Trang

Thứ Năm, 10 tháng 5, 2018

Đức Phanxicô viết lời giới thiệu cho cuốn sách mới của Đức Bênêđíctô XVI


Đức Phanxicô viết lời giới thiệu cho cuốn sách mới của Đức Bênêđíctô XVI
Vũ Văn An
07/May/2018

Theo Vatican News ngày 7 tháng 5, Đức Phanxicô đã viết lời nói đầu cho cuốn sách mới của Đức Giáo Hoàng Hưu Trí Bênêđíctô XVI. Đây là cuốn sách thứ hai của Đức Nguyên Giáo Hoàng viết về đức tin và chính trị.

Tựa là “Nền Tự Do Giải Phóng. Đức Tin và Chính Trị trong Đệ Tam Thiên Niên Kỷ”, cuốn sách được nhà Cantagalli xuất bản và sẽ được phát động tại Thượng Nghị Viện Ý, Sala Zuccari, ở Via della Dogana Vecchia thuộc Rôma, vào ngày 11 tháng 5 lúc 6 giờ tối.

Sau đây là nguyên văn lời giới thiệu của Đức Phanxicô: 

Mối liên hệ giữa đức tin và chính trị là một trong những chủ đề vĩ đại luôn là trọng tâm được sự chú ý của Joseph Ratzinger / Đức Bênêđictô XVI và xuyên suốt toàn bộ cuộc hành trình trí tuệ và nhân bản của ngài: kinh nghiệm trực tiếp của ngài về nền toàn trị Quốc Xã đã dẫn ngài, từ những năm đầu học thuật của ngài, tới chỗ suy nghĩ về các giới hạn của sự vâng phục đối với Nhà Nước có lợi cho sự tự do vâng phục Thiên Chúa: “Một trong các bản văn viết: Nhà nước không phải là toàn bộ sự hiện hữu của con người và không nắm được mọi hy vọng của con người. Nhân loại và niềm hy vọng của họ vượt ra ngoài thực tại Nhà nước và vượt ra khỏi lĩnh vực hành động chính trị. Điều này không chỉ áp dụng cho một nhà nước gọi là Babylon mà còn cho mọi loại nhà nước. Nhà nước không phải là toàn bộ (totality). Điều này làm nhẹ gánh nặng cho các chính trị gia và mở đường cho chính sách hợp lý. Nhà nước La Mã sai lầm và chống Kitô giáo chính bởi vì nó muốn là toàn bộ các khả thể và niềm hy vọng của con người. Do đó, nó đã đòi hỏi những gì nó không thể có; do đó nó đã rèn đúc và làm nghèo nhân loại. Với lời nói dối trá độc tài này, nó trở thành ma quái và chuyên chế.

Sau đó, cũng trên cơ sở này, cùng với Thánh Gioan Phaolô II, ngài đã khai triển và đề nghị một viễn kiến Kitô giáo về nhân quyền có khả năng tra vấn ở bình diện lý thuyết và thực hành, chủ trương độc tài của Nhà nước Mácxít và ý thức hệ vô thần mà Nhà Nước này vốn dựa vào.

Đối với Ratzinger, vì sự tương phản đích thực giữa chủ nghĩa Mácxít và Kitô giáo chắc chắn không phải do chủ trương ưu tiên chọn người người nghèo của Kitô giáo: “Chúng ta phải học - một lần nữa, không những ở bình diện lý thuyết, mà cả ở cách suy nghĩ và hành động nữa – rằng với sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong Giáo Hội và trong bí tích, còn có sự hiện diện thực sự khác của Chúa Giêsu nơi những người nhỏ bé, trong những người bị chà đạp của thế giới này, trong những người cuối hết, mà trong họ, Người muốn chúng ta tìm thấy Người”, ngay trong những năm bảy mươi, Ratzinger từng đã viết như thế với một sự sâu sắc thần học, mà cùng một lúc có thể truy cập ngay tức khắc, rất thích đáng đối với với một mục tử chân chính. Và, như ngài đã nhấn mạnh, sự tương phản đó, vào giữa thập niên tám mươi, thậm chí không được đưa ra vì thiếu ý thức về sự công bằng và tình liên đới trong Giáo Huấn của Giáo Hội; và do đó, “trong việc tố cáo tai tiếng bất bình đẳng rõ ràng giữa người giàu và người nghèo – bất kể đó là sự bất bình đẳng giữa các nước giàu và nghèo hoặc bất bình đẳng giữa các tầng lớp xã hội trong cùng lãnh thổ quốc gia không còn được dung thứ nữa”.

Ratzinger lưu ý rằng thay vào đó, và thậm chí trước lúc chủ nghĩa Mác xít đặt thiên đường xuống trái đất, tức sự cứu chuộc của con người ngay trên trái đất, thì sự tương phản sâu sắc đã được đưa ra bởi sự khác biệt một trời một vực trong chủ trương sự cứu chuộc nên xẩy ra cách nào: “Sự cứu chuộc xảy ra nhờ sự giải phóng khỏi mọi tùy thuộc, hay cách duy nhất để tiến tới giải phóng là sự tùy thuộc hoàn toàn vào tình yêu, một điều mới là tự do đích thực?».

Và như vậy, với một bước nhảy vọt ba mươi năm, ngài đã đồng hành với chúng ta trong việc hiểu rõ hiện tại của chúng ta, như một chứng từ cho sự tươi mát và sức sống không thay đổi trong suy tư của ngài. Ngày nay, trên thực tế, hơn bao giờ hết, hiện đang có cùng một cơn cám dỗ muốn bác bỏ bất cứ sự tùy thuộc nào vào tình yêu nếu không phải là thứ tình yêu đối với chính cái tôi của con người, đối với "cái tôi và những ham muốn của nó"; và, do đó, cái nguy của họa "thực dân hóa" các lương tâm bởi thứ ý thức hệ chuyên phủ nhận sự chắc chắn cơ bản này là loài người hiện hữu có nam có nữ, những người được trao cho nhiệm vụ truyền sinh; ý thức hệ này đi xa đến mức đặt kế hoạch và sản xuất ra các hữu thể nhân bản và - có lẽ vì một số mục đích nào đó được coi là "tốt" – cố gắng coi là hợp lý và hợp pháp việc loại bỏ những gì không còn được coi là tạo dựng, hiến tặng, thụ thai và hạ sinh mà chỉ là những gì do chính chúng ta làm ra.

Joseph Ratzinger cho chúng ta thấy một cách mạnh mẽ và có hiệu năng rằng những “quyền” xem ra có tính nhân bản trên, những quyền thực ra thẩy đều hướng tới sự tự hủy diệt của nhân loại, có một mẫu số chung duy nhất; mẫu số chung này hệ ở sự bác bỏ vĩ đại duy nhất này: chối bỏ sự tùy thuộc vào tình yêu, chối bỏ rằng đàn ông và đàn bà là các tạo vật của Thiên Chúa, được Người tạo dựng một cách yêu thương theo hình ảnh của Người và họ khao khát hình ảnh này như nai khao khát suối nước trong (Tv 41). Khi chúng ta phủ nhận sự tùy thuộc giữa tạo vật và Đấng tạo dựng này, mối liên hệ tình yêu này, chúng ta phủ nhận sự vĩ đại thực sự của con người, thành lũy của tự do và phẩm giá nơi họ.

Do đó, ngày nay, việc bảo vệ con người chống lại việc ý thức hệ giảm năng lực của họ, một lần nữa, chuyển qua việc lấy sự vâng phục của người đàn ông và của người đàn bà đối với Thiên Chúa làm giới hạn cho sự vâng lời của họ đối với Nhà Nước. Ngày nay, trong cảnh đổi thay thực sự của thời đại chúng ta, việc tiếp nhận thách thức này quả là để bảo vệ gia đình. Mặt khác, Thánh Gioan Phaolô II đã hiểu được ý nghĩa quyết định của vấn đề: vốn được gọi rất đúng là “Vị Giáo hoàng của gia đình”, ngài không hẳn tình cờ khi nhấn mạnh rằng “tương lai của nhân loại đi qua gia đình” (Familiaris Consortio, 86). Và dọc theo các đường hướng này, tôi cũng đã nhắc lại rằng “thiện ích gia đình có tính quyết định đối với tương lai của thế giới và của Giáo Hội” (Amoris Laetitia, 31).

Vì vậy, tôi đặc biệt vui mừng giới thiệu tập thứ hai của các văn bản được sưu tập do Joseph Ratzinger viết về "đức tin và chính trị". Cùng với bộ Opera Omnia đồ sộ của ngài, chúng có thể giúp mọi người chúng ta không những hiểu rõ hiện tại của mình và tìm được một định hướng vững chắc cho tương lai, mà còn là nguồn cảm hứng thực sự cho hành động chính trị, một hành động bằng cách đặt gia đình, tình liên đới và công bằng ở trung tâm sự chú ý và lên kế hoạch của nó, thực sự đã nhìn về tương lai với một tầm nhìn xa.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét