Trang

Thứ Năm, 24 tháng 5, 2018

Đức Phanxicô: “Chỉ trích Đức Giáo Hoàng không có tội”


Đức Phanxicô: “Chỉ trích Đức Giáo Hoàng không có tội”
Vũ Văn An
22/May/2018

Theo tin ngày 22 tháng 5 của Nữ Ký Giả Deborah Castellano Lubov của ZenitNews, tại buổi khai mạc phiên họp toàn thể của Hội Đồng Giám Mục Ý, khi chia sẻ ba quan tâm của ngài với các vị giám mục, Đức Phanxicô đã quả quyết với các ngài rằng: “Chỉ trích Đức Giáo Hoàng không phải là một tội”.

Thực vậy, khi lên tiếng khai mạc Phiên Họp Toàn Thể lần thứ 71 của Hội Đồng Giám Mục Ý diễn ra từ ngày 21 tới ngày 24 tháng 5 với chủ đề “Sự Hiện Diện Nào Của Giáo Hội Trong Ngữ Cảnh Truyền Thông Hiện Thời”, Đức Phanxicô đã bày tỏ các quan tâm hàng đầu của ngài và sau đó, các cửa ra vào đã được đóng kín để các giám mục thảo luận riêng.

Trong bài diễn văn của ngài, sau khi cám ơn các vị giám mục đã hiện diện trong ngày khai lễ Đức Mẹ là Mẹ Giáo Hội, Đức Phanxicô mời gọi các ngài “Chúng ta hãy đọc từ trong lòng, cùng với nhau tất cả: “Monstra te esse matrem”. Hãy luôn: “Monstra te esse matrem.” (hãy chứng tỏ mẹ là người mẹ).

Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng chúng ta không cô đơn, Đức Mẹ luôn đồng hành với chúng ta như một bà mẹ. Ta hãy cầu xin để Đức Mẹ “giúp ta sao cho Giáo Hội là một bà mẹ”, như ý nguyện của Thánh Inhaxiô thành Loyola khi gọi Giáo Hội là “Mẹ Thánh Giáo Hội Phẩm Trật”.

Đức Giáo Hoàng cũng khuyên các vị giám mục cầu xin để Đức Mẹ giúp làm cho “linh hồn chúng ta cũng là một bà mẹ, như gợi hứng của các giáo phụ”. Thành thử có ba người đàn bà: Đức Mẹ, Giáo Hội và linh hồn chúng ta. Cả ba đều là các bà mẹ.

Nói thế rồi, Đức Phanxicô tâm sự với các giám mục 3 điều khiến ngài lo âu và ngài thúc giục các vị mạnh dạn lên tiếng góp ý một cách thành thực vì “chỉ trích Đức Giáo Hoàng ở đây không phải là một tội! Không phải là một tội, cứ tự do làm”.

Quan tâm thứ nhất

Ngài nói: Điều đầu tiên khiến ngài lo lắng là cuộc khủng hoảng ơn gọi, và, với điều này, "tư cách làm cha của chúng ta bị đe dọa".

Ngài cho biết "Về mối quan tâm này, nói đúng hơn, về cuộc xuất huyết ơn gọi này, Tôi đã nói tới tại Hội nghị toàn thể của các Viện Đời Sống Thánh Hiến và Các Hội Đời Sống Tông Đồ, giải thích với họ rằng chính hoa trái bị đầu độc của nền văn hóa tạm bợ, của thuyết duy tương đối và của nền độc tài tiền bạc, đã làm giới trẻ cách xa cuộc sống thánh hiến; song song đó, chắc chắn, còn là sự giảm thiểu bi đát trong sinh suất, cái ‘mùa đông nhân khẩu học’ ấy; cũng như những vụ tai tiếng và làm chứng nửa vời”.

“Bao nhiêu chủng viện, nhà thờ và tu viện sẽ bị đóng cửa trong những năm tới do thiếu ơn gọi? Chỉ có Chúa mới biết. Thật buồn khi thấy lãnh thổ này, trong nhiều thế kỷ lâu dài từng màu mỡ và quảng đại trong việc sản sinh ra nhiều nhà truyền giáo, nữ tu, linh mục đầy nhiệt huyết tông đồ, nhưng nay đang song hành với lục địa cũ kỹ trong sự vô sinh ơn gọi mà không tìm cách chữa chạy có hiệu quả. Tôi tin rằng nó đang tìm kiếm các cách chữa chạy này nhưng chúng ta không lo liệu để tìm ra chúng!”

Đức Giáo Hoàng tiếp tục đề ra “một sự chia sẻ cụ thể và quảng đại hơn fidei donum (ơn phúc đức tin) nơi các giáo phận Ý, một điều chắc chắn sẽ làm phong phú mọi giáo phận, cả các giáo phận cho lẫn các giáo phận nhận, bằng cách tăng cường trong lòng các giáo sĩ và tín hữu cảm thức giáo hội (sensus ecclesiae) và cảm thức đức tin (sensus fidei)”.

Quan tâm thứ hai

Ngài nói: Mối quan tâm thứ hai của Đức Giáo Hoàng là đức khó nghèo tin mừng và sự minh bạch.

“Đối với tôi, lúc nào cũng thế, - vì tôi đã học trong hiến pháp Dòng Tên – đức khó nghèo là “mẹ” và là “bức tường”của đời sống tông đồ. Nó là người mẹ vì nó hạ sinh, và nó là bức tường vì nó bảo vệ. Không có đức khó nghèo, sẽ không có lòng nhiệt thành tông đồ, không có đời sống phục vụ người khác… Đây là mối quan tâm liên quan đến tiền bạc và sự minh bạch. Thực thế, người đã tin thì không thể nói tới đức khó nghèo nhưng lại sống như một ông vua Ai Cập”.

Đức Giáo Hoàng cho rằng đôi khi chúng ta thấy những điều ấy, quả là một phản chứng khi nói tới đức khó nghèo nhưng lại sống một cuộc sống xa hoa; và quả hết sức tai tiếng khi xử lý tiền bạc mà không có sự minh bạch hoặc quản lý tài sản của Giáo Hội như thể chúng là tài sản cá nhân.

"Chư huynh biết các tai tiếng tài chánh từng diễn ra trong một số giáo phận ... Làm ơn, điều này làm tôi cảm thấy rất buồn khi nghe nói một giáo phẩm nào đó đã để mình bị thao túng, tự đặt mình vào những tình huống mà ngài bị lún sâu hoặc tệ hơn nữa, quản lý "những đồng tiền cắc của góa phụ" một cách bất lương".

Đức Giáo Hoàng nhận định rằng chúng ta có bổn phận phải quản lý một cách gương mẫu, thông qua các quy tắc rõ ràng và phổ biến.

Mối quan tâm thứ ba

Đức Giáo Hoàng nói rằng mối quan tâm thứ ba là việc giảm thiểu và sáp nhập các giáo phận.

“Thật không dễ dàng, vì, đặc biệt trong thời gian này… Năm ngoái chúng tôi sắp sáp nhập một giáo phận vào một giáo phận khác, nhưng từ giáo phận đó, họ đến với tôi và thưa: “Thật nhỏ bé, giáo phận đó ấy… Thưa cha, sao cha làm vậy? Trường đại học đã khuất dạng, họ đã đóng cửa một trường học, bây giờ không có thị trưởng, chỉ có một đại biểu, bây giờ cả ngài cũng vậy ... ”. Và chúng tôi cảm thấy nỗi đau này nên nói, "Hãy để vị giám mục ở lại, bởi vì họ đang đau khổ". Nhưng tôi vẫn nghĩ có những giáo phận có thể sáp nhập được”.

Ngài lưu ý rằng đây là một nhu cầu mục vụ, được nghiên cứu và khảo sát nhiều lần, cả trước Giáo Ước (Concordat) năm 1929. Lưu ý rằng chúng ta đang nói về một vấn đề vừa có tính lịch sử vừa có tính hiện tại, bị bỏ quên quá lâu, và cũng được các vị tiền nhiệm, trong đó có Đức Phaolô VI, cho là cần thiết, ngài nói : “Tôi tin đã đến lúc kết thúc nó càng sớm càng tốt”.

"Có lẽ có một hoặc hai trường hợp không thể thực hiện ngay bây giờ, vì những gì tôi đã nói trên đây - vì nó là một lãnh thổ bị bỏ hoang - nhưng ta có thể làm một điều gì đó”.

Sau khi chia sẻ điều này như khởi điểm cho cuộc suy tư, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với các giám mục Ý rằng ngài để căn phòng lại cho các ngài lên tiếng một cách tự do và một lần nữa cảm ơn các ngài.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét