Trang

Chủ Nhật, 8 tháng 2, 2015

09-02-2015 : THỨ HAI TUẦN V THƯỜNG NIÊN

09/02/2015
Thứ Hai sau Chúa Nhật 5 Quanh Năm


Bài Ðọc I: (Năm I) St 1, 1-19
"Thiên Chúa phán: và xảy ra như vậy".
Trích sách Sáng Thế.
Từ nguyên thủy Thiên Chúa đã tạo thành trời đất. Ðất còn hoang vu trống rỗng, tối tăm bao trùm vực thẳm, và Thần trí Thiên Chúa bay sà trên mặt nước.
Thiên Chúa phán: "Hãy có ánh sáng". Và có ánh sáng. Thiên Chúa thấy ánh sáng tốt đẹp, Người phân rẽ ánh sáng khỏi tối tăm. Thiên Chúa gọi ánh sáng là ngày, tối tăm là đêm. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ nhất.
Thiên Chúa phán: "Hãy có một vòm trời ở giữa nước, phân rẽ nước với nước", và Thiên Chúa làm nên vòm trời, và phân rẽ nước phía trên vòm trời với nước dưới vòm trời. Và xảy ra như vậy. Thiên Chúa gọi vòm đó là trời. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ hai.
Thiên Chúa phán: "Nước dưới trời hãy tụ tại một nơi, để lộ ra chỗ khô cạn. Và đã xảy ra như vậy. Thiên Chúa gọi chỗ khô cạn là đất, và Người gọi khối nước là biển. Thiên Chúa thấy tốt đẹp. Và Thiên Chúa phán: "Ðất hãy trổ sinh thảo mộc xanh tươi mang hạt giống, và cây ăn trái phát sinh trái theo giống nó, và trong trái có hạt giống, trên mặt đất. Và đã xảy ra như vậy. Tức thì đất sản xuất thảo mộc xanh tươi mang hạt theo giống nó, và cây phát sinh trái trong có hạt tuỳ theo loại nó. Và Thiên Chúa thấy nó tốt đẹp. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ ba.
Thiên Chúa còn phán: "Hãy có những vật sáng trên vòm trời và hãy phân chia ngày và đêm, và trở thành dấu chỉ thời gian, ngày và năm tháng, để soi sáng trên vòm trời và giãi sáng mặt đất". Và đã xảy ra như vậy. Thiên Chúa đã làm nên hai vầng sáng lớn: Vầng sáng lớn hơn làm chủ ban ngày, và vầng sáng nhỏ hơn làm chủ ban đêm; và Ngài cũng làm nên các tinh tú. Thiên Chúa đặt chúng trên vòm trời để soi sáng trên mặt đất, và làm chủ ngày đêm, và phân chia ánh sáng với tối tăm. Thiên Chúa thấy tốt đẹp. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ tư.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 103, 1-2a. 5-6. 10 và 12. 24 và 35c
Ðáp: Nguyện cho Chúa hân hoan vì công cuộc của Chúa (c. 31b).
Xướng: 1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa. Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, Ngài rất ư vĩ đại! Ngài mặc lấy oai nghiêm huy hoàng, ánh sáng choàng thân như mang áo khoác. - Ðáp.
2) Ngài dựng vững địa cầu trên nền tảng, cho tới muôn đời nó chẳng lung lay. Ngài dùng biển che phủ nó như áo che thân, trên ngọn núi non muôn ngàn nước đọng. - Ðáp.
3) Ngài lệnh cho mạch nước tràn ra thành suối, chúng chảy rì rào giữa miền non núi. Bên cạnh chúng, chim trời cư ngụ, từ trong ngành cây vang ra tiếng hót. - Ðáp.
4) Lạy Chúa, thực nhiều thay công cuộc của Ngài! Ngài đã tạo thành vạn vật cách khôn ngoan, địa cầu đầy dẫy loài thụ tạo của Ngài. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa. - Ðáp.

Alleluia: Ga 14, 5
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy". - Alleluia.

Phúc Âm: Mc 6, 53-56
"Tất cả những ai chạm tới Người, đều được khỏi bệnh".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ qua biển rồi, các ngài tới miền Giênêsarét và ghé bến. Các ngài lên khỏi thuyền, tức thì người ta nhận ra Người, họ liền rảo chạy khắp miền, và nghe tin Người ở đâu thì khiêng những người đau yếu nằm trên chõng đến đó. Bất cứ Người vào làng trại hay đô thị nào, người ta cũng đặt các bệnh nhân ở các nơi công cộng và xin Người cho họ ít là được chạm tới gấu áo Người, và tất cả những ai chạm tới Người, đều được khỏi bệnh.
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Chấp nhận bị quấy rầy

Tin Mừng hôm nay là một bản khái quát những hoạt động của Chúa Giêsu làm cho con người, những hoạt động này vừa nhiều vừa đa dạng, đến mức làm cho người ta có cảm tưởng Chúa Giêsu là một lương y đa khoa.
Nhìn vào cách thức hành động của Chúa Giêsu, con người thời nay có thể cho rằng Ngài làm việc thiếu khoa học. Dường như Chúa Giêsu không lên kế hoạch làm việc cho từng ngày, ngày nào của Ngài cũng chỉ theo một chương trình duy nhất, là rao giảng Tin Mừng và làm cho Nước Trời hiện diện cụ thể trong đời sống con người. Ðối tượng phục vụ của Ngài là người nghèo đủ loại, và nhu cầu của người nghèo lại cấp bách đến độ không thể dời lui dời tới hoặc giới hạn vào một số giờ nhất định. Sống với người nghèo và cho người nghèo là chấp nhận bị quấy rầy: quấy rầy vì những vấn đề của họ thật cấp thiết nhưng lại không dễ giải quyết, quấy rầy vì họ luôn ở cạnh chúng ta mà chúng ta không được phép quên đi.
Giáo Hội hôm nay muốn chọn người nghèo làm đối tượng ưu tiên để phục vụ như Chúa Giêsu ngày xưa đã làm, thì Giáo Hội cũng không thể quên sự quấy rầy của người nghèo và các vấn đề liên quan đến người nghèo. Nếu Giáo Hội có phải phân nhiệm cho ủy ban này, ủy ban khi lo từng vấn đề, nếu Giáo Hội có phải lên thời khóa biểu hằng ngày, thì tất cả chỉ vì muốn phục vụ người nghèo cho có kết quả hơn, chứ không phải để giảm bớt hoặc thoái thác công việc.
Chúa đã không phục vụ con người theo kiểu trưởng giả, gián tiếp, nhưng đã dấn thân phục vụ tất cả mọi người bất cứ giờ phút nào. Xin cho Giáo Hội và mỗi người chúng ta đừng phục vụ người nghèo trên môi miệng, trên giấy tờ hoặc trong tư duy, nhưng là phục vụ trong hành động cụ thể và mau mắn.
Veritas Asia


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần 5 TN, Năm lẻ
Bài đọc: Gen 1:1-19; Mk 6:53-56.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Con người phải biết ơn tác giả của sự sống.
Trong thế giới con người, chúng ta thường thấy có 2 hạng người tiêu biểu: một hạng người chịu để tâm nghiên cứu để tìm ra sự thật, nguồn gốc, và căn nguyên mọi lòai như: “Tôi đã tìm thấy Thiên Chúa trong vũ trụ.” Hay “Tôi đã tìm thấy Thiên Chúa nơi phòng thí nghiệm.” Ngược lại, có những người lười biếng, không chịu học hỏi lịch sử, và truy tầm nguồn gốc và căn nguyên của mọi lòai; lại còn có thái độ tự tôn, kiêu ngạo, và nghĩ mình có thể làm mọi sự; chẳng hạn lời tuyên bố của triết gia hiện sinh F. Nietzsche “Tôi đã giết chết Thiên Chúa!” hay lời phê phán của K. Marx, ông tổ cộng sản, về niềm tin vào Thiên Chúa: “Tôn giáo là thuốc phiện mê ngủ con người.”
Nếu con người chịu khó học hỏi lịch sử và tìm về nguồn cội, con người sẽ khám phá ra trái đất con người đang sống chỉ là một hành tinh nhỏ và mỏng giòn của vũ trụ, chứ không phải là trung tâm điểm hay cái rốn của vũ trụ như nhiều người lầm tưởng. Trái đất tự nó không thể sống một mình, nhưng tùy thuộc vào các hành tinh chung quanh; nhất là 2 hành tinh lớn mặt trời và mặt trăng. Nhận ra thân phận yếu đuối của mình sẽ giúp con người khiêm nhường hơn, biết ơn, và trông cậy vào sự khôn ngoan, uy quyền, và sức mạnh của Đấng Sáng Tạo.
Hai Bài Đọc hôm nay nói lên sự tương phản giữa Đấng Sáng Tạo uy quyền và con người yếu đuối bệnh tật. Trong Bài Đọc I, tác-giả Sách Sáng Thế Ký, dù không có một dụng cụ nghiên cứu thiên văn nào, cả hàng mấy ngàn năm trước đây, đã biết dùng trí óc lý luận của mình, nhận ra uy quyền sáng tạo của Thiên Chúa trong vũ trụ. Trong Phúc Âm, Thiên Chúa, tác giả của sự sống, cũng là người chữa lành mọi tật bệnh cho con người. Điều kiện để được chữa bệnh: con người phải nhận ra tình trạng bệnh tật của mình và đến với Thiên Chúa để được chữa lành.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa tạo dựng trời đất.
Điều đầu tiên chúng ta cần chú ý khi đọc trình thuật tạo dựng: Đây không phải là thứ tự những gì Thiên Chúa làm; nhưng là một tường thuật về công cuộc tạo dựng theo con mắt đức tin, dưới sự linh hứng của Thánh Thần. Tác-giả quan tâm tới ai là người sáng tạo, chứ không quan tâm đến cách thức chi tiết phải làm sao. Tác giả quan tâm đến sự thật đặt căn bản trên những sự kiện lịch sử, chứ không tới thứ tự lịch sử của những biến cố. Tác giả quan tâm đến sự cứu độ hơn là thần học về việc tạo dựng. Tác giả tường thuật công trình sáng tạo theo sự hiểu biết và suy tư của con người thời đó, khi chưa có những kiến thức khoa học về sự vận chuyển trong trời đất.
1.1/ Ngày thứ nhất, Thiên Chúa tạo dựng ánh sáng và phân rẽ ánh sáng khỏi bóng tối:
Ngay từ khởi thủy, chỉ có một Thiên Chúa; khác hẳn với những tôn giáo đa thần. Ánh sáng và bóng tối là do Thiên Chúa tạo dựng, cả hai đều ở dưới uy quyền của Thiên Chúa, chứ không là 2 thần khác nhau. Uy quyền của Thiên Chúa trên ánh sáng và bóng tối được diễn tả bằng việc Chúa muốn và phán và sự vật liền có, và Chúa gọi là sự vật liền được gọi. Theo tâm thức của người Do-Thái xưa, người được đặt tên là người có tòan quyền trên sự việc. Theo sự suy luận của tác giả, ánh sáng phải có trước khi làm các việc khác, nên Thiên Chúa tạo dựng ánh sáng trước khi tạo dựng các sự vật khác.
1.2/ Ngày thứ hai, Thiên Chúa tạo dựng bầu trời: Theo sự mô tả của tác-giả ở trên, tòan thể địa cầu bao bọc bởi nước; do đó, địa cầu cần được phân chia ranh giới hẳn hoi. Để làm điều này, Thiên Chúa chế tạo một cái vòm, và bầu trời giống như hình một cái phễu lớn giổng ngược để phân rẽ nước phía trên và nước phía dưới. Chỗ nước chảy xuống được khóa lại và mở ra khi muốn làm mưa.
1.3/ Ngày thứ ba, Thiên Chúa phân tách đất liền ra khỏi biển và tạo dựng cây cỏ: Sau khi đã phân cách nước phía trên, Thiên Chúa phân cách nước phía dưới khi Thiên Chúa phán: "Nước phía dưới trời phải tụ lại một nơi, để chỗ cạn lộ ra." Liền có như vậy. Thiên Chúa gọi chỗ cạn là "đất," khối nước tụ lại là "biển." Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp.
Chỗ nào có đất là có cây cỏ mọc. Theo sự suy nghĩ của tác gỉa, đến lúc Thiên Chúa tạo dựng chúng nên Ngài phán: "Đất phải sinh thảo mộc xanh tươi, cỏ mang hạt giống, và cây trên mặt đất có trái, ra trái tuỳ theo loại, trong có hạt giống." Liền có như vậy. Đất trổ sinh thảo mộc, cỏ mang hạt giống tuỳ theo loại, và cây ra trái, trong trái có hạt giống tuỳ theo loại. Điều cần chú ý là tiềm năng sự sống và sự tái tạo đã có trong các hạt giống khi Thiên Chúa tạo dựng; và không bao giờ cạn. Bao lâu còn đất, các hạt giống sẽ sinh hoa trái cho con người hưởng dùng.
1.4/ Ngày thứ tư, Thiên Chúa tạo dựng các hành tinh: mặt trời, mặt trăng, và các ngôi sao.
Có lẽ tác giả phân biệt 2 thứ ánh sáng: ánh sáng của ngày thứ nhất là để nhìn, và ánh sáng đến từ mặt trời. Có lẽ tác giả chưa đủ kiến thức để biết ánh sáng ban ngày đến từ mặt trời. Thiên Chúa nghĩ: Để phân biệt ngày với đêm, cần có 2 nguồn sáng khác nhau, nên Thiên Chúa phán: "Phải có những vầng sáng trên vòm trời, để phân rẽ ngày với đêm, để làm dấu chỉ xác định các đại lễ, ngày và năm. Đó sẽ là những vầng sáng trên vòm trời để chiếu soi mặt đất." Thiên Chúa làm ra hai vầng sáng lớn: vầng sáng lớn hơn để điều khiển ngày, vầng sáng nhỏ hơn để điều khiển đêm; Người cũng làm ra các ngôi sao. Thiên Chúa đặt các vầng sáng trên vòm trời để chiếu soi mặt đất, để điều khiển ngày và đêm, và để phân rẽ ánh sáng với bóng tối.
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu chữa lành con người.
2.1/ Bệnh tật đe dọa sự sống con người: Tuy Thiên Chúa dựng nên mọi sự đều tốt lành; nhưng những điều dữ luôn đe dọa con người, một trong những điều dữ này là các bệnh tật. Bệnh tật có nhiều nguyên do, một trong những nguyên do chính là sự ô nhiễm môi trường và tính vô trách nhiệm của con người.
2.2/ Con người nhận ra tác giả của sự sống: Trình thuật kể: “Thầy trò vừa ra khỏi thuyền, thì lập tức người ta nhận ra Đức Giêsu. Họ rảo khắp vùng ấy và nghe tin Người ở đâu, thì bắt đầu cáng bệnh nhân đến đó. Người đi tới đâu, vào làng mạc, thành thị hay thôn xóm nào, người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ, và xin Người cho họ ít là được chạm đến tua áo choàng của Người; và bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi.” Hai điều kiện để được chữa lành bệnh: (1) Nhận ra mình mắc bệnh, và (2) Chạy đến với Chúa Giêsu, tác giả của sự sống, để được chữa lành.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Mọi vật có là do Thiên Chúa tạo dựng. Tuy trình thuật của Sách Sáng Thế Ký không mô tả chi tiết và lý do, nhưng đó là sự thật về nguồn gốc và căn nguyên của sự vật.
- Thiên Chúa là tác giả của sự sống. Ngài tạo dựng mọi sự: nước, đất, ánh sáng, hạt giống … để bảo vệ sự sống của muôn lòai. Không phải ngẫu nhiên có sự sống như nhiều người lầm tưởng.
- Quan sát thiên nhiên và đọc trình thuật tạo dựng giúp con người đặt niềm tin nơi Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo muôn lòai muôn vật.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

09/02/15 THỨ HAI TUẦN 5 TN
Mc 6,53-56

Suy niệm: Hành vi chạm vào tua áo của Chúa và kết quả được chữa lành bệnh thật chẳng tương xứng chút nào. Một đàng rất dễ, ai cũng làm được, nhất là khi ốm đau bệnh tật, “hữu sự vái tứ phương;” một đàng rất khó, không phải ai cũng làm được, là làm phép lạ, chỉ có Thiên Chúa và những ai được Ngài ban ơn mới có khả năng thực hiện thành công. Điều này chứng tỏ Chúa Giê-su là Thiên Chúa đang ở cùng nhân loại, là Đấng được Chúa Cha phái đến trần gian, để ai xin thì được, ai tìm thì gặp, và ai gõ sẽ mở cửa cho. Lắm khi ta xin ít Chúa lại cho nhiều, và ngược lại ta xin thật nhiều mà nhận được chẳng bao nhiêu, vì điều ta xin chẳng hợp với ý Ngài và không thực sự ích lợi cho phần rỗi của ta.
Mời Bạn: Bạn nhớ lại có lần Chúa bảo khi cầu nguyện anh em đừng nhiều lời như dân ngoại, đừng nghĩ nói nhiều sẽ được cho nhiều… Hãy xin điều cần thiết nhất cho cuộc sống là ơn cứu độ của Nước Trời, còn mọi sự khác Người sẽ ban cho.
Chia sẻ: Bạn cầu nguyện thế nào để lời cầu xin được Chúa nhậm lời?
Sống Lời Chúa: Hãy tâm niệm lời này: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33).
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con tin Chúa là Thiên Chúa, nhưng đã làm người để ban ơn cứu độ cho con người. Xin cho con luôn biết tìm đến Chúa  mỗi ngày để được gần gũi, thân thiết với Chúa hơn và được Chúa nâng đỡ.

Chạm đến thì được khỏi 
Truyền giáo là giúp người ta thực hiện ước mơ chính đáng: chạm đến Thiên Chúa. Nhà truyền giáo phải là người đã có kinh nghiệm chạm đến Thiên Chúa. 


Suy nim:
Tiếng Việt có nhiều động từ nói về xúc giác:
sờ, mó, đụng, chạm, rờ…
Xúc giác là một trong năm ngũ quan.
Nhìn thấy, nghe thấy, ngửi thấy, có khi vẫn chưa đủ.
Người ta còn muốn sờ thấy, xem đằng mặt, bắt đằng tay.
Sờ là một cách kiểm chứng đôi khi được coi là đáng tin hơn thấy.
Đức Giêsu phục sinh đã nói với các môn đệ:
“Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà!
Cứ rờ xem, ma đâu có xương thịt như anh em thấy Thầy có đây?” (Lc 24, 39).
Thánh Tôma xem ra thích kiểm chứng bằng đụng chạm:
“…nếu tôi không đặt ngón tay tôi vào lỗ đinh,
không đặt bàn tay tôi vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20, 25).
Đức Giêsu phục sinh đã chiều Tôma (Ga 20, 27).
Thiên Chúa đã chiều nhân loại, khi cho Con Ngài làm người như ta,
nhờ đó chúng ta có thể đụng chạm đến Thiên Chúa theo nghĩa đen.
Thánh Gioan đã reo lên khi loan báo Tin Mừng này:
“Điều vẫn có ngay từ lúc đầu, điều chúng tôi đã nghe,
Điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng,
và bàn tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống” (1 Ga 1, 1).
Bài Tin Mừng hôm nay là một bản tóm lược dài về quyền năng của Đức Giêsu.
Quyền năng này được thi thố qua việc chữa bệnh.
“Người ở đâu thì người ta cáng bệnh nhân đến đó.
Người đi tới đâu…người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở chỗ công cộng” (cc. 55-56).
Dân chúng tin vào sức mạnh xuất phát từ chính con người Đức Giêsu.
Ở đây không phải là chuyện Ngài đụng chạm vào các bệnh nhân để chữa họ,
mà là các bệnh nhân xin “ít là được chạm đến tua áo choàng của Người;
và “bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi” (c. 56).
Cái chạm của bệnh nhân là cái chạm của lòng tin vào Đức Giêsu.
Nó giống với cái chạm của người phụ nữ bị băng huyết (Mc 5, 28).
Không phải chỉ là chạm bằng tay, mà bằng cả con người.
Nơi đáy lòng con người vẫn có khát khao được đụng chạm đến Thiên Chúa,
cả nơi những người không tin có Ngài hay bướng bỉnh như Tôma.
Truyền giáo là giúp người ta thực hiện ước mơ chính đáng: chạm đến Thiên Chúa.
Nhà truyền giáo phải là người đã có kinh nghiệm chạm đến Thiên Chúa.
Mong mỗi Kitô hữu trở nên một nhà truyền giáo
nhờ đụng chạm đến Lời Chúa và các Bí Tích mỗi ngày.
Cầu nguyn:

Con đã yêu Chúa quá muộn màng!
Ôi lạy Chúa là vẻ đẹp vừa cổ kính,
vừa luôn mới mẻ,
con đã yêu Chúa quá muộn màng!
Bấy giờ Chúa ở trong con
mà con thì ở ngoài,
con cứ chạy đi tìm Chúa ở ngoài.

Con thật hư hỏng,
khi chạy theo các thụ tạo xinh đẹp.
Bởi thế, bấy giờ Chúa ở với con
mà con lại không ở với Chúa.
Các thụ tạo xinh đẹp kia cứ giữ con ở xa Chúa,
trong khi chúng hiện hữu được là nhờ Chúa.

Chúa đã gọi con, đã gọi to
và phá tan sự điếc lác của con.
Chúa đã soi sáng
và xua đi sự mù lòa của con.
Chúa đã tỏa hương thơm ngát
để con được thưởng thức,
và giờ đây hối hả quay về với Chúa.
Con đã nếm thử Chúa
và giờ đây con đói khát Người.
Chúa đã chạm đến con,
nên giờ đây con nóng lòng
chạy đi tìm an bình nơi Chúa.
(Thánh Âu-Tinh)

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
9 THÁNG HAI
Cần Phải Sưu Tầm Và Gìn Giữ Các Kho Tàng Nghệ Thuật
Trong nghệ thuật Kitô giáo, tính nguyên tuyền và tinh khôi của kinh nghiệm tôn giáo đã được diễn tả một cách tuyệt vời qua những tác phẩm vốn có thể được coi là sự thể hiện rạng rỡ của Thánh Thần. Muôn màu muôn vẻ, những tác phẩm này bộc lộ những cảm nghiệm và nhận thức về ơn cứu độ của bao tín hữu xuyên qua các thế kỷ cho đến hôm nay. Chính truyền thống thu thập tất cả những loại hình nghệ thuật đa dạng ấy và chuyển trao cho mọi thế hệ đức tin và niềm hy vọng của Giáo Hội. Nhờ đó, nó có thể được đón nhận, được hiểu và được triển khai trong cuộc sống thực tiễn mỗi ngày của người tín hữu.
Gia sản phong phú được giữ gìn trong đời sống của dân Thiên Chúa được nghệ thuật biểu lộ một cách độc đáo đến nỗi qua đó người ta có thể cảm nhận được giá trị của tâm linh con người, cảm nhận được mối quan hệ sâu thẳm giữa con người và Thiên Chúa, và cảm nhận được cuộc gặp gỡ với Ngôi Lời nhập thể.
Chính trái tim và bàn tay thấm đẫm yêu thương của con người – ở giữa muôn vàn khổ lụy – đã khắc họa nên khuôn mặt của con người trên đường lữ hành trần gian và đã phản ảnh uy phong khôn tả của Đấng Tạo Hóa. Vì thế, chúng ta nghiêng mình trước những bức họa và những bức phù điêu mà kho tàng nghệ thuật Kitô giáo chuyển trao cho chúng ta từ bao thế kỷ.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 09-02
St 1,1-19; Mc 6,53-56.

LỜI SUY NIỆM: Người đi đến đâu, vào làng mạc, thành thị hay thôn xóm nào, người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường, ngoài chợ, và xin Người cho họ ít là được chạm đến tua áo choàng của Người; và bất cứ ai chạm đến đều được khỏi.”
Lòng thương xót của Chúa Giêsu luôn luôn hướng về con người, và Chúa luôn rộng tay ban mọi ơn lành phần hồn cũng như phần xác, cho tất cả những ai hướng về lòng thương xót của Người. trông cậy vào Người; đặt trọn niềm tin vào Người, đều được nhận sự chữa lành, và được ơn sám hối, để hoán cải đời sống của mình ngày càng tốt đẹp thánh thiện hơn.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con sốt sắng siêng năng lần chuỗi lòng thương xót của Chúa, để bản thân và toàn thế giới nhận được mọi phúc lành và sự bình an của Chúa.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
09 Tháng Hai
Khi Yêu Trái Ấu Cũng Tròn
Ignacy Paderewski là một chính trị gia kiêm nhạc sĩ dương cầm nổi tiếng của Balan. Ông đã từng là chủ tịch Hội Ðồng Nhà Nước năm 1919.
Một hôm, ông đến thăm một người bạn. Do sự yêu cầu của gia đình người bạn, ông đã ngồi vào đàn dương cầm để biểu diễn một vài bản nhạc do chính ông sáng tác. Tiếng đàn vang lên trong cả khu phố. Từ phòng bên cạnh, một người đàn bà đang chăm chú dọn dẹp và sắp đặt lại trật tự trong nhà. Tiếng đàn du dương của nhà nhạc sĩ đại tài, thay vì làm vui tai bà, lại làm cho bà khó chịu. Người đàn bà đã nhắc điện thoại lên yêu cầu người bạn cho nhạc sĩ Paderewski ngưng chơi đàn, vì bà không chịu nổi tiếng ồn ào. Nhưng người bạn của nhà nhạc sĩ mới giải thích: "Thưa bà, người đang chơi đàn chính là nhạc sĩ Paderewski đại tài của chúng ta đó".
Vừa nghe nhắc đến tên của nhạc sĩ, người đàn bà láng giềng khó tính bỗng đổi giọng tức khắc. Những âm thanh trước kia bà nghe như tiếng ồn ào, nay được bà đón nhận như những âm thanh tuyệt mỹ. Người đàn bà bèn gọi điện thoại mời bà con và bạn bè đến thưởng thức những tấu khúc của Paderewski.
Cũng một âm thanh, nhưng có lúc người đàn bà nghe như những tiếng ồn ào khó chịu, có lúc lại được bà đón nhận như khúc nhạc tuyệt mỹ. Ðó cũng là phản ứng thường tình của chúng ta. Khi chúng ta mang sẵn thành kiến đối với người nào đó, thì dường như tất cả những gì người đó nói hay làm đều được chúng ta đón nhận một cách tiêu cực. Yêu nhau thì trái ấu cùng tròn, mà ghét nhau thì cau bảy cũng bổ ra làm mười. Thái độ của chúng ta đối với người khác tùy thuộc ở cái nhìn của chúng ta về người đó. Nếu chúng ta chỉ nhìn người đó bằng lăng kính của thành kiến có sẵn, thì dĩ nhiên, chúng ta không thể yêu thích được bất cứ điều gì người đó nói hay làm.
Chúa Giêsu đã không nhìn người bằng thành kiến. Ngài tiếp đón tất cả mọi người. Ngài làm bạn với mọi người. Ngài ngồi đồng bàn với mọi người. Người biệt phái cũng có thể đến với Ngài. Ngài không nhìn người với những nhãn hiệu, mà chỉ bằng đôi mắt của Yêu Thương. Ngài không lắng nghe bằng những tiếng đồn đãi, bằng những định kiến, mà bằng sự cảm thông. Ngài không đo lường lầm lỗi bằng những thước đo của công lý mà chỉ xử lý bằng sự tha thứ.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét