01/07/2020
Thứ tư tuần 13 thường niên
Bài Ðọc I: (Năm II) Am 5, 14-15. 21-24
"Ngươi hãy mang đi xa
Ta giọng hát, lời ca của ngươi, và hãy biểu lộ sự chính trực như suối chảy mạnh".
Trích sách Tiên tri Amos.
Các ngươi hãy tìm sự lành, và đừng tìm sự dữ,
để các ngươi được sống. Và như vậy, Chúa là Thiên Chúa các đạo binh sẽ ở cùng
các ngươi, như các ngươi đã nói. Các ngươi hãy ghét sự dữ, và yêu sự lành, hãy
lập công nơi cửa thành, như vậy có lẽ Chúa là Thiên Chúa các đạo binh, sẽ
thương xót những kẻ còn sót lại bởi chi tộc Giuse.
Ta khinh ghét và chê bỏ những ngày lễ trọng của
các ngươi. Ta không thèm ngửi mùi hương trong các kỳ hội của các ngươi. Nếu các
ngươi dâng cho Ta của lễ toàn thiêu và phẩm vật, Ta sẽ không chấp nhận. Ta cũng
không nhìn đến các lễ khấn tốt đẹp của các ngươi; ngươi hãy mang đi cho xa Ta
giọng hát, lời ca của ngươi. Ta sẽ không nghe tiếng đàn ca của ngươi. Sự công
minh sẽ biểu lộ như nước chảy, và sự chính trực như suối chảy mạnh.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 49, 7. 8-9. 10-11. 12-13. 16bc-17
Ðáp: Ai đi đường ngay thẳng,
Ta chỉ cho biết ơn Thiên Chúa cứu độ (c. 23b).
Xướng: 1) Hỡi dân tộc của Ta, hãy nghe Ta nói;
hỡi Israel, Ta sẽ chứng tỏ lời phản đối ngươi: Ta là Thiên Chúa, Ðức Thiên Chúa
của ngươi. - Ðáp.
2) Ta không khiển trách ngươi về chuyện dâng lễ
vật, vì lễ toàn thiêu của ngươi đặt ở trước mặt Ta luôn. Ta không nhận từ nhà
ngươi một con bò non, cũng không nhận từ đàn chiên ngươi những con dê đực. -
Ðáp.
3) Vì ta sở hữu mọi muông thú sơn lâm, và muôn
ngàn súc vật ở những miền non núi. Ta biết hết thảy mọi giống chim trời, và động
vật sống nơi đồng ruộng, Ta cũng rõ. - Ðáp.
4) Nếu Ta đói, Ta không phải nói với ngươi, vì
Ta là chủ địa cầu và mọi cái chứa đầy trong đó. Phải chăng Ta thèm ăn thịt bò,
hay là Ta thèm uống tiết dê ư? - Ðáp.
5) Tại sao ngươi ưa kể ra những điều huấn lệnh,
và miệng ngươi thường nói về minh ước của Ta? Ngươi là kẻ không ưa lời giáo huấn,
và ném bỏ lời Ta lại sau lưng? - Ðáp.
Alleluia: Tv 94, 8ab
Alleluia, alleluia. - Ước gì hôm nay các bạn
nghe tiếng Chúa, và đừng cứng lòng. - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 8,28-34
"Ông đến lúc này để
hành hạ các quỷ".
Bài trích Phúc Âm theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu lên thuyền sang bờ bên kia,
đến miền Giêrasa, thì gặp hai người bị quỷ ám từ các mồ mả đi ra, chúng hung dữ
đến nỗi không ai dám qua đường ấy.
Và chúng kêu lên rằng: "Lạy Ông Giêsu,
Con Thiên Chúa, chúng tôi có can chi đến ông? Ông đến đây để hành hạ chúng tôi
trước hạn định sao?"
Cách đó không xa có một đàn heo lớn đang ăn.
Các quỷ nài xin Người rằng: "Nếu ông đuổi
chúng tôi ra khỏi đây, thì xin cho chúng tôi nhập vào đàn heo".
Người bảo chúng rằng: "Cứ đi".
Chúng liền ra khỏi đi nhập vào đàn heo.
Tức thì cả đàn heo, từ bờ dốc thẳng, nhào xuống
biển và chết chìm dưới nước.
Các người chăn heo chạy trốn về thành, báo tin
ấy và nói về các người bị quỷ ám. Thế là cả thành kéo ra đón Chúa Giêsu. Khi gặp
Người, Họ xin Người rời khỏi vùng của họ.
Ðó là Lời Chúa.
Suy Niệm: Hai Mẫu Người
Chúa Giêsu đã đến với con người. Tin Mừng hôm
nay cho chúng ta thấy hai mẫu người, hai cách thức Chúa đến với họ.
Mẫu người thứ nhất có thể thấy được nơi hai
người bị quỉ ám. Họ là những con người bị đẩy ra bên lề xã hội và chính họ cũng
không làm chủ được trí khôn của mình nữa, họ không còn sống như một người bình
thường và bị người ta xa lánh. Chúa Giêsu đến với họ một cách bất ngờ, họ chưa
kịp xin Chúa chữa lành; vả lại họ cũng không thể xin, vì lúc đó họ đang bị quỉ
ám. Thế nhưng, Chúa đã chữa lành họ, Ngài cho phép quỉ nhập vào đàn heo gần đó.
Một phép lạ xẩy ra làm rúng động những người dân trong thành.
Mẫu người thứ hai là dân cư miền Gađara. Những
người này có đời sống vật chất đầy đủ và tiện nghi, nhưng dường như không có sự
hiện diện của Thiên Chúa. Chúa đến với họ qua dấu lạ chữa lành hai người bị quỉ
ám mà từ lâu họ đã chối từ, và sự kiện đàn heo bị quỉ nhập lao xuống biển chết
chìm. Chúa Giêsu đã thực hiện dấu lạ để kéo chú ý của người dân trong thành về
việc Chúa đến, nhưng họ đã bỏ mất cơ hội để tiếp xúc với Chúa và đón nhận ơn cứu
độ. Bởi vì, như Tin Mừng kể lại, sau khi gặp Ngài, họ xin Ngài rời khỏi vùng đất
của họ. Họ làm thế vì sợ phải gánh chịu những thiệt hại vật chất do sự hiện diện
của con người lạ lùng này. Những lợi lộc hay những thiệt thòi vật chất có thể
làm cho con người khép kín tâm hồn, trở nên mù quáng trước sự hiện diện yêu
thương, bình an và cứu rỗi của Chúa.
Xin Chúa cho chúng ta một tâm hồn thanh thoát,
biết mở rộng để đón nhận những dấu chỉ sự hiện diện của Chúa, để sẵn sàng đến gặp
Chúa, sống với Chúa và trở thành dụng cụ hữu hiệu của Chúa cho những người xung
quanh.
Veritas Asia
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Tư Tuần 13 TN2
Bài đọc: Amo 5:14-15, 21-24; Mt 8:28-34.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy
tìm điều lành chứ đừng tìm điều dữ.
Để làm điều lành và tránh điều dữ đòi con người
phải biết rõ đâu là điều lành và đâu là điều dữ; nếu không, có người đang làm
điều dữ mà cứ nghĩ đó là điều lành. Thứ đến, để thúc đẩy làm điều lành, con người
cần biết rõ những lợi ích sẽ gặt hái được, và những tai hại phải lãnh nhận khi
làm điều gian ác. Để biết những điều này, con người phải học hỏi; nhưng nhiều
người nại lý do quá bận không học hỏi. Hậu quả là họ phải lãnh nhận bao thiệt hại
vì không biết.
Các bài đọc hôm nay cho chúng ta một số ví dụ
để nhận ra đâu là điều lành và đâu là những sự gian ác. Trong bài đọc I, ngôn sứ
Amos tuyên bố cho con cái Israel biết: Nếu họ muốn được Thiên Chúa đoái thương
bảo vệ, họ phải sống công bằng và bác ái với tha nhân; nếu không, bao nhiêu lễ
vật họ dâng tiến và các lễ nghi trong Đền Thờ họ làm, chỉ là những điều trái mắt
và không làm đẹp lòng Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, những người miền Gadarenes tuy
nhận ra uy quyền trừ quỷ của Chúa Giêsu; nhưng lại không muốn Ngài ở với họ, vì
họ sợ phải chịu thiệt hại nặng nề. Họ không nhìn ra những lợi ích khi Chúa
Giêsu ở giữa họ. Họ coi trọng đàn heo hơn là sự lành mạnh linh hồn của hai người
anh em họ, và họ không hiểu những tai hại khi sống với ma quỉ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hãy
ghét điều dữ và chuộng điều lành.
1.1/ Sống công chính và làm điều lành là hai
điều kiện để được Thiên Chúa bảo vệ.
Điều không đúng mà nhiều người lầm tưởng: Cứ
là tín hữu, Thiên Chúa sẽ chúc lành và bảo vệ, mà không cần phải tuân giữ những
gì Ngài truyền dạy. Con cái Israel nghĩ Thiên Chúa sẽ chúc lành và bảo vệ họ,
vì họ là con cái của tổ phụ Giuse, người được Thiên Chúa bảo vệ và chúc lành. Họ
quên đi họ phải ăn ở tốt lành như cha ông họ mới được Thiên Chúa đoái thương tới.
Giuse là cha của Ephraim và Manasseh. Hai chi
tộc này chiếm phần lớn các đất đai và dân cư của vương quốc Israel; vì thế,
không chỉ những người của hai chi tộc này tự nhận họ là “con cháu của Giuse,”
hay thuộc “nhà Giuse,” mà ngay cả những người thuộc chi tộc khác trong vương quốc
cũng nghĩ như thế.
“Nơi cửa công, hãy thiết lập công lý” ám chỉ
nhiều bất công đã xảy ra trong các vụ xử kiện của người Do-thái, vua chúa và
các quan án của Israel đã bị mua chuộc để xử bất công với những người nghèo. Một
ví dụ dẫn chứng điều này là vụ xử kiện được bày mưu bởi bà hoàng hậu Jezebel để
tố gian và ném đá chết ông Naboth, để tước đoạt vườn nho của ông này.
1.2/ Đạo không chỉ là những lễ nghi và lễ vật
hy sinh bên ngoài.
Nhiều tín hữu và người Do-thái vẫn tin họ có
thể làm đẹp lòng Thiên Chúa bằng việc đi lễ và dâng lễ vật hy sinh, mà không cần
phải sửa đổi cuộc sống. Họ nghĩ một khi Thiên Chúa thấy họ tham dự lễ nghi sốt
sắng và bố thí chút tiền cho người nghèo, Ngài sẽ bỏ qua mọi tội lỗi cho họ.
Đây là một lỗi lầm tai hại mà Thiên Chúa vạch ra hôm nay qua lời của ngôn sứ
Amos: “Lễ lạc của các ngươi, Ta chán ghét khinh thường; hội hè của các ngươi,
Ta chẳng hề thích thú... những lễ vật của các ngươi, Ta không vui nhận, chiên
bò béo tốt các ngươi đem hiến tế, Ta chẳng đoái hoài. Hãy dẹp bỏ tiếng hát om
sòm của ngươi, Ta không muốn nghe tiếng đàn của ngươi nữa.”
Để có thể thực hiện lẽ phải, con người trước
tiên cần phải biết học hỏi để biết lẽ phải. Lẽ phải ở đây là sự thật được mặc
khải từ Thiên Chúa trong Sách Thánh; chứ không phải những tư tưởng hay cách sống
của thời đại. Thứ đến, Thiên Chúa đòi con người không chỉ biết lẽ phải, mà còn
phải thực hiện lẽ phải; nghĩa là, phải thực thi tất cả những gì Ngài dạy.
2/ Phúc Âm: Cả
thành ra đón Đức Giêsu, và khi gặp Người, họ xin Người rời khỏi vùng đất của họ.
2.1/ Chúa Giêsu đương đầu với quyền lực ma quỉ:
Trình thuật Matthew kể: “Khi Đức Giêsu sang bờ bên kia của Biển Hồ đến miền
Gadaranes, có hai người bị quỷ ám từ trong đám mồ mả ra đón Người; chúng rất dữ
tợn, đến nỗi không ai dám qua lại lối ấy. Gặp Chúa Giêsu, chúng la lên rằng:
"Hỡi Con Thiên Chúa, chuyện chúng tôi can gì đến ông? Chưa tới lúc mà ông
đã đến đây làm khổ chúng tôi sao?" Chúng ta cần chú ý hai điểm quan trọng
sau:
(1) Thiên Chúa và ma quỉ không thể ở chung: chỗ
nào có sự hiện diện của Thiên Chúa, là không có sự hiện diện của ma quỉ và ngược
lại. Ma quỉ biết Thiên Chúa sẽ tiêu diệt chúng vĩnh viễn trong Ngày Phán Xét.
Thời gian trước ngày đó, chúng được quyền cám dỗ con người. Đó là lý do chúng
nhắc khéo Chúa Giêsu là "chưa tới lúc" để Ngài tiêu diệt chúng.
(2) Kế hoạch của ma quỉ: Nhiều người thắc mắc
tại sao ma quỉ xin nhập vào đàn heo và tại sao chúng lại lao xuống biển? Câu trả
lời là chúng ta biết ma quỉ rất khôn ngoan, chúng đã có sẵn kế hoạch để dân
làng “mời” Chúa Giêsu đi khỏi!
2.2/ Sợ hãi mất lợi tức làm dân thành quyết định
thiếu khôn ngoan:
Trình thuật của Matthew không cho biết số lượng
của bầy heo lao xuống biển; trình thuật của Marcô cho biết số lượng khoảng
2,000 con. Nhiều tác giả thắc mắc lý do tại sao Chúa Giêsu cho quỉ nhập vào đàn
heo để gây thiệt hại cho dân làng như vậy. Chúng ta cần công bằng khi phán xét:
Chúa Giêsu không phải là lý do chính gây ra việc đàn heo lao xuống biển; ma quỉ
là nguyên nhân chính và chúng có uy quyền để gây ra thiệt hại cho đàn heo. Hơn
nữa, mục đích của chúng khi gây thiệt hại là để dân làng mời Chúa Giêsu đi khỏi,
để chúng có dịp tác hại dân làng.
Đây chỉ là một ví dụ trong muôn ngàn ví dụ dẫn
chứng con người hành xử thiếu khôn ngoan và không theo thứ tự ưu tiên của cuộc
đời.
(1) Mời Đức Kitô ra khỏi thành của họ: Mối
liên hệ giữa Thiên Chúa với con người phải là mối liên hệ được ưu tiên hàng đầu;
thế mà vì lợi nhuận vật chất, dân làng mời Chúa Giêsu ra khỏi làng của họ, để họ
tiếp tục sống dưới ảnh hưởng của quỉ thần. Chúng biết con người chỉ ham thích
những lợi lộc thấp hèn và sẽ dễ dàng sa vào bẫy của chúng. Một khi chúng đẩy được
Thiên Chúa ra khỏi con người, họ sẽ thuộc về chúng và làm theo những gì chúng
muốn.
(2) Coi linh hồn và sự an sinh của con người
thua kém một bầy heo: Mối liên hệ giữa con người với con người phải được đặt
trên những lợi lộc vật chất; thế mà dân làng không vui mừng vì hai con người được
chữa lành khỏi quỉ từ nay không gây thiệt hại cho dân làng nữa, nhưng buồn giận
vì đàn heo bị thiệt hại!
Hai điều này cho thấy dân làng đã hành xử thiếu
khôn ngoan vì họ sợ bị thiệt hại vật chất nếu Chúa Giêsu hiện diện. Họ không nhận
ra những ơn lành sẽ đến với họ qua việc Chúa Giêsu trục xuất quỉ thần.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân
thành thật đòi chúng ta phải thể hiện trong cuộc sống, chứ không phải chỉ đơn
thuần biểu lộ qua những lễ nghi bên ngoài.
- Chúng ta phải quí trọng linh hồn của tha
nhân hơn là những lợi lộc vật chất, vì mọi của cải thế gian sẽ qua đi trong khi
chỉ có linh hồn tồn tại mãi mãi.
Lm. Anthony ĐINH MINH
TIÊN, OP.
01/07/20 THỨ TƯ ĐẦU
THÁNG TUẦN 12 TN
Mt 8,28-34
Mt 8,28-34
CHỌN CHÚA HAY CHỌN THẾ
GIAN?
Các người chăn heo
chạy trốn vào thành, kể lại mọi sự, và những gì đã xảy ra cho những người bị quỷ
ám. Bấy giờ, cả thành ra đón Đức Giê-su, và khi gặp Người, họ xin Người rời khỏi
vùng đất của họ. (Mt
8,33-34)
Suy niệm: Để cứu
một con người khỏi xiềng xích của ma quỷ, để trả lại cho anh ta giá trị cao quý
của một con người, Chúa Giê-su đã không ngần ngại cho quỷ nhập vào đàn heo khiến
chúng lao hết xuống biển. Thế nhưng đối với những người dân miền Ga-đa-ra thì
cái giá đó là quá đắt. Họ thà để một người anh em của họ bị ma quỷ không chế
vùi dập còn hơn mất đi một đàn heo. Vì thế, khi chứng kiến phép lạ đó, tất cả
dân làng ra đón gặp Đức
Giê-su và xin Người rời khỏi vùng đất của họ. Có thể
họ cũng mong chờ một ngôn sứ hay một Đấng có uy quyền đến diệt trừ ma quỷ để họ
sống bình an. Nhưng họ không thể từ bỏ những giá trị vật chất của thế gian này
để đặt niềm tin vào Đức Giê-su Ki-tô.
Mời Bạn: Óc
thực dụng và tinh thần thế tục luôn là trở ngại lớn lao cho niềm tin vào Thiên
Chúa. Để cứu chuộc bạn, Thiên Chúa đã trả một cái giá rất đắt gấp bội phần; đó
là Ngài trao ban chính Con Một là Đức Giê-su Ki-tô để chịu chết đền tội cho bạn.
Bạn đã đáp trả và đón nhận tình yêu vĩ đại đó như thế nào? Nỗ lực
không ngừng để bước sát theo Chúa Giê-su hay chấp nhận lối sống theo chủ nghĩa
tương đối?
Sống Lời Chúa: Bạn hy
sinh thời gian, đến với Chúa trong Thánh Lễ hằng tuần hoặc nhiều hơn, mỗi ngày,
vì đó là “cái giá” thể hiện tình yêu của bạn với Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết theo sát Chúa hơn, yêu
Chúa hơn, sống cho Chúa hơn và cho con luôn tâm niệm như thánh Phao-lô: để trong mọi sự Chúa đứng hàng đầu (x. Cl 1,18).
(5 phút Lời Chúa)
Đi đi
Quỷ hấp dẫn con người bằng quyền lực và tri thức của chúng. Nhưng thực sự
chúng là kẻ thù không đội trời chung của con người.
Suy niệm:
Theo cha Gabrielle Amorth, vị trừ quỷ chính của
giáo phận Rôma,
“số người bị quỷ ám đã gia tăng rất nhiều.”
Trong vòng tám năm, chính cha đã trừ cho hơn
hai mươi ngàn trường hợp.
Con số kinh khủng này hẳn là một nhắc nhở cho
những ai nghĩ rằng
quỷ vắng bóng trong thế giới của khoa học kỹ
thuật,
quỷ chỉ là huyền thoại của thế giới cách đây
hai ngàn năm thời Đức Giêsu,
hay quỷ ám thật ra chỉ là bệnh thần kinh vào
thời y khoa chưa phát triển.
Trong cuộc hội kiến vào tháng 8-1986, Đức
Gioan Phaolô đã nói
sự hiện diện của quỷ trong thế giới “ngày càng
trở nên ghê gớm hơn
khi con người và xã hội quay lưng với Thiên
Chúa.”
Tin Mừng hôm nay là trình thuật đầu tiên về trừ
quỷ của thánh Mátthêu.
Chuyện này đã được Máccô kể lại với nhiều chi
tiết hấp dẫn hơn (Mc 5, 1-20).
Nhưng trong Mátthêu, khuôn mặt Đức Giê su lại
nổi bật hơn nhiều.
Ngài đã cùng với các môn đệ qua bờ bên kia sau
khi gặp cơn bão biển.
Khi Ngài đến vùng đất của người Gađara, ở phía
đông nam Hồ Galilê,
hai người bị quỷ ám từ mồ mả đi ra, đến gặp
Ngài (c. 28).
Mồ mả là nơi dành cho người chết, nơi bị coi
là nhơ uế, nơi của thần dữ.
Có hai nét giúp ta nhận ra sự hiện diện của quỷ
nơi những người bị ám.
Họ rất dữ tợn đến nỗi không ai dám qua lại con
đường ấy (c. 28).
Họ nhận biết ngay Đức Giêsu là Con Thiên Chúa
(c. 29).
Sức mạnh kinh khủng và sự hiểu biết lạ lùng là
thế mạnh của thần dữ.
Nhưng đây cũng là điểm yếu của quỷ khi đứng
trước Đức Giêsu.
Chính vì thế chúng hoảng sợ khi thấy mình bị
đe dọa:
“Chưa tới lúc mà ông đã đến đây hành hạ chúng
tôi sao?”
Đức Giêsu đến sớm quá và khiến cho quyền lực của
chúng phải sụp đổ.
Khi đọc bài Tin Mừng này, chúng ta thường có
nhiều câu hỏi.
Tại sao quỷ lại xin nhập vào đàn heo? Tại sao
Đức Giêsu lại đồng ý?
Đàn heo chết đuối thì quỷ ra sao? Phải đền người
chủ đàn heo thế nào?
Mátthêu có vẻ không quan tâm đến những câu hỏi
ấy.
Điều ông quan tâm là làm nổi bật quyền năng của
Đức Giêsu.
Chỉ một lời Ngài phán: “Đi !” là đuổi được quỷ
ra khỏi hai người.
Nước Trời đến đem lại bình an cho hai người quỷ
ám ở trong mồ mả,
và cho những ai qua lại lối đi ấy.
Không thấy các người dân ngoại chăn heo kêu ca
về chuyện mất đàn heo,
nhưng họ lại trở nên những người loan báo cho
dân thành về mọi chuyện.
Tiếc là dân thành đã không muốn đón tiếp Ngài.
Quỷ hấp dẫn con người bằng quyền lực và tri thức
của chúng.
Nhưng thực sự chúng là kẻ thù không đội trời
chung của con người.
Chúng phân ly con người, đẩy người sống vào mộ
người chết,
biến con người thành mối đe dọa cho con người
(c. 28).
Chúng thích có mặt ở đàn vật ô uế, thích gieo
vãi sự ô uế khắp nơi (c. 31).
Xin Chúa cho ta thấy được sự lộng hành của quỷ
dữ trong thế giới hôm nay.
Và xin Chúa cứu ta khỏi nanh vuốt của ác thần.
Cầu nguyện:
Lạy Cha,
thế giới hôm nay cũng như
hôm qua
vẫn có những người bơ vơ lạc
hướng
vì không tìm được một người
để tin ;
vẫn có những người đã chết từ
lâu
mà vẫn tưởng mình đang sống
;
vẫn có những người bị ám ảnh
bởi thần ô uế,
ô uế của bạc tiền, của tình
dục, của tiếng tăm;
vẫn có những người mang đủ
thứ bệnh hoạn,
bệnh hoạn trong lối nhìn, lối
nghĩ, lối sống ;
vẫn có những người bị sống
bên lề xã hội,
dù không phải là người phong...
Xin Cha cho chúng con nhìn
thấy họ
và biết chạnh lòng thương
như Con Cha.
Nhưng trước hết,
xin cho chúng con
nhìn thấy chính bản thân
chúng con.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
1 THÁNG BẢY
Đấng Cầm Quyền Tối Cao Luôn Ân Cần Săn Sóc
Các biểu tượng cổ xưa của đức tin và của truyền thống Kitô giáo diễn tả
chân lý về sự quan phòng bằng từ La tinh “omni-tenens” (nắm giữ tất cả)
– ứng với từ Hi lạp “panto-krator” (cai quản tất cả). Tuy nhiên, những ý
niệm ấy vẫn chưa nói được gì so với sự hàm súc và vẻ đẹp của hình ảnh người mục
tử trong Thánh Kinh. Hình ảnh người mục tử là một hình ảnh đầy ấn tượng có sức
mạc khải chân lý về sự quan phòng thần linh.
Thật vậy, người mục tử là một người cầm quyền đầy quan tâm, thực hiện một
kế hoạch đời đời đầy khôn ngoan và yêu thương qua việc cai quản thế giới tạo vật
và nhất là xã hội loài người (Vat. II, TDTG số 3). Đó là một quyền bính đầy cẩn
trọng, bao gồm cả quyền lực lẫn lòng nhân.
Theo bản văn của Sách Khôn Ngoan mà Công Đồng Vatican I trích dẫn, quyền
bính ấy “vươn rộng từ chân trời này tới chân trời kia, cai quản mọi sự thật tốt
đẹp” (Kn 8,1). Nghĩa là, nó bao trùm lấy, nâng đỡ, bảo vệ, và – một cách nào đó
– nó nuôi dưỡng nữa. Quyền bính đó chính là Thiên Chúa chúng ta, Đấng săn sóc
chúng ta như mục tử săn sóc đàn chiên của mình.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 01-7
Am 5,14-15.21-24; Mt 8, 28-34
LỜI SUY NIỆM: “Và kìa, cả thành ra đón Đức Giêsu, và khi gặp Người, họ xin Người rời
khỏi vùng đất của họ.”
Trong câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành cho hai người bị quỷ ám, mà phải
hy sinh một đàn heo phải chết, Dân miền Ga-đa-ra đã xin Người rời khỏi vùng đất
của họ. Điều này cũng đang đòi hỏi về lương tâm của mỗi người. Trong Sách Giáo
Lý của Hội Thánh Công Giáo số 1778 cho chúng ta biết được: “Lương tâm là một thứ
tòa án, một cơ quan bên trong – Từ đó chúng ta cảm nhận sự ưng thuận hay khước
từ, phán đoán tích cực hay tiêu cực về thái độ và hành động của con người.” Đối
với ngườ Kitô hữu chúng ta có “Lề Luật”. tiếng nói của Lề Luật đó luôn luôn kêu
gọi con người yêu mến và làm điều tốt cũng như tránh điều xấu, vào lúc cần thiết,
tiếng nói đó vang lên trong trái tim con người” (GLHTCG 1776).
Lạy Chúa Giêsu, Lời Chúa là Ánh Sáng soi đường chúng con đi. Lề luật
Chúa dẫn đưa chúng con vào sự sống. Xin Chúa ban cho mọi thành viên trong gia
đình chúng con có lương tâm được đặt trên hai nền tảng này, để sống cho mình và
sống với tha nhân.
Mạnh Phương
01 Tháng Bảy
Một Cách Trả Thù
Những người thổ dân Nam Phi thường đề cao sự tha thứ bằng câu chuyện sau
đây:
Có hai người thổ dân rất thù ghét nhau. Một ngày kia,
một trong hai người gặp cô gái nhỏ của kẻ thù mình trong rừng. Hắn đã bắt lấy
cô gái và lấy dao chặt đứt hai ngón tay của cô bé. Cô bé vừa chạy về vừa khóc
lóc đau đớn, còn tên hung thủ thì vừa đi vừa đắc trí hô lớn: "Ta đã trả
thù được rồi".
Mười mấy năm sau, cô bé đáng thương ấy đã lớn lên rồi
có gia đình. Một hôm, có một người ăn xin đến gõ cửa nhà cô. Cô nhận ra tức khắc
người hành khất chính là kẻ đã chặt tay cô cách đây mười mấy năm. Không một
chút oán hờn, không một lời trả đũa, cô vội vàng vào nhà và mang thức ăn ra hầu
hạ cho kẻ đã từng hành hạ mình. Khi người hành khất đã ăn no rồi, người đàn bà
liền đưa bàn tay cụt mất hai ngón cho ông ta xem và nói: "Tôi cũng đã trả
được thù rồi".
"Lấy ân trả oán": đó phải là phương châm hành động của người
Kitô chúng ta. Không có cách trả thù nào cao quý hơn bằng yêu thương, tha thứ
cho chính kẻ thù. Nói như thánh Phaolô, chúng ta không mắc nợ với nhau đều gì
ngoài tình thương mến.
Chỉ có tình thương, chỉ có lòng tha thứ mới có thể tiêu diệt được hận
thù, lấy bạo động để tiêu diệt bạo động: con người chỉ đổ thêm dầu vào hận thù
và bạo động mà thôi.
Cuộc cách mạng bạo động và đẫm máu nào cũng chỉ mang lại tang thương, chết
chóc và không biết bao nhiêu hệ lụy khổ đau khác.
Chỉ có một cuộc cách mạng duy nhất có thể cứu vãn được nhân loại: đó là
cuộc cách mạng mà Chúa Giêsu đã đề ra. Chỉ có cuộc cách mạng tình thương ấy mới
có thể tiêu diệt được hận thù. Ðó là cuộc cách mạng mà người Kitô chúng ta cần
phải đeo đuổi mỗi ngày. Thay vì tiêu diệt kẻ thù, chúng ta hãy tiêu diệt chính
sự thù hận trong tâm hồn chúng ta.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét