Trang

Thứ Năm, 25 tháng 6, 2020

26-06-2020 : THỨ SÁU - TUẦN XII THƯỜNG NIÊN


 26/06/2020
 Thứ Sáu tuần 12 thường niên


BÀI ĐỌC I:     2 V 25, 1-12
“Cả dân Giuđa bị di chuyển khỏi lãnh thổ mình”.
Trích sách Các Vua quyển thứ hai.
Ngày mồng mười tháng mười năm thứ chín triều đại Sêđêcia đã xảy ra như thế này: Nabucôđônôsor vua Babylon kéo cả đạo quân tấn công Giêrusalem, dựng trại quanh thành và đào hầm quanh tường thành. Thành bị bao vây cho tới năm thứ mười một đời vua Sêđêcia. Ngày mồng chín tháng tư, nạn đói hoành hành trong thành, dân chúng không còn bánh ăn. Tường thành bị chọc thủng một khoảng, thừa đêm tối tất cả các chiến sĩ chạy trốn qua lối cửa giữa hai tường, gần vườn vua. Khi ấy, quân Calđê vẫn bao vây thành. Vậy vua Sêđêcia chạy trốn qua con đường đi Araba. Nhưng quân Calđê đuổi theo kịp vua tại cánh đồng Giêricô: tất cả các chiến sĩ hộ tống vua đều bỏ vua mà chạy tứ tán.
Sêđêcia bị bắt và điệu về cho vua Babylon đang ngự tại Rebla: vua này tuyên án xử ngài; rồi truyền giết các con của Sêđêcia ngay trước mặt ngài, truyền khoét mắt vua và xiềng vua dẫn về Babylon.
Ngày mồng bảy tháng năm, chính là năm thứ mười chín triều đại vua Babylon, Nabuzarđan tướng quân, cận thần vua Baby-lon, đến Giêrusalem: đốt đền thờ Chúa, đền vua, và tất cả các nhà ở Giêrusalem. Tất cả các nhà đồ sộ, ông nổi lửa đốt hết. Quân binh Calđê đang ở với tướng quân, triệt hạ tường thành bao quanh Giêrusalem.
Nabuzarđan tướng quân bắt đi phần dân còn sót trong thành, cả những kẻ trốn theo vua Babylon và tất cả những người khác. Còn hạng cùng đinh chỉ để lại (làm) những kẻ trồng nho và những người làm ruộng. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 136, 1-2. 3. 4-5. 6
Đáp:  Lưỡi tôi dính vào cuống họng, nếu tôi không nhớ đến ngươi (c. 6a).
Xướng:
1) Trên bờ sông Babylon, chúng tôi ngồi khóc nức nở khi tưởng nhớ đến núi Sion. Trên những cây dương liễu miền đó, chúng tôi treo các cây lục huyền cầm của chúng tôi. – Đáp.
2) Vì nơi này, quân canh ngục đòi chúng tôi vui vẻ hát lên. Họ giục chúng tôi rằng: “Hãy vui mừng; hãy hát cho chúng ta nghe điệu ca Sion”. – Đáp.
3) Lẽ nào chúng tôi ca hát ngợi khen Thiên Chúa trên đất khách quê người? Hỡi Giêrusalem, nếu tôi lại quên ngươi, thì cánh tay tôi sẽ bị khô đét. – Đáp.
4) Lưỡi tôi dính vào cuống họng nếu tôi không nhớ đến ngươi, nếu tôi không đặt Giêrusalem trên tất cả mọi niềm vui thoả. – Đáp.

ALLELUIA: Ga 8, 12
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống”. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mt 8, 1-4
“Nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa tôi được sạch”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi Chúa Giêsu ở trên núi xuống, đám đông dân chúng theo Người. Có một người cùi đến lạy Người mà thưa rằng: “Lạy Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa tôi được sạch”. Chúa Giêsu giơ tay ra chạm đến anh ta và phán: “Ta muốn. Anh hãy lành bệnh”. Tức thì anh ta liền lành khỏi bệnh phong cùi. Chúa Giêsu phán bảo anh ta: “Hãy ý tứ, đừng nói với ai. Hãy đi trình diện với tư tế và dâng của lễ theo luật Môsê để minh chứng cho họ biết”. Đó là lời Chúa.


Suy Niệm : Chữa người phong cùi
Cho đến thế kỷ 20, bệnh phong cùi vẫn còn là một huyền thoại đối với con người. Một bác sĩ làm việc tại một trại Y khoa bên Ấn Ðộ đã tình cờ khám phá ra rằng người mắc bệnh phong cùi không cảm thấy đau đớn trong những tế bào đã bị vi trùng xâm nhập. Ngày nọ, ông không thể mở được cửa phòng, ông mới trao chìa khóa cho cô bé 12 tuổi. Ông không ngờ nó đã vặn chìa khóa một cách dễ dàng. Xem xét những ngón tay của nó, ông nhận thấy chìa khóa đã làm mất đi một mảng thịt trong lòng bàn tay và chạm đến xương, thế mà nó không cảm thấy đau đớn.
Nhờ khám phá này, viên bác sĩ đã giúp cho những người phong cùi biết cách đề phòng để tránh gây thương tích cho thân thể của họ. Ông đã giải phẫu những giây thần kinh của bàn tay và dạy họ cách điều khiển các cơ bắp của bàn tay. Ông cũng giải phẫu mũi của bệnh nhân để mang lại cho họ một gương mặt dễ coi hơn. Ngoài ra, ông cũng khám phá ra rằng những người mắc bệnh phong cùi dễ bị mù mắt, lý do vì họ không còn cảm nhận được đau đớn khi những chất dơ bẩn xâm nhập vào mắt, nhờ đó ông cũng giúp họ lo vệ sinh mắt một cách chu đáo hơn. Với những khám phá này, ông đã đánh đổ được huyền thoại cho rằng phong cùi là căn bệnh bất trị.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng đánh đổ được huyền thoại của người đương thời với Ngài về bệnh phong cùi. Thật thế, trong quan niệm của người Do Thái lúc đó, bệnh tật là một hình phạt trực tiếp của Thiên Chúa đối với tội lỗi của con người. Người mắc bệnh phong cùi là người đã từng mắc tội ác khủng khiếp đến độ đã bị Thiên Chúa trừng phạt nặng nề. Thế nên, khi bị đẩy ra bên lề xã hội, người phong cùi không những chịu đớn đau trong thân xác, mà còn phải gánh chịu sự tủi nhục do người đồng loại gây ra. Khi chữa lành người phong cùi, Chúa Giêsu muốn nói rằng Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương con người và chính tình yêu là sức mạnh chữa trị bệnh tật cho con người.
Sứ điệp ấy của Chúa Giêsu, trải qua các thế hệ, đã có biết bao nhiêu người chuyển đạt và thực thi cho những người phong cùi trên khắp thế giới. Những bàn tay săn sóc, những lời nói an ủi, và nhất là sự hiện diện chia sẻ bên cạnh các người phong cùi. Tất cả những cử chỉ ấy là để khẳng định với những người phong cùi rằng Thiên Chúa yêu thương họ.
Tất cả chúng ta đều cảm nghiệm được rằng những đau đớn thân xác không xâu xé và đè bẹp con người cho bằng nỗi cô đơn và bị bỏ rơi. Bệnh phong cùi là tột điểm của nỗi cô đơn mà con người có thể rơi vào. Tựu trung, cô đơn cũng đồng nghĩa với vắng bóng tình yêu.
Không có cơ hội hoặc không đủ can đảm để phục vụ những người phong cùi, thì ít ra chúng ta xin Chúa cho chúng ta có thể mang lại sứ điệp yêu thương của Chúa đến mọi người, nhất là những ai đang sống trong cô đơn thử thách.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)



Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần 12 TN2, Năm Chẵn
Bài đọc2 Kgs 25:1-12; Mt 8:1-4.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa luôn thi hành những gì Ngài đã nói.
Lịch sử Cựu Ước là một chứng minh uy quyền của Thiên Chúa và sự bất trung của con người. Thiên Chúa hứa sẽ bảo vệ dân bao lâu họ chịu lắng nghe và tuân giữ những gì Ngài dạy; nhưng nếu họ không vâng lời, Thiên Chúa chẳng cần phải ra tay sửa phạt, Ngài chỉ không bảo vệ họ nữa, là bàn tay quân thù chung quanh sẽ đè nặng và tiêu diệt dân tộc Israel. Trước khi để quân thù sửa phạt, Thiên Chúa luôn gởi các ngôn sứ đến để cảnh cáo và kêu gọi trở lại với tình yêu đích thật.
Các bài đọc hôm nay đưa ra cho chúng ta hai tấm gương của những người bất trung và trung thành với Thiên Chúa. Trong bài đọc I, Đức Chúa để cho vua Babylon san phẳng thành Jerusalem với các dinh thự và Đền Thờ, đúng như lời Ngài đã cảnh cáo qua miệng các ngôn sứ. Vua quan, các nhà quí tộc, và hầu hết dân thành bị đem đi lưu đày tại Babylon. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tỏ tình yêu thương và chữa lành cho một người cùi bằng cách động đến anh. Chúa truyền cho anh đi trình diện các tư tế và dâng lễ vật như Luật truyền.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Jerusalem bị hoàn toàn phá hủy.
1.1/ Vua Zedekiah chống cự lại đế quốc Babylon.
Tuy đã chứng kiến lần thất bại thứ nhất và cảnh vua Jehoiachin cùng cả hoàng tộc cũng như quân quốc bị đày sang Babylon lần thứ nhất, vua Zedekiah vẫn không chịu ăn năn sám hối và tin tưởng nơi Đức Chúa. Nhà vua gởi sứ giả sang Ai-cập cầu viện để có sức mạnh quân sự chống lại đế quốc Babylon (Eze 17:11-21). Chuyện này đến tai vua Babylon.
“Ngày mồng mười tháng mười, năm thứ chín triều Zedekiah (588 BC), Nebuchadnezzar, vua Babylon, cùng toàn thể đạo quân tiến đánh Jerusalem. Vua đóng trại và đắp chiến luỹ chung quanh để đánh thành. Thành bị vây hãm cho đến năm thứ mười một triều vua Zedekiah. Vào mồng chín tháng tư, nạn đói hoành hành trong thành, và không có bánh cho dân trong xứ.”
Tuy Jerusalem là một thành trì rất kiên cố; nhưng nếu bị bao vây trong hai năm trời, toàn thể nguồn lương thực sẽ bị tiêu tan. Để thoát thân, vua Zedekiah chọc thủng một lỗ. Đây có lẽ tác giả muốn nói tới kênh đào Siloam, chỗ cung cấp nước cho cả thành Jerusalem, nằm gần thành David (Neh 3:15). Từ đó, người ta có thể đi xuống thung lũng Kidron và đi về Jericho trước khi xuôi Nam xuống vùng Arab.
“Đang đêm, tất cả các binh lính đi ra theo con đường cửa giữa hai bức tường, gần vườn của vua, rồi họ đi theo con đường hướng tới Arabah… Đạo quân Chaldeans rượt theo và đuổi kịp vua trong vùng thảo nguyên Jericho; toàn thể đạo quân của vua bỏ vua chạy tán loạn. Chúng bắt vua và đem lên Riplah gặp vua Babylon, chúng tuyên án kết tội vua. Chúng cắt cổ những người con của vua Zedekiah trước mắt vua cha. Rồi vua Babylon đâm mù mắt vua Zedekiah, lấy hai dây xích đồng xiềng vua lại và điệu về Babylon.”
1.2/ Jerusalem bị phá hủy bình địa.
“Ngày mồng bảy tháng năm, đó là năm thứ mười chín triều Nebuchadnezzar, vua Babylon, quan chỉ huy thị vệ Nebuzaradan, thuộc hạ của vua Babylon, vào Jerusalem. Ông đốt Nhà Đức Chúa, đền vua và mọi nhà cửa ở Jerusalem; ông còn phóng hoả đốt mọi dinh thự các nhà quyền quý. Toàn thể đạo quân Chaldeans, dưới quyền quan chỉ huy thị vệ, phá huỷ các tường thành chung quanh Jerusalem. Quan chỉ huy thị vệ Nebuzaradan bắt những người dân còn sót lại trong thành, những người đã đào ngũ theo vua Babylon, và những người thợ thủ công còn sót lại phải đi đày. Nhưng quan chỉ huy thị vệ chừa lại một phần dân cùng đinh trong xứ để trồng nho và canh tác.”
2/ Phúc Âm: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.”
2.1/ Phép lạ Chúa chữa người phong hủi:
(1) Người phong hủi biết cách xin: Ông tiến lại, bái lạy Người và nói: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Chỉ với câu một ngắn ngủi, ông đã lột tả được hai điều quan trọng:
+ Ông luôn sẵn sàng vâng theo thánh ý Thiên Chúa: Khi nói “nếu Ngài muốn,” ông cũng biết điều đối ngược có thể xảy ra là Thiên Chúa có thể không muốn, và ông sẵn lòng vâng theo thánh ý Thiên Chúa để chịu bệnh. Con người không biết chuyện tương lai nên không biết cách xin làm sao cho đúng; vì thế, điều khôn ngoan là cứ việc xin, nhưng phải khôn ngoan cho thêm câu như người phong hủi hôm nay “nếu Ngài muốn.” Lý do: có thể những điều con người muốn sẽ đưa họ đến chỗ thiệt hại hơn; chẳng hạn, nguy hiểm cho phần linh hồn. Thiên Chúa biết những gì ích lợi cho con cái, Ngài sẽ ban điều tốt nhất cho những ai tin tưởng tuyệt đối vào Ngài.
+ Ông tin Chúa Giêsu có thể làm được mọi sự: Khi nói “Ngài có thể làm cho tôi được sạch,” người phong hủi không một chút nghi ngờ quyền năng của Chúa Giêsu. Đây là điều kiện tiên quyết để được lành bệnh, như Chúa Giêsu vẫn thường đòi hỏi nơi bệnh nhân.
(2) Phản ứng của Chúa Giêsu: Thấy cách biểu lộ niềm tin và lối sống của người phong hủi, Chúa Giêsu giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi.” Lập tức, anh được sạch bệnh phong hủi.
Đây là hành động rất can đảm và biểu lộ lòng thương xót của Chúa Giêsu, vì Lề Luật ngăn cấm không cho sự tiếp xúc giữa người lành mạnh và người bị phong hủi. Khi Chúa Giêsu giơ tay đụng anh, Ngài đã làm cho mình trở nên không thanh sạch. Người không thanh sạch bị ngăn cấm không được vào Đền Thờ; nhưng lòng thương xót của Chúa Giêsu dành cho anh đã thắng vượt tất cả những ràng buộc của Lề Luật. Tiên tri Isaiah diễn tả rất hay về lòng thương xót như sau: ”Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta” (Isa 53:4a).
2.2/ Lệnh truyền của Chúa Giêsu:
(1) “Coi chừng, đừng nói với ai cả:” Thông thường, nhiều người sẽ không hiểu tại sao Chúa Giêsu ngăn cấm anh không được tiết lộ; lẽ ra phải để anh rao truyền quyền năng của Chúa Giêsu để giúp nhiều người tin vào Ngài. Lý do Chúa Giêsu ngăn cấm anh vì Chúa không muốn dân chúng tin Ngài như một Đấng Thiên Sai uy quyền như truyền thống vẫn tin; nhưng là một Đấng Thiên Sai chịu đau khổ để cứu độ con người.
(2) ”Hãy đi trình diện tư tế và dâng của lễ, như ông Moses đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.” Ngày xưa, xã hội không có bác sĩ như bây giờ; các tư tế có bổn phận khám xét những người bị bệnh phong, để tuyên bố một người có bệnh hay được lành bệnh. Bệnh phong không những nghiêm trọng về thể lý vì tính hay lây; nhưng còn nghiêm trọng hơn trong việc tế lễ. Lề Luật không cho phép người bị bệnh phong vào Đền Thờ dâng của lễ, vì họ được xếp vào hạng người không sạch. Khi tư tế tuyên bố người mắc bệnh đã lành, anh phải dâng của lễ tạ ơn như Lề Luật truyền (Lev 14:4-5).
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta cần có một niềm tin vững mạnh nơi Thiên Chúa trong mọi trạng huống của cuộc đời, vì mọi sự đều có thể xảy ra dưới bàn tay uy quyền của Ngài.
– Không phải những điều chúng ta xin đều đẹp ý Ngài; vì thế, hãy mở lòng để đón nhận lời từ chối của Thiên Chúa, và can đảm vâng theo thánh ý Ngài.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


26/06/2020 – THỨ SÁU TUẦN 12 TN
Mt 8,1-4


MUỐN ĐƯỢC CHỮA LÀNH
Ngài giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh hãy sạch.” (Mt 8,3)
Suy niệm: Bệnh phong được coi như tiêu biểu cho sức tác hại của tội lỗi, ngay trong thân xác người ta. Như người bệnh phong mất dần cảm giác đau đớn khi vi trùng Hansen ăn dần ăn mòn các đốt ngón tay, ngón chân của họ, con người tội lỗi cũng sẽ mất dần ý thức về tội đến mức họ chai lỳ sống hoài trong tội lỗi mà vẫn bình chân như vại khi họ để cho vi trùng tội lỗi càng ngày càng xâm nhập sâu vào linh hồn. Đức Giê-su đã làm cho người phong được sạch, và Ngài còn yêu cầu người được chữa lành đi trình diện tư tế để chứng nhận sự lành sạch của mình. Cũng thế, Đức Giê-su chứng tỏ Ngài có quyền giải thoát người ta khỏi tội lỗi, nhưng Ngài muốn chúng ta đến với bí tích hoà giải chẳng những để được tẩy sạch tội lỗi mà còn để phục hồi ý thức về sự thánh thiện qua thái độ thành thực sám hối ăn năn.
Mời Bạn: Để phòng tránh bệnh phong của linh hồn là mất đi sự nhạy cảm thiêng liêng trước tội lỗi đó, bạn hãy để Chúa Giê-su đụng đến bạn bằng Lời Hằng Sống của Ngài mà mỗi ngày bạn nghe, bạn suy niệm.
Chia sẻ: Có tình trạng mất ý thức về tội lỗi nơi con người ngày nay không? Mời bạn thảo luận về đề tài đó.
Sống Lời Chúa: Để ngăn chăn mọi mầm mống tội lỗi, mỗi tối dành ít phút xét mình dưới ánh sáng của Lời Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con không thể lành sạch nếu Chúa không chạnh lòng thương, đụng đến và chữa lành. Xin cho con luôn ý thức hơn trước những lỗi lầm con đã vấp ngã và sẵn sàng để Chúa giáo huấn bằng mọi biến cố đời con hầu con được thanh luyện và trở nên tốt hơn. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)

SUY NIỆM : Nếu Ngài muốn
Suy niệm:

Sau Bài Giảng trên núi thì đây là phép lạ đầu tiên của Đức Giêsu
trong chuỗi mười phép lạ ở chương 8 và 9 của Tin Mừng Mátthêu.
Người phong chẳng rõ từ đâu đã dám lại gần Đức Giêsu,
dù lẽ ra anh không được phép làm như thế (Lv 13, 45-46).
Ai đã nói cho anh về Ngài, ai đã dạy anh bái lạy và khấn xin ?
‘Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm tôi được sạch” (c. 2).
Một lời cầu xin mẫu mực đáng chúng ta suy nghĩ.
“Nếu Ngài muốn” : anh đặt ý muốn của Đức Giêsu lên trên ý muốn của anh.
Dù rất muốn được khỏi, nhưng anh vẫn để Ngài tự do làm theo ý của Ngài.
Chữ “nếu” thật đơn sơ, nhưng nói lên sự phó thác trọn vẹn của anh
cho ý muốn tốt lành của Đức Giêsu.
Ngài được tự do muốn hay không muốn, làm hay không làm.
Đức Giêsu không thấy mình bị áp lực phải chiều theo ý muốn của anh.
Sau này trong Vườn Dầu, Đức Giêsu cũng dùng chữ “nếu”
khi nài xin Cha cất chén đắng cho mình.
“Lạy Cha, nếu có thể được…” (Mt 26, 39. 42).
Nhưng trong trường hợp này, Cha đã không cất chén Khổ nạn của con.
“Ngài có thể làm cho tôi được sạch.”
Anh tin vào quyền năng phi thường từ nơi Ngài,
quyền năng có thể làm cho những nhơ uế trên người anh biến mất,
và da thịt anh phút chốc được lành sạch.
Khi con người tin vào Thiên Chúa như một đứa con thơ phó thác,
Thiên Chúa sẽ chọn cho con người điều tốt nhất.
Thái độ phó thác, tuy có vẻ liều lĩnh, vì Thiên Chúa có thể nói không,
nhưng thật ra lại rất khôn ngoan, vì biết mình sẽ được điều tốt hơn cả.
“Tôi muốn, anh hãy được sạch” (c. 3).
Đức Giêsu được tự do để muốn, thoải mái để bày tỏ lòng quảng đại.
Ngài chẳng những chữa lành bằng ý muốn được nói ra lời,
Ngài còn làm một điều không cần thiết và bị cấm (Lv 5, 3),
đó là đưa tay đụng đến người phong.
Cả tình yêu của Ngài diễn tả qua cái đụng nhẹ đó.
Da thịt của Ngài chạm vào da thịt không lành lặn của anh.
Ngài không bị nhiễm uế, trái lại Ngài làm cho anh được sạch.
Rõ ràng người phong ở rất gần Đức Giêsu và không làm Ngài kinh tởm.
Đức Giêsu muốn anh trở về với đời sống bình thường,
hội nhập trở lại với Đền thờ, gia đình và xã hội.
Vì thế Ngài sai anh đi trình diện với các tư tế và dâng của lễ (c. 4).
Dù không là người phong, nhưng ai trong chúng ta tránh được ô nhơ?
Ai trong chúng ta lại không có lần xin Chúa tẩy mình cho sạch?
Thân xác người phong bị tàn phá và làm cho dị dạng, đáng sợ.
Chỉ mong tâm hồn chúng ta tránh được bệnh phong.          

Cầu nguyện:
Lạy Chúa
in ban cho chúng con ánh sáng đức tin
để nhận ra Chúa hôm nay và hằng ngày,
nơi khuôn mặt khốn khổ
của tất cả những người bị thử thách:
những kẻ đói, không chỉ vì thiếu của ăn,
nhưng vì thiếu lời Chúa
những kẻ khát không chỉ vì thiếu nước,
nhưng còn vì thiếu bình an, sự thật,
công bằng và tình thương
những kẻ vô gia cư,
không chỉ tìm kiếm một mái nhà,
nhưng còn tìm một con tim hiểu biết, yêu thương,
những kẻ bệnh hoạn và hấp hối,
không chỉ trong thân xác,
nhưng còn trong tinh thần nữa,
bằng cách thực thi lời hy vọng này:
“Điều mà ngươi làm
cho người bé mọn nhất trong anh em
là làm cho chính ta.”  (Mẹ Têrêxa Calcutta)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
26 THÁNG SÁU
Mọi Sự Đều Phục Vụ Cho Điều Thiện Hảo
Đề cập đến sự quan phòng của Thiên Chúa nghĩa là nhìn nhận rằng từ nguyên thủy, trong kế hoạch sáng tạo của Thiên Chúa không có chỗ cho sự dữ. Tuy nhiên, một khi sự dữ được con người gây ra và được Thiên Chúa cho phép xảy ra, thì rốt cục nó trở thành phụ thuộc đối với sự thiện: “Tất cả đều phục vụ cho điều thiện hảo”, như lời Thánh Phao-lô Tông Đồ (Rm 8, 28). Đây là một khẳng định cần được ta tìm hiểu thêm.
Chúng ta đã ghi nhận rằng Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo, bênh vực cho sự thật. Sự thật về sự quan phòng của Thiên Chúa hiện diện trong toàn bộ mạc khải cũng như trong tạo vật. Sự thật ấy chính là điểm qui chiếu đầu tiên và nền tảng của tất cả những gì mà Thiên Chúa “bằng nhiều lần nhiều cách” muốn nói với con người “qua các tiên tri và – trong những ngày sau hết – qua Người Con” (Dt 1,1). Thật rất quan trọng việc đọc và suy tư về sự thật này trong Thánh Kinh – nơi mà nó được trình bày trực tiếp cho chúng ta. Cũng rất hữu ích việc nghiên cứu những tham chiếu gián tiếp cho thấy tính chân thật của mạc khải Thiên Chúa trong Thánh Kinh.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 26/6
2V 25, 1-12; Mt 8, 1-4.

Lời Suy Niệm: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch. Người giơ tay đụng vào anh và bảo: Tôi muốn, anh sạch đi. Lập tức, anh được sạch bệnh phong.”
       Vào thời Chúa Giêsu. Bệnh phong là một căn bệnh làm hủy hoại con người từ từ bằng sự lở loét với mùi tanh hôi. Và theo thói tục của người Do-thái: Nhưng người này không được chung đụng với bất cứ ai, dưới bất cứ hình thức nào. Những ai đụng đến hay giao tiếp với người mắc bệnh phong đều bị ô uế; không được tham dự buổi thờ phượng. Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy được giữa Chúa Giêsu và người mắc bệnh phong không có sự ngăn cách nào cả. Người và người mắc bệnh phong tiếp xúc và trao đổi qua đối thoại, và Chúa Giêsu đã giơ tay đụng vào anh ta, để thể hiện ý của Người và ước muốn của anh ta. Nhờ thế chứng phong đã rời khỏỉ trên thân xác anh ta.
       Lạy Chúa Giêsu. Mỗi người trong chúng con, đều đang mang trên mình những chứng của bệnh phong. Xin cho chúng con biết chạy đến với Chúa, và trình bày ý muốn của chúng con, để nhận được sự chữa lành theo Thánh ý của Chúa.
Mạnh Phương


26 Tháng Sáu
Bằng Lòng Về Chính Mình
Hans Christian Andersen, văn sĩ Ðan Mạch sống vào khoảng cuối thế kỷ 19, là tác giả của những câu chuyện dạy đời bất hủ. Ông có kể câu chuyện như sau: 
Có một đôi vợ chồng già nọ sống bên nhau rất hạnh phúc. Thật ra người nắm giữ bí quyết hạnh phúc trong gia đình này chính là người vợ. Lúc nào bà cũng hài lòng về bất cứ hành động nào của người chồng. Một hôm, người vợ đề nghị với chồng là nên bán bớt một con bò. Thật ra tất cả tài sản của họ chỉ là đôi bò.
Người chồng tán thành ý kiến của vợ. Ngay từ sáng sớm, ông dắt bò ra chợ. Nhưng đường dài, mặt trời mỗi lúc một chói chang. Con bò già lại không thể bước nhanh. Do đó khi thấy một người nông dân khác cũng đang dắt heo ra chợ bán, người chồng mới có ý nghĩ đem đổi bò lấy con heo. May ra con heo có thể đi nhanh hơn không?
Ðổi được con heo và đi được một quãng đường, người chồng lại cảm thấy không thoải mái chút nào. Con heo cứ muốn đi theo hướng của nó. Vừa bực tức với con heo, ông lại thấy một người nhà quê khác cũng đang dắt dê ra tỉnh. Ông nghĩ rằng dê có thể là con vật ít cồng kềnh hơn con heo, cho nên ông mới nấn ná đến người chủ dê để đề nghị hoán đổi.
Ðổi được dê, người đàn ông như cảm thấy nhẹ nhõm trong người. Nhưng chỉ trong vài phút đồng hồ, ông mới khám được cái tính bất thường của loài dê. Nó chạy bên này, nhảy bên kia, nó đưa sừng húc khắp mọi nơi… Giữa lúc ông ngán ngẩm với con dê, thì bỗng đâu một người nhà quê khác tiến lại gần ông với cả một đàn ngỗng. Con ngỗng dù sao cũng ít cồng kềnh hơn con dê. Nghĩ vậy cho nên ông mang con dê đến đổi lấy một chú ngỗng trắng. Ôm lấy chú ngỗng vào lòng, người đàn ông cảm thấy thoải mái hơn bao giờ hết. Ông tin chắc là mình sẽ đến chợ sớm hơn. Nhưng chưa đến chợ, thì ông lại thấy một người buôn gà. So sánh gà với ngỗng, dĩ nhiên gà phải nhẹ hơn… Tính toán mãi, cuối cùng, ông đã đem chú ngỗng đến đổi lấy một con gà.
Mặt trời mỗi lúc một lên cao. Cơn khát như muốn đốt cháy cổ họng ông. Bụng ông lại trống rỗng. Vừa thấy một quán ăn bên vệ đường, người đàn ông không còn cầm được cơn cám dỗ. Ông đành phải đem con gà bán đi với giá một đồng bạc. Một đồng này vừa đủ cho một bữa ăn trưa cộng với một ly bia.
Những người đàn ông trong quán ăn biết chuyện mới tỏ ra ái ngại cho giây phút ông phải đối đầu với người vợ. Thế nhưng, con người luôn luôn được vợ hài lòng ấy vẫn tỏ ra bình thản. Ông tin tưởng rằng vợ ông sẽ không boa giờ trách móc ông. Một người đàn ông có máu cờ bạc, không tin ở thái độ của bà vợ ông, cho nên mới đề nghị đánh cá. Ôngta đưa ra hai mươi đồng và đi theo người đàn ông về đến nhà. Ôn núp một nơi kín đáo để theo dõi phản ứng của người vợ.
Quả thực, người đàn ông bắt đầu báo cáo lại cho vợ từng chi tiết của những cuộc trao đổi của ông. Cứ mỗi lần người đàn ông kể lại một cuộc đổi chác của mình, người vợ đều tỏ ra hài lòng. Khi người đàn ông kể đến chuyện ông bán con gà được một đồng và vào quán ăn trưa, người vợ mới mỉm cười thốt lên như sau: “Tạ ơn Chúa, cũng may là mình bán được con gà. Như vậy là mình có thể ngủ yên mà không sợ tiếng gà gáy phá giấc. Ðiều quan trọng đối với tôi là biết rằng mình thỏa mãn là được”.
Người chồng thắng được vụ cá cuộc. Ông được hai mươi đồng, số tiền còn lớn hơn cả giá bán con bò.
Hãy đón nhận từng giây phút hiện tại với hân hoan, cảm mến. Hãy làm công việc trong phút giây hiện tại như là công việc quan trọng nhất. Hãy đón tiếp người trước mặt như một người quan trọng nhất. Hãy chấp nhận mọi người với cảm thông, tha thứ và lạc quan. Hãy chấp nhận chính bản thân với sự bằng lòng, thoải mái: đó là tất cả bí quyết của hạnh phúc mà chúng ta cần phải nắm lấy.
(Lẽ Sống)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét