Trang

Thứ Bảy, 8 tháng 3, 2014

09-03-2014 : (phần II) CHÚA NHẬT I MÙA CHAY năm A

09/03/2014
Chúa Nhật I Mùa Chay Năm A
(phần II)


GIÁO LÝ PHÚC ÂM 


Sách Sáng Thế 2.7-9; 3:1-7; Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Roma 5.12-19
và Phúc Âm Thánh Mathhêô 4.1-11

I.                   Giáo Huấn P.Â.:   
Con người, không trừ ai phải chiến đấu với sự dữ tức những cám dỗ của Satan.
Cám dỗ nổi dậy lên từ những ước muốn bình thường và chính đáng: Thức ăn lúc đói lòng; Thi thố khả năng mình có và Ước muốn sang giàu và quyền thế.
Phải ăn chay, cầu nguyện mới thắng chước cám dỗ.

II.               Vấn nạn P.Â.    
            Những chủ đề chính trong Mùa Chay theo chu Kỳ Phụng Vụ năm A
            Chúa Nhật I Mùa Chay, Matthêu 4:1-11, Chúa Giêsu là con người thật như chúng ta, Ngài phải đương đầu với những cám dỗ của cuộc sống con người: cần lương thực lúc đói lòng; Thi thố tài năng và tham vọng.

            Chúa Nhật II Mùa Chay, Matthêu 17:1-9, Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật, nơi Ngài tỏ hiện vinh quang sáng ngời của Thiên Chúa khi biến hình trên núi Tabor, nhưng rồi cũng đi trọn đường trần, đi về Giêrusalem để chịu đau khổ và bị giết chết.
            Chúa Nhật III Mùa Chay, Gioan 4:5-42, Chúa là nước hằng sống, chỉ có Chúa mới thỏa đáp những khát vọng của con người. Chúa là Đấng Cứu Thế mà thế gian mong đợi.

            Chúa Nhật IV Mùa Chay, Gioan 9:1-41, Chúa Giêsu là ánh sáng trần gian. Ngài đến để đẩy lui bóng tối ác thần và dẫn đưa con người đi trong ánh sáng sự thật hướng về hạnh phúc thật.

            Chúa Nhật V Mùa Chay, Gioan 11:1-45, Chúa Giêsu là sự sống và là sự sống lại.

            Chúa Nhật Lễ Lá, Bài thương khó Chúa Giêsu, Matthêu 26: 14-27, 66 Chúa Giêsu đau khổ, bị hành hình, bị giết chết và phục sinh.

            Dung nhan Chúa trong Mùa Chay: Chúa Giêsu là con người như chúng ta để mang chúng ta đến với Thiên Chúa là cùng đích của đời người. Cứu đời bằng việc sinh làm người, sống với con người và chết cho con người.

           
            Phúc Âm Nhất Lãm và những tường thuật về việc Chúa bị cám dỗ trong sa mạc.

            Phúc Âm Nhất Lãm tường thuật việc Chúa ăn chay, cầu nguyện và bị ma quỉ cám dỗ có phần khác nhau. Phúc Âm Luca và Matcô tường thuật: Chúa Giêsu được Thánh Thần dẫn vào trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu quỉ cám dỗ…có vẻ như Chúa bị cám dỗ liên lỉ suốt bốn mươi ngày. Còn Phúc Âm Thánh Matthêeô bảo: Sau khi ăn chay cầu nguyện liên lỉ suốt bốn mươi đêm ngày.. Ngài thấy đói và ma quỉ xuất hiện cám dỗ… (Matt.4,1-11) Cám dỗ đến sau khi ăn chay cầu nguyện? Tường thuật nào đúng? 

            Trong ba Thánh Sử của Phúc Âm nhất lãm, chỉ có Matthêô là tông đồ Chúa chọn. Trong thực tế, khi được dẫn vào sa mạc ăn chay và cầu nguyện, Chúa chưa chọn tông đồ hay môn đệ nào cả. Như vậy ba thánh sử tường thuật lại chuyện Chúa ăn chay và cầu nguyện trong hoang địa theo lời kể của Chúa hay của người khác, chứ không có vị nào thấy Chúa vào hoang địa hay tháp tùng với Chúa trong bốn mười ngày chay tịnh nầy.

            Thật ra, Phúc Âm không là phóng sự chiến trường hay một thứ tường thuật tại chỗ những gì mắt thấy tai nghe. Phúc Âm là Giáo Lý của các Tông đồ: Nhiều chục năm sau, sau khi Chúa về trời các Tông Đồ đi truyền đạo và viết lại hay nhở người viết lại để dạy giáo lý và để trình bày quan điểm thần học của mình. Nên chúng ta không nên trả lời là trường thuật nào đúng? Không có tường thuật nào chính xác trăm phần trăm với sự kiện xảy ra cả. Nhưng chúng ta phải trả lời là qua tường thuật, thánh sử muốn nói gì? 

            Chúa bị cám dỗ suốt bốn mươi ngày theo tường thuật của Matcô và Luca để nói rằng: Cám dỗ không bao giờ mệt mỏi hay cho chúng ta “nghỉ xả  hơi” hay có thời gian “hưu chiến” trong cuộc đời chúng ta. Quan điểm thần học nầy xem chừng rất thật trong cuộc sống Kitô hữu. Thí dụ: Lúc nào? Tuổi nào? và ở lên tới địa vị nào thì chúng ta sẽ không còn bị cám dỗ về ham muốn nhục dục? Cám dỗ bất chấp thời điểm, tuổi tác hay địa vị. Còn địa vị nào cao cho bằng Tổng Thống nước Mỹ như Tổng Thống Bill Clinton, nhưng ông vẫn bị cám dỗ và tằng tịu với Monica ngay trong phủ tổng thống? Nên thánh Luca kết thúc bài phúc âm tường thuật việc Chúa bị cám dỗ torng hoang địa bằng câu “Sau hi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi để chờ dịp khác!” Ma quỉ chưa chịu thua! Đây là cuộc chiến dai dẵng không ngưng nghỉ.

            Những cám dỗ: biến đá thành bánh hay nhảy từ trên cao xuống không gảy chân…  đâu có gì xấu mà  còn mang ích lợi thực tế, sao Chúa không làm? 

            Đây là những điều xấu:

            Bản chất sự việc xấu: Biến đá thành bánh hay nhảy từ trên cao xuống là những thách thức để thi thố quyền bính. Chúa còn có thể biến đá thành con cái Abraham huống chi thành bánh! Người tin Chúa còn có thể truyền lệnh cho cây cối dời xuống biển mà mọc, huống chi Chúa. Nhưng quyền bính Chúa ban không để thi thố tranh tài, nhưng để cho thấy vinh quang Chúa hay loan báo cho mọi người biết “thời giờ đã diểm và Nước Thiên Chúa đã gần” (Matt.4,17; Luca 10,9) Nên khi Chúa làm phép lạ chữa bệnh tật, Chúa không có ý thi thố quyền bính, nhưng  để chữa bệnh, để đẩy lui sự thống trị của tà thần trên bệnh nhân và để loan báo Tin Mừng Cứu Độ đã đến và Chúa là Đấng Cứu Thế đang ở giữa con người. 

            Nghe theo ma quỉ là xấu: Ma quỉ theo nguyên ngữ Hy Lạp có nghĩa kẻ vu khống (slanderer) hay người tố cáo (accuser). Ma quỉ là tà thần, là kẻ gian dối, lọc lừa để hại người. Ma quỉ luôn xúi giục con người làm điều xấu, ma quỉ giết chết chứ không có cứu độ. Làm theo ma quỉ là thực hiện mưu đồ xấu của mà quỉ. Theo ma quỉ là thành kẻ thù của Chúa. Những định nghĩa về ma quỉ và những diễn tả về hành vi ác xấu của ma quỉ được tìm thấy nhiều trong Sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tổng Đồ 12,9 hay 20,2 về con rồng đỏ rình nuốt trững con của người đàn bà. Cũng có trong thư của Thánh Phaolô gửi Êphêsô 2,2 hay Thư Thứ II của Thánh Phaolô gửi Corintô 4,4. 

            Giả như Chúa đã nghe theo ma quỉ thi thố quyền phép bằng cách biến đá thành bánh ăn và bằng cách nhảy từ trên cao xuống mà không hề bị vấp chân vào đá thì kết quả sẽ ra sao? Chắc chắn Chúa sẽ quì xuống thờ lạy ma quỉ để được những của cải vật chất phù hoa trên trần thế. Đây là thất bại ê chề vì đảo lộn trật tự căn bản: Chúa thờ lạy ma quỉ. Ma Quỉ lên làm Chúa, và Chúa thành nô lệ cho ma quỉ. Hai lần đầu, biến đá thành bánh hay nhảy từ trên cao không có gì xúc phạm đến bản tính Thiên Chúa, nhưng nó là đường dẫn đến thất bại sau cùng: đánh mất bản thể Thiên Chúa.  

Một  thanh niên trẻ tuổi nghe bạn bè xấu hút xì ke, một lần, hai lần rồi ba lần, rồi sau cùng nghiện ngập. Nghiện ngập biến con người thành con vật, có thể làm bất cứ chuyện gì để được hút: ăn trộm, ăn cắp và có khi thành ăn cướp hay giết người. Người trong tình trạng nầy gọi là mất nhân tính. Không còn tính người. Con người được sinh ra có lý trí phải làm chủ bản năng. Đàng nầy biến thành con vật, đi làm nô lệ cho bản năng. Nên tu đức bảo: Những tội nhẹ đưa dần đến tội trọng là vậy.   

            Phúc Âm diễn tả “quỉ xuất hiện cám dỗ, hay quỉ nói với Người hay quỉ trích dẫn Kinh Thánh… Nếu Ông là Con Thiên Chúa…”, xem chừng quỉ hiện hình và mặt đối mặt với Chúa trong sa mạc.

Chắc một điều là quỉ không hiện hình như chúng ta có trong trí về quỉ: Một tên thân thể trần trụi, đen thủi đen thui như than, có hai sừng nhọn hoắc, rồi còn thêm cái đuôi phe phẩy sau đít, mặt mày nham nhở xấu xí… Quỉ là thần, làm sao có hình để hiện. Hơn nữa nếu quỉ hiện hình ghê tỡm như vậy thì làm sao cám dỗ được ai? Như vậy quỉ cám dỗ Chúa cách nào?  
      
            Satan khuấy động bản năng tự nhiên nơi con người Chúa Giêsu.
            Đói sinh thèm ăn hay cần ăn.
            Cần  ăn hay thèm ăn sinh sáng kiến kiếm ăn.

            Phương thế kiếm ăn được dự định thực hiện bằng chuyện dùng thần quyền: Biến đá thành bánh.  

            Cám dỗ thứ hai: Chúa biết mình có khả năng “gieo mình xuống đất từ nơi cao mà không vấp chân vào đá”  Satan khuấy động việc thi thố khả năng “làm xiếc” của Chúa Giêsu.
             Chúa bị khuấy động muốn thi thố khả năng, làm cho Satan lé mắt, nễ sợ một phen. 
             Ai trong chúng ta cũng đã từng bị cám dỗ và cũng đã từng sa chước cám dỗ. Chúng ta có thể nghiệm lại xem mình đã bị cám dỗ như thế nào và đã sa chước cám dỗ ra sao? Chúng ta thường bị cám dỗ để nói xấu người khác. Người thứ ba đến gợi lên cho chúng ta vài khuyến điểm của đối tượng và thêu dệt một viễn ảnh tốt “giúp xây dựng nhau trong tình bạn!”  Hay quá! Thực tế, chúng ta chưa có ý và cũng chưa biết xây dựng trong tình bạn là như thế nào. Cái chúng ta biết là khuyết điểm người khác. Rồi chúng ta chia sẻ những khuyết điểm nầy với người chung quanh để gọi là giúp xây dựng nhau cho tốt hơn. Sau cùng, chuyện xây dựng không thấy, nhưng ai cũng biết người kia có những khuyết điểm do chúng ta cung cấp.  

            Chắc chắn quỉ không có hiện hình. Nhưng quỉ dùng thủ đoạn để khơi dậy bản năng hướng chìu về tội của chúng ta. Chúng ta gọi là bị cám dỗ và sa ngã. 

            Tôi cũng không chối bỏ những trường hợp đặc biệt như Thánh Gioan Maria Vianney, Cha sở họ Ars ở Pháp. Quỉ đã ra tay mạnh để đuổi Ngài ra khỏi giáo xứ: như ném Ngài xuống đất ban đêm và đốt giường ngủ của Ngài. Đó là những tấn cống từ bên ngòai. Rất ít thấy! Đại đa số là khuấy động dục vọng, lòng ham muốn thấp hèn tự tại nơi chúng ta. Vì thế có nhiều người bị mắng “con quỉ!” hay “thằng quỉ!” hay “đồ quỉ” để cho thấy, hành động của những người kể trên do quỉ hướng dẫn. Chúa cũng có lần mắng Phêrô “Satan hãy lui ra đàng sau Ta!” (Matt.16,23) Vì ý kiến của Phêrô ngược lại ý Chúa.  
      
III.            Thực hành P.Â.:

Đừng biến đá thành bánh?
            Sau bốn mươi ngày ăn chay cầu nguyện, Chúa thấy đói và cần ăn. Phải chi có gì ăn ngay cho đỡ đói thì tốt quá! Có thể Chúa nghĩ vậy. Có gì dễ cho bằng chỉ nói một câu làm cho đá thành bánh. Chuyện nhỏ và dễ ợt! Nhưng Chúa không làm chuyện nhỏ và dễ ợt nầy. Vì đó là chuyện ma quỉ.

Người ta nói chung quanh Quảng Trường Ba Đình ở Hà Nội có vài ngàn gái mãi dâm. Lý do, họ muốn có tiền cho nhanh để chạy theo kịp mốt ăn chơi của thời văn minh. Họ muốn có gì giúp gia đình ngay để cho bố mẹ đỡ vất vả. Nên họ đã biến đá thành bánh. Chỉ cần một suất đi khách ba mươi phút là kiếm được khối tiền bằng người lao động hai ngày. Ai trong chúng ta cũng cần những nhu cầu vật chất cần thiết như nhà, xe và những nhu cầu lương thực hằng ngày. Ai trong chúng ta cũng cần vài tuần lễ nghỉ hè chung với gia đình hàng năm. Thêm vào đó cũng cần có một số tiền phụ trội để giúp gia đình hay người nghéo đói hay xây dựng một căn nhà cho người bất hạnh ở Việt Nam. Toàn chuyện chính đáng, tốt đẹp và nên làm. Nhưng làm sao để có tiền thỏa đáp cho những nhu cầu chính đáng nầy?

            Có  người đã chọn giải pháp cấp thời theo kiểu biến đá thành bánh nầy. Họ đi trồng cỏ, họ đi buôn lậu, họ chứa dựa và tiêu thụ những hàng hóa ăn cắp.  Đá đã thành bánh! Tiền dư bạc thừa, giàu nứt khố đổ vách… và làm chuyện bác ái giúp Việt Nam. Đó là chuyện của ma quỉ! Những người trên đã bị cám dỗ và đã sa chước cám dỗ! Ma quỉ vẽ ra những công phúc nào là bác ái, nào là nhu cầu chính đáng và chúng ta đã thua, đã biến đá thành bánh.

Cũng có những linh mục đã nhận những chiếc bánh từ việc biến đá thành bánh nầy. Người trồng cỏ, người buôn lậu, người khai thuế gian, người khai man lãnh trợ cấp xã hội… đến xin Cha lễ tạ ơn Chúa với số tiền to lớn, để Chúa phù hộ cho ăn nên làm ra. Linh mục nhận chiếc bánh được biến từ hòn đá bất chính một cách tỉnh bơ, không thắc mắc. Xin lễ là chuyện thánh thiện, nhưng dùng tiền bất chính mà xin lễ là chuyện ma quỉ. Nên nhớ, quỉ là tên tráo trở, hay đánh lận con đen, hay dùng sự cao đẹp thánh thiện để biến chúng ta thành nô lệ cho bản năng xấu xa. Chúa không cần của lễ bất chính. Linh mục cũng không được phép im lặng để ăn những chiếc bánh từ những hòn đá bất chính nầy. Linh mục hơn ai hết được kêu gọi nên công chính.

            Thách thức và thi thố

            Ma quỉ thách thức Chúa để thi thố quyền năng Thiên Chúa:
             “Nếu Ông là con Thiên Chúa, thì biến đá thành bánh mà ăn”.

            “Nếu Ông là con Thiên Chúa thì đứng đây mà gieo mình xuống đi. Vì có lời chép …”  Như đã nói, biến đá thành bánh! Chuyện nhỏ, Chúa làm cái một! Gieo mình xuống từ nơi cao! Not a problem! Chúa là Con Thiên Chúa, bảo một tiếng, Lazarô chết bốn ngày chôn trong mồ còn sống lại đi ra khỏi mồ trên tay còn vải liệm.  Nhưng Chúa không làm, không vì sợ thất bại biến đá không thành bánh hay nhảy xuống sẽ chết hay bị  thương tật? Không! Chúa không làm vì Chúa đến để làm theo Thánh Ý Thiên Chúa Cha, chứ không làm theo sự xúi giục của tà thần. 

Khi còn nhỏ tôi hay đánh lộn và hay ăn thua đủ với những bạn bè trang lứa trong họ đạo. Đánh lộn thường do những chuyện trẻ con như giành sân chơi hay giành trái banh để đá. Nhưng nhiều khi đánh lộn vì bị người khác thách thức: Thằng đó nó chưởi ba mầy, thằng kia nó ăn hiếp chị mầy… thế là hai thằng bé đánh nhau nhiều khi sưng cả mặt mày, trầy da chảy máu. Thường tôi thắng, nhờ to con một chút, tôi đè được đối thủ xuống. Nhưng thật sự ai là người thắng cuộc? 

            Không phải tôi chút nào! Nhưng là người thách thức để tôi gây chiến, đánh nhau và thi thố sức lực của mình. 

Lm Phêrô Trần Thế Tuyên


Những cuộc cám dỗ bất tận – R. Veritas.
(Trích từ ‘Sống Tin Mừng’)
Khởi đầu công cuộc cứu chuộc, Chúa Giêsu đã trải qua biến cố chịu thử thách, chịu ma quỷ cám dỗ, nhưng Ngài đã chiến thắng. Những cám dỗ của Chúa Giêsu xét cho cùng cũng có thể rút về hai điểm chính, là cám dỗ về thực thể mình là ai? Đến sống trên trần gian này để làm gì?
Ma quỷ cám dỗ Chúa Giêsu về thực thể mình là Con Thiên Chúa: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy biến những hòn đá này thành thức ăn".
Thử thách đòi có dấu lạ để trắc nghiệm xem mình có thật là Con Thiên Chúa hay không. Ma quỷ cám dỗ Chúa nghi ngờ thay đổi sứ mạng đã lãnh nhận từ Thiên Chúa Cha: "Nếu ông sấp mình thờ lạy ta, thì ta sẽ cho ông tất cả".
Sứ mạng của Chúa Giêsu là con người trở về cùng Thiên Chúa, chứ đâu phải con người làm nô lệ cho tội lỗi để củng cố vinh quang cho riêng mình Ngài. Chúa Giêsu nhắc lại: "Con chỉ tôn thờ một mình Thiên Chúa mà thôi".
Sống vâng phục Thiên Chúa, thi hành thánh ý Ngài đã là sứ mạng căn bản nhất của con người, của mỗi người chúng ta đã được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa và đã được Chúa Giêsu Kitô cứu chuộc để trở thành con cái Thiên Chúa, được chia sẻ sự sống Thần Linh của Thiên Chúa. Chúng ta được Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta con đường để chiến thắng những cám dỗ, và chúng ta không thể nào tránh khỏi con đường này trong cuộc sống của mình, đó là con đường vâng phục, lắng nghe Lời Chúa.
Hôm nay chúng ta bắt đầu Mùa Chay, và chúa nhật thứ nhất Mùa Chay, chúng ta dốc quyết một điều cụ thể cho đời sống của mình trong Mùa Chay này. Mỗi người chúng ta hãy nhìn về cuộc sống của mình, xem mình đã có ý thức về thực thể mình là ai và xác tín mình là con của Thiên Chúa, đã được Chúa Giêsu cứu chuộc hay không? Có ý thức rõ ràng là sứ mạng của mình trên trần gian này là sống vâng phục Thiên Chúa, sống với Thiên Chúa không?
Chúng ta hãy dốc quyết một cách cụ thể trong Mùa Chay này, đọc Lời Chúa, ít ra không đọc hàng ngày thì mỗi tuần một lần để cho Lời Chúa chỉ dẫn cuộc sống chúng ta, nhắc cho chúng ta luôn luôn nhớ mình là con cái Thiên Chúa và sống trên trần gian này bằng cuộc sống vâng phục thánh ý Thiên Chúa.

Lectio Divina: Chúa Nhật I Mùa Chay (A)
Chúa Nhật, 9 Tháng 3, 2014
Cuộc đối mặt của Chúa Giêsu với ma quỷ trong sa mạc
Những cám dỗ trong sa mạc của cuộc đời
Mt 4:1-11 


1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy ban Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường E-mau.  Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng đã trở nên nguồn gốc của sự sống và sự sống lại.

Xin Chúa hãy tạo ra trong chúng con một không gian thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để cho chúng con, cũng giống như hai môn đệ từ E-mau, được biết đến sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn gốc của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và xin gửi Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.
2.  Bài Đọc

a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:

Chúng ta hãy cùng đọc bài Tin Mừng mô tả những cám dỗ của Chúa Giêsu, những cám dỗ đó cũng là cám dỗ của tất cả loài người.  Trong khi đọc bài Tin Mừng này, chúng ta nên chú ý đến điều sau đây:  cám dỗ là gì, cám dỗ xảy ra ở đâu, và Chúa Giêsu đã đối phó với chúng ra sao?
   
b)  Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:

Mt 4:1-2:  Tình huống ở đâu và từ đâu sự cám dỗ nảy sinh:  sa mạc, thánh thần, ăn chay và đói     
Mt 4:3-4:  Sự cám dỗ liên quan đến thức ăn       
Mt 4:5-7:  Sự cám dỗ liên quan đến danh vọng
Mt 4:8-11:  Sự cám dỗ liên quan đến quyền lực  
   
c)  Phúc Âm:

1-2:  Khi ấy Chúa Giêsu được Thánh Thần hướng dẫn vào hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ.  Khi Người đã nhịn bốn mươi đêm ngày, Người cảm thấy đói.
3-4:  Và tên cám dỗ đến gần và nói với Người rằng:  “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy khiến những hòn đá này biến thành bánh”.  Nhưng Chúa Giêsu đáp lại:  “Có lời chép rằng:  ‘Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.’
5-7:  Bấy giờ ma quỷ đưa Người lên thành thánh, và đặt Người trên góc tường đền thờ rồi nói với Người rằng:  “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy gieo mình xuống đi; vì có lời chép rằng:  ‘Ngài đã ra lệnh cho các thiên thần đến với ông, và chư vị đó sẽ nâng đỡ ông trên tay, để ông khỏi vấp chân vào đá.’”  Chúa Giêsu đáp:  “Cũng có lời chép rằng:  ‘Ngươi đừng thử thách Chúa, là Thiên Chúa ngươi.’
8-11:  Quỷ lại đưa Người lên núi rất cao; và chỉ cho Người xem thấy mọi nước thế gian và vinh quang của những nước đó, rồi nói với Người rằng:  “Tôi sẽ cho ông tất cả những cái đó, nếu ông sấp mình xuống thờ lạy tôi.”  Bấy giờ Chúa Giêsu bảo nó rằng:  “Hãy lui đi, hỡi Satan!  Vì có lời đã chép:  ‘Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi, và chỉ phụng sự một mình Ngài.’”  Bấy giờ ma quỷ bỏ Người.  Và các thiên thần tiến lại, hầu hạ Người.

3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện

Để Lời của Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý

Để giúp chúng ta suy gẫm và cầu nguyện.

a)  Cám dỗ là gì?  Sự liên hệ giữa Chúa Thánh Thần, sa mạc, nhịn ăn và cơn đói và sự cám dỗ của Chúa Giêsu là gì?    
b)  Ngày nay chữ cám dỗ gợi cho chúng ta điều gì?  Nó ảnh hưởng đến tôi trong cuộc sống hằng ngày như thế nào?
c)  Tên cám dỗ hoặc Satan có sẽ làm tôi lìa xa hay đi chệch đường của Thiên Chúa không?  Có thể nào tôi đã trở thành Satan cho ai đó, giống như Phêrô đã là Satan cám dỗ Chúa Giêsu không?
d)  Chúa Thánh Thần dẫn Chúa Giêsu vào trong sa mạc để bị cám dỗ bởi ma quỷ.  Điều này nhắc nhớ lại những cám dỗ của dân Do Thái trong sa mạc sau khi vượt thoát khỏi đất Ai Cập.  Thánh sử Mátthêu muốn đề nghị điều gì và giảng dạy điều gì qua lời nhắc nhở này về những cám dỗ của người ta trong sa mạc này?     
e)  Ma quỷ dùng Kinh Thánh để cám dỗ Chúa Giêsu.  Chúa Giêsu dùng Kinh Thánh để vượt qua sự cám dỗ! Kinh Thánh có thể nào được xử dụng cho tất cả mọi việc không?  Tôi đã xử dụng Kinh Thánh như thế nào và cho mục đích gì?
f)  Cám dỗ của thức ăn.  Làm thế nào chúng ta có thể nói về Thiên Chúa cho những người đã có tất cả những gì họ cần?  Làm thế nào chúng ta có thể nói về Thiên Chúa cho những ai đang đói khát?
g)  Cám dỗ liên quan đến thanh thế.  Thanh thế từ kiến thức, từ tiền bạc, từ tư cách đạo đức, từ dáng vẻ bề ngoài, từ danh vọng, từ danh dự.  Những điều này có đang hiện hữu trong đời sống của tôi không?
h)  Cám dỗ liên quan đến quyền lực.  Bất cứ nơi đâu có hai người gặp gỡ, một mối quan hệ của quyền lực sẽ đến hiện diện.  Tôi sẽ xử dụng quyền lực mà tôi có như thế nào:  trong gia đình tôi, trong cộng đoàn, trong xã hội, trong khu xóm tôi?  Tôi có sẽ nhượng bộ cho sự cám dỗ không?

5.  Ý chính của bài đọc


Dành cho những ai muốn đào sâu vào chủ đề

=  Chúa Giêsu đã bị cám dỗ.  Thánh Sử Mátthêu làm cho sự cám dỗ trở nên dễ hiểu:  cám dỗ của bánh, cám dỗ của danh vọng, cám dỗ của quyền lực.  Đây là những hình thức khác nhau của niềm hy vọng về Đấng Cứu Thế mà khi ấy có trong dân chúng.  Một Đấng Cứu Thế vinh quang, giống như một ông Môisen mới, sẽ nuôi sống người ta trong sa mạc:  “khiến những hòn đá này biến thành bánh!”  Đấng Cứu Thế vô danh sẽ tự đặt mình trên tất cả bằng một dấu hiệu ngoạn mục trong Đền Thờ:  “gieo mình xuống từ đây!”  Đấng Cứu Thế yêu nước sẽ đến để thống trị thế giới:  “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó!

=  Trong Cựu Ước, những cám dỗ giống nhau đã làm cho người ta sa ngã trong sa mạc sau khi vượt thoát khỏi Ai Cập (Đnl 6:3; 6:16; 6:13).  Chúa Giêsu nhắc lại lịch sử.  Người chống lại những cám dỗ và ngăn cản chúng làm hỏng kế hoạch của Thiên Chúa để làm cho nó phù hợp với các ích lợi cho loài người lúc bấy giờ. Cám dỗ hay Satan là bất cứ điều gì khiến cho chúng ta đi chệch khỏi kế hoạch của Thiên Chúa.  Thánh Phêrô đã là Satan của Chúa Giêsu (Mt 16:23).

=  Cám dỗ luôn hiện diện trong cuộc đời của Chúa Giêsu.  Nó đã cùng đi với Người từ lúc đầu cho tới cuối, từ phép rửa của Người cho đến khi Người chết trên thập giá.  Bởi vì, khi việc công bố về Tin Mừng Nước Trời càng lan truyền trong dân gian, thì áp lực trên Chúa Giêsu càng nặng nề để Người phải thích ứng với những mong đợi và kỳ vọng về Đấng Cứu Thế của dân chúng để là một Đấng Cứu Thế được kỳ vọng và mong đợi bởi những người khác:  “một vị cứu thế dân tộc và vinh quang”, “một vị vua cứu thế”, “một vị thượng tế cứu thế”, “một vị phán quan cứu thế”, “một chiến sĩ cứu thế”, “một vị cứu thế luật sĩ”.  Thư gửi cho các tín hữu Do Thái đã viết:  “Người đã chịu thử thách về mọi phương diện giống như chúng ta, nhưng không phạm tội” (Dt 4:15).

=  Nhưng sự cám dỗ không bao giờ thành công trong việc khiến cho Chúa Giêsu đi sai lạc khỏi sứ vụ của Người.  Người tiếp tục vững chắc tiến bước trên cuộc hành trình của Người là “Đấng Cứu Thế Tôi Tá”, như đã được công bố bởi ngôn sứ Isaia và được trông đợi, nhất là bởi những kẻ nghèo hèn.  Trong việc này, Chúa Giêsu đã không e ngại gây xung đột với những kẻ cầm quyền và với những ai thân cận nhất với Người.  Tất cả những ai cố gắng để khiến Người đi lệch khỏi con đường của Người đều đã nhận được những câu trả lời gay gắt và các phản ứng bất ngờ:
*  Phêrô đã cố gắng lôi kéo Người rời xa khỏi thập giá:  “Xin Thiên Chúa thương đừng bao giờ để cho việc này xảy ra!”  (Mt 16:22).  Và ông đã nghe câu trả lời:  “Satan, lui lại đằng sau Thầy!”  (Mc 8:33).
*  Những thân nhân của Người, đã muốn đem Người về nhà.  Họ nghĩ rằng Người đã mất trí (Mc 3:21), nhưng họ đã được nghe những lời chói tai, dường như để tạo nên một sự rạn nứt (Mc 3:33).  Sau đó, khi Chúa Giêsu đã trở nên nổi tiếng, họ đã muốn Người xuất hiện thường xuyên hơn nơi công cộng và tiếp tục ở lại Giêrusalem, nơi thủ đô (Ga 7:3-4).  Một lần nữa, câu trả lời của Chúa Giêsu cho thấy có sự khác biệt căn bản giữa mục đích của Người và của họ (Ga 7:6-7).
*  Cha mẹ Người đã phàn nàn:  “Con ơn, sao con lại xử với cha mẹ như vậy?” (Lc2:48).  Nhưng Chúa Giêsu trả lời:  “Tại sao cha lại đi tìm con?  Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà Cha con sao?”  (Lc 2:49).
*  Các tông đồ đã vui mừng về đời sống công khai của Chúa Giêsu đã được đông đảo dân chúng chấp nhận và họ muốn Người hướng về phía dân chúng.  “Mọi người đang tìm Thầy đấy!” (Mc 1:37).  Nhưng họ đã được nghe lời từ chối:  “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó!" (Mc 1:38).
*  Ông Gioan Tẩy Giả đã muốn nài ép Chúa Giêsu trở nên “vị phán quan cứu thế nghiêm khắc” (Lc 3:9; Mt 3:7-12; Mt 11:3).  Đức Giêsu đã nhắc nhở Gioan về những lời tiên tri và đòi hỏi ông so sánh chúng với sự thật:  “Các ông hãy về và thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe!”  (Mt 11:4-6 và Is 29:18-19; 35:5-6; 61:1).
 Dân chúng, khi họ trông thấy những phép lạ của việc hóa bánh ra nhiều trong sa mạc, đã kết luận:  “Đây chắc chắn chính là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!” (Ga 6:14).  Họ hùa với nhau nài ép Chúa Giêsu trở thành “vị vua cứu thế” (Ga 5:15), nhưng Chúa Giêsu đã lánh mặt trên núi để được ở cùng với Chúa Cha trong lặng lẽ.
*  Khi ở trong tù và trong giờ của quyền lực tối tăm (Lc 22:53), sự cám dỗ của “vị chiến sĩ cứu thế” lại xuất hiện. Nhưng Chúa Giêsu đã nói:  “Hãy xỏ gươm vào vỏ!” (Mt 26:52) và “Các con hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ” (Lc 22:40, 45).

=  Đức Giêsu hướng về Lời Thiên Chúa và ở đó đã tìm thấy ánh sáng và nguồn nuôi dưỡng.  Điều hơn hết cả là lời tiên tri về Người Tôi Trung, được công bố bởi ngôn sứ Isaia (Is 42:1-9, 49:1-6 ; 50:3-9; 52:13-53, 12) đã thông tri và khuyến khích Người tiếp tục tiến tới.  Tại phép rửa ở sông Giođan và trong lúc biến hình, Người nhận lãnh sự xác nhận của Chúa Cha về cuộc hành trình của Người, sứ vụ của Người.  Tiếng phán ra từ trời lặp lại những lời mà ngôn sứ Isaia đã nói về Người Tôi Trung của Đức Chúa cho dân chúng:  “Đây là Con yêu dấu của Ta, hãy nghe lời Người!” (Mc 1:11; 9:6).

=  Chúa Giêsu xác định sứ vụ của Người với những lời này:  “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người!”  (Mt 20:28; Mc 10:45).  Bài học này Người học được từ Mẹ của Người, khi bà đã nói với thiên sứ:  “Này tôi là tôi tá Đức Chúa Trời, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền!”  (Lc 1:38).  Bằng cách hướng về Lời của Chúa để nhận thức sâu sắc hơn về sứ vụ của Người và đi tìm sức mạnh trong lời cầu nguyện, Chúa Giêsu đã phải đối mặt với những cám dỗ. Sống giữa những kẻ nghèo hèn, và trong sự hiệp nhất với Chúa Cha, trung thành với cả hai, Người đã chống trả và theo đúng đường lối của Đấng Cứu Thế Tôi Tá, đường lối của phục vụ tha nhân (Mt 20:28).
                                                                                                                                                                                           
6.  Thánh Vịnh 91 (90) 

Thiên Chúa, Đấng Che Chở, sẽ ở cùng chúng ta trong những lúc cám dỗ
Hỡi ai nương tựa Đấng Tối Cao
và núp bóng Đấng quyền năng tuyệt đối,
hãy thưa với CHÚA rằng:
"Lạy Thiên Chúa, Ngài là nơi con náu ẩn,
là đồn luỹ chở che, con tin tưởng vào Ngài."

Chính Chúa gìn giữ bạn
khỏi lưới kẻ thù giăng, khỏi tai ương tàn khốc.
Chúa phù trì che chở, dưới cánh Người, bạn có chỗ ẩn thân:
lòng Chúa tín trung là khiên che thuẫn đỡ.
Bạn không sợ cảnh hãi hùng đêm vắng
hay mũi tên bay giữa ban ngày,
cả dịch khí hoành hành trong đêm tối,
cả ôn thần sát hại lúc ban trưa.

Vì bạn có CHÚA làm nơi trú ẩn,
có Đấng Tối Cao làm chỗ nương thân.
Bạn sẽ không gặp điều ác hại,
và tai ương không bén mảng tới nhà,
bởi chưng Người truyền cho thiên sứ
giữ gìn bạn trên khắp nẻo đường,
và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng
cho bạn khỏi vấp chân vào đá.
Bạn có thể giẫm lên hùm thiêng rắn độc,
đạp nát đầu sư tử khủng long.

Chúa phán: "Kẻ gắn bó cùng Ta sẽ được ơn giải thoát,
người nhận biết danh Ta sẽ được sức phù trì.
Khi kêu đến Ta, Ta liền đáp lại
lúc ngặt nghèo có Ta ở kề bên.
Ta giải cứu và ban nhiều vinh dự,
cho sống lâu, tuổi thọ dư đầy
và hưởng ơn cứu độ Ta ban."

7.  Lời nguyện kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa vì những Lời của Chúa đã trao ban để giúp chúng con có thể hiểu cặn kẽ hơn Thánh ý của Chúa Cha.  Nguyện xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho những việc chúng con đang làm và ban cho chúng con sức mạnh để chúng con có thể thực hành những Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Chúng con nguyện xin được giống như Đức Maria, mẹ Người, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa.  Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.


. Cám dỗ tại hoang địa – Lm FX. Vũ Phan Long
1.- Ngữ cảnh
Đoạn văn này nằm trong Phần Mở của Tin Mừng Mt, mà chúng ta có thể xác định vị trí theo lược đồ sau đây:
A = Lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả và câu trích Is 40,3 (3,1-4)
B = Gioan và Đức Giêsu: cuộc đối đầu giữa các niềm hy vọng Đấng Mêsia (3,5-15)
C = Con yêu dấu của Thiên Chúa Cha đăng quang Mêsia, với câu nhắc đến Is 42,1 (3,16-17)
B’= Đức Giêsu và ma quỷ: Loại trừ niềm hy vọng Đấng Mêsia trần tục (4,1-11)
A’= Lời rao giảng của Đức Giêsu và câu trích Is 8,23–9,1 (4,12-17). Kết luận và chuyển mạch (4,18-25).
Trong phân đoạn này, tác giả Mt đã vận dụng các đoạn Cựu Ước mà ta có thể thấy qua bảng đối chiếu sau:
Mt 4,1       - Đnl 8,2-3
Mt 4,2       - Xh 34,28; x. Đnl 9,9
Mt 4,4       - Đnl 8,3
Mt 4,6       - Tv 91,11-12 (LXX)
Mt 4,7       - Đnl 6,16
Mt 4,8       - Đnl 34,1
Mt 4,10     - Đnl 6,13
Mt 4,11     - Xh 11,14; x. Đnl 32,11; Tv 91,10-11
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành năm phần:
1) Mở (4,1-2);
2) Cám dỗ thứ nhất (4,3-4);
3) Cám dỗ thứ hai (4,5-7);
4) Cám dỗ thứ ba (4,8-10);
5) Kết (4,11).
3.- Vài điểm chú giải
- Thần Khí dẫn vào hoang địa (1): Chính là Thần Khí đã xuống trên Đức Giêsu tại sông Giođan nay dẫn (anagô) Người vào hoang địa.
- hoang địa (1): Đây là một đề tài quan trọng của Kinh Thánh, vì hoang địa gây ảnh hưởng trong suốt lịch sử Dân Thiên Chúa. Lịch sử này đã ghi lại hai kỷ niệm có vẻ mâu thuẫn nhau, nhưng thật ra là hai mặt của cùng một hoàn cảnh. (1) Thời gian ở trong hoang địa trước tiên được trình bày như là thời kỳ sống lý tưởng của Dân được Thiên Chúa tuyển chọn. Trong thời kỳ này, lý tưởng tôn giáo của họ phát triển phong phú và họ sống lý tưởng này ở mức hoàn hảo. (2) Thời kỳ này cũng còn được coi như một thử thách, thậm chí một hình phạt dành cho tội lẩm bẩm kêu ca và bất phục tùng. Quả thật, hoang địa vừa là nơi con người tách mình khỏi trần thế để được thanh luyện, vừa là nơi thử thách.
- để chịu quỷ dữ cám dỗ (1): Đây là một sự chọn lựa nằm trong chương trình của Thiên Chúa. Tư cách Mêsia của Đức Giêsu cần được thử thách. Và sự thử thách này là một chặng cần thiết  trong ơn gọi của Đức Giêsu, trong tư cách Israel mới.
- quỷ dữ (1): Từ ngữ Hy Lạp diabolos có nghĩa là “kẻ vu khống”, “kẻ tố cáo” (động từ diaballô, “tố cáo”; “kết án”). Bản LXX đã dùng diabolos để dịch từ Híp-ri satan (HL satanas). Trong Kinh Thánh, “quỷ” xuất hiện ra như là kẻ tố cáo (x. Dcr 3,1-5; G 1–2; Tv 109,6), ông hoàng của thế gian (Ga 12,31; 14,30), tên cám dỗ (G 1,8-12; 2,1-6; 2 Sm 24,1tt; 1 Sb 21,1; Kn 2,24; 1 Tx 3,5; 1 Cr 7,5; 2 Cr 11,3-15; Rm 16,17-20…). Dù với tên gọi nào, “quỷ” cũng là một “đối thủ” (nghĩa nguyên thủy của từ satan), một kẻ thù của Thiên Chúa và của loài người, nghĩa là chống lại sự thiện. Xem trong Mt: 6,13; 8,28; 12,22; 12,24; 13,25; 16,23…
- Người ăn chay suốt bốn mươi ngày bốn mươi đêm (2): Con số 40 chỉ một thời gian khá dài và có sắc thái là một sự hoàn tất với kết quả tích cực là giải phóng và xây dựng con người. So với Lc, Mt thêm “bốn mươi đêm” để ám chỉ thời gian Đức Giêsu ở trong hoang địa tương đương với thời gian Môsê ăn chay trên núi cao để rồi sau đó được Đức Chúa ban cho các điều khoản của Giao ước (Xh 34,28; x. Xh 25,18). Nhưng cũng có thể Mt muốn ám chỉ đến Êlia nữa (x. 1 V 19,8: ăn chay trong hành trình tiến về núi Khôrép). Hai dung mạo vĩ đại này, đại diện cho Lề Luật và các Ngôn sứ, sẽ tái xuất hiện trong cuộc Hiển Dung của Đức Giêsu (cuộc Hiển Dung này chính là cuộc thần hiển. Sau đó sẽ có việc thiết lập Giao Ước mới nhờ cuộc Khổ Nạn–Phục Sinh của Đức Giêsu). Có lẽ Mt muốn nói rằng việc Đức Giêsu ăn chay đã tóm kết cách nào đó kinh nghiệm của Môsê và Êlia, cũng như các cám dỗ sẽ tóm kết lịch sử của Israel tại hoang địa.
- Nếu ông là Con Thiên Chúa (3): Cám dỗ này do bởi quỷ và thử thách dưới chân thập giá do bởi người Do Thái (Mt 27,40) song song với nhau: chúng nhắm đến tư cách Mêsia của Đức Giêsu. Đây cũng là một lời thách thức Đức Giêsu làm lại các cử chỉ của Môsê, để chứng tỏ thời đại thiên sai đã đến. Không có lời nhắc đến man-na, nhưng câu trả lời của Đức Giêsu khiến nghĩ đến man-na.
- đã có lời chép rằng (4): Gegraptai là thì hoàn thành (perfect) ở thái bị động của động từ graphô, “viết”. Thái bị động này thay tên Thiên Chúa, nên có thể hiểu là “Thiên Chúa đã viết”.
- vinh hoa của các nước ấy (8): Doxa (HL), “vinh quang”, đây là một từ ngữ Kinh Thánh để chỉ sự lộng lẫy huy hoàng hoặc giàu sang, sung túc, được tỏ ra bên ngoài.
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Mở (1-2)
Bản văn này được liên kết với bài tường thuật về phép Rửa. Tại sông Giođan, Thần Khí Thiên Chúa đã được ban cho Đức Giêsu, nay cũng Thần Khí ấy lại dẫn Người vào hoang địa. Chiều hướng của bản văn là: Bởi vì Đức Giêsu đến hoàn tất nỗi chờ mong của dân Người, nhất thiết Người phải đảm nhận mọi chiều kích của lịch sử dân Người: ở tại Ai Cập (2,13-15), đi qua sông Giođan (3,13-17), cám dỗ trong hoang địa (4,1-11). Qua các cám dỗ, Đức Giêsu cho thấy Người chấp nhận trọn vẹn thánh ý Chúa Cha; Người loại trừ mọi thứ cung cách Mêsia mà Thiên Chúa không muốn (mà chính Gioan Tẩy Giả đã hình dung), để chấp nhận làm một Mêsia chịu đóng đinh.
Tất cả bài tường thuật về ăn chay và cám dỗ tập trung vào các biến cố của cuộc Xuất Hành. Dân Israel cũng là “con yêu dấu của Thiên Chúa”, nhưng tất cả hành trình trong hoang địa cho thấy họ đã là một đứa con nổi loạn và thất trung (x. Đnl 6,16; 17,2.7; ch. 32–34; Ds 14,22; các Tv: Tv 78,18-41; 81,11; 95,8; 96,6; các ngôn sứ: Gr 7,22; Ed 20,5; Is 63,10. Xem các tác giả Tân Ước: Dt 3,16; Gđ 5). Quả thật, ngôn ngữ của câu đầu đã khiến chúng ta nhớ đến Đnl 8,2 (LXX) và như ám chỉ đến hoàn cảnh của Israel tại hoang địa: “… Thiên Chúa đã dẫn (êgagen; Mt: an-ago) …, như vậy Người thử thách (ekpeirasê; Mt: peirasthênai)…”. Bản văn Đnl nói rằng Thiên Chúa “thử thách” dân để “biết lòng dạ anh em, xem anh em có giữ các mệnh lệnh của Người hay không”. Còn ở đây, trong bản văn Mt, “thử thách” là để phá hỏng và kẻ “thử thách” là quỷ, chứ không phải là Thiên Chúa. Tại hoang địa, Đức Giêsu vừa tóm kết kinh nghiệm của Môsê và Êlia, vừa tóm kết lịch sử của dân Israel trong hoang địa.
Sức con người có thể nhịn ăn nhịn uống được đến thế? Chắc chắn là có, như trường hợp thánh Phanxicô Assisi sau này. Nhưng ở đây, tác giả còn muốn nói một điều khác: cũng như trong trường hợp Môsê, ở đây chính Thiên Chúa nâng đỡ Đức Giêsu, vì Người tin tưởng gắn bó với Thiên Chúa. Nếu như thế, cảm giác đói sau bốn mươi ngày, chính là một thử thách: Phải chăng Thiên Chúa đã bỏ rơi Đức Giêsu? Cám dỗ thứ nhất được tháp vào điểm này.
* Cám dỗ thứ nhất (3-4)
Trong cám dỗ này, quỷ thách thức Đức Giêsu lặp lại các cử chỉ của Môsê, nhưng không phải bằng cách làm mưa man-na, nhưng bằng cách rút bánh ra từ các tảng đá. Đây cũng là một thách thức nhắm vào tư cách Mêsia của Đức Giêsu. Từ ngữ “nếu” nhằm gieo một sự hoài nghi vào tâm trí Đức Giêsu (x. Mt 27,40). Trong cả hai trường hợp, ở đây và trên thập giá, quỷ (ở đây; trên đồi Sọ: quỷ hiện thân nơi “những người qua lại”) thúc đẩy Đức Giêsu sử dụng những quyền lực thiên sai để thoát khỏi một hoàn cảnh nguy hiểm (đói ở hoang địa; chết trên thập giá).
Thiên Chúa đã để cho Israel đi qua thử thách là cái đói, để kiểm chứng lòng tín thác của họ (x. Đnl 8,2-3). Họ đã lẩm bẩm kêu ca, tiếc nuối Ai Cập. Đức Giêsu cũng cảm thấy đói; Người có thể nghĩ rằng Thiên Chúa đã bỏ rơi mình. Quỷ gợi ý cho Người, trong tư cách là “Con Thiên Chúa”, tin vào quyền năng làm phép lạ của mình, và như thế là xúi giục Đức Giêsu nghi ngờ và bất phục tùng Thiên Chúa. Đức Giêsu dứt khoát dựa vào Kinh Thánh (sách Đnl; gegraptai) để nói “không” với quỷ; Người tiếp tục cậy dựa hoàn toàn vào Thiên Chúa (x. 27,43). Sách Khôn ngoan nói rằng: “Lời Ngài mới giữ gìn chăm sóc những ai hằng tin tưởng vào Ngài” (Kn 16,26). Tin Mừng Gioan cho thấy là lương thực mà Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, vẫn dùng chính là thi hành ý muốn của Chúa Cha (x. Ga 4,34). Đấng Mêsia không có nhiệm vụ vun trồng những ảo tưởng dễ dãi, nhưng thức tỉnh niềm tin tưởng nơi Thiên Chúa.
* Cám dỗ thứ hai (5-7)
Sau cám dỗ thứ nhất, Đức Giêsu đã náu mình vào trong sự che chở của Thiên Chúa. Với câu Tv 91,11, quỷ đề nghị Người, vẫn trong tư cách “Con Thiên Chúa”, gieo mình từ nóc Đền Thờ xuống đất: đây hẳn là đáp lại sự chờ đợi của dân chúng, vì họ được loan báo là Đấng Mêsia sẽ xuất hiện trên núi Sion, cũng được đồng hóa với Đền Thờ (các sách ngụy thư Ét-ra IV [13,34-37]; Khải huyền Barúc [40,12]). Dù sao đây cũng vẫn là xúi Đức Giêsu vận dụng sự che chở của Thiên Chúa vào hướng xấu, như Israel đã làm, khi đòi hỏi Thiên Chúa can thiệp (x. Xh 17,1-7; Ds 14,22; Đnl 6,16; Tv 95,8-11). Đây chính là áp đặt ý muốn của con người cho Thiên Chúa. Cùng một chiều hướng như thế, trong Mt, có các truyện các đối thủ Đức Giêsu xin những dấu lạ từ trời (12,38-42) hoặc đề nghị Người xuống khỏi thập giá (27,49); trong Lc, có giai thoại các môn đệ muốn xin lửa xuống thiêu hủy thành không hiếu khách (Lc 9,56). Đức Giêsu vẫn dứt khoát trả lời “không”, bằng câu Đnl 6,16. Người không muốn ép Thiên Chúa phải can thiệp khi mà Thiên Chúa không định như thế; Người vẫn tiếp tục tín thác vào Thiên Chúa.
Chúng ta ghi nhận trong hai cám dỗ đầu, quỷ quy về tư cách “Con Thiên Chúa”, như thế là xác nhận lời công bố tại sông Giođan (x. 3,17).
* Cám dỗ thứ ba (8-10)
Cám dỗ cuối cùng không còn chút che đậy nào nữa: quỷ đề nghị Đức Giêsu thờ phượng nó. Cám dỗ này gồm tóm khát vọng cổ xưa nhất của Israel (sở hữu đất Canaan). Để làm thế, hẳn là nó bày ra trong trí của Đức Giêsu tất cả quang cảnh các nước thế gian, như xưa kia Môsê đứng trên đỉnh Nơvô mà nhìn vào Đất Hứa (x. Đnl 31,1-4) và gợi ý cho Đức Giêsu một giải pháp: bái lạy nó. Đây là cám dỗ con bê vàng, muốn tự tạo cho mình một thần linh mà mình có thể điều khiển. Đức Giêsu vẫn dứt khoát nói “không”, bằng câu Đnl 6,13: Thiên Chúa không phải là một Đấng mà người ta có thể mặc cả với; Ngài đòi hỏi tin tưởng và vâng phục vô điều kiện. Dĩ nhiên, Đức Giêsu, Tôi Trung của Thiên Chúa, không từ bỏ kế hoạch chinh phục thế giới, nhưng chinh phục bằng thập giá. Đất Hứa là lãnh địa bao la mà Người sẽ nhận khi sống lại (x. 28,18: theo lời hứa ở Tv 2,6-8). Sau này, chúng ta thấy các môn đệ Người không hiểu được chọn lựa này (Phêrô: Mt 16,23). Đức Giêsu sẽ chấp nhận cái đói, các nỗi nhục nhã, những thất bại, cái chết, để chu toàn ý muốn của Thiên Chúa.
* Kết (11)
Câu kết của bản văn là một ghi chú thần học hơn là một sứ điệp lịch sử. Sự thống trị mà Đức Giêsu đã từ chối nay vẫn được ban cho Người. Trong tâm thức dân gian, các thiên sứ là những tôi tớ của Thiên Chúa (x. Mt 16,27), bây giờ đến phục vụ Đức Giêsu, lệ thuộc Người. Đức Giêsu không nhận một vương quyền trần thế, nhưng chia sẻ chính quyền thống trị của Thiên Chúa.
Rõ ràng Nước Trời đã đến gần loài người, bởi vì thiên triều đang vây quanh Người Con yêu dấu của Thiên Chúa. Nhưng các thiên sứ chỉ can thiệp sau khi Đức Giêsu đã chiến thắng cám dỗ. Sau này, khi Người đã thắng được cám dỗ muốn vận dụng “hơn mười hai đạo binh thiên thần” (26,53) để tránh thoát thập giá, khi Người vẫn phó thác cuộc đời vào tay Chúa Cha, các thiên sứ lại đến hầu hạ Người, qua việc loan báo tin mừng Phục Sinh cho các môn đệ (x. 28,2-7).
+ Kết luận
Các cám dỗ nhắm tấn công Đức Giêsu trong tư cách Mêsia và Người Con vâng phục và trung thành của Thiên Chúa. Quỷ xúi Đức Giêsu lạm dụng lời quyền năng của Người, rồi xúi Người ỷ lại vào quan hệ giữa Người với Thiên Chúa, và cuối cùng, xúi Người bỏ đi lòng trung nghĩa với Thiên Chúa. Chiến thắng của Người rất quan trọng. Nó xóa đi những bóng tối đã tích tụ lại trong lịch sử dân Thiên Chúa và nó cũng gợi ra chiều hướng dấn thân phục vụ ơn cứu độ. Thay vì chọn làm một Mêsia-Phù thủy hay một Mêsia-Thủ lãnh, Đức Giêsu chọn làm Mêsia-Tôi tớ khiêm nhường. Khi đó, Người vẫn là Người Con vâng phục, và cũng là Israel chân chính và hoàn hảo.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Trung thành đọc và suy gẫm Lời Chúa, chúng ta sẽ khám phá ra liên tục lòng nhân ái của Thiên Chúa đối với chúng ta. Từ đó, chúng ta có thể yên tâm phó thác cuộc sống cho Ngài, không phải tính toán để bảo vệ cuộc sống mình, để rồi rơi vào các cám dỗ. Cám dỗ luôn luôn xoay quanh Lời Chúa, hoặc để vi phạm hoặc để lái Lời Chúa khỏi ý nghĩa đúng đắn. Con rắn mưu mô trong St 3 đã bóp méo Lời Chúa: “Có thật Thiên Chúa bảo: ‘Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không? … ‘Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra…” (St 3,1.5). Tên cám dỗ trong bài Tin Mừng Mt đã bảo Đức Giêsu dùng Lời Chúa để biến đá thành bánh hoặc đã uốn nắn ý nghĩa của Thánh vịnh để đưa Đức Giêsu đến chỗ thử thách Thiên Chúa. Đức Giêsu không áp đảo Lời Chúa; Người vâng phục Lời Chúa, Người nhận Lời Chúa từ Thiên Chúa. 
2. Quỷ đã đề nghị cho Ađam trở thành Thiên Chúa (St 3,5). Nó cũng gợi ý cho Đức Kitô sử dụng quyền lực thiên sai của mình như một đặc quyền hay như một vũ khí. Nói cho cùng, tội lỗi luôn luôn là một ý chí hùng cường. Thế mà Thiên Chúa lại cứu con người khỏi tội lỗi bằng sự yếu đuối của Đức Kitô. Muốn được Thiên Chúa can thiệp tức khắc vào đời sống mình có nghĩa là nghi ngờ sự quan phòng thông thường của Ngài, nghi ngờ quyền năng và lòng nhân lành của Ngài. Ai thử thách Thiên Chúa, thì không có đức tin hoặc có một đức tin đang chao đảo, nên mới chờ đợi các phép lạ.
3. Các cám dỗ không chỉ là chuyện một ngày hay bốn mươi ngày, mà là cả đời Đức Giêsu. Luôn luôn có những sức mạnh bên ngoài, như các môn đệ (Mt 16,22), các kẻ thù (12,38; 27,41), và cả những khát vọng của bản thân Người (26,39; 27,46) tìm cách đưa Người đi theo nẻo đường quỷ vạch ra cho Người. Người đã chọn, Người sẽ phải liên tục chọn nói “không” với quỷ và thưa “xin vâng” với Chúa Cha (x. Dt 5,8).
4. Đức Giêsu nói “không” với quỷ, nhưng cũng phải nói “không” với chính mình, bởi vì con đường Người theo kềm hãm các khát vọng và những đòi hỏi của bản tính tự nhiên. Các phản ứng của Người trước đau khổ, những tủi nhục, những thất bại, thì cũng giống như mọi người. Người không thể phạm tội, nhưng Người có thể chọn con đường chung của mọi người, là sự thỏa thuê. Vinh quang không phải là một tội, mà còn là một quyền Người có thể dùng. Sự rút lui của quỷ chứng tỏ đây không những là một chiến thắng của chủ trương Mêsia khiêm nhường và phục vụ như tôi tớ, mà còn là một chiến thắng riêng của Đức Giêsu. Người đã không nhường bước cho một nẻo đường tiện nghi thoải mái, đã không muốn hưởng trước một thành công; nhưng Người đã tôn trọng con đường đã được chọn cho Người dù phải hy sinh, thiệt thòi. Rời khỏi hoang địa, không những Người được thánh hiến mà còn đủ tư cách Mêsia.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét