Trang

Thứ Năm, 13 tháng 3, 2014

NGÀI LÀ THIÊN CHÚA CON THỜ, LÀ NÚI ĐÁ CHO CON ĐƯỢC CỨU ĐỘ!

NGÀI LÀ THIÊN CHÚA CON THỜ, LÀ NÚI ĐÁ CHO CON ĐƯỢC CỨU ĐỘ!

... Cha Bernard Molter là Linh Mục Tuyên Úy Công Giáo các bệnh viện ở Sarreguemines thuộc giáo phận Metz ở miền Đông Bắc nước Pháp. Xin nhường lời cho Cha trình bày chứng từ với tựa đề: “Đức Tin giữa lòng cuộc đời linh mục của tôi chính là những giây phút thuộc về vĩnh cửu”.

Ngày 2-9-2013 tôi có dịp nói chuyện với một phụ nữ liên quan đến vấn đề tàn tật ”thâm sâu”, nghĩa là những anh chị em tàn tật chỉ sống như ”loài thảo mộc, rau cỏ” theo ngôn ngữ bình dân. Bà nói với tôi:
- Sao lại để cho những người này sống? Họ làm gì trên trái đất này? Và tại sao Chúa lại để cho họ sinh ra như thế này?...

Đã không biết bao nhiêu lần tôi nghe những câu hỏi tương tự. Và tôi nhớ đến chứng từ của một huấn luyện viên làm việc trong khung cảnh phong trào Con Tàu (Arche). Phong trào do ông Jean Vanier người Canada thành lập với mục đích cho phép các anh chị em tàn tật tâm trí được tìm thấy chỗ đứng đích thực của mình giữa lòng xã hội. Huấn luyện viên này thành thật thú nhận với tôi:
- Các anh chị em tàn tật tâm trí - bằng một cách thức nào đó - đã từ từ trở thành những bậc thầy thiêng liêng đối với con. Sức sống sinh động của họ không thể nào diễn tả được ra bên ngoài như những anh chị em bình thường khác, nhưng không vì thế mà họ không phải là những người con của THIÊN CHÚA. Không. Các anh chị em tàn tật tâm trí vẫn nhận được ơn lành của Chúa, ngay cả khi nội tâm của họ như bị đóng chặt trong một khối bêtông.

Lời nói của vị huấn luyện viên trên đây đối với tôi giống như một mặc khải. Và tôi nhớ lại các buổi cử hành phụng vụ với các anh chị em tàn tật thể xác và tâm trí. Tôi nhớ cách riêng đến anh Lucien. Trong một buổi cử hành, người ta trao cho anh một cây nến được thắp sáng. Anh cẩn thận nắm chặt cây nến trong tay và chăm chú nhìn ngọn nến. Anh như bị ánh nến thôi miên và khuôn mặt anh trở thành rực sáng giống như gương mặt chói sáng của ông Môisen lúc đi xuống từ trên núi Sinai sau khi đã gặp gỡ trò chuyện với THIÊN CHÚA. Đúng là giây phút của vĩnh cửu được sống trong một ngày bình thường giống như bao nhiêu ngày bình thường khác.

Cách đây rất lâu vào thời gian đầu khi tôi mới khởi sự sứ vụ Linh Mục Tuyên Úy Công Giáo nơi các bệnh viện tâm thần. Tôi nhớ rõ hôm ấy anh Jean-Pierre đang ngồi trầm tư một mình nơi chiếc bàn ở phòng khách và trong tay mân mê điếu thuốc lá. Trước mặt anh có tờ giấy và cây bút máy. Tôi đến chào anh, tự giới thiệu và lịch sự nói:
- Anh đang liên hệ với thế giới bên ngoài phải không vì tôi thấy hình như anh đang viết thư.
Anh trả lời ngay:
- Đúng thế.
Nói xong anh ngừng lại giây lát như tìm kiếm lời lẽ thích hợp cho cuộc trao đổi. Rồi anh nói tiếp:
- Cha biết là con không có liên hệ với nhiều người. Chỉ duy nhất một người viết thư cho con thôi.
Tôi nhã nhặn hỏi:
- Tôi có thể biết người ấy là ai không?
Anh đáp:
- Mẹ của Jeanine. Jeanine là bạn đời của con.
Anh Jean-Pierre xúc động nghẹn ngào đến rơi lệ. Anh cố gắng tự chủ rồi nói tiếp:
- Con đến từ một làng quê ở rất xa. Lý do khiến con di chuyển đến sống tại đây thật đáng xấu hổ. Con không dám nói ra.
Tôi an ủi khích lệ:
- Anh cứ tự nhiên, đừng ngại ngùng gì hết.
Anh Jean-Pierre chậm rãi nhấn mạnh từng tiếng:
- Chính con đã giết chết Jeanine!
Anh ngừng lại và ngước nhìn tôi với ánh mắt buồn thăm thẳm! Tôi hỏi tiếp:
- Và anh yêu cô gái phải không?
Anh Jean-Pierre đáp:
- Con không hiểu tại sao con lại làm thế.
Nói xong câu này anh giữ thinh lặng thật lâu. Tôi cũng đứng im kính trọng niềm đau nỗi khổ của anh. Sau cùng anh hỏi tôi:
- Cha có tha thứ cho con không? THIÊN CHÚA Nhân Lành có thể tha tội cho con không? Thưa Cha con muốn xưng tội!

Anh Jean-Pierre đã khiêm tốn xưng thú mọi lỗi lầm với lòng thống hối ăn năn chân thành. Tôi cảm nhận lòng anh đang tận hưởng niềm an bình, một niềm an bình rộng lớn cao cả hơn là nỗi dày vò ray rứt.

Tin phải chăng là khám phá vĩnh cửu ngay giữa lòng cuộc sống như lời Kinh Tin Kính: ”Tôi tin cuộc sống đời đời?” Văn hào Nga Fiodor Dostoievski (1821-18881) viết trong cuốn Anh Em nhà Karamazov: ”Chỉ có các vấn nạn vĩnh cửu mới đáng chúng ta lưu tâm”. Và đúng như thế. Các vấn nạn vĩnh cửu bắt đầu ngay nơi trần gian trong các kinh nghiệm nhân bản, trong thân xác, trong hơi thở. Không phải trong các lời nói suông, các bài diễn văn, các bài giảng thuyết. Không. Vấn nạn vĩnh cửu ở ngay trong than hồng nóng bỏng của những ngày sống thường nhật.

... Xưa Chúa dùng thị kiến phán bảo những người hiếu trung rằng: ”Ta phù trợ một trang dũng sĩ, cất nhắc lên một người trẻ trong dân. Ta đã tìm ra nghĩa bộc Đavít, đã xức dầu thánh tấn phong Người. Ta sẽ không ngừng đưa tay nâng đỡ, tay quyền năng củng cố vững vàng. Thù địch sẽ không lừa Người nổi, ác nhân chẳng sao hại được Người. Trước mặt Người, Ta sẽ nghiền nát quân cừu địch, bọn thù ghét Người, Ta sẽ đập tan. Ta sẽ yêu thương Người và giữ lòng thành tín, nhờ danh Ta, Người được thêm uy vũ. Thế lực Người, Ta cho trải dài đến Đại Dương, chủ quyền Người, cho mở rộng đến miền Sông Cả. Người sẽ thưa với Ta: ”Ngài chính là Thân Phụ, là THIÊN CHÚA con thờ, là núi đá cho con được cứu độ!” Phần Ta, Ta sẽ đặt Người làm trưởng tử, cao cả hơn vua chúa trần gian. Ta sẽ yêu thương Người đến muôn thưở và thành tín giữ giao ước với Người. Ta cho dòng dõi Người muôn năm tồn tại, cho ngai vàng trường cửu tựa trời xanh .. Với Người, Ta quyết chẳng đoạn tình dứt nghĩa, quyết không hề bội tín thất trung. Giao ước của Ta, Ta sẽ không vi phạm, miệng đã nói ra, Ta chẳng nuốt lời. Một khi đã thề với danh nghĩa là Đấng Thánh, thì cùng Đavít, Ta chẳng thất tín đâu. Dòng dõi Người sẽ trường tồn vạn kỷ, trước mặt Ta, ngai báu Người bền vững tựa thái dương, muôn đời kiên cố như vầng nguyệt đứng giữa trời cao làm nhân chứng trung thành” (Thánh Vịnh 89(88),20-30/34-38).

(”Église de Metz”, Diocèse de Metz, Novembre 2013, trang 32-33)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét