10/02/2015
Thứ Ba
sau Chúa Nhật 5 Quanh Năm
Thánh Côláttica, trinh nữ. Lễ nhớ.
* Thánh nữ là em của
thánh Biển Đức, nhà lập luật cho các đan sĩ Tây phương. Thánh nữ chào đời ở Nuốc-xi-a,
nước Ý, khoảng năm 480. Thánh nữ sống đời thánh hiến ở chân núi Cátxinô, nơi
thánh Biển Đức đã lập ra một đan viện nổi tiếng. Thánh nữ qua đời không bao lâu
trước anh người (+ năm 547). Chính vì thế, các nữ đan sĩ Biển Đức tôn kính
thánh nữ Côláttica như người mẹ tinh thần của mình.
Bài Ðọc I: (Năm I) St 1, 20 - 2, 4a
"Chúng ta hãy dựng nên con người theo hình ảnh giống như
Ta".
Trích sách Sáng Thế.
Thiên Chúa phán: "Nước hãy sản xuất những sinh vật bò sát
và loài chim bay trên mặt đất, dưới vòm trời". Vậy Thiên Chúa tạo thành những
cá lớn, mọi sinh vật sống động mà nước sản xuất theo loại chúng, và mọi chim
bay tuỳ theo giống. Thiên Chúa thấy chúng tốt đẹp. Thiên Chúa chúc phúc cho
chúng rằng: "Hãy sinh sôi nảy nở cho nhiều, đầy nước biển; loài chim hãy
sinh cho nhiều trên mặt đất". Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là
ngày thứ năm.
Thiên Chúa lại phán: "Ðất hãy sản xuất các sinh vật tuỳ
theo giống: gia súc, loài bò sát và dã thú dưới đất tuỳ theo loại". Và đã
xảy ra như vậy. Thiên Chúa đã dựng nên dã thú dưới đất tuỳ theo loại, gia súc
và mọi loài bò sát dưới đất tuỳ theo giống. Thiên Chúa thấy chúng tốt đẹp; và
Thiên Chúa phán: "Chúng ta hãy dựng nên con người theo hình ảnh giống như
Ta, để chúng làm chủ cá biển, chim trời, dã thú khắp mặt đất, và tất cả loài bò
sát di chuyển trên mặt đất". Vậy Thiên Chúa đã tạo thành con người giống
hình ảnh Chúa; Chúa tạo thành con người giống hình ảnh Thiên Chúa. Người tạo
thành họ có nam có nữ. Thiên Chúa chúc phúc cho họ và phán rằng: "Hãy sinh
sôi nảy nở cho nhiều đầy mặt đất, và thống trị nó, hãy bá chủ cá biển, chim trời
và toàn thể sinh vật di chuyển trên mặt đất". Thiên Chúa phán: "Ðây
Ta ban cho các ngươi làm thức ăn mọi thứ cây cỏ mang hạt giống trên mặt đất và
toàn thể thảo mộc sinh trái có hạt tuỳ theo giống. Ta ban mọi thứ cây cỏ xanh
tươi làm thức ăn cho mọi loài dã thú trên mặt đất, chim trời và toàn thể sinh vật
di chuyển trên mặt đất". Và đã xảy ra như vậy. Thiên Chúa thấy mọi sự Người
đã làm rất tốt đẹp. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ sáu.
Thế là trời đất và mọi trang điểm của chúng đã hoàn thành. Ngày
thứ bảy Thiên Chúa hoàn tất công việc Người đã làm. Và sau khi hoàn tất công việc
Người đã làm, thì ngày thứ bảy Người nghỉ ngơi. Chúa chúc phúc và thánh hoá
ngày thứ bảy, vì trong ngày đó, Người nghỉ việc tạo thành.
Ðó là gốc tích trời đất khi được tạo thành.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 8, 4-5. 6-7. 8-9
Ðáp: Lạy Chúa, lạy Chúa chúng con, lạ lùng thay danh Chúa khắp
nơi hoàn cầu (c. 2a).
Xướng: 1) Khi con ngắm cõi trời, công cuộc tay Chúa tạo ra, vầng
trăng và muôn tinh tú mà Chúa gầy dựng, thì nhân loại là chi mà Chúa nhớ tới?
con người là chi mà Chúa để ý chăm nom? - Ðáp.
2) Chúa dựng nên con người kém thiên thần một chút, Chúa trang sức
con người bằng danh dự với vinh quang, Chúa ban cho quyền hành trên công cuộc
tay Ngài sáng tạo, Chúa đặt muôn vật dưới chân con người. - Ðáp.
3) Nào chiên nào bò, thôi thì tất cả, cho tới những muông thú ở
đồng hoang, chim trời với cá đại dương, những gì lội khắp nẻo đường biển khơi.
- Ðáp.
Alleluia: Ga 14, 23
Alleluia, alleluia! - Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy,
và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. -
Alleluia.
Phúc Âm: Mc 7, 1-13
"Các ngươi gác bỏ một bên các giới răn Thiên Chúa, để nắm
giữ tập tục phàm nhân".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, những người biệt phái và mấy luật sĩ từ Giêrusalem tụ tập
lại bên Chúa Giêsu, và họ thấy vài môn đệ Người dùng bữa với những bàn tay
không tinh sạch, nghĩa là không rửa trước. Vì theo đúng tập tục của tiền nhân,
những người biệt phái và mọi người Do-thái không dùng bữa mà không rửa tay trước,
và ở nơi công cộng về, họ không dùng bữa mà không tắm rửa trước. Họ còn giữ nhiều
tập tục khác nữa, như rửa chén, rửa bình, rửa các đồ đồng. Vậy những người biệt
phái và luật sĩ hỏi Người: "Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân
mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?" Người đáp: "Hỡi bọn
giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng:
"Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính
Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người".
Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người: rửa
bình, rửa chén và làm nhiều điều như vậy". Và Người bảo: "Các ngươi
đã khéo bỏ giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục của các ngươi. Thật vậy,
Môsê đã nói: "Hãy thảo kính cha mẹ", và "ai rủa cha mẹ, sẽ phải
xử tử". Còn các ngươi thì lại bảo: "Nếu ai nói với cha mẹ mình rằng:
Những của tôi có thể giúp cha mẹ được là Corban rồi (nghĩa là của dâng cho
Chúa)", và các ngươi không để cho kẻ ấy giúp gì cho cha mẹ nữa. Như thế
các ngươi huỷ bỏ lời Chúa bằng những tập tục truyền lại cho nhau. Và các ngươi
còn làm nhiều điều khác giống như thế".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Tìm cái cốt yếu
Nhiều tôn giáo lấy việc tẩy rửa làm một trong những nghi thức
linh thiêng của Ðạo. Chẳng hạn người Ấn giáo tắm ở sông Hằng trước khi vào tế tự
ở đền thờ, hoặc các thành viên Cộng đoàn Qumrân thời Chúa Giêsu lấy việc tắm rửa
hằng ngày để diễn tả thái độ sẵn sàng của mình cho ngày Ðấng Mêsia đến; ngay cả
Gioan Tẩy giả cũng coi việc dìm người xuống dòng sông Giođan rồi trồi lên khỏi
nước như cử chỉ nói lên sự hoán cải tâm hồn, sẵn sàng gia nhập đoàn dân mới của
Thiên Chúa khi Ngài ngự đến. Người Do thái còn đi xa hơn đến mức đưa nghi thức
tẩy rửa ấy vào từng chi tiết đời sống thường ngày, như rửa tay trước khi ăn, rửa
chén đĩa, bình lọ...
Tin Mừng hôm nay kể lại cuộc đối chất giữa Chúa Giêsu và những
người Biệt phái về vấn đề tập tục của tiền nhân. Ðối với người Do thái, việc rửa
tay, rửa chén đĩa, rửa thực phẩm, không chỉ là một biện pháp vệ sinh nhằm phòng
bệnh, mà còn là một nghi thức tôn giáo nói lên ước nguyện trở nên thanh sạch để
có thể hiệp thông với Thiên Chúa là Ðấng Thánh. Ðây là điều tốt, nhưng người Biệt
phái đã quá vụ hình thức mà bỏ quên điều thiết yếu, họ phán đoán một người tốt
hay xấu dựa trên những hình thức bên ngoài. Chúa Giêsu đã trả lời cho thái độ vụ
hình thức ấy như sau: "Các ông gạt bỏ giới răn của Thiên Chúa qua một bên,
mà duy trì truyền thống của người phàm". Chúa Giêsu muốn cho thấy các việc
làm bên ngoài ấy, dù có tính cách tôn giáo đến đâu, cũng không thể thay thế cho
một việc khác quan trọng hơn. Ðiều quan trọng là sự thanh sạch của tâm hồn, chứ
không phải việc rửa tay, rửa vật dụng bên ngoài; đừng lẫn lộn tập tục của truyền
thống phàm nhân với lề luật do chính Thiên Chúa ban bố.
Chúa Giêsu nhắc đến trường hợp những người Do thái nhân danh tập
tục dâng cúng một số của cải vào Ðền thờ, gọi là copan, nghĩa là lễ phẩm đã
dâng cho Chúa, để rồi biện minh cho sự thiếu sót bổn phận đối với cha mẹ. Tập tục
dâng cúng là do con người, thảo kính cha mẹ là lệnh truyền của Thiên Chúa, thế
nhưng trong trường hợp vừa kể, vì tinh thần sống vụ hình thức, những người Biệt
phái đã bỏ luật của Thiên Chúa để tuân giữ tập tục loài người.
Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta trở về với điểm căn
bản: hãy đặt Chúa vào chỗ thứ nhất và tuân giữ giới răn của Ngài. Chúa không chủ
trương phá bỏ hình thức lễ nghi cơ cấu, nhưng chỉ muốn đặt chúng vào đúng vị
trí. Xin cho chúng ta biết trân trọng và thực hiện điều chính yếu mà Chúa đang
chờ đợi chúng ta, thay vì cứ loay hoay với những điều phụ thuộc do loài người đặt
ra.
Veritas Asia
Lời
Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba
Tuần 5 TN1, Năm lẻ
Bài đọc: Gen
1:20 - 2:4; Mk 7:1-13.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên
Chúa tạo dựng mọi sự tốt đẹp.
Thiên Chúa là Đấng Tốt Lành, Ngài tạo dựng mọi sự tốt lành, và
không có sự gì Ngài tạo dựng xấu xa cả; nhưng tại sao có những sự dữ trong thế
giới? Một trong những nguyên nhân chính là sự lạm dụng tự do, điều tốt lành do
Thiên Chúa trao ban cho các thiên thần và con người. Các Bài Đọc hôm nay cho thấy
sự tạo dựng tốt lành của Thiên Chúa, và sự lạm dụng tự do làm cho ra xấu xa của
con người. Trong Bài Đọc I, tác-giả Sách Sáng Thế Ký tường thuật sự tạo dựng
chim trời, cá biển, thú vật, và nhất là con người của Thiên Chúa. Tác giả nhấn
mạnh đến sự kiện Thiên Chúa thấy tất cả mọi sự đều rất tốt lành và Ngài chúc
lành cho tất cả các tạo vật. Trong Phúc Âm, các Biệt-phái và Kinh-sư tố cáo các
môn đệ của Chúa vi phạm Lề Luật của tiền nhân, vì các ông không chịu rửa tay
trước khi ăn. Chúa Giêsu vạch ra các tội lỗi của họ: “Các ông thật khéo coi thường
điều răn của Thiên Chúa để nắm giữ truyền thống của các ông.”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là
rất tốt đẹp.
1.1/ Ngày thứ năm, Thiên Chúa tạo dựng chim trời và cá biển: Khi
theo dõi các chương trình của đài Discovery hàng tuần, chúng ta không khỏi ngạc
nhiên đến độ sửng sốt về các lòai thảo mộc, chim trời, cá biển, và các lòai thú
vật trong trời đất. Chúng quá đẹp, quá nhiều giống lọai khác nhau, và quá hữu
ích cho con người. Một điều làm chúng ta phải sửng sốt là mặc dù chúng trở
thành của ăn cho nhau và cho biết bao con người, nhưng chúng là nguồn lương thực
không bao giờ cạn, vì lời chúc lành của Thiên Chúa trong trình thuật hôm nay:
"Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy biển; và chim phải sinh sản cho
nhiều trên mặt đất."
1.2/ Ngày thứ sáu, Thiên Chúa tạo dựng con người: Việc tạo dựng con
người được coi là tuyệt đỉnh của sự tạo dựng vì những lý do sau:
(1) Khi tạo dựng các lòai khác, Thiên Chúa chỉ cần phán là chúng
có; khi tạo dựng con người, Thiên Chúa lấy ý kiến của những vị cùng ở với Thiên
Chúa trên trời khi Ngài phán: "Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh
chúng ta, giống như chúng ta.” Hai chữ tác-giả dùng khác nhau ở đây: (1) hình ảnh
(selem), là một bản in chính xác của những gì nguyên thủy; và (2), giống
như (demut), chỉ sự tương tự hay gần giống nhau. Con người mang hình ảnh
của Thiên Chúa, và có những đức tính gần giống như Ngài.
(2) Con người có quyền trên các lòai thọ tạo khác: Trình thuật
hôm nay nói rõ mục đích của Thiên Chúa khi tạo dựng con người: “để con người
làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật
bò dưới đất." Trong trình thuật sau này, các thú vật được dẫn tới Adam để
ông đặt tên cho chúng: “Ông gọi chúng là gì, tên của chúng như vậy.” Khi một
người đặt tên cho ai, người đó có quyền trên người được đặt tên.
(3) Thiên Chúa sáng tạo gia đình đầu tiên và chúc lành cho họ:
Khi tạo dựng các sinh vật khác, tuy không thấy tác-giả nói tới giống lọai (đực
hay cái) của chúng, nhưng được giả định phải có cho việc sinh sản. Khi đề cập tới
việc tạo dựng con người, tác giả nhấn mạnh tới phái tính và lời truyền cũng như
lời chúc lành cho gia đình. “Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. Thiên
Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: "Hãy sinh sôi nảy nở
thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất."”
(4) Mọi sự được tạo dựng cho sự xử dụng của con người: Con người
không chỉ có quyền trên muôn vật, mà muôn vật còn được đặt dưới quyền xử dụng của
con người. Thiên Chúa phán: "Đây Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ mang hạt
giống trên khắp mặt đất, và mọi thứ cây có trái mang hạt giống, để làm lương thực
cho các ngươi. Còn đối với mọi dã thú, chim trời và mọi vật bò dưới đất mà có
sinh khí, thì Ta ban cho chúng mọi thứ cỏ xanh tươi để làm lương thực. Liền có
như vậy." Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!
1.3/ Ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi: Ngày
này cũng được Thiên Chúa dựng nên cho con người với mục đích để con người cùng
nghỉ ngơi với Thiên Chúa. Chúng ta cần chú ý đặc biệt đến lý do khi Thiên Chúa
tạo dựng ngày này, vì nó sẽ trở thành đề tài cho những xung đột giữa Chúa Giêsu
và các biệt-phái cùng các kinh-sư. Tác giả viết: “Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã
hoàn thành công việc Người làm. Khi làm xong mọi công việc của Người, ngày thứ
bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi. Thiên Chúa ban phúc lành cho ngày thứ bảy và thánh
hoá ngày đó, vì ngày đó Người đã nghỉ, ngưng làm mọi công việc sáng tạo của Người.”
2/ Phúc Âm: Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của
người phàm.
2.1/ Luật Kosher thanh tẩy của người Do-Thái: Khi nói
tới Luật, người Do-Thái nghĩ ngay đến Thập Giới của Thiên Chúa ban cho họ qua
Moses; nhưng bên cạnh đó, còn nhiều những luật mà họ gọi là “Luật truyền miệng,”
hay “luật bất thành văn.” Những luật này, sau một thời gian được các tiền nhân
giữ, đương nhiên trở thành luật và được ghi chép lại trong ít thế kỷ trước khi
Chúa Giêsu ra đời.
(1) Những gì được họ coi là không thanh sạch: Có rất nhiều điều
được coi là không sạch bởi người Do-Thái: người đàn bà mới sinh con, người
phong cùi, xác chết, người Dân Ngọai, và rất nhiều những rau cỏ cũng như các
thú vật không được ăn vì không sạch. Tất cả những đồ vật mà những lọai người
này đụng vào, đều trở nên không sạch. Vì thế, họ có những khỏan luật mô tả những
gì không sạch, và những điều luật làm sao để giải quyết những gì không sạch.
(2) Vệ sinh và tội lỗi: Đối với họ, thanh sạch không phải chỉ là
chuyện vệ sinh, nhưng là chuyện liên quan đến tội lỗi và Lề Luật. Kẻ nào vi phạm
có thể bị trừng trị theo Luật và ngay cả có thể bị tử hình
2.2/ Phản ứng của Chúa Giêsu: Ngài chắc chắn không đả phá việc
giữ vệ sinh trước khi ăn; nhưng Ngài muốn vạch ra cho họ thấy những phi lý quá
trớn về sự quan sát luật thanh sạch của họ:
(1) Giữ đạo thành thật bên trong hay giữ luật cách giả hình bên
ngòai? Tôn giáo hệ tại việc giúp con người sống mối liên hệ chân tình với Thiên
Chúa, chứ không phải ở việc giữ một số lễ-nghi cách hời hợt bên ngòai. Chúa
Giêsu dùng lời của Tiên-tri Isaiah tố cáo họ: "Ngôn sứ Isaiah thật đã nói
tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng: Dân này
tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta.”
(2) Luật của Thiên Chúa phải được coi quan trọng hơn luật của
con người: Chúa tiếp tục chỉ trích họ: “Các ông thật khéo coi thường điều răn của
Thiên Chúa để nắm giữ truyền thống của các ông… Các ông lấy truyền thống các
ông đã truyền lại cho nhau mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Thiên Chúa tạo dựng mọi sự tốt đẹp và trao cho con người quyền
điều khiển. Chúng ta có bổn phận bảo vệ mọi sự tốt đẹp theo như ý định của
Thiên Chúa.
- Thiên Chúa không tạo dựng điều xấu xa. Những điều này xảy ra
là do quỉ thần và lạm dụng tự do của con người.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
10/02/15 THỨ BA TUẦN 5 TN
Th. Cô-lát-ti-ca, trinh nữ
Mc 7,1-13
Th. Cô-lát-ti-ca, trinh nữ
Mc 7,1-13
Suy niệm: Gần
ngày Tết, các phương tiện truyền thông lại ra rả nhắc nhở dân chúng coi chừng
hàng giả. Ngày nay mọi sự đều có thể là đồ dỏm, từ thứ đáng giá tiền tỷ như
thiên thạch đến bó rau, củ cà rốt cũng có thể là hàng Trung Quốc giả hàng Việt.
Thế nhưng, tinh vi nhất và đáng trách nhất vẫn là những thứ giả liên hệ đến bản
thân con người như thói giả nhân giả nghĩa hay thứ tình yêu giả hiệu khiến bao
người bị lừa đau đớn. Thậm chí với Chúa, cũng có người dâng cho Ngài những thứ
giả mà cứ làm như là thật. Đức Giê-su đã trách những người Pha-ri-sêu và các
kinh sư thờ phượng Chúa trên đầu môi chót lưỡi, nhưng trái tim lại xa cách
Ngài, chăm chăm tuân giữ các truyền thống xưa, còn điều răn yêu thương cốt lõi
Chúa dạy thì lại bỏ quên không giữ.
Mời Bạn: Đức
giáo hoàng Grê-gô-ri-ô Cả nhắc nhở: “Bạn nên cẩn thận tối đa kể cả
khi làm điều thiện. Bởi vì có thể trong khi thực thi điều thiện, bạn đang tìm
kiếm lợi lộc hay ân huệ từ người khác: hoặc bạn ước muốn được người khác ca
ngợi, và muốn có những hiệu quả bên ngoài, chứ không phải phần thưởng bên
trong” (Bài
giảng TM 12). Bạn thấy cần cẩn thận như vậy không?
Sống Lời Chúa: Tôi
chu toàn các qui định về tham gia phụng vụ, đồng thời cũng cố gắng sống tình
mến với Chúa và với người lân cận.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa trách chúng con khi chúng con chỉ thờ phượng
Chúa trên môi miệng, còn trái tim lại xa Chúa. Xin cho chúng con gặp gỡ Chúa
thật sự trong các nghi lễ nhờ tâm tình yêu mến, và đồng thời cũng gặp gỡ Chúa
nơi anh chị em chung quanh bằng đời sống bác ái. Amen.
Lòng chúng thì xa Ta
Làm thế nào chúng ta giữ luật Chúa và Giáo Hội với
sự mềm mại, tự do, vui tươi? Ước gì từng hành vi giữ luật của ta được chi phối
bởi trái tim đầy yêu mến.
Suy niệm:
Trong Bài Tin Mừng hôm nay có năm từ truyền thống (cc.
3, 5, 8, 9, 13).
Đó là truyền thống của tiền nhân, truyền thống của người phàm,
truyền thống mà các ông Pharisêu nắm giữ và muốn người khác phải
theo.
Song song với truyền thống này là điều răn của Thiên
Chúa (cc. 8, 9)
Đức Giêsu tố cáo người Pharisêu đã gạt bỏ, đã coi thường điều
răn này
chỉ vì muốn khư khư giữ lấy truyền thống của họ (cc 8, 9, 13).
Đây là một điều đáng tiếc,
vì mục tiêu của người Pharisêu không phải là hủy bỏ lời
của Thiên Chúa (c. 13).
Trái lại, họ muốn dân Do Thái sống nghiêm túc hơn ơn gọi của
mình,
sống như một dân tộc thánh thiện giữa một xã hội vàng thau thời
Đức Giêsu.
Chính vì thế họ chẳng những muốn tuân giữ điều được viết trong
Luật Môsê
mà còn muốn sống theo những truyền thống
dựa trên luật truyền khẩu được ban cho Môsê nữa.
Họ đòi cả dân chúng cũng phải sống theo các luật về thanh sạch của
các tư tế.
Bởi vậy, họ than phiền chuyện vài môn đệ của Đức Giêsu
đã không rửa tay trước khi ăn.
Thật ra chẳng phải người Do Thái nào cũng giữ luật rửa tay trước
khi ăn.
Các sách Cựu Ước cũng không hề đòi hỏi chuyện này (x. Lêvi
11-15).
Đáng tiếc là khi tập trung vào chuyện sạch sẽ bên ngoài,
người Pharisêu có nguy cơ bỏ rơi hay lơ là chuyện trong sạch nơi
trái tim.
Đây mới là điều quan trọng mà Đức Giêsu muốn nhấn mạnh.
Theo truyền thống hội đường Do Thái, có cả thảy 613 điều răn,
365 điều cấm làm và 248 điều phải làm.
Cả một rừng điều răn này chi phối toàn bộ đời sống của người Do
Thái giáo.
Người Pharisêu cho rằng sự thánh thiện nằm ở chỗ chu toàn hết mọi
luật này.
Còn Đức Giêsu coi sự thánh thiện nằm ở sâu nơi trái tim thuộc trọn
về Chúa.
Ngài trích lời của ngôn sứ Isaia (29, 13):
“Dân này tôn kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì xa Ta.”
Làm thế nào để trái tim của chúng ta gần với Chúa?
Làm thế nào chúng ta khỏi trở thành những kẻ đạo đức giả?
Làm thế nào chúng ta giữ luật Chúa và Giáo Hội với sự mềm mại, tự
do, vui tươi?
Ước gì từng hành vi giữ luật của ta được chi phối bởi trái tim đầy
yêu mến.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
xin cho con quả tim của Chúa.
Xin cho con đừng khép lại trên chính mình,
nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa
vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường
để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.
Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen,
mọi trả thù ti tiện.
Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng,
không một biến cố nào làm xáo trộn,
không một đam mê nào khuấy động hồn con.
Xin cho con đừng quá vui khi thành công,
cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích.
Xin cho
quả tim con đủ lớn
để yêu
người con không ưa.
Xin cho
vòng tay con luôn rộng mở
để có thể ôm cả những người thù ghét con.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng
Tâm Hồn Lên
10 THÁNG HAI
Nghệ Thuật Thánh: Thấm Đẫm
Cái Đẹp Và Sự Thật
Cuộc nhập thể của Con Thiên Chúa đã đem lại khả năng diễn dịch mầu
nhiệm của Thiên Chúa xuyên qua những dấu hiệu khả giác – để bộc lộ sự hiện diện
của Thiên Chúa cho con người. Với biến cố nhập thể, Ngôi Lời đã đến và trở
thành một phần của lịch sử: vị Người-Chúa này đã được nhìn thấy, được nhận biết,
được mến yêu. Nghệ thuật Kitô giáo trình bày nhân tính hữu hình của Đức Kitô và
các hoạt động thần linh của Người – và với ngôn ngữ sáng tỏ của mình, nó mở ra
cho người ta cảm thụ một khía cạnh nào đó trong bản tính khôn tả của Thiên
Chúa.
Vẻ đẹp kết hợp với sự thật phản chiếu nơi mọi hữu thể, vén mở bí
mật thâm sâu của nó cho con cái loài người. Vì thế, nghệ thuật đích thực là nghệ
thuật được bao phủ bằng những dấu chỉ của vẻ đẹp và chân lý. Bấy giờ, nó sẽ trở
thành phổ quát, chân chính và có thể hiểu được đối với mọi người. Người ta đón
nhận nó với niềm vui, và họ sẽ rút ra từ nó sức khích lệ để thực hiện những điều
cao quí.
Giáo Hội đề cao nghệ thuật đích thực, bởi vì Giáo Hội nhìn thấy
trong đó một sự diễn tả căn bản của văn hóa và của nhân tính. Giáo Hội cũng xác
tín rằng đức tin có thể và vốn thường tác động trong các tác phẩm nghệ thuật một
vai trò thúc đẩy – tác động thúc đẩy này đụng chạm đến trái tim và tâm linh của
người ta. Công Đồng Vatican II đã nhận định: “Trong những hoạt động cao quí nhất
của tài năng con người, rất đáng kể đến mỹ thuật, nhất là nghệ thuật tôn giáo
mà tột đỉnh của nghệ thuật này chính là nghệ thuật thánh. Tự bản tính, nghệ thuật
thánh nhằm diễn tả một cách nào đó vẻ đẹp vô biên của Thiên Chúa qua những tác
phẩm nhân loại; nghệ thuật này càng làm cho Thiên Chúa được ca tụng và tôn vinh
hơn, một khi những tác phẩm đó không nhắm chủ đích nào khác ngoài sự góp phần
tích cực vào việc đạo đức là hướng tâm trí người ta về cùng Chúa.” (PV 122)
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa
Trong Gia Đình
NGÀY 10- 02
Thánh Scholastica, Trinh nữ
St 1,20-2,4a; Mc 7,1-13.
LỜI SUY NIỆM: “Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà
duy trì truyền thống của người phàm. Người còn nói: các ông thật khéo coi thường
điều răn của Thiên Chúa để nắm giữ truyền thống của các ông”
Từ Mười Điều Luật của Thiên Chúa ban cho dân Do-thái. Giúp cho
dân Ngài sống đúng phẩm giá của mình trong việc thờ phượng Ngài và sống yêu
thương, nâng đỡ và phục vụ lẫn nhau trong cuộc sống để ngày sau gặp được nhau
và gặp được Ngài trong Nước Trời. Nhưng những người lãnh đạo trong dân đã đưa
dân của Ngài tuân giữ một cách sai lạc. Không đặt trọng tâm giới luật vào yêu
thương và nâng đỡ nhau, mà lại vụ hình thức bên ngoài, gọi là truyền thống của
cha ông; để rồi kiểm soát, lên án anh em mình. Qua lời Chúa Giêsu, hôm nay, mọi
thành phần trong dân Chúa cũng phải biết đặt giới luật: Kính Chúa yêu người trước
mọi hành xử của mình, để khỏi bị Chúa chê trách.
Lạy Chúa Giêsu. Xin Cho mọi thành viên trong gia đình chúng con
luôn sống trong tình yêu thương nhau vì “Ai sống yêu thương thì sống trong
Thiên Chúa; ai sống trong Thiên Chúa thì sẽ được gặp gỡ anh chị em mình”.
Mạnh Phương
Gương
Thánh Nhân
Ngày 10-02
Thánh SCÔLASTICA
Đồng trinh (480-543)
Thánh Scholastica là em gái thánh Benêdictô, tổ phụ của những đời
sống khổ tu bên Tây phương. Ngài còn được nối kết với thánh nhân như người em
sinh đôi, nhưng không chắc chắn lắm. Chúng ta biết được chút ít về đời sống của
thánh nữ là do cuốn Dialogue, tập hai, của thánh Grêgôriô cả, cuốn sách ghi lại
đời sống thánh Bênêdictô và các phép lạ của Ngài. Như anh của Ngài, thánh nữ
Scholastica đã sinh ra tại quận Sabina miền Nursia và cha mẹ Ngài được giả thuyết
cho là những người dòng dõi quí phái tai miền quê.
Vào một lúc nào đó, có lẽ khi còn rất trẻ, Scholastica đã tu kín
và trong những năm cuối cùng đời Ngài, chúng ta thấy Ngài sống gần Montê
Cassinô, để có thể gặp được anh mình mỗi năm một lần.
Khi thánh Bênêdictô thiết lập tu viện tại Montê Cassiô,
Scholastica cùng với các trinh nữ quây quần bên Ngài đã đến ở bên núi, lập
thành tu viện Palumbariola, Ngài đặt mình dưới sự hứơng dẫn của anh, vì Ngài biết
rằng: không có ai có thể hướng dẫn các linh hồn về trời cách chắc chắn hơn.
Nhưng Ngài không hề làm rộn anh mình và chỉ gặp anh mỗi năm một
lần vào trước mùa chay, trong một trang trại của tu viện ở miền núi. Một nguyện
đường đã được dựng nên tại đây để ghi nhớ những giây phút khôn tả, mà thánh
Bênêdictô thông cho em mình ánh sáng thần linh Ngài thụ lãnh được và dạy dỗ em
mình đường trọn lành của tu sĩ trong thống hối và yêu thương.
Nhưng lần ấy họ đã trải qua một ngày để khen ngợi Chúa và cầu
xin hạnh phúc trên trời, bên ngoài khí trời tươi mát vì đã vào xuân, bầu trời
trong sáng lạ thường, thánh Scholastica say sưa cảm nếm hương vị của câu chuyện
đàm thọai trong khi màn đêm buông dần xuống... lúc đó thánh Scholastica nới với
thánh Bênêdictô: - Anh ơi trời khuya rồi, làm sao anh về được. Thôi mình tiếp tục
nói chuyện tới sáng về niềm vui cuộc sống trên trời đi.
Thánh Bênêdictô trả lời: - Em nói chi, anh không thể nhận lời em
được. Anh không thể qua đêm ở ngoài nhà dòng được đâu.
Thánh Scholastica dấu mặt vào đôi lòng bàn tay và nức nở khóc.
Ngài nói với Chúa ước muốn êm ái của lòng mình. Và Thiên Chúa là đấng đã chúc
phúc cho cả một cuộc sống hiến dâng, lại sắp gọi thánh nữ về với mình, nên như
người cha chiều con vậy, đã muốn ban cho Ngài niềm an ủi dịu dàng cuối cùng. Một
trận cuồng phong nổi lên. Mưa đổ xuống như thác lũ với sấm sét dữ dằn. Chẳng ai
còn có thể nghĩ tới việc ra đi nữa.
Thánh Bênêdictô bối rối, Ngài nói: - Này em, em làm gì vậy ?
Thánh Scholastica êm ái trả lời: - Em đã xin anh, nhưng anh chẳng
muốn nghe em. Em đã cầu xin Chúa và Ngài đã nhận lời. Bây giờ nếu có thể được,
anh hãy về nhà dòng đi.
Lúc ấy thánh Bênêdictô cảm tạ lòng thương xót Chúa, Ngài tiếp tục
nói chuyện về hạnh phúc đang chờ đón những người Chúa chọn. Lời Ngài dâng cao
như những chùm ánh sáng.
Đến sáng cơn giông ngừng. Anh em mỗi người một ngả và không còn
gặp nhau trên trần gian này lần nào nữa.
Ba ngày sau, khi thánh Bênêdictô đang đứng bên cửa sổ đã thấy
linh hồn em mình bay lên như ánh chim câu, phủ đầy ánh sáng thiên đàng. Say mê
với thị kiến này, Ngài cất cao giọng hát bài thánh Ca. Đó chính là lúc thánh
Scholastica êm ái tắt hơi trong tu viện mình. Thánh Bênêdictô sai các tu sĩ đi
tìm xác em để chôn trong ngôi mộ dọn sẵn cho mình.
Một tháng sau nhà ẩn tu vĩ đại cũng từ giã cõi thế để hợp với
thánh Scholastica trong hạnh phúc của các thánh nhân mà họ đã tha thiết khơi dậy.
(daminhvn.net)
10 Tháng Hai
Liều
Thuốc Dành Cho Kẻ Chán Ðời
Một người đàn ông chán đời nọ đang đứng nhìn dòng nước từ một
chiếc cầu cao. Ông đốt một điếu thuốc cuối cùng trước khi kết liễu cuộc đời.
Ông không còn lối thoát nào khác hơn nữa. Ông đã làm đủ mọi cách
để lấp đầy nỗi chán chường trong tâm hồn. Ông đã đi đây đi đó, ông đã tìm lạc
thú trong các cuộc vui trác táng, ông đã chạy đến với mọi thứ hơi men và khói
thuốc. Nhưng chán chường vẫn cứ chán chường. Ông thử thời vận lần cuối cùng bằng
một cuộc hôn nhân, nhưng không có một người đàn bà nào có thể ở bên cạnh ông được
vài tháng, bởi vì ông đòi hỏi quá nhiều, nhưng lại không biết nghĩ đến người
khác. Ông nhận ra rằng ông đã chán chường mà cũng không ai được hạnh phúc bên cạnh
ông. Chỉ có dòng sông may ra mới mang lại cho ông sự thanh thản.
Người đàn ông chưa hút xong điếu thuốc thì cũng có một người
hành khất cũng đi qua chiếc cầu. Con người rách rưới đó dừng lại nhìn người đàn
ông và chìa tay xin giúp đỡ. Người đàn ông chán chường không ngần ngại rút cả
ví tiền và trao cho người hành khất. Ông giải thích rằng bên kia thế giới ông
không cần tiền bạc nữa. Người hành khất cầm lấy chiếc ví một lúc rồi trao lại
cho khổ chủ. Ông ta nhìn thẳng vào đôi mắt của kẻ chán đời và nói: "Thưa
ông, tôi không cần một số tiền lớn như thế. Tuy là một người hành khất, nhưng
tôi không là một kẻ hèn nhát. Ông hãy giữ lại tiền của ông và đem qua bên kia
thế giới của ông". Nói xong, người hành khất ném cả ví tiền xuống dòng
sông rồi lặng lẽ bước đi, bỏ mặc kẻ chán đời tiếp tục gặm nhấm nỗi đắng cay
chua xót của ông.
Ðã hút xong điếu thuốc, nhưng kẻ chán đời vẫn muốn chưa kết liễu
cuộc đời. Ông nhìn theo người hành khất đang khuất xa dần. Tự nhiên, ông không
muốn chết nữa, mà chỉ muốn nhặt lại chiếc ví để trao tặng cho người hành khất.
Chưa một lần trong đời, ông biết mở ví trao tặng cho bất cứ người nào. Giờ phút
này. ông muốn mở rộng tâm hồn, mở rộng đôi tay để trao tặng và muốn tiếp tục sống.
Nghĩ như thế, kẻ chán đời đứng thẳng lên, rời bỏ cây cầu và tiếp tục đuổi theo
cho kỳ được người hành khất.
Không gì buồn chán cho bằng sống không có định hướng, không có lẽ
sống. Sống mà không biết tại sao mình sống, mình sẽ đi về đâu là điều làm cho
con người chán chường và đau khổ nhất.
Ai cũng khao khát hạnh phúc, ai cũng đi tìm hạnh phúc nhưng lắm
khi người ta chỉ chạy theo ảo ảnh của hạnh phúc. Ai cũng biết rằng tiền tài,
danh vọng và lạc thú trong cuộc sống tự nó không phải là hạnh phúc và lắm khi
chúng cũng không mang lại hạnh phúc cho con người.
Hạnh phúc không phải là một nơi để đi đến, hạnh phúc là một hướng
đi. Có đi theo hướng đó, con người mới cảm thấy được hạnh phúc. Vậy hướng đi của
chúng ta là gì?
Chúa Giêsu, Ðấng là Ðường, là Sự Thật và là Sự Sống, đã vạch ra
cho chúng ta hướng đi ấy. Và hướng đi Ngài đã vạch ra chính là Sống cho tha
nhân. Ai càng tích trữ và chiếm giữ cho mình, người đó càng nghèo nàn và khốn
khổ. Ai càng đóng kín quả tim và khép chặt bàn tay, người đó sẽ không được nhận
lãnh. Hạnh phúc đích thực chính là trao ban, bởi vì như Thánh Phaolô đã ghi lại
lời của Chúa Giêsu: "Cho thì có hạnh phúc hơn nhận lãnh".
Cho là liều thuốc chữa trị được căn bệnh trầm trọng nhất trong
tâm hồn chúng ta: đó là sự chán sống. Cho cũng là liều thuốc xoa dịu được mọi
khổ đau trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta đang đau khổ vì bị phản bội, vì thất
chí, vì bệnh tật hay vì bất cứ một nguyên do nào: chúng ta hãy thử mở rộng tâm
hồn để trao ban, để san sẻ. Chúng ta sẽ cảm thấy được xoa dịu trong tâm hồn.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét