9          Thiên Chúa là Vua thống trị chư dân,
            Thiên Chúa ngự trên toà uy linh cao cả.                     Đ.
           


Bài đọc 2                                 Ep 1,17-23 (Năm A, B, C)

17 Thưa anh em, tôi cầu xin Chúa Cha vinh hiển là Thiên Chúa của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, ban cho anh em thần khí khôn ngoan để mặc khải cho anh em nhận biết Người. 18 Xin Người soi lòng mở trí cho anh em thấy rõ, đâu là niềm hy vọng anh em đã nhận được, nhờ ơn Người kêu gọi, đâu là gia nghiệp vinh quang phong phú anh em được chia sẻ cùng dân thánh, 19 đâu là quyền lực vô cùng lớn lao Người đã thi thố cho chúng ta là những tín hữu. Đó chính là sức mạnh toàn năng đầy hiệu lực, 20 mà Người đã biểu dương nơi Đức Ki-tô, khi làm cho Đức Ki-tô trỗi dậy từ cõi chết, và đặt ngự bên hữu Người trên trời. 21 Như vậy, Người đã tôn Đức Ki-tô lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được, không những trong thế giới hiện tại, mà cả trong thế giới tương lai.22 Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Ki-tô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh ; 23 mà Hội Thánh là thân thể Đức Ki-tô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn.


Hoặc                                        Ep 4,1-13 (Năm B)

1 Thưa anh em, tôi là Phao-lô, người đang bị tù vì Chúa, tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em. 2 Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại ; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. 3 Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau. 4 Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. 5 Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. 6 Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người.
7 Nhưng mỗi người chúng ta đã nhận được ân sủng tuỳ theo mức độ Đức Ki-tô ban cho. 8 Vì thế, có lời Kinh Thánh nói : Người đã lên cao, dẫn theo một đám tù ; Người đã ban ân huệ cho loài người.
9 Người đã lên nghĩa là gì, nếu không phải là Người đã xuống tận các vùng sâu thẳm dưới mặt đất ? 10 Đấng đã xuống cũng chính là Đấng đã lên cao hơn mọi tầng trời để làm cho vũ trụ được viên mãn. 11 Và chính Người đã ban ơn cho kẻ này làm Tông Đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ. 12 Nhờ đó, dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Đức Ki-tô, 13 cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Ki-tô.


Hoặc bài ngắn                        Ep 4,1-7.11-13 (Năm B)

1 Thưa anh em, tôi là Phao-lô, người đang bị tù vì Chúa, tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em. 2 Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại ; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. 3 Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau. 4 Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. 5 Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. 6 Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người.
7 Nhưng mỗi người chúng ta đã nhận được ân sủng tuỳ theo mức độ Đức Ki-tô ban cho.
11 Và chính Người đã ban ơn cho kẻ này làm Tông Đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ. 12 Nhờ đó, dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Đức Ki-tô, 13 cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Ki-tô.



Tung hô Tin Mừng                 x. Mt 28,19a.20b

            Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : “Anh em hãy đi giảng dạy cho muôn dân. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” Ha-lê-lui-a  
                



Tin Mừng                                Mc 16,15-20

15 Người nói với các ông : "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. 16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. 17 Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin : nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. 18 Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ."
19 Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. 20 Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.
(bản văn theo UB.Kinh Thánh/HĐGMVN)



Thầy ra đi, nhưng Thầy sẽ trở lại
(Cv 1,1-11; Ep 1,17-23; Mc 16,15-20)
Suy Niệm:
Bài đọc I hôm nay dường như muốn thuật lại cho chúng ta nghe câu chuyện Chúa lên trời. Cứ theo như lời sách Tông đồ Công vụ, khoảng 40 ngày sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã lên trời trước mắt các Tông đồ. Một đám mây đã đến rước Người đi. Nhưng cũng chính tác giả sách Tông đồ Công vụ là thánh Luca, trong quyển Phúc Âm III, lại kể việc Chúa lên trời liền với việc Người sống lại, hầu như trong chính hôm Chúa nhật Phục sinh. Thánh Luca đã tiền hậu bất nhất, hay chúng ta phải hiểu các sự việc trên đây thế nào?
Khoa học Kinh thánh ngày nay trả lời cho chúng ta như sau: câu chuyện kể trong bài đọc I hôm nay chỉ muốn nói lên việc Chúa lên trời cách hữu hình, trước mắt các môn đệ. Ðó cũng là câu chuyện Chúa sống lại hiện ra lần cuối cùng, để không bao giờ hiện một cách công khai nữa, cho đến khi Người trở lại trong ngày tận thế.
Còn chính mầu nhiệm Chúa lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa Cha, thì đã được bao trùm trong mầu nhiệm Phục sinh và thật sự đã xảy ra trong chính việc sống lại. Vì lên trời là gì, nếu chẳng phải là việc Chúa Giêsu trở về cùng Thiên Chúa Cha? Thế mà Phục sinh chính là lễ Vượt qua của Chúa Giêsu. Người vượt qua cõi đời này để trở về cùng Cha Người. Người từ bỏ thân xác phàm trần yếu đuối để mặc lấy ánh vinh quang sáng láng. Chính ánh sáng bao bọc thân thể Chúa Giêsu khi Người sống lại làm chứng Người đã ở trong vinh quang của Chúa Cha.
Thế nên không được phép tưởng tượng Chúa Giêsu sống lại rồi còn ẩn khuất nơi nào trên trần gian trong 40 ngày, rồi sau đó mới về trời dứt khoát. Chúng ta phải tin thật rằng Chúa Giêsu khi sống lại đã lập tức ở trong vinh quang của Chúa Cha, đã ngự bên hữu Người và thỉnh thoảng hiện ra với các môn đệ để củng cố đức tin của họ, như bây giờ Người hay Ðức Mẹ có thể hiện ra cùng một người nào đó. Như vậy câu chuyện lên trời như sách Tông đồ Công vụ hôm nay, chỉ là câu chuyện lên trời hữu hình trước mắt các môn đệ hay cũng là câu chuyện chấm dứt các lần Chúa sống lại hiện ra một cách công khai.
Nhưng phụng vụ của Giáo hội sung sướng nắm lấy câu chuyện lên trời hữu hình này để giúp chúng ta hiểu biết mầu nhiệm lên trời của Chúa Giêsu. Mầu nhiệm lên trời vô hình và đích thực đã xảy ra trong mầu nhiệm Chúa Phục sinh và có nghĩa là, sau khi hoàn tất sứ mạng cứu thế, Ðức Kitô đã vượt qua đời này về ở trong vinh quang Chúa Cha, làm đấng cầu bầu cho loài người và làm Chúa cứu chuộc chúng ta ngay ở trên trời. Kiểu nói: ngự bên hữu Chúa Cha có ý nói lên cả hai ý tưởng đó. Ðức Kitô ở trên trời thành đấng cầu bầu thế lực cho loài người; đồng thời Người được trao quyền bá chủ để dẫn dắt toàn thể tạo vật đến chốn vinh quang.
Thánh Phaolô trong bài đọc II hôm nay cầu xin cho chúng ta được thần trí khôn ngoan và tâm hồn sáng suốt để nhận biết Chúa Giêsu và hiểu rõ công việc mà Thiên Chúa đã thực hiện nơi Người cho ta. Quả vậy khi làm cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết và đặt Người ở bên hữu mình ở trên trời, Thiên Chúa Cha đã truy phong Ðức Kitô là Chúa, là đầu của toàn thể Hội Thánh để Người ở đâu thì cả Hội Thánh là thân thể Người cũng sẽ được ở đó. Như vậy ngày lễ hôm nay lại nói lên lòng Thiên Chúa Cha yêu thương loài người chúng ta. Người cho chúng ta nhìn thấy vinh hiển của Chúa Giêsu ở trên trời ngự bên hữu Người, là để chúng ta nhìn thấy vinh quang muôn đời đang chờ đợi chúng ta.
Thế nên, ngày hôm nay chúng ta hãy ngước mắt lên trời như là nơi quê hương phúc lộc đang kêu gọi chúng ta. Têrêsa Hài đồng Giêsu một đêm kia nhìn trời thấy chữ T tên mình đã được viết ở trên đó. Mỗi người chúng ta có thể chắc chắn như thế; tên chúng ta đã được viết sẵn trên trời rồi, không phải nơi chòm sao này, chỗ đám sao kia, nhưng là ngay trong cơ thể sáng láng của Ðức Kitô bên hữu Thiên Chúa Cha. Người đã mang bản tính nhân loại lên trời, để ai bằng lòng kết hợp với Người, cũng sẽ được ở trong vinh quang Thiên Chúa. Ý nghĩa của ngày lễ Lên trời hôm nay đã được chính Chúa Giêsu khi còn ở đời này tuyên bố: Thầy sẽ ra đi dọn chỗ cho chúng con, để rồi Thầy sẽ trở lại đưa chúng con đến nơi Thầy đến.
Như vậy, cùng với lòng cảm mến Chúa Cha hứa ban chỗ ở trên trời cho chúng ta trong vinh quang, chúng ta phải cảm tạ Chúa Giêsu đã chấp nhận ra đi dọn chỗ đó cho chúng ta. Và chúng ta biết việc ra đi dọn chỗ này thật là gian khổ, vì Người đã phải đi qua con đường khổ nạn thập giá. Ðồng thời chúng ta cũng phải hiểu rõ: tuy về trời nhưng Người vẫn làm việc cho chúng ta, để dọn chỗ cho chúng ta.
Tuy nhiên, chúng ta đừng có hiểu công việc này đang được làm ở trên trời. Trời lúc nào chẳng sẵn! Vinh quang của Chúa đã có từ đời đời! Công việc sửa soạn chỗ cho chúng ta được hạnh phúc phải làm ngay ở trần gian này, ngay nơi chúng ta, để chính chúng ta, chính thế giới này đang đi vào vinh quang của Chúa.
Chính vì vậy mà trong Phúc Âm, Chúa lại nói Thầy ra đi, nhưng Thầy sẽ trở lại; Thầy ra đi để trở lại. Thầy ra đi với thân xác yếu hèn, nhưng Thầy trở lại với thân thể sáng láng; Thầy ra đi trong thân phận con người, nhưng Thầy sẽ trở lại trong thần lực của Thánh Linh, để thực hiện công việc thánh hoá cho chúng con, hầu chúng con đi đến nơi Thầy đã tới. Hiểu như vậy, nên sau khi mừng lễ Chúa lên trời, bắt đầu ngay từ ngày mai, Giáo hội đã thúc giục chúng ta cầu xin ơn Chúa Thánh Thần đến hoạt động trong thế gian.
Do đó, trong ngày lễ lên trời, không ai được phép cứ đăm đăm nhìn trời mãi. Sứ thần Chúa hôm nay đã bảo các môn đệ không được làm như vậy. Và họ đã hiểu ý, ra về làm phận sự Chúa đã chỉ cho trước khi Người lìa xa: các con hãy ra đi, rao giảng Tin Mừng cho mọi người. Phúc Âm hôm nay kết: các ông đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông. Chúng ta thấy, Chúa lên trời đâu có lìa xa chúng ta. Người đã hứa sẽ trở lại trong Thần Trí của Người, để cùng hoạt động với các môn đệ. Vậy, mừng lễ Chúa lên trời, chúng ta hãy cầu xin Người, vì bây giờ ở trong vinh quang Chúa Cha, Người có sức mạnh của Thiên Chúa để đến củng cố đời sống đạo đức của chúng ta, hầu sửa soạn cho chúng ta và cho mọi người được chỗ vinh quang sau này trên trời.
Thế nên, chúng ta hãy can đảm, nhiệt thành như các tông đồ ngày trước, đưa Phúc Âm của Chúa ra sống trước mặt mọi người. Chúa hứa ban các phép lạ kèm theo cuộc sống đạo của chúng ta. Ðiều đó có nghĩa là ơn Chúa sẽ giúp đỡ thiện chí của chúng ta đạt được những kết quả không ngờ. Chúng ta cứ thành tâm nghĩ lại quá khứ của mình mà xem Chúa đã dẫn dắt chúng ta lướt thắng được bao cản trở, khó khăn mà thoạt tiên nhìn vào bản tính loài người, chúng ta tưởng như phải thất vọng... Sống đạo bao giờ cũng khó, chống trả các cơn cám dỗ không phải là dễ, thay đổi được lòng người để họ nhận biết Chúa là công việc vược quá sức chúng ta. Nhưng không phải chỉ có chúng ta cố gắng, Chúa Phục sinh lên trời sai Thánh Thần xuống cùng hoạt động với chúng ta. Chính Người đốt lòng mến nơi chúng ta, soi sáng tư tưởng hành động cho ta, dẫn đưa đời sống và công việc đạo đức của ta tới những thành quả bất ngờ. Chính điều đó làm chứng Chúa Giêsu đã về trời, ngự bên hữu Thiên Chúa Cha, trở thành Chúa, ban thần lực của Người xuống trong Phúc Âm của Người và trong hoạt động của các tông đồ Người, khiến Phúc Âm và Giáo hội của Người đạt được những thành quả kỳ diệu.
Vậy trong ngày lễ lên trời, chúng ta chỉ nhìn lên để thấy Chúa đang ở trong vinh quang có đầy quyền lực là Thánh Thần hầu ban xuống cho chúng ta. Người mượn mầu nhiệm thánh lễ này để trở lại sống hùng mạnh trong ta, thúc đẩy và hướng dẫn cuộc đời ta đi vào đường lối thánh thiện. Với ơn của Người mà chúng ta lãnh nhận trong Thánh Thể, chúng ta sẽ nỗ lực sống tích cực, làm cho mọi người thấy giá trị của Phúc Âm, mở lối cho mọi người tin theo Chúa, để rồi tất cả cũng sẽ được về trời với Người.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)


Xin được theo Chúa về Trời

Suy Niệm Lễ Chúa Giêsu Lên Trời
Xin được theo Chúa về Trời
Có một gia đình kia: chồng là người ngoại đạo. Ông không tin Chúa. Ông còn luôn miệng nhạo báng, khinh miệt những hành vi thờ phượng kính mến Chúa. Ngược lại, bà vợ lại rất sùng đạo. Ngày nào bà cũng dắt con đi lễ cầu nguyện. Dù sống giữa hai chiều hướng trái ngược đối nghịch nhau, đứa con trai duy nhất của họ vẫn hiếu thảo với bố mẹ. Một hôm em lâm bệnh hiểm nghèo, em hỏi bố rằng: "Bố ơi! Trong ít ngày nữa con sẽ không còn sống ở dương gian. Con xin bố dạy con phải tin ai? Theo bố hay theo mẹ? Tin theo bố thì chẳng có thiên đàng, chẳng có Chúa hay có mẹ để được yêu thương ở đời sau! Còn tin theo Mẹ thì có Thiên Chúa là Cha nhân lành. Có cõi trời để hưởng hạnh phúc vĩnh cửu bên Chúa là Cha. Có Đức Mẹ luôn bầu cử chở che?"
Người cha quá sững sờ và kinh ngạc. Ông ôm con vào lòng và nói: "Con hãy tin theo Mẹ. Con cưng của cha! Đứa bé liền nói tiếp: "Nhưng nếu bố không tin theo Mẹ, thì làm sao con có thể chờ đợi bố ở trên thiên đàng được?". Trước lời đơn sơ và chân thành của em bé, người cha đã không kiềm nổi những giọt nước mắt ứ tràn nơi khoé mắt. Ông đã để những giọt nước mắt xót xa tuôn rơi trên gò má già nua của mình. Kể từ ngày đó, người cha đã chọn Chúa là lẽ sống, là Đấng ông tôn thờ.
Vâng, nếu cuộc đời này sinh ra lớn lên rồi chết đi thì cuộc đời chẳng còn ý nghĩa gì! Con người sinh ra để được sống mãi chứ không phải để nhào lộn trong bể khổ và chết là hết kiếp người! Điều quan yếu là chúng ta phải tìm ra lẽ sống, và cùng đích đời người là gì? Sống để làm gì? Và chết rồi đi đâu? Đó là những vấn đề làm nên nhân cách con người. Chúng ta chọn cách sống nào cũng tuỳ thuộc vào việc chúng ta hiểu ý nghĩa và cùng đích đời người ra sao?
Chúa Giê-su trong tư cách một con người trần thế. Ngài đã sống cả cuộc đời để tôn vinh Thiên Chúa Cha trong việc phục vụ tha nhân. Ngài đến trần gian để thi hành thánh ý Chúa Cha. Thánh ý đó Ngài đã thực thi trọn vẹn cho dù phải trả giá bằng cả mạng sống, miễn sao cho ý Chúa Cha được thực hiện, cho danh Cha được cả sáng, cho Nước Cha mau hiển trị.
Là người ky-tô hữu chúng ta được mời gọi bước theo con đường Chúa Giê-su đã đi. Đó là con đường đi tìm thánh ý Chúa và thực thi cho đến hơi thở cuối cùng. Đó không phải là con đường trải thảm rộng thênh thang, mà là con đường hẹp, đầy chông gai giăng kín hành trình. Đó là con đường từ bỏ, đường thập giá, đường hiến tế đẫm máu trên đỉnh đồi Cal-vê.
Hôm nay Chúa về trời, Ngài vẫn mang theo dấu vết của thương tích, của thương đau, của sự chống đối, xỉ nhục, đòn roi mà Ngài đã từng trải qua... Ngài đã mang theo tất cả những giai đoạn đau thương đẫm máu đó, như dấu tích cho lời xin vâng trọn vẹn theo thánh ý Chúa Cha. Nay, Ngài cũng muốn tất cả chúng ta hãy đi con đường này để tiến về trời cao. Đó là con đường làm chứng nhân cho Tin mừng của Chúa bằng chính đời sống tôn vinh Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Một cuộc đời làm chứng không nhất thiết phải đổ máu nhưng quan yếu là phải thể hiện tình yêu bằng những nghĩa cử cụ thể trong lời nói, trong việc làm luôn bao dung, kính trọng, bác ái và công bình. Một cuộc đời làm chứng không nhất thiết phải có một bản án để người ta thoá mạ, tay chay, nhưng chỉ cần biết hy sinh từ bỏ ý riêng của mình trong từng giây, từng phút để thánh ý Chúa luôn được thi hành trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.
Hôm nay mừng Chúa về trời, chúng ta cũng nghe vang vọng đâu đây lời mời gọi thiết tha của Thầy Chí Thánh Giê-su: "anh em hãy làm chứng nhân cho Thầy. Khởi từ Giê-ru-sa-lem cho đến tận cùng thế giới". Xin cho mỗi người chúng ta đang khi hướng lòng về trời cao cũng biết chu toàn sứ vụ trần thế trong niềm hân hoan để: "Ra đi tay ôm bó lúa đi gieo - Ngày trở về, miệng reo vang câu hát mừng". Amen.

Jos Tạ duy Tuyền
(Mùa Phục Sinh 2009)


Hướng Về Quê Hương Vĩnh Cửu Trên Trời
(Mc 16:15-20)

Suy Niệm:
Hướng Về Quê Hương Vĩnh Cửu Trên Trời
Lễ Chúa Thăng Thiên, Năm B
Cv 1:1-15; Ep 1:17-23; Mc 16:15-20
Việc Đức Giêsu lên trời xem ra đã hoàn tất sứ mệnh của Người tại thế: sinh ra, lớn lên, chết đi và sống lại, nhưng thực ra đó là cách thế hiện diện mới của Người trong Giáo hội qua Thần trí của Người. Theo Phúc âm thánh Luca, Đức Giêsu: Được lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa (Mk 16:10). Sách Công vụ Tông Đồ thì ghi: Người được cất lên ngay trước mắt các ông và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa (Cv 1:9). Còn thánh Phaolô thì bảo: Đức Kitô trỗi dậy từ cõi chết và đặt ngự bên hữu Người (Chúa Cha) trên trời Ep 1:20). Việc Chúa lên trời dạy ta nhiều bài học. Là người tín hữu, ta biết thế đứng của mình, điều gì mình phải tin, việc gì mình phải làm, tại sao ta được sinh ra ở trần gian này và phải đi về đâu, bởi vì Đức Giêsu đã đi trước để dọn đường cho ta. Đó là điều Giáo hội tuyên xưng trong Kinh Vinh danh: Chúa ngự bên hữu Chúa Cha, xin thương xót chúng con, và còn tuyên xưng trong Kinh Tin Kính: Người lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha.
Vậy thì trời là gì? Quan niệm của dân gian Việt nam coi trời là bầu trời, khoảng không gian, giống như một vòm vô biên úp trên trái đất. Trời cũng được hiểu là quyền lực siêu nhiên trên trời cao, đóng vai trò tạo dựng, điều hành và thưởng phạt. Khi hiểu theo nghĩa này, thì người mình thường thêm từ ông vào trước và gọi là Ông Trời. Ông Trời đó của dân gian Việt Nam, một phần nào cũng là Thượng Đế và là Thiên Chúa của người Kitô giáo. Theo Thánk kinh, thì trời vừa là hiện tượng tự nhiên, vừa mang ý niệm thần học. Người Do thái thời bấy giờ coi trời là nơi ngự trị của Thiên Chúa ở bên trên bầu trời. Còn Thiên Chúa giáo coi trời hay thiên đàng hoặc thiên đường là nơi hạnh phúc, chốn an nghỉ hay trạng thái của linh hồn người công chính, đã được thanh luyện khỏi tội lỗi. Thi sĩ Nguyễn Du đã phải đọc hay nghe nói về giáo lí thiên đường của Thiên Chúa giáo, nên mới viết trong Truyện Kiều: Biết đâu địa ngục, thiên đường là đâu.
Việc Chúa về trời hay về thiên đàng là dấu chỉ cho cùng đích của người tín hữu. Dẫu có luyến tiếc nhà cửa, tài sản và sự nghiệp thế gian, một ngày nào đó, ta sẽ phải rời khỏi trần thế. Mặc dù loài người được coi là trung tâm điểm của vũ trụ, con người vẫn phải tìm cứu cánh cho mình để có thể trở về nguồn gốc và cội rễ của mình. Nếu không thì đời sống con người ở trần gian sẽ mất ý nghĩa và sẽ qua đi như loài vật, cỏ cây và hoa lá.
Hôm nay mỗi người cần tự hỏi: Có bao giờ ta đã hướng lòng trí về trời, về những ý tưởng cao đẹp, vị tha và bác ái chăng? Việc hướng lòng trí về trời sẽ giúp cho lòng trí ta siêu thoát dần dần khỏi những sự vật trần thế, mặc dầu ta vẫn phải sử dụng những sự vật này hằng ngày. Việc hướng lòng trí về trời sẽ giúp ta nghĩ đến việc sửa soạn thanh toán sổ sách nợ nần với Chúa và thế gian (Mt 25:19). Việc hướng lòng trí về trời phải giúp ta sửa soạn rời khỏi đời này dần dần về tâm trí để đối diện trước toà phán xét công minh. Ta cũng sửa soạn cho con cháu đối xử với nhau ra sao theo tình huynh đệ khi ta đã ra đi vĩnh viễn.
Mỗi tuần ta đã dành cho nước trời được bao nhiêu thời giờ để đến nhà thờ dâng thánh lễ, đọc kinh, cầu nguyện. Ta đã làm việc cho nước trời được bao nhiêu thời giờ trong việc phục vụ, việc từ thiện bác ái? Hay ta chỉ mải miết cặm cụi: bảy ngày một tuần với những sự việc trần thế? Có phải ta coi nước trời là quá cao siêu, xa vời về thời gian cũng như không gian như trời cao đất thấp, cho nên ta đặt cùng đích của cuộc sống vào đời này cho xong chuyện? Trong Phúc âm Chúa nhắn nhủ ta: Trước hết hãy tìm kiếm nước Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những sự khác, Người sẽ ban sau (Mt 6:33).
Khi suy gẫm về Mầu Nhiệm thứ hai Năm Sự Mừng: Đức Chúa Giêsu lên trời trong chuỗi Mân côi: Ta xin cho được ái mộ những sự trên trời. Vậy ta có ý thức được điều mình xin hay ta chỉ đọc kinh một cách máy móc? Và nếu ý thức được điều mình xin, ta có thực hành những điều mà ta ái mộ về nước trời không? Vậy những sự trên trời là gì? Những sự trên trời là những giá trị Phúc âm: chân thật, công chính, thanh liêm, ngay thẳng, vị tha, bác ái... Những sự trên trời là tám mối Phúc thật: Phúc cho những ai thế nọ, thế kia... vì nước Trời là của họ. Khi thánh Mạc-tin thành Tours gần chết trên giường bệnh, ngài nhìn thẳng lên, suy niệm về đường Chúa lên trời, để cho tư tưởng hướng về trời. Việc Chúa lên trời phải là dấu hi vọng cho người tín hữu ở trần thế. Đó là điều mà thánh Phaolô bảo tín hữu Êphêsô: Xin Người soi lòng mở trí cho anh em thấy rõ, đâu là niềm hi vọng anh em đã nhận được (Ep 1: 18).
Ngày lễ Chúa lên trời phải nhắc nhở cho ta về quê hương vĩnh cửu của ta ở trên trời. Trước khi về trời Đức Giêsu hứa sẽ trở lại đón ta khi Người phán: Thầy đi và dọn chỗ cho chúng con rồi, Thầy lại đến đón chúng con về cùng Thầy, cốt cho Thầy ở đâu, các con cũng được ở đó (Ga 14:2-3). Và Chúa còn cầu nguyện cho ý hướng đó: Lậy Cha, đối với những kẻ Cha đã trao phó cho con, thì con muốn rằng, hễ con ở đâu, họ cũng được ở đó với con, để họ mục kích sự vinh hiển Cha đã ban cho con (Ga 17:24).

Lời cầu nguyện: xin cho được yêu mến những sự trên trời:
Lạy Đức Giêsu, qua việc lên trời,
Chúa dậy con quê hương vĩnh cửu,
không phải ở tại đời này,
nhưng hệ tại vào đời sau.
Xin khơi dậy trong con một tâm hồn,
biết ái mộ và tìm kiếm những sự trên trời,
để mai sau con được đón vào thiên giới. Amen.

Lm Trần Bình Trọng

20/05/12 CHÚA NHẬT TUẦN 7 PS – B
Chúa Thăng Thiên 
Mc 16,15-20


BẢO CHỨNG NIỀM HY VỌNG

“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu Phép Rửa sẽ được cứu độ.” (Mc 16,15)

Suy niệm: Lễ Thăng Thiên là bảo chứng cho niềm hy vọng của người Kitô hữu. Quả thế, Chúa Giêsu về trời không phải sự chia ly vĩnh biệt, nhưng “Ngài đã đi trước mở đường dẫn chúng ta vào Nước Trời, khiến chúng ta là những chi thể của Ngài nắm chắc phần hy vọng sẽ cùng Ngài hưởng phúc vinh quang” (Lời nguyện Lễ Thăng Thiên). Chúa lên trời, tuy vắng mặt hữu hình, nhưng Người tiếp tục hiện diện và hoạt động với các Tông đồ xưa và cả chúng ta nay qua Thánh Thần của Người hầu nhân loại được cứu độ và sống đời đời: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ.”

Mời Bạn: Cùng đích của đời người không phải là cõi đời này. Cuộc sống kiếp nhân sinh này với tất cả“hỉ nộ ái ố cụ ai dục” không phải là hạnh phúc bền vững đích thực. Mỗi ngày bạn tập không hám danh, cũng chẳng quá mê mải chạy theo lợi lộc, tiện nghi hưởng thụ để rồi đánh mất Chúa là nguồn hạnh phúc vĩnh cửu. Bạn cũng luôn ý thức được sự hiện diện của Chúa trong đời thường qua việc sống hết mình cho Chúa và tha nhân qua con đường yêu thương và phục vụ. Nhờ vậy, chính bạn và tha nhân đạt đến quê hương đích thật của chúng ta ở trên trời.

Sống Lời Chúa: Tôi nỗ lực sống theo Lời Chúa dạy: “Hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Cl 3,1).

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin canh tân đời sống đạo của chúng con, để chúng con có thể trở thành những chứng nhân Tin Mừng của Chúa. Amen.
(5phutloichua.net)




Lễ Thăng Thiên, năm B
Suy niệm:Ðức Giêsu đã trao cho các môn đệ nhiệm vụ trọng đại: "Hãy đi rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo"
Trước khi xa nhau, người ta thường trao tặng nhau những lời nói, nhưng kỷ niệm thân thương và quý trọng nhất. Sứ vụ rao giảng Tin Mừng được lãnh nhận từ Cha, giờ đây trước khi về cùng Cha. Ðức Giêsu lại trao gởi nơi những môn đệ thân tín để tiếp nối sứ vụ của Ngài: đem tình yêu đem sự sống đến cho mọi loài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, là những Kitô hữu, là những môn đệ của Ngài nhưng có bao giờ chúng con ý thức được nhiệm vụ Chúa trao cho chúng con là cần kíp đâu? Cuộc sống của chúng con cứ xoay quanh: cơm - áo - bạc- tiền. Còn việc rao giảng Tin Mừng, con tưởng là nhiệm vụ của hàng Giám Mục và các Tu Sĩ. Xin cho chúng con ý thức lại cuộc sống và việc làm của chúng con, là những phương cách hữu hiệu nhất đem Tin Mừng của Chúa đến với mọi người. Ước gì mỗi ngày cuộc sống của chúng con là chứng từ sống động nhất đem tình yêu của Chúa đến với tha nhân. Amen.
Ghi nhớ : "Ðang khi Người chúc phúc cho các ông, Người rời khỏi các ông mà lên trời".
(phatdiem.org)

Ngày 20
“ƯỚC gì chúng nên một ...”

Trước khi trao toàn quyền cho các môn đệ, Chúa van xin tat cả những điều tôt lành cho những kẻ thuộc vê' Người trong kinh nguyện dâng lên Cha; Người đã thêm điều quan trọng nhất, đó là tất cả nên một nhờ kết hợp với điều tôt đẹp duy nhất. "Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau. Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng" (Ep 4,2-4). ''Xin cho chúng nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha". Dây liên hệ duy nhất chính là vinh quang; Thánh Thần được kêu gọi trong vinh quang, không ai chông lại nếu biết lắng nghe lời Chúa: "Vinh quang mà Cha ban tặng cho Con, Con đã ban cho họ" (Ga 17,22). Thật vậy, Người đã ban cho họ cùng một vinh quang khi Người nói: "Hãỵ lãnh nhận Chúa Thánh Thần" (Ga 20,22). Khi Người mặc lây thân xác của chúng ta, Người đã lãnh nhận vinh quang này mà Người đã có từ muôn thuở trước khi vũ trụ được tạo thành; và bản tính này, một khi được Thánh Thần tôn vinh, sự hiệp thông vinh quang của Thánh Thần hiện thực nơi những ai chia sẻ cùng bản tính, bắt đầu từ các môn đệ. Vì thếNgười nói: "Lạy Cha, vinh quang mà Cha ban cho Con, Con cũng ban cho họ.. 
 
(Calendrier Saint-Paul)
20-5

Thánh Bernardine ở Siena

(1380 -- 1444)
N
ếu Thánh Phaolô Tông Ðồ nổi tiếng là người hăng say rao giảng thời tiên khởi, thì Thánh Bernardine là người thuyết giảng nhiệt thành của thế kỷ 15.
Thánh Bernardine sinh ở Massa Marittima (gần Siena) và là con của thống đốc tỉnh, nhưng khi lên bảy tuổi ngài đã mồ côi cha mẹ và được bà dì chăm sóc, dạy dỗ thật chu đáo.
Khi ngài 20 tuổi, trận dịch hạch lan tràn khắp thành phố Siena. Nhiều khi, ở bệnh viện có đến 20 người chết trong một ngày. Với sự tiếp tay của các thanh niên thiện chí khác, Bernardine tình nguyện điều hành toàn thể bệnh viện, tận tụy chăm sóc bệnh nhân trong bốn tháng. 
Khi 22 tuổi, ngài gia nhập Dòng Phanxicô và hai năm sau đó được thụ phong linh mục. Các tu sĩ Phanxicô thường nổi tiếng là các nhà truyền giáo, nhưng Bernardine rao giảng rất ít vì giọng nói của ngài thật yếu và khàn khàn. Trong hai mươi năm ngài sống âm thầm trong bóng tối, dành thời giờ và năng lực để cầu nguyện và rèn luyện tâm linh. Vào lúc ấy, ngài được sai đi Milan trong công tác truyền giáo. Khi đứng lên rao giảng, giọng nói của ngài mạnh mẽ và có sức thuyết phục đến nỗi giáo đoàn không để ngài ra về nếu ngài không hứa sẽ trở lại.
Từ đó, ngài bắt đầu cuộc đời truyền giáo mà Ðức Giáo Hoàng Piô II gọi ngài là Thánh Phaolô thứ hai. Cũng như khi chăm sóc bệnh nhân trận dịch hạch, ngài nhiệt thành lăn xả vào hoạt động truyền giáo. Ngài ngang dọc khắp nước Ý, thường là đi bộ, rao giảng hai ba giờ đồng hồ và nhiều lần trong một ngày.
Ngài nổi tiếng là sùng kính Thánh Danh Ðức Giêsu, ngài nghĩ ra dấu hiệu -- IHS, là ba chữ đầu của tên Ðức Giêsu bằng tiếng Hy Lạp để thay cho những dấu hiệu dị đoan thời ấy. Việc sùng kính Thánh Danh lan dần, và dấu hiệu ấy bắt đầu xuất hiện trong các nhà thờ, tư gia và nơi công cộng. Nhiều người ghen tức đã vu khống ngài, cho rằng đó là sự đổi mới nguy hiểm và dị đoan. Họ đưa vấn đề lên đức giáo hoàng để chống đối ngài, nhưng sự thánh thiện, sự chính truyền và lời rao giảng là bằng cớ cho sự trung tín của ngài.
Năm 1427, Ðức Giáo Hoàng Martin V đề nghị ngài làm giám mục Siena nhưng ngài từ chối, sau đó ngài cũng từ chối làm giám mục của Ferrara và Urbino. Năm 1430, ngài làm bề trên một chi nhánh Dòng Phanxicô, các Tu Sĩ Sống Nghiêm Nhặt, ngài đặc biệt chú trọng đến kiến thức và nghiên cứu thần học cũng như giáo luật. Lúc đầu chi nhánh này chỉ có 300 tu sĩ; khi ngài từ trần số tu sĩ ấy lên đến 4,000 người.
Ngài cũng viết một số luận án thần học bằng tiếng Latinh và tiếng Ý đề cập đến các học thuyết căn bản của Kitô Giáo, cũng như luận án về Ðức Maria. Ngài thiết lập phân khoa thần học ở Perugia và Monteripido.
Trong hai năm cuối cuộc đời, ngài trở về đời sống rao giảng và đã từ trần "trên đường công tác," lúc ấy ngài gần 64 tuổi.
Ngôi mộ của ngài ở Aquila trở nên trung tâm hành hương. Ngài là người truyền giáo lỗi lạc của thế kỷ 15, và được Ðức Giáo Hoàng Nicôla V phong thánh năm 1450, chỉ có sáu năm sau khi ngài từ trần.

Copyright © 2001 by Nguoi Tin Huu. 

Xem thêm :
“Không ai đã lên trời, ngoại trừ Đấng đã từ trời xuống”

Trích bài giảng của thánh Âu-tinh, Giám Mục

            Hôm nay, Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta lên trời. Ước gì lòng trí chúng ta cũng lên theo Người.

            Chúng ta hãy nghe thánh Tông Đồ nói : Anh em đã được chỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. Quả thật, như Người đã lên trời và không rời xa chúng ta thì cũng vậy, chính chúng ta đã ở đó với Người, dù trong thân xác chúng ta vẫn chưa xảy ra điều Người hứa với chúng ta.

            Người đã được đưa lên các tầng trời, nhưng dưới đất, Người vẫn còn phải chịu bất cứ nỗi khổ cực nào mà chúng ta cảm thấy với tư cách là chi thể của Người. Người đã chứng thực điều này khi từ trên cao hô lớn : Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta ?, hay khi Người nói : Xưa Ta đói, các ngươi đã cho Ta ăn.

            Vậy tại sao chúng ta không chịu khổ cực ở dưới đất như thế để được nghỉ ngơi với Người ở trên trời nhờ đức tin, đức cậy và đức mến, khiến chúng ta được liên kết với Người ? Khi ở trên đó, Người cũng ở  với chúng ta, và chúng ta khi ở đây thì cũng ở với Người. Người có thể thực hiện điều đó là do thần tính, quyền năng và lòng yêu mến. Còn chúng ta, tuy không thể làm được như Người nhờ thần tính, nhưng có thể làm được nhờ lòng yêu mến đối với Người.

            Người không rời khỏi trời, khi từ đó xuống với chúng ta. Người cũng chẳng rời xa chúng ta khi lại lên trời. Thật thế, Người ở đó, khi Người ở đây, như khi Người làm chứng : Không ai đã lên trời ngoại trừ Con Người là Đấng từ trời xuống, là Con Người, Đấng ở trên trời. Điều ấy được nói ra là nhằm sự hiệp nhất : Người là đầu của chúng ta, còn chúng ta là thân mình của Người. Vậy thân mình này chẳng là ai khác mà là chính Người, bởi vì chúng ta là chính Người, xét theo phương diện chính Người là Con Người vì chúng ta, và chúng ta là con Thiên Chúa vì Người.

            Bởi vậy thánh Tông Đồ nói : Ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Ki-tô cũng vậy. Thánh Tông Đồ không nói : Như Đức Ki-tô mà nói : Đức Ki-tô cũng vậy. Như thế, Đức Ki-tô có nhiều bộ phận nhưng chỉ là một thân thể duy nhất.

            Người đã từ trời xuống vì lòng xót thương, chỉ một mình Người đã lên trời, nhưng chúng ta cũng lên trời ở trong Người nhờ ân sủng. Chỉ một mình Đức Ki-tô đã xuống và cũng chỉ một mình Đức Ki-tô đã lên. Sự cao trọng của đầu không hòa lẫn vào thân thể, nhưng sự duy nhất của thân thể không tách biệt khỏi đầu.

(Bài đọc 2 giờ kinh sách Lễ Thăng Thiên – bản dịch của nhóm CGKPV)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét