Trang

Thứ Hai, 29 tháng 2, 2016

01-03-2016 : THỨ BA - TUẦN III MÙA CHAY

01/03/2016
Thứ ba tuần 3 Mùa Chay


Bài Ðọc I: Ðn 3, 25. 34-43
"Với tâm thần sám hối và tinh thần khiêm tốn, chúng tôi được chấp nhận".
Trích sách Tiên tri Ðaniel.
Trong những ngày ấy, Adaria đứng giữa lửa mở miệng cầu nguyện rằng: "Vì danh Chúa, xin đừng bỏ con mãi mãi cho quân thù, và xin đừng huỷ bỏ lời giao ước của Chúa. Xin chớ cất lòng từ bi Chúa khỏi chúng con. Vì Abraham kẻ Chúa yêu, Isaac tôi tớ Chúa, và Israel người lành thánh của Chúa, những kẻ Chúa đã hứa cho sinh con cháu ra nhiều như sao trên trời và như cát bãi biển. Vì lạy Chúa, chúng con đã trở nên yếu hèn hơn mọi dân tộc và hôm nay, vì tội lỗi chúng con, chúng con bị nhục nhã ở mọi nơi. Hiện giờ không còn vua chúa, thủ lãnh, tiên tri, không còn của lễ toàn thiêu, lễ hiến tế, lễ vật, nhũ hương và nơi để dâng lên Chúa của đầu mùa để được Chúa thương. Nhưng với tâm hồn sám hối và với tinh thần khiêm tốn, chúng con xin Chúa chấp nhận; chúng con như những con dê, bò rừng và những chiên béo được dâng lên Chúa làm của lễ toàn thiêu, xin cho của hiến tế chúng con dâng trước tôn nhan Chúa hôm nay, được đẹp lòng Chúa, vì những ai tin tưởng nơi Chúa không phải hổ thẹn. Và bây giờ chúng con hết lòng theo Chúa, kính sợ Chúa và tìm kiếm tôn nhan Chúa. Xin đừng để chúng con phải hổ thẹn, nhưng xin hãy đối xử với chúng con theo lòng nhân hậu và lòng từ bi sung mãn của Chúa. Lạy Chúa, xin làm những việc lạ lùng mà cứu thoát chúng con, và xin cho thánh danh Chúa được vinh quang".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 24, 4bc-5ab. 6-7bc. 8-9
Ðáp: Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương xót của Ngài (c. 6a).
Xướng: 1) Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Ngài. Xin hướng dẫn con trong chân lý và dạy bảo con, vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ con. - Ðáp.
2) Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương xót của Ngài, lòng thương xót tự muôn đời vẫn có. Xin hãy nhớ con theo lòng thương xót của Ngài, vì lòng nhân hậu của Ngài, thân lạy Chúa. - Ðáp.
3) Chúa nhân hậu và công minh, vì thế Ngài sẽ dạy cho tội nhân hay đường lối. Ngài hướng dẫn kẻ khiêm cung trong đức công minh, dạy bảo người khiêm cung đường lối của Ngài. - Ðáp.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Mt 4, 4b
Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.

Phúc Âm: Mt 18, 21-35
"Nếu mỗi người trong chúng con không tha thứ cho anh em, thì Chúa Cha cũng không tha thứ cho chúng con".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu.
Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần không?" Chúa Giêsu đáp: "Ta không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy. Về vấn đề này, thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết, người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: "Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn và tôi sẽ trả cho ngài tất cả". Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y. Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc. Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng: "Hãy trả nợ cho ta". Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: "Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh". Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong. Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu truyện. Bấy giờ chủ đòi y đến và bảo rằng: "Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?" Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ. Vậy Cha Ta trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Hãy Tha Thứ Ðể Ðược Tha Thứ
Linh Mục Chu Văn Hào với biệt hiệu là Pierre đã viết nhiều bài báo và các tác phẩm nổi tiếng có ảnh hưởng sâu rộng trong dân chúng Pháp, nhất là giới trẻ. Ngài đã nêu lên một số nguyên tắc đơn sơ nhưng có hiệu quả lớn lao nếu chịu khó thực hiện. Các nguyên tắc đó là:
1. Chấp nhận nhau.
2. Không xét đoán ai.
3. Không chỉ trích ai.
4. Không bè phái.
5. Nghĩ tốt về kẻ khác.
6. Nói tốt về kẻ khác.
7. Sửa lỗi cho nhau.
8. Cùng nhau suy nghĩ.
9. Luôn luôn tha thứ.
10. Cùng nhau hành động.
11. Liên đới trách nhiệm.
12. Cùng nhau giải trí.
13. Cùng nhau cầu nguyện.
Anh chị em thân mến!
Mười ba nguyên tắc sống đơn sơ kia là mười ba bậc thang quan trọng giúp mỗi người chúng ta tiến lên trên con đường tha thứ cho kẻ khác, để gieo rắc niềm tin và hy vọng vào tâm hồn anh chị em. Ðó chính là bài học mà Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta trong bài Tin Mừng hôm nay.
Theo luật Môisê dạy là tha thứ cho đến bảy lần thôi. Ðó là tha thứ đúng mức độ công bằng của lề luật, của lý luận con người. Nhưng Chúa Giêsu đã trả lời bằng cách nói: "Tha thứ đến bảy mươi lần bảy", nghĩa là tha thứ không cùng, không giới hạn, vượt quá lý luận phàm trần của con người. Hơn nữa, chúng ta phải tha thứ cho nhau như Chúa Giêsu đã thường tha thứ cho chúng ta. Như trong dụ ngôn người đầy tớ mắc nợ mười ngàn nén bạc với ông chủ. Người đầy tớ chỉ xin ông chủ khoan giãn cho một kỳ hạn rồi sẽ trả hết nợ. Nhưng tình yêu thương của ông chủ đã quảng đại tha thứ hết số nợ cho đầy tớ. Sự đáp trả của ông vượt quá sức tưởng tượng của người đầy tớ.
Thế nhưng, anh ta đã không hành xử như vậy đối với người bạn mắc nợ anh một trăm đồng bạc. Anh đã hành hạ và làm nhục nhã đối với người bạn và đòi phải trả hết nợ cho anh.
Bài học Chúa Giêsu muốn dạy cho các tông đồ lúc đó và mọi đồ đệ của Ngài qua mọi thời đại đó là: "Cha Ta trên trời cũng xử với chúng con như vậy, nếu mỗi người trong các con không thành tâm tha thứ cho anh em mình". Chúng ta hãy kiểm điểm lại đời sống của mình trong cách cư xử với tha nhân. Hãy sống điều chúng ta thường cầu nguyện: "Xin Cha tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con".
Ðức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tác giả tập sách "Ðường Hy Vọng" đã chia sẻ tu đức về điểm này như sau: "Chính việc chỉ trích, phê bình là một trở ngại lớn cho đời sống siêu nhiên của con". Chỉ tiêu cực phàn nàn kẻ khác, quấy rầy họ và nuôi sự đắng cay trong lòng con. Va chạm với người khác là sự thường, vì sống trong một xã hội mà không có sự va chạm nhau thì chỉ trên thiên đàng mới có. Một hòn đá nhờ va chạm mà mới hơn, tròn hơn, sạch hơn và đẹp hơn.
Phàn nàn là một bệnh dịch hay lây, là triệu chứng của sự bi quan, mất bình an, nghi ngờ, mất nhuệ khí kết hiệp với Chúa. Bác ái không phải chỉ có yêu thương và tha thứ. Bác ái là cả một hành động để tạo bầu khí mới giữa cộng đồng làng xã, quốc gia, quốc tế. Biến thế giới của thú vật nên thế giới của con người. Biến thế giới của con người nên thế giới của con Chúa. Chỉ sống trong giây phút hiện tại, đó là điều quan trọng. Do đó đừng nhớ ngày hôm qua của anh em để chỉ trích, đừng nhớ ngày hôm nay của con để khóc lóc, nó còn trong tương lai. Hãy trao quá khứ cho lòng nhân từ của Thiên Chúa. Trao tương lai cho sự quan phòng của Ngài và trao tất cả cho tình yêu của Thiên Chúa.
Anh chị em thân mến!
Phàn nàn, chỉ trích là dấu chứng tỏ chúng ta chưa tha thứ hay tha thứ không thật tình. Không sống tha thứ cho nhau, chúng ta sẽ không có bình an trong tâm hồn, trở nên người hay nghi ngờ, bi quan, mất nhuệ khí. Hãy tha thứ cho nhau và noi gương Chúa để biến thế giới của thú vật thành thế giới của con người. Biến thế giới của con người thành thế giới của con Thiên Chúa. Hãy sống trong tình yêu Chúa luôn mãi.
Lạy Chúa, xin thương hướng dẫn con trên con đường canh tân cuộc sống đức tin và đức ái. Xin ban cho con mỗi ngày được trở nên giống Chúa hơn, để xây dựng hòa bình và hòa hợp với mọi người trong môi trường con sống hằng ngày. Amen.
Veritas Asia


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần III MC
Bài đọc: Dan 3:25, 34-43; Mt 18:21-35.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tha thứ như đã được thứ tha.
Có hai thái độ thường xảy ra khi con người lâm vào cảnh gian nan khốn khó: Họ có thể chọn thái độ tiêu cực: trách Trời và trách tha nhân đã xô đẩy họ vào hòan cảnh đau khổ như chiến tranh, thiên tai, nghèo đói, thất nghiệp … Hay họ có thể chọn thái độ tích cực: đấm ngực xét mình xem tại sao những điều này xảy ra; sau đó biết thống hối ăn năn, thú tội, và sửa sai để những điều đó đừng xảy ra nữa.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong chủ đề con người phải biết ăn năn và trông cậy vào tình thương tha thứ của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, Daniel công khai thú tội của Israel từ đám lửa, và nài xin Thiên Chúa nhớ đến tình thương và giao ước Ngài đã hứa với các Tổ phụ, mà tha thứ cùng cứu thóat ba trẻ từ lò lửa và Israel khỏi cảnh lưu đày. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đưa ra một dụ ngôn để dạy các môn đệ phải tha thứ không điều kiện, và Ngài cảnh cáo các ông: “Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.”

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Daniel cầu xin Thiên Chúa tha thứ từ trong lò lửa.
1.1/ Daniel tích cực cậy trông vào lòng thương xót của Thiên Chúa: Trong lò lửa, Daniel biết chỉ có Thiên Chúa mới có thể giải thóat ông, hai bạn, và Israel khỏi chết. Ông dựa vào hai điều để van xin lòng thương xót của Thiên Chúa:
(1) Danh Thánh của Thiên Chúa: Israel là dân riêng được Thiên Chúa tuyển chọn, và chính Thiên Chúa đã ký kết giao ước với các Tổ-phụ để bảo vệ dân. Các dân tộc chung quanh Israel đều biết điều này. Vì thế, Daniel xin Thiên Chúa đừng để cho các dân tộc khinh thường Danh Chúa vì Ngài đã không bảo vệ được Dân Ngài: “Ôi! Vì danh thánh Chúa, xin đừng mãi mãi bỏ rơi chúng con, đừng huỷ bỏ giao ước của Ngài!”
Theo Giao-ước của Thiên Chúa với Tổ-phụ Abraham, “Ngài đã hứa làm cho dòng dõi họ đông đảo như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển. Thế mà hôm nay, lạy Chúa, vì tội lỗi chúng con, chúng con đã thành dân nhỏ nhất, đã nếm mùi ô nhục trên khắp hoàn cầu.” Israel đã mất tất cả: quê hương, Đền Thờ, và nhất là tình thương của Thiên Chúa: “Ngày nay chẳng còn vị thủ lãnh, chẳng còn bậc ngôn sứ, chẳng còn người chỉ huy. Lễ toàn thiêu, lễ hy sinh đã hết, lễ tiến, lễ hương cũng chẳng còn, chẳng còn nơi dâng của đầu mùa lên Chúa để chúng con được Chúa xót thương.”
(2) Tình nghĩa của Thiên Chúa với các Tổ-phụ: Daniel biết sở dĩ Thiên Chúa đã ký kết giao ước với Israel, là vì niềm tin tuyệt đối của các Tổ-phụ. Vì thế, Daniel dựa vào lòng trung tín của các Tổ-phụ để xin Thiên Chúa tỏ tình thương tha thứ với dân tộc Israel: “Vì tình nghĩa với bạn thân Ngài là Abraham, với tôi tớ Ngài là Isaac, và kẻ Ngài thánh hoá là Israel, xin Ngài đừng rút lại lòng thương xót đã dành cho chúng con.”
1.2/ Khiêm nhường ăn năn và xin thay đổi đời sống.
(1) Khiêm nhường thống hối: Daniel biết mình và con dân Israel không có công trạng gì để được Thiên Chúa xót thương, vì tất cả đều xúc phạm đến Ngài; nhưng ông biết Thiên Chúa sẽ tỏ tình thương những cho những ai biết ăn năn xám hối như lời Thánh Vịnh “một tấm lòng tan nát dày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê,” nên ông cầu xin Thiên Chúa: “Xin nhận tâm hồn thống hối và tinh thần khiêm nhượng của chúng con, thay của lễ toàn thiêu chiên bò, và ngàn vạn cừu non béo tốt.” Tuy không còn Đền Thờ để dâng của lễ; nhưng Thiên Chúa “muốn tình yêu chứ đâu muốn hy lễ!” Vì thế, bất cứ ở đâu, con người đều có thể dâng tình yêu để đền tội.
(2) Tuyên hứa thay đổi đời sống: Tội lỗi gây rất nhiều thiệt hại cho con người. Vì thế, khi đã nhận ra hậu quả của tội, con người phải dốc lòng chừa và cố gắng đừng tái phạm nữa. Một trong những điều chính yếu con người phải nhận ra khi xét mình: Những lời chỉ dạy của Thiên Chúa luôn đúng, hành động con người sai trái vì làm ngược lại những gì Ngài dạy. Vì thế, để có thể sống tốt đẹp hơn, con người phải vâng lời làm theo những gì Thiên Chúa dạy: “Ước gì chúng con theo Ngài mãi đến cùng, vì những ai tin cậy vào Ngài, đâu có phải ê chề thất vọng. Và giờ đây, chúng con hết lòng đi theo Chúa, kính sợ Ngài và tìm kiếm Thánh Nhan. Xin đừng để chúng con phải thẹn thùng xấu hổ.”
2/ Phúc Âm: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.”
2.1/ Điều kiện để được tha thứ: Con người phải tha thứ vì đã được thứ tha. Phêrô thắc mắc: "Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?" Phêrô tự nghĩ “quá tang 3 bận;” nhưng để cho chắc ăn, ông tăng lên gấp đôi và cộng thêm một lần nữa. Nhưng ông ngạc nhiên khi Chúa Giêsu trả lời ông: "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy." Lý do đơn giản Chúa muốn nói với Phêrô: Hãy tha thứ nhiều lần như Thầy đã tha thứ nhiều lần cho con.
2.2/ Hậu quả nếu không chịu tha thứ: Để dẫn chứng tình thương tha thứ bao la của Thiên Chúa và sự ích kỷ nhỏ mọn của con người, Chúa Giêsu đưa ra một dụ ngôn:
(1) Đã được tha thứ 10,000 yến vàng: Đây là một số nợ khổng lồ. Một lạng vàng trị giá thị trường hôm nay khỏang 1000 dollars; 10,000 lạng tương xứng với 10 triệu đồng. Nhà Vua chạnh lòng thương và sẵn sàng tha thứ hết cho tên đầy tớ khi ông ta van xin.
(2) Không chịu thứ tha 100 quan tiền: Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Món nợ 100 quan tiền tương đương với khỏang 10 dollars, một món nợ quá nhỏ so với 10 triệu dollars; thế mà y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: "Trả nợ cho tao!" Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: "Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh." Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ.
Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện. Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo: "Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?" Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. Chúa Giêsu kết luận: “Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình."

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Khi phải vương vào cảnh gian nan khốn khổ, chúng ta đừng vội đổ lỗi cho Thiên Chúa và cho tha nhân; nhưng hãy biết khiêm nhường xét mình để tìm hiểu lý do tại sao chúng ta lâm vào tình trạng khốn khổ đó.
- Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót. Ngài không chấp tội chúng ta và sẵn sàng tha thứ hết mọi tội lỗi; nhưng Ngài đòi chúng ta phải biết xám hối và cũng sẵn lòng tha thứ cho tha nhân như vậy.
- Tội vừa làm thiệt hại cá nhân vừa làm thiệt hại cộng đòan. Sau khi đã được tha thứ, chúng ta hãy tránh xa tội và canh tân đời sống bằng cách thực thi những gì Chúa dạy bảo.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


01/03/16 THỨ BA TUẦN 3 MC
Mt 18,21-35

Suy niệm: Trước tình trạng bạo lực đang ngày càng gia tăng tới mức “kịch trần,” người ta truy tìm nguyên nhân của nó và càng lo lắng hơn, vì bạo lực phát xuất từ tâm hồn con người. Người ta chế tạo được những thứ vũ khí chui vào mọi ngõ ngách hang ổ để hủy diệt kẻ thù, nhưng chưa có thứ vũ khí nào có thể vào tận sâu tâm hồn con người để hủy diệt mọi nguyên cớ bạo lực. Vì thế, xúc phạm tiếp nối xúc phạm, báo thù tiếp nối báo thù. Một người xúc phạm, người kia báo thù; thế là cả hai trở thành người kẻ thù, và cứ thế bạo lực ngày càng gia tăng. Bấy giờ, người ta còn tệ hơn loài cầm thú khi giết chóc, báo thù nhau, không còn là anh em con một Cha trên trời nữa. Phê-rô cho rằng phải tha thứ đến “bảy lần,” tưởng thế đã là nhiều; nhưng đối với Chúa Giê-su như thế vẫn chưa đủ. Là con cái Chúa thì phải nên giống Ngài, trước tiên ở nết biết tha thứ cho nhau như Ngài tha thứ cho chúng ta. Đó là tha thứ đến “bảy mươi lần bảy”nghĩa là tha thứ vô điều kiện, là tha thứ đến vô cùng.
Mời Bạn: Bạn đang hằn học với ai? Bạn đang nghỉ chơi với ai? Chẳng lẽ bạn cứ muốn sống trong sự “chật hẹp” mãi sao? Tầm vóc tâm hồn của bạn lớn hơn bạn tưởng, bởi nó có khả năng tha thứ và vươn đến mọi người, vì Chúa tạo dựng nên nó như thế.
Sống Lời Chúa: Nhẩm đi nhẩm lại lời Chúa dạy: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết tha thứ, như Chúa tha thứ cho con.

Hết lòng tha thứ 
Chúng ta đều là người mắc nợ và đều là đầy tớ của Thiên Chúa. Tôi nợ Chúa nhiều hơn anh em tôi nợ tôi gấp bội.


Suy nim:
“Tôi viết cho anh, người bạn vào giây phút cuối của đời tôi…
Vâng, tôi cũng xin nói với bạn tiếng Cám ơn và lời Vĩnh biệt này…
Ước gì chúng ta, những người trộm lành hạnh phúc,
được thấy nhau trên Thiên đàng, nếu Thiên Chúa muốn,
Người là Cha của hai chúng ta.”
Đây là những câu cuối trong di chúc của cha Christian de Chergé,
tu viện trưởng của một đan viện khổ tu ở Tibhirine, nước Algérie, châu Phi.
Cha viết những câu này vào cuối năm 1993 cho một người nào đó sẽ giết mình.
Ngày 21-5-1996, cha đã bị nhóm Hồi giáo vũ trang chặt đầu
cùng với sáu tu sĩ khác trong đan viện.
Cha Christian gọi kẻ sẽ giết mình là bạn, chứ không phải là kẻ thù hay sát nhân.
Cha coi mình cũng là tên trộm lành chẳng khác gì anh ta, cũng cần được tha thứ.
Cha chỉ mong gặp lại anh ta trên Thiên đàng,
vì cả hai đều là con, cùng được tha vì được yêu bởi Thiên Chúa.
Dụ ngôn hôm nay hẳn đã ảnh hưởng đến suy nghĩ của cha Christian.
Có hai người mắc nợ, cả hai đều là đầy tớ của cùng một ông chủ.
Một người mắc nợ ông chủ một món nợ cực lớn, mười ngàn yến vàng.
Một người mắc nợ đồng bạn mình một món nợ nhỏ, một trăm quan tiền,
mà người đồng bạn ấy lại chính là người đang mắc nợ ông chủ.
Cả hai đều không trả nổi và năn nỉ xin hoãn.
Ông chủ chạnh lòng thương tha luôn món nợ cho người thứ nhất.
Nhưng người này lại dứt khoát không chịu hoãn lại cho người thứ hai.
Anh ta đã tống bạn mình vào ngục.
“Đến lượt ngươi, ngươi lại không phải thương xót người đầy tớ đồng bạn
như chính ta đã thương xót ngươi sao?” (c. 33).
Lòng thương xót tha thứ của Thiên Chúa như dòng suối chảy vào đời tôi.
Thương xót tha thứ chính là để cho dòng suối ấy chảy đi,
chảy đến với người xúc phạm đến tôi nhiều lần trong ngày.
Tôi tha bằng chính sự tha thứ mà tôi đã nhận được từ Thiên Chúa.
Không tha là giữ dòng suối đó lại, và biến nó thành ao tù.
Không tha là đánh mất cả những gì mình đã nhận được.
Người mắc nợ ông chủ nhiều, đã được tha một cách quảng đại bất ngờ,
nhưng sự tha thứ đó đã bị rút lại.
Chỉ ai biết cho đi sự tha thứ mới giữ lại được nó cho mình.
Chúng ta đều là người mắc nợ và đều là đầy tớ của Thiên Chúa.
Tôi nợ Chúa nhiều hơn anh em tôi nợ tôi gấp bội.
Sống với nhau tránh sao khỏi có lúc thấy mình bị xúc phạm.
Chỉ tha thứ mới làm cho tôi đi vào được trái tim của Thiên Chúa nhân hậu.
Chỉ tha thứ mới làm tôi được nhẹ lòng, và người kia được giải thoát.
Cầu nguyn:

Lạy Thiên Chúa, đây lời tôi cầu nguyện:
Xin tận diệt, tận diệt trong tim tôi
mọi biển lận tầm thường.

Xin cho tôi sức mạnh thản nhiên
để gánh chịu mọi buồn vui.

Xin cho tôi sức mạnh hiên ngang
để đem tình yêu gánh vác việc đời.

Xin cho tôi sức mạnh ngoan cường
để chẳng bao giờ khinh rẻ người nghèo khó,
hay cúi đầu khuất phục trước ngạo mạn, quyền uy.

Xin cho tôi sức mạnh dẻo dai
để nâng tâm hồn vươn lên khỏi ti tiện hằng ngày.

Và cho tôi sức mạnh tràn trề
để âu yếm dâng mình theo ý Người muốn.
R. Tagore
(Đỗ Khánh Hoan dịch)

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
1 THÁNG BA
Một Hình Bóng Của Đất Hứa
Trong Mùa Chay, chúng ta được mời gọi một cách đặc biệt bước vào thực tại vượt qua. Thực tại này được tìm thấy nơi Đức Kitô. Đồng thời, thực tại này cũng dành cho chúng ta. Nó phải bao trùm lấy chúng ta, như đám mây đã bao trùm Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an trên núi Hiển Dung (Lc 9,34).
Lời hứa của giao ước mới được hoàn thành xuyên qua mầu nhiệm vượt qua – một mầu nhiệm chạm đến con người. Trong mầu nhiệm đó, chúng ta nhận thấy lời cam kết của Thiên Chúa được hoàn thành trọn vẹn: lời cam kết đưa dẫn Abraham và con cháu ông vào miền Đất Hứa. Trong nhiều thế hệ, miền đất này đã trở thành It-ra-en của Giao Uớc Cũ. Tuy nhiên, đó chỉ là một bóng hình báo trước miền đất mà Thiên Chúa đã trao ban cho chúng ta trong Đức Kitô.
Vì Thiên Chúa của Giao Ước Mới không hạn định lời hứa của Ngài nơi bất cứ một đất nước riêng rẽ nào hay bất cứ một nơi chốn chất thể nào. Không một nơi chốn nào trên trần gian có thể chứa đựng được hoạt động cứu độ của Thiên Chúa đối với những ai qui tụ lại trong Đức Kitô. Về mầu nhiệm này, Thánh Phao-lô viết: “Còn chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giê-su Kitô từ trời đến cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,20-21).
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 01- 3
Thứ Ba trong tuần thứ Ba Mùa Chay
Đn 3:25,34-43;  Mt 18:21-35

Lời Suy Niệm: “Bấy giờ ông Phêrô đến gần Đức Giêsu mà thưa rằng: Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không? Đức Giêsu đáp: Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là bảy mươi lần bảy.”
Trong tuần III Mùa Chay. Giáo Hội dùng Lời Chúa mời gọi chúng ta cần phải vui sống với nhau trong yêu thương tha thứ cho nhau không giới hạn, đồng thời nhận ra lỗi lầm của mình:  “Anh em tha thứ cho nhau” (Mt 18,21-22). Đồng thời cũng nhắc nhở cho mỗi người nhớ lại lời cam hứa và cầu xin với Thiên Chúa trong Kinh Lạy Cha, mà chúng ta đọc nhiều lần trong ngày: “Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con” (Mt 6,12). Nếu chúng ta không biết sống trong yêu thương tha thứ với anh em mình. Thì phải nhớ lại:   “Dụ ngôn tên mắc nợ không biết thương xót” (Mt 18,23-35). Để mà sám hối. Tất cả những điều này, Giáo Hội gợi cho mỗi người chúng ta đặt niềm tin và hy vọng vào sự rộng lòng thương xót và tha thứ của Thiên Chúa, để chúng ta cùng vui sống với nhau.
Lạy Chúa Giêsu. Chúa dạy chúng con: “Nếu người anh em xúc phạm đến anh, thì hãy khiển trách nó; nếu nó hối hận, thì hãy tha thứ cho nó. Dù nó xúc phạm đến anh một ngày đến bảy lần, rồi bảy lần trở lại nói với anh: Tôi hối hận, thì anh cũng phải tha cho nó.” (Lc 17,3b-4). Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn sống với lòng thương xót để được Chúa xót thương; và sống trong niềm vui với nhau.
Mạnh Phương


01 Tháng Ba
Tro Tàn Của Lịch Sử
Một buổi sáng dạo đầu tháng 8 năm 1990, dân chúng Bulgary bỗng chứng kiến một cảnh khác thường tại quảng trường chính ở thủ đô Sofia: người ta kéo thi hài của chủ tịch Georgi Dimitrov ra khỏi lăng tẩm và mang đi hỏa táng. Chỉ có một vài người thân của ông tham dự nghi lễ hỏa táng. Sau đó, tro tàn của ông được mang đi cải táng bên cạnh phần mộ của mẹ ông.
Georgi Dimitrov đã từng được tôn thờ như anh hùng dân tộc vì đã đánh đuổi được Phát xít và sáng lập Ðảng Cộng Sản Bulgary. Năm 1949, khi ông qua đời, người ta đã ướp xác ông và đặt vào trong lăng tẩm để dân chúng chiêm ngắm và suy tôn. Nhưng vinh quang của quá khứ ấy đã không đủ sức để bảo vệ ông khỏi đống tro của lịch sử...
Người ra lệnh đưa ông ra khỏi lăng tẩm và hỏa táng không ai khác hơn chính là Ðảng Cộng Sản Bulgary nay đã đổi tên thành Ðảng Xã Hội...
Georgi Dimitrov là một trong số các lãnh tụ Cộng Sản như Lênin, Mao Trạch Ðông, Hồ Chí Minh đã được ướp xác và tôn thờ trong lăng tẩm như các vua chúa Ai Cập thời cổ...
Con người bởi đâu mà ra? Con người sống để làm gì trong cõi đời này? Con người sẽ đi về đâu sau cái chết?... Nếu ai cũng nghiêm chỉnh từ đặt ra chi mình những câu hỏi lớn ấy thì có lẽ không ai còn nhọc công để chạy theo tiền của, danh vọng, không ai còn nghĩ đến chuyện ướp xác và xây lăng tẩm nữa... Có ai thoát khỏi đống tro tàn của lịch sử? Hôm nay người ta tôn thờ, ngày mai người ta hạ bệ. Hôm nay người ta ướp xác, ngày mai người ta lại đưa ra đốt...
Là người có niềm tin, chúng ta đặt tin tưởng nơi Ðức Kitô. Qua cuộc sống, cái chết và sự Phục Sinh. Chúa Giêsu đã mang lại giải đáp cho tất cả những câu hỏi lớn của đời người. Phúc thay cho những ai biết mình từ đâu đến, biết mình sống để làm gì và biết mình sẽ đi về đâu. Một ý nghĩa, một hướng đi cho cuộc sống: phải chăng đó không là điều chúng ta đang tìm kiếm?
Tin Mừng ghi lại phép lạ Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều cho hơn 5 ngàn người ăn. Chỉ bằng một lời nói, chỉ trong chớp nhoáng, Chúa Giêsu đã có thể nuôi sống hàng ngàn người đói khát. Với quyền năng của Thiên Chúa, Chúa Giêsu có thể vung cây đũa thần để mang lại no cơm, ấm áo cho nhân loại. Nhưng Ngôi Hai Thiên Chúa đã không làm người vì sứ mệnh ấy. Ngài đến để mang lại một thức ăn khác: một thức ăn sẽ không làm cho con người phải đói khát, phải chết, phải mai một trong hư vô của tiền của và danh vọng nữa... Ngài đến để mang lại cho chúng ta Sự Sống trường sinh... Ðó là lý do đã khiến Chúa Giêsu khước từ không chịu làm vua khi người ta muốn tôn vinh Ngài. Sau bữa ăn do phép lạ hóa bánh ra nhiều, Ngài mời gọi con người hãy hướng đến của thức ăn không hư nát, của ăn mang lại sự sống bất diệt.
(Lẽ Sống)

Lectio Divina: Mátthêu 18:21-35
Thứ Ba, 1 Tháng 3, 2016
Thứ Ba Tuần III Mùa Chay                                


1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa là Thiên Chúa
Chúa muốn chúng con sống đức tin của chúng con
Không phải như là một bộ lề luật quy tắc và các thói quen
Mà như là một mối quan hệ giữa người và người
Với Chúa và với tha nhân.  Lạy Chúa, xin hãy giữ cho tâm hồn chúng con luôn hướng về Chúa,
Để chúng con có thể sống với những gì chúng con tin
Và để cho chúng con có thể bày tỏ tình yêu của mình dành cho Chúa
Trong các việc phục vụ cho những người xung quanh chúng con,
Như Đức Giêsu, Con Chúa, đã làm,
Người là đấng hằng sống với Chúa và Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

2.  Phúc Âm – Mátthêu 18:28-35

Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng:  “Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần?  Có phải đến bảy lần không?”  Chúa Giêsu đáp:  “Ta không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy.”
“Về vấn đề này, thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết, người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc.  Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ.  Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ mà van lơn rằng:  ‘Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn và tôi sẽ trả cho ngài tất cả’.  Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y. 
Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc.  Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng:  ‘Hãy trả nợ cho ta’.  Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn răng:  ‘Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh’.  Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong.  Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu chuyện.  Bấy giờ chủ đòi y đến và bảo rằng:  ‘Tên đầy tớ ác độc kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?’  Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ.  Vậy Cha Ta trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình”.   

3.  Suy Niệm

-  Bài Tin Mừng hôm nay nói với chúng ta về sự cần thiết cho việc tha thứ.  Thật không phải là dễ dàng để mà tha thứ, bởi vì có những nỗi sầu khổ và đớn đau vẫn tiếp tục đốt cháy tim can.  Có người nói rằng:  “Tôi tha thứ, nhưng tôi không quên được!”  Những ác ý, căng thẳng, ý kiến dị biệt, xúc phạm, chuyện bực mình, khiêu khích, tất cả những điều này làm cho sự tha thứ và hòa giải trở thành khó khăn. Chúng ta hãy cố gắng suy niệm về những lời của Chúa Giêsu nói về việc hòa giải (Mt 18:21-22) và lời Chúa nói với chúng ta về dụ ngôn của việc tha thứ không có giới hạn (Mt 18:23-35).   
-  Mt 18:21-22:  Tha thứ bảy mươi lần bảy!  Chúa Giêsu đã nói về sự quan trọng của việc tha thứ và nhu cầu của việc biết cách chấp nhận các anh chị em để giúp họ hòa mình với cộng đoàn (Mt 18:15-20).  Trước những lời này của Chúa Giêsu, ông Phêrô hỏi Chúa rằng:  “Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần?  Có phải đến bảy lần không?”  Con số bảy chỉ ra sự trọn vẹn. Trong trường hợp này, nó đồng nghĩa với mãi mãi.  Chúa Giêsu đã đi xa hơn lời đề nghị của ông Phêrô.  Người loại trừ mọi khả năng giới hạn việc tha thứ:  “Ta không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy!”  Đó có nghĩa là, bảy mươi lần mãi mãi!  Bởi vì không có tỉ lệ nào so sánh giữa sự tha thứ mà chúng ta nhận được từ Thiên Chúa với sự tha thứ mà chúng ta nên trao cho người anh em, như bài dụ ngôn của sự tha thứ không có giới hạn đã dạy chúng ta.
-  Câu nói bảy mươi bảy lần là một viện chứng rõ ràng về những lời của Laméc đã nói:  “Vì một vết thương, ta đã giết một người, vì một chút sây sát, ta đã giết một đứa trẻ.  Cain sẽ được báo thù gấp bảy, nhưng Laméc thì gấp bảy mươi bảy!”  (St 4:23-24).  Chúa Giêsu muốn đảo ngược vòng xoáy bạo lực đã tiến vào thế gian vì sự bất tuân của ông Adong và bà Evà, bởi vì việc Cain sát hại Abel và vì lòng báo thù của Laméc.  Khi mà bạo lực vô độ xâm nhập vào đời sống, thì mọi việc sẽ đi sai hướng và sự sống tự hủy chính mình.  Trận Đại Hồng Thủy đã tràn đến và tháp Babel đã xuất hiện cho quyền thống trị phổ quát (St 2:1-11:32).
-  Mt 18:23-35:  Dụ ngôn về việc tha thứ không giới hạn.  Món nợ mười ngàn nén bạc thì xấp xỉ khoảng 164 tấn vàng.  Món nợ một trăm đồng bạc thì có giá trị khoảng 30 gram vàng.  Không có sự so sánh giữa hai món nợ này!  Ngay cả nếu như con nợ cùng với vợ con người ấy đi làm cả đời cũng không thể nào có được 164 tấn vàng.  Trước tình yêu cho đi cách nhưng không của Thiên Chúa về món nợ 164 tấn vàng của chúng ta, thì nhiều hơn phần chúng ta tha không món nợ 30 gram vàng, bảy mươi lần mãi mãi!  Giới hạn duy nhất cho sự tha thứ nhưng không của Thiên Chúa là việc chúng ta không thể tha thứ cho anh em mình! (Mt 18:34; 6:15).
-  Cộng đoàn, không gian chọn lựa cho sự đoàn kết và tình huynh đệ:  xã hội vào thời đế quốc La Mã thì cứng ngắc và lãnh đạm, không có chỗ cho những kẻ bé mọn.  Họ đã đi tìm nơi chốn cho tình người nhưng đã không tìm thấy.  Hội Đường Do Thái cũng đã được cầu xin và đã không cho họ một chỗ nào.  Và trong các cộng đoàn Kitô hữu, sự chặt chẽ của một số người trong việc tuân giữ Lề Luật đã khiến cho cuộc sống chung trở nên khó khăn bởi vì họ vẫn giữ những quy luật của Hội Đường.  Thêm vào đó, vào cuối thế kỷ thứ nhất, trong các cộng đoàn Kitô hữu đã bắt đầu xuất hiện những chia rẽ tương tự như đã xảy ra trong xã hội giữa kẻ giàu người nghèo (Gc 2:1-9).  Thay vì làm cộng đoàn là nơi của sự chấp nhận, họ đã biến cộng đoàn thành chỗ của chỉ trích và xung đột.  Thánh sử Mátthêu muốn soi sáng cho các cộng đoàn, trong một cách mà cộng đoàn là nơi chọn lựa cho sự đoàn kết và tình huynh đệ.  Họ phải là Tin Mừng cho người nghèo.       
                                 
4.  Một vài câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân
                     
-  Tại sao tha thứ lại khó khăn đến như vậy?
 Trong cộng đoàn chúng ta, có chỗ cho việc hòa giải không?  Bằng cách nào?

5.  Lời nguyện kết

Lạy CHÚA, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết,
Lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con.
Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài
Và bảo ban dạy dỗ,
Vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con.
Sớm hôm con những cậy trông Ngài, bởi vì Ngài nhân ái.
(Tv 25:4-5)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét