Trang

Thứ Năm, 31 tháng 5, 2018

Tương quan tình yêu giữa Israel và Thiên Chúa theo ngôn sứ Isaia


Tương quan tình yêu giữa Israel và Thiên Chúa theo ngôn sứ Isaia

Khi đọc sách các ngôn sứ chúng ta thấy các vị dùng hình ảnh tình yêu nam nữ để diễn tả tương quan tình yêu giữa Thiên Chúa và dân Do thái. Các vị coi mối dây liên kết giữa dân Do thái với Thiên Chúa qua các giáo ước là một cuộc hôn nhân, khiến cho Thiên Chúa trở thành Phu Quân và dân Do thái là Hiền Thê của Ngài. Vì thế sự kiện dân Do thái bỏ Giavê để chạy theo và tôn thờ các thần ngoại giáo bị coi là tội ngoại tình rất nặng. Cũng như các ngôn sứ Hosea, Giêrêmia và Êdekiel, ngôn sứ Isaia cũng đề cập tới tương quan tình yêu giữa Giavê Thiên Chúa và Israel là dân được tuyển chọn của Ngài. Dưới ngòi bút của ngôn sứ Isaia cuộc tình đổ bể giữa Giavê Thiên Chúa và dân Do thái, tuy không thê thảm như được miêu tả trong sách các ngôn sứ Hosea, Giêrêmia và Êdekiel, nhưng cũng không kém phần đau đớn.
Lý do vì cuộc bội phản nào cũng gây thương tích trong con tim và cuộc sống của hai người yêu nhau. Ở đây trong lịch sử của dân Do thái, sự bội phản, các cuộc ngoại tình với các thần ngoại thường xuyên xảy ra. Vì không trung thành với Thiên Chúa, lại cũng không sống theo các giáo huấn của Chúa, nên dân Do thái đã lãnh hình phạt nặng nề nhất là cảnh quốc gia bị xâm lăng bởi vua Nabuchodonosor, đất nước ra hoang tàn, và họ phải sống kiếp lưu đầy bên Babilonia năm 587 trước công nguyện trong vòng nửa thế kỷ, trước khi được hồi hương dưới thời vua Ciro.
Trong chương 50 ngôn sứ Isaia miêu tả việc trừng phạt Israel như sau: “Giavê phán thế này: Đâu là tờ ly hôn mà Ta đã viết để rẫy mẹ các ngươi, hoặc trong số chủ nợ của Ta, Ta đã bán đứt các ngươi cho ai nào? Này đây: chính vì lầm lỗi của các ngươi mà các ngươi đã bị đem đi bán, chính bởi tội lỗi của các ngươi mà mẹ các ngươi đã bị rẫy. Tại sao khi Ta đến, không có một người nào, khi Ta kêu, chẳng có ai đáp lại? Chẳng lẽ tay Ta quá ngắn, không chuộc nổi? Hoặc Ta không đủ sức để cứu thoát chăng? Xem đây: Ta chỉ đe một tiếng là biển cạn khô, sông ngòi thành hoang địa, cá mắc cạn nặng mùi và chết khát. Ta khoác lên bầu trời một màu đen ảm đạm” (Is 50,1-3).
Tuy nhiên, Thiên Chúa sẽ tha thứ hết lỗi lầm cho Israel và phục hồi Giêrusalem như viết trong chương 54: “Reo mừng lên, hỡi người phụ nữ son sẻ, không sinh con; hãy bật tiếng reo hò mừng vui, hỡi ai chưa một lần chuyển dạ, vì con của phụ nữ bị bỏ rơi thì đông hơn con của phụ nữ có chồng - Giavê phán. Hãy nới rộng lều ngươi đang ở, căng các tấm bạt ra, đừng hẹp lòng hẹp dạ. Nối dây thừng dài thêm, đóng cọc lều cho chắc, vì ngươi sẽ tràn ra hai bên tả hữu, dòng dõi ngươi sẽ thừa kế các dân tộc
và đến ở trong các thành bỏ hoang. Đừng sợ chi: ngươi sẽ không phải xấu hổ, chớ e thẹn: ngươi sẽ không phải nhục nhằn. Thật vậy, ngươi sẽ quên hết nỗi hổ thẹn tuổi thanh xuân và không còn nhớ bao nhục nhằn thời goá bụa.
Quả thế, Đấng cùng ngươi sánh duyên cầm sắt chính là Đấng đã tác thành ngươi, tôn danh Người là Giavê các đạo binh; Đấng chuộc ngươi về, chính là Đức Thánh của Ít-ra-en, tước hiệu Người là Thiên Chúa toàn cõi đất. Phải, Giavê đã gọi ngươi về, như người đàn bà bị ruồng bỏ, tâm thần sầu muộn. "Người vợ cưới lúc thanh xuân, ai mà rẫy cho đành? ", Thiên Chúa ngươi phán như vậy. Trong một thời gian ngắn, Ta đã ruồng bỏ ngươi, nhưng vì lòng thương xót vô bờ, Ta sẽ đón ngươi về tái hợp. Lúc lửa giận bừng bừng, Ta đã một thời ngoảnh mặt chẳng nhìn ngươi, nhưng vì tình nghĩa ngàn đời, Ta lại chạnh lòng thương xót, Giavê, Đấng cứu chuộc ngươi, phán như vậy. Ta cũng sẽ làm như thời Nô-ê: lúc đó, Ta đã thề rằng hồng thủy sẽ không tràn ngập mặt đất nữa, cũng vậy, nay Ta thề sẽ không còn nổi giận và hăm doạ ngươi đâu. Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay, tình nghĩa của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi, giao ước hoà bình của Ta cũng chẳng chuyển lay, Giavê là Đấng thương xót ngươi phán như vậy.
Trong chương 62 ngôn sứ miêu tả vẻ huy hoàng của Giêrusalem như sau: “Rồi muôn dân sẽ được chiêm ngưỡng đức công chính của ngươi, mọi đế vương sẽ được ngắm nhìn vinh quang ngươi tỏ rạng. Người ta sẽ gọi ngươi bằng tên mới, chính là tên miệng Chúa đặt cho. Ngươi sẽ là ngọc miện huy hoàng trong lòng bàn tay Chúa, sẽ là mũ triều thiên vương giả Thiên Chúa ngươi cầm ở tay. Chẳng ai còn réo tên ngươi: “Đồ bị ruồng bỏ!” Xứ sở ngươi hết bị tiếng là “Phận bạc duyên đơn” Nhưng ngươi sẽ được gọi “Ái khanh lòng Ta hỡi!” Xứ sở ngươi nức tiếng là “Duyên thắm chỉ hồng” Vì ngươi sẽ được Chúa đem lòng sủng ái, và Chúa lập hôn ước cùng xứ sở ngươi. Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ. Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ” (Is 62, 2-5).
Qua cách miêu tả trên các ngôn sứ không chỉ muốn diễn tả tình yêu phu thê giữa Giavê Thiên Chúa và dân Ngài tuyển chọn, mà cũng gán cho Giavê các hiệu quả và tâm tình sâu thẳm nhất và mạnh mẽ bạo lực nhất giữa người nam và người nữ nữa. Trong một quan niệm canh tân về vấn đề tình yêu và thân xác con người, về vẻ đẹp và sức hấp dẫn của phái nữ, người ta có thể nói rằng nếu chỉ có điều này thôi nảy sinh từ sách Diễm Tình Ca, hay giá trị to lớn của tình yêu nhân loại, thì tác phẩm chúng ta đang tìm hiểu đã phải có một chỗ đứng đúng đắn giữa các sách thánh rồi.
Thật vậy, vì tính cách từng mảnh của nó sách Diễm Ca có cấu trúc hiện nay như kết quả việc thu thập của một tác giả biên soạn thời hậu lưu đầy. Khi biên soạn sách, ông đã áp đặt cho các bài ca tụng tình yêu nhân loại một trật tự văn chương và một quan niệm thần học mới, được diễn tả trong tựa đề “Bài ca của các bài ca của Salomon”. Đây là một kiểu thông thường sau thời lưu đầy như trong trường hợp của các sách Châm Ngôn, Giảng Viên và Khôn Ngoan, như thể để nói rằng “Bài ca của các Bài Ca của người khôn ngoan tuyệt vời”. hay “Sự khôn ngoan của tình yêu “.  Như thế soạn giả đã đưa các bài ca tình yêu vào trong một bối cảnh thần học khôn ngoan, hiển nhiên cả từ vị thế mà sách chiếm được trong văn bản cổ xưa nhất của Thánh Kinh là văn bản Thánh Kinh Hy Lạp 70.
Trước thời lưu đầy  trào lưu khôn ngoan khác với các trào lưu tư tế và ngôn sứ, và có lẽ cũng hơi bị các trào lưu này khinh rẻ. Nhưng sau thời lưu đầy nó được trộn lẫn với hai trào lưu tư tế và ngôn sứ. Bằng chứng là giọng điệu ngôn sứ của lời giảng dậy trong các chương 1-9 sách Châm Ngôn và các chương 10-19 sách Khôn Ngoan, đặc biệt khi đề cập tới biến cố Xuất Hành, sự tôn kính đối với chức tư tế và việc phụng tự. Ben Sira tuyên bố mình hứng khởi đối với các thái độ này, cũng như việc đồng hoá giữa sự Khôn Ngoan và Luật Lệ trong sách Giảng Viên chương 24, 23-24. Khi chìm đắm trong trào lưu này của thời hậu lưu đầy, một phần các bài ca tình yêu chiếm hữu được ý nghĩa của một việc hiện thực rạng ngời các lời tiên tri an ủi của các ngôn sứ Hosea, Giêrêmia và Edekiel cũng như của ngôn sứ Isaia III, liên quan tới một tình yêu được canh tân của Giavê đối với dân Ngài, và của một tương lai lạc quan khá đúng lúc trong các thời điểm của cuộc tái thiết vất vả mệt nhọc; đàng khác các bài ca tình yêu này chỉ cho ngưòi trẻ do thái của Cộng đoàn mới được tái thiết một kinh nghiệm đúng đắn của cuộc sống liên quan tới vấn đề tình yêu.
Có một so sánh hùng hồn giữa các văn bản, các câu và các từ của các chương 1 tới 9 sách Châm Ngôn và sách Diễm Ca, vén mở cho thấy bài học lớn của sách Diễm Ca liên quan tới sự hấp dẫn, các quyến rũ của “người phụ nữ ngoại kiều”. Giờ đây người ta biết ai là người “phụ nữ ngoại quốc”:  đó là người phụ nữ không phải gốc do thái, người phụ nữ ngoại tình, người phụ nữ đưa tới việc phản bội tình yêu, hay nếu muốn, đưa tới chỗ không có tình yêu (Cn 2,16; 5,20; 6,24; 7,5; 25,27 vv.). Và chính khi đó trong sách Diễm Ca việc cảnh báo chống lại phụ nữ ngoại tình trở thành một nhắc nhở tới một tình yêu đam mê đích thật hơn và đúng đắn hơn. Việc miêu tả các nguy hiểm, mà sự bất trung dẫn đưa tới, tạo dịp cho sự ca tụng lòng trung thành vì chính nó.
Như thế, chúng ta sẽ đọc sách Diễm Ca trong một viễn tượng kép: khi người nam hay người nữ ca tụng tình yêu của họ là người, được bao quanh bởi sự rạng rỡ của thiên nhiên, hoa lá cỏ cây và hương thơm của thế giới này, qua người biên soạn Thiên Chúa gợi ý cho thực tại của một tình yêu siêu việt, tình yêu của chính Ngài.
Khi viễn tượng kép này, tình yêu nhân loại và tình yêu của Thiên Chúa, được chấp nhận, thì còn có một vấn đề hay nữa cần duyệt xét: đó là ai là tác giả được linh hứng? Một người hay những người đầu tiên đã sáng tác các bài ca tình yêu này, hay chỉ có một người  đã du nhập chúng vào chương trình của giao ước, và đưa vào trong danh sách các tác phẩm kinh thánh? Chúng ta có quyền khẳng định rằng cả hai tác giả đều được linh hứng; và một cách chắc chắn tác giả cuối cùng là người đã được linh hứng.
Sách Diễm Ca đã có tầm quan trọng lớn đối với dân Do thái trong các tháng năm cam go của việc tái thiết cuộc sống, đền thờ và thành thánh sau thời lưu đầy, bên cạnh công trình của các ông Esdra, Nehemia và Zorobabele, hay có lẽ, còn lớn hơn công trình của các vị này nữa. Các bài ca tình yêu nhân loại giữa một thanh niên đính hôn và một thiếu nữ đính hôn đã góp phần trao ban can đảm sống cho những người do thái đầu tiên mất tin tưởng sau thời lưu đầy và cho những người do thái mới sinh, mặc dù họ phải sống giữa biết bao khó khăn cho tới ngày nay.
DC 11
Linh Tiến Khải


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét