12/02/2015
Thứ Năm
sau Chúa Nhật 5 Quanh Năm
Bài Ðọc I: (Năm I) St 2, 18-25
"Người dẫn bà đến trước Ađam. Và cả hai nên một thân thể".
Bài trích sách Sáng Thế.
Thiên Chúa phán: "Ðàn ông ở một mình không tốt, Ta hãy tạo
dựng cho nó một nội trợ giống như nó".
Sau khi lấy bùn đất dựng nên mọi thú vật dưới đất và toàn thể
chim trời, Thiên Chúa dẫn đến trước mặt Ađam để coi ông gọi chúng thế nào, và
sinh vật nào Ađam gọi, thì chính đó là tên nó.
Ađam liền đặt tên cho mọi súc vật, chim trời và muông thú.
Nhưng Ađam không gặp một người nội trợ giống như mình.
Vậy Thiên Chúa khiến cho Ađam ngủ say, và khi ông đang ngủ, Người
lấy một xương sườn của ông, và đắp thịt lại.
Thiên Chúa làm cho chiếc xương sườn đã lấy từ Ađam trở thành người
đàn bà, rồi dẫn đến Ađam.
Ađam liền nói: "Bây giờ đây xương bởi xương tôi và thịt bởi
thịt tôi. Người này sẽ được gọi là người nữ, vì bởi người nam mà ra".
Vì thế, người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ mình,
và cả hai nên một thân thể.
Lúc ấy cả hai người, tức Ađam và vợ ông, đều khỏa thân mà không
hề xấu hổ.
Ðó là Lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv. 127, 1, 2-3, 4-5
Ðáp: Phúc cho ai biết kính sợ Chúa. (1)
Xướng 1) Phúc cho ai biết kính sợ Chúa, và bước đi trong đường lối
Người. Ngươi sẽ hưởng công khó của tay ngươi, ngươi có phúc và sẽ được may mắn.
- Ðáp.
2) Vợ ngươi như cây nho sai trái, trong nội cung gia thất nhà
ngươi. Con cái ngươi như chồi non cây dầu ở chung quanh bàn ăn của ngươi. -
Ðáp.
3) Ðó là ơn phúc lành, cho người kính sợ Chúa. Từ Sion xin Chúa
chúc lành cho ngươi. Chúc ngươi thấy Giêrusalem thịnh đạt suốt mọi ngày trong đời
sống của ngươi. - Ðáp.
Alleluia: 1 Sam 3,9
Alleluia, alleluia - Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang
lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 7, 24-30
"Những con chó ở dưới gầm bàn cũng ăn những mụn bánh rơi của
con cái"
Bài trích Phúc Âm theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt Tyrô và Siđon. Vào một nhà kia,
Người không muốn ai biết mình, nhưng người không thể ẩn náu được. Vì ngay lúc
đó, một bà kia có đứa con gái bị thần ô uế ám, bà nghe nói về Người liền đến phục
lạy Người.
Bà đó là người dân ngoại, dòng giống Syrôphênixi và bà xin Người
trừ quỷ ra khỏi con bà.
Người nói: "Hãy để con cái ăn no trước đã, vì không nên lấy
bánh của con cái mà ném cho chó".
Nhưng bà trả lời và thưa Người rằng: "Thưa Thầy, đúng thế,
nhưng các chó con cũng được ăn những mụn rơi dưới bàn ăn của con cái".
Người liền nói với bà: "Vì lời bà nói đó, bà hãy về; quỷ đã
ra khỏi con gái bà rồi".
Khi bà về đến nhà, thì thấy cô gái nhỏ nằm trên giường và quỷ đã
xuất rồi.
Ðó là Lời Chúa.
Suy Niệm: Ơn cứu độ đại đồng
Trong nhật ký của mình, Mahatma Gandhi cho biết khi còn theo học
ở Nam Phi, ông rất say mê đọc Kinh Thánh, nhất là Bài Giảng Trên Núi, đến nỗi
ông xác tín rằng Kitô giáo chính là câu trả lời cho nạn kỳ thị giai cấp đã từng
hành hạ dân Ấn suốt bao thế kỷ, thậm chí ông còn muốn trở thành Kitô hữu nữa.
Thế nhưng, một ngày nọ, khi đến nhà thờ dự lễ, ông bị người giữ cửa chặn lại và
bảo ông phải đi lễ ở nhà thờ dành cho người da đen, kể từ đó, ông không bao giờ
quay trở lại nhà thờ nữa.
Chúa Giêsu không bao giờ tỏ ra kỳ thị con người như thế. Tin Mừng
hôm nay là một bằng chứng. Cũng như các tác giả Tin Mừng khác, thánh sử Marcô
cho thấy phần lớn hoạt động và thời giờ của Chúa Giêsu được dành cho người Do
thái; chỉ sau khi sống lại, Ngài mới chính thức sai các Tông đồ truyền giảng
Tin Mừng cho mọi người, bất luận là Do thái hay không Do thái. Thật ra ngay những
năm rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã hé mở cho thấy chiều kích phổ quát của
giáo lý và của ơn cứu độ mà Ngài mang lại. Ngoài những giáo huấn về tình huynh
đệ đại đồng và thái độ không bài ngoại của Chúa Giêsu, Tin Mừng còn thuật lại
các chuyến đi của Ngài tới vùng đất ngoại giáo, tại đây, Ngài cũng đã làm nhiều
phép lạ, như trừ quỷ cho một thanh niên ở Gêrasa, cho một người câm ở miền Thập
tỉnh nói được, và lần này trừ quỷ cho con gái của một phụ nữ Hy lạp gốc
Phênixi.
Dựa vào những yếu tố trên, câu nói của Chúa Giêsu: "Không
được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con" không thể giải thích đó
là dấu biểu thi sự khinh miệt của Ngài đối với người khác đạo và khác tổ quốc;
đúng hơn, Chúa muốn mọi người đừng quên ưu thế của người Do thái trong việc thừa
hưởng ơn cứu độ, bởi vì Thiên Chúa đã chọn cha ông họ và muốn tỏ lòng trung
thành với cha ông họ. Người Do thái được ưu tiên, chứ không phải là những người
duy nhất được hưởng ơn cứu độ; vì thế, dù quan tâm săn sóc người Do thái nhiều
đến đâu, Chúa Giêsu cũng không để trở thành vật sở hữu độc quyền của họ, Ngài vẫn
có tự do bày tỏ tình thương đối với người khác.
Chúng ta chấp nhận sự tự do của Thiên Chúa trong việc ban phát
ơn huệ và tình thương của Ngài. Dù ý thức mình chẳng là gì, chúng ta hãy tin rằng
mình luôn là đối tượng yêu thương của Thiên Chúa. Với một Ðấng vô biên như
Thiên Chúa, thì bất cứ hành vi nào của Ngài cũng có chiều kích vô hạn và quà tặng
của Ngài cũng tràn trề sung mãn. Xin cho chúng ta cảm nhận được rằng Chúa đang
yêu thương chúng ta và như thế là đủ cho chúng ta.
Veritas Asia
Lời
Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm
Tuần 5 TN1, Năm lẻ
Bài đọc: Gen
2:18-25; Mk 7:24-30.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phẩm
giá người phụ nữ
Người tị nạn Việt_Nam bị giằng co giữa 2 kiểu mẫu: nên theo kiểu
Âu Tây, mà 5 thứ tự liên hệ được sắp xếp ưu tiên như sau: “đàn bà trước tiên,
con nít, chó, cỏ, đàn ông;” hay theo kiểu Việt-Nam: “chồng chúa vợ tôi?” Điều
quan trọng không phải việc phải đòi cho được sự ngang hàng, nhưng làm sao cho
cuộc đời cả hai và gia đình được hạnh phúc. Cả hai kiểu mẫu trên đều dẫn tới những
xáo trộn trong cuộc sống gia đình: Theo kiểu Âu Tây, đàn ông được xếp hạng sau
cả con nít, chó, và cỏ, hỏi còn tư cách gì để hướng dẫn gia đình; và điều này
hòan tòan trái ngược với ý định ban đầu của Thiên Chúa. Theo kiểu Việt-Nam, người
vợ chỉ được coi như người tớ nữ của chồng, và hậu quả là người vợ bị quên lãng
và đối xử rất tàn tệ; điều này cũng đi ngược lại với ý định ban đầu của Thiên
Chúa. Thánh Phaolô trong Thư gởi các tín hữu Êphêsô đã đưa ra một kiểu mẫu
Thánh Kinh: “Người vợ hãy vâng lời chồng như Giáo-Hội vâng lời Đức Kitô; và người
chồng hãy yêu thương vợ như chính bản thân mình, và như Đức Kitô đã yêu thương
và hy sinh mạng sống mình cho Giáo-Hội.”
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong vai trò người phụ nữ. Trong
Bài Đọc I, tác-giả Sách Sáng Thế Ký trình bày việc tạo dựng người nữ và ý định
của Thiên Chúa từ ban đầu là cho Bà trở nên người trợ giúp của người nam. Trong
Phúc Âm, người phụ nữ xứ Phoenician kiên nhẫn vượt qua bức tường Dân Ngọai và tự
ái, để xin Chúa Giêsu chữa lành con gái mình.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa tạo dựng người nữ.
1.1/ Ý định ban đầu của Thiên Chúa: Đức Chúa là Thiên Chúa
phán: "Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá
tương xứng với nó. Đức Chúa là Thiên Chúa lấy đất nặn ra mọi dã thú, mọi chim
trời, và dẫn đến với con người, xem con người gọi chúng là gì: hễ con người gọi
mỗi sinh vật là gì, thì tên nó sẽ là thế. Con người đặt tên cho mọi súc vật, mọi
chim trời và mọi dã thú, nhưng con người không tìm được cho mình một trợ tá
tương xứng.” Theo trình thuật này: (1) Chúa không muốn cho người nam ở một
mình; (2) không có tạo vật nào dưới quyền con người có thể trở nên “trợ tá
tương xứng cho người nam.” Điều này nói lên phẩm giá của người nữ: Bà, tuy là
trợ tá, nhưng tương xứng với người nam; và không dưới quyền của người nam như
những thú vật.
1.2/ Thiên Chúa tạo dựng người nữ từ người nam: “Đức
Chúa là Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người, và con người
thiếp đi. Rồi Chúa rút một cái xương sườn của con người ra, và lắp thịt thế
vào. Đức Chúa là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm
thành một người đàn bà và dẫn đến với con người. Con người nói: "Phen này,
đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì
đã được rút từ đàn ông ra."
Khác với các ngôn ngữ khác, trong tiếng Do-Thái, đàn ông (ish)
và đàn bà (ishah), chỉ sự liên hệ đơn nhất về bản tính giữa hai giống. Đó là lý
do tại sao người nam thốt lên “đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!”
Hôn nhân nam nữ nằm trong kế họach ban đầu của Thiên Chúa: “Bởi
thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương
một thịt.” Hôn nhân ban đầu cũng đòi hỏi một chồng một vợ, vì cả hai trở nên một
xương một thịt.
Trước khi sa ngã, con người không có mặc cảm tội lỗi: “Con người
và vợ mình, cả hai đều trần truồng mà không xấu hổ trước mặt nhau.” Đây không
phải là sự bất bình thường về tình dục, nhưng vì cả hai hòan tòan tin tưởng
nhau và không có gì phải dấu diếm, che đậy.
2/ Phúc Âm: Người phụ nữ Phoenician vượt qua xấu hổ để cầu xin cho con gái.
Trong 3 năm rao giảng của Chúa Giêsu, Ngài rất ít khi đi ra
ngòai lãnh thổ của Do-Thái. Lý do không phải vì Ngài không muốn Tin Mừng của
Ngài được lan rộng đến Dân Ngọai; nhưng vì Ngài đã có kế họach rõ ràng. Bổn phận
của Ngài là loan báo Tin Mừng cho các chiên lạc của Nhà Israel. Các Tông-đồ, nhất
là Phaolô và Barbara, sẽ loan truyền Tin Mừng đến cho Dân Ngọai. Đó là lý do tại
sao trình thuật kể: “Đức Giêsu đứng dậy, rời nơi đó, đến địa hạt Tyre. Người
vào một nhà nọ mà không muốn cho ai biết, nhưng không thể giấu được. Thật vậy,
một người đàn bà có đứa con gái nhỏ bị quỷ ám, vừa nghe nói đến Người, liền vào
sấp mình dưới chân Người.” Tuy không có ý định loan báo Tin Mừng và chữa bệnh
cho Dân Ngọai, nhưng đứng trước cách biểu lộ niềm tin và sự kiên trì của Bà,
Chúa Giêsu đã chữa lành cho con gái của Bà.
2.1/ Bà vượt qua bức tường ngăn cách Dân Ngọai: Thánh
Marcô nói rõ về lai lịch của người phụ nữ: “Bà là người Hy-Lạp, gốc Phoenician
thuộc xứ Syria. Bà xin Người trừ quỷ cho con gái bà.” Bà biết rõ Chúa Giêsu là
người Do-Thái, và theo truyền thống, Bà không có lý do gì để cầu xin Chúa
Giêsu, vì người Do-Thái không muốn làm một điều gì với Dân Ngọai. Nhưng vì lòng
thương con, Bà đã đạp đổ bức tường kỳ thị giữa hai dân tộc, để đến và cầu xin với
Chúa.
2.2/ Bà vượt qua bức tường tự ái: Vượt qua được bức tường
kỳ thị chủng tộc, Bà phải đương đầu với một bức tường khác khó khăn để vượt qua
hơn: tính tự ái. Chúa Giêsu nói với Bà:
"Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh
dành cho con cái mà ném cho chó con." Chúa Giêsu so sánh con của Bà với
chó con, và như thế, Bà cũng bị so sánh như lòai chó. Khi một người bị so sánh
như thế, thử hỏi bao nhiêu người có can đảm ở lại để tiếp tục nài xin như Bà:
"Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh
vụn của đám trẻ con." Đứng trước một người Dân Ngọai, thấy cách biểu lộ niềm
tin và tình thương của Bà cho con như thế, Chúa Giêsu nói với bà: "Vì bà
nói thế, nên bà cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi." Về đến nhà, bà
thấy đứa trẻ nằm trên giường và quỷ đã xuất.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Hai Bài Đọc hôm nay đòi hỏi chúng ta phải suy xét lại mối liên
hệ giữa nam nữ, và liên hệ vợ chồng; và biết cách đối xử sao cho phù hợp với ý
định của Thiên Chúa ban đầu.
- Chúng ta đừng dễ dàng chạy theo những trào lưu hiện hành của
xã hội: “trọng nữ khinh nam” của Âu Tây, “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” của
Trung-Hoa, hay “chồng chúa vợ tôi” của Việt-Nam; vì cả hai giới đều bình đẳng
trước mặt Thiên Chúa. Tất cả các trào lưu này đều dẫn tới tình trạng mất quân
bình trong đời sống gia đình.
- Cả hai giới đều cần nhau và có những quà tặng bổ xung cho
nhau. Thánh Phaolô khuyên vợ phải vâng lời chồng, không phải như người nô lệ phải
vâng lời chủ, nhưng ai cũng biết một gia đình không thể có 2 người lãnh đạo. Đồng
thời, Ngài cũng khuyên chồng phải yêu thương vợ như yêu chính thân mình. Điều
này lọai trừ tất cả những ích kỷ, hành hung, và bất trung với vợ mình. Chỉ có
thế, gia đình chúng ta mới có thể tiến mạnh, hòa hợp yêu thương, và sống theo
đường lối Thiên Chúa đã vạch định từ ban đầu.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Suy niệm: Khi
Chúa Giê-su ra đi rao giảng, lắm khi Chúa đã từ chối làm phép lạ cho người Do
Thái “vì họ cứng lòng tin” (x. Mt 13,58). Trong khi đó, một người đàn bà
ngoại giáo đến xin Chúa chữa cho đứa con bị quỉ ám, Chúa lại thốt lên những lời
thật phũ phàng: “Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con.” Người đàn bà này bất chấp những lời đầy thử
thách đó nhưng đã bày tỏ đức tin mạnh mẽ, nhờ đó bà không chỉ nhặt nhạnh được “những miếng bánh vụn” mà còn hưởng được trọn vẹn ân huệ do lòng tin.
William Barclay nhận xét: “Người đàn bà này tượng trưng cho thế giới ngoại giáo đang sốt sắng
nhặt lấy những mẩu bánh vụn của thiên đàng mà dân Do Thái từ chối và vứt bỏ đi.”
Mời Bạn: Đứng
trước những hoàn cảnh khó khăn, có khi thấy mình hoàn toàn bất lực, ta dễ bị cám dỗ thả tay vì
nghĩ mình không xứng đáng được ơn Chúa hay Thiên Chúa bỏ rơi mình. Nhưng nếu
chúng ta tiếp tục đặt hết tin tưởng vào Thiên Chúa là Đấng quyền năng và luôn
trung tín, để rồi vẫn kiên trì cầu xin như người đàn bà trên đây, chắc chắn
nhận được cả tấm bánh đầy đặn của lòng thương xót Chúa.
Sống Lời Chúa: Trung
thành với giờ cầu nguyện hằng ngày của mình và của gia đình.
Cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin ban cho con đức tin vui tươi, hạnh phúc… vì biết
mình được yêu thương ngay giữa những sa mù của cuộc sống. Xin cho con đức tin
cứng cáp,… để dù bao thăng trầm dâu bể, con cũng không tàn lụi niềm tin vào
Thiên Chúa và vào con người.” (Thắp
Sáng Niềm Tin)
Hãy Nâng
Tâm Hồn Lên
12 THÁNG HAI
Hồn Lành Trong Xác Mạnh
Tập luyện thể dục thể thao, đó là chúng ta trân trọng thân xác của
mình. Chúng ta đạt được tình trạng khỏe mạnh thể lý hết sức có thể, với hoa quả
của nó là niềm khoan khoái lớn lao. Trong nhãn giới đức tin, chúng ta biết rằng
nhờ phép Rửa, trọn vẹn con người – cả hồn lẫn xác – đã trở thành đền thờ của
Chúa Thánh Thần: “Anh em không biết thân xác anh em là đền thờ của Thánh Thần
ngự trong anh em sao… và vì thế anh em không còn thuộc về chính mình nữa? Anh
em đã được trả giá để chuộc lại. Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân
xác anh em” (ICr 6, 19 – 20).
Thể thao gắn liền với việc phấn đấu để thắng một cuộc thi đấu
hay đạt được một mục tiêu nào đó. Nhưng với đức tin, chúng ta biết rằng “triều
thiên không thể hư nát” của cuộc sống vĩnh cửu thì giá trị hơn nhiều so với bất
cứ giải thưởng nào trên trần gian. Triều thiên đó là ân huệ của Thiên Chúa,
song đó cũng là kết quả của việc chuyên cần đào luyện nhân đức hằng ngày. Và,
theo Thánh Phao-lô, đây là một cuộc thi đấu thực sự quan trọng. Ngài nói: “Anh
em hãy tha thiết tìm những ơn cao trọng nhất” (1Cr 12, 31). Thánh Phao-lô muốn
nhắc nhở chúng ta hãy hướng lòng trí về những ân huệ góp phần tăng triển Nước
Thiên Chúa. Nếu chúng ta kiên trì trong cuộc chạy đua này, những ân huệ ấy sẽ
đem lại một giải thưởng sinh ích lợi vĩnh cửu cho chúng ta.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa
Trong Gia Đình
NGÀY 12-02
St 2,18-25; Mc 7,24-30.
LỜI SUY NIỆM: Bà ấy đáp: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại
được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con”.
Trong câu chuyện một người mẹ ngoại giáo, có đứa con đang bị quỷ
ám đến xin Chúa Giêsu chữa lành cho con gái của bà. Chúa Giêsu cho biết: “Phải
để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném
cho chó con” Nhưng người đàn bà này đã vì con gái của mình và vì tin vào quyền
năng yêu thương của Chúa Giêsu, bà khiêm tốn nhận mình bất xứng chỉ xin đón nhận
của dư thừa; và đã thưa với Chúa Giêsu: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở
dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con”, nhờ đó, con gái của
bà đã được chữa lành. Điều này cũng giúp chúng ta nhận ra mình đang là con cái
của Chúa và ưu tiên vui hưởng ân sủng của Ngài. Cái mà người ngoài Giáo Hội
đang khao khát và mong chờ được hưởng.
Lạy Chúa Giêsu, Gia đình của chúng con rất vui mừng và tạ ơn
Chúa đã thương ban ơn đức tin cho chúng con, để chúng con được trở nên con cái
của Chúa và nhận được phần ưu tiên. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng
con luôn biết quý trọng ân thánh của Chúa, để luôn luôn được sự bình an trong
tay Chúa và Mẹ Maria.
Mạnh Phương
12 tháng Hai
Những
Kho Tàng Quý Giá
Giá trị của những đồ cổ thường gia tăng với thời gian.
Dạo tháng 5 năm 1990, một chiếc xe Rolls Royce do Anh Quốc chế tạo
năm 1907 đã được bán đấu giá là 2,860,000 đô la tại bang Florida bên Hoa Kỳ.
Ðây là giá bán một chiếc xe cổ cao nhất từ trước tới nay. Chiếc xe này đã từng
được gia đình cự phú Rochefeller sử dụng.
Nhưng đáng kể hơn cả vẫn là giá bán một bức tranh của danh họa
người Hòa Lan là Vincent Van Gogh. Bức tranh họa lại chân dung của một người bạn
thân cuqả danh họa là bác sĩ Gachet, được thực hiện năm 1890, tức là cách đây
đúng hơn 100 năm. Trong một cuộc đấu giá tại phòng triển lãm ở New York bên Hoa
Kỳ, bức tranh đã được bán đấu giá là 82,500,000 đô la. Ðây là giá bán cao nhất
từ trước tới nay đối với một tác phẩm nghệ thuật.
Cũng dạo đó, tại Tây Ðức, người ta đã đem bán đấu giá cả những
tác phẩm của nhà độc tài Hitler. Một bức tranh sơn nước của ông đã được bán với
giá là 6,134 đô la. Ngay cả một ấn bản của tác phẩm Mein Kampf, trong đó Hitler
đã vạch ra chương trình hành động gian ác của ông và các cộng sự viên của ông
cũng được đem bán đấu giá. Người mua có lẽ không nghĩ đến giá trị nghệ thuật
cho bằng muốn giữ làm kỷ niệm di tích có liên quan đến tội ác và một trong những
thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử nhân loại.
Tất cả những người môn hạ đích thực của Ðức Kitô cũng là những
nhà nghệ sĩ mà các tác phẩm đều vượt thời gian. Tác phẩm mà các ngài để lại
chính là cả cuộc sống được họa lại theo khuôn mẫu của Ðức Kitô. Những tác phẩm ấy
không bao giờ được đem bán đấu giá, bởi vì chúng vô giá. Không có tiền bạc nào
có thể mua được công đức và các hy sinh của các Thánh. Người ta chỉ có thể
chiêm ngắm bằng đôi mắt của đức tin. Có những cuộc sống xả thân quên mìnhmà mọi
người đều biết đến, có những cuộc sống âm thầm trong gian lao thử thách mà chie
mình Thiên Chúa mới chân nhận giá trị. Hiển hách hay âm thầm, cuộc đời của những
vị thánh là những tác phẩm mà giá trị vẫn muôn tồn tại qua muôn thế hệ.
Mỗi một người Kitô chúng ta, trong cố gắng mô phỏng Ðức Kitô,
cũng là những nghệ sĩ cách này hay cách khác đều để lại những tác phẩm cho hậu
thế. Chúng ta không để lại tài sản, chúng ta không để lại những tác phẩm nghệ
thuật, mà chính là cả cuộc sống của chúng ta. Trong âm thầm theo Chúa, phục vụ
tha nhân, chịu đựng vì đức tin, làm chứng tá cho Tin Mừng: chúng ta luôn được mời
gọi để lại cho hậu thế kho tàng vô giá nhất: đó là Niềm Tin. Âm thầm hay rực
sáng, Niềm Tin đó phải là kho tàng quý giá nhất mà mọi người chúng ta đều được
mời gọi để sống, để bồi đắp, để vun trồng và truyền lại cho các thế hệ mai sau.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét