Trang

Thứ Tư, 12 tháng 3, 2014

12-03-2014 : THỨ TƯ TUẦN I MÙA CHAY

12/03/2014
Thứ Tư sau Chúa Nhật I Mùa Chay


Bài Ðọc I: Gn 3, 1-10
"Dân thành Ninivê đã bỏ đàng tội lỗi".
Trích sách Tiên tri Giona.
Lời Chúa phán cùng Giona rằng: "Hãy chỗi dậy và đi đến Ninivê, một thành phố lớn, và rao giảng cho nó điều Ta sẽ nói cho ngươi". Giona chỗi dậy và đi đến Ninivê theo lời Chúa dạy. Ninivê là một thành phố lớn, rộng bằng ba ngày đàng. Giona tiến vào thành phố, đi một ngày đàng, rồi rao giảng rằng: "Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá huỷ". Dân thành tin tưởng nơi Chúa; họ công bố việc ăn chay và mặc áo nhặm, từ người lớn đến trẻ nhỏ.
Vua thành Ninivê nghe điều đó, liền bỏ ngai vàng, cởi áo cẩm bào, mặc áo nhặm và ngồi trên đống tro. Trong thành Ninivê, người ta rao sắc lệnh sau đây của nhà vua và các vương hầu: "Người, vật, bò, chiên, không được nếm, không được ăn uống gì hết; người và vật phải mặc áo nhặm, phải kêu to lên cùng Chúa và phải cải thiện đời sống, phải bỏ đàng tội lỗi và những điều bất chính đã phạm. Biết đâu Chúa sẽ đổi ý thứ tha, nguôi giận và chúng ta khỏi chết?" Chúa thấy việc họ làm, vì họ bỏ đời sống xấu xa, Chúa đổi ý định phạt họ, và Người không thực hiện điều đó.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 50, 3-4. 12-13. 18-19
Ðáp: Lạy Chúa, xin đừng chê tấm lòng tan nát, khiêm cung (c. 19).
Xướng: 1) Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa, xoá tội con theo lượng cả đức từ bi. Xin rửa con tuyệt gốc lỗi lầm, và tẩy con sạch lâng tội ác. - Ðáp.
2) Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch, và canh tân tinh thần cương nghị trong người con. Xin đừng loại con khỏi thiên nhan Chúa, chớ thu hồi Thánh Thần Chúa ra khỏi con. - Ðáp.
3) Bởi vì Chúa chẳng ưa gì sinh lễ, nếu con dâng lễ toàn thiêu, Chúa sẽ không ưng. Của lễ con dâng, lạy Chúa, là tâm hồn tan nát, lạy Chúa, xin đừng chê tấm lòng tan nát, khiêm cung. - Ðáp.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Ga 8, 12b
Chúa phán: "Ta là sự sáng thế gian. Ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống".

Phúc Âm: Lc 11, 29-32
"Không ban cho dòng giống này điềm lạ nào ngoài điềm lạ của tiên tri Giona".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, thấy dân chúng từng đoàn lũ tụ tập lại, Chúa Giêsu phán rằng: "Dòng giống này là dòng giống gian ác. Chúng đòi điềm lạ, nhưng sẽ không ban cho chúng điềm lạ nào, ngoài điềm lạ của tiên tri Giona. Vì Giona đã nên điềm lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là điềm lạ cho dòng giống này như vậy. Ðến ngày phán xét, nữ hoàng phương nam sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì bà đã từ tận cùng trái đất mà đến nghe sự khôn ngoan của Salomon. Nhưng ở đây còn có người hơn Salomon. Dân thành Ninivê cũng sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì họ đã sám hối theo lời Giona giảng, nhưng ở đây còn có người hơn Giona nữa".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Phép Lạ Của Tiên Tri Giona

"Không ban cho dòng giống này một điềm lạ nào, ngoài điềm lạ của tiên tri Giona".
Khoảng 400 năm trước khi Ðấng Cứu Thế ra đời, Thiên Chúa Giavê đã gọi ông Giona cộng tác vào công trình cứu rỗi của Ngài, và mạc khải tình thương của Thiên Chúa cho dân thành Ninivê đang sống xúc phạm đến Thiên Chúa. Giona chỗi dậy và đi đến Ninivê theo Lời Chúa truyền. Ninivê là một thành phố lớn, rộng bằng ba ngày đàng, Giona tiến vào thành phố, đi một ngày đàng rồi rao giảng rằng: "Còn 40 ngày nữa Ninivê sẽ bị phá hủy". Dân thành tin tưởng nơi Chúa, họ công bố việc ăn chay và mặc áo nhặm và ngồi trên đống tro. Nhà vua còn ra sắc lệnh buộc mọi người phải ăn năn thống hối, cải thiện đời sống, từ bỏ con đường tội lỗi và những điều bất chính.
Thiên Chúa thấy việc họ làm là từ bỏ đời sống xấu xa tội lỗi, nên đổi ý không phạt họ nữa. Giona tỏ vẻ bực tức trách Thiên Chúa không giữ lời hứa, và như thế làm cho ông bị mất mặt. Ông xin Thiên Chúa cho ông được chết đi còn hơn là thấy cảnh Ninivê ăn năn trở lại và được Thiên Chúa nhân từ yêu thương như trước.
Vì thế, Thiên Chúa đã phải thực hiện việc lạ là cho cây thầu dầu mọc lên che mát chỗ ngồi của tiên tri Giona. Rồi ngay ngày hôm sau, cho con sâu chích cây thầu dầu làm cho nó héo đi. Giona lại trách Chúa vì cây thầu dầu bị héo không còn bóng mát cho ông nữa. Thiên Chúa Giavê thức tỉnh Giona vơí những lời lẽ như sau: "Ngươi mủi lòng vì cây thầu dầu mà ngươi đã không phải khó nhọc để trồng nó. Còn Ta, Ta lại không mủi lòng cho dân thành Ninivê, trong đó có hơn hai vạn người hay sao?"
Thật ra, ông Giona không phải chỉ có thái độ trách Chúa, không chấp nhận việc hành xử nhân từ của Ngài, sau khi đã đến thành Ninivê mà thôi. Ông đã không tuân giữ Lời Chúa để đi đến thành Ninivê. Ông đã từ chối lời mời gọi lần thứ nhất, bỏ trốn xuống tàu đi Tasse thay vì đi Ninivê. Bảo táp nổi dậy và ông Giona trúng thăm phải bị ném xuống biển. Sau đó từ bụng cá lên bờ, ông Giona mới tuân hành lệnh Chúa đến Ninivê rao giảng điều Thiên Chúa muốn: "Còn 40 ngày nữa, Ninivê sẽ bị thiên Chúa phá hủy".
Một sứ điệp bi thảm có vẻ hăm dọa mà tiên tri Giona không thích rao giảng. Ngày nay nếu chúng ta được kêu gọi làm như tiên tri Giona, chắc chắn chúng ta cũng không thích, và chúng ta thích lời nói vừa lòng kẻ khác để được đón tiếp sung sướng hơn là nói điều Chúa muốn, như tiên tri Giona phải nói cho dân thành Ninivê biết việc Thiên Chúa sắp phá hủy thành phố này.
Ðức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tác giả tập sách "Ðường Hy Vọng" đã chia sẻ kinh nghiệm tu đức của mình như sau: "Yêu người không phải là vuốt ve nuông chiều, nhưng có lúc yêu người là làm phiền lòng họ, vì sự thật và vì lợi ích của họ".
Chúng ta có thể nghĩ đến trường hợp cụ thể sửa lỗi nhau. Lời sửa lỗi có thể làm phiền người khác, và ta thường ngại ngùng không muốn nói. Chúng ta cần thực hiện việc sửa lỗi cho người khác với tinh thần nhân từ yêu thương, chứ không phải để trả thù, hạ nhục anh em xuống, để làm thỏa mãn tự ái ghen tương của mình.
Thánh nữ Têrêsa Hài Ðồng Giêsu trong tập: "Nhật ký một tâm hồn" đã cho chúng ta một cách thức sửa lỗi thật tế nhị, đó là thánh nữ đã cầu nguyện thật nhiều để xin Chúa ban cho mình có một tinh thần vô cùng khiêm tốn, yêu thương như Chúa, trước khi thánh nữ mở miệng nói lời sửa lỗi một chị nữ tu khác.
Thánh Biển Ðức đã khoe với một Bề Trên tu viện như sau: "Khi sửa lỗi anh em, cần phải hành động một cách thận trọng, khôn ngoan, đừng làm thái quá để làm bể cái bình thủy tinh, vì chùi bụi quá mạnh". Hơn nữa, cần phải nghĩ đến mục đích của việc sửa lỗi. Ðó là làm cho bình thủy tinh được trong sạch hơn, tốt đẹp hơn, có giá trị hơn. Trong việc sửa lỗi, tôi chỉ mong giúp anh em được trở nên tốt đẹp hơn mà thôi.
Hơn nữa, chúng ta cũng nên trách thái độ nhìn thấy cọng rác nơi mắt anh em, mà không thấy cây đà to lớn trong mắt mình. Chúa Giêsu đã cho một lời khuyên quí giá: "Con hãy cất đi cái đà trong mắt con trước, rồi con mới thấy rõ mà giúp anh em lấy cọng rác nơi mắt họ".
Ðời sống tốt lành nêu gương ngay chính bản thân, đó là bước đầu tiên để giúp anh em xung quanh được canh tân đời sống: "Yêu người không phải là vuốt ve, nuông chiều họ. Nhưng có lúc yêu người là làm phiền lòng họ, vì sự thật và vì lợi ích của họ". Môi trường đòi buộc con thinh lặng hoạt động. Con cứ thích nghi môi trường, và đi đến đâu con hãy gieo rắc tình thương yêu. Con sẽ ngạc nhiên vì một ngày kia nhìn lại những nơi con đã đi qua, hạt giống tình yêu đã nặng trĩu gấp trăm nơi tâm hồn những người Chúa quan phòng định cho con gặp trên đường hy vọng. Sự lầm lạc lớn nhất là không biết người khác là người đang mang Chúa Giêsu Kitô trong lòng, và có nhiều người đến tận thế mới vỡ lẽ.
Lạy Chúa, xin hãy ban cho con quả tim như Chúa, để con có thể giúp anh em tiến lên trên con đường trở về cùng Chúa. Amen.
(Veritas Asia)


LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Tư Tuần I MC
Bài đọc: Jon 3:1-10; Lk 11:29-32.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Ai cũng có thể ăn năn trở lại.

Mùa Chay là mùa của sám hối ăn năn. Biết bao nhiêu câu truyện của những người sống hoang đàng trở về với Chúa, giúp chúng ta hy vọng vào lòng thương xót của Chúa, và trở về với Ngài. Ví dụ, không ai có cuộc đời ăn chơi trác táng như Augustine, đến nỗi mẹ ông đã phải khóc lóc van xin với thánh Ambrose để xin ngài cầu nguyện và khuyên bảo con mình trở lại. Một cuộc đời cuồng tín, đang trên đường bách hại các tín hữu như Phaolô, sau khi bị ngã ngựa, đã trở thành một người nhiệt thành rao giảng Tin Mừng hơn hết mọi người. Hay sự trở lại của người trộm lành trên Thập Giá: “Lạy Ngài, khi nào về vương quốc của Ngài, xin nhớ đến tôi.” Và Chúa Giêsu hứa với anh: “Ngay hôm nay, anh sẽ được ở cùng ta trên Thiên Đàng.” Những gương trở lại anh hùng này chứng minh cho chúng ta thấy: ai cũng có thể ăn năn trở lại.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh sự trở lại của tòan thành Nineveh sau biến cố rao giảng của tiên-tri Jonah. Trong Bài Đọc I, Nineveh là một thành dân ngọai cực kỳ rộng lớn và rất tội lỗi. Tuy không tin và thờ phượng Đức Chúa của Israel, thế mà khi nghe tiên-tri Jonah rao giảng mới một ngày rằng: “Còn bốn mươi ngày nữa, Nineveh sẽ bị phá đổ;” cả thành: từ Vua đến dân, từ lòai người đến súc vật, đều ăn chay, nằm trên tro bụi, và ăn năn sám hối. Họ hy vọng Thiên Chúa sẽ xót thương và đình chỉ hình phạt của Ngài trên thành, và xảy ra như thế. Trong Phúc Âm, thánh Luca cho một hình ảnh ngược lại, những người Israel tin tưởng Đức Chúa, mặc dù đã được thấy tỏ tường những việc Ngài làm và lắng nghe những lời Ngài rao giảng, đã cứng lòng không chịu ăn năn trở lại, lại còn thách thức Chúa làm những gì họ muốn trước khi có thể tin vào Ngài.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Sự trở lại của dân thành Nineveh

1.1/ Thiên Chúa thương xót và cho dân thành cơ hội trở lại: Nineveh là Baghdad, Iraq, ngày nay. Trong thời của Jonah, đây là thành phố của Dân Ngọai, những người không phải Do-Thái và không tin Thiên Chúa. Không những thế, họ còn là kẻ thù của dân Do-Thái, vì đã mang quân đội phá bình địa Jerusalem, và bắt từ vua tới dân lưu đày qua Babylon. Đây chính là lý do tại sao tiên-tri Jonah bất tuân Thiên Chúa lần nhất không chịu qua Nineveh rao giảng. Tiên tri không thể hiểu nổi tại sao Thiên Chúa lại tỏ lòng thương xót cho một thành Dân Ngọai và là kẻ thù không đội trời chung của Do-Thái. Ông không hiểu Thiên Chúa là Cha của mọi người: Do-Thái cũng như Dân Ngọai. Nếu Ngài là Cha, Ngài phải thương đồng đều tất cả các con: đứa ngoan ngõan cũng như đứa cứng đầu. Ngài đã từng tuyên bố: “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn xám hối để được sống” (Eze 33:11).

1.2/ Dân thành Nineveh tin vào Thiên Chúa: Tiên-tri mới chỉ rao giảng có một ngày, kết quả rao giảng được ghi lại như sau:
- Dân Nineveh tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ.
- Tin báo đến cho Vua Nineveh; Vua rời khỏi ngai, cởi áo choàng, khoác áo vải thô, và ngồi trên tro.
- Vua cho rao tại Nineveh: "Do sắc chỉ của Đức Vua và các quan đại thần, người và súc vật, bò bê và chiên dê không được nếm bất cứ cái gì, không được ăn cỏ, không được uống nước.
Người và súc vật phải khoác áo vải thô và hết sức kêu cầu Thiên Chúa. Mỗi người phải trở lại, bỏ đường gian ác và những hành vi bạo lực của mình. Biết đâu Thiên Chúa chẳng nghĩ lại, chẳng bỏ ý định giáng phạt, và nguôi cơn thịnh nộ, khiến chúng ta khỏi phải chết."

1.3/ Thiên Chúa không phạt dân thành nữa: “Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trở lại, Người hối tiếc về tai hoạ Người đã tuyên bố sẽ giáng trên họ, Người đã không giáng xuống nữa.” Tác giả Sách Jonah không chú trọng đến thần học về các bản tính của Thiên Chúa, nên Bản Bảy Mươi dùng động từ “hối tiếc;” trong khi bản của Do-Thái dùng động từ ở thời thụ động (Niphal): Thiên Chúa động lòng thương và đình chỉ tai họa Ngài định giáng xuống trên họ. Điểm tác giả chú trọng tới là tình thương của Thiên Chúa dành cho tội nhân khi họ biết ăn năn trở lại.

2/ Phúc Âm: Hậu quả phải chịu nếu không biết ăn năn trở lại.

2.1/ Niềm tin không chỉ dựa vào dấu lạ: Người Do-Thái thích dấu lạ, nên họ hay đòi hỏi phải có dấu lạ để bảo đảm niềm tin. Chúa Giêsu không đả phá dấu lạ, vì chính Ngài đã làm rất nhiều phép lạ, nhưng phép lạ chỉ khơi mào niềm tin mà thôi. Niềm tin vững chắc không thể chỉ dựa trên phép lạ, vì rất nhiều người đã chứng kiến phép lạ mà vẫn không tin. Còn đối với những người đã có niềm tin vững mạnh, phép lạ không còn cần thiết nữa. Đó là lý do tại sao Chúa nói: "Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Jonah. Quả thật, ông Jonah đã là một dấu lạ cho dân thành Nineveh thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy.” Dấu lạ Chúa muốn nói ở đây chính là sự chết và sự phục sinh vinh hiển của Ngài.

2.2/ Niềm tin phải đặt căn bản trên sự khôn ngoan: Con người phải dùng trí khôn suy xét để nhận ra sự thật. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu không chỉ làm phép lạ, nhưng Ngài còn mặc khải và dạy dỗ dân để họ biết suy xét tìm ra sự thật. Rất nhiều lần Ngài đã sữa chữa những niềm tin sai lầm của dân chúng, nhất là của các kinh sư và biệt phái. Con người yêu mến sự thực và sự khôn ngoan, đó là lý do tại sao Nữ Hòang Phương Nam đã không quản ngại đường xa mang biết bao lễ vật đến để học hỏi sự khôn ngoan của Vua Solomon. Thế mà có người khôn ngoan hơn Solomon, Người đã ban khôn ngoan cho Solomon, đang đứng trước mặt họ để dạy dỗ. Họ vẫn khinh thường không chịu lắng nghe Ngài!

2.3/ Đạo trên danh nghĩa không bảo đảm được cứu độ: Tin Chúa là phải làm những gì Ngài dạy dỗ; niềm tin trong trí sẽ không giúp được gì cho con người. Điều trớ trêu trong cuộc đời là những con cái trong nhà như dân tộc Israel, những người được học hỏi nhiều như những người Công Giáo; thế mà khi phải biểu tỏ niềm tin nơi Thiên Chúa, họ còn thua cả những Dân Ngọai. Chúa Giêsu cảnh cáo dân Do-Thái, và chúng ta nữa: “Trong cuộc Phán Xét, dân thành Nineveh sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Jonah rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Jonah nữa.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Ai cũng có thể trở lại và ai cũng cần phải ăn năn trở lại. Chúa cho mọi người cơ hội đồng đều để ăn năn trở lại. Chúng ta cũng phải hy vọng và cầu nguyện cho tha nhân được ăn năn trở lại.
- Chúng ta phải nắm lấy cơ hội để học biết Thiên Chúa và ăn năn trở lại; vì chúng ta không biết cơ hội có tới nữa hay không. Đức tin không thực hành sẽ không mang lợi ích gì cho chúng ta.
Lm.Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.


HẠT GIỐNG NẢY MẦM

Gn 3,1-10 - Lc 11,29-32

A. Hạt giống...
Cả hai bài đọc Cựu Ước và Tân Ước đều nhắc tới “dấu chỉ Giôna” :

- Ngày xưa ngôn sứ Giôna đã kêu gọi dân thành Ninivê tội lỗi lo ăn năn sám hối. Mọi người trong thành, từ vua quan đến dân chúng lớn nhỏ, đều đáp lại lời kêu gọi ấy. Chúa thấy lòng thành của họ nên đã tha thứ và không phạt họ.

- Khi nhắc lại chuyện Giôna, Chúa Giêsu  cảnh cáo những người do thái thời Ngài : “Dân thành Ninivê sẽ chổi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giôna rao giảng ; mà đây thì còn có Đấng hơn ông Giôna nữa”.

Như thế, Lời Chúa hôm nay kêu gọi chúng ta sám hối.

B.... nẩy mầm.
1. Sám hối gồm 4 điều : 1/ biết mình có tội ; 2/ buồn ; 3/ tin vào tình thương tha thứ của Chúa ; 4/ quay về với tình thương ấy. Thiếu 1 trong những điều trên thì không phải là sám hối thật.

2. Trong chuyện Giôna, hình ảnh dân thành Ninivê tội lỗi lại dễ thương hơn hình ảnh Giôna ngôn sứ. Ông không muốn tuân theo lệnh Chúa. Ông chỉ muốn dân Ninivê bị phạt. Khi dân thành này sám hối và được tha thì ông giận Chúa. Chúa g dùng tấm gương của họ để kêu gọi Giôna sám hối. Thật lạ lùng : người giảng sám hối lại sám hối sau người nghe giảng. Là những người giảng cho người ta sám hối trong Mùa Chay này, Linh mục tu sĩ chúng ta nghĩ sao về chuyện này ?

3. Người cha rất đau khổ vì đứa con trai theo bạn bè phung phá hết tiền của. Cùng đường, chàng ta viết thư thống thiết xin lỗi cha và ngỏ ý xin cha thương xót. Người cha gửi cho cậu bức điện tín, chỉ có một chữ ”Về” và kí tên cũng chỉ một chữ ”Cha"

Tin Mừng của Chúa cũng là bức điện tín gửi cho thế giới tội lỗi này, với một chữ  viết ”Về” và một chữ kí ”Cha" (Góp nhặt)

Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp.Cần Thơ

12/03/14 THỨ TƯ TUẦN 1 MC
Lc 11,29-32

DẤU LẠ PHỤC SINH
“Quả thật, ông Giona đã là một dấu lạ cho dân thành Ninivê thế nào thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy.” (Lc 11,30)
Suy niệm: Nhắc lại câu chuyện Giona là dấu lạ giúp dân thành Ninivê sám hối, Chúa Giêsu muốn mời gọi người Do Thái cũng nhận ra Ngài là dấu chỉ để mọi người sám hối và tin vào Tin Mừng mà Ngài rao giảng để được cứu độ. Chúa Giêsu còn nhấn mạnh rằng Ngài là dấu chỉ còn lớn lao cao trọng hơn dấu chỉ Giona bội phần khi Ngài ám chỉ sự tích Giona ở trong bụng ba ngày trước khi đến rao giảng cho dân Ninivê chỉ là hình bóng của việc Ngài sẽ sống lại sau ba ngày chịu chôn táng trong mộ. Dấu lạ của Ngài chính là dấu lạ phục sinh. Tiếc thay người Do Thái chỉ vì yêu sách dấu lạ theo ý muốn ngang tàng, thiếu thái độ tin tưởng cách đơn sơ chân thành họ đã không đón nhận dấu lạ để được ơn cứu độ.
Mời Bạn: Chúng ta được tham dự vào “dấu lạ phục sinh” này khi chúng ta cùng chết với Đức Kitô và cùng được sống lại với Ngài trong bí tích Rửa tội. Điều Ngài đòi hỏi để lãnh nhận ơn tái sinh đó là lòng khiêm nhường sám hối và tin tưởng chân thành.
Chia sẻ: Kiểm điểm lại xem các hoạt động của cộng đoàn, giáo xứ có nhằm đào sâu lòng sám hối, tăng trưởng đức tin hay chỉ chú trọng vào nghi lễ hình thức bên ngoài.
Sống Lời Chúa: Làm một việc đạo đức kín đáo để gây ý thức đức tin trong mọi việc của cả ngày sống.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa yêu thương và mạc khải Nước Trời cho những tâm hồn đơn sơ bé nhỏ. Xin Chúa giữ gìn chúng con khỏi lây nhiễm tinh thần thế gian, biết khiêm tốn phục vụ theo gương mẫu của Chúa. Amen.

Con Người sẽ là một dấu lạ 
Mùa Chay là thời gian đọc lại những chuyện lạ Chúa đã làm cho đời mình... Làm sao để lòng sám hối đến từ việc nhận ra những chuyện nhỏ bé mà Chúa vẫn làm cho ta mỗi ngày nhiều lần?


Suy nim:
Khi đọc chuyện ông Giôna người Galilê, ai cũng nhớ ông đã bị cá nuốt ba ngày.
Sau đó ông lại được cá khạc ra trên đất liền mà vẫn còn sống.
Nhưng điều đáng nhớ hơn là sau kinh nghiệm đó Giôna đã biết vâng phục Chúa.
Ông chấp nhận đi giảng cho dân Ninivê, một dân ngoại ở vùng là Irắc bây giờ.
Thật không ngờ, lời rao giảng của ông đã kéo cả nước vào một cuộc hoán cải,
Từ vua đến dân, thậm chí cả súc vật, đều ăn chay, sám hối việc mình làm.
Thái độ của họ đã làm Đức Chúa đổi ý, không đoán phạt nữa.
Đức Chúa không muốn trừng phạt, Ngài chỉ mong con người sám hối.
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy nỗi buồn của Đức Giêsu
khi dân chúng đòi dấu lạ, dù họ đã thấy nhiều phép lạ của Ngài.
Dấu lạ ở đây phải hiểu là một điềm báo hoành tráng từ trời
để chứng thực về con người và sứ mạng của Ngài.
Khi bị cám dỗ trong hoang địa, Ngài đã không nhảy xuống từ nóc Đền thờ.
Ngài không muốn mua lòng tin của con người bằng một cử chỉ ngoạn mục.
Bây giờ Ngài cũng dứt khoát từ chối:
“Họ sẽ không được ban một dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giôna”.
Dấu lạ ông Giôna không phải là chuyện ông bị cá nuốt mà còn sống.
Dấu lạ là chính con người của ông với việc rao giảng của ông.
Dân Ninivê đã sám hối khi nghe Giôna giảng,
nhưng thế hệ đương thời với Đức Giêsu đã từ khước Ngài.
Họ là một thế hệ gian ác (c. 29) vì không chịu sám hối.
Đây còn hơn Giôna, đây còn hơn Salômôn” (cc. 31-32).
Đức Giêsu đã không thành công bằng hai ông này.
dù lời giảng của Ngài còn khôn ngoan hơn lời của vua Salômôn
và thuyết phục hơn lời giảng của ngôn sứ Giôna.
Dân Ninivê và nữ hoàng Shêba sẽ kết án thế hệ này vì sự cứng cỏi của họ.
Mùa Chay là thời gian đọc lại những chuyện lạ Chúa đã làm cho đời mình.
Có những chuyện bề ngoài tưởng là chuyện tự nhiên hay ngẫu nhiên.
Chỉ ai biết nhìn mới thấy lạ.
Có khi chúng ta vẫn thèm Chúa làm một cái gì đó thật kinh khủng
để ta mạnh mẽ đổi đời và từ bỏ hoàn toàn nếp sống cũ.
Làm sao để lòng sám hối đến từ việc nhận ra những chuyện nhỏ bé
mà Chúa vẫn làm cho ta mỗi ngày nhiều lần?
Cầu nguyn:

Như người mù ngồi bên vệ đường
xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy.

Xin cho con được thấy bản thân
với những yếu đuối và khuyết điểm,
những giả hình và che đậy.

Cho con được thấy Chúa hiện diện bên con
cả những khi con không cảm nghiệm được.

Xin cho con thực sự muốn thấy,
thực sự muốn để cho ánh sáng Chúa
chiếu dãi vào bóng tối của con.

Như người mù ngồi bên vệ đường
xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ


Suy Niệm
Nếu để tâm một chút khi đọc Thánh Kinh, chúng ta sẽ nhận ra một vài cách ứng xử khác thường nơi Chúa Giêsu. Cụ thể có những lúc dân chúng không xin Chúa làm phép lạ, Chúa Giêsu làm: Ngài làm phép lạ từ năm cái bánh và hai con cá (Ga 6,1-14). Ngược lại, nhiều lần dân chúng ao ước và "bắt Chúa" làm phép lạ nhưng Ngài không làm, cụ thể qua bài Tin Mừng hôm nay. Vấn đề đặt ra, tại sao Chúa không làm phép lạ trong hoàn cảnh này? Trước khi trả lời, chúng ta nêm tìm hiểu ý nghĩa của việc làm phép lạ.
Có thể nói, Chúa Giêsu làm phép lạ là để tỏ quyền năng của Thiên Chúa Cha, để tăng thêm niềm tin cho dân chúng và để củng cố sức mạnh của các Tông đồ. Quan trọng hơn nữa, Chúa Giêsu làm phép lạ là để cho mọi người nhận ra Ngài là Đấng Cứu Thế mà Thiên Chúa hứa ban; Ngài đã khai mạc Triều Đại Thiên Chúa; đồng thời qua phép lạ Ngài mời gọi con người hãy tin vào Ngài; nhất là hãy trở nên những phần tử Nước Trời. Ngược lại, Chúa Giêsu không phải làm phép lạ là để khoe khoan hay để làm vinh dự cho quê hương, bà con thân thuộc làng Nadaret (Mt 13,53-58).
Muốn trở thành những phần tử của nước Thiên Chúa, trước tiên ta phải có lòng ăn năn sám hối như dân thành Ninive bởi vì Chúa muốn mọi người được sống hạnh phúc: "Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó phải ăn năm sám hối và được sống". Ngoài ra, ta còn phải tin vào Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ; là Người đã chết nhưng đã sống lại, như hình ảnh tiên tri Giôna bị con cá nuốt vào bụng ba ngày nhưng vẫn sống.
Lạy Chúa, ngày nay chúng con thường chạy theo phong trào, nhất là nghe đâu đó có phép lạ là chúng con thường chạy đến đó. Xin Chúa giúp chúng con tin tưởng phép lạ xảy ra hằng ngày nơi chính bản thân của chúng con, đặc biệt là nhận ra được phép lạ qua Bí tích Thánh Thể. Từ đó chúng con múc lấy nguồn sinh lực dồi dào của Chúa trong suốt đời sống của Kitô hữu để chúng con trở thành con của Cha trên trời. Amen.
Lm. Pr Thanh Hà

12-3
Chân Phước Angela Salawa

(1881 - 1922)
A
ngela phục vụ Ðức Kitô và những người bé mọn của Ðức Kitô với tất cả sức mạnh của ngài.
Sinh ở Siepraw, gần Kraków, Ba Lan, ngài là người con thứ 11 của ông bà Bartlomiej và Ewa Salawa. Vào năm 1897, ngài đến Kraków để sống với người chị Têrêsa. Trong Thế Chiến I, ngài giúp đỡ các tù nhân chiến tranh bất kể quốc tịch hay tôn giáo. Ngài thích nghiền ngẫm các văn bản của Thánh Têrêsa Avila và Thánh Gioan Thánh Giá.
Cũng trong thời chiến, ngài đã hết mình chăm sóc các thương binh của Thế Chiến I. Sau năm 1918, vì lý do sức khoẻ ngài phải chấm dứt công việc tông đồ này. Trong nhật ký, ngài tâm sự với Ðức Kitô, "Con muốn Chúa được kính mến nhiều cũng như khi Chúa bị khinh miệt." Ở chỗ khác, ngài viết, "Lạy Chúa, con sống bởi thánh ý Chúa. Chết hay sống là tùy thuộc ý Chúa muốn; xin gìn giữ con vì Chúa có thể làm điều ấy."
Trong lễ phong chân phước năm 1991 ở Kraków, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: "Chính trong thành phố này mà ngài đã hoạt động, đã chịu đau khổ và đã nên thánh. Trong khi sống theo tinh thần của Thánh Phanxicô, ngài vẫn đáp ứng một cách phi thường với tác động của Chúa Thánh Thần(Báo L'Observatore Romano, tập 34, số 4, 1991)
Lời Bàn
Ðừng bao giờ lầm tưởng sự khiêm hạ với thiếu tự tin, thiếu ý chí và không có hướng đi. Chân Phước Angela đã đem Tin Mừng và sự giúp đỡ vật chất cho một số người "bé mọn" của Ðức Kitô. Sự hy sinh này phải khích động chúng ta hành động tương tự.
Lời Trích
Cha Henri de Lubac, dòng Tên, đã viết: "Các Kitô Hữu tốt lành nhất và đầy sức sống nhất thì không thể tìm thấy trong những người khôn ngoan hay tài giỏi, người trí thức hay có đầu óc chính trị, hoặc những người có địa vị xã hội. Bởi đó, những gì họ nói thì không được báo chí để ý đến; những gì họ làm thì công chúng không ai biết. Ðời sống của họ ẩn khuất dưới con mắt thế gian, và nếu họ có được chút gì nổi tiếng, điều đó thường xảy đến cách muộn màng, và rất ngoại lệ, và luôn luôn kèm theo nguy cơ bị bóp méo(The Splendor of the Church [Sự Huy Hoàng của Giáo Hội], trang 187).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét