Trang

Thứ Ba, 11 tháng 3, 2014

Thư ký của ba vị giáo hoàng xúc động phát biểu về Đức Bênêđictô

Thư ký của ba vị giáo hoàng xúc động phát biểu về Đức Bênêđictô

Đức ông Alfred Xuereb phục vụ dưới triều giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II, rồi sau đó là thư ký riêng của Đức Bênêđíctô XVI, tiếp tục vai trò với Đức Phanxicô cho tới nay, và mới đây được bổ nhiệm là tổng thư ký của Tân Văn Phòng Kinh Tế. 

Nhân dịp kỷ niệm một năm từ nhiệm của Đức Bênêđíctô, Đức Ông đã dành cho Zenit một cuộc phỏng vấn khá cảm động. Ngài nói tới những dấu hiệu dẫn tới việc từ nhiệm này. Lời ngài: “Một thời gian trước khi có công bố, tôi đã rất ngỡ ngàng trước thái độ trầm lặng hết sức cao độ của Đức Bênêđíctô lúc ở phòng áo trước khi cử hành Thánh Lễ. Giờ gỉa thiết khởi đầu Thánh Lễ là 7 giờ sáng. Tuy nhiên, đôi khi người ta nghe được tiếng đồng hồ tại Sân Thánh Damasus, nhưng ngài vẫn tiếp tục trầm lặng suy nghĩ. Ngài cầu nguyện. Có cả một thời kỳ ngài suy nghĩ rất lung hơn bao giờ hết. Tôi có cảm giác rõ rệt rằng một điều gì đó rất quan trọng đang diễn ra trong tâm hồn Đức Giáo Hoàng, hẳn ngài đang cầu nguyện cho một ý chỉ hết sức đặc biệt gì đó. Tôi không biết chính xác đó là điều gì, nhưng có lẽ đó là thời điểm của cuộc chiến nội tâm mà ngài đã trải qua trước khi đạt tới quyết định anh hùng là từ nhiệm. 

“Tin từ nhiệm trên đã được ngài đích thân thông báo cho chúng tôi. Tôi được chính ngài đích thân vời tới. Tôi ngồi xuống trước bàn giấy của ngài. Mặc dù đây không phải là lần đầu được vời như thế này, tôi có linh cảm mình sẽ được thông tri một điều rất quan trọng. Hiển nhiên, không ai mong điều ấy cả. Ngài thanh thản, giống như một ai đó vừa kinh qua một cuộc chiến đấu và đã thắng vượt được giây phút do dự. Ngài trầm tĩnh như một người biết mình đang ở trong thánh ý Chúa. 

“Vừa nghe tin, phản ứng đầu tiên của tôi là: “không, thưa Đức Thánh Cha!Tại sao Đức Thánh Cha không suy nghĩ thêm chút nữa?” Rồi tôi khựng lại và tự nói với mình: “Ai biết được là ngài đã xem sét quyết định này từ lâu rồi!”. Trở về với tâm trí tôi như một làn chớp là những giây phút thật dài và trầm tư cầu nguyện trước Thánh Lễ và tôi chăm chú lắng nghe lời ngài. Mọi việc đã được quyết định cả rồi. Hai lần, ngài nhắc đi nhắc lại với tôi: “Đức ông sẽ đi với đức tân giáo hoàng”. Có lẽ ngài có trực giác trước; tôi không biết. Ngày tôi chia tay với Đức GH Bênêđíctô tại Castel Gandolfo, tôi khóc nức nở và cám ơn ngài vì tình cha con vĩ đại của ngài. 

“Từ đó, sự việc đã thay đổi lớn đối với tôi. Tôi bị khủng hoảng cứ khóc hoài; thật rất khó cho tôi xa lìa Đức GH Bênêđíctô XVI. Ngày 11 tháng Hai, 2013, tại Phòng Mật Nghị, tôi ngồi trên chiếc ghế bên cạnh ngài. Lúc ngài đọc, tôi bật khóc. Người ngồi bên cạnh thúc cùi chỏ nói với tôi: xin đức ông kìm hãm một chút vì tôi cũng đâu có vui gì. Tôi rất ngạc nhiên trước các phản ứng của các vị Hồng Y ngồi phía trước tôi. Tôi còn nhớ Đức HY Giovanni Battista Re, người không thể tin ở tai mình.

“Tại bàn ăn hôm đó, chúng tôi nói về việc trên và tôi thưa với Đức GH Bênêđíctô: “Nhưng thưa Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha vẫn hết sức thanh thản”. Ngài trả lời một cách cương quyết: “đúng thế”. Quyết định đã được thực hiện và thông báo, nay thì tùy chúng tôi có vâng theo chọn lựa lớn lao của ngài hay không: chọn lựa sự cai quản mà thoạt đầu xem ra như chọn lựa việc từ bỏ cai quản. Bởi thế, sau khi mật nghị chấm dứt, nhiều vị Hồng Y, trong đó có vị vì không nghe có vị vì nghe mà không hiểu tiếng La Tinh, nên đã lại gần hai Đức HY Angelo Sodano và Giovanni Battista Re để hiểu rõ hơn Đức Bênêđíctô đã nói gì. Đức Thánh Cha tiếp tục thanh thản cho tới ngày chót, ngay cả lúc tới Castel Gandolfo". 

Theo Đức Ông Xuereb, Đức Bênêđíctô xác tín điều Chúa yêu cầu ngài trong lúc đó. Chính ngài tuyên bố: “Tôi không còn đủ sức khỏe để tiếp tục sứ mệnh của mình nữa, sứ mệnh của tôi đã chấm dứt. Tôi từ nhiệm để nhường chỗ cho một vị khác nhiều sức khỏe hơn tôi để dẫn dắt Giáo Hội tiến lên”. Vì Giáo Hội là Giáo Hội của Chúa Kitô, chứ không phải của Đức GH Bênêđíctô. 

Vào dịp này, rất nhiều người đã gửi thư tới vấn an Đức Bênêđíctô XVI. Đức Ông Xuereb xác nhận điều này và cho hay: “Tôi nhớ rất rõ. Sau ngày 28 tháng Hai, 2013, hàng ngàn lá thư bắt đầu gửi tới Castel Gandolfo. Quả là điều gây ấn tượng. Thoạt đầu không có bao nhiêu. Mọi người được tự do viết cho Đức Giáo Hoàng. Tuy nhiên, điều đáng yêu là được thấy lá thư nào cũng kèm theo một đồ vật gì đó: một đồ thủ công, một bản nhạc, một cuốn lịch, một bức vẽ. Dường như họ muốn nói: ‘Cám ơn Đức Thánh Cha vì mọi điều ngài đã làm; chúng con đánh giá cao sự hy sinh Đức Thánh Cha làm cho chúng con. Chúng con không những muốn bày tỏ các tình cảm này, mà còn muốn kính dâng Đức Thánh Cha một đồ vật gì đó của chúng con nữa’. 

“Trong số các thư từ nói trên, nhiều thư là của trẻ em. Tôi chất đầy gía sách các thư từ nhận được. Dĩ nhiên, Đức Thánh Cha đâu có thì giờ đọc hết được, vì ngài còn có trăm ngàn việc khác để làm. Một buổi tối kia, khi đi ngang qua, tôi thưa với ngài: ‘Đức Thánh Cha thử nhìn xem, đây là thư đến hôm nay, trong đó, nhiều thư là của trẻ em’. Ngài quay lại tôi và nói: “Chúng là những lá thư rất đẹp đẽ”. Tôi rất đỗi ngạc nhiên trước sự dịu dàng của ngài đối với trẻ em. Đức Bênêđictô luôn có đặc tính dịu dàng. Có lẽ ngài muốn nói thêm: ‘ngược với những là thư làm tôi lo lắng, những lá thư tạo vấn đề cho tôi’. Tôi nghĩ những lá thư này giống như một đối cực giúp ngài cảm thấy được yêu mến". 

Về thời gian có cơ mật viện bầu giáo hoàng, Đức Ông Xuereb cho hay Đức GH hưu trí đặt “nhiều hoài mong nơi cơ mật viện, nơi cuộc bầu cử… Ngài muốn được biết vị nào sẽ là người kế nhiệm mình. Gây xúc động cho tôi hơn cả là cú điện thoại mà Đức Tân Giáo Hoàng lập tức gọi cho Đức GH Bênêđíctô. Tôi đang ở bên cạnh ngài, trao cho ngài máy nghe. Thật hết sức xúc động khi nghe Đức Bênêđíctô thưa: ‘Thưa Đức Thánh Cha, con xin cám ơn Đức Thánh Cha, vì Đức Thánh Cha đã nghĩ đến con. Con hứa ngay bây giờ sự vâng lời Đức Thánh Cha của con; con hứa sẽ cầu nguyện cho Đức Thánh Cha!’. Được nghe những lời này từ một con người tôi từng sống bên cạnh và là Đức Giáo Hoàng của tôi, được nghe như thế này bỗng dâng lên trong tôi một bồi hồi khôn tả”.

Thế rồi cuộc chia tay giữa “cha con” cũng phải diễn ra. Đức Ông Xuereb mô tả giây phút đó như sau: “Tôi ở với ngài từ hai tới ba ngày sau khi Đức GH Phanxicô đã được bầu. Tôi nhớ từng phút một lúc phải chia tay ngài, vì, có thể nói như thế, đó là giây phút xé lòng tôi. Tôi sống gần 8 năm bên cạnh một người yêu tôi như người cha, người đã giúp tôi cơ hội tham dự vào sự tin cẩn luôn luôn đáng kính, nhưng rất thân mật, và thế là ngày chia tay cũng đã tới. Đức GH Bênêđíctô đã viết một lá thư rất tốt đẹp, mà ngài trao cho tôi một bản, được tôi lưu giữ như bảo vật; trong thư này, ngài thưa với đức tân giáo hoàng một số các ưu điểm của tôi. Có lẽ ngài tránh không nói tới các khuyết điểm của tôi… Ngài đoan hứa với đức tân giáo hoàng sẽ để tôi hoàn toàn được tự do. 

“Tôi cũng nhớ cung cách tôi gói ghém đồ đạc cá nhân. Người ta bảo tôi: ‘đức ông phải nhanh lên vì đức tân giáo hoàng cần tới đức ông, ngài đang phải tự mình mở thư từ. Ngài chỉ có một mình; không ai giúp ngài cả. Xin đức ông chuyển đồ đạc tới mau’. 

“Tôi không biết điều gì đang diễn ra tại Nhà Thánh Mácta; đến việc Đức GH Phanxicô không có thư ký, tôi cũng không biết. Thế rồi giây phút xúc động cũng đã tới, khi tôi bước vào văn phòng Đức Bênêđíctô để đích thân chào từ biệt ngài. Sau đó còn là bữa trưa, nhưng tôi chào kính ngài lúc đó và thưa với ngài: ‘Thưa Đức Thánh Cha, thật khó cho con phải xa Đức Thánh Cha. Con cám ơn Đức Thánh Cha rất nhiều về những gì Đức Thánh Cha đã làm cho con’. Lòng biết ơn của tôi không hẳn do sự kiện ngài đã trao tôi cho đức tân giáo hoàng, như có người từng viết, mà là do tình cha con vĩ đại của ngài. Đức GH Bênêđíctô không xúc động trong những giây phút này. Ngài đứng thẳng, tôi qùy gối như thường lệ mỗi khi muốn hôn nhẫn của ngài. Không những ngài cho phép tôi hôn nhẫn, mà còn nâng tay lên chúc lành cho tôi. Chúng tôi chia tay nhau như thế. Rồi chúng tôi ăn trưa, nhưng tôi chẳng làm sao nói nên lời”. 

Về duyên do nào ngài trở thành thư ký thứ hai của Đức Bênêđíctô, Đức Ông Xuereb cho hay: “Lúc đó, tôi đang làm việc tại Loggia thứ hai trong tư cách giáo phẩm tại tiền sảnh chuyên tháp tùng các nhân vật được yết kiến riêng tại Thư Phòng. Một ngày kia, tôi được thông báo: ‘Đức Giáo Hoàng muốn nói chuyện với đức ông’. Tôi rất xúc động thấy mình được ngồi trên cùng một chiếc ghế mà trong nhiều năm, đầu tiên dưới triều Đức Gioan Phaolô II, rồi dưới triều Đức Bênêđíctô, tôi từng mời các thượng khách và tháp tùng họ tới bàn giấy Đức Giáo Hoàng. 

“Đức Bênêđíctô XVI muốn nói chuyện riêng với tôi, và đã nói những lời hết sức tốt đẹp đối với tôi: ‘như đức ông biết, Đức Ông Mietek nay phải trở về Ukraine. Chúng tôi rất bằng lòng với ngài và tôi nghĩ đức ông có thể thay thế ngài. Tôi biết, đức ông từng ở Đức, cho nên biết ít nhiều tiếng Đức’. Tôi thưa lại rằng tôi đã ở Munster, tôi từng hành nghề tại một nhà thương, điều mà Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài đã biết. Ngài cũng biết rằng khu vực nơi tôi từng sống và cả giáo xứ cũng như cha xứ nữa vì ngài vốn từng sống gần đó và dạy học tại đó. Ngài biết hai vị giáo sư: Giáo Sư Pieper và một thần học gia tên là Pasha. Vì nhà của ngài bị bom tiêu hủy nên ngài được cùng những người tôi vốn ở trọ mời tới ở. Đức Thánh Cha cũng nói ít điều về Malta và thêm: ‘dĩ nhiên, bây giờ ai có nhiệm vụ nấy’. Tôi hiểu ngay là chúng tôi phải bắt tay vào việc ngay. Và thế là tôi bắt tay khởi đầu công việc”.

Đức Ông Xuereb cũng tiết lộ nhiều chi tiết cho thấy Đức Bênêđíctô XVI rất quan tâm tới người khác. Ngài tiếp tục truyền thống tốt đẹp của Đức Gioan Phaolô II là cầu nguyện theo ý chỉ của những người xin. Đức Ông cho hay: “Các ý cầu nguyện hầu như ngày nào cũng được gửi tới. Nhiều ý cầu nguyện này không được chuyển tới từ văn phòng thư ký riêng mà trực tiếp từ Phủ Quốc Vụ Khanh. Với các ý cầu nguyện này, chúng tôi thường trả lời rằng Đức Giáo Hoàng sẽ cầu nguyện chung trong lời cầu nguyện của ngài. Nhưng quả Đức Bênêđíctô rất quan tâm tới chúng: biết bao bệnh tật ta không biết đến, và biết bao gia đình phải kinh qua thảm kịch bệnh hoạn! Ngài không những nghĩ tới người bệnh mà cả gia đình họ ngày đêm, giáng sinh hay phục sinh, hè hay đông, phải chăm sóc người bệnh. Biết bao gia đình âu lo vì đứa bé vừa sinh đã lâm bệnh! Và nếu có ý cầu nguyện nào từ Malta gửi tới, nhất là từ thành phố của tôi, ngài đều hỏi: ‘Đức ông có biết những người này không?’ Đôi khi tôi thưa lại rằng có, tôi có biết họ, những khi khác, tôi thưa không. Nhưng điều làm tôi thán phục là sau đó mấy hôm, hơn một lần, sau khi đọc Kinh Mân Côi ở trong Vườn xong, ngài quay qua hỏi tôi ‘Đức ông có tin tức gì của Ông X, người mà đức ông nói với tôi trước đây không?’ Nhiều lần, tôi thưa lại là không may người ấy đã qua đời, thì ngài liền trầm lặng và lập tức đọc kinh cầu hồn cho họ, điều này làm tôi hết sức ngạc nhiên. Ngài cũng mời tôi cùng cầu nguyện với ngài cho họ. Vị giáo hoàng có cả hàng ngàn việc phải làm, cả hàng ngàn việc phải suy nghĩ, vậy mà vẫn coi việc cầu nguyện cho người bệnh là thừa tác vụ rất quan trọng của mình. Tôi có thói quen đặt một mẩu giấy với tên người xin cầu nguyện trong một chiếc hộp đặt ở bàn qùy của ngài. Tôi biết ngài thường nhìn hết lượt các mẩu giấy này. Chúng sẵn ở đó. Tôi không bao giờ vứt các mẩu giấy ấy đi trừ khi ngài bảo thế”. 

Theo Đức Ông Xuereb, Đức Gioan Phaolô II mãi mãi là “Đức Giáo Hoàng” của Đức Bênêđíctô. “Đúng thế. Ngài gọi (Đức Gioan Phaolô II) là ‘Đức Giáo Hoàng’. Khi ngài nói ‘Đức Giáo Hoàng’, thoạt đầu, chúng tôi chẳng hiểu chi. Ngài coi mình như một người cộng tác với ‘Đức Giáo Hoàng’. Tôi nghĩ ngài phục vụ ‘Đức Giáo Hoàng’ một cách trung thành không những vì ngài biết về phương diện thần học ‘người thừa kế Phêrô’ có nghĩa gì mà còn vì lòng tôn kính đặc biệt đối với Đức Giáo Hoàng mà ngài từng nhận được qua nền giáo dục trong bầu khí tôn giáo tại Bavaria xưa. Theo nghĩa này, phục vụ ‘Đức Giáo Hoàng’ là một ơn phúc hết sức vĩ đại”. 

Về mối tương quan giữa Đức Gioan Phaolô II và Đức HY Ratzinger, Đức Ông Xuereb cho biết: “chỉ có một lần duy nhất tôi được tham dự cuộc gặp gỡ giữa Đức HY Ratzinger và Đức GH Gioan Phaolô II, đó là dịp Cả Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, mà Đức HY là bộ trưởng, được yết kiến Đức Gioan Phaolô II. Tôi chỉ có thể xác nhận điều mà mọi người đều đã nhận định, đó là: Đức Gioan Phaolô rất tín nhiệm Đức HY Ratzinger, ngài tìm tới Đức HY để hỏi quan điểm hay để soạn thảo hoặc sửa lại một số văn kiện. Nguyên sự kiện Đức Gioan Phaolô II nhiều lần không chấp nhận đơn từ chức của Đức HY Ratzinger, người lúc đó đã mừng thượng thọ 75 tuổi từ lâu, cho thấy ngài không muốn mất một người tín cẩn, một cộng tác viên như thế. Ở đây, tôi cũng thấy một khía cạnh khác của sự thánh thiện nơi Đức Gioan Phaolô II và đó là cái nhìn xa của ngài. Ngài thấy trước khá xa và có lẽ đã đoán trước Đức HY Ratzinger sẽ là người kế nhiệm mình”. 

Đức Ông Alfred Xuereb sinh tại Malta. Thời gian phục vụ Tòa Thánh của ngài bắt đầu dưới triều Đức Gioan Phaolô II, năm 2001, tại bộ phận thứ nhất của Phủ Quốc Vụ Khanh. Sau đó, ngài trở thành cộng tác viên của Đức Cha James Harvey tại Phủ Giáo Hoàng và từ năm 2003, ngài đảm nhiệm chức vụ Giáo Phẩm của tiền sảnh giáo hoàng, nghĩa là vị giáo chủ có trách nhiệm giới thiệu với Đức GH các khách qúy được ngài tiếp kiến riêng tại Tông Điện. Trong thời gian này, Đức Ông Xuereb có cơ hội được biết Đức Gioan Phaolô II một cách gần gũi hơn. Từ tháng Chín, 2007, cùng với Đức Cha Georg Gänswein, ngài đảm nhiệm chức năng thư ký thứ hai của Đức Bênêđíctô XVI. Trước Đức Ông, chức năng đó của đức ông người Ba Lan là Don Mieczyslaw Mokrzycki, nay là Tổng Giám Mục Lemberg, Ukraine. Sau khi Đức HY Jorge Mario Bergoglio được bầu làm giáo hoàng, Đức Ông được cử làm thư ký riêng đầu tiên của ngài. 


Vũ Văn An3/10/2014(vietcatholic)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét