Trang

Thứ Hai, 7 tháng 5, 2012

08-05-2012 : THỨ BA TUẦN V MÙA PHỤC SINH


Thứ Ba sau Chúa nhật V Phục Sinh
Cv 14,19-28 ; Tv 144 ; Ga 14,27-31a.
Phao-lô bị chìm tàu
Bài đọc                                    Cv 14,19-28

19 Bấy giờ có những người Do-thái từ An-ti-ô-khi-a và I-cô-ni-ô đến, thuyết phục được đám đông. Họ ném đá ông Phao-lô rồi lôi ông ra ngoài thành, vì tưởng ông đã chết. 20 Nhưng khi các môn đệ xúm lại quanh ông, ông đứng dậy và vào thành. Hôm sau, ông trẩy đi Đéc-bê cùng với ông Ba-na-ba.
21 Sau khi đã loan Tin Mừng cho thành ấy và nhận khá nhiều người làm môn đệ, hai ông trở lại Lýt-ra, I-cô-ni-ô và An-ti-ô-khi-a. 22 Hai ông củng cố tinh thần các môn đệ, và khuyên nhủ họ giữ vững đức tin. Hai ông nói : "Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa." 23 Trong mỗi Hội Thánh, hai ông chỉ định cho họ những kỳ mục, và sau khi ăn chay cầu nguyện, hai ông phó thác những người đó cho Chúa, Đấng họ đã tin.
24 Hai ông đi qua miền Pi-xi-đi-a mà đến miền Pam-phy-li-a, 25 rao giảng lời Chúa tại Péc-ghê, rồi xuống Át-ta-li-a. 26 Từ đó hai ông vượt biển về An-ti-ô-khi-a, là nơi trước đây các ông đã được giao phó cho ân sủng của Thiên Chúa để làm công việc vừa mới hoàn thành.
27 Khi tới nơi, hai ông tập họp Hội Thánh và kể lại tất cả những gì Thiên Chúa đã cùng làm với hai ông, và việc Người đã mở cửa cho các dân ngoại đón nhận đức tin. 28 Rồi hai ông ở lại một thời gian khá lâu với các môn đệ.



Đáp ca                                     Tv 144,10-11.12-13ab.21 (Đ. c. 10b và 11a)

Đáp :    Lạy Chúa, kẻ hiếu trung phải nói lên rằng :
Triều đại Ngài vinh hiển.

Hoặc:
Đáp :    Ha-lê-lui-a.

10        Lạy Chúa, muôn loài Chúa dựng nên phải dâng lời tán tạ,
            kẻ hiếu trung phải chúc tụng Ngài,
11        nói lên rằng : triều đại Ngài vinh hiển,
            xưng tụng Ngài là Đấng quyền năng.                                      Đ.

12        Để nhân loại được tường những chiến công của Chúa,
            và được biết triều đại Ngài rực rỡ vinh quang.
13ab    Triều đại Ngài : thiên niên vĩnh cửu,
            vương quyền Ngài vạn đại trường tồn.                                                Đ.

21        Môi miệng tôi, hãy dâng lời ca ngợi Chúa,
            chúng sinh hết thảy, nào chúc tụng Thánh Danh
            đến muôn thuở muôn đời !                                                                  Đ.



Tung hô Tin Mừng                 x. Lc 24,26

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Đức Ki-tô phải chịu khổ hình, và từ cõi chết sống lại, rồi mới được hưởng vinh quang dành cho Người. Ha-lê-lui-a.




Tin Mừng                                Ga 14,27-31a

27 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : "Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. 28 Anh em đã nghe Thầy bảo : 'Thầy ra đi và đến cùng anh em'. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. 29 Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin.
30 Thầy sẽ không còn nói nhiều với anh em nữa, bởi vì Thủ lãnh thế gian đang đến. Đã hẳn, nó không làm gì được Thầy. 31  Nhưng chuyện đó xảy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy."
(Bản văn theo UB.Kinh Thánh/HĐGMVN)


Suy Niệm:
Sự bình an của Ðức Giêsu không phải là không có chiến tranh. Nó cũng không phải là tâm trạng khoan khoái, thoải mái sung sướng của con người về mặt tâm lý. Sự bình an đích thực mà Chúa Giêsu trao ban là ân huệ lớn lao từ nơi Chúa Cha. Ân huệ này chính là ơn Cứu Ðộ, ơn giải thoát ta khỏi sợ hãi và nô lệ tội lỗi. Chúng ta sẽ được bình an khi sống trong ân sủng, sự thật và ánh sáng của Chúa. Chúng ta cũng được bình an khi chân thành yêu thương anh em.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con sự bình an đích thực trong tâm hồn. Ðể cuộc sống của chúng con không bị chao đảo, xao xuyến trước những thử thách khó khăn. Xin cho gia đình, khu xóm, giáo xứ của chúng con cũng được sống trong sự bình an của Chúa. Chúng con biết hòa hợp yêu thương nhau, biết tha thứ, bỏ qua những khuyết điểm của nhau và biết tích cực xây đắp một cuộc sống an hòa, đoàn kết, yêu thương giữa cộng đoàn của chúng con. Amen.

(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)

Thầy Ban Bình An Cho Các Con

Trong suốt thời kỳ thế chiến II, nhiều lần thành phố Luân Ðôn bị không lực của Ðức Quốc Xã dội bom bắn phá. Nhưng trong lần nặng nhất, sau trận bom, thành phố chìm ngập trong biển lửa. Nhìn thành phố đang mất dạng sau tấm màn tang trong khói lửa, một cụ già 80 tuổi đang than khóc trong tuyệt vọng: "Phải chăng tất cả đã sụp đổ, không còn một chút gì hy vọng?" Như đáp lời cho cụ già, một luồng gió thổi đến đẩy bạt màn khói, vậy là trong phút chốc cây Thánh Giá của nhà thờ thánh Phaolô đã hiện ra trước mắt ông. Nhìn thấy cây Thánh Giá và tháp chuông của nhà thờ còn nguyên vẹn. Bao lâu tuyệt vọng chợt tan biến nhường chỗ cho niềm vui. Một niềm vui khó tả thành lời mà cụ già bỗng cảm nghiệm được rằng: trong thế giới đang bị xâu xé bởi nanh vuốt sự dữ vẫn còn một nơi để nương tựa, vẫn còn một quyền lực lớn lao hơn vượt ra ngoài vòng kiểm soát của sự dữ.
Anh chị em thân mến!
Biết rằng, sau khi Ngài ra đi, các môn đệ sẽ rơi vào cảnh buồn lo tuyệt vọng, nên Chúa Giêsu đã hứa ban bình an cho họ. Bình an của Ngài là bình an gì? Ðó là một thứ bình an không như bình an của thế gian. Lời xác quyết của Chúa Giêsu hôm nay cho chúng ta hiểu thêm những gì đòi hỏi nơi những kẻ muốn theo Ngài. Ngài đến đem chiến tranh, chia rẽ và chống đối, kẻ theo Ngài sẽ bị ghét bỏ và bị bách hại. Vậy mà chỉ bước theo Ngài, con người mới thực sự được bình an. Nói cách khác, bình an của Chúa Giêsu là bình an Thập Giá, bình an trong tận hiến và trao ban. Có tranh chấp vì con người cứ muốn giữ lấy thành kiến dù cho đã hoàn toàn sai lầm. Có xung đột, vì con người bắt buộc kẻ khác đứng vào lập trường của mình. Có chiến tranh, vì nước giàu mạnh muốn nước hèn yếu phải làm chư hầu mình.
Thế giới đã, đang và sẽ tìm kiếm hòa bình. Cuộc tìm kiếm này sẽ chẳng bao giờ kiếm được mục đích nếu không dõi theo con đường Thập Giá của Chúa Giêsu. Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu không phải là một thất bại, nhưng là chiến thắng. Chẳng phải Chúa Giêsu không đủ quyền lực để chiến thắng, vì dù cho thủ lãnh thế gian cũng không có quyền lực gì đối với Ngài. Thế mà Ngài đành chịu để khuất phục. Khuất phục để chu toàn thánh ý của Thiên Chúa Cha. Khuất phục vì yêu mến Thiên Chúa Cha. Còn gì đớn đau cho bằng phải nhận chịu thua thiệt ưu thế đang nắm trong tay. Thế nhưng, đây là con đường dẫn đến bình an.
Muốn được bình an của Chúa Giêsu ban, người môn đệ ngày hôm nay cũng chẳng còn cách thế nào khác hơn là biết tự hiến và trao ban vì tình yêu. Theo Chúa Giêsu, họ phải đương đầu với những giằng co tranh chấp trong tâm hồn và bên ngoài cuộc sống. Với cái nhìn thế gian, họ đã lãnh phần thua thiệt cho các giằng co tranh chấp này. Thế nhưng, đây lại là các sao chép, các thua thiệt của Chúa Giêsu ngày xưa trên Thập Giá, để rồi cuối cùng phần thưởng nhận được là chính sự bình an.
Có thể trước các sao chép, con người luôn lo âu xao xuyến. Thế nhưng, Chúa Giêsu đã được bình an khi Ngài hoàn toàn hành động theo thánh ý Chúa Cha. Vì thế, tâm hồn người tín hữu cũng sẽ được bình an khi họ biết thưa "Xin Vâng" trước chén đắng cuộc đời.
Lạy Chúa, xin cho con biết kiếm tìm sự bình an tự chính Thập Giá của Chúa. Ðối với Thập Giá, với đau khổ, chắc chắn con sẽ lo âu, xao xuyến, nhưng nếu con hiểu được rằng đâu là cơ hội để con biết tận hiến và trao ban, con sẽ an tâm vững bước theo con đường Chúa đã đi. Bao lâu còn thu góp về cho mình là bấy lâu tâm hồn con còn bị khuấy động, chỉ khi biết cho đi con mới nhận được nguồn bình an đích thực của Chúa. Amen.

(Veritas Asia)

Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian (Ga 14,27)
Suy niệm: 
Ai trong chúng ta cũng thấy cần được bình an yên ổn hơn cả cơm ăn, áo mặc. Bình an còn có nghĩa là một tình trạng mạnh khỏe cả xác lẫn hồn. Cho nên chúc bình an là một tình trạng mạnh khỏe cả xác lẫn hồn. Bình an còn có nghĩa là sự sung mãn đầy đủ như ý muốn (St 43, 25). Bình an đối với dân Do thái cũng có nghĩa là yên ổn làm ăn, vì dân Do thái là dân hay giao tranh, nên bình an được coi là bổng lộc Giavê thưởng cho lòng trung tín (Lv 26, 6).
Nhưng sự bình an lớn lao nhất đó là sự bình an của Chúa Thánh Thần, là sự bình an tương quan đến Thiên Chúa. Chúa Giêsu gọi những người đem lại bình an là con cái nước trời (Mt 5, 9). Chúa chúc bình an cho người có lòng ngay lành dưới thế (Lc 2, 14). Sự bình an Chúa Thánh Thần mang đến là chính ơn cứu rỗi (Ga 14, 27; Cl 1, 20; Ep 4, 14). Phúc âm hay lời Chúa cũng được gọi là “Tin Mừng bình an” (Cv 10, 36). Đấy là bình an của Chúa.
Trong quá khứ có lẽ chúng ta đã đi tìm bình an như bảo hiểm xe cộ, nhà cửa, nhân mạng. Giới ca sĩ bảo hiểm giọng hát, nghệ sĩ bảo hiểm đôi tay, cầu thủ bảo hiểm đôi chân, rồi có tiền thì gửi gắm chỗ nào chắc chắn nhất. Nhưng rồi chỗ chắc chắn nhất lại trở thành chỗ bất an nhất. Chúa không muốn ban thứ bình an tạm bợ mong manh ấy “Ta không ban như kiểu thế gian thường ban tặng” (c. 27). Chúa không ban một thứ bình an để hưởng thụ, ngồi chơi xơi nước không chịu làm việc.
Bình an của Chúa là gì ? Thưa là thứ bình an bắt nguồn từ chính Ngài. Bình an trước hết là bình an với Chúa, là sống công chính trước mặt Ngài, là sống giới luật của Ngài, có Ngài trong đời sống của mình, có Ngài làm chủ đời mình. Bình an đối với Chúa chính là hiệp nhất với Ngài và sống một đời sống vâng ý Ngài.
Bình an đây còn hiểu là bình an với anh em mình. Hơn bao giờ hết người ta mong bình an, người ta kêu gọi sự hoà thuận giữa người và người mà căn bản vẫn là từ lòng mình. Mình có bình an thì mới có thể đem biếu, đem chia sẻ được. Sự bình an bắt đầu từ lòng mình rồi mới ra tới xã tắc nhân quần.
Vậy chúng ta đã có sự bình an như thế chưa ? Liệu chúng ta có được sự bình an của Chúa Giêsu, Đấng đã hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa trong giây phút hấp hối “Lạy Cha con phó linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46) ? Liệu chúng ta có được sự bình an của cụ già Simêon trong cảnh tuổi đời gần đất xa trời vừa ẵm bế hài Nhi vừa “xin cho tôi tớ ra đi bình an”. Tv 22 nói: “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì... dầu qua thung lũng âm u tôi chẳng sợ nguy hiểm vì có Chúa ở cùng tôi”
- Ông Giop ngồi giữa đống phân tro với thân xác nhầy nhụa phong hủi, ông vẫn bình an tạ ơn Chúa.
Trong trận lụt Hồng Thủy, những trận mưa nước kinh hồn giáng xuống trên sự rối loạn của tạo vật lúc ấy, trong khi mọi tạo vật lúc ấy phải chịu cảnh rối loạn cực kỳ sợ hãi về tinh thần và của cải, thì Noe ung dung an nghỉ trong một chiếc tàu mong manh cùng với gia đình, đoàn vật (St 6,1-9).
Như thế bình an của Chúa không hệ tại bên ngoài nhưng nội tâm lòng người.
Bình an của Chúa Cha không phải là một thứ an tâm trong cám dỗ và thiếu sót, không phải là tránh lương tâm dưới áp lực của tội lỗi và tật xấu, không phải là đầu hàng để sống sai trái và bất công. Song bình an của Chúa là niềm hân hoan, vì tâm hồn được hòa giải với chính mình, với tha nhân và với Thiên Chúa. Dù có đau khổ trong tinh thần hay thân xác, cả những lo âu trăn trở thì những đau khổ, những lo âu ấy cũng được chấp nhận chia sẻ, và nó có một giá trị với những đau khổ của Chúa, như một chia sẻ với những khó khăn và thử thách với người mình yêu thương.
Để được hưởng sự bình an ấy, chúng ta cần sống hoà giải với Chúa, với tha nhân và với chính mình, nghĩa là không để tội lỗi làm mình bất nhân, bất nghĩa với Chúa, không để lòng mình để những khuấy động sôi sục vì những ghen ghét, vì những bon chen ước muốn quyền lực, danh vọng... Chúa ban bình an cho chúng ta là để chúng ta mang bình an cho tha nhân, để chúng ta trở thành dụng cụ bình an của Chúa với người khác.
Bình an của Chúa Giêsu nói đây là một lời trăn trối cuối cùng của Ngài, khi Ngài sắp ra đi chịu chết, và cũng là bình an của sự vui khi Ngài sống lại. Bình an đó là điều quan trọng, vì đó là ơn của Chúa Thánh Thần ban, nó chính là hạnh phúc thật mà chúng ta đang tìm. Bình an đó Thiên Chúa còn muốn cho mọi người, cho mọi quốc gia trên thế giới đều được hưởng mà chúng ta gọi là “hòa bình”.
Cầu nguyện: 
Vâng, lạy Chúa, có nhiều lần con tự trấn an mình bằng những gì mình có, con chiếm hữu và lo giữ lấy. Trước bạn bè, con giả vờ như rất an tâm giữa những tiếng ồn ào, huyên náo; nhưng thật sâu bên trong con lại chẳng an tâm. Xin ban cho con bình an của Chúa, thứ bình an mà không đau khổ nào có thể chạm tới, bình an của một tâm hồn luôn sống trong sự thật.

08/05/12 THỨ BA TUẦN 5 PS
Ga 14,27-31


BÌNH AN CỦA CHÚA

“Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian.” (Ga 14,27)

Suy niệm: “Thầy để lại bình an cho anh em… không theo kiểu thế gian.” Vậy bình an “theo kiểu thế gian” là gì? Người đời thường quan niệm rằng khi con người không gặp đau khổ hay thất bại, rủi ro, khi được bảo đảm an toàn về của cải vật chất, công ăn việc làm và sự thành đạt bản thân… khi đó họ được bình an. Sự bình an đó phụ thuộc vào những yếu tố vật chất, và nhất là bên ngoài con người. Bình an Chúa ban chính là: dù trong hạnh phúc hay đau khổ, thành công hay thất bại, tâm hồn vẫn giữ được thế quân bình, không sợ hãi, không hoang mang, một sự bình an của sự chiến thắng khi nội tâm con người đã được Chúa Giêsu Phục Sinh biến đổi, giúp ta có thể can đảm và tự tin vượt qua gian khổ.

Mời Bạn: Trong niềm vui Phục Sinh, mời bạn chiêm ngắm cuộc thương khó và cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá để thấy bằng chứng cụ thể của một tâm hồn bình an: Chúa bị xử tử và chết cách ô nhục, nhưng vẫn có thể nói lên lời tha thứ và cuối cùng nhẹ nhõm “phó thác linh hồn trong tay Cha” sau khi đã hoàn tất sứ mạng cứu chuộc (Lc 23,46).

Sống Lời Chúa: Tập bình an trong tâm hồn bằng cách bình tĩnh nghe lời một người bạn góp ý cho mình để sửa một thói quen xấu.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, Chúa đã dùng chính cái chết của Chúa để đem lại cho chúng con ơn cứu độ và sự bình an đích thực. Xin cho chúng con biết giữ mãi ơn bình an của Chúa, để mọi tư tưởng, lời nói, hành động của chúng con thể hiện hình ảnh Chúa cho người chung quanh con. 



Phải qua gian khổ mới đạt tới vinh quang
Bài đọc: Acts 14:19-28; Jn 14:27-31
Như người nhà nông phải vất vả cầy bừa, giầm mưa, dãi nắng, thì hạt giống gieo xuống mới mang lại mùa màng; đức tin của các tín hữu có được là do sự miệt mài rao giảng của các nhà truyền giáo. Họ không ngại đường sá xa xôi, cách trở; phải chịu đựng bao nguy hiểm, bắt bớ, ghen tị, tù đày, ném đá ... để gieo vãi hạt giống đức tin, củng cố niềm tin, và chờ ngày hạt giống đức tin được sinh hoa kết trái.
Các Bài Đọc hôm nay dẫn chứng những điều này. Trong Bài Đọc I, Sách CVTĐ tường thuật những khó khăn và bách hại mà Phaolô và Barnabas phải trải qua trong hành trình rao giảng đức tin cho Dân Ngoại; nhưng hai ông vẫn kiên trì chịu đựng, đi từ thành này qua thành khác để gieo vãi hạt giống đức tin, củng cố niềm tin, và thiết lập các giáo đoàn địa phương. Khi trở về Antioch, các ông tập họp Hội Thánh và tường trình những gì Thiên Chúa đã thực hiện nơi hai ông. Trong Phúc Âm, mặc dù Chúa Giêsu biết trước bao nhiêu gian khổ đang chờ Ngài trong Cuộc Thương Khó sắp tới, Ngài vẫn can đảm tiến tới để đương đầu. Ngài khuyên các môn đệ đừng xao xuyến và sợ hãi vì Ngài sẽ ban bình an cho các ông, và bảo đảm quyền lực thế gian sẽ không thắng được quyền lực của Thiên Chúa.
I. KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa.
1.1/ Phaolô đi đâu, người Do-thái theo ông tới đó: "Bấy giờ có những người Do-thái từ Antioch và Iconium đến Lystra, thuyết phục được đám đông. Họ ném đá ông Phaolô rồi lôi ông ra ngoài thành, vì tưởng ông đã chết. Nhưng khi các môn đệ xúm lại quanh ông, ông đứng dậy và vào thành. Hôm sau, ông trẩy đi Derbe cùng với ông Barnabas."
Chúng ta thấy sự nhẫn nhục, chịu đựng đau khổ của Phaolô trong việc rao giảng Tin Mừng: vừa thu nhận được chút kết quả là đối phương theo tới quấy phá; vừa bị đối phương ném đá gần chết lại chỗi dậy đi qua thành khác rao giảng Tin Mừng.
Điều chúng ta học được nơi Phaolô và Barnabas trong việc truyền giáo là phải trở lại thăm viếng và củng cố các giáo đoàn địa phương mình đã thành lập để củng cố tinh thần các môn đệ, và khuyên nhủ họ giữ vững đức tin. Hai ông nói: "Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa."
1.2/ Phaolô và Barnabas hoàn tất cuộc hành trình thứ nhất: Trong cuộc hành trình này, hai ông bắt đầu từ Antioch của Syria đến Salamis và Paphos của đảo Cyprus, đến Perga, Antioch của Pisidia, đến Iconium, Lystra, Derbe, và theo đường cũ trở lại Perga, rồi từ Perga đến Attalia, trở về Pergha và dùng thuyền trở về Antioch của Syria. Đây là cuộc hành trình ngắn nhất trong 3 cuộc hành trình của Phaolô rao giảng Tin Mừng cho Dân Ngoại. Ông đã đi qua tất cả 8 thành. Trong mỗi Hội Thánh, hai ông chỉ định cho họ những kỳ mục, và sau khi ăn chay cầu nguyện, hai ông phó thác những người đó cho Chúa, Đấng họ đã tin.
Khi trở về Antioch, hai ông tập họp Hội Thánh và kể lại tất cả những gì Thiên Chúa đã cùng làm với hai ông, và việc Người đã mở cửa cho các dân ngoại đón nhận đức tin. Rồi hai ông ở lại một thời gian khá lâu với các môn đệ trước khi bắt đầu cuộc hành trình thứ hai.
2/ Phúc Âm: Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin.
2.1/ Bình an của Thiên Chúa: Biết Cuộc Thương Khó đã gần kề, và biết trước những gì sẽ xảy đến cho các môn đệ, Chúa Giêsu để lại một báu vật cho các môn đệ: "Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi." Đây cũng là món quà các thiên sứ reo vang trong Ngày Chúa sinh ra: "Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm."
Chúa Giêsu nhấn mạnh sự khác biệt giữa sự bình an của Thiên Chúa và của con người. Bình an của Thiên Chúa đến từ trong tâm hồn con người; trong khi sự bình an của thế gian đến từ bên ngoài. Bình an của Thiên Chúa ban không bao giờ mất được; trong khi sự bình an của thế gian rất mong manh và dễ vỡ. Chúng ta có thể nhận ra điều này qua các cuộc chiến tranh tương tàn, và chúng luôn đe dọa con người.
Bình an của Chúa Giêsu được bảo đảm bởi Thiên Chúa. Ngài tạm rời các môn đệ để về cùng Cha trong ít ngày; nhưng Ngài lại trở lại với các môn đệ sau Cuộc Thương Khó và Phục Sinh. Sự bình an các ông có được là sau khi chứng kiến tất cả những điều này: Nếu Chúa Giêsu đã chiến thắng thần chết, và đang ngự nên hữu Chúa Cha trên trời để luôn bầu cử cho các ông, thì chẳng còn gì sợ hãi nữa; và vì thế, các ông luôn có bình an.
2.2/ Xung đột giữa Thiên Chúa và thế gian: Sống trong thế gian, Chúa Giêsu và các môn đệ sẽ bị thế gian ghét bỏ và truy tố, vì không sống theo tiêu chuẩn và đường lối của thế gian. Chúa Giêsu biết thế gian sắp sửa truy tố Ngài, và nó cũng sẽ truy tố các môn đệ của Ngài, nên Ngài nói với các môn đệ: "Thầy sẽ không còn nói nhiều với anh em nữa, bởi vì Thủ Lãnh thế gian đang đến. Đã hẳn, nó không làm gì được Thầy. Nhưng chuyện đó xảy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy. Nào đứng dậy! Ta đi khỏi đây!"
Thế gian tưởng khi họ tiêu diệt Chúa Giêsu là họ đã dùng sức mình để chiến thắng; nhưng sự thật là họ đang thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Ngài muốn Chúa Giêsu chịu đau khổ để gánh tội và mang lại sự sống đời đời cho con người. Khi Chúa Giêsu sống lại vinh hiển, thế gian sẽ sững sờ kinh ngạc, vì những gì họ tưởng đã chiến thắng, nhưng giờ bị thua thiệt, vì các tín hữu không còn sống nô lệ cho họ nữa.
II. ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Đức tin là một gia sản vô giá mà Thiên Chúa trao tặng cho chúng ta qua sự cố gắng vượt bực của các nhà truyền giáo. Họ đã bỏ gia đình và quê hương, chấp nhận bao nhiêu đau khổ và nghiệt ngã của các xứ truyền giáo để trao cho chúng ta món quà quí giá này. Chúng ta đừng khinh thường nó.
- Bổn phận của chúng ta là gìn giữ và củng cố đức tin này sao cho ngày càng lớn mạnh, và cố gắng hết sức để trao lại cho con cháu và những người chúng ta có trách nhiệm. Nếu chúng ta đã lãnh nhận cách nhưng không, chúng ta cũng phải rộng rãi cho đi cách nhưng không.
- Riêng với con cháu Việt-nam, chúng ta biết để bảo vệ đức tin này, các nhà truyền giáo và cha ông chúng ta đã phải đổ máu và chịu đựng biết bao bắt bớ, roi đòn, tù đày, tủi nhục. Hãy sống đức tin làm sao cho xứng đáng với giá máu ấy.
Anthony Đinh Minh Tiên, OP.
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 08-5
Cv 14, 19-28; Ga: 14, 27-31a.
LỜI SUY NIỆM:
          “Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.” (Ga 14,25-26).
          Chúa Giêsu giới thiệu với chúng ta về Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ và là Đấng soi sáng tâm trí chúng ta.
          Chúa Thánh Thần sẽ dẫn chúng ta càng ngày càng hiểu biết chân lý. Ngài sẽ nhắc lại những gì của Chúa Giêsu đã nói. Trong các vấn đề về đức tin, Chúa Thánh Thần thường xuyên đưa chúng ta trở về với những gì mà Chúa Giêsu đã phán dạy. Chúng ta có bổn phận phải suy nghĩ, nhưng trước khi kết luận chúng ta cần phải đối chiếu, thử nghiệm bởi lời của Chúa Giêsu. Chúng ta không cần phải khám phá chân lý, vì chúng ta đã được Chúa Giêsu dạy chân lý rồi. Nhưng cần phải khám phá ra ý nghĩa của những điều Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta, để chúng ta sống và được sống với Ngài. Chính những lúc này Chúa Thánh Thần sẽ cứu chúng ta ra khỏi sự sai lầm, và những tư tưởng ngạo mạn. Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng ta cư xử đúng và sống ngay lành.
Mạnh Phương
*****************************************
08 Tháng Năm

Chữ Thập Ðỏ
Buổi sáng ngày 24/6/1859, Henri Dunant, một thương gia trẻ tuổi người thụy Sĩ, thức giấc với nhiều bận tâm. Từ mấy ngày nay, anh đang trọ tại một lữ quán nghèo thuộc miền Castiglione delle Stiviere bên Italia. Anh đến italia với một công tác rất táo bạo, đó là gặp cho kỳ được Hoàng Ðế Napoleon đệ tam của nước Pháp để xin cấp cho anh giấy phép được thiết lập một số nhà máy xay lúa tại Algerie, lúc bấy giờ đang là thuộc địa nước Pháp...
Từ trong quán trọ nhìn ra, anh thấy từng đoàn binh sĩ Pháp di chuyển về cánh đồng Solferino... Và những gì phải xảy ra đã xảy ra... 300 ngàn con người từ hai phía đã giáp chiến. Tiếng súng nổ, tiếng người la hét giãy giụa. Khi màn đêm xuống, tiếng súng thưa dần, người ta chỉ còn nghe thấy tiêng rên la của các thương binh từ hai phía... Giờ phút này Henri Dunant không còn nghĩ gì đến dự án thiết lập các nhà máy xay lúa tại Algerie nữa. Thay vào đó, nỗi oán ghét chiến tranh và sự cảm thông với các thương binh mỗi lúc một xâm chiếm tâm hồn anh, nhất là khi người ta bắt đầu di chuyển các thương binh vào các làng mạc...
Một người lính Pháp vừa lê lết vừa xin nước uống. Nguyên một bàn chân đãbị cắt đi khỏi thân thể. Dunant dìu anh vào quán trọ. Cùng với các y sĩ của các phe đang tham chiến, Henri Dunant đã động viên tất cả dân làng để mang thực phẩm và thuốc men đến cho các thương binh, bất kể họ thuộc bên nào.
Trong những ngày ấy, thay cho dự án kinh doanh, Henri Dunant đã dành thời giờ đê viết lại hồi ký về trận Solferino. Anh mô tả lại tất cả những gì anh đã chứng kiến và kêu gọi tất cả những người thiện chí trên thế giới hãy giúp anh để chấm dứt thảm cảnh ấy. Không mấy chốc, cuốn sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và được gửi đến các Chính Phủ trên thế giới. Ngay tức khắc, một tổ chức nhân đạo tại Génève đã thỏa thuận trợ giúp cho công tác của Dunant. Anh đi khắp các thủ đô Âu Châu để thuyết phục các nhà cầm quyền ký vào một quy ước nhìn nhận quyền bất khả xâm phạm của các thương binh, các y tá và tất cả những ai phục vụ trong ngành quân y...
Ngày 26/10/1963, đại diện của 16 nước đãgặp nhau tại Génève. Tổ chức do Henri Dunant khai sinh được chính thức chào đời ngày hôm đó. Người ta gọi tổ chức này là Hội Chữ Thập Ðỏ, do biểu tượng của một chữ thập đỏ in trên nền trắng... Dấu hiệu này đã được treo trên các lều, các nhà cửa thuộc về phong trào này... Ðó là món quà lớn nhất mà Henri Dunant đã tặng cho nhân loại.
Trong tập hồi ký trận Solferino, Henri Dunant đã ghi lại như sau: Có nhiều binh sĩ Áo dưới quyền chỉ huy của Hoàng Ðế Prancois Joseph bị bắt làm tù binh. Henri Dunant đã săn sóc họ tận tình. Thấy thế, một bà cụ già trong làng đã phản đối vì cho rằng người Áo là kẻ thù. Henri Dunant đã nói với bà cụ già như sau: "Trong sự đau khổ, không còn khác biệt giữa bạn và thù nữa.. Tất cả chúng ta đều là anh em với nhau".
Nhìn mọi người như anh em của mình, một cái nhìn như thế hẳn phải xuất phát từ một niềm tin rất sâu sắc...
Năm 1901, lần đầu tiên, giải thưởng Nobel hòa bình đã được trao tặng và người được danh dự ấy chính là vị sáng lập ra Hội Chữ Thập Ðỏ. Mười năm sau, con người đã trao tặng cho thế giới một món quà cao quý như thế đãqua đời trong một bệnh viện dành cho những người hành khất nghèo nàn bên Thụy Sĩ. Gia tài của ông đẻ lại là vài cuốn sách, năm ba lá thư và một di chúc thiêng liêng như sau: "Hoặc tôi là một môn đệ của Ðức Kitô giống như các tín hữu của những thế kỷ đầu hoặc tôi không là gì hết".
Ðặc biệt của các tín hữu sơ khai và cũng là lý tưởng của Henri Dunant chính là lòng mến, lòng mến đã biến họ nhận ra mọi người như là anh em, con cùng một Cha trên Trời... Mỗi người Kitô chúng ta cũng có thể lập lại lời di chúc của vị sáng lập Hội Chữ Thập Ðỏ: "Hoặc tôi tôn trọng và yêu thương tha nhân hoặc tôi không là gì hết".
(Lẽ Sống)
"Thầy ban bình an của Thầy cho các con".(Ga 14,27)
Thầy để lại bình an.
“Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban bình an cho anh em”. Các bạn hãy suy nghĩ xem những lời chúc đó có ý nghĩa gì? Có phải như những lời chúc đầu năm mới, chúc Giáng sinh, chúc Phục sinh hay những ngày lễ kỷ niệm? Đó là kiểu chào, không còn gì hơn nữa sao? Nếu như thế, chúng ta chưa hiểu rõ những lời của Chúa. Ơn bình an của Chúa không phải như món quà gói gọn im lìm. Ơn bình an là sức mạnh hoạt động mạnh mẽ, nghĩa là: Thầy ban cho anh em sức mạnh bình an của Thầy, Thầy ban cho anh em sức hoạt động bình an của Thầy. Anh em sẽ làm chứng và sống thực hiện sự hòa giải, hòa hợp để đem lại bình an. “Phúc cho ai hoạt động cho bình an”.
Nhưng người ta có thể trách Chúa rằng: Ngài trao trách nhiệm hòa bình cho chúng tôi, Ngài bắt chúng tôi thừa kế và ban phát hòa bình, còn Ngài lại ra đi, Ngài để lại cho chúng tôi lời cam kết ban hòa bình. “Thầy sẽ ra đi”.
Sự ra đi của Đức Giêsu, sự xa cách của Người là để thực hiện một sự hiện diện thiêng liêng có mặt ở khắp mọi nơi, cho hết mọi người. Ơn bình an của Người là một cách Đức Giêsu tiếp tục với chúng ta thực hiện công cuộc cứu độ của Người.
Ngài ở với chúng ta bằng cách hiện diện thiêng liêng này, còn có ý tôn trọng tự do của chúng ta. Người hành động nơi chúng ta như cha mẹ đối với con cái, từ từ trao trách nhiệm và tự do cho con cái. Chúng xa cha mẹ mà vẫn được cha mẹ nâng đỡ, chở che và yêu mến.
Mỗi buổi họp các tín hữu, mỗi lúc dự Thánh lễ, Đức Giêsu đều ban bình an cho chúng ta. Người không áp đặt chúng ta nhận bình an, nhưng Người chỉ cho chúng ta thấy rằng sự hiện diện của Người ở trần gian tùy thuộc vào sự nhiệt tâm hăng hái của chúng ta, ra công xây đắp hòa bình. Sự biểu dương của hoàng tử hòa bình được chiếu sáng qua những cuộc hòa giải tốt của chúng ta, và qua những tấm lòng khoan dung tha thứ mau lẹ của chúng ta.
C.G

Ngày 08
Được sinh ra trong đời sông huynh đệ

Chúng ta biết rằng chúng ta đã được phuc sinh, được Cha nhận làm nghĩa tử, chỉ vì chúng ta yêu thương anh em. Đời sống huynh đệ mặc khải tình cha của Thiên Chúa. Tình huynh đệ phản ảnh cuộc sống của Chúa Con là mẫu cho tình yêu của Thiên Chúa.

Không Kitô hữu nào được đón nhận làm con mà lại từ chối là anh em. Nếu có ai nói: "Tôi yêu Thiên Chúa mà ghét anh em, thì đó là một người nói dối. Thật vậy, họ không yêu anh em mà họ thấy thì làm sao yêu được Thiên Chúa mà họ không thấy" (IGa 4,20).

Ai suy nghĩ về Thiên Chúa mà không suy nghĩ về anh em: hy vọng vào Thiên Chúa mà lại thất vọng nơi anh em, ai từ bỏ mình vì Thiên Chúa nhưng lại không tù bỏ gì cho anh em, thực sự họ không có tự do của người con.

Tinh huynh đệ không biên giới, đến từ sự tái sinh được khai mở trong sự phục sinh của Đức Kitô, là dấu chỉ và là phương tiện vô tận của Cha. Qui tu lại trong Đức Kitô, sự khác biệt về hoàn cảnh, văn hóa, cảm nghiệm và ý kiến, như tiên báo về Vương quốc được Thiên Chúa hứa.

Denis Villepelet

Thứ Ba 8-5

Chân Phước Waldo

(c. 1320)
W
aldo, còn được gọi là Vivaldo hay Ubaldo, là môn đệ của một linh mục thánh thiện, Cha Bartolo, cả hai quê quán ở miền bắc nước Ý. Khi Cha Bartolo bị bệnh cùi và phải nằm bệnh viện, Waldo đã đi theo hầu hạ ngài cho đến khi chết trong vòng 20 năm. Ðổi lại, nền tảng đạo lý của Waldo được phong phú hơn nhờ sự chỉ dẫn của vị linh mục thánh thiện.
Sau cái chết của cha linh hướng, Waldo quyết định sống tách biệt khỏi thế gian để chỉ đối thoại với Thiên Chúa và hướng lòng đến những sự trên trời. Theo đó, ngài đi vào một khu rừng không xa nơi sinh trưởng là bao, và tìm thấy một cây dẻ lớn có chỗ lõm sâu, chỉ đủ để một người quỳ ở trong đó. Và ngài đã sống cuộc đời ẩn dật trong nhiều năm, hoàn toàn cô độc.
Người ta kể rằng, một ngày trong tháng Năm 1320, chuông nhà thờ ở ngôi làng gần đó tự nhiên vang lên từng hồi một cách lạ lùng. Khi dân làng đổ về nhà thờ để chứng kiến cảnh kỳ lạ ấy, thì một người thợ săn từ khu rừng đi ra. Ông cho biết trong khi đi săn, ông thấy một cây dẻ lớn có chỗ lõm sâu và các con chó của ông vừa quấn quít chung quanh cây ấy vừa cất tiếng sủa một cách vui mừng. Khi quan sát thân cây thì ông khám phá ra vị ẩn tu đã chết trong tư thế quỳ ở chỗ lõm của cây. Ngay khi ông ngừng kể thì tiếng chuông cũng im bặt.
Ðối với người dân trong làng, hiển nhiên vị ẩn tu ấy là một người thánh thiện. Họ vào rừng, đem thi thể Waldo về nhà thờ và chôn cất ngay dưới bàn thờ chính. Trong những năm kế đó, nhiều phép lạ đã xảy ra ở ngôi mộ của Chân Phước Waldo, và một nhà nguyện được xây cất ở nơi khu rừng ngài sinh sống để kính Ðức Maria.

Copyright © 2010 by Nguoi Tin Huu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét