12/05/2018
Thứ Bảy tuần 6 Phục Sinh
Bài Ðọc I: Cv 18, 23-28
"Apollô trưng
Thánh Kinh để minh chứng Ðức Giêsu là Ðấng Kitô".
Trích sách Tông đồ
Công vụ.
Sau khi ở lại Antiôkia
ít lâu, Phaolô ra đi, lần lượt ngài đi qua các vùng Galata và Phrygia, làm cho
tất cả môn đồ thêm vững mạnh.
Bấy giờ có một người
Do-thái tên là Apollô, quê ở Alexan-dria, rất lợi khẩu và thông biết Thánh
Kinh, ông đến Êphêxô. Ông đã học thông đạo Chúa; ông nhiệt tâm rao giảng và
siêng năng dạy những điều về Ðức Kitô, mặc dầu ông chỉ biết phép rửa của Gioan.
Vì thế ông bắt đầu hành động mạnh dạn trong hội đường. Khi Priscilla và Aquila
nghe ông, liền đón ông (về nhà) và trình bày cặn kẻ hơn cho ông biết đạo Chúa.
Ông muốn sang Akaia, thì các anh em khuyến khích ông và viết thơ cho các môn đồ
xin họ tiếp đón ông. Ðến nơi, ông đã giúp các tín hữu rất nhiều, vì ông đã công
khai phi bác những người Do-thái cách hùng hồn; ông trưng Thánh Kinh để minh chứng
Ðức Giêsu là Ðấng Kitô.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 46, 2-3.
8-9. 10
Ðáp: Thiên Chúa là Vua khắp cõi trần gian (c. 8a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Hết thảy chư
dân, hãy vỗ tay, hãy reo mừng Thiên Chúa tiếng reo vui! Vì Chúa là Ðấng Tối
cao, khả uý, Người là Ðại Ðế trên khắp trần gian. - Ðáp.
2) Vì Thiên Chúa là
Vua khắp cõi trần gian, hãy xướng ca vịnh mừng Người, Thiên Chúa thống trị trên
các nước, Thiên Chúa ngự trên ngai thánh của Người. - Ðáp.
3) Vua chúa của chư
dân, đã nhập đoàn với dân riêng Thiên Chúa của Abraham. Vì các vua chúa địa cầu
thuộc quyền Thiên Chúa: Người là Ðấng muôn phần cao cả! - Ðáp.
Alleluia: Ga 28, 19 và
20
Alleluia, alleluia! -
Chúa phán: "Các con hãy đi giảng dạy muôn dân: Thầy sẽ ở cùng các con mọi
ngày cho đến tận thế". - Alleluia.
Phúc Âm: Ga 16, 23b-28
"Cha yêu mến
các con, bởi vì các con yêu mến và tin Thầy".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu
phán cùng các môn đệ rằng: "Thật, Thầy bảo thật các con: điều gì các con sẽ
nhân danh Thầy mà xin Cha, thì Người sẽ ban cho các con. Cho đến bây giờ, các
con chưa nhân danh Thầy mà xin điều gì. Hãy xin thì sẽ được, để các con được niềm
vui trọn vẹn. Tất cả những điều đó, Thầy đã dùng dụ ngôn mà nói với các con. Ðã
đến giờ Thầy sẽ không còn dùng dụ ngôn mà nói nữa, Thầy sẽ loan truyền rõ ràng
cho các con về Cha. Ngày đó các con sẽ nhân danh Thầy mà xin, và Thầy không bảo
là chính Thầy sẽ xin Cha cho các con đâu. Chính Cha yêu mến các con, bởi vì
chúng con yêu mến Thầy và tin rằng Thầy bởi Thiên Chúa mà ra. Thầy bởi Cha mà
ra, và đã đến trong thế gian, rồi bây giờ Thầy bỏ thế gian mà về cùng
Cha".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Đứng về phía
Chúa.
Khi cuộc Nam Bắc
phân tranh bùng nổ tại Hoa kỳ vào khoảng măm 1860, một vị giáo sĩ nọ đã đến gặp
Tổng thống Abraham Lincoln và trịnh trọng phát biểu: “Thưa Tổng thống, chúng ta
hãy tin tưởng rằng Thiên Chúa luôn ở phía chúng ta trong cuộc chiến này”. Nghe
thế, Tổng thống Abraham Lincoln vặn lại tức khắc: “Tôi không mấy quan tâm về điều
đó, vì tôi biết rằng Thiên Chúa luôn đứng về phía những người công chính, nhưng
tôi luôn lo lắng và cầu nguyện để tôi và toàn dân Mỹ đứng về phía Chúa.
Lời phát biểu của Tổng
thống Abraham Lincoln nhắc nhở chúng ta về ý nghĩa và thái độ đích thực trong lời
cầu nguyện của chúng ta. Cầu nguyện thiết yếu là xin cho được đứng về phía
Chúa, chứ không lôi kéo Thiên Chúa đứng về phía mình.
Tin mừng Giáo Hội cho
chúng ta lắng nghe và suy niệm hôm nay là đoạn kết trong diễn từ Tiệc ly. Một
trong những đặc ân nơi cách sống của người môn đệ Chúa Giêsu chính là cầu nguyện
nhân danh Ngài. Chúa Giêsu là trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người,
cho nên từ nay chỉ trong Ngài, con người mới có thể cầu nguyện với Thiên Chúa một
cách đúng đắn. Chúa Giêsu là trung gian duy nhất giữa con người và Thiên Chúa
trong sự cầu nguyện, bởi vì Ngài vừa là vừa là con người vừa là Thiên Chúa:
Ngài là người luôn đọc trong từng biến cố đời mình như một thể hiện chương
trình cứu rỗi của Thiên Chúa; Ngài là Thiên Chúa nắm giữ chìa khoá của chương
trình cứu rỗi ấy và biết rằng Thiên Chúa luôn nhận lời Ngài.
Sinh hoạt nền tảng nhất
của người kitô hữu chính là cầu nguyện. Nhưng mãi mãi, có lẽ chúng ta phải thốt
lên như các môn đệ Chúa Giêsu: “Lạy Thày, xin dạy chúng con cầu nguyện” vì
chúng con chưa biết cầu nguyện. Thay cho một lời giải thích về cầu nguyện. Chúa
Giêsu đã dạy các môn đệ Kinh Lạy Cha, đó là tất cả cuộc sống của Ngài, một cuộc
sống luôn diễn ra phù hợp với thánh ý Thiên Chúa. Như vậy, cầu nguyện là đi vào
tri giao mật thiết với Thiên Chúa, hay nói như Abraham Lincoln là đứng về phía
Chúa. Thật ra, thái độ nền tảng của cầu nguyện là ra khỏi chính mình và đi vào
tương quan với người khác. Người không thể ra khỏi chính mình và sống tương
quan với người khác, không thể cầu nguyện một cách đúng đắn theo tinh thần của
Chúa Giêsu. Ai biết tôn trọng người khác và thiết lập với người khác tương quan
đối thoại và lắng nghe, người đó mới có thể có đủ những điều kiện cần thiết để
sống tương quan mật thiết với Chúa Giêsu Phục sinh.
Cầu nguyện là đứng về
phía Chúa. Ước gì trong Chúa Giêsu Phục sinh, Đấng trung gian giữa Thiên Chúa
và con người, đồng thời là mẫu mực của cầu nguyện, cuộc sống của chúng ta luôn
là một thực thi thánh ý Chúa và phục vụ tha nhân. Nguyện xin Chúa Giêsu Phục sinh
đồng hành với chúng ta để hiến cả đời sống chúng ta thành một lời cầu nguyện đẹp
lòng Thiên Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày
Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần VI PS
Bài đọc: Acts
18:23-28: Jn 16:23-28.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cùng nhau hoạt
động để mang Ơn Cứu Độ cho mọi người.
Con người thường cảm
thấy bất an và ghen tị khi thấy người khác nổi tiếng, uy quyền, giàu sang, và
được mọi người kính trọng hơn mình. Vì thế, họ tìm cách làm sao để giảm danh
giá, uy quyền, và thế lực của người khác bằng nhiều những thủ đoạn khác nhau
như: nói xấu, bôi nhọ, và ngay cả hãm hại người khác. Nhưng đối với các tín hữu
là những môn đệ của Chúa, họ không được phép làm như thế. Trái lại, Thiên Chúa
đòi họ phải cộng tác với nhau, mỗi người một tài năng của Thánh Thần ban, cho
việc xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô và cho việc loan báo Tin Mừng.
Các Bài Đọc hôm nay
cho chúng ta những mẫu gương về tinh thần đoàn kết và cộng tác trong Kế Hoạch Cứu
Độ của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, khi cộng đoàn Ephesus nhận ra ông Apollo có
những tài năng xuất chúng cho việc rao giảng Tin Mừng, họ không ghen tị với
ông. Trái lại, họ tìm cách bổ khuyết những gì ông còn thiếu, và tạo mọi cơ hội
dễ dàng để ông đem Tin Mừng cho mọi người trong tỉnh Akaia. Trong Phúc Âm, Chúa
Giêsu không giữ các môn đệ lại cho mình; nhưng khuyến khích các ông đến với
Chúa Cha. Ngài xác tín với các môn đệ là Chúa Cha yêu con người, và sẵn sàng
ban mọi điều các ông xin nhân danh Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Các tín hữu cùng cộng tác với nhau trong việc rao giảng và
bảo vệ Tin Mừng.
1.1/ Sự xuất hiện của một
nhà rao giảng mới, ông Apollo: Trải qua lịch
sử của Do-thái cũng như của Giáo Hội, Thiên Chúa không ngừng gởi tới những nhân
tài: khôn ngoan, thánh thiện, can đảm, và nhiệt thành, để loan truyền những sứ
điệp của Ngài; chẳng hạn, Moses, David, Solomon, Isaiah, Gioan Tẩy Giả, Phêrô
và Phaolô. Trong cộng đoàn Ephesus, Thiên Chúa cũng cho xuất hiện một tài năng
mới người Do-thái tên là Apollo, quê ở Alexandria, ông là người có tài hùng biện
và thông thạo Kinh Thánh.
Alexandria bên Ai-cập
và Antioch bên Syria là hai trung tâm nổi tiếng vế triết học và thần học của
Giáo Hội trong những thế kỷ đầu tiên. Hai nơi này đã cống hiến cho Giáo Hội rất
nhiều các thánh Giáo Phụ xuất chúng và nhiệt tâm bảo vệ Đạo Thánh Chúa. Apollo
có những đặc tính của người rao giảng: đã được học Đạo Chúa, có tài hùng biện,
và thông thạo Kinh Thánh. Với tâm hồn nồng nhiệt, ông thường lên tiếng giảng dạy
chính xác những điều liên quan đến Đức Giêsu. Một điều ông còn thiếu: ông chỉ
biết có Phép Rửa của ông Gioan.
1.2/ Rao giảng Tin Mừng
là bổn phận của mọi người: Nhận ra tài năng
và lòng nhiệt thành của Apollo, những người trong cộng đoàn giúp ông bổ khuyết
những gì còn thiếu và tạo cơ hội cho ông đi rao giảng Tin Mừng trong tỉnh
Akaia.
(1) Bà Priscilla và
ông Aquila giúp cho ông Apollo hiểu Đạo của Thiên Chúa: Sau khi nghe ông mạnh dạn
rao giảng trong hội đường, "bà Priscilla và ông Aquila mời ông về nhà để
trình bày Đạo của Thiên Chúa cho ông chính xác hơn." Có nhiều điều cho
chúng ta học hỏi từ biến cố này:
- Hai ông bà không
ghen tị với Apollo, nhưng giúp ông hiểu biết tường tận hơn.
- Apollo không kiêu ngạo
cho mình biết hết, nhưng sẵn sàng học hỏi từ người đi trước.
- Những người trong bậc
gia đình có thể đóng góp trong việc giáo dục và đào tạo những người rao giảng
Tin Mừng tương lai.
- Nữ giới cũng có vai
trò trong việc rao giảng Tin Mừng mà không cần phải đòi cho được hưởng quyền lợi
như nam giới.
(2) Các anh em trong cộng
đòan giúp Apollo có cơ hội rao giảng Tin Mừng tại Akaia: "Khi biết ông
Apollo muốn sang miền Akaia, các anh em khuyến khích ông và viết thư xin các
môn đệ tiếp đón ông." Người khuyến khích ơn gọi và người tạo cơ hội đều
góp phần trong việc rao giảng Tin Mừng. Để có người rao giảng, Thiên Chúa cần sự
cộng tác của tất cả mọi người.
Kết quả là cả cộng
đoàn cùng được hưởng: "Khi đến nơi, nhờ ơn Chúa, ông Apollo đã giúp ích
nhiều cho các tín hữu, vì ông mạnh mẽ và công khai bẻ lại người Do-thái, dẫn
Kinh Thánh mà minh chứng rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô."
2/ Phúc Âm: Chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy.
2.1/ Chúa Giêsu khuyến
khích các môn đệ đến cùng Chúa Cha: Chúa
Giêsu không hoạt động riêng lẻ, nhưng cùng hoạt động với Chúa Cha để sinh lợi
ích cho con người. Ví dụ, Chúa Cha tạo cơ hội thuận tiện cho con người đến với
Chúa Giêsu để nghe người rao giảng và chữa lành; đối lại, Chúa Giêsu nói cho
con người biết về tình yêu Thiên Chúa. Trong trình thuật hôm nay, Chúa Giêsu chỉ
đường cho các môn đệ đến với Chúa Cha: "Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em
mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy. Cho đến
nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy. Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm
vui của anh em nên trọn vẹn."
Khi không ích kỷ giữ lại
cho mình, nhưng luôn rộng lượng cho đi, hậu quả là cả ba đều được hưởng: Chúa
Cha yêu Chúa Giêsu, Chúa Giêsu yêu con người, và con người yêu cả Chúa Cha và
Chúa Giêsu.
2.2/ Yêu thương Chúa Cha
là yêu thương Chúa Giêsu: Từ chương 1 cho đến
hết chương 12 của Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu đã dùng nhiều dụ ngôn giảng dạy
cho các môn đệ và dân chúng; nhưng từ chương 13 trở đi, Ngài dành riêng để mặc
khải và dạy dỗ các môn đệ. Đó là lý do Chúa Giêsu nói: "Sẽ đến giờ Thầy
không còn dùng dụ ngôn mà nói với anh em nữa, nhưng Thầy sẽ nói rõ cho anh em về
Chúa Cha, không còn úp mở."
Các môn đệ của Chúa có
thể đến trực tiếp với Chúa Cha: "Ngày ấy, anh em sẽ nhân danh Thầy mà xin,
và Thầy không nói với anh em là Thầy sẽ cầu xin Chúa Cha cho anh em. Thật vậy,
chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy, và tin rằng Thầy từ
Thiên Chúa mà đến. Thầy từ Chúa Cha mà đến và Thầy đã đến thế gian. Thầy lại bỏ
thế gian mà đến cùng Chúa Cha." Nếu Cha yêu Con, Cha cũng yêu tất cả những
ai thuộc về Con (Jn 10:29). Nếu Con yêu Cha, Con sẽ gìn giữ và bảo vệ tất cả những
ai Cha đã ban cho Con (Jn 6:37, 39-40).
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Rao giảng Tin Mừng
cho mọi người để họ tin yêu Thiên Chúa là bổn phận của mọi người. Vì thế, người
góp công, người góp của, chúng ta phải cộng tác với nhau, và làm hết sức cho Nước
Chúa ngày càng mở rộng.
- Chức vụ, danh giá,
uy quyền, luôn len lỏi khắp nơi trong Giáo Hội, dòng tu, và giáo xứ. Những điều
này không những đã làm trì trệ trong việc loan báo Tin Mừng, mà còn làm gương xấu
và làm mất đức tin cho người khác, ngay cả cho chính đương sự.
- Chúng ta đã lãnh nhận
Tin Mừng cách nhưng không, thì cũng phải cho đi cách nhưng không. Thiên Chúa
không cho phép chúng ta lạm dụng Tin Mừng để mưu cầu danh giá, uy quyền, và lợi
lộc cho cá nhân mình.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
12/05/2018 - THỨ BẢY TUẦN 6 PS
Th. Nê-rê-ô và A-khi-lê-ô, tử đạo
Ga 16,23-28
CẦU XIN NHÂN DANH THẦY
“Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì,
thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy.” (Ga 16,23)
Suy niệm: Câu thành ngữ “nhất thân
nhì thế” phản ảnh một thực tế tương giao xã hội – dù nhiều khi mang màu sắc
tiêu cực – hầu như ở mọi nơi và trong mọi thời. Thật vậy, kinh nghiệm đời thường
cho thấy sự cậy nhờ thân thế rất cần thiết trong nhiều trường hợp. Trong tương
giao với Thiên Chúa, chúng ta cũng được khuyến khích cậy nhờ thân thế số một là
chính Đức Giê-su Ki-tô – và ở đây thì ta hoàn toàn không sợ mang tiếng là tiêu
cực! Xác suất thành công khi cậy nhờ Ngài làm ‘ô dù’ là chắc chắn một trăm phần
trăm, nghĩa là xin đâu được đấy – dù không phải luôn luôn có nghĩa là xin cái
gì được cái ấy – vì Thiên Chúa luôn ban cho ta điều tốt hơn điều ta xin. Chính
Đức Giê-su đã bảo đảm cho xác suất một trăm phần trăm này (cf. Ga 15,16b;
16,23b).
Mời Bạn: Trong mỗi Thánh Lễ, mỗi giờ
kinh, bạn chú tâm vào lời cầu nguyện chung của cộng đoàn, vì tất cả những ý cầu
nguyện đó, chúng ta đều nhân danh Đức Giê-su mà xin cùng Chúa Cha đó!
Chia sẻ: Bạn có vững tin trong lời cầu nguyện của mình không? Lời
cầu nguyện của chúng ta luôn luôn cậy nhờ vào công nghiệp của Đức Giê-su Ki-tô
mà!
Sống Lời Chúa: Câu kết lời nguyện “Nhờ Đức
Giê-su Ki-tô, Chúa chúng con,” vì là một ‘công thức’, nên dễ bị đọc hay nghe một
cách máy móc. Chúng ta sẽ ý thức và xác tín trong từng tiếng vốn đầy mãnh lực
mà mình thốt lên ấy.
Cầu nguyện: Lạy Cha, xin ban
cho chúng con đức tin mạnh mẽ, lòng cậy trông vững vàng, và lòng mến yêu sâu sắc.
Chúng con nguyện xin, nhờ Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng con. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
Chúa Cha yêu mến anh em (12.5.2018 – Thứ bảy Tuần 6 Phục sinh)
Khi cầu xin nhân danh Thầy Giêsu,
chúng ta hiệp nhất với Thầy, nên lời xin của chúng ta dễ được Chúa Cha đoái nhận.
Suy niệm:
Allah là tên của Thiên
Chúa trong Hồi giáo.
Ngài được tôn kính bằng
99 danh hiệu khác nhau:
Đấng Tối cao, Đấng Nhân
hậu, Đấng Toàn năng, Đấng Vĩnh cửu…
Danh hiệu thứ 100 sẽ được
mặc khải ở đời sau.
Nhưng Allah không bao giờ
được gọi là Cha,
vì Ngài không sinh con.
Kitô giáo yêu mến Đức
Giêsu và tin Ngài là Con Thiên Chúa.
Thiên Chúa chính là Cha
của Đức Giêsu.
Đức Giêsu vẫn gọi Thiên
Chúa bằng tiếng Abba thân thương.
Cuộc đời Đức Giêsu nơi
trần gian giống như một cuộc ra đi và trở về.
Ngài từ Thiên Chúa Cha mà
đến thế gian (cc. 27-28),
rồi Ngài lại bỏ thế gian
mà đến cùng Chúa Cha, sau khi hoàn thành sứ vụ.
Sứ vụ của Ngài là vén mở
cho môn đệ về Chúa Cha (c. 25),
và đưa họ đi vào chỗ thân
tình gần gũi với Người Cha ấy.
Chúa Cha ở trong thế giới
thần linh,
nhưng thế giới ấy lại có
những cửa sổ mở ra với thế giới con người.
Trong bài Tin Mừng hôm
nay, Thầy Giêsu kêu mời các môn đệ
hãy mạnh dạn đến với Cha
và nài xin.
Đây là điều trước đây họ
chưa từng làm (c. 24a).
Đã đến lúc mạnh dạn đưa
ra những thỉnh nguyện nhân danh Thầy Giêsu.
Nhân danh Thầy Giêsu mà
xin cùng Chúa Cha
là điều vẫn nằm ở phần
cuối của mỗi lời nguyện trong Giáo Hội.
Khi cầu xin nhân danh
Thầy Giêsu, chúng ta hiệp nhất với Thầy,
nên lời xin của chúng ta
dễ được Chúa Cha đoái nhận.
Chúa Cha sẽ ban cho chúng
ta mọi sự nhân danh Đức Giêsu (c. 23).
Hơn thế nữa, chính Chúa
Cha cũng yêu mến chúng ta (c. 27),
và muốn cho chúng ta ơn
lớn nhất
là đi vào tương quan với
Ba Ngôi ngay từ khi còn sống ở trần gian.
“Cứ xin đi, anh em sẽ
được,
để niềm vui của anh em
nên trọn vẹn” (c. 24).
Khi sắp được về hưởng
niềm vui bên Chúa Cha (Ga 14, 28),
thấy các môn đệ buồn
phiền, Thầy Giêsu đã nói nhiều về niềm vui.
Thầy muốn chia sẻ cho
họ niềm vui của mình,
Ba lần Ngài nói đến niềm
vui trọn vẹn hứa ban cho họ (Ga 15,11; 16,24; 17,13).
Ngài còn hứa cho họ niềm
vui mà không ai sẽ lấy được (Ga 16, 22).
Chuẩn bị mừng lễ Chúa
Thăng Thiên, chúng ta xin được niềm vui đó,
niềm vui của những người
đã chạm đến trời cao.
Cầu nguyện:
Lạy Cha từ ái,
đây là niềm tin của con.
Con tin Cha là Tình yêu,
và mọi sự Cha làm đều vì yêu chúng con.
Cả những khi Cha mạnh tay cắt tỉa,
cả những khi Cha thinh lặng hay vắng mặt,
cả những khi Cha như chịu thua sức mạnh của ác nhân,
con vẫn tin Cha là Cha toàn năng nhân ái.
Con tin Cha không chịu thua con về lòng quảng đại,
chẳng để con thiệt thòi khi dám sống cho Cha.
Con tin rằng nơi lòng những người cứng cỏi nhất
cũng có một đốm lửa của sự thiện,
được vùi sâu dưới những lớp tro.
Chỉ một ngọn gió của tình yêu chân thành
cũng đủ làm đốm lửa ấy bừng lên rạng rỡ.
Con tin rằng chẳng có giọt nước mắt nào vô ích,
thế giới vẫn tồn tại
nhờ hy sinh thầm lặng của bao người.
Con tin rằng chiến thắng cuối cùng thuộc về Ánh sáng.
Sự Sống và Tình yêu sẽ chiếm ngự địa cầu.
Con tin rằng dòng lịch sử của loài người và vũ trụ
đang chuyển mình tiến về với Cha,
qua trung gian tuyệt vời của Chúa Giêsu
và sức tác động mãnh liệt của Thánh Thần.
Con tin rằng dần dần mỗi người sẽ gặp nhau,
vượt qua mọi tranh chấp, bất đồng,
mọi dị biệt, thành kiến,
để cùng nắm tay nhau đi qua sa mạc cuộc đời
mà về nhà Cha là nơi hạnh phúc viên
mãn.
Lạy Cha, đó là niềm tin của con.
Xin Cha cho con dám sống niềm tin ấy. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
12 THÁNG NĂM
Mệnh Lệnh Cuối Cùng
“Mọi quyền hành trên
trời và dưới đất đã được trao cho Thầy” (Mt 28, 18). Vào ngày thứ bốn mươi sau
phục sinh, sự sống mới nơi Đức Kitô biểu hiện chiều kích thiêng liêng của nó vượt
quá thời gian. Ngày Thăng Thiên, trọn vẹn uy quyền của Đức Kitô Phục Sinh đã được
mở ra cho thấy. Đó là “uy quyền trên trời và dưới đất”. Sức mạnh và uy quyền
đó, Đức Kitô đã có từ muôn thuở, vì Người là Con đồng bản tính với Chúa Cha.
Giê-su Na-da-rét, trong tư cách là một con người, đã chiến thắng xuyên qua thập
giá của Người; và Thiên Chúa Cha đã trao cho Người mọi quyền uy và sức mạnh.
Quyền hành ấy đến từ sức mạnh cứu độ.
Và với quyền hành ấy,
Đức Kitô đã trao cho các Tông Đồ mệnh lệnh cuối cùng của Người trên dương thế:
“Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép Rửa cho họ
nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều
Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế!”
(Mt 28, 19 – 20). Sứ mạng của các Tông Đồ là rao giảng Tin Mừng: “Như Cha đã
sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20, 21).
Khi chúng ta nghe những
lời ấy, những lời chứa đầy sức mạnh cứu độ của Đức Kitô, chúng ta nghĩ ngay đến
Nhóm Mười Hai là những người đầu tiên đã nghe lệnh truyền ấy.
Nhưng chúng ta không
thể tách rời mệnh lệnh này trong biến cố Thăng Thiên ra khỏi hoa trái của nó
trong đời sống Giáo Hội và trong lịch sử của các quốc gia và các dân tộc. Hoa
trái đó là sự cứu rỗi các linh hồn.
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 12/ 5
Thánh Nêrêô và
Thánh Achilêô, tử đạo
Thánh Pancratiô tử
đạo, Cv 18, 23-28; Ga 16, 23b-28.
Lời suy niệm: “Ngày ấy anh em sẽ nhân danh Thầy mà xin, và
Thầy không nói với anh em là Thầy sẽ xin Chúa Cha cho anh em. Thật vậy, chính
Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy, và tin rằng Thầy từ Chúa
Cha mà đến và Thầy đã đến thế gian. Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha.”
Đây là những lời Chúa
Giêsu nói một cách công khai, rõ ràng, không còn úp mở, không còn dùng ẩn dụ nữa,
nên chúng ta không còn phải suy nghĩ sâu xa, thảo luận, hay là suy diễn, để nhận
ra điều Chúa muốn nói. Mỗi người trong chúng ta khi đã thuộc về Chúa Giêsu, yêu
mến Người, tin Người từ Chúa Cha mà dến và trở về cùng với Chúa Cha, thì mọi lời
cầu xin của chúng ta có thể trực tiếp với Chúa Cha, và Chúa Cha vì yêu thương,
mà sẽ ban cho chúng ta những ơn cần thiết cho cuộc sống hôm nay và mãi mai sau.
Lạy Chúa Giêsu. Xin
cho chúng con ơn đức tin và lòng yêu mến Chúa, để chúng con được sống trong
tình yêu của Chúa Cha.
Mạnh Phương
12 Tháng Năm
Danh Dự Cho Ai
Văn sĩ Pháp
Alexandre Piron qua đời năm 1773, thường có thói quen đi dạo trong khu rừng
Boulogne giữa thủ đô Paris. Một ngày nọ, ông ngồi nghỉ trên một ghế đá tựa vào
một bức tường.
Chỉ một lát sau,
ông ngạc nhiên vô cùng, vì trong đám đông những người đang đi dạo trong khu rừng,
một vài người đến gần ông, ngả nón chào. Cũng có một vài người bái cả gối nữa.
Nhà văn mỉm cười đáp lễ cảm tình mà khách qua lại dành cho ông. Ông không ngờ rằng
ông được nhiều người mến mộ đến như thế. Ông mong sao một số bạn bè trong văn
giới chứng kiến được cảnh tượng này để thấy được vinh quang mà ông đã đạt được...
Nhà văn đang say với
bã vinh hoa thì chợt trong đám người đang bái chào ông, một lão bà để lộ một
thái độ khác thường. Cũng giống như mọi người khác, bà lão cúi chào, rồi tiến đến
gần ghế đá. Bà thì thầm nói trong miệng mà nhà văn không hiểu được, rồi ngước mắt
nhìn lên cao. Ngạc nhiên trước cử chỉ khác thường của bà lão, nhà văn cũng đưa
mắt nhìn lên cao phía trên tường. Lúc bấy giờ ông mới khám phá ra rằng trên đầu
ông có một tượng thánh giá... Thì ra, những người đi dạo trong khu rừng
Boulogne này dừng lại không phải để tỏ lòng mộ mến đối với ông, mà chính là tỏ
lòng cung kính đối với Chúa Giêsu trên thập giá.
Hổ thẹn vì sự khám
phá ấy, Alexandre Piron đứng dậy bỏ đi nơi khác.
Sở dĩ Chúa Giêsu đã có
thái độ gay gắt đối với những người biệt phái giả hình, là bởi vì họ muốn chiếm
đoạt chính Vinh dự của Thiên Chúa. Họ cũng giống như văn sĩ Alexandre Piron
trong câu chuyện trên đây: người ta đến bái chào Chúa Giêsu trên thập giá,
nhưng ông lại muốn dành cho mình vinh dự ấy. Những người biệt phái giả hình
cũng giống như con lừa mà Chúa Giêsu dùng để cưỡi vào thành Giêrusalem. Giữa những
tiếng reo hò dân chúng dành cho Chúa Giêsu, con lừa cứ nghĩ rằng nó là một anh
hùng oai phong lẫm liệt...
Khao khát danh vọng,
quyền bính là đam mê chung của mọi người. Ai cũng thích xuất hiện trước công
chúng, ai cũng thích được người đời ca tụng, ai cũng thích được phục vụ. Một
cách nào đó, người tham vọng không những dùng người khác như bàn đạp, mà còn tước
đoạt chính Vinh quang của Chúa...
Chúa Giêsu là con người
đã sống trọn vẹn cho tha nhân và do đó cũng quy mọi vinh dự về cho Thiên Chúa.
Thánh Phaolô đã nói với chúng ta rằng: là Thiên Chúa, Ngài đã không đòi cho được
đồng hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hủy bỏ mình đi để mặc lấy thân phận con người
và vâng phục cho đến chết.
Chúa Giêsu đã vạch cho
chúng ta con đường được sống trọn vẹn ơn gọi làm người: đó là sống cho Thiên
Chúa. Chỉ khi nào con người sống cho Thiên Chúa, thuộc về Thiên Chúa trong tất
cả mọi sự, con người mới đạt được chính cùng đích của mình. Sống cho Thiên Chúa
là luôn tìm thấy Thánh ý của Ngài, là hoạt động cho vinh quang của Ngài, là trở
thành khí cụ trong bàn tay của Ngài...
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét